SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch
CHƯƠNG 15: TRUYỀN THỪA
Ngày 12 tháng 02 năm 1985 là ngày trời xanh biêng biếc, thật trong và quang đãng. Ðại sư Tinh Vân tuyên bố thoái vị, chính thức giao Phật Quang Sơn lại cho Hòa thượng Tâm Bình.
Sau đó Ngài một mình một áo cà sa, ung dung rời núi, mấy ngàn đệ tử quỳ tiễn đưa, có người sụt sùi, lệ tuôn như mưa. Ðối với đệ tử Phật Quang Sơn, việc Ðại sư thoái vị đã nằm trong dự liệu, bởi vì sư phụ một đời theo lý tưởng dân chủ hóa, hiện đại hóa tự viện và Ngài đã thể hiện bằng hành động thực tiễn đầy tự tin.
Ðại sư mới vừa qua sinh Nhật 60, trong lịch sử cao tăng Trung quốc, tuổi 60 là lứa tuổi mà sự tu hành và kiến giải thông tuệ đạt đến đỉnh điểm, Ðại sư Tinh Vân cũng đang ở trên đỉnh cao này, đang đứng trên đầu sào trăm trượng, đột nhiên Ngài tuyên bố thoái vị, khiến cho hàng đệ tử luyến tiếc không nguôi.
Nếu như chúng ta từng theo sát tư tưởng và nhân cách của Ngài, ắt sẽ hiểu việc Ðại sư thoái vị là điều tất nhiên.
Ðường hướng vạch sẵn
Lý tưởng của Ðại sư đến giờ, nền tảng gầy dựng đã vững lắm rồi. Tại Phật Quang Sơn, các sự nghiệp giáo dục, văn hóa, từ thiện gì đều đã thuần thục và nằm cả trong vòng quay thuần thiện. Dù Ðại sư Tinh Vân là nhân vật quan trọng yếu mà không còn ngồi tại vị thì mọi việc cũng có thể vận chuyển vô ngại. Sứ mệnh Ngài xem như đã hoàn thành. Là người có hoài bão lớn, chí khí cao, Ngài xét thấy đã đến lúc nên thoái vị buông bỏ để tiến sâu hơn vào thế giới bao la.
Từ Ngài thoái vị, mười mấy năm sau Phật quang bừng chiếu khắp thế giới. Màn thoái vị của Ðại sư, có người mười năm sau mới hiểu ra, giây phút thoái vị ấy chính là: “Lùi hóa ra lại tiến lên trước” đây là phương hướng vạch sẵn của một bậc đại trí.
Theo Phật chế, thầy trò tiếp nối truyền thừa, Chỉ cần có nhân tài, chỉ cần có chế độ, thì trụ trì thoái vị cũng là lẽ thường tình.
Thường giới Phật giáo truyền thống, do tập quán huân quen, trụ trì các tự viện thường tại chức đến mãn đời, Bởi không ai thoái vị nên tập quán này tích lâu thành tập tục tệ kéo dài suốt mấy mươi năm, gây ảnh hưởng rất sâu.
Ðại sư Tinh Vân vui vẻ thoái vị trao gậy chưởng môn, làm gương cho nền Phật giáo dân chủ. Tôn giáo không thể phát triển ngoài xã hội, tôn giáo cần phát triển để hướng dẫn xã hội tiến lên kịp với thời đại dân chủ hóa, Ðại sư đãø dân chủ hóa một cách thực tiễn, vì Ngài đã tiên liệu trước, đi trước thời đại.
Sau khi Ðại sư tuyên bố thoái vị không lâu, đức Ðạt Lai Lạt Ma trong lúc diễn giảng ở mỹ cũng tuyên bố:
– Ðạt Lai Lạt Ma đời kế tiếp không cần phải hóa thân truyền thừa như thế này nữa, mà sẽ do chế độ bầu cử chọn ra.
Nhìn theo xã hội, Ðại sư Tinh Vân thoái vị đã khai thị và giáo hoá rất tốt cho những người có thói quen sở hữu.
Ngài dạy những người ưa sở hữu, rằng không nên bám víu quyền uy chuyên chế, độc đoán độc tài; mà nên buông bỏ, vì nhân sinh chỉ là một cuộc bể dâu, nếu như có thể tùy duyên buông xả, buông bỏ kịp lúc thì chẳng phải là sẽ thong dong tự tại lắm sao?
Chế độ truyền thừa và nhân tài
Các tự viện dễ suy vi nguyên nhân lớn nhất là không có người kế nghiệp.
Ðây là lý do vì sao các tiểu thuyết võ hiệp thường viết: mỗi khi Thiếu Lâm tự xảy ra pháp nạn thì luôn nhằm vào lúc sư Trụ trì đang bế quan.
Thứ đến là, vì không có chế độ truyền thừa.
Ðây là lý do vì sao nhiều ngôi chùa cổ lừng danh trong lịch sử một khi thay trụ trì thì đạo phong chìm lặn, thanh danh mai một.
Ðại sư Tinh Vân có thể ung dung thoái vị, là vì Ngài đã tiên liệu trước, đã nhìn xa, trông rộng. Ngài đã từng lao tâm khổ trí đào tạo nhân tài cho Phật giáo, nên người tiếp nối dưới trướng Ngài dĩ nhiên là có rất nhiều. Các tự viện Ðài Loan quả thật may mắn khi có được một bậc thầy biết lo liệu trước, khéo chuẩn bị cho chế độ kế thừa dân chủ trong Phật giáo.
Thí dụ như, Phật Quang Sơn trên toàn thế giới có hơn trăm Ðạo tràng, mỗi một vị trụ trì Ðạo tràng đều có khả năng đảm đương trọng trách, thế thì không những Ðại sư Tinh Vân thoái vị, mà cho dù các trụ trì ấy thoái vị, thì ít nhất cũng có cả trăm vị nhân tài hậu bối tiến lên tiếp gậy, gánh vác chức vụ; đây là sự thành công không ngờ, nhìn vào trong lịch sử xưa nay trong Tùng lâm, cũng hiếm thấy được như thế.
Trừ nhân tài ra, chế độ cũng rất quan trọng, do từ bốn mươi năm về trước, Ðại sư Tinh Vân đã bỏ công tham chiếu các chế độ Tùng lâm cổ đại, cộng thêm tư tưởng hiện đại hóa, quốc tế hoá, vị lai hóa, và sáng kiến lập “Thanh Qui Tông Phong Phật Quang”, cho nên dù có gặp hoàn cảnh nổi trôi biến động như thế nào, thì lớp nhân tài Ngài đào đạo vẫn có khả năng kế tục truyền thừa miên viễn, chế độ này hết sức tinh tế và hoàn bị, không những đã kinh qua bao khảo nghiệm của thời gian, mà còn và được phát huy khắp bốn biển thật chu đáo.
Ðại sư Tinh Vân nói:
– Những tự viện thuộc phái Phật Quang Sơn mười mấy năm sau khi tôi thoái vị đã phát triển cực nhanh, mỗi năm đều có lập thêm vài Ðạo tràng và tự viện mới. Ðây không phải do chúng tôi có ý mở rộng, mà là do có những cơ sở kinh doanh không phát nên họ tình nguyện giao cho Phật Quang Sơn kinh doanh vô điều kiện. Còn có nhiều cơ sở nhà đất của tín đồ, muốn hiến cho chúng tôi lập Ðạo tràng, vì sao họ tình nguyện hiến cúng nhiều tài sản to tát cho Phật Quang Sơn như thế? Bởi vì họ biết chúng tôi có nhân tài và một chế độ hoàn thiện tốt. Mấy năm nay tôi xem ra các Ðạo tràng đã bành trướng quá mức rồi, nên phải từ chối những đề nghị hiến tặng của người, nếu không thì Ðạo tràng Phật Quang Sơn này còn mọc hà sa.
Sự thật đã chứng minh, những người xin hiến cúng Ðạo tràng ấy thừa biết, một khi giao cho Phật Quang Sơn tiếp quản; Ðạo tràng tức khắc sẽ đổi mới, sẽ hừng thịnh; đạo phong sẽ phát sáng rỡ ràng.
Muốn hiểu sự thành công về truyền thừa của Phật Quang Sơn, tất nhiên phải tìm hiểu “Chế độ truyền thừa và nhân tài”.
Nhìn sự phát triển của “Phật Giáo Nhân Gian”, sẽ hiểu cách Phật Quang Sơn đào tạo nhân tài, gầy dựng chế độ; cũng như cách đặt nền tảng, gầy dựng đường lối tốt nhất cho tiền đồ Phật giáo.
Ðại sư nói:
“Tôi ấu niên xuất gia, theo học ngót mười mấy năm trong Tùng lâm truyền thống. Những cái hay trong Tùng lâm là: mài dũa tu hành, rèn tính khiêm cung vô ngã và đào luyện tình thầy trò, un đúc cho người có hoài bão thiết tha. Nhưng Tùng lâm cũng có nhiều điều không hay như: lạc hậu, thủ cựu, cố chấp cứng ngắc; không linh động uyển chuyển, lại còn nhiều điều không hợp với tình người. Vấn đề lớn hơn nữa là, hệ thống tu tập của những ngôi chùa cổ trong thâm sơn, cứ khư khư quan niệm: trong chùa cái gì cũng tốt, và ngoài xã hội cái gì cũng xấu, toàn là “thú dữ sóng cuồng”!
Từ kinh nghiệm tham học trong chùa, đã giúp tôi ngộ sâu sắc rằng “nhân tài là tài sản tối quan trọng của Phật giáo”. Chỉ cần không ngừng đào tạo phát triển nhân tài, thì chắc chắn tiền đồ Phật giáo sẽ xán lạn. Thế nhưng làm thế nào để phát huy nhân tài đây? Nhất định phải đem cái tốt trong Tùng lâm và cái tốt trong xã hội kết hợp lại với nhau, để giúp nhân tài Phật giáo không những có phẩm cách tu hành truyền thống, mà còn hội đủ tính cách hiện đại của nhân gian. Không riêng gì mặt tu hành, mà kể cả các khả năng chuyên môn trong xã hội họ cũng được vun bồi đầy đủ. Không phải chỉ để lãnh đạo chúng, mà đối với mọi việc họ đều có khả năng gánh vác viên dung.
Phân định thứ bậc nghiêm minh
Ðể giúp nhân tài không ngừng phát triển, Phật Quang Sơn thành lập “Hội Ủy Viên Tông vụ”. căn cứ vào các năng khiếu họ sở hữu về học thuật, niên giám, kinh lịch, giới lạp, học vấn và các công hạnh sự nghiệp cống hiến mà phân định thứ bậc của tăng chúng theo chế độ thăng cấp.
Ðồ chúng xuất gia được chia ra năm cấp:
Thanh tịnh sĩ: gồm sáu bậc; mỗi bậc từ một năm đến hai năm.
Học sĩ: gồm sáu bậc; mỗi bậc từ hai đến ba năm.
Tu sĩ: gồm ba bậc, mỗi bậc từ bốn đến năm năm.
Khai sĩ: gồm ba bậc; mỗi bậc từ năm năm đến mười năm.
Ðại sư(1): (Trưởng Lão)
Ngoài ra còn sáng lập thể chế “sư cô”(2), “giáo sĩ” cho chúng tại gia. (Tức người ở núi phát tâm tu hành chưa thọ giới xuất gia). Ðược phân làm ba bậc:
Thanh tịnh sĩ: gồm sáu cấp; mỗi cấp từ một năm đến ba năm.
Học sĩ: gồm ba cấp; mỗi cấp từ ba năm đến sáu năm.
Tu sĩ: gồm ba cấp, mỗi cấp từ năm năm đến sáu năm.
Chiếu theo thể chế này, các nhân tài kiệt xuất có thể theo đó tuần tự thăng cấp, chức vị đạt đến tối cao là Ðại sư, Trưởng Lão.
Thế nhưng chẳng phải ai cũng có thể thăng cấp, nếu như năm và giới lạp đã đủ mà chưa có biểu hiện gì đặïc biệt thì không đủ tiêu chuẩn để thăng cấp, và sẽ được lưu ở bậc “An sĩ”, thí dụ như: “Thanh An Sĩ”, “Học An Sĩ”, “Tu An Sĩ”..
Ðây là cách thức chế định đẳng cấp lập ra theo thứ tự, nhằm tránh điều tệ lậu từng xảy ra trong Phật giáo truyền thống. Thí như có một số người xuất gia, học nghiệp, đạo nghiệp, sự nghiệp đều chưa có điểm nào đàng hoàng, nhưng vừa thế phát xong thì làøm Lão Sư ngay, thậm chí còn truyền thọ giới pháp thu đồ chúng riêng, hoặc tự khoe mình thần thông, xưng là Ðại sư.. Phật Quang Sơn tuyệt đối không để phát sinh tệ trạng này.
Chúng tôi khuyến khích đồ chúng tu học, hi vọng họ có học lực tốt, đối với kinh luận, diễn giảng, sáng tác.. đều có sự thể nghiệm xác thực, tâm đắc. Chúng tôi khuyến khích đồ chúng thăng tiến, thành tựu sự nghiệp, đào tạo và giúp họ đạt được thành công trong xã hội, đây cũng là điều kiện quan trọng trong quá trình thăng cấp.
Chúng tôi rất chú trọng việc tu: “Thời khóa công phu phải tinh tấn không lười, thọ trai sáng phải đến dự, học viên tuân thủ điều luật sinh hoạt, giữ oai nghi tôn nghiêm, hợp giới qui”.
Ðại sư nói:
– Ðây là những điều tối cơ bản, còn đối với chúng thường trụ, đối với Phật giáo, đối với sự nghiệp hoằng pháp.. mỗi cá nhân đều phải có cống hiến. Về nhân phẩm, đạo đức, công hạnh tu, không thể không cóù đột phá, và tất cả đều phải trải qua sự khảo hạch kỹ lưỡng.
Ðức Phật đào tạo tinh thần tăng đoàn
Phật Quang Sơn tuy có chế độ thăng cấp theo thứ bậc, song trong tăng đoàn thì bình đẳng. Tất nhiên là bắt buộc phải có một số nguyên tắc để người nào muốn tu là phải tuân thủ, nhưng đây cũng là tham chiếu theo cách Ðức Phật đào tạo tinh thần tăng đoàn mà định lập.
Ví dụ như để đào luyện tính khiêm cung thì phải xem:
Người là nhất, người là lớn, mình là thứ!.
Ðại sư nói:
Vào thời đại Ðức Phật, tăng đoàn vốn là chúng có tinh thần hòa hợp, là một đoàn thể thanh tịnh vui hòa. Nếu như trong tăng đoàn không đào luyện được tinh thần vô tư vô ngã, thì khó mà thực hiện thành công tâm nguyện phổ tế xã hội. Ðây là lý do vì sao tôi đề xướng “Triết học lão nhị” (nguyện làm phận thứ). Ðối với đạo nếu ta không thực hành ngay nơi bản thân mình thì chẳng thể nào hưởng được lợi ích của giáo pháp chân chánh.
Tiếp đến, chúng Phật quang trong thì phải tuân theo “Lục Hòa”, ngoài thì phải hành “tứ nhiếp”.
Lục Hòa là tinh thần căn bản của tăng đoàn ngày xưa, gồm có 6 điều:
1- “Kiến hòa đồng giải”: Tư tưởng thống nhất, kiến giải cùng xẻ chia.
2- “Lợi hoà đồng quân”: Người có tiền phải giúp người nghèo khổ, người mạnh phải giúp đỡ người yếu, để ai nấy đều có thể sống an ổn thư thái. Kinh tế chia đều.
3- “Giới hòa đồng tu”, là pháp chế bình đẳng
4- “Ýù hòa đồng duyệt”: Trong đời sống thường ngày, mọi người cần mở lòng hỉ xảû, đối nhau tâm ý hài hòa, không nên so đo nhân ngã, được mất; không nên tính toán thị phi lợi hại. sống vui hòa được với nhau thì đấy mới là tịnh độ, thiên đường.
5- “Khẩu hòa vô tránh”: Người người cùng chung ở, thường xảy ra những đụng chạm không vui, nếu có việc không hay xảy ra, đa phần đều phát xuất từ ngôn ngữ. Bởi vậy, biết nói lời dịu dàng thành thực, xử sự ân cần, thì mọi người có thể chung sống thuận thảo hoà bình.
6- “ Thân hòa đồng trụ”: Mọi người có duyên tụ hội ở chung, cần sống hài hoà vui vẻ. Anh giúp tôi, tôi giúp anh; anh kính tôi, tôi quí anh; đồng cư bình đẳng, sinh hoạt bình đẳng.
“Tứ nhiếp”: là thái độ hành xử quan trọng của Bồ-tát đối với chúng sinh, như ø: “bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”.
Ðại sư nói:
Trước tiên, bàn về bố thí. Có lẽ sẽ có người cho là: “Tôi không có tài sản, cũng không biết thuyết pháp, thì làm sao tôi có thể bố thí? Làm sao kết duyên cùng người?
Thật ra, pháp môn bố thí dễ dàng lắm. Thí dụ như: đang đi trên đường, tình cờ gặp người, ta tặng người nụ cười, hoặc gật đầu chào, đây cũng là bố thí. Mở miệng hỏi thăm một câu, nói một lời chào, dùng miệng thốt ra lời quan tâm người, vấn an người, cho người lời hoan hỉ, những cái này đều là bố thí mà không phải tốn tiền gì, ai ai cũng có thể thực hành pháp bố thí này.
Giả như có người cho rằng: mỉm cười với người, cười không nổi; gật đầu với người, không quen làm; còn quan tâm hỏi han? – khó nói ra lời! – Chẳng hề chi! Quí vị có một trái tim mà! Hãy dùng con tim chân thành hành bố thí. Khi thấy người lễ phép chào hỏi nhau, lòng ta nên hoan hỉ; thấy người bố thí, làm lành, ta nên hoan hỉ. Ðây gọi là bố thí hoan hỉ.
Sự thật thì, tạo công đức bố thí trong đời sống thương nhật là việc rất dễ, tùy miệng bố thí, tùy tay bố thí, tùy ý bố thí, tùy hỉ bố thí, tùy tâm bố thí, chẳng cần phải tiêu tốn nhiều tiền bạc; tùy thời tùy chỗ mà tạo công đức này.
Bình thường tôi rất xem trọng sinh hoạt nhân sinh. Sỡ dĩ tôi đề xướng áp dụng giáo lý Phật vào cuộc sống, không phải để làm điều gì xa vời cao siêu, mà là thực hiện những gì liên quan đến đời sống hằng ngày. Chẳng hạn như áp dụng bố thí, chỉ cần ta vận dụng tâm tư, chịu khó động não, chân thành thể hiện, thì chắc chắn là đến đâu cũng được như ý, còn rộng kết duyên cùng người.
Ngoài ra, còn có “ái ngữ, đồng sự, lợi hành”.
“Ái ngữ”: là cho người lời lành, lời thân thiện, lời dịu dàng. Dùng lời khuyên thay vì trách. Hãy dùng ái ngữ để giúp đỡ người, cần gì phải nói lời như dao gươm để gây tổn thương, làm xúc não, gieo khổ đau cho người?
“Ðồng sự”: nghĩa là “Thiết thân xứ địa” (đặt mình vào vị trí giống người). Chẳng hạn như anh kia là quân nhân, mà quí vị lại bàn kinh doanh với họ thì họ đâu hứng thú. Còn cô nọ phải quán xuyến việc gia đình, ta lại nhè bàn về chính trị, cô ta đâu có thích? Quí vị cần phải đặt mình vào vị của người, nghĩ cho người, hiểu những gì người cần, và dựa theo đó mà đưa Phật pháp vào.
“Lợi hành”: nghĩa là đem hết khả năng mình, làm những việc có lợi cho tha nhân. Phàm tất cả việc, chỉ cần ta nắm vững nguyên tắc: “thật tâm vì người”, biết dùng lòng thành khẩn, tâm hoan hỉ mà hành xử thì việc việc đều sẽ tốt đẹp.
Tăng đoàn Phật Quang sánh ngang Tùng lâm thời Ðường
“Một số người đến Ðạo tràng Phật Quang Sơn, đều cảm nhận được bầu không khí vui hòa thanh thoát ở đây, pháp sư dối với tín đồ cười nói vui vẻ, còn giữa pháp sư với nhau thì hoà hợp tràn đầy. Ðây đều nhờ vào kết quả của “Tứ nhiếp” và “Lục hòa”.
Mặc dầu không khí Phật Quang Sơn tươi tắn thoải mái, song nguyên tắc qui củ rất nghiêm. Như không được cạo đầu trễ hạn, không được nghỉ đêm ở nhà tục gia, không hùn tiền qua lại, không làm ô nhiễm tăng luân, không thu đồ chúng riêng, không tích trữ tiền bạc, không tạo chùa am riêng, không trục lợi tín đồ, không hoá duyên tư lợi, không ký gởi riêng tư, không tạo sản nghiệp riêng, không nấu nướng ăn riêng v.v…
Ðại sư nói:
Do đã thấy những tệ lậu từ trong Ðạo tràng Phật giáo nên tôi lập ra những điều luật này. Chẳng hạn như: Không thu đồ chúng riêng – vì đồ chúng Phật giáo hoàn toàn không thuộc về một cá nhân nào, mà thuộc về toàn thể Phật giáo. Ngày xưa trong Phật giáo lạm nhận đồ chúng, lạm truyền giới pháp, lạm thâu người bừa bãi, khiến tăng cách suy vi, giáo đoàn lụn bại.
Do đó tôi chủ trương các đệ tử xuất gia là thuộc hàng hậu bối, không thuộc riêng người nào. Thí dụ như đời thứ hai là sư phụ, thì đời thứ ba là đồ đệ. Còn đối với chúng đệ tử tại gia, thì tất cả những người xuất gia đều là sư phụ. Còn như tôi chẳng cho phép lập chùa riêng, là vì xưa kia thời Phật giáo hưng thịnh, cổ đức từng nói: “ Thà ở chùa lớn nằm ngủ, chứ không ở am nhỏ hành đạo”.
Bởi vì tại các Ðạo tràng lớn, sẽ giúp đào luyện tinh thần phụng hiến, mài giũa người học đạo. Còn sống ở am cốc dễ sinh ý mưu cầu lợi riêng, thủ lợi hưởng an. Bởi vậy mà mỗi khi Phật giáo suy vi, là do có một tịnh xá như thế được thành lập, dù trong đấy có dựng Phật đường, nhưng không thể thâu đơn nhận chúng, chẳng thể chuyên tâm hành đạo. Vì vậy tôi nghiêm cấm và hạn chế việc lập đạo tràng với ý đồ tư lợi và xác nhận Ðạo tràng Phật Quang Sơn quy mô hùng vĩ này là sở hữu chung của tất cả. Còn như tôi nghiêm cấm việc nấu nướng riêng; là vì xưa kia, các ngôi cổ tự Luật tông nổi danh như chùa “Long Xương” ở Giang Tô, Long Ðàm Bảo Hoa Sơn, xưa nay mỗi năm hai mùa Xuân, Thu đều có tổ chức truyền giới, chúng trụ cả ngàn người, nhờ nghiêm trì giới pháp nên được khen là Ðạo tràng mẫu mực. Nhưng không hiểu sao từ lúc chùa cho phép chúng, ngoài buổi thọ trai quả đường ra, mỗi người được quyền xài bếp nhỏ, được nấu thức ăn riêng. Kể từ đó, thời gian lâu dần, có người chẳng lên điện, chẳng đến dự Quả đường, có kẻ còn làm tiệc trong bếp đãi tân khách, lén hái măng chùa, lạm dụng dầu thường trụ. Tăng cách từ đó đọa lạc, phá hoại thể chế; cuối cùng Bảo Hoa sơn hết còn tôn nghiêm, còn thua cả một số chùa miếu nhỏ.
Ðại sư nói:
– Tự nấu ăn riêng, vốn là việc nhỏ; nhưng có thể phát sinh ra điều tệ lậu rắc rối cho tăng đoàn, còn những việc linh tinh khác cũng giống thế. Nếu không ngăn ngừa tai vạ trước thì cuối cùng sẽ khiến tăng đoàn chẳng giống tăng đoàn, mất đi phẩm cách, vậy thì còn nói đến truyền thừa gì nữa?
Nhìn chung đạo phong của Phật Quang Sơn, trừ kinh nghiệm sinh hoạt thuởø nhỏ Ðại sư Tinh Vân đã trải qua ở Ðại Tùng lâm ra, về tinh thần vẫn mang âm hưởng giáo đoàn thời nguyên thủy của Ðức Phật như: hi sinh, phụng hiến, nhẫn nại, từ bi, công chánh, vô tư, thành thật, uy tín, đôn hậu.. cũng chịu ảnh hưởng “quan điểm về nhân gian” của Thiền tông Lục Tổ, “Thanh Quy Tùng lâm” của Bách Trượng và Tông Phong Lâm Tế v.v.. ngoài ra Ðại sư còn thêm vào đấy những sáng kiến của mình, để tất cả cùng “dung hội quán thông” đểø cuối cùng hình thành một tăng đoàn Phật Quang Sơn sánh ngang với Tùng lâm thời Ðường.
Ðây là một tăng đoàn vừa có giá trị truyền thống vừa mang tinh thần hiện đại đầy triển vọng trong tương lai.
Tăng đoàn Phật Quang Sơn thu nạp người bốn phương theo cách Phật từng giáo huấn đệ tử, đó là: “dùng từ nhiếp chúng, dùng pháp lãnh chúng, dùng trí giáo chúng, dùng pháp dưỡng chúng”…nhằm đào tạo tăng đoàn thành một nơi có đủ đức độ, từ bi, trí huệ, pháp lạc.
Tăng đoàn Phật Quang Sơn cũng hấp thụ tinh thần Lục Tổ Huệ Năng, là “trọng nội dung hơn hình thức”. Lục Tổ nói: “đạo do tâm ngộ, há tại ngồi ư”! “Bồ đề tại thế gian, bất ly thế gian giác”.. “trụ tâm quán tịnh, là bịnh không phải thiền, ngồi mãi buộc thân, nào có ích gì?” .. “tâm địa vô phi tự tánh giới, tâm địa vô ngại tự tánh huệ, tâm địa vô loạn tự tánh định”… đều một mực thuyết minh cho tính quan trọng của tự tánh trong cuộc sống, nhân gian. Ðây cũng là trọng điểm nòng cốt nơi “Phật Giáo Nhân Gian”, cũng là điều mà trong kinh “Lăng Nghiêm” nói: “ Thánh tính vô bất thông, thuận nghịch giai phương tiện” (thánh tính đâu chẳng thông, thuận nghịch đều là phương tiện)…
Ðại sư Tinh Vân nói:
– Một số người không hiểu vì sao pháp hội Thiền của Lục Tổ Huệ Năng rộng truyền cả ngàn năm, đặc sắc độc đáo.. là bởi nó giản dị, thẳng thắn, không câu nệ phương tiện. Tăng đoàn chúng ta mặc dù có rất nhiều qui củ, song trong lúc hoằng đạo truyền pháp cũng cần phải có tinh thần giản dị, thẳng thắn, không câu nệ phương tiện này.
Từ Bách Trượng, Lâm Tế đến Tinh Vân
Qui củ Tùng lâm khởi lập từ Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, là thời kỳ đầu tiên của Trung Quốc theo thể chế Tùng lâm cực kỳ hoàn chỉnh, Phật Quang Sơn thông thoáng cũng ảnh hưởng ít nhiều “Thanh Qui Tùng lâm Bách Trượng”.
1- Bách Trượng qui định: “một ngày không làm một ngày không ăn”, lập ra chế độ nông thiền, người người không những phải lên thiền đường tĩnh tọa mà còn phải ra ruộng cuốc đất trồng rau. Phật Quang Sơn cũng thế, do vì thời đại không đồng, pháp sư Phật Quang Sơn không chỉ là nông thiền, mà còn phải làm cả các công tác giáo dục, văn hóa, phúc lợi xã hội v.v… nhưng vẫn giống nhau ở chỗ là, Bách Trượng Sơn và Phật Quang Sơn đều chẳng có người ở không, ai cũng phải làm việc, phát huy sở trường chuyên môn.
2- Thiền sư Bách Trượng nói: “Tông của ta không câu nệ Ðại, Tiểu thừa, cũng không khác biệt Ðại, Tiểu thừa, rút tỉa từ trong đó mà chế ra khuôn phép” (ngô sở tông bất câu đại tiểu thừa, phi dị đại tiểu thừa, đương bác ước chiết trung, thiết ư chế phạm).
Phật Quang Sơn cũng thế, cũng dung hợp Ðại, Tiểu thừa. Ðại sư Tinh Vân chủ trương: ‘Tông giáo tinh thông”, “tin sâu nhân quả” có “mỹ đức tàm quí” “dung nhân nhã lượng” (dung người bằng tấm lòng hào hiệp rộng lượng)
3- Thiền sư Bách Trượng chủ trương “Ðịnh huệ cùng trì”, “Tam học đồng tu” hoàn toàn thống nhất với chủ trương của Ðại sư Tinh Vân.
Hoàng Bá Hi Vận là đồ đệ Bách Trượng Hoài Hải, Lâm Tế Nghĩa Huyền là đệ tử Hoàng Bá, còn Ðại sư Tinh Vân là truyền nhân đời thứ 48 của Lâm Tế, cũng là truyền thừa của tổ Bách Trượng. Còn đối với tổ sư khai sơn “Lâm Tế Tông” thì Phật Quang Sơn có ảnh hưởng gì?
Mở rộng khắp hoàn cầu, truyền mãi đến ngàn sau
Có vị tăng hỏi Lâm Tế:
– Thế nào là chân Phật, chân pháp, chân đạo?
Lâm Tế đáp:
– Phật là tâm thanh tịnh, pháp là tâm quang minh, đạo là chỗ chỗ đều tĩnh sáng vô ngại.
Lâm Tế nổi danh có “Tứ Liệu Giản” và “Tứ Chiếu Dụng”.
Vị tổ sư khai tông Lâm Tế này sáng tạo một phong cách tự do tuỳ cơ thuyết giáo, tông phong này cũng ảnh hưởng đến Ðại sư Tinh Vân, Ngài nói:
– Giáo hóa đồ chúng có cả 108 cách, nhiều hơn thì có tám vạn bốn ngàn cách, không những phải thấy căn cơ người, cũng phải hiểu hành nghiệp, tập quán, nhu cầu họ. Pháp tùy duyên mà khởi. tùy người mà hành, tông phong mặc dù có đường hướng, nhưng đối với cách khai thị cho người thì “thiên biến vạn hóa”
Do Ðạo tràng Phật Quang Sơn sống tích cực hoà vui, hội đủ tính nhân gian nên rất được quần chúng ưa thích, ngưỡng mộ. Tổng bổn sơn Phật Quang Sơn đã thành là Thánh địa chói sáng ở Ðài Loan, người khắp nơi trên thế giới thường đến Ðài Loan, thăm miền bắc thì ghé “Viện Bác Học Cổ Lữ”, vào miền nam thì đến viếng Phật Quang Sơn, người đi chen chúc, nườm nượp chật đường, đông tới nỗi về sau này Phật Quang Sơn bắt buộc phải “phong sơn” (đóng cửa núi). Vào tháng 5 năm 1997, Phật Quang Sơn chính thức đóng cửa núi một thời gian, khiến tín đồ Phật giáo Ðài Loan buồn ngẩn ngơ như bị mất mát cái gì.
Phật Quang Sơn trải qua đời chưởng môn thứ nhất là Ðại sư Tinh Vân, vị chưởng môn đời thứ hai là Hoà thượng Tâm Bình lên thay không lâu thì lại viên tịch, kế đến còn xảy ra việc “phong sơn”. Ðiều này không làm giảm vẻ xán lạn của tông môn, mà ngược lại, các công tác Phật sự, văn hóa, giáo dục, hoằng pháp quốc tế.. ngày càng phát triển mạnh.
Năm 2000, tổng thống Trần Thủy Biển đến tiểu trụ tại Phật Quang Sơn, thay mặt dân thỉnh cầu Ðại sư Tinh Vân, Phật Quang Sơn mới mở cửa núi trở lại. Quả nhiên, pháp duyên hừng thịnh.
“Phong sơn” không phải là đóng cửa hẳn, mà là để thăm dò lực lượng tiềm tàng, để trong tương lai cánh cửa độ sinh càng mở rộng, việc hoằng pháp càng mạnh mẽ, bao la hơn.
Phật Quang Sơn chú trọng qui chế giáo đoàn, từ thưởng phạt đến thăng cấp thuyên chuyển, từ tài vụ kế toán, đến chế độ xuất gia thọ giới, từ kiến trúc xây dựng đạo tràng, cho đến tăng đoàn đại chúng đồng trụ và chấp hành thanh qui.. tất cả đều nằm trong một thể chế được sắp đặt tỉ mỉ hoàn bị, những điều lệ này không do một cá nhân quyết định, mà do toàn thể bảy chúng trong giáo đoàn cùng tập hợp tư duy, thẩm tra bàn bạc cẩn thận rồi mới đi đến quyết định, tổ chức chế độ. Phật Quang Sơn đã áp dụng tinh thần nhất quán, nhờ qui chế được điều nghiên kỹ càng thấu đáo, nên không những ngày nay Phật Quang Sơn bành trướng mạnh mẽ khắp quốc tế, mà chắc chắn sẽ lưu truyền vững bền.
Tài hoa hội tụ nơi Tăng già.
Hỗ tương sáng chói cho chế độ chính là nhân tài. Chúng ta mở danh sách “Nhân Sự Ðồ Chúng” ra xem, sẽ thấy rất đáng nể. Ðồ chúng Phật Quang Sơn có hơn 1300 vị. Tốt nghiệp học viện Phật khoa có hơn ngàn vị, tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ, Bác sĩ có hai trăm vị, số thanh niên trai tráng chiếm đa số, phần đông là lứa tuổi từ 25 đến 50.
Về khả năng và sở trường chuyên môn hầu như trong đồ chúng người nào cũng có, từ xướng tụng Phạn Bối, xử dụng pháp cụ, từ Ðiển toạ, Tri khố, Trị Nhật, hành đường.. cho đến các năng khiếu hướng dẫn, diễn giảng, ngoại ngữ, vi tính, điện tử, và biệt tài sửa chữa máy móc, tổ chức tiệc lễ hay y dược, âm nhạc.. tất cả đều không thiếu nhân tài, hầu như đến mức “cần nhân tài nào, có nhân tài đó”. Tăng xuất gia có đủ quốc tịch Á Mỹ, Âu, Phi, Úc.. đủ cả năm châu, nghĩa là khắp toàn thế giới.
Hãy xem danh sách của các vị Khai Sĩ:
“Từ trang, Từ Huệ, Từ Dung, Từ Gia, Tâm Ðịnh, Từ Trị, Y Nghiêm. Huệ long, Y Mẫn, Tâm Phang, Y Như, Y Dung, Thiệu Giác, Y Cần, Y Hằng Y Không, Y Hậu, Y Tu , Y Hàng, Y Ðế, Y Ân, Huệ Khai, Huệ Lễ, Y Phẩm, Y Thanh…”.
Mỗi người đều là một bậc long tượng độc đáo, về nhân phẩm, đạo đức, khả năng.. thảy đều đã được kiểm tra khảo hạch kỹ lưỡng, đã kinh qua bao mài luyện thửû thách. Mỗi lần tôi được ngụ chung với những vị pháp sư này, đều có cảm giác như mình được tắm gió xuân, như được uống cam lồ.
Tôi chợt nhớ đến chuyện các nhà Nho sau khi đến tham quan các Thiền lâm thời Tống xong, nhịn hết nổi phải buột miệng than to:
– Tài hoa vào hết trong tay các tăng lữ!
Có thể thấy trong ngôn đàm hành sự của các pháp sư Phật Quang Sơn, đều ảnh hưởng phong cách Ðại sư Tinh Vân. Tôi chợt liên tưởng đến Kỳ Viên Tịnh Xá, đến dòng phái Tào Khê, đến Tùng lâm thời Bách Trượng, đến tông chỉ Lâm Tế.. Tôi như đắm chìm trong ánh hào quang rạng rỡ của các bậc tiền bối Phật giáo, và thâm tín rằng “Phật quang tông”, “Phật quang nhân” “Hội Phật Quang Quốc Tế” từ thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21 này, sẽ còn hoằng dương bền bĩ đến nhiều thế kỷ sau.
Từ buổi đầu đến Phật Quang Sơn, với đôi bàn tay trắng, Ðại sư đã biến khu mật lâm hoang dả thành thắng cảnh Linh Sơn, từ vùng đất mịt mù cỏ tranh Ngài kiến tạo thành thế giới Hoa Tạng Huyền Môn, trong cảnh áo thô cơm dưa Ngài đã dựng nên Phật Quang tôn nghiêm. Trải qua ba mươi mấy năm.. hình như giữa đêm đen lạnh giá hiển hiện một vì sao tỏa sáng với ngàn sao lấp lánh vây quanh, dường như có cụm mây trắng đang tỏa mát giữa bầu trời xanh, bay tiếp nối theo sau là những đám mây bồng bềnh – sau Ðại sư tất có Ðại sư – nhìn theo Thiền tông, thì sư sư tương truyền, chẳng hề gián đoạn, đèn pháp tiếp nối, sáng soi mãi mãi.
***
(1) Danh xưng tôn kính lớn nhất của tăng sĩ Trung Quốc, còn từ “hòa thượng” theo Trung Quốc thì có thể gọi phổ thông cho người nhỏ thì là “tiểu hòa thượng” người già thì là “lão hòa thượng”. (L.D.G)
(2) Trung Quốc thường gọi nữ tu Phật giáo là “Tỳ kheo ni” hoặc “Ni sư” chứ không có từ “sư cô” cho nữ tu như bên Việt Nam. Tiếng “sư cô” trong bài cũng tương tự như tiếng “lão sư” Trung Quốc dùng chỉ những người dạy học. Nên có thể hiểu theo từ Trung Quốc thì “sư cô” không là nữ tu mà là nữ chúng tại gia có khả năng giảng dạy giáo lý. ( L.D.G)