Chú thích sơ lược
Kinh Năm Giới Tướng của Ưu Bà Tắc
Đời Lưu Tống, ngài Cầu Na Bạt Ma dịch Phạn Hán
Đời Minh, ngài Trí Húc chú thích
Thích Pháp Chánh dịch Hán Việt
Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2560, TL 2016
Kinh văn:
Tôi nghe như vầy. Một thời Phật tại nước Ca Tỳ La Vệ. Bấy giờ vua Tịnh Phạn đến nơi Phật ngự, đầu mặt lễ chân Phật xong, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Nay tôi có lời thỉnh cầu để được tự cứu vớt, cúi xin Thế tôn thương xót chỉ dạy.”
Phật dạy: “Được. Như lai sẽ thuận theo lời yêu cầu của phụ vương.”
Vua bạch Phật rằng: “Thế tôn, ngài đã vì Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni chế ra những điều khinh trọng của giới luật, cúi mong Như lai, cũng nên vì hàng Ưu bà tắc, phân biệt nói về năm giới, tội nào có thể sám hối, tội nào không thể sám hối, để cho họ biết giới tướng rõ ràng không còn nghi hoặc.”
Chú thích:
Nước Ca Tỳ La Vệ là nơi đức Phật sinh trưởng. Vua Tịnh Phạn là cha của đức Phật. Dùng phụ vương làm đương cơ để thỉnh cầu pháp tướng của năm giới, điều này chứng tỏ năm giới này là cha của chư Phật ba đời. Y vào giới này xuất sanh tất cả chư Phật ở mười phương ba đời. Lẽ nào chúng ta lại có thể xem thường!
Kinh văn:
Phật dạy: “Lành thay, lành thay, Cù Đàm. Như lai đã có ý niệm này, từ lâu đã có ý định phân biệt nói về năm giới của hàng Ưu bà tắc. Nếu có người thiện nam nào thọ trì không phạm, do nhân duyên ấy sẽ được thành Phật đạo. Còn như người phạm mà không sám hối thì thường ở trong ba đường ác.”
Chú thích:
Trên khế hợp với ý của Phật, dưới khế hợp với căn cơ chúng sanh, cho nên đức Phật khen “lành thay” hai lần. Cù Đàm là họ của vua. Các nước ở Tây vực gọi họ để biểu lộ sự cung kính. Nếu thọ trì không phạm ắt sẽ thành tựu quả Phật, còn nếu vi phạm mà không chịu sám hối ắt sẽ đọa lạc ba đường ác. Chúng sanh trong mười pháp giới không thể vượt qua giới hạn của năm giới này. Hỏi: “Thọ trì không phạm ắt thành tựu Phật đạo, vi phạm mà không sám hối ắt đọa ba đường ác, thế thì những người vi phạm mà biết sám hối có bị đọa ba đường ác không?” Đáp: “Người thọ trì mà vi phạm cũng sẽ thành tựu Phật đạo. Chỉ có những kẻ không thọ trì mới sẽ vĩnh viễn không có nhân duyên để thành Phật. Nếu vi phạm mà biết sám hối cũng không bị đọa ba đường ác. Thế nhưng vi phạm được phân làm ba loại khác nhau, sám hối cũng có ba loại khác biệt là tác pháp, thủ tướng và vô sanh. Đúng lý, nên tùy vào điều giới đã phạm mà giải thích chứ không thể nói một cách tổng quát.
Kinh văn:
Bấy giờ Đức Phật nói pháp cho vua Tịnh Phạn nghe. Nhà vua nghe xong, bèn đến trước đức Phật đảnh lễ, sau đó đi nhiễu quanh Phật rồi ra về. Phật đem nhân duyên này, bảo các tỳ kheo: “Ta nay sẽ vì hàng Ưu bà tắc nói về sự khinh trọng của việc phạm giới có thể sám hối, không thể sám hối.”
Các tỳ kheo đều bạch: “Xin vâng, chúng con xin muốn nghe.”
Chú thích:
Hỏi: “Luật nghi của tỳ kheo là pháp của Đại tăng, đương nhiên không thể cho phép người thế tục nghe biết. Hiện nay, năm giới tướng là học xứ của hàng ưu bà tắc, tại sao đức Phật không nói cho nhà vua nghe, mà lại đợi sau khi nhà vua đi khỏi, rồi mới thông báo nhân duyên này cho các tỳ kheo biết?”
Đáp: “Giới pháp của bảy chúng, đức Như Lai đều kết trước chúng tỳ kheo, do vì tỳ kheo là bậc tôn thượng trong bảy chúng, Phật pháp nương vào tăng bảo mà được an lập, cho nên nói: “Sau khi đức Phật diệt độ, chư ni phải nên từ tỳ kheo tăng mà học tập giới pháp.” Chư ni cũng thuộc hàng tỳ kheo mà còn phải tùy thuộc vào tỳ kheo tăng để học giới, huống chi năm giới của hàng tại gia mà lại không tùy thuộc tỳ kheo để học tập hay sao? Cho nên hiện nay đức Phật ở trước các vị tỳ kheo mà chế định năm giới pháp, ý chánh là muốn các ưu bà tắc phải nương vào chư tỳ kheo mà học giới.
Kinh văn:
1. GIỚI SÁT SANH.
Phật bảo các tỳ kheo: “Phạm giới sát có ba trường hợp: một là tự mình giết, hai là bảo người giết, ba là sai khiển người khác đi giết. Tự mình giết là tự thân mình giết chết đối phương. Bảo người giết là nói với người đó rằng: “Bắt kẻ ấy lại, và giết chết.” Sai khiển người khác đi giết là bảo người đó rằng: “Ông biết kẻ đó không? Ông hãy đi bắt và giết chết hắn.” Khi người được sai khiển tuân lời đi giết được đối phương thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Giới sát dùng năm duyên trở thành “không thể sám hối.”
(1) Đối phương là người (nghĩa là không phải là súc sanh, v.v…).
(2) Biết đó là người (nghĩa là kẻ phạm tội cố ý giết người).
(3) Có tâm sát hại (nghĩa là không phải ngộ sát).
(4) Thiết lập phương tiện để sát hại.
(5) Đối phương (người) bị chết. Hiện nay nói tự làm, dạy người, sai khiến, nghĩa là dùng tâm sát hại thiết lập phương tiện, cho nên lúc đối tượng bị giết chết, vị ưu bà tắc đó phạm tội không thể sám hối. Không thể sám hối có nghĩa là lúc bắt đầu thọ giới ưu bà tắc, sau khi thọ Tam quy y xong, đắc được giới thể vô tác, hiện nay phạm tội giết người, ắt sẽ bị mất giới thể vô tác, không còn là ưu bà tắc, không thể tác pháp sám hối. Vì không thể sám hối cho nên vĩnh viễn bị ném ra khỏi biển Phật pháp, gọi là biên tội, không còn có thể thọ lại Năm giới, không thể thọ giới Bát quan trai một ngày một đêm, cũng không thể thọ giới Sa di, giới Tỳ kheo, và giới Bồ tát. Người phạm chỉ có thể nương vào pháp Đại thừa, tu tập pháp Thủ tướng sám đến khi thành tựu, sau khi thấy được hảo tướng, thì mới cho người phạm thọ giới pháp Bồ tát, lại cũng cho phép họ thọ lại giới tỳ kheo, mười giới, tám giới, và năm giới, v.v… Lúc ấy, tội phá giới, tuy do tu tập Thủ tướng sám khiến tiêu diệt, không còn bị đọa vào ba đường ác, thế nhưng, tánh tội của thế gian vẫn còn tồn tại, đến lúc nhân duyên đầy đủ, người phạm tội vẫn phải đền trả món nợ quá khứ, trừ phi họ nhập Niết bàn, hoặc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, thì mới có thể thoát khỏi, không còn phải nhận chịu quả báo đã tạo.
Hành giả lẽ nào không chịu thọ trì giới luật.
Kinh văn:
Lại có ba trường hợp giết người: một là dùng nội sắc, hai là dùng phi nội sắc, ba là dùng nội phi nội sắc.
(1) Dùng nội sắc: nếu ưu bà tắc dùng tay đánh, dùng chân và các bộ phận trên thân, nghĩ như sau: “Khiến cho người đó chết”, nếu đối phương nhân đó mà chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối; nếu đối phương chưa bị chết liền, nhưng về sau nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội không thể sám hối; nếu đối phương không bị chết liền, về sau cũng không nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
(2) Dùng phi nội sắc: nếu ưu bà tắc dùng gỗ, gạch, đá, dao, giáo, cung, tên, cục sáp, cục chì, từ xa ném tới, nghĩ rằng “người đó sẽ nhân đây mà chết.” Nếu đối phương nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, nhưng về sau nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, về sau cũng không nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
(3) Dùng nội phi nội sắc: nếu ưu bà tắc, tay cầm gỗ, gạch, đá, dao, giáo, cung, tên, cục sáp, cục chì, gậy gộc để đánh đối phương, nghĩ rằng “người đó sẽ nhân đây mà chết.” Nếu đối phương nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, nhưng về sau nhân đó mà chết, thì ưu bà tắc cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, về sau cũng không nhân đó mà chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Chú thích:
Ba loại này đều là pháp giết người, nghĩa là thiết lập phương tiện. Tay, chân, v.v…, là những bộ phận của thân thể, cho nên gọi là nội sắc. Gỗ, ngói, đá, v.v…, không phải là những bộ phận của thân thể, cho nên gọi là phi nội sắc, cũng gọi là ngoại sắc. Dùng nội sắc cầm nắm phi nội sắc để giết hại, cho nên gọi là nội phi nội sắc. Nếu nhân phương tiện này mà đối phương, bất luận là chết liền, hoặc chết sau, đều là để thỏa mãn tâm sát hại, cho nên lúc đối phương bị chết thì kết thành tội không thể sám hối. Nếu như sau đó đối phương không bị chết thì chỉ phạm tội thiết lập phương tiện giết hại, bởi vì kẻ phạm tội chưa thành toại tâm sát hại, cho nên chưa bị mất giới thể, vì vậy vẫn còn có thể siêng năng sám hối để diệt trừ, đây gọi là phạm tội bậc trung có thể sám hối.
Kinh văn:
Lại có ưu bà tắc, không dùng nội sắc, không dùng phi nội sắc, cũng không dùng nội phi nội sắc, mà vì muốn giết người, nên phối hợp các thứ độc dược, rồi rịt vào mắt, vào tai, vào mũi, hoặc rắc vào vết thương của đối phương, hoặc rắc vào thức ăn, hoặc rắc vào mền nệm, hoặc rắc vào trong xe, trong kiệu, nghĩ rằng: “Khiến cho người đó nhân đây mà chết.” Nếu đối phương bị chết, ưu bà tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, nhưng về sau nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, về sau cũng không nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Chú thích:
Dùng thuốc độc làm phương tiện sát hại. Vì không dùng tay, chân, v.v…, lại cũng không dùng gỗ, đá, dao, gậy, v.v…, cho nên gọi là không dùng nội phi nội sắc. Thế nhưng, trong hai trường hợp, đối tượng đều bị giết chết, cho nên phạm tội không thể sám hối cũng giống như trên.
Kinh văn:
Lại có ưu bà tắc giết người bằng cách làm hầm lửa không khói (dưới hầm đốt lửa, nhưng không có khói – chẳng hạn như đốt than cũi, than đá, v.v…), hoặc giết bằng đạn, giết bằng cách đào giếng, giết bằng cách gài bẫy, giết bằng nõ, hoặc giết bằng Tỳ đà la, hoặc làm cho trụy thai, hư thai, hoặc xô xuống nước, xô vào lửa, xô xuống hầm, hoặc sai đi đường xa để bị chết giữa đường, nhẫn đến thiết lập phương tiện giết bào thai vừa mới tượng hình – mới vừa phát triển hai căn là thân căn và mạng căn.
Chú thích:
Ở đây nêu rộng các phương tiện sát hại. Tỳ đà la, tức là dùng chú thuật khiến thây chết đứng dậy, v.v…, như sẽ nói ở dưới.
Kinh văn:
Giết bằng hầm lửa không khói: Nếu ưu bà tắc biết đối phương sẽ đi qua con đường này, bèn ở giữa đường đi, làm hầm lửa không khói, trải đất cát lên trên, nhủ thầm: “Vì người đó đi qua đường này nên ta mới làm hầm.” Nếu đối phương nhân đây mà chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, nhưng về sau nhân đây mà bị chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết liền, về sau cũng không nhân đây mà chết, thì ưu bà tắc phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Nếu ưu bà tắc vì muốn giết người mà làm hầm lửa không khói; nếu loài người bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối; nếu loài phi nhơn bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Đây là từ phía người mà phán tội phương tiện, chứ không phải từ phía phi nhơn mà phán tội sát hại. Bởi vì ưu bà tắc đó không có ý giết hại phi nhơn); nếu loài súc sanh bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối (Chữ “bậc hạ” e là bị viết lầm. Chuẩn theo tất cả các bộ luật, đều cho là phạm tội bậc trung. Đây cũng là từ phía người mà phán tội phương tiện, chứ không phải từ phía súc sanh mà phán tội sát hại. Bởi vì ưu bà tắc đó không có ý sát hại súc sanh).
Nếu ưu bà tắc vì muốn giết phi nhơn mà làm hầm lửa không khói; nếu loài phi nhơn bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Phi nhơn là chỉ chung cho trời, a tu la, quỷ thần. Vì căn cơ học đạo của họ yếu kém, cho nên nếu sát hại họ, giới thể của ưu bà tắc chưa bị mất, có thể sám hối trừ diệt); nếu loài người bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc hạ có thể sám hối; nếu loài súc sanh bị chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối (Đây cũng từ phía phi nhơn định tội phương tiện, mà không từ phía người và súc sanh mà định tội sát sanh, bởi vì ưu bà tắc không có tâm sát hại người và súc sanh).
Nếu ưu bà tắc vì muốn giết súc sanh mà làm hầm lửa không khói; nếu loài súc sanh bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối (Súc sanh so với trời, quỷ thần, v.v…, càng kém cỏi, cho nên người sát hại bị tội nhẹ hơn, so với sát hại trời, quỷ thần, v.v…); nếu loài người bị chết, hoặc loài phi nhơn bị chết, thì ưu bà tắc đều bị phạm tội bậc hạ có thể sám hối (Ở đây cũng từ phía súc sanh mà định tội phương tiện).
Nếu ưu bà tắc làm hầm lửa không khói với ý niệm “bất cứ loài nào rơi xuống đều bị giết chết.” Nếu loài người bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối; nếu loài phi nhơn bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung có thể sám hối; nếu loài súc sanh bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối. Nếu không ai bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm ba tội phương tiện, có thể sám hối. Đây gọi là giết bằng hầm lửa không khói.
Chú thích:
Ở đây nói rộng về việc giết hại bằng hầm lửa không khói, để nêu rõ những việc giết hại bằng những phương tiện khác, như gài bẫy, v.v…, cũng tương tự như vậy.
Hỏi: Tất cả những loài có sanh mạng đều không được giết hại, kẻ phạm tội sát hại không phải là đệ tử Phật. Tại sao ở đây giết hại loài trời, rồng, quỷ thần, v.v…, chỉ kết tội bậc trung, giết hại súc sanh chỉ kết tội bậc hạ, nhưng lại không bị mất giới thể, như vậy kẻ sát hại không bị đọa lạc hay sao?
Đáp: Nếu luận về sự mất giới thể, cần phải phạm bốn tội nặng căn bản, nghĩa là (1) giết người, (2) ăn trộm năm tiền trở lên, (3) tà dâm, và (4) đại vọng ngữ. Tùy phạm vào một trong bốn tội trên thì chắc chắn không thể tác pháp sám hối. Đến như việc giết hại phi nhơn, súc sanh, v.v…, tánh tội tuy nặng, nhưng việc vi phạm tội vô tác vẫn còn nhẹ. Hiện nay nói phạm tội bậc trung có thể sám hối, phạm tội bậc hạ có thể sám hối là nói về việc sám hối tội vô tác, để khỏi bị đọa lạc ba đường ác, chứ không nói đến việc trừ diệt tánh tội. Giết hại một sanh mạng thì phải đền một mạng, cho nên người cố sát ắt sẽ phải thường mạng, mà ngay cả người ngộ sát cũng phải thường mạng (nghĩa là cũng sẽ bị ngộ sát). Ngay cả những người không thọ giới cũng sẽ phải chịu tội. Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh nói: “Nếu trong khoảng trung gian, giết hại thân mạng hoặc ăn thịt chúng sanh, như vậy trải qua số kiếp như vi trần, ăn nhau, giết nhau, giống như bánh xe, quay qua quay lại, không lúc nào ngừng.” Đức Phật chế định giới sát, lý do là vì nếu thọ trì không vi phạm, thì có thể vĩnh viễn đoạn trừ sanh tử luân hồi. Giả như lỡ phạm, nếu chí tâm sám hối, vĩnh viễn không tái phạm, thì cũng có thể tránh được sự đọa lạc ba đường ác. Có nên gọi là tội bậc trung có thể sám hối, tội bậc hạ có thể sám hối. Nếu như không biết niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thì làm sao có thể thoát khỏi khổ sở của sự trả vay sanh mạng?
Kinh văn:
Giết bằng Tỳ đà la: Nếu ưu bà tắc, trong hai mươi chín ngày, tìm một tử thi còn nguyên vẹn, triệu tập quỷ thần, niệm chú khiến cho tử thi đứng dậy, kế đến, lấy nước tẩy rửa, mặc quần áo vào, khiến cho cầm dao. Ưu bà tắc tâm nghĩ miệng nói như sau: “ta vì người tên …., mà làm Tỳ đà la này.” Nếu như đối phương nhân đây mà bị hại chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu như đối phương đã nhập tam muội (quỷ không thấy được), hoặc được các thiên thần bảo hộ, hoặc được đại chú sư giải cứu, cho nên không bị hại chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Đây gọi là giết bằng tỳ đà la.
Giết bằng Bán tỳ đà la: Nếu ưu bà tắc, trong hai mươi chín ngày, làm xe sắt, làm xe xong, bèn làm người sắt. Kế đến, triệu tập quỷ thần, niệm chú khiến cho người sắt cử động, sau đó, lấy nước tẩy rửa, mặc quần áo vào, khiến cho cầm dao. Ưu bà tắc tâm nghĩ miệng nói như sau: “Ta vì người tên … mà tụng chú này.” Nếu đối phương nhân đây mà bị hại chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu như đối phương đã nhập tam muội (quỷ không hại được), hoặc được các thiên thần bảo hộ, hoặc được chú sư giải cứu, cho nên không bị hại chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Đây gọi là giết bằng Bán tỳ đà la.
Giết bằng cách đoạn mệnh: Nếu ưu bà tắc, trong hai mươi chín ngày, dùng phân bò phết trên mặt đất, đem rượu thịt để lên trên, sau đó châm lửa, rồi nhúng mồi lửa vào trong nước, tâm niệm miệng nói, đọc chú thuật như sau: “Nếu lửa ở trong nước bị dập tắt, thì kẻ kia cũng sẽ bị mất mạng.” Lại nữa, ưu bà tắc, trong hai mươi chín ngày, dùng phân bó phết lên mặt đất, đem rượu thịt để lên trên, họa vẽ hình tượng của người mình muốn giết, sau khi vẽ xong, thì liền xóa đi, tâm nghĩ miệng nói, đọc chú thuật như sau: “Như bức họa này bị xóa mất, kẻ kia cũng sẽ bị mất mạng.” Như vậy, bức họa vừa bị xóa mất, thì kẻ kia cũng bị mất mạng. Lại nữa, ưu bà tắc, trong hai mươi chín ngày, dùng phân bò phết lên mặt đất, đem rượu thịt để lên trên, rồi dùng kim đâm vào chéo áo, sau đó rút kim ra. Tâm nghĩ miệng nói, đọc chú thuật như sau: “Như mũi kim dược rút ra, kẻ đó cũng sẽ bị mất mạng.” Đây gọi là đoạn mệnh. Nếu ưu bà tắc dùng các loại chú thuật, và đối phương nhân đó mà bị chết, ưu bà tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương không bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Chú thích:
Ba loại chú thuật đoạn mạng đều gọi là giết bằng trù ếm, đều thuộc về chú Tỳ đà la.
Kinh văn:
Giết bằng cách làm trụy thai: Ưu bà tắc cho người nữ đang mang thai uống thuốc xổ,1 v.v…, hoặc dùng kim đâm vào mạch máu, nhẫn đến cho uống thuốc làm chảy nước mắt, v.v…, nghĩ rằng: “Do nhân duyên này, người nữ này sẽ bị chết.” Nếu người nữ bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu người nữ đó không bị chết liền, nhưng về sau nhân đây mà chết, thì ưu bà tắc cũng bị tội không thể sám hối. Nếu người nữ đó không bị chết liền, và về sau cũng không nhân đó mà chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Ưu bà tắc muốn giết người người nữ đang mang thai bằng cách làm cho họ trụy thai. Nếu người nữ bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu như thai nhi bị chết, nhưng người nữ không bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Đây là từ phía người mẹ mà phán tội phương tiện, chứ không phải từ phía thai nhi mà phán tội, bởi vì ưu bà tắc không có ý giết thai nhi). Nếu cả hai mẹ con cùng chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Đây gọi là giết bằng cách làm cho trụy thai.
Giết bằng cách đè bụng: Nếu ưu bà tắc cưỡng bức người nữ đang mang thai làm những việc nặng nhọc, hoặc khiêng vác vật nặng, hoặc bắt buộc phải đường xa, hoặc đi phía trước xe, hoặc leo lên dốc cao, nghĩ như sau: “Làm cho người nữ này bị chết.” Nếu như người nữ đó bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu người nữ không bị chết liền, nhưng về sau nhân đó mà chết, thì ưu bà tắc cũng bị tội không thể sám hối. Nếu như người nữ không bị chết liền, về sau cũng không nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Trường hợp muốn giết thai nhi cũng tương tự như trên. Đây gọi là giết bằng cách đè bụng.
Giết bằng cách khiến cho bị chết ở giữa đường: Ưu bà tắc biết con đường đó có nhiều thú dữ đang bị đói khát, bèn sai người mình muốn giết đi vào con đường đó, nghĩ như sau: “Khiến cho kẻ đó bị chết trên con đường này.” Nếu người đó bị chết, thì ưu bà tắc bị tội không thể sám hối. Các trường hợp khác cũng tương tự như vậy. Đây gọi là giết bằng cách khiến cho bị chết giữa đường.
Nhẫn đến hài nhi trong thai mẹ, đang ở trong giai đoạn ca la la, vừa mới phát triển hai căn, thân căn và mạng căn, nếu dùng tâm sát hại mà thiết lập phương tiện để giết, nếu như thai nhi bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Các trường hợp khác cũng tương tự như vậy.
Chú thích:
Gia la la, hoặc ca la la, hoặc yết la lam, dịch là ngưng hoạt, hoặc dịch là tạp uế, hình trạng giống như hạt sữa đặc, tức là hình dạng của thai nhi vào ngày thứ bảy.
Kinh văn:
Giết bằng cách khen ngợi: Có ba trường hợp, đối với người thọ trì ác giới, đối với người thọ trì thiện giới, và đối với người già bệnh.
– Đối với người thọ trì ác giới: Thọ trì ác giới là những người làm nghề giết trâu, giết dê, nuôi gà, nuôi heo, thả chim ưng (cho những người đi săn bắn), lưới cá, săn bắn, bẫy thỏ, v.v…, hoặc trộm cắp, làm hàng thịt, làm cai ngục, v.v… Nếu ưu bà tắc đến chỗ người đó nói: “Ông là người thọ trì ác giới, tại sao lại làm nghề đó lâu như vậy, chẳng bằng chết sớm [để khỏi tạo nghiệp].” Nếu người đó nhân đây mà [tự tử] chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu như không nhân đây mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Nếu như người đó nói: “Tôi không nghe lời ông nói”, và không nhân vì lời nói của ưu bà tắc mà [tự tử] chết, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Nếu như ưu bà tắc, sau khi nói lời khuyến dụ để mong đối phương chết, nhưng sau đó lại sinh tâm hối hận, nghĩ rằng: “Tại sao lại khuyên người khác chết”, bèn quay lại nói với đối phương rằng: “Ông tuy là người ác, nhưng có thể có nhân duyên gặp thiện tri thức, gần gũi người lành, được nghe thiện pháp, có thể suy tư chánh đáng, xa lìa tội ác. Ông chớ nên tự sát.” Nếu đối phương nghe lời khuyên bảo bèn không tự sát, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
– Đối với người thọ trì thiện giới: Những người thọ trì thiện giới tức là bốn chúng đệ tử của đức Như Lai. Nếu ưu bà tắc đến chỗ người ấy, nói như sau: “Ông là người trì giới, có phước đức, nếu ông chết sớm có thể hưởng thọ phước trời. Tại sao không tự vận?” Người ấy nghe xong bèn tự sát. Nếu người ấy bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối; nếu như họ không bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Nếu người ấy không tự sát, thì ưu bà tắc cũng bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Còn nếu người trì giới đó nghĩ như sau: “Việc gì ta lại phải nghe lời hắn mà tự sát.” Nếu người trì giới không bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Còn nếu ưu bà tắc, sau khi khuyên người trì giới tự sát, bèn sinh tâm hối hận, nghĩ như sau: “Mình không đúng. Tại sao lại khuyên người trì giới tự sát?” Sau đó trở lại nói với người trì giới, nói như sau: “Ông là người trì thiện giới, hãy sống mãn tuổi trời, phước đức càng nhiều thì thọ phước báo càng nhiều. Chớ nên tự sát.” Nếu người trì giới nhân đó mà không tự sát, thì ưu bà tắc bị tội bậc trung, có thể sám hối.
– Đối với người già bệnh: Những người già bị bệnh hoạn là do bốn đại tăng giảm không điều hòa, chịu nhiều khổ sở. Nếu ưu bà tắc đến chỗ người ấy nói như sau: “Ông cớ gì mà phải nhẫn chịu sự khổ sở dài lâu như thế? Tại sao không chịu tự sát?” Giả như người ấy nghe lời khuyên bèn tự sát, nếu họ bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu như không nhân đó mà bị chết, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Nếu người bệnh nghĩ như sau: “Việc gì mình lại phải nghe lời người đó mà tự sát”, hoặc giả, sau đó ưu bà tắc sinh tâm hối hận: “Mình không đúng. Tại sao lại khuyên người khác tự vận”, bèn quay trở lại nói với người bệnh: “Ông tuy bị bệnh, nhưng có thể tìm được thuốc hay, hoặc người trông nom tốt, ăn uống điều độ, thì bệnh có thể thuyên giảm. Ông chớ nên tự sát.” Nếu người bệnh nghe lời khuyên mà không tự sát, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Chú thích:
Ba loại khen ngợi giết này, trong phần giảng rộng đều không có. Thế nhưng, nếu theo dõi kinh văn thì có thể hiểu rõ.
Kinh văn:
Bảy trường hợp sát hại còn lại, sự phạm tội và không phạm tội, giống như trường hợp hầm lửa không khói.
Chú thích:
Bảy trường hợp, như trong phần giảng rộng đã nói, tức là giết bằng đạn, giết bằng nõ, giết bằng xô xuống giếng, xô xuống hầm nước, xô xuống hầm lửa, xô xuống hố và giết bằng tỳ đà la.
Kinh văn:
Nếu đối phương là người, ưu bà tắc cũng tưởng họ là người mà giết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương là người, nhưng ưu bà tắc lại tưởng là phi nhơn mà giết, hoặc đối phương là người, ưu bà tắc cũng nghi là người mà giết, thì đều bị phạm tội không thể sám hối. Nếu đối phương là phi nhơn, nhưng ưu bà tắc lại tưởng là người mà giết, hoặc đối phương là phi nhơn, nhưng ưu bà tắc cũng nghi là phi nhơn mà giết, thì đều bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Chú thích:
Theo các bộ luật khác, chỉ cần một câu “tưởng là người” thì định tội nặng, hoặc hai câu “tưởng là người”, “nghi là người” liên kết nhau, thì kết tội nặng. Hiện nay hai câu “tưởng là người”, “nghi là người” đều kết tội nặng. Dùng lý để châm chước, chỉ có hai câu này là kết tội nặng, nghĩa là “đối phương là người, tưởng là người mà giết, thì phạm tội không thể sám hối”, và “đối phương là người, nghi là người mà giết, thì phạm tội không thể sám hối”; ngoài ra, bốn câu khác đều kết tội trung, có thể sám hối, như: “đối phương là người, tưởng là phi nhơn mà giết, phạm tội trung có thể sám hối”, “đối phương là phi nhơn, tưởng là người mà giết, phạm tội trung có thể sám hối”, “đối phương là phi nhơn, nghi là phi nhơn mà giết, phạm tội trung có thể sám hối”, và “đối phương là phi nhơn, tưởng là phi nhơn mà giết, phạm tội trung có thể sám hối.”
Kinh văn:
Có một người bị chặt đứt tay chân và bị vứt trong hào thành. Một nhóm phụ nữ đi vào thành nghe tiếng rên khóc bèn tìm đến xem, và cùng nói với nhau: “Nếu như có thuốc độc cho người đó uống chết, thì hắn sẽ không phải chịu đau khổ lâu như thế.” Trong nhóm có một phụ nữ ngu độn, nghe thế bèn đem thuốc độc đưa cho người đó uống chết. Các phụ nữ trong nhóm thấy thế bèn nói: “Bà bị phạm tội không thể sám hối.” Liền cùng nhau đi hỏi đức Phật. Ngài nói: “Người đưa thuốc độc cho kẻ kia uống chết bị phạm tội không thể sám hối.”
Chú thích:
Ở đây, những nhà kết tập đã dẫn các sự tích để phán định tội pháp rõ ràng nhưng văn quá sơ lược. Chuẩn theo các bộ luật khác, lúc đang nghị luận việc này, tất cả đều phạm tội nhẹ, có thể sám hối; nếu tất cả đều đồng tâm sai người đi tìm thuốc, thì đều phạm tội nặng, không thể sám hối. Nếu có người thấy biết mà không ngăn trở, thì bị phạm tội trung, có thể sám hối.
Kinh văn:
Nếu có ưu bà tắc dùng phương tiện muốn giết mẹ mình nhưng lại giết nhằm người khác, thị bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Đây là từ phía người mẹ mà định tội phương tiện, không phải từ phía người khác mà định tội, bởi vì đây là sự ngộ sát, vốn không có ý giết người đó). Nếu ưu bà tắc muốn giết người khác, nhưng lại giết lầm mẹ mình, thì bị phạm tội bậc trung có thể sám hối, chẳng phải tội nghịch (Đây cũng là từ phía người khác mà phán tội phương tiện, chứ không phải từ phía người mẹ mà phán tội sát hại).
Nếu ưu bà tắc lập phương tiện muốn giết người, nhưng lại giết lầm phi nhơn, thì bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Từ phía người mà phán tội phương tiện).
Nếu ưu bà tắc lập phương tiện, muốn giết phi nhơn, nhưng lại giết nhằm người, thì bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối (Từ phía phi nhơn mà phán tội phương tiện).
Có người mang thai súc sanh, nếu ưu bà tắc làm trụy thai, thì bị phạm tội bậc hạ, có thể sám hối. Có súc sanh mang thai người, nếu ưu bà tắc làm trụy thai, thì bị phạm tội không thể sám hối.
Nếu ưu bà tắc lập kế giết người, nhưng lại bị chết trước, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối (Lúc ưu bà tắc còn sống, chỉ phạm tội phương tiện – đối phương vẫn chưa chết, sau khi ưu bà tắc chết, giới thể cũng bị mất, cho nên khi đối phương bị chết, ưu bà tắc không bị phạm tội phá giới nặng).
Nếu ưu bà tắc muốn giết cha mẹ mình, nhưng sanh tâm nghi, không biết đối phương có phải là cha mẹ mình hay không; nếu như biết chắc là cha mẹ mình mà vẫn cứ giết, thì ưu bà tắc đó bị phạm tội nghịch, không thể sám hối.
Chú thích:
Ở đây phải phân biệt sáu trường hợp: (1) Đối phương là cha mẹ mình, ưu bà tắc tưởng là cha mẹ mình, hoặc (2) nghi là cha mẹ mình mà giết, thì bị phạm tội nghịch. (3) Đối phương là cha mẹ mình, nhưng ưu bà tắc lại tưởng không phải là cha mẹ mình, hoặc (4) nghi không phải là cha mẹ mình. (5) Đối phương không phải là cha mẹ mình, nhưng ưu bà tắc lại tưởng là cha mẹ mình, hoặc (6) nghi là cha mẹ mình mà giết, thì phạm tội không thể sám hối, nhưng không phải phạm tội nghịch.
Kinh văn:
Nếu ưu bà tắc sanh nghi, không biết đối tượng là người hay là phi nhơn. Nếu biết chắc là người mà giết chết, thì bị phạm tội không thể sám hối (Cũng có sáu trường hợp, hai trường hợp phạm tội không thể sám hối, bốn trường hợp phạm tội có thể sám hối, giống như phần trên đã nói rõ).
Có người bắt được kẻ cướp, định đem đi giết, nhưng kẻ cướp tẩu thoát được. Người ấy bèn nhờ thế lực của quân quan, hoặc thế lực của làng xóm, truy lùng kẻ cướp. Có ưu bà tắc ngược đường đi tới, các người đang truy lùng hỏi ưu bà tắc: “Ông có thấy kẻ cướp đó không?” Ưu bà tắc trước đó có tâm thù ghét kẻ cướp đó, bèn nói: “Tôi thấy hắn đang ở chỗ đó.” Nếu nhân lời chỉ dẫn đó mà kẻ cướp bị bắt giết, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối.
Có người bắt được nhiều kẻ cướp, định đem đi giết, thế nhưng, bọn cướp tẩu thoát được. Người đó bèn nhờ thế lực của quan, hoặc của hàng xóm truy lùng bọn cướp. Có ưu bà tắc ngược đường đi đến, những người truy lùng bèn hỏi: “Ông có thấy bọn cướp không?” Ưu bà tắc đó trước kia có tâm thù ghét một người trong bọn cướp, bèn nói: “Tôi thấy bọn họ đang ở chỗ kia.” Nếu những người trong bọn cướp bị giết không phải là người mà ưu bà tắc thù ghét, thì ưu bà tắc bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Đây vẫn là căn cứ vào đối tượng bị sân mà phán tội). Các phần còn lại cũng giống như trên đã nói (Nếu đối tượng mà ưu bà tắc thù ghét bị bắt giết, ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối).
Nếu ưu bà tắc cố ý muốn giết mẹ mình, tưởng đối phương là mẹ mình, nhưng lại giết lầm người khác, thì ưu bà tắc bị phạm tội không thể sám hối, nhưng không bị phạm tội nghịch (Sáu trường hợp, hai trường hợp phạm tội nghịch, bốn trường hợp không phạm tội nghịch, như phần trên đã nói. Nay chỉ lặp lại). Nếu ưu bà tắc đánh giởn, nhưng lại đánh chết người, thì bị phạm tội thể sám hối (Vốn không có tâm giết hại, hiện nay chỉ phạm tội đùa nghịch đánh người khác). Nếu như bị điên cuồng, không tự nhớ nghĩ đến việc giết hại thì không bị tội (Nếu thấy phẩn dãi mà bóc lấy như bắt gặp chiên đàn, thấy lửa mà chụp lấy như bắt gặp vàng ròng, thì đây gọi là điên cuồng. Lại còn có hai trường hợp tương tự là tâm ý rối loạn, và bị sự đau khổ dày vò).
Nếu ưu bà tắc dùng nước có trùng, hoặc giết hại côn trùng trong cây cỏ, thì đều bị phạm tội. Nếu trong các vật dụng có trùng, mà tưởng là không trùng, khi sử dụng thì cũng bị phạm tội; vật dụng không có trùng, nếu tưởng có trùng, mà vẫn sử dụng thì cũng bị phạm tội.
Chú thích:
Ở đây cũng chia làm sáu trường hợp: (1) có trùng, tưởng là có trùng; (2) có trùng, nghi là có trùng, hai trường hợp này kết tội căn bổn nhẹ, có thể sám hối; (3) không trùng, tưởng là có trùng; (4) không trùng, nghi là không có trùng, hai trường hợp này kết tội phương tiện nhẹ, có thể sám hối; (5) có trùng, tưởng là không có trùng; (6) không trùng, tưởng là không có trùng, hai trường hợp này không phạm. Hiện nay nói có trùng, tưởng là không có trùng cũng phạm là muốn cho người học giới quán sát kỹ lưỡng, không nên cẩu thả trong việc sử dụng nước và thảo mộc.
Kinh văn:
Có ưu bà tắc xây nhà mới, đang đứng trên nóc, lỡ làm rớt cây đòn dong xuống đầu một người thợ khiến cho người này bị chết. Ưu bà tắc sinh nghi, không biết là tội giết người ấy có thể sám hối được hay không, bèn đến hỏi Phật. Ngài nói:
“Không có tội.” (Ưu bà tắc vốn không có tâm sát hại).
Lại có ưu bà tắc đưa cây kèo lên mái nhà, nhưng vì sức yếu, không kham nổi, cây kèo rớt xuống ngay đầu một người thợ mộc khiến cho người này bị chết ngay lập tức. Ưu bà tắc sinh nghi bèn đến hỏi Phật, ngài nói: “Không có tội. Nhưng từ nay trở đi, làm việc phải nên cẩn thận. Đừng làm cho người khác bị chết.”
Lại có ưu bà tắc đang làm việc trên nóc nhà, thấy trong bùn có bò cạp, bèn hoảng kinh nhảy xuống, rớt ngay trên đầu một người thợ mộc, khiến cho người này bị chết ngay lập tức. Ưu bà tắc sinh nghi, bèn đến hỏi Phật. Ngài nói: “Không có tội. Nhưng từ nay nên cẩn thận, chớ để chết người.”
Lại có một ưu bà tắc, trời tối đi vào đường nguy hiểm, gặp phải bọn cướp. Bị bọn cướp định bắt lấy, ưu bà tắc bèn chạy trốn, bất chợt bị trợt xuống triền núi, rớt ngay trên đầu một người thợ dệt, khiến người này chết ngay lập tức. Ưu bà tắc sinh nghi bèn hỏi Phật. Ngài nói: “Không có tội.”
Lại có một ưu bà tắc lăn đá trên triền núi. Đá lăn xuống làm chết người. Ưu bà tắc sinh nghi bèn hỏi Phật. Ngài nói: “Không có tội. Nhưng đang lúc muốn lăn đá phải hô lớn: ‘Đá lăn xuống’, để mọi người biết mà tránh.”
Có một người bị ung nhọt chưa muồi. Ưu bà tắc giúp người đó phá mụt nhọt, nhưng lại khiến cho họ bị chết. Ưu bà tắc sinh nghi bèn hỏi Phật, ngài nói: “Ung nhọt chưa muồi, nếu phá mà khiến người bệnh bị chết, thì bị phạm tội bậc trung, có thể sám hối; (Tuy không có tâm sát hại, nhưng có lý do để đưa đến sự chết, cho nên bị phạm tội); nếu như mụt nhọt đã muồi, nhưng phá mụt nhọt lại khiến cho người bệnh bị chết, thì không có tội (Nhọt đã muồi, đáng lý thì phải nên phá).”
Có một đứa bé đang nô đùa, ưu bà tắc bắt lại chọc lét cho nó cười to lên, nhưng đứa bé lại nhân đó mà bị chết. Ưu bà tắc sinh nghi bèn hỏi Phật. Ngài nói: “Vì đùa giởn nên không bị phạm tội giết người, nhưng từ nay không nênchọt lét cho người khác cười (Không nên, nghĩa là bị phạm tội nhẹ, có thể sám hối).”
Có một người ngồi, lấy áo trùm kín đầu. Ưu bà tắc bảo đứng lên. Người ấy nói: “Đừng gọi tôi. Nếu tôi đứng lên sẽ bị chết.” Ưu bà tắc lại bảo người đó đứng lên. Người đó đứng lên bèn bị chết. Ưu bà tắc sinh nghi bèn hỏi Phật. Ngài nói: “Phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Gọi lần thứ nhất, không tội; gọi lần thứ hai, phạm tội bậc trung).”
2. GIỚI TRỘM.
Phật bảo các tỳ kheo: “Ưu bà tắc dùng ba cách lấy trộm vật quý của người khác, bị phạm tội không thể sám hối: một là dùng tâm, hai là dùng thân, ba là đồ vật bị dời khỏi bổn xứ. Dùng tâm, nghĩa là khởi tâm đắn đo, muốn làm việc trộm cắp. Dùng thân, nghĩa là dùng các chi phần của thân thể để trộm lấy đồ vật của người khác. Bị dời khỏi bổn xứ, nghĩa là đồ vật bị di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu của nó.
Chú thích:
Giới trộm có sáu duyên trở thành tội không thể sám hối: (1) vật của kẻ khác, (2) biết là vật của kẻ khác, (3) có tâm trộm cắp, (4) khởi phương tiện để trộm cắp, (5) vật trị giá năm tiền (Ở Tây Vực, một đại tiền trị giá mười sáu tiểu tiền ở Trung quốc. Năm tiền trị giá tám mươi tiểu tiền. Luật Nhiếp nói: Năm ma sái, mỗi ma sái trị giá tám mươi bối xỉ, như vậy năm ma sái trị giá bốn trăm bối xỉ. Ở Vân Nam, năm bối xỉ bằng một chỉ bạc, như vậy năm ma sái (năm tiền) trị giá tám lượng bạc). (6) Vật lìa bổn xứ. Hiện nay nói trộm vật quý của kẻ khác, tức là ba duyên: đó là vật của kẻ khác, mình biết rõ đó là vật của kẻ khác, trị giá năm tiền. Dùng tâm, tức là tâm trộm cắp. Dùng thân tức là khởi phương tiện để lấy trộm. Lìa bổn xứ tức là duyên thứ sáu. Nếu sáu duyên đầy đủ thì mất giới thể vô tác.
Kinh văn:
“Lại có ba cách lấy trộm vật quý của người khác, bị phạm tội không thể sám hối: một là tự mình lấy, hai là bảo người khác lấy, ba là sai khiến người khác đi lấy. (1) Tự mình lấy, nghĩa là tự mình dùng tay nhấc vật quý ra khỏi bổn xứ. (2) Bảo người khác lấy, nghĩa là nói với người khác: ‘Trộm lấy vật đó.” Người đó nghe xong bèn trộm lấy vật đó, dời khỏi bổn xứ. (3) Sai khiến người khác đi lấy, nghĩa là nói với người khác: ‘Ông có biết chỗ của vật quý đó không?’ Người đó trả lời: ‘Biết chỗ.’ Bèn sai họ đến chỗ đó trộm lấy vật quý, và dời vật đó ra khỏi bổn xứ.
Chú thích:
Ba loại trộm cắp này chỉ là dùng phương tiện khác biệt. Đều phải đầy đủ sáu duyên thì trở thành tội nặng.
Kinh văn:
Lại có năm cách lấy trộm vật quý, bị phạm tội không thể sám hối: một là tha thiết muốn lấy, hai là lấy với thái độ khinh mạn, ba là lấy bằng cách mạo danh người khác, bốn là lấy bằng cách cưỡng đoạt, năm là chiếm đoạt đồ của người khác gửi cho mình.
Chú thích:
Sáu loại trộm cắp này lại cũng chỉ là phương tiện khác biệt. Đều phải đầy đủ sáu duyên thì trở thành tội nặng.
Kinh văn:
Vật quý tức là vật trị giá năm tiền trở lên, nếu lấy trộm thì bị phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Ở đây chính tức giải thích món đồ trị giá năm tiền trở lên thì gọi là vật quý. Bất luận là vật gì, hễ trị giá tám lượng bạc trở lên, lìa khỏi bổn xứ thì phạm tội không thể sám hối.
Kinh văn:
Nếu ưu bà tắc biết người khác có năm thứ báu, hoặc tương tự như năm thứ báu, rồi dùng tâm trộm cắp soạn riêng ra, nhưng nếu chưa dời khỏi bổn xứ, thì bị phạm tội có thể sám hối (Chưa đủ sáu duyên, chỉ phạm tội phương tiện). Nếu soạn riêng ra xong, di chuyển vật ra khỏi bổn xứ, nếu số lượng vật trị giá năm tiền, thì bị phạm tội không thể sám hối (Đã đầy đủ sáu duyên liền mất giới thể, bất luận đã tiêu dùng, hoặc chưa tiêu dùng).
Chú thích:
Năm thứ báu là vàng, bạc, đồng, sắt và thiếc. Tương tự, nghĩa là giống. Dùng vàng bạc làm thành các món vật khác, gọi là giống vật báu. Nếu chưa thành khí cụ, thì vàng bạc, v.v…, gọi là sinh báu. Cho nên nói “sinh tượng kim ngân bảo vật”, nghĩa là (1) các loại kim ngân, v.v…, chưa được làm thành vật dụng, và (2) các loại kim ngân, v.v…, đã được làm thành vật dụng. Hoặc nói bảy báu, v.v…., có thể chuẩn theo đây mà biết.
Kinh văn:
Lìa khỏi bổn xứ, như khi dệt vải, hứa với người loại chỉ này, nhưng lại dệt loại chỉ khác, gọi là lìa bổn xứ; hoặc da, hoặc áo, dùng đúng màu gọi là bổn xứ, hễ dùng màu khác thì gọi là lìa bổn xứ; hoặc mền lông, một lớp lông gọi là bổn xứ, một màu gọi là bổn xứ, [khác lông], khác màu gọi là lìa bổn xứ. Đây gọi là các xứ.
Chú thích:
Chẳng hạn, như mền lông, vật của mình dệt một lớp lông, vật của người khác dệt hai lớp lông, hoặc vật của mình thì màu này, vật của người khác thì màu khác. Hiện nay, đem vật của người khác đổi hai lớp lông thành một lớp, đem màu của vật người khác đổi thành màu của vật mình, khiến cho họ tưởng là đồ vật đã mất, cho nên gọi là lìa bổn xứ. Nếu như đủ sáu duyên sẽ phạm tội không thể sám hối.
Kinh văn:
Nếu cư sĩ gánh vật mướn cho người, rồi dùng tâm trộm đổi từ vai trái để qua vai phải, tay phải để qua tay trái, những thân phần như thế, gọi là lìa bổn xứ. Xe thì bánh, trục, đòn ngang xe. Thuyền thì hai bánh lái trước, sau. Nhà thì kèo cột rui mè, đòn tay bốn góc và xung quanh, đều gọi là bổn xứ. Nếu dùng tâm trộm dời vật để ở chỗ khác, thì đều phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Đổi từ vai trái sang vai phải, cũng giống như phần trên. Thế nhưng, nếu không có tâm trộm cắp, thì dù chuyển đồ vật từ vai này sang vai kia, lẽ nào lại có tội?
Kinh văn:
Trộm vật trong nước tức là người ta chặt cây rồi thả trôi theo dòng, cư sĩ lấy bằng tâm trộm thì phạm tội không thể sám hối. Nếu có tâm trộm nắm cây khiến cho ngừng lại, sau đó thả trôi đến phía trước (gọi là lìa bổn xứ), hoặc đem tâm trộm nhận chìm xuống đáy sông (cũng gọi là lìa bổn xứ), hoặc lúc dời cây ra khỏi nước (cũng gọi là lìa bổn xứ), đều phạm tội không thể sám hối.
Lại như có chủ nuôi chim trong ao, cư sĩ dùng tâm trộm nhận chìm xuống nước, thì phạm tội có thể sám hối (vì chưa lìa bổn xứ). Nếu như đem ra khỏi ao (lìa bổn xứ), thì phạm tội không thể sám hối. Hoặc nhà người khác nuôi chim bay vào trong ao không chủ, cư sĩ dùng tâm trộm bắt đem ra khỏi ao (lìa bổn xứ), nhẫn đến nhận chìm xuống đáy (lìa bổn xứ), đều phạm tội không thể sám hối.
Lại như, nhà của cư sĩ, trên lầu có để các món trang sức, các loài chim có chủ, đến ngậm các món trang sức bay đi, cư sĩ dùng tâm trộm đoạt lấy chim này, thì phạm tội không thể sám hối (đầy đủ sáu duyên).
Nếu thấy chim ngậm báu vật bay đi, dùng tâm trộm từ xa trông đợi, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối (phạm tội phương tiện). Nếu dùng chú lực khiến cho chim kia tùy ý đi đến chỗ theo ý mình mong muốn, thì phạm tội không thể sám hối (đầy đủ sáu duyên). Nếu đến các chỗ khác thì phạm tội có thể sám hối (phạm tội phương tiện).
Nếu có chim hoang dã ngậm vật báu bay đi, cư sĩ đem tâm trộm đoạt lấy báu vật của chim ấy, phạm tội trung có thể sám hối (tuy không phải là vật có chủ, nhưng từ tâm trộm cắp mà kết tội), còn như chờ chim hoang dã bay đến thì phạm tội nhẹ có thể sám hối.
Lại nữa, có chim hoang dã, ngậm báu vật bay ngang, một con chim có chủ đoạt lấy vật của con chim hoang dã, cư sĩ lại đem tâm trộm đoạt lấy báu vật của chim có chủ, phạm tội không thể sám hối (đầy đủ sáu duyên; đây là từ phía chủ con chim mà kết tội). Còn như chờ chim bay đến thì phạm tội bậc trung có thể sám hối (phạm tội phương tiện). Ngoài ra như đã nói ở trên. Lại nữa, như các loài chim có chủ ngậm báu vật bay đi bị chim hoang đoạt (vật trở thành vô chủ), cư sĩ đem tâm trộm đoạt lấy vật của chim hoang, phạm tội bậc trung có thể sám hối (từ tâm trộm cắp kết tội). Lúc chờ đợi cũng phạm tội trung có thể sám hối (chuẩn phần trên, e chữ ‘trung’ là sai, nếu không phần trên cũng phải là tội trung có thể sám hối). Ngoài ra cũng giống như trên.
Nếu có cư sĩ chơi bài, dùng tâm trộm cắp chuyển đổi quân bài để thắng, khi thắng được năm tiền thì phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Căn cứ Ưu Bà Tắc Giới Kinh (Tại Gia Bồ Tát Giới) và Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, nếu ưu bà tắc bài bạc, v.v…, đều phạm vào tội khinh cấu. Nay chỉ mới thọ năm giới, cho nên cho không kết tội (bài bạc), thế nhưng, chuyển đổi quân bài để thắng người khác, toàn là do tâm trộm cắp phát khởi, cho nên phạm giới trọng.
Kinh văn:
Nếu hàng cư sĩ dùng tâm trộm lấy Xá Lợi phạm tội bậc trung có thể sám hối (không thể tính giá trị), nếu dùng tâm cung kính mà nghĩ rằng Phật cũng là thầy ta, đem tâm thanh tịnh mà đoạt lấy thì không phạm.
Nếu hàng cư sĩ đem tâm trộm lấy kinh, phạm tội không thể sám hối, nhưng phải tính ra giá trị của kinh mà phân định tội nặng nhẹ (Nếu trị giá của kinh trên năm tiền, phạm tội không thể sám hối; nếu giá trị dưới năm tiền, phạm tội có thể sám hối).
Nói đến trộm ruộng thì có hai nhân duyên đoạt ruộng người khác, một là dùng lời nói (cáo trạng kiện tụng ở quan phủ), hai là dùng hành động (lập hàng rào hạn định ranh giới). Nếu có cư sĩ vì muốn chiếm đất, cho nên kiện tụng, hoặc dời đổi ranh giới để lấn đoạt, nếu lấn đất trị giá năm tiền [trở lên], phạm tội không thể sám hối.
Có các cư sĩ đáng lý phải nộp thuế nhưng trốn không nộp, nếu quá năm tiền phạm tội không thể sám hối. Lại có cư sĩ mang vật đi ngang trạm quan thuế, nói với các cư sĩ khác: “Các vị mang dùm tôi vật này qua hải quan, tôi sẽ cho các vị nửa tiền thuế.” Nếu các cư sĩ nhận lời cầm qua, tiền thuế của vật đó giá năm tiền, phạm tội không thể sám hối.
Nếu cư sĩ chỉ cho người khác đi con đường khác để trốn thuế, tiền thuế của vật mang qua trị giá năm tiền, phạm tội bậc trung có thể sám hối. Nếu chỗ quan thuế có nạn giặc, ác thú hoặc nạn đói khát, mà chỉ bày con đường khác, nhằm để tránh khỏi nạn nguy hại này thì không phạm.
Lại có cư sĩ âm mưu với thổ tặc cướp phá các thôn xóm, được tài sản rồi cùng nhau phân chia, cư sĩ được chia phần trị giá năm tiền, phạm tội không thể sám hối.
Trộm chúng sanh không chân, chẳng hạn, cư sĩ thấy người hớt lăng quăng đổ vào bình của họ, sau đó lén trút qua bình mình, thì phạm tội không thể sám hối. Sự phân loại [các loài không chân khác] cũng giống như trên.
Trộm chúng sanh hai chân, ba chân, chẳng hạn như [trộm] người và các loài chim thiên nga, nhạn, anh vũ, v.v… Các loài chim bị nhốt ở trong lồng, nếu đem tâm trộm mà lấy thì phạm tội không thể sám hối. Ngoài ra như trên đã giải thích.
Trộm người có hai cách, một là vác đi, hai là cùng hẹn. Nếu cư sĩ đem tâm trộm vác người ở trên vai, hai chân người ấy hỏng đất, phạm tội không thể sám hối. Nếu như cùng hẹn, hễ [người đó] đi quá hai bước, phạm tội không thể sám hối. Ngoài ra đều giống như đã nói ở trên.
Trộm loài vật bốn chân, như voi, ngựa, bò, dê, v.v…, thuộc sở hữu của người khác. Người chủ đã lấy dây buộc vào một chỗ cố định, cư sĩ dùng tâm trộm dẫn đi, hễ mỗi chân con vật vừa bước hai bước, phạm tội không thể sám hối. Nếu con vật nằm ở một nơi, đem tâm trộm xua con vật đi, vật đứng dậy, mỗi chân vừa bước hai bước, phạm tội không thể sám hối. Loài nhiều chân cũng giống như vậy.
Con vật ở phía trong hàng rào, hoặc bên trong bờ tường, nếu đem tâm trộm mà xua con vật ra ngoài, nếu con vật rời khỏi đàn, mỗi chân bước hai bước, phạm tội không thể sám hối. Những trường hợp khác như đã nói ở trên.
Nếu con vật đang được thả ở ngoài đồng, cư sĩ đem tâm trộm nghĩ rằng: “Khi người chăn đi vào trong rừng ta sẽ trộm lấy.” Vừa khởi ý niệm như thế, phạm tội bậc trung có thể sám hối.
Nếu giết con vật, phạm tội sát sanh. Giết rồi lấy thịt [bán hoặc ăn], trị giá khoảng năm tiền, phạm tội không thể sám hối.
Có bảy trường hợp: (1) Biết không phải vật của mình, (2) người chủ không đồng ý cho, (3) không phải mượn dùng tạm, (4) biết đó là vật có chủ, (5) tâm không cuồng, (6) tâm không loạn, (7) tâm không mê mờ. Trong bảy trường hợp này, trộm lấy trọng vật (năm tiền trở lên), phạm tội không thể sám hối. Nếu trộm khinh vật (bốn tiền trở xuống), phạm tội có thể sám hối.
Lại có bảy trường hợp: (1) tưởng đồ vật là của mình, (2) người chủ đồng ý [cho], (3) mượn dùng tạm, (4) vật không có chủ, (5) tâm cuồng, (6) tâm loạn, (7) tâm mê mờ. Trong bảy trường hợp này, lấy đồ vật không phạm.
Có một cư sĩ trồng củ cải. Có một người đến nói với cư sĩ: “Cho tôi củ cải.” Cư sĩ hỏi: “Ông có tiền không, hay chỉ đến xin?” Đáp: “Tôi không có tiền.” Cư sĩ nói: “Nếu cần củ cải thì cầm tiền đến. Nếu đem cho không thì tôi lấy gì mà ăn.” Người đó hỏi: “Ông nhất định không cho tôi sao?” Chủ bảo: “Tôi làm sao cho ông được?” Người đó bèn dùng chú thuật khiến cho củ cải chết khô. Sau khi trở về, người đó sanh nghi, không biết phạm tội có thể sám hối không, bèn đi đến bạch Phật. Phật dạy: “Tính giá trị xem có thể hay không thể sám hối.” [Trị giá của] nhánh, lá, hoa, quả cũng giống như rễ.
Có một người đang cày ruộng ở gần rừng Kỳ Hoàn, cởi áo để trên bờ ruộng. Bấy giờ, có cư sĩ đi ngang qua thấy áo, nhìn xung quanh không có ai hết, bèn lấy áo mang đi. Khi ấy, người cày ruộng từ xa thấy, nói với cư sĩ rằng: “Đừng lấy áo tôi.” Cư sĩ không nghe, cho rằng áo đó vô chủ nên vẫn mang đi. Người cày ruộng liền đuổi theo chụp vai cư sĩ, nói rằng: “Phép của ông là lấy của không cho ư?” Cư sĩ đáp: “Tôi nghĩ rằng áo nầy không chủ nên mới lấy thôi, đâu phải phép của tôi như thế.” Người cày ruộng nói: “Đây là áo của tôi.” Cư sĩ bảo: “Nếu là áo của ông, thì nên lấy lại.” Cư sĩ sanh nghi: “Không biết có phạm tội có thể sám hối, hay không thể sám hối?” Liền đến chỗ Phật để thưa hỏi việc ấy. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Ông đem tâm nào để lấy?” Cư sĩ bạch Phật: “Con cho là không có chủ.” Phật dạy: “Không phạm, nhưng từ nay về sau lấy vật phải khéo suy xét: có khi vật tuy không có người giữ nhưng thật đã có chủ?” Nếu khởi tâm muốn trộm, chưa lấy thì phạm tội bậc hạ có thể sám hối, trộm vật giá dưới năm tiền thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, trộm vật giá năm tiền thì phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Muốn trộm nhưng chưa lấy phạm tội bậc hạ có thể sám hối, đây là tội phương tiện xa. Lấy nhưng chia lìa bổn xứ phạm tội bậc trung có thể sám hối, đây là tội phương tiện gần. Giới văn giảm bớt, không đề cập đến. Trộm vật trị giá chưa đến năm tiền phạm tội bậc trung có thể sám hối, chưa mất giới thể. Vật trị giá năm tiền phạm tội không thể sám hối, đã mất giới thể. Nếu mất giới thể, cần phải tu pháp thủ tướng sám hối, giống như trong phần giới sát có đề cập đến. Tất cả tánh tội thế gian, khi trả quả báo đã đủ thì nghiệp tự tiêu mất, so ra, chỉ hơi nhẹ hơn tội sát sanh.
Kinh văn:
3. GIỚI DÂM.
Phật bảo các tỳ kheo: “Ưu bà tắc không nên sanh dục tưởng, dục giác. Còn không nên khởi tâm, huống chi khởi tâm tham dục, sân hận, si mê, ràng buộc căn bổn nghiệp ác bất tịnh.”
Chú thích:
Đối với cảnh giới ái dục, an lập danh ngôn, gọi là dục tưởng; đối với cảnh giới ái dục, bổng nhiên khởi tâm tìm tòi, gọi là dục giác. Vì không toại lòng tham dục nên khởi tâm sân. Tham dục và sân khuể đều nương vào tâm si mê. Ba độc đã đầy đủ, ắt sẽ trở thành cội gốc cho tất cả sự trói buộc. Đi ngược với đạo hạnh thanh tịnh, có thể chiêu cảm khổ báo đời này đời sau, cho nên gọi là ác nghiệp bất tịnh.
Kinh văn:
Trong đây, đối tượng phạm tội tà dâm có bốn: nam, nữ, huỳnh môn, hai căn.
Nữ tức là người nữ, phi nhơn nữ, súc sanh cái. Nam là người nam, phi nhơn nam, súc sanh đực. Huỳnh môn, hai căn cũng giống như trên.
Nếu ưu bà tắc cùng với người nữ, phi nhơn nữ, súc sanh cái, hành dâm ở ba chỗ, phạm tội không thể sám hối. Nếu [ưu bà tắc] cùng người nam, phi nhơn nam, súc sanh đực, huỳnh môn, hai căn, hành dâm ở hai chỗ, phạm tội không thể sám hối. Nếu khởi tâm muốn hành dâm, nhưng chưa giao hợp, phạm tội bậc hạ có thể sám hối (tội phương tiện xa). Nếu hai thân đã giao tiếp, nhưng ngừng lại không giao hợp, phạm tội bậc trung có thể sám hối (tội phương tiện gần).
Chú thích:
Giới dâm có ba duyên thành phạm tội không thể sám hối: (1) có tâm dâm, nghĩa là giống như người đói được thức ăn, như người khát được nước uống, không phải giống như có cảm tưởng bị sắt nóng đút vào thân, bị quàng xác chết sình thối vào cổ, v.v…; (2) là đường chính, tức là phần dưới nói rõ ba chỗ (nữ căn, miệng và hậu môn); (3) sự việc thành tựu, nghĩa là đưa vào độ sâu chỉ khoảng hạt mè, thì liền mất giới thể.
Kinh văn:
Nếu ưu bà tắc hành dâm với tớ gái đã có gia đình, thì phạm tội không thể sám hối. Những tội nhẹ khác, như trên đã nói. Ba chỗ là nữ căn, miệng, và hậu môn. Trừ ba đường chính ra, nếu hành dục ở các chỗ khác, thì đều phạm tội có thể sám hối.
Nếu, ưu bà tắc hành dâm ở những nơi khác trên thân (phi đạo) của tớ gái chưa có gia đình, tuy phạm tội có thể sám hối, nhưng đời sau mắc quả báo nặng nề.
Chú thích:
Tớ gái chưa lập gia đình, tức là chưa có chủ. Nếu như muốn thâu nạp, thì nên đúng phép mà cưới hỏi làm thê, làm thiếp, không có gì khó khăn. Nếu như hành dâm, tuy chưa xâm phạm vào ba chỗ, nhưng đã phá hoại tiết tháo của họ, khiến cho bị mang tai tiếng, cho nên tuy không bị phạm tội mất giới thể, nhưng đời sau sẽ bị tội báo nặng nề. Người xưa có câu: “Cõi u minh rất oán ghét những người làm tổn âm đức.”
Kinh văn:
Nếu ưu bà tắc hành dâm với tớ trai (Hán: đồng bộc – tớ trai, hoặc lớn tuổi, hoặc nhỏ tuổi) ở hai chỗ, phạm tội không thể sám hối. Các tội nhẹ khác, giống như đã nói ở trên.
Nếu ưu bà tắc thỏa thuận giá cả với dâm nữ rồi hành dâm, sau đó lại không chịu trả tiền, phạm tội tà dâm không thể sám hối. Nếu trả tiền thì không phạm.
Nếu người chết, cho đến súc sanh chết, nhưng thân thể chưa hoại, bèn hành dâm với thây chết. Nếu hành dâm với thây người nữ ở ba chỗ, thì phạm tội không thể sám hối. Những tội phạm nhẹ, giống như đã nói ở trên.
Ưu bà tắc đang thọ bát quan trai giới, nếu hành dâm, phạm tội không thể sám hối. Trong lúc thọ bát quan trai giới, bất luận là tà dâm, hay chánh dâm, tất cả đều phạm.
Nếu có người không thọ giới, hành dâm với đệ tử giữ giới của Phật, dù không mắc tội phạm giới, nhưng sau này vĩnh viễn không được thọ năm giới, cho đến không được xuất gia thọ cụ túc giới.
Chú thích:
Đệ tử giữ giới của Phật, nghĩa là tỳ kheo, tỳ kheo ny, thức xoa ma na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Cho đến, trong ngày vợ của mình đang thọ bát quan trai, cũng không được hành dâm. Người vi phạm điều này được gọi là phá phạm hạnh của người khác.
Hỏi: Xâm phạm tịnh hạnh của người khác gọi là trọng nạn, giả như, ngược lại bị người thọ giới dẫn dụ làm việc tà dâm, như vậy có phải là trọng nạn không? Hoặc giả như không biết, lỡ phạm, sau đó sinh tâm hối hận, thành tâm phát lồ, thì có cho phép thọ ngũ giới và xuất gia hay không?
Đáp: Nếu như biết đối phương đã thọ giới, thì không nên để họ dẫn dụ, nhưng nếu đã bị dẫn dụ, tội sẽ được tiêu trừ. Nếu như không biết lỡ phạm, đáng lý cũng giống trường hợp vừa nói. Thế nhưng, phương pháp sám hối không phải dễ dàng, cần phải thưa thỉnh các bậc tôn đức hiểu sâu về giới luật, thì mới có thể [theo đúng phương thức] trừ diệt tội này.
Kinh văn:
Phật bảo các tỳ kheo: “Ta có hai thân, sanh thân và giới thân. Nếu có thiện nam tử vì ta xây dựng tháp bảy báu cao đến trời Phạm Thiên, giả như có người phá hoại, tội ấy còn có thể sám hối.
Nhưng nếu phá hoại giới thân của ta, tội ấy thật vô lượng, thọ tội giống như Long vương Y La.”
Chú thích:
Đoạn kết này muốn nêu rõ việc không nên khuy tổn tịnh giới. Giới thân tức là pháp thân. Đức Phật dùng giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến làm pháp thân. Do vì giới pháp là do chư tăng truyền thọ đời này qua đời khác, đây cũng có nghĩa là pháp thân Như lai thường trụ bất diệt. Nếu tự phá hoại phạm hạnh, hoặc phá hoại phạm hạnh của người khác, tức là phá hoại pháp thân Như lai, cho nên tội đặc biệt nặng hơn so với phá hoại tháp xá lợi của Phật.
Long vương Y La, gọi đủ là Y La Bát La, cũng gọi là Y La Bát. Y La, tên cây, có nghĩa là hôi thối. Bát La, có nghĩa là cực kỳ. Vị long vương này, vào thời Phật Ca Diếp, là một tỳ kheo, chẳng qua chỉ dùng tâm sân hận mà phạm giới chặt cây cỏ, nhưng vì không biết sám hối, khiến cho trên đầu mọc lên cây hôi thối này, chịu vô lượng sự thống khổ, huống chi có thể phạm các tội căn bổn như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ hay sao? Thế nhưng, đối với hai giới sát sanh và trộm cắp, những người có chút ít tâm từ bi, khiêm tốn, cũng không dám vi phạm, riêng giới tà dâm này là dễ vi phạm nhất, cho nên đặc biệt ở đây nêu lên lời khuyến cáo. Nhưng nếu tội phạm giới đã nặng hơn tội phá tháp, thì phước đức trì giới phải chăng cũng lớn hơn phước đức xây tháp? Hy vọng các phật tử suy ngẫm điều này!
Kinh văn:
4. GIỚI VỌNG NGỮ.
Phật bảo các Tỳ kheo: “Ta dùng các phương tiện quở trách sự vọng ngữ, khen ngợi sự không vọng ngữ, cho đến cười đùa còn không nên vọng ngữ, huống chi là cố ý vọng ngữ.” Trong đây, sự phạm tội như sau, nếu có ưu bà tắc, không biết, không thấy thánh pháp hơn người, nhưng tự nói mình là A la Hán
(đoạn tận phiền não ba cõi), đang hướng đến A la Hán quả (đoạn gần hết tư hoặc của cõi vô sắc), phạm tội không thể hối. Nếu nói mình là A na hàm (đoạn tận phiền não cõi dục), Tư đà hàm (đoạn sáu phẩm hoặc của cõi dục), Tu đà hoàn (đoạn tận kiến hoặc), cho đến hướng đến Tu đà hoàn (thế đệ nhất hậu tâm, đầy đủ bát nhẫn, chỉ thiếu một phần trí tuệ), hoặc đắc sơ thiền (ly sinh hỷ lạc, tương ưng với năm chi công đức), đệ nhị thiền (định sinh hỷ lạc, tương ưng với bốn chi công đức), đệ tam thiền (ly hỷ diệu lạc, tương ưng với năm chi công đức), đệ tứ thiền (xả niệm thanh tịnh, tương ưng với bốn chi công đức), hoặc được bốn vô lượng tâm từ bi hỉ xả, hoặc được (bốn) vô sắc định, (nghĩa là) hư không định, thức xứ định, vô sở hữu xứ định, phi tưởng phi phi tưởng xứ định, hoặc chứng được pháp quán bất tịnh, pháp niệm (hơi thở) An na ban na, hoặc nói chư thiên đến chỗ ta, các rồng, dạ xoa, bế lệ, tỳ xá xà, cưu bàn trà, la sát đến chỗ ta, chúng hỏi ta, ta trả lời với chúng, ta hỏi chúng, chúng trả lời với ta, tất cả những trường hợp trên đều phạm tội không thể sám hối.
Chú thích:
Giới đại vọng ngữ này có năm duyên thành tội không thể sám hối: (1) đối tượng là người, (2) biết đó là người, (3) có tâm khi dối, (4) nói đầy đủ ý mình muốn nói, nghĩa là chứng A la hán, cho đến la sát đến chỗ ta, v.v…, (5) đối tượng hiểu ý mình muốn nói. Nếu nói với người điếc, người khờ, người không hiểu ý nghĩa mình muốn nói, hoặc nói với phi nhân, súc sinh, v.v…, đều phạm tội bậc trung, có thể sám hối.
Kinh văn:
Nếu muốn nói A la hán nhưng nói lầm là A na hàm, phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Còn những tội khác cũng tương tự như vậy (vì chưa được toại ý).
Nếu có người hỏi ưu bà tắc: “Ông đắc đạo chưa?” Nếu im lặng, hoặc hiện ra hình tướng, thì phạm tội bậc trung, có thể sám hối. Cho đến nói “gió xoáy, quỉ thần đến chỗ ta”, phạm tội bậc trung, có thể sám hối (Căn cứ Thập Tụng Luật, nếu chưa đắc ngoại phàm biệt tổng tưởng niệm, nói dối đã đắc; chưa trì giới thanh tịnh, nói dối là trì giới thanh tịnh; chưa từng đọc tụng tán thán kinh điển, nói dối đã từng đọc tụng tán thán kinh điển, v.v…, đều phạm tội bậc trung, có thể sám hối).
Nếu ưu bà tắc có nghe mà nói không nghe, có thấy mà nói không thấy, nghi có mà nói không [có], nghi không [có] mà nói có, những sự vọng ngữ như thế đều phạm tội có thể sám hối (Lại còn có: nói lưỡi hai chiều, nói lời độc ác và nói lời vô nghĩa, đều phạm tội, tuy không mất giới thể, cho nên gọi là có thể sám hối, nhưng không phải là không phạm vào tính tội). Nếu khởi tâm muốn vọng ngữ nhưng chưa nói ra, phạm tội bậc hạ, có thể sám hối (tội phương tiện xa), hoặc nói ra nhưng không hết ý, phạm tội bậc trung, có thể sám hối (hoặc nói lầm, hoặc nói không rõ ràng, gọi là tội phương tiện gần). Nếu nói với người khác là mình đã đắc đạo, phạm tội không thể sám hối. Nếu tâm cuồng, tâm loạn, hoặc nói mà không tự biết, thì không phạm.
5. GIỚI UỐNG RƯỢU.
Đức Phật ở nước Chi Đề, ấp Bạt Dà La Bà Đề. Nơi đó có con rồng độc tên là Am Bà La Đề Đà, hung bạo ác hại, không ai có thể đến chỗ ấy, voi, ngựa, bò, dê, lừa, la, lạc đà, không loài nào có thể đến gần, cho đến các loài chim cũng không dám bay ngang. Đến mùa lúa chín đi thì nó lại phá diệt lúa thóc. Trưởng lão Sa Ca Đà (còn gọi là Bàn Đà Già, hoặc Bàn Đà, dịch là Tiểu Lộ Biên Sinh, hoặc dịch là Kế Đạo; đời trước keo lận Phật pháp, lại ưa uống rượu, cho nên đời này sinh ra ngu độn, trong trăm ngày không thuộc được một bài kệ; đức Phật dạy tu pháp quán hơi thở, đắc quả A la hán), du hành đến nước Chi Đề, dần dần đến ấp Bạt Dà La Bà Đề. Sau khi nghỉ qua đêm, sáng sớm ngài đắp y cầm bát vào xóm khất thực. Trong khi khất thực, nghe nói ở ấp này có rồng độc tên là Am Bà La Đề Đà hung bạo ác hại, nhân dân, chim thú không dám đến nơi nó ở, đến mùa lúa chín thì nó lại phá diệt lúa thóc. Trưởng lão nghe xong, sau khi đi khất thực thọ trai, bèn đến nơi rồng độc Am Bà La Đề Đà, trải tọa cụ ngồi dưới gốc cây bên bờ suối. Rồng độc nghe mùi y phục, liền nổi tâm sân, thân tuôn ra khói. Trưởng lão liền nhập tam muội, vận sức thần thông, thân cũng tuôn ra khói. Rồng độc càng giận dữ, thân tuôn ra lửa. Trưởng lão bèn nhập hỏa quang tam muội, thân cũng tuôn ra lửa. Rồng độc lại tuôn mưa đá, trưởng lão bèn biến mưa đá thành đủ các loại bánh. Rồng độc lại tuôn ra sấm sét, trưởng lão liền biến chúng thành các loại bánh hoan hỷ. Rồng độc lại tuôn mưa cung tên, dao mác, v.v…, trưởng lão liền biến chúng thành hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng. Bấy giờ rồng độc lại tuôn mưa rắn độc, rết, bò cạp, v.v…, trưởng lão liền biến chúng thành các vòng hoa ưu bát la, vòng hoa chiêm bặc, vòng hoa bà sư ca, vòng hoa a đề mục đa dà. Rồng độc phô triển tất cả những sức mạnh của nó như vậy, nhưng vẫn không thể thắng được trưởng lão, bèn mất hết oai lực.
Trưởng lão Sa Già Đà biết sức rồng đã kiệt, không thể làm gì được nữa, ngài liền biến thân mình nhỏ lại rồi chui vào hai lỗ tai rồng, sau đó đi ra nơi hai con mắt, từ hai mắt ra xong, lại vào hai lỗ mũi rồi ra nơi miệng, kinh hành qua lại trên đảnh đầu của nó, nhưng không làm cho thân của nó bị tổn thương.
Bấy giờ, rồng thấy biết việc này, lòng rất kinh hãi, lông mình dựng đứng, bèn chắp tay hướng về trưởng lão nói: “Con xin quy y với ngài.” Trưởng lão bảo: “Ngươi không nên quy y với ta, mà nên quy y thầy ta, tức là quy y Phật.” Rồng nói: “Con từ nay quy y tam bảo, trọn đời làm đệ tử ưu bà tắc của Phật.”
Con rồng độc ấy sau khi thọ tam tự quy y, làm đệ tử Phật, không còn dám tạo những việc hung ác như trước nữa. Mọi người và chim thú đều đến được chỗ rồng ở, đến lúa chín cũng không còn bị phá hoại nữa. Do đây mà tiếng tăm của trưởng lão truyền khắp trong nước: “Trưởng lão Sa Già Đà hàng phục được độc long, khiến cho nó trở nên thuần thiện, mọi người và chim thú đến được nơi của rồng, đến mùa lúa chín cũng không còn bị phá hoại nữa.” Nhân vì tiếng tăm trưởng lão truyền khắp, mọi người đều thiết trai để thỉnh ngài.
Có một người nữ nghèo, kính thỉnh trưởng lão Sa Già Đà thọ trai, ngài im lặng nhận lời. Người nữ ấy bèn chuẩn bị món cháo sữa, trưởng lão bèn thọ dụng. Lúc ấy, người nữ ấy nghĩ rằng: “Vị sa môn này đã thọ dụng cháo sữa, e ngài sẽ phát lãnh.” Vì thế người nữ ấy đem rượu [màu sắc giống như nước] dâng lên. Ngài Sa Già Đà không để ý bèn lấy uống, sau khi thuyết pháp xong, ngài bèn từ giả. Đang khi đi về chùa, sức mạnh của rượu phát tác, khi đến gần cổng chùa, ngài bèn ngã xuống đất, y tăng già lê, đãi lọc nước, bình bát, tích trượng, bọc dầu, giày dép, ống đựng kim, v.v…, mỗi thứ một nơi, còn trưởng giả thì mê man, không còn biết gì nữa.
Lúc ấy, đức Phật cùng với A Nan đi ngang qua đó, thấy trưởng lão Sa Già Đà đang nằm trên mặt đất. Đức Phật tuy đã biết nhưng vẫn hỏi A Nan: “Vị này là ai?” A Nan đáp: “Bạch Thế tôn, đây là trưởng giả Sa Già Đà.” Đức Phật liền bảo A Nan: “Ông hãy vì ta trải tòa, chuẩn bị nước, tập hợp chúng Tăng.” A Nan vâng lời liền trải tòa, chuẩn bị nước, tập hợp chúng Tăng xong, đến bạch Phật: “Bạch Thế tôn, con đã trải sàng tòa, chuẩn bị nước, tập Tăng xong.” Phật bèn rửa chân, rồi an tọa, hỏi các tỳ kheo: “Các ông có từng nghe thấy rồng độc tên là Am Bà La Đề Đà hung bạo ác hại, trước đây không có ai dám đến chỗ này, ngay cả voi ngựa, bò dê, lừa, lạc đà đều không thể đến được. Cho đến các loài chim cũng không dám bay ngang trên hư không, lúc lúa thóc chín thì đều bị độc long phá diệt. Thiện nam tử Sa Già Đà có thể chiết phục rồng độc khiến cho nó trở nên thuần thiện, nay thì mọi người và chim thú đều an lành đến được bên dòng suối.” Bấy giờ trong chúng có người thấy nói là thấy, người nghe nói là nghe. Phật bảo các tỳ kheo: “Ý các ông nghĩ sao, thiện nam tử Sa Già Đà bây giờ có thể chiết phục được ễnh ương không?” Đáp: “Bạch Thế tôn, không thể.” Phật dạy: “Thánh nhơn uống rượu còn có lỗi như thế, huống chi là kẻ phàm tục? Tội lỗi như thế cũng đều do uống rượu. Từ nay về sau nếu tự nhận là đệ tử của ta, thì không được uống rượu, cho đến một giọt nhỏ như trên đầu ngọn cỏ cũng không được uống.” Phật dùng các thứ quở trách lỗi lầm của việc uống rượu xong, bèn bảo các Tỳ kheo: “Ưu bà tắc không được uống rượu.”
Rượu có hai loại: rượu nấu bằng ngũ cốc, rượu nấu bằng cây. Rượu nấu bằng cây tức là dùng các thứ gốc, nhành, lá, hoa, quả, hoặc các thứ hạt, các loại dược thảo pha chế thành rượu, sắc rượu, hương rượu, vị rượu, uống vào có thể làm cho say, đó gọi là rượu. Nếu ưu bà tắc nếm rượu để thưởng thức, cũng gọi là uống, phạm tội. Uống rượu ngũ cốc, mỗi hớp đều phạm tội; hoặc uống rượu chua, mỗi hớp đều phạm tội; hoặc uống rượu ngọt, mỗi hớp đều phạm tội; hoặc uống men rượu có thể làm say, mỗi hớp đều phạm tội; hoặc uống bã rượu, mỗi hớp đều phạm; hoặc uống chất giống rượu, sắc rượu, hương rượu, vị rượu mà khiến cho say, mỗi hớp đều phạm. Nếu chỉ có màu rượu, nhưng không có hương rượu, không có vị rượu, không làm cho say, cho đến uống những thứ khác đều không phạm.
Chú thích:
Giới uống rượu này chỉ là giá tội, chỉ vì muốn phòng ngừa lỗi lầm, cùng được chế định với bốn tội ở trên. Có ba duyên thành phạm: (1) là rượu, nghĩa là uống vào có thể làm say; (2) biết là rượu, nghĩa là biết đó là rượu, hoặc là pha với rượu; (3) uống vào miệng, mỗi ngụm đều phạm tội có thể sám hối. Nếu không biết trong thức ăn có rượu, hoặc thức ăn tuy được nấu với rượu, nhưng đã mất mùi rượu, không còn có thể làm say, thì đều không phạm.