Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG IV: BA BẬC (Tam Bối)
Đoạn văn diễn bày: Ba bậc Vãng sanh của pháp Niệm Phật.
Quyển hạ, “kinh Vô Lượng Thọ” ghi: “Đức Phật bảo A-nan rằng: Hết thảy hàng Trời-Người trong tất cả các thế giới ở khắp mười phương, nếu ai chí thành nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì sẽ sanh vào một trong Ba bậc như sau”:
Hạng bậc Thượng là những người lìa bỏ gia đình, cắt đứt dục vọng, xuất gia làm Sa-môn, phát tâm Bồ Đề, thuần nhất chuyên niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ và tu tập mọi công đức khác để nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Những người thuộc hạng này đến giờ phút lâm chung sẽ được đức Phật Vô Lượng Thọ cùng chư vị trong đại chúng hiện ra trước mắt, liền theo sau đức Phật và đại chúng vãng sanh về thế giới ấy. Tại đây, hành giả từ trong hoa sen bảy báu tự hoá sanh ra, liền chứng đắc quả vị Bất thối chuyển với thần thông tự tại, trí tuệ rộng sâu. Thế nên, A-nan! Nếu chúng sanh nào mong cầu được thấy đức Phật Vô Lượng Thọ ngay trong đời này, thì cần phải phát tâm Vô thượng Bồ Đề, tu tập mọi công đức để nguyện vãng sanh về thế giới ấy.
Đức Phật bảo A-nan: Hạng bậc Trung là các hàng Trời-Người trong tất cả thế giới ở khắp mười phương, nếu ai chí thành nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc, dù không thể xuất gia làm Sa-môn và tu tập các công đức to lớn, nhưng họ phát tâm Vô thượng Bồ Đề, thuần nhất tinh chuyên niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ và tu tập ít nhiều công đức phước thiện, như giữ gìn trai giới, xây dựng chùa tháp, tạo tượng, cúng dường thực phẩm cho hàng Sa-môn, treo cờ dâng hoa, đốt đèn thắp hương; rồi đem những công đức này hồi hướng để nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Những người thuộc hạng này đến giờ phút lâm chung sẽ được đức Phật Vô Lượng Thọ hoá thân với thân tướng đầy đủ tướng tốt, hào quang rực rỡ như thân tướng chân thật của Ngài, cùng chư vị trong đại chúng hiện ra trước mắt, liền theo sau đức hoá Phật và đại chúng vãng sanh về thế giới ấy, chứng đắc quả vị Bất thối chuyển, về công đức và trí tuệ thì kém thua các vị ở hạng bậc Thượng.
Đức Phật bảo A-nan: Hạng bậc Hạ là các hàng Trời-Người trong tất cả thế giới ở khắp mười phương, nếu ai chí thành muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, dù không thể làm được các công đức phước thiện, nhưng họ phát tâm Vô thượng Bồ Đề, thuần nhất chuyên ý niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ, cho đến chỉ mười niệm để nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Hoặc trường hợp, được nghe Kinh pháp sâu xa hoan hỷ tin tưởng ưa thích, không khởi nghi ngờ, cho đến chỉ niệm một niệm danh hiệu đức Phật, rồi chân thành nguyện sanh về thế giới ấy. Những người thuộc hạng này, đến giờ phút lâm chung sẽ được mộng thấy đức Phật Di Đà và được vãng sanh, về công đức và trí tuệ thì kém thua các vị ở hạng bậc Trung.
Hỏi thêm rằng: Trong đoạn văn hạng bậc Thượng, ngoài pháp tu Niệm Phật vẫn thực hiện các pháp khác, như lìa bỏ gia đình, cắt đứt dục vọng…; trong đoạn văn hạng bậc Trung cũng tu tập các công đức khác như xây dựng chùa tháp, tạo tượng v.v…; trong đoạn văn hạng bậc Hạ cũng tu tập các hạnh khác, như phát tâm Vô thượng Bồ Đề v.v…; như thế, tại sao chỉ xác định: “Do niệm Phật mà được vãng sanh”?.
Đáp: Trong “Quán Niệm Pháp Môn”, Hoà thượng Thịên Đạo ghi: “Hơn nữa, trong quyển Hạ Kinh này dạy rằng: Đức Phật bảo: Căn tánh của tất cả chúng sanh thì không giống nhau, có Ba bậc là Thượng, Trung và Hạ; tuỳ theo các căn tánh ấy, đức Phật đều khích lệ họ tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ; nhờ vậy, những người này đến giờ phút lâm chung sẽ được đức Phật và Thánh chúng đến nghinh tiếp để tất cả họ đều được vãng sanh”– Căn cứ vào ý nghĩa vừa giải thích, nên xác định Ba bậc đều do niệm Phật mà được vãng sanh.
Hỏi: Giải thích trên, đâu có phủ nhận tu các hạnh khác, vậy tại sao phải buông bỏ các hạnh tu đó mà chỉ tu pháp Niệm Phật?
Đáp: Điều ấy có ba ý: Thứ nhất, vì để buông bỏ Các Hạnh trở về tu pháp Niệm Phật mà trình bày về các hạnh đó; thứ hai, vì để trợ hạnh sự thành tựu pháp Niệm Phật mà trình bày về các hạnh đó; thứ ba, vì để qui ước “Pháp Niệm Phật” và “Các Hạnh” là “Hai Môn” sai khác và mỗi Môn kiến lập Ba bậc mà trình bày các hạnh đó.
– Thứ nhất, “Vì để buông bỏ Các Hạnh trở về tu pháp Niệm Phật” mà trình bày về các hạnh đó: Căn cứ theo Hoà thượng Thiện Đạo ghi trong “Quán Kinh Sớ” rằng: “Phần trên, tuy có nói về sự lợi ích của hai pháp tu Định và Tán, nếu căn cứ tâm ý của chúng sanh hướng về Bổn nguyện của đức Phật, thì chỉ thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”, đây là ý nghĩa giải thích cho câu trên. Trong bậc Thượng, tuy có nói về phát tâm Bồ Đề và tu các hạnh khác, nhưng đúng ý nghĩa qui hướng về Bổn nguyện đức Phật, thì chúng sanh chỉ thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà mà thôi, vì trong Bổn nguyện không có bất cứ một pháp tu nào khác. Ba bậc đều căn cứ trên Bổn nguyện này, nên được gọi là “Thuần nhất tinh chuyên niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ”. Thuần nhất là cặp từ đối nghĩa với thuần nhị, thuần tam; tương tợ như “Năm ngọn núi ở Thiên Trúc”1 ( Ấn Độ) gồm có ba loại Tự viện: Thứ nhất, Tự viện thuần nhất Đại thừa – là tự viện hoàn toàn không tu học giáo lý Tiểu Thừa; thứ hai, Tự viện thuần nhất Tiểu thừa – là tự viện hoàn toàn không tu học giáo lý Đại Thừa; thứ ba, Tự viện kiêm tu cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa – là tự viện kiêm tu học giáo lý cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa, nên gọi là “Tự viện kiêm tu”. Tại đây, chúng ta cần hiểu rằng, ý nghĩa của hai Tự viện Đại thừa và Tiểu thừa là thuần nhất, Tự viện kiêm tu là không Thuần nhất; do vậy, ý nghĩa từ “Thuần nhất” được sử dụng ở trên cũng như thế, nghĩa là, nếu đã tu pháp Niệm Phật mà tu thêm các hạnh khác thì không phải thuần nhất, tương tợ như Tự viện kiêm tu trên. Mặt khác, đã gọi là thuần nhất thì không thể kiêm tu các hạnh khác! Tóm lại, trước hết nói về các hạnh khác, sau đó lại nói “Thuần nhất tinh chuyên niệm Phật”, thì cần hiểu rõ là để buông bỏ các hạnh mà chỉ duy nhất niệm Phật mà thôi, ấy thế mới gọi là Thuần nhất, nếu không như vậy thì từ Thuần nhất không thể tiêu hoá được!
– Thứ hai, “Vì để trợ hạnh sự thành tựu pháp Niệm Phật” mà trình bày các hạnh đó: Điểm này cũng có hai ý: Thứ nhất, Trợ hạnh sự thành tựu pháp Niệm Phật cho hạng có thiện căn giống nhau; thứ hai, Trợ hạnh sự thành tựu pháp Niệm Phật cho hạng có thiện căn khác nhau.
Trước hết, bàn về “Trợ hạnh sự thành tựu cho hạng có thiện căn giống nhau” :Như trong “Quán Kinh Sớ”, Hòa thượng Thiện Đạo đã nêu lên năm loại hạnh tu để Trợ hạnh cho sự thành tựu pháp Niệm Phật, điều này đã trình bày đầy đủ tại “Hai hạnh Chánh-Tạp” ở trên. Kế đến, bàn về “Trợ hạnh sự thành tựu cho hạng có thiện căn khác nhau”: Như căn cứ vào bậc Thượng đã trình bày ở trước mà luận về Chánh và Trợ, thì “Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ” là “Chánh hạnh” và cũng là “Sở trợ”. Lìa bỏ gia đình, cắt đứt dục vọng, xuất gia làm Sa-môn, phát tâm Bồ Đề v.v… là “Trợ hạnh” cũng là “Năng trợ”. Nghĩa là, “Kết quả sự vãng sanh căn bản do niệm Phật”; chính thế, thuần nhất tinh chuyên niệm Phật, mà lìa bỏ gia đình, cắt đứt dục vọng, xuất gia làm Sa-môn, lại phát tâm Bồ Đề v.v… Tựu trung, xuất gia, phát tâm Bồ Đề v.v… là ý hướng để thực hiện pháp tu Niệm Phật suốt đời không thối tâm; như thế, đâu có trở ngại cho pháp Niệm Phật! Trong bậc Trung cũng có các hạnh, như xây dựng chùa tháp, tạo tượng, treo cờ dâng hoa, đốt đèn thắp hương v.v… đó là trợ hạnh sự thành tựu pháp môn Niệm Phật, ý nghĩa này tham khảo thêm ở “Vãng Sanh Yếu Tập”; nghĩa là, trong phương pháp trợ hạnh cho Niệm Phật cần thực hiện các phương diện ấy. Trong bậc Hạ cũng có phát tâm Bồ Đề, cũng có Niệm Phật, ý nghĩa Chánh hạnh, Trợ hạnh dựa theo nguyên tắc ở trên để hiểu.
– Thứ ba, “Vì để quy ước pháp Niệm Phật và Các Hạnh là Hai Môn sai khác, và mỗi Môn kiến lập Ba bậc” mà trình bày các hạnh đó; Trước hết, tóm lược “Môn Niệm Phật” mà kiến lập Ba bậc, tức là trong Ba bậc nói trên đều nhất thống: “ Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ”, chính đây là tóm lược pháp Niệm Phật mà kiến lập Ba bậc. Vì thế, hai quyển “Vãng Sanh Yếu Tập” và “Niệm Phật Chứng Cứ Môn” đều đồng nhất rằng: “Kết quả của Ba bậc tuy có Cạn–Sâu, nhưng đều nhất thống pháp tu là: Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ”. Kế đến, tóm lược “Môn Các Hạnh” mà kiến lập Ba bậc, tức là trong Ba bậc nói trên đều có phát tâm Bồ Đề và Các Hạnh…, chính đây là tóm lược Các Hạnh mà kiến lập Ba bậc. Vì thế, hai quyển “Vãng Sanh Yếu Tập” và “Chư Hạnh Vãng Sanh Môn” đều đồng nhất rằng: “Ba bậc cũng không ngoài pháp Niệm Phật ấy”.
Ba ý được trình bày trên tuy có sự sai khác, nhưng đều quy kết về “Thuần Nhất Niệm Phật”. Ý thứ nhất: “Vì buông bỏ mà trình bày”; nghĩa là, vì buông bỏ Các Hạnh để kiến lập Pháp Niệm Phật mà trình bày. Ý thứ hai: “Vì Chánh hạnh, Trợ hạnh mà trình bày”; nghĩa là, vì trợ giúp Chánh hạnh Niệm Phật mà trình bày Trợ hạnh của các hạnh đó. Ý thứ ba: “Vì Chánh, Phụ mà trình bày”; nghĩa là, tuy nói Niệm Phật và Các Hạnh là Hai Môn nhưng chọn Niệm Phật là Chánh, Các Hạnh là Phụ, vì thế mới gọi là: “Ba bậc đều là nhất thống Niệm Phật”.
Thật ra, ba ý trình bày trên, xét kỹ thì rất khó hiểu; do vậy, xin quý học giả tuỳ tiện hoặc ghi nhớ hoặc bỏ qua. Nếu căn cứ ý kiến của Hoà thượng Thiện Đạo thì chọn lấy Chánh hạnh là đủ.
Hỏi: “Tu tập trong Ba bậc đều là Niệm Phật”, vấn đề này thì hẳn nhiên rồi; nhưng xét về chín Phẩm trong “Quán Kinh”2 và Ba bậc trong “Thọ Kinh” 3 có sự trình bày sai khác nhau. Tại sao Ba bậc trong “Thọ Kinh” đều là Niệm Phật? Mà, chín Phẩm trong “Quán Kinh” thì sáu phẩm của bậc Thượng và bậc Trung không nói đến Niệm Phật, mãi đến ba phẩm của bậc Hạ mới nói?
Đáp: Vấn đề ấy có hai ý:
– Thứ nhất, theo câu hỏi: Tại sao lại trình bày sai khác về Ba bậc trong “Thọ Kinh” và chín Phẩm trong “Quán Kinh”?- Điều này chúng ta nên biết rằng, trong chín Phẩm đều hành trì Niệm Phật. Tại sao biết được?- Bởi lẽ, trong Ba bậc đều có Niệm Phật thì tại sao trong chín Phẩm lại không có sự Niệm Phật! Thế nên, trong “Vãng Sanh Yếu Tập” ghi rằng: “Hỏi: Vấn đề hành trì Niệm Phật thông nhiếp cả chín Phẩm như thế nào?– Đáp: Nếu nói đúng tiêu chuẩn Pháp Niệm Phật thì cứu cánh là phẩm Thượng bậc Thượng; như vậy, tuỳ theo sự Hơn–Kém (Thắng-Liệt) để chia thành chín Phẩm. Như Kinh đã dạy, sự tu tập trong chín phẩm đều biểu hiện một hướng, cái lý này thật là vô lượng”. Qua đây, chúng ta nên biết rằng, pháp tu Niệm Phật là thông nhiếp cả chín Phẩm.
– Thứ hai, theo tư tưởng của “Quán Kinh”: Trước hết trình bày rộng về hai pháp Định và Tán để thích ứng với mọi căn cơ của chúng sanh; sau đó, phế bỏ hai pháp thiện của Định và Tán để trở về Niệm Phật mà thôi, vì thế mới có câu văn: “Các ông hãy khéo léo bảo trì lời nói ấy”. Với ý nghĩa này, dưới đây sẽ trình bày đầy đủ hơn; tóm lại, chúng ta cần hiểu rằng: “Tu tập trong chín Phẩm chủ yếu chỉ là Niệm Phật”.