Đ a n g t i d l i u . . .
Chương 17: Tình Cảm

SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch

 

CHƯƠNG 17: TÌNH CẢM

Pháp sư Từ Huệ và Từ Dung kể về thời thanh niên của Ðại sư.

 Hồi đó Ðại sư khí độ ung dung, phong cách thanh thoát trang nhã, Ngài về trụ ở Nghi Lan không lâu, thì đã danh vang khắp chốn. Nhiều tín đồ nghe đồn về vị sư anh tuấn này đã không quản đường xa, lặn lội tìm đến gặp Ngài.

Mỗi lần Ðại sư có dịp đi ra chợ, người trong các cửa hiệu đều nhốn nháo bảo nhau:

– Sư phụ tới! Sư phụ tới rồi!

Thế là quán xá hiệu buôn gì đều tạm thời đình chỉ công việc, người ta đổ xô ra đứng trước những nơi Ðại sư sẽ đi qua, xúm nhau chiêm ngưỡng Ngài, không ai là không hoan hỉ.

Có một chuyện thú vị được thuật lại từ bưu điện. Hồi ấy chùa Lôi Âm không có điện thoại, ai muốn gọi điện cũng phải đến bưu điện, vì thuở đó chưa có hệ thống phục vụ tự động, nên nhiều nhân viên phục vụ phải trực ở điện thoại để lo tiếp tuyến. Ðại sư Tinh Vân có lúc cũng phải ra ngoài gọi điện, mỗi lần Ngài đến bưu điện Nghi Lan, khi cuộc thoại kéo dài, nhân viên tiếp tuyến nhịn hết nổi đều chạy tới xem, khiến cho các tuyến điện thoại khác không người phục vụ phải tạm thời ngưng ngang đó.

Pháp sư Từ Dung kể:

– Sư phụ không những dùng trí tuệ nhiếp phục người, dùng Phật pháp giáo hóa người, Ngài rất có sức thu hút, khiến ai được thấy Ngài thường sinh lòng hoan hỉ, mến mộ, mong được thân gần.

Bản chất của ái tình và nhân gian

Ðại sư Tinh Vân có sức lôi cuốn cực mạnh, Ngài vừa anh tuấn lại tài giỏi phi phàm, tất nhiên là cũng rất được lòng giới nữ. Việc này ai cũng biết, bởi vậy tôi mới đánh bạo phỏng vấn sư phụ:

– Bạch! Hồi đó chắc hẳn là có nhiều cô.. “mến”  sư phụ dữ lắm?

Ðại khái thì sư phụ ít chạm trán trực tiếp với những vấn đề này, nghe hỏi, Ngài cười nhẹ nhàng rồi trả lời:

– Tôi xuất gia hồi mười hai tuổi, cả đời chẳng bàn đến chuyện ái luyến, song tín đồ có hôn sự, có chuyện tình cảm hay buồn phiền con cái gì.. đều tới hỏi tôi. Thật ra đối với tình ái tôi vẫn có thể phân tích rành rẽ !

Ðại sư từng viết truyện sách và rất am tường về tâm lý và rất cảm thông với cõi nhân gian hữu tình.

Bỗng Ðại sư buông lời:

– Nếu như quí vị muốn nghe chuyện tình ái thì tôi sẽ kể một chuyện ngay bản thân tôi cho mà nghe!

Ðôi mắt các đệ tử hiện diện đều sáng lên, nhãn quang Ðại sư  lần lượt quét qua từng người, Ngài nói:

– Chuyện này xưa nay tôi chưa từng kể cho ai nghe cả!

Ðại sư hớp một ngụm trà, thời gian như được kéo lùi về năm mươi năm xưa ở tại Nghi Lan.

“ Con người được xếp vào loại chúng sinh hữu tình, đa số các tu sĩ thường lập luận là “phải bài trừ ái tình, tránh xa tình cảm..”, tôi tuyệt chẳng tán thành quan niệm đó, bởi vì Phật giáo rao giảng từ bi, mà nền móng của từ bi chính là tình yêu, “yêu tất cả chúng sinh, độ tất cả chúng sinh chính là tình cảm được thăng hoa thành cao cả. Tình cảm giống như nước hay lửa vậy; nước, lửa có thể làm hại người, nhưng nếu khéo biết dùng thì nước, lửa cũng là nhân tố rất quan trọng trong nhân gian, có thể giúp ích cho người.

Chúng sinh một khi gặp người đồng khí thì phát sinh cảm tình, nếu là nam nữ thì thành tình bạn, tình phu thê; nhưng sau khi thành phu thê rồi, đêm ngày đều ở chung, tình cảm càng lúc càng hẹp hòi, cuối cùng thành ra cảnh “đồng sàng dị mộng”, tình thế giống như nước với lửa. Có người dù gặp ít, xa nhiều; nhưng lại có thể “dị địa đồng tình”, nguyện cùng tử sinh. Bởi vậy, nếu có thể nhìn siêu việt, tình cảm là không tuyệt đối, là do nhân tố thời gian không gian bất đồng, nếu có được nhận thức vượt tình cảm thì đường đi sẽ càng lúc càng thông thoáng.

Ðại sư nói, mọi người đều nín thở lắng nghe, Ngài tằng hắng một tiếng rồi tiếp:

Tôi hướng về thánh tình, chứ không phải phàm tình

“Năm Dân Quốc 41 tôi ở tại chùa Lôi Âm Nghi Lan giảng kinh “Kim Cang”, mỗi lần giảng xong đều có khảo hạch. Khi đó có một nữ sĩ trẻ tuổi, dung nhan thanh tú diễm lệ, cốt cách như tiên; cô thường đến nghe kinh, nghe xong cũng dự khảo hạch, đối đáp rất thông suốt rành mạch, có thể nói là cô đã chịu khó chăm chú nghe.

Ðây là việc thường, nên tôi chẳng để ý; song nghe kinh được vài lần, lần nào đến chùa cô cũng đều mang quà biếu tôi. Lễ vật cô tặng không giống những người khác, nó không giống như đồ cúng dường mà có vẻ giống tình bạn nam nữ. Chẳng hạn như là một cái gối, có thêu chữ “vạn sự cát tường” hoặc một là tấm thiệp có viết những câu lạ lùng. Tôi hỏi tín đồ:

– Cô này là ai?

Tín đồ mách với tôi:

– Cô ấy là goá phụ của một viên Không quân, cách đây không lâu chồng cô đã tử nạn, hi sinh trên máy bay.

Tôi nghe qua, bắt đầu có phòng bị. Thật ra cả đời tôi đối với tục tình nam nữ luôn đề phòng. Người xuất gia không phải là không có tình cảm, mà là phải buông xả tục tình, bồi dưỡng thánh tình.

Từ đó về sau, tôi đối với nữ sĩ ấy luôn thận trọng giữ khoảng cách, tôi còn tỏ ra rất vô tình vô cảm và không biểu lộ một chút hồi đáp nào.

Nhưng vị nữ sĩ ấy vẫn không lùi bước, cô thường xuyên tìm đến chùa và bao giờ cũng xuất hiện trước mặt tôi với dáng vẻ rất sầu khổ. Rồi một chiều tối cô gởi vào tấm thiệp có ghi hàng chữ : “Xin thầy hãy ra cho con được gặp mặt!”

(Tất nhiên là tôi không ra. Tôi từ nhỏ xuất gia, hằng ngày thường khi về đến chùa thì không ra ngoài nữa, trong Phật điện thanh tịnh quang minh là thế, tôi ra ngoài để làm gì kia chứ?) Thế là tôi dứt khoát tắt đèn, ở bên trong niệm Phật.

Khi đó ngoài cửa lại vang lên tiếng gỏ dồn dập: “Cóc, cóc! Cóc!”, tôi vẫn không trả lời, chợt  nghe tiếng kêu thật nhỏ ngoài song: “Xin thầy hãy ra đây gặp con! Xin thầy..!”

Một hồi lâu, thật lâu, sự yên tĩnh mới trở lại.

Ðợi đến khi chắc chắn đã hoàn toàn yên ổn, tôi mới mở cửa và thắp đèn lên, nhiệt tình nồng hậu của cô như vẫn còn phảng phất bên ngoài.

Từ ngày ấy trở đi, vị nữ sĩ ấy không đến chùa nữa. Hai năm sau, cô bồng đứa con gái nhỏ đến thăm tôi, hóa ra cô đã tái hôn; lúc cô đến chào từ biệt tôi, tôi cũng chúc cô được hạnh phúc.

Hồi đó tôi còn rất trẻ, cho rằng là người xuất gia, cư xử như vậy là đúng lắm, song sau này hồi tâm nghĩ lại, tôi thấy mình xử tuyệt tình như thế là không viên mãn, lẽ ra tôi nên giải thích cho cô hiểu, vì sao tôi không thể tiếp nhận tình cảm của cô, đúng ra nên giúp cô bình tâm, chứ không nên để cô phải ôm nỗi thống khổ.

Tôi vẫn ân hận hoài về điều ấy, tôi muốn nói với cô thế này:

– Xin lỗi! Xin lỗi! Tôi không thể tiếp nhận được thịnh tình hảo ý của cô, vì tôi chỗ hướng tới là thánh tình chứ không phải tình riêng!

Mãi đến 41 năm sau, câu xin lỗi ấy mới có dịp thốt ra. Lúc đó Hội Phật giáo Trung Quốc đang tổ chức tuyển cử chọn giám sự, có một tín đồ giúp tôi lấy phiếu, giới thiệu vài hội viên Phật giáo với tôi, hôm ấy, vị nữ sĩ kia cũng tới, cô là hội viên hội Phật giáo. Gặp nhau, tôi chắp tay, hướng về cô chân thành nói:

– Xin lỗi nhé!

Cô hiểu ý mỉm cười. Ngay khi câu xin lỗi vừa thốt ra khỏi miệng, tôi thở phào và thấy nhẹ cả người, “A Di Ðà Phật!” tâm tư giờ thiệt là an ổn thư thái, bao áy náy đối với thịnh tình của cô đã được thanh toán xong!

Sư phụ kể đến đây, vui vẻ bật cười, câu chuyện dù thanh đạm, nhưng phảng phất một hồ nước trong, soi rõ diện mục của chúng tôi và trong đó còn ẩn chứa cả tâm sự kín đáo của vị tăng sĩõ trẻ tuổi.

Nhân tình thăng hoa thành là thánh tình

Sư phụ nói tiếp:

– Hồi tôi còn niên thiếu có đọc bài “Hồng Linh Ứng Ký” của Tô Mạn Thù, rất cảm động. Mặc dù tôi xuất gia rồi, nhưng vẫn còn phải tranh đấu với thế tình; thật ra người xuất gia vẫn là con người, chưa là Phật, nên có tình cảm nhân gian là lẽ thường, không có ái mới không phải là người.

Ðối với cha mẹ ta có tình cảm, đối với gia tộâc, có tình cảm; giữa nam nữ có tình cảm… đây là những điều thường tình, chỉ có thăng hoa nhân tình mới có thể hóa thành thánh tình. Cả đời này của tôi, bất luận đối với chúng nam hay chúng nữ, tôi chẳng bao giờ ngồi riêng với họ mà thường ngồi trong đám đông, là vì để tránh những tục tình này. Tục tình thì có ghen tuông, tật đố, có vướng mắc..và chỉ có pháp Phật mới có thể giúp chuyển hoá.

– Sư phụ giảng về thánh tình, có thể cho chúng con vài thí dụ đơn giản? – Tôi hỏi.

Ðại sư nói:

– Ngày xưa tôi viết “Thích-Ca-Mâu-Ni Phật Truyện” kể đến lúc Ðức Phật chứng đạo, về tới hoàng cung; trước đó thê tử là Da-Du-Ðà-La lòng luôn nhớ mong, nàng cứ băn khoăn, chẳng hiểu là khi phu quân tu thành đạt rồi, có chịu về gặp lại nàng nữa hay chăng? Không lâu sau đó, Ðức Phật về gặp nàng và con của mình. Phật bảo Da-Du-Ðà-La rằng:

– Xin lỗi! Ta đã để nàng phải sầu muộn nhiều! Nhưng xin nàng hãy vui lên vì ta đã thành đạo, đã đạt được giải thoát rồi!

Sau đó Da-Du và La-Hầu-La đều xuất gia theo Phật tu hành và thành đạo. Như thế thì đẹp biết bao nhiêu! Vừa tràn đầy tình cảm, vừa không gieo tổn thương đau khổ, đây chính là Thánh tình!

Còn nữa, đại đệ tử Phật là Tôn giả Ca-Diếp, nương tử ông tên là Diệu Hiền. Ca Diếp vốn có chí muốn xuất gia, thế nhưng nhà ông lại hết sức giàu, cha mẹ ông rất mong ông kế tục sự nghiệp gia đình, nằng nặc đốc thúc ông cưới vợ. Ca Diếp vốn không muốn thành gia thất, bèn nhờ thợ kim hoàn đúc một tượng vàng mỹ nữ tuyệt đẹp rồi thưa với song thân: “Nếu tìm được cô gái nào diễm lệ hơn tượng này thì con sẽ kết hôn”!

Tất nhiên là tìm rất lâu mà vẫn chưa có, một hôm khi đến một thị trấn nọ, họ nhìn thấy nàng Diệu Hiền. Truyền thuyết kể rằng nàng đẹp tới nổi khi đứng cạnh tượng vàng, tượng cũng hóa ra lu mờ.

Rốt cuộc Ca Diếp đành phải ưng thuận vì không còn lý do gì để thất hứa với song thân.

Không lâu sau đó, Ca Diếp xuất gia thành đạo, còn Diệu Hiền thì một mực tin theo ngoại đạo. Vòng vo một dạo, nàng mới hồi tâm chuyển ý quay về gia nhập tăng đoàn. Nhưng do nàng có dung nhan quá tuyệt mỹ nên mỗi khi ôm bát ra đường khất thực nàng hay bị người ta cản trở, bu quanh nhìn ngắm. Ca Diếp bèn bảo:

– Sau này để ta đi khất thực dùm cho!

Thế là hằng ngày Ca Diếp ra ngoài khất thực, có gì đều đem về sớt một nửa chia cho nàng. Ðiều này khiến thiên hạ bàn ra tán vào, xầm xì rằng Ca Diếp là A-la-hán mà vẫn chưa đoạn trừ được ái dục, song Ca Diếp không nghĩ như thế.

Quí vị xem, đây là tình cảm đẹp biết bao nhiêu, A-la-hán cũng có cảm tình, phàm nhân thấy thì cho là tục tình, nhưng cảnh giới ấy lại là thánh tình!

Ðại sư nói:

– Thánh tình cũng không phải là độc quyền của Phật, chỉ cần có lòng từ bi và trí huệ, dùng lòng từ lèo lái tình, dùng trí chuyển tình, lấy chúng sinh và vũ trụ làm trung tâm chứ không cho tự ngã là trung tâm, thì có thể sáng tạo tình cảm thánh khiết ở nhân gian.

Ðại sư kể chúng tôi nghe chuyện “Ba Ðạo Sĩ Mao Sơn”:

 Hữu tình hữu ái cũng thành đạo được

“Có ba anh em nọ cùng đến Mao Sơn tu hành.

Mới đi được nửa đường thì gặp một nơi hoang vu, phía trước chẳng có thôn xóm, phía sau chẳng có quán xá, chỉ có trơ trọi một túp lều lụp xụp, ba anh em đành vào xin tá túc đỡ một đêm. Hóa ra đây là nhà của một goá phụ và bốn đứa con nhỏ, họ sống rất túng bấn nghèo khổ.

Hôm sau, ngay lúc sắp lên đường thì người em út thưa với hai anh rằng:

– Thôi thì các anh đến Mao Sơn tu nhé! Ðể em ở lại giúp đỡ cho gia đình này!

Ðại ca, Nhị ca mặc dù không ưng ý, nhưng  nghĩ: “Thọ ân như giọt nước báo đáp như suối nguồn” nên đành bấm bụng để em mình ở lại báo ân.

Ðược ba năm, quả phụ ngỏ ý muốn kết hôn với Tam đệ, chàng bảo:

– Chồng nàng mới mất có ba năm, ta cưới nàng quả thật không an lòng!

Lại ba năm trôi qua, quả phụ nhắc lại ý muốn cùng Tam đệ thành thân, chàng nói:

– Lòng ta chưa ổn, vẫn còn cảm thấy hổ thẹn lắm, ta những mong nuôi các con của nàng đến trưởng thành, chuyện ấy hãy bàn sau.

Lại ba năm nữa trôi qua, quả phụ bàn đến chuyện kết hôn, Tam đệ nói:

– Ta vì mang ân một bữa cơm của nàng nên mới tình nguyện ở lại báo đáp để giúp đỡ nàng và các con. Nay chúng đã trưởng thành cả, thì giờ cũng là lúc ta nên từ biệt nàng.

Suốt chín năm ròng rã ấy, hai anh của chàng ở Mao Sơn nhọc nhằn tu hành cũng vẫn chưa chứng đạo, nhưng Tam đệ thì lại thành đạo trước nhất.

Ðấy là câu chuyện “Ðạo Sĩ Mao Sơn” nổi tiếng trong lịch sử.

Ðại sư kết luận thế này:

– Tục tình thì xem trọng hình thức, thánh tình thì đặt nặng ý nghĩa tinh thần; tục tình thì nằm trong vướng mắc, chấp thủ; thánh tình thì phát xuất do bi nguyện, tuyệt tình tuyệt ái có thể thành đạo, hữu tình hữu ái cũng có thể thành đạo!

Thánh tình là đỉnh cao của lòng từ ái, có thể nói đây là lòng thiện lành thuần túy, nghĩa là: ái mà không có chút nhiễm trước; nếu lòng còn có chút ác ý muốn làm khổ người thì cũng giống như sát sinh! Vì giết chết niềm hi vọng, dập tắt sự vui sống của người. Thế nên các đệ tử tại Phật Quang Sơn đều biết rõ, tôi nghiêm cấm việc khởi ác ý hoặc gây tổn thương cho người. Ngay cả cỏ cây Phật còn dạy ta tôn trọng, chẳng nên xâm phạm hay làm tổn thương, huống nữa là đối với con người?

Ðại sư Tinh Vân cho rằng yếu tố tối quan trọng của nhà Phật là “bi nguyện”, nhưng bi nguyện không phải khi không mà có, mà chính là ái tâm được bồi dưỡng un đúc tạo thành, ái tâm này phải không ngừng trau giồi huân tập, luyện đến mức độ bất kể gặp tình cảnh nào, đều phải nhìn theo nẻo chánh, ta phải luôn biết cảm thông, khoan dung, hỉ xả và phải luôn có tâm nguyện hy sinh, phụng hiến. Nghĩa là trong tất cả mọi việc hằng dùng bi tâm tiếp đãi, để người và mình cùng sống an, tâm tư thăng hoa đến đỉnh điểm thiện lành.

Sư phụ nói:

– Cả đời tôi không ngừng trưởng dưỡng bi nguyện. Quan hệ giữa tôi và đồ chúng là có ba phần sư đồ, bảy phần là bạn pháp. Không những tôi đang giáo dục họ, mà tất cả mọi người đều có thể giáo dục tôi. Tôi không thọ qua nền giáo dục chánh quy nào. Hồi bé thì ở trong tăng đoàn, sau khi rời tăng đoàn, nếu tôi có tiếp thu được sự giáo dục nào cũng đều bắt nguồn từ đại chúng. Thật sự đối với đại chúng tôi có niềm tri ân thâm thiết, và cũng chính vì vậy mà tôi cảm thấy trân trọng và phát khởi bi nguyện.

Có biết trân trọng mới hiểu được ái

(Ðổng đắc trân tiếc, tài đổng đắc ái)

Bắt nguồn từ quan điểm này, Ðại sư Tinh Vân cho rằng nếu “ái” riêng tư thì có thể là một kiểu dính mắc, ô nhiễm, tạo ác. Còn ái đi kèm với lòng trân trọng quí tiếc thì có thể chuyển thành vĩ đại, bền bĩ vô hạn.

Ngài nói:

– Người Trung Quốc chúng ta rất thông minh khi đem hai từ “ái” và “tiếc” ghép thành một từ, để ái có phương hướng sống thiết thực, có được sự bền bĩ tốt đẹp. Vì nếu người biết áitiếc, thì sẽ biết giữ gìn, trân trọng tình cảm giữa người với người; nhờ vậy cuộc sống mới hài hòa, giảm thiểu được những điều đáng tiếc, và ta mới thực sự cảm nhận được ích lợi của nó. Biết ái tiếc thời gian, thì sẽ không đánh mất thời gian. Biết ái tiếc sức lực thì sẽ biết hộ thân,  “tiếc lực”. Biết ái tiếc ngôn ngữ, nên mới thận trọng lời. Nghĩa là lòng ái tiếc sẽ giúp ta biết trân trọng. Chẳng hạn như ta phải biết yêu quý trân trọng phúc báo không dễ gì có được này, nhờ vậy mà ta biết “kiệm phúc”. Tiếc, ái, trân trọng.. sẽ giúp ta sống bớt sai lầm!

Ðại sư nói thêm:

– Biết xúc động cũng là một đức tính đẹp!

Căn cứ vào những gì Ðại sư từng viết từng phát biểu, tôi cảm nhận được sự thiện lành toàn mỹ ẩn trong tâm sư phụ. Một cõi giới bi trí sung mãn  quang minh! Song những điều tốt lành này, nhờ đâu mà có?

Sư phụ nói:

– Tôi rất dễ xúc động vì người hay vật, nhờ vậy mà phát khởi bi tâm, rồi từ đó trí huệ được vận dụng để suy tính cách sống có ích cho mình và người. Khi tâm hướng thiện thì cảnh giới quang minh hiển lộ và an lạc phát sinh. Chính niềm an lạc này không ngừng cổ vũ tôi, giúp tôi vững vàng tiến lên trước.

 Ðại sư Tinh Vân sở dĩ thành là Ðại sư, vì Ngài rất dễ xúc động. Không những cảm xúc thiện lành này tràn trề trong nội tâm Ngài mà còn thể hiện qua cách giáo hóa. Nội tâm xúc động, hành xử cảm động, và những câu chuyện sống thực Ngài kể ra cũng làm xúc động lòng người! Những kinh nghiệm quý báu trong tâm, trong cuộc sống, Ngài khéo tùy lúc tùy nơiã, chia sẻ cho mọi người cùng hưởng và cùng cảm động không thôi.

Nếu nói vô tình vô cảm là hay thì ta hãy nhìn lại Phật, bản thân Ngài là tấm gương sáng chói. Thuở còn tu ở nhân địa, Ngài cũng là người mẫn cảm dễ xúc động nhất. Thấy hổ đói Ngài đã xúc động nên mới đem thân thí cho. Thấy bốn cảnh khổ nới bốn cửa thành vì xúc động Ngài mới phát tâm tu. Ðiều này hiện rõ trong những câu chuyện tiền thân của Ngài, nên câu nói: “biết xúc động là một đức tính quý!”.. của đại sư không phải vô căn cứ.

Chính những nỗi niềm cảm động này đã hé mở cho ta thấy, thế giới tu của Ðại sư dù trang nghiêm nhưng đầy hoan hỉ, sáng rỡ và luôn hữu dụng với thế nhân, thật khác xa trời vực với hình tượng của những người tu sĩ lạnh lùng khô khan, dửng dưng vô cảm.

Ðại sư nói:

– Biết xúc cảm không phải là tâm ý bỉ thử, mà là sự lưu xuất tự nhiên của Phật tâm Phật tính. Ta hãy xem trong Phật điển, lúc Ðức Phật phát nguyện độ chúng sinh, khi Ngài còn tu hành ở nhân địa, Ngài có thể vì nửa câu chân lý mà cam chịu mạng vong, vì cứu hổ đói mà xả bỏ thân mạng, tất cả là do “xúc động”. các vị Ðại đệ tử gia nhập tăng đoàn, theo Phật đi khắp nơi hoằng pháp, thậm chí được chư Phật Bồ-tát cùng “cảm ứng đạo giao” cũng đều do “cảm động”.

Có xúc cảm, chúng ta mới cam tâm tình nguyện; có cảm động, chúng ta mới không oán không hối. Còn người không biết xúc động, thì giống như cây khô tro lạnh; không những không thể cùng chân lý tương ưng, mà cũng không thể chung sống hài hòa với mọi người. Dù chúng ta đề xướng vô tình: “nhất đao đại đoạn chặt hết tình thâm”! Song ta thường rất dễ vô tình với người, rất dễ “trong mắt không có người khác”, nhưng đối với bản thân thì lại cực kỳ quan tâm, lại “dào dạt” lòng bi với mình! Do vậy mà ta rất dễ lạc vào ích kỷ, dễ phạm sai lầm.

Phật Quang Sơn là thế giới hữu tình hữu nghĩa

Trước đấy không lâu, Ðại sư đã đem quan điểm và ý niệm bình sinh biên thành cuốn: “Hữu Tình Hữu Nghĩa” lừng danh, trong đây lấy ý liệu của rất nhiều người. Một tu sĩ đem quan niệm bình sinh của mình ra để khẳng định và chứng minh một cuộc sống “tình nghĩa tròn đầy”, xem ra cũng rất thú vị.

Ðại sư nói:

– Tôi vốn chỉ là một tiểu Sa di ở đất Dương Châu, từ Dương Châu sang Ðài Loan, suy cho cùng thì chỉ là một Hoà thượng tầm thường nơi Ðại Lục, nhưng nhân duyên tụ hội, đến nay có hơn ngàn đệ tử dưới trướng và vô số đệ tử phân tán rải rác trên thế giới cùng đảm đương mỗi nơi mỗi việc. Trong nước ngoài nước đều dựng trường Ðại học, có hơn trăm Biệt viện và cơ sở công tác phụng hiến phân bố khắp trên toàn thế giới, đây tuyệt chẳng phải do sức mình Tinh Vân tôi làm nên, mà là nhờ được gặp vô số người hữu duyên, nên mới hiển hiện một cõi nhân sinh: “hữu tình hữu nghĩa”!

Ởû Ðạo tràng Phật Quang Sơn, không chỉ đệ tử xuất gia, mà kể cả những đệ tử cư sĩ theo chân sư phụ mấy mươi năm luôn thủy chung như nhất, bởi vì các vị ấy bị tình nghĩa sư phụ làm cảm động, rồi cũng dùng “hữu tình hữu nghĩa” báo đáp lại, cuối cùng hình thành một vòng mỹ thiện xoay vần tuyệt vời. Thế nên, Phật Quang Sơn là mặc dù Ðạo tràng Tùng lâm thanh tu, nhưng cũng có thể diễn tả đây là một cõi “hữu tình hữu nghĩa”.

Có lần, Ðại sư kể lại một chuyện về thời niên thiếu của Ngài ở Tùng lâm, đã khiến tôi cảm động sâu sắc, vì thấy các cao tăng trong Tùng lâm cũng tràn trề tình nghĩa:

“ Lúc tôi mười lăm tuổi sắp thọ giới, mẫu thân lặn lội lên núi tìm thăm tôi, bà ngụ bên liêu chúng nữ. Mãi tới chiều tối tôi mới rảnh để đến gặp bà. Ðang cùng trò chuyện thì kiểng chỉ tịnh vang lên, tôi đứng dậy, vừa cáo từ thì mẹ tôi lệ dâng đầy mắt, bịn rịn không muốn rời; thế là tôi ngồi lại để an ủi bà.

Hôm sau, sư giám thị báo cáo với hoà thượng Nguyệt Cơ rằng tôi không có trở về liêu ngủ. Trong Tùng lâm đây là việc hết sức nghiêm trọng, có thể bị bác đơn; khai trừ. Tôi vì nóng ruột mẹ hiền buồn thảm, mãi lo an ủi nên quên béng hết, giờ thấy tình thế khẩn trương nghiêm trọng, tôi chỉ còn biết than thầm: “Thôi rồi! Không xong rồi! Phen này mình chết chắc rồi!”.

Tình hình đang rất khẩn trương, pháp sư Nguyệt Cơ chợt lên tiếng, ông bảo mọi người :

– Hồi hôm này chú nhóc ở tại phòng tôi đấy mà!

Sư giám thị nghe qua, hết đường luận tội, tôi cũng nhờ vậy mà không bị phạt, khi đó tôi chỉ là một nhóc tì sa di, pháp sư Nguyệt Cơ có thể chiếu theo qui củ mà khai trừ tôi, nhưng do ông thông cảm tình mẫu tử chúng tôi, nên đã lanh trí giải nguy, khiến tôi tri ân vô ngần.

Tôi nghĩ: “Tục tình không thể nào nồng hậu hơn tăng tình, không thể nào “hữu tình hữu nghĩa” bằng người xuất gia, thậm chí còn vượt hẳn tình cảm “hữu cầu hữu thủ”  (mong cầu và chấp thủ) của thế gian.

Vì tình nghĩa đó, năm 1954, Tinh Vân nghe nói pháp sư Nguyệt Cơ  ở Hồng Kông không người chăm sóc, Ngài đã lo đủ cách để rước pháp sư sang Ðài Loan. Năm ấy, đúng lúc khánh thành “Phật Giáo Ðường Cao Hùng”, Tinh Vân liền mời pháp sư đảm nhiệm chức Trụ trì. Về sau, những năm cuối đời pháp sư Nguyệt Cơ bị bịnh nhiều, Tinh Vân đã mấy bận nửa đêm đưa Ngài đi bác sĩ, lo phí tổn, chăm sóc tận tụy cho đến lúc pháp sư mất. Sau khi pháp sư qua đời, Tinh Vân đem hài cốt Ngài về Thê Hà Sơn, xây tháp thờ.

Từ câu chuyện nhỏ thời niên thiếu ấy, có thể thấy phong cách “hữu tình hữu nghĩa” mẫu mực của Ðại sư, có thể thấu đáo tư tưởng “nhận ân như giọt nước, báo đáp như suối nguồn” của Ngài trong thực tế. Các đệ tử nghe kể chuyện Ngài với pháp sư Nguyệt Cơ, đều xúc động. Thế nhưng sư phụ chỉ nhẹ nhàng nói:

Tôi bất quá chỉ là nhớ ân, mong đền đáp được nghĩa ân ngày ấy, nghĩa tình của pháp sư Nguyệt Cơ tôi khắc ghi mãi trong lòng, luôn mong có dịp được thể hiện lòng tri ân bằng hành động, đó chỉ là đạo lý hữu tình hữu nghĩa mà thôi!

Tiến thêm nữa, chính là từ bi

Xúc động, ái tiếc, hữu tình hữu nghĩa”, thêm nữa là lòng từ bi. Bởi vậy, nếu không cảm động, không ái tiếc, thì không có thế giới tình nghĩa và cũng không thể có từ bi – đây là tư tưởng hết sức quan trọng trong “Phật Giáo Nhân Gian”. Từ bi, chẳng phải là xả bỏ tất cả tình nghĩa mớiø đạt được; mà chính là tình nghĩa nhân gian được hiểu đúng đắn, thấu đáo và khai triển rộng ra, thăng hoa lên.. mới đạt thành.

 Ðại sư nói:

– Ðến chùa ta thường thấy câu đối: “ Mạc hiềm Phật môn trà thủy đạm, tăng tình bất tỷ tục tình nồng” (chớ hiềm Phật môn trà nước nhạt, tăng tình bất sánh tục tình nồng).

Tăng tình mặc dù chẳng nồng hậu giống như tục tình, nhưng là thứ tình cảm đã được tịnh hóa: là quan tâm trong trầm mặc, quan tâm đến vị lai, quan tâm trong vô nhiễm; là trao cho lòng quan tâm, hoan hỉ, cảm thông, trao cho lòng yêu thương bình đẳng.. đây là tình cảm hết sức cao cả, chân thật, chí thành… Thế nên: “vô tình” của tăng tình là không có tình cảm chấp trước, “hữu tình” của tăng tình là cái nhìn bình đẳng, xem tất cả chúng sinh là cha mẹ, anh chị em, ai ai cũng là quyến thuộc Bồ-đề.

Theo Phật giáo, về lý, thì thế gian hữu tình là thế gian ngũ trược, là thế gian có thiếu sót, không phải là thế gian hoàn mỹ; song ta có thể dùng sự ấm áp của tình nghĩa mà tẩy đục thành trong, vì chỉ có “ái tiếc” và “cảm động” mới có thể bù đắp cho những thiếu sót kia, chỉ có từ bi mới bổ khuyết những cho những gì không hoàn mỹ, giúp nhân gian sống đẹp, lợi ích viên mãn. Như vậy “Tình nghĩa, ái tiếc, cảm động” không phải chỉ dành cho người đời, màø từ bi cũng không phải là đức tính dành riêng cho người xuất gia. Song, người xuất gia còn là bậc thầy của trời người nên càng phải ý thức và hiểu rõ về tình cảm nơi nhân gian hơn, mà cư xử cho thấu đáo, sao cho người và mình cùng đạt được giải thoát rốt ráo.

Hữu tình biến khắp tất cả

Ðại sư giải kết luận:

– Có biết quí tiếc, mới biết ái! Cảm động là đức tính đẹp nhất thế giới!

– Cùng gieo duyên pháp lữ với người, đồng sáng tạo cõi nhân sinh “hữu tình hữu nghĩa”

– Một cá nhân có thể không có gì, nhưng không thể không có lòng từ bi!

Những câu này là phương châm của Ðại sư, là vốn sống được rút ra từ kinh nghiệm quý báu cả đời Ngài, truyền lại.

Tôi nhớ Ðại sư từng viết: “Hữu tình hữu nghĩa” không phải chỉ đối với người, mà là chan rải khắp tất cả:

“Chỉ cần ta lấy lòng từ bi đối vật, có lòng ái hộ trân quí, thì hoa cỏ cây cối có thể đáp lại ta bằng sự xinh tốt phồn thịnh, côn trùng chim chóc cũng sẽ vui hót tặng ta những lời êm tai.

Chỉ cần ta lấy lòng từ bi ứng thế, không cầu đáp lại, vinh nhục được mất gì cũng đều giúp ta tăng trưởng thượng duyên, thì chúng sinh trong thiên hạ đều sẽ biến thành pháp lữ quyến thân của ta.

Nếu như chúng ta có thể dùng lòng chân thành chí thiết của đức từ bi mà tiếp đãi, nhìn sự vật bằng nhãn quang từ bi, dùng lòng từ bi thốt ra lời tùy hỉ tán thán, dùng đôi tay từ bi làm Phật sự.. được vậy thì bất kể ta đi đến đâu, dù bản thân ta không có một vật sở hữu, song tất cả đều đủ cho ta an thân lập mệnh.

Văn bút tuyệt vời này của sư phụ được phát xuất từ tâm linh ưu mỹ của Ngài, càng ngẫm nghĩ, càng thấy cảm động thấm thía.

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận