Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

CHƯƠNG IX: BỐN TU (Tứ Tu)

Đoạn văn diễn bày: Hành giả niệm Phật cần ứng dụng pháp môn Bốn Tu.

Trong “Vãng Sanh Lễ Tán” Đại sư Thiện Đạo ghi rằng: “Lại nữa, khuyến khích tu tập pháp môn Bốn Tu”, Bốn Tu là gì?

Thứ nhất, “Cung kỉnh tu”: Nghĩa là, cung kỉnh lễ lạy đức Phật A Di Đà và hết thảy Thánh chúng của Ngài thì được gọi là Cung kỉnh tu. Lấy thời gian trọn đời làm giới hạn, trong thời gian ấy thệ nguyện không dừng nghỉ thì gọi là “Trường thời tu”.

– Thứ hai, “Vô dư tu”: Nghĩa là, thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thuần nhất tưởng nhớ, thuần nhất lễ lạy, thuần nhất tán thán Ngài và hết thảy Thánh chúng của Ngài, không xen tu bất cứ một pháp nào nữa thì gọi là Vô dư tu. Lấy thời gian trọn đời làm giới hạn, trong thời gian ấy thệ nguyện không dừng nghỉ thì gọi là “Trường thời tu”.

– Thứ ba, “Vô gián tu”: Nghĩa là, luôn luôn cung kỉnh, lễ lạy, xưng niệm danh hiệu, tán thán, tưởng nhớ, hồi hướng phát nguyện, tâm niệm này nối tiếp tâm niệm khác không để một pháp tu nào xen vào làm gián đoạn, thì gọi là Vô gián tu. Lại nữa, không để cho tâm niệm tham lam, sân hận, phiền não xen vào làm gián đoạn, vừa bị lầm lỗi, tức khắc sám hối đừng để cách niệm, cách giờ, cách ngày, mà phải luôn luôn giúp tâm niệm thanh tịnh cũng được gọi là Vô gián tu. Lấy thời gian trọn đời làm giới hạn, trong thời gian ấy thệ nguyện không dừng nghỉ thì gọi là “Trường thời tu”.

Trong “Tây Phương Yếu Quyết” ghi rằng: Chỉ cần tu tập Bốn Tu, thì sự tu này là Chánh nghiệp:

– Thứ nhất, “Trường thời tu”: Nghĩa là, từ khi phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Bồ Đề  luôn luôn xây dựng nhân duyên thanh tịnh, hoàn toàn không thối tâm.

– Thứ hai, “Cung kỉnh tu”: Có năm phương diện:

+ Một, cung kỉnh những bậc Thánh nhân có duyên với hành giả: Nghĩa là, khi đi-đứng-nằm-ngồi không được xoay lưng về phương Tây; khi khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện, cũng không được hướng về phương Tây.

+ Hai, cung kỉnh Hình tượng, Kinh điển có duyên với hành giả: Nghĩa là, khi tạo vẽ hình ảnh đức Phật A Di Đà biểu tượng cảnh phương Tây thì không nên quá rộng, chỉ cần một hình đức Phật và hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí là được; về Kinh điển thì gồm các Kinh căn bản như kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ v.v…; hãy tự mình đọc tụng và trợ duyên cho người khác đọc tụng. Các Kinh, Tượng ấy hãy tôn trí nơi trang nghiêm trong nhà, mỗi ngày sáu thời tụng Kinh, lễ lạy, sám hối, và dùng hương hoa cúng dường với tâm niệm tôn trọng.

+ Ba, Cung kỉnh các vị Thiện tri thức có duyên với hành giả: Nghĩa là, những vị xiển dương giáo nghĩa Tịnh Độ trong phạm vi cách xa mười do-tuần[note] Do-tuần: Còn gọi là Du-thiện na. Một do-tuần có 30 dặm.[/note] đến một ngàn do-tuần, thì cần phải thân cận, tôn trọng, cúng dường; những vị có sở học riêng (về Tịnh Độ) đều khởi tâm cung kỉnh, những vị có tư tưởng bất đồng vẫn phải cung kỉnh; nếu sanh tâm khinh chê thì mang tội vô cùng. Thế nên, tất cả Thiện tri thức cần được cung kỉnh thì sẽ đoạn trừ được những hành động gây nên phiền não.

+ Bốn, Cung kỉnh các Đạo bạn cùng duyên: Nghĩa là, những người cùng tu pháp môn Tịnh Độ, xét về tự thân, người nào cũng nghiệp chướng sâu dày, nếu tu tập một mình thì khó thành đạt, điều cốt yếu là cần phải nương nhờ Đạo bạn tốt mới có thể tu hành thành tựu; gặp khi ách nạn chướng duyên thì giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần Đạo bạn thiện duyên này rất sâu sắc cần được tôn trọng và bảo vệ.

+ Năm, Cung kỉnh Tam Bảo: Nghĩa là, dù Tam Bảo Đồng thể, Tam Bảo xuất thế, hay Tam Bảo trú trì thế gian đều phải cung kỉnh sâu sắc. Tại đây, chỉ trình bày khái lược về Tam Bảo trú trì thế gian:

– Được gọi “Phật Bảo”: Nghĩa là, những hình tượng chư Phật được khắc chạm bằng gỗ thơm, bằng đá quý, bằng ngọc quý, hoặc được đúc bằng đất, bằng kim loại, hay được thêu một màu, nhiều màu v…những hình tượng ấy đặc biệt phải được tôn trọng và duy trì. Nếu đem tâm chân thành chiêm ngưỡng những hình tượng ấy thì tội chướng được tiêu dần, phước đức sẽ tăng thêm. Trái lại, khởi tâm khinh mạn thì tội ác sẽ lớn mạnh, phước thiện sẽ biến mất; hành giả cần tôn trọng hình tượng chư Phật như đang được diện kiến với chư Phật chân thật.

– Được gọi “Pháp Bảo”: Nghĩa là, toàn bộ giáo nghĩa của Tam thừa được phổ biến khắp pháp giới, ý nghĩa từng câu từng phẩm đã được diễn bày minh bạch có thể tiếp nhận dễ dàng; do thế, cần tôn trọng cung kỉnh để tạo duyên phát sinh trí tuệ. Nếu thường sao chép Kinh điển thì trú xứ ấy luôn được thanh tịnh an lạc. Nếu lưu giữ Kinh điển trong rương, trong tủ thì phải nghiêm trang kỉnh trọng, trước khi tụng đọc, thì thân thể phải tắm rửa sạch sẽ.

– Được gọi “Tăng Bảo”: Nghĩa là, hết thảy chư vị Thánh Tăng, Bồ Tát Tăng, cho đến hàng phàm phu Tăng phóng túng, phá Giới, phạm Trai v.v… đều khởi tâm cung kỉnh không nên có tư tưởng khinh khi.

– Thứ ba, “Vô gián tu”: Nghĩa là, luôn luôn niệm Phật và nghĩ đến việc vãng sanh, bất cứ lúc nào cũng khéo léo tưởng niệm. Thí dụ, như một lữ khách bị kẻ cướp chiếm đoạt hết tài sản nên rơi vào hoàn cảnh khốn khổ đắng cay; bỗng nhiên, nhớ đến cha mẹ muốn trở về cố hương nhưng tiền bạc không có, ngày đêm nhớ nghĩ lòng dạ quặn thắt, không lúc nào không nghĩ đến mẹ cha. Do vậy, ngày đêm tính toán sớm có điều kiện hồi hương sum họp với cha mẹ đđược trọn đầy hạnh phúc. Hành giả cũng tương tợ như thế, những mầm mống phiền não xưa nay đã não loạn phá hoại thân tâm làm nguồn phước đức trí tuệ trân quý đều bị tiêu mất; vì thế, mãi bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi không chút tự do, thường làm nô lệ cho Ma Vương, rong ruổi qua lại trong sáu loài, thân tâm chịu đủ khổ đau thống thiết. Giờ đây, may mắn gặp được thiện duyên nghe về đức Từ phụ A Di Đà,là vị không bao giờ quên Đại nguyện cứu độ quần sanh, nên ngày đêm nôn nóng phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Do vậy, tinh cần không biết mỏi mệt, thường nhớ nghĩ đến ân đức của đức Phật, muốn báo đền cũng không bao giờ trọn vẹn nên đêm ngày tính toán nghĩ suy.

– Thứ tư, “Vô dư tu”: Nghĩa là thuần nhất niệm danh hiệu và lễ lạy đức Phật A Di Đà để nguyện cầu được vãng sanh thế giới Cực Lạc, chứ không khởi lên tạp niệm tu tập các pháp khác; tức là, các thời khóa hằng ngày chỉ niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và tụng các Kinh của Tịnh Độ, chứ không xen kẻ niệm danh hiệu các đức Phật khác và tụng các Kinh khác.

Nói thêm rằng: Đoạn văn vừa trình bày Bốn Tu ở trên, vì sợ dài dòng nên không giải thích nhiều; tuy nhiên, có một điểm cần nói ở đây; đó là, dù đề cập đến Bốn Tu nhưng thực tế chỉ có Ba Tu mà thôi. Vì sao bảo như thế?- Bởi lẽ, trong Bốn Tu là Trường thời tu, Cung kỉnh tu, Vô dư tu và Vô gián tu, thì Trường thời tu vốn nằm trong nội dung của Ba Tu kia, nghĩa là, xét về “Cung kỉnh”, nếu tu tập mà yếu kém tâm niệm cung kỉnh thì sự tu tập sẽ không thành tựu; xét về “Vô-dư”, nếu tu tập mà yếu kém tinh thần thuần nhất thì sự tu tập sẽ không thành tựu; xét về “Vô gián” nếu tu tập mà yếu kém tính liên tục thì sự tu tập sẽ không thành tựu. Qua đó, để thành tựu sự tu tập Ba Tu này, đòi hỏi phải Trường thời tu, nên Trường thời tu hẵn nhiên nằm trong nội dung của Ba Tu ấy, do đây có thể gọi Trường thời tu là “Thông tu”. Cũng chính thế, câu kết mỗi đoạn văn trình bày về Ba Tu ấy mới ghi rằng: “Lấy thời gian trọn đời làm giới hạn, trong thời gian ấy thệ nguyện không dừng ngh thì gọi là Trường thời tu”.