Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG XII: PHÚ CHÚC NIỆM PHẬT.
Đoạn văn diễn bày: Đức Thích Tôn không phú chúc các hạnh tu Định thiện, Tán thiện mà chỉ phú chúc pháp tu Niệm Phật cho Tôn giả A-nan.
Trong “kinh Quán Vô Lượng Thọ” ghi rằng: Đức Phật bảo A-nan, Thầy hãy khéo léo bảo trì lời căn dặn này; bảo trì lời căn dặn chính là bảo trì danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ.
Trong “Quán Kinh Sớ” ghi rằng: Từ khi đức Phật bảo A-nan, Thầy hãy khéo léo bảo trì lời căn dặn này, kế đến những câu tiếp theo, chính là xác minh sự phú chúc bảo trì danh hiệu đức Phật A Di Đà mãi được lưu thông lâu xa trong tương lai. Ở trên, khi trình bày về lợi ích của hai môn Định thiện và Tán thiện, nhưng hướng vọng về Bổn nguyện đức Phật A Di Đà, thì tâm ý chúng sanh chỉ thuần nhất chuyên niệm danh hiệu của Ngài mà thôi.
Nói thêm rằng: Bản văn Sớ giải nói về hai hạnh tu, một là hạnh tu Định-Tán, hai là hạnh tu Niệm Phật. Trước hết, trình bày hạnh tu Định-Tán, hạnh tu này lại chia hai loại: Một là, hạnh tu Định thiện; hai là, hạnh tu Tán thiện.
– Về hạnh tu Định thiện có mười ba đối tượng quán tưởng: Một là, quán tưởng mặt trời; hai là, quán tưởng nước; ba là, quán tưởng đất; bốn là, quán tưởng hàng cây báu; năm là, quán tưởng hồ báu; sáu là, quán tưởng lầu gác báu; bảy là, quán tưởng tòa sen; tám là, quán tưởng tượng Phật, Bồ Tát; chín là, quán tưởng đức Phật A Di Đà; mười là, quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, mười một là, quán tưởng Bồ Tát Đại Thế Chí; mười hai là, quán tưởng chung về sự vãng sanh; mười ba là, quán tưởng xen tạp. Nội dung quán tưởng mười ba đối tượng này đã được trình bày đầy đủ trong Kinh, nếu một hành giả không tu tập một pháp nào khác mà tùy theo khả năng để quán tưởng một hay nhiều đối tượng, tu tập mười ba quán tưởng này thì có thể được vãng sanh, ý chỉ này Kinh đã xác định rõ, chớ có lo nghĩ, nghi ngờ.
– Về hạnh tu Tán thiện, có hai phương diện: Một là, tu Ba phước đức; hai là, vãng sanh Chín phẩm.
+ Xét về tu Ba phước đức, “Quán Kinh” ghi rằng: “Một là, hiếu dưỡng cha mẹ; phụng sự Thầy-Tổ, các bậc Tôn đức; tâm từ không sát hại chúng sanh, tu tập Mười thiện nghiệp. Hai là, thọ trì Tam quy; hành trì đầy đủ các Giới; không phạm Oai nghi. Ba là, phát tâm Bồ Đề;, tin sâu Nhân quả; đọc tụng Kinh điển Đại thừa; khuyến khích tinh tấn tu tập”.
– “Hiếu dưỡng cha mẹ” : Nói gọn, có hai loại: Một là, hiếu dưỡng theo quan điểm thế gian; hai là, hiếu dưỡng theo quan điểm xuất thế Hiếu dưỡng theo thế gian như “kinh Hiếu” v.v…đã trình bày. Hiếu dưỡng xuất thế gian như các xuất xử mà trong Luật đã trình bày.
– “Phụng sự Thầy-Tổ”: Nói gọn, cũng có hai loại: Một là, Thầy-Tổ thế gian; hai là, Thầy-Tổ xuất thế gian. Thầy-Tổ thế gian là những vị thầy dạy về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín v.v…; Thầy-Tổ xuất thế gian là những vị Thầy dạy về Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn. Không phụng sự các Thầy-Tổ dạy bảo các pháp tu khác mà chỉ phụng sự các vị dạy bảo pháp tu để được vãng sanh.
– “Tâm từ không sát hại chúng sanh, tu Mười thiện nghiệp”: Nói gọn, có hai loại. Thứ nhất, trước hết “Tâm từ không sát hại chúng sanh”, đó là tâm từ vô lượng trong “Tứ vô lượng tâm”, tại đây chỉ nêu lên tâm đầu tiên làm tiêu biểu cho cả Bốn tâm. Không tu tập các hạnh khác mà tu tập Tứ vô lượng tâm là pháp tu cho sự vãng sanh. Kế đến “Tu Mười thiện nghiệp”, đó là: Thứ nhất, không được sát sanh; thứ hai, không được trộm cướp; thứ ba, không được tà dâm; thứ tư, không được nói dối; thứ năm, không được nói thêu dệt; thứ sáu, không được nói thô ác; thứ bảy, không được nói hai lưỡi; thứ tám, không được tham lam; thứ chín, không được sân hận; thứ mười, không được tà kiến. Thứ hai, nếu hợp hai câu “Tâm từ không sát hại chúng sanh” và “Tu Mười thiện nghiệp” thành một câu, thì “Tâm từ” trong câu “Tâm từ không sát hại chúng sanh” không phải tâm từ vô lượng của Tứ vô lượng tâm, mà là điều thiện “không được sát sanh”, đứng vị trí thứ nhất trong Mười thiện nghiệp; do thế, “Tu Mười thiện nghiệp” là một câu riêng. Không tu tập các pháp khác mà tu tập Mười thiện nghiệp, để làm pháp tu cho sự vãng sanh.
– “Thọ trì Tam quy”: Đó là quy y Phật-Pháp-Tăng: Nói gọn, cũng có hai loại: Một là, Tam quy thuộc Đại thừa; hai là, Tam quy thuộc Tiểu thừa.
– “Hành trì đầy đủ các Giới”: Nội dung này cũng có hai loại: Một là, Giới-Luật Đại thừa; hai là, Giới-Luật Tiểu thừa.
– “Không phạm Oai nghi”: Nội dung này cũng có hai loại: Một là, Oai nghi Đại thừa gồm có tám vạn; hai là, Oai nghi Tiểu thừa gồm có ba ngàn.
– “Phát tâm Bồ Đề”: Nội dung này, mỗi Đại sư có mỗi ý kiến sai khác. Tông Thiên Thai có Bốn giáo tâm Bồ Đề, đó là Tạng, Thông, Biệt, Viên như đã trình bày đầy đủ trong luận Chỉ Quán. Tông Chân Ngôn có Ba loại tâm Bồ Đề, đó là Hạnh nguyện, Thắng nghĩa và Tam-ma-địa (Chánh định), như đã trình bày đầy đủ trong luận Bồ Đề Tâm. Tông Hoa Nghiêm cũng có tâm Bồ Đề, ý nghĩa tâm Bồ Đề này đã được trình bày trong “Du Tâm An Lạc Đạo” v.v… Tông Tam Luận, tông Pháp Tướng đều có tâm Bồ Đề, như trong các tập sớ của mỗi tông đã trình bày đầy đủ. Lại nữa, Đại sư Thiện Đạo cũng có giải thích về tâm Bồ Đề, như đã thuật đầy đủ trong tập Sớ. Phát tâm Bồ Đề trên ngôn ngữ chỉ có một, nhưng tùy theo sở kiến của mỗi tông phái nên ý nghĩa có sự sai khác. Tuy nhiên, thuật ngữ “Tâm Bồ Đề” luôn được đề cập khắp các Kinh điển, bao gồm cả Hiển giáo lẫn Mật giáo, ý thú uyên bác sâu xa đã được giải thích tường tận đầy đủ, rất mong các hành giả không nên cố chấp một ý kiến mà bỏ quên ngàn vạn ý nghĩa; riêng về những hành giả mong cầu vãng sanh thì hãy phát tâm Bồ Đề theo ý nghĩa của tông Tịnh Độ, chứ không tuân theo ý nghĩa của các Tông khác; tức là, phát tâm Bồ Đề theo Tịnh Độ để làm sự nghiệp vãng sanh theo tiêu chí của mình.
– “Tin sâu Nhân quả”: Nói gọn, cũng có hai loại: Một là, Nhân quả thế gian; hai là, Nhân quả xuất thế gian. Nhân quả thế gian chính là nhân quả trong sáu đường(Sáu loài), như “kinh Chánh Pháp Niệm” đã trình bày. Nhân quả xuất thế gian chính là nhân quả của Bốn quả Thánh (Tứ Thánh), như các Kinh của Đại thừa, Tiểu thừa đã trình bày. Nếu căn cứ vào hai loại Nhân quả này để đối chiếu khắp các Kinh điển, thì các Đại sư có nhiều ý kiến sai khác. Chẳng hạn, theo Đại sư Thiên Thai, kinh Hoa Nghiêm trình bày hai loại Nhân quả, đó là Nhân quả Phật Đà và Nhân quả Bồ Tát; kinh A-Hàm trình bày Nhân quả nhị thừa, đó là Nhân quả Thanh Văn và Nhân quả Duyên Giác; các Kinh Phương Đẳng trình bày Nhân quả của Bốn Thừa; các kinh Bát-Nhã trình bày Nhân quả của Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo; Kinh Pháp Hoa trình bày nhân Phật, quả Phật; kinh Niết-Bàn cũng trình bày Nhân quả của Bốn thừa. Qua đó, câu “Tin sâu Nhân quả” được phổ biến xuyên suốt cả đời hành giả. Tuy nhiên, là những hành giả cầu nguyện vãng sanh thì không nên tu tập theo các hệ Nhân quả khác, mà chỉ tin sâu Nhân quả Tịnh Độ làm sự nghiệp vãng sanh cho mình.
– “Đọc tụng Kinh điển Đại thừa”: Sự kiện này chia làm hai loại: Một là Đọc tụng; hai là Đại thừa. Xét về “Đọc tụng”: Tức nói đến Năm thứ Pháp sư: Pháp sư đọc Kinh, Pháp sư tụng Kinh, Pháp sư giải thuyết v.v… Hoặc là nói đến Mười thứ Pháp sư: Pháp sư cúng dường, Pháp sư thọ trì, Pháp sư viết chép v.v… Xét về “Đại thừa”: Không giản đơn như Tiểu thừa, nghĩa là, chẳng phải chỉ có một bộ Kinh mà hết thảy Kinh điển Đại thừa, tức toàn bộ kinh Đại thừa mà đức Phật đã thuyết giảng. Những Kinh ấy hoặc đã được kết tập, hoặc chưa được kết tập, hoặc đang lưu trữ tại Long cung, hoặc còn lưu giữ tại Ấn Độ chưa truyền sang Trung Quốc…; hết thảy những Kinh điển ấy đều được thâu nhiếp trong một câu “Đọc tụng Kinh điển Đại thừa”. Mong rằng các hành giả tu tập Tịnh Độ tùy theo ý muốn của mình, hoặc tụng đọc Kinh Pháp Hoa làm sự nghiệp vãng sanh, hoặc tụng đọc kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp vãng sanh, hoặc thọ trì, đọc tụng các Kinh điển của Mật tông làm sự nghiệp vãng sanh, hoặc giải thuyết viết chép các kinh Bát-Nhã, kinh Niết-Bàn… làm sự nghiệp vãng sanh; đây là ý kiến “kinh Quán Vô Lượng Thọ” của tông Tịnh Độ đã chỉ dạy.
Hỏi: Tôn chỉ của Hiển giáo, Mật giáo sai khác nhau, vì sao tại đây lại trình bày Hiển giáo dung nhiếp cả Mật giáo?
Đáp: Tại đây, chẳng phải dung nhiếp tôn chỉ của Hiển giáo và Mật giáo thành một, mà trong sách Mục lục Trinh Nguyên1 đã ghi như thế; nghĩa là, Mật giáo cũng thuộc Kinh điển Đại thừa; do vậy, đều được thâu nhiếp trong một câu “Đọc tụng Kinh điển Đại thừa”.
– “Khuyến khích tinh tấn tu tập”: Nghĩa là, khuyến khích Đạo bạn tinh tấn tu tập các pháp Định thiện, Tán thiện và Niệm Phật Tam-muội v.v…
+ Xét về vãng sanh Chín phẩm, chính là khai triển “Tu Ba phước đức” ở trước thành Chín phẩm vãng sanh, Chín phẩm ấy là:
– Thượng phẩm Thượng sanh (Sanh vào phẩm Thượng bậc Thượng): Tương ưng với câu “Tâm từ không sát hại chúng sanh”, là ý nghĩa câu thứ ba thuộc phước đức thứ nhất. Kế đến tương ưng với câu “Hành trì đầy đủ các Giới”, là ý nghĩa câu thứ hai thuộc phước đức thứ hai. Kế đến, tương ưng với câu “Đọc tụng Kinh điển Đại thừa”, là ý nghĩa câu thứ ba thuộc phước đức thứ ba. Kế đến, tương ưng với câu “Tu tập Lục niệm”, ý nghĩa tương tợ như ý nghĩa câu thứ ba thuộc phước đức thứ ba.
– Thượng phẩm Trung sanh: Tương ưng với câu “Khéo hiểu rõ nghĩa lý”, ý nghĩa tương tợ như ý nghĩa câu thứ hai, câu thứ ba thuộc phước đức thứ ba.
– Thượng phẩm Hạ sanh: Tương ưng với câu “Phát tâm Bồ Đề” và “Tin sâu Nhân quả”, là ý nghĩa câu thứ nhất và câu thứ hai thuộc phước đức thứ ba.
– Trung phẩm Thượng sanh: Tương ưng với câu “Thọ trì Năm giới v.v...”, là ý nghĩa câu thứ hai thuộc phước đức thứ hai.
– Trung phẩm Trung sanh: Tương ưng với câu “Một ngày đêm thọ trì Bát Quan trai giới”, ý nghĩa tương tợ với nội dung phước đức thứ hai.
– Trung phẩm Hạ sanh: Tương ưng với câu “Hiếu dưỡng cha mẹ” và “Phụng sự Thầy-Tổ, các bậc Tôn đức”, là ý nghĩa câu thứ nhất và câu thứ hai thuộc phước đức thứ nhất.
– Hạ phẩm Thượng sanh: Là những người phạm Mười tội ác, khi lâm chung niệm được một niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, tội nghiệp liền tiêu diệt và được vãng sanh.
– Hạ phẩm Trung sanh: Là những người phạm tội, phá Giới, khi lâm chung được nghe công đức Chánh báo, Y báo của đức Phật A Di Đà, tội nghiệp liền tiêu diệt và được vãng sanh.
– Hạ phẩm Hạ sanh: Là những người phạm tội Ngũ nghịch, khi lâm chung niệm được mười niệm, tội nghiệp liền tiêu diệt và được vãng sanh.
Ba hạng người trong Ba phẩm bậc Hạ này, suốt đời chỉ tạo tội ác, dù không có ý niệm cầu vãng sanh, khi lâm chung mới gặp Thiện tri thức khuyên bảo mà được vãng sanh. Nếu đối chiếu với ba phước đức nói ở trước thì Ba phẩm này tương ưng với câu thứ ba thuộc phước đức thứ ba.
Tóm lại, Định thiện và Tán thiện được trình bày đại lược như đoạn văn ở trước đã ghi: “Ở trên tuy có trình bày về lợi ích của hai môn Định thiện và Tán thiện.”
– Về Niệm Phật: Ý nghĩa của Niệm Phật như thường dùng; tức là, “Tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”. Nhưng tại đây lại nói rằng, “Chính là xác minh sự phú chúc bảo trì danh hiệu đức Phật A Di Đà mãi được lưu truyền lâu xa trong tương lai.”- Mặc dù, trong Kinh này đã trình bày khá phong phú các pháp tu tập của Định thiện, Tán thiện, nhưng đức Phật không phú chúc các pháp Định thiện, Tán thiện này cho A-nan để lưu truyền hậu thế; mà chỉ phú chúc một pháp “Niệm Phật Tam-muội” cho A-nan khiến lưu truyền lâu xa trong tương lai.
Hỏi: Tại sao không phú chúc các pháp tu tập Định thiện, Tán thiện để được lưu truyền trong tương lai? Nếu căn cứ vào sự tu cao, tu thấp mà tỵ hiềm không phú chúc, thì trong Ba phước đức vẫn có sự cao-thấp sai khác. Tu thấp, như hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự Thầy-Tổ, các bậc Tôn đức; tu cao, như hành trì các Giới, phát tâm Bồ Đề, tin sâu Nhân quả, đọc tụng Kinh điển Đại thừa; như thế cần loại bỏ sự tu thấp mà phú chúc sự tu cao chứ? Nếu căn cứ vào sự tu quán cạn-sâu mà tỵ hiềm không phú chúc, thì trong Mười ba pháp quán tưởng vẫn có quán cạn-sâu sai khác. Quán cạn, như quán mặt trời, quán nước; quán sâu, từ quán đất đến quán xen tạp gồm Mười một pháp quán; như thế, cần loại bỏ các pháp tu quán cạn mà phú chúc các pháp tu quán sâu chứ? Cuối cùng, pháp quán tưởng thứ chín – quán tưởng đức Phật A Di Đà chính là pháp Quán Phật Tam-muội. Như thế, cần loại bỏ Mười hai pháp quán kia và phú chúc pháp Quán Phật Tam-muội chứ? Tựu trung, trong Sớ giải Kinh này, ở “Phần Huyền Nghĩa” ghi rằng: “Kinh này lấy Quán Phật Tam-muội làm tôn chỉ, cũng lấy Niệm Phật Tam-muội làm tôn chỉ”. Như thế, đã lấy hai pháp làm tôn chỉ của một Kinh, thì tại sao lại phế bỏ pháp Quán Phật Tam-muội mà chỉ phú chúc pháp Niệm Phật Tam-muội?
Đáp: Ở trước đã ghi rằng: “…Nhưng hướng về Bổn nguyện đức Phật A Di Đà, thì tâm ý chúng sanh chỉ thuần nhất chuyên niệm danh hiệu của Ngài mà thôi. ” Các pháp tu Định thiện, Tán thiện không phải Bổn nguyện của đức Phật, nên không được phú chúc. Đồng thời, pháp Quán Phật Tam-muội mặc dù là hạnh tu thù thắng nhưng không phải Bổn nguyện của đức Phật nên cũng không được phú chúc. Về câu “Hướng về Bổn nguyện đức Phật A Di Đà” là chỉ Đại nguyện thứ mười tám trong Bốn mươi tám Đại nguyện của hai Kinh. Còn câu “Thuần nhất chuyên niệm” là chỉ Ba bậc vãng sanh trong Kinh phải “Thuần nhất chuyên niệm”. Về ý nghĩa của Bổn nguyện thì đã được giải thích đầy đủ ở trước rồi.
Hỏi: Nếu như vậy, tại sao không xác định thẳng pháp Niệm Phật là đúng Bổn nguyện của đức Phật, mà phải phiền phức trình bày các pháp Định thiện, Tán thiện vốn không phải Bổn nguyện?
Đáp: Pháp Niệm Phật là đúng Bổn nguyện đức Phật thì hai Kinh đã trình bày đầy đủ, tại đây không nói lại nữa. Còn pháp Định thiện, Tán thiện vẫn được trình bày, mục đích để xiển dương pháp Niệm Phật là siêu việt so với các pháp thiện khác. Nếu không đề cập đến Định thiện, Tán thiện thì làm sao xiển dương pháp Niệm Phật là ưu việt, đặc thù! Tương tợ, như kinh Pháp Hoa trình bày Tam thừa (Tam Xa), nếu không thuyết minh Tam thừa thì lấy gì để xiển dương kinh Pháp Hoa là Bậc nhất! (vua trong các Kinh). Thế nên, tại đây thuyết minh Định thiện, Tán thiện là để phế bỏ nhằm tôn vinh pháp Niệm Phật Tam-muội; hơn nữa, các pháp tu Định thiện, Tán thiện rất khó mà thẩm định hiệu quả; giả như, xét về Định thiện, nếu tu quán Chánh báo, Y báo khi đối tượng quán chiếu hiện tiền, thì tâm nguyện vãng sanh sớm được thành tựu. Hoặc là, công đức tu quán một pháp có thể trừ diệt tội nghiệp nhiều kiếp; hoặc là, do tích chứa công đức đầy đủ, cuối cùng đạt được Tam-muội có lợi lạc thù thắng.
Qua đây, hành giả tu tập cầu vãng sanh cũng nên tu quán các pháp Định thiện; chẳng hạn, quán chơn thân thứ chín, tức pháp Quán Phật Tam-muội. Nếu tu quán thành tựu hành gỉa sẽ thấy được thân tướng đức Phật Di Đà, khi thấy đức Phật Di Đà là thấy hết thảy chư Phật, khi thấy hết thảy chư Phật thì hiện tại được thọ ký, sự tu quán này có lợi ích tuyệt diệu cao xa như thế đấy! Tuy nhiên, tại phần Lưu thông của kinh Quán Vô Lượng Thọ, khi đức Như lai Thích Ca phú chúc cho A-nan lưu truyền pháp vãng sanh chủ yếu cho hậu thế, thì Ngài phế bỏ pháp Quán Phật Tam-muội mà chỉ lựa chọn pháp Niệm Phật mà thôi; như thế, pháp Quán Phật Tam-muội vẫn không được phú chúc, huống gì các pháp quán mặt trời, quán nước v.v…! Thế là, Mười ba pháp quán của Định thiện đều không được phú chúc để tu tập, nếu ai thích tu quán các pháp Định thiện như Quán Phật Tam-muội v.v… mà không tu pháp Niệm Phật, thì sự tu tập ấy vừa xa rời, vừa trái chống Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Đồng thời, cụ thể nhất là trái ngược với sự phú chúc của đức Thích Tôn, hành giả nên tư duy cẩn trọng điều này.
Xét về các pháp tu thuộc Tán thiện thì có tu tập “Trì Giới” của Tiểu thừa và Đại thừa. Nếu hành giả nào trì Giới thì sẽ hội nhập được sự thật tinh túy của Đạo; trái lại, người phá giới thì không thể vãng sanh.
Về tu tập “Phát tâm Bồ Đề”, nếu hành giả nào phát tâm Bồ Đề là hội nhập được cương yếu của Tịnh Độ; trái lại, không phát tâm Bồ Đề thì không thể vãng sanh.
Về tu tập “Hiểu rõ nghĩa Đệ nhất”2 (Hiểu nghĩa như thật), đây là tu quán về lý; người tu tập phải dựa vào lý, lý là nguồn cội của Phật, nên không thể lìa lý mà cầu về cõi Phật, nếu tu quán không dựa vào lý thì không thể vãng sanh.
Về tu tập “Đọc tụng Kinh điển Đại thừa”, mọi người tu tập đều nhờ đọc tụng Kinh điển Đại thừa mà có thể vãng sanh, nếu hành giả nào không đọc tụng thì không thể vãng sanh. Vấn đề đọc tụng có hai loại: Một là, trì đọc Kinh; hai là, trì đọc Chú. Trì đọc Kinh là trì đọc các kinh Đại thừa, như kinh Pháp Hoa, Bát-Nhã v.v…; trì đọc Chú là trì đọc các Thần chú, như Tùy cầu, Tôn thắng, Quang minh, A Di Đà.
Mười một pháp tu của Tán thiện, các hành giả đều trân quý, nhưng trong này, “Bốn pháp tu” vừa kể trên được hành giả đương thời ưa thích tu tập – Lấy Bốn pháp tu này mà che lấp pháp Niệm Phật. Nhưng, khách quan tìm hiểu ý chỉ trong Kinh, thì Bốn pháp tu này không được phú chúc lưu lại, chỉ duy nhất một pháp Niệm Phật là được phú chúc lưu truyền cho hậu thế – cần ghi nhận rõ như vậy. Sở dĩ, đức Thích Tôn không phú chúc các pháp tu khác, bởi vì, các pháp ấy không phải Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà; và, sở dĩ pháp Niệm Phật được phú chúc bởi vì pháp này chính là Bổn nguyện của đức Phật. Thêm nữa, hiện nay sở dĩ Đại sư Thiện Đạo buông bỏ các pháp tu khác trở về tu pháp Niệm Phật, bởi lẽ, các pháp ấy không phải Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà; đồng thời, cũng không phải là pháp mà đức Thích Tôn phú chúc. Qua đây, chúng ta cần hiểu rằng, các pháp ấy không còn thích ứng với căn cơ con người thời đại bây giờ, về pháp Niệm Phật cầu vãng sanh chính là pháp thích hợp với căn cơ con người hiện giờ, pháp tu tương ứng giữa hành giả và đức Phật, há lếu láo vứt bỏ hay sao! Tóm lại, cần hiểu rằng, tùy theo căn cơ của đại chúng, trước tiên tạm thuyết minh về hai môn Định thiện, Tán thiện; nhưng sau đó, vì lợi ích thiết thực của tự thân mỗi hành giả Tịnh Độ, nên phế bỏ hai môn Định-Tán này; chỉ duy nhất pháp Niệm Phật, một lần xiển dương là mãi đến tương lai vĩnh viễn không bị phế bỏ. Ý thú chủ yếu mà đức Thích Tôn phú chúc Bổn nguyện đức Phật Di Đà là ở điểm này đây, hành giả Tịnh Độ cần ghi rõ điều này. Đồng thời, trong này câu “lâu xa trong tương lai” là căn cứ ý nghĩa của hai Kinh – Lâu xa là chỉ thời gian một trăm năm sau một vạn năm của thời Mạt pháp, tức là “Nêu lên cái xa để nói cái gần” . Qua đây, sau thời Pháp diệt, pháp Niệm Phật vẫn hiện hữu huống gì thời Mạt pháp! Thời Mạt pháp, pháp Niệm Phật vẫn hiện hữu huống gì thời Tượng pháp, Chánh pháp! Thế nên, chúng ta cần hiểu rằng, pháp Niệm Phật cầu vãng sanh là đạo lý xuyên suốt cả ba thời Chánh-Tượng-Mạt pháp, kể cả một trăm năm của thời Pháp diệt.