SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch

 

CHƯƠNG 10: THIỀN TỊNH

Mỗi khi bạn bè thân quen biết tôi là đệ tử Đại sư, họï thường hỏi tôi:

– Đại sư Tinh Vân tu hành ra sao, theo pháp môn gì?

Đây là điểm mà phần đông mọi người đều thắc mắc. Những lúc ấy tôi luôn trả lời:

– Đại sư tu pháp môn Đại thừa, hành Bồ-tát hạnh.

Một số người thấy các sự nghiệp văn hóa, phúc thiện, giáo dục và công cuộc hoằng pháp khắp toàn cầu của Đại sư thành công rực rỡ, tò mò muốn biết trình độ tu hành ẩn mật của Đại sư.

Vậy thì ngoài sự nghiệp và chí hướng đã hiển lộ, Đại sư dạy đồ chúng tu như thế nào?

Tôi đã có nhiều dịp đến diễn giảng nơi các Đạo tràng Phật Quang Sơn và cũng như các Phật học viện Phật Quang Sơn, tận mắt chứng kiến cảnh tu học của các giảng sinh nơi đây lòng khâm phục vô cùng.

Phật Quang Sơn huấn luyện đệ tử rất nghiêm. Có thể nói là nhất nhì trong nước.

Tôi đã ngụ qua Đạo tràng Bắc Hải và Phật Quang Sơn, đồng nghỉ đồng làm. Tôi thích thú khi thấy các tự viện này vẫn còn chụm bếp củi và không hề đánh mất căn bản truyền thống của các Thiền Lâm cổ xưa.

Hằng ngày, các tu sĩ trừ các việc chính thương nhật ra, mỗi khuya sau khi thức dậy tụng kinh xong, họ không được phép nghỉ mà phải thực hiện nốt thời khóa hoặc là ngồi thiền, niệm Phật hay tiếp tục công tác. Ngày qua ngày, nhân cách của họ càng khiến tôi cảm phục sâu sắc và hiểu ra: “Cách huấn luyện Phật Quang Sơn như thế, hèn gì mà xuất xưởng toàn là pháp sư”.. các tu sĩ ở đây oai nghi chuẩn mực, rất có nhân cách và tài năng, có thể nói là đức tài gồm đủ, họ cư xử thân thiện nhưng không thiếu trang nghiêm và đặc biệt là rất nhân từ.

Họ giỏi ngồi thiền, khéo giảng kinh, người nào cũng có biệt tài riêng, có khả năng chuyên môn xuất sắc. Có thể nói là những tăng ni được “kinh qua” lò huấn luyện tu hành Phật Quang Sơn, đã mau chóng thoát xác biến thành những bậc long tượng trong Phật pháp. Đây là lý do vì sao các Đạo tràng thuộc phái Phật Quang Sơn luôn trang nghiêm phú lệ, phong cách và sự tiếp đãi của các tu sĩ trong đây dễ làm người ta xúc động và cảm nhậân rằng thật khó mà theo kịp sự tu hành cũng như tinh thần thâm diệu của các tu sĩ ấy.

Chỉ tiếc là quá trình huấn luyện nghiêm nhặt này ít người được chứng kiến.

Thiền tịnh và Hoa Nghiêm

Theo hiểu biết của tôi thì pháp tu của Đại sư liên quan mật thiết đến thời niên thiếu của Ngài.

Suốt mười năm tham học ở Tiều Sơn, Kim Sơn, Thê Hà sơn, Đại sư đã có căn bản vững chắc uyên thâm về Thiền, Tịnh, Luật.

Nếu nói về truyền thừa thì Đại sư là truyền nhân của tông Lâm Tế, có thể gọi là thuộc hệ phái Thiền tông. Song xét theo nội dung hoằng pháp của Ngài tại Đài Loan thì Ngài thường hướng dẫn Đả thất niệm Phật. Còn nhìn theo triết lý viên dung vô ngại của “Phật Giáo Nhân Gian” thì sư phụ hành đạo theo hệ thống Đại sư Thái Hư và lấy tư tưởng Hoa Nghiêm làm tôn chỉ thực hiện.

Thế nên, về mặt tư tưởng, dù sư phụ đề xướng xiển dương Tám tông, Song Ngài hoàn toàn không hề có phân biệt đối với các tông phái. Tôi nhận ra sự tu hành của sư phụ, nói đơn giản thì lấy Thiền làm mật hạnh. Lấy tư tưởng Hoa Nghiêm làm thể, lấy pháp môn Tịnh độ làm dụng.

Nếu chúng ta đọc các phẩm của Đại sư, nghe Ngài khai thị, sẽ thấy rõ tư tưởng Ngài rất tương ưng với Hoa Nghiêm, chẳng hạn như “lấy thoái làm tiến”, “lấy chúng làm mình”, lấy vô làm có, lấy không làm vui…

Đây chính là tư duy theo ” Nhất chân pháp giới” của Hoa Nghiêm.

Chẳng hạn như khi Đại sư giảng: “Gìn giữ trí tuệ quang minh vô ngại”.. thì đây chính là tinh thần chuyển phàm thành thánh của Hoa Nghiêm.
Đại sư đối với Hoa Nghiêm thể hội rất sâu. Ngài nói:

– Hiểu, thọ trì và tu học theo Hoa Nghiêm được lợi ích rất lớn.

Tu học theo Hoa Nghiêm rồi, về sau sinh hoạt hằng ngày giống như bơi lội trong biển trí, nhàn du nơi tất cả thời không, cảm được sinh mệnh vô thỉ vô chung, vô sinh tử, vô khứ lai. Tất cả thế giới vũ trụ đều hợp thành một thể với ta. Thân tâm ta an trú tất cả chỗ, tất cả thời, sinh mệnh đạt đến vĩnh hằng.

Cõi pháp giới đại định bình đẳng chân thật của Hoa Nghiêm

Đại sư còn đem pháp Đại định của Hoa Nghiêm và pháp Đả tọa của Thiền kết hợp lại thành pháp Đả tọa đặc biệt.

Đại sư nói:

– Tĩnh tọa chẳng phải là ngồi ngây ngây cho xong mà phải quán tưởng, quán tưởng tướng hảo chư Phật, quán tưởng trí huệ Hoa Nghiêm. Không suy nghĩ, không hồi ức nhớ tưởng, không tính toán suy lý, tiến nhập vào cõi pháp giới bình đẳng chân thật. Lúc ấy tâm tư sáng tỏ giống như mặt gương sáng rỡ, tựa như hồ nước phẳng lặng trong veo, có thể phản chiếu mọi hình tướng trung thực, rõ ràng. “Tu Di nằm trong hạt cải, hay hạt cải chứa Tu Di, một niệm biến khắp pháp giới, tiến nhập vào thế giới Hoa Tạng Tỳ Lô sáng chói rực rỡ.

Có một lần Đại sư bảo tôi rằng ngay cả trong giấc ngủ Ngài cũng dụng công theo Hoa Nghiêm tông.

Đối với những người mất ngủ, Ngài chỉ họ cách khắc phục rất hữu hiệu. Chẳng những dỗ giấc nhanh chóng mà còn không mộng mị.

Đại sư dạy:

– Đầu tiên trước khi ngủ phải dùng nước ấm rửa chân để giúp máu huyết tuần hoàn và dễ dàng dỗ giấc. Kế đến là khi ngủ hãy nằm nghiêng về bên phải, gọi là thế Cát Tường, không nên nằm ngửa ngủ, cũng không nên nằm sấp, vì sẽ làm gia tăng loạn động, nóng nảy, khiến bức rức nhiều thêm. Phần đông những người khó ngủ thường than:- “Con lăn qua trở lại mãi mà vẫn không sao chợp mắt được”.

Chỉ cần nằm theo thế Cát Tường, giúp thân không loạn động sẽ nhanh chóng dỗ giấc.

Kế đến, khi dỗ giấc phải luôn giữ sự quán tưởng. Quán tưởng quang minh. Lúc quán tưởng quang minh phải nhắm mắt lại, có thể trong khi đang quán tưởng ánh sáng này, thì chìm vào giấc ngủ. Nhất định sẽ đánh giấc rất bình an, nhẹ nhàng và rất ngon. Chẳng những không mộng mị mà tâm tư còn sáng như gương. Mặc dù đang ngủ, nhưng người chung quanh làm gì mình đều hay biết cả.

– Mấy mươi năm nay tôi thường dùng cách này để ngủ, ngày nào cũng đánh giấc rất ngon. Có lúc đầu chưa tựa vào gối thì đã ngủ rồi. Bất kể là giờ nào, ở đâu, chỗ nào, chỉ cần muốn ngủ thì ngủ ngay tức thời, trong lòng sáng tỏ rõ ràng. Lúc đang ngủ cũng theo đó tụng kinh lễ Phật, ánh sáng Hoa Nghiêm vẫn chưa mất. Ngày mai định dậy mấy giờ, trong lòng chỉ cầân nghĩ một chút: “Ờ, ngày mai 2 giờ thức dậy!” chẳng cần để đồng hồ reo, chẳng cần lo lắng, cứ đúng 2 giờ là tự nhiên tỉnh rót. Thế nên, ngủ theo Hoa Nghiêm tông, xem như bình thường nhưng diệu dụng rất lớn.

Có người thấy tôi từ thời thiếu niên đến trưởng thành thân thể mạnh khoẻ cường tráng không khỏi nghi ngờ thắc mắc, Tinh Vân tôi cũng đâu ăn gì bổ – ăn chẳng cầu no, ở chẳng cầu an – hằng ngày bận bịu vì pháp quên mình, làm thế nào mà được cao lớn như thế? Thật ra, tôi có bí quyết, hằng ngày ăn cơm thơm Phật pháp, thường dùng thức bảo của Hoa Nghiêm và quan trọng nhất là, ngủ cũng trụ trong giấc êm đềm của Hoa Nghiêm!

Cơm thơm của Phật pháp đúng là ăn đứt cơm ngọc áo ngà. Như ở Đài Loan ngày xưa có pháp sư Từ Hàng là một bậc tu hành kiệt xuất. Tướng mạo Ngài trông rất cường tráng, cao to, nhìn giống như Phật Di Lặc tái thế. Có một điều kỳ lạ nhất là Ngài ăn rất ít.

Có lần chính Ngài kể với tôi, là hồi xưa Ngài rất gầy gò thấp bé. Nhưng từ khi lấy pháp làm thức ăn và thường hành bố thí, đột nhiên Ngài trở nên cao lớn cường tráng dường ấy. Bản thân Ngài cũng không sao hiểu nổi!

Sau khi Ngài viên tịch, nhục thân vẫn không hoại, hiện nay được thờ phụng tại chùa Từ Hàng.

Lý Hoa Nghiêm được hình thành trong tư tưởng và pháp môn của sư phụ, song vì sao Ngài không dùng pháp tu đặc biệt này làm đường lối giáo hóa chúng sinh?

Tôi nghĩ Đại sư cũng làm theo cách của Phật thôi! Khi Phật ngộ đạo, Ngài đã từng giảng Hoa Nghiêm trước nhất. Song ngoại trừ bậc Bồ-tát lợi căn ra thì quỉ thần, thiên long bát bộ, thảy đều chẳng thể hiểu được ý nghĩa thâm diệu của cảnh giới Hoa Nghiêm bình đẳng tuyệt đối. Thế nên, đối với chúng sinh mà nói, diệu pháp thậm thâm cực thậm thâm này phần đông người ta rất khó tiếp thọ.

Bồ-tát Quan Âm chưa từng rời tâm

Đó là lý do vì sao khi giảng đạo ở Đài Loan hay khắp nơi trên thế giới, Đại sư thường lấy Thiền, Tịnh làm pháp môn chính. Đối với Thiền, Tịnh, Đại sư cũng có nhiều kinh nghiệm sâu sắc từ độ tuổi thanh niên.

Hồi đầu lúc mới đến Đài Loan, quán sát căn cơ chúng sinh và khảo sát các tín ngưỡng phức tạp trong dân gian, Đại sư nhận ra dân chúng ở đây cần một pháp môn giản dị đơn thuần, nên Ngài quyết định chọn Thiền, Tịnh, làm pháp môn hoằng dương trọng yếu.

Đại sư nói:

Kể từ kinh nghiệm lạy Quan Âm được hồi phục trí nhớ, thì thánh hiệu của Ngài chẳng khi nào lìa tâm tôi. Sáu mươi năm nay, bất kể là đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, làm việc.. trong tâm tôi luôn quen niệm thầm: “Nam-mô Quan-Thế-Âm Bồ-tát!” Bất kể khi vui sướng hay khổ đau, lúc nào tôi cũng cảm nhận được sự gia bị của Ngài và sự gia hộ từ hòa của Ngài đã ban cho tôi một sức mạnh rất lớn.

Trừ lễ bái Bồ-tát Quan Âm ra, tôi cũng có duyên rất sâu với Thánh hiệu Di-Đà. Cả đời tôi thường đề xướng: “Sáng Quan Âm, tối Di-Đà”. nghĩa là sáng niệm Thánh hiệu Quan Âm, tối niệm hồng danh Di-Đà. Thuyền từ của Bồ-tát Quan Âm phổ độ khắp, tầm thanh đáp lời, dẹp trừ khổ nạn sinh cho chúng ta. Còn Phật A Di Đà từ bi tiếp dẫn chúng sinh sang cõi tây phương Cực Lạc, giúp họ thoát khỏi cảnh Ta-bà thống khổ, đó là giải quyết vấn đề tử, giúp ta có chỗ về. Bởi vậy, sáng Quan Âm, tối Di Đà, cũng là giải quyết vấn đề sinh tử cho chúng ta. Nếu chúng ta có thể sáng niệm Quan Âm, tối trì Di Đà, chẳng những giúp cho cuộc sống khỏi vướng vào lo lắng mà đời sau còn đạt đến hạnh phúc tối thượng.

Để phát huy Tịnh độ, vừa đến Nghi Lan là sư phụ liền sáng lập “Hội Niệm Phật Nghi Lan”. Ngài hướng dẫn mọi người niệm Phật và thường tổ chức Đả thất(*) . Sư phụ nói Ngài không nhớ rõ mình đã chủ trì bao nhiêu Thất, ít gì cũng phải từ trăm trở lên. Ấn tượng sâu sắc nhất là lần chủ trì Phật thất vào năm 1954 tại chùa Lôi Âm.

– Năm Dân Quốc 43 tôi ở Lôi Âm chủ trì Phật thất, có cảm thọ đặc biệt tới nổi bây giờ nghĩ lại vẫn không hiểu được mình đã vượt qua bảy ngày ấy như thế nào? Chỉ biết hồng danh Phật không hề gián đoạn, luôn văng vẳng bên tai. Lúc ăn cơm cũng phảng phất: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” tiếng đánh răng sồn sột cũng biến thành: “A Di Đà Phật”. Lúc ngủ, thân xác dù ngủ thần trí vẫn minh mẫn, tâm vẫn cứ niệm “A Di Đà Phật, âm vang A Di Đà vẫn liên tục bất đoạn. Lúc đi bộ chân bước nhẹ nhàng nhưng lại có cảm giác giống như bay trên không. Chẳng phải tôi đang bước đi, mà hình như tự phía sau có một lực nào đó nhấc bổng đưa tôi tiến lên trước, và mỗi nhịp chân đi vẫn cứ “A Di Đà Phật”. Bất kể thời khắc nào, những cảm thọ tôi có được đều là “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”

Bảy ngày miên mật chìm đắm trong hồng danh Di Đà qua nhanh như chớp, tôi quên hẳn mình đang tồn tại, quên cả thời gian. Vì sao ư? Vì bảy ngày này thoảng qua tợ như tiếng bật tay thôi.

Kỳ Phật thất này đã cho tôi niềm tin tuyệt đối về kinh nghiệm dụng công, so với thuở lễ Quan Âm xa xưa càng sâu sắc hơn, giúp tôi hiểu thế nào là “vật ngã lưỡng vong”, bởi thời khắc, không gian gì.. đều hoàn toàn tiêu mất.

Đối với việc lễ bái, niệm Phật; người mới học như chúng ta khi niệm danh Phật, hoặc lúc đảnh lễ Thánh dung, cần phải buông bỏ hết tất cả, hoàn toàn thu nhiếp thân tâm chuyên chú vào việc lễ bái, tụng niệm. Niệm đến khi có cảm giác thế giới này không tồn tại; nhân, ngã, đều tiêu, thân tâm tan mất, chỉ còn câu: “A-Di-Đà” trầm bổng du dương, như có như không, văng vẳng quanh mình. Chỉ cần thật sự bước được vào cảnh trạng ấy là có thể bồi dưỡng tinh thần đạo pháp, tự nhiên tăng trưởng tín tâm thâm sâu hơn cả dự thính nghe giảng kinh gấp vạn bội. Từ đó về sau sẽ dễ dàng đề khởi câu niệm Phật rõ ràng, minh bạch”.

Qua kinh nghiệm sâu sắc này, Đại sư nhận ra rằng bất kỳ người nào chịu niệm Phật tha thiết miên mật đều có thể có được kết quả diệu kỳ. Ngài nói:
“Đề khởi một câu niệm Phật nhiệt tình cũng giống như việc nấu cơm đun bếp bằng cỏ vậy, nghĩa là phải chụm cỏ tiếp nối liên tục đến bó cuối cùng thì cơm chín. Khi ấy tự nhiên sẽ nếm được hương vị ngọt ngào của cơm. Chúng ta niệm Phật cũng giống thế. Cầm một cây hương trì niệm mãi cho đến nhất tâm bất loạn, cho đến khi đủ để giao cảm được cùng với chư Phật Bồ-tát; tất nhiên “trăng đến rằm thì tròn, nước chảy đủ thì thành sông”, công phu đủ thì tự đạt đến diệu dụng vô hạn.

Nếu như ta đã trải qua một lần nấu chín cơm, nếm được hương vị của cơm, thì sau đó việc nấu cơm ắt hẳn không còn khó nữa.

Có lần Đại sư đáp tàu hỏa từ Cao Hùng đến Đài Bắc, khi đó hỏa xa đi ngang qua chỗ đất cát bay loạn mù trời, sư phụ nhìn thấy ngoài song sấm chớp xẹt vào trụ điện, Ngài bèn hướng vào trụ điện niệm: “Nam mô A Di Đà Phật” niệm đến chẳng còn thấy trụ điện nữa, cây cối đại địa đều biến thành danh hiệu Phật và khi đó Ngài cảm thấy mình như đang đằng vân lướt gió, dường như đang ngự ở Cực Lạc, chớp mắt thì đã tới Đài Bắc.

Điều này khiến Đại sư không những dụng công trong thực tế, mà bất cứ lúc nào cũng không rời câu niệm Phật và Ngài nhận ra pháp môn này giản tiện và dễ dàng nhất trong các pháp môn, vì nó không làm trở ngại công việc, chẳng bị hạn cuộc thời gian. Nếu như người người có thể niệm Phật, chẳng những tâm được khinh an mà vị lai rất có ích lợi. Bởi vậy Ngài mới ra sức phổ biến và dùng pháp môn này hướng dẫn chúng sinh.

Đại sư nói:
– Niệm Phật phải đắc lực. Trước hết phải hiểu niệm Phật là để giúp cho chính mình. Bất kỳ việc gì làm cho mình đều phải dốc lòng dốc sức, tốn hao nhiều công lực, niệm Phật cũng cần như thế.

Thế nên phải niệm sao để tất cả đều biến thành bầu không khí Phật, cảnh giới Phật, đạo vị Phật. Không chỉ niệm danh hiệu Phật thôi, mà còn phải xem công phu có đắc lực hay không? Mỗi khi niệm phải tha thiết, nhiệt tình như nước đang sôi sùng sục, mạnh mẽ như nước biển cuộn trào. Nghĩa là chân khí phủ toàn thân, nhiệt lực bốc khắp người. Ngày đông niệm tới đầu cổ ướt dầm, ngày hạ niệm tới toàn thân mát lạnh. Kỳ diệu là vậy đó”!

Đại sư từng hướng dẫn Đả thất hơn cả trăm kỳ, mỗi lần đều khai thị chỉ cách niệm Phật. Mỗi lần mỗi khác, có thể thấy niệm Phật cảm ứng biến hóa vô cùng.

Nhưng cái chính vẫn là niệm thuần thục, tha thiết, miên mật; điều cốt lõi này không bao giờ thay đổi.

– Bạch sư phụ, muốn niệâm được vậy thì tâm cảnh phải như thế nào?

Đại sư đề ra bốn cách thức hữu hiệu:

1-Phải hoan hỉ ưa thích muốn niệm

Mục đích niệm Phật là cầu vãng sinh Cực Lạc, cho nên chúng ta phải có lòng nhớ tưởng và thực sự khao khát muốn sinh qua cảnh giới đó, cảnh giới này không hề có các thống khổ sinh, lão, bịnh, tử.. hiện diện. Đó là cảnh giới cõi đất trải vàng, cung điện lầu các toàn bằng thất bảo. Ta sẽ được ngụ chung với các bậc Bồ-tát thượng nhân, được gặp gỡ các vị đại thiện tri thức, lúc nào cũng giúp ích làm lợi cho nhau. Hơn nữa, ta còn được nghe đức Di Đà thuyết pháp, cuộc đời còn gì sung sướng hơn thế nữa? Nếu quán tưởng vậy, trong lòng pháp hỉ càng sâu, niệm mãi thành thói quen, ngay cả trong lúc bất tri bất giác miệng vẫn niệm: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” liên tục bất đoạn. Phải niệm đến tay lần chuỗi như múa, chân bước như nhảy, tất cả đều phát xuất từ tâm hân hoan chí thành. Được vậy thì tâm thuần tịnh, nhiệt tình dâng đầy, tất có thể đạt được kết quả cực lớn.

2-Phải dốc lòng chuyên tâm bi thiết niệm

Thống khổ ở nhân gian chẳng gì bằng tử biệt. Chúng ta niệm Phật cũng giống thế. Nghĩa là giống như mình có thân nhân chết, và tựa như bị nỗi buồn thương ám ảnh tâm tư khiến ta chí thiết niệm: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”. Giống như con côi mất chỗ nương đang kiếm tìm chỗ tựa, niệm Phật bi thiết. Thật ra chúng ta chẳng chịu suy gẫm thấu đáo, từ vô thỉ đến giờ mình từng trầm luân chìm nổi trong biển sinh tử, trồi lên hụp xuống biết bao lần mà chưa có ngày được thoát. Ta đã trải qua biết bao cuộc luân hồi, từng vào thai lừa bụng ngựa, từng mang lông đội sừng hoặc đọa vào cõi ngạ quỉ, địa ngục; từng nếm cảnh đao kiếm, nước sôi, nhận chịu biết bao thống khổ cứ vậy mãi thì bao giờ mới thoát ly? Nghĩ như thế lòng nào không rơi lệ buồn đau?

Trong thống khổ thăm thẳm đó, chỉ có ngưỡng vọng đức Di Đà cầu Ngài cứu độ mới có thể thoát ly khổ hải, đến được lạc quốc. Sao có thể không cảm kích đến tuôn lệ được? Nếu khẩn trương bi thiết dốc lòng niệm, như thế tâm sẽ tương ưng cùng Đức Di Đà.

3-Phải không không hư hư niệm

Thế giới chúng ta sinh tồn đây có biết bao hư vọng không thật. Thân thể ta là do ngũ uẩn tứ đại giả kết hợp thành. Chỉ có câu: “A Di Đà Phật” mới là chỗ rốt ráo để ta qui hướng. “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” chúng ta phải tâm vô quái ngại, dốc lòng xưng niệm danh Ngài, niệm đến đầu cũng không, chân cũng không, trời đất vỡ vụn, thế gian không tồn tại, chỉ còn lời niệm bổng trầm, mơ hồ thấp thoáng. Chỉ có câu “A Di Đà Phật” giống như sợi dây xuyên suốt cả vũ trụ hư không. Không các cái có, thật các cái không. Niệm đến trời cũng không, đất cũng không, chỉ còn tồn tại câu: “A Di Đà Phật”. Niệm được không không hư hư như thế sẽ giúp ta thể hội được cảm giác quên thời gian không gian, thân tâm thoát tan, an lạc.

4-Phải chí thành khẩn thiết niệm

Tưởng nhớ đến đức Di Đà từ bi, nguyện lực vô biên nhiếp thọ tất cả mười phương chúng sinh, ta không nén được lòng kính mộ tự nhiên bộc phát, nhất tâm niệm danh Ngài, đảnh lễ Ngài. Chỉ mong được ánh quang minh của Ngài chiếu rọi và tất cả chúng sinh sớm được độ.

Chúng ta phải dùng tâm cung kính chí thành như thế khẩn thiết niệm danh hiệu Ngài, đảnh lễ Thánh tượng Ngài. Vậy mới có thể mau chóng tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phúc huệ. Nên nói: “Lễ Phật một lễ, tăng phúc vô lượng, niệm Phật một tiếng, tội diệt hà sa”. Điều này không sai chút nào!

Tục ngữ nói: “Tinh thành sở chí, vô sự bất thành” (tinh tấn chí thành thì không gì mà không đạt). Niệm Phật, lễ Phật chỉ cần chí thành tinh tấn, chuyên tâm dốc lòng lễ lạy, tự nhiên sẽ được cảm ứng. Gọi là: “nhân hữu thành tâm, Phật hữu cảm ứng”. Chúng ta phải niệm thành tâm, lễ bái khẩn thiết là vậy.

Bản chất Thiền, Tịnh, vốn tương thông

Kinh Quán vô lượng thọ Phật có nói: Tu pháp môn tịnh độ cần có đủ ba tâm:

1-Tâm chí thành

Vì muốn thoát khổ sinh tử mà cầu sinh sang cõi ấy. Chẳng phải cầu danh, vì lợi dưỡng mà ra vẻ tinh tấn.

2-Tin sâu

Đối với 48 nguyện độ sinh của đức Di Đà tuyệt chẳng có chút nghi ngờ. Luôn giữ lòng tin kiên cố không lay chuyển. Chuyên tâm nhất ý xưng niệm Thánh hiệu Phật, nương nhờ Phật lực vãng sinh tịnh độ.

3-Phát nguyện và hồi hướng

Về phương diện tự lợi, nguyện đem tất cả phúc đức, trí huệ tu hành toàn bộ đều hồi hướng vãng sinh Tây phương.

Về mặt lợi tha, xin đem tất cả công đức này, hồi hướng hết cho chúng sinh, nguyện mọi chúng sinh hữu tình hiện hữu đều được vãng sinh tịnh độ.
Đại sư nói:

– Nhìn về cách tu thì thấy như Thiền, Tịnh có chia phân, nhưng thực chất vốn rất tương thông.

Các bậc đạt đức cổ xưa từng nói: “Thiền Tịnh song hành”. Người tham thiền hiểu biết, niệm Phật thể nhập vào thật tướng rất nhanh, còn người niệm Phật công đức sâu dày, tâm hành nhu nhuyến, dụng công miên mật, khai ngộ cũng không khó.

– Năm 1989, tôi đi Đại Lục, thấy họ làm lễ Tán lư hương ngay cả vần điệu cũng không có, còn các chùa miếu tự viện, mặc dù thuộc Đạo tràng Lâm Tế nhưng thiền phong thời Đường Tống đến giờ đã suy vi, cho dù là Đại Tùng lâm đi nữa.

Như Đại sư từng trụ qua Tiều Sơn, Thê Hà Sơn, Bảo Hoa Sơn, các nơi này đều chẳng có Thiền sư chánh thống, nên tất nhiên là không có các tông phái thiền huấn luyện chánh quy. Thế nhưng Thiền trong Tùng lâm, hình thức oai nghi vẫn còn được bảo tồn. Đại sư nhớ lại kinh nghiệm tham thiền thuở nhỏ và kể:
“Thời thanh niên sinh hoạt, tham học; trừ lễ Phật niệm Phật ra cũng có đả tọa tham thiền. Song Phật giáo Trung Quốc từ đời Tống trở về sau đều có khuynh hướng “Thiền Tịnh đồng tu”. Lúc tôi xin vào ở các chùa cũng có thực hành tham thiền. Nhưng có một nguyên nhân khác đặc biệt nữa, đó là các ngôi chùa cổ xưa nay đa số đều nằm heo hút tận chốn thâm sơn. Hồi đó đèn điện chưa có, đêm tối dầu còn không có để thắp, vì dầu phọng còn không có ăn, lấy đâu để thắp đèn? Bởi vậy khi màn đêm buông phủ là chỗ nào cũng tối mò tối thui, nói gì đến xem kinh đọc sách? Ngày tháng sống thầm cứ kéo dài mãi như thế. Do đó chỉ có ngồi thiền là thượng sách. Đêm đến chỉ cần đốt một cây hương nơi Thiền đường, ngồi tĩnh tọa đối diện với tự tánh, làm một màn dụng công quán tâm là hợp nhất.

Lúc mới tập ngồi thiền, hẳn nhiên là đau nhức khó chịu cực kỳ. Bắp thịt thì tê buốt, nhức như kim châm. Nhưng chẳng được phép nhúc nhích gì. Mà thực ra càng động đậy càng đau thêm, tốt hơn hết là cứ gồng mình chịu đựng, nhất định phải mài luyện cái bắp đùi ngoan cố ấy để ngồi cho đạt mới thôi.

Bây giờ có vài Đạo tràng cũng lập thiền thất, cũng dạy tĩnh tọa, nhưng “hành giả” có ngồi không đúng cách thì các pháp sư chủ trì cũng không ép buộc, vì cho rằng người mới tham học cứ để cho họ tập dần dần.

Nhưng thời của chúng tôi chẳng ai cho tập dần dần. Tại Thiền đường, vị sư giám thiền cầm cây roi to tướng bệ vệ đi tới đi lui xem chừng. Thấy người nào ngồi kiết già không đúng qui cách là “chát”, ông quất xuống liền và quất rất nhiệt tình. Cây roi to như cái chèo, không hề khách sáo với ai. Có lúc bắp chân đau quá hết tự điều khiển nổi, nó cứ gồng rồi gồ lên cao, lúc đó phải dùng sức đè hoặc ráng trì nó xuống.

Nếm đủ đau nhức nhưng chúng tôi ai nấy cố chịu đựng. Suốt quá trình điều thân, tôi hiểu ra chỉ có nhẫn nại là sức mạnh tối thượng.

Thật ra thì tham thiền không nhứt định phải trụ trong tư thế ngồi mà cả suốt bốn oai nghi. Bửa củi, gánh nước, mặc áo, ăn cơm, không gì mà không là thiền.

Nhưng cái thế ngồi khoanh bắp đùi tương đối dễ nhiếp tâm hơn. Lục Tổ từng nói trong bài kệ Vô tướng: “tâm bình cần gì trì giới, hạnh trực nào nhọc tham thiền”.

Tất nhiên là tu hành không nên chấp trước vào hình tướng, mà quan trọng là tâm giải thoát. Nhưng đối với người sơ cơ, trong ngoài gì cũng quan trọng, nên việc tu phải đủ cả tánh tướng mới không làm đảo lộn gốc ngọn, mới không lầm lạc rơi vào nẻo sai.

Đôi chân vừa khoanh thân tâm bất động

Thời thanh niên đả tọa tham thiền đã giúp Đại sư cả đời hưởng dụng không hết. Suốt mấy mươi năm nay bất kể là ngồi xe, đi thuyền, đáp máy bay, hội họp hay khai thị.. Đại sư đều có thói quen ngồi khoanh đùi lại, mà hễ đôi chân vừa khoanh là thân tâm Ngài bất động.

Một số người không biết Đại sư có cái công phu hễ ngồi là không động đậy này, khi họ đến bái kiến Ngài, nhằm vào lúc sư phụ đã ngồi rồi, một khi chân đã khoanh lại là Ngài chẳng nhúc nhích gì nữa, Ngài có thể vẫn chuyện trò, nhưng chẳng uống ăn tẩy rửa gì, thường một cuộc ngồi của sư phụ dài độ ba bốn tiếng. Khách đến thăm thủ lễ nên chẳng dám thượng sàng nghỉ ngơi, mà ngồi theo sư phụ thì mệt bứt hơi, mệt đỏ mặt mày, vì công phu tĩnh tọa của Đại sư rất thâm hậu.

Nghe kể ngày xưa khi Đại sư bôn ba hoằng pháp khắp bắc nam, Ngài thường ngồi trong tư thế liên hoa trên hỏa xa ngót bảy, tám tiếng đồng hồ. Từ Cao Hùng Đại sư cứ ngồi như vậy mãi đến Đài Bắc mới xả ra, chẳng nhúc nhích động đậy gì, thật là đáng nể.

Hồi mới đến Đài Loan Đại sư phát hiện Thiền không phổ biến ở các tự viện nơi đây, mọi người đều chẳng có ý niệm gì về tham thiền và không hề biết đến Thiền đường. Vì vậy Đại sư bắt buộc các chùa thuộc Phật Quang Sơn mỗi nơi đều phải lập Thiền đường và các đệ tử phải kinh qua việc tham thiền, toạ thiền. Thậm chí đối với chúng xuất gia sư phụ cũng đề xướng: “sáng sớm ráng ngồi thiền năm phút, tối niệm Di Đà mươi mười câu”. Đại sư cho rằng đời sống thế gian bận bịu, nên mỗi sớm dù họ chịu nhín ra năm phút toạ thiền cũng giúp được tâm an.

Những năm đầu ở biệt viện Đài Bắc, vì muốn giúp đại chúng thiền quán đúng đắn, Đại sư biên soạn “Tham Thiền Bách Pháp”, cả thảy có 24 quyển, đủ thấy Ngài rất coi trọng việc tham thiền.

Thế nhưng tham thiền chẳng phải là chỉ để ngồi thiền mà cái chính là để khai ngộ, nếu không nói đến thành Phật thì khai ngộ cái gì? Nói đơn giản thì mối nghi về sinh tử đã được phá vỡ. Nghĩa là có một ngày trí não chợt bừng sáng lên: “Chà! Ta hiểu rồi! Rõ rồi! Té ra là vậy đó!” Mức độ ngộ có nhiều thứ bậc, chẳng hạn như trong lòng thấy rất là hỉ duyệt, đây là một kiểu. Thân tâm thoát lạc, nhân ngã đều tiêu, đây cũng là một kiểu. Hoặc quên mất thời gian, không gian, đại địa như lắng đọng, hay hư không vỡ nát v.v..

Ngộ là nhân, Phật là quả. Mầm liễu ngộ kết thành quả Phật là việc tất nhiên.

Tôi hỏi:

– Sư phụ đã gặp qua người khai ngộ chưa?

Chưa ngộ mà vỗ ngực tự xưng thì rất dễ bị phát hiện. Còn người khai ngộ thật sự rất khó nhận ra. Bởi vì chính bản thân họ cũng không diễn tả được. đây chính là: trên đỉnh diệu cao không thể diễn bày. (diệu cao đỉnh thượng , bất khả ngôn truyền).

Nhưng ở tòa núi thứ hai (thấp hơn một bực) thì có thể diễn tả sơ qua.

Tôi đã gặp qua vài người khai ngộ, và ai đã trải qua kinh nghiệm này thì sẽ có cảm giác: “Hoá ra là như thế!”

Sư phụ có thể kể về ngộ cảnh của mình chăng? – Tôi hỏi.

Đối với ngộ cảnh thì tôi cũng biết chút ít, nhưng ngộ thì không thể nói. Vì đó là chỗ: “đường ngôn ngữ dứt, tâm hành diệt” (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Nếu nói là thể hội thì dễ giải thích hơn.

Người muốn tham thiền không những phải tập ngồi thiền mà ngay trong các sinh hoạt thương nhật như mặc áo, ăn cơm, làm việc, nghỉ ngơi.. đều phải dụng tâm để thể hội. Thể hội cái gì? Đầu tiên là phát khởi nghi tình. Các tôn giáo khác đều bảo ta không nên nghi, xong theo thiền Thoại Đầu thì khuyến khích nghi. Phát khởi nghi với những câu như “Niệm Phật là ai? Ăn cơm là ai? Vạn pháp qui nhất, nhất qui về đâu? Thế nào là mặt thật trước khi cha mẹ sinh ra?” v.v.. nghĩa là giờ giờ phút phút, lúc nào cũng dụng công thì cuối cùng sẽ thể hội được. song đã thể hội rồi cũng không nên ngừng tham cứu tiếp, phải dốc hết tâm sức tham mãi cho đến khi “nước rút bày đá, chân tướng hiện nguyên hình”mới thôi”. Nghĩa là nếu cần khổ chịu khó lâu ngày thì cũng có lúc “xuyên thủng được trời đất” hay gọi là “chọc lủng đáy thùng” (vỡ thùng sơn) hoặc “đập vỡ nồi đất”!..

Đặc điểm của người khai ngộ

Đại sư nói:

– Mặc dù có một số người chẳng thể phát hiện được người khai ngộ, song vẫn có những tính chất đăïc biệt để nhận dạng. Người khai ngộ đương nhiên là có trí tuệ, hành xử tự tại, sống hài hòa, cơ phong nhạy bén, hễ gặp họ là có thể được khai thị. Thế nhưng trong cuộc sống, điều cần nhất là chính mình phải kinh qua, phải thể hội, tự thân phải dụng công tu, chứ đừng ỷ lại vào người.

Đại sư kể một câu chuyện Thiền xưa:

– Hương Nghiêm Trí Nhàn là người thông minh, có một bụng đầy ắp kinh luận, một hôm đến tham vấn Qui Sơn Linh Hựu. Qui Sơn bảo:

– Ta nghe ngươi sáng trí học rộng, hỏi một đáp mười. Giờ ta chỉ hỏi ngươi một câu:

– Thế nào là mặt thật của ta trước khi cha mẹ sinh ra?

Hương Nghiêm tận dụng tất cả sở học, lục tìm hết trong kinh điển cũng không moi ra được lời đáp, bèn thưa với Qui Sơn:

– Xin sư phụ từ bi khai thị cho con!

Qui Sơn bảo:

– Nếu ta nói cho ông nghe thì vẫn là chuyện của ta, ăn nhập gì tới ông! Mà ta giải ra hết cho ông rõ thì e là tương lai ông sẽ hối hận, thậm chí còn oán ta nữa kia!

Hương Nghiêm tâm chí cao ngạo, bị Qui Sơn từ chối, buồn rầu đem kinh điển của mình thiêu hủy hết, đến Nam Dương Tự giữ mộ cho Quốc sư Huệ Trung. Ngày đêm vẫn canh cánh khối nghi chưa giải trong lòng, tâm tư khó chịu như bị lửa đốt.

Một hôm sư đang quét sân, tình cờ nghe tiếng đá va vào cây trúc, sư hoát nhiên đại ngộ, thấu triệt hết, liền vào nhà tắm gội, hướng về Qui Sơn làm lễ, xúc động rơi nước mắt thưa:

– Cảm tạ tấm lòng đại từ đại bi thiết tha của sư phụ, ngày ấy nếu Ngài mở miệng nói lời giải nghi cho con thì con đâu có được cái hạnh phúc như hôm nay!