chế giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(制教) Là Phán giáo do tông luật Nam sơn lập ra, đối lại với Hoá giáo . Tông luật Nam sơn đem giáo pháp của một đời đức Phật phán biệt làm Chế giáo và Hóa giáo, Chế giáo là chỉ pháp môn Giới học được hiển bày trong tạng Luật. Cũng gọi là hành giáo, ý nói tuân hành giáo pháp chế giới. Hóa giáo thì chỉ pháp môn Định và Tuệ được nói rõ trong tạng kinh. Cứ theo bài tựa trong Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao nói, thì bản ý của Chế giáo có bảy, đó là: 1. Không bàn về Tiệm, Đốn. 2. Nhắm vào khoa chính nghiệp. 3. Quả báo khác nhau. 4. Các cõi đi tới có hơn, có kém. 5. Khởi lên tình ý hư hay thực. 6. Cũng cho phép cũng cấm chế. 7. Theo hành trì hiển bày sự sai khác. Cứ theo Bát tông cương yếu quyển thượng chép, thì pháp môn Định, Tuệ của bốn A hàm là thuộc về Hóa giáo, còn pháp môn Giới học của luật Tứ phần thì thuộc Chế giáo. Y theo giới thể mà bàn về Chế giáo, có thể chia làm ba tông: 1. Thực pháp tông, nói tắt là Hữu tông, chỉ Thuyết nhất thiết hữu bộ trong Bộ phái Phật giáo, chủ trương hết thảy các pháp là thực có, lấy vô biểu của giới thể làm sắc pháp. 2. Giả danh tông, nói tắt là Không tông, chỉ tông Thành thực, chủ trương các pháp chỉ có cái tên giả chứ chẳng phải thực có, cho vô biểu của giới thể là chẳng phải sắc chẳng phải tâm. 3. Viên giáo tông, nói tắt là Viên tông, chỉ Duy thức Viên giáo, chủ trương hạt giống của tâm sở tư (được ươm giữ trong thức thứ tám) là giới thể vô tác. Luật Nam sơn dựa theo luật Tứ phần của bộ Đàm vô đức, luận Thành thực cũng phần nhiều dựa theo giáo nghĩa của bộ này, cho nên giới thể của luật Tứ phần là chẳng phải sắc chẳng phải tâm, nhưng, bản ý của ngài Đạo tuyên là y vào Viên giáo Duy thức mà định, tức trong Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ (hội bản) quyển 3, quyển 5, khi bàn về giới thể, đều đem Hữu tông, Không tông nhiếp vào trong Tính không giáo, còn diệu thể của Viên giáo thì là Duy thức giáo. Lại ngài Tuệ viễn ở chùa Tịnh ảnh đầu tiên lập thuyết Phán giáo, Hóa giáo và Hành giáo, ngài Đạo tuyên căn cứ vào thuyết ấy, cho Hành giáo bắt nguồn từ Hóa giáo, cũng lập giáo phán Hóa giáo, Chế giáo. [X. Đại thừa nghĩa chương Q.13 Tạng nghĩa phân biệt phần dưới – Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.thượng, Q.trung 3 – Tứ phần luật giới bản sớ tự – Giáo giới tân học tỷ khưu hành hộ luật nghi tự]. (xt. Hóa Giáo).