NGUỒN THIỀN NHƯ HUYỄN
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG 4

THIỀN ĐỐN NGỘ – TRUYỀN TÂM ẤN SATORI VÀ MỨC ĐỘ KIẾN TÁNH – NHỮNG ĐIỂM NỬA MỜ NỬA TỎ CỦA NGÀNH THIỀN ĐỐN NGỘ ĐÔNG ĐỘ – DỨT MẠNG CĂN VÀ VƯỢT MẠNG TRƯỢC – BÍ ẨN THÙ THẮNG CỦA CÕI TỊNH ĐỘ.

Đến đây tập tiểu luận này đã trở thành khá nặng nề, để khiến bạn đọc ngại ngùng chán ngán.

Nhưng thiển nghĩ vẫn cần viết thêm ít trang nữa về ngành THIỀN ĐỒN NGỘ.

Thực ra, về ngành thiền độc đáo và rất nổi tiếng này, những sách biên khảo dịch ra Việt ngữ đã có khá nhiều….nhu những bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sỹ về cuốn thiền luận của Suzuki, hoặc cuốn thiền đạo tu tập của Chang Chen Chi, hoặc những bản dịch của tu viện Chơn Không về các vị tổ thiền tông cũng nhu về Thiền Đốn Ngộ, hoặc những bản dịch về Vô Môn Quan cùng sáu cửa vào Động Thiếu Thất….

Những sách đó đã trình bày đầy đủ về lịch sử phôi thai, về diễn trình nảy nở phát triển, về những chủ truơng độc đáo, về tông phong, và về những phương thức thiện xảo của các vị tổ để đưa các môn đệ vào trạng thái đốn ngộ hay satori như là: chuyển ngữ, đánh hét, tham cứu thoại đầu hay công án, đề khởi nghi tình hoặc ngũ vị quân thần yếu quyết, hoặc tư liệu giản…

Nên những trang sau đây không nhằm trở lại nhiều về những vấn đề ấy, và chỉ hoài bão nói lên một vài cảm nghĩ, góp một vài ý kiến về một số điểm còn nửa mờ nửa tỏ mà thôi…

1) HUYỀN THOẠI VÀ SỰTHẬT

THẾ NÀO LÀ SỰ THẬT (La Verite)?

Có một số vị, đọc thiền hoặc tu thiền, nhưng khi đọc đến cuộc đời đi du hóa của các bậc tổ thiền, thấy ghi lại những mẫu chuyện mang nhiều sắc thái thần bí quá, thường khởi tâm hoài nghi, lắc đầu quầy quậy và thầm nghĩ rằng: “Những mẫu chuyện đượm nhiều sắc thái thần bí, hoang đường huyền hoặc, huyền thoại quá, và CHE LẤP HẾT sự THẬT….”

Tỷ dụ như: khi thấy ghi Ngài Mã Minh, lúc sắp thị tịch, thì nhập Long phấn tấn tam muội, bay lên hư không, toàn thân chói sáng như hàng trăm mặt trời…. bay lượn hồi lâu rồi đáp xuống đất, ngồi kiết già mà thị tịch.

Hoặc là: một buổi Ngài Mã Minh ngồi thuyết pháp bỗng gió mưa ầm ĩ xối xả kéo đến, trời đất mù mịt. Ngài bảo: “Giây lát nữa sẽ có ngoại đạo tới nghe trộm pháp…”. Sau đó, có một con sâu nằm nép dưới tòa của Ngài…. Ngài dạy: “Con sâu này là ngoại đạo trá hình””… Rồi truyền con sâu hiện nguyên hình người, và thú thực rằng:

– Con tên là Ca Tỳ Ma La, có đến ba nghìn đồ đệ.

– Tột thần lực biến hóa của ngươi là thế nào?

– Con biến hóa biển cả là việc chẳng khó.

– Người hóa TÁNH biển được chăng?

Ngoại đạo mờ mịt, thưa:

– Chỗ này con chưa rõ…..

Đại lược như vậy…. Sau đó, Ca Tỳ Ma La quy phục, xuất gia theo Tổ, được truyền thừa và làm tổ thứ 13 của ngành Thiền Tây Trúc.

Hoặc là: Thấy ghi Ngài Bồ Đề Đạt Ma bị thuốc độc mấy lần mà không sao cả. Rồi thị tịch, chôn rồi, mà vẫn có người gặp ngài xách gậy, mang dép đi trên đèo Thông Lãnh để về Tây Trúc.

Hoặc là: thấy ghi rằng tổ thứ 24, tên Sư Tử, lúc bị chặt đầu, thì nơi cổ phun ra một vòi như sữa trắng, cao chừng một trượng

Nên các vị học thiền đó, hoài nghi, nghĩ rằng các mẫu chuyện đó là HUYỀN THOẠI,CHE LẤP HẾT SỰ THẬT.

Thiển nghĩ rằng: đó là một ý nghĩ sai lầm lớn.

Vì sao?

Là vì cần phải tự đặt câu hỏi, và hiểu: THẾ NÀO LÀ SỰ THẬT?

Xưa kia, viên toàn quyền La Mã Ponce Pilate đã từng hỏi Chúa Kitô: Thế nào là sự thật? (Qu’est ce que la Vérité?). Nhưng Chúa Kitô không trả lời, vì có lẽ ngài nghĩ rằng nếu trả lời, thì viên toàn quyền cũng chưa hiểu nổi.

Rồi tới những năm trước đây, có một cuộn phim Nhật tên là Địa Ngục Môn, trong đó có chuyện một tên tướng cướp cưỡng hiếp một người đàn bà, rồi giết người chồng. Nhưng khi tới mở cuộc điều tra, hỏi các nhân chứng, thì mỗi nhân chứng kể lại câu chuyện một cách khác….Vậy thì, thế nào là sự thật?

Và chỉ có giáo lý nhà Phật, giáo lý ẢNH HIỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN, mới lý giải nổi cái mê đồ ảo phố chập chùng của những lăng kính, hay bình diện tâm thức mà thôi.

Sự thật là gì, nó chỉ là những cái mà ta cho là CÓ THẬT, hoặc TƯỞNG là có thật. Tỷ dụ như con sông hoặc trái núi kia… thì chúng ta, loài người đều cho là thật có, là sự thật. Vì sao? Vì chúng ta đều là loài người, đều hàm chứa trong tàng thức những chủng tử cộng nghiệp tương đồng, đến kiếp này cũng nở xòe ra, nên chiêu cảm những luồng quang minh thô kệch kiên cố nơi Tướng phần vốn xoay vần miên viễn từ vô thủy, khiến chúng phải biến hiện, phải lóng lại thành những ẢNH TƯỢNG TƯƠNG ỨNG với sáu căn của chúng ta. Nên chúng ta cho con sông kia là nước, uống được, là có thật, là Sự THẬT…

Nhưng loài Ngạ Quỷ, loài Rồng hay Chư Thiên, khi nhìn con sông… lại thấy là khác, lại thấy là lửa, là điện đài, là ngọc lưu ly, và cho là có thật, là sự thật.

Song đối chúng ta, thì những sự thật của mấy loài ấy, ta lại coi là hoang đường, là huyền thoại.

Vì sao? Vì nghiệp lực khác biệt, đạo lực khác biệt, nhãn lực khác biệt, mức độ tâm thức khác biệt,

Mức độ thô hay tế của những quang minh tâm thức khác biệt, mức độ tự tại lực của tâm thức khác biệt…

Bởi vậy, nên khi nghe nói đến những thần biến của Ngài Mã Minh hay Ngài Ca Tỳ Ma La, chúng ta thường hoài nghi lắc đầu quầy quậy….Nhưng tới khi ta tu hành tới mức tâm thức có thể phát ra những luồng quang minh vi tế và nhiều tự tại lực như các Ngài, thì tâm thức ta sẽ tưong ứng, sẽ coi những thần biến ấy là dĩ nhiên, là có thật, là sự thật… và sẽ thấy thế gian này chỉ là huyễn mộng.

Ở pháp hội Hoa Nghiêm cũng vậy, các đại đệ tử của Phật đâu có nhìn thấy, nghe thấy những thần biến của Chư Đại Bồ Tát. Vì đạo lực không đồng, không tương ứng… Và ngay bây giờ đây, giữa những cảnh giới nhật dụng thường ngày của chúng ta, giữa những sự vật tầm thường như cây bưởi, cây cam, ngôi nhà, vẫn có xen lẫn lồng vào vô lượng những quang minh của Chư Phật, tạo dựng vô lượng thần biến… mà chúng ta vẫn chẳng hay chẳng biết, chỉ muốn tiếp tục lắc đầu quầy quậy…

Huyền thoại hay sự thật chỉ là vậy…. Chẳng một cũng chẳng khác, vì chỉ là tùy thuộc mức độ nghiệp lực, đạo lục, hay nhãn lực

2) NIÊM HOA VI TIỂU – TRUYỀN TÂM ẤN.

Chư Thế Tôn đều có sức phương tiện lớn (Upaya), và tùy theo căn cơ cùng thiên tư của chúng sanh tại các cõi, các ngài thường có nhiều cách để TRUYỀN PHÁP ẤN, như trong các kinh (Lăng Già và Duy Ma Cật….) có nói rõ.

Truyền Pháp Ấn có nghĩa là dùng phương tiện thiện xảo, để khiến cho người đệ tử hoặc vô số chúng sanh có thể lãnh hội ngay được ý chỉ vi diệu của pháp đó nên đắc pháp hoặc đắc một quả vị nào đó.

Những phương tiện ấy là những gì?

Tỷ dụ như ở cõi Chúng Hương, Đức Phật ở cõi đó thường chỉ dùng cơm thơm, hoặc hương thơm để khiến đệ tử hoặc chúng sanh đắc pháp, mà không cần phải dùng đến ngôn từ, vì ở cõi đó tỷ căn và thiện căn của chúng sanh đều thù thắng… Ở cõi Ta Bà này, Đức Mâu Ni thường phải dùng đến diệu âm cùng ngôn từ, hoặc phóng quang…. để khiến chúng sanh đắc pháp, vì ở cõi này chúng sanh thường chỉ có nhĩ căn và nhân căn là tương đối mãnh lợi thôi.

Ở các cõi khác, Chư Thế Tôn có thể dùng nụ cười, dùng ánh mắt, dùng tà áo, hư không, ánh sáng, hoa sen, dòng nước chảy… để khiến chúng sanh đắc pháp. Thực ra, thì với biển thần lực của bậc vô thượng giác, các Ngài có thể dùng bất cứ phương tiện gì cũng vẫn có thể khiến đắc pháp. Song các phương tiện thường được chọn để phù họp với căn cơ cùng cộng nghiệp của chúng sanh.

Những phương tiện nói trên có nghĩa là: Phật dùng những luồng quang minh thần lực của Diệu Tâm, PHỔ vào những vật đó, rồi tác động vào nhĩ căn, nhãn căn, tỷ căn, thiệt căn… của chúng sanh… rồi lọt vào tác động ý căn, khiến cho những luồng quang minh tâm thức của chúng sanh cũng RUNG CHUYỂN THEO NHỮNG ÂM HƯỞNG (résonance) của thần lực, và mỗi lúc mỗi trở thành nhỏ nhiệm vi tế. Vì nhỏ nhiệm vi tế, nên có khả năng lọt sâu vào tâm thức, và vì lọt sâu, nên chúng sanh đắc pháp.

Tuy nhiên, sự tác động vào nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt căn… cũng chua phải là thẳng tắt và vi diệu rốt ráo. Nhung nếu Phật dùng Tâm lục của Ngài để tác động thẳng vào Ý căn, hoặc Tàng thức sơ năng biến của kẻ đệ tử, thì có thể coi là vi diệu rốt ráo.

Và vụ đó được gọi là TRUYỀN TÂM ẤN. Tức là lấy Tâm truyền Tâm. Lấy ngay những luồng ba động quang minh cực kỳ vi tế, cực kỳ mãnh liệt và thần tốc của Diệu Tâm, để IN lên những luồng ba động tâm thức của kẻ đệ tử được truyền thừa, khiến cho quang minh tâm thức của vị này trở thành ly cấu hơn, thanh tịnh hơn, vi tế hơn, mãnh liệt và thần tốc hơn… Do đó, đắc pháp.

Nhưng dĩ nhiên là phương thức này chỉ có thể thực thi cho một vị thôi, cho vị đệ tử nào có căn cơ thuần thục nhất, và tương ứng nhất để truyền thừa.

Do đó, nên có tích Niêm Hoa Vi Tiếu.

Một hôm, tại nơi hội Linh Sơn, Phật ngồi cầm một cành hoa giơ lên, cả hội chúng đều ngơ ngác (Ngơ ngác vì tâm thức của các ngài đều chưa thuần thục, chưa đủ mức vi tế, chưa tương ứng để thọ lãnh việc IN Tâm Phật lên tâm mình, chưa đủ để tiếp nhận những âm hưởng)… Duy chỉ có Ngài Ca Diếp chúm chím cười… Nên Phật dạy: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ông… ”

Thiển nghĩ có thể mạo muội diễn giải lời Phật dạy như sau: “Ta từ những kiếp không the tính đếm, tu tập trí huệ cùng các hạnh, nên chứng nhập được hoàn toàn Biển Diệu Tâm. Biển này cũng là Biển Đại tịch diệt, Đại Bát Niết Bàn của Chư Như Lai, chang có the dùng ngôn từ giáo lý mà nói cho ông được… Nó tương tợ như một biển hào quang vô tướng mạo, nhưng vô cùng mầu nhiệm và sáng ngời tột bực. Mầu nhiệm vì nó có thể làm huyễn hiện mọi thứ sắc tướng diệu hữu. Và vì nó sáng ngời, nên ta có con mắt nhìn thấy tất cả kho tàng chánh pháp… Nay ta muốn truyền một ít phần cái kinh nghiệm tâm linh bất nhị ấy cho ông, để khiến cho dòng chánh pháp siêu tuyệt về tâm linh khỏi bị đứt đoạn. Nên ta mang ngay những luồng ba động nhiệm mầu của tâm đó, để IN lên tâm thức ông, khiến ông có thể hay biết ít chút về tiền phong vị của cái tăm vi diệu ấy ”

Rồi Phật lại nói thêm một bài kệ, để khiến kiên cố thêm sự chuyển hiện tâm linh của Ngài Ca Diếp….

Sau thời Phật, các bậc Tổ thiền vẫn tiếp tục truyền thừa…. Thuờng là truyền bằng một bài kệ. Nhung trong khi đó, chắc rằng các Tổ cũng vẫn dùng những luồng tâm lực vi diệu để chuyển hiện tâm thức của vị được truyền thừa. Nhưng cũng chắc rằng tâm lực của các vị Tổ kế tiếp không thể nào có được mức độ vi diệu, mãnh liệt và thần kỳ như tâm lực của Phật…

3) VỀ 27 VỊ TỔ THIỀN TÂY TRÚC

Trong những vị học thiền đốn ngộ, tu ngành thiền ấy, hoặc say mê Thiền Đốn Ngộ, có một số người hay lầm lạc chấp trước mấy chữ KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT, nên thường đánh giá quá cao về trạng thái Satori tức là thoáng liễu ngộ, thoáng thấy Tánh…, thường lầm nghĩ rằng những vị hành giả được trạng thái đó là sắp thành Phật đến nơi rồi, sắp trở thành một bậc Vô tu vô chứng… Hoặc tệ hại hơn nữa, tự nhận thấy mình có những giây phút như xuất thần, bèn lầm nghĩ rằng mình có lẽ đã chứng ngộ, sắp thành tựu lớn đến nơi rồi, rồi khởi tâm coi thường hoặc chê bai những người tu khác…

Thực ra, nếu đọc kỹ các Kinh Đại Thừa, thì sẽ thấy rằng: con đường từ chỗ thoáng ngộ đến Phật quả còn rất dài xa.

Thực ra, thì ngành Thiền Đốn Ngộ cũng chẳng phải là QUYẾT ĐỊNH đốn ngộ. Vì chỉ đốn ngộ ở chỗ là biết chủ trương không đi lòng vòng nhiều ở văn tự, mà muốn đi thẳng vào Tâm địa. Nhưng còn đốn được hay không là tùy ở căn cơ hành giả hơn là tùy pháp môn.

Và thực ra, tuy kinh sách vẫn gọi là Kiến Tánh, nhưng Kiến Tánh cũng có khá nhiều mức độ NÔNG SÂU, rải rác từ mức độ Không Tam muội mới chớm và chưa thường trực….cho đến chỗ Tột không Diệu hữu của Chư Phật.

Một vị đệ tử, nhờ cơ duyên một cái đạp của Ngài Mã Tổ, hoặc nghe tiếng gọi của ngài Huệ Trung… thì trong ngữ lục ghi rằng: vị đó bỗng nhiên LIỄU NGỘ.

Nhưng liễu ngộ cái gì, như thế nào…thì ngữ lục không hề nói rõ. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng: là chợt nhận ra cái bí ẩn lạ lùng và hiển nhiên của tâm thức mình, chợt nhận thấy cái THẤY NGHE HAY BIẾT nó vẫn thường hằng bất biến mà từ trước tới nay mình không hề lưu tâm đến nó… Và đồng thời, sâu hơn nữa CHỢT NHẬN thấy sự hiện hữu thường hằng của một thứ THỰC TẠI hình như không sanh không diệt, có vẻ như bất khả hoại diệt, và chính cái đó nó làm cỗi nguồn nền tảng cho thân tâm mình.

Đó gọi là trạng thái liễu ngộ….Nhưng trạng thái này thì không cứ phải nhờ cơ duyên điểm hóa của một vị Tổ mới có được. Có thể chỉ cần đọc tụng kinh Lăng Nghiêm hay kinh Đại Thừa lâu ngày cũng có được… Và trạng thái này thì còn rất xa vời Phật quả.

Lại lấy thí dụ một vị đệ tử khác, trong nhiều tháng hay nhiều năm, tham cứu đúng phép chữ của ngài Triệu Châu. Lần lần, khối nghi tình trong tâm thức kết tụ lại thành phiến, đánh bại hết mọi tâm tưởng khác, rồi tới một lúc chín mùi, NỔ TUNG ra, làm sụp đổ cái màn thiên la võng vọng thức, cái rừng “cát đằng bìm sắn ” chằng chịt dính mắc. Và tâm thức hành giả chớm lọt vào được bình diện Tàng thức sơ năng biến, thấy vũ trụ trong suốt như pha lê và chan hòa quang minh….Thì đó là trạng thái Chứng ngộ, hay Satori. Trạng thái này cao hơn, sâu hơn trạng thái thoáng liễu ngộ nói trên. Nhưng vẫn chỉ là một thứ không Tam muội mới chớm, chưa được thường trực….Và dù được thường trực rồi, vẫn còn phải gột sạch những phiền não chướng để cắt đứt MẠNG CĂN ngã chấp, rồi lại phải khởi quán Giả, quán Trung để gột sạch những vô minh vi tế chấp pháp, những sở tri chướng nhiều như cát bụi, vượt khỏi MẠNG TRƯỢC cũng như khởi diệu dụng vô cùng…thì mới tới trạng thái Tột không Diệu hữu được… Bởi thế, nên con đường còn lại không phải là không dài xa.

Thiết tưởng cần nhắc lại rằng, từ thời vô thủy đến nay, do lòng Đại Bi hằng khởi, tuy Chư Phật xuất hiện nơi đời nhiều hơn số cát bụi của các đại địa, nhưng trải trên dòng thời gian, thì sự xuất hiện nơi đời của một bậc Như Lai vẫn HY HỮU như sự nở ra của một bông hoa linh thoại (hoa Ưu Đàm Bát)…. Và theo lời dạy của kinh Hoa Nghiêm cùng một bài kệ trong kinh Lăng Già, thì những Bậc thành Vô Thượng Giác ở nơi nhân thế này, đều là những bậc Nhứt sanh bổ xứ giáng thai rồi thị hiện như vậy để khích lệ loài người cùng chúng sanh mà thôi… Còn như các chúng sanh ở nhân thế, sanh nhằm thời Tượng pháp hoặc Mạt pháp nên dĩ nhiên là túc nghiệp sâu nặng, lại sống giữa một thời kỳ ngũ trược ác thế, thì chớ nên lầm nghĩ rằng căn cơ của mình là siêu xuất, và có thể dễ dàng mau lẹ trở thành một bậc vô tu vô chứng được…

Đành rằng ở nơi nhân thế này, cũng vẫn có thể có nhiều hóa thân của Chư Phật… Như Ngài Bố Đại Hòa Thượng, Ngài Thiện Đạo, hoặc Ngài Đỗ Thuận vẫn thường được tương truyền như là hóa thân của Đức Di Lặc, Đức A Di Đà và Ngài Văn Thù… Nhưng các bậc hóa thân thường rất ít khi thị hiện thành Chánh giác, và nhiều khi chỉ thị hiện một vai trò khiêm tốn hoặc là mai danh ẩn tích. Và nếu xảy ra trường hợp bị các đệ tử dồn dập thưa hỏi về mức độ chứng đắc của mình, thì các Ngài thường chỉ thú nhận một mức độ trung bình mà thôi…

Nay nói về 27 vị Tổ ngành Thiền Tây Trúc, kể từ Ngài Ca Diếp đến vị truyền thừa cho Ngài Đạt Ma.

“Thực ra, sự tìm hiểu về các Ngài, về thân thế, về phong độ, về tông phong, về cách thức giáo hóa, và nhất là về mức độ KIẾN TÁNH HAY CHỨNG ĐẮC của các Ngài… vẫn là một điều khó khăn và mạo muội. Vì kể phàm phu đứng dưới chân núi, khó thể ức đoán về chỗ sở hành của những bậc đã ở trên ngọn núi.

Tuy nhiên, thiển nghĩ vẫn cần phải làm ít nhiều ức đoán, vì việc đó có thể giúp chúng ta hiểu biết thêm về diễn trình của ngành Thiền, về những lời dạy do phuong tiện huệ của các Ngài, và bớt được ít nhiều ngộ nhận.

Sau đây, chỉ là cố gắng nương theo lời kinh luận cùng ngữ lục, để đưa ra mấy điểm nhận định như sau:

1. Về phong độ: Phong độ của các ngài Tây Trúc thường là bình dị khiêm tốn, lời dạy minh bạch dễ hiểu, không có những tác phong ly kỳ cổ quái như những vị Tổ Đông Độ trong những thời kỳ sau Ngài Huệ Năng.

Trái lại, để độ sanh, các ngài lại hay thi triển thần lực: Tỷ dụ như Ngài Mã Minh đã phải thi triển thần lực để hàng phục Ngài Ca Tỳ Ma La, hoặc Ngài Long Thọ đã nhập Nguyệt luân Tam muội, hiện thân như vầng trăng tròn sáng để giáo hóa dân chúng của một xứ, tuy đã theo đạo Phật, nhưng chưa biết tin ở Diệu tâm.

Trong khi các vị Tổ và Thiền Đức Đông Độ, từ sau Ngài Huệ Năng, hình như rất ít thi triển thần lực, chỉ trừ một vài trường hợp thực hiện việc sanh tử tự tại như Ngài Đăng Ẩn Phong, Phổ Hóa, hoặc Ngài Thiện Chiếu mà thôi….Nhưng có thể rằng các Ngài đôi khi có thi triển thần lực, nhưng không ghi lại trong ngữ lục

b) Về phương thức tu Thiền: các ngài Tây Trúc vừa thiền theo lối Tĩnh tọa, lại vừa thiền trong những động tác cùng oai nghi… Tỷ dụ như có vị Tổ nói: “Khi ta thở ra, thì hơi thở không dính mắc lục trần. Khi thở vào, thì hơi thở không dính mắc 5 ấm…”.

Sau này, sở dĩ Ngài Huệ Năng cực lực cổ xúy lối Thiền trong động tác, và đả kích lối Thiền tĩnh tọa của Ngài Thần Tú, chỉ là vì đa số các đệ tử thời đó, khi ngồi tĩnh tọa, thường hay rơi vào hôn trầm, vô ký. Vả lại, một vị tu thiền không học thiền trong động tác thì công phu chỉ quán bị gián đoạn trong thời gian động tác

c) Về phương thức giáo hóa hay điểm hóa: Các Ngài Tây Trúc rất ít dùng đến đánh hét, cũng không dùng đến công án hoặc khán thoại đầu… Theo ngữ lục, hình như chỉ có một lần, Ngài Ca Diếp QUÁT lên rằng: “Cây phướn trước chùa đổ ”, để khai hội Ngài A nan… Nhưng vì cả hai Ngài Ca Diếp lẫn A Nan đều chắc chắn là những bậc Bồ Tát, kiếp này thị hiện dưới hình tướng Thanh Văn, nên cả tiếng quát cùng sự liễu ngộ cũng chỉ là thị hiện.

Trái lại, các ngài thường chỉ dùng chuyển ngữ, tức là lối vấn đáp để chuyển căn cơ… Nhưng đôi khi, cũng có những lối vấn đáp rất cao siêu bí hiểm, tỷ dụ như cuộc đối thoại giữa Tổ La Hầu La Đa và Ngài Nan Đề… (xem cuốn Tổ Thiền Tông, biên soạn bởi T.T. Thanh Từ, trang 88)

d) Về hàng đệ tử của các ngài: Vị Tổ thứ 8 tức Ngài Phật Đà Nan Đề, giáo hóa một số đông đệ tử, trong đó có năm trăm vị đắc nhị quả, tức là quả vị Tư Đà Hàm.

Trong ngành Thiền Tây Trúc, vì Ngài Ca Diếp là một bậc Bồ Tát thị hiện mang hình tướng Thanh Văn, nên các vị Tổ kế tiếp cũng hay dùng những danh từ của Thanh Văn thừa để chỉ về những thứ bực chứng đắc…. Bởi vậy, có thể suy luận rằng: năm trăm vị đệ tử đắc quả Tư Đà Hàm này, đồng thời vẫn thực hành những hạnh nguyện Bồ Tát, và trên phương diện Bồ Tát đạo, mức độ hạnh nguyện của các vị ấy cũng rải rác ở trong các ngôi tư lương như Thập trụ, hoặc Thập hạnh hay Thập Hồi hướng.

e) Về mức độ kiến tánh hay chứng đắc của các vi Tổ Tây Trúc:

Vụ này thực là khó lường. Tuy nhiên, cũng có một vài dữ kiện khá rõ rệt:

Tỷ dụ như về vị Tổ thứ 27, tức Ngài Bát Nhã Đa La, thì được ghi rõ ràng Ngài là hóa thân của Đại Bồ Tát Đại Thế Chí.

Trong đoạn Ngài Ca Tỳ Ma La tới gặp Ngài Long Thọ (cuốn Tổ thiền Tông, trang 73), thì Ngài Long Thọ ra đảnh lễ và thưa rằng: “Chỗ núi sâu vắng vẻ, nơi hang ổ của thú dữ, Đại Đức Chí Tôn sao lại thương xót mà đến đây…) ”

Thì Ngài Ca Tỳ Ma La bèn đáp: “Ta không phải là BẬC CHÍ TÔN, chỉ đến phỏng vấn hiền giả… ”

Với lời nói ấy, ngài xác nhận rằng Ngài chưa phải là bậc PHẬT:

Rồi tới đoạn Ngài La Hầu La Đa (Tổ thiền tông, trang 89) tới gặp Ngài Nan Đề, thì Ngài La Hầu La Đa nói rằng: “Thầy ta là Ca Na Đề Bà chứng được KHÔNG TA ”.

Tức là chứng được Ngã không… Nhưng cần phải hiểu rằng các vị cao siêu thường rất khiêm tốn, và khi nói tới sự chứng đắc của mình, các Ngài thường chỉ thú nhận một mức độ thấp hơn là mức chứng đắc thực sự… Ngoài ra, các ngài đều là những bậc Bồ Tát cao, dùng ứng thân đi vào nhân thế để giáo hóa, nên tuy nói rằng chứng ngã không, nhưng trên thực sự, vẫn chứng thêm được năm, bảy phần Pháp không.

Tóm lại, trên đại thể, các Ngài đều là những bậc Đại Bồ Tát, đã Phần giác về pháp thân, đã nhập địa, và có lẽ mức độ chứng đắc rải rác từ đệ lục địa (tức Hiện tiền địa) cho đến đệ bát địa hoặc đệ cửu địa.

Sở dĩ không dám nói đến Pháp vân địa (tức đệ thập địa), là vì trong kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy rằng: Phải là Bồ Tát Pháp Vân Địa mới có thể nhập gần như trọn vẹn Đại Định Thủ Lăng Nghiêm. Và cũng trong kinh ấy, Ngài Ca Diếp thú nhận rằng ngài chưa tới được mức đó…

f) Về việc HIỆN TƯỚNG NIẾT BÀN, lúc thị tịch:

Khi thị tịch rời bỏ nhân thế, các ngài thường hay hiện tướng Niết Bàn. Tức là thị hiện những thần biến, hoặc hiện 18 phép biến hóa như bậc A La Hán (bay trên không, thân phun nước hay lửa, thân chói sáng, hoặc biến hóa thân hình lớn nhỏ…), hoặc phóng quang…

Trong khi các vị Tổ ngành Đông Độ ít thấy làm những vụ này. Hoặc là có làm, nhưng không thấy ghi.

Cũng cần ghi rằng: việc phóng quang của các bậc này, so với việc phóng quang của Phật, chắc là còn thua xa. Tỷ dụ như trong kinh Pháp Hoa, Phật phóng quang khiến cho tứ chúng đều nhìn rõ 18.000 cõi Phưong Đông. Hoặc trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật phóng quang tạo thành một đài quang minh, ẢNN HIỆN tất cả các cõi Tịnh Độ khiến bà Vi Đe Hy trông thấy…. Thần lực của các vị Tổ chưa thể nào tới mức đó được….

4) VỀ 6 VỊ TỔ CỦA NGÀNH THIỀN ĐỐN NGỘ ĐÔNG ĐỘ, TỪ NGÀI ĐẠT MA ĐẾN NGÀI HUỆ NĂNG:

Trên đại thể, kẻ viết trộm nghĩ rằng sáu bậc này cũng đều là những bậc siêu xuất, và mức độ KIẾN TÁNH cùng CHỨNG NHẬP PHÁP THÂN cũng tương tự như những vị Tổ của ngành Thiền Tây Trúc. Nghĩa là cũng rải rác từ Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa và Thiện Huệ Địa..

Cũng có thể rằng trong sáu bậc đó, có một, hai vị Đại Bồ Tát ở mức độ cao hơn nữa, thị hiện ứng thân nơi nhân thế để chỉ đường mách lối. Vì ở mỗi khúc quanh tâm linh quan hệ của một tập thể nhân loại, vẫn thường có những vụ thị hiện như vậy. Nhưng tuy các Ngài là bậc thật cao, các Ngài cũng chỉ thị hiện để giảng dạy một mức độ giáo lý phù họp với căn cơ của đa số lúc đương thời mà thôi.

Đối với sáu bậc này, có thể rằng những lời dạy của các ngài thật là siêu tuyệt về LÝ, nhưng về sự, thì chưa chắc sự chứng nhập của các ngài đã được siêu tuyệt hoàn toàn như một Bậc Như Lai… Tỷ dụ như khi Ngài Đạt Ma dạy rằng: “Đối với ta, Thiền chỉ đạt được khi nào THẤY được Phật tánh của chính mình…. Và việc lãnh hội được Pháp thân là việc của ĐỨC TIN tuyệt đối, không pha lẫn với bóng tối của ngờ vực…. ”. Đó là lời dạy về Lý, nhưng về Sự, thì có thể rằng sự thấy Phật tánh của ngài cũng chưa hoàn toàn rõ ràng như một bậc Như Lai.

Khi chuyển sanh ngành Thiền Đông Độ này, các tông phong, các cách thức truyền dạy điểm hóa ngày càng trở thành đa dạng phiền toái, để phù họp với căn co đa dạng của nhiều người… Tỷ dụ như Ngài Đạt Ma thì thường nói đến VÔ TÂM hay VÔ THỨC, rồi đến Ngài Huệ Năng lại nói đến VÔ NIỆM. Nhưng tuy những danh từ có khác nhau, hoặc phưong thức điểm hóa có sai biệt, con đường tiến tu vẫn chỉ là: lìa các thứ Tướng, gột các vọng Tình, gột vọng Tưởng, gột các thứ vọng kiến, để LỌT vào nơi Không hải của Tàng thức sơ năng biến tức Hiện thức (nghĩa là Thức đã hiện tướng), rồi gột nốt những phần vọng vi tế chấp pháp của Thức này để CHUYÊN nó thành Chân thức, tức là Quang minh vô tướng mạo của Diệu tâm…

Sở dĩ kẻ viết trộm nghĩ như trên, là vì những lý do sau đây:

a) Nhà Thiền thường hay dùng lối nhìn Đốn, lối nhìn BẤT NHỊ, rồi dùng cái lý Bất nhị để đoạt Sự, tức là lướt qua cái thế giới sai biệt của Sự, vượt qua những thứ bực tiến tu của những người mà căn cơ chưa đạt nổi bình diện Bất nhị.

Tỷ dụ như Ngài Huệ Năng khi nói tới Tịnh Độ, thì Ngài nói theo lối Bất nhị ngay, tức là Di Đà tự tánh và Duy tâm tịnh độ….Trong khi đối với tối đại đa số căn cơ chúng sanh, thì vẫn còn sống trong thế giới sai biệt, còn thấy có đây có kia, chưa hiểu được cái sâu cái Lý do Tâm ảnh hiện không thể nghĩ bàn….nên vẫn có một Đức A Di Đà thực sự nơi phía mặt trời lặn để cầu xin tiếp dẫn, cũng như có một Cực Lạc Quốc thực sự để vãng sanh.

Lối nhìn dùng Lý Bất nhị để đoạt Sự này, thì ngay trong các kinh, cũng đôi khi được dùng đến… Tỷ dụ như trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa, thì từ Sơ Địa đến Đệ Ngũ Địa, Địa nào cũng hầu như có thể đạt được VÔ SANH. Nhưng đó chỉ là nói về Lý thôi… Còn như về Sự, thì phải tới Đệ Thất Địa, mới chứng được Quang minh Vô sanh pháp nhẫn, tức là nhìn thấy những quang minh HIỆN TƯỚNG của cái Bản thể Vô sanh. Rồi tới địa thứ tám, mới chứng nhập được Vô sanh pháp nhẫn….

Nên cần lưu tâm tới Lý và Sự, mới có thể đỡ lầm lạc về những lời dạy của các vị Tổ thiền được.

b) Nhà Thiền thường ưa thích lối nói Cùng tuyệt, Đột ngột và Bí ẩn, mà chỉ có những người trong cuộc, một khi tâm thức đã chín muồi và TƯƠNG ỨNG với nhau, mới dễ lãnh hội ngay được mà thôi.

Tuy nhiên, để làm sáng tỏ thêm ít nhiều về các phương thức điểm hóa của các Tổ cùng mức độ giải ngộ hoặc chứng ngộ của vị đệ tử, ta có thể lấy mấy trường họp tỷ dụ như sau:

Tỷ dụ như Ngài Huệ Khả. Ngài thưa với Ngài Đạt Ma:

“- Tâm con chưa được an. Xin thầy AN TÂM cho.

– Ngươi đem tâm ngươi ra đây để Ta an cho.

– … Bạch thầy, con tìm kiếm mãi mà không thấy tâm con đâu.

– Thế là Ta đã an tâm cho người rồi đó…”

Lúc đó, những ngữ lục nhà Thiền bình luận rằng: “Vào giây khắc đó, NIỀM CÔ LIÊU bao trùm nơi vòm núi Thiếu Thất, và chẳng có mặt nào nơi Thiếu Lâm Tự cả… ”

Như thế là ý nghĩa thế nào?

Nếu hiểu cái diễn trình của tâm thức trên con đường Thiền quán, nghĩa là ngày càng LỌT SÂU vào những màn sưong mù mỗi lúc mỗi VI TẾ của Thức biến, thì những diễn biến tâm linh trên đây của Ngài Huệ Khả không đến nỗi khó hiểu cho lắm.

Ngài vốn là một bậc thiên tư hơn người, từ lâu đã khắc khoải, cố gắng văn tư tu nhiều, và tu tập ráo riết Thiền quán. Để gắng làm bặt những Thọ ấm hư minh, bặt những tâm tưởng dung thông, làm tiêu sắc ấm của căn thân vào hư không, và cũng muốn chọc thủng cái màn sương mù u ẩn của hành ấm chấp ngã. Tức là muốn tiêu dung những vọng tình, vọng tưởng cùng vọng kiến… Nhưng công phu chưa được hoàn mãn, nên tâm thức còn chập chờn lắt lay, có lúc thấy như vọng tưởng bặt hết, nhưng rồi lại chập chờn hiện ra.

Rồi tới khi Ngài Đạt Ma dạy: “Ngươi hãy đem tâm ra đây… ” thì lời nói ấy tác động mãnh liệt vào diễn trình chuyển hiện thông thường của tâm thức Ngài, và tạo một tình trạng khẩn thiết… Rồi do công phu tự lực tu tập từ trước của Ngài, do lòng khẩn thiết giữa lúc đó, và do sức gia trì của những ba động tâm lực của Ngài Đạt Ma… những vọng tưởng kiên cố hoặc hư minh hay dung thông bỗng nhiên bặt hết, và ngay cái màn sương mù u ẩn của hành ấm cũng bị chọc thủng, nên quay đi quay lại, ngài không thấy Tâm đâu hết, vì cái tâm vốn là RỖNG KHÔNG… và Ngài lọt được vào miền Tĩnh lặng nơi Không hải của Tàng thức sơ năng biến. Và nơi đây chỉ toàn là những quang minh hư vô vi tế, không còn một bóng dáng của tâm tưởng thô kệch hay trần cảnh, vì trần cảnh nào cũng do cái Tâm rỗng không ấy nó ÓNG ÁNH và ảnh hiện không thể nghĩ bàn tùy theo sức chiêu cảm của những chủng tử nghiệp lực nở xòe ra mà thôi…

Tức là ngài LỌT được vào Tàng thức (hay Vô thức), vào được không Tam muội, thành tựu Không quán. Nên tâm tạm gọi là được AN, vì hết vọng tưởng Thô….

Rồi một thời gian sau, Ngài lại trình thầy:

“- Tâm con đã buông hết muôn duyên rồi!

– Cẩn thận, hãy cẩn thận… Chớ rơi vào đoạn diệt. ”

Như thế là Ngài Đạt Ma muốn dạy gì?

Muốn dạy rằng: “Hãy cẩn thận, chớ rơi vào cái Rỗng không vô ký. Chớ rơi vào cái bịnh Triền không của hàng Định tánh Thanh Văn, cũng như chớ rơi vào cái kiến chấp hư vô đoạn diệt của ngoại đạo… Phải hiểu rằng cái Tâm ấy, tuy có vẻ rỗng không, nhưng cái rong không ấy lại cực kỳ mầu nhiệm. Trong tất cả thế gian này, tuyệt đối không có một cái gì cả DUY CHỈ CÓ MỘT CÁI ĐÓ thôi. Nó làm nền tảng tất cả, làm huyễn hiện nên tất cả. Nhung nếu ông khởi tâm cho NÓ là có, hoặc cho nó là không, thì vẫn cỏn một hàng rào và ông chưa chứng nhập được nó. ”

Vậy thì nay, trên cái Biển không tịch đó, ông khởi GIA QUÁN, phải khởi ĐẠI BI TÂM, trải nó trên tất cả các duyên độ để sanh, rồi đi lần vào TRUNG ĐẠO SONG QUÁN… thì mới nhập pháp giới đến cùng tột được, và nhập Tẩm đó đến cùng tột… ”

Tức là Ngài dạy phải khởi Giả quán, Đại bi tâm và Trung quán….

Nhưng Ngài Huệ Khả, vốn là một bậc siêu xuất, nên đáp rằng:

– Con chẳng rơi vào đoạn diệt.

– Lấy gì làm tin chắc như vậy?

– Do cái biết tự nhiên vậy, cỏn nói ra thì chắng nói được.

– Đó là chỗ bí quyết TÂM TRUYỀN của Chư Phật, ngươi chớ nên ngờ gì hết… ”

Nghĩa là: Ngài Huệ Khả đã biết đi vào Giả quán rồi, và đi vào Trung quán, và đã trực nhận được mấy phần Pháp thân rồi… Vì nhận thấy rồi, nhìn thấy mấy phần rồi nên rõ ràng tự biết, như người uống nước nóng lạnh tự biết, còn dùng ngôn ngữ mà nói ra thì chẳng được… Nên Ngài Đạt Ma rất hài lòng, căn dặn thêm rằng: “Ấy chính cái đó nó là Thật tướng duy nhất, là cái Thực tại cuối cùng duy nhất, là cái Biến tinh lực uyên nguyên cỗi nguồn của pháp giới… Và mỗi khi Chư Phật truyền tâm ấn, thì các Ngài dùng ngay thần lực của Biển Tâm đó đế nâng tẩm thức kẻ đệ tử tới mức tương ứng, có thể trực nhận một phần cái sức mầu nhiệm của Tâm ấy….. Vậy chớ nên nghi ngờ gì hết…

Rồi tới khi Ngài Đạt Ma sắp thị hiện thị tịch, Ngài bảo các môn đệ:

“Giờ ta trở về sắp đến. Vậy các ngươi nên nói chỗ sở đắc của mình.

Có đạo phó bước ra thưa:

– Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của Đạo….”

Trình bày như vậy, tức là Ngài đã hiểu được cái Lý Trung đạo, Lý Bất nhị của Bát nhã, hiểu rằng Diệu tâm chẳng rơi vào có không, chẳng phải là tướng nhưng cũng chẳng lìa tướng… Nhưng chắc rằng Ngài mới chỉ hiểu về Lý thôi, còn trên Sự, thì chưa thể hiện được mấy nỗi. Cũng tương tự như bên tông Thiên thai nói về Lục tức Phật, chưa bước tới Quán hạnh tức Phật hoặc Tương tợ giác tức Phật… Nên Ngài Đạt Ma mới phẩm bình rằng: “Ngươi mới được phần da của ta… ”

Đến lượt bà sư ni Tổng trì bước ra thưa:

“Chỗ hiểu của con, cũng như Tổ A Nan được thấy cõi nước Phật A Súc, chỉ được THẤY MỘT LẦN, không còn thấy lại… ”

 nghĩa là: vị này đương đi trên lộ trình tu Không quán để lọt vào Không hải của Tàng thức sơ năng biến, đã tiến bước khá xa tới chỗ ngưỡng cửa mấp mé (tức là tới Màn sương mù của Hành ấm), nhưng chưa lọt vào Tàng thức một cách thong dong và thường trực được… Riêng chỉ có một lần, trong một khoảnh khắc xuất thần nhập hóa vào sâu, ngài đã lọt được vào Tàng thức, mở được Tâm nhẫn tịnh diệu, nên nhìn thấy cõi nước Bất Động của Phật A Súc ở Phương Đông… Nhưng chỉ được một lần ấy thôi, sau này muốn thấy lại cũng chưa được… Cũng tương tự như Ngài A Nan xưa kia được nhìn thấy một lần cõi Phật ấy…

Nhưng cần ghi thêm rằng: trên thực sự, vị hành giả khi tu lọt được vào Tàng thức, thì mở được Tâm nhẫn tịnh diệu, được sáu căn rỗng lặng, nhưng thường là chỉ nhìn thấy một cõi Đại thiên của mình mà thôi. Trong lúc đầu, chưa thể nhìn thấy những cõi Phật khác được… Nếu nhìn thấy được, thì không phải là do tâm lực của chính mình, mà là do sức GIA TRÌ của Thần lực…

Cũng như Ngài A Nan xưa kia, là do sức gia trì của Phật hay của Ngài Duy Ma Cật mới nhìn thấy được…. Trong trường hợp bà sư ni Tổng trì, chắc là do sức gia trì của chính Ngài Đạt Ma… Nên Ngài Đạt Ma mới phẩm bình rằng: “Ngươi đã được phần thịt ta. ”

Đến lượt ngài Đạo Dục bước ra thưa:

“Tứ đại vốn KHÔNG, ngũ ấm chẳng có, chỗ THẤY của con là không một pháp có thể được. ”

Lời nói này có nghĩa rõ rệt là: Ngài đã thành tựu Không quán, lọt được vào không hải của Tàng thức sơ năng biến, và nhìn thấy rõ ràng các đại và ấm đều được dệt nên bởi những quang minh hư vô vi tế của Thức sơ năng biến.

Nhưng Ngài chỉ mới thành tựu Không quán thôi, chưa bước sâu vào Giả quán cùng Trung quán… Nên Ngài Đạt ma phẩm bình: “Ngươi đã được phần xương của ta… ”

Đến lượt Ngài Huệ Khả bước ra, đảnh lễ rồi lui lại đứng im lặng… Ngài Đạt Ma khen rằng:“ Ngươi đã được phần tủy của ta…”. Tức là Ngài Huệ Khả đã đi sâu vào Trung đạo song chiếu, và chứng được mấy phần Pháp thân rồi. Đã bước vào bình diện Bất tư nghi, thì làm sao bàn luận nói năng được…?

c) Lời giảng dạy của Ngài ĐẠO TÍN cũng tương tự. Tức là không hề ra khỏi cái lộ trình Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Để và Thuyền Na (Không Giả Trung) của con đường Thiền quán đã được giảng dạy bởi những Kinh Đại Thừa, nhất là Kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác.

Tỷ dụ như Ngài Đạo Tín đi du hóa, lên núi Ngưu Đầu, thấy Ngài Pháp Dung đương ngồi trên tầng đá… Ngài hỏi:

“- Ngồi đây làm gì?

– QUÁN TÂM.

– Quán là người nào, Tâm là vật gì? ”

Lời nhắc nhở thức tỉnh bí hiểm này có nghĩa là: vào lúc đó, tiến trình tâm thức của Ngài Pháp Dung đương ở giai đoạn Quán tâm. Tức là đương dùng tâm thức của mình để quán cái tâm năng quán, tức là chiếu soi chính nó. Tức là ở giai đoạn phản bổn hoàn nguyên, ở giai đoạn HOÀN, như trong Lục diệu pháp môn nói về : Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh.

Nên Ngài Đạo Tín mới nhắc nhở rằng: Cái người quán đó, và cái tâm bị quán ấy….cũng chẳng phải là hai. Để khiến Ngài Pháp Dung có thể nhận thấy cái bí ẩn lắt lay của tâm thức, nó có thể tự phân chia ra, rồi quay lại tự chiếu soi chính mình… Để khiến Ngài Pháp Dung có thể bước vào giai đoạn TỊNH, rồi lọt vào miền Tĩnh lặng nơi Không hải của Tàng thức sơ năng biến…

Rồi một hồi sau, Ngài Đạo Tín lại dạy thêm:

“Chỉ để tâm ngươi tự tại, chớ khởi quán hạnh, cũng chớ lóng tâm, chờ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, RỖNG RANG KHÔNG NGẠI, MẶC TÌNH TUNG HOÀNH, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng… ” (cuốn Tổ Thiền Tông, bản dịch Thanh Từ, trang 193)

Tức là Ngài dạy luôn đi vào Giả quán và Trung quán, đi vào các duyên, khởi các hạnh cùng diệu dụng mà vẫn không móng tâm chấp trước… Sở dĩ Ngài dạy vượt bực như vậy, có lẽ vì Ngài Pháp Dung là một căn cơ xuất chúng.

Sau đó, thì Ngài Pháp Dung vẫn ở lại núi Ngưu Đầu, và khai sáng một ngành Thiền, gọi là Ngưu Đầu Thiền, tông phong rất thạnh….

Tương truyền rằng: Lúc trước đó, trong khi Ngài Pháp Dung ngồi thiền, có các loài thú dữ vẫn tới lăng xăng luẩn quẩn chung quanh như để chầu hầu, và đôi khi, có những loài chim ngắt hoa tới cúng dường Ngài… Nhưng từ sau khi Ngài tiếp nhận những lời dạy của Ngài Đạo Tín, thì hình như không có những loài chim ngắt hoa đem tới cúng dường nữa.

Tại sao vậy?

Chúng ta thường có thói quen coi nhẹ những loài cầm thú, nhưng thực ra, chúng có một thứ linh giác đôi khi bén nhạy hơn người, để tiếp nhận những luồng sóng quang minh hay ba động tâm thức… Tỷ dụ như ngày nay, khoa học từng công nhận rằng con ngựa có thể nghe những siêu thanh, hoặc con chó nhìn thấy những ba động quang minh mà mắt người không thể nhìn thấy.

Vậy trong trường hợp Ngài Pháp Dung, thì có thể rằng: trong khi ngồi thiền, tâm thức ngài cũng tương tự như một trung tâm (foyer), làm phát xuất những luồng ba động quang minh hiền hòa, từ bi, thánh thiện, bao dung che chở. Loài cầm thú nhận thấy cái đó, chúng biết rằng nguời này KHÔNG sợ chúng, cũng nhu không hề có mảy may dụng ý muốn LÀM HẠI chúng. Nên chúng luẩn quẩn chung quanh nhu để chầu hầu hoặc kết bạn, hoặc chim ngắt hoa đem đến để tỏ tình thân hữu.

Nhưng sau khi tiếp nhận lời dạy, thì Ngài Pháp Dung tiến mạnh trên đường Không quán, lọt vào những cơn định sâu ở nơi Không hải. Do đó, những quang minh tâm thức của ngài trở thành QUÁ VI TẾ, các tâm tưởng THÔ đều BẶT HẾT, nên loài cầm thú không tiếp nhận nổi nữa, và chúng trở thành ngẩn ngơ.

Cũng tương tự như Ngài Đạo Ung Am Chủ, khi vào những cơn định nông và tâm tưởng còn thô, thì Chư Thiên nhận thấy và tới cúng dường… Khi vào định sâu hơn, thì các thiên tử không nhìn ra nữa… Hoặc như Ngài Huệ Trung vào định sâu và bặt những tâm niệm thô, thì vị Hồ Tăng có tha tâm thông không nhìn nổi những quang minh vi tế nữa

d) Về lời nói của Ngài HOẰNG NHẪN:

Tương truyền rằng trong kiếp trước, Ngài Hoằng Nhẫn là một vị sư già hay ưa trồng những cây tòng, nên gọi là Tài Tòng Đạo nhân. Khi được gặp Ngài Đạo Tín, Ngài Hoàng Nhẫn hận rằng mình quá già. Nên tự ý dùng ĐỊNH LỰC xả bỏ thân đó, rồi tự tại đi thọ sanh trong bụng một cô gái gặp ở ven sông… Để rồi sanh ra, lớn lên, đi theo Ngài Đạo Tín và được truyền thừa.

Xem thế thì đủ hiểu rằng bản lãnh cùng đạo lực của Ngài đã cao lắm. Vì có thể Tự TẠI XẢ THÂN, rồi Tự TẠI THỌ SANH… Trong ngữ lục nhà Thiền, thường chỉ thấy ghi những vụ tự tại xả bỏ thân, nhưng không có mấy vụ tự tại thọ sanh, và vào thai không hề quên mất.

Ngài có để lại một cuốn luận ngắn, gọi là Luận TỐI THƯỢNG THỪA, được dịch bởi T.T.Thích Thanh Từ. Trong đó, Ngài có nói mấy điều đáng lưu tâm:

Ngài dạy: “Ông nên khéo giữ thân tâm yên lặng, ngồi ngay thẳng chánh niệm, tất cả không DUYÊN THEO CÁI GÌ, quán được thuần thục, thì THẤY RÕ DÒNG TÂM THỨC này trôi chảy như dòng nước, sóng nắng liên tục chẳng dừng… Khi thấy THỨC nầy là không ở trong, không ở ngoài, an ổn như như, quán được yên lặng thuần thục thì XOAY LẠI tiêu dung lóng đứng rỗng lặng. Thức trôi chảy này nhẹ nhàng tự diệt… DIỆT ĐƯỢC THỨC NÀY rồi là diệt được cái CHƯỚNG HOẶC (tức sở tri chướng chấp pháp) trong CHÚNG BỒ TÁT BẬC THẬP ĐỊA… THỨC này diệt rồi thì TÂM KIA liền lóng lặng trong sạch sáng sủa an lành, tôi không thể nói hết tình trạng của nó…. Ông muốn biết rõ, nên lấy kinh Đại Bát Niết Bàn, phấm Kim Cang Thân, hoặc Kinh Duy Ma, phẩm Thấy Phật A Súc, rồi tâm chín chắn thong thả xem xét thật kỹ sẽ thấy…. (Bản dịch Thanh Từ, trang 21)

Tức là Ngài dạy: Phải quán không để lọt vào nơi Tàng thức, thấy rõ biển Thức sơ năng biến chu biến khắp giáp, không phải trong không phải ngoài, cuồn cuộn chảy như thác đổ, và làm LÓE lên những sóng nắng ảnh tượng không thể nghĩ bàn… Nhưng chớ ngừng ở đó, phải xoay lại, khởi Giả quán và Trung quán, để tiêu dung các sở tri chướng vô minh vi tế chấp pháp, và đó là việc làm của Thập địa… Và sở tri chướng hết rồi, thì toàn THỨC kia sẽ chuyển thành CHÂN TÂM thanh tịnh và sáng ngời.

Đồng thời, Ngài vẫn viện dẫn lời kinh xưa, mặc dù nhà Thiền chủ trương Bất lập văn tự…

– Về cuối bộ luận, ngài thành khẩn viết: “Đệ tử viết luận này THẲNG DO TÍN TÂM, Y VĂN NHẬN NGHĨA, mà viết như thế, THẬT KHÔNG PHẢI RÕ RÀNG CHỨNG BIẾT Nếu có trái Thánh lý, xin sám hối trừ diệt… ”,

Như thế là Ngài rõ rệt nói rằng: tuy Ngài dạy giáo lý tối thượng thừa rốt ráo, nhưng là do Tín tâm và y theo lời cùng nghĩa kinh mà nói như vậy, chứ không phải là ngài đã chứng biết rõ ràng tới chỗ Tột bờ mé.

Lời nói của Ngài thực là khiêm hạ hy hữu, ít thấy trong các ngữ lục…

Bởi vậy, nên kẻ viết trộm nghĩ rằng có lẽ mức độ kiến tánh cùng chứng đắc của sáu bậc Tổ này rải rắc từ Hiện tiền địa đến Thiện huệ địa… Song những thứ bực đó cũng đã bước vào bình diện Bất tư nghi rồi.

5) VỀ MỨC ĐỘ KIẾN TÁNH HAY CHỨNG ĐẮC CỦA NHỮNG BẬC THIỀN ĐỨC TỪ SAU NGÀI HUỆ NĂNG TRỞ ĐI:

Từ sau Ngài Huệ năng, trong số các vị Tổ của năm ngành Thiền Đông Độ, lẽ dĩ nhiên là vẫn có thể có những bậc mà mức độ Kiến tánh đã khá cao và sâu.

Nhưng trên đại để, từ đó trở đi, thì cũng như Ngài Hư Vân từng xác nhận, căn cơ của những vị tu thiền có kém sút hơn truớc, nên lần lần, các vị Tổ đã phải xiển duơng nhiều phuơng thức đa đoan và phiền toái để điểm hóa cho hàng môn đệ.

Nên ở tiết năm này, là chỉ muốn nói tới mức độ Kiến tánh trung bình của những vị Thiền đức, do những cơ duyên như: Một tiếng hét, một cú đánh, một cái đạp, một tiếng gọi, một ngọn nến vụt bị thổi tắt, một chiếc rèm rớt xuống gây nên một âm thanh làm giao động pháp giới, hoặc tiếng một hòn sỏi văng vào bụi trúc… khiến cho khối nghi tình của công phu khán thoại đầu bị vỡ tung, và đạt đuợc trạng thái Kiến tánh TƯƠNG TỢ vẫn thuờng đuợc gọi là Satori, hay Chứng ngộ.

Về những vụ chứng ngộ này, thì trong một bài pháp ngữ (trích trong cuốn Thiền đạo tu tập, bản dịch Nhu Hạnh, trang 186,187), Ngài Hám Sơn cũng nhận định rằng: “Tuy nhiên, sự Chứng ngộ cũng có nhiều mức độ NÔNG SÂU khác nhau… Nếu một người có thể tham công án và thâm nhập VÀO CẢI Ổ của ĐỆ BÁT THỨC, rồi LẬT NGƯỢC cái hang mù tối ấy và bằng một cái nhảy vĩ đại VƯỢT NGAY QUA, thì lúc ấy, chẳng còn gì để cho người chứng đắc nữa… Người ấy thực xứng đáng được coi là có căn cơ siêu xuất… Nhưng nhiều người tu tập thường chỉ đạt được những mức độ nông cạn. Điều tệ nhất là tự thỏa mãn với một sự chứng đắc nông cạn… Nếu không VƯỢT QUA được Đệ bát thức, thì bất cứ cảnh giới tuyệt diệu nào mà ta thấy cũng chỉ là sự biến hiện của vọng thức và vọng tình… ”

Lời dạy này gồm ba điều khá rõ ràng:

Thứ nhất là sự chứng ngộ có nhiều mức độ nông sâu khác nhau (tức là mức độ vào nông hay sâu nơi Không hải), và phần lớn những truờng hợp chứng ngộ chỉ là nông cạn, và kẻ hành giả cũng dễ bằng lòng với sự chứng ngộ nông cạn ấy.

Thứ nhì là điều cốt yếu là phải THÂM NHẬP vào ổ của ĐỆ BẤT THỨC, tức là phải LỌT vào nơi Không hải của Tàng thức sơ năng biến.

Thứ ba là: lúc đó, lại cần làm MỘT CÁI NHẢY VĨ ĐẠI nữa để VƯỢT QUA TÀNG THỨC ấy, thì mới tới chỗ Tột bờ mé được. Nghĩa là gột rửa tất cả phần Vọng của Tàng thức, những vô minh vi tế chấp pháp để chuyển thành Bạch tịnh thức hay Chân thức… Nhưng thiển nghĩ rằng lời dạy này của Ngài vắn tắt cô đọng quá, dễ khiến người đọc hiểu lầm rằng: cái bước nhảy vĩ đại ấy có vẻ dễ dàng giản dị quá! Trong khi thực ra, nó là cả một cuộc hành trình mênh mang, và ngay đến những bậc căn cơ siêu xuất cũng phải hội đủ nhiều cơ duyên (nhất là sức GIA TRÌ HỘ NIỆM của mười phương Chư Phật, nhưng nhà Thiền thường nghiêng về Bát Nhã nên ít muốn nhắc tới điểm này…?!) mới có thể vượt qua được… cần ghi thêm rằng: cũng trong bài pháp ngữ ấy, Ngài Hám Sơn xác nhận rằng: phần đông các bậc Thiền sư đều trì chú cả, có điều là các Ngài không nói ra mà thôi…

Tóm lại, về mức độ kiến tánh hay chứng ngộ của phần đông các vị Thiền đức, thì có thể nói rằng: những trường hợp ấy thường là rải rác, hoặc nông hoặc sâu, trên lộ trình Xa ma tha, đi vào Không hải của tâm thức. Tức là rải rác từ mức độ Đệ tứ thiền (làm bặt Thọ ấm và Tưởng ấm) đến Không vô biên xứ, hoặc Thức vô biên xứ…hoặc cao lắm là thành tựu Không quán và lọt vào Không hải của Tàng thức mà thôi… Hoặc đôi khi, chỉ lọt vào một lần, rồi không trở lại được nữa…. Chỉ cần đọc những thiên ký sự về chứng ngộ của nhiều vị, cũng có thể nhận thấy điều đó…

Cũng cần ghi thêm rằng: Neu muốn lọt vào nơi Không hải của Tàng thức sơ năng biến một cách VỮNG CHÃI, hành giả cần phải dụng công tu tập một thời gian dài về Tứ Thiền và Tứ Không Định, vì đó là những chặng đường tiến vào Không hải. Như thế, thì lúc khán thoại đầu, sự đề khởi nghi tình mới chóng thành một khối, và sự lọt vào Tàng thức mới vững chắc… Nếu công phu chuẩn bị ấy không đầy đủ, thì dù cố gắng công khán thoại đầu cùng đề khởi nghi tình, sự lọt vào Tàng thức, dù có đạt được, cũng chỉ là chập chờn, có lúc vào được có lúc không vào được, nên không vững chãi…

6) VỀ VIỆC DỨT MẠNG CĂN, VƯỢT MẠNG TRƯỢC… CŨNG NHƯ VỀ CÁI BÍ ẨN THÙ THẤNG CỦA NHỮNG CÕI TỊNH ĐỘ, NHẤT LÀ CÕI CỰC LẠC…

Đây là một điểm quan yếu và tế vi, mà phần lớn những người tu hành, dù là tu Thiền hay tu Tịnh, đều chưa nhận định được rõ ràng…

Về điểm này, các vị Tổ thường chỉ nói lướt qua (như Ngài Hoằng Nhẫn hay Đạo Tín), chứ không nói rõ rệt. Còn như các kinh Đại Thừa cùng các bộ Đại Luận thì nói rõ hơn, nhưng lời dạy vẫn tản mác rải rác… Và người tu học cần suy ngẫm, giáp nối những ý nghĩa ẩn mật của lời kinh mới có thể nhận thấy rõ ràng.

Kinh Lăng Nghiêm thường nói đến Vượt Mạng trược trong đoạn Ma Chướng của Thức ấm… Các bậc Thiền đức lớn như Ngài Hư Vân và Bác Sơn Thiền sư lại hay nhắc nhở tới việc Dứt Mạng căn trong các bản pháp ngữ… Cỏn như các bậc Thanh Văn lại hay nói tới việc tiêu trừ những phiền não (thô) để dứt Phần đoạn sanh tử.

Tỷ dụ như trong một pháp ngữ, Ngài Bác Sơn viết: “Kẻ tham thiền phát khởi được nghi tình, kẻ đó tương ứng với Lý của Pháp thân, thấy toàn thể cõi đất ÁNH SÁNG rực rỡ, không một tơ hào chướng ngại…., bèn muốn ôm giữ trạng thái ấy, không muốn buông tay… Như thế, kẻ ấy chỉ ngồi một bên của Pháp thân, và do vậy, KHÔNG CẮT ĐỨT ĐƯỢC MẠNG CĂN. Ở nơi Pháp thân, vẫn như còn cái gì thấy, còn có cái gì thọ dụng được (nghĩa là vẫn còn năng sở, vẫn còn hàng  rào vọng niệm chia cách thực tại cuối cùng ấy)… Kẻ chưa cắt đứt được mạng căn, nguyên nhân của luân hồi, nên toàn thân côn là Bệnh, chứ đâu phải là Thiền? (Trích Thiền Đạo Tu Tập, trang 168).

Hoặc trong một bản pháp ngữ, Ngài Hư Vân dạy:

Mạt na thức chấp ngã nên nhiều tham trước, thức ấy dẫn khởi thức thứ sáu và xuất lãnh năm thức trước…. tham ái các thứ trần cảnh thuộc sắc thanh hương vị xúc, nên bị trói buộc vào mê hoặc không dứt, khiến cho Đệ bát thức tâm vương bị vây khốn, không chuyển ra ngoài thân được… Cho nên, hôm nay, chúng ta phải mượn câu thoại đầu này, như một thứ Kim Cang vương bảo kiếm, chém hết mấy bọn giặc cướp đó, Chuyển Đệ bát thức tâm vương thành Đại viên cảnh trí… (nghĩa là làm bặt những vọng tưởng thô của những thức trước, để lọt vào Tàng thức, mở được Kiến đại tịnh diệu, thấy thức sơ năng biển như một tấm gương lớn, một biển quang minh chan hòa, chu biến dính mắc khắp pháp giới…).

Chỉ cần giữ tâm bình lặng, hơi thở điều hòa, nhẹ nhàng quán chữ “AI” như gà ấp trứng, như mèo rình chuột… Khi quán chiếu đắc lực, MỆNH CĂN tất nhiên ĐỨT ĐOẠN…” (Thiền đạo tu tập, trang 141 và 139)…

Vậy thì thế nào là DỨT MẠNG CĂN, và thế nào là VƯỢT MẠNG TRƯỢC?

Dứt mạng căn là: khi đã lọt được vào Không hải của Tàng thức sơ năng biến rồi, thấy quang minh chan hòa không lưu ngại, nhưng nếu tự mãn ngồi ôm giữ trạng thái đó, thì tức là mắc ma chướng của Thức ấm, và vẫn ngồi bên cạnh Pháp thân Nên cần dũng mãnh khởi quán lực, tiêu trừ tất cả mầm mong phiền não THÔ như tham sân si mạn nghi, tức là những mầm móng sanh tử, và như thế là DỨT mạng căn, dứt được phần đoạn sanh tử, không còn phải thọ sanh nơi Tam giới với sắc thân THÔ KỆCH hoặc tâm tưởng THÔ KỆCH nữa . Và như thế, trở thành một bậc LẬU TẬN như một vị A La Hán vậy.

Còn VƯỢT MẠNG TRƯỢC LÀ : Dứt mạng căn chưa đủ để viên mãn con đường Phật đạo dài xa vi diệu. Vì dứt mạng căn mới chỉ là tiêu trừ những phiền não THÔ thuộc về CHẤP NGÃ, mới chỉ chấm dứt sự thọ sanh với sắc thân thô kệch… Và trong biển Tàng thức, vẫn còn vô lượng vô số VÔ MINH HOẶC VI TẾ, những biến dịch vi tế, những sanh tử vi tế… tương tự như những lượn sóng lăn tăn cực kỳ vi tế, hoặc khởi tâm chiếu soi, hoặc khởi tâm CHẤP PHÁP. Cái đó gọi là MẠNG TRƯỢC… Và nếu muốn tiến tu lần nữa, để bước tới Tột không Diệu hữu của các Bậc Diệu giác, thì phải gột nốt tất cả những hoặc vi tế ấy, phải CHUYỂN chúng thành CHÂN THỨC vô tướng, tức là phải VƯỢT mạng trược… thì mới có nổi Diệu sắc thân tự tại vô ngại, được Thân vô sở y, được Thân chẳng sắc chẳng phải phi sắc, được Thân vô biên, được Thân không thân, được Thân Kim Cang trường thọ bất hoại, được Thân Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang của Đức A Di Đà cũng như của Chư Phật…

Do đó, nên Mạng căn có thể ví như một VẼT XOÁY NƯỚC, trong biển Tàng thức, nó đã kết thành một cột gút kiên cố, một tấm lăng kính méo mó bền chặt, tạo dựng thành Mạt na thức cùng khởi lên sáu thức trước, để đi sâu vào những LỚP thể chất thô kệch lưu ngại biến hiện của Tướng phần, và bởi vậy, phải thọ sanh mang một sắc thân hay tâm tưởng thô kệch, chi phối bởi phần đoạn sanh tử, tức là thứ sanh tử có hình tướng rõ rệt.

Còn Mạng trược thì có thể ví như vô lượng vô số những gợn sóng lăn tăn vi tế trong tâm thức, BỖNG QUÊN mình chính là Giác tánh hào quang tột bực, bỗng quên mình chính là Biển cả và ngoài cái Biển này ra thì bổn lai KHÔNG CÓ một vật, nên khởi tâm móng niệm muốn CHIẾU SOI, muốn THẤY BIẾT, muốn thấy Vật, muốn chấp Vật, muốn CHẤP PHÁP… Cái khởi tâm móng niệm muốn thấy biết ấy tức là muốn tách lìa, muốn hiện hữu, nên gọi là Mạng trược. Đó là một sự động niệm cực kỳ vi tế của Tâm, mà phải là một Bậc Bồ Tát vào bậc Pháp vân địa hay Đẳng giác mới tế nhận nổi một cách tạm gọi là rõ ràng… Nó tương xứng với TAM TẾ (tức là nghiệp tướng vô minh, Chuyển tướng vô minh và Hiện tướng vô minh) đã được Ngài Mã Minh giảng nói trong luận Khởi tín, và nó cũng được gọi là căn bản vô minh hoặc sanh tướng vô minh… Khi nó xoay vần lâu rồi, thì nó chuyển hiện, KẾT LẠI thành một cái NÚTT KIÊN CỐ, khó lòng phá vỡ, và cái nút ấy tức là mạng căn của chúng hữu tình. Nên mạng căn tức là LỤC THÔ của vô minh chi mạt…..

Và cũng bởi vậy, nên Kinh Viên Giác mới dạy rằng phải bặt cả những móng niệm muốn chiếu soi, muốn thấy biết… thì mới bước vào Biển Đại tịch diệt Viên giác được…

Bởi vậy, nên cần hiểu rằng: dù những vị Hành giả tu Thiền có đạt được satori hay lọt vào Tàng thức, thì cũng chớ nên lầm nghĩ rằng mình sắp đạt được Phật quả, sắp trở thành bậc vô tu vô chứng, vì đã diệt hết vọng tưởng… Vì thực ra, vọng tưởng có rất nhiều lớp, ngày càng vi tế. Và ngay cái việc nghĩ rằng mình đã diệt hết vọng tưởng rồi, thì chính cái tưởng đó cũng là một vọng tưởng… Và con đường đến Phật quả còn dài xa, thường là còn phải trải qua Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa nữa.

Việc Dứt mạng căn và Vượt mạng trược đã nói như vậy rồi.

Nhưng tại sao những vụ đó lại dính líu đến cái gọi là BÍ ẤN THÙ THẮNG của những CÕI TỊNH ĐỘ, nhất là cõi CỰC LẠC.

Tại sao vậy?

Là vì tất cả pháp giới mênh mang mịt mùng này, thực ra, chỉ gồm có hai phân vực hay hai loại CÕI: Những cõi UẾ ĐỘ và những cõi TỊNH ĐỘ… Trong những uế độ, các chúng sanh thường phải đi theo nghiệp lực dẫn dắt nhiều hơn, nên thường thọ sanh theo bốn cách: Thai noãn thấp hóa, và do đó, phải mang sắc thân THÔ KỆCH khổ lụy ngắn ngủi, hoặc những tâm tưởng thô kệch như Chư Thiên ở cõi trời Vô sắc… Vì thân thô kệch, nên phải chịu Phần đoạn sanh tử thô kệch, không có cách gì khác được… Ngay cho đến những vị trời Vô sắc, vì tâm tưởng, vẫn còn hình tướng và lúc chết, cũng cảm thấy đau đớn như bị tên bắn, vì có lẽ phải tụt xuống thọ sanh ở những lóp thể chất lưu ngại… Còn như ở các Tịnh Độ thì sao? Nơi đây, các chúng sanh không còn bị nghiệp lực dẫn dắt, vì nghiệp lực đã bị hóa giải và tiêu chìm trong cái biển Thần lực của Phật, cùng cái biển Cộng nguyện lực của Chư Đại Bồ Tát. Nên chỗ thọ sanh theo lối hóa sanh thôi. Mà lại hóa sanh trong những cánh hoa sen. Nên được thân hào quang nhẹ nhàng, dệt bằng những quang minh vi tế và vi diệu hơn những quang minh của cõi Vô sắc… Do đó, nên có nhiều tự tại lực cùng du hý thần thông. Lại có thọ mạng gần như vô lượng, vì không còn phải chịu phần đoạn sanh tử thô kệch nữa, và chỉ còn những biến dịch sanh tử rất vị tế mà thôi…

Là vì nếu nói đến các uế độ thì có những uế độ rất xấu xí và tối om không có mặt trời mặt trăng chiếu sáng, nhiều khi cũng không có lửa nữa, còn chúng sanh thì thân hình lệch lạc tiều tụy, thọ mạng ngắn ngủi trí huệ mờ tối, không có Phật, không có một tờ kinh… thì làm sao mà biết đường tu hành để ngoi lên được?… Còn như ở một cõi uế độ trung bình như cõi Ta Bà này, thì có mặt trời mặt trăng, có thọ mạng chừng độ bảy, tám chục tuổi, trí huệ cũng có ít nhiều, có Phật ra đời, có kinh chép lại… nhưng ngũ trược hoành hành, nghịch duyên rất nặng. Nên ở đây, những vị chủng tánh Thanh Văn có căn cơ trung bình, thường là phải tu chừng sáu mươi kiếp mới có thể đắc quả A La Hán, tức là Dứt mạng căn. Và khó CÓ THẾ TU LÊN Được NỮA, để vượt Mạng trược và thành tựu Phật quả….Còn những vị chủng tánh Bồ Tát, tu hành nơi uế độ này, dù là căn cơ cùng ý chí siêu xuất, nhiều lắm cũng chỉ có thể đạt tới Hiện tiền địa tức địa thứ sáu, và KHÔNG THỂ VƯỢT QUA ĐƯỢC VIỄN HÀNH ĐỊA. Tức là có thể Dứt mạng căn, và tiêu trừ được mấy phần Mạng trược, nhưng không vượt nổi mạng trược… về điểm này, Kinh Hoa Nghiêm, trang 924, phẩm Thập địa, đoạn Vi Hành Địa tức địa thứ bảy, có lời dạy ẩn mật nhưng khá rõ ràng: “Chư Phật tử! Ví như có hai thể giới: một thời tạp nhiễm, một thời thuần tịnh… Chặng giữa của hai thế giới này (tức là Viễn hành địa) KHÓ QUA ĐƯỢC, chỉ trừ bậc Bồ Tát và đại thần thông PHƯƠNG TIỆN NGUYÊN LỰC… ”

Có nghĩa là: đến lúc đó, vị Bồ Tát cần phải có đại nguyện lực để chiêu cảm sức gia trì của Chư Phật, và phải có phưong tiện huệ để hiểu rằng mình phải xin VÃNG SANH sang thế giới thuần tịnh kia mới có đủ túc duyên để vượt thêm một lóp biến dịch sanh tử vi tế nữa. Và vì vãng sanh sang cõi thuần tịnh, tạm bỏ cõi tạp nhiễm, nên gọi là Viễn hành địa… Sang bên đó thì mới có thể đắc Quang minh vô sanh pháp nhẫn (tức địa thứ bảy), rồi đắc Vô sanh pháp nhẫn tức Đệ bát địa, tức Biến hóa địa, thì được tất cả Chư Phật hộ niệm, có đủ tự tại lực để tiến tu và độ sanh. Lúc đó, tùy theo nguyện lực có thể trở về ngay những cõi uế Độ để độ sanh mà không bị nhiễm duyên… Hoặc có thể lên thẳng Pháp vân địa, rồi trở về các uế độ, ngự trên đại bửu liên hoa nơi cõi trời Sắc Cứu Cánh, rồi xuống cung Đâu Suất, chờ cơ duyên thuần thục giáng thần xuống nhân thế, thị hiện thành Chánh giác để khích lệ loài người cùng các chúng sanh.

Thiết tưởng cần nói thêm rằng: Kinh Hoa Nghiêm cũng như trong bài kệ dài ở cuối kinh Lăng Già (bài kệ này có được dịch trong bản dịch Suzuki) có lời dạy đại ý như sau: “Ở cõi nhân thế này, hoặc ở những tầng trời Dục giới hay Vô sắc giới, không có một chúng sanh nào có đủ căn cơ cùng túc duyên đề THÀNH CHÁNH GIÁC cả. Chỉ trừ những bậc Phật, hoặc Nhứt sanh bổ xứ THỊ HIỆN ứng thân để thành Chánh đẳng chánh giác mà thôi… ”. Lời dạy này, chắc rằng các vị cổ đức cũng biết, nhưng phần đông đều không muốn nói rõ ra, sợ làm nản lòng người tu… Nhưng ở thời đại này, vì nhiều tà kiến lộng hành và tâm thức con người cũng dễ khởi những mê vọng hư ngụy, nên thiển nghĩ cần nói ra để người Phật tử có thể ý thức rõ rệt con đường tiến tu và tránh mọi ngộ nhận ảo tưởng….

Là vì những uế Độ thường được dệt nên bằng gì? Bằng CỘNG NGHIỆP LỰC của các loài chúng sanh thọ sanh vào nơi ấy, bằng cái Biển nghiệp lực bất tư nghi ấy, bằng vô vàn những thiên la võng quang minh của vọng tưởng cùng vọng tình, xoay vần miên viễn từ vô thủy rồi xen lẫn vào nhau mà kết tập nên… Thực ra, những thiên la võng quang minh của uế Độ này vẫn phải nương vào cái Biển quang minh vi diệu của Thần lực hải của Chư Phật mới tồn tại được, nhưng tại các uế Độ, những quang minh của Thần lực hải thường ẨN đi, và chỉ để HIỆN LỘ sự hoành hành ngang dọc của các thứ quang minh thô kệch của nghiệp lực khiến cho các chúng sanh đều nhìn thấy một cõi nước gồ ghề hiểm trở xấu xa, nhiều chướng duyên, hiểm nạn, nhiều khổ lụy, lại thêm phải chịu phần đoạn sanh tử… Song những chướng duyên khổ lụy ấy đều cần thiết để khiến cho chúng sanh dễ tỉnh giấc mộng đời… Bởi vậy nên TỊNH hay UẾ đều chỉ là ẨN HIỆN, và đạo lý vận hành của pháp giới là như vậy…

Cho nên, trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật Hương Tích số 10, Ngài Duy Ma Cật (vốn là vị Phật Vô động ở cõi Diệu Hỷ thị hiện sang đây) mới dạy rõ rằng: “Các cõi Phật đều như hư không, như huyễn như hóa, chỉ là do Chư Phật HÓA HIỆN ra để tùy theo căn cơ của chúng sanh mà độ duyên thôi… Tại cõi Ta Bà này, vì căn cơ và túc nghiệp chúng sanh sâu nặng, lại hay ƯA PHÁP NHỎ, nên Đức Phật Thích Ca phải ẨN những SỨC THẦN THÔNG TỰ TẠI của Phật, nên cõi nước kém thanh tịnh.”

Là vì trong pháp giới này, những cõi TỊNH ĐỘ được dệt nên bằng gì? Bằng toàn những quang minh vi diệu của Thần lực hải của Chư Phật cũng như Nguyện lực hải của Chư Đại Bồ Tát… Những quang minh ấy HIỆN LỘ TOÀN THÂN, làm che khuất tiêu chìm tất cả quang minh thô kệch nhiễm vọng của Nghiệp lực hải… Cũng như trong kinh, như Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, thường nói rằng: Khi một Đại Bồ Tát hiện thân hào quang của mình, thì những vầng hào quang của các thân Chư Thiên đều trở thành đen xì như đống mực, và các cung điện của Ma vương đều lần khuất. Là vì những hào quang ấy vi diệu, chói sáng quá, nhiều thần thông tự tại lực biển hiện quá, nên vượt xa những quang minh của cõi sắc cùng Vô sắc, nên Ma vương cũng đành trói tay, không chịu đựng nổi. Có lẽ vì thấy quá xót đôi mắt, và đau nhói thân tâm… Bởi vậy, nên ở các cõi Tịnh Độ, Ma vương không thể có mặt được, vì Ma vương thường chỉ chịu đựng nổi và bơi lội trong mức độ hào quang của tầng trời Tha Hóa nơi cõi Dục giới mà thôi… Vì nghiệp lực đã tiêu chìm, Ma vương cũng bị tống xuất, nên y báo của Tịnh Độ toàn là thắng duyên, và nước chảy cùng cây cỏ đều phát ra diệu âm để diễn nói về đạo lý tối thượng. Vì cái Lý vận hành của pháp giới là như vậy, Pháp nhĩ là như thị… Còn về chánh báo, thì những chúng sanh thấp kém nhất cũng có thân sắc vàng ròng, có đủ năm hay sáu thông, và luôn trụ trong Chánh định…. Và nếu lần giở lại 48 điều Đại Nguyện, thì lúc nào, Phật A Di Đà cũng nhắc đi nhắc lại rằng: Cõi của Ta hơn hẳn Hàng TRỜI người ở các cõi khác, tức là các uế Độ…

Là vì KHÔNG TRƯỚC THÌ SAU,  hoặc MAU LẸ THẲNG TĂT hoặc TRÌ TRỆ LÂU LẮC, tất cả những người tu hành, tất cả chúng sanh, cũng ĐỀU PHẢI ĐI QUA TỊNH ĐỘ… mới có thể đắc Vô sanh pháp nhẫn, mới có thể gột nốt những phẩm cuối cùng của Mạng trược, rồi thì hoặc là viên mãn Phật quả, hoặc là trở lại TUNG HOÀNH TỰ TẠI nơi các uế Độ để độ duyên. Dù tu theo pháp môn nào cũng vậy, cũng phải đi qua cửa ải tối thắng đó, vì Pháp nhĩ là như thị.

Tỷ dụ như những kẻ sống ở đời, chỉ tạo ác thôi, chẳng nghĩ gì đến Phật Pháp cả, nhưng tới lúc lâm chung, do những chủng tử túc duyên cũ nở xòe ra, nghe lời cảnh tỉnh, CHỢT HIỂU ra cái Sức Phương tiện Đại bi vô biên của Chư Phật, nên chí tâm cầu… thì cũng đi qua đó.

Hoặc những người sống ở đời, chỉ có THIỆN TÂM thôi, chẳng nghĩ gì mấy về Phật hay Pháp cả, nhưng lúc lâm chung do túc duyên cũ nở, CHỢT HIỂU RA, rồi chí tâm cầu… thì cũng được qua đó.

Hoặc những vị sống ở đời, tu theo Nhị thừa, giữ trai giới cùng thiền quán, chỉ có TRỰC TÂM tức là tâm ngay thẳng không cong queo thôi nhưng không hiểu gì về Đạo lý lớn Duy tâm sở hiện của Chư Phật cả, nhưng tới lúc lâm chung, CHỢT HIỂU RA thế nào Thần lực thế nào Tự lực, rồi hồi hướng cầu xin… thì cũng được qua đó.

Thậm chí cho đến những bậc cao siêu, do tự lực thiền quán cùng trì giới, đã vượt qua những chặng đường Tứ thiền Tứ không định, lọt vào Không hải của Tàng thức, gột sạch phiền não, Dứt Mạng căn, thành A La Hán mà kinh gọi là Độn căn… Nghĩa là mọi khía cạnh đều siêu xuất cả, chỉ mắc một điểm kiến chấp là lắc đầu quầy quậy, không chịu hiểu Đạo lý lớn, không chịu phát Đại Bi tâm để nhập pháp giới… Những vị ấy, tuy gọi là Niết Bàn, nhưng thực ra chỉ là Niết Bàn hóa thành, mới thoát phần đoạn sanh tử thôi… Các Ngài này thì chưa có phát nguyện vãng sanh, nhưng vì công phu tu chứng cùng định lực rất cao rồi, nên nếu căn cứ vào đạo lý vận hành của pháp giới mà suy diễn, thì chắc rằng lòng Đại Bi của Chư Phật vẫn nhiếp độ và đưa thần thức của các ngài sang Tịnh Độ. Nhưng có thể rằng sang tới đó, các Ngài sẽ phải nằm trong hoa sen khép cánh một thời gian khá lâu (Nằm trong hoa sen cũng vui sướng như một Tỳ kheo nhập đệ tam thiền), rồi chờ sự chín mùi của đại tâm và được sự gột rửa của hào quang Chư Phật, mới cất bước đi vào Tuệ giác vô thượng…

Còn về phía các vị A La Hán lợi căn đã hồi tâm vào Đại Thừa, thì dĩ nhiên là các Ngài tiến tu mau lẹ trên những chặng đường đầu của Bồ Tát Đạo… Rồi tới một giai đoạn nào đó, các Ngài sẽ hiểu ra cái lẽ cần thiết phải Vãng sanh qua một Tịnh Độ… thì mới vượt hoàn toàn Mạng trược được.

Còn về phía các vị Bồ Tát so phát tâm cùng Tiểu hạnh Bồ tát, thì rất có thể rằng trong một giai đoạn đầu, các ngài chưa hiểu ra cái Lý tất yếu của Vãng sanh, và có thể là chưa phát nguyện vãng sanh… Nhưng ngày càng tiến tu, càng hiểu sâu về cái Lý chập chùng giữa Bát Nhã và Đại Bi của Chu Phật, nên lần lần sẽ hiểu và phát nguyện vãng sanh.

Còn như về tất cả các chúng sanh khác… thì trôi lặn chìm nổi hoài hoài mãi, rồi đến một lúc cũng bắt buộc phải dụi mắt lắc đầu và hơi tỉnh giấc mộng đời. Rồi tu hành chút ít… Tu hành lâu rồi thì cũng hiểu ra, rồi phát nguyện vãng sanh…

Thiển nghĩ rằng cái LÝ CỦA NHỮNG CÕII PHẬT PHẢI LÀ NHƯ VẬY, khó có thể khác đuợc. Và Lý ấy bao trùm tất cả pháp môn, dù là Thiền hay là Tịnh, vì đó là Sức Phương tiện Tối thắng của Chư Phật… Nói Thiền chỉ là nói sự TRỰC CHỈ vào Trí huệ Bát nhã, vào Thể tánh rỗng lặng của Chư Phật, và nói Tịnh chỉ là nói sự TRỰC CHỈ vào tâm Đại bi của Chư Phật.

Và hai thứ tâm ấy không thể tách rời được, vì cùng là hai khía cạnh của MỘT TÂM THÔI… Nên Thiền và Tịnh vẫn là hội thông mật thiết, không thể nhìn theo lối cách biệt.

Cũng bởi thế, nên các bậc cao siêu như Ngài Mã Minh Long Thọ… vốn là Tổ thiền, mà vẫn phát nguyện vãng sanh. Ngài Hám Sơn, tuy đã đắc thiền, mà vẫn niệm Phật ba ngày đêm và thấy Đức A Di Đà. Còn như Ngài Hư vân, lúc ở Thiền đường thì giảng về khán thoại đầu, và lúc ở niệm Phật đường thì giảng về môn niệm Phật… Và trong bảy tám thế kỷ gần đây, thì trong hầu hết các Thiền viện đều có thiết lập một Niệm Phật đường.

Nếu ta nhìn cao hơn nữa, thì thấy Đức Quán Thế Âm. Ngài là như thế nào?… Ngài là bậc đã nói ra bài Bát Nhã Tâm Kinh, tức là nói về con đường Thiền quán của Chư Thế Tôn. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài lại trấn giữ hàng đầu về viên thông trong 25 vị Thánh tu Thiền quán… Thế mà hiện nay, Ngài lại thị hiện ở Tây Phương Cực Lạc để tiếp dẫn…

Coi thế thì đủ hiểu rằng Thiền và Tịnh là hội thông, và con đường tiến tu nào cũng đi qua Tịnh Độ. Và hơn nữa, sự tiến tu chính là Tịnh Tâm, lìa bỏ phần đoạn sanh tử thô kệch để đi sang Tịnh Độ và vượt Mạng trược… Và Nhập Pháp Giới…

Thiết tưởng cần trích dẫn mấy đoạn Kinh hoặc luận sau đây, để làm y cứ cho LÝ TẤT YỂUTỐI THẮNG của sự vãng sanh các cõi Tịnh Độ:

a) Trong Kinh Quán Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, (bản dịch của T.T. Thích Thiền Tâm), Ngài Quán Thế Âm dạy rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nhớ vô lượng kiếp về trước, có Phật ra đời, hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai. Đức Phật ấy vì thương nghĩ đến tôi và tất cả chúng sanh, nên nói ra môn Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni… Lúc đó, tôi mới ở ngôi Sơ ĐỊA, vừa nghe xong thần chú này, liền CHÚNG VƯỢT LÊN ĐỆ BÁT ĐỊA… Từ đó về sau, tôi ở trong vô lượng pháp hội của vô lượng Chư Phật, lại được nghe và thọ trì môn Đà La Ni này… Mỗi lần nghe xong, tôi khôn xiết vui mừng, liền được VƯỢT QUA SỰ BIẾN DỊCH SANH TỬ VI TẾ trong vô số ức kiếp… Và từ đó đến nay, tôi vẫn hằng trì tụng chú này, chưa từng quên bỏ. Do sự trì tụng ấy, tùy theo chỗ sanh, TÔI KHÔNG CÒN PHẢI CHỊU THÂN BÀO THAI, ĐƯỢC HÓA SANH NƠI HOA SEN, THƯỜNG GẶP PHẬT NGHE PHÁP… ”

Lời dạy này, tuy ẩn mật, nhung có nghĩa rõ rệt là: do sự nghe và thọ trì Chú Đại Bi, nên Ngài được vãng sanh sang một cõi Tịnh Độ, và từ ngôi Sơ địa, chứng vượt ngay lên Đệ bát địa, đắc Vô sanh pháp nhẫn, dứt bỏ mạng căn, không còn thọ sanh nơi bào thai nữa, lần lần dứt bỏ từng phần những biến dịch sanh tử vi tế tức là Mạng trược… Và từ đó trở đi, luôn luôn thọ sanh trong hoa sen ở các Tịnh Độ, và vì thọ sanh nơi Tịnh Độ, nên luôn gặp Phật nghe Pháp, rồi như con thuyền thuận gió, trôi thẳng vào Biển Diệu giác…

b) Kinh Duy Ma Cật dạy:

“Chư Phật Như Lai đều công đức bình đẳng chỉ vì giáo hóa chúng sanh mà HIỆN RA các cõi Phật không đồng.” (bản dịch Thích Huệ Hưng, trang 105)

Hoặc:

“Mười phương các cõi Phật đều như hư không, nhưng Chư Phật vì muốn hóa độ những người ƯA PHÁP NHỎ (túc là căn cơ thấp và túc nghiệp nặng), nên KHÔNG HIỆN RA TOÀN CÕI THANH TỊNH… Như Phật Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ẨN CÁI SỨC TỰ TẠI VÔ LƯỢNG của Ngài mà dùng những phương pháp thích họp với những người nghèo hèn để độ thoát chúng sanh…” (trang 96 và 99).

Những lời dạy này có nghĩa là: Tịnh Độ hay uế Độ, cõi Diệu hay cõi Thô chỉ là một TUỒNG ẨN HIỆN… Khi Phật ẩn cái sức tự tại thần thông của mình đi, tức là ẩn cái thiên la võng quang minh vi diệu của Thần lực hải, thì cõi nước trở thành uế và thô. Và khi Ngài hiển lộ toàn thân những quang minh vi diệu của Thần lực, thì các thứ quang minh nhiễm vọng của nghiệp lực đều bị hóa giải và tiêu chìm, và cõi nước trở thành tịnh và diệu… Song sự ẩn hay hiện ấy đều là tùy thuộc căn cơ của chúng sanh, cũng như tùy thuộc lòng Đại bi và Phương tiện huệ của Phật.

c) Kinh Hoa Nghiêm rộng lớn như biển cả, và bao gồm tất cả pháp môn trở về Diệu tâm, nhưng tới khi kết thúc, Ngài PHỔ HIỀN chỉ khuyến tấn đại ý như sau:

“Này chư Phật tử! Tới lúc lâm chung, thì quyến thuộc, danh lợi, của cải đều chẳng thể mang theo được gì hết, DUY CHỈ CÓ MƯỜI HẠNH NGUYỆN VƯƠNG PHỔ HIỀN nầy là vẫn đi theo kẻ mạng chung) và DẪN ĐƯỜNG CHO KẺ ĐÓ VỀ CÕI AN LẠC… ”. (Phẩm 40)

d) Kinh A Di Đà là một bộ kinh ngắn ngủi, có vẻ bình dị đơn sơ, lại do lòng Đại bi hằng khởi của Phật tự ý nói ra, và diễn nói về con đường THẲNG TẮT TỐITHẮNG. Nên Phật biết rằng các chúng sanh khó tin, khó nhận.

Bởi thế, nên Chư Phật 10 phương phải hiện thân, THÈ LƯỠI RỘNG DÀI, THỀ THỐT rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin Kinh Xưng tán bất khả tư nghi công đức Nhứt thiết Chư Phật sở hộ niệm này… ”

Trong tất cả Kinh Đại Thừa, không có kinh nào mà Chư Phật phải nặng lời thề thốt cả… Ngay đến Kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thần Lực, Chư Phật cũng chỉ xuất hiện để xưng tán kinh, xưng tán Phật tri kiến hay Diệu tâm thôi. Chứ không có thề thốt.

Thế mà về Kinh A Di Đà, các Ngài đã phải hạ mình gần như nặng lời thề thốt nhiều lần… Như thế, đủ rõ ràng: Con đường Vãng sanh Tịnh Độ là Phương tiện cứu độ Tối thắng của các Ngài… Và nếu không đi qua cửa ải ấy, thì khó lòng gột mạng trược và thành tựu Phật quả, cũng như khó thể nhập pháp giới trọn vẹn được…

e) Bộ Kinh Lăng Nghiêm chuyên về Thiền quán, là bộ kinh nòng cốt của Thiền tông, dù là Thiền Thiên Thai hay Đốn Ngộ.

Nhưng Phật biết rằng: con đường Thiền quán, thiên trọng về Bát nhã, về Nhất nguyên phi thần hóa, về tự lực, là con đường cheo leo, đầy chông gai cùng ma chướng. Vì đến như Tổ A Nan còn mắc ma chướng, huống hồ chúng ta?!

Bởi vậy, nên Phật lại phải khởi Đại bi tâm, và tuyên nói chú Đại Phật Đảnh, để các hành giả nương sức gia trì mà tiến bước… Vì nếu không có Thần lực gia trì, thì đại đa số hành giả chỉ có thể bì bõm được vài bước đầu thôi. Còn những chặng đường sau cùng, thì không có cách gì vượt nổi.

Và về chú Đại Phật Đảnh này, thì một trong những diệu dụng chính là: lúc lâm chung, kẻ trì tụng chú có thể TÙY NGUYỆN VÃNG SANH TỊNH ĐỘ…

Rồi tới đoạn cuối cùng của Kinh, Phật lại khởi tâm đại bi, nhắc rằng: “Này A Nan! Ví như có người gây đủ các thứ tội trọng, chỉ trong giây lát phải trải qua tất cả địa ngục A Tỳ tại mười phương… Nhưng nếu người đó, trong một niệm thôi, đem pháp môn này khai thị cho người chưa học ở thời mạt pháp, thì tất cả TỘI CHƯỚNG của người ấy ĐỀU BIẾN THÀNH CÁI NHÂN SANH VỀ AN LẠC QUỐC… ” (trang 1071).

Xem thế thì đủ hiểu rằng việc Vãng sanh Tịnh Độ là Chặng đường tất yếu, không thể không qua được.

f) Bởi vậy, nên trong bộ Đại Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ, vốn là Tổ thứ 14 của ngành Thiền Tây Trúc, cũng nhấn mạnh rằng: Con đường Vãng sanh là con đường thẳng tắt dễ đi (Đi hành đạo), còn những con đường khác đều là Nan hành đạo.

g) Trong các Tạng Kinh, Luật, Luận… lại còn có Tạng ĐÀ LA NI được đặt trên Tạng Kinh.

Là vì các thần chú Đà La Ni đều là những Diệu âm, những chương cú vi mật của Chư Như Lai, nên có nhiều thần lực để chuyển Vật và tạo dựng pháp giới… Hoặc như các Mạn Đà La (Mandala) của phái Mật tông, thường đều là những công thức, những phương trình (équations) biểu tượng cho những luồng thần lực tạo dựng nên pháp giới. Cũng hơi tương tự như ngày nay, những phương trình toán số (Equations mathématiques) là những Mạn Đà La của các nhà khoa học.

Trở về Tạng Đà La Ni này, thì các bậc Bồ Tát thường đều cần vãng sanh Tịnh độ, mới có thể đắc các môn Đà La Ni, các Triền Đà La Ni…và mới được Tạng Đà La Ni.

Bởi thế nên trong Mật Tông Tây Tạng, trong sáu môn quán chiếu của ngài Naropa, có một pháp môn dạy quán chiếu trong lúc Trung ấm thân (état du Bardo) để có thể vãng sanh Tịnh Độ, gặp Báo thân Phật….

Thiết tưởng cũng cần ghi thêm rằng: Ở những cõi uế Độ trung bình thường chỉ có những hóa thân Phật hay xuất hiện theo lối mai danh ẩn tích, và chừng độ vài trăm ngàn năm, mới có một ứng thân Phật (tỷ dụ như ứng thân Thái tử Tất Đạt Đa của Phật Thích Ca Mâu Ni) xuất hiện như một bông hoa Linh Thoại… Còn như ở Cực Lạc hay Tịnh Độ thì luôn luôn có Phật, và là BÁO THÂN Phật hào quang lộng lẫy sáng ngời, và các bậc Thượng thiện nhân cũng nhiều như cát bụi.

Và trên con đường tu tập của một hành giả, thì ĐỊNH LỰC thường chỉ có thể làm nép phục những phiền não Thô, HUỆ Lực có thể tiêu trừ cả phiền não thô cùng mấy phần vô minh vi tế… Nhung cao và mãnh liệt hơn cả vẫn là NGUYỆN Lực, vì nguyện lục có thể làm tăng truởng mạnh mẽ Định lục cùng Huệ lục, đồng thời chiêu cảm sức gia trì của Thần lực, nên có thể tiêu trừ mau lẹ cả phiền não thô lẫn vô minh hoặc vi tế… Và nguyện lực để Nhập Pháp Giới là điểm kỳ đặc của Bồ Tát Đạo…

Tóm lại, con đuờng Thiền quán của nhà Phật thục là mịt mùng và siêu xuất hơn cả, vì là hơi thở của Trí huệ Bát nhã, của Đại từ bi bình đẳng và tâm Vô sở cầu hạnh.

Nếu kẻ hành giả buớc vào đuợc nơi Không hải rỗng lặng và chói sáng (Vacuité hay Emptiness vốn vide et lumineux) của tâm thức, kẻ ấy mới chỉ là đi đuợc chừng một phần ba con đuờng Phật quả mà thôi… Và chỗ bay bổng tuyệt vời của Thiền quán là đạt tới Tột không Diệu hữu, thuờng trụ trong Tam muội tịch bất động mà vẫn khởi diệu dụng vô cùng tận, hóa hiện hóa thân ùn ùn nhu mây để đi các cõi độ duyên, và Nhập Pháp Giới…, tuơng tự nhu các bậc Đại Bồ Tát trong Kinh Đại Thừa, nhất là Hoa Nghiêm… Nếu chưa được như vậy, thì chưa có thể gọi là hoàn mãn con đường Phật quả.

Ngày nay, các ngành Thiền cũng như nền giáo lý Mật Tông của Phật giáo Tây Tạng hiện đương lan tràn khá mạnh mẽ sang những phương trời Âu Mỹ.

Các ngành thiền ngoại đạo thường hay nhấn mạnh vào trạng thái Conscience Cosmique, tức là trạng thái tâm thức mở rộng bao la, như bao gồm vũ trụ… Nhưng xét kỹ, sẽ thấy rằng trạng thái ấy cũng chỉ nằm trong giai đoạn Không quán Xa Ma Tha, tương xứng với Đệ Tứ Thiền hoặc một trong bốn Không định mà thôi.

Giáo lý Mật Tông của Phật giáo Tây Tạng (Tantrisme Tibetain) hiện cũng được người Âu Mỹ lưu tâm nghiên cứu học hỏi… Trong Mật Tông này, các Tông Phái thường hay đề xướng tới sáu pháp môn quán chiếu của ngài Naropa (les 6 doctrines de Naropa). Trong môn này, có pháp môn quán chiếu để đi tới miền Không hải tĩnh lặng, và chói sáng của tâm thức (Yoga de la Claire lumiere du Vide)… Nhưng đó cũng chỉ là mới thành tựu không quán, và kẻ hành giả vẫn chưa có thể khởi diệu dụng vô cùng, hóa hiện hóa thân vô lượng Ta Bà các cõi độ duyên…

Thiển nghĩ việc khởi diệu dụng vô cùng và hóa thân vô lượng là điểm tuyệt vời của Thiền quán nhà Phật cùng Kinh Đại Thừa, và cần được lưu tâm tới. Và tất cả kinh sách của Thiền ngoại đạo đều không dám nhắc nhở tới điểm sâu thẳm khôn lường này…

 

NAM MÔ HOA NGHIÊM
HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT

Trí Độ Tử
Tịnh Liên
Long Beach, 1984