LĂNG NGHIÊM ẢNH HIỆN
(Tiểu luận về Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương)
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

LỜI DẪN CỦA TÁC GIẢ

Tôi mạo muội viết tập tiểu-luận này để góp ý cùng gợi ý, và cũng để kết cơ-duyên với những bạn đang muốn phát tâm đọc tụng kinh Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương, hoặc đã phát tâm đọc tụng nhưng còn thao thức về ý nghĩa u-huyền ẩn mật của Kinh. Để cùng nhau tìm một lối lý giải có thể hiểu được, vì thời đại ngày nay là thời đại lý giải.

Lâu đài giáo lý mà Chư Phật Thế Tôn đã xiển minh là một tòa Diệu-Trang-Nghiêm-Vương-Các, mà xưa kia, ki ngài Thiện tài đồng tử đến vấn Đạo ngài Di Lặc Đại Bồ tát, đã được nhìn thấy sự BIẾN HIỆN của mọi ảnh tượng chập chùng….Do đó, tâm thức trở thành vi-tế nhỏ nhiệm, tâm nhãn của Đệ bát thức được hé mở, và thể nhập được pháp giới…Tòa Diệu-trang-nghiêm-vương-Các ấy chẳng phải là vật gì xa lạ,cũng chẳng được xây dựng bằng một Vật gì hết, nó chính là Pháp-giới-Hoa-tạng-Tỳ-lô này, và chỉ được dệt nên bởi vô vàn những TÂM NIỆM từ vô thủy của mỗi tâm chúng sanh, DỆT nên bởi những ÁNH BIẾN HIỆN của tâm đó. Đồng thời, cũng được an lập bởi những thiên-la-võng quang-minh vô cấu của thần-lực-hải cùng nguyện-lực-hải của Chư Phật cùng Đại Bồ tát…Khoa Vật lý học cực vi ngày nay đã bắt đầu nhận thấy rằng những cái mà họ gọi là Cực-vi ấy, chúng hình như chẳng có vẻ gì là lượng-tử hết, chẳng có vẻ gì là Vật, chúng thường biến ảo chập chùng, và có vẻ giống như những ba-động-quang-minh, giống như những ánh-biến-hiện của quang minh trong cái màn-vũ-diệu vô cùng vô tận của mọi thứ thiên-la-võng quang minh…Và những quang minh ấy thì từ đâu mà lưu xuất?…Chúng đều lưu xuất từ những tâm-thức đầy tình nhiễm cùng vọng tưởng của chúng sanh, cũng như lưu xuất từ cái Diệu tâm vô cấu của Chư Phật cùng Bồ tát.

Cho nên, Pháp giới Diệu trang nghiêm này bắt rễ và nở ra ở nơi Lý Duy tâm sở hiện….Đó là Chân lý tối thượng, và Chư Phật Thế tôn xuất hiện nơi đời nhiều như vi trần, cũng chỉ là cốt nhắc nhở chúng sanh về cái Thông-điệp vi mật ấy…Trong pháp hội Lăng già, Phật thường chỉ nhắc đi nhắc lại điểm đó, và cũng nhắc đi nhắc lại về cái diễn trình của Tâm chuyển thành Thức. Và trong pháp hội Lăng nghiêm, thì về sau cùng, Phật đã giảng lại kỹ càng cho ngài A nan nghe về sự biến hiện của cái Thức đó: biến hiện thành vọng-tưởng KIÊN CỐ tức là Sắc ấm thô kệch, thành vọng tưởng HƯ MINH tức là Thọ ấm lung chừng nửa tâm nửa vật và đi sát với Sắc ấm, thành vọng tưởng DUNG THÔNG tức là Tưởng ấm có khả năng thẩm thấu cả bên trong lẫn bên ngoài, thành vọng tưởng U ẨN tức là Hành ấm nó chính là cái Sức hiện hành của chủng tử nghiệp lực khiến cho các ấm đều trôi-lăn-lưu-chuyển tương-tợ-tương-tục, thành vọng tưởng HƯ VÔ VI TẾ tức là Thức ấm của Đệ bát thức sơ-năng-biến tức là cỗi nguồn của pháp giới huyễn hiện hư vọng…Cho nên, có thể nói rằng Phật pháp thâu gồm các pháp thế gian cùng xuất thế gian, siêu vượt mọi chân lý, siêu vượt nền vật lý học cực vi cùng khoa phân tâm học hiện đại đương muốn thăm dò Tiềm thức cùng Vô thức.

Chân lý Duy tâm sở hiện thường được cô đọng trong câu: Tam giới duy tâmvạn pháp duy thức.

Từ cái Biển Diệu tâm Biến hiện ấy, lưu xuất ra những giòng giáo lý để triển khai ý nghĩa vi mật…Lưu xuất ra giáo lý diệu nghiêm vĩ đại của Hoa Nghiêm, nói về pháp giới Hoa tạng trùng-trùng-huyễn-khởi, trùng-trùng-thẩm-thấu viên dung vô ngại, trùng-trùng-biến-ảo, vì đều là những ánh biến hiện của quang minh, của Tỳ-lô-tánh-hải. Và những bài kệ nhiều như sao sa của Hoa nghiêm thường chỉ là tán thán Lý Duy tâm sở hiện cùng tán thán diệu dụng của quang minh…Lưu xuất ra hệ thống Bát nhã với giáo lý Tánh Không cùng lối nhìn Như-huyễn và nguồn Thiền quán chiếu Như-huyễn. và Kinh Lăng Nghiêm cũng chỉ là nhằm giảng dạy về pháp môn quán chiếu Như-huyễn…. Lưu xuất ra hệ thống Duy thức giảng dạy về lịch trình biến hiện của Thức thành các thứ pháp tướng… Lưu xuất ra từ nguồn Tịnh cùng pháp môn Vãng sanh Tịnh độ, dùng câu niệm Phật và nương vào thần lực của Đức A Di Đà để huân tập cùng thanh tịnh hóa những quang minh của đệ bát thức, để đưa tâm thức chúng sanh từ nơi bình diện ý thức lọt được vào Đệ bát thức tứa A lại da thức. Vào được đến đó rồi, thì sẽ thấy rằng Đức A Di Đà tánh cùng Đức A Di Đà Tây phương cũng chỉ là một, và sự vãng sanh của hành giả cũng chỉ là một tuồng biến hiện của những quang minh của A lại da thức của chính hành giả…Lưu xuất ra hệ thống Mật tông, tức là Tự môndùng sức quán chiếu cùng nương vào thần lực của những nguyên-ngôn hay mật-ngôn. Những mật ngôn này đều lưu xuất từ Chân như, từ Diệu tâm vô niệm, nên cũng tương tự như những ba-động quang minh có đủ thần lực để chuyển vật, để tạo vật, và đưa hành giả trở về chứng nhập Diệu tâmKinh Lăng Nghiêm vừa đứng ở nguồn Thiền quán chiếu Như-huyễn lại vừa đứng ở hệ thống Tự môn của Mật tông, vì Kinh dạy rằng: Chư Như Lai thường nương vào thần chú Đại Phật đảnh để thành tựu đạo quả vô thượng. Do vị trí ấy, nên tầm mức của Kinh cực kỳ quan trọng. Và cũng bởi thế, nên nhiều vị thiền sư cũng như phái Thiền Trúc Lâm xưa kia củ Việt Nam thường siêng năng trì tụng chú Thủ Lăng Nghiêm.

Nói tóm lại, thì chân lý Duy tâm sở hiện cùng giáo lý Như-huyễn thường bang bạc và bao trùm các Kinh Đại thừaKinh Hoa Nghiêm diễn nói về Hoa tạng Tỳ lô Như-huyễn và Bất khả-thuyết…Kinh Kim Cang cùng Đại Bát Nhã diễn nói về Mộng-ảo-bào-ảnh-lộ-diễn Như-huyễn, để đưa hành giả tới Kim cang tam muội…Kinh Duy ma và Viên giác cũng diễn nói Như-huyễn…Luận Đại thừa Khởi tín cũng sạy quán chiếu Sanh-diệt-môn Như-huyễn để chứng nhập Chân như tam muội…Còn Kinh Lăng Nghiêm thì dạy lối quán chiếu Huyễn-khởi-trùng-trùng-tương-ưng để nhập Như-huyễn tam ma đề, tức Định Thủ Lăng Nghiêm.

Theo Kinh Đại bát nhã cùng Đại Bát niết bàn, thì Kim cang tam muội và Chân như tam muội và Như-huyễn tam muội và Thủ Lăng Nghiêm tam muội chỉ là một…Về Định này, thì các Đại Bồ tát từ Đệ-thập-địa trở lên mới có thể chứng nhập gần như trọn vẹn. Nhập được định này rồi, thì có thể biết được hết các hành-xứ của các tam muội khác, và có thể chuyển tam muội một cách rất mau lẹ thần kỳ…Vì sao vậy? Có lẽ là vì những quang minh tâm thức của các bậc Đại Bồ tát, do sức quán chiếu thâm sâu, đã trở thành tột bực vi-tế rồi, gần như vô tướng mạo, vô hình vô ảnh, nên có thể thay đổi nhịp điệu rung chuyển một cách mau lẹ dễ dàng. Tuyệt kỹ thần kỳ của các Đại Bồ tát trong việc chuyển liên miên từ tam muội này sang tam muội khác, trong kinh gọi là Sư tử Phấn tấn, vì cũng lanh lẹ dễ dàng oai nghiêm như những oai nghi tiến thoái của Sư tử Chúa vậy…Đồng thời với đại định Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã cũng nhắc đến Tịnh-quang-tam-muội, vì ở tam muội này, hành giả có thể gột sạch những cấu-uế trong quang minh tâm thức, để trở thành vô cấu, và càng vô cấu bao nhiêu, lại càng lẹ làng ứng-hiện bấy nhiêu….

Cho nên, Tâm của chúng ta cũng như Tâm của Chư Phật, quả thực sự là một Đại-Ảo-sư, còn cái thân chúng ta, ù lỳ, bất tịnh và bịnh hoạn chỉ là một đại-ảo-thành mà thôi.

* * *

Diễn giải về giáo lý nhà Phật, là một việc khó khăn hơn những việc khác. Vì sao?…Chỉ là cần phải diễn nói từ cái vô hình, vô tướng mạo chuyển sang những cái có hình tướng, có tướng mạo, rồi lại phải chuyển từ những cái này để trở về cái vô tướng mạo kia. Diễn nói về cái diễn-trình từ Tâm chuyển thành Thức, rồi lại chuyển thành những tâm-sở thuộc Thọ Tưởng Hành ấm, rồi chuyển thành những sắc tướng thô kệch thuộc Sắc ấm. Rồi lại từ những ấm đó, quán chiếu Như-huyễn để trở về nơi biển Diệu tâm.

Chúng ta từ thời vô thủytrải qua vô lượng kiếp, thường chỉ quen trụ cái tâm mình, cái nhận thức của mình, ở một bình diện quá thô kệch, ở ý thức, ở Sắc-Thọ-Tưởng ấm và một chút Hành ấm, ở kích-độ của những sự vật thông thường cùng với sự suy nghĩ phân biệt nhị biên, cộng với một ít ý-chí để thi vi tạo tác, nên thường bám chặt vào những cái sanh-diệt và có hình tướng ấy để trôi-lăn-lưu-chuyển. Tập khí tức tập-quán nhận thức và sinh hoạt ấy, đã bắt rễ quá sâu vào tâm thức chúng ta khiến quên lãng hẳn cái VÔ TƯỚNG MẠO, quên rằng chính cái Vô tướng mạo ấy, cái thường hằng ấy mới thực là cỗi nguồn của pháp giới cùng thân tâm ta…Nên khi đọc kinh sách thấy nhắc nhở đến việc lìa tướng để trở về chứng nhập cái biển Vô tướng mạo, thì đa số chúng ta đều ngớ người ra, và sa vào hố kinh nghi… Do những tập khí huân tập ấy, nên ta thường phân chia cách biệt TÂM và VẬT, cách biệt gần như tuyệt đối. Không hiểu rằng hai cái đó chỉ là những ý-niệm dựng lập nên bởi nhận thức của chúng sanh, ý-niệm giả lập, và chỉ là hai khía cạnh phát hiện hay huyễn hiện của Thực tại…Hai cái đó vốn thường bàng bạc chập chùng thường thẩm thấu lẫn nhau, cái nọ chuyển thành cái kia và ngược lại. Và không có một giây phút nào, một sát na nào, mà sự chuyển hóa mênh mang vô cùng tận ấy không liên miên tiếp diễnTỷ dụ như khi ta nghĩ tới quả mơ chua, thì nước miếng ứa ra: đó là tâm tưởng chuyển thành Vật. Cây cỏ mọc, thân xác lớn lên theo từng sát na,…cũng một phần là Tâm chuyển thành Vật….Và cũng không có một sát na nào, mà không có hàng loạt vô lượng những lượng-tử cực vi chuyển hình TAN BIẾN vào một bình diện vô hình tướng hơn, để trở về với biển Vô tướng mạo của Chân không, như ngày nay nền vật lý học cực vi đã bắt đầu nhận thấy (tỷ dụ như trường hợp hạt tử Neutrino hay là energy missing chẳng hạn…) Cho nên, Phật tử chúng ta cần nhớ lại lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm, và hiểu rằng Vật chỉ là Tâm thô kệch, do những tâm tưởng thô kệch, do những vọng-tưởng kiên-cố từ vô thủy kết đọng lại và dệt nên mà thôi. Còn tâm tưởng thì lại là những sắc-tướng vi-tế, những vô-biểu-sắc, mà giác quan chúng ta không tế nhận nổi. Khi nào có thiên nhãn thông hoặc tha-tâm-thông thì sẽ thấy. Do đó, nên ngài Di lặc dạy: “Trong 1 đờn chỉ, có 32 ngàn ức niệmmỗi niệm là một hình-tướng. Nếu người nào có thể bớt đi 1 niệm thực thì tức là bớt đi 1 hình tướng, và đối với người đó, có thể hẹn ngày thanh tịnh được…”

Đi vào Kinh Lăng Nghiêm dĩ nhiên là một cuộc hành trình gian khổ khó khăn. Nhưng vẫn phải đi vào, vì đó là kho tang châu báu bí-tạng của Chư Phật. Nếu không lặn lội đi vào, thì thực là uổng một kiếp túc duyên gặp gỡ, vì Lăng Nghiêm là bộ kinh kỳ-bí nhất…

– Phật giảng kinh này cho những bậc Thanh văn cao để chuyển vào biển Tâm của Đại thừa…Những bậc này đã quá quen thuộc với thiền quán, quen quán nhân-duyên, quán về giới-phân-biệt, quen những dữ-kiện về Duy thức học…nên dễ dàng nhận định về 5 ấm, về 7 đại, về Kiến đại và Thức đại, cũng như nhận định về Căn-Trần-Thức…Trong khi chúng ta thường là kẻ phàm phu ngu giả¸chưa quen phân biệt giữa Thức với Căn chẳng hạn, nên đều bỡ ngỡ trước những danh từ cùng dữ-kiện đó.

– Lối giảng dạy của kinh Đại thừa bao giờ cũng ẩn mật, nửa ẨN nửa HIỆN. Phật thường chỉ bộc lộ và chỉ dẫn 1 phần, còn 1 phần là do chúng ta phải bì bõm tư duy lấy để hiểu.

– Trong kinh và nhất là trong đoạn Thâu 5 ấm, 7 đại và 18 giới Căn-Trần-Thức về Tâm, Phật thường dùng lối Luận lý Phủ định Trung quán để vô-lý-hóa hết thảy mọi ý-niệm luận thuyết của thế gian và ngoại đạo, và đã phá những kiến chấp mà chúng ta thường mắc phải: kiến chấp về Ngã, về Thường còn, hoặc ta kiến chấp rằng có vật này sanh ra vật kia…Lối luận lý này cốt nhằm chứng minh rằng: mọi vật, mọi hiện tượng, mọi pháp đều chẳng phải là Tự mình sanh ra mình, cũng chẳng phải là từ Cái-khác sanh ra, cũng chẳng phải là Mình cộng với hoặc hòa hợp với Cái-khác mà sanh ra, cũng chẳng phải là Tự nhiên hay Ngẫu nhiên mà sanh ra.

Là vì sao?

Là vì tất cả các pháp đều nằm trong cái Vòng-nhân-duyên-tương-duyên-tuyên-sanh, và chính cái vòng đó cũng chỉ là HUYỄN HIỆN TƯƠNG ƯNG…Huyễn hiện của Thức tâm, và đều từ cái Biển Diệu tâm mà lưu xuất ra.

Bởi thế nên khó vào.

– Ngoài ra, sự phân biệt nhận định giữa Kiến đại và Thức đại cũng khá khó khăn. Kiến đại tức Cái Thấy-nghe-hay-biết, hồn nhiên và không nhiễm vọng tình nên dễ đứng lặng như nước hồ thu, là con đường để trở về Diệu tâm, là con đường mà ngài Đại thế Chí đã dùng để trở về Diệu tâm hay Đức A Di Đà. Trong khi thức đại lại là con đường đi vào Vọng tưởng, vào khởi vọng, vào vọng tình nên luôn luôn giao động lao xao như ngọn gió lùa vào những cụm lá rừng thông…Thế mà đôi khi, hai cái đó có vẻ hình như giống nhau. Nên khó phân biệt.

Căn-trần-thức cũng vậy, gắn bó đắm nhiễm với nhau, nên khó phân biệt.

Lại nữa, Thức vốn là một cái gì Năng Biến, tức là hay biến hiện. Và sự biến hiện của nó lại hình như có mấy lớp vọng-hóa, từ tế đến thô….Vì phải nắm bắt mấy thứ vô hình tướng ấy, nên người đọc tụng kinh dễ phân vân lạc lối….

* * *

Thực ra, có lẽ chẳng có mấy ai có thể hiểu được nhiều về Kinh Đại thừa hay Lăng Nghiêm. Chỉ trừ những bậc Đại Bồ tát đã nhập những cơn tam muội lớn, mới nhìn rõ những cảnh giới của lời Kinh.

Phàm phu chúng ta chỉ cầu mong hiểu sơ lược ít nhiều yếu chỉ, để khởi được niềm tín giải. Nhưng khởi được tín giải rồi, thì có thể đi vào hạnh nguyện, thì có thể đi vào hạnh nguyện, và dù gió nghiệp có nổi dậy ào ào, cũng vẫn có hy vọng giữ được tín-căn không hoại….Vì Chân lý đã đành rành như vậy rồi, pháp-nhĩ là Như thịnếu không chịu tin thì còn tin vào cái gì đây?!?

Những trang sau đây sẽ cố gắng diễn giải sơ lược, nhưng theo sự hiểu biết của người thời nay, để được dễ hiểu hơn về những điểm ách yếu của Kinh…Diễn giải về cái Biển uyên-nguyên Chân-tâm-diệu-minh. Về sự nổi lên của Vô minh Bất giác, tức là Niệm-mê-mờ-vô-thủy hay là Tự tâm thủ Tự tâm. Do đó, Tâm biến thành Thức. Về cái vòng huyễn-hiện của Thức biến, khiến ảnh-hiện nên những ảnh-tượng về 5 ấm, 7 đại, cùng Căn-trần-thức, về Kiến đại…cùng Thức đại…Về cái bí ẩn của Bộ Ba Căn-Trần-Thức (Misterry of the trinity, tức là chữ Y gồm 3 điểm **trong nhà Phật), và Lẽ Trùng-trùng-Huyễn-khởi-Tương-Ưng…Về con đường Trở về Diệu Tâm của con cá Tích, tức là Nguồn Thiền Quán Chiếu Như Huyễn qua kinh Lăng NghiêmViên Giác và luận Khởi Tín…Về những ma chướng (ngoại ma cùng nội ma) trên con đường trở về….Và về thần lực của chú Đại Phật Đảnhcần thiết để gia trì khiến hành giả lọt vào Tàng thức và gột nổi những phẩm vô minh vi tế cuối cùng và trôi vào Biển giác vô sở đắc….

 


 

TỰA

Phật giáo ngày nay không xa lạ với nhân loại, vì có nhân loại nên có Phật giáo, như bóng với hình vậy. Sự sống hàng ngày của nhân loại như cái bóng của vũ trụ. Mỗi người là cái bóng, nên mỗi người sống với cái bóng của mỗi người. Bóng vui chúng ta vui, bóng buồn chúng ta buồn. Do đó, Phật dạy cho mỗi người “CÁI BIẾT” (Bát chánh đạo) để mà sống – Khôn thì sống, bống thì chết – Về phương diện tâm linh, con người hãy tự giải thoát cho chính mình, không cần quỵ lụy hay cầu xin bất cứ thần linh nào cả. Thiên đàng hay Cực Lạc không phải là nới để chúng ta về hưởng nhàn. Về phương diện siêu hình, đôi khi kẻ Phạm Chí có cật vấn Phật, Phật chỉ mỉm cười hay đôi khi ngồi lặng thinh. Nụ cười của Phật chắc cũng dễ hiểu – vì nếu muốn dùng ngôn ngữ của một thế hệ (100 năm) để diễn đạt những việc trừu tượng trong vô lượng kiếp thì chúng ta không có tiếng để mà nói. Ai cũng biết ông bà nội sinh ra bố chúng ta, cao hơn nữa là cao tằng tỗ, rồi trước cao tằng tỗ là ai? – Chịu. Do đó, Đức Phật Ngài mỉm cười không phải là không có ý nghĩa.Vả lại, Đạo của Ngài không phải là Đạo bàn cải hay lý luận như một số Thắng luận sư đương thời. Đạo của Ngài được đặt trên nền tảng khổ đau giữa sự sống và chết, chứ không phải đặt trên nền tảng lời hay lỗ rồi bàn tính để tìm ra thị trường cho tốt. Lý do, tại sao Ngài đặt nền tảng căn bản giáo lý giữa sự đau khổ và sống chết, là vì có sinh có chết, và sự sống chết ngoài ý muốn của mỗi người. Mình đã không làm chủ được sự sống chết của mình, thì sự bàn cãi của mình chẳng qua là lời nói suông. Do đó Đức Như Lai đã từng nói: “Suốt 45 năm hóa độ chúng sanh, Như Lai chưa nói một lời.” Như thế, Phật tử sẽ đặt nghi vấn – Tam Tạng kinh điển là gì? Ai nói? Nói khi nào? – Để trả lời, hãy xin đọc:

“ Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A – Hàm thập nhị, Phương Đẵng bát.
Nhị thập nhị tam Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa Niết Bàn cộng bát niên.

Theo ý nghĩa bài kệ của ngài Hiền Thủ vừa nêu trên, sau khi giác ngộ, Phật thuyết lý thâm mộ cho hàng thượng thừa nghe. Chúng sanh thấp kém không hiểu được nên Phật thuyết về tội phước báo ứng để độ chúng sanh căn tánh thấp kém đó. Rồi từ thấp Phật hướng dẫn chúng sanh từ từ lên hàng trung thừa. Sự diễn giải này Phật Giáo Nam Tông không chấp nhận. Nói cho rõ hơn, Kinh của Phật giáo Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa….không có trong tam tạng của Phật Giáo Nam Tông. Kinh của Nam Tông gồm có: Dìgha Nikàya, Majjhima Nikàya, Samyutta Nikàya, Anguttar Nikàya và Khuddaka Nikàya. Nếu vậy thì cả kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa không phải Phật nói sao? Đến đây xin giở lại trang sử của Phật Giáo lúc khởi nguyên. Theo sử sách của Nam hay Bắc Tông, cũng như các bia đá của vua Ashoka, Gupta và Kanishaka còn giữ lại đến ngày nay đều đồng ý rằng ( Xin đọc quyển History of Indian Vol.II của Maurice Winternitz) thuở Phật còn tại thế, chỉ có một Tăng đoàn duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đức Sakya Muni, không có Đại hay Tiểu Thừa, Nam hay Bắc Tông. Tăng đoàn này được duy trì cho đến sau khi Phật nhập niết bàn 100 năm. Đến kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ hai tại Vaisali, có sự xung đột mãnh liệt giữa Ngài Yasa, con của ngài Kàkandaka với các hàng chư tăng trẻ tuổi về mười điều giới luật nhỏ nhặt. Rồi từ đấy, Tăng đoàn chia ra hai nhóm. Nhóm trẻ và đông nhất gọi là Đại Chúng Bộ (Mahàsanghika), nhóm thứ hai gồm người già và ít được gọi là Mahàthera. Giáo đoàn từ đấy càng ngày càng đi sâu vào hố chia rẽ… Dĩ nhiên Kinh Luật và Luận của mỗi Tông Phái sắp đặt đều có sự khác nhau. Mỗi học giả của mỗi tông phái lấy ý chính của Phật trong các Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm….(Hai bộ kinh này ngày nay được các nhà học Phật Á cũng như Âu cũng như các nhà Khảo Cổ học cho là tác phẩm của Phật. Những tảng đá có khắc một vài kinh trong bộ Trường A Hàm đã tìm thấy ở thung lung Gilgitt (Pakistan) Bapyam (Afghanistan) Kashmir (India) và Svayambhu (Nepal) – và cộng thêm những truyết thuyết đương thời của Ấn Độ để làm thành những bộ kinh bất hủ của Phật Giáo ngày nay.

Cái hay của Phật Giáo không phải những mớ giáo lý cứng nhắc trong Tam Tạng Kinh điển. Cái hay của Phật Giáo phát xuất từ cái hay nhất của nhân loại theo từng địa phương. Ngày nào nhân loại còn đau khổ, ngày đó lời dạy của Phật còn có giá trị. Nói cho dễ hiểu, chúng sanh cần Phật như cây cỏ bị nắng hạn cần nước. Người vật cây cỏ thiếu nước là chết. Anh thiếu Phật tánh, Anh sẽ vĩnh viển khổ đau. Anh không thích Phật Giáo, anh có thể đốt Phật phá chùa, nhưng lời dạy của Phật làm sao anh từ chối được? Anh ghét nước, anh có thể đổ nước đi hay làm cho nước dơ bẩn, chứ anh không thể nào làm mất phẩm chất của nước được. Cái hay của Phật Giáo là ở chỗ đó. Do đó, người học Phật như con ong hút nhị hoa. Bông nào có mật là ong đến lấy, có lẽ ong chả phân biệt bông ấy tốt hay xấu. Nói như thế để quý vị có sự dung thông về Đại hay Tiểu Thừa Phật Giáo. Thành thật mà nói có nhiều phần giáo lý của Phật Giáo, nhưng không phải từ kim khẩu của Phật nói ra. Chẳng hạn như Thập nhị nhân duyên được ghi trong bộ Trường A Hàm, cùng một kinh Sơ Đại Bổn, nhưng có sự khác biệt giữa Pàli Tạng và Tạng chữ Trung Hoa. Trong Tạng chữ Tàu đủ 12 nhân duyên, nhưng trong Pàli Tạng chỉ có 10 duyên. Pàli thiếu duyên Hành và Si. Phật tử nhớ rằng những duyên này không phải không có trong Kinh Vệ – Đà của Ấn Độ Giáo.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nằm trong hệ thống Phương Đẳng. Trong bộ kinh này, có ba đặc điểm Đức Phật đề cập đến: Chân Không Diệu Hữu, Thiền Quán và Mật Ngôn. Chân Không Diệu Hữu và Thiền Quán, Nam và Bắc Tông luôn đề cập đến, về Mật Tông Pàli Tạng không bao giờ đề cập đến. Nam Tông cho Mật Tông là của ngoại đạo. Đến đây xin để độc giả thẩm định. Trong phạm vi nhỏ hẹp này không cho phép chúng tôi đề cập chi tiết. Điểm hay nhất trong bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật cùng Quang Minh diệu hữu để chỉ rõ chân tâm của chúng sanh trong vô lượng kiếp về trước. Nhưng nếu chúng ta không khéo thì dầu có tu trong vô lượng kiếp đi nữa, nghiệp lực hải chưa chắc đoạn tuyệt được. Nhưng theo Phật thì:

“Nhất niệm viên quang tội tánh không
Đẳng đồng pháp giời hằng thanh tịnh”…

Đấy, Phật chúng sanh chỉ khác nhau ở chỗ nhất niệm có viên quang hay không. Pháp giới có mênh mang hay không, hay chỉ là: “ Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. Chữ “Nhất niệm viên quang” vừa nghe thì nhẹ nhàng ai cũng có thể thực hành được. Nhưng làm thế nào để diệt được nghiệp lực hải? Chính nghiệp lực hải tác tạo nên vũ trụ vạn hữu, sanh tử luân hồi đều do nghiệp lực cả. Vậy nghiệp lực là gì? Dĩ nhiên lực là sức mạnh, nhưng không phải sức mạnh của thể xác hay máy móc, mà là sức mạnh của:

“Thập truyền thập sử tích thành hữu lậu chi nhân
Lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội”

Chẳng hạn như dẫn lực của tình yêu vừa chớm nở, anh ấy sẵn sàng: “Mấy truông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua.” Mới vừa chớm nở, dẫn lực đã phi thường như thế, huống nữa đã thương nhau trong vô lượng kiếp, dẫn lực mạnh dường nào?…Hơn nữa, dẫn lực theo triết học Ấn Độ giáo có tầm mức rất ư quan trọng. Theo thuyết này, vũ trụ gồm có:

– Vật chất (Akasha)

– Dẩn lực (Prana)

Trong vũ trụ có hàng triệu triệu hình thức khác nhau, nhưng cùng một thể chất. Từ mùi hương thơm cho đến màu sắc do cực vi điện tử (Paramanu) tạo nên. Triết gia hiện đại, S.Vivekananda nói:”Mặt trời mặt trăng và con người là một, không có sự khác biệt.” (Les yogas pratiques trang 402). Akasha tự nhiên không tác tạo ra gì cả, phải có Prana hay dẫn lực để tác tạo nên vũ trụ vạn hữu, và ngay cả tế bào li nhi trong cơ thể của chúng ta nữa. Trong hạt nhân Paramanu, có sự chuyển động như hệ thống mặt trăng và trái đất quay chung quanh mặt trời.

Theo truyết thuyết vừa nêu trên, chúng ta có thể suy luận rằng: Muốn điều khiển Prana ngay chính trong bản thân của chúng ta. Khi điều khiển dẫn lực chính bản thân của chúng ta được, chúng ta trừ được bệnh tật. Tự trừ được bệnh tật của chúng ta, chúng ta có thể trị bệnh cho bất cứ ai. Trường hợp dùng thần lực hải để trị bệnh cho người điên hay bệnh nan y là chính điều khiển Prana này vậy. Người hùng mạnh là người có thần lực mạnh. Bậc vĩ nhân là bậc điều khiển được Prana. Nhà tiên tri là nhà điều khiển được Prana, chứ vị ấy đâu có bùa ngải gì đâu? Đã điều khiển được Prana, quý vị có thể điều khiển được vũ trụ vạn hữu, khi đó quý vị có thể mang mặt trời hay mặt trăng nhét vào hạt cải chả khó khăn gì. Do đó, Đức Quán Thế Âm ngài chỉ dùng: “ Nhứt đích tài triêm thập phương câu tịnh”

Tóm lại, người tu muốn điều khiển Prana phải tu tâm để có thần lực hải để diệt nghiệp lực hải. Muốn tu tâm, xin quý vị đọc cho kỹ bộ Kinh Thủ Nghiêm, Đức Phật đã chỉ rõ thế nào là vọng tâm, thế nào là chân tâm? Và nếu ý nghĩa thâm trầm quá, quý vị không lãnh hội ý nghĩa, xin quý vị đọc Tiểu Luận về Kinh Lăng Nghiêm Vương của Cụ Nghiêm Xuân Hồng. Có lẽ, nghiền ngẫm nhiều năm, nên Cụ diễn đạt một cách rất khéo léo từ cách dùng ngôn từ cho đến cách thâm giải giáo lý Phật Đà. Điểm đặc biệt trong quyển tiểu luận này, Cụ dùng chữ Quang Minh Ảnh Hiện để diễn giải mọi khía cạnh tâm thức thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: Như Mộng là gì? Hội ngộ cùng chia ly là gì? Trần là gì? Vật là gì?…. Nghĩa lý rất thâm uyên, nhưng cái khéo léo của Cụ làm độc giả say mê như đọc một mẩu chuyện hay và dễ nhớ hôn là đọc cả bộ Duy Thức Học.

Khoảng 40 năm trở lại đây, thỉnh thoảng có vài bộ Kinh Đại Thừa ra đời bằng tiếng Việt. Đa số những bộ Kinh này là dịch từ Hán Văn ra Việt Văn và có chú thích nhưng cũng chưa đủ để những nhà hâm mộ giáo lý của Phật nghiên cứu. Trong thời gian một hai năm gần đây, Cụ Nghiêm Xuân Hồng, cho ra đời ba quyển sách tương đối nhỏ- Lăng Kính Đại Thừa, Tánh Không và Kinh Kim Cang, và Lăng Nghiêm Ảnh Hiện – tầm mức giáo lý Đại Thừa rất thâm mật. Là nền tảng vững chắc cho những ai muốn đi sâu vào hệ thống Hoa Nghiêm và Bát Nhã thì không thể thờ ơ được.

Tôi xin khen ngợi công đức của cụ, và đồng thời trang trọng giới thiệu đến những Phật tử thích nghiên cứu giáo lý của Phật, nhất là giáo lý Đại thừa. Và hy vọng rằng quyển Lăng Nghiêm Ảnh Hiện sẽ giúp tất cả chúng ta , “xuất phiền não chi thâm uyên” để chúng ta cùng:”đáo Bồ Đề chi bỉ ngạn.”

Chùa Phật Tổ Long Beach
Mùa Vu – Lan 1983
Thượng Tọa Thích Thiện Thanh