LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG I
TÌM THỰC TẠI CUỐI CÙNG

Con người, cũng như vô lượng loài chúng sanh khác, từ ngàn xưa vô thủy, thường bị dằn vặt bởi những nỗi khắc khoải triền miên. Trong những cơn hoạn nạn, sợ hãi lo âu kinh hoàng, hoặc giữa những giây phút xuất thần, con người thường bị những câu hỏi ám ảnh trở đi trở lại, và thường thấy rằng những câu hỏi ấy có vẻ như vượt khỏi tầm tay của mình… Ta là gì? Kẻ khác là cái gì? Sự vật là cái gì? Vũ trụ là cái gì? Cái gì đã tạo nên ta và sự vật? Ta là thực hay là ảo? Vũ trụ này là thực hay là ảo? Nó có cùng tận hay vô cùng tận?… Nó có vẻ huy hoàng lung linh, nhưng hình như cũng hay phù du tàn lụi. Vậy thì có cái gì gọi là trường cửu miên viễn không?… Vũ trụ này có ý nghĩa gì không, hay chỉ là một trò đùa hoặc một lầm lộn ghê gớm? Tại sao lại có những đau khổ hoạn nạn, lại có sanh già bệnh chết? Tại sao không trường thọ hoài hoài? Bậc thánh hiền hoặc người ngu muội, chết rồi thì còn gì không?.. .v.v…

Đại khái những khắc khoải là như vậy. Mang cái thân xác phù du này, cưỡi trên con ngựa Vô thường, con người lửng lơ rong chơi giữa một cái vũ trụ lúc nào cũng nửa sanh nửa diệt, nên không thể không khắc khoải muốn đi tìm một cái gì miên viễn, một thực-tại-cuối-cùng bền vững trường cửu để làm chỗ đặt chân.

Do đó, các triết thuyết, các hệ phái, các nền tôn giáo mỗi mỗi đều cố gắng đưa ra những đáp số ít nhất cho một số những câu hỏi ấy.

Nhưng phần đông các hệ phái triết học chỉ đưa ra được một thứ mê đồ vọng tưởng, rồi chính mình sa lầy trong đó như con ruồi mắc lưới nhện to. Cho nên, kinh Phật thường gọi các trường phái triết học thế gian là những hý luận, tức là những trò chơi bằng sự suy tư theo ý niệm, không thể nào thể nhập được Thật tướng (tức Thực tại), và không có lợi gì nhiều cho sự giải thoát…

Tỷ dụ như phái hiện sinh của Sartre. Sartre là một người rất thông minh, nhưng thông minh theo nghĩa thế gian trí, và không có mấy trí huệ. Ông cũng là người còn ưa xu hướng theo thời thượng thế tục, nên muốn kết tập một thứ triết thuyết nào phản ánh những tâm trạng ưa ghét của đám đông quanh mình… Tư tưởng của ông đã đưa ra được vài điểm đặc sắc : tỷ dụ như ông đã nhìn thấy cái rỗng không của tâm thức con người (absolue vacuite de la conscience), hoặc đề xướng rằng tâm thức đôi khi có khả năng hư vô hóa Sự vật (L’esprit paríois a le pouvoir de neantiser les choses).

Tuy đề xướng như vậy, nhưng không biết khơi đào thêm nữa sâu vào con đường đó. Cũng như nhiều triết gia cận đại, ông cùng băn khoăn muốn tìm một cách, một con đường để hóa giải sự vật (reduction phenomenologique)… Nếu ông chịu khó đào sâu cái rỗng không của tâm thức, thì có lẽ ông đã nhìn thấy lấp ló con đường hóa giải sự vật. Đằng này không. Tuy đề xướng như vậy, nhưng ông lại rẽ ngang sang nẻo khác, để đi tới chỗ bế tắc, vô nghĩa và tuyệt vọng. Vì có lẽ kết luận đó họp với tâm tư ông và tâm trạng thời đại hơn… Tâm trạng của ông là tâm trạng của một người trí thức, rất trìu mến tâm thức và tâm tư, nhưng cũng rất ngại ngùng e sợ sự vật. Thời đại ngày nay là thời đại của những cái tạm gọi là vật, cao trào sự vật dâng lên, bao vây và bao phủ con người, khiến con người nhiều khi cảm thấy rằng mình chẳng còn giá trị gì, còn thua xa giá trị của sự vật. Nên ai nấy đều đua nhau tranh giành, xâu xé để chiếm đoạt sự vật. Không mấy ai hiểu rằng sự sự vật vật, qua cái diễn trình từ vô lượng kiếp, chỉ là do sự biến hiện của những tâm tưởng tích lũy của các chúng sanh mà ra. Và cả cái vũ trụ không ngằn mé này cũng vậy…

Sar-tre cũng vậy, cũng không hiểu chân lý đó, vì không chịu dấn thân, khổ công miệt mài đào sâu cái rỗng không ấy nó đã tạo nên mọi sự vật. Rốt cuộc, ông ta vấp phải cái có-vẻ thực-tại bền bỉ và kiên cố của sự vật, rồi kết luận rằng: “Sự vật là một thực tại lù lù, vô nghĩa. Giữa đám sự vật vây quanh kín mít, tôi cảm thấy mình nhu một thứ du thừa. Có lẽ con người chỉ là một sự dam mê vô ích…” Nhưng vốn là một người trìu mến tâm thức và tự do của tâm thức, nên ông đành vớt vát kết luận rằng: “Rốt cuộc, con người chỉ là một thái độ, là phải dấn-thân-vào-một-hành-động-tối-thượng, để làm nổ tan cái tự do của mình vào giữa mặt sự vật…”

Tóm lại, trên con đường mong hóa giải sự vật để giải thoát con người, phần đông các triết gia cũng đều lầm lẫn về đường hướng như Sartre. Vì họ chỉ biết dùng con đường suy-tư-bằng-ý-niệm của ý thức, tức là Cogito mà thôi. Trong khi đáng lẽ phải dùng con đường Non Cogito, tu Chỉ tu Quán để đào sâu cái Rỗng không của tâm thức, chiếu soi lọt dần vào Vô thức, rồi phá vỡ Tàng thức và đạt tới Thực tại Nhất như… Đến đó, thì đương nhiên mọi sự vật của pháp giới không ngằn mé đều bị hóa giải, vì pháp giới chính là sự biến hiện của Tàng thức mà thôi. Cũng cần nói ngay rằng con đường của chư Phật mười phương và ba đời chính là con đường siêu tuyệt để reduction phenomenologique, chứ không có gì khác cả…

Suy ngẫm kỹ, ta sẽ thấy một sự kiện rõ ràng là: Sự vật bao vây con mắt ta, bao vây quanh ta, không lúc nào là mắt ta không nhìn thấy vật. Ngay trong giấc ngủ, ý thức ta cũng nhớ lại những bóng dáng tiền trần và tạo nên những độc-ảnh-cảnh sự vật. Cho đến cõi trời Vô tưởng, vẫn còn ngấm ngầm có sự thấy biết. Vậy nếu không hóa giải nổi sự vật, thì con người không sao tự tại được…

Hãy nhìn đến khoa học, trong việc tìm đáp số. Khác với triết thuyết, khoa học không nuôi hoài bão muốn hóa giải sự vật. Khoa học thực tiễn hơn, cẩn thận hơn, chỉ muốn tìm hiểu sự vật, để cải tạo và sử dụng sự vật, để tăng cường quyền năng của con người. Nhưng trên đường tìm hiểu đo lường sự vật, khoa học cũng nuôi hoài bão muốn tìm tới cái then chốt cuối cùng của cái guồng máy đồng hồ của vũ trụ… Đã có một thời đầu thế kỷ 20, các khoa học gia hết sức lạc quan, tuyên xướng rằng chẳng còn bao lâu nữa, khoa học sẽ phanh phui hết mọi bí ẩn của vũ trụ, và sẽ tìm thấy cái then chốt cuối cùng… Thế rồi họ đi sâu lần vào lãnh vực cực vi. Nhưng càng đi sâu vào, lại càng thấy mịt mùng biến ảo, không biết đặt chân chỗ nào, tưởng chừng như mình lạc bước vào một lâu đài huyền thoại. Vì các phần tử cực vi cứ HIỆN ra không cùng, ngày càng biến ảo, không biết lấy cái nào làm viên gạch cơ bản của vũ trụ…

Những trang sau đây sẽ đề cập kỹ càng hơn về cuộc phiêu lưu kỳ thú này. Bấy giờ, chỉ cần ghi là các khoa học gia càng ngày càng nhận thấy rằng: Các sự vật bị nhận biết hình như không thể tách rời ra khỏi chủ thể, con người nhận biết. Và nhà khoa học lớn Eddington đã phải thốt ra câu sau: “Cái vũ trụ này hình như cóc phải là một bộ máy lớn. Nó giống như một TÂM-TƯỞNG-LỚN hơn là một bộ máy lớn” (Cet univers ressem-ble à une grande pensée, plutôt qu’à une grande machine)…

Nhưng điều đó, thì lời kinh xưa đã nói rất lâu rồi. Vì kinh xưa dạy rằng Trần không thể tách khỏi Căn được, và vũ trụ chỉ là những ẢNH TƯỢNG TƯƠNG ƯNG chiêu cảm bởi những tâm tưởng tích lũy từ vô thủy bởi mỗi chúng sanh hay mỗi loại chúng sanh.

Vậy về việc tìm đáp số, mặc dầu khoa học ngày nay tiến bộ vượt bậc, và mang lại khá nhiều quyền năng cùng thần thông cho con người, nhưng khoa học cho đến nhiều năm nữa vẫn chưa thể nói lên lời đáp số cuối cùng về cái bí ẩn của vũ trụ. Vả lại, sự tiến bộ của khoa học thì cũng như mọi việc ở cái thế gian trần lụy này, nó cũng vẫn là một đồng tiền hai mặt, có mặt phải thì bắt buộc có mặt trái…

Nay nhìn đến các hệ thống tôn giáo khác… Đáp số của các tôn giáo lớn, tuy không phải là những phương trình toán học có thể chứng nghiệm phổ biến, nhưng đáp số thường hoàn bị, thâm sâu và cao viễn hơn nhiều.

Khoa học là của những thứ Prométhée muốn cướp lửa của thần linh và muốn tự xưng là thần linh, trong khi chính con người Prométhée vẫn còn hàm chứa quá nhiều thú tính… Nhưng các tôn giáo lớn thì là do chính các bậc Thần linh thị hiện làm người lãng đãng nói ra qua các thời đại, rồi từ những miền sa mạc, từ những rừng sâu núi thẳm coi là đạo trường, khoan thai và không mong cầu, nhắc nhở lại cho loài người những Chân lý vĩnh cửu, phi thời gian và không gian… Vì loài người say sưa đuổi theo sự vật, nên luôn luôn quên những chân lý ấy.

Cho nên, các tôn giáo lớn như Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Lão giáo… đều hàm chứa một số chân lý lớn. Vì chân lý lớn, nên tồn tại lâu dài. Và một số đông con người vẫn còn đủ lương năng để lẽo đẽo hay tận tụy đi theo.

Nhưng bình tĩnh mà xét, thì phần đông các tôn giáo lớn, tuy có đưa ra một số chân lý vĩnh cửu nhưng thường dừng lại ở đó mà không nói lên được cái đáp số rốt ráo tột cùng.

Ần Độ giáo chẳng hạn, giáo lý khá cao sâu. Các tu sĩ Bà-la-môn thường là những bậc tu thiền định, và nhập những con tam-muội khá sâu. Khá sâu, nhưng chưa phải là Định rốt ráo. Do đó, mới chỉ nhìn thấy một phần cội nguồn của sự vật… Nên giáo lý đó đã dừng lại ở quan niệm nhất nguyên thần hóa, coi Phạm thiên là đấng tạo ra muôn vật. Tuy nhiên, cũng biết dạy rằng: “Vũ trụ này chỉ là một giấc chiêm bao của Phạm thiên…” Do đó, đã đi gần tới giáo lý Như Huyễn của nhà Phật. Nhưng các tu sĩ Bà-la-môn chỉ biết cho đó là một giấc chiêm bao của Phạm Thiên, mà không hiểu rằng vũ trụ là giấc chiêm bao của chính cái tâm của mình.

Kinh Đại Bát Niết Bàn, và nhất là Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương, đã giải thích rất kỹ càng về hiện tượng tu thiền định lạc nẻo này. Kinh mệnh danh hiện tượng đó là tam-muội đảo điên, số là các vị tu thiền định đều phải dùng sức quán tưởng để phá và hóa giải ngũ ấm ngăn che là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức… Năm ấm đó là năm màn sương mù che lấp cái Thực tại cuối cùng, nên cần phá cho hết… Nhưng khốn nỗi là phần đông tu sĩ Bà-la-môn thường chỉ phá được bốn ấm: sắc, thọ, tưởng, hành… rồi lại dừng chân nơi Thức ấm. Đến giai đoạn này, trong cơn tam-muội, các vị đó đều có thể xuất thần thức lên cõi trời Đại Tự Tại ở đỉnh cõi sắc giới. Ngồi trong tam-muội, thấy an lạc quá, cho là niết-bàn rốt ráo, ngồi lỳ trong đó. Lại thấy Thức ấm rất vi tế nhỏ nhiệm, chu biến khắp nơi, bèn cho là thường hằng. Lại thấy ông Phạm Thiên Đại Tự Tại có nhiều thần-lực và tự-tại-lực quá, nên thường lầm nghĩ rằng Phạm Thiên chính là đấng tạo ra muôn vật…

Các kinh Cơ đốc giáo cũng chứa đựng nhiều chân lý lớn, nhưng cũng ngừng lại ở nhất nguyên thần hóa. Chú trọng về khía cạnh cứu chuộc do lòng Tin, ít phát triển khía cạnh Trí tuệ nhận thức. Tuy nhiên, thánh Jean cũng có những cơn xuất thần nhập định tại đảo Patmas, nên có Vision về Apocalypse…

Lão giáo cũng rất cao sâu. Biết nói tới cái Vòng Hư Vô vốn là Thực tại bản nguyên. Biết nhắc tới cái Niệm mê mờ vô thủy, là “do hốt, do hoảng”… Nhưng chưa chỉ rõ ràng cái Vòng Hư Vô ấy chính là Tâm… Tôi trộm nghĩ rằng Đức Lão Tử cũng là một Bồ Tát lớn, thị hiện ra đời ở Trung Hoa, để chuẩn bị tâm thức của mảnh đất này, chờ đón kinh điển Đại Thừa cùng thông điệp trực chỉ chân tâm của ngài Đạt-ma.

Riêng Đức Mâu Ni thì chỉ thẳng là cái Tâm, và nói rõ rằng vũ trụ là HUYỄN HÓA. Pháp giới không ngằn né này chỉ là sự huyễn hiện, chỉ là giấc chiêm bao của cái Tâm của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng sanh… Triển khai vừa trí tuệ vừa lòng tin.

Đã có lần, có một vị Bà-la-môn tới hỏi Đức Phật về nhiều câu hỏi siêu hình như đã kể ở trên. Đức Phật chỉ ngồi im lặng, mỉm nụ cười vi tiếu.

Vì sao?

Thực ra, sự im lặng và nụ cười vi tiếu của Phật có rất nhiều ý nghĩa. Chỉ xin kể ra ba ý nghĩa:

– Thứ nhất là Ngài muốn bảo rằng: Tất cả những câu hỏi siêu hình đó đều chỉ là những câu hỏi và thắc mắc của một người đương ở trong chiêm bao. Khi tỉnh giấc chiêm bao, người ấy sẽ tự thấy rằng tất cả những câu hỏi ấy đều không cần.

– Thứ nhì là Ngài muốn nói rằng: Cái Thực tại cuối cùng mà ta chứng nhận được trong cơn đại-tam-muội rất sâu, nó là Pháp thân thường trụ, là Thật tướng, là Chân thiệt tế, là Chân tâm diệu minh. Nó là minh, vì chính nó là Tạng quang minh luôn luôn chiếu soi không hề ngừng nghỉ. Nó là diệu, vì nó cực kỳ nhiệm mầu, diệu dụng vô cùng, và luôn luôn phan duyên và duyên khởi ra mọi sự mọi vật. Nó là Chân không, nhưng tính chất của Chân không lại chính là Diệu hữu, vì chỉ từ cái Tột không mới có thể làm đột khởi nên cái Có mà thôi. Nó lìa ngôn từ, lìa danh ngôn, lìa mọi ý niệm, nó bất-tư-nghì, thì cũng chỉ là một phương tiện thiện xảo bất đắc dĩ của cõi Ta-bà này thôi. Vì có nhiều cõi Phật, trong đó, chư Phật chỉ dùng hoặc quang minh, hoặc mùi hương, hoặc tiếng vang, hoặc nụ cười, hoặc tà áo, hoặc cơm thơm, hoặc hư không v.v… để khiến các chúng sanh tâm ngộ mà thôi, chứ không dùng ngôn từ…

– Thứ ba là Ngài muốn bảo rằng: Những kẻ muốn đi tìm Thực tại cuối cùng, mà cứ con mắt láo liêng, lăng xăng chạy Đông, chạy Tây, tìm quanh kiếm quẩn ở ngoài, thì thực là nực cười và đáng thương xót! Tương tự như một kẻ, có một hòn ngọc vô giá buộc trong tà áo, nhưng không biết, cứ chạy đi kiếm kho châu báu… Tương tự như Bính Đinh Đồng tử Hồng hài nhi, vốn chính mình là Thần Lửa, lại cứ lăng xăng chạy quanh kiếm Lửa… Kẻ đó, trong mỗi sát-na, đều chìm đắm ngụp lặn trong Thực tại, mà vẫn không hay không biết. Thực tại đó rất khó tế nhận, nhưng lại rất bình dị hiển nhiên. Nó ở ngay trước mắt chúng ta, ở ngay trong mắt ta, trong tai ta, trong sáu căn, trong mỗi cái nhíu mày nhướng mắt, mỗi cái lay động của thân, trong mỗi cái đột khởi của những tâm tưởng vi tế…

Nó chính là cái Thần quang núp trong sáu căn của mỗi người, khiến cho con người thấy nghe hay biết. Nó chính là cái thấy-nghe-hay-biết… Nhưng đó chỉ là một cách nói tạm mà thôi… Thực tại ấy sâu thăm thẳm ngàn trùng, và cái thấy nghe hay biết cũng chỉ là một bóng dáng của nó thôi, tương tự như mặt-trăng-dưới-đáy-nước.

Muốn tế nhận được nó, cần phải khổ công miệt mài, phải nhất tâm thẳng tiến đừng có dừng ở một con đường tẻ nào cả, cứ nhất tâm cầu quả Vô thượng, lập thệ nguyện rộng lớn ôm trọn cả pháp giới này. Vì pháp giới không ngằn mé này có phải là gì đâu, mà chính là Vô thức của mỗi chúng sanh?!.. Phải Yết-đế, Yết-đế, Vượt đi, Vượt đi…, phải ngược dòng. Các Đức Như Lai thuận dòng đi xuống, nhưng chúng sanh phải ngược dòng đi lên… Vượt cái gì, ngược dòng nào? Vượt tất cả những màn sương mù ngăn che là năm ấm hay bảy đại, hay mười tám giới… và ngược dòng Vô minh.

Vậy các ông hãy nên làm con Cá tích, Cá tích xương nhỏ nghiệp nhẹ, nên chúng dễ lội ngược dòng suối… Ngược dòng qua mọi màn sương mù, đừng có dừng chân, vì màn sương nào cũng là huyễn cả, không phải thường hằng. Dừng chân, tức là tự mãn tự cho là đủ, là rớt vào ma chướng, rớt vào ngoại đạo hư vọng, rớt vào định tính Thanh văn và Duyên giác… Như thế, thì các ông đương nhiên sẽ tới Chân tâm diệu minh, nơi đó tất cả Phật pháp đều hiện tiền, giải thoát tịch diệt hiện tiền, Thường tịch quang hiện tiền, diệu dụng vô cùng hiện tiền. Và các ông sẽ tha hồ vùng vẫy, hóa thân vô lượng cõi, tạo lập nghiệp hóa vô lượng cõi…

Còn có thể mong cầu gì hơn nữa?

* * *

Tuy nhiên, tuy Ngài im lặng, mỉm nụ cười hàm tiếu như vậy, nhưng đối với tất cả những câu hỏi siêu hình nói trên, không phải là Ngài không có đáp số. Trái lại, trong các kinh Đại Thừa, nhất là Lăng Nghiêm, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Địa Tạng, Bát Nhã, Viên Giác… có đầy đủ các đáp số về mọi vấn đề. về các cõi, về Hoa tạng thế giới, về cội nguồn vũ trụ, về lục đạo, về 28 tầng trời, về các loại chúng sanh, về các ma sự, về thời gian, về không gian, về sự lay động. Lời dạy hết sức hoàn bị, không một hệ thống tôn giáo nào sánh kịp… Có điều là những đáp số đó thường được rải rác trên các trang kinh, tương tự như những ngọn hải đăng lác đác rải trên mặt biển sương mù. Và kẻ hành giả cần nhìn những ngọn hải đăng ấy, rồi gắng công lội qua mặt biển.

Nụ cười vi tiếu cùng sự im lặng, cũng khiến một số người lầm nghĩ rằng giáo lý Phật mang màu sắc một thứ bất-khả-tri-luận (agnosticisme). Hoặc lầm nghĩ rằng giáo lý Phật là không có thần linh… Thực ra thì giáo lý Phật dạy chúng ta thấu suốt mọi thứ, và không khí các kinh Đại Thừa thường là tràn ngập quang minh, tràn ngập thần lực của Phật và Bồ Tát…