NGUỒN THIỀN NHƯ HUYỄN
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 


Thiền quán của nhà Phật là hơi thở của Trí Huệ Bát Nhã, Đại từ bi và tâm Vô sở cầu hạnh. Và bắt nguồn từ giáo lý Như huyễn cùng Duy tâm sở hiện…


CHƯƠNG 1

CON ĐƯỜNG THIỀN QUÁN CỦA NHÀ PHẬT – RỪNG THIỀN UM TÙM RẬM RẠP VÀ ĐƯỜNG LỐI CHẬP CHÙNG – NHỮNG CẢNH CHIM BAY CỦA THIỀN ĐỂ BAY BỔNG TUYỆT VỜI’

Tập sách nhỏ này được viết ra là để tiếp theo cuốn LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN, và cốt nói lên một vài điều cảm nghĩ hay nhận xét về 1 vấn đề mênh mang mịt mùng là con đường Thiền Quán của nhà Phật.

Trong cuốn Lăng Nghiêm Ảnh hiện, kẻ viết đã có dịp trình bày về những điểm ách-yếu then chốt của giáo lý Chư Phật: về dữ-kiện những thiên-la-võng quang minh tâm thức đã dệt nên pháp giới này, về thuyết Sát-na tức là những tia-chớp-nháng quang minh phụt lên từ nơi Chân-không và suy động bởi sức Hành của Nghiệp lực, và về Lẽ Tương-sanh-tương-duyên trùng trùng-huyển-khởi-tương-ưng của pháp giới.

Đồng thời, trình bày về Lý Duy tâm sở hiện vốn là Chân lý tối thượng và vi mật xiển minh bởi Chư Thế Tôn. Cũng nhận định rằng, nương theo lời kinh, Diệu Tâm ấy chỉ có thể mường tượng như một Biển Tinh- lực-uyên-nguyên, như một Biển quang minh vô tướng mạo, vừa sáng ngời tột bực vì nó vốn là Minh hay Tánh giác, lại vừa mầu nhiệm kỳ diệu có thể phan duyên huyễn-hiện thành pháp giới vì nó vốn là Diệu… Ngoài ra, Tâm ấy cũng chính là Chân không, là Tột-không, là tánh không của những pho Bát Nhã, nên mới có thể làm đột khởi lên các thứ Diệu-hữu, thành tựu tất cả pháp, tất cả hình tướng. Vì nếu nó không phải là Chân-không rỗng lặng và rảnh rang không lưu ngại, thì làm sao thành tựu các sắc-tướng từ thô đến vi tế được?!?

Tiếp theo, cuốn Lăng Nghiêm Ảnh Hiện đã trình bày về sự Khởi Vọng, tại sao Khởi Vọng, và Vọng là thế nào?… Vọng vốn là không có nguyên nhân, do một niệm-mê-mờ-vô-thủy, do hốt do hoảng, do một con mê sảng từ vô thủy, và một cơn mê sảng thì đâu có thể có nguyên nhân?! Vọng cũng tức là tất cả những móng niệm hý luận của tâm thức chúng sanh, làm khởi lên mọi thứ vọng tưởng cùng vọng tình. Vọng tưởng thì còn tương đối nhẹ nhàng, và thường chỉ tạo dựng nên những sở-tri-chướng lăn tăn chấp pháp, tức là những biến dịch sanh tử… Nhưng vọng tình thì nặng nề, và thường tạo dựng nên những cột gút phiền-não-chướng chấp Ngã tức là những mầm mong phần đoạn sanh tử… Do đó, những quang minh vô tướng mạo nhiệm mầu và cực kỳ thần tốc của Diệu tâm lần lần bị quyện lại, trở thành nặng nề, chuyển động chậm lại, rớt vào vòng chi phối của Không-Thời gian, và chuyển thành Thức… Thức tức là những quang minh của Diệu Tâm đã bị ô- nhiễm bởi vọng tưởng cùng vọng tình, nên trở thành nặng nề, và chúng bắt buộc phải mở cuộc hành trình đi vào con đường hiện-tượng-hóa, vào cái vòng huyễn- hiện của Thức biến. Vì ngày càng nặng nề, nên chúng thường chuyển động xoáy tròn theo hình chôn-ốc (spirale), tạo thành những cơn-lốc ba động quang minh, tuy cực kỳ vi tế nhưng cũng cực kỳ mãnh liệt, tức là những tập-khí chủng-tử xoay vần miên viễn trong Tạng thức chúng sinh.

Cho nên, Tạng thức cũng tương tự như giòng nước mênh mang của sông Hằng Hà, chứa đựng vi- trần-số hạt cát lượm lặt từ đỉnh núi Tuyết Sơn đi xuống, và mỗi hạt cát là một cơn lốc ba động quang minh (vorstex hay tourbillons de radiations). Những chủng- tử ấy tức là thức Sơ năng biến, Thức căn-nguyên trong Duy thức học (Radiations mentales Originelles hay primordiales)… Chúng xoay vần miên viễn không hề ngừng nghỉ, và luôn luôn tự-chứng tức là Tự CHIẾU SOI. Chúng bắt buộc phải tự-chiếu-soi, vì ở bình diện mịt mùng ấy, ngoài Tạng thức ra thì chẳng có gì khác cả, nên chúng chỉ có thể chiếu soi chính mình mà thôi… Càng tự-chiếu-soi bao nhiêu lại càng khởi vọng mê mờ bấy nhiêu, tương tự như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa đứng ngắm nghía diện mạo của mình trước gương, hoặc anh chàng Narcisse say sưa ngắm bộ mặt mình trong lòng suối.

Do tác động tự-chiếu-soi thường hằng ấy, nên mỗi cơn-lốc quang minh lại chuyển hiện và tự phân ra thành hai phần: Kiến-phần năng chiếu soi hay Năng- kiến, (le Percvant) và Tướng-phần bị chiếu soi tức Năng-hiện (le percu)… Cả hai phần đó đều lần chuyển hiện, ngày càng phổ sâu vào những bình diện mỗi lúc mỗi thô kệch lưu ngại, và sự chuyển hiện của hai bên bao giờ cũng TƯƠNG ƯNG với nhau. Kiến phần thì lần lần chuyển hiện thành bảy thức tức là Mạt na thức, ý thức và năm thức truớc của chúng sanh. Còn Tướng phần thì chuyển hiện thành những cảnh-giới y-báo tương ưng (correspondance) với sự nở xòe ra của những chủng-tử nghiệp lực của chúng sanh… Do đó, nên ngoài Căn cũng không thể có Cảnh, ngoài Cảnh không thể có Căn, và ngoài Căn với cảnh cũng không thể có Thức. Cả ba thứ đó đều đắm nhiễm thu hút lẫn nhau, vừa là một lại vừa là khác, tương sanh tương duyên lẫn nhau, và tạo thành một Bộ Ba bí-ẩn (mystery of the Trinity), tức là chữ Y gồm ba điểm trong giáo lý nhà Phật.

Tiếp theo đó, cuốn Lăng Nghiêm Ảnh Hiện đã trình bày về hai Ấm, tức là hai màn sương mù thường ngăn cách và che lấp Diệu tâm. Năm màn sương mù ấy, danh từ Kinh Lăng Nghiêm gọi là: Hư-vô-vi-tế vọng tưởng tức Thức-ấm, U-ẩn vọng tưởng tức Hành ấm, Dung thông vọng tưởng tức tưởng ấm, Hư minh vọng tưởng tức Thọ ấm, và Kiên-cố vọng tưởng tức sắc ấm… Nhưng nói vọng tưởng tức là nói Quang minh tâm thức và năm màn sương mù ấy tức là năm lóp quang minh từ tế đến thô của tâm thức.

Sau đó là trình bày về bảy Đại, về lẽ ẨN HIỆN của chúng. Chúng sanh chúng ta, trôi lăn qua nhiều kiếp và mang nặng những tập khí nhận thức vô thủy, nên thường lầm tưởng rằng bảy đại ấy đều hay lưu ngại và đều CÓ THẬT. Nhưng Phật đã khởi lòng từ bi cảnh tỉnh chúng ta, và dạy rằng: cả bảy đại đều là do những quang minh tâm thức dệt nên, chúng đều là huyễn-hiện, và lúc ẨN lúc HIỆN tùy theo sức chiêu cảm của những chủng-tử nghiệp lực của chúng sanh nở xòe ra. Và ngay cho đến thứ đại kiên cố nhất là Địa-đại cũng không phải là THẬT CÓTHẬT Lưu NGẠI, vì có những vị nhập tam muội như Ngài Ca Diếp có thể dễ dàng đi qua núi đá Kê Túc, rồi ngồi trong lòng núi nhập định để chờ ngày Đức Di Lặc ra đời…

Trên đây là thâu tóm sơ lược về phần ẢNH HIỆN của Kinh Lăng Nghiêm. Tức là phần Duy tâm sở hiện cùng cái vòng huyễn-hiện của Thức biến từ MỘT trở thành NHIỀU, tức là phần Trôi-lăn-lưu-chuyển của tâm thức chúng sanh.

Nhưng Kinh không phải chỉ dạy về trôi-lăn-lưu-chuyển, mà còn dạy chúng ta phải lên đường TRỞ VỀ Diệu tâm… Cần phải làm con CÁ TÍCH để được xương nhỏ nghiệp nhẹ (do trì giới…v.v…), rồi dùng hai chiếc cánh là Bát Nhã và Đại Bi để bì bõm lội ngược dòng suối Vô minh, vượt qua năm màn sương mù ngăn cách (là năm ấm) để trở về chứng nhập Diệu tâm và ôm trọn pháp giới trong thân tâm mình.

Vậy con đường Trở về ấy là như thế nào?

Trong Kinh Lăng nghiêm, có 25 vị Tiểu thánh hoặc Đại thánh đã khởi lòng từ bi giảng giải về con đường trở về của các ngài…

Hầu hết đều noi theo con đường Thiền quán: hoặc quán Không, quán Vô tướng, quán Bình đẳng vô ngại… hoặc quán diệu-lý Như huyễn… để lọt vào Tàng thức, rồi tránh các ý-ma, gột nốt những vô minh vi tế cuối cùng để trôi vào Biển Diệu giác… Riêng có Ngài Đại Thế Chí đã noi theo con đường Vãng sanh của Đức A Di Đà, nhưng cũng vẫn là con đường Thiền quán: Ngài dùng câu niệm Phật, nhớ Phật và quán tưởng Phật để thâu nhiếp sáu căn, lọt vào Tạng thức, mở được Tâm nhãn tức Kiến-đại tịnh diệu, được niệm Phật tam muội, nhìn thấy Đức Vô Lượng Quang và Chư Phật… và chứng nhập Diệu tâm…

Cho nên, tập sách nhỏ này cũng khởi lên từ một tâm-niệm muốn lạm bàn vài lời về con đường Thiền quán của Kinh Lăng Nghiêm và của Chư Phật. Lạm bàn không phải là vì nghĩ rằng có thể nói lên những điều mới lạ, mà chính là để sắp xếp lại những cảm nghĩ của riêng mình mà thôi.

Thực ra, kẻ viết ngại ngùng rất nhiều trước khi cầm bút. Vì nhận thấy con đường Thiền quá phức tạp và mịt mùng, và chỉ có những Bậc đã đạt được những đại định vô trụ mới có thể thông tỏ ngọn nguồn mà thôi… Còn tất cả những sự suy nghĩ viết lách, hay thực tập của một kẻ phàm phu, chẳng qua chỉ là cố nương theo lời kinh luận hoặc 1 vài ngữ-lục, để mò mẫm quờ quạng, mong hiểu thêm được chút nào thì hay chút ấy…

Ngại ngùng thêm nữa, là vì hiểu rằng mọi thứ kiến giải về vấn đề Thiền đều có thể trở thành những sở-tri-chướng làm trở ngại cho việc thực tập… Nhưng chúng ta còn là chúng sanh, và nghiệp của ta chỉ có thể sử dụng được ngôn-từ văn cú. Chưa có thể sử dụng được sự im lặng, cũng như chưa có thể sử dụng những quang minh tâm thức để trò chuyện với nhau như các vị trời ở cõi Sắc cùng Vô sắc… Nên cực chẳng đã và bất đắc dĩ, đành phải dùng ngôn từ văn cú để san sẻ cùng hội-ý vậy…

RỪNG THIỀN LÀ RỪNG TÂM THỨC, UM TÙM RẬM RẠP: TRĂM HOA ĐUA NỞ VÀ ĐƯỜNG LỐI CHẬP CHÙNG.

Ngày nay, một người thành khẩn muốn học và tu Thiền, khi mới bước vào con đường đó, thường dễ bị chóa mắt và lạc lõng, không biết phải đi con đường nào để phù họp với căn cơ của mình.

Là vì sao?

Là vì Rừng Thiền quá mênh mông bát ngát, và có quá nhiều con đường đi vào, và con đường nào hình như cũng có thể làm nở rầm rộ những bông hoa Thiền lung linh hương sắc… Nào là những lối Thiền thông tục của phàm phu với những cách thức tập trung tư tưởng tỷ dụ như lối luyện thôi miên, nào là những lối Thiền ngoại đạo thấp kém và tham bác, thường muốn mong cầu thấy những cảnh giới kỳ lạ ngay như Thiền xuất hồn, Thiền chuyển luân xa..v.v…

Lên cao hơn nữa, thì có những thứ Thiền tuy gọi là ngoại đạo nhưng đã được truyền dạy từ rất lâu, và có truyền thống rất vững chắc. Tỷ dụ như phép luyện của Lão Giáo, muốn bồi dưỡng Tinh Khí Thần, nhằm Tam hoa tụ đỉnh để kết thánh thai, nhưng hầu hết vẫn là tu theo Vọng niệm, chỉ muốn kiên cố cái hình hài thô kệch để cầu mong sống lâu được 1 vài ngàn năm… Rồi lại có những phép tu luyện Du già của truyền thống Ấn độ giáo như Bhakti yoga, Jnana yoga, Karma yoga, Raja yoga hoặc Kundalini yoga… thường đều nhằm khai mở luồng hỏa hầu Kundalini cùng mở những luân xa (chakras), để chuyển tâm thức hành giả ngày càng thể nhập những bình diện tế vi và cao hơn. Mục tiêu tối thượng là muốn khiến cho cái Tiểu Linh ngã (atman) của hành giả có thể chứng nhập được Đại ngã tức Brahaman, nhưng trên thực chứng, chắc là do lỏng kiến chấp thiên trọng về CHẤP CÓ (Being) quá nặng (tâm thức và nghiệp lực của đại đa số dân Ấn rất nặng nề về Chấp có và ưa tin về Thần ngã thường gọi là Monisme déifié), nên các tu sĩ Bà la môn thường chỉ lạc vào những cơn định ở những tầng trời sắc cùng Vô sắc, không ra khỏi được… và đó cũng là một nhân duyên khiến Phật Thích Ca phải khởi lòng từ bi, xuất hiện nơi đời tại Tây Trúc, để chỉ cho ngoại đạo những bước đường rốt ráo cuối cùng, để vượt nổi những cơn định ấy. Vì phần đông những đại đệ tử nhân thế của Phật đều xuất hiện từ hàng ngũ ngoại đạo, hoặc thị hiện ở trong ngoại đạo rồi đi ra. Ngay cho đến vị đệ tử cuối cùng là Ngài Tu Bạt Đà La, trước kia là học trò của uất Đầu Lam Phất và đạt được tới định Phi-phi tưởng, nhưng cứ lẩn quẩn trong đó hoài, rồi có túc duyên được Phật điểm hóa mới vượt lên trên được… Vả lại, nếu xét kỹ và khách quan, thì sẽ thấy rằng giáo lý của Chư Thế Tôn có nhiều điểm tương đồng với truyền thống Ấn Độ giáo (nhất là phái samkhya và Vedanta), nhưng chỉ khác biệt nhất là ở những điểm RỐT RÁO và SIÊU TUYỆT mà thôi. Tỷ dụ như giáo lý Tánh Không (phi hữu phi vô), giáo lý Như Huyễn cùng Chân lý tối thượng Duy tâm sở hiện cũng như sự cốt thiết phải gột nổi những biến dịch sanh tử vi tế lăn tăn cuối cùng trong tàng thức… Vì chính giáo lý ấy khiến cho Chư Phật ba đời làm BẶT NỔI những móng niệm lắt lay vi tế cuối cùng của tâm thức, và thể nhập những cơn Đại định vô trụ như Thủ Lăng Nghiêm tam muội, hay Phổ quang minh sát na tế tam muội…, vượt xa những cơn tam muội nông cạn còn chấp pháp của ngoại đạo.

Nay bước vào Thiền nhà Phật, thì Rừng Thiền nhà Phật vẫn quá um tùm rậm rạp, khiến kẻ sơ học vẫn thấy tần ngần lạc lỏng… Nào là những Thiền nhị thừa như Ngũ đình tâm quán: quán Bất tịnh, quán Nhân duyên, quán Từ bi, quán sổ tức, quán Giới phân biệt. Nào là Tứ niệm xứ, nào là Tứ gia hạnh, nào là Bốn thiền, Bốn định, nào là Diệt-thọ-tưởng-định… Nào là Thiền đối trị, nào là Thiền căn bản. Đi sâu hơn nữa, thì lại thấy có một ngành Thiền tông Ân Độ có lẽ thiên trọng về tĩnh-tọa, về tĩnh-lự cùng Mặc chiếu để KIẾN TÁNH, và có một ngành Thiền Đông Độ, pha trộn với Lão Trang, pha trộn với hơi thở Bát Nhã của giáo lý Trung quán của ngài Long Thọ, pha trộn với Bát Nhã Vô tri luận của Tăng Triệu cùng quan niệm Đốn Ngộ của Đạo sinh, và thiên trọng về công án thoại đầu, về nghi tình, về chuyển ngữ, về đánh hét, đồng thời chủ trương muốn thể hiện Thiền trong động tác… Rồi thì Ngài Đạt Ma nói về Vô thức, về Vô tâm, truyền giao

Kinh Lăng Già bốn quyển, ngài Hoằng Nhẫn lại truyền giao Kinh Kim Cang, Ngài Huệ Năng lại dạy Vô niệm… Rồi thì phái Giang Tây của Ngài Mã Tổ dạy: tức tâm tức Phật hoặc phi tâm phi Phật, ngài Thần Hội lại chỉ đua ra một chữ TRI, còn Ngài Huệ Trung thì nói: Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời (tức chữ Tâm). Phái Tào Động thì thích dạy Mặc chiếu, và tạo lập ngũ vị quân thần yếu quyết, trong khi phái Lâm Te thiết lập Tứ liệu giản, chuyên chú thoại đầu cùng đánh hét, và chủ trương phải thiền trong động tác… Tóm lại, nhiều thứ tông phong đa dạng xuôi ngược, thường khi bí hiểm và ly kỳ cổ quái. Nhưng đó đều là những đường lối thể hiện Đại từ bi của các Ngài… Ngoài ra, còn nghành thiền Thiên Thai không phải là không cao siêu đặc sắc, với bộ Ma Ha Chỉ Quán cùng Lục Diệu pháp môn của Ngài Trí Khải, và giảng dạy về giáo lý Nhất tâm tam quán. Sau này, Ngài Huyền Giác cũng tu thiền Thiên Thai, rồi được Ngài Huệ Năng ấn chứng.

Thêm nữa, trong các kinh, cũng có dạy sự thọ trì để đắc, hoặc Pháp Hoa Tam Muội, hoặc Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Kim Cang Tam Muội, Như Huyễn Tam Muội, Chân Như Tam Muội…

Ngần ấy ngã đường cũng đủ tạo thành một mê đồ ảo phố khiến kẻ mới học phải tần ngần khắc khoải, không biết đi theo đường nào?!…

Ngoài ra, những môi trường tu học ngày nay (tức là những Thiền viện cùng thanh quy) và những bạn đồng tu cũng kém sút rất xa so với thời Tượng Pháp cách đây chừng 1000 năm. Ngày nay, người thì nhân mãn, nên sự tranh dành cùng lòng mong cầu vật chất quá mãnh liệt, không có mấy ai còn nghĩ đến Tâm là gì, và những luồng ba động tâm thức phát ra đều thường là phàm tục, nặng nề, mờ đục, lăng xăng dao động rong ruổi theo ngoại cảnh… Lại thêm, rất ít Chân sư, và phải có túc duyên lắm mới gặp nổi một bậc có thể nhìn rõ căn cơ người đệ tử, rồi trao cho một pháp môn cùng hướng dẫn việc tu hành. Phần lớn chỉ có thể gọi là thụ nghiệp sư, và đại đa số thì toàn là tà sư, tức là những người còn đầy vọng niệm mong cầu, luôn luôn muốn nhằm và đánh mạnh vào những thị hiếu mong cầu của đám người cầu học (tỷ dụ như mong cầu sớm có những cảm giác kỳ lạ, những cảnh giới khác thường… hoặc mong cầu muốn dung hiệp công phu tu Thiền với việc hành lạc về sex để lôi cuốn giới trẻ..v.v…) để tạo dựng một tư thế cùng sự cung kính lợi dưỡng cho chính mình… Ấy là chưa kể một số tà sư rõ rệt là bị những thứ linh quỷ nhỏ ám nhập, như Kinh Lăng Nghiêm đã chỉ rõ ràng… Vì thế, nên kinh thường dạy: ở thời mạt-pháp, các vị Thánh hiền thường ở ẩn vì sự thiếu túc duyên của người đời, côn những tà sư thì nổi lên nhiều như cát bụi…

Ấy là nói về sự khó khăn tìm cầu chọn lựa của những người thành khẩn muốn học và muốn tu.

***

NẠN HÀO HOA HƯ NGỤY CỦA MỘT SỐ NGƯỜI HỌC THIỀN:

Ngoài ra, có một hạng người cũng ưa thích tìm cầu, muốn hiểu biết về Thiền.

Loại này thường là những người có ít nhiều thế gian trí, tự mãn về trí thông minh của mình, rồi nghe nói đến Thiền vốn là một thứ là lạ và thời thượng, nên cũng khởi tâm tìm cầu hiểu biết ít nhiều. Hiểu biết để tu tập sửa trị tâm thức thì ít, nhưng để thỏa mãn cái tính ưa hư-đàm-không-luận của mình thì nhiều.

Loại này thường là rơi vào những lề thói hào- hoa-hư-ngụy, miệng thì nói thao thao như bạt sơn đảo hải nhưng về sự hành trì thì chưa chuyển nổi một hào ly những kiết sử trong tâm thức… Ngoài miệng luôn luôn nhắc nhở đến những điểm cao siêu vi vút như Huyết mạch luận, sáu cửa vào động Thiếu thất, hoặc Bát nhã vô tri luận…, tưởng chừng như mình sắp có satori đến nơi rồi, nhưng trong khi đó thì vẫn chưa hiểu rõ năm ấm là như thế nào, hoặc vọng tưởng là cái chi chi?!…

Rồi thì đọc dăm ba cuốn sách, thấy nhắc đến hình ảnh của ngài Đạt Ma chống tích trượng đi sang Đông Độ, hiên ngang lẫm liệt như 1 tay kiếm khách ra chốn hải tần, tuyên bố vỏn vẹn 1 câu: “Quách nhiên vô thánh”, rồi ngồi chín năm quay mặt vào vách… Đọc thấy vậy rồi, thì kẻ hào hoa hư ngụy suy ngẫm ít lâu, rồi cũng tưởng mình có thể như vậy, có thể hiên ngang lẫm liệt bước vào thế giới Vô ngôn, bước vào niềm cô liêu tuyệt đối của những ngọn Tuyết Sơn. Không hiểu rằng những Bậc đó đều là những Đại Bồ Tát đã từng nuôi dưỡng tâm đại từ bi và từng thí thân trong vô lượng kiếp, rồi tới nay thị hiện nơi đời để chỉ đường mách lối cho chúng sinh mà thôi. Còn như căn cơ của đa số chúng ta thì thường cách xa gót chân của các ngài vào khoảng vài vạn năm ánh sáng nữa.

Hoặc nghe nói câu: “Bất lập văn tự”, cùng thấy Ngài Huệ Năng xuất thân chỉ là một người tiều phu ở Lãnh Nam, thì bèn lầm tưởng rằng mình có thể rẻ rúng văn tự và coi nhẹ kinh sách… Không hiểu rằng những bậc tuyên xướng: Bất lập văn tự, đều là những bậc đã thuộc lòng kinh sách và nhập một với ý kinh từ rất nhiều kiếp rồi. Tương tự như 1 tay kiếm khách, trước khi nói đến Vô chiêu, đều đã thuộc lòng tất cả chiêu số và tùy ý BIẾN HÓA các chiêu số… Vả lại, kinh có lỗi gì đâu mà mình có thể rẻ rúng không chịu đọc tụng thọ trì?! Kinh trước sau cũng chỉ nói có 1 việc là THẤY Tâm, THẤY Tánh. Nếu muốn Đốn Ngộ và Kiến tánh, dễ gì mà coi nhẹ kinh được?!… Cứ nhìn vào các Đại thiền sư thì đủ rõ, như Ngài Hư Vân chẳng hạn. Các ngài vẫn tụng kinh, trì trú, và niệm Phật hơn người thường rất nhiều… Hơn nữa nếu ta suy ngẫm về những chuyển ngữ hoặc đối thoại trắc nghiệm tâm thức của các ngài, thì hầu hết lấy ý ở kinh mà ra, như Kinh Lăng Nghiêm, hoặc Kim Cang, Bát Nhã, Duy Ma, Lăng Già, và Duy Thức Học… Có điều là lời kinh nói minh bạch và bình dị hơn, trong khi các chuyển ngữ đều có tính cách đột ngột hoặc bí hiểm cổ quái, khiến cho chỉ những người trong cuộc mới dễ lập tức NHẬN ra mà thôi…

Ngoài ra, những bậc tu Thiền khá cao, mà không kiếm được Thầy ấn chứng cho mình, vẫn thường phải đọc kinh để lấy ấn chứng… Như Ngài Hám Sơn, vào năm ngoài 30 tuổi, ngồi tu thiền một mình trên Ngũ Đài Sơn, vào được Không tam muội kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng không có thầy ấn chứng, đành phải giở Kinh Lăng Nghiêm ra, ngồi đọc suốt tám tháng để tự kiểm lấy ấn chứng.

Vậy thì người thành khẩn tu thiền, trừ phi là bậc căn cơ siêu xuất hoặc Đại Bồ Tát thị hiện như ngài Huệ Năng, không nên coi nhẹ kinh sách, và chớ nghĩ rằng căn cơ của mình có thể đọc nổi những bản kinh Vô tự. “Y nhiên Vô tự thị Chân kinh” được… Riêng kẻ viết cũng được biết một vài trường họp những người quen, vì đọc Kinh Lăng Nghiêm không vô nổi, nên ngã lòng xoay ra đi theo những trường phái Thiền ngang tắt…

MẤY ĐIỂM CỐT THIẾT: NHỮNG CÁNH CHIM BAY CỦA THIỀN ĐỂ BAY BỖNG TUYỆT VỜI

Trên con đường lìa bỏ cái NHIỀU để Trở về chứng nhập DIỆU TÂM, có 2 điểm quan hệ thiết tưởng cần nói trước ngay ra ở đây:

A- ĐIỂM THỨ1:

Dù là tu theo pháp môn nào cũng vậy, hoặc muốn tu Đốn hay tu Tiệm, hoặc tu Thiền, hay tu Tịnh hay tu Mật, con đường vẫn là trở về Tâm. Và muốn trở về Tâm, thì bao giờ cũng cần phải làm BẶT những cảm thọ của năm thức trước, rồi làm bặt những tâm tưởng của ý thức tức thức thứ sáu, rồi phá vỡ tấm lăng kính cong queo kiên cố của Mạt na thức luôn luôn chấp Ngã và luôn luôn muốn khởi sức hành của Nghiệp vọng… để LỌT ĐƯỢC VÀO TẠNG THỨC.

Con đường nào cũng phải đi qua đó, nghĩa là LỌT vào TẠNG THỨC. Lọt vào thì được cái gì?

Lọt vào rồi thì sẽ đối diện với những Quang minh hư-vô-vi-tế của Hiện thức chỉ còn lăn tăn chấp pháp. Sẽ mở được một phần Tâm nhãn tức Kiến đại tịnh diệu, để NHÌN THẤY, và nhận thấy rõ ràng rằng tất cả pháp giới này đều được dệt bằng thứ quang minh hư vô vi tế ấy, và cũng đều dung thông gắn bó chằng chịt với tạng thức của hành giả… Ở nơi bình diện ấy, với tâm nhãn tịnh diệu và trực giác hiện lượng, hành giả đã gần như rời bỏ thức tâm sai biệt để bắt đầu bước vào Biển Trí vô sai biệt, nên có thể NHÌN THẤY những Diệu sắc thân của Đại Bồ Tát hay Phật, và nhìn thấy rõ ràng những mạng căn của tất cả chúng sanh khác đều dính liền và gắn bó với mạng căn của mình. Nhìn thấy rõ ràng chứ không mơ hồn ước đoán, vì trong kinh bao giờ cũng dùng chữ KIẾN như trong câu: “chiếu KIẾN ngũ uẩn giai không...” Vì các mạng căn trong pháp giới đều dính liền gắn bó như vậy, nên nếu các chúng sanh chưa được cứu độ, thì sự thành tựu của hành giả cũng chưa thể viên mãn tròn đầy như mặt trăng ngày rằm được…

Do đó, nên dù chúng ta tu Thiền và chú tâm nơi tướng bạch hào hay nơi chóp mũi, hay quán chiếu hơi thở hoặc quán bốn đại… hoặc là tu Tịnh dùng câu niệm Phật để thu nhiếp sáu căn, hay là quán cảnh Tây Phương hay quán ứng thân hay Chân thân Phật… thì con đường nào trước sau cũng chỉ là nhằm LỌT vào Tạng thức, nhìn thấy những quang minh hư-vô-vi-tế, mở được Tâm nhãn tịnh diệu hay là Trí vô sai biệt.

Bởi vậy nên pháp môn Vãng sanh Tịnh Độ cũng vẫn là Thiền quán… Có điều là pháp môn Thiền thuần túy thường thiên trọng về Trí huệ Bát Nhã, về quan niệm Nhất nguyên Phi thần hóa làm cỗi nguồn của pháp giới, về Tự lực tu chứng… và phù hợp với những căn cơ thượng hoặc tối thượng thì có thể đi tới giải thoát. Trong khi pháp môn Tịnh là do lòng Đại từ bi hằng khởi của Chư Phật phương tiện hiển bày, để tạo dựng một sinh lộ dễ dàng và thẳng tắt và phù họp với mọi căn cơ. Nghĩ kỹ thì sẽ thấy rằng môn này thực là kỳ đặc, và thiên trọng về lòng Đại bi, về Nhất nguyên thần hóa, về Thần lực và Nguyện lực. Người tu Tịnh, tuy chưa đủ sức để khai mở thần lực của chính Tâm mình, nhưng vẫn có thể cảm ứng nương vào Biển thần lực cùng Nguyện lực của Phật cùng Đại Bồ Tát, để chóng LỌT vào Tạng thức và nhìn thấy Phật cùng cảnh giới Tây Phương. Cũng tương tự như 1 anh nhà quê, đôi chân chỉ có thể vượt mười lăm dặm một ngày, nhưng biết bám vào bánh xe Bảo-luân của vua Chuyển luân nên có thể dễ dàng vượt qua muôn dặm…

Nhưng LỌT được vào Tạng thức rồi cũng chưa phải là hết chuyện, chưa phải là cứu cánh, chưa phải là Chứng nhập trọn vẹn… Ở đây mới là bình diện của những quang minh hư vô vi tế của Hiện thức, chưa phải là những quang minh vô tướng mạo của Chân thức tức Diệu tâm.

Nơi đây tuy đã chớm bước vào lãnh vực Bất Nhị rồi, nhưng còn nhiều con đường tẻ lạc nẻo, gây nên bởi những ý MA mà hành giả có thể vấp phải. Nơi đây các Thiên ma không còn khuấy phá mấy nữa, song những

Ý-ma lại thường nở ra từ tâm thức hành giả để gây chướng ngại. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng giải kỹ càng về những ma chướng của Thức ấm tức Tạng thức này…

Tạng thức vốn là một Biển quang minh mịt mùng, hàm chứa cả Chân lẫn Vọng. Chân là Chân thức tức là những quang minh vô tướng mạo, Cực kỳ thần tốc và lập tức ứng hiện. Vọng là Hiện thức, tức là những quang minh cũng hết sức vi tế nhưng đã hiện tướng rồi, chúng thường xoáy tròn miên viễn như những cơn lốc ba động, và hàm chứa những vọng tưởng rất vi tế và chấp pháp… Vào đến đây rồi tức là đã lọt vào được nơi KHÔNG HẢI (Vacuité hay Emptiness), được một thứ KHÔNG tam muội, nhưng Không tam muội này còn nông cạn, vì tuy đã vượt được nhiều sắc tướng cùng cảm thọ tâm tưởng, nhưng chưa thể ngồi ở nơi Không Hải ấy mà khởi nhiều thứ diệu dụng được (khởi diệu dụng thường là do GIẢ quán và TRUNG quán) cũng tương tự như con thỏ, tuy lội qua sông được đấy, nhưng chân chưa chấm đất nơi đáy sông…

Phần đông các bậc Thiền sư, tu theo ngành Thiền Đốn Ngộ của Đông Độ, thường đạt được trạng thái tâm thức Satori này, tức là lọt được vào Tạng thức, và chớm bước vào một thứ Không tam muội còn nông cạn. Chỉ cần đọc những trang ký sự chứng ngộ của các Ngài là có thể thấy rõ. Phần đông đều mô tả rằng lúc đó, nhìn pháp giới như một biển pha lê trong suốt, và quang minh chan hòa… Trạng thái tâm thức có thể kéo dài vài phút, vài giờ, vài ngày, hoặc vài tháng tùy theo mức độ nông sâu, chứ không phải là thường trực. Và thường khi, nếu muốn tái nhập trở lại, cũng chưa chắc đã làm được.

Phần đông những trạng thái satori ấy chỉ có thể gọi là CHỨNG NGỘ. Ngộ chưa phải là NHẬP, vì mới là thoáng qua nhìn thấy, trong khi Nhập thường trực nhìn thấy tùy theo ý muốn. Ngộ cũng chưa phải là GIÁC, vì Giác cũng là trọn vẹn và thường trực. Cho nên, chứng ngộ chỉ có thể gọi là TƯƠNG TỢ GIÁC. Tuy chứng ngộ là Kiến Tánh đấy, nhưng mới chỉ là nhìn thấy một cách thoáng qua và mơ hồ cái Biển quang minh của Hiện thức, và Hiện thức chỉ là cái bóng dáng mơ hồ và TƯƠNG TỢ của Chân thức tức Diệu Tâm.

Cho nên, khi vị thiền sư của thế kỷ thứ tám hay mười, nhờ nhân duyên một tiếng hét, một cú đánh, một cái đạp, một cái véo mũi, hoặc một chuyển ngữ đột ngột và cùng tuyệt của vị Tổ sư truyền thừa… bèn đôi khi chọc thủng và phá vỡ được màn lưới vọng thức kiên cố và chằng chịt dệt nên từ vô thủy bởi thức thứ sáu và thứ bảy. Màn lưới này, danh từ nhà Thiền gọi là “cát đằng kim cổ ”, hoặc là “thùng sơn keo dính ”, tức là các thứ dây leo bìm sắn của vọng thức, chúng mọc lan man chằng chịt, và che lấp “nẻo vào Thiên thai” của Tàng thức. Màn lưới ấy hốt nhiên vỡ tung, như một thứ lâu đài bỗng nhiên sụp đổ, và hành giả LỌT được vào tàng thức, được một thứ satori tức là một thứ Không tam muội mới chớm… Được vậy rồi, nhưng chớ lầm là có thể thành Phật ngay, vì những tập khí còn cơ man không kể xiết, và còn những đường dài để tu. Được vậy rồi, các vị thường lại phải tìm 1 nơi hoang vắng để ăn rau ăn quả và thanh tu thêm chừng 2, 30 năm… Thanh tu thêm để làm gì? Để làm kiên cố hơn, thâm sâu hơn cái trạng thái Thoáng KIẾN TÁNH ấy, cái thứ Không tam muội mới chớm ấy. Để khiến cho nó vững chắc hơn, thường trực hơn, và dù va chạm phải cảnh ngoại duyên nào cũng vẫn giữ được bất biến, như bất động.

Giai đoạn thanh tu này, gọi là Tập SỐNG KHÔNG LÌA TÁNH. Nhưng khi Không tam muội được thâm sâu vững chắc rồi, tức là tâm thức hành giả đã có thể dễ dàng tùy theo ý muốn Lọt vào Tàng thức và trụ bơi bình diện đó, song vẫn chưa hết chuyện… Vì sao?

Vì Không tam muội ấy mới chỉ là KHÔNG QUÁN, mới chỉ là phép CHỈ (tức là làm bặt vọng thức của 6 và 7), mới chỉ là phép tu XA MA THA của Kinh Lăng Nghiêm, và phép tu này mới chỉ đưa hành giả tới bậc Càn-tuệ địa (tức Huệ KHÔ) và có Huệ nhãn mà thôi… Và thứ Huệ khô ấy, nếu muốn khiến nó trở thành nhiệm màu kỳ diệu, có thể ứng dụng biến hóa không cùng, thì cần phải lấy nước cam lồ của lòng ĐẠI BI mà tưới cùng thấm nhuần nó.

Vậy lúc đó, phải làm gì? Lúc đó, vị thiền sư phải hạ sơn, đi vào nhân thế, phải “thỏng tay vào chợ” như từ ngữ nhà Thiền vẫn nói. Phải va chạm tiếp xúc mọi thứ ngoại duyên, mọi thứ cơ duyên với mọi thứ chúng sanh. Để khởi, và tôi luyện cái lỏng ĐẠI Bỉ để độ sanh. Trải tâm mình trên mọi thứ cơ duyên, mọi thức chúng sanh… Để làm gì? Để tu tập GIẢ QUÁN để tu phép QUÁN hay TAM MA BÁT ĐỂ của kinh Lăng Nghiêm…

Có nghĩa là: sống ngay ở giữa mọi trần cảnh, mọi hình tướng, luôn luôn tùy duyên ứng dụng… mà vẫn luôn luôn thấy rằng tất cả tướng đều là biến hiện, đều là huyễn hiện, đều như có như không, đều là mộng- ảo-bào-ảnh-lộ-điển, đều là rỗng lặng, đều rốt ráo không. Và tuy luôn luôn làm tất cả Phật sự để độ duyên, mà vẫn thấy tâm thân mình rỗng lặng, chúng sanh rỗng lặng, Phật sự rỗng lặng…

Làm như vậy lâu và thuần thục rồi, thì lần lần vị Thiền sư ấy vượt khỏi được giai đoạn TƯƠNG TỢ GIÁC của Càn huệ. Vượt sâu hơn những quang minh hư vô vi tế của Hiện thức… Bước vào giai đoạn PHẨN GIÁC của Thập địa Bồ Tát, tức là nhìn thấy từng phần những quang minh vô tướng mạo của Chân thức tức Diệu Tâm.. .Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy rõ rằng: “Phật tánh ấy, Trung đạo ấy, (tức Chân tâm), tuy nó vô hình tướng, nhưng có thể THẤY được. Hàng Thập địa Bồ Tát thấy lờ mờ, nhưng Phật thấy rất rõ ràng… ”PHẨN GIÁC như vậy, lần lần bước tới Đệ thập địa, tức là Thọ chức vụ, tức là Pháp vân địa, có thân hào quang ngự trên một bông Đại Bửu Liên Hoa ở cõi trời Sắc cứu cánh, phóng hào quang bao trùm các cõi. Lúc đó, có thể nhập Thủ Lăng Nghiêm tam muội, tức Như huyễn tam muội, tức Chân như tam muội, tức Kim cang tam muội, tức Phổ-sát-na-tế-quang-minh-tam muội. Có thể sử dụng mọi thứ quang minh vô tướng mạo để ứng hiện tràn đầy pháp giới để độ duyên, như kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm có điển nói rất rõ ràng.. Rồi bước lên Đẳng giác địa, tức là trạng thái Giác ngộ BÌNH ĐẤNG, thấy rõ không có một pháp có thể có được… Rồi trôi vào BIỂN DIỆU GIÁC VÔ SỞ ĐẮC, tức là Phật, là CỨU CÁNH GIÁC,CHỨNG NHẬP trọn vẹn DIỆU TÂM chẳng có cũng chẳng không…

Tu Giả quán là bước vào phép tu Như Huyễn của Kinh Lăng Nghiêm. Giả quán thuần thục thì bước vào Trung đạo Song chiếu. Nghĩa là tâm vẫn trụ ở nơi Không hải tĩnh lặng, mà thân thì đi vào mọi cảnh giới cùng sắc thân để độ duyên… Như vậy, lần lần sẽ nhập trọn vẹn Như huyễn tam muội. Rồi được vô tác diệu lực cùng vô công dụng như ngài Quan Thế Âm.

Trung đạo song chiếu là Không, Giả quán, là chỉ quán song tu, của Luận Khởi Tín, là phép tu Thuyền na trong kinh Viên Giác, là Nhu huyễn tam ma đề của Lăng Nghiêm…Song chiếu là điểm đại bí ẩn của Bồ Tát Đạo. Và song chiếu đến chỗ tuyệt vời thì trôi vào biển Diệu Giác…

Con đường tu hành hay Thiền quán của Chư Thế Tôn ba đời mười phương, chỉ là như vậy… Chỉ gồm mấy chữ như ĐẠI BAT NHàvà ĐẠI TỪ BI, hoặc CHỈ QUÁN song tu, hoặc KHÔNG GIẢ song chiếu… Nhưng cái chữ cỗi nguồn và siêu tuyệt hơn cả vẫn là: DUY TÂM SỞ HIỆN. Vì từ chữ này, lưu xuất ra tất cả những chữ kia.

Tuy chỉ gồm mấy chữ như vậy, nhưng có thể bao gồm pháp giới cùng vô lượng pháp môn. Vì sao? Vì hành giả có thể quán chiếu bất cứ gì cũng được, có thể quán chiếu tứ đại đất nước gió lửa, có thể quán chiếu chóp mũi hay tướng bạch hào, quán chiếu bất cứ căn trần thức nào cũng được… nếu biết nương theo giáo lý Như huyễn cùng Duy tâm sở hiện để làm khởi và tăng Đại Bát Nhã và Đại Từ Bi, thì lần lần đều có thể thực hiện Chỉ Quán song tu để bước dần vào Biển Diệu Giác.. .Tuy gồm mấy chữ như vậy, nhưng thiếu 1 chữ cũng không được. Tương tự như con chim, nếu thiếu 1 cánh, thì không thể bay bổng tuyệt vời được.

Con đường Thiền quán là như vậy… Dù là ngành Thiền Thiên thai của Ngài Trí Giả, hay là ngành thiền Đốn ngộ Đông Độ của Ngài Huệ Năng, hay là ngành thiền Tây trúc của Ngài Ca Diếp, con đường thiền quán vẫn là như vậy… vẫn là trước tiên phải LỌT được vào Tàng thức, vẫn phải Đại Bát Nhã cùng Đại Từ Bi, vẫn phải Chỉ Quán song chiếu, vẫn phải hiểu rõ Lý như-huyễn cùng Duy tâm sở hiện…

Có điều là mỗi ngành Thiền có thể xiển dương những lề lối cùng phương tiện thiện xảo có ít nhiều khác biệt để phù họp với căn cơ.

***

LỊCH TRÌNH DU NHẬP ĐÔNG ĐỘ:

Muốn hiểu rõ thêm sự phôi thai của những ngành Thiền tại Đông độ, thiết tuởng cần phải luợc tóm lại những dữ kiện chính yếu trong cái diễn trình du nhập của Phật giáo Đại thừa vào Trung Quốc.

Trung quốc vốn là mảnh đất lớn và đông đảo, và từ non 10 thế kỷ đã bị ngự trị bởi hai luồng tư tuởng lớn là Khổng giáo và giáo lý Lão Trang… Khổng giáo vốn là lối nhìn ít siêu xuất, và quá thiên trọng vào cuộc nhân sinh phù du trước mắt, nên không cần nói nhiều đến ở đây… Giáo lý Lão Trang thì cao siêu nhưng chỉ triển khai loáng thoáng và cô đọng, lại đượm nhiều màu sắc TIÊU DAO, nên còn để sót lại nhiều kẻ hở về nhận thức quan cũng như về pháp môn tu luyện, khiến về sau đã lần lần xa đọa hóa, trở thành những bí thuật tu tập theo kiểu Dưỡng chân và kiên cố hình hài của những Thần tiên phái… Tuy nhiên, những luồng giáo lý ấy đã ăn sâu và thấm nhuần vào tâm thức người dân Trung quốc, khiến mảnh đất phì nhiêu này được cày bừa kỹ càng, chỉ còn chờ gieo rắc những hạt giống siêu nhiên là có thể mọc cây um-tùm rồi đâm bông trổ quả… Cho nên, khi du nhập Trung quốc, dĩ nhiên là Phật Giáo cũng phải pha trộn và biến thái một phần theo những luồng giáo lý ấy, nhất là Lão Trang. Vả lại, đầu óc người dân Trung quốc vốn thực tiễn hơn, ít tín tâm đối với những dử kiện hay thế giới siêu nhiên hơn là tâm thức người dân Ấn… Và cũng bởi vậy nên khi ngài Đạt Ma chống tích trượng sang Đông Độ, trong những bài thuyết pháp đầu tiên, ngài đã phương tiện nhắc nhở ngay một vài lời dạy trong Đạo đức kinh…

Thực ra giáo lý Phật du nhập Trung quốc ngay thế kỷ đầu của Tây lịch. Nhưng chỉ mới loáng thoáng và lẻ tẻ. Và đợi đến cuối thế kỷ thứ 4, với Ngài Cưu Ma La Thập (tịch năm 413), mới có sự du nhập sâu đậm và rầm rộ… Ngài La Thập dịch rất nhiều kinh sách, nhưng chưa có Kinh Lăng Nghiêm cùng Hoa Nghiêm. Đồng thời, Ngài dịch nhiều bộ Đại Luận, nhất là của Ngài Long Thọ như Đại Trí Độ Luận, và do đó, du nhập tư tưởng Bát Nhã và Trung Quán vào nước Tàu. Luồng tư tưởng Bát Nhã này sổ toẹt tất cả cái pháp giới dù hư ảo, chắc đã khiến nhiều kẻ sĩ dân Trung Quốc thấy choáng váng ngây ngất, tưởng chừng như đang uống một thứ linh dược kỳ dị, vừa thấy say sưa sảng khoái lại vừa bàng hoàng thấp thỏm… Rồi thì mấy vị đại đệ tử của Ngài La Thập, như Ngài Tăng Triệu lại trước tác những bộ luận như Bát Nhã Vô Tri Luận hoặc Vật Bất Thiên Luận, hoặc Ngài Trúc Đạo Sanh trước tác bộ Đốn Ngộ. Và tất cả đều thấm nhuần hương vị Bát nhã…

Nhưng ngay trong thời gian ấy, đã có Ngài Huệ Viễn xuất hiện. Ngài là một vị Đại tăng, có tín tâm sâu chắc, nên tuy thỉnh thoảng vẫn viết thư hỏi Ngài La Thập về những điểm giáo lý cao siêu cùng tột, Ngài đồng thời đứng lên thiết lập Liên hoa xã đầu tiên của Trung quốc để tu pháp môn vãng sanh Tịnh Độ… Và theo sách sử ghi chép lại, thì ngài cùng nhiều đệ tử đã thành tựu được hạnh nguyện vãng sanh Cực Lạc.

Như thế là luồng tư tưởng Bát nhã và Trung quán đã gây ảnh hưởng sâu đậm đầu tiên trên nước Tàu… Tông phái được thiết lập là Tam luận tông, căn cứ trên những bộ luận như Đại Trí Độ Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận để triển khai giáo lý Trung Quán …Chừng nữa 2 thế kỷ sau, luồng tư tưởng Bát Nhã , cộng với những bộ kinh như Lăng Già, Lăng Nghiêm, Kim Cang , Duy Ma.. .đã trở thành nội dung giáo lý của ngành Thiền Đốn ngộ Đông Độ, nhưng giáo lý này cũng pha trộn chút ít màu sắc Lão Trang.

Đồng thời, tông phái Tịnh Độ của Ngài Huệ Viễn cũng được thành lập sớm sủa. Tông phái này, tuy trong thời gian đầu, không phát triển rầm rộ như những ngành Thiền, nhưng âm thầm ăn sâu vào tâm thức đám đông Phật tử, ngày càng vững chắc. Thậm chí cho tới thế kỷ thứ 12, có nhiều phái Thiền tuy bề ngoài vẫn giữ ít nhiều lề lối tu Thiền, nhưng bên trong đều là tu niệm Phật để cầu vãng sanh. Rồi sang tới thời mạt Pháp, căn co đa số ngày càng kém sút, nên đại đa số chuyển sang nương nhờ vào câu niệm Phật, không dám nghĩ đến tự lực cùng Bát Nhã nữa, chỉ muốn nương theo nguyện lực cùng lỏng Đại bi của Chư Phật… Trong giòng giáo lý Tịnh Độ này, thiết tưởng cần phải kể tới tên tuổi của Ngài Vĩnh Minh. Ngài vốn là một Thiền sư, đã từng đắc Thiền rồi, nhưng lại quay sang tu Tịnh độ, cực lực cổ xúy pháp môn niệm Phật cùng giáo lý tối thượng Duy tâm sở hiện… Sở dĩ cần nhắc đến tên vì ngài là một trong những bậc hy hữu có cái nhìn hội-thông về Lý nhất quán trong đạo Phật. Và trong 1 bộ sớ giải của ngài, khi luận giải về Thập Huyền Môn của giáo lý Hoa Nghiêm, ngài đề xướng rằng chỉ cần nương vào Chân lý Duy Tâm Sở Hiện là có thể đủ lý giải về 10 huyền môn…

Rồi tới năm 520, thì Ngài Đạt Ma chống tích trượng sang Tàu, uy nghi và lẫm liệt. Ngài chỉ ngồi quay mặt vào vách núi chín năm, sáng lập ngành Thiền Đốn ngộ Đông Độ, rồi thể hiện xả bỏ ứng thân vào năm 529 gì đó… Tông của Ngài truyền thừa qua Ngài Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn…rồi đến Ngài Huệ Năng thì tạo thành một khúc chuyển hướng kỳ đặc (sẽ được nói đến ở sau), và sau này được phát triển rầm rộ dưới cõi trời Đông Á (Trung hoa, Cao ly, Nhật bản, Việt nam)…

Chỉ mấy năm sau ngài Đạt Ma , thì ngài Trí Khải (hay Trí Giả) ra đời, vào năm 531… Lúc đó, ngài Huệ Tư đã sáng lập tông Thiên thai, y cứ vào kinh Pháp Hoa cùng mấy bài kệ của ngài Long Thọ. Khi ngài Trí Khải tới thọ giáo, Ngài Huệ Tư nói ngay rằng: “Ông xưa cùng ta đồng dự hội Linh Sơn nghe kinh Pháp hoa, duyên xưa đeo đuổi, nay Ịại gặp đây..” Xem thế thì đủ hiểu rằng ngài Huệ Tư có túc mạng thông và nhìn thấy căn cơ của người đến thọ giáo… Nhưng túc mạng thông cũng nhìn thấy căn cơ có nghĩa là gì? Nghĩa là nhìn thấy những ba động quang minh hư vô vi tế trong Tàng thức của ngài Trí Khải. Vì thực ra, những ảnh tượng quá khứ, dù từ vô lượng kiếp, cũng đều lưu lại những vết tích nơi Tàng thức, nhưng cần phải đủ đạo lực hay đạo nhãn mới nhìn thấy được.. Nếu không nhìn thấy, làm sao hướng dẫn sự tu tập, cùng ấn chứng mức độ chứng ngộ của người đệ tử? Vả lại, tâm tưởng nào mà không có hình tướng vi tế hay vô biểu sắc, chỉ trừ những tâm niệm siêu tuyệt và gần như vô niệm của các bậc Đại Bồ Tát. Nên trong bộ Đại Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ mới dạy rằng: “Nếu cho các tâm tưởng là không có hình tướng, thì thực là sai lầm ”. Cho nên, xưa kia, khi các bậc Đại sư nhìn căn cơ cùng ấn chứng cho đệ tử, chắc rằng các ngài đều nhìn rõ thấy những ba động quang minh vi tế của Tàng thức, rồi sau đó mới phối kiểm thêm bằng mấy câu vấn đáp. Và cũng bởi thế, nên những bậc Tổ, chưa cần nói năng hỏi han gì người đệ tử, cũng đã biết ngay rồi… Và tỉ dụ như một vị thầy, chưa nhìn thấy nổi những quang minh của Tàng thức, mà chỉ căn cứ vào những lời vấn đáp để phỏng đoán căn cơ cùng mức độ của đệ tử, thì sự ức đoán đó chưa được vững chắc…

Sau đó, Ngài Trí Khải ở lại núi Đại Tô, chuyên trì kinh Pháp Hoa, tương tự như Ngài Thường Bất Khinh hoặc Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa…Rồi Ngài trước tác những bộ như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, hoặc Tọa Thiền Chỉ Quán cùng Lục Diệu Pháp Môn .. .để triển khai ngành Thiền Thiên thai…

Khác biệt với ngành thiền Đốn ngộ và Trực chỉ, ngành Thiền Thiên thai không chủ trương phân cách giữa GIÁOTÔNG. Trái lại, chủ trương hội thông giữa Giáo và Tông, tức là giữa giáo lý kinh điển và những phương pháp thiền quán để trực nhập Chân tâm (tức là Tâm tông)… Cũng không cổ xúy Đốn ngộ vượt các thứ bậc giai cấp, mà vẫn noi theo lề lối cổ điển có những thứ bậc tu chứng…

Những người học và tu Phật ở thời mạt pháp ngày nay, thường dễ bị băn khoăn lạc lõng giữa nhiều chủ trương khác biệt. Nhưng xét kỹ, sẽ thấy rằng những chủ trương chẳng qua chỉ là do ý chí của những vị Tổ muốn nhấn mạnh vào một khía cạnh nào đó mà thôi, để làm phương tiện chữa trị những căn bệnh đương thời… Và thực ra, con đường tu cũng không hẳn là có Đốn hay có Tiệm. Đốn hay Tiệm là tùy thuộc vào căn cơ người tu nhiều hơn là pháp môn tu tập. Và Giáo hay Tông cũng không thể cách biệt hoàn toàn được… Trong cái pháp giới huyễn hiện và trùng trùng tương- sanh tương-duyên này, màng lưới nhân duyên chằng chịt, đâu có cái gì cách biệt cái gì, đâu có cái gì có thể nhất định là trước hay là sau?!!! Bằng chứng là sau này, Ngài Huyền Giác chỉ tu theo ngành Thiền Thiên thai, mà vẫn đốn ngộ thấy tánh như thường, và được ngài Lục tổ ấn chứng ngay, không một ngày chờ đợi. Và trong cuốn Qui sơn cảnh sách, viết bởi vị Tổ của tông Qui-Ngưỡng Đốn ngộ, vẫn thấy viết rằng: “Kinh luận tuy chẳng phải là thiền, song người tham thiền vẫn phải lấy kinh luận làm phép tắc. Lìa kinh là dễ đi vào ma sự…” Vã lại, kinh trước sau có nói gì khác đâu, vẫn là chỉ Tâm, chỉ Tánh. Bởi vậy, nên ở thời mạt pháp này, lại càng không thể lìa kinh, và chớ nghĩ rằng căn cơ của mình siêu xuất, có thể đọc kinh Vô tự.

Ngành Thiền Thiên thai đề xướng Tam Đế Viên Dung cùng Nhất Tâm Tam quán… Tam đế là Tục đế, Chân đế và Đệ nhứt nghĩa đế, tức là lối nhìn của phàm phu, của Nhị thừa và của Đại Bồ Tát hay Phật, cả ba lối nhìn đều dung thông vô ngại vì chẳng phải là một cũng chẳng là khác, chỉ tùy theo mức độ tâm thức mà thôi… Nhất Tâm Tam quán là vẫn 1 Tâm ấy, nhưng có thể quán chiếu theo 3 mức độ: trước hết thường là tu KHÔNG quán, tức là tu CHỈ, tu theo lối XA MA THA của kinh Lăng Nghiêm. Hành giả ngồi miên man quán chiếu các pháp, pháp bên ngoài cũng như các tâm tưởng bên trong, lần lần nhận thấy rõ rằng: các pháp chỉ là những ảnh tượng do nghiệp lực chiêu cảm, đều được dệt nên do những tia chớp nháng đột khởi lên từ nơi Chân không, đột hiện rồi đột tan, đều do nhân duyên sanh, đều vô tự tánh, đều không thật có, đều RÕNG LẶNG. Như thế, các pháp cùng tâm tưởng lần lần rơi rớt lả tả rồi tan biến, và tâm thức hành giả đi lần vào chỗ lặng lẽ, chớm bước vào Không hải, được 1 thứ Không tam muội.

Nhưng đến đó chưa đủ. Nếu trụ ở trạng thái đó lâu, thì có thể bị trôi vào một thứ hôn trầm vô ký nhẹ nhàng vi tế, hoặc thấy là an lạc thảnh thơi có thể khởi tâm ham thích niềm thiền lạc ấy, mắc bịnh triền không và rớt vào định tánh Nhị thừa. Đồng thời, không thể tiến sâu hơn nữa vào nơi Không hải, để khởi diệu dụng và bước lần đến Tột không.

Bởi thế nên ở nơi Không hải của Bát Nhã đó, hành giả chớ nên ham thích niềm thiền lạc, cần luôn luôn nhớ đến Bồ Đe Tâm cùng nguyện độ sanh. Vì sao? Vì ở mức độ Không hải lặng lẽ ấy hành giả thường mới chỉ đạt tới Ngã không thôi, và cần phải nhờ hạnh nguyện độ sanh thì mới có thể tiến tới Pháp không và ôm trọn pháp giới vào thân tâm mình được… cần luôn luôn khởi tâm đại bi để thấm nhuần cái Càn huệ ấy, để tu GIẢ quán, tức là tu QUÁN, tu theo phép TAM MA BẠT ĐỀ của Kinh Lăng Nghiêm. Tu Giả quán tức là đi vào mọi thứ ngoại duyên, làm mọi thứ Phật sự, khởi các thứ hạnh, làm mọi thứ động tác để độ sanh. Tuy đi vào mọi thứ cảnh giới cùng làm các Phật sự, nhung vẫn thấy thân mình nhu mây nhu bóng, thấy mọi cảnh giới nhu huyễn nhu mộng, thấy lời nói của mình nhu tiếng vang, thấy mọi động tác đi-lại-nằm-ngồi-chỉ-trỏ nhu vết chim bay, nhu làn khói tỏa… Làm hoài nhu vậy lần lần sẽ thuần thục Giả quán. Tâm đại bi ngày càng tăng truởng, sẽ trở lại bồi duỡng cho Trí huệ Bát nhã Nhu huyễn, và Bát nhã tăng truởng bao nhiêu cũng sẽ trở lại bồi đuờng cho tâm Đại bi bình đẳng bấy nhiêu… Lần lần, tâm Đại bi ấy trở thành bao la bình đẳng, trải rộng cho tất cả pháp giới cùng tất cả chúng sanh, không những cho những chúng sanh bị khổ lụy mà cho cả những chúng sanh hiện không khổ lụy. Vì sao? Vì Bồ Tát nhận thấy rằng mọi chúng sanh, dù ở ác đạo hay ở tầng trời, cũng đều chung những ám chuớng ngăn che, không hiểu rằng chính mình chỉ là huyễn hiện lại cứ lầm tuởng rằng mình là thật có, nên cứ trôi lăn luu chuyển hoài hoài không dứt…

Giả quán khá thuần thục rồi, thì buớc vào TRUNG ĐẠO song chiếu, tức là CHỈ QUÁN song tu, là phép tu Thuyền na hay Tam Ma Đề của Lăng Nghiêm. Tức là quán chiếu cả hai khía cạnh Không và Giả, luôn trụ tâm mình ở nơi Không hải lặng lẽ mà vẫn luôn khởi vô lượng diệu hành hay diệu dụng để độ sanh… Lúc đó, nguồn thần lực của tâm cùng các diệu đức đều nẩy nở rầm rộ, như một cánh rừng đầy hoa thơm cỏ lạ. Lúc đó, những luồng quang minh phát ra từ những tâm niệm vô nhiễm của hành giả trở thành kỳ ảo và cực kỳ thần tốc, luôn luôn không ngừng nghỉ làm CON THOI, qua lại giữa Không hải của tâm thức và những cảnh giới của pháp giới. Sự song chiếu, hay qua lại thần kỳ đó ngày càng khiến cho tâm thức hành giả, một mặt ngày càng LỌT sâu vào nơi Không hải của Chân Không, mặt khác ngày càng Nhập sâu vào những cảnh giới mỗi lúc mỗi bao la của pháp giới… Song chiếu đến mức tuyệt vời thì có thể khiến cho các bậc Đại Bồ Tát xuất nhập các thứ tam muội một cách rất mau lẹ thần tình (điều mà các bậc A la hán chưa làm nổi, vì chưa học giáo lý Như huyễn và chưa khởi tâm Đại Bi), … rồi trôi lần vào biển Diệu giác…

Ba phép tu trên đây, chỉ là vì muốn liễu tri rành rẽ nên phân biệt trình bày như vậy. Thực ra, thì ba phép tu ấy đều dính mắc dung thông lẫn nhau, đều triển chuyển dung nhiếp lẫn nhau. Trong CHỈ vẫn bao hàm có QUÁN, và trong Quán vẫn có Chỉ. Cũng như trong Bát Nhã vẫn có Đại Bi, và ngược lại… Nói rằng: tu Chỉ hay tu Quán, chẳng qua là muốn nhấn mạnh về khía cạnh thiên trọng trong con đường tu tập của 1 hành giả nào đó mà thôi.

Cũng cần ghi rằng khi hành giả tu theo phép CHỈ tức quán KHÔNG, nếu tới chỗ thuần thục thì đạt được NHẤT THIẾT TRÍ. Nhất thiết trí là thứ trí huệ vô sai biệt của các bậc tiểu thánh Tiểu thừa hay của các bậc đạt tới Càn huệ. Trí này chỉ biết rõ những tổng tướng (caractères géneraux) của các pháp, chứ chưa biết rõ được những khía cạnh đặc thù (caractères particuliers) của các pháp. Tỉ dụ như biết rõ ràng các pháp đều là không, đều Rỗng lặng, đều Vô thường, đều Vô ngã…, chứ chưa biết nổi sự Biến hiện muôn hình muôn vẻ của các pháp… Đồng thời, cũng biết rõ rằng: Niết bàn là tịch-tịnh, là lặng lẽ. Nhưng chữ Niết Bàn ở đây không phải là Đại Bát Niết Bàn của Chư Phật, vì Đại Bát Niết Bàn là nơi sâu thẳm Tột không (tương tự như Long tượng lội qua sông, chân chấm tới đáy sông) và từ nơi đó có thể khởi mọi diệu dụng, trong khi Niết bàn của Nhứt thiết trí chỉ là mới chớm bước vào Không hải và chưa thể khởi được mấy diệu dụng độ sanh (tương tự như con thỏ lội qua sông, chân không chấm đất)… Cho nên, danh từ kinh Pháp Hoa gọi thứ niết-bàn này là một hóa thành hay Niết-Bàn một ngày.

Nếu hành giả bước lên tu QUÁN, tức tu quán GIẢ, và nếu được thuần thục thì sẽ đạt được Đạo- chủng-trí. ĐẠO CHỦNG TRÍ tức là trí vừa biết được những tổng-tướng vô sai biệt của các pháp, đồng thời lại biết được một phần của những khía cạnh đặc thù biến hiện của các pháp. Cũng biết được một số tâm niệm cùng căn cơ chúng sanh, và có thể quyết nghi rằng chúng sanh có căn cơ như thế này thì tu theo pháp môn này sẽ được giải thoát, cỏn chúng sanh có căn cơ như thế kia thì tu theo pháp môn nọ sẽ được giải thoát… Nên Trí đó cũng có thể gọi là Pháp nhãn hoặc Giải thoát tri kiến… Và cũng là Trí của những bậc Bồ tát khá cao, đã từng đem tâm Đại bi tưới nhuần nhiều cho Càn huệ…

Khi lên tới SONG CHIẾU TRUNG ĐẠO thuần thục, thì đạt tới NHỨT THIẾT CHỦNG TRÍ, hay Phật nhãn. Biết tất cả tổng tướng cùng biệt tướng của mọi pháp, biết tất cả tâm niệm cùng căn cơ chúng sanh, rồi làm đấng Pháp vương tự tại truyền trao mọi pháp môn thích họp… Biết tất cả những giọt mưa trong các cõi, biết các thứ núi Tu di có bao nhiêu vi trần, biết các biển Hương thủy có bao nhiêu giọt nước, biết mỗi chúng sanh có bao nhiêu tâm niệm, biết suốt pháp giới, biết mọi sự huyễn hiện của Diệu tâm, vì Tâm của Bậc đó thẩm thấu và lồng cùng khắp pháp giới… Biết cả bản lai diện mục của cái hoa khi chưa nở, và của hạt bụi khi nó chưa dấy lên… như ngôn ngữ của nhà Thiền Đốn ngộ (thiền sư Viên ngộ) ưa thích nói…

Trên đại lược, con đường Thiền quán của Chư Thế tôn là như vậy.

Ngài Thiên thai Trí Khải đã viết bộ Tọa Thiền chỉ quán và lục diệu pháp môn… để triển khai con đường ấy… Ngài lấy y cứ ở Kinh Pháp Hoa cùng vài bộ kinh khác (lúc đó, kinh Lăng Nghiêm chưa du nhập Trung Quốc), cũng như y cứ vào mấy bài kệ của Ngài Long Thọ như sau:

Các pháp nhân-duyên sanh,

Ta gọi chúng là KHÔNG,

Cũng gọi là GỈA DANH,

Cũng gọi là TRUNG ĐẠO…

Sau này kinh Lăng Nghiêm cũng truyền dạy những phép quán ấy. Kinh Viên Giác cũng vậy. Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng chỉ giảng dạy Chỉ quán song tu…

Điểm đặc biệt là sau này ngài Trí Khải, vốn là Tổ một ngành Thiền, lại vào được Định, đắc tam muội… do sự trì tụng Kinh Pháp Hoa. Một lần, ngài trì tụng Pháp Hoa trải qua mười ngày đêm, đến đoạn Ngài Nhứt-thiết-chúng-sanh-Hỷ-kiến Bồ Tát tự đốt thân cúng dường, tụng đến câu: “Hay thay! Hay thay! Đó mới thật là chơn tinh tấn, chơn pháp cúng dường như lai…” thì Ngài lặng lẽ nhập định, thấy Phật thuyết pháp noi hội Linh sơn vẫn chưa tan… Sau đó, Ngài đem trình lại với Ngài Huệ Tư. Ngài Huệ Tư nói: ”Duy ông chứng được, chỉ ta mới biết. Cho sở đắc của ông mới Ị à tiền phương tiện của Pháp hoa tam muội…”

Trường hợp của Ngài Trí Khải cũng hơi tương tự như của Ngài Thường Bất Khinh cùng Nhứt-thiết- chúng-sanh-hỷ-kiến trong kinh Pháp Hoa, … chỉ chuyên trì hoặc nghe kinh mà đắc Đại thiền tịch (tức tam muội), đại thần thông cùng đà la ni. Nhưng chắc rằng trường họp Ngài Trí Khải chưa được thâm sâu như hai Ngài trong kinh. Vì Ngài Trí Khải mới chỉ được nhãn căn, nhĩ căn thanh tịnh, trong khi Ngài Thường Bất Khinh được sáu căn thanh tịnh…

Có thể nêu câu hỏi: “Thế nào là thấy Phật thuyết pháp nơi hội Linh Sơn van chưa tan? ”

Thiển nghĩ có thể mạo muội trả lời như sau: một là vẫn có Báo-thân hoặc ứng-thân bằng hào quang của Phật, còn ngồi đó, nơi hội Linh sơn và tiếp tục giảng kinh Pháp Hoa. Vì kinh Pháp Hoa có vô lượng nghĩa và xưa kia, Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh từng giảng kinh này suốt 60 tiểu kiếp tức là 60 lần 16 triệu năm nhân thế.

Hai là Ngài Trí Khải vào tam muội, LỌT ĐƯỢC VÀO TÀNG THỨC, mở được Tâm nhãn tinh diệu, nhìn thấy lại những ảnh tượng xưa kia của hội Linh sơn đã ghi dấu trong tàng thức của Ngài…

Nếu hiểu rằng mọi cảnh giới đều do Tâm huyễn hiện, thì trường họp nào cũng có thể được…

Ngành Thiền Thiên Thai, trong một thời gian dài, đã phát triển lẫy lừng, và truyền cả sang Nhật bản. Ngài Trí Khải từng được tôn là Tứ minh Tôn giả Pháp trí Đại sư… Kế theo Ngài, là Ngài Chương An rồi đến Ngài Trạm Nhiên và Quán Nguyệt.

Ngài Trí Khải cũng đồng thời xiển dương cả pháp môn Tịnh Độ, và trước tác bộ Tịnh Độ Thập nghi luận, để đả phá mọi lưới nghi về pháp môn kỳ-đặc này… Nên cũng tương tự như ngài Vĩnh Minh, Ngài Trí Khải có một lối nhìn hội thông về giáo lý nhất quán của nhà Phật, hiểu rằng các pháp môn đều dung thông triển chuyển tương nhiếp, và GIÁO hay TÔNG không thể hoàn toàn cách biệt…

GIÒNG GIÁO LÝ HOA-NGHIÊM và CON ĐƯỜNG THIỀN QUÁN:

Nhưng vào thời kỳ đó (thế kỷ thứ 4, 5, và 6…) bối cảnh tâm linh của xã hội Trung quốc không phải chỉ gồm có những phong trào lưu nói trên: trào lưu tư tưởng Bát nhã và Trung quán, trào lưu Tịnh độ cùng ngành Thiên thai.

Ngoài ra, có một trào lưu nữa, tuy không phổ biến nhiều trong quần chúng, nhưng rất quan hệ trong sự tìm hiểu giáo lý nhà Phật: đó là giòng giáo lý Hoa Nghiêm. Và vào lúc đó, nền tư tưởng Hoa Nghiêm bắt đầu lan tràn mạnh mẽ.

Sự suy ngẫm về nền giáo lý này sẽ soi sáng khá nhiều về con đường Thiền quán của Chư Phật, nhất là ở những thứ bậc chót vót gần Tột Bờ Mé.

Thực ra, giòng giáo lý ấy mênh mang bao la, tương tự như giòng sông Hằng Hà cuồn cuộn chảy về biển cả của Diệu tâm… Bộ kinh cũng vĩ đại, quá rộng và quá sâu, vượt khỏi tầm tim óc của kẻ thế nhân như chúng ta. Ở đây, chẳng qua là chỉ muốn sơ lược ghi lại một vài điểm mà kẻ viết nhận thấy là siêu tuyệt, và có thể soi sáng thêm cho con đường Thiền quán. Vô tư mà suy ngẫm, chưa kể đến những bộ kinh khác như Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Lăng Già, Pháp Hoa, Vô Lượng Thọ … riêng một bộ Hoa Nghiêm cũng đủ thắng vượt lên trên mọi nền giáo lý khác. THẮNG VƯỢT không phải ở những mực thang dưới, mà ở những mực thang SIÊU TUYỆT, gần Tột-bờ-mé… Và chỉ có Bậc Đại giác, nhập những con tam muội tột sâu, có Nhứt Thiết Chủng Trí, có Trí bình đẳng 3 đời, NHÌN RÕ tất cả pháp như ở trước mặt, nhìn Rõ mọi lóp quang minh trùng-trùng, mới có thể nói ra những lời Chân lý bất tư nghi như vậy. Ngoài ra, chẳng ai có thể nói nổi, dù có muốn suy lường tưởng tượng ra cũng không tưởng tượng nổi… Nên gọi là bộ kinh Đại bất tư nghi.

Ngày nay, phần đông học giả Âu tây vẫn còn nuôi những điểm thắc mắc nghi ngờ về xuất xứ của kinh điển Đại thừa, và chưa hiểu gì nhiều về đạo lý vận hành của thế giới tâm linh, nên chưa hiểu nổi lẽ ẨN HIỆN của kinh điển Đại Thừa tuỳ theo phước lực cùng căn cơ của chúng sanh.

Họ thường mang nặng cái kiến chấp “lịch-sử tính” (historicité), không chịu hiểu rằng những cái gì có thể nhìn thấy bằng đôi mắt thịt, chỉ là 1 khía cạnh (sectionnement) hình tướng thô kệch trong cái màng lưới vận hành đa dạng của cái cội nguồn tinh lực duy nhất tức là tâm linh… Trong việc nghiên cứu giáo lý của Đấng Đại giác, họ thường vấp phải sự-kiện này khiến họ chới với: nhận thấy rằng phần lớn kinh luận Đại Thừa đều đã tuyệt mù tăm tích những bản tiếng Phạn, mà chỉ còn lại những bản dịch sang ngoại ngữ như Hán văn hay chữ Tây tạng. Tỷ dụ như Kinh Đại định Thủ Lăng Nghiêm, thì chỉ còn lại 1 tờ bằng Phạn văn, tìm được ở sa mạc xứ Mông cổ., do đó, những tục nghiệp ám chướng liền nổi lên, và họ khởi nhiều thứ nghi ngờ…

Có người nghi ngờ rằng: những kinh ấy không phải là Phật nói ra… và những cảnh giới siêu xuất được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm chẳng hạn, đều do trí tưởng-tượng của dân Ấn tạo dựng nên, vì dân Ấn vốn giàu tưởng-tượng hơn người dân Trung Hoa. Họ không thể hiểu rằng: những cảnh giới ấy đều ăn khóp nhịp nhàng với toàn bộ giáo lý, có thể lý giải 1 phần, và đều là những cảnh giới NHÌN thấy rõ ràng bởi những bậc trụ trong tam muội sâu và đã làm phát hiện nhiều thứ Tâm nhãn. Đó là những cảnh giới mà trí tưởng tượng của thế nhân không mường tượng nổi… Cũng như Shakespeare từng nói: “Trong trời đất này, có những thứ mà bọn triết gia hủ lậu các ông chẳng sao mà mường tượng nổi…”

Hoặc có người nghi ngờ rằng: những kinh đó có thể là do người đời sau, những tác giả vô danh, hoặc là người Ấn, hoặc người Tàu, ngụy tạo ra rồi đề là kinh cho thêm giá trị… Nghi ngờ như thế cũng là chẳng hiểu gì mấy về thế giới tâm linh. Vì sao? Là vì nếu có người đủ trí óc cùng tâm lực viết ra 1 bộ như Hoa Nghiêm hay Đại Bát Nhã, thì vị đó quá siêu xuất rồi. Và đã siêu xuất, thì phải hiểu lẻ nhân quả báo ứng của Đại vọng ngữ. Nên dĩ nhiên không bao giờ ngụy tạo và đề là kinh cả… Ngoài ra, nguỵ tạo như thế cũng chẳng được một lợi ích gì hết.

Hoặc có người lại nghi ngờ rằng: các kinh ấy có thể là do chính những tu sĩ Bà la môn của Ấn Độ giáo ngụy tạo ra, đề là kinh Phật, để làm rối loạn giáo lý nhà Phật… Lập luận này thực ngây thơ, vì thực ra, kinh Đại Thừa không hề làm rối loạn, trái lại, đã tạo dựng vầng hào-quang-siêu-tuyệt cho đạo Phật. Ngoài ra, nếu quả thực có tu sĩ Bà la môn cao siêu đến mức viết nổi bộ Lăng Nghiêm hay Hoa Nghiêm, thì vị đó dĩ nhiên là viết kinh cho Ấn Độ giáo, chứ rỗi công đâu mà viết kinh cho đạo Phật!?

Thực ra, thì những lời minh xác trên đây đều không cần thiết… Vì chỉ cần đọc kinh Đại Thừa và suy ngẫm, thì sẽ thấy rằng những lời Kinh phải là do 1 Bậc Đại Giác nói, vì lời kinh như nước-chảy-mây-trôi, và chân lý tối thượng không thể khác được. Vì nếu Chân- lý là khác, thì thực chẳng có cách gì để lý giải về bí ẩn của con người cũng như của pháp giới…

Trong Đại trí độ luận, Ngài Long Thọ có ghi lại đại cương như sau: “‘Xưa kia, khi xuất hiện nơi nhân thế, Phật có mở nhiều loại pháp-hội. Có những pháp- hội thông thường có nhiều đệ-tử tham dự. Và cũng có những pháp hội siêu xuất, mở ở những tầng trời, hoặc ở dưới long cung, hoặc ở những nơi đồng sâu núi thắm… Tỷ dụ như pháp hội Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác… trong đó rất ít đệ tử người được tham dự, mà hầu hết đều là Đại Bồ Tát hoặc các thế gian chủ hay Quỷ thần vương vân tập tới nghe kinh. Phần lớn kinh điển Đại Thừa đều giảng nói trong những pháp hội siêu xuất này… Các Đại Bồ Tát, von chứng đắc vớ so đà la ni, cùng văn đà la ni. Nên các ngài đều ghi nhớ lời kinh không sót một chữ, rồi ghi chép lại, và lưu bo tại nhân thế hay các cõi, tuỳ theo phước lực, thời tiết cùng túc duyên của chúng sanh… Do đó các Kinh Đại Thừa mới lãng đãng ẨN HIỆN qua các thời đại…” Xuất xứ cùng cội nguồn của kinh Đại thừa là như vậy.

Nhưng đường lối sở hành của bậc đại thần linh thường là khó suy lường.

Kinh Hoa Nghiêm được du nhập Trung quốc là do 1 bàn tay trớ trêu của thần linh, qua trung gian vị hoàng hậu Võ Tắc Thiên hình như là nổi tiếng tham tàn vô độ. Vì chính bà này đã phái người sang 1 nước nào đó bên Tây Trúc, và lấy được toàn thể bộ kinh mang về.

Tương truyền rằng hoàng hậu rất hâm mộ giáo lý Hoa Nghiêm, và đã nhiều lần tới cung thỉnh đại sư Pháp tạng giảng thuyết về kinh ấy…

Trong kinh này, có 1 phẩm gọi là Thập Địa, tức là những địa tu chứng cao của những Đại Bồ Tát… Trước kia, ngài Bồ Đề Lưu chỉ có y cứ vào phẩm kinh đó, để tạo lập một phái gọi là Địa-luận-tông.

Tới khi Ngài Đỗ-Thuận ra đời (558-640), ngài đã tiếp nối, và chuyển hướng Địa-luận-tông này thành Hoa nghiêm tông. Tương truyền rằng Ngài Đỗ Thuận là một ứng thân của ngài Văn Thù.

Sau đó, là Ngài Trí Nghiễm, Ngài Hiền Thủ tức Pháp Tạng, rồi Ngài Trừng Quán tức Thanh Lương, rồi Ngài Tông Mật… đã xiển dương giáo lý Hoa Nghiêm đến mức độ lẫy lừng, nhất là trong những giới nho sĩ thượng lưu.

Như một số chúng ta đều biết, kinh Hoa Nghiêm giảng nói về chân lý tối thượng của Chư Phật Thế Tôn, tức là Lý Duy Tâm Sở Hiện (danh từ Kinh Lăng Già gọi là Tự tâm hiện lượng), về những Quang minh nhiều như vi trần của Chư Như Lai, về Hoa tạng thế giới, về những cảnh siêu xuất bất-tư-nghì NHÌN rõ thấy bởi những bậc đã chứng nhập Diệu tâm, về những thần biến bất khả ngôn thuyết do tam muội đại tự-tại- lực, (danh từ kinh Lăng Già gọi là những cảnh giới Tự- giác-Thánh-trí)… về Bồ đề tâm hay sự phát tâm Vô thượng,… về những thứ bực tu chứng của Bồ Tát Đạo như Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Thập định, Thập thông… Gần sau cùng là phẩm 39, tức Nhập Pháp giới, mô tả bước đường tiến tu và cầu Bồ Tát Đạo của Ngài Thiện tài đồng tử. Rồi tạm kết thúc bởi phẩm 10 Hạnh-nguyện-vương của ngài Phổ Hiền…

Tóm lại, tức là con đường Diệu-quán song chiếu, vừa Đại Bát nhã vừa Đại từ bi, của những bậc Đại Bồ Tát.

Vậy thì giáo lý Hoa Nghiêm có thể soi sáng những điểm gì cho con đường Thiền-quán trở về Diệu tâm??

Những điểm soi sáng dĩ nhiên là nhiều. Vì toàn bộ kinh chỉ là soi sáng cho con đường trở về chứng nhập… Sau đây chỉ ghi lại vài điểm rõ rệt và thiết yếu:

a) Sự gia trì bởi THẦN LỰC hay PHÁP LỰC là TỐI CẦN THIẾT trên con đường Thiền-quán để trở về Diệu-tâm.

Trong kinh Hoa nghiêm, nơi phẩm Thập địa (tập 2, bản Việt dịch của Hòa thượng Trí Tịnh), khi trình bày đến Đệ-bát-địa, tức-Bất-động-địa, cũng tức Biến- hoá-địa, Ngài Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng dạy rõ rằng: “các vị Bồ Tát, tu tập để nhập những cơn tam muội lớn, đều phải nương vào sự gia hộ của Thần lực Chư Phật. Càng lên cao bao nhiêu, càng cần sự gia trì bấy nhiêu… Tỷ dụ như những bậc Bồ Tát Đệ-bát-địa, nếu không có sự hộ-niệm của Chư Phật và sức gia trì, thì không thể nào vượt nổi mấy chặng đường cuối cùng là Thiện-huệ- địa, Pháp-vân-địa và Đẳng-giác-địa, để nhập vào Biển Diệu Giác ”

Đồng thời, kinh Lăng Già cũng nhấn mạnh vào sự gia trì cần thiết bởi Thần lực… Trong kinh này, nơi phẩm 8 (trang 237, bản dịch của Thích nữ Diệu- không), Phật bảo Ngài Đại Huệ Bồ Tát rằng: “Lại nữa, này Đại Huệ! Như Lai thường lấy 2 món thần lực để kiến lập… Những gì là 2 món? Là do sức tự-tại của tam muội chánh thọ, Như Lai thường vì các hàng Bồ Tát mà hiện ra thần-lực về hình tướng thân mặt cùng ngôn thuyết đe gia trì, hoặc hiện ra thần-lực lấy tay quán đảnh thọ-ký hộ trì cho hằng Bồ Tát.

Này Đại Huệ! Bồ Tát Ma Ha Tát vào sơ địa, trụ trong thần lực của Phật gọi là vào Đại-thừa chiếu minh tam muội. Vào đấy rồi, thì thấy cả mười phương Phật đều dùng thần lực hiện hình tướng thân mặt để thuyết pháp và gia trì cho Bồ Tát, như vậy là thành tựu các thứ công đức… Thứ lớp tu lên các địa, đoi trị các chướng sở tri đến cho rốt ráo, lên Pháp-vân-địa, ngự nơi Đại bữu liên hoa vi diệu cung điện, quyến thuộc vây quanh, thẩn đeo chuỗi an lạc, phóng ánh sảng như mặt trời mặt trăng… Các Bồ Tát mười phương đều đến cung điện ấy dự lễ Quán đảnh… Thần lực của Như Lai gia trì là như vậy. Nếu Bồ Tát nương hai thứ thần lực ấy thì được diện kiến Chư Phật, nếu không thì không thể thấy Phật… ”

Kinh Pháp Hoa cũng dạy y như vậy. Vì ba phẩm sau cùng của kinh (phẩm Đà La Ni, Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sư, và phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát), là dạy về thần lực gia trì, về Pháp lực gia trì và Diệu ngôn thuyết gia trì.

Trong kinh Lăng Nghiêm, thì Phật bảo ngài A Nan rằng: “Hàng Thanh Văn các ông, nếu biết phát tâm Đại Thừa và tu Như huyễn tam ma đề, điều cần thiết là phải trì chú Đại Phật Đảnh… Neu không trì chú này, mà lại có thể thoát khỏi các ma chướng, thì thực không có lẽ ấy… ”

Tóm lại, lời dạy của kinh hết sức rõ ràng.

Cần nêu câu hỏi: nhung phải làm thế nào để có thể nương vào thần lực gia trì của Chư Phật, được Chư Phật hộ niệm?

Câu trả lời cũng rõ ràng: chỉ cần đi theo con đường mà Chư Phật đã đi, nghĩa là chớ có tự mãn dừng chân lại ở giai đoạn Huệ-khô và Không tam muội nông cạn, phải luôn luôn nhớ lại những Bi-nguyện từ nhiều kiếp, khởi Đại bi tâm để đi vào tất cả cảnh giới để độ sanh, tức là tu tập Giả quán rồi Trung quán.

Cũng cần ghi thêm rằng: Thần lực của Chư Phật cũng chẳng phải là gì khác, mà chính là thần lực của Diệu tâm. Nhưng trong khi hành giả còn bị những tập khí mê mờ ngăn che, chưa nhìn thấy cái Biển quang minh vô tướng mạo của Diệu tâm, chưa sử dụng nổi cái nguồn diệu-đức vô biên của chính mình, nên vẫn cần phải nương vào thần-lực của những Bậc đã chứng nhập và biết cách sử dụng đến mức tuyệt hảo những quang minh tinh-lực uyên nguyên ấy.

b) Cần phải TÌM CẦU các bậc THIỆN TRI THỨC:

Vì nếu không có Thiện-tri-thức, thì dễ lạc nẻo và không thể tiến sâu vào con đường đạo được… Nhưng tìm được thiện trí thức hay không tìm được, cũng là tuỳ theo những túc duyên của những kiếp trước, cũng như tuỳ theo lòng khát ngưỡng mong cầu trong kiếp này của hành giả.

Trong kinh Hoa Nghiêm, có phẩm 39 tức phẩm Nhập Pháp Giới (dài chừng 700 trang), mô tả những bước đường tiến tu cầu đạo (tiến tu nghĩa là tâm ngày càng nhập sâu vào pháp giới) của ngài Thiện tài đồng tử.

Trong phẩm này (tập 4, trang 93), Ngài Văn Thù Sư Lợi bảo ngài Thiện tài rằng: “‘Này thiện nam tử! Neu chúng sanh phát tâm Vô-thượng bồ-đề, đây là việc rất khó. Đã có thể phát Bồ-đề-tâm rồi lại cầu bồ tát hạnh, việc này càng khó gấp bội.

Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu nhứt-thiết-chủng-trí thời phải quyết tâm cầu CHÂN thiện- tri-thức.

Này thiện nam tử! cầu thiện trí thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện trí thức chớ có nhàm đủ. Thiện trí thức có dạy bảo điều chi đều phải tuỳ thuận. Nơi phương tiện thiện xảo của thiện trí thức chớ thấy lỗi lầm… ”

Trong bộ Đại Thừa Khởi tín, Ngài Mã Minh cũng ân cần dặn dò: “Tu tập thiền quán, nếu không có thầy hướng dẫn sẽ dễ lạc ma đạo hay ngoại đạo… ”

Vậy thế nào là thiện trí thức?

Kinh Hoa Nghiêm, tập 4, trang 160 dạy: “…Thiện trí thức là ĐÈN xu hướng nhứt-thiết-chủng- trí, vì làm cho tôi thấy được con đường vào Như lai địa.

Thiện trí thức là cổ xe xu hướng nhứt-thiết-chủng-trí, vì làm cho tôi được vào thành Niết bàn.

Thiện tri thức là CẦU xu hướng nhứt-thiết-chủng-trí, vì làm cho tôi qua khỏi những chỗ hiểm ác.

Thiện tri thức là LỌNG xu hướng nhứt-thiết-chủng-trí, vì làm cho tôi sanh lòng Đại từ mát mẻ.

Thiện trí thức là nước TRIỀU xu hướng nhứt- thiết-chủng-trí, vì làm cho tôi đầy đủ nước Đại bi… ” (đoạn kinh rất dài, đây chỉ là trích lược)

Thiện trí thức là một quan niệm đặc biệt của nhà Phật. Bao gồm những cơ-duyên khiến kẻ hành giả có thể tiến những bước quyết định trên đường tu đạo. Bao gồm những bậc thầy giỏi, những bạn lành, những loại hữu tình và cả những vật vô tình… Có thể tạm phân tích như sau:

– Thọ nghiệp sư: tức là những vị làm lễ Tam quy hay truyền giới cho hành giả (5 giới của cư sĩ, 10 giới của sa-di, 250 giới Tỳ-kheo, hoặc 58 giới của Bồ Tát)

Nhưng nếu vị thọ-nghiệp sư là một bậc giới hạnh tinh nghiêm, đạo lực cao siêu, có thể huy động quy tụ bằng tâm-lực những luồng trường-lực vô biểu sắc của Biệt giải thoát giới, Định cộng giới cùng Đạo- cộng-giới… để khiến cho tâm thức kẻ giới-tử có thể phát GIỚI QUANG, tức là những ly-cấu quang minh, thì vị thầy ấy không những là thọ nghiệp sư mà là CHÂN Sư nữa.

– CHÂN SƯ:

Tức là những bậc có đạo lực cao siêu, có thể: nhìn rõ thấy căn cơ của người đệ tử tức là nhìn thấy những ba động quang minh của những chủng tử nơi Tàng thức, truyền trao cho 1 pháp môn thích ứng, rồi theo dõi từng giai đoạn để điểm hoá hoặc “tháo đinh gỡ chốt” như danh từ nhà Thiền vẫn nói, rồi ấn chứng và có thể khiến cho người đệ-tử VÀO được một môn tam muội nào đó.

Chân sư là như vậy, nên hy-hữu.

Trong lịch sử nhà Thiền, có những vị thọ giới ở vị thọ-nghiệp-sư, rồi đi tham vấn mấy vị thầy khác. Rồi đắc pháp, và trở về độ cho vị thầy cũ thọ nghiệp sư.

Gặp gỡ một vị Chân sư thực là một túc duyên hy hửu. Trong kinh Hoa Nghiêm, tập 4, trang 561, có dạy: “Cần phải đảnh lễ mười phương để tìm cầu thiện-tri-thức. Phải chánh niệm tư duy quan sát tất cả các cảnh giới để cầu thiện tri thức. Phải dũng mãnh tự tại du hành khắp mười phương để cầu thiện-tri-thức. Phải quán thân-tâm mình như MỘNG như ẢNH để cầu thiện-tri-thức… ” (nghĩa là phải sẵn sàng không sợ sệt THÍ THÂN để cầu…)

Nhưng thường thường, khi túc duyên và tâm thức của kẻ đệ tử đã đầy đủ và chín mùi, thì bậc Chân sư TỰ XUẤT HIỆN, hoặc dùng những luồng tâm-lực của mình để hướng dẫn bước chân tìm cầu của người đệ tử, tương tự như hòn đá nam châm hút mảnh sắt nhỏ.

Ngoài ra những phương tiện thiện xảo (Upaya) của 1 bậc cao siêu cũng rất khó lường… Nên đối với người đệ tử, sự phân biệt giữa Chân-sư và tà-sư là 1 việc khó khăn tế nhị… Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài Thiện Tài có tới cầu Bồ Tát Đạo ở một vị Bà la môn tên Thắng Nhiệt. Ngài này là một Đại Bồ Tát, thị hiện tu theo ngoại đạo. Ngài bèn bảo ngài Thiện Tài phải trèo lên 1 núi gươm và nhảy vào giữa một đống lửa lớn. Và lúc đó, ngài Thiện tài đã khởi một niệm NGHI NGỜ, thầm nghĩ rằng: “‘lời dạy này, phải chăng là lời xúi dục của Ma…?

– Các THIỆN HỮU: các bạn lành, giảng nói kinh kệ, hoặc nêu gương tinh tấn, cũng đều là thiện tri thức.

– Các vật VÔ TÌNH: cũng có thể là thiện tri thức của hành giả… Tỷ dụ như một con sông. Nếu kẻ hành giả có thói quen tới ngồi trên bờ sông, nhìn sông, nghe âm thanh của sông để quan sát tư duy và liễu ngộ được một phần lý Đạo, thì con sông là thiện tri thức.

Cũng như trong kinh Hoa Nghiêm, có Ngài Hải Vân tỳ kheo, ngồi nhiều năm bên bờ đại-hải, và suy ngẫm về đại-hải. Tự hỏi rằng: “Có cái gì lớn hơn đại-hải chăng? Có cái gì sâu hơn chăng? Đáy đại-hải sâu đến đâu đến Kim cang-tế chăng? Tại sao nước đại-hải chẳng bao giờ đầy, cũng chẳng bao giờ vơi? Tại sao đại-hải không chứa tử thi.. .v.v….?” Suy ngẫm miên man, vào được tam muội, thấy 1 bông đại-liên hoa dệt bằng quang minh, mọc lên trên mặt bể và che trùm đại-hải…

Tóm lại con đường Thiền quán hầu như tuyệt đối phải cần có một vị chân sư… Nếu không thì kẻ hành giả, dù có tử công phu tu tập, cũng khó tiến được những bước quyết định, trừ những người thật là căn cơ mãnh lợi.

Trái lại, nếu tu Tịnh thì không cần thầy, hay chỉ một vị thọ nghiệp sư là đủ. Vì Tịnh là một pháp môn kỳ đặc do lòng Đại bi của Chư Phật hiện bày, và đều được Chư Phật hộ niệm. Kẻ hành giả chỉ cần hiểu rành rẽ ít nhiều về pháp môn này, ôm chặt lấy câu niệm Phật, nương vào nguyện lực của Đức A Di Đà, rồi dụng công đều đặn là có thể đạt được những bước tiến quyết định… Thế nào là những bước tiến quyết định? Là: xả bỏ được cái nhục thân tạp thực và khổ lụy này, được thân hào quang nhẹ nhàng, được nhiều thứ thần thông, được luôn luôn trụ trong giòng chánh định, y báo bên ngoài đều là thắng duyên vì ngay đến những vật vô tình cũng đều thuyết pháp và nhắc nhở chánh-niệm… Rồi ngay trong đời đó, được Vô sanh nhẫn hay Bất thối chuyển, được Chư Phật thọ ký. Lần lần bước lên đảnh trời sắc cứu cánh, được Chư Phật quán đảnh, vào Thọ-chức-vị, tức Pháp vân địa, ngự trên đại bửu liên hoa, nhập Thủ lăng nghiêm tam muội, phóng hào quang trùm nhiều cõi… Lúc đó, có thể xuống cung Đâu xuất để làm bậc Nhứt-sanh bổ xứ như Ngài Di Lặc, hoặc vẫn giữ bi nguyện độ sanh, dùng tam muội tự-tại-lực hiện thân trong nhiều cõi, trong nhiều ác đạo để độ sanh… Trong khi đó, thì những người tu Thiền, nếu không khéo nhiếp tâm và nếu không được thần-lực-gia trì, thì dù có đắc tứ thiền hay tứ không định, hay Diệt-tận-đinh, hay lọt vào Tàng thức, vẫn có thể trồi lên trụt xuống, hoặc dẫm chân tại chỗ trong một niềm thiền-lạc nào đó…

Cũng cần ghi thêm rằng: Chân sư không nhứt-thiết phải là một vị bằng xương bằng thịt, tức là xuất hiện với một hình hài dệt bằng những quang minh của kiên cố vọng tưởng, mà cũng có thể là 1 bậc xuất hiện trong MỘNG, tức là với một hình tướng dệt bằng những quang minh của dung thông vọng tưởng… Và trong bộ Đại trí độ luận, có ghi rằng: “Chư Phật hay Đại Bồ Tát thường có bon cách để độ sanh: hoặc dùng ngôn từ để thuyết pháp, hoặc phóng quang để độ, hoặc hiện thần thông để độ, hoặc hiện tướng trong MỘNG để chỉ dạy và gia trí… ”

c) Trong phẩm Nhập pháp giới, Ngài Thiện Tài đi học hỏi về Bồ tát đạo ở nơi hơn 50 vị Đại thiện trí thức, tức là ở nơi mỗi vị, đều được THẨN LỰC CỦA BẬC ĐÓ GIA TRÌ, khiến đắc được MỘT GIẢI THOÁT MÔN tức là một môn TAM MUỘI.

Xin lược kể những tỷ dụ sau:

– Ở trang 162, tập 4, kinh Hoa Nghiêm, ngài Thiện Tài tới gặp 1 vị Tiên nhơn tên là Tỳ-Mục-Cù-Sa: “Thiện tài thưa: Bạch đức Thánh! Cảnh giới của Vô thắng tràng giải thoát môn như thế nào?

Lúc đó, Tỳ-Mục-Cù-Sa bèn giơ cánh tay hữu, XOA ĐẦU và CẦM TAY Thiện tài…

Thiện Tài liền thấy mình đến trong mười Phật-sát vi trần số thế giới mười phương, THẤY Chư Phật và chúng hội cùng Phật-độ trang nghiêm thanh tịnh… Lại nghe Chư Phật tùy sở thích của các chúng sanh mà thuyết pháp, mỗi câu mỗi văn đều thông đạt cả… Cũng thấy Chư Phật tùy tâm chúng sanh mà hiện sắc tướng. Cũng thấy Chư Phật đó, lưới ĐẠI-QUANG MINH nhiều màu sắc viên mãn. Cũng biết Chư Phật đó, trí huệ vô ngại SỨC ĐẠI QUANG MINH.

Thiện Tài lại tự THẤY mình ở chỗ Chư Phật qua một ngày một đêm, hoặc bảy ngày đêm, hoặc một tháng, một năm, mười năm, một trăm năm, ngàn năm, ức năm… na do tha ức năm. Hoặc trải qua 1/2 kiếp, một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp… nhẫn đến bất-khả-thuyết vi trần số kiếp…

Nhờ Bồ-Tát vô-thắng-tràng-giải-thoát TRÍ-QUANG-MINH chiếu đến, nên Thiện Tài được Tỳ-lô-giá-na-tạng tam muội TRÍ-QUANG-MINH…

Bấy giờ, Tỳ Mục Cù Sa BUÔNG TAN Thiện Tài đồng tử. Thiện Tài liền tự thấy mình ở tại CHỖ CŨ… ”

Như thế nghĩa là gì? Thôi miên chăng, ảo giác chăng? Đều không phải.

Có nghĩa là: Tâm thức của mỗi chúng sanh (tức Chân thức hay Diệu tâm, Hiện thức hay Tàng thức, và bảy chuyển-thức) đều Bổn-Cụ, tức là sẵn đầy đủ mọi bình diện cảnh giới. Khi ta trụ ở một bình diện tâm thức THÔ, thì chỉ có những cảnh giới THÔ ảnh hiện… Nhưng khi ta biết tu hành, chuyển dần những nhịp điệu rung chuyển thô của tâm thức, thì tâm thức ta rung chuyển theo những nhịp điệu VI TẾ, lọt vào những bình diện VI TẾ,NHÌN RÕ thấy những cảnh giới mông lung kỳ diệu vi-tế, mỗi lúc mỗi siêu xuất Không và Thời-gian… Cho nên, tu Thiền quán (hay tu niệm Phật cũng vậy) và nhập tam muội chỉ là tuyệt-kỷ để CHUYÊN những ba-động mỗi lúc mỗi vi-tế…

Ở đây, do những túc duyên cùng thiện căn tích luỹ từ nhiều kiếp (bởi thế, nên có tên là Thiện-tài), nên Ngài Thiện Tài đã không cần phải tử công phu tu tập, mà chỉ cần nương vào thần-lực của ngài Tỳ mục cù sa để đắc ngay môn giải-thoát ấy, nhập ngay môn tam muội ấy…

Rồi tới khi ngài Thiện Tài tới vấn đạo vị Bà la môn Thắng Nhiệt, thì Bồ Tát Thắng-Nhiệt bảo Ngài phải trèo lên một núi gươm và nhảy vào một đống lửa lớn.

Ngài Thiện Tài đã làm theo, và khi nhảy đến giữa chừng, đã đắc ngay một môn giải thoát tức tam muội. Và lửa không hề đốt cháy ngài… Vì lúc đó, sắc thân ngài đã trở thành một thứ diệu-sắc-thân, DỆT bằng những loại quang minh vi-tế, không TƯƠNG ƯNG với lửa, nên lửa không đốt được…

– Rồi tới khi đến gặp ngài Đại Bồ Tát Di Lặc, thì sau khi giảng nói nhiều điều, Ngài Di Lặc chỉ cần dùng hai ngón tay, ĐÀN CHỈ một tiếng, là ngài Thiện tài liền nhập tam muội, LỌT được vào Tỳ-lô-Diệu-trang-nghiêm-vương-các…

– Tới khi gặp ngài Văn thù cũng vậy. Ngài Văn Thù không hề hiện thân tướng, chỉ hiện một bàn tay XOA ĐẦU Ngài Thiện Tài. Ngài Thiện Tài liền đắc 1 môn giải thoát.

Cần ghi nhận rằng: Các bậc Thiện tri thức trên đây đều là những Đại Bồ Tát nên các ngài chỉ cần xoa đầu, hoặc cầm tay, hoặc đàn chỉ là đủ khiến ngài Thiện tài nhập được tam muội… Chứ không phải sử dụng đến những phương-tiện thiện xảo THÔ KỆCH như đánh hay hét, hay nói chuyển ngữ, hay khán thoại-đầu cùng để khởi nghi tình… mới có thể khiến người đệ tử nhập được một thứ Không tam muội còn nông cạn… Là vì sao? Là vì bản lãnh của những bậc Thiện tri thức trong kinh thật là siêu xuất, và căn cơ của người đệ tử cũng siêu xuất. Và ngay cho đến thời Ngài Bồ đề Đạt Ma, từ Ngài Đạt Ma cho đến đời Ngài Huệ Năng, vì các Ngài đều là những bậc thị hiện và siêu xuất, nên các ngài đều không cần phải khán thoại đầu, hoặc đánh hét, mà chỉ cần nói vài câu chuyển ngữ là người đệ tử cũng đủ liễu ngộ rồi… Và sở dĩ về sau, các bậc Tổ trong nhà Thiền đã phải sử dụng đến những phương tiện thô kệch như khán thoại đầu cùng đánh hét, chỉ vì căn cơ của những người tu Thiền đã kém sút hẳn đi.

Và đó là một điều mà chính Ngài Hư Vân hòa thượng cũng công nhận và hay nhắc nhở tôi… Căn cơ của những vị tu Thiền vào thế kỷ thứ 9 hay 10 đã bị sút kém như vậy, huống chi là căn cơ của những người ngày nay sống trong thời mạt pháp?!?

Cũng cần ghi thêm rằng ở thời 28 vị Tổ của ngành Thiền Ấn độ, các ngài cũng không cần dùng đến đánh hét hay khán thoại đầu, mà chỉ cần dùng vài câu chuyển-ngữ đối đáp để truyền thừa mà thôi…

d) Trong những Giải-thoát-môn tức tam muội, mà ngài Thiện tài đắc được trong cuộc du hành cầu Đạo, có nhiều môn tam muội mà danh tự đều là QUANG MINH:

Tỷ dụ như: Khi gặp Ngài Đức Vân tỳ-kheo, thì ngài Thiện tài đắc được 1 pháp môn tam muội gọi là: “ức niệm nhứt-thiết-Chư-Phật-cảnh-giới-Trí-huệ QUANG-MINH-PHỒ-KIẾN”.

Khi gặp Ngài Hải Vân tỳ kheo, thì ngài đắc môn tam muội gọi là: “QUANG-MINH-Phổ-nhãn-pháp-môn”

Khi gặp Ngài Di-già Đại-sĩ, thì đắc môn: “Bồ- tát-Diệu-âm-đà-la-ni-QUANG-MINH

Khi gặp ngài Hải-Tràng tỳ kheo, thì đắc môn: “Bát-nhã-ba-la-mật-Cảnh-giới-thanh-tịnh-QUANG- MINH”

Như thế nghĩa là gì?

Nghĩa là: Các cảnh giới đều được DỆT nên bằng những Quang minh thô kệch hay vi tế của tâm thức (của Kiên-cố-vọng-tưởng, Hư-minh vọng tưởng, Dung-thông vọng tưởng, U-ẩn vọng tưởng, hoặc Hư-vô vi tế vọng tưởng…). Và vào Tam muội tức là chuyển những quang-minh tâm thức của mình để LỌT vào những bình diện vi-tế, MỞ được Tâm-nhãn tương-ưng để NHÌN RÕ thấy những ba-động-quang-minh-vi-tế cùng những cảnh-giới-ảnh-hiện-tương-ưng.

Mấy môn tam muội trên đây chỉ là lược kể… Vì còn nhiều môn khác như: Bồ-tát-xuất-sanh-đại-HỶ-QUANG-MINH, Viên-mãn-hạnh-Bồ-tát-Nhơn-đà-la- võng-PHỔ-TRÍ-QUANG-MINH, Bồ-tát-giải-thoát TỊNH-TRÍ-QUANG-MINH…

e) Về TÒA ĐẠI LÂU CÁC TỲ-LÔ-GIÁ-NA-TRANG NGHIÊM-TẠNG của Ngài DI LẶC:

Đoạn kinh kể vụ gặp gỡ giữa Ngài ThiệnTài và Đại Bồ Tát Di-Lặc dài đến hơn 100 trang. Ở đây, chỉ lược trích ít câu quan hệ, có thể soi sáng con đường Thiền-quán: “Đến nước Hải-ngạn, Thiện-tài dùng tâm tôn trọng như vậy, cúng dường như vậy, xưng tán như vậy, quan sát như vậy, tưởng niệm như vậy,… vô lượng cảnh giới trí-huệ như vậy, ở trước Đại lâu các Tỳ-lô năm vóc đảnh lễ, NHIẾP NIỆM TƯ DUY QUÁN SÁT.

Vì sức đại-nguyện tín giải sâu, nên nhập môn Trí-huệ THÂN BÌNH ĐẲNG khắp tất cả xứ, HIỆN THÂN mình ở trước khắp tất cả Chư Như Lai, chư Thiện-tri-thức… Tất cả chỗ, Thiện Tài đều tôn trọng Lễ-tán suốt vị-lai-tế không thôi nghĩ, khắp hư không vì chẳng có biên lượng… dường như bóng vì tuỳ trí hiện, dường như MỘNG vì từ tư duy khởi, dường như TƯỢNG vì thị hiện tất cả, dường như VANG vì theo duyên mà phát, không có sanh vì xoay-vần khởi diệt, không có tánh vì theo duyên mà chuyển… Vì BIÊT rõ các chất đều như ảnh-tượng, biết thanh-âm như vang, biết cảnh như mộng, biết nghiệp như huyễn, biết đời là do Tâm hiện…

Thiện-Tài đồng tử nhập Quán-trí như vậy, đoan tâm khiết niệm, ở trước lâu các mọp lạy sát đất, bất-tư-nghì thiện căn lưu chú thân tâm mát mẻ thơ thới… Rồi đứng dậy chiêm ngưỡng mắt không tạm rời, chấp tay hữu-nhiễu vô lượng vòng… Tự nghĩ rằng:

Đại lâu các này là CHỖ Ở của các Bậc đã đạt KHÔNG, VÔ-TƯỚNG, VÔ-TÁC, VÔ-NGUYỆN

Là chỗ ở các Bậc biết rõ pháp-giới vô sai biệt.

Là chỗ ở của Bậc biết rõ các pháp Vô-sanh.

Là chỗ ở của Bậc đã lìa tất cả TƯỚNG.

Là chỗ ở của Bậc chẳng dựa tất cả cảnh giới, nhập thậm thâm Bát Nhã Ba La Mật.

Là chỗ ở của Bậc hay dùng phương tiện trụ Phổ-môn pháp giới…

Là chỗ ở của Bậc đem một kiếp vào tất cả kiếp, đem tất cả kiếp vào mộ kiếp mà không làm hư-hoại tướng thời-gian.

Là chỗ ở của Bậc đem mộ thế giới vào tất cả thế giới, đem tất cả thế giới vào mộ thế giới mà không làm hư-hoại tướng không gian…

Là chỗ ở của Bậc chẳng động bổn-xứ, mà có thể đến khắp tất cả Phật độ để trang nghiêm…

Là chỗ ở của Bậc dù trụ ở Tứ-thiền mà chẳng dùng định lực để thọ sanh, dù tu hạnh Tứ vô lượng tâm nhưng vì nguyện hoá độ chúng sanh nên chẳng thọ sanh cõi Sắc, dù tu Vô-sắc-đỊnh nhưng vì lòng Đại bi nên chẳng thọ sanh cõi Vô sắc.

Là chỗ ở của Bậc dù siêng tu CHỈ QUÁN, nhưng vì Bi-nguyện hoá độ chúng sanh nên chẳng chứng quả giải thoát.

Là chỗ ở của Bậc dù hành cửu thứ-đệ định mà chẳng nhàm lìa thọ sanh Dục giới, dù biết tất cả pháp vô sanh mà chẳng tác chứng nơi Chân-thiệt-tế, dù quán Tứ thánh đế mà chẳng trụ nơi rốt-ráo-tịch-diệt, dù siêu phàm phu địa mà chẳng sa vào Thanh-văn-Duyên-giác- địa….

Sau khi dùng vô lượng pháp để quán chiếu cùng xưng tán Chư Đại Bồ Tát ở trong Đại lâu các Tỳ-lô- Giá-na-Trang-nghiêm, Thiện tài cung kính đảnh lễ nhất tâm NGUYỆN THẤY Di Lặc Bồ Tát để thân cận cúng dường… Bèn thấy Di Lặc Bồ Tát từ chỗ khác đến, vô lượng Thiên, Long, Bát Bộ, Đế Thích Phạm vương cùng vô số chúng sanh theo Di Lặc Bồ Tát….

Thiện tài vui mừng hớn hở, gieo mình mọp lạy….”

Thiện Tài cung kính hữu nhiễu, rồi thưa rằng:

Kính xin Đại thánh mở cửa Lâu-các cho tôi được vào.

Lúc ấy, Di-Lặc Bồ Tát đến trước cửa lâu-các, ĐÀN CHỈ ra tiếng, cửa liền mở… Thiện tài hoan hỉ đi vào trong lâu các, cửa liền đóng lại.

Thiện tài thấy trong lâu các rộng vô lượng đồng như-hư-không, vô số chất báu làm đất, vô số cung điện, vô số đường sá, vô số cây báu, vô số hoa sen báu, vô số tràng phan bảo cái, tất cả làm bằng thất bửu… Vô số ma-ni-bửu phóng đại quang minh… Vô lượng vô số lâu các đẹp đẽ trang nghiêm, mỗi mỗi đều rộng rãi nghiêm lệ, đồng như hư-không chẳng ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau….

Thiện tài thấy lâu-các Tỳ-lô-giá-na-Trang- nghiêm-tạng có bất tư nghi cảnh giới tự tại như vậy, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng, thân tâm nhu nhuyễn, rời tất cả tướng, trừ tất cả chướng… CHÚNG NHẬP môn vô ngại giải thoát, tận dụng tâm cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp.

Vừa mới cúi đầu, do THẦN Lực của Di Lặc Bồ Tát, Thiện Tài tự thấy thân của mình ở KHẮP trong tất cả lâu các, THẤY đủ những cảnh giới tự tại bất tư nghi:

Những là thấy Di Lặc Bồ Tát lúc mới phát tâm tên hiệu nhu vậy, được chư thiện-hữu khai ngộ, khiến gieo trồng căn lành như vậy, thọ mạng như vậy, ở kiếp như vậy, lần lần gặp được Chư Như lai ở những quốc độ như vậy, tại những đạo tràng như vậy… rồi phát nguyện như vậy, tu hành như vậy…

Những là…

Hoặc Di Lặc Bồ Tát nhập BIẾN HÓA tam muội, nơi mỗi LỖ LÔNG trên thân HIỆN ra tất cả biến hoá, thân vân… Hoặc hiện ra thiên-chúng thân vân. Hoặc hiện ra long-chúng thân vân. Hoặc hiện ra Thích, Phạm, Hộ Thế, Chuyển luân, tiểu vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ vân vân… Hoặc phát tu các thứ TIÊNG vi diệu ngợi khen những hạnh-nguyện-hải cùng công đức hải của chư Đại Bồ Tát…

Thiện Tài lại thấy tất cả các cột báu, những bửu- tượng, những gương-báu… đều phóng LƯỚI ĐẠI QUANG MINH ma-ni vương, hoặc xanh vàng đỏ trắng, hoặc màu pha lê, màu đế-thanh, màu vàng diêm-phù- đàn… trong đó ẢNH HIỆN lên: những chư Phật chúng hội đạo tràng, Bồ Tát chúng hội đạo tràng, những tịnh thế giới, những uế thế-giới, những thế giới có Phật, những thế giới không Phật… những nhơn-đà-la-võng thế giới, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới bình thân, những thế giới đầy chúng nhân thiên, những thế giới của địa ngục ngạ quỷ súc sanh ở….

Như vậy do thần lực gia trì của Di Lặc Bồ Tát, cũng như do sức bất tư nghi của Bồ-Tát-nghiệp, nên Thiện Tài đuợc thấy những cảnh giới trang nghiêm ấy….

Như vậy, Thiện Tài NHẬP LÂU CÁC này, TẤT CẢ CẢNH GIỚI ĐỀU HIỆN RÕ, tuy có vô lượng SAI KHÁC mà chẳng TẠP LOẠN nhau. Cũng như tỳ-kheo nhập Biến-xứ-định, khi đi-đứng-ngồi-nằm, tuỳ theo định đã nhập, cảnh giới ấy vẫn hiện tiền.

Cũng như cung điện của thần Dạ xoa cùng cung điện của người cùng ở một chỗ mà chẳng tạp loạn nhau, đều TUỲ THEO NGHIỆPCHỖ THẨY chẳng đồng…

Cũng như nhà Đại Ảo-thuật, dùng ảo-lực hiện tất cả ảo-sự. Cũng vậy, do sức oai thần của Di Lặc Bồ Tát, cũng như do sức huyễn-trí bất tư nghi của Bồ Tát CÓ thể biết tất cả pháp, nên Thiện Tài mới thấy những cảnh giới ấy….

Lúc bấy giờ, Di Lặc Đại Bồ Tát bèn nhiếp thần lực lại, đàn-chỉ ra tiếng và bảo Thiện Tài rằng:

Này thiện nam tử! Hãy DẬY!

Thiện tài liền từ tam muội dậy. Rồi thưa:

Bạch Đại Thánh! Môn giải thoát này tên là gì?

Di Lặc nói:

Môn giải thoát này tên là TẠNG TRÍ TRANG NGHIÊM NHẬP PHÁP GIỚI 3 ĐỜI CHẲNG QUÊN MẤT    ”

Đoạn kinh trên quá dài, đây chỉ mạo muội lược trích dẫn.

Kẻ thế-nhân chúng ta có thể nghĩ gì về những đoạn kinh lạ lùng này của Hoa Nghiêm?

Thực ra, kẻ ngồi đọc tụng kinh Hoa Nghiêm, nếu nhiếp tâm quan sát nương theo lời Kinh, thì lần lần thấy thân tâm mình như bị nghiền nát thành vi-trần, và màng lưới vọng-thức thường tình bị rơi rớt lả tả, như biến thành quang minh… Chẳng biết lấy ngôn-từ gì mà bình giải. Chỉ đành im lặng và Đảnh lễ kinh.

Vì nhập TAM MUỘI là như vậy.

Nhập Phật Tri Kiến là như vậy. Nhập Diệu tâm là như vậy. NHẬP PHÁP GIỚI là như vậy… Pháp giới đều là ẢNH HIỆN. Tuỳ Tâm mà hiện thì làm sao mà nghĩ-bàn cho được?!

Nhưng cái toà Đại lâu các Tỳ-lô-Giá-na-Trang-nghiêm-Tạng đâu có phải là Vật gì xa lạ?

chính là cái PHÁP GIỚI này. Pháp giới thì tuỳ tâm chúng sanh mà ảnh hiện, mà xuất hiện. xuất hiện dưới những hình tướng thô kệch, DỆT bằng những quang minh thô kệch, và kiên cố trước mắt chúng ta. Nhưng xuất hiện thành những cảnh giới kỳ diệu chập chùng, dệt bằng những quang minh vi tế trước Thiên Nhãn,Huệ Nhãn và Pháp Nhãn của Chư Đại bồ Tát.

Pháp giới ấy cũng chính là TÀNG THỨC Sơ năng biến của chúng ta, vì thế mới gọi là Trang nghiêm TẠNG. Nó là Tàng thức mà lưu xuất ra, ảnh hiện LÓE lên do sự NỞ ra của những chủng tử, và luôn luôn DÍNH MẮC với Tạng thức do cái màng thiên la võng quang minh của Thức sơ năng biến… Và nó cũng chính là BẠCH TỊNH THỨC của Phật và Đại Bồ Tát, vì các ngài đã CHUYỂN Tàng thức trở thành toàn CHÂN.

Nhà Phật hay dùng chữ DIỆU TRANG NGHIÊM để chỉ cho Tàng thức và Bạch Tịnh Thức. Kinh Pháp Hoa cũng vậy. Phẩm 27 được gọi là Diệu- trang-nghiêm-vương Bổn-sự, bao hàm 2 nghĩa: nghĩa đen là ở kiếp đó, có 1 vị vua tên là Diệu trang nghiêm phát tâm xuất gia tu đạo, nghĩa bóng là chỉ cho sự LỌT VÀO TÀNG THỨC của kẻ tu đạo.

Cho nên trong cuộc hành trình Thiền quán, NHẬP những cơn TAM MUỘI SÂU có nghĩa là: THÔNG SÂU sợi dây TÂM THỨC, vượt qua sắc tướng lưu ngại, vượt qua những cảm thọ hư-minh, vượt qua những tâm tưởng dung thông, phá vỡ được tấm lăng kính u ẩn bền chắc của Mạt na chấp Ngã, rồi LỌT VÀO TÀNG THỨC, NHÌN RÕ thấy những ba động quang minh vi tế giăng mắc khắp giới… Rồi tránh khỏi tất cả ma ý, CHUYỀN lần lần Tàng thức thành Bạch tịnh thức… lần lần trôi vào biển Diệu Giác vô sở đắc.

f) Thiện tài vấn Đạo ngài PHỔ HIỀN Bồ Tát:

Xin lược trích đoạn kinh sau đây:

“Lúc bấy giờ, Thiện Tài muốn THẤY Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, liền phát tâm rộng lớn như hư-không-giới, khởi tâm vô ngại đi trong tất cả pháp vô ngại, tâm vô ngại vào khắp tất cả thập phương…

Lúc Thiện Tài phát khởi những tâm như vậy, do sức thiện căn của mình, được sức gia hộ của Chư Như lai, bèn thấy 10 tướng QUANG MINH, như là:

Thấy bao nhiêu VI TRẦN của tất cả thế giới, trong mỗi vi trần xuất sanh tất cả vi trần số Phật QUANG MINH VÕNG chiếu sáng khắp nơi.

Trong mỗi vi trần xuất sanh tất cả vi trần số Phật QUANG MINH LUÂN VẦN, hiện nhiều thứ sắc tướng cùng khắp pháp giới.

Trong mỗi vi trần xuất sanh tất cả vi trần số những QUANG MINH DIỆU HƯƠNG VÂN cùng khắp 10 phương, khen ngợi những hạnh nguyện đại công đức của Phổ Hiền …

Thiện Tài thấy 10 thứ Quang minh này rồi, liền nhiếp khắp thiện căn, nhất tâm CẦU THẨY Phổ Hiền Bồ Tát, dùng phổ nhãn quan sát 10 phương, bao nhiêu cảnh giới đều TƯỞNG là được thấy Phổ Hiền Bồ Tát….

Lúc đó, Thiện Tài LIỀN THẤY Phổ Hiền Bồ Tát ở TRONG CHÚNG HỘI, trước Đức Như Lai, ngồi tòa sư tử bửu liên hoa, thế gian không sánh kịp, đồng tam thế Phật, tất cả hàng Bồ Tát đều KHÔNG THẤY Được (vì đạo lực chưa đồng)…

Thấy nơi thân Phổ Hiền, mỗi mỗi LỖ LÔNG xuất sanh tất cả thế giới vi trần số QUANG MINH VÂN, chiếu khắp 10 phương pháp giới, diệt trừ các chúng sanh khổ hoạn, khiến các Bồ Tát sanh tâm đại hoan

Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả Phật sát vi trần số những sắc hương diệm vân…

……… những tạp-hoa-vân….

……… những diệu-y-vân… những thiên-thân- vân…v.v…

Thiện Tài thấy cảnh giới thần thông tự tại của Phổ Hiền Bồ Tát đều có Đại thiên thế giới, phong luân, thủy luân, địa luân, hoả luân, đại hải, giang hà, Tu di, Thiết vi, thành ấp, cung điện, tất cả địa ngục ngạ quỷ, Thiên long bát bộ, nhân và phi nhân, cõi Dục, cõi sắc, cõi Vô sắc, nhật nguyệt tinh tú gió mây sấm chớp, ngày đêm cho đến năm tháng kiếp số… cùng Chư Phật xuất thế, chúng hội đạo tràng trang nghiêm… những sự như thế đều THẤY rõ cả…

Như thấy thập phương thế giới hiện tại, tất cả thế giới tiền tế hậu tế (tức quá khứ và vị lai) cũng thấy như vậy, nhưng vẫn chẳng tạp loạn nhau….

Bây giờ Thiện Tài lại thấy tự thân mình Ở TRONG THÂN của Phổ Hiền, và giáo hoá chúng sanh trong 10 phương thế giới…

Trong lỗ lông của Phổ Hiền Bồ Tát, Thiện Tài bước một BƯỚC QUA KHỎI bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết Phật sát vi-trần-số thế giới. Đi mãi như vậy tột thuở vị lai vẫn còn chẳng biết được thứ đệ sát-hải của trong một lỗ lông, cũng chẳng biết ngằn-mé của Sát-hải-tạng, Sát-hải-biệt, Sát-hải phổ nhập, Sát-hải thành, Sát-hải hoại, Sát-hải trang nghiêm…

Cũng chẳng mất nơi đây mà hiện nơi kia… Mỗi niệm Thiện Tài cùng khắp vô biên sát-hải giáo hóa chúng sanh khiến họ hướng về Vô Thượng Bồ Đề.”

Ý nghĩa của đoạn kinh này vẫn ảo huyền như vậy, ảo huyền như nhiều đoạn kinh khác của Hoa Nghiêm hoặc của kinh Đại Thừa…Tức vẫn là ẢNH HIỆN không thể nghĩ bàn, và cái Biển QUANG MINH của Chân-thức vẫn chập chùng ẢNH HIỆN không thể nghĩ bàn.

Ngài Phổ Hiền là tượng trưng cho chặng đường cuối cùng, cho sự thành tựu viên mãn của Hạnh-nguyện-hải trong Bồ Tát Đạo, của Lý-sự vô ngại cùng Sự-sự vô ngại. Cho sự chứng nhập nơi Tột-bờ-mé của Diệu Tâm, của Tột-không, của pháp-giới. Vì từ nơi Tột Không này có thể làm đột hiện nên tất cả mọi Diệu Hữu của pháp giới. Cho nên, ở mức độ ấy, thì THÂNCÕI, và CÕI là THÂN, và thân của ngài Phổ Hiền tức là pháp giới và ngược lại.

Đối với Chư Phật hoặc Đại Bồ Tát thì cũng như vậy.

Cũng đừng lầm tưởng rằng lời Kinh chỉ cho ý nghĩa tượng trưng mà thôi đâu… Ngài Phổ Hiền không phải chỉ là tượng trưng cho cái chặng đường chứng nhập cuối cùng ấy, mà đồng thời Ngài vẫn có thể hiện tướng Diệu Hữu như là THẬT CÓ. Và tuy hiện tướng thật có, nhưng diệu sắc thân ấy không hề lưu ngại, nên vẫn như là THẬT KHÔNG vậy… Do đó, nên giáo lý nhà Phật bao giờ cũng bao gồm cả 2 khía cạnh, vừa Nhất-nguyên thần hoá lại vừa Nhất-nguyên phi thần hoá…

Nơi tột bờ mé này là lãnh vực vi tế sâu thẳm của những cơn ĐẠI TAM MUỘI, tức CHÁNH ĐỊNH VÔ TRỤ, không phải là những cơn định nhỏ, có trụ hoặc hữu-biên. Như là: Chân Như tam muội, Như Huyễn tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Kim Cang tam muội… và nhiều danh tự khác. Nơi đây chỉ là 1 biển hào quang chập chùng hoặc vô tướng mạo hoặc cực kỳ vi tế, nhưng đều ảnh-hiện không thể nghĩ bàn vì đã xa lìa hết thảy các TƯỞNG, các vọng tưởng như thời gian hay không gian…

Khi 1 bậc Đại Bồ Tát đã đạt tới mức độ này, thì có thể NHẢY VỌT qua các thứ bực về Định, hoặc CHUYỂN tam muội 1 cách rất mau lẹ thần kỳ. Các ngài chỉ cần khởi một-tâm-niệm-vô-niệm- để độ sanh, là thân căn cùng cảnh giới đều ảnh hiện sai khác… Do đó, nên kệ Hoa Nghiêm thường dạy:

Ở nơi thân Người nhập chánh định
Nơi thân chư Thiên từ định xuất,
Nơi thân chư Thiên nhập chánh định
Ở thân chư Long từ định xuất,
Từ nơi Nhĩ-căn nhập chánh định
Do nơi Thanh-trần từ định xuất,
Nơi một vi-trần nhập chánh định
Ở nơi Đại thiên từ định xuất,
Nơi một sát-na nhập chánh định
Ở nơi đại-kiếp từ định xuất…
Ấy là BẬC vô lượng công đức
Tam muội tự tại khó nghĩ bàn…

Về việc xuất nhập và chuyển tam muội này, các bậc Tiểu thánh Thanh Văn không thể làm được… Vì sao? Vì thiếu Bình đẳng Đại Bi Tâm, thiếu Đại Bát Nhã vô ngã Như Huyễn, chưa được Pháp-không, và thân tâm chưa đồng nhất hoá với pháp giới….

Nhà Thiền cũng hay nói tới việc TRUYỀN TÂM ẨN hay lấy Tâm truyền tâm… Tỷ dụ như Phật giơ 1 cành hoa thì ngài Ca diếp mỉm cười. Hoặc 1 vị Tổ nói 1 bài kệ thì vị Tổ kế thừa ý hội được tâm ấn….

Đây là 1 sự việc rất khó mường tượng, vì xẩy ra nơi đáy tầng tâm thức mịt mùng của 2 bậc đó…

Phần đông các ngữ-lục thì chỉ giải thích 1 cách sơ lược rằng: truyền Tâm-ấn thường chỉ là Thầm-khế- hội, hoặc là vị Tổ truyền thừa lấy tâm mình IN lên tâm của vị kế thừa… Nhưng kẻ viết trộm nghĩ rằng: vụ này có thể mường tượng 1 cách cụ thể hơn, tuỳ theo đạo- lực của bậc truyền thừa. Là vì biển Tâm vốn là hào quang, Chân thức cùng Hiện thức cũng đều là quang minh, nên vị Tổ truyền thừa có thể dùng những ba-động quang minh tâm thức mầu nhiệm của mình, để chuyển những ba động tâm thức của vị kế thừa trở thành đủ vi- tế, để NHÌN RÕ thấy biển Tâm. Vì nhà Phật bao giờ cũng dùng chữ KIÊN như kiến tánh, hoặc NHÌN RÕ Phật tánh như trong kinh Đại Niết Bàn luôn nhắc đi nhắc lại.

Cũng như trong các kinh Đại Thừa, Phật luôn luôn phóng quang, khiến tứ chúng có thể nhìn thấy nhiều cảnh giới siêu xuất, các cõi Phật thông suốt… tức là nhìn thấy biển Tâm ảnh-hiện….

Cũng như trong bộ Tọa Thiền tam muội (Bản dịch Thượng tọa Thanh từ) trang 76 có ghi rằng: vị Thầy cần phải dùng thiên nhãn hoặc tha-tâm-trí để nhìn căn cơ của người đệ tử (tức là nhìn những quang minh của tâm thức), còn như nếu vị thầy chưa đạt tới mức đó, thì phải tạm nhìn tướng mạo để phỏng đoán căn cơ vậy…

Cũng như chuyện ngài Huệ Trung quốc sư gặp 1 vị hồ-tăng có tha tâm thông. Vị này nhìn trúng được mấy lần những hình tướng quang minh tâm niệm của quốc sư… Nhưng tới khi quốc sư lặng lẽ vào định,

chuyển những quang minh tâm thức trở thành rất vi-tế thì vị hồ-tăng đành chịu thua… Trong bộ Nam Hoa Kinh của Trang tử, cũng có kể 1 chuyện (chuyện Hồ tử) tương tự y như vậy….

GIÒNG THIỀN ĐỐN NGỘ CỦA NGÀI ĐẠT MA VÀ HUỆ NĂNG:

Đây là ngành Thiền Đông Độ nổi tiếng lẫy lừng nhất, phát triển rầm rộ và tồn tại lâu dài cho đến ngày nay. Phần lớn những người học Thiền ngày nay, đều đọc và nghiên cứu những ngữ lục của ngành Thiền này.

Từ khi Ngài Bồ Đe Đạt Ma chống tích-trượng vân du Đông Độ, thì nhành hoa Tâm-ấn được truyền lần lần trong 5 đời Tổ cho đến ngài Huệ Năng. Rồi bước vào 1 khúc rẽ kỳ-đặc, nẩy nở rầm rộ vào thế kỷ thứ 7, và thành hoa nở ra 5 cánh, tức là 5 ngành Thiền Lâm Te, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Rồi truyền sang Nhật bản, hiện nay đương lan tràn mạnh mẽ sang những phương trời Âu tây.

Tại Nhật bản, hiện nay vẫn còn hai giòng Thiền Lâm Te và Tào Động. Tại Trung Hoa cũng vậy, chỉ còn 2 giòng Thiền đó, còn những giòng kia đã mai một với thời gian… Vị Tổ sau cùng của ngành Thiền Đốn ngộ này có lẽ là ngài Hư Vân hòa thượng, sống chừng 120 tuổi và mới tịch cách đây chừng vài chục năm. Hiện nay, có hoà thượng Tuyên Hoá trụ trì tại chùa Vạn Phật Thành ở phía bắc San Francisco, thường tự nhận là truyền nhân của ngài Hư Vân, nhưng vụ truyền thừa này không rõ ra sao?!…. Tại Việt Nam, nơi tu viện Chơn không tại Vũng tàu, có thượng tọa Thanh Từ cũng cực lực cổ xuý ngành Thiền này…

Ngành Thiền này đã phát triển rầm rộ vì nhiều lẽ:

Thứ nhất là vì: ngài Đạt Ma vốn là vị Tổ thứ 28, và là truyền nhân chính thống của ngành Tâm-tông Ấn độ. Vì Thiền là Tâm của Phật, còn các kinh là Miệng Phật.

Thứ nhì là vì: phong độ cùng bản lãnh của các vị Tổ Đạt Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tính, Hoằng Nhẫn, và Huệ Năng… đều siêu xuất, siêu xuất đến mức bao gồm cả lãnh vực lịch sử của đôi mắt thịt thế nhân cùng lãnh vực huyền thoại của Thiên-nhãn, Huệ-nhãn và Pháp-nhãn.

Thứ ba là: 6 vị Tổ nói trên, để chữa căn bệnh của lớp nho sĩ thời đó thường quá thiên trọng vào ngôn-từ chữ nghĩa và lãng quên mất nguồn Tâm, đã đưa những chủ trương thật độc đáo là Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ vào Tâm để Kiến-tánh… Và những chủ-trương ấy dĩ nhiên đã đập mạnh cùng gây ấn tượng sâu sa trong tâm thức những lóp người tu học.

Thứ tư là: Các vị Tổ ấy, nhất là ngài Huệ Năng, đã khéo hội-thông và dung họp giáo lý cố hữu như Nho-lão cùng những thiên-tư về tâm thức của những dân tộc Đông Á… Vì tâm thức của tầng lớp trí thức hay nho-sĩ của các dân tộc Trung hoa, Việt nam, Nhật bản… thường thiên trọng về quan niệm nhất-nguyên phi-thần-hoá cùng ánh sáng nhận thức của Trí Huệ Bát Nhã nhiều hơn người dân Ân. Và phái Nho Lão thường hay dùng những danh từ như: Thiên-Lý, Thiên-chân, Vòng Thái-hư, vòng Hư-vô, Đạo khả đạo phi thường Đạo, Vô nhi vi vô bất vi. v.v….Nên sau này, một số danh từ như Đạo, Vô vi… từng được du nhập giáo lý Thiền của nhà Phật.

Thứ 5 là: từ sau ngài Huệ Năng, trong những thế kỷ thứ 8,9,10… ngành Thiền Đốn Ngộ đã bước vào 1 khúc rẽ đặc biệt, mang thêm những màu sắc Trung Hoa và Đông Á. Và các vị Tổ lớn như Mã Tổ, Huệ Trung quốc sư (tức Đại Giác thiền sư), Thần Hội, Qui Sơn Linh Hựu, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Lâm Te Nghĩa Huyền, Triệu Châu, Đông Sơn Lương Giới, Vân Môn..v… đã càng ngày càng nghiêng về ánh sáng Bát Nhã cùng khía cạnh Nhất nguyên phi-thần-hoá, luôn luôn cổ xuý muốn quăng bỏ lý-trí để trực nhận ngay giòng hiện-sinh của nguồn Tâm. Nên các ngài đã tận lực xiển dương được nhiều phương thức (hay kỹ thuật) thiện xảo để điểm hóa, phù họp với căn cơ của nhiều người trong những thế kỷ ấy. Những phương thức này đều nhằm phá vỡ màng lưới thiên la võng của Vọng thức (drop the mind), tỷ dụ như: chuyển ngữ, khán thoại đầu cùng đề-khởi nghi tình, đánh hét, tam quan, tam huyền, Tứ liệu giản, Ngũ vị quân thần..v.v… Phải nhận rằng do những phương thức này, nhiều vị thiền- sư thời đó đã được chứng ngộ, và đồng thời cũng khiến cho tông phong ngày càng trở nên trực triệt kỳ dị, đôi khi cổ quái,… nhưng chính tính chất kỳ dị cổ quái này đã khiến cho giòng Thiền Đốn Ngộ nổi tiếng không ít…

Ngày nay, sau một ngàn năm diễn biến, bình tĩnh mà suy nghiệm lại, thì thấy rằng những phương thức thiện xảo ấy cũng chẳng phải hoàn toàn do sự phát minh của những vị Tổ Đông Độ. Xưa kia, các vị Tổ ngành Thiền Ẫn Độ cũng đã từng dùng một lối thoại ngữ vấn đáp còn bí hiểm hơn thoại ngữ hay công án nữa, để khiến cho đệ tử biết QUÁN TÂM và chợt nhận thấy cái giòng lưu-chuyển biến dịch vi tế của Tâm. Nhưng xưa kia, các vị Tổ ít phải dùng đến những phương thức phiền toái hơn. Ngay đến thời từ ngài Đạt Ma đến Huệ Năng, cũng thường chỉ dùng những chuyển ngữ thôi… Vì sao? Là vì căn cơ của các ngài đều mãnh lợi siêu xuất, nên dễ nhận được Tâm-ấn. về sau này, những phương thức điểm hoá thường đa đoan và thô kệch, là vì căn cơ của người tu học đã kém sút đi nhiều, như ngài Hư Vân thường xác nhận: “Từ Tổ Đạt Ma truyền sang Trung hoa, cho hạ thủ công phu từng thay đổi. Các bậc Thiền-đức trước đời Đường, phần nhiều chỉ nghe 1 câu, hoặc nửa lời đã được ngộ đạo… Từ đời Tống trở về sau, người học đạo căn tánh yếu ớt cạn hẹp, nói được mà làm không được. Nên các Tổ sư bất đắc dĩ phải dùng biện pháp lấy độc trừ độc, dạy người học tham công án hay khán thoại đầu…” (trích tập Thiền Đốn ngộ, trang 197, bản dịch Thanh từ)

Tới ngày nay, những ngành Thiền Lâm Tế tại Trung hoa và Nhật bản vẫn còn dùng những phương thức điểm hoá ấy. Nhưng căn cơ của người ngày nay chắc là còn cạn cợt hơn người ở thời Tượng-pháp, nên hiệu lực chứng ngộ của những phương thức ấy chắc cũng kém sút đi… Còn ngành Thiền Tào Động thì vẫn áp dụng theo phương pháp Mặc chiếu.

Trong phạm vi tiết mục này, chỉ có thể ghi vài nét chính nói trên về ngành Thiền Đốn Ngộ Đông Độ. Sau đây, trong chương Thiền Đốn Ngộ, sẽ trình bày kỹ càng hơn về những điểm thiết yếu như là: KIẾN TÁNH là như thế nào? Trạng thái ĐỐN NGỘ là thế nào? Hoặc trình bày một vài phương thức truyền thừa hay điểm hóa của các vị Tổ Thiền Ấn độ và Đông Độ … Nhưng thực ra, thì phương thức nào cũng là nhằm phá vỡ cái màng lưới chằng chịt từ vô thuỷ của Vọng thức, để LỌT ĐƯỢC VÀO TÀNG THỨC, mở được Tâm nhãn hay Kiến-đại tịnh diệu, nhìn rõ thấy những ba-động quang minh vi tế của Thức sơ-năng-biến hay Hiện-thức, rồi tránh tất cả Ma-ý và chuyển lần Tàng thức thành Bạch tịnh thức và trôi vào Biển Diệu giác…

B- ĐIỂM THỨ 2:

MUỐN PHÁ VỠ NHŨNG MÀNG SƯƠNG MÙ LÀ SẮC THỌ, TƯỞNG, HÀNH ẤM VÀ LỌT ĐƯỢC VÀO TÀNG THỨC KẺ HÀNH GIẢ TU THIỀN QUÁN CẦN PHẢI HIẾU SÂU CÙNG THÂM TÍN LÝ DUY TÂM HIỆN KHÔNG THÊ NGHĨ BÀN, và đồng thời phải cố gắng HẰNG KHỞI LÒNG ĐẠI BI BÌNH ĐẤNG… Nếu không như thế, thì không thể bay bổng tuyệt vời và chứng nhập Diệu tâm được.

Kẻ hành giả tu tập Thiền quán, nếu chỉ mong cầu một chút sức khỏe, 1 chút tĩnh tâm hay relax, hoặc mong cầu một chút ít cảnh giới kỳ lạ hay một vài khả năng hơi khác người… thì không khó khăn gì lắm, chỉ cần dụng công đều đặn chừng vài năm là có thể có.

Nhung nếu kẻ ấy hạ quyết tâm muốn đi con đường Thiền, muốn đạt những bước tiến QUYẾT ĐỊNH, muốn liễu-sanh-thoát-tử, muốn vượt Mạng- trược, bước lên bờ giải thoát Tột-bờ-mé của Diệu tâm… thì cần phải thâm tín lý Duy tâm sở hiện, và tuy Thiền là hơi thở của Bát Nhã, vẫn phải luôn hằng khởi tâm Đại Bi.

Về những điểm này, chỉ cần giở lại những trang kinh luận, hay ngữ lục là đủ rõ:

a) Trong một bản ngữ Lục, ngài Hám Sơn căn dặn:

“Những người quyết tu Đạo phải thâm tín giáo lý Duy tâm. Đức Phật nói: Ba cõi là Tâm, vạn pháp là Thức… Tất cả Phật giáo chỉ là triển khai câu văn này. Vô minh hay giác ngộ, thiện hay ác, nhân hay quả, chỉ là tâm ta. Không có mảy may gì hiện hữu ngoài tâm. Thiền giả phải gác bỏ các kiến văn giác tri trước của mình, vì ở đây, uyên bác hay thông minh cũng không có ích gì… Đúng ra, thiền giả phải xem cả thế giới như là Hư ẢO. Tất cả những gì y thấy chỉ là ảo ảnh, hình ảnh trong gương, như mặt trăng ảnh-hiện nơi đáy nước, những âm thanh mà y nghe là những tiếng thầm thì của gió thổi qua rặng cây… Y phải xem tất cả các tướng như mây trôi trên trời, biến ảo và không thực. Không những chỉ thế giới bên ngoài, mà tất cả tâm tưởng tập tục, say mê cuồng si, và dục vọng trong tâm cũng vậy, đều vô tự tánh, không thật có, không căn rễ và đều phù trầm… Bất cứ khi nào một tâm tưởng móng khởi, phải cố tìm ra căn nguyên nó, đừng để nó hiện hành dễ dàng hoặc bị nó loạn hoặc… Neu chư vị tu tập được như vậy, tức là chư vị làm một công việc vững chắc…” (trích Thiền đạo tu tập, bản dịch Như Hạnh, trang 182).

b) Trong bộ Tọa Thiền Luận, ngài Huệ Trung Quốc Sư cũng dạy: “Nên xem tất cả pháp hữu vi như mộng-huyễn bào ảnh, đừng vướng vào niệm nào… ”.

Ở đây chỉ nói pháp hữu vi. Nhưng pháp vô-vi cũng vậy, cũng mộng-huyễn bào ảnh, nhưng ở 1 bình diện vi tế hơn mà thôi…

c) Luận Đại Thừa Khởi tín, ngài Mã Minh cũng nhấn mạnh: “Không có pháp ngoài Tâm, không có cảnh ngoài Tâm… Quán chiếu Duy Tâm Sở Hiện là giữ Chánh-niệm bậc nhất”.

d) Ngoài ra, tất cả kinh đại thừa như Kim Cang, Lăng Già, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Duy Ma Cật, Quán Vô Lượng Thọ, Hoa Nghiêm v.v.. cũng đều chỉ dạy Mộng ảo-bào-ảnh-lộ-điển, Duy tâm sở hiện và Ảnh hiện-không-thể-bàn… kể không thể xiết…

Còn như về vụ KHỞI TÂM ĐẠI BI, thì các Kinh cũng luôn luôn nhắc nhở. Chỉ xin dẫn mấy đoạn:

a) Kinh Lăng Già, Ngài Đại-Huệ nói bài kệ tán thán Phật như sau:

Thế gian lìa sanh diệt
Ví như hư-không hoa,
Trí chẳng thấy có-không
MÀ KHỞI TÂM ĐẠI BI.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức
Trí chẳng thấy có không
MA khởi tâm ĐẠI BI.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có không
MA khởi tâm ĐẠI BI.
Biết nhơn-pháp vô ngã
Phiền não và sở tri,
Thường thanh tịnh không tướng
MA khởi tâm ĐẠI BI…
……….
……….

b) Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 39, khi ngài Thiện Tài đến thưa hỏi về Bồ Tát Đạo, thì Ngài Di Lặc đã giảng nhiều về Bồ Đe Tâm và Đại Bi. Đoạn kinh này rất dài, chỉ xin trích dẫn mấy câu:

“Ví như có người được hạt-bửu châu của vua rồng rồi cầm hạt châu ấy đi xuống long cung, thì tất cả loài rồng rắn đều không thể làm hại được… Cũng vậy, Đại Bồ Tát được tâm Bồ Đề Đại Bi rồi đi vào Dục giới, thì tất cả phiền não không làm chướng ngại được.

Ví như Long vương đội mão ma-ni-bửu thì rời khỏi tất cả oán dịch bo úy. Cũng vậy Đại Bồ Tát đội mão Bồ Đề Tâm Đại bi thì rời khỏi các ác đạo và các nạn.

Ví như Thiên Đế Thích đội mão na-ni chiếu hào quang che khuất tất cả hào quang của những thiên-chúng khác. Cũng vậy, Đại Bồ Tát đội mão đại-nguyện Bỏ Đe Tâm thì vượt hơn tất cả chúng sanh trong tam giới.

Ví như chẩu tịnh-quang-minh có thể chiếu sáng chói khuất tất cả các màu sắc của những châu báu khác. Cũng vậy, Bồ Đe Tâm Đại Bi của Đại Bồ Tát chói khuất tất cả công đức của phàm phu và Nhị thừa.

Ví như trong biển có bửu-châu hải tạng, cháu này ảnh hiện tất cả sự trang nghiêm trong biển. Cũng vậy, Bồ Đe Tâm của Đại Bồ Tát hiện khắp những sự trang nghiêm của nhất-thiết-chủng-trí.

Ví như thứ hương Hắc-chiên đàn trên trời, nếu đem đốt một chỉ thì hơi hương xông khắp Tiểu thiên thế giới. Cũng vậy, 1 niệm công đức của Bồ Đe Tâm của Đại Bồ Tát xông khắp tất cả pháp giới, tất cả công đức của Thanh văn Duyên giác đều không bằng được…”

Cần nêu câu hỏi: Thiền vốn là hơi thở của Bát Nhã, vốn là diễn trình thẩm thấu của tâm thức luôn luôn nhằm niệm-niệm-LY, để lìa mọi hình tướng, mọi tâm tưởng mọi tình nhiễm, vậy TẠI SAO cần phải hằng khởi TÂM ĐẠI BI BÌNH ĐẨNG?.

Là vì: Chỗ tâm-hành của Đại Bồ Tát, chỗ chứng nhập tuyệt vời của Đại Bồ Tát là ở chỗ SONG CHIẾU, để vượt hết mọi móng niệm nhị-biên… Neu không hằng khởi tâm Đại Bi bình đẳng để đi vào tất cả cảnh giới, để hóa hiện cùng nhẫn chịu tất cả cảnh giới và thân căn, thì làm sao có thể bước vào và thuần thục GIA QUAN”.

Và nếu không bước vào Giả quán, thì kẻ hành giả chỉ có thể dậm chân ở nơi Không tam muội nông cạn, ở Càn Huệ, không thể nhập sâu vào nơi Tột-không được… Dậm chân ở nơi Không tam muội ấy, lần lần kẻ hành giả sẽ mắc bệnh Triền-không, chỉ ưa thích niềm an lạc trầm-không-thú-tịch, không muốn thò đầu ra nữa. Hoặc nhiều lắm là hành giả có thể diệt nổi những phiền não thô, chấm dứt phần-đoạn sanh tử, nhưng vẫn còn bị sự chi phối của biến-dịch sanh tử vi-tế.

Vả lại, nếu không trải rộng tâm tình trên tất cả cảnh giới, nếu không đi vào các cảnh giới hoặc hóa hiện vô lượng hóa thân trong tất cả cõi, thì làm sao có thể thẩm thấu pháp giới, làm sao Nhập pháp giới? Làm sao đạt được Tự THA vô ngại, hoặc Ta và pháp giới vô ngại?

Bởi thế, cần hằng khởi Tâm Đại Bi bình đẳng. Và khi Tâm Đại Bi được trải bình đẳng, thì không hề tạo dựng một mảy mún tình nhiễm nào, vì không có ái- kiến và cũng như là vô-niệm… Cho nên, một vị thiền- sư có thể nói thao thao thông suốt về Bát Nhã, nhưng nếu xét kỹ những móng niệm của tâm mình mà chưa đủ Đại Bi bình đẳng, thì vẫn là chưa họp đạo. Xưa kia, những vị Tổ như ngài Lâm tế Nghĩa Huyền hay Đức Sơn có thể dựa vào Lý Bát Nhã để quở Phật chê kinh được, là vì các ngài đã có Tâm Đại Bi muốn độ sanh. Nhưng chúng ta, thì dù có hiểu được đôi chút Bát Nhã, cũng chưa thể bắt chước các Ngài được, là vì chắc rằng cỏn thiếu Tâm Đại Bi…

Nhưng tại sao còn phải thâm tín Lý Duy tâm sở hiện, và luôn quán chiếu pháp-giới chỉ là ANH HIỆN KHÔNG THỀ NGHĨ BÀN.

Là vì: nếu suy ngẫm cho kỹ, thì pháp giới cùng thân căn ta chỉ có thể là ảnh hiện, và không thể khác được.

Là vì nếu pháp giới là THẬT CÓ, thì nó phải trơ trơ bất biến, làm sao mà tăng trưởng hoặc tàn lụi, làm sao mà xoay vần miên viễn thành-trụ-hoại-không được?!! Và nếu nó không phải đồng 1 thứ hư-vọng (tức huyễn mộng) như thân tâm ta, thì làm sao tâm thức ta lại có thể hay biết cùng thẩm thấu pháp giới được ?! Làm sao nhập pháp giới, làm sao tu hành được ?!

Còn như nếu pháp giới là THẬT KHÔNG, thì là rơi vào đoạn diệt, vào ngoan-không, vào hư-vô rồi… còn gì mà tăng trưởng, tàn lụi, mà tạo tác thi vi, mà tu hành nữa?

Bởi thế, nên sự thâm tín và quán chiếu Duy Tâm Sở Hiện là con đường nhiệm mầu nhất, khiến kẻ hành giả lần lần lìa bỏ mọi móng niệm kiến chấp có-không, thường-đoạn, nhất-dị, khứ-lai… rồi khéo giữ cái tâm mình, khéo dụng tâm để bước vào TRUNG ĐẠO SONG CHIẾU, ngày càng khiến tâm mình tương ứng với Diệu tâm, để lần lần chứng nhập Thực tại cuối cùng ấy.

Đây cũng là điểm THEN CHÓT mà các trường phái ngoại đạo thường vấp phải, thường dừng chân ở trước tột bờ mé, và không vượt nổi… Vì đối với thực tại cuối cùng, ngoại đạo thưởng hay thiên trọng về chấp Có, tỷ dụ như cho rằng Thần-ngã hay Phạm thiên là CÓ THẬT. Không chịu hiểu rằng Thực tại cuối cùng hay Diệu tâm là ở nơi tột bờ mé, lìa cả có-không.

Tóm lại, thì Bát Nhã và Đại Bi cũng tương tự như nhịp đập, như hơi thở của Diệu tâm hay tâm thức kẻ hành giả… Khi THỞ VÀO thì thấy là Tột-không, bản lai chẳng có một vật. Nhưng khi THỞ RA thì lại thấy là Diệu-hữu, tất cả các sự vật đều bời bời vô tận. Tuy nhiên, không thể tách rời chia rẽ hơi thở ra và hơi thở vào, vì đó là hai mặt đồng tiền, hai mặt của pháp giới, của Diệu tâm, luôn luôn tương sanh tương duyên và bồi dưỡng lẫn nhau…

Cũng cần ghi thêm rằng: nếu hiểu được lẽ đó và khởi được những tâm ấy, thì GIỚI HẠNH của kẻ hành giả tự nhiên sẽ lần lần trở thành thuần thục tinh nghiêm… Điểm này cũng quan hệ, vì xưa kia, các vị Tổ, trước khi dạy Thiền quán, đều khảo sát người đệ- tử về vấn đề Giới.

Và một khi hành giả chú trọng vào sự khởi tâm Đại Bi, thì tự nhiên cũng sẽ đạt tới trạng thái tâm VÔ SỞ CẨU và đi tới vô sở cầu hạnh… Giữ tâm vô sở cầu thì các hạnh nguyện dễ tới chỗ viên mãn, để đạt tới Vô niệm và Vô trụ. Nhưng cần hiểu rằng Vô sở cầu không có nghĩa là tuyệt đối không khát ngưỡng mong cầu điều gì hết. Mà có nghĩa là: tuyệt đối không mong cầu một điều gì HỮU BIÊN hết, mà chỉ mong cầu khát ngưỡng những thành quả ở lãnh vực BẤT NHỊ. Mong cầu như thế thì không hề móng niệm khởi tưởng và khởi tình nhiễm, mà đã không khởi tưởng khởi tình thì không bị Lưu-ngại.

Tỷ dụ như kẻ tu Thiền quán,nếu mong cầu được xuất hồn,kết thành thai,có thần thông hoặc cảnh giới lạ.. .Và móng tâm ưa thích những cái đó,tức là những mong cầu vị-kỷ và hữu-biên…Nhưng nếu chỉ mong cầu đạt được Phật Quả để có đủ nhất-thiết-chủng-trí cùng tam muội đại-tự-tại-lực,không phải vì tâm móng niệm ưa thích những thứ đó,mà chỉ vì muốn biết rõ rệt tất cả pháp cùng thị hiện,tất cả thần biến thiện xảo để ĐỘ SANH.. .thì đó là sự mong cầu TRUNG ĐẠO, tức vô sở cầu,tuy có tâm niệm nhưng vẫn là vô-niệm.Hoặc mong cầu vãng sanh Cực Lạc cũng vậy: nếu hành giả chỉ mong cầu vãng sanh để thoát cái nhục-thân bịnh tật khổ luỵ, rồi được Bất thối chuyển, thì đó là tâm mong cầu thấp.Nhưng nếu mong cầu vãng sanh, để có thể dễ dàng tiến tu và đủ tự tại lực (như đắc Vô-sanh-nhẫn chẳng hạn), rồi quyết tâm khởi hạnh nguyện TRỞ LẠI những cõi uế trược, lặn lội trong các ác-đạo đến TỘT VỊ LAI TẾ để ĐỘ SANH, thì đó là sự mong cầu Tự-tha vô ngại, mong cầu Trung Đạo, tức vô sở cầu

Và đạo lý vận hành của pháp-giới này thật lạ lùng kỳ diệu: vì càng mong cầu bao nhiêu lại càng được ÍT bấy nhiêu, và càng vô-sở-cầu bao nhiêu thì thành quả càng rộng lớn và thâm sâu bấy nhiêu.

Các ngoại đạo thường hay vấp phải điểm này: khởi tâm mong cầu muốn điều khiển luồng khí lực Prana, điều khiển nhịp đập của trái tim, hoặc khai mở các luân-xa (chakras), khai luồng hỏa hầu (Kundalini), hoặc mong thần thông, cảnh giới lạ, mong thọ sanh những tầng trời sắc cùng Vô sắc… Riết rồi thì trụ tâm vào đó quá nhiều và quá lệch lạc, nên mới không khởi được tâm vô sở cầu cùng triển khai Đại Bi tâm bình đẳng đúng mức, nên dù có tu công phu, việc tu tập của họ cũng không thể bay bổng tuyệt vời, và thường hay lạc vào những cơn định thấp ở cõi sắc cùng Vô sắc. Như ở một chương sau đây sẽ có dịp trình bày rõ…

Kẻ viết tập tiểu luận này không phải là người chuyên tu Thiền, và những kinh nghiệm về Thiền không có gì đáng kể… Sở dĩ viết mấy trang này, chỉ là muốn góp vài điều nhận xét về con đường Thiền quán mà Chư Phật Thế Tôn đã giảng nói trong kinh Lăng Nghiêm cùng các kinh khác. Đồng thời, nương theo lời kinh luận, để sắp xếp lại những nẻo đường Thiền quán chập chùng, và làm sáng tỏ thêm một vài điểm còn nửa mở nửa tỏ…

Và nhất là muốn nhấn mạnh về mấy điểm sau đây:

về lối nhìn HỘI THÔNG giữa TÔNGGIÁO, giữa THIỂN và TỊNH.

Người Phật tử chúng ta ở thời mạt pháp này, vì thiếu thầy, nên cần hiểu rõ về lối nhìn hội thông này, mới có thể tránh khỏi những bệnh cố chấp hư ngụy… Vì thực ra, chẳng có gì gọi là hoàn toàn cách biệt giữa Tông (tức Tâm tông) và Giáo (tức Giáo tông), hoặc giữa Thiền và Tịnh… Vì Tông vẫn thường có thể bồi dưỡng cho tín căn của những người tu Giáo, và Giáo cũng luôn luôn soi sáng con đường tiến tu của hành giả tu Tông. Còn như Tịnh thì cũng vẫn là con đường nhiếp tâm Thiền quán, nhưng phù hợp với mọi căn cơ, và dễ đi vì nương vào Thần lực cùng Nguyện lực.

– Con đường Thiền quán vốn là con đường ĐI SÂU vào những tầng lớp tâm thức ngày càng vi-tế, nên con đường đó mênh mang bát ngát và mông lung mờ mịt. Có nhiều chặng đường không biết tiến làm sao, vượt ra sao, nếu không có thầy giỏi để hướng dẫn.

Về con đường này, các kinh luận thường chỉ dạy những lời ẨN MẠT và cô đọng, không giảng giải rõ rệt gì nhiều. Vì sao? Là vì chỉ cốt dạy cho kẻ hành giả thực tập Thiền quán, rồi Tự MÌNH CHỨNG NGHIỆM lấy, cũng như một người uống nước nóng lạnh tự biết… Hơn nữa, những kinh nghiệm hay cảnh giới Thiền thường là khó có thể dùng ngôn-từ thường nghiệm của thế gian mà giảng nói được… Ngoài ra, ở thời Chánh pháp, Phật còn tại thế, các vị Thánh chúng tại thế khá nhiều, chân sư cũng nhiều, căn cơ người tu học mãnh lợi, đôi khi chỉ cần nghe 1/2 câu hoặc một câu cũng đủ chứng ngộ và biết đường tiến tu. Nên lời kinh luận chỉ cần dạy ẩn mật cô đọng.

Tới thời Tượng-pháp, cách đây chừng một ngàn năm, tức là thời vàng son toàn thịnh của ngành Thiền Đốn ngộ Đông độ, thì các vị Tổ tuy đề xướng chiêu bài: Bất-lập-văn-tự, nhưng trên thực tế lại trước tác ngữ lục khá nhiều… Trong những ngữ-lục này, có những điểm các ngài nói rõ thêm ra, song cũng có những điểm mà các ngài lại dụng tâm làm khó hiểu thêm, làm mở mịt thêm lên… Vì sao vậy? Là vì một trong những phương tiện thiện xảo của các ngài là nhằm DỒN VỌNG THỨC của thiền-sinh đến chỗ CÙNG TUYỆT khiến tới một mức độ Nghi-tình nào đó, màn vọng thức bị phá vỡ và nổ tung, và lúc đó, thiền-sinh lọt được vào tàng thức… Ở thời đó, các ngài có thể làm như vậy được, vì các vị Tổ khá nhiều, chân sự cũng nhiều, và căn cơ kẻ tu học cỏn tương đối mãnh liệt…

Nhưng tới thời mạt pháp này, thì căn cơ của đa số thường đều là sút kém chậm lụt, thưởng chỉ là Đa- văn kiên cố hoặc Đấu-tranh kiên cố như lời Phật từng huyền ký. Môi trường tu học cũng kém thuận lợi, chân- sư lại hy hữu hiếm hoi vì các ngài thường ẩn, con đường Thiền quán lại mờ mịt, các trường phái Thiền ngoại đạo nẩy nở tung hoành ngang dọc… Nên những người thực tâm muốn đi theo con đường Thiền quán của nhà Phật cũng dễ bị lạc lõng ngẩn ngơ, không biết nói theo nẻo nào?

Nên thiển nghĩ cần giảng giải rõ rệt về con đường Thiền quán của nhà Phật… Nên tập sách nhỏ này là cố gắng muốn nương theo những lời kinh luận để nói rõ hơn về những chặng đường tâm linh của diễn trình Thiền quán.

– Thứ ba và là điều quan yếu nhất là: Toàn bộ con đường Thiền quán xiển minh bởi Chư Phật, sở dĩ siêu xuất hơn các môn Thiền ngoại đạo, chỉ là vì được đặt trong phạm vi chỉ đạo tối thượng của chân lý DUY TÂM SỞ HIỆN và giáo lý NHƯ HUYỄN… Vì đó là nguồn gốc, là dòng- suối-nguyên-sơ của Trí huệ Đại Bát nhã và Tâm Đại bi Bình đẳng, và là nguồn gốc của quán Không, quán Giả và Trung-đạo song chiếu…