KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Phụng dịch theo bản đời Đường của Ngài Thiệt Xoa Nan Đà
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải

 

CHƯƠNG VI: SÁT NA PHẨM 

Bấy giờ Đại huệ Bồ tát đại hữu tình lại bạch Phật:

Bạch Thế tôn! Xin vì con nói tướng sinh diệt của uẩn, giới, xứ. Nếu không có ngã thì ai sinh, sai diệt? Vì các phàm phu bám nơi sinh diệt, không cầu hết khổ, không chứng Niết bàn.

Phật dạy:

Đại huệ! Hãy nghe kỹ. Ta sẽ nói cho ông. Này Đại huệ! Trong Như lai tạng có nhân thiện lẫn bất thiện, có thể tạo ra đời sống ở tất cả các cõi, như người đóng tuồng biến hiện các cõi, lìa ngã ngã sở, vì không biết thế nên ba duyên (cha, mẹ, và nghiệp) hòa hợp mà có quả sinh. Ngoại đạo không hiểu, chấp là có tác giả. Những gì do tập khí hư ngụy từ vô thỉ tích tụ lại gọi là tạng thức, sinh ra thất thức là chỗ ở của vô minh, như biển lớn bỗng nổi ba đào mà thể tướng của nó (nước) vẫn liên tục thường trú, không gián đoạn. Tạng thức cũng thế, bản tính thanh tịnh lìa lỗi vô thường, lìa lý luận về ngã, còn bảy thất kia: ý, ý thức v.v.. thì niệm niệm sinh diệt; lấy vọng tưởng làm nhân, cảnh tướng làm duyên hòa hiệp mà sinh, không hiểu sắc v.v.. do tự tâm hiện, chấp trước danh tướng sinh khởi những lạc thọ khổ thọ. Danh tướng ràng buộc đã do tham mà sinh ra, lại sinh khởi tham hoặc làm nhân, hoặc làm duyên. Khi các thủ căn (sự chấp trước) diệt không còn tương tục sinh những phân biệt khổ lạc, thì hành giả hoặc được diệt định hoặc được tứ thiền, hoặc khéo thâm nhập các chân lý giải thoát, bèn vọng sinh tưởng mình đã giải thoát; mà kỳ thật chưa xả chưa chuyển được cái gọi là tạng thức ở trong Như lai tạng. Nếu không có tạng thức thì 7 thức kia đều diệt. Vì sao? Vì tạng thức là nhân và duyên sinh ra các thức kia. Nhưng đây không phải là cảnh giới mà hàng tu hành theo ngoại đạo nhị thừa biết được; vì họ chỉ biết tính “nhân vô ngã” chỉ giữ tự tướng cọng tướng của uẩn giới xứ. Nếu thấy được 5 pháp, 3 tự tính của Như lai tạng, các pháp đều vô ngã, tùy thứ lớp các địa lần lần chuyển đổi tạng thức đến chỗ tịch diệt, thì sẽ không bị ác kiến ngoại đạo lay chuyển, an trú “bất động địa”, được 10 thứ pháp lạc tam muội. Nhờ năng lực tam muội của chư Phật gia trì, hành giả quán sát các pháp bất tư nghì của Phật và nguyện lực xưa kia của mình, không trú nơi thật tế (biên giới của thực tại) và pháp lạc tam muội, được trí tự chứng, không giống như nhị thừa ngoại đạo; được 10 con đường dẫn đến giòng thánh, được thân ý sinh, lìa các hành nghiệp. Bởi thế, này Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình muốn được thắng pháp, phải nên thanh tịnh Như lai tạng gọi là tạng thức. Đại huệ! Nếu không có Như lai tạng tên là tạng thức đó thì tất không có sinh diệt. Cho nên người tu hành tuy thấy pháp lạc của sự an trú trong cảnh nội giới mà vẫn không xả bỏ, dõng mãnh tinh tấn. Đại huệ! Tạng thức Như lai tạng ấy bản tính thanh tịnh, chỉ vì bị khách trần nhiễm ô mà thành bất tịnh. Hết thảy nhị thừa ngoại đạo ức đoán mà khởi kiến chấp không thể biện chứng được. Như lai thì thấy rõ ràng phân minh ở nơi đó, như thấy trái am ma lật ở trong lòng tay (àmalaka). Đại huệ! Ta vì Thắng man Phu nhân (Srìmàlàdevì) cùng các Bồ tát Thâm diệu tịnh trí (sksmanipunavisudhabudhi-bodhisattva) mà nói Như lai tạng tên Tạng thức cùng 7 thức đồng khởi, khiến hàng Thanh văn thấy rõ pháp vô ngã. Này Đại huệ! Cảnh giới nói cho Thắng man phu nhân nghe là cảnh giới thật, không phải cảnh của nhị thừa ngoại đạo. Đại huệ! Tạng thức Như lai tạng này là cảnh giới Phật, cũng là chỗ đi của những tịnh trí Bồ tát như ông, những người hiểu biết theo nghĩa lý. Đây không phải là chỗ hiểu của hết thảy ngoại đạo nhị thừa chấp trước văn tự. Cho nên ông cùng các Bồ tát đại hữu tình ở nơi thức tạng của Như lai tạng nên siêng năng quán sát, chớ có mới nghe qua bèn tưởng là đủ rồi.

Bấy giờ Thế tôn lại nói bài tụng:

Như lai tạng sâu xa
Gắn liền với bảy thức
Hai thứ chấp trước sinh
Hiểu rõ liền xa lìa
Do vô thỉ huân tập
Như bóng hiện trong tâm
Nếu quán sát như thật
Thì tướng cảnh không có
Kẻ ngu nhìn ngón chỉ
Thấy ngón không thấy trăng
Kẻ chấp trước văn tự
Không thấy lý của ta
Tâm như người đạo diễn
Mạt na kẻ làm hề
Sáu thức kia bầu bạn
Tạo tấn tuồng thế gian.

Khi ấy Đại huệ Bồ tát bạch Phật:

Bạch Thế tôn! Xin vì con nói các sai biệt của 5 pháp, 3 tự tính, 8 thức cùng 2 vô ngã. Con cùng các Bồ tát đại hữu tình biết rõ điều ấy rồi, dần tu các địa, đầy đủ các pháp Phật, đạt được quả vị tự chứng của Như lai.

Phật dạy:

Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói. Này Đại huệ! 5 pháp, 3 tự tính, 8 thức, 2 vô ngã ấy nghĩa là: danh (màna), tướng (mimitta), phân biệt (vikalpa), chính trí (sanyagjnàna), như như (tathatà). Nếu người tu hành quán sát pháp này, thì được vào cảnh giới tự chứng của Như lai, xa lìa các kiến chấp thường đoạn, hữu vô v.v.., được pháp lạc tam muội sâu xa. Đại huệ! Kẻ phàm ngu không hiểu 5 pháp, 3 tự tính, 8 thức, 2 vô ngã, nơi cảnh do tâm hiện thấy có ngoại vật mà khởi phân biệt. Thánh nhân không thế.

Đại huệ bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Vì sao không hiểu mà khởi phân biệt?

Phật dạy:

Đại huệ! Kẻ phàm ngu không biết danh chỉ là cái giả lập, tâm theo đó lưu động thấy các tướng, chấp ngã, ngã sở, nhiễm trước đối với sắc, che lấp chướng ngại thánh trí, khởi lên tham sân si, tạo tác ác nghiệp như tầm kéo kén, vọng tưởng tự trói buộc mình, đọa vào các nẻo của biển lớn sinh tử, như bánh xe đạp nước tuần hoàn không dứt, không biết pháp như huyễn như ảo tượng như trăng trong nước, chỉ do tự tâm hiện, do vọng phân biệt khởi, lìa năng thủ sở thủ cùng sinh, trú, diệt. (Nhưng kẻ phàm ngu lại) cho rằng do tự tại, thời tiết, vi trần, thắng tính mà sinh, vì họ chạy theo danh, tướng. Đại huệ! Trong đây “tướng” có nghĩa là cái do nhãn thức thấy gọi là sắc, do nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức mà có gọi là thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tất cả đó ta gọi là tướng; nghĩa là phân biệt đây là voi, ngựa xe, bộ hành, nam nữ v.v.. chứ không gì khác; làm rõ cái tướng của chúng. Ấy gọi là phân biệt. “Chính trí” là quán sát thấy rõ tính và tướng chỉ do hỗ tương đối đãi mà có, không thật, chỉ là khách, nên thức tâm không khởi vì không đoạn không thường, không theo chỗ của ngoại đạo nhị thừa. Thế gọi là chính trí. Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình dùng chính trí ấy quán sát danh tướng không hữu không vô, xa lìa hai ác kiến biên chấp là thêm và bớt. Danh tướng và thức xưa nay không khởi, ta nói pháp ấy là “như như”. Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình an trú nơi như như được “vô chiếu hiện cảnh” (state of imagelessness), lên “hoan hỉ địa” (pramudità) lìa các cõi của ngoại đạo, vào nơi pháp thuần thục của xuất thế pháp, biết hết thảy các pháp đều như huyễn, chứng pháp của Thánh trí tự chứng, lìa kiến chấp ức đoán, như thế lần lượt đến “pháp vân địa”, khi đến pháp vân rồi sẽ được đầy đủ các lực tam muội, tự tại, thần thông đầy đủ Như lai. Khi thành Như lai rồi, sẽ vì chúng sinh mà hiện thân khắp nơi như trăng trong nước, tùy theo ưa muốn của chúng mà nói pháp, thân được thanh tịnh lìa tâm, ý, thức, mang áo giáp mười thệ nguyện rộng lớn, đầy đủ thành tựu mười nguyện vô tận, ấy gọi là những điều Bồ tát đại hữu tình thâu hoạch được khi nhập “như như”.

Bấy giờ Đại huệ lại bạch Phật:

Bạch Thế tôn, ba tự tính là ở trong năm pháp, hay là có tướng riêng của chúng?

Phật nói:

Đại huệ! Ba tính, tám thức, hai vô ngã đều ở trong năm pháp. Trong số đó, danh và tướng là tính vọng kế (parikalpita; false imagination), vì vọng kế y nơi phân biệt tâm, tâm sở của danh tướng mà khởi lên đồng thời với danh tướng, như mặt trời và ánh sáng chiếu ra là tính duyên khởi. Chính trí và như như không thể hoại, nên gọi là tính viên thành (parinishpanna). Đại huệ! Khi phát sinh chấp trước đối với những pháp do tự tâm hiện, thì tám thức phân biệt khởi. Tướng sai biệt của các pháp đều không thực, chỉ là tính vọng kế (tưởng tượng). Nếu bỏ được hai thứ ngã chấp, thì trí nhị vô ngã (nhân vô ngã và pháp vô ngã) liền sinh. Đại huệ! Tất cả thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Như lai, các cấp bực của thánh trí tự chứng, cùng tất cả phật pháp đều bao gồm trong năm pháp này. Lại nữa, này Đại huệ! Trong năm pháp- tướng, danh, phân biệt, như như, chính trí- thì tướng nghĩa là những gì thấy được, như màu sắc, hình trạng v.v.. mỗi mỗi sai khác. Do các tướng ấy mà lập nên những tên gọi như cái bình là bình, không gì khác, gọi là danh. Bày ra các tên gọi, chỉ rõ các tướng tâm và tâm sở, ấy gọi là phân biệt. Tên gọi và tướng rốt ráo đều không, chỉ do vọng tâm phân biệt, quán sát như thế cho đến khi “cái biết” diệt, ấy gọi là như như. Đại huệ! Tướng (characthistics) của như như là chân thật, quyết định, rốt ráo, căn bản, tự tính, khả đắc. Ấy là tướng như như. Ta cùng các Phật tùy thuận (theo chúng sinh mà có) chứng nhập, như thật tướng của nó mà khai thị diễn nói. Nếu ai theo đó giải ngộ được, lìa chấp đoạn, thường, không sinh phân biệt, nhập cảnh giới tự chứng, ra khỏi cảnh giới của ngoại đạo nhị thừa, ấy gọi là chính trí. Đại huệ! Năm pháp, ba tính, tám thức, hai vô ngã này, tất cả Phật pháp đều bao gồm trong ấy. Đại huệ! Trong những pháp này ông nên lấy trí mà khéo thông, và khuyên người khác thông đạt. Thông đạt rồi thì nhất định không bị kẻ khác lay chuyển.

Bấy giờ Thế tôn nói bài tụng:

Năm pháp ba tự tính
Cùng với tám thứ thức
Và hai thứ vô ngã
Bao quát hết đại thừa
Danh, tướng cùng phân biệt
Gồm trong hai tự tính
Chính trí và như như
Ấy là tướng viên thành.

Đại huệ Bồ tát đại hữu tình lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế tôn! Như trong kinh nói, chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại số nhiều như cát sông Hằng. Ấy nghĩa là gì? Nên như lời mà hiểu, hay có ý nghĩa gì khác?

Phật dạy Đại huệ:

Không nên hiểu theo ngôn từ. Đại huệ! Chư Phật ba đời không phải số như cát sông Hằng. Vì sao? Sự tối thắng của Như lai siêu việt thế gian, không gì có thể sánh, không thí dụ gì có thể đạt tới, chỉ lấy ít phần làm thí dụ mà thôi. Ta vì hàng phàm phu ngoại đạo tâm ưa chấp trước thường, vô thường, ác kiến tăng trưởng sinh tử luân hồi, muốn chúng chán ghét xa lìa, phát sinh hy vọng thù thắng mà nói rằng: Phật dễ thành dễ gặp. Nếu nói Phật khó gặp như hoa Ưu đàm (udumbarapuspa) thì những kẻ kia liền thối chí không siêng năng. Bởi lẽ đó mà ta nói phật ba đời nhiều như cát sông Hằng. Ta cũng có lần vì những người thọ sự giáo hóa của ta mà nói Phật khó gặp như hoa Ưu đàm. Đại huệ! Chưa ai từng thấy hoa Ưu đàm cũng không ai sẽ thấy, nhưng Như lai thì có người đã thấy và sẽ thấy. Đại huệ! Thí dụ như thế không nói lên được chính chân lý, chân lý là cảnh giới của thánh trí chứng được tự trong tâm mình, thế gian không sánh được, vượt ngoài các thí dụ, hết thảy phàm ngu không tin nhận nỗi. Đại huệ! Như lai chân thật vượt qua các tướng do tâm, ý, ý thức quan niệm, không thể lập thí dụ về Như lai. Tuy nhiên đôi lúc cũng vì chúng mà nói rằng Như lai nhiều như cát sông Hằng cũng không mâu thuẫn. Đại huệ! Thí như cát sông Hằng bị cá, voi, ngựa dẫm đạp mà không sinh phân biệt, thường thanh tịnh không dơ, Thánh trí của Như lai cũng như cát sông Hằng, năng lực thần thông tự tại của Như lai cũng như cát ấy, dù bị bọn cá ngoại đạo đến nhiễu loạn Phật vẫn không khởi niệm phân biệt. Vì sao? Vì bản nguyện (pùrvapranihitatva) của Như lai là lấy tam muội lạc để an khắp chúng sinh, như cát sông Hằng không ghét yêu không phân biệt. Đại huệ! Như cát sông Hằng, có đặc tính của đất, đến thời kiếp tận, tất cả đất đai đều bị thiêu hủy nhưng địa đại không bỏ tự tính, vì địa đại thường sinh đồng thời với hỏa đại. Những người ngu nói địa đại bị thiêu hủy nhưng kỳ thật không thiêu, vì hỏa là nhân của địa. Pháp thân của Như lai cũng thế, như cát sông Hằng, không bao giờ hoại diệt. Đại huệ, cũng như cát sông Hằng không có hạn lượng, ánh sáng của Như lai cũng vậy, vì muốn thành tựu vô lượng chúng sinh, nên chiếu khắp đại hội Phật. Đại huệ! Thí như cát sông Hằng ở luôn trong tự tính “cát” không biến thành các vật khác, Như lai cũng vậy, ở trong thế gian không sinh không diệt, vì cái nhân để thọ sinh đi các cõi đều bị doạn diệt. Đại huệ! như cát sông Hằng lấy đi không thấy bớt bỏ vào không thấy thêm, chư Phật cũng thế, trí phương tiện khiến chúng sinh thành thục không tăng không giảm. Vì sao? Vì pháp thân của Như lai vốn không thân. Đại huệ! Cái gì có thân thì có hoại diệt. Pháp thân không thân nên không hoại diệt. Đại huệ! Như cát sông Hằng, dù có khổ công ép để lấy dầu suốt đời cũng không được, Như lai cũng thế, tuy vì chúng sinh mà phải chịu các khổ bức bách, vẫn không bao giờ khởi sân nhuế, không bỏ tướng pháp giới, không bỏ hương vị của pháp, không bỏ bổn nguyện ban bố hạnh phúc cho chúng sinh, vì Phật có đầy đủ đại từ, đại bi. Nếu ta không khiến cho tất cả chúng sinh vào Niết bàn thì tự ta cũng không vào Niết bàn. Đại huệ! như cát sông Hằng chảy theo nước, không phải nơi không có nước, Như lai cũng vậy, các pháp Như lai nói ra không có gì là không thuận theo giòng Niết bàn, vì thế mà nói chư Phật Như lai như cát sông Hằng.

Đại huệ! “Như lai” nói pháp không theo các đường; “đường” có nghĩa là hoại diệt, biên giới sơ khởi (pùrvakoti: bản tế) của sinh tử không thể biết. Đã không biết được thì làm sao nói “đường”. Này Đại huệ! “thú” có nghĩa là đoạn diệt, kẻ phàm ngu không biết.

Đại huệ Bồ tát lại bạch Phật:

Nếu biên giới sơ khai (bản tế) của sinh tử không thể biết được, thì làm sao chúng sinh ở trong sinh tử giải thoát được?

Phật dạy:

Đại huệ! Khi nhân của tập khí hư dối từ vô thỉ bị hoại diệt, biết rõ cảnh ngoài chỉ do tâm hiện, khi phân biệt được chuyển y, đấy gọi là giải thoát, chứ không phải là diệt. Cho nên không thể nói không có biên tế (endlessness). Đại huệ! “Không biên tế” chỉ một tên khác của phân biệt. Đại huệ! lìa tâm phân biệt, thì không có chúng sinh. Khi lấy trí quán sát các pháp trong ngoài, thì thấy tri cùng sở tri đều vắng lặng. Đại huệ! Hết thảy pháp đều do tự tâm phân biệt thấy, vì không hiểu rõ nên tâm phân biệt khởi, khi hiểu rõ thì tâm phân biệt diệt.

Bấy giờ Thế tôn lại nói bài tụng:

Quán sát các Đạo sư
Ví như cát sông Hằng
Không hoại cũng không đi
Người ấy tất thấy Phật
Ví như cát sông Hằng
Lìa tất cả các lỗi
Mà thường tùy theo giòng
Phật thể cũng như vậy.

Bấy giờ Đại huệ Bồ tát đại hữu tình lại bạch Phật rằng:

Bạch Thế tôn! Xin giảng nói cho con tướng sát na hoại của hết thảy pháp. Những pháp nào gọi là có sát na?

Phật đáp:

Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói. Đại huệ! Hết thảy pháp ấy là : thiện pháp (kusala), bất thiện pháp (akusala), hữu vi pháp (samsktra), vô vi pháp (asamsktra), thế gian pháp, xuất thế gian pháp, hữu lậu pháp, vô lậu pháp (anàsrava), hữu thọ pháp (upàtta), vô thọ pháp (anupàtta). Đại huệ! Nói tóm lại, năm thủ uẩn do nhân là tập khí của tâm, ý, ý thức mà tăng trưởng, kẻ phàm ngu ở nơi đây phân biệt là thiện, bất thiện. Bậc thánh hiện chứng pháp lạc tam muội gọi là thiện vô lậu pháp. Lại nữa, này Đại huệ! Thiện và bất thiện ấy là tám thức. Tám thức ấy là gì? Ấy là Như lai tạng gọi là Tạng thức, mạt na thức, ý thức và năm thức căn. Đại huệ! Năm thức cùng đi với ý thức, những tướng sai biệt thiện bất thiện xoay chuyển nối tiếp nhau không dứt, vô dị thể (alaya) sinh ra, sinh rồi liền diệt, vì không hiểu cảnh do tự tâm hiện nên khi diệt lại có một hệ thống 5 thức khác sinh khởi tiếp theo; ý thức hợp với năm thức ấy mà thu vào các hình tướng sai biệt, không giây nào dừng nghỉ, ta nói đấy là pháp sát na. Đại huệ! Như lai tạng gọi là tạng thức cùng đi với các tập khí của Mạt na và các thức kia, ấy là sát na pháp. Nhưng vô lậu tập khí không phải là sát na pháp. Đây không phải là điều những người theo sát na luận phàm phu có thể hiểu được. Những kẻ kia không biết vừa là sát na vừa không là sát na, nên chấp các pháp vô vi (unmade – asamsktra) cũng hoại diệt như những pháp khác, đọa vào đoạn kiến. Đại huệ! chính năm thức tự chúng không bị lưu chuyển, không phải là nhân khổ lạc, cũng không là nhân Niết bàn. Như lai tạng thì cùng với nhân (tạo nghiệp) mà thọ khổ, vui có sinh diệt, bị bốn tập khí làm mê hoặc ngăn che. Nhưng kẻ phàm ngu bị phân biệt xông đầy tâm thức không hiểu được nên sinh kiến chấp là sát na khởi. Đại huệ! Như vàng, kim cương, xá lợi của Phật, có tính chất đặc biệt không thể tổn hoại. Nếu các pháp chứng đắc có tính sát na diệt, thì thánh nhân lẽ ra không còn là thánh nhân. Nhưng sự thật là bậc thánh không bao giờ mất thánh cách. Như vàng, kim cương, dù trải qua hết kiếp vẫn không giảm cân lượng. Vì sao kẻ phàm ngu không nhận rõ chỗ thâm mật của lời ta nói, lại sinh tưởng sát na đối với tất cả pháp?

Đại huệ Bồ tát bạch phật rằng:

Bạch Thế tôn! Thế tôn thường dạy nếu đầy đủ sáu pháp ba la mật, sẽ thành chính giác. Sao gọi là sáu pháp? Sao gọi là đầy đủ?

Phật dạy:

Đại huệ! Có ba thứ ba la mật khác nhau, ấy là thế gian, xuất thế gian, và xuất thế gian thượng thượng. Đại huệ! Thế gian ba la mật là phàm phu chấp ngã, ngã sở, chấp thủ nhị biên, cầu được thân ở các cõi, tham sắc thanh hương vị xúc, nên tu các hạnh ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, thành tựu được thần thông, sinh vào cõi Phạm thế. Đại huệ! Xuất thế gian ba la mật là Thanh văn Duyên giác chấp trước Niết bàn, mong cầu hỷ lạc cho tự thân mà tu các ba la mật. Đại huệ! Xuất thế gian thượng thượng ba la mật là, Bồ tát đại hữu tình đối với hai pháp của tự tâm, biết rõ chỉ do phân biệt khởi, nên không sinh vọng tưởng, chấp trước, không ôm giữ sắc tướng. Vì muốn lợi lạc chúng sinh, Bồ tát thường tu bố thí Ba la mật. Đối với các cảnh giới không sinh phân biệt, ấy là tu thi la (sìla), ba la mật. Thực hành nhẫn nhục không lúc nào khởi phân biệt, biết rõ tự tính năng thủ sở thủ, gọi là sằn đề ba la mật. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm, siêng tu không biếng nhác, tùy thuận chân lý mà hiểu, không sinh phân biệt, ấy gọi là tỳ lê da ba la mật (tinh tấn). Không sinh phân biệt, không khởi kiến chấp Niết bàn theo ngoại đạo, là thiền ba la mật. Dùng trí quán sát mọi pháp, tâm không khởi phân biệt, không sa vào nhị biên, chuyển các thức sở y thành thanh tịnh (a revulsion takes place at the basis) mà không hoại nghiệp trước (while previous karma is not destroyed), được cảnh giới nội chứng của thánh trí, gọi là bát nhã ba la mật. Khi ấy Thế tôn lại nói bài tụng:

Ngu phân biệt hữu vi
Không, vô thường, sát na
Nghĩa sát na phân biệt
Như sông, đèn, hạt giống
Hết thảy pháp không sinh
Tịch tịnh không sở tác
Các tự tính đều lìa
Ấy gọi là sát na
Sinh không dừng liền diệt
Không nói cho phàm ngu
Pháp vô gián tương tục
Phân biệt các cõi khởi
Vô minh chính là nhân
Tâm thức do đó sinh
Khi sắc còn chưa đến
Trung gian trú ở đâu
Vô gián tương tục diệt
Mà có tâm khác khởi
Khi (tâm) không trú sắc
Duyên vào đâu mà sinh
Nếu duyên pháp mà khởi
Nhân ấy tất hư vọng
Nhân vọng, thể không thành
Sao lại sát na diệt?
Chính thọ của bậc tu
Kim cương, Xá lợi Phật
Cùng với Quan âm cung (abhàsvara)
Là những thứ bất hoại
Trí Như lai viên mãn
Chỗ tỳ kheo chứng đắc
Các pháp tính thường trú
Sao lại thấy sát na?
Càn thành, các tướng huyễn
Vì sao không sát na?
Đại chủng không thật tính
Sao lại nói năng tạo?