Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

CHƯƠNG II:  HAI HẠNH (Nhị Hạnh)

Đoạn văn diễn bày: Hoà thượng Thiện Đạo kiến lập Hai hạnh là Chánh hạnh và Tạp hạnh, rồi khuyên từ bỏ Tạp hạnh trở về tu tập theo Chánh hạnh.

Phần bốn của “Quán Kinh Sớ” ghi: “Tựu trung, khi tu tập phải xác lập sự thành tín; chẳng hạn, nội dung tu tập thì có hai phương diện, thứ nhất là Chánh hạnh, thứ hai là Tạp hạnh:

– Gọi là Chánh hạnh tức là, hành giả thuần nhất nương vào Kinh điển căn bản của Tnh Độ để tu tập. Nội dung ấy như thế nào? Đó là:

+ Nhất tâm tinh chuyên đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ.

+ Nhất tâm tinh chuyên tư duy, quán tưởng, nhớ nghĩ về Chánh báo, Y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc.

+ Nếu lễ bái thì nhất tâm tinh chuyên đảnh lễ đức Phật A Di Đà.

+ Nếu miệng xưng niệm thì nhất tâm tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.

+ Nếu tán thán, cúng dường thì nhất tâm tinh chuyên tán thán, cúng dường đức Phật A Di Đà.

Thực hiện năm điều này thì gọi là Chánh hạnh. Tuy vậy, trong Chánh hạnh lại có hai thứ:

Thứ nhất, nhất tâm tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, dù đi-đứng-nằm-ngồi không luận là thời gian, không gian nào, niệm này nối kết niệm kia không bao giờ gián đoạn, đây được gọi là “Chánh định nghiệp”, bởi lẽ thích ứng với Bổn nguyện của đức Phật.

Thứ hai, thực hiện bốn điều còn lại, như lễ bái, tụng kinh v.v… được gọi là “Trợ nghiệp”.

Gọi là Tạp hạnh, tức ngoài “Chánh định nghiệp” và “Trợ nghiệp” trên, mà tu tập các thiện pháp khác được gọi là Tạp hạnh.

Nếu tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp thì tâm niệm luôn thân gần với đức Phật A Di Đà, hằng ngày luôn nhớ nghĩ đến Ngài không quên, gọi là không gián đoạn. Ngược lại, nếu tu tập theo Tạp hạnh thì tâm niệm thường gián đoạn, dù có thể hồi hướng cầu vãng sanh, nhưng cách tu này là xa rời đức Phật và gọi là tu Tạp.

Nói thêm rằng: Đoạn văn trên chuyên chở hai ý: Thứ nhất, xiển dương “Hành tướng vãng sanh”; thứ hai, phân định “Hai hạnh Được-Mất”.

* Trước hết, luận về “Hành tướng vãng sanh”: Theo ý kiến của Hoà thượng Thiện Đạo, nội dung tu tập để được vãng sanh có nhiều pháp, đại lược để nói có hai loại, đó là Chánh hạnh và Tạp hạnh.

– Về Chánh hạnh, tại đây có hai nghĩa, đó là khai triển và qui kết; phần trước là khai triển thành năm điều, phần sau là qui kết năm điều ấy thành hai thứ.

– Phần khai triển thành năm điều: Thứ nhất, đọc tụng Chánh hạnh; thứ hai, quán tưởng Chánh hạnh; thứ ba, lễ bái Chánh hạnh; thứ tư, xưng danh Chánh hạnh; thứ năm, tán thán, cúng dường Chánh hạnh.

Thứ nhất, đọc tụng Chánh hạnh: Tinh chuyên đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ v.v… Như đoạn văn trên đã ghi: “Nhất tâm tinh chuyên đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ”.

Thứ hai, quán tưởng Chánh hạnh: Tinh chuyên quán tưởng Chánh-Y báo của thế giới Cực Lạc”. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nhất tâm tinh chuyên tư duy, quán tưởng, nhớ nghĩ Chánh báo, Y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc”.

Thứ ba, lễ bái Chánh hạnh: Tinh chuyên lễ bái đức Phật A Di Đà. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nếu lễ bái thì nhất tâm tinh chuyên đảnh lễ đức Phật A Di Đà”.

Thứ tư, xưng danh Chánh hạnh: Tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nếu miệng xưng niệm thì nhất tâm tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”.

Thứ năm, tán thán cúng dường Chánh hạnh: Tinh chuyên tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nếu tán thán cúng dường thì nhất tâm tinh chuyên tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà”. Nếu phân tích tán thán và cúng dường thành hai nghĩa thì có thể gọi là sáu điều Chánh hạnh. Tại đây, hợp hai nghĩa ấy lại, nên gọi là năm điều Chánh hạnh.

– Phần qui kết năm điều thành hai thứ: Thứ nhất, Chánh định nghiệp; thứ hai, Trợ nghiệp.

Thứ nhất, Chánh định nghiệp: Trong năm điều vừa trình bày, điều thứ tư là “xưng niệm danh hiệu” được gọi là Chánh định nghiệp. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nhất tâm tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, dù đi-đứng-nằm-ngồi không luận thời gian không gian nào, niệm này nối kết niệm kia không bao giờ gián đoạn, đây được gọi là Chánh định nghiệp, bởi lẽ thích ứng với Bổn nguyện của đức Phật”.

Thứ hai, Trợ nghiệp: Ngoài điều thứ tư là “Xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”, bốn điều còn lại, như đọc tụng v.v… được gọi là Trợ nghiệp. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nếu thực hiện đọc tụng  v.v… thì gọi là Trợ nghiệp”.

Hỏi: Tại sao trong năm điều, chỉ có “Xưng niệm danh hiệu đức Phật” được gọi là Chánh định nghiệp?

Đáp: Bởi vì thích ứng với Bổn nguyện của đức Phật. Nghĩa là, xưng niệm danh hiệu đức Phật là đúng với lời thệ nguyện khi đang tu tập của Ngài. Do vậy, hành giả nào xưng niệm danh hiệu đức Phật thì sẽ nương vào nguyện lực của Ngài, nên chắc chắn được vãng sanh. Nội dung của ý nghĩa Bổn nguyện đức Phật sẽ được giải thích ở sau.

– Về Tạp hạnh, như đoạn văn trên đã ghi: “Ngoài Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp mà tu tập các thiện pháp khác thì gọi là Tạp hạnh”. Tạp hạnh thì nhiều vô số không có thể diễn tả hết được, nơi đây chỉ đối chiếu năm điều của Chánh hạnh để làm sáng tỏ năm điều Tạp hạnh mà thôi. Đó là: Thứ nhất, đọc tụng Tạp hạnh; thứ hai, quán tưởng Tạp hạnh; thứ ba, lễ bái Tạp hạnh; thứ tư, xưng niệm Tạp hạnh; thứ năm, tán thán, cúng dường Tạp hạnh.

Thứ nhất, đọc tụng Tạp hạnh: Trừ ba Kinh căn bản của Tịnh Độ như kinh Vô Lượng Thọ v.v…; ngoài ra, thọ trì đọc tụng các Kinh thuộc Đại thừa hay Tiểu thừa, Hiển giáo hay Mật giáo đều gọi là đọc tụng Tạp hạnh.

Thứ hai, quán tưởng Tạp hạnh: Trừ Chánh báo, Y báo cõi Cực Lạc; ngoài ra, quán tưởng sự-lý thuộc các Kinh điển Đại thừa hay Tiểu thừa, Hiển giáo hay Mật giáo, đều gọi là quán tưởng Tạp hạnh.

Thứ ba, lễ bái Tạp hạnh: Trừ lễ bái đức Phật A Di Đà, ngoài ra, lễ bái, cung kỉnh hết thảy chư Phật, chư Bồ Tát hay các vị Trời, Thần v.v… đều gọi là lễ bái Tạp hạnh.

Thứ tư, xưng niệm Tạp hạnh: Trừ xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà; ngoài ra, xưng niệm danh hiệu hết thảy chư Phật, chư Bồ Tát hay các vị Trời, Thần v.v… đều gọi là xưng niệm Tạp hạnh.

Thứ năm, tán thán, cúng dường Tạp hạnh: Trừ tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà; ngoài ra, tán thán, cúng dường hết thảy chư Phật, chư Bồ Tát hay các vị Trời, Thần v.v… đều gọi là tán thán cúng dường Tạp hạnh.

Bên cạnh, vô số hạnh tu khác như Bố thí, Trì Giới v.v…, tất cả đều được tóm thâu trong phạm vi của Tạp hạnh này.

* Bây giờ, phân định “Hai hạnh Được-Mất”. Như đoạn văn trên đã ghi: “Nếu tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp thì tâm niệm luôn thân gần với đức Phật A Di Đà, hằng ngày luôn nhớ đến Ngài không quên, gọi là không gián đoạn. Ngược lại, nếu tu tập theo Tạp hạnh thì tâm niệm thường gián đoạn, dù có thể hồi hướng cầu vãng sanh, nhưng cách tu này là xa rời đức Phật và gọi là tu Tạp”.

Đại ý đoạn văn này là diễn đạt về Chánh hạnh và Tạp hạnh. Trong này có năm cặp đối nghĩa nhau: Thứ nhất, “Thân” đối với “Sơ”; thứ hai, “Gần” đối với “Xa”; thứ ba, “Không gián đoạn” đối với “Có gián đoạn”; thứ tư, “Không hồi hướng” đối với “Hồi hướng”; thứ năm, “Thuần” đối với “Tạp”.

Thứ nhất, “Thân” đối với “Sơ”: Trước hết, “Thân” nghĩa là tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp, nên đối với đức Phật A Di Đà rất “Thân gần”. Chính thế, trong “Quán Kinh Sớ” ghi: “Hành giả nào khi tu tập, miệng thường xưng niệm danh hiệu đức Phật (A Di Đà), thì Ngài nghe rõ tiếng người ấy đang niệm, thân thường lễ bái đức Phật, thì Ngài thấy rõ người ấy đang lễ bái; tâm thườmg niệm Phật, thì Ngài biết rõ tâm người ấy đang niệm Phật. Qua đây, hành giả thường nhớ nghĩ đến đức Phật thì Ngài cũng nhớ nghĩ đến hành giả; ba nghiệp thân-khẩu-ý của đức Phật và hành giả không tách rời nhau”. Do thế được gọi là “Thân duyên”. Kế đến, “Sơ” chính là “Tạp hạnh”; tức là, khi hành giả tu tập, miệng không xưng niệm danh hiệu đức Phật, nên Ngài không nghe tiếng người ấy niệm, thân không lễ bái đức Phật, nên Ngài không thấy người ấy lễ bái; tâm không niệm Phật nên Ngài không biết người ấy niệm Phật. Như vậy, hành giả không nhớ nghĩ đến đức Phật thì Ngài cũng không nhớ nghĩ đến hành giả, ba nghiệp thân-khẩu-ý của đức Phật và hành giả thường tách rời nhau, do thế được gọi là “Sơ hạnh”.

Thứ hai, “Gần” đối với “Xa”: Trước hết, “Gần” nghĩa là tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp, nên đối với đức Phật A Di Đà rất “Gần gũi”; vì vậy, trong “Quán Kinh Sớ” ghi: “Hành giả nào nguyện được thấy đức Phật, thì Ngài liền đáp ứng hiện ra trước mắt”; do thế, được gọi là “Cận duyên”. Kế đến, “Xa” chính là “Tạp hạnh”; tức là, hành giả không nguyện được thấy đức Phật, thì Ngài không đáp ứng hiện ra trước mắt, do thế được gọi là “Xa”. Thật ra, nghĩa của “Thân” và “Gần” tương tợ giống nhau, nhưng Đại sư Thiện Đạo lại phân làm hai, điều này đã trích dẫn lời giải thích của Ngài trong “Quán Kinh Sớ” ở trên.

Thứ ba, “Không gián đoạn” đối với “Có gián đoạn”: Trước hết, “Không gián đoạn” nghĩa là tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp, nên thường nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà không gián đoạn; do thế, được gọi là “Không gián đoạn”. Kế đến, “Có gián đoạn” chính là tu tập “Tạp hạnh”; tức là, đối với đức Phật A Di Đà nhớ nghĩ thường gián đoạn, do thế được gọi là “Tâm thường gián đoạn”.

Thứ tư, “Không hồi hướng” đối với “Hồi hướng”: Trước hết, “Không hồi hướng” nghĩa là tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp, nên không nhất thiết phải hồi hướng mà vẫn thành tựu năng lực vãng sanh. Chính thế, trong “Quán Kinh Sớ” ghi: “Xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà mười câu tức là thành tựu đầy đủ mười nguyện, mười hạnh. Đầy đủ như thế nào?- Đó là, ý nghĩa của hai chữ “Nam mô” chính là “Quy mạng” và cũng là “Phát nguyện hồi hướng”; ý nghĩa của bốn chữ “A Di Đà Phật” chính là “Động thái tu tập của hành giả”, do ý nghĩa đó “Quyết định được vãng sanh”.” Kế đến, “Hồi hướng” chính là tu tập Tạp hạnh; tức là, nếu phát tâm hồi hướng thì chỉ tạo nhân vãng sanh, còn không phát tâm hồi hướng thì không liên hệ gì đến vãng sanh; do thế được gọi là “ Có thể hồi hướng để được vãng sanh”.

Thứ năm, “Thuần” đối với “Tạp”: Trước hết, “Thuần” nghĩa là tu tập hai hạnh Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp, tức thuần nhất tu tập cầu vãng sanh về Tịnh Độ Cực Lạc. Kế đến, “Tạp” nghĩa là tu tập không thuần nhất cầu vãng sanh Cực Lạc, mà tu tập tổng quát cả Ngũ thừa và các cõi Tịnh Độ khắp mười phương; do thế được gọi là “Tạp”. Qua đây, là hành giả tông Tịnh Độ, thì cần buông bỏ Tạp hạnh mà thuần nhất tu theo Chánh hạnh.

Hỏi: Ý nghĩa của Thuần và Tạp này, có bằng chứng trong Kinh Luận không?

Đáp: Trong Kinh-Luật-Luận của Đại thừa lẫn Tiểu thừa, thành lập hai môn Thuần và Tạp này không phải chỉ có một; chẳng hạn: Trong Tám tạng Kinh của Đại thừa thì Bảy tạng là Thuần, Một tạng là Tạp. Trong Bốn bộ A Hàm của Tiểu thừa thì Ba bộ là Thuần, Một bộ là Tạp. Về Luật thì thành lập Hai mươi Kiền-độ (Chương) để xiển dương Giới hạnh, trong này Mười chín Kiền độ đầu là Thuần, Kiền độ sau cùng là Tạp. Về Luận thì thành lập Tám Kiền độ để xiển dương tánh tướng của các pháp, trong này Bảy Kiền độ đầu là Thuần, Kiền độ sau cùng là Tạp. Trong tập “Hiền Thánh Đường Tống Lưỡng Truyện” thành lập Mười loại để xiển dương đức hạnh của chư vị cao Tăng, trong này Chín loại đầu là Thuần, loại sau cùng là Tạp. Cho đến, trong “Đại thừa Nghĩa Chương” cũng thành lập Năm tụ (Mục hay Tiết), thì Bốn tụ đầu là Thuần, tụ sau cùng là Tạp. Đồng thời, không riêng gì Hiển giáo mà Mật giáo cũng vẫn phân chia Thuần-Tạp, như trong “Phật Pháp Huyết Mạch Phổ”, thì “Thai tạng giới Mạn-đà-la” và “Kim cang giới Mạn-đà-la” thuộc “Thuần”, còn “Tạp Mạn-đà-la” thuộc Tạp. Vấn đề phân chia Thuần-Tạp trong giáo điển thì rất nhiều, tại đây chỉ trích dẫn một ít làm tiêu biểu mà thôi. Bên cạnh, cần nắm rõ ý nghĩa của Thuần và Tạp là tuỳ theo từng pháp môn không mang tính cố định; qua đây, trong tập này bàn về Thuần và Tạp, là dựa vào ý kiến của Hoà thượng Thiện Đạo luận về hướng tu tập của tông Tịnh Độ. Cần nói thêm, từ ngữ Thuần và Tạp được áp dụng trong phạm vi nội điển và cả ngoại điển rất phong phú, vì sợ phức tạp nên không dám trích dẫn nhiều. Riêng về đường hướng tu tập để được vãng sanh thì phân thành “Hai hạnh”, nhưng không giới hạn chỉ tuân theo ý kiến của Hoà thượng Thiện Đạo; nếu căn cứ ý kiến của Thiền sư Đạo Xước, thì đường hướng tu tập để được vãng sanh có rất nhiều, nhưng qui kết trong hai phương diện, thứ nhất là “Niệm Phật vãng sanh”, thứ hai là “Vạn hạnh vãng sanh”. Về ý kiến của Thiền sư Hoài Cảm cũng tương tợ như thế, Ngài qui kết thành “Hai hạnh”, thứ nhất là “Niệm Phật vãng sanh”, thứ hai là “Chư hạnh vãng sanh”. Như vậy, ba vị Sư, vị nào cũng thành lập “Hai hạnh” để thống nhiếp hết thảy pháp môn tu tập vãng sanh Cực Lạc, hành giả cần tư duy điểm này!.

“Vãng Sanh Lễ Tán” ghi: “… Nếu thường niệm Phật, niệm niệm liên tục, lấy tuổi thọ của mình làm giới hạn, thì mười người sẽ được vãng sanh trọn mười người, trăm người sẽ vãng sanh trọn trăm người. Tại sao như thế?-Bởi lẽ: Vì không có tạp duyên bên ngoài xen vào chỉ thuần nhất Chánh niệm, vì tương ứng với Bổn nguyện của đức Phật (A Di Đà), vì không trái ngược với giáo nghĩa, vì thuận theo lời dạy của đức Phật.

Giả như, muốn bỏ “Chuyên” để tu “Tạp” thì trăm người hy vọng chỉ có một, hai người được vãng sanh, ngàn người hy vọng chỉ có ba, năm người được vãng sanh. Tại sao như thế?- Bởi lẽ: Vì Tạp duyên làm loạn động đánh mất Chánh niệm, vì không tương ứng với Bổn nguyện của đức Phật, vì trái ngược với giáo nghĩa, vì không thuận theo lời dạy của đức Phật, vì niệm niệm không liên tục, vì nhớ nghĩ gián đoạn, vì phát nguyện hồi hướng không khẩn thiết chân thật, vì tham lam sân hận và mọi thấy biết phiền não xen vào làm gián đoạn niệm Phật, vì không có tâm niệm tàm quí bỏ ác làm lành; lại nữa, vì không có tâm niệm liên tục báo đền ân huệ của đức Phật, tâm thường khinh lờn, dù có tu tập nhưng luôn thích ứng với lợi danh, bị đoanh vây bởi nhân ngã, vì chẳng cần thân gần với pháp hữu Thiện tri thức, lại thích thú cận kề với Tạp duyên làm chướng ngại Chánh hạnh vãng sanh cho tự thân và tha nhân.

Tại sao như thế?- Chúng ta đã từng nghe thấy rõ ràng, hàng xuất gia cũng như hàng tại gia khắp mọi xứ sở, về kiến giải và pháp tu của họ không giống nhau, vấn đề tu Chuyên, tu Tạp cũng bất đồng. Xét về những hành giả tu Chuyên thì mười người sẽ được vãng sanh trọn cả mười người; xét về hàng tu Tạp, vì tâm niệm không chí thành, nên trong một ngàn người khó có một người được vãng sanh.

Qua “Hai hạnh Được-Mất” như trên đã bàn luận, ngưỡng nguyện hết thảy hành giả tông Tịnh Độ, hãy tư duy tinh tế để ngay trong đời này nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, bằng cách chế ngự dục vọng của tự thân, tinh tấn niệm Phật dù đi-đứng-nằm-ngồi ngày hay đêm không bao giờ bỏ quên, lấy thời gian trọn đời giới hạn cho công phu tu tập, để rồi niệm trước vừa tắt thở thì niệm sau có mặt tại thế giới Cực Lạc. Khi đã hiện hữu tại đây, hành giả sẽ trải qua thời gian rất dài lâu an trú trong pháp lạc vô vi, và không còn rơi vào sanh tử cho đến khi thành tựu quả vị Phật Đà, kết quả này há không phải hạnh phúc hay sao!- Cần ghi nhận!

Nói thêm rằng: Như chúng ta đã thấy rõ sự lợi ích của đoạn văn trên; thế nên, cần “Buông bỏ Tạp, tu tập Chuyên”. Nếu buông bỏ trở về tu Chuyên – Chánh hạnh, thì trăm người sẽ vãng sanh trọn cả trăm người; ngược lại, kiên trì chấp thủ tu Tạp – Tạp hạnh, thì ngàn người khó có một người được vãng sanh, hành giả cần tư duy kỹ điểm này!