Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG VI: ĐẶC CÁCH LƯU LẠI
Đoạn văn diễn bày: Sau thời Mạt pháp một vạn năm, hết thảy các pháp tu khác đều tận diệt, chỉ pháp Niệm Phật được đặc cách lưu lại.
Quyển Hạ, “kinh Vô Lượng Thọ” ghi rằng:
“Vào thời vị lai,
Hết thảy Kinh pháp,
Đều bị tận diệt,
Với lòng từ bi,
Thương xót chúng sanh,
Ta sẽ đặc cách,
Lưu lại Kinh này,
Trong một trăm năm.
Nếu chúng sanh nào,
Gặp được Kinh này,
Tuỳ theo ước nguyện,
Đều được vãng sanh”.
Hỏi thêm rằng: Trong Kinh chỉ nói: “Đặc cách lưu lại Kinh này” trong một trăm năm, chứ hoàn toàn không nói: “Đặc cách lưu lại pháp Niệm Phật” trong một trăm năm; vậy, tại sao nơi đây lại nói: “Đặc cách lưu lại pháp Niệm Phật”?
Đáp: Kinh này đã trình bày rõ ràng toàn bộ về pháp Niệm Phật, ý chỉ này đã đề cập ở trước, tại đây không cần lặp lại; đồng thời, các Đại sư như Thiện Đạo, Hoài Cảm v.v… đều nhất quán như thế. Qua đây, “Kinh này lưu lại” chính là “Pháp Niệm Phật lưu lại”. Hơn nữa, Kinh này tuy có nói về tâm Bồ Đề, nhưng không nói về hành tướng tâm Bồ Đề; tuy có nói trì Giới nhưng không nói về hành tướng của trì Giới…- Về hành tướng của tâm Bồ Đề đã được đề cập rộng rãi ở kinh Bồ Đề Tâm v.v… Khi các Kinh này tận diệt thì căn cứ vào đâu để tu tập tâm Bồ Đề ?- Về hành tướng trì Giới đã được đề cập rộng rãi ở các bộ Luật của Đại Thừa, Tiểu Thừa; khi các bộ Luật này tận diệt thì căn cứ vào đâu để trì Giới? Các pháp tu khác chúng ta dựa theo ý nghĩa này để hiểu. Vì thế, trong “Vãng Sanh Lễ Tán” Đại sư Thiện Đạo đã giải thích đoạn văn trên như sau:
“Vạn năm sau Tam Bảo tận diệt,
Chỉ Kinh này lưu lại trăm năm,
Bấy giờ ai nghe niệm một câu,
Đều được vãng sanh về nước ấy”.
Đồng thời, giải thích đoạn văn này, tổng quát có bốn ý: Thứ nhất, giữa hai giáo nghĩa của Thánh đạo và Tịnh Độ có sự tồn tại và tận diệt trước-sau; thứ hai, giữa hai giáo nghĩa của Thập Phương và Tây Phương có sự tồn tại và tận diệt trước-sau; thứ ba, giữa hai giáo nghĩa của Đâu Suất và Tây Phương có sự tồn tại và tận diệt trước-sau; thứ tư, giữa hai hạnh tu là Niệm Phật và Các Hạnh khác có sự tồn tại và tận diệt trước-sau.
Thứ nhất, giữa hai giáo nghĩa của Thánh Đạo và Tịnh Độ có sự tồn tại và tận diệt trước-sau: Nghĩa là, các Kinh điển của Thánh Đạo môn sẽ tận diệt trước, nên gọi là “Kinh pháp tận diệt”; Kinh này của Tịnh Độ môn đặc cách được lưu lại, nên gọi là “Lưu lại trăm năm”. Qua đây, chúng ta biết rằng, cơ duyên của Thánh Đạo thì cạn mỏng mà cơ duyên của Tịnh Độ lại sâu dày.
Thứ hai, giữa hai giáo nghĩa của Thập Phương và Tây Phương có sự tồn tại và tận diệt trước-sau: Nghĩa là, các giáo nghĩa tu tập để vãng sanh các cõi Tịnh Độ trong mười phương sẽ tận diệt trước, nên gọi là “Kinh pháp tận diệt”; Kinh này đặc cách được lưu lại để tu tập vãng sanh Tịnh Độ Tây Phương, nên gọi là “Lưu lại trăm năm”. Qua đây, chúng ta biết rằng, cơ duyên của các Tịnh Độ Thập Phương thì cạn mỏng mà cơ duyên của Tịnh Độ Tây Phương lại sâu dày.
Thứ ba, giữa hai giáo nghĩa của Đâu-Suất và Tây Phương có sự tồn tại và tận diệt trước-sau: Nghĩa là, giáo nghĩa của các kinh Di Lặc Thượng Sanh, kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán v.v… để tu tập sanh lên Đâu-Suất sẽ tận diệt trước, nên gọi là “Kinh pháp tận diệt”; Kinh này đặc cách được lưu lại để tu tập vãng sanh Tây phương, nên gọi là “Lưu lại trăm năm”. Qua đây, chúng ta biết rằng, cõi Đâu-Suất tuy gần mà cơ duyên cạn mỏng, cõi Cực Lạc tuy xa nhưng cơ duyên lại sâu dày.
Thứ tư, giữa hai hạnh tu là Niệm Phật và Các Hạnh có sự tồn tại và tận diệt trước-sau: Nghĩa là, các giáo nghĩa vãng sanh của Các Hạnh ấy sẽ tận diệt trước, nên gọi là “Kinh pháp tận diệt”; Kinh này đặc cách được lưu lại để niệm Phật vãng sanh, nên gọi là “Lưu lại trăm năm”. Qua đây, chúng ta biết rằng, tu tập Các Hạnh để được vãng sanh thì cơ duyên rất cạn mỏng mà Niệm Phật được vãng sanh lại rất sâu dày. Nói thêm rằng, tu Các Hạnh để được vãng sanh thì cơ duyên ít, mà tu Niệm Phật để được vãng sanh thì cơ duyên rất nhiều; hơn nữa, tu Các Hạnh để vãng sanh thì đến thời điểm một vạn năm của thời Mạt pháp sẽ chấm dứt, còn tu Niệm Phật để vãng sanh thì sẽ được kéo dài thêm trăm năm nữa.
Hỏi: Ở trước ghi rằng: “Với lòng từ bi, thương xót chúng sanh, Ta sẽ đặc cách, lưu lại Kinh này, trong một trăm năm”. Như thế, đức Thích Tôn vì lòng từ bi mà lưu lại Kinh pháp; vậy, tại sao không lưu lại các Kinh khác mà chỉ lưu lại Kinh này?
Đáp: Đức Thích Tôn không lưu lại một Kinh nào khác mà chỉ đặc cách lưu lại Kinh này, là hàm ẩn một ý nghĩa rất sâu xa. Nếu căn cứ vào ý kiến của Đại sư Thiện Đạo, thì nội dung Kinh này đã trình bày về Bổn nguyện Niệm Phật vãng sanh của đức Như Lai Di Đà, đức Thích Ca vì lòng từ bi muốn lưu lại pháp Niệm Phật nên đặc cách lưu lại Kinh này. Xét về nội dung của các Kinh khác không trình bày về Bổn nguyện Niệm Phật vãng sanh của đức Như Lai Di Đà, do thế, vì lòng từ bi mà đức Thích Tôn không lưu lại các Kinh ấy. Thậm chí, Bốn mươi tám Đại nguyện tuy đều là Bổn nguyện, nhưng đặc thù chỉ chọn “Niệm Phật là tiêu chuẩn vãng sanh”. Chính vậy, Đại sư Thiện Đạo giải thích rằng:
“Bốn tám nguyện rộng có nhiều môn,
Riêng nêu Niệm Phật lắm thiết thân,
Ai hay niệm Phật, Phật ghi nhớ,
Ai chuyên tưởng Phật, Phật tri tường”.
Qua đây, chúng ta nên ghi nhận rằng, trong Bốn mươi tám Đại nguyện đã chọn Đại nguyện Niệm Phật Vãng Sanh là “Vua trong Bổn Nguyện”. Chính thế, đức Thích Ca từ bi đặc cách lưu lại Kinh này một trăm năm, tương tợ như trong “kinh Quán Vô Lượng Thọ”, Ngài không phú chúc các hạnh tu Định, Tán, mà chỉ duy nhất phú chúc pháp tu Niệm Phật, đây là do thuận theo lời thệ nguyện của đức Phật A Di Đà, nên chỉ phú chúc một pháp Niệm Phật mà thôi.
Hỏi: Đặc cách lưu lại pháp Niệm Phật thời gian một trăm năm, điều này rõ ràng rồi; nhưng pháp Niệm Phật này có thông dụng với các căn cơ chúng sanh trong ba thời Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp không?
Đáp: Rất thông dụng cho cả ba thời Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Tại đây, đề cập pháp Niệm Phật được lưu lại sau cùng là để khích lệ chúng sanh trong thời hiện tại, chúng ta cần ghi nhận tiêu chí chương này là như thế.