Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

CHƯƠNG V: LỢI ÍCH

Đoạn văn diễn bày: Lợi ích của pháp Niệm Phật.

Quyển Hạ, “kinh Vô Lượng Thọ” ghi rằng:

“Phật bảo Di Lặc:
Người nào được nghe,
Danh hiệu Phật ấy,
Mừng vui phấn khích,
Dù niệm một niệm,
Nên biết người ấy,
Được đại lợi ích,
Đó là tròn đầy,
Công đức Vô Thượng”.

Trong “Lễ Tán”, Đại sư Thiện Đạo ghi:

“Người nào được nghe đến,
Danh hiệu Phật Di Đà,
Mừng vui niệm một niệm,
Vẫn sanh về cõi Ngài”.

Hỏi thêm rằng: Theo đoạn văn trình bày về nội dung Ba bậc ở trên, ngoài pháp Niệm Phật còn giới thiệu tu thêm các công đức khác, như phát tâm Bồ Đề v.v…Vậy, tại sao không tán thán công đức tu tập các pháp khác mà chỉ duy nhất tán thán công đức Niệm Phật?

Đáp: Mật ý của đức Phật thì khó mà hiểu rõ; tuy nhiên, để ước định thâm ý đó, chúng ta có thể căn cứ vào ý kiến của Đại sư Thiện Đạo để hiểu một phần nào. – Theo Đại sư, ý của đức Phật, mặc dầu chỉ muốn xác định pháp tu chủ yếu là pháp Niệm Phật, nhưng do tuỳ thuận nhiều căn cơ chúng sanh mà phải dạy thêm các pháp tu khác, như phát tâm Bồ Đề v.v… để có sự phân định Ba bậc Sâu-Cạn sai khác. Dù vậy, các pháp ấy cần được buông bỏ nên không tán thán, mà chỉ lựa chọn duy nhất pháp Niệm Phật, do đây mà được tán thán; chúng ta nên ghi nhận rõ như thế! Riêng về pháp Niệm Phật thì chia thành Ba bậc, điều này có hai ý: Thứ nhất, tuỳ theo “Quán Niệm Sâu-Cạn” để chia; thứ hai, căn cứ “Niệm Phật Nhiều-Ít” để chia.

Trước hết, bàn về “Sâu-Cạn”, như ở trước đã trích dẫn, đó là: “Nếu nói đúng tiêu chuẩn pháp Niệm Phật thì cứu cánh là phẩm Thượng bậc Thượng”.

Kế đến, bàn về “Nhiều-Ít”, thì trong đoạn văn trình bày về bậc Hạ đã nói đến con số mười niệm cho đến một niệm; hai bậc Thượng và Trung căn cứ theo đây để tăng thêm. Trong “Quán Niệm Pháp Môn” ghi rằng: “Mỗi ngày niệm Phật một vạn câu và cũng nên có thời khoá cố định để lễ bái tán thán sự trang nghiêm của cõi Tịnh Độ. Nếu tinh tấn hơn thì có thể niệm Phật ba vạn hoặc sáu vạn hay mười vạn câu, đây là những người Vãng sanh vào phẩm Thượng bậc Thượng”. Tại đây cần lưu ý rằng, niệm Phật từ ba vạn câu trở lên là nội dung tu tập để được vãng sanh vào phẩm Thượng bậc Thượng; niệm Phật từ ba vạn câu trở xuống là nội dung tu tập để vãng sanh từ phẩm Thượng bậc Thượng xuống đến phẩm Hạ bậc Hạ. Qua đây, cứ theo sự niệm Phật nhiều hay ít để có thể hiểu là sẽ vãng sanh vào phẩm nào.

Tại đây, cặp từ “Một Niệm” (Nhất Niệm) chính là “Một Niệm” trong thành tựu Đại nguyện niệm Phật đã nói ở trước và “Một Niệm” đã nói rõ trong bậc Hạ. Một Niệm trong câu văn thành tựu Đại nguyện chưa xác định là công đức đại lợi; và, Một Niệm trong câu văn bậc Hạ cũng chưa xác định là công đức đại lợi; đến bây giờ, Một Niệm mới được gọi là “Đại Lợi”, mới được tán thán là “Vô Thượng”; do thế, chúng ta cần hiểu rằng, cặp từ “Một Niệm” được sử dụng là hàm ẩn công đức Đại Lợi và Vô Thượng.

Dùng cặp từ “Đại Lợi” này là để đối nghĩa với cặp từ “Tiểu Lợi”, nhằm xác định rằng, tu các hạnh như phát tâm Bồ Đề  v.v… là Tiểu Lợi, còn tu pháp Niệm Phật dù chỉ Một Niệm là Đại Lợi.

Lại nữa, dùng “Công Đức Vô Thượng” là nhóm từ đối nghĩa với “Công Đức Hữu Thượng” (Có công đức cao hơn), nhằm xác định rằng, tu các pháp khác là Hữu Thượng, còn tu pháp Niệm Phật là Vô Thượng. Qua đây, chúng ta cần ghi nhận rằng, Một Niệm là Một Vô Thượng, Mười Niệm là Mười Vô Thượng, Trăm Niệm là Trăm Vô Thượng, Ngàn Niệm là Ngàn Vô Thượng; niệm Phật tương tợ như thế từ ít đến nhiều, nhiều như số cát của sông Hằng (Hằng sa) thì gọi là hằng hà sa số công đức Vô Thượng.

Như thế, những người cầu nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc, sao lại buông bỏ pháp Niệm Phật với Đại Lợi Vô Thượng, mà gượng ép tu các hạnh với Tiểu Lợi Hữu Thượng!