SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch

 

CHƯƠNG 18: KHÔNG TIẾC

Năm 2000, tôi đến tỉnh Giang Tô tuần tự diễn giảng, bắt đầu từ Nam Kinh đi dần đến Thường Châu, Vũ tiến, Nam Thông, Thái Châu, Trấn Giang, cuối cùng thì đến Dương Châu.

Bạn bè tiếp đãi chúng tôi ở quán trọ Tân Hoa Thư và hỏi:

– Ở đây, anh muốn tới chỗ nào nhất?

Tôi đáp liền:

 – Tôi muốn tới “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” nhất!

Bạn bè hỏi tôi:

– Vì sao?

– Bởi vì Ðại sư Giám Chân là người tôi ngưỡng mộ nhất trong lịch sử.

Tôi và vợ tôi, đến Giang Tô diễn giảng lòng vòng, chỉ có duy nhất một ngày nghỉ phép, nên chúng tôi quyết định tới thăm chỗ Ðại sư Giám Chân trước.

 “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” được xây trong chùa Ðại Minh phía Tây thành Dương Châu. Chùa Ðại Minh được xây vào thời Nam Bắc thuộc thời Ninh Hiếu Vũ Ðế năm Ðại Minh, đã có 1500 năm lịch sử. Hoà thượng Giám Chân từng là Trụ trì chùa Ðại Minh, từng đảm nhiệm việc truyền thọ giới luật, hưng kiến chùa tháp, khiến cho đạo phong cực thịnh và là vị cao tăng nổi tiếng thời Ðường.

 Ðến chùa Ðại Minh, chúng tôi đứng dưới tàng cây cổ thụ cao ngất, chiêm ngưỡng mùa xuân nơi đất Giang Nam, lòng rộn lên niềm sảng khoái ngất ngây. Sau đó chúng tôi đi ngang qua tượng mười tám vị La hán, tiến về hướng Bắc chiêm ngưỡng tượng Lục Tổ, vị Ðại Tổ Sư của Thiền tông, nhớ tới những công hạnh vì đạo quên mình, không tiếc thân mạng của Ngài, thân dù đã viên tịch, xong hương pháp và đạo phong mẫu mực vẫn còn thơm ngát nhân gian. Tôi nghĩ Ðại sư Giám Chân và Tổ sư Thiền tông có thể tương đồng, vì người Trung Quốc nhìn tổ sư Ðạt-ma như thế nào thì người Nhật Bản cũng xem Ðại sư Giám Chân giống hệt như thế.

Nhìn xa tận chân trời, khí nuốt Nam Hải

Băng qua dãy hành lang chùa Ðại Minh, vừa vào đến “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” thì tâm tư chúng tôi đều chấn động, so với chùa Ðại Minh cao vĩ nguy nga thì “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” cấu trúc tương đối thuần phác trang nhã, mái ngói nhìn linh động giống như giòng chảy của con sông, cửa sổ thì được trổ hình vuông, trông có vẻ mộc mạc.

Ðặc điểm khiến người ta cảm động là tấm bia trong “Nhà Tưởng Niệm” có chạm hình tòa núi tu di ngự trên hoa sen. Khắc mờ mờ hình loài cỏ “Quyển Diệp Thảo” (cỏ cuộn lá) người Nhật Bản gọi loài cỏ này là “Ðường Thảo” vì nó mọc rất nhiều vào thời Ðường, hiện nay rất hiếm. Vào thời Ðường loài cỏ này thường mọc ở ven lộ, đã bao lần chứng kiến hành tung của Ðại sư Giám Chân, từng ghi tải bao dấu vết vĩ đại cao vời của một danh nhân thời pháp thịnh. Tôi ngẩng đầu ngắm mái ngói lợp đối nhau, trên đỉnh có chạm hình đôi chim Si. Theo truyền thuyết thì loài chim Si này giống rồng mà không phải rồng, giống cá mà không phải cá, nó có khả năng nhìn rất xa, tít tận chân trời, khi nó muốn ăn thì có thể một hơi nuốt cạn sông biển. Vào thời Ðường, nó thường được dùng làm biểu tượng xây trên mái. Vì sao trên mái “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” lại có hình đôi chim Si khổng lồ này? Ðó là lý do lịch sử.

Cấu trúc chùa “Chiêu Ðề” thành Nại Lương ở Nhật Bản do chính Giám Chân thiết kế thì trên đỉnh Kim Ðường cũng có hình một đôi chim Si, đôi chim Si ấy nguyên là trấn vật cát tường trên mái chùa Sùng Phúc ở Trường An. Khi Giám Chân đến Nhật Bản không lâu thì An Lộc Sơn tạo phản, phá hủy chùa Sùng Phúc, chỉ còn lại đôi chim Si, sau đó Nhật Bản nhờ sứ Ðường là Dã Ðiền lấy được, đem đôi chim Si đặc biệt về giao cho Giám Chân, lúc ấy chùa “Chiêu Ðề” sắp sửa xây xong, Giám Chân bèn đem đôi chim này đặt trên mái Kim Ðường. Về sau thành là quốc bảo Nhật Bản, cũng là vật tượng trưng cát tường.

1200 năm sau, khi kiến trúc sư Lương Tư thành thiết kế “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” ông chợt nảy ra tư tưởng tạo lại hình tượng đôi chim Si, ngụ ý là đôi chim Si từng ngụ trên đỉnh chùa Sùng Phúc Trường An, từng lưu lạc ngàn dặm đến chùa Chiêu Ðề, rồi trăm ngàn năm sau chúng lại quay về đậu trên đỉnh “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” ở Dương Châu, như biểu trưng cho tinh thần Giám Chân vậy.

Nhà văn Nhật Bản Tỉnh Thượng Tĩnh sau này dựa theo chuyện tích Giám Chân, viết ra cuốn “Thiên Bình Chi Manh”, “Manh” chính là chim Si, “Thiên Bình” là khi Giám Chân đến Nhật Bản, nhằm vào thời Thiên Bình, trong đó có một đoạn kể lại lúc Giám Chân sang Nhật Bản, thấy giới Phật giáo Nhật Bản thịnh hành tập tục “tự tác pháp tự thệ thọ giới”. Giám Chân không đồng ý, Ngài cho rằng nghi thức giới phải tổ chức chuẩn mực, phải có “tam sư thất chứng”, (ba vị giới sư truyền trao, bảy vị giới sư làm tôn chứng), giới nghi mới được xem là hợp lệ.

Việc này bị tăng tục Nhật Bản phản đối dữ, Thiên hoàng bèn tổ chức một cuộc tranh luận, để chọn quyết định giới nghi thống nhất. Tỉnh Thượng Tĩnh rất quan tâm đến tình hình lúc đó, ông kể: “Giám Chân hai mắt bị mù không tham dự cuộc biện luận, chỉ ngồi một bên yểm trợ tinh thần cho đệ tử là Phổ Chiếu tranh cãi”.

 Phổ Chiếu khẳng khái nói:

– Chư vị cho rằng ở trước Ðức Phật tự thệ thọ giới là đủ rồi ư? Tất nhiên là có nhiều người thuộc làu kinh điển, giải rành chữ nghĩa, song quí vị vẫn chưa hiểu được việc đứng ra gánh vác sự nghiệp Như Lai là phải lao thân vào chốn nước sôi lửa bỏng như thế nào đâu! Quí vị hãy nhìn xem bên cạnh mình có một Trưởng Lão, đôi mắt Ngài dù tối tăm không thấy đường, nhưng vẫn một lòng vì Phật pháp, không tiếc thân mệnh! Xin các vị hãy hiểu tấm lòng Ngài vì muốn độ sinh, vì muốn đến Nhật Bản hoằng pháp mà môn đệ đồng hành với Ngài đã chết rất nhiều!..

Phổ Chiếu tuyệt không đem giới pháp ra để biện luận, mà là chỉ kể lể lớp lang rồi khơi mòi dần dần, cốt để mọi người hiểu Giám Chân vì Phật pháp không tiếc thân; tam sư thất chứng chỉ là hình thức, nếu hiểu được hoài bão độ sinh sẵn sàng hi sinh tánh mạng của Ngài thì sẽ thấy giới pháp Ngài chủ trương là chính xác không có gì để hoài nghi, vậy thì có gì đáng để tranh luận nữa?

 Phổ Chiếu nói xong, mọi người đều im lặng, không ai tranh cãi nữa.

Hai vị Ðại sư Dương Châu lưu danh thiên cổ

Năm Thiên Bình Bảo Tự, Giám Chân thành lập giới đàn tại chùa Ðông Ðại trước điện Phật Lô-Xá-Na, từ Thái Thượng Hoàng Thánh Vũ, Hoàng Thái Hậu Minh Quang, Thiên Hoàng Hiếu Khiêm, Hoàng hậu, Thái tử.. cho đến các quan gồm 430 người. Hơn 84 giới tử dưới toà xả bỏ giới cũ, theo Giám Chân thọ lại giới mới. Từ đấy, Giám Chân thành là Sơ Tổ Luật tông, đại khai đạo pháp, Ngài đã lưu lại ảnh hưởng cực kỳ lớn lao và sâu rộng đối với tôn giáo, văn học, nghệ thuật, y học, kiến trúc, in ấn, Dược học.. nơi Nhật Bản,

Chúng tôi nhiễu quanh “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” xong thì tiến đến trước tượng Ngài đảnh lễ, tôn tượng này và tôn tượng nơi “Khai Sơn Ðường” chùa Chiêu Ðề được tạo giống như nhau: ưu mỹ và trầm tĩnh, đôi mắt nhắm lại đầy phong thái tự tại an nhiên

Tôi bảo bạn bè ở Ðại Lục:

– Ðại sư Giám Chân đếân được Nhật Bản truyền pháp thì đúng là cả đời không hối tiếc vậy!

Tôi nghĩ đến cảnh Giám Chân từ Dương Châu sang Nhật Bản, lúc ra khơi lần đầu Ngài đã 56 tuổi, bị kết tội là “tư thông cướp biển” và bị bắt, chiếc thuyền bị tịch thu. Lần thứ hai, vào mùa xuân, gặp sóng gió, thuyền nát người chìm, được thuyền quan cứu lên. Lần thứ ba, Ngài đi qua đường sông ven ngọn Tuấn Lĩnh, lúc ấy tuyết rơi nhiều, bị thuyền quan bắt, áp giải về Dương Châu. Lần thứ tư, Ngài dẫn theo ba mươi người đệ tử cùng đi, gặp sóng gió, thuyền bị thổi dạt sang đảo Hải Nam. Lần thứ năm, Ngài định từ Quảng Châu ra biển, nhưng vì không có thuyền, đành phải về lại Dương Châu, trên đường càng gian khổ bôn ba, càng kích thích chí Ngài đến Nhật Bản, Vinh Duệ là vị tăng Nhật Bản chết ở Quảng Ðông Ðoan Châu, còn Ðại đồ đệ Tường Ngạn thì chết ở Giang Tây Cát An, riêng Giám Chân nhiễm phải nắng nóng, đôi mắt bị mù, thở thoi thóp.

Năm lần vượt biển là năm lần những người theo Ngài, lớp chết, lớp tan tác. Bởi vậy mà khi Ngài chuẩn bị sang Nhật Bản nữa, các đệ tử đã xúm nhau phản đối:

– Biển cả mênh mông sóng gió, e rằng trăm qua không được một!

Lúc đó Giám Chân nghiêm trang trả lời:

– Ðã vì Phật pháp thì có tiếc chi sinh mệnh? Dù các người không đi, tôi cũng đi!

Ðến lần thứ sáu thì Giám Chân đã 66 tuổi, đôi mắt mù hẳn, nhưng chí hướng và dũng khí Ngài chẳng hề suy giảm, rốt cuộc Ngài cũng đến được Nhật Bản. Tiên sinh Triệu Phác Sơ từng ca ngợi Ngài bằng một bài thơ:

Lưỡng bang thế đại xưng manh thánh
Lục phạm phong đào thệ xả thân
Ðồng thiên phong nguyệt khải thi tình
Chiêu đề thần cảnh nại lương thành

(Hai nước tôn Ngài như thánh nhân
Sáu lần sóng gió thệ xả thân
Trời trong gió mát khơi thi hứng
Chiêu Ðề Nại Lương tuyệt vô ngần)

Thật ra, nếu Giám Chân không đi Nhật Bản, thì sẽ mang nỗi hối tiếc suốt đời không nguôi, bởi vì lìa chúng sinh không có cá nhân thành đạt, khi nguyện độâ chúng không hoàn thành, cá nhân làm sao đạt được cảnh giới viên mãn? Lìa cá nhân cũng không có chúng sinh thành đạt nếu như không có Giám Chân xả thân vượt biển sang Ðông, thì ánh đạo vàng làm sao chiếu khắp Ðông dương? Bởi vì cá nhân hoàn thành là chúng sinh cũng được hoàn thành nên không hối tiếc là vậy.

Tôi chăm chú nhìn lớp sơn trên chân dung Ngài, thấy khoé miệng Ngài hơi nhếch vẻ như mỉm cười, nghe nói nguyên tác tượng này vẫn còn được bảo tồn tại “Khai Sơn Ðường” chùa “Chiêu Ðề”, do đệ tử làm mô phỏng theo ảnh của Ngài vào lúc cuối đời, nhìn nét cười nhè nhẹ của Ngài, tôi chợt nhớ đến một bài kệ:

Sơn xuyên dị vực
Phong nguyệt đồng thiên
Ký chư Phật tử
Cộng kết lai duyên
Minh nguyệt bất qui
Bạch vân thu sắc
Hữu tình hữu nghĩa
Vô hối vô hám

(Núi sông khác cõi
Gió trăng chung trời
Nhắn chư Phật tử
Cùng kết thiện duyên
Trăng sáng chưa tàn
Mây trắng sắc thu
Hữu tình hữu nghĩa
Sống không hối tiếc).

Tình ý này, đúng như Ðại sư Tinh Vân đã từng nói: “Ðừng để phải mang niềm ân hận vào quan tài”! “Ðừng để Phật, Bồ-tát phải báo ân thay chúng ta, đừng để niềm hối tiếc lại cho trời đất!”

Hai vị cao tăng  Dương Châu cùng tỏa sáng rạng rỡ

Một ngàn một trăm năm sau, Dương Châu đản sinh Tinh Vân, có thể cùng tỏa sáng ngang với Giám Chân. Vì Giám Chân đem giới pháp, văn hóa, y học.. truyền sang Nhật Bản thì Tinh Vân cũng đi khắp đông tây nam bắc, đem văn hóa Phật giáo truyền khắp thế giới. Các Ngài cùng xuất sinh từ vùng quê nhỏ Dương Châu và cùng có chung một lý tưởng tuyệt đẹp giống nhau.

Tôi bảo bạn bè ở đấy:

– Dương Châu của các bạn có hai vị cao tăng, cùng có nhiều điểm rất tương đồng.

Nói về cá nhân thì, Ðại sư Giám Chân và Tinh Vân đều là người Dương Châu, chứng tỏ đất Dương Châu là vùng “địa linh nhân kiệt” vùng đất tụ hội nhiều tinh hoa. Các Ngài đều có dũng khí “trăm bẻ không gãy” và nghị lực vô song. Cả hai đều giống nhau khi tuổi đã quá 60 mà vẫn còn xông xáo vượt biển băng ngàn, tận tụy vì chúng sinh không biết mệt, lứa tuổi mà một số người đã vội cho là già. Các Ngài hành động cứ như thời thanh niên. Giám Chân đôi mắt bị mù, nhưng vẫn hoằng pháp ráo riết tại Nhật Bản chưa hề tạm nghỉ. Tinh Vân thì vừa bịnh tiểu đường lại còn trải qua mấy lần phẫu thuật tim, nhưng vẫn bôn ba khắp năm châu, chưa có lấy một ngày được dừng chân.

Nói về mặt hoằng pháp thì trước Giám Chân, đã từng có nhiều tăng sĩ sang Nhật Bản truyền pháp, nhưng ảnh hưởng không sâu rộng bằng Giám Chân, bởi vì ngày xưa chỉ là cá nhân Ðông Ðộ, còn Giám Chân thì hoằng đạo theo tổ chức tăng đoàn, Ngài ra đi mang theo một số lượng khá nhiều Phật tượng, kinh sớ, pháp khí, thuốc men, hương liệu, thậm chí còn mang theo cả thợ bạc, thợ vẽ, thợ điêu khắc, thợ ngọc, thợ thêu.. khiến việc hoằng pháp được mở rộng toàn diện, văn hóa và Phật pháp thăng hoa đến tuyệt cùng.

Tinh Vân cũng giống thế, cũng hoằng pháp theo hình thức tăng đoàn, Ngài đem theo một số lượng lớn văn hoá, đến Âu, Mỹ, Á, Phi, thậm chí cho xây đại học ngay tại các nước đó. Cũng thế, trước Tinh Vân đã có một số ít tăng sĩ đi khắp năm châu hoằng pháp, nhưng chẳng có tính cách ảnh hưởng toàn diện giống như Ngài.

Nhìn về nội dung thì Giám Chân tuy là truyền nhân của Luật tông Nam Sơn, nhưng Ngài xiển dương không chỉ giới luật, mà là cả Phật pháp nhân gian và Ngũ minh học.(*)

Giám Chân đồng chân nhập đạo, cũng không bài xích học thuật thế gian, mười bốn tuổi Ngài vào làm đệ tử Ðại sư Trí Mãn chùa Ðại Vân Dương Châu, Trí Mãn đặc biệt mời Luật Sư Ðạo Ngạn là Tổ sư khai thị Luật tông Nam Sơn đến truyền giới cho Giám Chân. Ðạo Ngạn am tường kiến trúc, từng được Hoàng đế Ðường Trung Tông ủy thác xây dựng chùa Tồn Phúc và Tiểu tháp ở Trường An. Ngài đem hết tâm huyết về kiến trúc và hội họa cả đời truyền lại cho Giám Chân. Còn hướng dẫn Giám Chân đứng ra xây dựng chùa Long Hưng và chùa Khai Nguyên ở Quảng Lăng. Lại cùng đến Trường An trùng tu chùa Từ Ân và tháp Ðại Nhạn, trong thời gian trùng tu này, Giám Chân đối với hội họa, kiến trúc, Phật tượng, điêu khắc, mỹ thuật.. đều nảy ra những ý tưởng sáng tạo phi phàm.

Thời gian tu bổ chùa tháp, Luật sư Ðạo Ngạn giới thiệu Giám Chân đến Thiền sư Hoằng Cảnh, Giám Chân từng ngụ tại chùa Thật Tế ở Trường An, theo Hoằng Cảnh học tập “Ngũ Minh Y Học Dược Ðiển” và thường ra vào hoàng cung theo học với Thái y, vừa theo y sư là danh tăng Nghĩa Thịnh cầu giáo. Nghĩa Thịnh mật truyền cho Giám Chân thuật Y Ðạo thượng đẳng.

Sau này, Giám Chân tinh thông y lý; khi Lạc Dương bị ôn dịch hoành hành, Giám Chân đi khắp Lạc Dương truyền pháp, trị bịnh; chữa cả thân lẫn tâm cho vô số người.

 “Phật Giáo Nhân Gian” toàn diện, thực tiễn của Giám Chân

Khi Giám Chân từ Trường An về đến Dương Châu, làm Trụ trì chùa Ðại Minh, ngay cả sư phụ của Ngài cũng không nén được thán phục đã buột miệng tấm tắc:

– Ðúng là thông suốt cổ kim, Ðức Phật cũng khen ngợi đấy!

Giám Chân đối với Y học, Mỹ thuật, Ngũ minh đều am tường thấu đáo, thế nên chẳng mấy chốc Ngài trở thành là một danh tăng: “Tài hoa vô song, đạo tục qui ngưỡng” bậc nhất vùng Hoài Hải Tả Giang.

 “Phật Giáo Nhân Gian” của Giám Chân rất thực tế, sau khi Ngài tới Nhật Bản rồi, trước tiên Ngài bắt tay vào xây dựng chùa Chiêu Ðề thành Nại Lương theo kiểu Trung Quốc và cũng dùng biểu tượng đôi chim Si chạm trên đỉnh mái vòng cung; ngôi chùa được xây dựng với cấu trúc cực kỳ tinh xảo, rất tráng lệ hùng vĩ; không những phản ảnh được nền kiến trúc thành công chói lọi của triều Ðường đương thời, mà còn là một công trình nguy nga hoàn mỹ, một kiệt tác vào thời Thiên Bình Nhật Bản.

Kế đến Giám Chân truyền thủ pháp tạo tượng sơn lụa. Ðây là nghệ thuật cổ xưa của Trung Quốc. Trước hết dùng đất sét nắn tượng rồi phủ vải lên, xong mới khéo léo tô sơn. Sau khi sơn khô thì bỏ lớp đất bên trong đi thành là tượng lụa, phương cách tạo tượng này, hình thức rất giống, rất chuẩn xác, trọng lượng nhẹ, giá thành hạ, vĩnh viễn  không biến hình, nghệ thuật này về sau lập thành một môn phái, gọi là phái “Ðường Chiêu Ðề Tự”.

Về mặt văn học nghệ thuật thì lúc Giám Chân sang Nhật Bản, có mang theo rất nhiều bút tích họa pháp của Vương Hy, Vương Hiến và nhiều thơ văn kiệt xuất, khiến cho thơ ngũ ngôn, thất ngôn thời Ðường đến giờ vẫn còn thịnh hành tại Nhật Bản. Giám Chân còn mang theo rất nhiều đồ sứ, đồ thêu, đồ sơn, các khí cụ kim ngân.. đem lại ảnh hưởng cực đại đối với nền công nghệ Nhật Bản. Thậm chí ngay cả món đậu hủ ở Nhật Bản cũng do Ngài nghiên cứu chế ra. Ðến nay, những phố làm đậu hũ ở Nhật đều nhớ và cúng dường tượng Giám Chân, đều xem Ngài là “Tổ đậu hũ”. Ngài còn mang theo các bản khắc in ấn nghệ thuật, in ấn kinh chú đồ sộ, ba bộ khắc luật và đã đem nghệ thuật in khắc ấn loát cổ xưa này truyền cho Nhật Bản.

Về y học, thuốc men, do Giám Chân từ khi bị mù rồi thì khứu giác, vị giác trở nên rất bén nhạy và Ngài kết hợp với kinh nghiệm hành nghề y cổ xưa viết ra cuốn: “Giám Thượng Nhân bí phương” (phương thuốc bí truyền của Giám Chân) và đã chữa lành bịnh cho Hoàng Thái Hậu Quang Minh, không những thời đó Ngài nổi danh lừng lẫy trong giới y dược, mà còn gieo ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn cho ngành y dược Nhật Bản cả đến về sau này. Hiện nay tại “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” còn cất giữ túi thuốc “Kỳ Hiệu Hoàn” của Ðường triều, trên mặt túi có in chữ “Ðường Chiêu Ðề Tự”, bên ngoài có vẽ hình của Giám Chân; “Kỳ Hiệu Hoàn” này là phương thuốc do Giám Chân đích thân điều chế, đến nay vẫn được xem là phương thuốc thông dụng ở Nhật Bản.

Giám Chân có ảnh hưởng cực kỳ to lớn và sâu rộng đối với Nhật Bản, không chỉ riêng về Phật pháp mà còn bao quát cả toàn bộ đời sống nhân gian, đây chính là tính cách “Phật Giáo Nhân Gian” tuyệt hảo.

Người ngàn năm sau

Hơn ngàn năm sau, Tinh Vân đản sinh ở Dương Châu và tiếp tục giương cao ngọn đại kỳ “Phật Giáo Nhân Gian“, Ngài thông suốt Ngũ minh cũng và cũng không bài xích những học thuật thế gian.

Về phương diện kiến trúc, Tinh Vân “vô sư tự thông” (không có thầy dạy mà vẫn giỏi). Ngài hướng dẫn đệ tử khai phá sơn lâm và kiến tạo Phật Quang Sơn thành một Ðạo tràng có tầm cở quốc tế. Từ cấu trúc, thiết kế, nghệ thuật, đều đạt đến trình độ khéo léo cực kỳ hoàn mỹ – vì trải qua biết bao thử thách của các trận địa chấn, bao mùa nắng táp mưa sa, ngôi kiến trúc này vẫn đứng sừng sửng không lay động.

Năm 1988 Ðại sư kiến tạo chùa Tây Lai ở Mỹ, được tờ báo Life mô tả cảnh chùa này là “Tử Cấm Thành” nước Mỹ; là ngôi chùa đẹp nhất Tây bán cầu.

Rồi năm 1995, sư phụ xây chùa Nam Thiên tại Úc, ngôi chùa này cũng được xếp vào bậc nhất, được phong mỹ danh là “Thiên Ðường Nam bán cầu”.

Tiếp theo đó, năm 1996 Ðại sư hoàn thành một kỳ công đệ nhất, là ngôi chùa Nam Hoa ở Nam Phi, là ngôi chùa Phật giáo Ðại thừa cũng được nhìn nhận là ngôi chùa tuyệt mỹ bậc nhất Châu Phi.

Năm 2000, Ðại sư lại hoàn thành kiến trúc “Phật Quang Sơn” ở Hà Lan, cũng được xem là ngôi Phật tự hoàn hảo và lớn nhất Âu châu.

Qua đó, tính ra vào cuối thế kỷ 20, Ðại sư đã xây dựng tổng cộng có hơn cả trăm ngôi chùa ở khắp các châu Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi .. không kể về kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật, tất cả đều hết sức tinh xảo, hoàn mỹ, phạm vi ảnh hưởng thì vô cùng rộng lớn, hầu như vượt hẳn tiền bối Giám Chân.

Về mặt văn học nghệ thuật, Ðại sư Tinh Vân ngay từ buổi đầu đã đem khả năng nhìn xa thấy rộng viết ra những tác phẩm văn học, trước tác vô số, không ngừng sáng lập toà soạn, xuất bản báo chí, phát hành sách.. Ngài đến đâu cũng lập Viện Mỹ Thuật và Thư Viện; hơn nữa không ngừng truyền bá Phật pháp trên truyền hình. Các đệ tử của Ngài, nói về tài hoa thiện nghệ thì nhiều vô số.. Ðại sư Tinh Vân đã kiến tạo nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đệ nhất, xuất bản đệ nhất, phát hành đệ nhất.. âm nhạc và tài liệu giáo khoa Phật giáo Ngài dành cho quần chúng cũng đệ nhất. Ngài còn biên tập “Phật Quang Ðại Tạng Kinh”, Phật Quang Ðại Từ Ðiển” “Học Thuật Luận Diển Phật Giáo Trung Quốc” không những đã mang lại ích dụng cực kỳ rộng lớn, cùng tiến song hành với thời đại và lưu truyền ảnh hưởng rất lâu dài.

Ðại sư Tinh Vân còn sáng lập rất nhiều trường đại học, trong khi nhiều đoàn thể tôn giáo khác từng cố sức mấy mươi năm, muốn lập một trường đại học cũng không nổi, còn Ðại sư thì hoàn thành chí nghiệp thật rực rỡ, ảnh hưởng của Ngài trong sự nghiệp giáo dục xem ra không kém một bậc thầy tôn giáo vĩ đại nào trong lịch sử.

Về phương diện sinh hoạt trong nhân gian, phạm vi giao thiệp và thuyết pháp lẫn trước tác của Ðại sư Tinh Vân rộng đến nỗi khiến người ta phải ngưỡng mộ tán thán, bất kể là thế pháp hay Phật pháp, qua tay Ngài đều biến thànhø trí huệ; bất luận là ăn, mặc, ở, đi.. Về mặt tình cảm hay tâm linh, cả đến sáng kiến canh tân, Ngài chỉ cần búng tay vào thì thành là cơ phong, thành là “Phật Giáo Nhân Gian” chơn chánh thiết thực và được hoằng dương cùng khắp.

Ngàn năm trước, Dương Châu xuất sinh Giám Chân, ngàn năm sau Dương Châu xuất sinh Tinh Vân. Giám Chân và Tinh Vân là người Dương Châu, và không những thuộc Dương Châu mà còn thuộc khắp thế giới. Cõi nhân gian bụi trần vẫn mịt mờ muôn thuở, nhưng nhờ có người ngàn năm sau tiếp gậy, khiến Phật Quang chiếu khắp ba ngàn cõi, khiến thế giới được tắm trong ánh Phật Quang.

Ngoài tính cách “Phật Giáo Nhân Gian” ra, Giám Chân và Tinh Vân còn có một điểm chung nữa,  “Phật Giáo Nhân Gian” của các Ngài tuyệt không phải đem thế tục hóa Phật pháp, mà là Phật hóa thế tục; nghĩa là đưa Phật pháp vào đời sống, hướng dẫn nhân gian chuyển hóa hướng sống theo giới hạnh thanh tịnh của bi trí vô ngại, các Ngài luôn kiên trì, tự tại, quả cảm và quảng đại, (phi Phật bất tố), một mực tiến lên trong khuôn khổ của Phật pháp.

 Ảnh hưởng tinh thần Giám Chân dù lớn, song chỉ nằm trong phạm vi của lãnh địa Trung, Nhật chứ không xa rộng như Tinh Vân. Tôi đứng trước tượng Giám Chân nghĩ thầm: “Nếu như Giám Chân sinh vào đời này, gặp thuyền, xe, phi cơ.. di chuyển nhanh lẹ tất nhiên Ngài cũng sẽ mởû rộng cõi bờ hoằng pháp, truyền đến cuối đất cùng trời thôi! Bất kể như thế nào, Giám Chân và Tinh Vân thời trước hay thời sau, đều tỏa sáng rạng rỡ!”.

Từ Dương Châu chúng tôi khởi hành, ngự trong chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng nước Tây Hồ, ngắm tơ liễu buông thướt tha, hoa điểm chi chít; nhìn cảnh Dương Châu rồi ngưỡng vọng đến hai vị Ðại sư Giám Chân và Tinh Vân, quả đúng như những gì Ngài Thái Hư nói: “ Nhân sinh phát, nhờ hoàn thiện nhân cách. Từ người mà thành Phật, người thành tức Phật thành! Người thành như thế nào đây? Có một tính chất đặïc biệt để thành, đó là: không hối tiếc!

Vì thủ tín với Nhật Bản, đệ tử Vinh Duệ và Tịnh Chiếu đã không tiếc thân mạng. Riêng Giám Chân miệt mài vượt biển suốt mười năm hơn, trước sau chết mất 36 đệ tử, Ngài bị mù cả đôi mắt mà vẫn không hối tiếc, cứ bôn ba liều đi, sẵn sàng hi sinh mạng sống để giữ trọn lời hứa.

Cũng vì tính không hối tiếc này mà Ðại sư Tinh Vân đã hằng trăm lần bay giữa không trung, vì pháp quên mình, hoàn thành hoài bão hoằng pháp khắp hoàn cầu, cứu vớt tâm linh nhân loại, thực hiện chu toàn tâm nguyện của mình.

– Còn điều gì khiến Sư phụ hối tiếc nữa không? – một lần nọ, tôi phỏng vấn Ngài.

Sư phụ mỉm cười, nói:

– Có chứ! Còn rất nhiều, hồi trẻ do xử sự chưa chín chắn nên vẫn còn rất nhiều điều để tiếc. Chẳng hạn như thời ở “Hội Niệm Phật Nghi Lan” có vị sĩ quan hay bắc ghế ra ngồi lì tại trung tâm quảng trường; như khi tôi ở trên đài giảng kinh có vị cảnh sát tới bắt tôi phải giải tán, chuyện thiếu phụ khóc lóc vì bị tôi kiên quyết cự tuyệt, vị Thượng tá bắt tháo dỡ chùa Thọ Sơn, Tổng Vụ Trưởng “Hội Phật Giáo Trung Quốc” không ngừng chỉnh tôi… những vị này nếu như được mời họ đến dùng bữa với tôi một lần thì thật là hay, “gặp nhau cười một tiếng, giải tỏa chuyện vui buồn”… cũng giảm bớt bao điều hối tiếc..

Vào thời loạn khốc liệt, Tinh Vân bôn ba vượt biển, từng vương mang nhiều hối tiếc vì việc chưa hoàn thành, đặc biệt là những day dứt về thâm ân không thể báo đáp, chính nỗi niềm này đã khiến Ngài phát sinh ra những ý tưởng đột xuất và tư tưởng đặc biệt này có thể tránh được niềm hối tiếc cho nhân sinh.

Tinh Vân luôn lạc quan tiến thủ, làm việc hăng hái, đến nỗi ngày đêm không ngừng nghỉ, ngủ chưa ấm chỗ đã phải dậy làm vì không muốn ôm nỗi hối tiếc cho cả đời, Ðại sư thường nói:

– Ðừng cứ già là muốn nghỉ ngơi, vì trong tương lai sẽ có lúc ta được nghỉ ngơi vĩnh viễn.

Có câu: “Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó nghe nay đã nghe”. Nếu như chúng ta không nắm ngay cơ hội này tích cực hành đạo, để thời gian buông trôi, sống không phụng hiến được gì, một khi nghiệp tới mệnh tận, há chẳng phải là phụ ân tín thí mười phương sao? Hoặc giả khi rời áo ca sa mà đánh mất thân người, bị chìm đắm vạn kiếp khó phục hồi, thì càng hổ thẹn thêm trước tấm lòng từ của chư Phật, Bồ-tát.

Khổng Tử từng nói: “Kỳ vi nhân giả, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí” (Con người ta, hễ nổi giận thì không thèm ăn, vui thì quên lo, không biết cái già sẽ đến).

Tôi lúc nào cũng tranh thủ và tận dụng thời gian nên làm được rất nhiều việc, không hề để uổng phí thời gian. Tôi chỉ tiếc là không thể dùng một ngày như một năm, một tuần như một đời, luôn tranh thủ nên chẳng còn thời gian để lo già!

Ðại sư nói:

– Tôi từng nghe chuyện “Hòa Thượng Trích Thủy” trong đó hàm ý về thọ mệnh, chuyện đã lâu rồi mà tới giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Chuyện thế này:

“Thiền sư Nghi Sơn trong lúc tắm rửa, thấy nước nóng quá, bèn gọi đệ tử mang nước lạnh tới. Một đồ đệ bê thùng nước tới, chế vào sô nước nóng pha cho nguội bớt, rồi tiện tay, chú hắt đổ số nước thừa trong thùng đi. Thiền sư thấy vậy không vui, trách:

– Sao mà chú lãng phí thế hử? Trong thế gian này, bất kể là sự vật chi, đều có chỗ để dùng cả, chỉ là giá trị lớn nhỏ không đồng thôi. Thế mà chú lại xem thường, nước còn thừa cũng hất đổ đi. Chú phải biết cho dù là một giọt nước, nhưng nếu đem nó tưới cho hoa cỏ cây cối, không những hoa cỏ cây cối cũng hoan hỉ mà bản thân nước cũng không mất đi giá trị hữu dụng của nó, vì sao mà cứ phải lãng phí như vậy chứ??!

Ðồ đệ nghe xong, như có sở ngộ, bèn đem pháp danh mình đổi thành “Trích thủy”. Ðây chính là “Hòa Thượng Trích thủy” lừng danh, rất được người quí trọng sau này.

Một giọt nước, có thể trưởng dưỡng cây cối hoa cỏ sinh tồn, giọt nước này là của vô hạn sinh mệnh. Chẳng hạn như một câu nói thốt ra cho người niềm khích lệ, nói một lời giúp người có thêm niềm tin để vui sống, thì đó là câu nói đem lại nguồn sống vô hạn.

Lúc tôi còn học ở Phật học viện, rất quí tiếc thời khắc, luôn lợi dụng các thời gian vụn vặt biến thành chỗ dùng hữu ích. Cho đến ngày nay, việc tranh thủ thời gian của tôi đã dưỡng thành thói quen: hai phút ăn xong bữa cơm, tẩy rửa chỉ tốn cở 3-5 phút, đây không phải là cẩu thả mà là vì hết sức xem trọng cuộc sống. vì cuộc sống không thể luống uổng, biết quí tiếc thời gian chính là tích trữ nguồn sống.

Thật ra, người biết vận dụng thời gian, thời gian của họ là thời gian tâm linh, có thể dùng nhiều vô cùng tự do, đạt cổ thông kim, cho nên nguồn sống của họ hiển hiện được đại dụng trong vũ trụ. Ngược lại, người không biết tận dụng thời gian, thì thời gian của họ chỉ là biểu hiện qua đồng hồ, do kim đồng hồ chi phối, do đó cuộc sống họ buông trôi, nhỏ hẹp.

Có thể thấy thọ mệnh của nhân sinh không nằm trong thời gian, thọ mệnh xác thân tương đối có dài, ngắn; song phải nhìn vào phương diện khác mà tính bền hay tạm. Nói về thọ mệnh, thì có thọ mệnh tư tưởng, tinh thần; công đức, văn tự.. Song nếu cuộc sống có thể đem đến ảnh hưởng sâu xa, mang lại nhiều lợi ích cho quần sinh thì thọ mệnh ấy mới đáng cho ta xem trọng.

Không nên đánh mất cơ hội tốt trong cuộc sống

Ðộ thọ dài ngắn của sinh mệnh có hạn, nhưng độ rộng, sâu của sinh mệnh thì có thể vô lượng vô tận, nếu có thể sống trăm năm như ba trăm năm thì sẽ giảm thiểu rất nhiều điều hối tiếc do ta chưa hoàn thành.

Ðại sư nói:

– Cơ hội cũng rất quan trọng, ta đừng để lỡ mất cơ hội tốt thì sẽ giảm được nhiều hối tiếc trong cuộc sống.

Năm 1953, tôi hoằng pháp ở Nghi Lan, sau đó sáng lập “Ấu Trĩ Viên” lúc đó có 7-8 nữ thanh niên giữ việc giảng dạy, tôi thấy các cô ấy rất nhiệt tình học tập, nên tiết kiệm nhịn ăn, dồn tiền thanh toán kinh phí, lo xe đưa họ đến Ðài Bắc, đến trường đào tạo giáo sư Bảng Kiều để học, bọn họ trước giờ xuất phát cứ một mực hỏi tôi:

– Sư phụ! Chúng con phải đi thật hả? Chúng con đi rồi thì ai dạy “Ấu Trĩ Viên” đây?

Tôi đáp:

– Việc đó để tôi lo! các cô hãy mau đi đi, đừng để lỡ mất dịp tốt!

Sau đó họ học thành tài rồi trở về, tiếp tục đảm nhiệm việc giảng dạy, khiến “Ấu Trĩ Viên” càng khởi sắc hơn xưa. Số học sinh đỗ đạt đến hơn 500 người. Lúc đó có thể nói là nổi tiếng đứng đầu toàn quốc. Sau đó bọn họ lục tục theo xuất gia với tôi, trong nhóm đó hiện giờ là Từ Gia, Từ Huệ, Từ Dung.

Hơn mười năm sau, buổi đầu sáng lập Phật Quang Sơn, thời điểm ấy tiền bạc rất túng quẫn, nhưng tôi vẫn ráng lo kinh phí cho Từ Huệ, Từ Gia, Từ Trị, Từ Trang, Từ Dung v.v.. đi Nhật du học, thậm chí đến lúc lên phi cơ họ vẫn còn chần chừ hỏi tôi:

– Sư phụ! Chúng con ai nấy đều đi cả, một mình Ngài làm sao có thể bao thầu hết ngần ấy việc khai sơn? Tôi vẫn giữ thái độ bình tỉnh như trước đây đáp lời họ:

– Một mình tôi vẫn có thể lo được, các vị đừng do dự trì nghi làm lỡ mất cơ may!

Sau khi tốt nghiệp, họ lại trở về nước, Phật Quang Sơn nhờ vậy mà có được nền tảng thêm chắc chắn.

Sau này tôi lại đưa một số đồ chúng kế tục đi du học  ở các nước trên thế giới, có một số đệ tử không có điều kiện du học, tới năn nỉ xin đi, tôi bảo họ:

– Các vị ở lại núi ráng học cho giỏi các môn Hành Chánh, Pháp Vụ, đừng để lỡ mất dịp may! Những đệ tử ấy nghe tôi khuyến cáo, lục tục ở lại Phật Quang Sơn học các nghành theo như tôi bày, hiện giờ đều đã là Trụ trì một phương, đều có “cơ hộâi tốt” vô hạn, tất cả bọn họ đều cảm ơn tôi.

Cá nhân mưu cầu tiền đồ, cố nhiên không nên đánh mất dịp may, thậm chí hưng kiến chùa miếu, hoằng pháp lợi sinh cũng phải quan tâm đến thời khắc, phải biết nắm lấy cơ hội. Ðại sư nói:

– Bốn mươi năm trước, tôi viết cuốn “Thích-Ca Mâu-Ni Phật Truyện” khiến “Ðại Học Ðại Chánh” bên Nhật chú ý. Vào năm 1957 họ gởi cho tôi một tờ đơn thông báo tuyển “Tiến sĩ sinh”, mong tôi qua đấy học. Lúc đó tôi nghĩ: “Ðây đúng là cơ hội tốt hết sức, cho mình nỗ lực học, để tương lai thành tài về nước tiếp tục phục vụ đại chúng”… Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “ Mình trải qua trăm cay ngàn đắng, nếm biết bao khó khăn mới tới được Ðài Loan này dựng lập vài ốc đảo trong sa mạc Phật giáo.. nếu giờ mình đi Nhật Bản thì ai sẽ kế tục tâm nguyện mình, đem hạt giống Bồ đề gieo rắc khắp hang cùng ngõ hẻm Ðài Loan đây”? Còn đang do dự thì cư sĩ Chu Ðiện Nguyên chủ hãng tương Vạn Long, Cao Hùng, hay tin, gấp rút đến tìm tôi, nói:

– Thầy là sư phụ chúng con, sao còn đi học ở Nhật Bản làm gì?

Tôi bỗng tỉnh ngộ : “Giây phút này đây, tôi cần chi cái hư danh bằng Tiến sĩ mà đi tới Nhật Bản? Tôi cứ ở Ðài Loan này lo cày xới, biến vùng đất này thành Tịnh Ðộ, nếu như có thể thực hiện được lý tưởng giúp tiền đồ Phật giáo trở nên xán lạn quang minh thì cũng đủ chứng minh việc làm hiện thời này quan trọng hơn bằng Tiến sĩ kia rất nhiều!

Sự thật đã chứng minh, mặc dù tôi mất cơ hội du học, nhưng tôi đã không hề làm lỡ mất dịp may. Hai mươi năm sau, “Ðại Học Ðông Phương” ở nước Mỹ cấp cho tôi bằng Tiến sĩ danh dự chính thức. Biết bao năm nay, khi kiểm lại tất cả sự việc, tôi phát hiện ra: người ta sở dĩ hay đánh mất cơ hội tốt, nguyên nhân đều do bị cái tâm tư lợi tệ lậu dẫn dắt, gây ra tổn hại cho ta lẫn người. Té ra gọi “dịp may” là vì nó giúp ta người đều hoan hỉ, kia đây đều hữu ích, nghĩa là công, tư đều có lợi.

Sau đó Ðại sư sáng lập Phật Quang Sơn. Trong khổn nạn trùng trùng, vẫn hưng kiến được chùa Tây Lai tại Mỹ; bền chí xây dựng “Tịnh Xá Phật Hương” ở Hồng Kông và đem Phật pháp truyền khắp thế giới. Ðại sư nói:

-Tuyệt chẳng phải do đồ chúng Phật Quang Sơn có năng lực hơn người, cũng chẳng phải nhờ chúng tôi vận khí luyện hơi gì đặc biệt, chỉ là từ đầu đến cuối, không để lỡ mất cơ hội thôi!

Trung Quốc có nhiều cách ngôn nhắc chúng tôi nắm giữ cơ hội, như “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không thể đợi”, ý dạy về đạo làm người, con cái không nên đánh mất cơ hội trả hiếu. Hoặc “Thuốc đắng đả tật, lời thật mất lòng” là nhắc người đừng để mất cơ hội nghe lời ngay. “Trẻ trung không nỗ lực, già buồn có ích gì” là nhắc nhở thanh thiếu niên đừng lãng phí tuổi trẻ của mình, “Chớ thấy thiện nhỏ không làm, chớ thấy ác nhỏ mà làm” là cảnh báo ta chớ nên phóng dật, đừng bỏ qua cơ hội hành thiện…

Tóm lại, không có cơ hội thì quảng kết thiện duyên, lúc cơ hội đến thì phải nắm ngay, như vậy sẽ không phải ân hận vì đã để lỡ cơ hội.

Ðừng để Phật Di Ðà thay chúng ta báo ân

Những tư tưởng đặc biệt có thể đại diện cho Tinh Vân ở nhân gian như “Tích thủy chi ân, dũng tuyền chi báo”, “Bất yếu nhượng A Di Ðà Phật đại thế ngã môn báo ân” (đừng để Phật Di Ðà thay chúng ta báo ân); “bất yếu tương khiểm cửu  đái đáo quan tài lý khứ” (đừng để phải đem niềm ân hận vào quan tài”

 Tư tưởng “Ðừng để Phật Di Ðà thay chúng ta báo ân” đã manh nha từ thuở Ðại sư còn niên thiếu, Ðại sư nói:

– Hồi đó, mỗi lần đọc kinh A Di Ðà tới bài kệ:

“ Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu khổ tam đồ…”

Trong lòng tôi cảm thấy hổ thẹn, công đức thù thắng của lòng thành tụng kinh cố nhiên là không có gì để nghi ngờ, song chúng ta đã lạm dụng làm xấu tăng luân – vì sao phải đem trách nhiệm báo ân cứu khổ đẩy cho đức Phật Di Ðà làm thay? – lúc đó tôi nghĩ là nên bắt chước theo tinh thần từ bi hỉ xả của đức Di Ðà, nghĩa là nên gieo rắc hoan hỉ, tự tại.. vào cõi thế gian Ta Bà này, nên bố thí sự an ổn cho chúng sinh khắp địa cầu.

Ðại sư Thái Hư từng viết trong tác phẩm của mình: “Ngã mẫu chi mẫu đức hãn thù..” (Mẹ của mẹ tôi đức độ hiếm có..) tôi nghĩ dùng câu này để mô tả bà ngoại tôi cũng thật thích hợp và không quá. Cả đời bà hành thiện giúp người, niệm Phật bất đoạn, từ mẫn bao dung. Trong ký ức tôi luôn nhớ hằng ngày bà thường ở trước điện Phật tụng niệm, xưa nay chưa từng nói một lời bất hảo về người khác. Lúc tôi ở Ðài Loan được tin bà tạ thế, lòng buồn vô cùng; nhưng quan sơn cách trở, hồi đó chính phủ hai bên chưa cho phép qua lại nên tôi không thể tức tốc về quê an táng bà, không thể lo hậu sự được như bà từng ủy thác. Mặc dù ai nấy đều bảo bà tu hành tốt như thế, chắc chắn sẽ vãng sinh Thế Giới Cực Lạc, nhưng tôi luôn ray rứt vì không tỏ được hết lòng thành với bà, vì vậy, sau này tôi cho xây một toà tháp tại quê nhà để thờ phụng linh cốt bà.

Sư phụ Thượng Nhân Chí Khai của tôi thời sinh tiền tận tâm tận lực với đạo pháp, phụng hiến hi sinh, đối với tôi còn có ân khai pháp nhũ, trưỡng dưỡng huệ mạng cho tôi, tôi trừ lập thệ đem thân tâm hiến cho đạo pháp ra, thì chỉ biết vì Ngài tu bổ tháp miếu, phụng dưỡng người của Ngài để mong báo đáp được chút ân trong muôn một.

Ðến như thân mẫu sinh dưỡng ra tôi, mặc dù tôi không thường được theo hầu cạnh bà, nhưng tôi cũng mua một ngôi nhà để giải quyết nơi ở cho bà và mời người đến ngụ chung để hủ hỉ và chăm sóc bà, không để bà phải thiếu thốn trong cuộc sống, về tinh thần mẹ tôi rất thoải mái an lạc… mọi nhu cầu của bà tôi đều cung ứng đủ, quan trọng hơn nữa là, do tôi rộng độâ hữu tình, xem chúng sinh trong thiên hạ như cha mẹ, nhờ vậy, bà có cần gì, tất cả tính đồ đều cung ứng lại và thương quí bà hết mực.

Còn các trưởng lão Tuyết Phiền, Huệ Tráng, Hợp Trần, Chân Thiền, Viên Trạm v.v.. trong quá khứ từng cùng tôi có duyên sư đồ, tôi không những phái người cung dưỡng các vị, mà nhiều năm trước còn thân hành rước các vị ấy sang Mỹ tham quan. Mặc dù thầm thẹn đức mình không đủ, không thể giúp quí vị thân cận đức Di Ðà, nhàn du tịnh độ, song tôi cũng nguyện dùng hết sức mình, thiết kế dựng lập cho chúng sinh được hưởng nền văn minh của thế giới Cực Lạc trước ở cõi này.

Ðối với chúng đệ tử, cố nhiên tôi tận sức giáo dưỡng, sinh Nhật phụ mẫu họ, tôi cũng đôn đốc thường trụ lo lễ vật cống phẩm để họ đem về chúc thọ, bày tỏ tâm ý. Hằng năm, vào các ngày khánh lễ pháp hội, Phật Quang Sơn đều làm lễ cầu an, giải tai chúc phúc cho chúng sinh, và cử hành lễ siêu độ cho những chúng sinh quá vãng. Ngoài ra còn tổ chức thêm những ngày lễ định kỳ như “Thân Thuộc Hội” là ngày tiếp đãi thân quyến đồ chúng lên núi chơi, cho họ vui hưởng thú “Chư Thượng Thiện Nhân Câu Hội Nhất Xứ”. Riêng các bậc niên lão già suy, chẳng thể đi lên núi, thì tôi lệnh cho các vị thân nhân đến thăm viếng an ủi họ, tôi chỉ mong qua đây biểu lộ chút tâm ý, thay Ðức Phật cảm tạ quyến thân của các tu sĩ, vì họ đã cho con mình xuất gia học Phật, gánh vác tiếp trọng trách hoằng pháp độ sinh.

Trong quá khứ, những khi thấy đồng đạo khuyên tín chúng hãy mau niệm Phật, cầu Thánh Chúng tiếp dẫn sang Tây phương. Những lúc đó tôi thường nghĩ: “ Niệm Phật là tốt, Cực Lạc thì tuyệt thật, nhưng tại sao không giúp giải quyết khổ não hiện thời cho họ, giúp họ đạt được kinh nghiệm tâm linh của cõi Cực Lạc trước, để trong cuộc sống họ sớm giảm thiểu ưu não?

Các đạo tràng Phật giáo thường hay nói với tín đồ phát tâm cúng dường rằng:

– Chà  quí hóa quá! Công đức vô lượng! Tương lai Phật Di Ðà sẽ chúc phúc cho quí vị!

Và đối với những đàn việt có ân nghĩa từng cống hiến đối với đạo, người trong giáo giới thường nói:

– Công đức vô lượng!  Tương lai Phật Di Ðà sẽ tiếp dẫn quí vị!

Hoặc là:

– Quí vị sẽ được Phật Di Ðà ban phúc tăng huệ cho !

Mỗi khi nghe thế, tôi thường nghĩ thầm: “tín đồ vì Phật giáo phụng hiến bố thí, vì sao ta lại  làm phiền, nhờ Phật Di Ðà báo ân thay dùm? Vậy những người con Phật như chúng ta làm được gì cho Phật giáo? Tín đồ vì Phật giáo phát tâm phục vụ, thì tại sao phải đem Phật Di Ðà ra, hứa hẹn việc đáp tạ? Còn chúng thì lại từ chối trọng trách ấy, an nhiên tọa hưởng công của người?

Tôi thấy rằng, chúng ta không nên ỷ lại, đùn đẩy cho đức Di Ðà báo ân dùm, mà chính mình phải đứng ra gánh vác trọng trách báo ân mới đúng.

Thế giới Tây phương Cực Lạc chỉ có một, và cần phải siêng tu tạo phúc, niệm Phật thuần thục mới có thể vãng sinh qua đó, nhưng ở cõi Tịnh độ nhân gian này thì tương đối người ta dễ đến hơn, vì mọi người hiện đang có mặt ở cõi ta bà này! Chỉ cần chúng ta có lòng thì có thể giúp được người, bất kể là đi đến đâu họ đều có thể được tắm gội trong ánh Phật quang, hưởng thọ pháp thủy tươi mát. Chúng ta phải đem cõi nhân gian lập thành Tịnh độ, để ngay đời này có thể thay đức Di Ðà báo đáp ân huệ của chúng sinh.

Ðừng để phải ôm nỗi áy náy vào quan tài

Tính cách bất hối của Ðại sư phát huy đến cảnh giới rất cao, chính là “đừng để phải ôm nỗi áy náy vào quan tài” Ngài nói:

Có lần trong lúc dạy chúng, bỗng dưng tôi có một ý nghĩ, liền bảo mọi người: “Ðừng để vào quan tài rồi còn ân hận” phải nhớ tất cả Phật pháp đều nằm tại ngay lúc này đây.

Các đệ tử hỏi tôi vì sao mà nói ra lời ấy, thật ra câu nói ấy chính là lời cảnh ngữ nỗi niềm áy náy cả đời tôi.

Thường trong mông lung sâu thẳm, tôi hay thấy hình ảnh một bé trai nằm bên gối một lão bà bà, có khi nửa đêm giật mình thức giấc, tôi thường rơi lệ ướt gối.. Bởi vì đó không phải là ảo tượng, mà là hồi ức về thuở bé lúc tôi còn ở cạnh bà ngoại. Tôi nhớ có một ngày, bà ngoại trang trọng, tha thiết nói với tôi: – “Xem ra hậu sự mai sau của bà, mấy cậu con đều không có khả năng lo liệu được, bà chỉ trông cậy vào con thôi!”

Năm đó tôi vừa tròn mười hai tuổi, nghe bà giao phó trách nhiệm trọng đại như thế, trong lòng cảm thấy hơi hoảng vì lo. Có thể dùng từ “ sợ hãi trân trọng” (cẩn thận khủng cụ) để mà diễn tả.

Sau khi xuất gia và hiểu việc sinh tử sự đại, những lời phó thác của bà tôi luôn ghi khắc vào lòng. Không may, sau việc Quốc, Cộng phân tranh, hai bờ chia cách nhau như trời với đất, bà ngoại qua đời như thế nào, tất nhiên tôi không thể hay tin. Ly hương mãi đến bốn mươi năm sau, lúc tôi liên lạc được với thân nhân ở Ðại Lục thì mới hay được tin dữ, lúc đó tôi buồn không thể tả, lập tức lo chuẩn bị năm ngàn mỹ kim để hồi hương, mời anh em xây tháp cho bà ngoại. Tuy hiềm là đã lâu, nhưng tôi vẫn muốn giữ lời hứa với bà, tôi không muốn để những ký thác trang trọng bà gởi cho tôi biến thành niềm áy náy mang vào huyệt lạnh suốt đời.

Xa quê lâu, nghĩ đến đến mẹ ngày một tuổi cao, lão suy sức yếu, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu: “ Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mẹ cha khộng thể đợi” nên lòng buồn da diết. Thế nên vào năm 1977, khi nhận được tin mẫu thân vẫn còn sống, tôi nôn nóng muốn về Ðại Lục, không nghĩ đến chính phủ hai bờ đang còn rất khẩn trương, thậm chí tình huống lúc đó có thể nguy hiểm và không an toàn tánh mạng; tôi ráng dùng đủ cách để liên lạc cho được với mẫu thân, nhờ các đồ đệ hoằng pháp tại Mỹ dốc sức yểm trợ, tôi lấy danh nghĩa “Lý Nhất Ðồng”, “Lý” là họ của tôi, “Nhất Ðồng” là thay cho toàn thể đại chúng Phật Quang Sơn, trải qua bao phen vận động mới rước được mẫu thân đến Nhật Bản. Khi đó tôi tức tốc rời Ðài Loan đến Nhật gặp mẹ, rồi đưa bà đi Hồng Kông, Ðài Loan.. tham quan các nơi, cuối cùng đưa bà đến Mỹ phụng dưỡng suốt đời. Tuy không dám nói là chẳng thẹn đạo làm con, song tôi chỉ mong không phải đem nỗi áy náy vào trong quan tài là đủ rồi!

Thê Hà Sơn là Ðạo tràng nơi tôi cạo tóc xuất gia, các sư trưởng nơi đây đã từng trưởng dưỡng đạo tâm cho tôi. Năm 1985 tôi từ Hồng Kông về thăm các bậc thầy ngày xưa như trưởng lão Tuyết Phiền, Viên Trạm.. các Ngài kể tôi nghe về tình hình Thê Hà Sơn, sau đó tôi cúng dường mấy trăm ngàn tiền Ðài Loan để hỗ trợ việc xây lầu Ngọc Phật, thậm chí đi qua Miến Ðiện thỉnh tôn tượng ngọc Phật đem về cho các vị thờ. Sau này Thê Hà Sơn có trùng tu hay xây dựng công trình gì mà ngỏ ý nhờ tôi giúp, tôi rất vui được dịp phụng hiến, được đóng góp chút công lực. Vì tâm tư tôi luôn nhớ câu: “Trích thủy chi ân dũng tuyền chi báo”, tôi không ngờ mình còn có ngày được dịp tận thân báo đáp các bậc trưởng bối, lòng vô cùng cảm kích cơ duyên thù thắng ấy, vì đã giúp tôi khỏi phải ôm niềm áy náy trong đời.

Sau khi hai bên chính phủ cho phép liên lạc rồi, dĩ nhiên là ai cũng mừng. Tôi thì lo cụ bị quà cáp, cũng không có gì ngoài ti vi, máy cassette, máy quay phim, đồng hồ đeo tay v.v.. nhất là ti vi rất được mọi người ưa thích, tôi đã mua sắm các thứ tại Hồng Kông rồi đến Quảng Châu thuê xe vận tải chở về Giang Tô. Nhiều người bảo tôi:

– Quà cáp chi cho lắm, có lòng là tốt rồi, đâu cần phải như thế!

Nhưng tôi luôn nghĩ mấy mươi năm nay mình đối với sư trưởng và các bạn đồng đạo ở Ðại Lục chẳng có cống hiến gì, nếu có khả năng thì tôi cũng mong được tỏ chút lòng thành, để ngày sau đối với sư trưởng đồng bạn khỏi phải mang niềm áy náy vào trong quan tài”.

Năm 1989 tôi hồi hương hoằng pháp, thăm thân nhân. Nhờ tín đồ ủng hộ, giúp tôi tròn tâm nguyện bao năm. Quà kỷ niệm không đáng kể, đồng hồ tay, nhẫn tay.. không những biếu cho được trên ngàn người mà cả đến láng giềng xung quanh, tổng cộng mấy trăm gia đình trong xã, tôi cũng nhờ anh em gởi tặng mỗi nhà một bao lì xì, dù trong mỗi bao chỉ có một trăm nhân dân tệ, nhưng tặng được cho họ rồi, lòng tôi cảm thấy hoan hỉ hết sức. Thật ra xuất gia không nhà nên xứ xứ đều là nhà, không hạn cuộc ở quê hương bờ cõi, song người ta không thể không có cội nguồn, nếu có thể trong những năm sống còn, tôi đối với nguồn cội ban sơ bày tỏ được chút lòng thành, thì khỏi ôm nỗi áy náy vào trong quan tài vậy!

Tôi nhận tài trợ quỹ giáo dục cho ân sư cố hương huyện Hải An và các trường Tiểu Học, Trung Học cố hương. Tôi lưu trú thời gian ngắn nơi tổ đình xuất gia, nơi đây các vị trường công(1) đối với tôi rất tốt, đặc biệt quan tâm, thậm chí lúc tôi bị nạn, họ đã tìm đủ cách cứu tôi.

Sau bốn mươi năm, họ đều lần lượt qua đời, khi tôi hay được con của Trần Thủy Tùng(2) vẫn còn sống, không những tôi đã đến đó thăm mà còn lo chu cấp, không ngừng trợ duyên cho họ.

Cả đời tôi bất kể gặp bao khổ nạn mài luyện, đều chẳng dám có chút lời oán. Một nụ cười mỉm, một câu hỏi thăm của người khác vẫn còn đọng lại trong tôi như dòng nước mát, êm êm không ngừng chảy. Mạng sống trong trời đất sở dĩ có thế tiếp tục không ngừng là nhờ các nhân duyên hỗ tương qua lại. Mỗi khi nhớ đến những giọt nước ân nghĩa ngày xưa; tôi không nén được, thường tự vấn lòng: “Chẳng lẽ tôi không bằng một vị trường công ư?” – Lúc gian khổ không kịp thời báo đáp, lòng còn áy náy hoài thì làm sao mà độ thế an nhiên được?

Có cơ hội báo ân thì hãy mau mau đền đáp

Ðời người ta thực ra có rất nhiều điều để hối tiếc, để áy náy và ân hận.. Ðã từng nếm trải qua bao mài luyện rồi, Ðại sư nói:

Có cơ hội báo ân thì hãy mau mau đền đáp; chưa có cơ hội báo ân, thì hãy nỗ lực gieo hạt, nếu sống mà chỉ toàn nhận thì bần cùng lắm, chỉ có sống đời hỉ xả mới là giàu có chân chánh. Người ta có câu: “sinh chẳng đem lại, chết chẳng mang theo”.. thực ra không hẳn thế, chúng ta sinh ra thì như trang giấy trắng, cố nhiên không mang lại gì, thế nhưng sau khi chết rồi mà còn mang nỗi áy náy vào trong quan tài thì chẳng phải là hối tiếc trọn đời ư?

Vì vậy ta phải ứng đối cho nhanh, đương lúc tuổi trẻ sức cường thì hãy dùng sức mình báo đáp cho nhân gian; khi trí óc còn minh mẫn thì hãy đem trí huệ cống hiến cho nhân loại; lúc đang giàu, có tiền tài thì hãy dùng tiền tài cứu giúp người nghèo khổ; khi có một phiến tâm thành, có nhân duyên thì hãy dùng tâm ấy mà hành sự, đem ánh sáng của nhân duyên tốt lành trong cuộc sống phổ biến khắp mười phương.

Mặc dù Ðại sư luôn tận tâm tận lực, toàn tâm toàøn ý hành sự, thế mà có lúc cũng không tránh được hối tiếc, tôi từng nghe đệ tử thân cận Ðại sư kể:

Ðiều sư phụ tiếc nhất không phải cho mình mà là cho Hòa thượng Tâm Bình – tài hoa nhưng mất sớm! –

Việc Hòa thượng Tâm Bình mất sớm khiến Ðại sư buồn rầu không thôi, tình sư đồ thắm thiết nồng hậu ấy khiến tôi liên tưởng đến Giám Chân và các đồ đệ Vịnh Duệ, Tường Ngạn từng cùng Ngài vượt biển sang Nhật. Lần đầu, bọn họ gặp nhiều gian nan ngăn trở nhưng vẫn một lòng theo sư phụ; và trong lần vượt biển lần thứ năm vào năm 749, Vinh Duệ chết tại Quảng Ðông Ðoan Châu, Tường Nhạn chết tại Giang Tây Cát An; còn Giám Chân thì đôi mắt bị mù, nỗi bi thống trong lòng Giám Chân lúc ấy quả là có thể tưởng tượng được.

Giám Chân bôn ba không ngừng nghỉ, Ðại sư Tinh Vân hùng tâm đại nguyện cũng không ngừng nghỉ, các Ngài hoàn thành công nghiệp không chỉ một mình, mà còn có nhiều tâm nguyện của các đồ đệ hợp sức tạo nên! Bởi vậy những tiếc nuối này là nỗi niềm tiếc nuối những nguồn sống đã từng phụng hiến, đóng góp công lực viên mãn; góp phần làm tăng thêm nét huy hoàng cho sự nghiệp Phật giáo trong nhân gian.

Khiến Phật Quang thành thế giới quang minh

Tháng 4 năm 1980, lần đầu tiên tượng Giám Chân được rước về Dương Châu thăm cố hương, xem ra Ngài vượt biển ly hương ngót 1230 năm; lúc đi thì âm thầm lặng lẽ, bây giờ thì “trở về” vẻ vang với sự tiếp rước của làn sóng người cuồn cuộn. Khi tiên sinh Triệu Phác Sơ nghênh đón tượng Giám Chân về Dương Châu, ông đã không nén được lời tán thán:

– Ðúng là “thiên tải nhất thì” (ngàn năm có một)!

 Rồi năm 1989, nghĩa là 9 năm sau; khi Tinh Vân về thăm Ðại Lục, lúc Triệu Phác Sơ thân hành ra phi trường đón Ngài, câu đầu tiên ông thốt cũng là:

– Ðúng là “thiên tải nhất thì”, (thật là hi hữu) a!

Dương Châu chớp mắt đã ngàn năm trôi qua, Giám Chân và Tinh Vân giống như hai vì sao tỏa sáng, cùng xiển dương cho “Phật Giáo Nhân Gian” và viết nên một trang sử huy hoàng.

Tôi đứng tại “Nhà Kỷ Niệm Giám Chân” lặng ngắm đôi “Thiên Bình chi manh” trên đỉnh, đằng sau là khoảng không vời vợi với mây trắng trời xanh bao la vô nhiễm, tôi chợt nhớ tới câu nói hào sảng của Giám Chân trước khi sang Ðông:

– “Vì Phật pháp nào tiếc thân mệnh! Các ông không đi tôi cũng đi”!

Câu nói này nhiệt tình biết bao nhiêu! Chính đồng đạo Ngài tại Dương Châu – Ðại sư Tinh Vân – khi khởi sự làm việc gì cũng đã nói như thế.

Ngưỡng vọng tầm nhìn xa rộng, khí thế nuốt biển cả của chim Si, tôi chợt nhớ tới bài thơ nổi tiếng “ Xuân Giang Hoa Nguyệt” của thi sĩ Trương Nhược Hư triều Ðường, bài thơ này từng được khen là “dĩ cô biến yếm đảo toàn Ðường” (một bài áp đảo toàn Ðường), trong đó có mấy câu:

Xuân giang triều thủy liên hải bình
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh
Diễm diễm tùy ba ngàn vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh

(Sông xuân chảy liền trùng dương
Trăng in lấp lánh trên ngàn triều dâng
Lung linh nước tỏa bóng hằng
Giòng xuân nào thiếu sắc trăng mơ màng)

Giám Chân khiến Phật pháp thành vầng trăng sáng của Nhật Bản; trăm, ngàn năm sau vẫn tỏa chiếu rạng rỡ.

Tinh Vân biến Phật pháp thành vầng trăng của thế giới; vằng vặc chiếu soi khắp cùng.

Và trăm ngàn năm sau, mọi người vẫn còn tận hưởng ánh sáng tuyệt vời ấy, mãi mãi.

 Dịch xong, mùa hạ 21/05/2004.

***

(*)Thanh minh: ngữ ngôn, văn điển chi học.

Công xảo minh: công nghệ, kỹ thuật, toán số học.

Y phương minh: y học, dược học, chú thuật học.

Nhân minh: lý luận học.

Nội minh: Ngũ thừa nhân quả diệu lý học.

(1)Người phục vụ trong trường.

(2) Người cứu Tinh Vân khi xưa.