Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG XIII: NHIỀU CĂN LÀNH
Đoạn văn diễn bày: Chọn pháp Niệm Phật làm nhiều căn lành, chọn Tạp thiện làm ít căn lành.
“Kinh A Di Đà” ghi rằng: Không thể dựa vào một ít nhân duyên phước đức căn lành mà được vãng sanh về thế giới ấy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào nghe nói về đức Phật A Di Đà rồi trì niệm danh hiệu Ngài, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày mà tâm niệm thuần nhất không tán loạn, thì người này khi lâm chung sẽ được thấy đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện ra trước mắt. Trong khi lâm chung tâm niệm người này không bị điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Đại sư Thiện Đạo giải thích đoạn văn trên như sau:
Cõi Cực Lạc – Niết-bàn vô vi,
Khó vãng sanh với duyên Tạp thiện,
Nên đức Như Lai chọn pháp gốc,
Dạy chuyên niệm hiệu Phật Di Đà,
Bảy ngày đêm tâm không gián đoạn,
Nếu niệm dài lâu ích gấp bội,
Lâm chung Thánh chúng nâng hoa đến,
Thân tâm hoan hỷ ngồi sen vàng,
Vừa ngồi liền chứng Vô sanh nhẫn,
Đón đưa một niệm về trước Phật,
Pháp hữu đem y tranh nhau mặc,
Chứng Bất thối, hội nhập Tam hiền.
Nói thêm rằng: “Không thể dựa vào một ít nhân duyên phước đức căn lành mà được vãng sanh về thế giới ấy” tức là, các Tạp hạnh khác khó có thể vãng sanh về thế giới ấy, chính thế mới nói “Khó vãng sanh với duyên Tạp thiện”; “ít căn lành” là câu đối nghĩa với “nhiều căn lành”. Qua đây, Tạp thiện chính là ít căn lành mà Niệm Phật chính là nhiều căn lành vậy. Do thế, trong “Long Thư Tịnh Độ Văn” nói rằng: “kinh A Di Đà” ở động đá tại Tương Dương, do Trần Nhân Lăng đời nhà Tùy chạm với nét chữ thanh nhã đẹp đẽ được nhiều người ngưỡng mộ tán thưởng. Từ “Tâm niệm thuần nhất không tán loạn” (Nhất tâm bất loạn) trở xuống là nói rằng: Vì chuyên nắm giữ và xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà mà tội chướng tiêu diệt, chính đây là nhiều nhân duyên phước đức căn lành”. Đời này truyền bá Hai mươi mốt chữ này làm nguồn cội giải thoát.
Chẳng những chỉ có nghĩa “Nhiều và Ít” mà còn có nghĩa “Lớn và Nhỏ”; nghĩa là, Tạp thiện là căn lành Nhỏ, Niệm Phật là căn lành Lớn; đồng thời, cũng có nghĩa “Hơn và Kém ” nữa; nghĩa là Tạp thiện là căn lành Kém, Niệm Phật là căn lành Hơn. Ý nghĩa là như thế cần ghi nhận rõ.