LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG IV
THẦN LỰC – NGUYỆN LỰC – NGHIỆP LỰC
CHÂN THÂN VÀ HÓA THÂN PHẬT

Trong kinh Địa Tạng có kể lại chuyện một tiền thân của ngài Địa Tạng vốn là một người con gái giòng Bà-la-môn. Bà mẹ của cô gái này là người không kính tin Tam Bảo. Bà ta bị bịnh rồi chết. Cô gái sọ rằng mẹ sẽ bị đọa, nên trì niệm danh hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai để cầu cứu độ… Thần thức của cô gái được đưa xuống âm cung, tới chỗ biển nghiệp lực và gặp một vị quỷ thần tên Vô Độc. Cô gái hỏi:

– Tôi muốn được vào địa ngục để tìm mẹ tôi. Không biết có cách gì để vào được không?

Vô Độc nói:

– Chỉ có hai cách. Một là do oai thần lực của Phật hộ trì, hai là do nghiệp lực của chính mình dẫn dắt. Ngoài ra, không thể có cách gì khác…

Do đó, thì hiểu rằng nếu chúng ta được một thân căn nào, ở một quốc độ nào, đến một cảnh giới nào, hoặc nhìn thấy một cảnh giới nào… cũng đều là do nghiệp lực của mình dẫn dắt, chiêu cảm biến hiện, hoặc là do thần lực của Phật và Bồ Tát hộ trì mà thôi. Ngoài ra, không thể có một lực nào khác, một nguyên do nào khác.

Nơi pháp hội Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền căn dặn rằng: “Là Phật tử, chúng ta cần hiểu rằng thế gian là biến hóa, là huyễn hóa. Và phải ưa thích suy ngẫm về Thần lực của chư Phật, cũng như về cái vòng huyễn hiện của Nghiệp lực…”

Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy rõ rằng: “Tất cả các cảnh giới, các cõi Phật sát vô lượng của Hoa tạng thế giới không ngằn mé này, đều chỉ được kết tập nên và an lập do Thần lực hải của Chư Phật, do Nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát, và do Nghiệp lực hải của các loài chúng sanh… Nếu không có thần lực của chư Phật hộ trì, thì vũ trụ này không thể tồn tại nổi một sát-na, và cõi thế gian không thể có nổi một niềm vui nhỏ bé…?”

Do đó, thì hiểu rằng pháp giới bao la này chỉ được suy động và kết tập nên do hai thứ Lực: Thần lực và Nghiệp lực.

Ngoài hai thứ lực đó ra, thì không có lực nào khác. Những tinh lực khác mà ngày nay khoa học đương khổ công nghiên cứu tỷ dụ như điện lực, từ lực, nhiệt lực, nguyên tử lực, ánh sáng… đều chỉ là những tinh lực thấp kém phụ thuộc (mà danh từ nhà Phật gọi là quang minh quyến thuộc) của hai thứ quang minh chính yếu là Thần lực và Nghiệp lực. Nhưng điều đó, dĩ nhiên là các khoa học gia chưa hiểu nổi.

Vậy thì Thần lực, Nguyện lực và Nghiệp lực là gì?

Hãy lắng nghe mấy đoạn kinh Hoa Nghiêm sau đây:

“Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn khiến tất cả đại chúng Bồ Tát được sức thần thông nhìn thấy vô biên cảnh giới của Như Lai, liền phóng Quang Minh nơi giữa chặng mày, gọi là Nhứt Thiết Bồ Tát Quang Minh, chiếu khắp mười phương, hình trạng như mây sáng bửu sắc, làm Hiển Hiện tất cả quốc độ và chúng sanh trong tất cả Phật sát ở mười phương… Quang minh ấy lại phát ra diệu âm làm chấn động khắp các thế giới… Trong mỗi trần hiện vô số Phật… Tùy theo tánh ưa thích chẳng đồng của mỗi chúng sanh, khiến khắp rưới mây diệu pháp luân của tam thế Chư Phật, hiển thị biển ba la mật của Như Lai. Lại rưới vô lượng những mây xuất ly khiến các chúng sanh thoát hẳn sanh tử. Lại rưới mây đại nguyện của chư Phật hiển bày chúng hội đạo tràng của Phổ Hiền Đại Bồ Tát, trong thập phương thế giới. Quang Minh ấy Chiếu Hiện những việc như vậy rồi, trở về nhiễu vòng quanh Phật rồi nhập vào dưới chân Phật…” (Kinh Hoa Nghiêm, trang 156).

Hoặc mấy câu kệ sau:

Pháp thân đồng hư không
Vô ngại vô sai biệt,
Sắc hình như ảnh tượng
Các thứ tướng hiển hiện.
Ảnh tượng không nơi chỗ
Vô tánh như hư không?
Người trí huệ rộng lớn
Rõ thấu tánh bình đẳng…
Phật thân bất khả thủ
Vô sanh cũng vô tác,
Ứng vật khắp hiện tiền
Bình đẳng như hư không…
Thập phương vô lượng Phật
Đều nhập một chân lông,
Đầu riêng hiện thần thông
Trí nhãn xem thấy được… (trang 171)

Hoặc đoạn sau đây:

“Lúc đó, Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: Chư Phật tử! Mỗi mỗi thế giới hải có vi trần số chỗ nương trụ. Hoặc nương hư không mà trụ. Hoặc nương bửu quang minh mà trụ. Hoặc nương Phật quang minh mà trụ. Hoặc nương thinh âm chư Phật mà trụ. Hoặc nương Kim cang hình Đại Lực A Tu La, chúng sanh như huyễn mà trụ. Hoặc nương thân chư Bồ Tát mà trụ. Hoặc nương tất cả biển trang nghiêm sai khác hạnh nguyện Phổ Hiền mà trụ…” (trang 184)

“…Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có các loại thể. Hoặc dùng tất cả bửu quang minh làm thể. Hoặc dùng sắc quang minh làm thể. Hoặc dùng kim cang làm thể. Hoặc dùng Phật lực nhiếp trì làm thể. Hoặc dùng Phật biến hóa làm thể… Hoặc dùng cực vi bửu làm thể. Hoặc dùng các thứ hương làm thể. Hoặc dùng bửu ảnh tượng làm thể. Hoặc dùng bửu hoa nhụy làm thể. Hoặc dùng ngôn âm của Phật làm thể… Có thế giới vi trần số thể như vậy…” (trang 189)

Hoặc mấy câu kệ sau đây:

Tất cả quốc độ rộng vô biên
Như ảnh như huyễn như dương diệm
Mười phương chẳng thấy từ đâu sanh
Cũng không có chỗ đi và đến,
Diệt-hoại-sanh-thành xoay vần mãi
Trong cõi hư không chẳng tạm dừng
Tất cả do Nguyện Lực thanh tịnh
Cũng do Nghiệp Lực chỗ giữ gìn… (trang 187)

***

Những đoạn kinh trên đây (và rất nhiều những đoạn kinh khác tương tự) đều dạy rõ rằng: Tất cả thế giới hải này chỉ là như huyễn như hóa, và đều được khởi dựng nên cùng an lập là do Thần lực hải của chư Phật, Nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát và Nghiệp lực hải của các chúng sanh. Và cả ba thứ hải này cũng đều là quang minh cả, chỉ sai khác nhau ở chỗ vi diệu thanh tịnh hay là thô kệch bất tịnh mà thôi.

Thần lực hải của chư Phật chính là những quang minh vi diệu tuyệt vời của cái Diệu tâm vô thượng. Chư Phật đột khởi từ cái biển quang minh tuyệt vời ấy ra rồi hiển hiện thành sắc tướng có 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp, rồi lại sử dụng ngay những quang minh vi diệu ấy để an lập và làm chỗ nương về cho tất cả các cảnh giới, các cõi… Thần lực hải này vốn vô tận, không ngằn mé, được thi triển liên miên không đoạn tuyệt, và vô thủy vô chung. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm cũng dạy rằng: “Chư Phật là Tạng quang minh. Nếu không có thần lực của chư Phật hộ trì, thì vũ trụ này không thể tồn tại nổi một sát-na, và cõi thế gian không thể có nổi một niềm vui nhỏ bé…” Quang minh của thần lực đều là những quang minh tối vi diệu, chuyển động cực nhanh, nên diệu dụng thực là bất tư nghi. Phàm những cái gì thô kệch thì lực dụng thường kém sút, cỏn những cái gì càng vi tế bao nhiêu thì diệu dụng càng cao, càng biến ảo bấy nhiêu. Cũng do sự chuyển động cực kỳ mau lẹ của các quang minh thần lực, nên chư Phật thường là vô khứ vô lai, vì tùy tâm niệm của chúng sanh mà lập tức ứng hiện sắc tướng… Và những quang minh ấy sở dĩ vi diệu là vì chúng phát xuất từ Trí huệ Bát Nhã vô-ngã-như-huyễn, cùng tâm Đại Từ Bi Bình Đẳng của chư Phật.

Nguyện lực hải cũng gần như Thần lực hải. Đó là những quang minh càng ngày càng vi diệu, phát xuất từ những tâm tưởng của vi trần số Bồ Tát trên con đường tu tập những hạnh nguyện Phổ Hiền để đạt tới quả vị Phật. Quang minh này dĩ nhiên là càng ngày càng thanh tịnh, và diệu dụng ngày một bất tư nghi, nên Nguyện lực hải cũng vô tận, không ngằn mé, liên miên không đoạn tuyệt và vô thủy vô chung. Nó cũng là nơi nương về của pháp giới bao la.

Còn nghiệp lực hải là cái gì? Nó chính là những quang minh thô kệch phát xuất từ những tâm tưởng, những tác vi mê lầm của mỗi chúng sanh từ thời vô thủy… Vì cái biển chúng sanh cũng vô biên vô tận, bất tư nghi, nên nghiệp lực hải cũng vô tận không ngằn mé, liên miên bất tuyệt, sâu hơn đại hải, rộng hơn hư không, và cũng bất tư nghi. Nó là vô thủy, nhưng có thể hữu chung được. Nhưng chỉ hữu chung đối với những chúng sanh nào đã tỉnh giấc mộng lớn và đặt chân lên bờ Giác mà thôi. Còn đối với đại thể chúng sanh, thì nó vẫn tiếp diễn liên miên bất tuyệt cái vòng huyễn hóa của nó…, cỗi nguồn của Nó là ở mê lầm, mê sảng, ở Vô minh mà ra; mà Vô minh là do Động niệm, do đó Vô minh không có chân-thiệt tế, chỉ là hư giả, chỉ là một bóng mây mờ khởi lên nơi Chân tâm diệu minh. Chân Tâm vốn diệu vốn minh, còn Vô minh chỉ là hư minh, nó giữ được một chút “minh” của Chân tâm, và lìa bỏ mất cái “diệu”. Vì nó chỉ là hư giả, nên có thể hữu chung được đối với những chúng sanh nào biết quay đầu lại, nhận rõ cái hư giả huyễn hoặc của nó.

Tại sao nghiệp lực lại là quang minh thô kệch? Chỉ là vì những quang minh ấy đều chứa đựng Tình Tưởng, nên trở thành nặng nề và không còn diệu dụng. Tình là tham-sân-si-mạn, và Tưởng là ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng. Tóm lại, tâm tưởng hay tác vị nào của chúng sanh cũng âm thầm hàm chứa ngã chấp, pháp chấp, hoặc nông hoặc sâu. Do đó, quang minh thô kệch, nặng nề, bất tịnh, không có tự tại lực, không có diệu dụng biến hóa khôn lường… Trong khi chư Như Lai, thì dường như Không Có Tâm Niệm, không động niệm, không khởi niệm. Mà dù có khởi niệm để tạo tác thi vi độ duyên chăng nữa, thì tâm niệm của chư Như Lai cũng như vô niệm, vì khởi lên do Tâm Đại từ bi bình đẳng và dưới ánh sáng của Trí tuệ Bát nhã vô-ngã-như-huyễn.

Quang minh của nghiệp lực, vì chứa đựng tình và tưởng tích lũy từ thời vô thủy, nên trở thành nặng nề, thô kệch, bất tịnh và thể tốc chuyển động ngày càng chậm lại. Rồi những cơn lốc hư minh ấy lần lần cô đọng thành những ảnh tượng tương-tợ-tương-tục sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, nó làm nền tảng cho thân căn cùng quốc độ y báo của chúng sanh ấy. Và thân căn cùng cảnh giới y báo bao giờ cũng tương ứng với nghiệp lực hiện hành nở ra của chúng sanh ấy… Vì mê muội từ quá nhiều kiếp, vì xa lìa Chân tâm từ bao nhiêu thuở, nên đại đa số chúng sanh chúng ta không nhận thấy tính cách hư giả huyễn hoặc của những ảnh tượng thân căn cùng quốc độ ấy, và thường coi chúng như thực có, như cố định, như nặng nề ù lỳ, rất khó chuyển hóa. Rồi lâu ngày, nâng niu trìu mến thân căn, lo lắng khóc than vì nó… Kỳ thực, thì chúng cũng chỉ là những ảnh tượng do quang minh dệt nên. Kỳ thực thì chúng ta có thể dùng Tâm lực để chuyển hóa những cái tên gọi là Vật ấy được. Nhưng khốn nỗi là từ vô thủy, chúng ta đã lìa bỏ Chân tâm, lìa bỏ vô thức, lìa bỏ Tàng thức, tự giam mình trong thân căn và sáu thức thông thường, nên chúng ta đã quên hết mọi bí quyết sử dụng tâm lực, sử dụng những quang minh vi diệu của tâm lực, nên chư Như Lai lại phải đồng lòng Đại Bi thị hiện ra đời, để nhắc nhở chúng ta đi ngược giòng và học lại những bí quyết sử dụng quang tinh của tâm lực.

Tóm lại, thần lực hải, nguyện lực hải và nghiệp lực hải là như vậy… Thần lực cùng nguyện lực, đối với một chúng sanh đương mê muội, cũng thường được gọi là Tha lực, vì đó là lực của Phật và Bồ Tát. Còn nghiệp lực của chúng sanh ấy thường được gọi là Tự lực… Nhưng nếu chúng sanh ấy bắt đầu dụi mắt muốn tỉnh cơn mê, rồi lần lần ngược giông đi vào cái Tàng thức và Diệu tâm của chính mình, thì lần lần sẽ khai phóng và làm chủ cái nguồn thần lực vô biên đó. Vì thần lực của chư Phật cũng chính là thần lực của cái Diệu tâm của chính mình…

Suy ngẫm kỷ, thì sẽ thấy rằng Nghiệp lực hải cùng chỉ nằm trong cái vòng triển chuyển và kiềm tỏa của Thần lực hải mà thôi. Nếu thần lực hải bất tư nghì, thì nghiệp lực hải cũng bất tư nghì. Nhưng nghiệp lực hải chỉ có thể tượng trưng cho cái Nhiều (multiple, many) mà thôi. Nó chỉ là một cái bóng mờ hư giả của Diệu tâm. Trong khi thần lực hải của chư Phật hay Diệu tâm lại chi phối toàn bộ cái vòng triển chuyển từ Một biến thành Nhiều, rồi lại từ Nhiều trở về Một. Cho nên, kinh Hoa Nghiêm cũng thường nói: “Một tức là Nhiều”, và “Nhiều hay Vô lượng cũng tức Một”. Cho nên, nghiệp lực hải khởi lên, như một chiếc bóng mờ, để thể hiện một chiều hướng đi xuống, đi vào Nhiều, đi vào Vô lượng. Làm phát hiện vi trần số đốt chúng sanh vô tận, bơi lội ngụp lặn ở giữa vi trấn số những trường thuận duyên hay nghịch duyên khổ lụy. Đe đến một ngày nào đó, hàng hàng lóp lóp chúng sanh lần lần nhận thấy rằng cõi Ta bà này hình như chỉ có nhiều khổ lụy, còn những niềm vui lại quá ngắn ngủi phù du, nên quay đầu lại, hồi tâm lại, nhàm chán cái Nhiều, muốn Ly thế gian, muốn tỉnh giấc mộng đời, muốn tìm đường bơi lội trở về cái Một đơn thuần trong sáng tịch tĩnh của Diệu tâm… Bởi vậy, đôi khi, các bậc Đại Bồ Tát cũng thị hiện làm Ma vương, tạo nghịch cảnh cho một số chúng sanh để những kẻ này sanh tâm ly thế gian và quay đầu trở về. Cái vụ đó, được gọi là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát lớn.

Trong khi các chúng sanh bơi lội ngụp lặn trong biển nghiệp thì chư Phật và Bồ Tát luôn luôn khởi Đại bi, liên miên thi triển thần lực, dùng những quang minh vi diệu để thị hiện, hóa hiện vô lượng Hóa thân, vô lượng cảnh giới quốc độ, thành ấp, núi sông… để hóa độ chúng sanh. Sự hóa hiệu ấy liên miên bất tuyệt, không ngằn mé, có điều là chúng ta sống trong ám chướng mê mờ dày đặc, nên không thấy không biết mà thôi.

Sự thị hiện này cùng vẫn là Huyễn. Cảnh giới hóa hiện là huyễn, và ngay những hóa thân Phật cũng là huyễn. Chư Phật vẫn trụ bất động nơi Diệu tâm hay Pháp thân, mà vẫn hóa hiện Vô lượng Hóa thân ở các cõi. Các Hóa thân này, tuy là huyễn, nhưng vì không có nghiệp ràng buộc, không có ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, nên vẫn đầy đủ tự tại lực để làm mọi Phật sự độ duyên.

Cũng cần ghi rằng trong cái vòng triển chuyển của Thần lực, chư Như Lai vẫn hằng thi triển những sự đó với Vô-tâm-diệu-lực và Vô-tác-diệu-lực. Nhưng chúng ta còn là phàm phu, nên vẫn phải dùng những lời nói hữu tâm để cố gắng lý giải những cơ sự mịt mùng ấy…

Nói về Thần lực và Nguyện lực, thiết tưởng cần phải nói sơ lược về các thứ Thân của chư Như Lai, cũng như về các cách thức hóa hiện hình hài để độ duyên của chư Đại Bồ Tát.

Thân cao tột của chư Như Lai tức là cái biển Pháp thân thường trụ, trạm nhiên và bất động. Ở mức độ này, có lẽ chỉ là một biển quang minh cực kỳ vi diệu, chuyển động cực kỳ mau lẹ, và vì cực kỳ mau lẹ nên bất động. Ở mức độ này, Thân không có sắc tướng, thân cũng hoàn toàn là Cõi, và Cõi là Thân… Nơi này hay bình diện này cũng được gọi là Thường-tịch-quang.

Từ cái biển Pháp-thân-thường-trụ đó, chư Như Lai có thể làm hiển hiện rất nhiều thứ sắc tướng. Trong việc làm hiển hiện sắc tướng này, có lẽ chư Như Lai cũng cần khởi niệm. Nhưng chư Như Lai vốn đã lìa hết mọi tâm niệm, nên sự khởi niệm này chỉ là do lòng Đại bi, và dưới ánh sáng của Trí tuệ Bát-nhã vô-ngã-như-huyễn. Tuy khởi niệm mà vẫn vô tâm vô tác, nên cũng như là vô niệm vậy… Khi các Ngài khởi niệm Đại bi, thì có lẽ các quang minh chuyển động chậm lại, cô đọng lại và làm hiển lộ một sắc tướng nào đó…

Sắc tướng vi diệu nhất thường được gọi là Chân thân Phật… Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật bảo ngài A Nan: “Này A Nan! Kế đó, hành giả lại quán thân tướng Quang Minh của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Ông nên biết chân thân của Phật A Di Đà rực rỡ như sắc vàng Diêm-phù-đàn của trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ-ma. Phật thân cao 66 vạn ức na-do-tha hằng-hà-sa do-tuần. Tướng bạch hào giữa đôi mày uyển chuyển xoay về phía hữu như năm trái núi Tu-di. Mắt Phật xanh, trắng phân minh, rộng như nước bốn biển lớn. Các chơn lông nơi thân tuôn ra Ánh Sáng như Diệu Cao Sơn. Viên quang của Phật to rộng như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ấy, có trăm muôn ức na-do-tha hằng-hà-sa Hóa Phật, mỗi vị đều có vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả…

Những tướng hảo, Quang Minh cùng Hóa Phật đó vô cùng, nói không thể xiết! Hành giả chỉ nên thành kính nhớ tưởng, khiến cho tâm nhãn được thấy… Thấy được tướng này, tức thấy tất cả chư Phật mười phương. Vì thấy chư Phật, nên gọi là Niệm Phật tam-muội… Vì thấy vô lượng chư Phật, nên được chư Phật hiện tiền thọ ký cho hành giả…”

Xuống thấp một mức nữa, thì chư Như Lai có thể làm hiển lộ sắc tướng gọi là Thật-báo-trang-nghiêm, cao lớn 16.000 trượng, để thuyết pháp cho các bậc Đại Bồ Tát nghe… Đó là trường họp của Pháp hội Hoa Nghiêm, nơi đó Phật hiển lộ Báo thân để thuyết pháp.

Xuống xa một mức nữa để độ duyên cho nhân thế cùng lục đạo ở Dục giới, thì gọi là ứng thân. Thị hiện Đản sanh để hiển lộ một ứng thân Phật. Nên tuy đản sanh mà vẫn là Vô sanh. Đó là trường họp ứng thân của Đức Thích Ca Mâu Ni cách đây 2.500 năm, nương gá vào hình hài của ngài Ma Gia phu nhân để đản sanh vào nhân thế. Ma-gia là Maya, là Huyễn. Nhưng Phật hay Nhứt-sanh-bổn-xứ Bồ Tát vốn là những bậc đã đạt được Nhứt thiết chủng trí, không có một pháp nào là không biết, lại có thần-thông-tự-tại-lực không thể nghĩ bàn. Muốn hóa hiện thân hình thế nào cũng được, đâu có cần nương gá vào mảnh hình hài một người đàn bà mới có thân hình được? Vì thế, nên kinh Hoa Nghiêm dạy rõ ràng rằng: Ngài Ma Gia phu nhân cũng chẳng phải là một người đàn bà như những đàn bà khác, mà chính là một bậc Đại Bồ Tát đã lập hạnh nguyện rằng mỗi khi có Phật muốn dùng ứng thân để xuất hiện nơi đời, thì Ngài tình nguyện xin làm nguời đàn bà mang thai Phật. Và ở phẩm 39, khi ngài Thiện Tài Đồng Tử đi tìm các bậc Thiện tri thức để cầu đạo, thì Ngài có tới ngài Ma Gia phu nhân để xin chỉ dạy.

Nhưng tại sao Phật lại xuất hiện thành ứng thân? Chỉ là vì đó là một phương tiện thiện xảo của chư Như Lai, để khích lệ các loài, nhất là loài người… Nhiều người sẽ tự nhủ rằng: “Đức Phật kia, cũng chỉ là một vị Thái tử, cũng ở thai mà ra, cũng y như ta vậy, thế mà Ngài xuất gia tu tập rồi cũng thành Phật được, vậy thì ta tu tập cũng thành Phật được”. Rồi họ phát tâm tinh tiến tu tập… Ngoài ra, ứng thân bao giờ cũng là sắc vàng rực rỡ, luôn luôn tỏa hào quang, lại có đủ 32 tướng tốt, nên loài người cùng các loài khác chỉ cần ngắm nhìn sắc tướng đó cũng đủ thành thục các căn lành. Và chỉ cần nghe diệu âm của Ngài thuyết pháp, cũng đủ đắc quả rồi… Vậy thì chúng ta là Phật tử, đừng có bao giờ nghĩ rằng Đức Bổn Sư chỉ đơn thuần là một nhân vật lịch sử, một người tu hành như những người khác. Vì nếu quả thực như vậy, thì sẽ không có cách nào để lý giải cái bí ẩn tuyệt vời của vũ trụ và kiếp sống. Vì thế, kinh Đại Bát Niết Bàn dạy rõ rằng: “Thế nào là Bồ Tát đầy đủ Tín Tâm thanh tịnh? Nghĩa là Bồ Tát thâm tín rằng Phật Pháp Tăng là thường trụ, thập phương Như Lai phưong tiện Thị Hiện. Thâm tín rằng tất cả chúng sanh và nhứt-xiển-đề đều có Phật tánh. Chẳng tin rằng Đức Như Lai là sanh-lão-bệnh-tử và tu khổ hạnh. Chẳng tin rằng Đề-bà-đạt-đa là thật phá Tăng, và làm thân Phật chảy máu. Chẳng tin Đức Như Lai rốt ráo nhập niết-bàn, và chánh pháp diệt hết… Đó gọi là Bồ Tát được đầy đủ tín tâm thanh tịnh…”

Thiết tưởng cần đi sâu hơn nữa vào Lăng Kính Đại Thừa của diễn trình thị hiện ứng thân… Kinh Hoa Nghiêm đã dành mấy chục trang để diễn nói về điểm này. Diễn trình này là một biến cố khôn lường và hết sức lớn lao đối với rất nhiều thế giới, không riêng đối với trái đất, nên nó những luật tắc rõ ràng và nghiêm nhặt. Chư Như Lai đều tuân theo đúng những luật tắc ấy. Khi một vị Phật hoặc Nhứt-sanh-bổ-xứ Bồ Tát định giáng thân xuống nhân thế để thị hiện đản sanh và thành Chánh giác, thì Ngài thường cư ngụ một thời gian ở cung trời Đâu Suất. Rồi phóng quang minh trùm khắp vô lượng cõi để triệu tập các bậc Đại Bồ Tát, các Thế-gian-chủ, chư Thiên, chư Long vương, chư quỷ thần, các vị Kim cang Na-la-diên lực sĩ…v.v… tất cả đều đi theo hầu Ngài khi Ngài giáng thân vào hình hài, vào thai ngài Ma Gia phu nhân. Gọi là vào thai, nhưng thực ra không phải thai sanh. Khi ngồi trong thai, vẫn đầy đủ cung điện trang nghiêm và vẫn thuyết pháp. Khi ra thai, thì từ nách hoặc từ trán đản sanh. Vừa đản sanh, đã đi bảy bước, nói: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”… Phải có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp… Lớn lên, thị hiện xuất gia, thị hiện đi học đạo ở các hàng ngũ ngoại đạo để chỉ điểm những sai lầm của ngoại đạo, thị hiện tu khổ hạnh để làm hiển lộ trung đạo, thị hiện hàng phục ma quân rồi thành Chánh giác, thi triển thần lực để hàng phục ngoại đạo, thị hiện chuyển pháp luân, thị hiện nhập niết-bàn…

Phải hội đủ ngần ấy giai đoạn, ngần ấy điều kiện mới là ứng thân Phật… Ngày nay là thời mạt pháp, các Thánh hiền thường ở ẩn, còn các tà sư lại mọc lên nhiều như cát bụi. Có người lại dám tự nhận mình là Phật này hay Bồ Tát nọ… Nhưng Phật tử chúng ta cần hiểu rõ rằng chư Như Lai không bao giờ có nhập vào thân ai hết, chỉ có thị hiện ứng thân hoặc Hóa thân mà thôi. Hóa thân thì có thể hóa hiện thân hình thành một kẻ ăn mày, một ông quan, một người con gái…v.v… (Đoạn kế tiếp sẽ nói rõ), nhưng luật tắc của việc hóa thân là không bao giờ tự nhận mình là Phật hay Bồ tát cả. Còn ứng thân thì phải hội đủ những điều kiện trên như là: đi bảy bước, thân sắc như vàng ròng, 32 tướng tốt…v.v… thì mới đúng là ứng thân. Cho nên, những ai tự nhận mình là Phật hay Bồ Tát mà không hội đủ các điều kiện như trên đã nói, thì đều là những kẻ tăng-thượng-mạn hoặc bị quỷ nhập như kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói rất rõ trong phẩm Ma Chướng. Chính lòng tăng-thượng-mạn không bờ bến cũng chỉ là một thứ bị quỷ nhập, nó khiến kẻ đó chưa chứng đã tự nhận là chứng, để cầu sự cung kính cúng dường lợi dưỡng… Như thế, những kẻ đó phạm tội đại vọng ngữ, mở rộng thênh thang con đường xuống địa ngục, và thường khi lôi theo cả đám đệ tử háo thắng hoặc khờ dại. Nên người chân Phật tử cần biết tự cảnh giác điều đó: Đừng thấy ai có đôi chút khả năng khác người, mà vội tin, lầm cho ngay là Phật hay Bồ Tát. Vì thực ra, sự xuất hiện một ứng thân Phật thường hy hữu hiếm có như hoa Ưu-đàm vậy…

Chúng ta hiện nay đương sống ở kiếp hiện gọi là Nhân Hiền kiếp. Kiếp Nhân Hiền gồm 20 tiểu biến, mỗi tiểu kiếp dài chừng 16 triệu năm. Theo lời kinh, từ tiểu kiếp thứ 1 đến tiểu kiếp thứ 8 không hề có ứng thân Phật ra đời. Phải chờ đến tiểu kiếp thứ 9 tức là hiện nay, thì có bốn vị Phật lần lượt xuất hiện rồi là: Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, và Phật Thích Ca của chúng ta… Sang tiểu kiếp thứ mười, sẽ chỉ có một ứng thân Phật Di Lặc, hiện nay đương ngự trên cung Đâu Suất… Kiếp mười một đến mười bốn không có Phật. Tiểu kiếp thứ mười lăm sẽ nở rầm rộ 994 vị Như Lai. Tiểu kiếp mười sáu đến mười chín lại không có Phật. Đến kiếp thứ hai mươi sẽ xuất hiện vị Phật cuối cùng của Nhân Hiền kiếp mệnh danh là Phật Lâu Chí.

Đó là về ứng thân Phật.

Nhưng ngoài ứng thân Phật (có đi bảy bước, có 32 tướng.. .v.v…) các chư Như Lai hoặc Đại Bồ Tát còn phân thân vô lượng trong vô lượng cõi: để tùy duyên hóa độ. Đó gọi là Hóa thân của Phật, và đó cũng là phương tiện thiện xảo của chư Như Lai… Đọc kinh Đại Thừa như kinh Địa Tạng hoặc phẩm Phổ Môn hay những phẩm khác trong kinh Pháp Hoa, thì thấy luôn luôn nói đến các Hóa thân. Và trong lịch sử Phật giáo, thì ngài Thiện Đạo Hòa Thượng thường được coi là một Hóa thân của Đức A Di Đà, và ngài Bố Đại Hòa Thượng cũng được coi là Hóa thân của Đức Di Lặc. Nhưng đó là do người đời sau, suy ngẫm kỹ về những hành vi độ duyên của các ngài, rồi xác nhận là như vậy. Chứ riêng về phần các ngài, trong lúc còn ở đời độ duyên, thì không bao giờ các ngài lại thổ lộ một lời nào tự nhận mình là Hóa thân của một Đức Phật nào cả… Luật tắc nghiêm ngặt của Hóa thân là như vậy. Không bao giờ tự nhận mình là Hóa thân của Phật hay Bồ Tát cả. Vả lại, các ngài vốn là người huyễn, người biến hóa, người không có nghiệp, người không có ngã, thì đâu có tự nhận làm gì!… Chỉ trừ khi lúc ra đi vì việc độ duyên đã mãn, thì các ngài thường để lại một bài kệ, hay một chứng tích nào khác, khiến người đời biết mình là Hóa thân, và sanh lòng kính ngưỡng mà thôi… Cho nên, tất cả những người tự nhận mình là Phật này hay Bồ Tát nọ, dù có được chút ít thần thông, cũng đều là những kẻ đại vọng ngữ. Vì những bậc chân Hóa thân thì chỉ tu hành, thuyết pháp, độ duyên, làm mọi Phật sự, mà không bao giờ nhận mình là gì cả. Ngay tới khi lìa bỏ Hóa thân, nếu hàng đệ tử có gạn hỏi, thì các ngài cũng chỉ khởi lòng từ bi, tự nhận đã chứng một quả vị thấp kém mà thôi.

Hóa thân có thể dưới rất nhiều hình thái. Phần Phổ Môn có kể 32 thứ Hóa thân của Đức Quán Thế Âm. Có thể là người, hay trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà… Có thể là một người ăn mày ghẻ lở xấu xí, có thể là một vị vua oai nghi, có thể là một người con gái để tùy duyên hóa độ. Nhưng đó chỉ là sơ lược. Vì Hóa thân thì vô lượng, vì nhân duyên độ sanh cũng vô lượng. Có thể là những vật vô tình như một thân cây, một tảng đá, một thành ấp, một xóm làng… và những vật đó vẫn có thể độ cho mình được. Hoặc một mảnh ván lênh đênh có thể cứu kẻ đương chết đuối. Nhiều khi, các bậc Bồ Tát còn thị hiện nghịch duyên để buộc một số chúng sanh phải hồi tâm chánh pháp… Đại khái về các Hóa thân sơ lược là như vậy…

***

Thiết tưởng cần tìm hiểu sâu hơn nữa về cách thức tạo dựng những Hóa thân này của chư Phật và chư Bồ Tát lớn.

Về cách thức tạo dựng những Hóa thân này, thì thực ra chúng ta là kẻ phàm phu, sống trong vô minh dày đặc, cũng khó mà suy đoán rõ ràng chắc chắn được. Chỉ có thể nương theo những lời kinh rải rác để suy đoán một phần nào nhà thôi.

Ứng thân thì thường đi theo đường lối thị hiện thai sanh, có vẻ như mọi người. Lựa chọn một người đàn bà thanh tịnh, có nhiều thiện căn, rồi thần thức của bậc Bồ Tát gá vào hình hài của người mẹ đó thị hiện thai sanh, tạo một hình hài cũng có vẻ máu mủ xương thịt như mọi người. 28 vị Tổ Thiền Tông Ấn Độ cùng cùng năm vị Tổ Thiền Tông Trung Quốc, phần đông có lẽ đều thị hiện ứng thân theo cách thức này… Khi thụ thai, người mẹ thường mộng thấy hào quang soi sáng rực khắp nhà, hoặc thấy mây lành che phủ, hoặc thấy nuốt một hạt minh châu, hoặc thấy một Bồ Tát trao cho một đứa nhỏ, hoặc thấy một thai tướng nào khác… Đản sanh ra, rồi học đạo, xuất gia, độ sanh đủ thứ, rồi thị tịch. Thị tịch rồi, thì hoặc để lại nhục thân không hư nát cho người đời sau chiêm ngưỡng cúng dường như trường hợp ngài Huệ Năng, ngài Hám Sơn… hoặc để lại xá lợi, hoặc hình hài biến mất hẳn đi như trường hợp ngài Bồ Đề Đạt Ma…

Nhiều trường họp của những vị này, khi lớn lên xuất gia học đạo, đến gặp một vị thầy, thì vị thầy này nói: “Sao đến chậm thế? Ta cùng ông trước kia đồng dự hội Pháp hoa trên núi Linh Sơn… Nay thì ta cùng ông dạo chơi nơi Hoa tạng Tỳ Lô vậy…” Hoa tạng Tỳ Lô có nghĩa là những cảnh giới vi diệu siêu xuất của Pháp thân thường trụ.

Hóa thân thì lại thường không theo cách thức thị hiện thai sanh. Thường chỉ dùng Sức của tâm niệm không thôi để hóa hiện hình hài. Tâm niệm tập trung là một sức mạnh không có bờ bến. Nó làm phát xuất những cơn-lốc-quang-ninh, những cơn lốc quang minh ấy có những nhịp điệu rung chuyển tương ứng với những cực vi hình chất xung quanh, nên nó thâu hút và quyện những cực vi đó để tạo thành một hình tướng linh động. Hình tướng này linh động vì nó bắt nguồn ở nơi tâm hiện của Bồ Tát lớn.

Ngay đến những tay phù thủy tầm thường (magie noire), hoặc nhũng kẻ tu theo ngoại đạo (nghĩa là tâm lực còn yếu kém, vì còn chấp ngã chấp pháp và ít lòng từ bi cùng trí tuệ) cũng đã có thể tạo lập được ít nhiều hình tướng rồi. Họ dùng chú thuật, hoặc sức quán tưởng, rồi khơi một công phu miên mật lâu dài, thì cũng có thể tạo dựng những hình tướng được. Nhưng đối với họ, vì tâm lực còn yếu kém, chưa có quảng đại tự-tại-lực, nên cần phải dùng chú thuật hoặc quán tưởng một thời gian rất lâu dài, có khi vài tháng hoặc vài năm. Đối với hàng phù thủy, những hình tượng tạo dựng ấy được gọi là âm binh. Âm binh này có thể là những hình tượng do họ tạo dựng, hoặc là những thứ lịnh quỷ nhỏ sẵn có và bị khuất phục bởi sức chú thuật của phù thủy. Nhưng tâm địa của hàng phù thủy đều là quắt quéo, không đoan chánh, họ ngự trị trên bọn âm binh bằng sức mạnh của chú thuật, nên đến ngày nào sức mạnh ấy sút kém, thì bọn âm binh cũng thường quay ngược lại để hãm hại chính người phù thủy…

Những kẻ tu hành theo Mật Tông, nhất là ở Tây Tạng, cũng thường tự theo một đường tương tự. Họ thường kết thất, lập “đàn tràng” ở một nơi rừng núi hoang vắng rồi mỗi người tự chọn lấy hình ảnh một bậc Bồ Tát lớn làm vị thần linh hộ trì cho họ trên đường tu hành. Họ ngồi ở trong thất, hoặc vài tháng hoặc vài năm không bước chân ra ngoài, trong thất có dựng đàn tràng, treo một tấm hình (gọi là mandala) của vị Bồ Tát lớn đó, cùng một tấm gương gọi là kinh đàn. Kinh đàn này đã được phổ thần lực của một thần chú do bậc sư phụ của hành giả truyền cho!… Hành giả ngày đêm thành khẩn lễ lạy, tụng chú, và quán tưởng hình ảnh Bồ Tát đó. Cho đến một ngày kia, do sự trợ lực của thần chú và do sức quán tưởng tập trung, hình ảnh của bậc Bồ tát sẽ hiển lộ thành một hình tướng linh động để chỉ dẫn độ trì cho hành giả… Thiết tưởng cần hiểu rằng chung quanh chúng ta và ở bất cứ chỗ nào, cũng đầy rẫy những sắc thân ứng Hiện của chư Như Lai và Bồ Tát lớn. Những sắc thân đó cũng như tứ đại (địa-thủy-hỏa-phong) được giảng giải trong kinh Lăng Nghiêm, lúc nào cũng chu biến khắp pháp giới, chỉ chờ đầy đủ nhân duyên chiêu cảm là hiển lộ ra. Song những diệu-sắc-thân này đều được dệt bằng những thứ quang minh vi diệu. Khi tâm tưởng của hành gia đã được thanh tịnh hóa và tập trung đến mức độ trở thành nhỏ nhiệm vi tế, thì lập tức những luồng quang minh của tâm tướng ấy sẽ chạm những quang minh của Phật và Bồ Tát, và do sức chiêu cảm, những diệu-sắc-thân kia sẽ hiển lộ và tâm nhãn của hành giả được khai thông… Cũng cần ghi rằng về những người tu theo lối quán tưởng Mật Tông này, chỉ là có một số ít thành tựu được việc quán tưởng thôi, còn phần đông đều thối chí giữa đường hoặc chỉ đạt được kết quả cục hạn.

Tóm lại, thì sức quán tưởng của kẻ phàm phu còn bơi lội trong biển nghiệp, mà đã có sức tạo dựng hình tượng như vậy. Song họ cần phải quán tưởng miên mật lâu dài.

Nhưng đối với các bậc Bồ Tát lớn và chư Như Lai, trong việc tạo dựng Hóa thân, thì không cần phải như vậy. Không cần phải quán tưởng miên mật lâu dài, chỉ cần khởi một tâm niệm là đủ. Vì sao vậy?… Chỉ là vì tâm lực của các Ngài đã đi vào chỗ vô-biên-tế, chỗ phổ-huyễn-tế rồi. Tâm lực ấy chỉ gồm toàn những quang minh tối vi diệu, tuyệt nhiên không còn một vết tích của phàm-tình phàm-tưởng, vì đều là quang minh của Trí tuệ Đại Bát Nhã và Bình đẳng Đại Từ Bi. Không còn ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng. Thực ra, các Ngài cũng lìa hết tâm niệm rồi, và nếu có khởi niệm thì cũng là do lòng Bình Đẳng Đại Từ Bi cùng vô-tác-diệu-lực mà thôi… Các Ngài cũng chẳng cần tập trung tâm lực nữa, trong một sát-na, có thể nhập xuất hàng trăm, hàng ngàn thứ tam-muội rồi. Hoặc có thể, từ một thân này nhập chánh định, rồi xuất định ra thành một thân khác rồi… Cái vụ đó, được kêu là Quảng-đại-tự-tại-thần-thông-lực. Và các kinh Đại Thừa đều chỉ nói về sự Biến-hóa-khôn-lường của cái Diệu-tâm của các Ngài mà thôi. Hãy lắng nghe mấy đoạn kinh Hoa Nghiêm nói về vụ đó:

– “Thiện Tài đồng tử đi lần đến nước Ma Lợi, tìm Hải Tràng Tỳ-kheo, bèn thấy Hải Tràng Tỳ-kheo ngồi bên bờ đường, đang nhập tam-muội, bắt hơi thở, lìa tự giác, thân tâm bất động…

Từ dưới chân Tỳ-kheo ấy hiện ra vô số muôn ngàn ức cư sĩ Bà-la-môn. Đại chúng này đều dùng nhiều đồ trang nghiêm để nghiêm sức thân mình, tâm ý thanh tịnh…

Từ khoảng eo lưng của Tỳ-kheo xuất hiện vô số Tiên nhon, mặc y phục bằng cỏ hay vỏ cây, dùng diệu âm ca ngợi Như Lai…

Từ hai bên hông của Tỳ-kheo, xuất hiện bất tư nghi Long vương, đương thị hiện bất tư nghi thần biến của chư Long…

Từ hai vai của Tỳ-kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Dạ-xoa-vương và La-sát-vương…

Từ trên trán của Tỳ-kheo, xuất hiện vô số trăm ngàn ức Phạm Thiên vương, Đe Thích sắc tướng đoan nghiêm, thế gian không sánh kịp…

Thiện Tài đồng tử đứng tư duy, quán sát Hải Tràng Tỳ-kheo, như vậy qua một ngày một đêm, nhẫn đến bảy ngày đêm, nửa tháng, một tháng, đến sáu tháng, lại qua sáu ngày nữa… mới thấy Tỳ-kheo xuất tam-muội…”

Đoạn kinh trên đây trích trong phẩm Nhập Pháp Giới. Đoạn kinh rất dài, mô tả tỷ mỷ, đây chỉ lược trích vài câu để gợi ý về sự thần biến của Bồ Tát Hải Tràng.

Hoặc mấy câu kệ trong phẩm Hiền Thủ, Kinh Hoa Nghiêm:

Như vậy mười phương các thế giới
Bồ Tát vào khắp không bỏ sót
Hoặc nhập tam-muội tịch bất động
Hoặc hiện cung kính cúng dường Phật…
Ở trong nhãn căn nhập chánh định
Nơi trong sắc trần từ định xuất,
Thị hiện sắc tánh bất tư nghì,
Tất cả trời người chẳng biết được…
Ở trong sắc trần nhập chánh định
Nơi nhãn xuất định tâm chẳng loạn,
Thuyết nhãn vô sanh và vô khởi
Tánh không tịch diệt và vô tác…
Ở trong nhĩ căn nhập chánh định
Nơi trong thinh trần từ định xuất
Phân biệt tất cả tiếng ngữ ngôn
Chư thiên, thế nhân chẳng biết được…
Ở trong thinh trần nhập chánh định
Nơi nhĩ xuất định tâm chẳng loạn,
Thuyết nhĩ vô sanh và vô khởi
Tánh không tịch diệt và vô tác…
………

Ở trong ý căn nhập chánh định
Nơi trong pháp trần từ định xuất
Phân biệt tất cả các pháp tướng
Chư thiên, thế nhân chẳng biết được…
………

Trong thân đồng tử nhập chánh định
Nơi thân tráng niên từ định xuất…
Trong thân tráng niên nhập chánh định
Nơi thân thiên nữ từ định xuất…
Trong thân thiên nữ nhập chánh định
Nơi thân chư thiên từ định xuất…
Trong thân chư thiên nhập chánh định
Nơi thân đại long từ định xuất
Trong thân đại long nhập chánh định
Nơi thân Bích-chi từ định xuất
Thân Bích-chi-Phật nhập chánh định
Hiện thân Như Lai từ định xuất…
……….

Trong một chân lông nhập chánh định
Nơi một vi trần từ định xuất…
Trong một vi trần nhập chánh định
Tất cả chân lông từ định xuất…
Trong tất cả trần nhập chánh định
Nơi đất Kim cang từ định xuất,
Trong đất Kim cang nhập chánh định
Nơi quang minh Phật từ định xuất,
Trong quang minh Phật nhập chánh định
Ở nơi lửa lớn từ định xuất…
Ở trong lửa lớn nhập chánh định
Nơi gió xuất định tâm chủng loạn…
Đây gọi bậc vô lượng công đức
Tam Muội Tự Tại khó nghĩ bàn,
Mười phương tất cả chư Như Lai
Trong vô lượng kiếp nói chẳng hết… Phẩm Hiền Thủ, thứ 12)

Các loại Hóa thân cũng thường được kinh mệnh danh là Ý Sanh Thân… Ý sanh thân (will bodies) có nghĩa là các bậc Bồ Tát lớn chỉ cần khởi niệm, là đã hóa hiện ngay được một hóa thân theo ý muốn.

Về các cách thức tạo dựng Hóa thân này, thì có kinh Lăng Già, Hoa Nghiêm là giảng nói kỹ càng hơn cả.

Theo kinh Lăng Già (bản dịch của H.T. Thanh Từ, trang 228), thì có ba loại Ý sanh thân, tùy theo mức độ tam-muội cao thấp của các bậc Đại Bồ Tát:

1) Tam-muội nhạo ý sanh thân: Cách thức tạo dựng Hóa thân này là của các bậc Đại Bồ Tát từ sơ địa đến đệ thất địa, nghĩa là mức độ tam-muội chưa được tuyệt vời. Các vị này đã thân chúng được từng phần Pháp thân, và đều đã Nhập được Như-Huyễn-tam-muội. Đã gột bỏ được hết những tập khí của ngã chấp, nhưng chưa hết hẳn những tập khí của pháp chấp. Thường Nhập Như huyễn-tam-muội, nhưng chưa Thường Trụ trong tam-muội ấy. vẫn còn Xuất Nhập… Nên các vị này, nếu muốn tạo dựng Hóa thân để đi độ duyên các cõi hoặc dự những đạo tràng nghe chư Phật nói pháp, cần phải Nhập tam-muội mới hóa hiện được Hóa thân. Neu đã xuất tam-muội. thì không hóa hiện được.

Cần phải Nhập tam muội, nên kêu là Tam-muội-nhạo-ý, thì mới tạo dựng được Ý sanh thân.

Theo kinh Hoa Nghiêm, thì một bậc Bồ Tát sơ địa đã có thể nhập tam-muội và hóa hiện 100 Hóa thân đi độ duyên các cõi. Bồ Tát nhị địa có thể hóa hiện 1000 Hóa thân. Bồ Tát đệ tam địa có thể hóa hiện 100.000 Hóa thân… Bồ Tát đệ thất địa tức Viễn hành địa có thể hóa hiện trăm ngàn ức Hóa thân…

Trong kinh Pháp Hoa, có phần thứ 23 tức phẩm Dược Vương Bổn Sự. Phần này có kể lại một câu chuyện tiền thân của ngài Dược Vương Bồ Tát, lúc đó kêu là ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát. Ngài có tên như vậy, là vì Ngài gặp bất cứ một chúng sanh nào, thì trong lòng đều thấy khấp khởi vui mừng cả, như là mình được gặp Phật vậy… Trong kiếp đó, ngài Hỷ Kiến Bồ Tát chỉ có đi kinh hành và chuyên nghe kinh Pháp Hoa, mà đắc được tam-muội gọi là “Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội…” Nghĩa là ngài cứ Nhập tam-muội đó, thì có thể hóa hiện rất nhiều Hóa thân đi các cõi. Đó tức là Tam-muội nhạo-ý-sanh-thân, và thứ bậc chứng đắc của Ngài chắc vào khoảng đệ lục hay đệ thất địa Bồ Tát.

2) Giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân: Đây là cách thức tạo dựng Hóa thân của những bậc Đại Bồ Tát cao hơn, từ đệ bát địa tới đệ thập địa hay Đẳng giác Bồ Tát. Nghĩa là chỉ còn kém Phật một, hai, ba bậc thôi.

Giác-pháp-tự-tánh có nghĩa là các bậc này đã hầu như chứng nhận hoàn toàn tự tánh hay ở thể tánh của các pháp, chứng nhận được Chân như Pháp tánh. Thấy rõ rằng các pháp tuy chập chùng như vậy, nhưng chỉ là biến hiện, và tuy biến hiện nhưng vẫn như-như-bất-động. Không phải là có cũng không phải là không, không phải là có ngã, cũng không phải là vô ngã, không phải là thường cũng không phải là đoạn, không phải là động cũng không phải là dị, không phải là trước sau thứ lớp, cũng chẳng phải là đồng thời, chẳng phải từ đầu đến cũng chẳng đi đến đâu… Tương tự như trăng đáy nước, như hoa trong gương, biến hiện như những huyễn-ảnh-chập chùng-duyên-khởi-tương-ưng. Do đó, các bậc Bồ Tát lớn này Thường Trụ trong Như-huyễn- tam-muội. Vì thường trụ, nên không có nhập xuất như các bậc Bồ Tát nói trên… Trụ trong tam-muội này, các Ngài luôn luôn dùng những quang minh vi diệu, giác chiếu sự chuyển biến của thân tâm, thuận theo thể tánh Chân như mà Khởi Dụng, hiện tất cả thân như trăng đáy nước, bóng trong gương, như ý tự tại du hành khắp các cõi Phật… Tánh-ý-sanh-thân có nghĩa là thuận theo thể tánh của các pháp mà khởi dụng, hóa hiện các Hóa thân.

Tuy nhiên, mặc dầu đã có quảng-đại-tự-tại-lực, nhưng các bậc Bồ Tát này vẫn còn ít nhiều vết tích tác ý khởi dụng chứ chưa đạt được hoàn toàn vô-công-dụng-hạnh cùng vô-tác-diệu-lực của chư Phật.

Theo kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát đệ bát địa được gọi là Bất động địa, cũng được gọi là Biến-hóa-trí-địa. Vì Bất động chính là Biến hóa không cùng. Trong mười độ ba-la-mật, thì có bốn ba-la-mật sau là: Nguyện, Phương tiện, Trí, Lực ba-la-mật… Các bậc Bồ Tát lớn này chuyển từ bốn ba-la-mật này, và muốn thực hành bốn độ này, phải có nhiều tự-tại-lực để biến hóa không cùng. Theo lời mô tả của kinh Hoa Nghiêm, thì đệ bát địa trở lên, chỉ thấy toàn nói đến quang minh thôi… Sau đây là luợc trích một đoạn kinh mô tả sự phóng quang của Bồ Tát đệ thập địa, tức Pháp Vân địa.

– “Đại Bồ Tát Pháp Vân Địa, ngự trên cõi trời Sắc cứu cánh, nhập tam-muội gọi là Thọ-nhứt-thiết-trí-thắng-chức-vị.

Lúc tam-muội này hiện tiền, bỗng nhiên xuất sanh Đại bửu liên hoa. Liên hoa này rộng lớn bằng trăm vạn Đại thiên thế giới, trang nghiêm bằng các thứ diệu bửu, do thiện căn xuất thế sanh khởi, do những hạnh biết các pháp nhu-huyễn-tánh làm thành, thường phóng quang minh chiếu khắp pháp giới.

Chư Phật tử! Lúc Đại Bồ Tát này ngồi trên tòa Bửu Liên Hoa, thì nơi dưới hai chân phóng trăm vạn vô số quang minh chiếu khắp các đại địa ngục ở mười phương diệt khổ cho chúng sanh. Nơi hai gối phóng trăm vạn vô số quang minh chiếu khắp mọi loài súc sanh diệt khổ cho chúng sanh… Nơi rún phóng trăm vạn vô số quang minh chiếu khắp các cõi Diêm la vương diệt khổ cho chúng sanh. Nơi hai bên hông phóng trăm vạn vô số quang minh chiếu khắp các cõi nhân gian mười phương diệt khổ chúng sanh… Nơi giữa hai tay… Nơi trên hai vai… Nơi cổ và lưng… Nơi mắt…phóng trăm vạn vô số quang minh chiếu khắp hàng Bồ tát sơ phát tâm đến bậc đệ cửu địa… Các quang minh này đều làm cho các cung điện của Ma đều lẩn khuất chẳng hiện…” (Hoa Nghiêm Kinh, phẩm 26, trang 965)

Đoạn kinh này rất dài, đây chỉ lược trích.

Trong kinh Pháp Hoa, phần thứ 24 là phẩm Diệu Âm Bồ Tát. Sự hóa hiện thân hình của ngài Diệu Âm là tương xứng với cách thức Giác-pháp-tự-tánh-tánh-ý-sanh-thân.

3) Chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân: Đây là cách thức của bậc Diệu Giác, tức là chứng quả vị Phật rồi. Cho nên cách thức này là bất tư nghi, bất khả ngôn thuyết, chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ thôi.

Chủng-loại-câu-sanh có nghĩa là Tùy theo tâm niệm của mỗi chúng sanh, mỗi loài chúng sanh chiêu cảm mà liền Ứng Hiện ngay một hay nhiều Hóa thân thích hợp nhất để độ duyên cho chúng sanh đó. Vô-hành-tác có nghĩa là Vô-công-dụng hạnh và Vô-tác-diệu lực đã đến mức tuyệt vời… Chữ Như Lai vốn đã diệt trừ hết mọi tập khí vô minh vi tế, hết mọi vết tích của nghiệp, thiện cảm sung mãn đầy rẫy như biển lớn, và đã chứng nhận hoàn toàn Pháp thân tự tánh. Nên các Ngài tương tự như hạt châu ma-ni-vương. Hạt châu ma-ni này tùy vật chung quanh mà hiển hiện thành những màu sắc. Tự tánh Pháp thân của Như Lai cũng vậy, tùy tâm niệm của chúng sanh đối diện liền Ứng Hiện. Như Lai vốn từ rất lâu xa đã lìa bỏ mọi tâm niệm, nhưng vẫn do lòng Đại bi bình đẳng và khởi niệm hiện thân, khởi niệm mà vẫn là vô niệm, vì đó là do Bi nguyện từ nhiều kiếp làm thành, và cũng do tự tánh pháp tướng lý ưng như thế. Bởi vậy, nên người niệm Phật hay quán tưởng Phật khi đạt tới một mức độ thuần thục nào đó, sẽ đương nhiên chiêu cảm sự ứng hiện của một hay nhiều vị Phật.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm thứ 33 gọi là phẩm Phật Bất Tư Nghi Pháp. Trong đó, mô tả rất dài về Vô-ngại-quảng-đại-tự-tại-lực của chư Phật. Song lời giảng dạy quá mênh mang bát ngát, khó thể lược tóm ở đây.

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 25 là phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát. Sự hóa hiện Hóa thân của ngài Quán Thế Âm diễn nói trong phẩm đó, là cách thức Chủng-loại-câu-sanh-vô-hành-tác-ý sanh-thân… Vì ngài là bậc Diệu Giác, từ lâu xa đã thành Phật rồi, lấy danh hiệu là Chánh Pháp Minh Nhu Lai.

Nói đến Tam-muội-tự-tại-lực của Đại Bồ Tát, thiết tưởng cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa về chữ: Tam-muội.

Theo sự hiểu biết thông thường, chúng ta thường cho rằng Tam-muội là một thứ Định, và nhập tam-muội tức là nhập định.

Điều đó là đúng. Nhưng nếu ta theo dõi và suy ngẫm kỹ càng về những lời kinh hơn nữa, thì sẽ nhận thấy rằng trạng thái tam-muội thường mang một số sắc thái đặc biệt, khác với Định.

Vậy thì kinh sách đã nói những gì về tam-muội và định?

Trước hết về số lượng, kinh thường chỉ nói tới Cửu thứ đệ định, tức 9 bậc định. Đó là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, và Diệt tận định. Các bậc A La Hán thường đắc 9 thứ định này, và nhập Diệt tận định, tỷ dụ như ngài Ca Diếp, tuy ngài Ca Diếp là một bậc Bồ Tát thị hiện từ Thanh Văn qua chứ không phải thực là một bậc Thanh Văn… Các bậc Bồ Tát trụ đệ lục địa tức Hiện tiền địa thì theo kinh Hoa Nghiêm cũng nhập được Diệt tận định. Như vậy, thì về định lực cùng tự lực tu chứng, các Ngài ngang với bậc A La Hán, nhưng lại hơn A La Hán rất nhiều về nguyện lực vì các Ngài từ lâu đã lập bốn đại hoang thệ độ sanh đến cùng tột vị lai tế. Do đó, thần lực và thần biến của các Ngài cũng vượt xa bậc A La Hán. Vì A La Hán này thì chỉ có 18 phép thần biến, hiện thân lớn như núi Tu-di thì được, nhung không hóa hiện thân nhỏ được.

Ngoài 9 thứ định này, kinh cũng thường nói tới Chánh định hay Đại định, tức là một thứ định lớn Vô Trụ của các Bồ Tát lớn và Phật.

Đức Bổn Sư Mâu Ni của chúng ta, khi Ngài xã bỏ ứng thân này để lại xá-lợi cho người, trời cúng dường, thì Ngài không hề nhập Chánh định hay Đại-định-vô-trụ. Ngài chỉ nhập sơ thiền xuất sơ thiền để nhập nhị thiền… lần lượt thứ đệ thiên xuất sơ thiền để nhập nhị thiền… lần lượt thứ đệ lên đến diệt tận định, rồi xuất diệt tận định để đi xuống, nhập Phi tưởng phi phi tưởng… lần lượt thứ đệ xuống đến sơ thiền. Rồi lại đi lên… ba lần thị hiện nhập định nghịch thuận nhu thế. Đen lần thứ ba, Ngài ngừng lại ở tứ thiền, rồi ở đó, bặt hơi thở, xả luôn ứng thân… Sự kiện Ngài không hề nhập Đại định lúc đó, đủ chứng tỏ rằng Ngài chỉ thị hiện nhập niết-bàn, chứ sự thực thì Ngài không hề nhập niết-bàn rốt ráo tịch diệt, vì kinh Đại Bát Niết Bàn nói rõ rằng Đại Niết Bàn là cơn Đại định rất sâu, chứ không phải là 9 định kia, sự thực là Ngài thấy cơ duyên Phật sụ đã mãn ở cõi này, nên thị hiện lìa bỏ ứng thân đi độ duyên ở cõi khác…

Định là như vậy. Trong khi đó, thì kinh luôn luôn nói đến vô lượng vô số tam-muội, Sư tử phấn tấn tam-muội, Kim cang tam-muội, Bát chu tam muội, Niệm Phật tam-muội, Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội, Thanh tịnh thâm tâm hành tam-muội, Trí quang minh tạng tam-muội, Liễu trí nhứt thiết thế giới Phật trang nghiêm tam-muội, Chúng sanh sai biệt thân tam-muội, Pháp giới tự tại tam-muội, Vô ngại luân tam-muội…v.v… Riêng trong kinh Hoa Nghiêm cũng đã thấy kể tới mấy trăm thứ tam-muội rồi. Kinh cũng thường nói rằng: Khi Phật hay Đại Bồ Tát diễn nói pháp môn này rồi, thì trong chúng hội, có nhiều bậc Bồ Tát đắc được vô số tam-muội… Kinh cũng hay nói rằng trong một sát-na, Bồ Tát lớn có thể xuất nhập hàng trăm ngàn thứ tam-muội…

Xưa kia, ngài Mã Minh Bồ Tát lúc thị tịch, thì Ngài nhập Long-phân-tán-tam-muội, thân bay lên hư không, bay luôn và chói sáng như mặt trời trong một hồi lâu, rồi là là đáp xuống mặt đất, ngồi kiết già mà thị tịch.

Bên Trung Hoa, ngài Trí Giả Đại sư tụng kinh Pháp Hoa. Khi tụng phẩm Dược Vương Bổn Sự, đến câu: “Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đó là chơn thiệt tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như Lai.” thì Ngài lặng lẽ nhập định, nhập Pháp Hoa tam-muội.

Trái lại, trong các kinh tạm gọi là Tiểu thừa (vì thực ra, giáo pháp thì không có gì nhất định là Tiểu thừa hay Đại thừa, Tiểu hay Đại chỉ là do nhãn quan của hành giả, do tâm thọ lành mở rộng hay mở hẹp mà thôi…), thì tuyệt nhiên không thấy nói nhập tam-muội, mà chỉ nói nhập định thôi.

Vậy thì tam-muội tuy cũng là định, nhưng và mang một sắc thái gì đặc biệt, khác với định.

Kẻ viết những giòng này, thực ra, chưa hề biết phong vị của định hay tam-muội là gì. Chỉ nương theo lời kinh để suy luận ra một vài ý kiến, và góp ý với bạn đọc. Nên trộm nghĩ rằng:

– Định thường là kết quả của Tự lực tu chứng, Hành giả công phu miên mật lâu ngày, thì có nhiều định lực, và vào được sơ thiền, hay nhị thiền… hay bốn Không xứ định, hay Diệt tận định… Trong khi tam-muội vừa là kết quả của Tự lực tu chứng, lại vừa là kết quả của sự gia trì bởi nhiều Thần lực hay Pháp lực. Nên kinh thường nói: “Do thần lực của Phật gia trì hay quán đảnh, nên Bồ Tát đó nhập được tam-muội ấy…” Hoặc: Do tụng kinh Pháp Hoa hay Thủ Lăng Nghiêm, hoặc do chú tâm nghe kinh mà được tam-muội ấy… Nên nhớ rằng Pháp lực cũng lớn lao như Thần lực. Vì Pháp lực chính là những luật tắc chuyển biến của cái Biển Pháp thân thường trụ. Chỉ cần ý hội được những luật tắc đó, rồi nương vào đó để chuyển biến thì sẽ được vô vàn lợi ích. Cũng tương tự như Trường lực (champ de force) của một cục đá nam châm thường thu hút những que sắt nhỏ…

Pháp lực cũng là Pháp thân chưa hiển hiện thành sắc tướng, còn Phật tức là Pháp thân đã hiển hiện thành sắc tướng… Nên có thể nói rằng Pháp không ngôn từ là có trước Phật, còn Pháp có ngôn từ là có sau Phật.

Cửu thứ đệ định thì hay khác với tam-muội là như vậy. Nhưng khi tiến tới Chánh định, hay Đại định vô trụ, thì định với tam-muội là đồng, không còn gì nữa.

Nhưng bước đầu của Định thường thiên về Chỉ nhiều hơn và ít có Quán. Trong khi đối với tam-muội thì các bậc Bồ Tát, sau khi đã thành tựu định lực rồi, lại còn triển khai vô cùng về Quán. Đẻ lần lần viên thành cả Chỉ lẫn Quán, rồi bước vào Song Chiếu Trung Đạo. Tức là từ Đệ bát địa trở lên.

Người hành giả phát tán thiền quán để cầu Phật quả, lúc ban sơ thường tu về Chỉ nhiều, rồi sau bước sang Quán, sau cùng là Chỉ Quán song tu để nhập vào Song chiếu trung đạo… Chỉ cũng có thể gọi là Không quán, dứt lần các vọng tưởng, để tiến vào không tịch. Khi đã lọt được vào Không tịch rồi, thì lại ngồi ngay ở nơi không hải này, rồi dùng tâm giác chiếu quay trở lại chiếu soi các cảnh giới vọng tưởng, vừa liễu tri rành rẽ cảnh giới đó lại vừa nhận rõ tánh chất như huyễn của nó… Có thể nói rằng tam-muội triển khai về Giả quán nhiều hơn. Và vì các cảnh giới vọng tưởng đều là vô số vô lượng (có thể quán nước, quán lửa, quán tứ đại, quán các căn, quán năm ấm, quán mọi thứ cảnh giới từ thô kệch đến vi diệu…) cho nên các tam-muội cũng vô số vô lượng. Trong khi về Không quán, thì việc thể nhập nơi Không hải chỉ có một số thứ bậc mà thôi… Khi hành giả thay đổi cảnh giới quán chiếu, thì có thể chuyển từ tam-muội này sang tam-muội khác được. Và người tu càng cao bao nhiêu, lại càng có thể xuất nhập tam-muội, chuyển từ tam-muội này sang tam muội khác một cách mau lẹ thần tình bấy nhiêu. Cũng tương tự như một ngọn đèn luôn luôn chiếu sáng, chỉ cần thay đổi màu sắc của chiếc chụp đèn, là ánh sáng đèn đã thay đổi màu sắc rồi.

Cũng cần ghi rằng Không quán thường làm tăng trưởng Tuệ nhãn của hành giả, còn Giả quán làm tăng trưởng Pháp nhãn của hành giả. Một bậc A La hán thường chỉ có Huệ nhãn về Không tịch, chưa có được Pháp nhãn về các cảnh giới như huyễn tùy duyên biến hiện… Và khi một bậc Đại Bồ tát đã thành thục cả Không quán lẫn Giả quán rồi, thì sẽ bước vào giai đoạn Song-chiếu-trung-đạo và sẽ có Phật nhãn thâu gồm cả Tuệ nhãn lẫn Pháp nhãn đến chỗ tuyệt vời.

Trong khi Lăng Nghiêm, Không quán thường được gọi là phép tu Sa-ma-tha, Giả quán là Tam-ma-bát-đề (Samapatti). Còn Chỉ quán song chiếu gọi là Tam-ma-đề, hay Tam-ma-địa tức là Samadhi.

Một bậc Đại Bồ Tát luôn luôn thường trụ nơi Không hải, ngồi bất động trong đó, nhưng lại xuất nhập và chuyển tam-muội rất mau lẹ. Trong một sát-na, có thể nhập xuất hàng ngàn tam-muội, vì thể tốc chuyển động của những ba động tâm thức của vị đó cực kỳ mau lẹ, không thể tưởng tượng được… Như thế, mới gọi là có Tam-muội-đạỉ-từ-tại-lực. Hãy lắng đọc một đoạn kinh nói về việc chuyển tam muội:

– “Bồ Tát ma-ha-tát từ nơi Thắng-ý-từ-tam-muội trở dậy, nhận định Thủ Lăng Nghiêm. Từ định Thủ Lăng Nghiêm trở dậy, nhập Chư pháp tướng tam-muội. Từ Chư pháp tướng tam-muội trở dậy, nhập Quang minh tướng tam-muội. Từ Quang minh tướng tam-muội trở dậy, nhập Sư tử âm thanh tam-muội trở dậy. Từ Sư tử âm thanh tam-muội trở dậy, nhập Sư-tử phấn tấn tam-muội. Từ Sư tử phấn tấn tam-muội trở dậy, nhập Hải ý tam muội. Từ Hải ý tam-muội trở dậy, nhập Phổ hiện sắc thân tam-muội. Từ Phổ hiện sắc thân tam-muội trở dậy, nhập Diệt chu ma tướng tam-muội. Từ Diệt chư ma tướng tam-muội trở dậy, nhập Đại không trí tam-muội. Từ Đại không trí tam-muội trở dậy, nhập Biến nhứt thiết xứ sắc thân tam-muội…v.v…”

(Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, trang 158).

Sự chuyển biến tam-muội trên đây đi từ Ý rồi chuyển sang quang minh, sang sắc tướng, sang âm thanh, trở về ý, Không… rồi lại sang Biến hóa sắc thân…v.v…

Tam-muội-đại-tự-tại-lực của Bồ tát lớn là như vậy… Nói không xiết, ví dụ chẳng cùng. Cho nên, chúng ta cần phải đảnh lễ. Đảnh lễ các Ngài, tức là đảnh lễ cái vô cùng tận của cái Diệu tâm, đảnh lễ cái Diệu dụng không cùng của cái Diệu tâm của chúng ta. Diệu tâm của phàm phu chúng ta, với Diệu tâm của Chư Phật không phải là một, nhưng cũng không phải là khác. Không phải khác là vì cũng chỉ một Diệu tâm ấy thôi. Nhưng chưa phải là một, là vì chúng ta còn bị những ám chướng mê mờ che lấp mất Chân tâm. Và sự đảnh lễ chính là một trong những hạnh nguyện Phổ Hiền để tiêu trừ mau lẹ những ám chướng đó… Ám chướng tiêu rồi, thì diệu dụng hiện tiền.

Tam-muội-đại-tự-tại-lực cũng được gọi là Vô ngại đại tự tại lực. Vì không còn thứ tiền trần nào có thể làm lưu ngại được nữa.

***

Đến đây, thiết tưởng cần nói thêm mấy lời về tính chất của các ứng thân và Hóa thân của Phật.

Toàn thể pháp giới này đều là Như huyễn đó là chân lý ngàn đời tuyên xướng bởi tất chư Như Lai. Tất cả các sắc tướng, các cảnh giới các vật, các hiện tượng, các pháp đều chỉ là như huyễn. Nghĩa là lìa có không. Cảnh giới không phải là không, vì có nhiều chúng sanh nhìn thấy và khởi phiền não vì nó. Nhưng cảnh giới ấy cũng chẳng phải là thực có, vì có nhiều chúng sanh không nhìn thấy.

Chư Như Lai luôn luôn không đoạn tuyệt, khởi lòng Đại bi bình đẳng làm hiển lộ những sắc tướng tùy duyên độ sanh… Cũng như pháp giới, các sắc tướng của Như Lai này cũng chỉ là huyễn. Vì thế, kinh Kim Cang nhắc đi nhắc lại rằng: “Kẻ nào ở nơi sắc tìm Ta, thì kẻ ấy là tà”. Các kinh khác cũng dạy: “Chư phật đều như huyễn, như bóng, như tượng, như tiếng vang…” Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rõ hơn nữa: “Chẳng tin Đức Như Lai là có thân sanh-lão-bệnh-tử và tu khổ hạnh… Chẳng tin Đề-bà-đạt-đa là thật phá Tăng và làm thân Phật chảy máu. Như thế, gọi là Bồ Tát có tín tâm thanh tịnh”.

Vậy thì mọi sắc tướng Như Lai đều chỉ là thị hiện, đều như huyễn. Báo thân 16000 trượng cũng huyễn, ứng thân cũng huyễn, Hóa thân cũng huyễn.

Tuy nhiên, những ứng thân và Hóa thân của Phật hay Bồ Tát lớn, tuy cũng là huyễn, nhưng khác với cái huyễn của thân chúng sanh hoặc cái huyễn của cảnh giới thông thường. Vì sao? Là vì những ứng thân và Hóa thân này được dệt nên do những quang minh của thần lực và nguyện lực, của Trí tuệ Bát Nhã và Đại Từ Bi của tâm Vô ngã, và tuyệt nhiên không có một chút vết tích nào của Nghiệp Lực cả. Trong khi thân căn của chúng ta, tuy có nương vào sức hộ trì của thần lực và nguyện lực, nhưng đều được dệt nên bởi những quang minh thô kệch của nghiệp lực tích lũy từ vô thủy.

Do đó, nên tuy là huyễn, chúng ta chua hề có tự-tại-lực-vô-ngại, luôn luôn bị tiền trần lưu ngại, và mọi tác động thi vi của phàm phu đều rớt vào vòng nhân-quả-nghiệp-báo.

Trong khi tất cả những tác động thi vi của ứng thân và Hóa thân thì đều dung thông vô ngại, và không hề rớt vào nhơn quả nghiệp báo. Vì tâm của các Ngài là vô ngã, như huyễn, vô ngại rồi. Các Ngài có thể dùng tâm nhãn soi căn cơ của các chúng sanh, rồi thị hiện phương tiện thiện xảo, làm những hành động rất kỳ dị để độ duyên, mà vẫn không rớt vào nhân quả nghiệp báo. Tỷ dụ như:

– Trong lịch sử Tăng Già, Đề-bà-đạt-đa là anh ruột ông A Nan, và là một vị tăng có ác tâm, luôn luôn âm mưu muốn hại Phật. Cho nên, đến cuối đời, trong một trận động đất, ông bị chìm xuống lòng đất và đọa địa ngục A-tỳ. Nhưng đọc kinh Pháp Hoa và mấy kinh khác, thì nói rõ rằng đó chỉ là sự thị hiện của ngài Đại Bồ Tát Đề-bà-đạt-đa mà thôi. Thị hiện âm mưu hại Phật để làm gì?… Chỉ là để dạy cho hàng đệ tử Tiểu thừa phải chăm lo giữ giới hạnh và tránh nhân quả, vì đến Phật cũng còn phải chịu những rớt nhân quả, huống chi là kẻ khác? ! ! ?… Kỳ thực, thì Phật là bậc đã lìa hết mọi vết tích nhân quả nghiệp báo, thì đâu còn có nghiệp báo nữa.

Kỳ thục thì ngài Đề-bà-đạt-đa là một bậc Đại Bồ Tát, đã từng nhiều kiếp tu hành cùng với Phật. Theo kinh Pháp Hoa, có một kiếp, chính Ngài đã dạy kinh Pháp Hoa cho Phật… Và trong hội Pháp Hoa của Đức Mâu Ni, chính Phật đã thọ ký cho Ngài sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai… Và việc Ngài đọa địa ngục chỉ là thị hiện, vì kinh nói rằng trong lúc ở địa ngục, Ngài vẫn vui mừng như một Tỳ-kheo nhập đệ tam thiền.

Cho nên, chúng ta khó lấy phàm tình mà đo lường nổi những hành động thi vi của một Bồ Tát lớn… Và kinh Đại Bát Niết Bàn dạy rằng: “Người nào có tín tâm thanh tịnh, thì không tin rằng Đề-bà-đạt-đa là thật phá Tăng và hại Phật”.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có nói một chuyện tiền thân Phật. Lúc đó, Phật làm một vị quốc vương, tu Bồ Tát hạnh… Vị quốc vương đó, suốt hơn mười năm trời, đã hết lòng cúng dường phục thị một vị Bà-la-môn. Nhưng vị Bà-la-môn này vẫn không chịu biết hồi tâm kính tín Tam Bảo, và vẫn tiếp tục hủy báng Chánh pháp. Nên sau cùng, vị quốc vuơng đã giết chết vị Bà-la-môn.

Tiền thân ấy của Phật đã giết người, mà vẫn không bị nghiệp báo địa ngục. Vì sao? Chỉ là vì Ngài giết, không phải vì tâm sân hận thù oán, không phải vì tâm riêng tư, mà đã giết với tâm vô ngã, bình-đẳng-đại-từ-bi. Làm sao vậy? Vì ngài soi căn cơ của vị Bà-la-môn, nên biết rằng khi chết, người ấy sẽ bị đọa địa ngục về tội hủy báng Chánh pháp Đại thừa, nên Ngài đã khởi lòng vô ngã đại từ bi giết, để tránh cho vị ấy khỏi đọa địa ngục, rồi dùng thần lực độ cho thần thức của vị ấy được thọ sanh nơi cõi lành.

Đó là một phương tiện thiện xảo độ duyên của một bậc Bồ Tát lớn… Chúng ta chưa phải là Bồ Tát lớn, cũng chưa có thần lực và tâm vô ngã, nên dĩ nhiên chưa thể nào bắt chước giải khai giới Sát như vậy được.

– Trong lịch sử Mật tông Tây Tạng, có một bậc Đại Bồ tát là Padma Sambhava (không biết Trung Hoa dịch là gì?). Ngài này cũng có nhiều hành động kỳ dị, khó lường. Ngài đến một nơi nghĩa trang, ngồi ăn thịt các thây ma. Rồi đến một thị trấn đó, giết hết bọn làm nghề bán hàng thịt. Để làm gì? Để tránh cho bọn đồ tể đó khỏi đọa địa ngục, và đưa thần thức của họ, cùng thần thức các thây ma lên thọ sanh ở các cõi trên.

Dĩ nhiên là trong khi nhai thịt người, và hưởi dao giết người, Ngài vẫn không hề lìa bỏ cái tâm vô ngã-như-huyễn và lòng đại từ bi vẫn trụ trong Như-huyễn-tam-muội.

– Một vị Đại Bồ Tát khác là Tilopa, ngồi trên bờ ao, câu cá lên, bỏ nồi nấu canh ăn. Có người hỏi đã là Tăng, sao lại còn sát sanh? Ngài lặng lẽ, móc cổ họng, mửa mấy miếng cá xuống ao… Mấy miếng cá đó lại biến thành những con cá sống tung tăng bơi lội.

– Ngài Chí Công Hòa thượng ngồi ăn hai con chim quay. Ăn xong, Ngài lại nhổ thịt ra, thịt lại biến thành chim sống bay đi.

Cho nên, các bậc đại tu hành có thể giải khai giới Sát được mà vẫn không rớt địa ngục, nhưng phải hội đủ mấy điều kiện sau:

* Giết với tâm vô-ngã-như-huyễn.

* Giết với tâm bình-đẳng-đại-từ-bi để độ duyên.

* Giết thì phải làm sống lại được.

Phàm phu chúng ta chưa hội đủ điều kiện, thì chưa thể nào hành động ngang dọc và giải khai giới Sát theo kiểu đó được.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, ngài Thiện Tài đồng tử tới cầu đạo một vị vua. Thấy vị vua này tướng mạo đẹp đẽ lắm, gần như Phật. Nhưng lại thấy vị vua ngồi xử án, xử phạt rất nặng nề, chém đầu rất nhiều tù nhân… Khi xong phiên xử rồi, ngài Thiện Tài nói: “Ngài giết nhiều người quá!” Vua cười nói: “Ta tu tam-muội từ không biết bao nhiêu kiếp, đâu có giết ai bao giờ?!… Những người bị giết hôm nay đều là những người huyễn, những người Biến Hóa, do ta biến hóa ra cả đấy. Ta thị hiện giết chúng, để cho dân chúng xứ này sợ hãi phép nước, không dám làm càn…”

Tóm lại, không thể lấy phàm thức thông thường để đo lường những hành động thiện xảo của một bậc Đại Bồ Tát. Vì mắt chúng ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh rất nhỏ nhoi của pháp giới thôi.

Vậy thì các Hóa thân đều là huyễn. Nhưng vốn bắt nguồn từ tâm niệm của một Bồ Tát lớn, nên Hóa thân vẫn đủ tự-tại-lực để làm mọi Phật sự như huyễn để độ duyên cho các chúng sanh như huyễn thoát ra khỏi những ác đạo như huyễn. Dùng huyễn tri huyễn, dùng huyễn độ huyễn. Huyễn hết rồi, thì Chân thường hiển lộ… Nếu trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy: “Các pháp hữu lậu đều là Hư, nhưng cũng có thể được Thực… Chư Như Lai thường nói hai lối, để làm hiểu lộ một lời, đó là Trung Đạo…”

Có thể nêu lên một câu hỏi sau cùng: Hóa thân là huyễn, vậy Hóa thân có thể dùng tâm niệm của mình để tạo một Hóa thân ở cấp bực huyễn số hai được không? (creature magique au sa-cond degre).

Kẻ viết trộm nghĩ: Câu trả lời phải là có… Là vì Tự-tại-lực-vốn-vô-ngại… Trong cuốn Nguyên Nhân Luận của ngài Tông Mật Đại sư, tức một vị Tổ của Tông Hoa Nghiêm, (do Hòa thượng Khánh Anh dịch), có chép một câu chuyện như sau: “Một vị Bồ Tát lớn thị hiện làm một ông thầy bói, tên là Hồ Công, Hồ Công ra giữa chợ, treo chiếc bầu rượu lên cây, rồi nằm ngủ khoèo… Từ trong bầu, có một người con gái đẹp đẽ chui ra, rồi nhìn trước nhìn sau, lại hóa hiện một hóa thân khác là một chàng trai tuấn tú. Rồi hóa hiện một bữa tiệc, cả hai người ngồi ăn uống vui vẻ… Chợt Hồ Công cựa mình, khiến hai người giật mình. Người con trai lại chui vào thân người con gái, và người con gái lại chui vô bầu rượu… Thực ra, câu chuyện này không phải do ngài Tông Mật kể, mà do một vị Sa-môn chú giải tập luận đó kể lại… Vả lại, kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Nơi mỗi thân tam-muội của Bồ Tát, xuất sanh bất khả thuyết thân tam-muội. Thứ Đệ như vậy, các kiếp có thể cùng tận, mà thân tam-muội của Bồ Tát chẳng thể cùng tận. Đó là môn Du Hý của Bồ tát” (Hoa Nghiêm Kinh, trang 1405).