LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG VI
CỰC VI NHƯ HUYỄN
THỜI GIAN NHƯ HUYỄN

Đến đây, để thành tựu thêm một phần nữa cái nhãn quan của chúng ta khi nhìn vào cảnh giới Hoa Nghiêm, chúng ta hãy cố gắng đi vào Cực vi. Đi vào Thời gian… về hai điểm này, những điểm chỉ dạy bởi lời kinh xua đều khá rõ rệt, rõ rệt hơn những điều chỉ dạy về Không gian cùng sự lay động (tức chuyển động).

Cực vi phải chăng là một thực tại, hay phải chăng chỉ là một tuồng-biến-hiện, một ảnh tượng biến-hiện-như-huyễn? Thời gian cũng vậy, có thực tại gì chăng, hay cũng lại chỉ là những ý niệm biến hiện, tùy theo tâm thức phân biệt của mỗi chúng sanh, mỗi loài chúng sanh, mỗi cõi ? ?…

Chân lý xiển minh bởi chư Như Lai là một thiên-la-võng. Bao trùm hết thảy pháp giới. Một hệ thống lớn như một thế giới hải, hoặc một vật nhỏ như một vi trần cũng đều ở trong Chân lý ấy, không thể lọt ra khỏi. Các loài chúng sanh chúng ta cũng đều nằm trong đó, đi lăng xăng quanh quẩn, tương tự như xưa kia, ngài Thiện Tài đồng tử đi loanh quanh trong lỗ chân lông của ngài Phổ Hiền, đi hoài đi hủy cũng chẳng ra khỏi. Chỉ có một cách duy nhất để siêu xuất Chân lý ấy, là tuân theo những pháp môn tu hành của lời kinh xưa, để Chứng Nhập ngay Chân lý ấy, chứng nhập Thực-tại-cuối-cùng ấy.

Kinh thường dạy: Phật pháp bao gồm mọi pháp thế gian và xuất thế gian. Bồ Tát trụ bậc đệ ngũ địa đã thông suốt mọi sách vở thế gian, mọi công xảo kỹ thuật thế gian cùng mọi pháp thuật hay huyễn thuật ngoại đạo… Thần tượng Computer chẳng hạn, chẳng qua cũng chỉ là một công xảo sử dụng một vài thứ quang minh hạn hẹp của điện tử thôi.

Khoa học là một pháp thế gian. Vậy thì theo lẽ, nếu Chân lý của Chư Phật là tối thắng rốt ráo, chân lý đó cũng phải thâu gồm khoa học ngày nay.

Nên mục đích của chương này chỉ là mong chứng minh được một phần nào rằng: Khoa học không hề khám phá được một định lý nào trái nghịch với lời kinh xưa, và càng đi sâu vào lãnh vực cực đại hay cực tiểu bao nhiêu, lại càng bắt buộc phải nói theo những Chiều Hướng đã được giảng dạy trong lời kinh xưa.

Sở dĩ nói chiều hướng, là vì lời kinh thường như ngón tay chỉ hướng đi, thường nói một cách thống quan khái quát về sự vật cùng pháp giới, cốt dạy chúng ta những pháp môn tu tập, để Chuyển tâm thức trở thành tương ứng với những cảnh giới bao la cùng vi tế, rồi tự mình trực nhận lấy. Chứ không nhằm mô tả tỉ mỉ từng chi tiết như xu hướng của khoa học.

Một nhà học giả Phật người Âu Châu, Henri Percheron, đã viết một câu như sau: “Giáo lý Phật hiện nay đương lan tràn sang cõi trời Tây, và lạ thay, kẻ đồng minh lớn nhất của giáo lý đó lại chính là khoa học…” Nghĩa là những khám phá mới của khoa học ngày càng chứng minh chân lý của lời kinh xưa…

Chúng ta chỉ là Phật tử, không phải khoa học gia, cũng chưa được thiên nhãn thiên nhĩ gì hết, nhưng dù sao cũng có thể nhận định ít nhiều về chiều hướng của khoa học được.

Đem giáo lý của lời kinh xưa để soi sáng bước tiến của khoa học ngày nay, ta có thể dự đoán mấy điểm sau:

– Khoa học ngày càng bắt buộc phải đi vào con đường nghiên cứu radiations tức quang minh, vì đó là con đường đưa đen Thực tại. Nhưng còn lâu lắm thì khoa học mới hiểu được ít nhiều về quang minh của tâm thức. Vì sao? Là vì khoa học chỉ biết tin vào những dụng cụ nhân vi để tìm cách làm hiển lộ (detecter) những quang minh ấy, rồi đo lường, chứ chưa biết dùng ngay tâm thức mình để trực nhập những quang minh đó… Vả lại, dùng dụng cụ để làm hiển lộ không phải là một việc dễ dàng gì­

– Phươmg pháp của khoa học là lối Cogito tức là luân-lý-nhận-thức-theo-ý-niệm, và luôn luôn đối lập chủ-thể-nhận-thức với khách-thể-nhận-thức tức là vật-bị-nhận-thức. Ý niệm thì bao giờ cũng chỉ tưong ứng với một khía cạnh của thực tại thôi.

Do đó, khoa học chỉ có thể biết được một vài khía cạnh của hình tướng sự vật. Không thể biết được bản thể của sự vật, không thể chứng nhập sự vật, không nhập được pháp giới.

Đồng thời, trong rất nhiều năm nữa, chắc rằng khoa học cũng chẳng có hy vọng gì, có thể dùng thủ đoạn nhân vi để chế tạo nổi một sinh vật ngậm-linh-ôm-thức (hàm linh, tức hữu tình). Chỉ có thể chế tạo những robot, hoặc những tế bào hữu cơ đơn sơ ở mức độ ranh giới giữa hữu tình và vô tình mà thôi… Vì sao? Là vì nếu muốn tạo dựng được một sinh vật ngậm-linh-ôm-thức (như Phật hay Đại Bồ Tát làm hóa hiện ra), thì cần phải biết sử dụng những quang minh vi diệu của tâm linh và phải biết chứng nhập những quang minh ấy…

Sau đây là những điểm trong đó, khoa học đã bắt buộc phải lìa bỏ những thành kiến trước kia, để chuyển sang những chiều hướng mới tương tự như chiều hướng đã được giảng dạy trong lời kinh xưa.

Hãy nói trước về lĩnh vực Cực Đại:

1/ Trong khi các kinh sách của nhiều tôn giáo khác ít khi nói tới các cõi khác, thì kinh Phật luôn luôn nhắc tới rằng có vô lượng cõi, có vi trần số cõi, vi trần số thế giới, thế giới chủng, thế giới hải, Phật sát chủng, Phật sát hải. Đồng thời, nói rõ rằng ở mỗi thế giới đều có thể có lục đạo chúng sanh, hoặc nhân hoặc phi nhân.

Khoa học ngày nay đã xác nhận rằng có cơ man không biết bao nhiêu thái dương hệ… Còn về sự hiện hữu của loài người tại các hành tinh hay thế giới khác, thì trước kia, các khoa học thường nuôi một thứ tâm-tưởng-duy-ngã (vue ego-centrique) coi loài người trên trái đất này là độc nhất vô nhị. Ngày nay, họ đã chuyển hướng khác, không dám bác bỏ hẳn cái thuyết có thể có những loài người ở những hành tinh khác… Hiện nay, cũng có rất nhiều tin tức đồn đại về những người extraterriens.

Còn về các chúng sanh phi nhân, thì dĩ nhiên khoa học chưa có cách gì biết nổi.

2/ Từ xưa, kinh Phật đã nói đến những cơn Đại-phong-luân do nghiệp lực khởi lên. Những cơn đại-phong-luân nổi lên, thổi theo vòng hình trôn ốc (spirale), lần lần làm phát hiện những thủy luân, hỏa luân, địa luân… kết tập lần lần thành thế giới. Rồi Hoa Tạng thế giới cứ thế xoay vần miên viễn chẳng bao giờ tạm ngừng giữa khoảng hư không vô tận, lúc hình thành lúc tàn hoại, tương tự như lá mọc lá rụng… Lối chuyển động theo lộ trình vòng tròn-trôn-ốc đó chi phối các hành tinh cùng tinh tú trên thinh không. Còn khi bước tới mức độ của những loài ngậm-linh-ôm-thức, thì sự chuyển động càng ngày càng tự do hơn, có thể lăng xăng đi ngang đi dọc (mou-verment tangentiel hay lateral).

Khoa học từ thời Newton, đã phải có công nhận cách thức xoay vần như vậy của các hành tinh, tinh tú… Ngày nay, khi những phi thuyền không gian của Mỹ bay đi thăm dò hành tinh Saturne hay Neptune gì đó, đã chụp được hình của những vòng đai khí quyển (anneaux) bao quanh hành tinh. Đó chỉ là dấu vết cỏn lại của những con đại phong luân xưa kia nổi lên và tạo thành hành tinh ấy.

3/ Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Các thế giới, thế-giới-chủng, thế-giới-hải (tức giải ngân hà hay galaxies) đều chỉ là những bộ phận, kết lại thành những cánh hoa bất-khả-thuyết. Những cánh hoa đó, khi nở ra, lúc khép lại, kết lại thành một bông Đại Bửu Liên Hoa, đặt trên một cọng hoa gọi là Chủng-chủng-quang-minh-nhụy-hương-tràng. Đại Bồ Tát đến bậc Pháp vân địa, thì có đủ pháp nhãn để nhìn thấy rõ ràng bông Đại Liên Hoa đó, như cầm ở lòng bàn tay mình.

Thiên văn học ngày nay cũng nhận thấy rằng: Có những giải ngân hà có vẻ như Nở tung ra, nên họ đã đưa ra thuyết Big Bang để giải thích. Rồi lại thấy có những giải ngân hà hình như co rút lại. Dĩ nhiên là họ mới chỉ biết thế thôi, chưa thể mường tượng rằng đó có thể là những cánh hoa bất-khả-thuyết lúc nở ra, lúc khép lại. Lại càng không thể biết tới Bông Đại Bửu Liên Hoa của Hoa Tạng thế giới.

4/ Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền đã mô tả rất rõ những hình trạng của các thế giới hay thế giới chủng đó: nào là thế giới ngửa, thế giới úp, thế giới sấp, the giới nghiêng, nào là hình con thoi, hình thiên y, hình bửu quang, hình ngạch cửa, hình giòng nước, hình xoáy nước, hình liên hoa, hình giống như thân chư thiên, hình thân chúng sanh…

Khoa học thì mới chỉ có một ít dụng cụ, chưa có pháp nhãn nên chưa thể biết tới những hình thù đó. Có lẽ mới biết được hình con thoi thôi.

5/ Einstein là một bộ óc đặc biệt, và là nhà khoa học gia đầu tiên đã có ít nhiều hiểu biết siêu xuất về không gian là cái gì? Có thể rằng trong nhiều kiếp tiền thân, ông đã là người tu hành và nghiền ngẫm kinh sách. Chính ông từng nói: “Chắc là trong người tôi cũng có chất người Đông phương.” Người Đông phương thì hay nhìn bằng trực giác và thống quan.

Ông là người đầu tiên nghĩ đến Thể tốc, ảnh hưởng của thể tốc (vitesse) trong không gian bao la. Nghĩ rằng nếu thể tốc thay đổi nhiều, thì hình tướng sự vật có thể thay đổi, và ngay không gian cũng sẽ khác đi… Ông cũng nghĩ rằng có lẽ chính không gian này cũng là một trường lực, và có ý định tạo dựng một thuyết lớn về trường lực (théorie generale du champ de force)… Đó là những điểm đúng và thiên tài của ông.

Nhimg ông mới chỉ nghĩ đến thể tốc của ánh sáng, và cho rằng thể tốc 300.000 km một giây là thể tốc cực kỳ lớn rồi. Có lẽ ông chưa hề nghĩ đến những quang minh khác, vì lý do giản dị là khoa học chưa kiếm được thứ quang minh nào khác, mà thể tốc mau lẹ hơn ánh sáng… Cũng chưa hề nghĩ tới những quang minh của Tâm Thức… Khi ông nghĩ tới việc thay đổi thể tốc, thì ông chỉ nghĩ tới thay đổi thể tốc của cái hệ thống tiêu chuẩn (systeme de reference) chuyển vận con-người-nhận-thức (observateur) mà thôi.

Kinh Phật thì từ ngàn xưa đã dạy rằng tuyệt đối không có ngoan-không, không có khoảng nào là vide cả. Ngoan-không chỉ là một ý niệm giả tạo (faux concept) tạo dựng nên bởi tâm thức con người, để đối lập với những vật mà con người tưởng là có… Kỳ thực thì khoảng trống không nào cũng vậy, cũng đều có thể đầy các loài chúng sanh mà người không biết, và Chắc Chắn là đầy quang minh. Nên khoảng trống không nào cũng là cơ duyên, cơ sự (event hay flux), cũng là trường lực nói theo danh từ ngày nay. Các sự vật cũng vậy, tuyệt nhiên không có vật gì nhất định là vật gì cả, nghĩa là không có tự tánh, không có thực tại cố định. Các vật cũng chỉ là cơ sự mà thôi, chỉ là trường lực. Cái điểm mà ta thường gọi là vật ấy, chỉ là cái hình tướng trung tâm cô đọng của cơn-lốc-quang-minh, và vật nào cũng kéo theo một trường-lực-quang-minh tương đối vô hình của nó… Và nhất là vật chỉ Xuất Hiện trước mắt chúng sanh, theo cái hình tướng Tương Ưng với những chủng-tử-nghiệp-lực của tâm thức chúng sanh ấy. Và khi chúng sanh kia biết tu hành để thanh tịnh hóa thân tâm mình, tức là tăng cường rất nhiều thể tốc chuyển động của quang minh tâm thức, thì Vật lại xuất hiện một cách khác, kỳ diệu hơn và ít ù lỳ lưu ngại hơn.

Đối với không gian cũng vậy. Không gian cũng Xuất Hiện trước mắt chúng sanh. Theo lời kinh, thì Không gian cũng chỉ là một ý niệm, một tâm tưởng, một vọng tưởng điên đảo… Tùy theo thể tốc, hay cách thức, hay nhịp điệu rung chuyển của làn sóng quang minh tâm thức, nên mỗi chúng sanh, mỗi loài chúng sanh đều có một tâm tưởng về không gian riêng biệt. Mỗi cõi cũng vậy, mỗi vi trần cũng vậy. Vì cõi hay vi trần đều hàm chứa một loài chúng sanh mà cộng nghiệp tương đồng tạo dựng nên một tâm tưởng chung về không gian… Tỷ dụ một con giun hay con dế. Tâm thức của chúng rất sơ khai, thấp kém, và thể tốc chuyển động rất chậm, nên chắc rằng đối với chúng, Không gian vọng hiện ra cũng rất hạn hẹp lù mù, có khi chỉ có hai chiều thôi. Tâm thức cũng tương tự như cái đèn, và cái đèn của chúng chỉ chiếu soi được lù-mù-hạn-hẹp vậy thôi.

Chuyển tới những con sinh vật cao hơn như con chó, con ngựa. Tâm thức của chúng đã phức tạp và triển khai rất nhiều so với con giun, con kiến. Tâm thức chấp ngã (ego-conscience) của chúng cũng được kết tập lớn hơn, kiên cố hơn nhiều. Và những làn sóng quang minh của tâm thức chúng phát ra cũng chuyển động nhanh hơn so với con giun… Do đó, Không Gian xuất hiện trước nhãn quan của chúng đã trở thành rộng lớn hơn nhiều, có thể nói là khá bao la, hơi giống như tâm tưởng về không gian của người.

Nay đến Người. Loài người chúng ta hình như chiếm đóng một vị trí khá đặc biệt trong những nấc thang chuyển hóa. Hình như tượng tnmg cho một điểm kết tụ hai tánh chất Thiện Ác ở mức độ giằng co mãnh liệt nhất. Tâm-thức-chấp-ngã (ego conscience) cũng triển khai rất lớn và kiên cố, khó thể gột rửa, nhưng ngay ở giữa tâm thức ấy đã bắt đầu le lói những tia sáng của tâm thức Vô ngã và Vô ngã cũng chính là Chơn ngã… Do đó, người là nấc thang chuyển hóa giữa những loài bàng sanh và Thần linh. Vừa có nhiều thú tính lại vừa có Thần linh tính. Luôn luôn xung đột. Ngay đến những Tư Thế oai nghi của con người cũng vậy. Các loài súc sanh thường đi bằng cách trên bốn cẳng. Con người đôi khi cũng Bò. Nhưng thường thường là Đi bằng hai chân. Trong bốn tư thế đi-đứng-nằm-ngồi của người, thì tư thế đặc biệt nhất là Ngồi. Người có thể ngồi xổm, ngồi phệt, ngồi xếp chân bằng tròn, ngồi bán già, ngồi kiết già theo kiểu Liên hoa. Phật dạy chúng ta phải giữ oai nghỉ, luôn luôn ngồi bán già hay ngồi kiết già. Vì sao? Vì hai tư thế đó là Tư Thế của Thần Lỉnh. Tức là Phật bảo chúng ta phải tập dần những tư thế của thần linh đi, để chuyển hóa lên thành thần linh… Kinh có kể chuyện hai con quỷ đi lang bang, gặp một hành giả ngồi tu thiền. Hành giả ngồi bán già. Hai con quỷ bảo nhau: “Kìa, kìa… có một ngôi chùa bằng bạc đấy!”. Một lúc khác, hành giả ngồi kiết già. Quỷ lại bảo nhau: “Đó là ngôi chùa bằng vàng đấy…”… Một lúc khác, hành giả thấy đau chân, lại ngồi xếp chân bằng tròn. Quy lại cười hĩnh hích bảo nhau: “Ôi thôi, nay là ngôi chùa bằng đất sét rồi”… Bởi vậy, khi ngồi, chúng ta nên luôn luôn ngồi kiết già, hoặc bán già. Chớ liệu ngồi xổm. Vì đó là lối ngồi của súc sanh.

Vậy thì, với một tâm thức đã triển khai lớn và khá mịt mùng, nên những làn-sóng-quang-minh của tâm thức người phát ra đều đạt tới một thể tộc rất mau lẹ, lẹ hơn ánh sáng rất nhiều. Đó là điều mà khoa học chưa thể biết… Cho nên, không gian xuất hiện trước mắt người và tâm thức người cùng rất bao la mịt mùng rộng lớn.

Nay đến Chư Thiên, hay các vị quỷ thần có oai đức. Chư thiên vì tu Thập thiện, nên tâm thức thanh tịnh hơn người nhiều, nhất là ít tâm tưởng dâm dục. Được thọ sanh làm trời con, có sanh đắc thông là thiên nhãn, nhìn thấy rất nhiều thứ, từ núi Tu Di cho đến một số vi trần, hoặc nhìn qua nhiều chất lưu ngại. Quang minh tâm thức cũng chuyển động nhanh hơn người nhiều, nên trước mặt cùng tâm thức họ, không gian xuất hiện rộng rãi bao la mịt mùng hơn nhiều.

Đến bậc Đại Bồ Tát thì thực lạ lùng kỳ diệu, khó nói khó bàn, khó tư duy. Thân tâm của các Ngài đã thanh tịnh đến mức không còn một vết tích nghiệp lực, rất ít vô minh vi tế, nên quang minh tâm thức chuyển động cực kỳ mau lẹ, gần như Lập Tức, đương-cơ-ứng-hiện ngay, nên các Ngài là bậc Vô Khứ Vô Lai, hay Bất Động. Bất động tức là cực kỳ mau lẹ.

Có thể dùng hình ảnh sau để ý hội nghĩa vô-khứ-vô-lai. Tâm Đại Bồ tát có thể ví nhu một tấm guơng lớn, tròn đầy chói sáng, luôn luôn chiếu soi, phát ra vi trần số quang minh… Còn tâm chúng sanh ví nhu những chiếc gương nhỏ hạn hẹp, thuờng là mờ đục, chỉ phát ra đuợc một ít quang minh thấp kém. Tâm chúng sanh lại thuờng động niệm lệch lạc, nên các tấm gương đó luôn luôn bập bềnh dao động. Thân tâm của Đại Bồ Tát vẫn bất động, nhưng quang minh luôn chiếu soi khắp nơi. Khi Ẩn khi Hiện trong những tấm gương chúng sanh, hiện Mờ hay Tỏ là tùy theo mức độ trong sáng hay mờ đục của tâm chúng sanh. Tương tự như mặt trăng hiện dưới đáy nước vậy thôi.

Quang minh tâm thức của Đại Bồ Tát, không những chuyển động cực kỳ mau lẹ, lại còn có thể rung chuyển theo tất cả mọi Nhịp Điệu. Vừa bao la bát ngát, lại vừa vi-tế-nhỏ-nhiệm. Vì Đại Bồ Tát đã vượt qua mọi nhị-biên-đối-đãi rồi (duality). Đã hóa giải mọi vọng tưởng, nên không gian cũng hóa giải. Đối với bậc đó, thì Không gian xuất hiện vừa bao la bao trùm các cõi, vừa gần-cận-ẩn-mật như trong một vi-trần. Có thể nhìn nhiều cõi như nhìn một chùm nho trong lòng bàn tay, cũng như có thể nhìn một vi trần thấy rộng lớn như nhiều cõi.

Thiết tưởng cần nhắc lại mấy lời của kinh Lăng Nghiêm: “Hư không là do những mê-muội-vi-tế tích lũy từ vô thủy kết thành, còn các vật là do những kiên cố vọng tưởng thô kệch kết thành… Mọi cảnh giới đều là sự huyễn hiện của Diệu tâm, nhưng cái tâm chấp ngã của chúng sanh đã tự dựng lập nên một tấm lăng-kính-vọng-chiếu, tự chia chẻ những cảnh-giới-huyễn-hiện và tạo nên một tâm tưởng về không gian. Rồi do cộng-nghiệp-tương-đồng-xen-lẫn lồng-nhau, mỗi loài chúng sanh lại dựng lập nên một hình ảnh không gian gọi là khách quan của mình. Thực ra thì chẳng có cái gì ngoài Tâm cùng nghiệp lực chiêu cảm cả.

Suy ngẫm kỹ, thì thấy Chân lý về nhận-thức-quan của nhà Phật thực là siêu tuyệt, Không thể có chân lý nào khác được. Nên cần phải Đảnh Lễ.

Cũng cần ghi thêm rằng: Vọng tưởng về Không gian là do sự tác-động-phối-hợp của sáu thức tạo nên. Năm thức trước là nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân thường chỉ mang lại những cảnh tượng cục bộ rời rạc, nhưng Ý thức đã phối hợp và dựng lập nên.

Gần đây, một số người như Riemann hay Ouspensky… thường hay nêu vấn đề rằng có thể Không gian có một chiều thứ tư (quatrième di-mension), và họ loay hoay muốn tìm cách về một hình-tướng-kỷ-hà (figure geometrique) về Không gian bốn chiều ấy… Nhưng kẻ viết thiển nghĩ rằng trong kinh không hề thấy nói gì vụ này, và nếu muốn tìm một chiều thứ tư cho không gian, thì có lẽ nên tìm ở Thời gian hoặc ở cách-thức-rung-chuyển (modalite vibratoire) của những quang minh tâm thức thì đúng hơn.

* * *

Nay nói đến lĩnh vực Cực Vi Như Huyễn.

Tánh chất như huyễn của sự vật này, đứng ở lĩnh vực cực đại hay ở kích độ nhận thức thông thường của giác quan con người (echelle d’obser-vation ordinaire), thì khó tế nhận thấy… Nhưng nếu đi sâu dần vào lĩnh vực cực vi, thì tánh chất như huyễn ngày càng hiển lộ rõ rệt, các sự vật ngày càng có vẻ mờ-ảo-bỉến-hiện, ngày càng có vẻ sắc-sắc-không-không… “Nơi đây sương khói mờ nhân ảnh”. Câu thơ này là của Hàn Mặc Tử, nhưng cũng có thể dùng để mô tả cái diễn trình nha khoa học lần lần đi sâu vào cực vi.

Phương pháp của khoa học, như mọi người đều biết, là một quan niệm thuần lý. Tin chắc rằng lý trí của con người có thể thăm dò khám phá được trọn vẹn vũ trụ, và cũng tin chắc rằng vũ trụ này hàm chứa một cơ cấu (structure hay fibrure) họp lý có thể đáp ứng và tương ưng với lý trí con người… Cho nên, diễn trình tiến bước của khoa học là một tiến trình luận lý và suy tư bằng ý niệm, càng ngày càng tung ra một màng lưới ý niệm rộng lớn hơn, để mong bao vây ôm sát lấy sự vật, rồi thu gọn những ý niệm đó thành những phương trình toán học (equations) để mong giải thích, tiên liệu và sử dụng sự vật.

Phương pháp đó không phải là hoàn toàn sai, cũng không phải là không kết quả. Nhưng đứng về phương diện Chân lý mà xét, thì phương pháp đó chỉ có thể hiểu được một số khía cạnh bóng dáng của sự vật, không thể ôm trọn được sự vật, không thể hiểu nổi cái chân lý bí ẩn của sự vật hay Thực tại… Cho nên, dù khoa học có giăng màng-lưới-ý-niệm rộng đến đâu chăng nữa, hoặc kết tập hàng vạn, hàng triệu phương trình, thì vẫn có những khía cạnh của Thực tại Lọt Ra Ngoài những ý niệm phương trình đó. Cái đó cũng tương tự như một Kẽ Hở Uyên Nguyên (hiatus hay fissure originelle), chứng tỏ rằng thuần lý chỉ có thể là một khía cạnh của Thực tại thôi.

Vì sao?

Chỉ là vì Thực tại là Như Như, vượt lên trên mọi ý niệm, mọi vọng tưởng. Không phải là hiện hữu, cũng chẳng phi hiện hữu, không phải thuần lý cũng chẳng phi thuần lý. Vì vượt lên trên mọi ý niệm đối đãi.

Trong vòng 100 năm gần đây, khi bước lần vào lãnh vực cực vi, các khoa học gia đã lần lần nhận thấy cái giá trị rất tương đối của những ý niệm cùng phương trình. Nhận thấy rằng những phương trình cùng luật tắc mà trước kia họ tưởng là bất-di-bất-dịch, thì nay không còn áp dụng được nữa. Nhận thấy rằng mọi luật tắc hình như chỉ dùng cho một giai đoạn, một kích độ quan sát (echelle d’obsertion) tức là một mức độ nhận thức nào thôi. Bước ra ngoài kích độ đó, thì lại không dùng nữa. Và ngay đến sự vật cũng vậy: sự vật A chỉ có vẻ là sự vật A, tỷ dụ như cái bàn chỉ có vẻ là cái bàn nếu ta đứng ở kích độ nhận thức thông thường. Còn nếu ta bước ra khỏi kích độ đó, thì cái bàn lại có vẻ khác.

Xưa kia, ở thời Newton và Laplace, khi khoa học mới phôi thai, thì các khoa học gia lạc quan lắm. Tin tưởng hết sức mãnh liệt ở nền lực-học-cổ-điển (mecanique classique), tin rằng vũ trụ chỉ là bộ máy đồng hồ, và một ngày kia sẽ phanh phui ra hết bí ẩn của guồng máy đó. Tin rằng vũ trụ này là do những viên gạch-cơ bản tức cực vi tạo nên, và một ngày kia sẽ kiếm ra viên gạch ai cũng tin rằng không gian và thời gian đều là những thực tại khách quan và nhất định bất biến như vậy. Cũng tin rằng vật A nhất định là vật A (principe d’identite), không thể khác được. Cũng hoàn toàn tin ở luật-tắc-nhân-quả-tác-động-từ bên-ngoài (causalite extrinseque) của Lực-học-cổ-điển, không bao giờ nghĩ rằng có thể có một thứ nhân quả nội tại (causalite intriseque, imma-nente) được.

Nhưng sau 7, 8 chục năm đi sâu vào cực vi, tòa lâu đài niềm tin lạc quan xưa kia đã lần lần sụp đổ hầu hết. Những luật tắc xưa kia cũng trở thành bất lực, phải thay thế bằng những luật tắc mới, những ý niệm mới, những vọng tưởng mới. Tỷ dụ như Lực-học-cổ-điển phải bị thay thế bằng lên Lực-học-lượng-tử (mecanique quantique) hay Lực học về những ba-động-xác-suất (macanique des ondes de probabilte) của Louis de Broglie… Tuy nền vật lý cực vi đã tiến được khá nhiều bước, nhưng các khoa học gia ngày nay nhìn vũ trụ hay pháp giới, thấy vẫn thậm thâm mịt mùng, và sự bị ẩn hình như vẫn vô cùng tận. Tuy lúc nào họ cũng giơ cao chiêu bài duy lý, nhưng thực ra, họ đã lạc bước vào một lâu đài huyền thoại, một mảnh đất huyền thoại. Họ đang đi tróc nã, tìm dấu vết chân của những con quái vật huyền thoại, những con khủng long mệnh danh là Meson, Hy-peron, Baryon, Hadron… Và những quái vật ấy, họ có nhìn thấy gì đâu, chỉ hơi mường tượng những bóng dáng của chúng, suy luận từ những vết chân để lại trên trường hư không mà thôi… Riết rồi đến nỗi nhà bác học Eddington đã thở dài, than rằng: “Cái vũ trụ này hình như cóc phải là một bộ máy đồng hồ, mà nó giống như một Tâm Tưởng Lớn thì đúng hơn…”

Thì lời kinh xưa vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: Vũ trụ này, pháp giới bao la này chính chỉ là một tâm tưởng lớn của chúng sanh, một vọng tưởng lớn, chứ không phải đơn thuần là một bộ máy đồng hồ.

Sau đây là sơ lược những điểm chính trong đó, nền vật lý học cực vi đã bắt buộc phải chuyển hướng, để ngả theo những chiều hướng đã được giảng dạy bởi lời kinh xưa:

1- Khi bước vào thăm dò cực vi, điều ngạc nhiên đầu tiên của các nhà khoa học gia là nhận thấy rằng: Các nguyên tử đó không phải là những đơn vị đặc sệt và đơn thuần. Mà trái lại, hình như nó chứa đựng nhiều thứ, có một thứ cơ cấu riêng của nó và một nề nếp sinh hoạt khá riêng biệt.

Đúng như lời kinh đã dạy rằng không vật gì đơn thuần hết, và vật gì cũng do vô lượng nhân duyên hội tụ.

Họ khám phá thấy rằng trong một nguyên tử nhỏ bé như vậy, mà vẫn có những khoảng hư không tương đối mênh mang. Vì phần lớn có thể tạm gọi là hư không cả. Ở giữa là một hạt nhân (noyau), gồm một số những dương điện tử (proton) và trung hòa tử (neutron). Kích thước của hạt nhân này thường chỉ bằng 1/100.000 khoảng hư không trong nguyên tử. Chung quanh hạt nhân, có một số âm điện (electron) xoay vần theo những đường quỹ đạo gần như riêng biệt, tương tự như những hành tinh xoay vần chung quanh mặt trời, số lượng âm điện tử thường tương xứng với số lượng dương điện tử… Và chung quanh nguyên tử, hình như có một hàng rào từ lực (barriere elec-tromagnetique) ngăn cản, khiến các âm điện tử khó thoát ra ngoài.

Đại khái là như vậy. Nhãn lực của con người, cộng với những dụng cụ khoa học, thì chỉ nhận thấy như vậy. Nhãn lực là do nghiệp lực tương ưng… Với nhãn lực người thì nhận thấy như vậy. Nhưng với nhãn lực của một bậc Đại Bồ Tát đã có trí-vi-tế cùng trí-như-biển, thì khi nhìn vào một nguyên tử, bậc đó có thể nhìn thấy cả một thứ Hoa Tạng thế giới gồm nhiều cõi, nhiều loại chúng sanh cùng nhiều đạo tràng chúng hội. Cho nên, kinh Kim Cang nhắc đi nhắc lại: “Vi trần ấy, thế giới ấy, chỉ tạm gọi là vi trần, là thế giới thôi…”, có nghĩa rằng: Vi trần hay thế giới đều là tùy mức độ tâm thức, mức độ nhãn lực của chúng sanh đứng nhìn mà thôi. Kích thước chỉ là tùy mức do nghiệp lực chiêu cảm.

Còn về điểm có những khoảng hư không mênh mông trong nguyên tử, thì trong kinh Đại Bát Nhã, Phật đã dạy như vầy: “Sắc ấy hay lưu ngại, nhưng sắc ấy chỉ như bọt tụ, chỉ gồm toàn những lỗ hổng thôi…”

Với nền vật lý cực vi, sự vật bắt đầu xuất hiện nhu những đám-mây-điện-tử, mở đường cho sự lý giải hai chữ Sắc Không. Trong kinh cũng luôn hay dùng danh từ: Thân Vân, tức là những đám-mây-tạo-thành-thân chúng sanh.

2- Các nhà khoa học gia cũng nhận thấy rằng: Tất cả những cực vi đó đều lay động, xoay vần chuyển động không ngừng. Họ cũng khám phá thấy rằng mỗi thứ nguyên tử thường có một số lượng âm điện tử nhất định (nombre quan-tique), và hình như có một nếp sinh hoạt riêng biệt. Các âm điện tử thường xoay vần theo quỹ đạo của mình, nhưng đôi khi, do một sức đẩy nội tại nào đó, cũng nhảy vọt ra sang quỹ đạo khác. Tuy nhiên, ít khi có thể vọt ra khỏi hàng-rào-từ-lực bao quanh nguyên tử.

Do nếp sinh hoạt đó, nên một số khoa học gia đã đưa ra thuyết nguyên-tử-có-cá-tính (per-sonalite des atomes). Một vài người khác còn đi xa hơn, tuyên xướng rằng: Hình như vũ trụ này có một thứ tâm linh của nó… về điểm này, cần nhắc rằng theo đạo Phật, lằn ranh giới giữa Hữu tình và Vô tình không có gì là cố định cả, và vẫn tùy thuộc mức độ tâm thức của chúng sanh đứng nhìn. Với một chúng sanh này, thì ranh giới là chỗ này, với chúng sanh kia thì ranh giới là chỗ kia. Với một bậc Đại Bồ Tát thì thân với cõi là một.

Quan niệm chuyển động không ngừng của khoa học cũng nhắc nhở tới quan niệm vô-thuờng-niệm-hiện-sanh-diệt của nhà Phật… Nhưng Niệm-niệm-sanh-diệt còn tế vi và sâu xa hơn nhiều, vì có nghĩa rằng: Mọi sự vật đều chỉ đuợc kết tập nên do vô lượng những tia chóp sáng (flash d’en-ergie) của những quang minh, liên tục đột khởi lên từ nơi chân không, những tia chóp nháng ấy vừa đột khởi sanh ra đã diệt rồi, nhưng vì chúng đột khởi tương-tợ-tương-tục, nên tạo dựng nên một ảo ảnh hình tượng của sự vật, khiến ta tưởng là thực có… Song những tia chóp này mà danh từ nhà Phật gọi là Sát-na tức là một niệm vi tế, thì các khoa học gia chưa nhận thấy nổi, vì chỉ có những bậc nhập tam-muội mới thấy thôi.

3- Khoa học lần lần đi sâu vào các chất phóng xa (radioactií) như radium, uranium, pluto-liumi…, và các chất này đã mở một vùng chân trời mới cho vật lý học cực vi. Họ nhận thấy các chất này thường có những hiện tượng đột biến (mutations), hay phóng ra những thứ lượng tử (quanta hay particule) hoặc những quang tuyến này có khả năng độc đáo là có thể xuyên qua một số vật, như quang tuyến X có thể xuyên qua da thịt của thân người, hoặc quang tuyến Gamma có thể xuyên qua một tấm bảng bằng đồng hay chì được.

Những dữ kiện này đều là những chứng minh cho thuyết về các quang minh thường được nói trong kinh Phật.

Hiện tượng phóng xạ này, cùng một số dữ kiện khác (tỷ dụ như vụ án điện tử có thể đột nhiên nhảy vọt thay đổi quỹ đạo) đã khiến một số khoa học gia nghi tới một thứ thuyết nhân quả nội tại (causalite intrinseque). Họ cho rằng trong cơ cấu của mỗi nguyên tử, có thể có một sức thúc đẩy nội tại nào đó, khiến cho nguyên tử tự chuyển hóa… về điểm này, kinh Phật còn dạy sâu xa hơn nhiều. Dạy rằng: Mọi vật đều đến từ nơi Chân Không, từ những chủng tử, từ những cơn lốc hư minh khởi lên từ nơi Chân không, những cơn lốc đó tạo nên quang minh, rồi kết tập thành vật:

Mọi vật đến từ đó
Đột hiện rồi đột tan,
Tương tự như bào ảnh
Chẳng khác một giấc mơ…

Suy ngẫm kỹ, thì sẽ thấy rằng mọi vật hình nhu Nở ra rồi Tàn Lụi đi trên cái biển Pháp-thân-thường-tịch-quang. Và sự chuyển biến theo đà nội tại đó mới là sự chuyển động cơ bản, còn sự thay đổi theo nhân quả bên ngoài (tỷ dụ một hòn bi đụng một hòn bi: causalite extrinseque) chỉ thuộc về loại lay động lăng xăng đi ngang đi dọc thôi (mouvement tangentiel, lateral).

4- Chất phóng xạ đã khiến các khoa học nẩy ra ý kiến muốn tạo những vụ oanh tạc cực vi nhân tạo (bombardement nucleaire), hoặc những vụ đụng độ (collision) giữa các cực vi. Họ chế tạo những thứ máy gọi là cyclotron hay accelerateur, để phóng các cực vi theo một thể tốc rất nhanh để cảnh tạc một nguyên tử, hay đụng độ một cực vi khác.

Vụ này đem lại rất nhiều kết quả. Vì do đó, làm phát hiện rất nhiều thứ luợng tử (particules) mới… Tỷ dụ như meson, hyperon, hadron. Ngày nay, vật lý cực vi có đến 200 thứ lượng tử… Rồi một số nhà bác học lại nghĩ rằng có thể có những phi lượng tử hay phân lượng tử nữa (antipar-ticules). Tóm lại, các lượng tử cực vi cứ xuất hiện chập chùng như vậy, và tựu trung, không thể nói rằng cái cực vị nào là viên-gạch-cơ-bản cả.

Xưa kia, giữa một thời đại mà loài người chỉ biết rất thô sơ về vi trần, kinh Phật đã sớm phân tích sơ lược đến 7, 8 thứ vi trần, từ mao-đầu-trần… đến vi trần, cực-vi-trần rồi đến lân-hư-trần, tức là gần như hư không. Nhưng kinh Lăng Già (trang 92, bản dịch của HT Thích Thanh Từ) thì dạy rõ rét rằng: “Cho đến vi trần phân tích tìm cầu trọn không thể được…”. Câu đó có nghĩa rằng: Nếu muốn phân tích tìm kiếm một thứ cực vi thực có để làm viên gạch cơ bản cho pháp giới này, thì không thể thấy được.

Là vì sao?

Vì vũ trụ này chỉ là một trường biến hiện liên miên bất tuyệt và không ngằn mé của Thức. Của những chủng tử thức, của những chủng tử nghiệp. Vì nghiệp tức là Thức. Và Thức tức là niệm vi tế, niệm-niệm-nối-nhau-không-dứt. Những chủng tử do tích lũy từ thời vô thủy, và tâm của chúng sanh thì luôn luôn bập bềnh dao động, liên miên chiêu cảm những chủng tử cộng nghiệp đó chuyển thành quang minh, rồi dệt nên những ảnh tượng như có như không, và biểu hiện không cùng tận… Ở kích độ cực đại hay thông thường, thì sự biến hiện ấy khó tế nhận, nhưng ở cực vi thì dễ nhận thấy… Các nhà khoa học cũng chỉ mang một tâm chúng sanh đầy tình nhiễm, luôn luôn bập bềnh dao động, nên họ càng khởi đào tìm dấu vết cực vi bao nhiêu, thì những quang minh của thức lại càng biến hiện chập chùng ngần ấy. Nên họ đã lạc vào một-lâu-đài-huyền-thoại của Thân-tâm-phân-biệt mà họ không hề hay biết.

5- Lầu lần, thì các khoa học gia nhận thấy rằng các cực vi quả là biến ảo, và Biến Hiện thực sự… Các cực vi thường đều có một thể tốc chuyển động rất mau lẹ, gần như xấp xỉ với thể tốc ánh sáng tức 300.000 km một giây. Và trong nhiều vụ đụng độ giữa cực vi, thì ngay cái năng-lượng-chuyển-động (energie cinetique) đôi khi cũng chuyển hóa tạo thành một Lượng Tử Mới. Tức là năng lượng chuyển thành trọng lượng (masse), tức là vật.

Điều đó chứng tỏ rằng quang minh có thể biến thành vật.

Rồi họ lại nhận thấy rằng những lượng tử quả là phù du, biến ảo như ma quái. Lượng tử ấy chỉ xuất hiện nơi trường quan sát chừng vài phần 1/1.000.000 giây, rồi lại tan biến vào hư không mất.

Vụ đó có thể có nghĩa là: Lượng tử đó đã trở lại một trạng thái quang minh vi tế hơn, mà dụng cụ khoa học chưa làm hiển lộ nổi… Và tất cả những dữ kiện này lại càng chứng minh chân lý sắc-sắc-không-không của nhà Phật.

6- Khoa học cũng nghiên cứu ánh sáng nữa. Ánh sáng có một thứ lượng tử gọi là photon. Các khoa học gia nhận thấy rằng một photon nhiều khi có thể chuyển hóa tách làm hai lượng tử: một âm điện tử và một positron. Và hai cái này đôi khi lại chuyển hóa ngược lại, thành một photon.

Ánh sáng của mặt trời cũng là một thứ quang minh thấp kém. Và dữ kiện ấy cũng là một sự chuyển hóa của quang minh.

7- Khoa học ngày nay cũng khám phá ra khá nhiều những quang-tuyến-vũ-trụ (radiations cosmiques). Khoảng không gian bao la giữa các hành tinh, mà trước kia các khoa học gia tưởng là tuyệt đối trống rỗng, thì nay họ khám phá thấy có rất nhiều quang tuyến vũ trụ. Những quang tuyến này đạt tới những tần số ghê gớm, còn gấp bội tần số của quang tuyến Gamma, và thường xuyên oanh tạc bầu khí quyển của trái đất, và chắc chắn tạo nên nhiều sự chuyển hóa chưa thể biết rõ được.

Điểm này cũng chứng minh lời kinh xưa dạy rằng: Khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng đầy quang minh. Và cũng đều có thể có những loài chúng sanh cư ngụ.

8- Càng ngày các khoa học gia càng nhận thấy những nét Huyền Hoặc trong bộ mặt của các cực vi. Họ nhận thấy rằng cực vi hình như là một con quái vật có hai mặt: Nó vừa là Hạt lại vừa là Sóng, vừa là lượng tử lại vừa là ba động, vừa là onde lại vừa là corpuscule. Khi nó tác động thì nó có vẻ là hạt, nhưng khi nó di động thì nó lại có vẻ như một làn sóng (il acte comme un cor-puscule et se propage comme une onde)… Điểm này khiến họ ngơ ngác không ít, vì họ quá quen thuộc với tập quán nhận thức thông thường, coi vật A nhất định là A, chứ không thể vừa là A lại vừa là B được… Nhưng các cực vi vẫn điềm nhiên xuất hiện như vậy, khiến sau cùng, họ đành phải kết luận tương tự như Alired Kastler trong cuốn Cette-etrange matiere rằng: “Chúng ta đành phải chấp nhận Vật dưới hai hình thái bổ sung đó, coi nó là vừa là hạt lại vừa là sóng, và giã từ với quan niệm sự-vật-cố-định mà trước kia chúng ta thường có khi nhìn thiên nhiên”.

Điểm này cũng chứng minh lời kinh xưa dạy rằng: Sự vật chẳng phải là sự vật cố định, mà chỉ là những Cơ Sự hội tụ vô lượng nhân duyên trên diễn trình chuyển biến.

Sở dĩ cực vi vừa là hạt vừa là sóng, là vì cái điểm kết-tụ-cô-đọng thành sắc tướng của nó thường được coi là hạt, còn cái trường-lực-quang-minh-mờ-ảo của nó thì là sóng.

Nhưng vẫn chưa hết chuyện… Các khoa học gia còn nhận thấy rằng: Khi họ cố gắng minh định vị trí (position dans 1’espace) của một cực vi một cách chính xác, thì họ vấp ngay vào một sự bất-định-vô-cùng tận về tốc độ cũng như về năng lực.

Điều này thiết tưởng cùng không có gì khó hiểu lắm. Là vì nếu ta hiểu rằng sự vật là cơ-sự sinh-động-chuyển-biến, thì dĩ nhiên khi ta muốn Nắm Chắc cột khía cạnh của nó, thì lại có khía cạnh khác Lọt ra ngoài tầm tay nắm giữ của ta. Cho nên, phương pháp thuần lý và đối lập chủ thể khách thể chỉ có thể thâu tóm được một số khía cạnh của sự vật, không thể ôm-sát-trọn-vẹn sự vật hay Thực tại…

Cũng vì nhận thấy có sự lệch lạc như trên, nên nhà bác học Heisenberg đã vội vã lập ngay một số phương trình gọi là phương trình bất định (relations d’incertitude) hay là tương quan bất định…

9- Nay đến một điểm kết luận rất quan trọng của Einstein.

Trên kia đã kể những vụ năng lượng (ener-gie) chuyển biến thành lượng tử, thành trọng lượng (masse) thành vật. Hoặc ngược lại, lượng tử chuyển thành năng lượng.

Einstein đã đi xa hơn nữa, và đặt ra một phương trình tương quan giữa năng lượng và trọng lượng tức vật:

E = mc2

E là năng lượng của một vật, m là trọng lượng, và c2 tức là bình phương của tốc độ của ánh sáng (300.000 km/1 giây). Phương trình ấy là tương quan Chuyển Biến giữa năng lượng và trọng lượng. Năng lượng tức là tinh lực (energie) còn trọng lượng là masse, là vật.

Do đó, khoa học ngày nay đã công nhận rằng: Không có thứ Vật gì gọi là thuần-túy vật cả (matièrepure). Vật không phải là hoàn toàn khác biệt với Tinh lực, nó chỉ là một hình thái chuyển biến của tinh lực, nó chỉ là những hình tướng cô đọng và chuyển động chậm lại của những quang minh tinh lực.

Nhưng Chân lý này, thì lời kinh xưa đã giảng từ rất lâu rồi, và giảng dạy trọn vẹn hơn nhiều, tuy không có diễn tả bằng những phương trình. Vì mục tiêu của giáo lý là dẫn dắt hành giả tới chỗ chứng nhận và trực nhận, không phải là đến chỗ quan sát từ bên ngoài.

Kinh xưa vẫn dạy rằng: Tâm là cái nguồn động cơ duy nhất của pháp giới bao la. Tâm là cái bể-tinh-lực-uyên-nguyên. Tâm ấy không khác với Vật đâu, vì Vật chỉ là những hình tướng, những dấu-vết-biến-hiện của Tâm… Cho nên, kẻ hành giả muốn lên đường tìm Tâm, thì phải tìm ngay ở Vật ấy. Khi tâm thức mình Chuyển được vật rồi, thì sẽ thấy Diệu tâm ngay… sắc cũng vậy, sắc chẳng khác với Không đâu, Sắc chính là Chân Không đấy. Vì sắc chỉ là những dấu vết biến hiện của cái Chân Không tức Diệu tâm. Chân Không là Tột Không, và từ cái Tột Không bao giờ cũng hiện ra cái Diệu Hữu. Nhưng kẻ hành giả cần phải biết Chuyển mới được, phải tu tập cách Chuyển. Phiền não cũng vậy, phiền não là dấu vết biến hiện của Bồ-đề, nếu biết chuyển, thì phiền não sẽ thành Bồ-đề… Các lục đạo sanh tử cũng vậy, nó chính là dấu-vết-biến-hiện của Giác-thể vô-sanh, nếu biết chuyển thì sanh tử sẽ thành Vô sanh… Coi đó thì đủ thấy lời-kinh-xưa cao sâu vi diệu đến ngần nào… !!

10- Khoa học ngày nay cũng nghiên cứu về nhiều các siêu âm thanh (ultra sons). Họ khám phá thấy rằng con chó hay con ngựa có thể nghe, được một vài thứ siêu âm thanh mà tai của người không nghe được, hoặc nhìn thấy một vài thứ quang minh mà mắt người không nhìn thấy…

Xem thế thì đủ hiểu rằng đối với một chúng sanh hay một loài chúng sanh, thì vũ trụ chỉ xuất hiện như những Ảnh Tượng chiêu cảm do nghiệp thức.

Theo lời kinh, thì những làn sóng của âm thanh cũng là một thứ quang minh. Kinh Hoa Nghiêm cũng thường nói đến những “quang minh: phát ra những diệu âm”…

11- Nay nói đến Thời Gian Như Huyễn.

Thời gian cũng như huyễn.

Từ xưa tới nay, vấn đề Thời gian vẫn thường ám ảnh trí óc con người… Thời gian là cái gì vậy? Nó có thực hay không thực? Nó là cái gì mà nó khiến cho ta già đi, khiến cho vạn vật thay đổi? Nhất là nó khiến ta có cảm tưởng như bị cuốn theo một giòng sông, không thể ngược giòng được để tìm lại những ngày vui đã qua?

Xưa kia, Saint Augustin cũng có viết về thời gian. Kẻ viết những trang này không nhớ rõ lập luận của ông, và hình như lối lập luận ấy cũng không có gì độc đáo.

Henri Bergson cũng có viết về thời gian, và có nói tới thời gian của tâm thức (duree psycholo-gique), nhưng không khơi đào được nhiều.

Bà La Môn giáo, tức Ấn Độ giáo có những tia nhìn rất đúng về thời gian, vì biết nói rằng: Thời gian ở cõi trời Trôi rất nhanh so với thời gian nhân thế, vì một buổi sáng ở cõi trời thường dài bằng mấy chục năm ở nhân thế… Những Bà La Môn giáo chỉ nói thế thôi, không triển khai hơn nữa

Nay lại nói đến ông Einstein.

Ông này thực là một bộ óc kỳ đặc. Lừng lững đứng chắn ngay nơi ngả ba đường của khoa học, khi khoa học bước vào lĩnh vực cực đại và cực tiểu.

Về thời gian, ông lập luận đại khái như vầy: Thời gian không phải là một thực tại tuyệt đối, bất biến cố định, mà nó chỉ là Tương Đối, và tùy thuộc vào thể tốc chuyển động của hệ thống tiêu chuẩn (systeme de reference), tức là hệ thống chuyển vận con người đứng quan sát. Tỷ dụ như hiện nay, mọi người chúng ta đều ở trên trái đất, thì trái đất chính là hệ thống tiêu chuẩn, và thể tốc chuyển động của nó trong không gian là vào khoảng chừng mấy chục ngàn cây số 1 giờ. Đứng trong hệ thống tiêu chuẩn ấy, thì loài người chúng ta có một thứ thời gian nào đó… Nhưng nếu nay ta lấy độ một người hay ba, bốn người, cho ngồi vào một phi thuyền không gian, và nếu phi thuyền này có một thể tốc chuyển động mau gấp mấy lần thể tốc của trái đất, rồi phóng phi thuyền ấy lên không gian. Phi thuyền đi lang bang trong khoảng không gian vô tận, trong một thời gian chừng năm năm tính theo thời gian của trái đất rồi hết năm năm lại trở về trái đất… Lúc đó, thì theo Einstein, những người ở lại trái đất đã già đi chừng năm năm rồi, nhưng đối với mấy phi hành gia kia thì, lại có vẻ khác. Đối với họ, thì khoảng thời gian ấy có vẻ như chưa tới năm năm, và họ có cảm tưởng như mới trải qua chừng ba hay bốn năm gì đó, tùy theo mức độ thể tốc của phi thuyền. Thời gian đối với họ, có vẻ Trôi Nhanh Hơn, không kéo dài như đối với những người ở lại. Và khi những phi hành gia trở về trái đất, thì nét mặt cùng vóc dáng của họ có vẻ tương đối già đi ít hơn những người ở lại. Nói cách khác, khoảng thời gian ấy đã in vào họ một dấu vết Nhẹ hơn… Đó là cách lập luận đại cương, và trình bày cho dễ hiểu, của ông Einstein.

Chúng ta nên nghĩ sao về lối nhìn này của Einstein?

Thiển nghĩ rằng lối nhìn của ông thực là thiên tài và độc đáo… Độc đáo ở chỗ hiểu rằng thời gian tùy thuộc vào một thể tốc nào đó… Tuy nhiên, lối nhìn của ông chưa được sát chân lý… Vì sao? Chỉ là vì nếu suy ngẫm kỹ, thì sẽ thấy rằng Thời gian tùy thuộc vào thể tốc chuyển động của những quang-minh-tâm-thức-của-kẻ-quan-sát nhiều hơn, chứ không phải tùy thuộc thể tốc chuyển động của thân căn kẻ ấy.

Thân còn là thuộc về năm thức trước (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân)… Suy ngẫm kỹ thì thấy rằng Thời gian là sản phẩm tạo dựng bởi ý thức nhiều hơn là năm thức trước.

Chúng ta có thể y cứ theo lời kinh xưa, để suy diễn ra một lối nhìn về Thời gian khá chân xác và khả dĩ chứng minh được.

Suy ngẫm lâu dài về cái bí ẩn của thời gian, thì sẽ nhận thấy rằng hình như chẳng có cái gì có thể gọi là thời gian được cả. Chẳng có cái gì có thể gọi là giờ-khắc ngày-tháng hay năm được cả. Chẳng có cái gì có thể gọi là ngày hôm qua, hay ngày hôm nay, hay mai mốt được cả… Thời gian hình như vốn là một thứ gì an nhiên vắng lặng thế thôi, chẳng có đầu có đuôi gì cả, chẳng có quá khứ hay hiện tại hay vị lai gì hết trọi… Trước sau chỉ là vì cái tâm thức của chúng sanh nó luôn luôn bập bềnh dao động, luôn luôn động niệm, luôn luôn không ngừng nghĩ muốn tạo tác thi vi để nắm bắt hết cái này đến cái nọ. Rồi giữa cái tự-thể-vẫn-an-nhiên-vắng-lặng ấy, tâm thức chúng sanh đã khởi niệm muốn phân biệt, muốn cắt xén phân chia, muốn y cứ vào những ảnh-tượng-hình-tướng-bên-ngoài, tỷ dụ như cái trò ẩn-hiện-chụp-chờn của ánh sáng mặt trời, để phân chia thành đủ thứ, nào là giờ, nào là khắc, nào là ngày tháng năm, nào là hôm qua, nào là mai mốt… Tâm thức chúng sanh cố động niệm phân biệt hoài như vậy từ thời Vô Thủy, không hề bao giờ biết-ngừng-nghĩ đến một sát-na. Nên riết rồi, nó tạo dựng nên một Tâm Tưởng, một Ảo Tưởng, một Vọng Tưởng bền bỉ, gọi là Thời gian, bền bỉ đến mức chúng sanh tưởng thời gian là Có Thực. Trong khi kỳ thực, Nó chỉ là một tâm tưởng, một trường-biến-hiện không-ngừng-nghỉ của thức-tâm-phân-biệt mà thôi.

Thân căn của chúng sanh vốn có liên hệ mật thiết với thức-tâm-phân-biệt, vì sắc thân chính là do sự hội tụ của vô lượng những động niệm của thức tâm tích lũy từ vô thủy và kết tập nên. Nên đến kiếp này, khi thức tâm tiếp tục biến hiện không ngừng nghỉ và tạo dựng nên vọng tưởng thời gian, thì sắc thân cũng bắt buộc phải biến-hiện-không-ngừng-nghỉ, và sắc thân Già đi. Và chúng sanh lầm nghĩ rằng: Thân mình già đi là do nhịp bước của thời gian.

Chắc có người thắc mắc: sắc thân có liên hệ với tâm thức, vậy nếu tâm thức biến hiện thì sắc thân cũng biến hiện và già đi. Cái vụ đó thì có thể hiểu được rồi. Nhưng còn cảnh vật bên ngoài, thì nếu thời gian chỉ là một vọng tưởng của chúng sanh, tại sao cảnh vật cũng thay đổi biến chuyển theo nhịp bước của thời gian?!?…

Lối giải đáp là như vầy: Pháp giới này, tuy muôn hình vạn trạng và có vẻ như vô cùng vô tận, nhưng thực ra chỉ là một trường biến-hiện-liên-miên bất tuyệt của Thức tâm từ thời vô thủy của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng sanh, cũng như của tất cả chúng sanh. Mà Thức là do Diệu Tâm biến hiện ra. Thức chính là những quang sinh phát xuất từ Diệu Tâm. Do vô-minh-bất-giác, tức là do nghiệp lực, những chủng tử nghiệp hiện hành Nở ra, tạo thành những cơn-lốc-hư-minh có xu hướng chấp ngã, và làm phát xuất rất nhiều thứ quang minh của Thức tâm. Mỗi cơn-lốc-hư-minh là một thức tâm chúng sanh, nó động niệm không ngừng, luôn luôn làm lóe lên những tia chóp-tháng-quang-minh (Aashs d’energie), mỗi tia chóp nháng vừa lóe lên lại vụt tắt, nhưng được tiếp nối một cách Tương Tợ Tương Tục bởi vô lượng những tia-chóp-nháng khác. Danh từ Sát-na có nghĩa là một niệm rất vi tế. Và mỗi niệm là một tia chóp nháng… Những tia quang minh của tâm thức ấy thường đạt tới những thể tốc cùng tần số khủng khiếp mà trí óc phàm tình của con người chưa thể mường tượng nổi… Cho nên, mỗi thức tâm chúng sanh cũng tương tự như một ngọn đèn, cái mờ cái tỏ, nhưng luôn luôn làm phát xuất những tia chớp-quang-minh bập bùng. Và pháp giới chỉ là vô lượng hằng hà sa những ngọn đèn ấy, những màng-lưới-võng-quang-minh-huyễn-hiện ấy xen lẫn-lồng-vào-nhau và giao thoa (interferer) lẫn nhau.

Trong cái diễn trình biến hiện của quang minh thức tâm này, thì lần lần, do cái xu-hướng-chấp-ngã của mỗi cơn lốc hư minh, có sự phân chia ranh giới thành năng sở, thành năng kiến, và sở kiến, thành năng hiện và sở hiện… Những loại quang minh vi diệu nhất và chuyển động nhanh nhất thì hàm chứa trong vô thức của chúng sanh hay con người. Vô thức có thể coi như Tàng thức và Mạt-na thức. Cho nên, trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “cái Tàng Thức ấy, nó có vẻ bất động, nhưng thực ra nó chuyển động nhanh lắm, nhanh đến mức khiến Ta ít khi dám nói đến. vì sợ các ông sanh tâm kinh nghi…” Còn những quang minh kém vi diệu hơn, thì lần lần chuyển động Chậm Lại, và lọt vào lãnh vực của thức thứ sáu tức ý thức, của tưởng ấm. Những quang minh này cũng đều là hư-minh-u-ẩn, nhưng kém vi diệu hơn những quang minh của Vô thức.

Còn những quang minh thấp kém hơn nữa, thì trở thành lần lần thô kệch, và chuyển động chậm hơn nữa. Là vì chúng chứa đầy tình nhiễm nên trở thành nặng nề thô kệch. Mức độ tình nhiễm của chúng còn nặng nề hơn nhiều mức độ tình nhiễm của những quang minh của ý, của tưởng ấm, là vì tình nhiễm ấy gồm cả các nghiệp về thân và miệng. Trong khi quang minh của ý chỉ hàm chứa nghiệp của ý mà thôi. Còn như quang minh của Vô thức chỉ chuyên chở tình nhiễm của cái xu hướng âm-thầm-chấp-ngã của hành ấm và Mạt-na thức.

Vì thô kệch và chuyển động chậm, nên chúng trở thành những kiên-cố-vọng-tưởng, và kết tập nên sắc ấm, tức là thân căn của chúng sanh cùng những cảnh giới y báo chung quanh chúng sanh ấy. Cho nên, quốc độ hay y báo bao giờ cũng tương ưng với nghiệp lực của chúng sanh… Thân căn thì có liên hệ rõ rệt với ý thức, nên chúng sanh nghĩ rằng thân căn là của mình. Còn như quốc độ cùng cảnh giới thì chỉ có liên hệ do những quang minh vi diệu của Vô thức, nên hầu hết chúng sanh đều nghĩ rằng cảnh giới là khác biệt với mình, không phải của mình. Kỳ thực thì cảnh giới và pháp giới chính là Vô thức của chúng sanh. Và một kẻ hành giả, khi tu đến bậc cao, lọt vào Vô thức, thì sẽ thấy rằng cảnh giới và chúng sanh khác đều ở trong tâm mình, ở trong thân mình.

Do suy động của Cộng Nghiệp chiêu cảm, nên thức tâm của mỗi loài chúng sanh thường có một số những nhịp điệu rung chuyển động niệm tương đồng, nên đều làm phát xuất những màng lưới võng-quang-minh-tương-tợ. Những màng lưới võng ấy giao-thoa-xen-lẫn-lồng-nhau, và tạo dựng nên những ảnh-tượng-tương-tợ. Tỷ dụ như một trái núi, một con sông… thì loài người ai ai cũng cho là núi sông cả. Do đó, con người vọng tưởng nghĩ rằng núi và sông ấy có một thực tại khách quan biệt lập với mình.

Thời gian cũng vậy. Cũng là một vọng tưởng chung, một tâm tưởng chung của mỗi loài chúng sanh. Đồng thời, cũng là một vọng tưởng riêng của mỗi loài chúng sanh… Do cái giòng biến-hiện-miên tục của thức tâm chúng ta, nên chúng ta tưởng rằng có nhịp bước của Thời gian. Thân căn vốn liên hệ với thức tâm, nên nó cũng phải chuyển biến thay đổi theo giòng biến hiện của thức tâm. Và từ vô lượng kiếp đến nay, vì chúng ta chưa hề bao giờ Biết làm ngưng sự động niệm của thức tâm, nên chúng ta chưa bao giờ siêu xuất được nhịp bước của Thời gian.

Sự vật bên ngoài cũng tương tự như vậy. Chúng cũng đều là những ảnh tượng được kết tập nên do những quang minh của thức tâm tích lũy từ vô thủy. Nên dĩ nhiên, chúng cũng phải chuyển biến thay đổi như giòng thức tâm vậy. Và cũng chịu sự chi phối của nhịp bước Thời gian…

Nay hãy lần giở lại những lời kinh xưa giảng nói về Thời gian. Lời dạy rải rác rất nhiều, nhất là trong kinh Hoa Nghiêm. Nay chỉ xin kể vài đoạn:

– Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa, nói rằng: Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định dậy, rồi ngồi giảng kinh Pháp Hoa luôn trong 60 tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi… Tứ chúng ngồi nghe pháp, cùng ngồi luôn 60 tiểu kiếp thân tâm không lay động nghe Đức Phật nói pháp cho là như trong Khoảng Một Bữa Ăn.

Dữ kiện này có nghĩa là: Neu tính theo thời gian của cõi Ta-bà này, thì 60 tiểu kiếp dài tới gần 100 triệu năm. Nhưng Phật đã dùng thần lực hộ trì cho tâm thức chúng hội, nâng tâm thức có họ tới mức ý-căn-thanh-tịnh, nghĩa là khiến quang minh của tâm

thức chuyển động cực nhanh… Vì quang minh chuyển động cực nhanh, nên thời gian cũng Trôi qua rất nhanh, nên 60 tiểu kiếp đã trôi mà họ có cảm tuởng chỉ Ngắn bằng một bữa ăn.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, nói: Các vị Bồ Tát từ dưới lỏng đất vọt lên, đều đến trước Phật đảnh lễ thỉnh an. Vì số lượng Bồ Tát đông vô số kể, nên thời gian đảnh lễ kéo dài 50 tiểu kiếp. Nhưng do sức thần của Phật, nên khiến hàng tứ chúng cho là Ngắn như Nửa Ngày.

Lối lý giải cũng có thể như trên.

– Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ, nói: Đức Phật Đại Thông Trí Thắng giảng kinh Pháp Hoa luôn trong 8000 kiếp, rồi vào tịnh thất. Trụ trong thiền định luôn 84.000 kiếp.

Các kinh khác cũng thường dạy: Một bậc Đại Bồ Tát nhập con tam-muội sâu, trụ trong đó hàng năm hoặc hàng kiếp số. Nhưng khi trở dậy từ cơn chánh định, chỉ thấy thời gian đó mau lẹ và ngắn như khoảng khảy móng tay.

Lý do là vì khi trụ trong tam-muội sâu, thì những quang minh của tâm thức đều tập trung và rất nhẹ nhàng thanh tịnh, nên chuyển động cực nhanh. Do đó, đối với vị ấy, thời gian Trôi qua rất nhanh.

Hiện nay, ngài Đại Ca Diếp cũng đương ngồi trong hang Kê Túc, nhập cơn đại định rất sâu, để chờ ngài Di Lặc xuất hiện nơi đời, nghĩa là chờ chừng khoảng hơn 8 triệu năm nữa…

– Sử sách có ghi truyện hai ngài Vô Trước và Thế Thân. Xưa kia, hai Ngài cùng tu và cùng phát nguyện cầu xin sanh lên cõi trời Đâu Suất, để theo học Đức Di Lặc về Duy Thức và Bát Nhã. Và cùng hẹn nhau rằng nếu ai chết và được vãng sanh trước, thì phải về báo mộng cho người kia biết.

Ngài Vô Trước chết trước về báo mộng, nói rằng: “Ta được lên cung trời Đâu Suất rồi. Vừa lên tới nơi, ta chỉ vào nội điện đảnh lễ Đức Di Lặc, rồi vội vàng xuống đây báo mộng cho em hay. Ấy thế mà dưới này đã trải qua ba năm rồi.”

Do đó, nên hiểu rằng khoảng thời gian một chốc lát ở trời Đâu Suất tương xứng với ba năm nơi trần thế.

Là vì chư Thiên ở tầng trời Đâu Suất đều có tâm thức rất thanh tịnh, nên quang minh tâm thức chuyển động nhanh. Nên thời gian trôi nhanh hơn nhiều, so với tâm thức người trần thế.

– Kinh Duy Ma Cật, nhất là kinh Hoa Nghiêm, thường luôn luôn dạy rằng: Một bậc Đại Bồ Tát có thể kéo dài một ngày hay bảy ngày thành một kiếp. Hoặc thu một kiếp hay nhiều kiếp vào trong một sát-na.

Lối lý giải có lẽ vẫn là ở chỗ Đại Bồ Tát có thần lực tự tại, có thể thay đổi theo ý muốn độ sanh, thể tốc chuyển động của những quang minh tâm thức mình, và có thể hóa giải mọi tâm tưởng về thời gian.

– Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thọ Lượng thứ 31 dạy rất rõ rằng:

“Lúc bấy giờ, Tâm Vương Đại Bồ Tát, ở trong chúng hội, bảo chư Bồ Tát rằng:

– Chư Phật tử! Ở cõi Ta bà của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đây là một Kiếp, thì ở cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật là Một Ngày Một Đêm.

Một kiếp ở cõi Cực Lạc là một-ngày-một-đêm nơi Ca sa tràng thế giới, cõi của Kim Cang Kiên Phật.

Một kiếp ở cõi Ca sa tràng là một-ngày-một-đêm ở cõi Bất-thối-chuyển-âm-thanh-luân, của Thiên Thắng Quang Minh Liên Hoa Khai Phu Phật.

Một kiếp ở cõi Bất-thối-chuyển-âm-thanh-luân là một ngày một đêm ở cõi Ly cấu, của Pháp Tràng Phật.

Chư Phật tử! Tuần tụ như vậy, nhẫn đến quá trăm vạn a-tăng-kỳ thế giới, một kiếp ở thế giới rốt sau là một-ngày-một-đêm nơi cõi Thắng Liên Hoa, của Hiền Thắng Phật… Phổ Hiền Bồ Tát và chư Đại Bồ Tát đồng hạnh đong đầy trong thế giới Thắng Liên Hoa này…”

***

Do những đoạn kinh trên đây, chúng ta có thể suy diễn ra những điểm sau:

– Mỗi Cõi có một thứ tâm tưởng về thời gian khác biệt. Tùy theo tâm thức của loài chúng sanh ở cõi đó, thời gian xuất hiện như Trôi nhanh hơn, hoặc chậm hơn.

– Nếu mỗi cõi có một thời gian riêng biệt, thì mỗi Vi Trần cũng có thể có một thời gian riêng biệt.

Những điểm trên đây không có gì là trái nghịch với lối lập luận của Einstein. Vì mỗi cõi, hay mỗi hành tinh đều có thể coi như một hệ thống tiêu chuẩn… Có điều là quan niệm giáo lý Phật uyển chuyển, vi diệu và cao sâu hơn nhiều.

Mỗi chúng sanh, do Biệt nghiệp, đều có một thời gian riêng biệt.

– Mỗi Loài chúng sanh, do Cộng-nghiệp-tương-đồng-xen lẫn-lồng nhau, nên có một tâm tưởng tương tự về thời gian. Tỷ dụ như loài người chúng ta ở cõi Ta-bà này chẳng hạn… Hơn nữa, chúng ta lại đem móc cái tâm-tưởng-tương-tợ đó vào sự ẩn-hiện-chập-chờn của ánh sáng mặt trời. Rồi lại chế tạo thêm những thứ dụng cụ, để đo lường diễn tả cái diễn-trình-biến-hiện của tâm tưởng ấy, tức là những chiếc đồng hồ… Riết rồi, chúng ta đinh ninh rằng thời gian là Thực Có.

Ngoài ra, còn có thể suy diễn được một điều, gọi là Luật Tắc: Đối với tâm thức một chúng sanh hay một loài chúng sanh, thời gian Xuất Hiện dài hay ngắn, trôi lẹ làng hay Trôi lê thê, Thọ Mạng dài hay ngắn… cũng đều tùy thuộc ở Thể Tốc chuyển động của những quang minh tâm thức của chúng sanh ấy hay của loài chúng sanh ấy. Và thể tốc thì tùy thuộc ở mức độ Thanh Tịnh, mức độ Đạo Lực của tâm thức.

Thực ra, thì theo thiển ý của kẻ viết, mục đích của con đường tu hành xiển dương bởi Chư Phật chỉ là như vậy. Chỉ là gột bỏ mọi tình nhiễm chấp trước, thanh tịnh hóa thân tâm đến cực độ, để có thể khoác một thân-hào-quang-diệu-sắc-và-vô-số-y, để có thể tiếp nhận cùng làm phát hiện mọi thứ quang minh, rồi thuận theo tánh thể khởi diệu dụng vô cùng để độ duyên và ôm trọn pháp giới vào thân tâm mình mà thôi.

Để chứng minh điểm thời gian trên đây, Thiết tưởng có thể lấy vài trường hợp chúng sanh làm ví dụ:

– Tự dụ lấy một con côn trùng nhỏ nhít như con ruồi hoặc con chuồn chuồn. Loài súc sanh này rất thấp kém, nên có thể ức đoán rằng bản năng này tâm thức của chúng hết sức sơ khai, nhưng không phải là không có

Những tia sáng tâm thức của chúng rất là: mù lờ mờ, le lói như một ngọn đèn nhỏ. Giòng biến hiện cũng rời rạc đứt nối mờ mịt kém miên tục, nên chắc rằng những quang minh phát xuất cũng thô kệch và chuyển động rất chậm so với quang minh tâm thức của người.

Do đó, đối với chúng, có lẽ thời gian cũng xuất hiện rất là mù. Trôi Rất Chậm và dài lê thế… Bởi vậy, khoảng thời gian chừng một ngày của người, đối với chúng đã trở thành một khoảng thời gian rất dài rồi, nên Thọ Mạng của chúng chỉ kéo dài chừng vài ngày hoặc năm, bảy ngày thôi. Thọ mạng ngắn ngủi, chừng năm, bảy ngày của người thôi. Nhưng cũng đủ để chúng kinh qua mọi giai đoạn sanh thành rồi tàn lụi trong kiếp sống của chúng.

Tiến lên vài nấc thang tâm thức nữa, và lấy tỷ dụ con chó hay con ngựa chẳng hạn. vẫn là súc sanh, nhưng tâm thức khá cao rồi, vì chúng có thể hiểu được người. Quang minh tâm thức của chúng chắc là chuyển động khá nhanh và khá liên tục rồi. Nhanh cũng cần được như của người. Do đối với chúng, thời gian cũng xuất hiện trôi nhanh hơn đối với loài côn trùng nhiều, trôi nhanh cũng gần như đối với người.

Bởi vậy, thọ mạng của chúng cũng dài hơn chừng 15 hay hơn 20 năm. Trong khi thọ mạng trung bình của người hiện nay là chừng độ 50 hay 60 tuổi.

– Nay đến người, thì chúng ta đều biết cái tâm tưởng do cộng-nghiệp-tương-đồng về thời gian rồi… Nhưng tâm tưởng về thời gian còn tùy thuộc những biệt nghiệp nữa. Tỷ dụ như khi nào chúng Ta vui, thì tâm tư nhẹ nhàng sảng khoái, nên những quang minh tâm thức chuyển động mau lẹ hơn, và thời gian trôi nhanh hơn. Khi buồn, thì những tâm tưởng nặng chĩu tình nhiễm, dứt nối kéo dài lê thê, và thời gian thường trôi chậm hơn.

Một kẻ hành giả tu thiền quán, khi vào được một cơn định nhỏ rồi, thì quang minh tâm thức chuyển động rất nhanh, nên thời gian cũng trôi rất nhanh.

– Lên đến chư Thiên. Chư thiên ở tầng trời Đao Lợi, vì tu Thập thiện nhiều rồi, nên tâm thức rất thanh tịnh so với người, nhất là ít tình nhiễm tình dục, nên quang minh tâm thức chuyển động rất nhanh so với người. Nên thời gian ở Đao Lợi cũng trôi rất nhanh, và một ngày ở Đao Lợi thường tương xứng với năm, bảy chục năm ở nhân thế. Do đó, nên thọ mạng cũng rất dài so với người.

– Lên đến những chư thiên ở cõi sắc, thì các vị ấy quanh năm chỉ ngồi thiền quán thôi, và hưởng niềm an lạc của tam-muội, nên quang minh tâm thức chuyển động càng mau lẹ hơn, và thời gian cũng trôi nhanh hơn nữa… Thọ mạng cũng dài hơn rất nhiều..

– Đến các bậc Đại Bồ Tát ở bậc Bất động, thì hết nói rồi. Các Ngài đã gần như vô khứ vô lai, quang minh cực kỳ mau lẹ, có thể lập tức ứng hiện. Các Ngài cũng thường trụ trong những cơn đại-tam-muội, nên thời gian xuất hiện, trôi nhanh đến mức gần như bị hóa giải. Nhưng cái hay của các Ngài là vừa có thể rút ngắn thời gian lại vừa có thể kéo dài ra được. Có thể thu một kiếp vào một sát-na, cũng như kéo dài một sát-na thành một kiếp… Nên thọ mạng của các ngài cũng thường là vô-hạn-lượng. Neu cần phải để độ sanh, các Ngài có thể trụ thân bao nhiêu kiếp cũng được…

Và cái hay hơn nữa của các Ngài là không những có thể thay đổi cái tâm tưởng về thời gian cho chính mình, mà lại còn có thể thay đổi tâm tưởng ấy cho một kẻ khác, hoặc cho một chúng hội, hoặc cho vô lượng chúng sanh khác nữa.

* * *

Những ý kiến trên đây, kẻ viết không dám nghĩ là chắc đúng… Viết ra chỉ là để góp ý với bạn đọc, để cố tìm một lối lý giải và gây niềm tín giải mà thôi.