CẨM NANG TU TẬP
Thọ Giới
Người tu hành dù xuất gia hay tại gia, nếu thiếu sự hành trì giới luật, thì chẳng khác nào như ngựa không giây cương. Ngựa không giây cương, thì không có gì kềm thúc, nên tha hồ rong chạy tứ tung. Đã thế, thì tránh sao khỏi tai hại. Giới luật của Phật chế ra, để người Phật tử giữ gìn. Giới luật là những điều ngăn cấm những việc làm phi pháp sái quấy. Cho nên giới, nguyên tiếng Phạn là “Thi la” Trung Hoa dịch là Giới, nó có nghĩa là “phòng phi chỉ ác”. Phòng phi là ngăn ngừa những điều sái quấy; chỉ ác là dừng những ác nghiệp gây ra. Người tu hành có nghiêm trì giới luật, thì mới khắc phục chính mình và cảm hóa kẻ khác. Thế nên, sự tu hành muốn được thân tâm an lạc, thì trước tiên phải thọ trì giới luật.
Trong Giới Sớ nói: “Giới luật hay giúp phòng ngừa, ngăn đoạn phiền não phát sanh; thường phải nương theo mà thực hành như là cầm gậy khi tranh đấu, thì mới mong dạo chơi trong cảnh trần mà không bị các thứ phiền não xâm lăng”.
Chánh Niệm
Chánh niệm là cột trụ, là cốt tủy trong đạo Phật. Chánh niệm rất thiết yếu đối với người Phật tử. Nó thiết yếu như hơi thở và mạng sống. Dù chúng ta tu theo bất cứ pháp môn nào, điều tiên quyết là phải thực tập cho mình có chánh niệm. Chánh niệm quan trọng giống như người gác cổng. Kẻ gác cổng không thể thờ ơ đối với kẻ ra người vào. Nhứt là đối với kẻ lạ mặt. Người gác cổng thận trọng là phải luôn đề cao cảnh giác. Nếu không, thì kẻ lạ mặt hay kẻ trộm cướp vào nhà lấy hết của báu. Cũng thế, đối với người tu phải luôn có chánh niệm. Phải luôn đề cao cảnh giác qua mọi lời nói và việc làm. Người có chánh niệm, khi tâm ta khởi nghĩ điều gì là ta biết rất rõ. Ngược lại, nếu ta thiếu chánh niệm, hay thất niệm, thì tâm ta luôn luôn bất an và sự khổ, bức bách sẽ kéo đến ngay.
Thế nên, trong suốt thời gian dự tu, các tu sinh cần phải thực tập gìn giữ chánh niệm trong mọi thời gian và nơi chốn. Một tu sinh dự tu, phải cố gắng giữ gìn cẩn thận 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi cho thật tề chỉnh. Muốn được thế, thì cần phải có chánh niệm. Vì chánh niệm là năng lượng giúp ta nhận diện rõ ràng những gì đang xảy ra cho ta và những người chung quanh. Khi năng lượng ấy có mặt, thì thân và tâm ta sẽ có mặt ngay và khi ấy, ta mới thật sự đang sống trong giây phút hiện tại, một giây phút thật là mầu nhiệm vô cùng. Ta phải cố gắng thường xuyên tập cho kỳ được trong thời gian dự tu. Xin nhấn mạnh để các tu sinh quan tâm ghi nhớ: Chánh niệm là kim chỉ nam cho khóa tu. Mất chánh niệm, thì sự tu hành của chúng ta khó được an lạc, giải thoát.
Bớt Nói Chuyện
Ai ơi! Xin chớ nói nhiều
Để tâm niệm Phật muôn điều an vui
Khổ nhiều cũng tại cái tôi
Nhiều lời lắm chuyện hao hơi thêm phiền
Muốn cho tâm được bình yên
Miệng thời ít nói là Tiên trên đời.
Nói nhiều là một tập khí khó bỏ. Người khéo biết tu, càng ít nói nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Nói chuyện nhiều trong khóa tu, có nhiều điều bất lợi. Bản thân mình chẳng những không lợi ích mà còn gây ra cho người khác khó chịu. Vì nói chuyện nhiều sẽ làm động chúng. Tâm mình bất an, gây tâm người khác cũng bất an. Đây là một trọng tội.
Người nào có tật nói nhiều, khi dự tu nên bỏ bớt. Khi thốt ra lời, phải có chánh niệm ngay. Có chánh niệm là mình biết mình đang nói gì. Và điều mình nói đó có lợi hay hại. Có làm tổn thương cho mình và người khác hay không. Người có tật già hàm, thật là khó tu.
Người xưa nói: “Đa ngôn thì loạn ngữ”. Thật vậy, nói nhiều quá, mình không kiểm soát được lời mình nói, nên dễ gây ra lắm chuyện không vui. Người đối diện nghe mình nói huyên thuyên câu chuyện không đầu đuôi, họ cũng đâm ra bực mình và phát chán. Thật họ khó chịu vô cùng. Tuy họ không nói ra, sợ mình buồn giận, nhưng thật lòng, thì họ cũng không bao giờ thích muốn nghe. Người có tật già hàm, ham nói nhiều, sợ người khác dành nói hết, nên họ chỉ muốn nói một mình thôi. Họ nói huyên thuyên, không để cho người khác hé môi, hở miệng. Thật đây là một tật xấu và tối kỵ cho người biết tu hành. Nhứt là trong một tập thể đang tu. Ai vướng phải tật bệnh nầy, chư Tổ khuyên nên bỏ bớt. Người tu cần giữ tâm cho thanh tịnh. Nói nhiều làm sao tâm thanh tịnh cho được.
Chư Tổ khuyên chúng ta: “Bớt nói nhiều câu chuyện, niệm nhiều câu Phật”. Có thế, thì mình và người đều được an lạc. Đây là điều tối hệ trọng và cũng là điều tối kỵ trong khóa tu. Xin tất cả hãy giữ gìn cẩn thận. Vì ý thức sự tu hành, bởi ham tu nên mình mới đến đạo tràng để dự tu. Do đó, mình càng bớt nói chừng nào thì tốt cho mình chừng nấy. Nếu phải nói, thì ta nên nói những lời chánh ngữ và ái ngữ. Tục ngữ có câu:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Hay:
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Không nên vì lời nói của mình mà làm cho kẻ khác mất vui. Và mình sẽ bị tổn đức. Kính mong tất cả hãy tự trọng chính mình và tôn trọng khóa tu, mà giữ gìn cẩn thận khi phát ngôn.
Vào Điện Phật
Bước vào trong Phật Điện
Thân ý giữ nghiêm trang
Xin nguyền không nói chuyện
Quy kính hướng tâm thiền.
Chánh điện là nơi tôn nghiêm thờ Phật. Là Phật tử ta phải hết lòng kính trọng Phật. Khi dự tu, mỗi khi bước vào trong chánh điện, ta phải giữ thân tâm cho trang nghiêm. Thân phải tề chỉnh, khi đi tới lui hay ngồi xuống. Còn tâm phải có chánh niệm, chánh quán, tức đừng để cho con khỉ ý thức chạy rong. Ta phải nhiếp tâm thành ý niệm Phật. Điều tối kỵ là nói chuyện nhỏ to trong chánh điện. Khi cần nói, ta nên mời người bạn mà ta muốn nói ra ngoài. Khi nói xong câu chuyện cần thiết, thì ta mới trở vào trong chánh điện.
Mỗi người hãy tự ý thức giữ gìn cho chánh điện được trang nghiêm. Đừng biến chỗ tôn nghiêm, trở thành nơi chợ búa. Thế là ta mang tội rất lớn. Tội là vì ta không kính Phật và cũng không giữ đúng quy luật. Đến tu là ta đã ý thức và tự dặn lòng mình, nên bòn mót thêm phước đức, chớ không nên gây thêm tội lỗi. Bất cứ liên hữu, Phật tử nào, khi đến dự tu cũng đều có mang tâm niệm đó. Thế thì tại sao ta không chịu gìn giữ tâm niệm rất tốt đẹp ban đầu đó. Đó là một tâm niệm, một ý nguyện thật trong sáng và đáng kính biết bao! Mong sao tất cả chúng ta ai nấy cũng đều nhớ đến tâm nguyện của mình là một tu sinh, cần phải gìn giữ nghiêm túc những gì mà bản Nội Quy đã nhắc nhở chúng ta.
Mỗi người phải là một bản nội quy sống. Hãy biến những nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Ý thức đến sự vô thường, cái chết gần kề, nó xảy ra cho ta bất cứ lúc nào, nên ngay bây giờ ta còn sống được phút giây nào, thì ta nên tiếc nuối phút giây đó mà gắng lo tu niệm. Hãy dành hết tất cả thời gian cho sự tu hành của ta. Có thế, thì ta mới thật sự là tự biết thương mình. Ta phải hết lòng quy kính và tự trọng để hướng về nội tâm của ta mà lo dẹp trừ phiền não. Được như vậy, thì thân tâm ta mới thật sự an lạc. Và những ngày dự tu của ta mới không luống uổng, vô bổ! Mong lắm thay!
Lễ Bái Trì Danh
Về chùa lễ bái trì danh
Kinh hành niệm Phật chí thành chuyên tu
Việc đời rối rắm lu bu
Về chùa tu niệm hết ưu não phiền.
Gieo trồng hạt giống Tịnh liên
Sâu dầy vững chắc vui miền Lạc bang.
– Lễ Bái
Pháp tu nầy, về cách thức hành trì, thì đa số liên hữu đã biết và thật hành qua. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói rõ thêm về sự lợi ích của pháp tu nầy trong khi chúng ta thật hành. Trước hết, là nói về lễ bái.
Lễ bái là một hình thức được biểu lộ bên ngoài. Khi lễ bái cần phải có sự cung kính. Cung kính là từ trong tâm ta phát hiện ra. Trong mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, nguyện đầu tiên là Lễ kỉnh chư Phật. ( Nhứt giả lễ kỉnh chư Phật ) Đây là một động tác vừa có lợi cho thân mà cũng vừa có lợi cho tâm. Vì khi đứng lên lạy xuống, có sự vận động cho thân, máu huyết được lưu thông đều đặn, nên rất có lợi cho sức khỏe. Trừ những vị nào bị bệnh áp huyết cao, thì không nên lạy nhiều và khi lạy phải hết sức cẩn thận.
Phương pháp lễ bái nầy, nó rất phù hợp với y học. Quý vị nào muốn biết rõ hơn về sự ích lợi của pháp môn lễ bái nầy, xin đọc quyển: Bái Phật Và Y Học, do Đạo Chứng Pháp Sư biên thuật, Tâm Tịnh và Phan Thế Hùng Anh chuyển dịch Việt ngữ.
Ngoài sự lợi ích về sức khỏe cho thân ra, nó còn rất lợi ích cho tâm và nhứt là tiêu trừ được nghiệp chướng lâu đời. Đây cũng là biểu lộ cách sám hối tội lỗi mà chúng ta đã gây tạo. Nên khi lễ bái chúng ta phải chí thành tha thiết. Lễ bái không có nghĩa là van xin cầu khẩn ở nơi Phật, Bồ tát để được các Ngài ban ân giáng phước cho ta, mà lễ bái với một tâm thành tha thiết cung kính để hạ mình dẹp trừ ngã mạn.
Khi lễ bái, hành giả phải cẩn thận chú ý đến phần oai nghi. Thân phải đứng nghiêm trang tề chỉnh. Phải đứng ngay thẳng và thầm nhớ bài kệ:
Giữ thân như tường vách
Thế đứng sư tử vương
Thân tâm cùng hợp nhất
Tự tại thể chơn thường.
Khi lạy xuống phải thật nhẹ nhàng, không nên lụp chụp lẹ làng. Phải ứng dụng đúng theo phương pháp: ”Ngũ thể đầu địa”.Nghĩa là đầu mặt và tay chân phải sát đất. Chữ “tiếp túc” có nghĩa là chạm xúc chân Phật. Đây là một tục lệ của người Phật tử Ấn Độ lạy Phật khi xưa. Cho nên khi lạy hai bàn tay ta để úp xuống. Khi đứng lên cũng phải thật chậm rãi và nhẹ nhàng. Khi xá phải từ từ và thật sâu. Pháp lễ bái nầy, nó còn trừ được một chứng bệnh nặng nề nhứt của người tu đó là bệnh hôn trầm. Hôn trầm là ngủ gục là đi vào hôn mê tối tăm. Trong Kinh thường gọi trạng thái nầy là rơi vào hang quỷ. Bệnh nầy rất trở ngại cho sự tu hành của chúng ta.
Khi lạy xuống, tâm ta còn theo dõi câu hiệu Phật của các bạn đồng tu cùng niệm, như thế, thì làm sao ta có thể hôn trầm cho được. Sở dĩ chúng tôi cho ứng dụng thực tập, khi lạy xuống hành giả còn phải để tâm theo dõi câu hiệu Phật của những người khác đang niệm, mục đích là để trừ cái bệnh tán loạn của tâm. Vì chú ý theo dõi câu hiệu Phật, nên tâm ta không nghĩ gì khác. Nhờ thế, mà thân và tâm được hợp nhứt. Có hợp nhứt là có chánh niệm và an lạc. Đó là nói sơ lược về sự ích lợi của lễ bái.
Khi nhóm A xướng danh hiệu đức Phật A Di Đà lễ lạy, thì nhóm B ngồi niệm Phật. Đây là chúng ta ứng dụng gọi là lễ bái trì danh. Thay vì cá nhân lễ bái trì danh, thì chúng ta lại áp dụng cho tập thể. Phương pháp trì danh niệm Phật nầy, ta cần phải hiểu cho thật rõ trong khi hành trì. Trước hết, nói về tư thế ngồi. Khi ngồi xuống, ta liền thầm niệm bài kệ:
Bồ đoàn ngồi thảnh thơi
Không bận tâm việc đời
Chỉ chuyên lòng niệm Phật
Trí huệ chiếu sáng ngời.
– Ngồi niệm Phật
Tư thế ngồi, có 2 cách: Kiết già hoặc bán già. Kiết già hay còn gọi là Toàn già, đây là kiểu ngồi hình hoa sen. Cách ngồi nầy, được cái lợi là xương sống thẳng, thân vững vàng. Đây là cách ngồi theo Phật ngồi. Tư thế ngồi nầy, đối với những người trọng tuổi, thì rất khó. Vì chân cứng, nên khó bẻ và dễ bị đau chân. Tuy nhiên, nếu ai ngồi được, thì rất tốt. Còn ngồi bán già, thì tương đối dễ hơn. Cách ngồi nầy, là chân mặt để lên chân trái, hay ngược lại đều được. Đại đa số chúng ta đều ngồi theo tư thế ngồi nầy. Khi ngồi niệm Phật hay ngồi thiền, trước tiên là phải điều thân, mà điều thân tức là điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng cách. Có ngồi đúng cách, thì ta mới ngồi lâu và thoải mái. Bằng ngược lại, thì dễ đau chân và sanh bệnh.
Hai chữ “thảnh thơi” trong bài kệ nói, là nó đồng nghĩa với “tâm không”. Tâm không là tâm không có vướng mắc, không phiền não, không suy nghĩ lung tung, chớ không phải là tâm không trơn, như lông rùa sừng thỏ. Vì hễ có phóng tâm suy nghĩ việc nầy, việc kia, thì lòng ta đã bất an rồi. Đã bất an, thì làm gì có thảnh thơi. Muốn có được thảnh thơi, thì nhứt quyết là ta không bận tâm đến việc đời. Kể cả việc nhà cửa, việc cháu con v.v… Nói một cách nghiêm khắc và dứt khoát rõ hơn là ta không suy nghĩ hai bên : có không, phải trái, hơn thua… Có như thế, thì tâm ta mới thật sự an lạc. Vì không còn những cặp đối đãi khuấy rầy ta nữa.
Ta phải ý thức rằng, sự có mặt của ta hôm nay và ở đây là ta đã phát nguyện quyết chí tu hành. Đã thế, thì ta cần phải buông bỏ tất cả. Còn vướng bận bất cứ việc lớn nhỏ gì, thì tâm ta không bao giờ yên được. Như thế, thì chỉ còn có cái xác ngồi đó mà hồn ta đã gởi tận nơi đâu đâu. Muốn không khởi nghĩ chuyện gì, thì ta phải hết lòng niệm Phật. Khi niệm danh hiệu Phật, ta phải lắng tai nghe theo nhịp mõ và nghe tiếng niệm Phật của ta và của người. Nghĩa là tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau. Ta phải nghe rõ ràng từng chữ, từng câu. Không để tâm xao lãng. Phải luôn nhớ danh hiệu Phật, không được buông lơi, hở ra, nên gọi đó là Trì Danh ( giữ gìn danh hiệu Phật một cách chắt nịch không xen hở ).
Tâm ta luôn nhớ Phật như thế, thì chắc chắn là ta sẽ có an lạc ngay tức khắc. Mà tâm ta được an lạc, thì đó là tịnh độ hiện tiền. Cõi Tây phương hiện ra trước mắt ta. Nhưng với điều kiện là tâm ta phải thật sự an lạc. Vì tất cả đều từ tâm mà ra. Cảnh Cực lạc cũng do tâm ta mà có. Vậy khi niệm Phật, ta phải hết lòng tập trung tâm ý vào câu hiệu Phật. Nếu được kéo dài như thế, thì lâu ngày tâm ta dễ được an định và khi đã được an định, thì lần lần ta sẽ đạt được Nhứt tâm bất loạn. Đó là sự lợi ích thiết thiệt của pháp môn Trì Danh Niệm Phật.
Kinh Hành Niệm Phật
– Kinh Hành
Vừa đi niệm Phật
Miệng niệm tai nghe
Bước đi thật đều
Không nên lật đật.
Kinh hành là đi vòng quanh điện Phật để niệm Phật. Đây cũng là một phương pháp rất tốt. Vừa lợi ích cho sức khỏe cũng vừa lợi ích cho sự nhiếp tâm. Một buổi hành lễ, muốn cho thân tâm được an lạc thoải mái, thì ta phải khéo linh động, thay đổi động tác. Lạy nhiều thì mệt, ngồi lâu thì bị tê chân, đứng lâu thì mỏi, nên cần phải có đi. Ba động tác nầy cần phải thay đổi. Cho nên sau khi đại chúng ngồi niệm Phật, thì phải đứng lên đi kinh hành. Thời gian lạy, ngồi và đi, đều có phân chia thời gian thích hợp.
Điều ta nên nhớ, khi đi kinh hành, tai ta nghe tiếng nhạc niệm Phật, miệng ta niệm nhỏ theo. Điều quan trọng, ta nên chú ý là: “Nghe”, “tiếng”, và “bước đi” cả 3 đều phối hợp cho đều nhau. Tai ta nghe rõ ràng từng câu hiệu Phật. Tâm ta duyên theo tiếng và hòa nhập cùng với tiếng nhạc, tiếng đại chúng và tiếng của ta thành một. Nên nhớ là nương vào tiếng, chớ không phải dính kẹt vào tiếng. Như thế, thì tâm ta không phóng nghĩ ra ngoài âm thanh niệm Phật. Khi phóng nghĩ, ta liền nhận diện nó rõ ràng. Muốn nhận rõ, ta cần phải có chánh niệm. Chánh niệm là ngọn đuốc soi sáng qua mọi hành động và ý nghĩ của tâm ta. Ta chỉ cần nhận rõ vọng tưởng, tức thời vọng tưởng sẽ tan biến ngay. Vì bọn chúng không thật. Cho nên, lúc nào cũng phải có trí huệ soi sáng. Có thế, thì chắc chắn sự tu hành của chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp cao.
Thắp Nến Niệm Phật
Thắp nến niệm Phật là một hình thức hơi mới lạ. Có người nói: Niệm Phật được rồi, cần gì phải thắp nến? Nhân thắc mắc nầy, chúng tôi xin thưa để quý liên hữu rõ thêm. Trong nhà Phật, tất cả lễ nghi hình thức đều là phương tiện. Bất cứ phương tiện nào nhằm có lợi ích cho sự tu hành, chúng ta đều có quyền bày ra. Ở đây, chúng tôi muốn tạo ra một khung cảnh vừa trang nghiêm thanh tịnh vừa có sự ấm cúng. Cảnh trí tuy ngoại tại, nhưng nó cũng có một tác dụng rất lớn. Tùy theo mỗi khung cảnh mà nó có sự khích động đánh mạnh vào tâm thức của con người. Khi bước chân vào những nơi như : trường học, nhà thương, rạp hát, nhà hàng, tòa án, nhà thờ, tự viện v.v… ta thấy mỗi khung cảnh đều có một tác động mạnh vào tâm thức ta khác nhau. Vào rạp hát, lòng ta như vang lên bao niềm xao động, vui nhộn… Vào tòa án, lòng ta như chùn xuống, vì ta phập phồng lo âu sợ hãi. Vào chùa, ta thấy không khí nghiêm trang, lòng ta cảm thấy thật dễ chịu, như vơi đi bao nỗi ưu phiền…
Cũng thế, khi ta ngồi niệm Phật bình thường, lòng ta cảm thấy không có gì khác lạ. Đôi khi chúng ta có niệm xem thường. Một món ăn dù thật ngon miệng, nhưng ngày nào cũng tái diễn món ăn đó, thế thì, thử hỏi món ăn đó, có còn ngon miệng nữa hay không? Hay là khi nhìn thấy ta phát ớn lạnh! Sự tu hành, tuy mục đích là ở nơi tâm, nhưng chúng ta chưa có được: “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh”. Nếu được thế, thì còn gì phải luận bàn niệm hay không niệm. Và không cảnh nào là không phải cõi Tịnh độ. Chúng ta chưa được như vậy, nên cần phải bày ra hình thức. Hình thức trang nghiêm thanh tịnh, cũng làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy ấm áp và thích tu hơn. Hình thức là phương tiện. Khi tu ta rất cần đến những phương tiện tốt. Trong buổi thắp nến niệm Phật, cách ngồi của đại chúng nhìn thấy cũng thật trang nghiêm. Ta cần duy trì và sắp xếp chỗ ngồi như thế. Trở lại điều thắc mắc trên, niệm Phật được rồi, còn thắp nến làm chi?
Xin thưa, trong nhà Phật rất chú trọng đến ánh sáng. Vì ánh sáng là tượng trưng cho trí huệ. Mà trí huệ rất quan trọng trong việc tu hành. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, nếu không có trí huệ chỉ đạo, thì coi như sự tu hành của chúng ta sẽ không bao giờ đạt được kết quả tốt đẹp. Chẳng những thế, mà nó còn rất nguy hại. Vì thiếu trí huệ soi sáng, nên dễ bị lầm lạc, rơi vào con đường tà ngoại. Đó là một hậu quả rất nguy hiểm cho người tu.
Thực tế, là khi ta niệm Phật, nếu không có trí huệ soi sáng từng câu hiệu Phật, thì làm sao ta biết được vọng niệm. Cho nên trong đạo Phật Định và Huệ phải đi đôi với nhau. Cả hai không thể thiếu một. Cho nên, khi thắp sáng ngọn đèn trước mặt ta, để chúng ta thấy rõ sự tượng trưng đó. Sở dĩ ngọn đèn cháy sáng là do ngọn đèn không bị chao động. Vì không bị chao động, nên phát ra ánh sáng. Đó là tượng trưng cho định và huệ. Thế nên, khi niệm Phật, ta phải giữ tâm ta được an định và sáng suốt từng câu hiệu Phật như ngọn đèn đang cháy sáng. Đó là một biểu trưng mà chúng tôi mượn ngọn đèn để nói lên ý nghĩa thiết thật đó. Ngoài sự tạo khung cảnh mới lạ và ấm cúng ra, nó còn nói lên cái ý nghĩa thâm sâu đặc thù đó. Mà cái ý nghĩa nầy mới là cái chủ tâm của chúng tôi bày ra. Đó là nói qua về khung cảnh và ý nghĩa cho quý liên hữu rõ, giờ đây, chúng tôi nói đến cách thức hành trì.
Về cách ngồi, chúng ta ngồi thành 4 hàng. Hai hàng ngồi đối diện với nhau. Và trước mặt mỗi người là một cây đèn cầy. Mỗi đầu hàng, từ bàn Phật chính nhìn ra là có một thầy ngồi làm chủ trì. Mỗi bên, niệm 50 câu hiệu Phật. Đại chúng bên hàng A đồng âm niệm lớn, niệm theo nhịp mõ đều đều không nhanh, không chậm. Trong khi đó vị Duy na khi đại chúng bên A niệm đủ số 50 câu, thì đánh một tiếng chuông báo hiệu cho biết là đến phiên bên B đồng niệm. Cứ niệm Phật như thế cho đến nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, đồng đứng lên để chuẩn bị đi kinh hành. Khi đi, bắt đầu đi từng hàng một. Hàng thứ nhứt đi trước, rồi tới hàng thứ hai v.v… Kinh hành xong, đại chúng trở về vị trí cũ rồi ngồi xuống. Kế tiếp, đồng tụng một bài sám phát nguyện (hoặc có thể bài sám khác tùy chọn) và sau đó sẽ hát những bài hát đạo. Cuối cùng là hồi hướng.
Điều quan trọng trong lúc niệm Phật thắp nến nầy, mỗi người nên tự nhắm mắt lại để nhiếp tâm theo dõi từng câu hiệu Phật. Nếu khi niệm, tâm ta khởi vọng động bất an, liền khi đó, nên mở mắt ra nhìn thẳng vào ngọn đèn đang cháy sáng và theo dõi hơi thở, tức thời tâm ta sẽ được an định lại. Tuyệt đối chúng ta không nhìn chung quanh và người đối diện. Khi một bên niệm , thì một bên nhiếp tâm lắng nghe rõ âm thanh của đại chúng niệm. Ta thầm tỉnh lặng, nhân tiếng ngoài nghe lại tiếng lòng ta, phải nhớ : tâm và tiếng hiệp khắn nhau, không được xen hở, phóng nghĩ. Khi tâm phóng nghĩ loạn động, ta liền dùng chánh niệm soi sáng liền như ngọn đèn đang cháy sáng trước mắt ta. Nhờ thế, mà tâm ta dễ được an định. Niệm Phật theo cách thức nầy, ta nhờ ngoại cảnh đánh thức ta. Nhứt là nhờ vào âm thanh niệm Phật to tiếng của đại chúng. Đó là một năng lượng có tác dụng đánh thức lòng ta rất lớn. Một năng lượng tỏa ra bao trùm thật ấm áp, Nhờ vào năng lượng ấm áp đó mà ta cảm thấy rất an tâm. Tâm an là một hạnh phúc rất lớn lao mà bạc tiền không thể nào mua được.
Nghe Chuông
Nghe tiếng chuông lòng nhẹ vơi
Trí huệ phát lòng thảnh thơi
Tình thương trải khắp muôn nơi
Về thực tại dứt khổ đời.
Lắng nghe là một nguyên tắc mà ta cần phải chú ý thực tập. Trong khóa tu, tiếng chuông rất quan trọng. Chúng ta cần phải thực tập nghe chuông. Lâu nay, chúng ta có thói quen nghe và chạy theo thanh trần. Chúng ta săn đuổi chạy theo tiếng như người mất hồn. Vì vậy mà tâm ta luôn bị xáo trộn bất an. Tiếng chuông trong khóa tu là một cơ hội tốt để cho ta thực tập chánh niệm.
Mỗi khi nghe tiếng chuông, ta ngưng ngay mọi công việc, mọi suy tư, mọi nói năng để trở về với hơi thở chánh niệm. Ta hít hơi vô và thở ra 3 lần. Khi hít vô ta cho hơi thở dài, nhẹ và sâu. Thở rất tự nhiên. Và khi hít vô ta cho chữ Nam kéo dài đi theo hơi thở và khi thở ra, ta cho chữ Mô cũng dài theo hơi thở. Mỗi lần hít vô và thở ra, ta có thể ngừng lại 1 giây, rồi thở tiếp tục.Thở đều không nhanh và không chậm. Tới chữ A Di Đà Phật cũng thế. Cứ thế ta hít thở 3 lần. Cho đến khi bặt dứt âm thanh tiếng ngân của chuông. Mỗi lần thực tập, ta có thể thỉnh chuông như thế 3 lần. Cứ mỗi lần, đều thực tập hơi thở như thế. Khi thực tập thuần thục rồi, bất cứ tiếng động nào tạo nên âm thanh, ta cũng có thể thật hành như vậy. Điều nầy, rất có lợi cho sự thực tập chánh niệm.
Sau đó, ta có thể thầm niệm bài kệ trên. Điều nầy, thực tập buổi đầu hơi khó cho chúng ta, vì chúng ta chưa quen. Nhưng chúng ta cố gắng bền chí thực tập, thì chắc chắn sẽ không còn khó khăn nữa. Hãy cứ thực tập đi, rồi chúng ta sẽ thấy hiệu quả của sự an lạc.
Khi nghe tiếng chuông, tuyệt đối chúng ta hãy để tâm chúng ta thật nhẹ vơi, lòng không một chút cáu bợn phiền não. Khi tâm ta nhẹ thoát như thế, thì ngay đó là ta đã có trí huệ sáng ngời rồi. Trí huệ phát hiện là vì tâm lặng. Bấy giờ lòng ta mới cảm thấy an vui và tươi mát. Nhìn ai cũng thấy thương được. Dĩ nhiên, chữ “thương” trong ý nghĩa trong sáng, có trí huệ chiếu soi. Như thế, thì còn gì khổ nữa đâu. Sở dĩ ta khổ là vì tâm ta vọng động, suy nghĩ lung tung, thương, ghét, phải, trái… đủ thứ. Chúng hành hạ thân tâm ta không yên. Chúng làm cho ta đau khổ quá nhiều rồi!
Lý thuyết hay không bằng thật hành. Chúng ta cứ thật hành ngay đừng chần chờ gì nữa. Khi nghe tiếng chuông thỉnh lên, dù bất cứ ở đâu, tất cả đều phải giữ yên lặng. Lập tức ta hãy trở về quê hương tâm linh của ta ngay. Vì nơi đó có đầy đủ hoa trái hạnh phúc. Như thế, thì ta còn chần chờ gì nữa mà không mạnh dạn trở về. Mong tất cả hãy trở về thực sự ngay trong từng giây phút.
Chắp Tay
Sen búp xin tặng người
Một vị Phật tương lai
Xin nhớ Phật mỗi ngày
Sẽ dứt nỗi khổ ngay.
Chắp tay là một lối chào nhau của người con Phật. Lối chào nầy thật đẹp. Sự lễ nghi chào hỏi, tùy theo tập tục của mỗi quốc gia và tôn giáo mà có khác nhau. Riêng về Phật giáo, nhứt là những người tu theo pháp môn Tịnh độ, ngoài sự chào nhau bằng cách chắp tay, họ còn niệm câu A Di Đà Phật nữa. Đây là một sự thức nhắc lẫn nhau để mỗi người nhớ lại tâm nguyện của mình. Lúc nào cũng không quên vị Giáo Chủ mà trong tương lai mình sẽ gặp lại Ngài. Đồng thời, cũng đánh thức tâm thiện của mỗi người, vì mỗi người đều sẵn có tánh Phật.
Thuở xưa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, đi đâu gặp ai, Ngài cũng bái lạy và nói câu: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ là Phật”. Mỗi người ai cũng sẵn có Phật nhân, chỉ cần chịu khó nhìn lại và cố gắng tu hành dứt trừ hết vô minh phiền não, thì sẽ đạt được Phật quả. Đó là một hạnh nguyện của Bồ tát luôn thức nhắc cho mọi người nhớ lại ông Phật của chính mình. Vì quên Phật của mình, nên chúng ta mãi đi trong luân hồi chịu khổ. Việc làm nầy của Ngài, dù bị người ta mắng nhiếc đánh đập, nhưng Ngài vẫn không thối chí nản lòng. Đây là một hạnh nguyện đáng kính và đáng cho chúng ta noi gương theo.
Ngày nay, khi gặp nhau, chúng ta chắp tay chào, đâu có ai chưởi bới đánh đập mình. Thế mà chúng ta còn ít khi chắp tay chào. Giả sử bị người chưởi đánh ta thì sao? Chắc là ta đánh chưởi lại, làm sao ta an nhẫn cho được!
Chúng tôi xin đề nghị quý liên hữu trong đạo tràng chúng ta, mỗi khi gặp nhau, chúng ta nên bắt chước Ngài Thường Bất Khinh mà chào nhau bằng cách chắp tay xá và niệm A Di Đà Phật. Khi chào nhau, chúng ta phải thật tâm cung kính, chớ không nên làm cho có lệ, theo kiểu giả dối bề ngoài, trả nợ quỷ thần. Điều nầy, không ai bắt buộc ta phải làm. Ta làm, vì ta ý thức được cái hay, cái đẹp, phát xuất từ tâm ta, nên khi chào nhau cần phải có cung cách và vui vẻ. Mỗi người nên cố gắng thực tập cho mình có thói quen tốt nầy. Đồng thời khi chắp tay, ta nên nhớ là chắp tay lên ngang ngực, không được chắp thấp lắm hoặc cao lắm.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm về cách chào của người Phật tử đối với chư Tăng, Ni. Khi chào chư Tôn Đức Tăng Ni, chúng ta không nên chào một tay. Trong trường hợp, nếu tay ta đang bận xách đồ không thể để xuống được, thì ta chỉ nên cúi đầu chào. Có người vì chưa hiểu, nên khi chào lại khoanh tay cúi đầu, hoặc chỉ gật đầu. Chào như thế không đúng cách mà phải chắp tay xá chào. Nếu trên tay ta đang cầm quyển kinh, thì tuyệt đối không được cầm Kinh xá chào. Ta chỉ nên cúi đầu chào thôi. Vì thị Kinh như thị Phật, cầm kinh xá chào là mang tội.
Lễ nghi tuy là hình thức bề ngoài, nhưng nó cũng biểu lộ tấm lòng cung kính và phép lịch sự của chúng ta. Điều mà chúng ta cũng cần nên nhớ là khi chào nhau, mỗi người nên chắp hai bàn tay lại theo kiểu hình hoa sen búp.
Trai Đường
Bước chân vào trai đường
Buông xả mọi vấn vương
Nhẹ nhàng trong chánh niệm
Trân kính thọ cúng dường.
Trai đường, quá đường hay ngũ quán đường, tên gọi tuy khác, nhưng đều có chung một ý nghĩa là nhà thọ trai. Khi vào trai đường ta cần phải giữ yên lặng. Vì nơi đây là chỗ của người xuất gia thọ thực. Những người thọ bát hay dự khóa tu dài hoặc ngắn hạn, đều là tập tu theo công hạnh của người xuất gia. Cho nên mọi việc làm ở trai đường cần phải giữ trang nghiêm. Khi mọi người bước chân vào trai đường, cũng như bước chân vào điện Phật, cần phải buông xả mọi ưu phiền. Những gì rối rắm trong lòng nên gỡ bỏ để bên ngoài. Vì nếu ta mang nó theo vào trai đường, đến lúc ngồi ăn, ta chỉ ăn toàn phiền não, chớ không phải ăn thức ăn.
Ăn nhai cơm cũng là một phép thực tập rất sâu sắc. Trong khi ăn, ta phải giữ chánh niệm và thiết lập cho thân và tâm ở ngay trong giây phút hiện tại. Ăn như thế là ta mới thực sự có mặt tiếp xúc được thức ăn và năng lượng của những người chung quanh. Khi ăn, điều tối kỵ nhứt là để tâm buông lung, nghĩ ngợi, lo lắng đủ thứ. Phải luôn nhớ nghĩ đến năm phép quán tưởng mà ta mới vừa đọc qua.
Khi đứng xếp hàng lấy cơm, ta cũng phải giữ cho có trật tự và yên lặng. Mọi việc, ta phải theo sự sắp xếp của Ban Hành Đường. Ban hành đường, tuy được chúng cử làm theo phận sự của mình, nhưng khi làm cũng phải gìn giữ oai nghi tế hạnh. Nói năng hay dọn ăn, đều phải nhẹ nhàng và luôn giữ chánh niệm.
Lấy cơm xong, ta đi nhẹ nhàng chậm rãi vào chỗ ngồi. Khi kéo ghế, ta nên để ý giở ghế lên, đừng kéo ghế gây tiếng ồn làm cho người khác khó chịu. Ngồi vào ghế xong, khi nghe tiếng khánh ta nên nhiếp tâm, lập tức theo dõi hơi thở và nhớ Phật.
Ta phải học thuộc lòng nghi thức quá đường. Bài Kinh cúng dường và những bài kệ, câu chú, tất cả đều phải học thuộc. ( Nếu vị nào chưa thuộc, thì cố gắng học, trường hợp những vị trọng tuổi không thuộc lòng, thì nên coi theo bổn mà đọc tụng. Nhưng tốt nhứt là nên học thuộc lòng thì hay hơn ). Cách thức bưng bát, cắm muổng vào bát, tay bắt ấn v.v… ta đều phải thực tập cho nhuần nhuyễn. Mỗi khóa tu, đều có một buổi thực tập về nghi thức nầy. Tuy nhiên, Nếu vị nào sau khi thực tập còn chưa rõ, hoặc còn bỡ ngỡ, thì nhờ chúng trưởng hoặc quý vị trong Ban nghi lễ chỉ giúp giùm. Xin quý vị đừng ngần ngại. Nhứt là đối với những vị mới gia nhập vào đạo tràng hoặc mới dự khóa tu. Điều gì chưa rõ, cứ tự nhiên hỏi. Vì nơi đây là môi trường chúng ta cần học hỏi giúp đở lẫn nhau.
Khi nhai cơm ta thầm nhớ đến bài kệ:
Cơm đưa vào miệng
Phật hiệu theo liền
Từng miếng nhai lâu
Bể sầu tát cạn.
Khi ăn, ta không nên ăn nhanh quá, ăn như thế rất có hại cho bao tử. Cũng không nên ăn lâu quá để đại chúng chờ đợi mang tội. Thời gian ăn tối đa là nửa giờ.
Ăn xong, khi trán bát uống nước, ta thầm nhớ bài kệ:
Một ngụm nước trà
Lòng ta tươi mát
Nước làm đã khát
Ta “Biết” rõ ràng.
Khi đứng lên, ta nhớ phải nhấc ghế cho thật nhẹ nhàng và rồi đứng cho ngay hàng để chuẩn bị đi kinh hành. Khi đi, ta chỉ nhiếp tâm niệm Phật, mắt ngó về phía trước, không được ngó hai bên hoặc dòm người nầy người kia. Như thế, sẽ mất oai nghi và coi không được. Khi đi, ta cũng nên chú ý người đi trước mình để giữ khoảng cách cho đều nhau, đừng đi sát cũng đừng thưa lắm. Các tu sinh phải cẩn thận và chú ý điểm nầy. Sự tu hành cần phải mót phước từ những cái nhỏ nhặt. Tuyệt đối không nên khinh suất.
Thiền Hành
Bước đi trong tỉnh lặng
Mỗi bước nhịp thở đều
Tâm an nhiên tự tại
Mầu nhiệm biết bao nhiêu.
Thiền hành còn gọi là thiền đi. Đi là một động tác vận động rất tốt cho cơ thể. Ngày nay, người ta khuyến khích và cổ động cho phương pháp đi bộ nầy. Đi bộ được coi là một bộ môn thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhứt là đối với những người trọng tuổi cần phải tập đi thiền nhiều lần trong ngày. Ở đây, chúng ta đi thiền, ngoài việc vận động cơ thể ra, nó còn là một cách thực tập thiền rất dễ chịu và an lạc.
Thiền hành khác với kinh hành. Thiền hành là ta đi trong tĩnh lặng và sáng suốt. Không niệm Phật ra tiếng như kinh hành. Khi đi, ta giữ mỗi bước đi thật đều đặn, không cần đi nhanh lắm. Đi một cách thoải mái và tự nhiên. Phải đi trong tư thế vững chãi và thảnh thơi. Đi theo nhịp thở đều. Mỗi bước chân ta đi là một chữ của câu hiệu Phật. Như bước đầu là chữ Nam, bước kế là chữ Mô. Cứ như thế mà tiếp tục. Tâm ta gắn liền từng chữ của câu hiệu Phật theo mỗi nhịp bước chân. Không phải đợi đến khi thiền hành, ta mới thực tập như thế. Trong đạo tràng, nhứt là trong những ngày tu học thọ bát, ta phải cố gắng thực tập cho mình có những bước chân đi vững chãi và thảnh thơi như thế.
Khi di chuyển đi đâu, dù chỉ vài ba thước, ta cũng phải tập đi thiền hay đi trong tịnh độ. Phương pháp tập đi thiền nầy, giúp cho ta có được một nội lực thật an bình và hạnh phúc hằng ngày. Hãy cố gắng thực tập ngay đi, thì chúng ta sẽ thấy sự hiệu nghiệm của nó. Đã lâu rồi, chúng ta thật sự chưa biết đi những bước đi hạnh phúc. Chúng ta đi trong phiền muộn, đi với những nỗi lo âu sợ hãi. Đi như một con ma đói đang bị hành hạ từng bước nặng trĩu khổ đau. Bây giờ, ta nhứt định không còn những bước đi sầu khổ, tiêu cực, héo mòn đó nữa. Đi không mong tới và cũng không có dự án, tính toán trong đầu. Chính những thứ mong mỏi, dự án tính toán đã làm cho ta nhức đầu đau khổ nhiều rồi. Ta hãy mạnh dạn quăng hết những gánh nặng lo âu, tính toán đó, để cho những bước chân đi của ta thật sự thành những dấu ấn an lạc, vững chãi và thảnh thơi trên mặt đất.
Nghe Pháp
Thân người không dễ được
Phật pháp không dễ nghe
Cả hai nay đều được
Phải trân quý lắng nghe.
Giáo pháp của Phật thật là thậm thâm vi diệu. Những lời của Phật nói ra đều là những lời vàng ngọc. Tùy theo căn cơ trình độ của người nghe mà Phật nói có sai khác. Tuy nhiên, dù có sai khác cao thấp, đốn tiệm…khác nhau, nhưng tất cả đều có cùng một vị, đó là vị giải thoát. Như nước biển tuy nhiều, nhưng có cùng một vị, đó là vị mặn. Giáo pháp của Phật nói ra khác nào như một đám mưa, tùy theo mỗi loại cây cỏ lớn nhỏ không đồng mà chúng hấp thụ nước mưa có sai khác. Dù có sai khác, nhưng tất cả cũng đều được lợi ích.
Hôm nay, ta được cơ duyên thù thắng là được thân người và được nghe pháp. Điều nầy, nếu đời trước, ta kém tu, thì hôm nay làm sao ta có được thiện duyên như thế nầy. Đây là một căn lành phước báo rất lớn mà do ta đã khéo gieo trồng tu tạo trong nhiều đời. Biết thế, thì ta không thể cô phụ lại căn lành đời trước của ta. Nghĩa là, chúng ta cần phải cố gắng tu tạo phước đức nhiều hơn nữa.
Như chúng ta đều biết: Văn, tư, tu là ba món huệ học mà chúng ta cần phải trau dồi. Nghe pháp thuộc về văn huệ. Nói văn huệ là trong khi nghe, chúng ta phải dùng trí huệ để nghe. Có dùng trí huệ, chúng ta mới có thể biện biệt được lẽ chánh tà, chân ngụy. Sau khi nghe, ta cần phải tư duy cho chín chắn. Tư duy là thiền quán. Người tu học Phật mà thiếu thiền quán, thì chẳng khác nào như người đầu bếp nấu ăn mà không có muối. Như thế, thì bảo thức ăn làm sao ngon được. Sau khi thiền quán kỹ càng rồi, chúng ta liền ứng dụng. Ứng dụng là thật hành những gì mà ta đã nghe và học hỏi. Có thế, thì mới thực sự có lợi ích thiết thật trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đạo Phật không phải là đạo lý thuyết suông hay giáo điều mà đạo Phật rất chú trọng ở nơi thật hành. Nhưng sự thật hành phải có trí huệ soi sáng.
Thế nên khi nghe pháp, ta nên có tâm niệm như người đang khát nước cần uống. Ta không thể khinh thường. Phải lắng nghe cho thật kỹ, những gì mà chư Tôn Đức Tăng Ni giảng dạy. Tuyệt đối không được nói chuyện. Vì nói chuyện sẽ gây ra động chúng làm cho người khác bị xao lãng. Mình đã tán tâm dao động, còn làm cho người khác cũng tán tâm dao động theo. Như thế, thì thật là mang tội rất lớn. Và khi có việc đi ra, ta phải di chuyển thật nhẹ nhàng. Tuyệt đối là phải tắt máy điện thoại di động. Nếu không, thì chính ta đã gây ra làm tác hại đến bài pháp thoại rất lớn và sự lãnh hội tiếp thu của ta và người cũng không có được bao nhiêu. Ta nên cẩn thận và chú ý rất nhiều về điểm nầy.
Ngủ Nghỉ
Khi tôi nằm xuống nghỉ
Buông thả miệng mỉm cười
Việc qua rồi chẳng nhớ
An giấc mộng vui tươi.
Một con thú khi bị thương tích, nó liền tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn nghỉ ngơi để tịnh dưỡng chửa lành lại vết thương. Một cái máy khi hoạt động lâu, tất nhiên, người ta cần phải cho nó tạm ngừng để cho nguội máy. Đó là người khéo biết bảo trì để sử dụng được bền lâu. Cũng thế, thân thể người ta cũng chỉ là một bộ máy, nhưng là một bộ máy sự cấu tạo của nó rất tinh vi. Bởi thế, nên thân thân thể người ta còn gọi là cơ thể. Cơ là máy móc. Đã là bộ máy cũng như muôn ngàn bộ máy khác, Song có điều bộ máy của con người nó có sự sống. Nên người ta gọi là sinh lý. Còn máy móc, thì gọi là vật lý. Dù sinh lý hay vật lý, tất nhiên, nó cũng cần phải có được sự nghỉ ngơi.
Đối với con người ngủ nghỉ rất là cần thiết cho sự sống. Nó là một luật tắc tự nhiên. Nhưng sự ngủ nghỉ ít nhiều, còn tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người. Đối với người trọng tuổi cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Vì trọng tuổi dỗ giấc ngủ rất khó hơn hồi còn trẻ nhiều. Nhưng khi nghỉ ngơi, ta cũng cần phải biết phương pháp. Thân thể ta cần phải buông thư. Buông thư cũng là một phương cách hành thiền làm cho các cơ bắp ta được giản ra. Sự căng thẳng của hệ thần kinh và bắp thịt hay dễ gây ra cho ta có những bực bội, cau có khó chịu. Vì thế, ta cần phải thực tập thiền buông thư, mỗi lần ít nhứt cũng nửa giờ đồng hồ. Buông thư là ta nằm với tư thế thả lỏng thân thể. Tâm ta không suy nghĩ tính toán chuyện quá khứ hay tương lai. Ta chỉ nằm thoải mái thảnh thơi. Ta không cần bận tâm đến bất cứ chuyện gì. Vì thời gian nầy là thời gian của ta. Ta cần phải có chủ quyền. Nếu cần, ta niệm Phật theo hơi thở. Khi nằm cũng để cho thân tâm ta hợp nhứt.
Trong khóa tu, sự ngủ nghỉ rất là cần thiết. Vì nếu mất ngủ, tất nhiên là chúng ta sẽ không đủ sức khỏe để tu học cùng đại chúng. Vì thế, vào những giờ ngủ nghỉ ta cần phải tôn trọng giờ giấc. Nếu như ta không ngủ được, thì ta không nên gây tiếng động làm cho người khác giật mình khó ngủ. Khi nghe kẻng đổ báo hiệu đã đến giờ chỉ tịnh, thì mọi người tuyệt đối không nên nói chuyện. Tất cả cần phải gìn giữ phòng ngủ thật yên lặng. Đó là ta khéo bảo vệ sức khỏe cho ta cũng như cho tất cả mọi người. Có thế, thì sự tu học của chúng ta mới đạt được kết quả tốt đẹp.
Thức Dậy
Thức dậy lòng thư thả
Buông xả mọi ưu phiền
Nhìn mọi người tươi mát
Bằng ánh mắt dịu hiền.
Khi nghe kẻng, chúng ta nên thức giấc ngay. Thời gian dự tu là thời gian mà chúng ta tập sinh hoạt đúng theo quy chế của thiền môn. Từ sự ngủ nghỉ cho đến khi thức dậy v.v… nhứt nhứt đều phải sống cho có quy củ. Tất cả đều không giống sự sinh hoạt ở ngoài đời. Suốt thời gian dự tu, tất cả đều tập sống theo phẩm hạnh của người xuất gia. Và tất cả đều khép mình trong thanh quy thiền môn. Vì thế khi thức giấc trước khi đi vệ sinh cá nhân, ta nên thầm nhớ bài kệ trên. Điều quan trọng mà chúng tôi cũng xin khuyến nhắc quý liên hữu cao niên, khi quý vị thức giấc không nên đi liền, mà phải ngồi dậy cho tỉnh táo, ít nhứt phải là 2 phút đồng hồ, rồi sau đó mới đi. Vì trọng tuổi máu huyết của chúng ta lưu thông rất chậm, khi đang nằm thức dậy đi liền, thì lượng máu sẽ không về nảo bộ kịp. Do đó, dễ gây ra tình trạng xây xẳm chóng mặt ngất xỉu ngã té. Từ đó có thể gây ra tai biến mạch máu nảo hoặc nhồi máu cơ tim mà có thể mạng vong. Cho nên, quý liên hữu tuổi cao có bệnh áp huyết cao, nên lưu tâm cẩn thận vấn đề nầy. Đó là nói về phần thể chất mà các bác sỹ thường khuyên chúng ta như thế. Còn phần tinh thần thì sao?
Khi thức dậy, thì lòng ta nên thư thả và buông xả hết mọi ưu phiền. Nhìn thấy ai ta cũng cảm thấy vui tươi. Và ta nguyện từ sáng cho đến tối, trọn ngày lòng ta luôn tươi mát dịu hiền. Phiền não đến ta quyết không dung chứa, phải xua đuổi nó ra tức khắc. Như xua đuổi tống cổ kẻ bất lương ra khỏi nhà của chúng ta. Nuôi dưỡng phiền não trong lòng có khác nào như nuôi dưỡng kẻ trộm trong nhà. Và tệ hại hơn nữa như lời Phật dạy là nuôi dưỡng rắn độc. Và như thế, chắc chắn là chúng nó sẽ phá hại, giết chết đời ta. Như khi chúng ta nỗi giận lên, buồn bực ai đó, thì chúng ta sẽ mất ăn mất ngủ. Buồn phiền là những thứ độc tố rất nguy hiểm. Nó giết hại ta chết dần chết mòn. Người nào khó tánh chứa chấp phiền não nhiều, hay giận dai, thì người đó lại càng thêm khổ đau nhiều. Thật chẳng có ích lợi gì!
Lúc nào ta cũng nghĩ đến sự vô thường, thời gian qua nhanh như tên bắn, cái chết sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Sớm thấy còn, chiều lại mất. Cuộc đời ngẫm lại như một giấc chiêm bao mà ta đã thấy khi hôm. Kiếp người ngắn ngủi như con phù du sớm sanh chiều chết. Nghĩ thế, ta không nên buồn phiền chấp trước một ai. Mọi việc ta nên buông xả hết. Có buông xả lòng ta mới an vui thanh thoát nhẹ nhàng. Ai có gây ra làm cho ta khó chịu, ta cũng nên tha thứ bỏ qua. Ta nên nhớ đến hơi thở để mà chăm sóc cho nó. Ta biết chắc rằng, một ngày nào đó, nó cũng giả từ ta. Sống một ngày cho có giá trị một ngày. Sống trong an lạc hỷ xả, dù ta có nhắm mắt cũng vui. Ta hãy biết thương lấy ta và cố gắng tập sống như thế. Ta hãy lợi dụng thời gian 7 ngày nầy, để dồn hết tâm tư vào việc tu học. Ta biết rõ cuộc đời là giả tạm. Không có gì để cho ta phải bận tâm. Vì tất cả cuối cùng rồi ta cũng phải buông bỏ hết. Ta hãy mạnh dạn phát nguyện:
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Sức Khỏe
Sức khỏe khéo giữ gìn
Ăn uống hợp vệ sinh
Siêng năng thường thể dục
Thân khỏe tâm an bình.
Trong thời gian dự tu, vấn đề ăn uống ngủ nghỉ thật tối hệ trọng cho sức khỏe. Nếu chúng ta dùng những thực phẩm mà nó không mấy thích hợp cho cơ thể, thì ta sẽ dễ gây ra bệnh hoạn. Nhứt là mùa lạnh, sự ăn uống của những người trọng tuổi cần phải thận trọng nhiều hơn. Thức ăn nào lạ bụng thì ta không nên dùng. Khi ăn, ta chỉ dùng vừa chừng và những thứ mà ta đã quen dùng. Như thế, thì có thể ít gây ra bệnh hoạn. Điều nầy, tùy theo cơ thể mạnh yếu của mỗi người mà thọ dụng, kiêng cử. Tuy thời gian dự tu của chúng ta rất ngắn, nhưng nếu chúng ta xem thường sự ăn uống và ngủ nghỉ, thì cũng dễ gây ra tai hại và sự tu học của chúng ta khó được trọn vẹn. Thế nên, chúng ta cần phải quan tâm giữ gìn cẩn thận. Đó là điều mà chúng tôi xin thành thật thức nhắc.
Khi đang tu học, nếu người nào không may xảy ra bệnh nhẹ hay nặng, lập tức hãy cho người bạn mình biết, hoặc là báo cáo cho chúng trưởng của khóa tu biết. Chúng trưởng và Ban chăm sóc sức khỏe ( Tri bệnh ) cũng nên lưu ý quan tâm đến những liên hữu trọng tuổi hay đau yếu. Điều tốt nhứt là những người bạn đồng tu cùng phòng nên để ý và tương trợ cho nhau, mỗi khi có người bệnh. Nếu là bệnh nhẹ, thì chúng trưởng hay chúng phó, nên mời Ban chăm sóc sức khỏe đến trợ giúp ngay. Và nếu bệnh nặng, thì hãy cấp báo cho Ban quản chúng biết, để tùy trường hợp mà hành động thích nghi kịp thời.
Sức khỏe là vàng. Chương trình của khóa tu, mỗi sáng sớm đều có tập thể dục. Tập thể dục là một phương pháp vận động bằng những động tác thật nhẹ nhàng rất thích hợp cho người trọng tuổi. Muốn cho gân cốt được dẻo dai, thì chúng ta phải thường xuyên tập thể dục. Khi tập, sẽ có người phụ trách hướng dẫn. Các tu sinh dù trẻ hay già, tất cả đều không thể bỏ qua chương trình nầy. Nếu vị nào không tập, thì đó là một thiệt thòi cho mình rất lớn. Trong Nội Quy bắt buộc mọi người phải tập. Ngoại trừ những vị bị bệnh hay có lý do đặc biệt khác. Còn lại, tất cả đều phải tuân hành. Xin tất cả hãy quan tâm đến bản thân mình mà giữ gìn cẩn thận. Có thế, thì khóa tu của chúng ta mới thật vui và mới đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Nhà Bếp
Xắt gọt nấu xào chiên
Tâm loạn tưởng đảo điên
Miệng nói chuyện xằng xiên
Chuốc khổ lụy ưu phiền.
Trong khóa tu dù thời gian ngắn hay dài, Ban trù đường cũng rất là cực nhọc. Sức khỏe của đại chúng có được lành mạnh hay không, phần lớn cũng nhờ Ban nầy. Cho nên trong những giờ thọ thực, mỗi người cần phải nghĩ đến công lao của quý vị đó. Dù rằng, quý vị đó đã phát thiện tâm lo cho đại chúng. Dĩ nhiên là quý vị sẽ có phước đức rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng tôi muốn nói ở đây, là khi làm công việc, quý vị trong ban trù đường, mỗi người nên nhiếp tâm niệm Phật. Không nên để tâm buông lung mặc cho nó rong chạy thế nào cũng được. Dù quý vị không tu học cùng với đại chúng, nhưng khi hành sự mà quý vị tự biết thúc liểm thân tâm, khép mình theo quy luật của khóa tu, thì đó là một phước đức rất lớn lao. Vì khi tâm ta loạn tưởng, tất nhiên, là ta không gìn giữ ý nghiệp. Mà ý nghiệp là chủ động của sự tạo nghiệp. Một khi ý nghiệp buông lung phóng dật, thì phát ra lời nói cũng không mấy nhã nhặn. Từ đó, sẽ gây ra có lắm chuyện thị phi phiền phức. Thế là tình bạn đạo sẽ mất vui. Từ sự mất vui đó, việc làm của ta cũng không có phước. Chẳng những không có phước mà đôi khi còn chuốc thêm tội lỗi nữa.
Muốn cho phước trí được lưỡng toàn, thì cách hay nhứt là khi làm mỗi người nên tự quán chiếu lại tâm mình. Mà quán chiếu là ta có chánh niệm. Có chánh niệm là khi ta nói và làm, đều có sự kiểm soát thật kỹ lưỡng của tâm. Do đó, ta có thể tránh được những chuyện không hay xảy ra. Tránh nhân, thì không có quả. Không phải khi làm, chúng ta không nói, nhưng chúng ta chỉ nói những điều cần thiết. Chúng ta càng bớt nói càng tốt. Tâm niệm rằng, chúng ta là những người đang ở trong khóa tu. Dù quý vị phát tâm tốt đến làm công quả lo cho đại chúng, điều đó rất là quý giá, thật đáng tán thán khích lệ, nhưng xin quý vị cũng nên nghĩ đến cho mình mà lo tự tu. Chỉ cần bớt nói chuyện ồn là ta cũng đóng góp một phần lớn trang nghiêm cho khóa tu rồi. Ngoài khóa tu ra, khi làm việc ở nhà trù, mong sao quý vị cũng vẫn giữ như thế. Được vậy, thì lợi lạc biết bao! Thật vui lắm thay!
Khi làm, mỗi người nên thầm nhớ đến bài kệ:
Xắt gọt nấu xào chiên
Hơi thở nhớ bền kiên
Tới lui thường niệm Phật
Lòng tươi mát dịu hiền.
Thường chúng ta hay có quan niệm là ở nhà bếp dơ dáy không thanh tịnh. Theo tôi, thì không phải thế đâu. Cái dơ dáy bên ngoài không đáng kể, vì chúng ta có thể dùng nước, xà phòng hay thuốc tẩy, ta cũng có thể rửa sạch được. Điều quan trọng là cái cấu nhiểm trong lòng ta. Sự cấu nhiểm đó, ta cần phải lo ý thức mà tẩy trừ. Dùng nước chánh pháp mà tẩy trừ. Cụ thể nhứt là phải dùng sáu chữ Di Đà mà ngày đêm lo tẩy sạch. Dù cảnh bên ngoài không được trang nghiêm thanh tịnh, mà lòng ta thanh tịnh an vui, thì sẽ biến cảnh đó cũng an vui thanh tịnh. Rõ ràng là cảnh tùy tâm chuyển. Chúng ta nên biến nhà bếp thành đạo tràng. Đừng nghĩ nhà bếp là chỗ dơ dáy, rồi ta tha hồ nói chuyện mà gây ra lắm điều phiền phức. Nếu tâm mình thanh tịnh, thì ở nơi nào lại không thanh tịnh. Chúng ta nên nhớ, cửa chùa còn gọi là cửa thiền. Mà thiền, thì nơi nào cũng thanh tịnh cả. Nếu tâm ta ồn ào, lộn xộn, vọng tưởng, đảo điên, thì dù ở trên điện Phật ta cũng vẫn thấy ồn ào, không thanh tịnh. Do đó, là Phật tử khi đến chùa, ta nên làm cho ngôi chùa nơi nào cũng thanh tịnh cả.
Được thế, chính ta có phước lớn mà mọi người cũng được an vui tốt đẹp. Mong sao quý vị trong Ban trù đường hay những vị đến công quả phụ giúp những công việc ở nhà bếp, mỗi người đều có tấm lòng tươi mát dịu hiền cả. Và lòng tươi mát dịu hiền nầy, mong sao quý vị sẽ mang nó theo suốt cả cuộc đời.
Rửa Bát
Rửa bát thật nhẹ nhàng
Trao nhau niềm an lạc
Tẩy sạch cáu bợn nhơ
Dứt hết mọi buộc ràng.
Rửa bát là một trong những việc làm hằng ngày của chúng ta. Thay vì ta rửa bát, thì người khác lại xắt gọt hay dọn thức ăn v.v…Trong khóa tu, ta chia công việc ra để mỗi người cùng làm. Tổ Bách Trượng nói: Một ngày không làm, một ngày không ăn. (Nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực). Điều quan trọng không phải là ở nơi công việc làm nặng, nhẹ, mà quan trọng là ở nơi khi ta làm công việc đó. Dù việc rất nhẹ, nhưng nếu ta làm bằng cái tâm so đo tính toán hơn thiệt, thì việc làm đó cũng trở nên nặng nhọc. Vì ta làm trong ý niệm nặng nhọc, tức làm trong phiền não nặng trĩu. Làm như thế, thì thật là đau khổ và tội nghiệp cho ta quá !
Thế thì, tại sao ta không làm bằng cái tâm hoan hỷ. Muốn có tâm hoan hỷ, ta cần phải thắp sáng chánh niệm lên. Hãy để cho mặt trời chánh niệm soi sáng vào việc làm của ta. Khi có chánh niệm, thì mọi bóng tối phiền não sẽ không còn. Thế là ta thật sự vui vẻ với công việc làm của ta. Ta có niềm vui, ta cũng muốn san sẻ niềm vui đó đến cho mọi người. Mình vui, người vui, công việc đều vui. Làm như thế, có gì mệt nhọc và còn gì thích thú cho bằng! Làm đâu tâm ta ở đó, đó là người khéo tu trong mọi việc làm.
Như vậy, việc rửa bát hay làm công việc gì khác, giá trị cũng như ta đang ngồi thiền. Hãy tập cho ta có một việc làm như thế. Trong khóa tu, mỗi người nên cố gắng thực tập. Việc làm nào cũng đưa ta đến chỗ an lạc và giải thoát. Rửa bát cũng là nguồn vui để ta trân quý nâng niu từng cái bát. Như Thiền Sư Nhất Hạnh đã nói: “Một hôm trong khi rửa bát, tôi có cảm tưởng rằng cử chỉ của tôi khi rửa cái bát cũng trịnh trọng và thiêng liêng như thể cử chỉ tôi tắm cho một đức Phật sơ sinh. Đức Phật sơ sinh nghe tôi nói như thế chắc là mừng cho tôi và không trách tôi đã dám so sánh Ngài với một cái bát”. ( Nhất Hạnh,Trái Tim Mặt Trời, trang 31)
Rửa bát với cung cách trịnh trọng như thế, thì thử hỏi còn niềm an lạc hạnh phúc nào hơn!
Lời Khuyên Chung
Huyễn Thân
Thân như bọt nước họp rồi tan
Chìm nổi lênh đênh khóc khổ than!
Mấy kẻ nhận ra mình bọt nước
Bao người biết rõ cảnh hoa tàn
Hơn thua phải trái tranh nhau mãi
Cấu xé bon chen lệ ướt tràn
Nầy hởi ai ơi! Mau tỉnh giác
Chóng lo niệm Phật vãng Tây Phang.
Chúng ta thật có duyên lành với nhau trong nhiều đời, nên nay mới được hội tụ trong một đạo tràng để cùng tu cùng học. Hơn thế nữa, lại có một nhân duyên Tịnh độ rất lớn. Nếu không trồng sâu nhân lành Tịnh độ, thì ngày hôm nay chắc chắn là chúng ta sẽ không gặp nhau trong đạo tràng Quang Minh nầy. Nghĩ đến Tịnh nhân đời trước mà ta càng cố gắng tài bồi thêm Tịnh nhân đời nầy càng ngày càng thêm sâu dầy và vững chắc. Nghĩa là càng lúc phát triển càng mạnh.
Nghĩ đến đời người sống chết vô thường trong nháy mắt. Thấy đó rồi mất đó. Khác nào như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, nó tan biến bất thường. Sống ngày nay, ai dám bảo đảm được ngày mai. Chúng ta nên nhớ:
Dép dưới giường lên giường vội biệt
Sống ngày nay dễ biết được ngày mai
Mạng người hô hấp kinh thay
Nghĩ cơn vĩnh biệt tuyền đài mà đau.
Thật vậy, sự sống chết của chúng ta chỉ trong tích tắc hơi thở. Nếu khi thở ra mà không hít vô được, nó ngừng ngang đó thì sao? Thì bạn bè sẽ đến chia buồn, phúng điếu trợ niệm, cho chúng ta rồi!. Tổ Quy Sơn nói: “Sanh già bệnh chết không hẹn cùng người, sớm còn tối mất chợt qua đời khác”. Nghĩa là chỉ trong một sát na thôi là ta đã lìa đời! Nhứt là đối với những người trọng tuổi, nay yếu mai đau. Tuổi già như cây thiếu rễ cái. Chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng đủ làm ngã cây rồi. Sự ra đi của liên hữu Tịnh Hội Tâm Lạc, là tiếng chuông thức nhắc chúng ta rất lớn. Liên hữu ra đi không ai có thể ngờ trước được. Hôm qua còn gặp gỡ nói chuyện với mọi người, hôm nay trở thành người thiên cổ. Đời người sống bảy, tám mươi năm, quay đầu nhìn lại in như giấc mộng. Nhắm mắt xuôi tay, tất cả để lại cho đời. Quả thật đời người như bọt nước. “Bọt tan bể khổ bèo đầu bến mê”. Biết thế, nhớ lời Phật Tổ khuyên dạy mà ta chóng lo thức tỉnh tu hành. Hiện chúng ta cũng có chút ít duyên lành nên mới gặp được Phật pháp. Đó là một căn lành và cũng là một phúc duyên hy hữu của chúng ta!
Đạo tràng của chúng ta nhìn lại tóc bạc nhiều hơn tóc xanh. Mỗi người đều nhận những “lá thơ vô thường” gởi đến tới tắp đều đều. Tóc bạc, da nhăn, răng rụng, tai lảng, mắt mờ, lưng mỏi, tứ chi uể oải, đau nhứt, nay bệnh mai đau v.v… Đó là những lá thơ vô thường, thường xuyên cảnh giác chúng ta. Nó báo hiệu hối thúc chúng ta phải luôn ý thức lo tu, không được thờ ơ xao lãng. Hằng ngày, chúng ta cần chuyên tâm niệm Phật. Quý liên hữu niệm Phật công cứ hằng ngày, đó là điều rất tốt cho tích lũy nghiệp. Nhưng còn cận tử nghiệp thì sao? Chúng ta có nghĩ đến cận tử nghiệp hay không? Cận tử nghiệp rất quan trọng khi cái chết đến với chúng ta. Vì tử thần gọi ta đi bất cứ lúc nào. Như vậy, chúng ta cũng phải cần chuẩn bị sẵn sàng. Chuẩn bị bằng cách nào? Cách tốt nhứt là Phật Tổ dạy ta luôn niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi, bất cứ ở đâu, nơi nào, ta cũng luôn để tâm nhớ Phật. Được thế, giả sử ta có ngã ra chết, bất đắc kỳ tử, thì ta cũng không còn lo sợ cận tử nghiệp xấu ác nữa. Nghĩa là, ta không còn sợ“cận tử nghiệp” dẫn ta đi vào con đường đau khổ nữa.
Mỗi lần khóa tu mở ra, được quý liên hữu gần xa hưởng ứng về đạo tràng tu học, dù là dự tu toàn thời, bán thời hay tùy thời gian thuận tiện, tất cả đều có chung một tinh thần ý thức đến sự tu hành rất cao. Điều đó, chúng tôi rất vui mừng. Điều đáng mừng và cảm động nhứt của chúng tôi là khi nhìn thấy quý liên hữu trọng tuổi, có vị tuổi trên tám mươi, thế mà vẫn ghi tên tham dự không bỏ lỡ một khóa tu nào. Không phải dự tu bán thời mà là suốt thời gian 7 ngày. Dù biết trước rằng, chỗ nghỉ ngơi rất là chật chội và thiếu mọi tiện nghi. Nhứt là khóa tu được tổ chức lại rơi vào mùa đông lạnh buốt, như khóa tu hiện nay. Thế mà, quý liên hữu vẫn bất chấp mọi khó khăn, gian lao, mệt nhọc, quyết một lòng đến đạo tràng để dự tu. Đó là một nghĩa cử, một tinh thần ham tu hiếu học thật cao độ. Thật là đáng quý kính biết bao! Quả xứng đáng làm gương cho những người tuổi trẻ.
Sự có mặt đông đủ của quý vị trong khóa tu, nói lên một tinh thần tương thân hòa ái, trong chiều hướng vươn lên tìm lẽ sống đích thực an vui thanh thoát. Đồng thời, đó cũng còn là một khích lệ lớn lao cho chúng tôi trong trách nhiệm đãi lao Hòa Thượng và Thầy Trưởng Ban để hướng dẫn. Mong sao với tinh thần tu học và sự sinh hoạt của đạo tràng mỗi ngày mỗi thăng tiến. Đó cũng là điều mong mỏi của Hòa Thượng Liên Trưởng hằng quan tâm chiếu cố.
Điều quan yếu mà chúng tôi muốn chia sẻ tâm tình cùng quý vị, trong lúc dự tu, dù nhân duyên đến đạo tràng dự tu có sai biệt, nhưng tất cả hãy dồn hết mọi nỗ lực vào việc niệm Phật và hành trì đúng theo thời khóa. Nhứt là mỗi người cần phải giữ tâm cho thanh tịnh. Vì cơ hội tốt không phải lúc nào cũng đến với chúng ta. Mỗi người tự ý thức và nỗ lực lo cho mình, đó là quý vị đã trực tiếp đóng góp cho khóa tu nói riêng và đạo tràng nói chung, một cách tích cực trên đà thăng tiến. Mong sao mỗi người nhớ đến cẩm nang nầy mà hành trì giữ đúng theo, thì đó là quý vị đã tặng cho chúng tôi một món quà vô cùng quý giá.
Kính chúc toàn thể thăng tiến mãi trên bước đường tu niệm. Và luôn để tâm cùng nhau xây dựng đạo tràng ngày càng phát triển lớn mạnh.
Sen vàng nở rộ nơi đây
Đồng tu đồng học sum vầy bên nhau
Ngàn xưa mãi đến ngàn sau
Di Đà luôn nhớ phẩm cao liên đài
Vô thường khó hẹn ngày mai
Nay còn hơi thở chẳng nài nhọc thân
Bạn sen dù ở xa gần
Đạo tràng mở khóa ta cần về tu
Việc đời rối rắm lu bu
Kiếp người ngắn ngủi phù du khó bền
Cùng nhau tay nắm đi lên
Về miền Cực lạc an bền lập thân.
Thích Phước Thái
20/6/ 2006