Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

CHƯƠNG VII: THÂU NHIẾP

Đoạn văn diễn bày: Hào quang đức Phật A Di Đà không soi chiếu các hành giả khác, mà chỉ duy nhất soi chiếu thâu nhiếp những hành giả niệm Phật.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ” ghi rằng: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng tốt, trong mỗi tướng tốt lại có tám vạn bốn ngàn vẻ đẹp, trong mỗi vẻ đẹp lại có tám vạn bốn ngàn thứ hào quang, mỗi hào quang này chiếu khắp tất cả các thế giới trong mười phương để thâu nhiếp không bỏ sót những hành giả niệm Phật”.

Trong “Quán Kinh Sớ” ghi rằng: “Từ: “Đức Phật Vô Lượng Thọ” đến cuối câu: “Thâu nhiếp không bỏ sót những hành giả niệm Phật”, ý câu này muốn nói rằng, những người có duyên Niệm Phật sẽ được thấy thân tướng và hào quang riêng biệt của Ngài để được lợi lạc. Vấn đề này có năm điểm: Thứ nhất, thấy tướng tốt nhiều hay ít; thứ hai, thấy vẻ đẹp nhiều hay ít; thứ ba, thấy hào quang nhiều hay ít; thứ tư, thấy hào quang gần hay xa; thứ năm, thấy hào quang soi chiếu khắp nơi đem lợi lạc riêng cho người niệm Phật”.

Hỏi: Tu tập các hạnh khác một cách đầy đủ rồi hồi hướng cầu vãng sanh, thì đều được vãng sanh; vậy, tại sao hào quang của đức Phật không soi chiếu khắp tất cả những người tu các pháp khác, mà chỉ thâu nhiếp riêng những người niệm Phật, là có ý nghĩa gì?

Đáp: Vấn đề này có ba ý:

– Thứ nhất, do “Thân duyên”: Nghĩa là, hành giả tu tập, miệng thường xưng niệm danh hiệu đức Phật, thì đức Phật nghe rõ tiếng niệm Phật ấy; thân thường cung kỉnh lễ lạy đức Phật thì đức Phật thấy rõ sự lễ lạy ấy; ý thường nhớ nghĩ đến đức Phật, thì đức Phật biết rõ sự việc ấy; tóm lại, hành giả luôn tưởng nhớ đức Phật thì đức Phật cũng luôn tưởng nhớ hành giả. Với ba nghiệp thân-khẩu-ý không bao giờ rời xa đức Phật như thế, nên gọi là “Thân Duyên”.

– Thứ hai, do “Cận duyên”: Nghĩa là, hành giả ước nguyện được thấy đức Phật thì đức Phật liền đáp ứng hiện ra trước mắt, nên gọi là “Cận duyên”.

– Thứ ba, do “Tăng thượng duyên”: Nghĩa là, hành giả xưng niệm danh hiệu đức Phật là trừ diệt được tội chướng của nhiều kiếp; đến khi lâm chung đức Phật và Thánh chúng tự đến đón tiếp; các tà đạo và sự trói buộc của nghiệp không thể ngăn cản được, nên gọi là “Tăng thượng duyên”.

Xét rằng, tu tập Các Hạnh khác, thực chất đều là thiện hạnh, nhưng so với pháp Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh được. Vì vậy, trong nội dung các Kinh đều tán thán rộng sâu về công năng niệm Phật. Như Bốn mươi tám Đại nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, vẫn xiển dương duy nhất sự tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để được vãng sanh. Hoặc, như trong kinh Di Đà, cũng xiển dương sự niệm Phật tinh chuyên ấy từ một ngày đến bảy ngày để được vãng sanh. Hay, vô số chư Phật khắp các thế giới mười phương đều chứng minh “Pháp Niệm Phật Vãng Sanh” là chân thật không hư dối. Thêm nữa, trong nội dung trình bày về Định thiện, Tán thiện của kinh Quán Vô Lượng Thọ, cũng duy nhất nêu lên sự tinh chuyên xưng niệm danh hiệu để được vãng sanh, điều này không phải chỉ được trình bày một lần, với ý thú là: Nhằm hiển bày rộng rãi sự rốt ráo “Pháp Niệm Phật Tam Muội”.

Trong “Quán Niệm Pháp Môn” ghi: “Lại như các thân tướng và hào quang của đức Phật nói ở trước, mỗi hào quang này chiếu khắp các thế giới trong mười phương, chỉ có những hành giả tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, mới được hào quang của Ngài soi chiếu nhiếp hộ không bỏ sót, chứ hoàn toàn không hề đề cập đến việc soi chiếu thâu nhiếp những hành giả tu tập các pháp khác.

Hỏi thêm rằng: Hào quang đức Phật “Chỉ soi chiếu những hành giả niệm Phật” mà “Không soi chiếu những hành giả tu các pháp khác” là có ý nghĩa gì?

Đáp: Vấn đề này có hai ý: Thứ nhất, do ba duyên là “Thân duyên”… đã nói ở trên; thứ hai, do Bổn nguyện – nghĩa là, tu các pháp khác không phải Bổn nguyện của đức Phật nên không được soi chiếu thâu nhiếp, mà tu pháp Niệm Phật chính là Bổn nguyện của đức Phật, nên hẳn nhiên được soi chiếu thâu nhiếp. Chính thế, Đại sư Thiện Đạo đã ghi trong “Lục Thời Lễ Tán” rằng:

“Sắc thân Di Đà tợ vàng ròng,
Hào quang tướng hảo chiếu mười phương,
Riêng người niệm Phật được soi chiếu,
Nên biết Bổn nguyện rất hùng cường”.

Hơn nữa, đoạn văn đã trích dẫn trên rằng: “Tu tập Các Hạnh khác thực chất đều là thiện hạnh, nhưng so sánh với pháp Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh được”, đây là ý nghĩa so sánh giữa Tịnh Độ môn và Thánh Đạo môn (Các Hạnh khác). Pháp Niệm Phật là “Diệu hạnh” đã được chọn lấy trong tất cả pháp tu của Hai trăm mười ức thế giới chư Phật; bên cạnh, Các Pháp tu khác là “Thô hạnh” của Hai trăm mười ức thế giới chư Phật đã được buông bỏ; bởi thế, mới gọi là “hoàn toàn không thể so sánh được”; hơn nữa, Niệm Phật là Bổn nguyện của đức Phật, còn Các Pháp tu khác không phải Bổn nguyện của Ngài, cũng bởi thế mới gọi là “hoàn toàn không thể so sánh được”.