Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG XVI: THA THIẾT PHÚ CHÚC
Đoạn văn diễn bày: Đức Như Lai Thích Ca chọn danh hiệu đức Phật A Di Đà, tha thiết phú chúc cho các đệ tử, như Tôn giả Xá-lợi-phất v.v…
“Kinh A Di Đà” dạy rằng: Khi đức Phật thuyết giảng Kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng các vị Tỷ-kheo, hết thảy Trời, Người, A-tu-la v.v… được nghe đức Phật giảng dạy, đều rất hoan hỷ tin tưởng thọ trì, rồi đảnh lễ đức Phật ra về.
Trong “Pháp Lễ Tán” Đại sư Thiện Đạo giải thích đoạn văn trên như sau:
Thời pháp, Thế Tôn sắp kết thúc,
Tha thiết phú chúc hiệu Di Đà,
Thời năm trược tăng nhiều nghi báng,
Đạo đời đều ghét chẳng cần nghe,
Thấy người tu, khởi tâm sân dữ,
Tìm cách phá, tranh nhau trút hận,
Hạng người mù – Nhất-xiển-đề kia,
Diệt đốn-giáo mãi bị trầm luân,
Kinh qua số kiếp hơn các bụi,
Ba đường ác chẳng thể thoát ly,
Thành tâm đại chúng đồng sám hối,
Xưa nay đã phá hoại pháp mầu.
Nói thêm rằng: Theo ý tứ trong ba Kinh, khi xét về các pháp tu tập, thì pháp Niệm Phật được chọn lựa làm tông chỉ.
Trước hết, trong “Hai quyển Kinh” có ba cách lựa chọn: Thứ nhất, lựa chọn theo Bổn nguyện; thứ hai, lựa chọn theo sự Tán thán; thứ ba, lựa chọn theo pháp tu được Lưu lại.
– Thứ nhất, “Lựa chọn theo Bổn nguyện”: Pháp Niệm Phật là pháp tu để vãng sanh được Tỷ-kheo Pháp Tạng lựa chọn trong hết thảy pháp tu của Hai trăm mười ức thế giới của chư Phật. Ý thú vi tế này đã được trình bày ở trước – Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo Bổn nguyện”.
– Thứ hai “Lựa chọn theo sự Tán thán”: Trong Ba bậc vãng sanh đã trình bày ở trước, dù có trưng dẫn pháp tu khác như phát Bồ Đề tâm v.v… nhưng đức Phật Thích Ca không tán thán các pháp tu khác, chỉ duy nhất chọn pháp Niệm Phật mà tán thán rằng: “Nên ghi nhận rõ, chỉ niệm Phật một niệm sẽ có công đức Vô Thượng” – Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo sự Tán thán”.
– Thứ ba, “Lựa chọn theo pháp tu được Lưu lại”: Như trước có trình bày các pháp tu Định thiện, Tán thiện; nhưng đức Phật Thích Ca chỉ lựa chọn một pháp Niệm Phật để lưu lại – Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo pháp tu được Lưu lại”.
Kế đến, trong “kinh Quán Vô Lượng Thọ” cũng có ba cách lựa chọn: Thứ nhất, lựa chọn theo sự Thâu nhiếp; thứ hai, lựa chọn theo sự Hóa thân và Tán thán; thứ ba, lựa chọn theo sự Phú chúc.
– Thứ nhất: “Lựa chọn theo sự Thâu nhiếp” : Trong “kinh Quán Vô Lượng Thọ” tuy có xiển dương Định thiện, Tán thiện; nhưng hào quang của đức Phật A Di Đà chỉ soi chiếu những hành giả niệm Phật, thâu nhiếp liên tục không gián đoạn – Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo sự Thâu nhiếp” .
– Thứ hai, “Lựa chọn theo sự Hóa thân và Tán thán”: Những người vãng sanh vào Hạ phẩm Thượng sanh (Sanh vào phẩm Thượng bậc Hạ), dù có thực hiện hai pháp là nghe Kinh và niệm danh hiệu đức Phật; nhưng đức hóa Phật Di Đà chỉ lựa chọn pháp Niệm Phật như đã ghi ở trước là: “Vì ông xưng niệm danh hiệu đức Phật nên các tội chướng được tiêu trừ, Ta đến nghinh đón ông đây.”- Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo sự Hóa thân và Tán thán”.
– Thứ ba, “Lựa chọn theo sự Phú chúc”: Lại nữa, tuy có xiển dương các pháp Định thiện, Tán thiện; nhưng đức Phật Thích Ca chỉ duy nhất phú chúc một pháp Niệm Phật-Do thế mưới bảo là “Lựa chọn theo sự Phú chúc”.
– Lại nữa, trong “kinh A Di Đà” cũng có một cách lựa chọn; đó là, “Lựa chọn theo Chứng thật”. Trong nhiều Kinh đã trình bày rất nhiều các pháp tu tập để vãng sanh, nhưng chư Phật trong sáu phương không chứng thật các pháp ấy. Khi Kinh này trình bày pháp tu Niệm Phật để vãng sanh, thì vô lượng vô số chư Phật trong sáu phương, vị nào cũng hiện tướng lưỡi rộng dài, che phủ cả một ngàn triệu thái dương hệ, nói lời thành thật để chứng thật pháp Niệm Phật – Do thế mới bảo là “Lựa chọn theo Chứng thật”.
– Nói thêm rằng: Trong “kinh Bát Chu Tam Muội” cũng có một cách lựa chọn; đó là, “Lựa chọn niệm Danh hiệu”. Đức Phật A Di Đà tự dạy rằng: “Muốn vãng sanh về thế giới của Ta, thì phải thường xuyên xưng niệm danh hiệu của Ta, chớ để gián đoạn” – Do thế mới bảo là “Lựa chọn niệm Danh hiệu”.
Như vậy:
– “Lựa chọn theo Bổn nguyện, lựa chọn theo sự Thâu nhiếp, lựa chọn theo sự Hóa thân và Tán thán và lựa chọn niệm Danh hiệu” là bốn sự lựa chọn của đức Phật A Di Đà.
– “Lựa chọn theo sự Tán thán, lựa chọn theo pháp tu được Lưu lại, lựa chọn theo sự Phú chúc” là ba sự lựa chọn của đức Phật Thích Ca.
– “Lựa chọn theo sự Chứng thật” là sự lựa chọn của vô số chư Phật trong sáu phương.
Qua đây, đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà và vô lượng vô số chư Phật trong mười phương đều nhất quán chỉ lựa chọn một pháp Niệm Phật, còn các pháp tu khác không lựa chọn; chính thế, hành giả cần hiểu rằng, ba Kinh đều lựa chọn pháp Niệm Phật để làm tông chỉ.
Tựu trung:
Muốn sớm lìa sanh tử,
Trong hai pháp ưu việt,
Nên buông Thánh Đạo môn,
Chọn tu Tịnh Độ môn.
Muốn tu Tịnh Độ môn,
Trong hai hạnh Chánh-Tạp,
Nên rời các Tạp hạnh,
Chọn quay về Chánh hạnh.
Muốn tu theo Chánh hạnh,
Trong hai nghiệp Chánh-Trợ,
Nên xem nhẹ Trợ nghiệp,
Chọn chuyên Chánh định nghiệp.
Gọi là Chánh định nghiệp,
Chính là niệm hiệu Phật,
Niệm Phật hẳn vãng sanh,
Vì đúng Bổn nguyện Phật.
Hỏi: Các Đại sư của những tông phái, như Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Chân Ngôn, Thiền Môn, Tam Luận, Pháp Tướng v.v… đều có viết các tập sớ trình bày về pháp môn Tịnh Độ, tại sao không y cứ vào các Đại sư ấy mà chỉ nương tựa một mình Đại sư Thiện Đạo?
Đáp: Các Đại sư ấy mặc dù có viết các tập sớ về Tịnh Độ, nhưng không dùng giáo nghĩa Tịnh Độ để lập tông; do thế, không thể y cứ vào các Đại sư ấy. Riêng Đại sư Thiện Đạo, Ngài lấy giáo nghĩa Tịnh Độ để lập tông mà không dùng giáo nghĩa của Thánh Đạo môn; chính thế, cần phải nương tựa Đại sư.
Hỏi: Tổ sư của Tịnh Độ tông rất nhiều, như Đại sư Ca Tài ở chùa Hoằng Pháp, Tam tạng Từ Mẫn v.v…, tại sao không y cứ các Đại sư ấy mà chỉ ngưỡng mộ một mình Đại sư Thiện Đạo?
Đáp: Các Đại sư ấy dù là các bậc Tôn sư trong Tịnh Độ, nhưng chưa chứng đắc Tam-muội, riêng Đại sư Thiện Đạo vốn là vị đã chứng đắc; thế nên, cần được ngưỡng mộ nương tựa.
Hỏi: Nếu căn cứ vào sự chứng đắc Tam-muội, thì Đại sư Hoài Cảm là vị đã chứng đắc, tại sao không y cứ nương tựa?
Đáp: Đại sư Thiện Đạo là bậc Thầy, Đại sư Hoài Cảm là Đệ tử, nên y cứ vào Thầy chứ không y cứ vào Đệ tử. Hơn nữa, sự giải thích của Đại sư Hoài Cảm về Tịnh Độ có nhiều sự trái ngược bất đồng; chính thế, không thể ngưỡng mộ y cứ Đại sư được.
Hỏi: Nếu y cứ vào Thầy mà không y cứ vào Đệ tử, thì Đại sư Đạo Xước là Thầy của Đại sư Thiện Đạo; hơn nữa, ngài Đạo Xước vốn là một vị Tổ sư của tông Tịnh Độ; vậy, tại sao không y vào Ngài?
Đáp: Dù rằng Đại sư Đạo Xước là bậc Thầy, nhưng chưa chứng đắc Tam-muội; thế nên, không biết có được vãng sanh hay không! Đại sư Đạo Xước từng hỏi ngài Thiện Đạo rằng: “Đạo Xước đã tu pháp Niệm Phật, không biết có được vãng sanh chăng?” Đại sư Thiện Đạo thưa rằng, Thầy lấy một hoa sen để trước tượng đức Phật rồi niệm Phật bảy ngày liên tục, nếu đóa hoa không héo tàn, thì có thể được vãng sanh. Đại sư Đạo Xước thực hiện đúng như thế, sau bảy ngày thì đóa hoa vẫn không vàng úa, Đại sư rất mừng rỡ về tương lai của mình; kế tiếp, Đại sư mời ngài Thiện Đạo nhập định để quán sát xem mình chắc chắn sẽ vãng sanh hay không! Ngài Thiện Đạo nhập định giây lát và thưa: Thầy nên sám hối ba tội mới có thể vãng sanh – Thứ nhất, Thầy thường tôn trí tượng ảnh đức Phật ở ngoài hiên nhà dưới cửa sổ, trong khi Thầy lại ở trong phòng sạch sẽ; thứ hai, Thầy thường sai khiến người xuất gia làm việc quá nhiều; thứ ba, Thầy tạo dựng phòng xá làm tổn thương nhiều loại côn trùng. Thầy nên hướng về trước mười phương chư Phật để sám hối tội thứ nhất, hướng về chư Tăng trong bốn phương để sám hối tội thứ hai, hướng về hết thảy chúng sanh để sám hối tội thứ ba. Đại sư Đạo Xước tư duy về hành động quá khứ của mình và xác nhận thực sự đã gây lỗi lầm như thế, rồi theo cách thức ấy mà thành tâm sám hối; sau đó, đến thăm ngài Thiện Đạo, bảo rằng, tội chướng của Thầy đã tiêu trừ rồi! Đến khi Đại sư Đạo Xước thị tịch, có một vầng hào quang trắng soi chiếu, đó là hành tướng biểu hiện sự vãng sanh của Đại sư.1 Qua đây, chứng tỏ rằng, Đại sư Thiện Đạo đã thành tựu Niệm Phật Tam-muội, kiến giải và sở chứng thật siêu việt, xứng đáng là một bậc Thầy của mọi người! Hơn nữa, người thời bấy giờ truyền tụng rằng: “Pháp của đức Phật từ khi truyền vào Trung Hoa đến nay, chưa từng có một vị Thiền sư hoàn mãn công đức như thế.”- Thật là một câu ca ngợi tuyệt luân, nếu không có thật chất mà được tôn xưng như thế ư! Thêm nữa, sau khi chạm khắc bài văn nói về quan điểm trước khi giải thích nghĩa lý của “Quán Kinh”, thì có nhiều điềm lành Thánh-Phật cảm ứng hóa hiện. Đã được Thánh-Phật âm thầm gia hộ, mới trước tác “Quán Kinh Sớ”, nên hết thảy mọi người mới gọi điều ấy là “Chứng cứ xác định tập sớ”, và ai cũng quý trọng tập sớ này xem như Kinh-Pháp do đức Phật dạy. Sự kiện huyền nhiệm ấy, trong quyển thứ tư của tập sớ ghi rằng:
Kính bạch tất cả quý vị Thiện tri thức… có duyên; tôi là kẻ phàm phu đang nằm trong vòng sinh tử, trí tuệ thì quá thô thiển yếu kém mà giáo pháp của đức Phật thì cực kỳ cao thâm, không dám tự ý giải thích tùy tiện, nên lập nguyện cầu sự linh ứng để xác định mục đích mới có thể khởi tâm giải trình. Chí tâm đem cả thân mạng quy y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương cùng tận không gian, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, chư Bồ Tát và đại chúng cõi Cực Lạc, cùng hết thảy sắc tướng trang nghiêm thế giới ấy. Giờ đây, con muốn giải thích những tư tưởng trọng yếu của “kinh Quán Vô Lượng Thọ”, để làm khuôn mẫu cho đời, nếu đúng với thệ nguyện đại bi của chư Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai, và đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Đà v.v… thì trong giấc mộng cho con được thấy hết thảy các sắc tướng của thế Cực Lạc như con đã phát nguyện trên. Sau khi lập nguyện trước hình tượng đức Phật, chính trong ngày ấy, tôi chí tâm phát nguyện tụng ba biến kinh A Di Đà và niệm ba vạn câu danh hiệu đức Phật Di Đà. Ngay trong đêm ấy, tôi bỗng thấy giữa bầu trời phía tây, tất cả các sắc tướng của thế giới Cực Lạc hiện ra đầy đủ như đã nguyện cầu. Chẳng hạn, núi báu với nhiều sắc màu hàng trăm hàng ngàn tầng, chiếu xuống mặt đất đủ vô số thứ ánh sáng, đất giống như vàng. Trên mặt đất có vô lượng chư Phật, chư Bồ Tát, hoặc ngồi hay đứng, hoặc đang trò chuyện hay im lặng, hoặc đang thao tác thân tay hay đang Thiền định. Khi thấy các sắc tướng ấy, tôi liền chắp tay đứng nghiêm trang chiêm ngưỡng, cân nhắc một hồi lâu mới thông hiểu, hiểu rồi không kềm chế được sự hân hoan đối với đường hướng sớ giải ý nghĩa kinh Quán Vô Lượng Thọ. Từ đây về sau, cứ mỗi đêm tôi thường mộng thấy một vị Tăng đến truyền dạy ý nghĩa sâu mầu của Quán Kinh, khi truyền dạy xong, hằng đêm không còn mộng thấy nữa.
Sau khi sớ giải hoàn tất, tôi lại phát tâm quy định thời gian bảy ngày, mỗi ngày tụng mười biến kinh A Di Đà và niệm ba vạn câu danh hiệu đức Phật Di Đà. Đầu đêm, cuối đêm tôi đều quán tưởng các sắc tướng trang nghiêm… của thế giới đức Phật Di Đà, thành tâm đem cả tánh mạng quy y Chánh pháp Vô Thượng nhất như, vào đêm ấy tôi lại mộng thấy ba cổ cối xay bằng đá2 đang chạy trên đường vắng vẻ. Bỗng nhiên, một người cưỡi lạc đà trắng đến trước mặt khuyên rằng: “Thầy hãy nỗ lực thì nhất định được vãng sanh, đừng bao giờ thối tâm; bởi lẽ, thế giới này chứa đầy ô-uế, độc ác, lắm chuyện khổ đau, không cần phải khổ công tham đắm níu kéo chúng”- Đáp rằng: “Nhờ ân đức của Hiền giả đã có thiện tâm dạy bảo minh bạch, con nguyện lấy thời gian trọn đời làm giới hạn, không bao giờ dám khởi lên tâm nguyện giải đãi thối lui v.v…” Đến đêm thứ hai, tôi lại mộng thấy chơn thân với sắc tướng như vàng ròng của đức Phật A Di Đà, đang thiền tọa trên đài hoa sen vàng dưới bảy hàng cây báu, xung quanh đức Phật có mười vị Thánh Tăng, mỗi vị đang tọa thiền dưới một cây báu, trên các cây báu mà đức Phật đang an tọa, xung quanh treo vô số vải trời; đức Phật và mười vị Thánh Tăng hướng về chánh Tây mà thiền quán. Đến đêm thứ ba, tôi lại mộng thấy hai cây cờ rất cao và to rộng, cờ có năm màu đang tung bay xuôi ngược giữa đường, ai ai cũng trong thấy rõ ràng. Sau khi mộng thấy ba sự kiện này, từ đây đến đêm thứ bảy không còn thấy nữa.
Sở dĩ có được những điềm lành linh hiển nói trên, vốn do tâm mà biểu đạt ra. Nhờ ân được thấy các hiện tướng ấy, tôi chẳng dám không thực hiện, nên trang trọng sớ giải ý nghĩa kinh Quán Vô Lượng Thọ trao đến cho thời Mạt pháp. Mong cầu bất cứ những ai được nghe biết đều khởi niềm tin, có đủ Chánh kiến quy hướng về Tịnh Độ. Nguyện đem công đức này, hồi hướng đến hết thảy chúng sanh, đều phát tâm Bồ Đề, đem tâm từ bi đối xử với nhau thì đức Phật sẽ thấy rõ; lấy Bồ Đề làm quyến thuộc, làm Thiện tri thức chân chính, đều vãng sanh về Cực Lạc, đều thành tựu Phật quả. Đây là ý nghĩa thỉnh cầu chư Thánh Phật hóa hiện để chứng thật cho tập sớ này. Qua đây, người viết sẽ trình bày nhất như với Kinh pháp, không dám thêm hay bớt một câu, một chữ nào. Mong độc giả tri tường.
Nghiêm túc để nhận xét, “Quán Kinh Sớ” của Đại sư Thiện Đạo là Chỉ nam để vãng sanh Cực Lạc, là mắt là chân của hành giả. Thế nên, là hành giả Tịnh Độ, hẳn nhiên cần tôn trọng trân quý! Tóm lại, mỗi đêm đều mộng thấy một vị Tăng đến truyền dạy ý nghĩa sâu mầu, vị Tăng này có thể là đức Phật Di Đà hóa hiện. Như thế, có thể nói tập sớ này là do “Đức Phật Di Đà lưu truyền”; thêm nữa, thời Đại Đường cũng truyền rằng: “Đại sư Thiện Đạo chính là đức Phật Di Đà hóa thân”. Qua đây, có thể khẳng định rằng, tập sớ giải này chính do “Đức Phật Di Đà thuyết giảng”, tương ứng như trên đã nói: “Sẽ trình bày nhất như với Kinh pháp”, đây là câu chứng thật điều ấy vậy.
Tựu trung, xét về bản thân bần đạo3 khi nghiên cứu về tập sớ giải “kinh Quán Vô Lượng Thọ”, với sự hiểu biết thì quá thô thiển, nhưng tâm niệm thì rất tha thiết chân thành để xác lập một lần nữa về hướng tu, là buông bỏ các pháp tu khác, trở về tu tập pháp Niệm Phật. Từ thời điểm ấy đến bây giờ, bần đạo tinh chuyên thực hiện và hướng dẫn mọi người cùng tu tập duy nhất chỉ là pháp Niệm Phật, và khi tu tập pháp Niệm Phật ít ai thắc mắc bến về là đâu; bởi lẽ, pháp Niệm Phật đã biểu thị bến về là Cực Lạc rồi!