LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng
CHƯƠNG III
QUANG MINH BẤT TƯ NGHÌ
Đứng ở mức độ tâm thức cao tột bờ mé, ta nhìn pháp giới là như như, như huyễn. Là một trường ảo-ảnh-huyễn-hiện-trùng-trùng-duyên-khởi tương-ưng. Đó là lối nhìn, là nhãn quan về pháp giới của một bậc Đại Bồ Tát… Trong cái vòng huyễn hiện này, thì chúng sanh nào cũng hiện khởi lên như một đám mây vân cẩu, một cơn lốc hư minh (vorstex), và cơn lốc xoay tròn theo hình trôn ốc này bao giờ cũng làm phát hiện bốn ảo tưởng chính yếu: là ngã tưởng, nhân tướng, chúng sanh tưởng, và thọ giả tưởng. Bốn thứ tưởng này cũng đều là chấp ngã cả, nhưng chấp trước từ thô đến tế…
Đem tâm thức xuống một mức độ thấp hơn để nhìn pháp giới, thì ta sẽ nhận thấy hai điểm sau đây:
– Tuyệt đối không có một vật nào đơn thuần cả, mà vật nào cũng chỉ là sự Giả Hợp của vô lượng vật khác, của vô lượng nhân duyên. Cái vụ này, trong kinh gọi là Nhất hiệp tướng. Tỷ dụ như thân căn của ta là sự giả hợp của vô lượng tế bào. Thế giới cũng là sự giả họp của vô lượng vi trần, nên Phật dặn rằng chỉ tạm gọi là thế giới thôi. Ngay đến vi trần cũng vậy, nếu cứ dùng thức phân biệt để chia chẻ phân cắt ra, thì sẽ vẫn thấy vô lượng phân tử giả họp lại thành vi trần. Và không bao giờ có thể nắm bắt được cái cực-vi-cuối-cùng cả. Vào đến cực vi, là mỗi lúc càng đi sâu vào Như huyễn, và không thể nắm được bờ mé tột cùng. Vì sao? Chỉ là vì cực vi chỉ là những ảnh biến hiện của thức, và khi đã biến hiện, thì làm sao có tột cùng được… Đối với những hiện tượng ở kích độ nhận thức thông thường, thì tính cách biến-hiện-như-huyễn khó tế nhận thấy rõ rệt, nhưng ở kích độ cực vi thì dễ thấy rõ rệt lắm.
Khoa học ngày nay đã bắt đầu nhận thấy điều đó, thấy các cực vi có vẻ biến ảo như huyễn… Nhưng mới nhận thấy vậy thôi, và vẫn chưa hiểu tại sao. Trong chương: “Cực vi như huyễn” sau đây, sẽ cố gắng trình bày kỹ hơn về điểm này.
Do đó, trong kinh Kim Cang, Phật cũng dặn rằng: “Vi trần, vi trần ấy cũng chẳng phải là vi trần. Chỉ tạm gọi là vi trần thôi…”
– Tuyệt đối không có vật gì nhất định là vật gì cả. Có thể nói hơn nữa là: Những hiện tượng mà ta tạm gọi là vật, đều tương tự như những đám mây vân cẩu, niệm niệm thay đổi, và nó có vẻ giống như những Trường Lực (champ, hay flux de force, d’énergie) hơn là vật… Nói theo danh từ nhà Phật, thì nó là Cơ sự, chứ không phải là vật. Cơ sự tức là một trường lực có thể tạo nên những biến chuyển này, những hình tướng nọ, chứ tuyệt nhiên không phải là một tĩnh vật có thực tại cố định. Cơ sự có thể dịch là flux hay event.
Mỗi vật đều đeo theo, hay tỏa ra một thứ trường lực của nó. Vì vật đều là những cơn lốc hư minh xoay tròn theo hình trôn ốc, và được kết tập nên do những quang minh phát xuất từ những tâm tưởng tích lũy từ vô thủy. Nơi trung tâm của cơn lốc đó, thì những quang minh chuyển động chậm lại, cô đọng hiển hiện thành những hình sắc, tương ưng với giác quan của một số chúng sanh, nên những chúng sanh này nhìn thấy hay sờ mó thấy… Hơn nữa, trong diễn trình niệm niệm biến hiện của cơn lốc hư minh, thì theo đà của nghiệp lực, nó thường biến hiện đổi thay một cách Tương Tợ Tương Tục, nên các chúng sanh nương theo các giác quan thô kệch, lại càng dễ có ảo tưởng coi cơn lốc đó là một vật cố định.
Mỗi cơn lốc hư minh ấy thường có một nhịp điệu rung chuyển và xoay tròn của nó, tương tự như thứ spin của điện tử (electron), và khuynh hướng tự nhiên của nó là muốn thâu gôm những cơ sự chung quanh vào trong con lốc của mình.
Đối với những vật ở kích độ nhận thức thông thuờng, con người thường ít khi tế nhận thấy trường lực do một vật gì tỏa ra. Chỉ vì giác quan chúng ta thô kệch, và cũng vì chúng ta quá chú trọng tới cái hình sắc hiển hiện thô kệch của vật, nên bỏ quên luôn cái trường lực do vật ấy tỏa ra… Tỷ dụ như đối với thân căn của con người, chúng ta chỉ thường lo lắng chăm nom cực cùng tận tụy cho cái hình sắc máu mủ thô kệch thôi, chứ không hề biết đến cái trường hào quang tỏa ra của thân xác. Do đó, tuy chúng ta đều có hào quang, nhưng vầng hào quang của chúng ta đều mờ nhạt thấp kém, vì từ vô lượng kiếp, chúng ta đã lãng quên rằng chính mình là hào quang. Trong khi Đại Bồ Tát và chư Phật thì trái lại, các Ngài đều biết mình-là-hào-quang, và biết sử dụng đến mức tuyệt hảo hào quang đó, nên từ diệu sắc thân, các ngài có thể phóng vô lượng quang minh để cứu độ chúng sanh…
Điểm này có thể nhắc nhở đến ý kiến của Einstein. về cuối đời, ông ta nghĩ rằng: Có lễ không gian này cũng chỉ là một Trường lực, và ông loay hoay muốn xây dựng một thuyết về Trường-lực-hiệp-nhất (théorie du champ de force unifié). Chỉ tiếc rằng ông ta không đủ thời giờ để làm xong việc đó, vì tuổi quá già rồi… Nhưng ý kiến của ông khá đúng. Vì thực ra, hư không này, tuy tạm gọi là hư không, nhưng đâu có phải là ngoan không tuyệt đối (vide absolu). Ngoan không tuyệt đối cũng chỉ là một ý niệm giả tạo (faux concept) phôi thai bởi tâm thức con người thôi. Vì chẳng có chỗ nào có thể gọi là tuyệt đối ngoan không cả, ngay cả khoảng hư không ở giữa các hành tinh cũng vậy. Vì hư không, hư không ấy cũng đều được dệt nên, đều chứa đầy những lóp quang minh vi tế. Nên mắt ta không nhìn thấy được, và khoa học cũng chưa có dụng cụ để làm hiển lộ được.
Chỗ nào cũng là Chân-tâm-diệu-minh cả, chỗ nào cũng có quang minh, thì làm sao có ngoan không? !… Và bất cứ chỗ nào cũng đã từng có chư Phật xả thân mạng mình để cứu độ chúng sanh rồi…
***
Chân tâm diệu minh… Chân tâm diệu minh!!!…
Quang minh… Quang minh… Quang minh!!!…
Các kinh Đại thừa đều chỉ nói lên một Chân lý: Chân lý của Chân-tâm-diệu-minh.
Và các kinh Đại Thừa cũng đều đuợc bao trùm bởi Thần lực của Chân tâm-diệu-minh, bởi Thần lực của chu Phật và Đại Bồ Tát, đều bao trùm bởi Quang minh. Vì quang minh chính là đầu mối, là sự thể hiện của thần lực, của những thần biến vô cùng vô tận, của cái diệu dụng bất tu nghi của Diệu tâm…
Quang minh cũng tuong tự như nét bút của người thợ vẽ, của Tâm. Nét bút tô đậm mực một chút thì thành ra vật, tô lạt mực thì thành ra khoảng hư không.
Vậy hãy lần giở lại những trang kinh Đại Thừa, để tìm lại những lời dạy về quang minh… Thường thường thì khi nói kinh, chư Phật Như Lai ít khi cần lý giải rõ rệt một điểm nào theo lối luận lý nhị biên của phàm phu chúng ta. Vì luận lý của các Ngài thường là luận lý Nhất Như (logique de ridentité fonciere). Các Ngài chỉ cần nói ra những lời Chân lý, rồi rải những lời đó như những ngọn hải đăng rải rác trên các trang kinh, và phổ thần lực vào những lời ấy để giúp chúng ta dễ ý hội. Và bổn phận của người đọc kinh là phải tư duy, để ý hội được mật chỉ của lời kinh.
Các kinh Đại Thừa đều tràn đầy quang minh, tràn đầy những chữ: quang minh. Bộ kinh Hoa Nghiêm, dài chừng 2.500 trang, mà không có mấy trang là không có chữ: quang minh. Có trang có đến mấy chục chữ quang minh. Và có những phẩm nói đi nói lại về quang minh (như phẩm Hiền Thủ trong Kinh Hoa Nghiêm).
Trong pháp hội Hoa Nghiêm, Phật dạy rõ ràng: “Chư Phật là tạng Quang Minh”. Pháp hội này triệu nhóm toàn những bậc Đại Bồ Tát, chư Thế-gian-chủ, chư Thiên-vương và Quỷ-thần-vương, và ít có người. Nên suốt pháp hội, Phật luôn luôn dùng thần lực và quang minh để thị hiện các thứ thần biến, khiến cho nơi pháp hội trở thành rộng rãi bao la, thông suốt các cõi. Lời kinh cũng ghi rõ: “Trong quang minh, chư Đại Bồ Tát xuất hiện nhiều như mây…”
Tới phần thứ 39 là phẩm Nhập Pháp Giới thì thấy xuất hiện các đệ tử người của Phật tới dự pháp hội. Lúc này, Phật cũng thị hiện rất nhiều cảnh giới thần biến… Và kinh ghi rõ rằng:
Tất cả đệ tử người của Phật đều Không Nhìn Thấy những thần biến đó, trừ ngài Xá Lợi Phất cùng 6.000 đệ tử vì được sức gia bị của thần lực của ngài Văn Thù… Tại sao không nhìn thấy? Kinh giải rõ ràng: Vì đạo lực không đồng, thần lực không đồng… Điều đó có nghĩa là: Đa số các đệ tử người đều còn ở mức độ đạo lực thấp, chưa đủ Trí vi tế để nhìn thấy các quang minh vi diệu kết tập nên những cảnh giới thần biến.
Hãy lắng nghe thêm mấy câu kệ trong phẩm Hiền Thủ của kinh Hoa Nghiêm:
Nếu được thân đoan nghiêm diệu phước
Thời thân sáng chói dường núi vàng,
Nếu thân sáng chói dường núi vàng
Thời đủ ba mươi hai tướng hảo…
Nếu đủ tùy hảo đồng nghiêm sức
Thời thân sáng chói vô hạn lượng,
Nếu thân sáng chói vô hạn lượng
Thời được Quang Minh bất tư nghì,
Quang minh này hiện những liên hoa,
Những liên hoa từ quang minh hiện
Có vô lượng Phật ngự liên hoa.
Thị hiện mười phương đều khắp cả.
Đu hay điều phục các chúng sanh…
Nay nói đến kinh Quán Vô Lượng Thọ.
Mười sáu phép quán trong kinh này chỉ là mô tả những cảnh giới Cực Lạc về phần thô, do quang minh của tâm thức quán tưởng của hành giả kết tập và chiêu cảm nên. Chỉ cần đọc một bộ kinh này, cũng đủ thấy rằng các cõi là do quang minh dựng lập.
Phần đầu kinh, khi bà Hoàng hậu Vi Đề Hy khóc than, cầu thỉnh Phật giảng nói về các Tịnh độ trong pháp giới, thì Phật không nói gì cả, chỉ phóng quang minh thôi. Kinh ghi rằng: “Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, từ nơi tướng bạch hào giữa đôi mi, phóng ra ánh sáng vàng rực rỡ soi khắp vô lượng thế giới ở mười phương. Hào quang ấy trở lại trụ trên đảnh của Phật, hóa thành đài vàng lớn như núi Tu Di… Những cõi nước trong sạch nhiệm mầu của chư Phật mười phương đều hiện rõ nơi đài quang minh ấy. Trong vô số quốc độ ảnh hiện ấy, có cõi do bảy báu họp thành, có cõi thuần là hoa sen, có cõi tráng lệ như cung trời Đại Tự Tại, có cõi sáng suốt như gương pha lê…
Sau khi dùng thần thông thị hiện các cõi trang nghiêm, Phật bảo bà Vi Đề Hy tùy ý lựa chọn quốc độ nào mà tâm mình ưa thích… ”
Rồi sau đó một hồi, Phật lại mỉm cười, phóng hào quang từ trong miệng ra. Luồng hào quang này bay ra, rồi trụ trên đầu vua Tần Bà Sa Là lúc đó đương bị người con là Thái Tử A Xà Thế bắt giữ và giam cầm trong ngục tối… Tuy bị giam cầm cách bức trong ngục, nhưng khi tiếp nhận được hào quang của Phật, nhà vua cũng mở được tâm nhãn nên nhìn thấy rõ ràng. Vua bèn sụp xuống đảnh lễ Phật, và ngay lúc đó, nhờ sự tác động của hào quang vào tâm thức, nhà vua liền đắc quả vị Bất lai tức quả vị A-na-hàm…
Về vụ phóng quang của Phật để độ duyên, các bậc cổ đức xưa kia đã sưu tầm trong kinh luận, và ghi lại như sau:
Khi Phật phóng quang minh từ nơi chân có tướng thiên-bức-luân ra, thì quang minh ấy độ duyên chiêu ích cho loài chúng sanh ở địa ngục.
Khi từ đầu gối phóng ra, quang minh ấy chiêu ích cho các loài bàng sanh tức súc sanh.
Từ nơi àm tàng phóng ra, là chiêu ích cho chúng quỷ thần.
Từ nơi rún phóng ra, chiêu ích cho loài A-tu-la.
Từ nơi ngực phóng ra, chiêu ích cho loài người.
Từ nơi miệng phóng ra, chiêu ích cho hàng Nhị thừa, là Thanh Văn và Duyên Giác… nên vua Tần-bà-sa-la đắc quả A-na-hàm của Thanh Văn.
Từ bạch hào giữa lông mày phóng ra, là chiêu ích cho hàng Bồ Tát Đại Thừa.
Từ Vô kiến đảnh phóng ra, là chiêu ích cho hàng Đại Bồ Tát Pháp vân địa và Đẳng giác Bồ Tát…
Ngoài ra, trong mười sáu phép quán của kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ là sự biến-hiện-chập-chồng của quang minh tâm thức của hành giả kết tập và chiêu cảm nên…
Trong tất cả các pháp hội Đại thừa khác, những vụ Phật sử dụng quang minh thi triển thần lực độ trì cho chúng hội cũng rất nhiều. Nói không thể xiết.
Trong hội Pháp Hoa, trước khi nói kinh, Phật phóng quang minh từ bạch hào ra, tác động vào tâm thức tứ chúng, khiến tứ chúng đều được nhãn căn thanh tịnh, nhìn thấy rõ ràng 18.000 cõi Phật ở phương Đông… Rồi tới phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, khi các bậc Bồ Tát nhiều vô số kể, từ dưới lòng đất vọt lên đến trước mặt Đức Thích Ca đảnh lễ và vấn an, thì khoảng thời gian đó kéo dài chừng 60 tiểu kiếp ở nhân gian… Nhưng quang minh của Phật đã tác động và nâng tâm thức của tứ chúng đến mức độ được Ý-căn-thanh-tịnh, nên tứ chúng đều thấy khoảng thời gian 60 tiểu kiếp ấy chỉ ngắn bằng khoảng một bữa ăn mà thôi. Vì thời gian, dài hay ngắn, chỉ là một ảo tưởng được dựng lập nên nhiều nhất là do Ý thức, thức thứ sáu của chúng sanh…
Trong kinh Lăng Nghiêm, khi ngài A Nan thỉnh Phật tuyên nói thần chú Đại Phật Đảnh, chương cú vi mật của Chư Như Lai, thì kinh ghi rằng: “Lúc đó, từ đỉnh đầu Đức Thế Tôn, phát ra Quang minh bách bảo, trong quang minh hiện ra bông liên hoa quý báu có 1000 cánh. Có Hóa Phật ngồi trong liên hoa, nơi đỉnh đầu phóng ra mười đạo quang minh. Mỗi đạo quang minh đều hiển hiện vô số vị thần Kim cang Mật tích nhiều như mười số cát sông Hằng, tay cầm chày báu, tay bưng núi, đầy cả hư không…” Rồi Hóa Phật tuyên nói thần chú Đại Phật Đảnh…
Trong kinh Địa Tạng, cũng rất nhiều vụ phóng quang. Ở phẩm thứ mười hai, kinh ghi rằng: “Lúc đó, từ đảnh môn Đức Thế Tôn phóng ra cả trăm ngàn muôn ức tia sáng lớn như là: Tia sáng sắc trắng, tia sáng sắc trắng lớn, tia sáng lành tốt, tia sáng lành tốt lớn, tia sáng sắc tía, tia sáng sắc tía lớn… tia sáng tướng nghìn vỏng tròn, tia sáng tướng nghìn Vòng Tròn lớn… tia sáng tướng Cung Điện, tia sáng tướng Cung Điện lớn, tia sáng tướng mây biển, tia sáng tướng mây biển lớn…”
Tướng Vòng tròn… tướng cung điện… có nghĩa là những quang minh ấy chuyển động như những con-lốc-hư-minh, và lần lần làm hiển hiện những hình sắc, như tướng cung điện, mây…v.v..
Trong Pháp hội Đại Bát Nhã, Phật cũng phóng quang nhiều lần để thọ ký cho chư Bồ Tát hoặc chư Thiên. Vì mỗi lần thọ ký, chư Như Lai thường mỉm cười và phóng quang.
Riêng có pháp hội Viên Giác, thì Phật hình như không có phóng quang minh. Vì sao? Là vì ngay lúc đầu, Ngài đã nhập tam-muội Thần thông Đại Quang Minh tạng… Và các bậc đến nghe kinh đều là những bậc Đại Bồ Tát cả. Nghĩa là đều có thể sử dụng những quang minh vi diệu, và nhập cơn tam-muội sâu để nghe kinh. Và Phật cũng nhập cơn tam-muội sâu để nói kinh.
Nhập cơn tam-muội sâu tức là bặt hết nhơn tướng, ngã tướng rồi. Như thế là không có ai nói kinh, cũng không có ai nghe kinh… Nhưng tuy nhập tam-muội sâu, các bậc Đại Bồ Tát vẫn khởi lỏng Đại Bi đứng lên thưa hỏi, và Phật cũng khởi Đại Bi để nói… Để làm gì? Để có kinh ghi lại cho chúng sanh đời sau như chúng ta…
Sau cùng, cần ghi rằng trong bộ Tam Thiên Phật kinh, rất nhiều bậc Như Lai mang danh hiệu có hai chữ Quang Minh ở trong. Và riêng Đức Từ Phụ A Di Đà của chúng ta lại mang những mười hai danh hiệu đều là quang minh: Vô Lượng Quang Như Lai, Vô Biến Quang Như Lai, Vô Ngại Quang, Vô Đối Quang, Diệm Vương Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Trí Huệ Quang, Nan Tư Quang, Bất Đoạn Quang, Vô Xưng Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai… Chơn thân tướng của Ngài thì thực là một Tạng quang minh chập chùng, một Trường Lực vô tận vô biên để nhiếp thụ chúng ta…
Rồi đến các Cõi. Các cõi cũng được dựng lập do quang minh vi tế hay thô kệch.
Thiết tưởng cần nhấn mạnh về điểm Quang Minh này. Vì đó là cửa ngõ của kinh Đại Thừa, của tam-muội cạn hay sâu, của thần lực chư Phật, của Tâm chuyển Vật. Đồng thời, có thể soi sáng cho nhiều dữ kiện khoa học ngày nay…
Trụ xứ của chư Phật thường được gọi là Thường-tịch-quang. Tức là cái biển Pháp-thân thường-trụ, biển Tinh-lực-uyên-nguyên, biển Quang-minh-vi-diệu nhất, chuyển động cực kỳ mau lẹ. Chuyển động cực kỳ mau lẹ cũng có nghĩa là Trạm-nhiên-bất-động… Pháp Thân chỉ cho ý nghĩa nhất nguyên vừa Thần hóa vừa Phi thần hóa, vì Thân là thần hóa, cỏn Pháp là phi thần hóa.
Chư Phật đều từ nơi biển Pháp thân đó mà hiển hiện thành sắc tướng. Cho nên, chư Phật vừa là Một, vừa là Nhiều. Một là vì đều từ biển Pháp thân mà hiển hiện ra. Nhiều là vì các Ngài đều tùy theo các căn cơ của chúng sanh mà hiển hiện vô lượng sắc tướng Phật. Vì thế, trong hội Lăng Già, Phật nói: “Ta cũng là Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, Phật Câu Lưu Tôn… Chư Phật ấy và ta, cũng là đồng, cũng là khác…”
Khi Phật thị hiện nhập niết-bàn, tức là Ngài nhập cơn tam-muội rất sâu, hóa giải cái sắc tướng ứng thân 32 tướng tốt, để thể nhập cái biển Thường-tịch-quang ấy, hoặc thị hiện ứng thân ở cõi khác…
Cõi Thường-tịch-quang này, thì chắc đến bậc Đẳng giác Bồ Tát cũng chưa biết đến. Vì kinh thường nói: “Bồ Tát trụ bậc Sơ địa chưa thể biết nổi cái cất chân cất tay của Bồ Tát Nhị địa…”.
Trụ xứ của các bậc Bồ Tát lớn thường được gọi là Thật-báo-trang-nghiêm. Quang minh kém vi diệu hơn cõi Thường-tịch-quang… Đại Bồ Tát Pháp vân địa, tức Đệ thập địa, tức Thọ Chức địa, thường ngự trên một bông Liên Hoa mênh mang bát ngát, trên đảnh Trời sắc cứu cánh, phóng hào quang bao trùm các cõi…
Về các cõi, thì cũng đều được dựng lập bởi quang minh, vi diệu hay thô kệch. Mức độ vi diệu hay thô kệch đều là tùy thuộc và Tương Ưng với nghiệp lực của chúng sanh cõi đó, và với nguyện lực của Đức Phật cõi đó… Kinh Hoa Nghiêm mô tả rất nhiều thứ cõi… Quang minh vi diệu thì cõi tịnh và tráng lệ đẹp đẽ. Quang minh thô kệch thì cõi tối tăm xấu xa.
Có cõi thuần là thất bảo, có cõi như luu ly, có cõi thuần là hoa sen, Bồ Tát ngự đầy khắp… Nhưng cõi đẹp nhất vẫn là cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà, vì nguyện lực của Ngài rất thù thắng.
Có cõi thì đầy hầm hố gò đống, nhiều sự ác… Chúng sanh mang thân khổ lụy thai sanh trong máu mủ… Nhưng cõi Ta-bà này cũng chỉ là một uế độ ở mức trung. Có nhiều uế độ khác tệ hơn nhiều: tối tăm, không có ánh sáng nhật nguyệt, thân căn xấu xí, quốc độ lưu ngại thô kệch, tâm tuởng chỉ thích nghĩ điều ác.
Cõi vốn là do quang minh dựng lập, tâm tuởng nghiệp lực của chúng sanh cũng làm phát xuất quang minh. Nên khi một chúng sanh chuyển tâm, nhất là khi tất cả chúng sanh đều chuyển tâm, thì quang minh của cõi cũng chuyển khác đi… Bởi thế, nên trong kinh Duy Ma Cật, khi Ngài Xá Lợi Phất khởi niệm, nghĩ rằng cõi Ta-bà này là uế độ xấu xa, nhiều hầm hố gò đống… thì Phật thi triển thần lực, chỉ bấm ngón chân xuống đất, thì mặt đất liền chuyển ngay thành màu huỳnh kim đẹp đẽ trang nghiêm như một Tịnh độ vậy… Nhưng sở dĩ Ngài chưa muốn biến hẳn Ta-bà thành Tịnh độ, là vì sao? Là vì cộng-nghiệp của tối-đại-đa-số chúng sanh vẫn còn là một cộng nghiệp uế độ, và chưa rũ nổi cộng nghiệp đó, và chư Phật vẫn thường phải tôn trọng luật tắc nhân quả nghiệp báo…
***
Các tầng trời cũng vậy, cũng như các cõi, cũng đều được kết tập bằng quang minh, do nghiệp lực của chư Thiên ở nơi đó chiêu cảm… Tầng trời càng cao bao nhiêu, thì quang minh càng vi diệu bấy nhiêu, và chư Thiên cũng càng có thần lực tự tại tương ưng với mức độ thanh tịnh của mình.
Tỷ dụ như cõi nhân thế của chúng ta. Cõi nhân thế thường được kết tập do những thứ quang minh thô kệch nhất và chuyển động chậm nhất. Vì sao? Vì con người còn nhiều tình dục và tâm tưởng dâm dục, và tình dục làm nặng nề những quang minh của nghiệp lực. Do đó, loài người thường bị thai sanh, phôi thai trong máu mủ bất tịnh. Đó là lối ăn Đoạn thực, tức là ăn từng miếng, từng đoạn, từng khúc, rồi trộn lộn lẫn nhau. Lối ăn này cũng là nghiệp dĩ của những kẻ phôi thai trong máu mủ. Ở các tầng trời, không có lối ăn đó.
Ở nhân thế, các sự vật hay thân căn cũng rất thô kệch, có vẻ nặng nề ù lỳ cố định, rất lưu ngại và khó chuyển hóa, và con người cùng thường ưa dùng xúc giác (tức là thứ giác quan thô kệch nhất) để sờ mó sự vật… Ở những tầng trời, xúc giác này thường ít hiện hành, nghĩa là ít khi dùng đến. Vì được kết tập bởi quang minh thô kệch, nên con người thường chịu khổ lụy bệnh tật, và khó có thần thông như nhiều loài khác… Tuy nhiên, mỗi khi chư Phật xuất hiện nơi đời để thị hiện thành Chánh giác, thì các Ngài lại hay xuất hiện ở nhân thế. Vì sao? Chỉ là vì ở cõi nhân gian, Thiện Ác thường xung đột mãnh liệt nhất, và chư Phật cần xuất hiện nơi đó để làm gương khích lệ.
Cõi nhân thế cũng thường được gọi là hạ giới. Cũng cần ghi rằng trong vô lượng thế giới hoặc Phật sát hải của vũ trụ, cũng có nhiều cõi nhân thế thanh tịnh tốt đẹp hơn cõi nhân thế này rất nhiều: Tỷ dụ cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà, cõi Hoan Hỷ của Phật A Súc, cõi Lưu Ly của Đức Dược Sư… Nơi đây, thánh và phàm thường đồng cư, chư thiên ở chung với người. Nên ở đó, loài người thường không bị thai sanh, chỉ hóa sanh từ hoa sen. Đó cũng là do nghiệp lực cùng nguyện lực chiêu cảm nên…
Phía trên hạ giới là miền trung giới. Miền này trải rộng từ miền nhân thế lên tới gần đảnh Tu Di sơn, tức núi Diệu Cao. Tu Di Sơn tương tự như cái trục của tiểu thiên thế giới, núi này được tạo bằng một thứ quang minh vi diệu hơn, nên đá lưu ly lấp lánh rất đẹp mắt, nhưng mắt thịt của loài người thường không trông thấy được… Theo lời kinh, vùng trung giới này thường là xứ sở cư ngụ của các quỷ thần có ít nhiều oai đức, các tiểu thần tiên, các loài rồng hay kim súy điểu… v.v… Lối ăn thường không còn là đoạn thực, mà là xúc thực, tức là ngửi những mùi để no mà thôi. Nên lối ăn này thanh tịnh hơn. Xúc giác nơi đây cũng ít hiện hành hơn. Và các sự vật cũng đượm một màu sắc diễm ảo hơn, vì dệt bằng quang minh vi tế hơn. Sự sanh ra cũng nhiều hóa sanh hơn là thai sanh hay noãn sanh. Nói sơ lược thì là như vậy.
Từ đảnh núi Tu Di trở lên là những từng trời. Các từng trời này đều ở xa tầm ánh sáng mặt trời, mặt trăng cùng tinh tú, nhưng lại thường được chiếu sáng một cách rất kỳ diệu bằng những hào quang từ nơi thân của các chư Thiên phát ra. Hào quang này rất là diễm ảo. Vì thân thể chư Thiên đều được kết tập bằng một thứ quang minh vi diệu hơn nữa. Quang minh càng vi diệu bao nhiêu thì sắc tướng lại càng biến ảo bấy nhiêu, chứ không ù lỳ thô kệch nặng nề như sắc tướng người nhân thế… Xúc giác rất ít hiện hành, tình dục hoặc tâm tưởng dâm dục còn rất ít. Cuộc tình nam nữ thường không còn là việc gối chăn tinh huyết, mà chỉ còn là cười hoặc liếc mắt đưa tình, cũng đủ thọ thai rồi. Mà thai cũng không phải thai huyết, chỉ là một cái bướu mọc ở nách hay đầu gối người Thiên nữ. Đến kỳ hạn, bướu ấy tách ra thành một chư Thiên. Nên thọ mạng rất dài lâu, chỉ khi nào thấy mấy đường suy hiện ra, như hào quang mờ đi, hoặc mồ hôi vả ra, thì vị đó chết… Lối ăn cũng không còn đoạn thực nữa, hầu hết là xúc thực. Những vị chư Thiên ở mức cao thì lại lấy tư thực làm đồ ăn, vì họ thường ngồi thiền định, lấy sự tập trung tâm ý làm thiền duyệt vị dùng cái đó làm đồ ăn để nuôi sống sắc thân… Cho nên, so với nhân thế, họ rất là thanh tịnh. Đó thường là do nghiệp lực tu thập thiện mà chiêu cảm nên.
Ngay đảnh núi Tu Di là tầng trời Tứ thiên vương. Nơi đây có bốn vị Thiên vương cai quản, đồng thời trông nom luôn cả việc nhân thế nữa, nên gọi là bốn Hộ thế Thiên vương. Các vị này cùng chư Thiên thường hay bay ở trên không và dòm xuống nhân thế. Nếu ở nhân gian có nhiều người ăn chay, hoặc trì chú hay tụng kinh lớn tiếng, thì họ đều khởi tâm hoan hỷ vui mừng, và hay dừng lại để nghe kinh… Bởi vậy, trong kinh thường nói: Nên người nào trì kinh, tụng kinh lớn tiếng ở chỗ vắng vẻ, thì chư Thiên thường đến nghe kinh, cùng hộ trì cho người đó. Người trì kinh lâu ngày cũng dễ phát ra hào quang, khiến chư Thiên dễ nhìn thấy… Trái lại, nếu chẳng thấy ai tu hành cả, thì họ buồn lắm. Vì sao? Vì nếu ít người tu hành, thì sẽ ít người thọ sanh lên cõi trời, và cõi trời sẽ lần lần vắng vẻ…
Phía trên từng trời Tứ thiên vương, là từng trời Đao Lợi của vua Đế Thích hay Thích Đề Hoàn Nhân, chư Thiên ở Đao Lợi cũng rất hay nhìn ngó tới việc nhân gian… Trên nữa, là trời Dạ Ma. Càng lên cao, quang minh càng vi diệu, cảnh vật càng diễn ảo, chư Thiên càng thanh tịnh và càng nhiều thần biến thần thông… Trên nữa là trời Đâu Suất, nơi đây Đức Di Lặc cư ngụ để chờ ngày xuống nhân thế thị hiện thành Phật và mở hội Long Hoa. Nhiều người, vì quá mong ước, nên cứ cho rằng hội Long Hoa sắp tới rồi, nhưng theo lời kinh thì còn khá xa… Tại cung Đâu Suất, Đức Di Lặc thường hay giảng kinh Đại Bát Nhã. Những người có đạo lực, tu thiền cao, có thể xuất thần thức lên chơi cõi đó, và nghe Ngài giảng kinh… Trên nữa, là trời Lạc Biến Hóa, rồi đến trời Tha Hóa Tự Tại. Ở từng trời Tha Hóa này. Ma vương cùng thiên ma thường cư ngụ ở đây. Loài thiên ma thường hay đánh cắp hào quang cùng tự tại lực của những vị trời khác để lấy làm của mình. Họ cũng hay dòm ngó cõi nhân thế để gây trở ngại cho kẻ tu hành. Nhưng thông thường, chỉ những người tu hành khá cao mới được loài thiên ma chiếu cố tới, để thử thách cùng gàn quái…
Trên đây là sơ lược về sáu từng trời của cõi Dục giới.
Trên cõi Dục giới là cõi sắc giới, rồi đến cõi Vô sắc giới. Tất cả là ba cõi, cũng gọi là tam giới. Mục đích của mỗi pháp môn tu hành đều là cốt đưa thần thức của người tu ra khỏi luân hồi sanh tử, ra khỏi tam giới, thể nhập vào Niết bàn Pháp thân, rốt ráo thường hằng, rốt ráo an lạc vắng lặng, rốt ráo thanh tịnh, rốt ráo vô ngã. Nhưng tuy vô ngã và vắng lặng, nhưng chính là Chơn ngã, và vẫn vô cùng biến hóa theo nguyện lực độ sanh… Cõi sắc gồm 18 từng trời, ngày càng sáng lạn biến ảo, vì được dệt bởi quang minh vi diệu hơn. Biến ảo đến mức khiến mắt kẻ thế nhân, nếu chưa có thiên nhãn, đều không thể nhìn thấy được… Ở đây, tâm tưởng dâm dục tuyệt hẳn, toàn là hóa sanh theo tâm tưởng. Xúc giác không hiện hành. Lối ăn toàn là tư thực hoặc thiền duyệt thực, vì chư Thiên này luôn luôn ngồi thiền. Cõi này cũng là cõi của các vị đắc Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… Trong những tầng trời này, có năm tầng trời gọi là Bất hoàn thiên, mà những vị đắc quả Bất Lai (tức A-na-hàm) thường cư ngụ hoặc tiêu dao tại đó. Bất-lai có nghĩa là không phải trở lại cõi Dục giới nữa. Về năm tầng trời Bất hoàn thiên này, kinh Lăng Nghiêm nói rõ rằng: Các vị chư thiên ở những tầng trời dưới, trừ những vị Thiên vương, thường không thể biết đến năm tầng trời này. Vì luật tắc của các cõi là: Các bậc trụ ở những xứ sở dệt bằng những quang minh vi diệu hơn thì có thể nhìn thấy những cõi thấp hơn, nhưng các vị ở thấp thì không thể hay biết về những cõi trên được…
Cõi Vô sắc thì lại mông lung mịt mùng, vi diệu hơn nữa. Quang minh dĩ nhiên vi diệu hơn. Cõi này gồm bốn tầng trời, và tầng cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chư Thiên ở cõi này đã thăng hóa đến mức không còn hình hài, vì quá vi diệu, mà chỉ còn tâm tưởng thôi. Quanh năm suốt kiếp nhập thiền định, chỉ lấy cái thức của mình để duy trì thọ mạng. Vì tuy không hình hài, vẫn còn thọ mang cái Thức dệt nên. Thức cũng chính là quang minh hết sức vi diệu, nên lối ăn này được gọi là Thức thực. Đạo Phật là đạo duy nhất nói đến các loài chư thiên này. Kinh Lăng Nghiêm cũng nói rõ rằng Thức vẫn là một màn sương mù che lấp mất Chân tâm. cần phải vượt qua, đừng có dừng lại ở những cơn Định vô sắc đó mà lầm coi là Niết-bàn rốt ráo. Vượt qua, ra khỏi tam giới, rồi hồi tâm tu Đại thừa thì mới đạt được Phật quả… Xưa kia, khi Đức Mâu Ni thị hiện xuất gia học đạo, Ngài có đến học đạo nơi một vị Bà-la-môn tên là Uất Đầu Lam Phất. Gọi là học, nhưng chính ra chỉ là thị hiện như vậy để điểm hóa cho hàng ngoại đạo. Vị Bà-la-môn này tu thiền, đã đắc được Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Ông dạy Ngài Mâu Ni. Ngài liền nhập định đó, rồi xuất định, thưa rằng: “Thưa Đại Bà la-môn, định này là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nó chưa ra khỏi tam giới, nên chưa phải là Niết bàn rốt ráo tịch diệt…” Rồi Ngài bỏ đi vào rừng sâu…
Về các tầng trời dệt nên bằng quang minh, cũng cần ghi thêm rằng: Do nghiệp lực chiêu cảm, nên những hiện tượng như mây mưa sấm chóp thường khi cũng khác nhau… Hãy lắng nghe vài câu kệ của ngài Hiền Thủ (trong kinh Hoa Nghiêm) nói về vụ này:
Chúng sanh nghiệp báo bất-tư-nghì
Dùng đại-phong-luân khởi thế gian
Biển rộng, núi to, thiên cung điện
Các báu, quang minh, muôn vật loại,
Cũng hay nổi mây cùng mưa lớn…
…….
Mây đó đủ những màu trang nghiêm,
Đệ Lục Tha-hóa-tự-tại thiên
Nơi đó màu mây như chơn kim,
Mây trời Hóa-lạc màu xích châu,
Mây trời Đâu suất màu sương tuyết,
Mây trời Dạ-ma màu lưu ly,
Mây trời Đao-lợi màu mã não,
Trời Tứ thiên vương màu pha lê…
……
Và lại Tha-hóa-tự-tại thiên
Trong mây, chớp sáng như nhựt quang,
Trên trời Hóa-lạc, như nguyệt quang,
Trên Đâu-suất thiên, vàng Diêm-phù,
Trên Dạ-ma thiên, màu kha tuyết…
……
Tha-hóa-tự-tại Mưa diệu hương,
Các thứ tạp hoa dùng trang nghiêm,
Hóa-lạc thiên mưa hoa đa-la
Mạn-đà-la hoa và rưới hương,
Trên Đâu-suất thiên mưa ma-ni
Y phục thương diệu màu chơn kim
Trời Dạ-ma mưa tràng phan lọng
Tràng hoa, hương thoa đồ nghiêm sức
Đao-lợi thiên mưa châu như ý
Hương Kiên-hắc-trầm-thủy-chiên-đàn,
Trời Tứ thiên vương mưa thức ngon
Đủ sắc, hương, vị thêm sức khỏe
Cũng mưa vô lượng các diệu bửu
Tất cả đều do Long Vương làm…