LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

LỜI TỰA

Gần 30 năm về trước, trong khi đang học Phật, được đọc bản BÁO CÁO CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU KINH PHẬT (Nhứt Cá Khoa Học Giả Nghiên Cứu Phật Kinh Đích Báo Cáo) của Kỹ sư Uông Trí Biểu, người Trung Hoa, tôi đã xúc động. Xúc động vì sự xác tín của tôi ở nền giáo lý Phật Đà đã có thêm được nhũng yếu tố xác thực. Bấy giờ, khoa học đang có cái cám dỗ mãnh liệt cái cám dỗ của những chân lý khách quan mà trí năng của con người đã có thể vươn tới được. Và những chân lý khách quan đó đã không khỏi cho con người cái tự hào và mang nặng những ảo tưởng về khả năng tính của trí năng. Cũng bấy giờ Phật giáo – ngoài những giáo lý có tính cách của một nền đạo đức thực tiễn và được lý giải bằng ngôn ngữ phổ biến của thời đại vẫn còn đó, cả một thế giới bàng bạc cái không khí “huyền chi hựu huyền”, một cái “vạn hoa kính” phản chiếu muôn vàn ảnh tượng như thực như hư, như có như không, mà con người chưa thể thành đạt được sự kiến giải với một đầu óc thường nghiệm nghèo nàn và đầy giới hạn của mình. Cuối cùng trên một số lớn phương diện và là những phương diện rộng lớn, sâu thẳm nhất, đạo Phật gần như cũng phải kêu gọi đến sự xác tín hơn là xác thực như hầu hết các tôn giáo từ xưa đến nay đã kêu gọi. Và điều này, quả đã không thỏa mãn được đầu óc của con người vốn bị cám dỗ bởi khoa học. Trong một bầu không khí như thế, sự xúc động của tôi khi đọc Bản Báo Cáo này, nó lớn biết bao. Bởi vì, ở đó, đạo Phật, đã không còn xuất hiện như những tín lý mà đã xuất hiện dưới yếu tố xác thực như của khoa học. Cũng bởi vì, ở đó, bằng vào cái nhìn đối chiếu, nó đã nói đến những đồng nhất giữa Đạo Phật và Khoa Học để có thể cho tôi hình dung được những triển vọng tốt đẹp cho một đạo Phật ngày càng được khám phá sau này.

Tuy nhiên, một sự đồng nhất như thế chẳng phải là điều rốt ráo. Nói cách khác, đạo Phật mà được giải thích trên lập trường khoa học có thể không sai nhưng cũng chưa hẳn là đúng – nhất là khi mà khoa học đó vẫn còn phải bị ràng buộc ít nhiều trong những lãnh vực của thường nghiệm, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, vẫn còn bị ràng buộc trong tính chất “chiêu cảm” của nghiệp lực và đang còn phải mon men tìm đường mới mong đặt bước chân vào được những chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ – những chiều kích vượt khỏi những khái niệm thông tục về vật chất, thời gian, không gian và tương quan nhân quả một chiều. Mặt khác, khi mà nền vật lý học hiện đại đã vượt qua và đe dọa phá hủy những định đề đã một thời ngự trị như những chân lý của Isaac Newton và Rene Dascartes thì cũng không có gì bảo đảm là những khám phá hôm nay của nó lại không bị vượt qua và phá hủy ở ngày mai. Thành ra, những tương họp khả hữu giữa đạo Phật và khoa học, trên một số bình diện nào đó của hôm nay – ví dụ, trong quan niệm về vật chất và khí năng, trong cái nhìn cho rằng, vật chất không phải là những sự vật ù lì và cố định: vũ trụ là một màng lưới kết dệt của những tương quan đối thể, không còn ở trong cái thể tách rời với chủ thể v.v… có thể mở đường cho khoa học tìm tới với đạo Phật hơn là cho Đạo Phật tìm tới với khoa học như tìm một cơ sở nền tảng để lý giải tính cách xác thực của nó. Mặt khác nữa, nếu ta có thể thấy hiển hiện trên những trang kinh xưa, những khái niệm mới mẻ nhất của nền vật lý học hiện đại thì ngược lại, không phải tất cả những gì hiển hiện trên những trang kinh xưa lại đều có trong những khái niệm của khoa học ngày nay. Điều này, thêm một lần nữa, cho phép ta nghĩ rằng những tương hợp kia có thể mở đường cho khoa học tìm tới đạo Phật hơn là cho Đạo Phật tìm tới với khoa học. Niềm xác tín của những thế hệ tu Phật, học Phật xưa nay ở những gì mà Đức Phật giảng dạy hóa ra vẫn đem đến một sự thành đạt lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta gọi là xác thực đem đến cho ta. Bởi vì, suy nghiệm cho cùng, mọi xác thực vẫn chỉ là xác thực trong tương ưng với nghiệp cảm, nghĩa là vẫn còn nằm trong sự tác động của những làn sóng vô minh không ngừng lay động tâm thức. Sự trì tụng kinh điển của Phật với một niềm xác tín mãnh liệt nhiều khi lại giúp ta sống với những chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ hơn là sự biện giải kinh điển với cái khát vọng và đòi hỏi sự xác thực chính là vì tính cách giới hạn mỏng manh này của những gì được gọi là xác thực.

Niềm xúc động của tôi khi đọc Bản Báo Cáo của nhà khoa học Uông Trí Biểu 30 năm về trước, cuối cùng, đã chỉ còn là cái xúc động nặng về mặt cảm tình tôn giáo.

Mới đây, sau một buổi đàm đạo, tôi được Cụ Nghiêm Xuân Hồng trao cho tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA. Nói như tác giả, tập sách này là kết quả của những tháng năm “đọc kinh, đôi khi say mê đọc kinh và thường hay mơ màng hằng giờ trên những trang kinh xưa”. Đọc xong tập sách tôi như cũng sống lại một niềm xúc động lớn lao. Nhưng nó đã không còn là niềm xúc động của 30 năm về trước nữa.

Khoa học dẫu vẫn còn những cám dỗ của nó đối với tâm trí con người nhưng đã không còn giữ cái thể giá cũ. Trong khi những trang kinh xưa thì vẫn sừng sững còn đó như tự bao giờ, và cũng như tự bao giờ, mời gọi con người đi tới để thâm nhập để tỉnh thức, bừng con mắt Huệ trước màn lưới vô minh, nghi hoặc dày đặc và để hứng khởi được cái Tâm Đại Bi giữa những biển động quay cuồng điên đảo của cuộc sống.

Mặc dù tự nghĩ mình vốn chẳng khác chi người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, trầm luân trong biển khổ nghiệp nên gia bảo có đó mà vẫn chưa thấy được hết, miệt mài với tháng năm mà sở nguyện vẫn xa vời. Nhưng nhờ vốn hằng ngày trân trọng những lời kinh ngọc vàng, sống trong âm hưởng của Diệu pháp mà Đức Phật đã tuyên thuyết từ ngàn xưa nên vẫn cảm vì Pháp nhũ ân sâu mà cố giữ lấy một lòng theo dõi di giáo. Chính với tấm lòng đó mà tôi đã xúc động khi đọc tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA này.

Xúc động vì nghĩ đến tác giả – một nhà trí thức đã từng, trong một thời gian dài, đem tâm trí mình đi vào những suy niệm triết học xưa nay, nghiền ngẫm đến cả những thành tựu của khoa học để rồi cuối cùng trở về “mơ màng trên những trang kinh xưa” của Phật. Cuộc sống vẫn đầy những biến động, tâm thức con người vẫn thường xuyên chạm mặt với những điều bí ẩn, nhưng khát vọng chân lý vẫn cứ là một khát vọng muôn đời. Và với khát vọng này trong trường hợp của tác giả, Đạo Phật đã như một con đường còn lại sau cùng mở ra thênh thang khi mà tất cả những ngã đường khác đã lâm vào chỗ bế tắc.

Xúc động cũng vì nghĩ đến tác phẩm, dù có thể không phải đã là những kiến giải rốt ráo về kinh điển Đại Thừa Phật Giáo, điều mà không ai có thể tự nhận là làm được trọn vẹn – nhưng ít nhiều, đã nói lên được một phần rất lớn, hoài vọng của những thế hệ học Phật gần đây và ngày nay – những thế hệ sinh ra và lớn lên trong một thời đại có nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều đổ vỡ của nền văn minh khoa học. Hoài vọng đó sẽ thành tựu hay không và thành tựu như thế nào là một chuyện. Nhưng điều đáng nói ở đây là, dù ít dù nhiều, tác phẩm này cũng sẽ đóng góp vào việc mở đường cho những tâm trí đã từng bị chi phối bởi những kiến giải của khoa học tìm tới được với Đạo Phật.

Và với những tâm trí không bị chi phối nặng nề bởi những kiến giải của khoa học này thì điều mà tác phẩm có thể mang lại là một niềm xác tín vững chắc hơn đối với kinh điển Đại Thừa.

Tác dụng của kinh là tăng-thượng-tâm cho chúng sanh. Tâm đây là Bồ Đề Tâm, là Diệu Giác – Chân Tâm, là Phật Tâm. Có được một niềm xác tín vững chắc, tác dụng của kinh cũng là điều vững chắc. Cửa ngõ vào Đạo từ đó cũng sẽ mở ra vững chắc.

Chính với niềm xúc động đó mà tôi tưởng đến lời tán thán của người xưa:

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.

để chân thành viết ra lời tựa này.

Los Angeles, Chùa Việt Nam,
Vu Lan năm Nhâm Tuất (1982)
THÍCH MÃN GIÁC

 

LỜI DẪN

Tôi mạo muội cầm bút viết mấy trang sau đây, trước hết là để tạ hồng ân của chư Phật, của Kinh đã soi sáng cho mình và rửa sạch những lớp lưới nghi trùng trùng trong tâm thức.

Sau là để gây cơ duyên với những ai muốn phát tâm đọc kinh, muốn nhập vào cảnh giới thâm diệu của kinh, nhưng còn vướng nhiều bởi những tập quán nhận thức nhị biên của thế gian trí… Những vị đó, trên con đường tìm hiểu cái bí ẩn của vũ trụ và kiếp sống, vẫn còn vướng nhiều bởi những khái niệm của khoa học thần tượng. Và chưa nhận rõ ràng chính khoa học ngày nay cũng đã bắt buộc phải thay đổi nhiều những tập quán suy tư trước kia, khi bước vào lĩnh vực cực đại và cực vi. Xét kỹ, khoa học ngày nay đã mang một tính chất có vẻ như huyền thoại, và chiều hướng mới này mặc nhiên đã ngả theo những lời giảng dạy trong những trang kinh xưa.

Sau nữa là để kết cơ duyên với những ai, do những cội căn lành đã trồng từ nhiều kiếp trong vô thức, nên nay đã có sẵn nền tín căn sâu chắc, nhưng còn bỡ ngỡ trước rừng rậm danh từ của kinh sách, và chưa biết quyết định cách nào để lý giải rõ ràng và vững chãi niềm tín giải của mình…

***

Thực ra thì trong kiếp giảm này, không có mấy ai có lòng thành thực lại dám nói rằng mình hiểu được kinh sách. Thực ra, chỉ có những bậc tu chứng khá cao rồi, mới hiểu được một phần lời kinh xưa. Và chỉ có Phật với Phật mới hiểu trọn vẹn được lời kinh thôi.

Vì sao?

Vì những lời kinh xưa thường như hư như thực, nhưng tuy như hư như thực, chân lý của kinh vẫn là một thứ thiên la địa võng bao trùm các cõi và pháp giới không ngằn mé… Và cũng vì những trang kinh Đại thừa thường khi chỉ mô tả những cảnh giới siêu xuất bất tư nghi của những cơn tam-muội rất sâu, mà kẻ phàm phu chúng ta khó thể lãnh hội nổi… Bởi thế, mỗi khi nói những bộ kinh lớn, chư Phật thường hay nhập những cơn Định rất sâu, rồi mới nói kinh.

Kẻ viết mấy giồng này, tự biết mình nhiều phiền não chất ngất, vô minh dầy dặc, và đối với ngưỡng cửa của những cơn tam-muội nhỏ nhoi, vẫn lảng vảng đứng xa hàng ngàn dặm… Chỉ được cái hạnh ngộ, không biết do một chút căn lành nào lây lất rớt lại từ kiếp nào, nên thích đọc kinh, đôi khi say mê đọc kinh, và thường hay mơ màng hàng giờ trên những trang kinh xưa…

Nên tập sách nhỏ này chỉ là kết quả của sự suy tư mơ màng ấy. Cố gắng viết ra, chỉ là mong góp ý và gợi ý với những ai muốn phát tâm đọc kinh… Nếu có những lời nào lỗ mỗ hoặc sai lạc với ý kinh, thì kẻ viết cũng xin được sám hối và miễn thứ.

Nếu có gặt hái được một chút công đức nào, thì cũng xin hồi hướng cho cái pháp giới vừa bao la vừa nhỏ nhiệm này… Để cầu xin cho toàn thể pháp giới đều vãng sanh Lạc quốc, nơi xứ sở của những quang minh vô lượng…