CÁC PHÂN KHOA PHẬT GIÁO
Thích Thái Hòa
Tôi viết bài này, xin chia sẻ đến những ai muốn quan tâm đến lãnh vực giáo dục trong Phật giáo, nhưng chưa có điều kiện để nghiên cứu.
Trong Phật giáo có năm phân khoa như sau:
I/ Phật giáo Đại chúng:
Thời Phật, xã hội Ấn Độ phân chia thành bốn giai cấp, gồm:
– Bà-la-môn (Brāhmaṇa): Giai cấp Tăng lữ, giai cấp học giả của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Họ tự nhận sinh ra từ miệng Phạm-thiên. Giai cấp này làm mai mối giữa thần linh với con người. Họ có sáu quyền hạn: Tự ý làm đền thờ trời; làm thầy tế để tế trời; tự ý đọc Phệ đà (veda); dạy người khác đọc Phệ đà (veda); tự bố thí và tự nhận sự bố thí.
– Sát-đế-lợi (Kṣatriya): Giai cấp nắm giữ quyền lực chính trị và quân sự của xã hội Ấn Độ bấy giờ.
Họ tự nhận sinh ra từ vai của Phạm-thiên. Và có bốn quyền hạn: Tự ý làm đền thờ trời, nhưng không được làm thầy tế để tế trời; tiếp nhận Phệ-đà (veda) từ giai cấp Bà-la-môn, nhưng không được truyền trao; có quyền bố thí, nhưng không được nhận sự bố thí từ người khác; bảo hộ nhân dân.
– Phệ-xá (Vaiśya): Giai cấp nắm giữ doanh nghiệp, kinh tế của xã hội. Họ tự nhận sinh ra từ rốn của Phạm-thiên và có ba quyền hạn: Có quyền tự làm đền thờ trời, nhưng không được phép làm thầy tế để tế trời; có quyền đọc Phệ-đà, nhưng không có quyền dạy Phệ-đà cho người khác; có quyền bố thí, nhưng không có quyền được nhận sự bố thí từ người khác.
– Thủ-đà-la (Sūdra): Giai cấp lao động, giai cấp công nhân. Họ tự nhận sinh ra từ chân Phạm-thiên. Giai cấp này có một quyền hạn là lao động, cung cấp những nhu yếu cho ba chủng tính trên.
Sự phân định bốn giai cấp của Bà-la-môn trong xã hội Ấn Độ thời Phật như vậy rất có bài bản và rất rạch ròi, nhưng đức Phật đã phủ nhận những gì mà Bà-la-môn giáo chủ trương về bốn giai cấp ấy.
Khổ đau do bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết không dành cho một giai cấp nào trong xã hội mà dành cho tất cả chúng sinh, thì sự mong cầu giải thoát khỏi khổ đau từ bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết cũng không dành cho một thành phần nào của xã hội mà của tất cả mọi người.
Nên, thời đức Phật hoằng pháp lợi sinh, mọi thành phần của xã hội Ấn Độ bấy giờ đều có thể quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và trong tứ chúng đệ tử của Thế Tôn lúc bấy giờ có mặt đầy đủ cả bốn chủng tính hay bốn giai cấp ấy.
Vì vậy, Phật giáo là của đại chúng mà không phải là của một thành phần nào.
Nên, có thể trẻ em không hiểu gì về đạo Phật, trẻ em không hiểu gì giáo lý, không hiểu gì tổ chức Phật giáo, nhưng vẫn có cảm tình với đạo Phật, với chùa chiền, với chư Tăng, cho nên theo ông bà nội ngoại, theo cha mẹ đến chùa, theo anh chị, theo bạn bè đến chùa, họ đến chùa là để ăn theo người lớn, chứ chưa hiểu gì về đạo, nhưng đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những người lớn tuổi, đầu đã bạc, mặt đã nhăn, nhưng cũng chưa biết gì đạo Phật, cũng không hiểu Phật giáo là gì, nhưng đi theo bạn bè đến chùa và chỉ dành một chút cảm tình với đạo Phật, thì đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những người giàu có tiền bạc không biết để đâu, sau khi chết, nên đem tiền bạc đến cúng cho chùa, như là gửi vào ngân hàng phước đức, mong kiếm được chút phước đức cho tương lai, đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những hạng người trí thức, học hành thành đạt ở ngoài xã hội, nhưng chẳng biết gì đến đạo Phật, họ dành một chút cảm tình với đạo Phật, nên khi đến chùa, viếng cảnh, xem cá lội trong hồ Tâm hay nhìn cảnh kiến trúc hài hòa của ngôi chùa, từ đó sinh tâm cảm tình với đạo Phật, đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những thành phần chuyên tạo tội ác, sa vào lưới bẫy của luật pháp xã hội, họ sợ hãi vào chùa trốn tránh thì nhà Chùa vẫn dang tay che chở, cho họ cơm ăn, cho manh chiếu ngủ, rồi an ủi vỗ về khuyên lơn để sau đó hướng dẫn dạy dỗ họ, làm đúng đạo lý, sống đúng pháp luật.
Có những người cha chết, mẹ chết, chồng chết, vợ chết, con chết, họ tìm đến chùa xin được che chở và giúp đỡ, đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những người đến chùa xin xem quẻ, coi bói toán, cúng sao, cúng hạn, cúng quan sát… để được yên tâm, đạo Phật vẫn tiếp nhận họ.
Có những người rất thành đạt về mặt thế gian, nhưng chưa biết gì về mặt đạo lý; hoặc có chức quyền, nhưng không thỏa mãn được những nguyện lớn, họ tìm đến đạo Phật, đạo Phật vẫn tiếp nhận họ…
Phật giáo của đại chúng thì đủ mọi thành phần của xã hội, thành phần nào cũng cần đến đạo Phật và chỉ có Phật giáo đại chúng mới dung chứa hết mọi thành phần tín ngưỡng và tâm linh của xã hội.
Vì sao đạo Phật làm được điều này. Vì đức Phật là của tất cả chúng sinh, nên đạo Phật là đạo của chúng sinh và chúng sinh cần đạo Phật giúp họ thoát khổ ngay trong những điều kiện của họ đang có thể.
Chùa là nơi sinh hoạt của đạo Phật, nên chùa phải có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của hết thảy chúng sinh. Sở dĩ nhà chùa làm được điều đó, vì nhà chùa lấy chúng sinh làm gốc, lấy chúng sinh làm đối tượng thuần hóa và nâng chúng sinh từ vị trí phàm phu lên vị trí cao quý.
Những người xuất gia ở trong chùa hay những Phật tử sống chết với chùa là những vị đã phát bồ đề tâm, nghĩa là phát khởi tâm nguyện rộng lớn, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh, nhờ tâm lượng rộng lớn như vậy mà Phật giáo dung chứa được hết thảy mọi thành phần xã hội, đa sắc, đa màu, đa dạng, đa căn cơ, đa trình độ, đa nỗi buồn, đa khổ đau, đa văn hóa như thế.
Phật giáo đại chúng là “vàng thau lẫn lộn”, “thánh phàm đồng cư”. Không có đất, vàng sẽ không có điều kiện để sinh ra. Không có chúng sinh đau khổ, Phật sẽ không có điều kiện để xuất gia và thành đạo. Không có dân, vua không có điều kiện để làm vua và ngồi trên thiên hạ.
Vậy, các Tăng Ni Phật Tử các cấp cần phải quán chiếu điều này một cách sâu sắc. Nếu không nhận ra và không hiểu được điều này thì càng ngày chúng ta sẽ càng mất quần chúng. Nếu chúng ta chỉ có hạt tốt mà không có đất gieo, thì hạt ấy cũng trở thành vô dụng.
Không có Phật giáo đại chúng thì sẽ không bao giờ có Phật giáo. Đây là điều hiểu biết căn bản, nếu là đệ tử Phật có tu học thì không ai là không hiểu, nhưng nếu không hiểu điều này thì rõ ràng không phải là đệ tử của Phật.
II/ Phật giáo hqc thuật:
Học thuật Phật giáo không dừng lại ở mặt thuần hóa đạo đức cho đời sống thế tục, mà còn tiến xa hơn về mặt thuần hóa đạo đức tâm linh, hướng dẫn đời sống thế tục, nhắm tới đời sống giải thoát và giác ngộ cho con người tự thân, gia đình và xã hội, đời này và đời sau.
Nền học thuật Phật giáo phân định ra năm phân khoa thấp cao xuyên suốt khác nhau, gồm:
II.1- Nhân Thiên thừa Phật giáo:
Nhân Thiên thừa là giáo lý Phật giáo trình bày về nhân duyên, nhân quả thuộc về thế giới của cõi Người và cõi Trời. Nội dung của hệ giáo lý này là trình bày giáo pháp Tam quy – Ngũ giới và Thập thiện Nghiệp đạo.
Nghĩa là thế giới của cõi Người, cõi Trời muốn hoàn hảo phước báo của mình để có thể tiến xa hơn vào phước báo của các bậc Thánh trí thì trước hết là phải thọ trì pháp Tam quy và Ngũ giới, và thực hành pháp Tam quy – Ngũ giới trong đời sống một cách miên mật.
Phước báo làm người mà không bị mất hướng đi, không sống mù quáng, luôn sống trong tỉnh giác, thông triệt ba cõi là do thực hành pháp quy y Phật mà sinh ra. Vì sao? Vì Phật là Toàn giác. Quy y Phật là nương tựa vào tính toàn giác của Phật, để phát huy tính bản giác nơi tự thân đến chỗ toàn giác.
Phước báo làm người mà không bị mất tự do, không bị ràng buộc ở trong sinh tử là do thực hành quy y Pháp mà sinh ra. Vì sao? Vì pháp là những phương pháp đức Phật dạy để trị liệu khổ đau và chuyển hóa vô minh, tháo gỡ mọi sự trói buộc từ nghiệp lực, trả lại sự trong sáng và bất sinh diệt của tự tâm, nên đời sống giải thoát là do thực hành pháp của Phật dạy mà sinh ra.
Phước báo làm người mà sống ở trong sự an lạc và thanh cao là do thực hành quy y Tăng mà sinh ra. Vì sao? Vì bản thể của Tăng là hòa hợp và thanh tịnh, nên quy y Tăng là nương tựa vào bản thể ấy, để nhận diện tự tính thanh tịnh nơi tự tâm và phát huy tính ấy đến chỗ cùng tột, sự lý viên dung vô ngại.
Phước báo làm người mà sống lâu là từ nơi giữ giới không sát sinh mà sinh ra. Phước báo làm người mà giàu có là từ nơi sự giữ giới không trộm cắp mà sinh ra. Phước báo làm người mà xinh đẹp là từ nơi giữ giới không tà hạnh mà sinh ra. Phước báo làm người mà có uy đức, danh dự là từ nơi giữ giới không nói dối mà sinh ra. Phước báo làm người mà thông minh, trí tuệ là từ nơi giữ giới không uống rượu mà sinh ra.
Những phước báo ấy là phước báo hoàn hảo ở trong thế giới con người. Và từ phước báo ấy, con người nỗ lực tu tập để tiến lên thành tựu phước báo của chư Thiên. Nên, Tam quy – Ngũ giới là tạo thành phước báo căn bản của cõi người và Thập thiện Nghiệp đạo là phước báo căn bản của chư Thiên.
Ngoài thực hành Thập thiện Nghiệp đạo, chư Thiên cõi trời Sắc giới còn thực hành Tứ thiền để nhiếp phục ý tham, ý sân và ý si, nhằm thành tựu các thiện căn vô tham, vô sân, vô si, ấy là nguồn gốc của mọi điều thiện.
Chư thiên cõi trời Vô sắc giới, không những thuần thục pháp Tứ Thiền mà còn thực hành Tứ không định, để thấy rõ nền tảng của mọi sự hiện hữu là Không, gọi là Không vô biên xứ; nền tảng của mọi sự hiện hữu là Thức, gọi là Thức vô biên xứ; nền tảng của mọi sự hiện hữu là không sở hữu, gọi là Vô sở hữu xứ và nền tảng của mọi sự hiện hữu là Tưởng và phi tưởng, gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tuy phước báo Nhân và Thiên là như vậy, nhưng vẫn còn nằm trong sinh tử luân hồi, vì do không thấy rõ Tứ thánh đế để tu tập, nhằm đạt tới tuệ giác “tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo”, như các bậc Thánh trí.
Vì vậy, phước báo của cõi người, cõi trời phải được tu tập để nâng lên thành phước báo của các bậc Thánh trí Thanh văn, gọi là Thanh văn thừa.
II.2 Thanh văn thừa:
Thanh văn thừa là hệ giáo lý đặt nặng về sự giáo dục do quan hệ thầy trò đem lại. Thầy dạy trò con đường giải thoát, giác ngộ và học trò tiếp nối sự nghiệp giải thoát, giác ngộ từ Thầy, thế hệ này trao truyền đến thế hệ khác không bị dứt mất.
Tứ thánh đế là hệ giáo lý chủ não của Thanh văn thừa, thầy dạy cho học trò, khiến học trò nhãn sinh, trí sinh, minh sinh và giác sinh. Nhãn sinh, nghĩa là từ nơi sự học hỏi và thực tập Tứ thánh đế, khiến cách nhìn thấy sự thật về khổ, tập, diệt, đạo của người học trò được sinh ra. Trí sinh, nghĩa là trí tuệ do học hỏi và thực hành sự thật về khổ, tập, diệt, đạo mà sinh ra. Minh sinh, nghĩa là sự hiểu biết đúng sự thật do học hỏi và thực hành về khổ, tập, diệt, đạo mà sinh ra. Giác sinh, nghĩa là sự giác ngộ về sự thật từng phần và toàn phần đối với Thánh đạo, do học hỏi và thực hành về khổ, tập, diệt, đạo mà sinh ra.
Nhờ vậy, các Thánh giả Thanh văn thành tựu các Thánh quả giải thoát từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, chấm dứt mọi khổ uẩn bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết do các loại ái nghiệp đem lại, họ sống tự tại giữa sinh tử. Sống chết đối với họ đều có chủ quyền và tự do.
II.3 Duyên giác thừa:
Duyên giác là hệ giáo lý chú trọng về sự tự giác, tự ngộ. Những bậc Thánh giả Duyên giác ra đời không gặp Phật, tự mình ý thức về khổ và tự mình tu tập giác ngộ sự thật về khổ qua Mười hai chi duyên khởi.
Nhận rõ, lão tử là do duyên từ nơi sinh mà biểu hiện; sinh là do duyên từ nơi hữu mà biểu hiện; hữu là do duyên từ nơi thủ mà biểu hiện; thủ là do duyên từ nơi ái mà biểu hiện; ái là do duyên từ nơi thọ mà biểu hiện; thọ là do duyên từ nơi xúc mà biểu hiện; xúc là do duyên từ nơi lục nhập mà biểu hiện; lục nhập là do duyên từ nơi danh sắc mà biểu hiện; danh sắc là do duyên từ nơi thức mà biểu hiện; thức là do duyên từ nơi hành mà biểu hiện; hành là do duyên từ nơi vô minh mà biểu hiện. Vô minh là do không thấy rõ Tứ thánh đế, nên liên hệ với tác nghiệp, tạo thành khổ uẩn ở trong sinh tử.
Thánh giả Duyên giác do tự thân giác ngộ hai mặt lưu chuyển và hoàn diệt của Mười hai chi duyên khởi, nên chấm dứt sinh tử và tự chứng nhập Niết bàn, không thiết lập quan hệ đệ tử.
Duyên giác khác với hàng Thánh giả Thanh văn là vô sư tự ngộ, còn hàng Thánh giả Thanh văn do có bậc thầy khai ngộ mới ngộ.
Hệ giáo lý Duyên giác thừa chú trọng đến phần tự giác, tự ngộ.
II.4 Bồ tát thừa:
Bồ tát thừa là hệ giáo lý bao gồm cả Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, nhưng lại phát triển ý thức tự giác, tự ngộ lên một tầm cao và rộng, ấy là ngoài tự giác còn phải nỗ lực giác tha, ngoài tự ngộ phải phát khởi tâm Bồ đề để độ tha và làm cho chúng sinh cũng được giác ngộ với sự thực hành mười ba-la-mật hay sáu ba-la-mật.
Mười Ba-la-mật hay Sáu Ba-la-mật đều lấy Bồ đề tâm làm chủ yếu.
Mười ba-la-mật gồm:
– Bố thí Ba-la-mật: Bố thí mang tính chất vô ngã và không kẹt mắc ở nơi vật thí, người thí và đối tượng nhận thí.
– Trì giới Ba-la-mật: Trì giới thích ứng với tự tính thanh tịnh.
– Nhẫn nhục Ba-la-mật: Nhẫn nhục thích ứng với tự tính vô sân, nên không thấy có người nhẫn, không thấy có pháp để nhẫn và không thấy có ai làm bức hại để nhẫn.
– Tinh tấn Ba-la-mật: Nỗ lực đoạn trừ hết thảy điều ác, thành tựu hết thảy điều thiện, nhưng luôn luôn thấy tự tâm thanh tịnh là đệ nhất nghĩa thiện.
– Thiền định Ba-la-mật: Tâm thường trú ở nơi vô ngã và vô pháp.
– Tuệ Ba-la-mật: Tuệ thấy rõ chân như của vạn hữu là vô ngã và vô pháp.
– Phương tiện Ba-la-mật: Từ tình thương vô ngã, khéo sử dụng mọi phương tiện để khai thị chân như diệu nghĩa cho hết thảy mọi căn cơ ngộ nhập.
– Nguyện Ba-la-mật: Phát khởi và nuôi dưỡng tâm nguyện Bồ đề ngay ở nơi các hành hoạt từ thực tiễn đến tinh tế.
– Lực Ba-la-mật: Có năng lực nuôi dưỡng thiện pháp giảm trừ ác pháp, để đạt đến chân như, thâm nhập Phật tính.
– Trí Ba-la-mật: Trí tuệ có năng lực thấu triệt mọi tướng, thể, tính, lực, nhân, duyên, quả, báo, gốc rễ, ngọn ngành của hết thảy pháp.
Mười Ba-la-mật được đề cập ở kinh Đại-bát Niết-bàn, có phần khác với mười Ba-la-mật ở trong kinh Bản sinh của kinh tạng Pāli.
Mười Ba-la-mật được đề cập ở trong kinh tạng Pāli gồm: Thí, giới, bát-nhã, tấn, nhẫn, ly thế, chân thực, quyết ý, từ bi, xả.
Theo văn hệ Bát-nhã, Lục Ba-la-mật gồm:
– Bố thí Ba-la-mật: Thực hành bố thí một cách triệt để và hoàn hảo.
– Trì giới Ba-la-mật: Trì giới một cách hoàn hảo và triệt để từ tâm nguyện đến thân hành.
– Nhẫn nhục Ba-la-mật: Nhẫn nhục đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối, không còn ý niệm nhân, ngã khởi lên trong khi tiếp xúc và thực hành tâm từ bi với mọi đối tượng.
– Tinh tấn Ba-la-mật: Thực hành tinh tấn, khiến các hạnh Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ đến chỗ toàn hảo, tuyệt đối.
– Thiền định Ba-la-mật: Thực hành thiền định, tâm thường ở vào trạng thái tỉnh giác và tịch lặng hoàn toàn.
– Trí tuệ Ba-la-mật: Tâm ở vào trạng thái sáng suốt hoàn toàn, soi chiếu và quán triệt tính chân thật của vạn hữu.
Kinh Giải Thâm Mật cho rằng: Từ sáu Ba-la-mật mà khai triển thêm bốn Ba-la-mật như Phương tiện Ba-la- mật là để hỗ trợ cho sự thực hành đối với Thí, Giới và Nhẫn ba-la-mật; Nguyện ba-la-mật là hỗ trợ cho Tinh tấn ba-la-mật; Lực ba-la-mật là hỗ trợ cho Thiền định ba-la-mật và Trí ba-la-mật là hỗ trợ Bát-nhã hay Tuệ ba- la-mật.
Cũng chính kinh này, phối hợp Lục ba-la-mật với Giới- định-tuệ như sau: Bố thí, trì giới và nhẫn nhục thuộc về Tăng thượng giới học; Thiền định thuộc về Tăng thượng tâm học; Bát-nhã hay tuệ thuộc về Tăng thượng tuệ học và tinh tấn bao gồm cả ba học Giới-định-tuệ.
II.5 Phật thừa:
Phật thừa là điểm quy hướng của các thừa gồm: Nhân thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. Nên, Phật thừa còn gọi là Nhất thừa.
Vì do tám ý nghĩa mà nói là Nhất thừa:
– Do pháp đồng: Nghĩa là các hàng Thanh văn cùng tồn tại trong một pháp giới tính hay cùng trong một thể tính chân như và tất cả cùng một điểm đến, nên gọi là Nhất thừa.
– Do vô ngã đồng: Nghĩa là các Thanh văn thừa hay Đại thừa đều đồng một thể tính vô ngã. Trong tự thể tồn tại của vô ngã ấy không có sự phân biệt nhân cách giữa Thanh văn thừa và Bồ tát thừa, nên gọi Nhất thừa.
– Do giải thoát đồng: Nghĩa là các hàng Thanh văn thừa và Bồ tát thừa đều cùng có một mục đích là tu tập thoát ly sinh tử và giải trừ các chướng ngại Niết bàn do các loại phiền não đem lại, nên gọi là Nhất thừa.
– Do Phật tự ý: Nghĩa là do ý hướng đồng nhất của chư Phật về sự giáo hóa chúng sinh, cuối cùng sự giáo hóa của các Ngài là đều đưa chúng sinh đến chỗ thành Phật, nên gọi là Nhất thừa.
– Do nói hàng Thanh văn thành Phật: Nghĩa là theo kinh Pháp Hoa, hết thảy Thanh văn đều được chư Phật giáo hóa và điểm cuối cùng là đưa họ đến chỗ thọ ký thành Phật, nên gọi là Nhất thừa.
– Do biến hóa: Nghĩa là Phật hóa thân thành Thanh văn, để giáo hóa hàng Thanh văn thành Phật, đó là phương tiện thiện xảo của chư Phật, nên gọi là Nhất thừa.
– Do cứu cánh: Nghĩa là mục đích cuối cùng sự giáo hóa hết thảy chúng sinh của chư Phật là tìm đủ mọi cách để giúp chúng sinh thành Phật, chứ không có mục đích nào khác, nên gọi là Nhất thừa.
Nhất thừa là cảnh giới chứng ngộ của chư Phật và đó là hạnh tối hậu của Bồ tát thừa hướng tới. (Tham khảo: Trang Nghiêm Kinh, Tr 615, Đại Chính 31; Nhiếp Luận Thích, tr 377, Đại Chính 31).
Và Nhất thừa là giáo nghĩa nói về Phật tính nơi hết thảy chúng sinh, ấy là Như lai tạng tính là tính bản nhiên, tính toàn giác nơi hết thảy chúng sinh.
Sở dĩ, đức Phật dạy giáo nghĩa này là để giúp chúng sinh phá trừ tâm thấp kém; phá trừ tâm khinh mạn đối với người kém hơn mình; loại trừ tâm chấp trước vọng tưởng; trừ diệt tâm phỉ báng pháp chân thật; loại trừ tâm chấp ngã và chấp trước của hàng Thanh văn, Ngoại đạo và Bồ tát, khiến tất cả đều khởi tâm tinh cần, tâm cung kính, trí bát nhã, tâm biểu hiện công đức của chân trí và tâm đại bi, đưa tất cả họ nhập vào biển cả giác ngộ của chư Phật.
Đại biểu cho giáo nghĩa Nhất thừa được diễn tả Phật tính thường trú ở trong các kinh điển Đại thừa mà cụ thể là Kinh Thắng Man, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát giới Phạm Võng, Bồ tát giới Anh lạc…
Ấy là Phật giáo học thuật đi từ thấp lên cao, từ cạn tới sâu, từ hẹp tới rộng.
III/ Phật giáo tổ chức:
Từ Phật giáo đại chúng, Phật giáo học thuật tiến lên một bước nữa là Phật giáo tổ chức. Phật giáo tổ chức là Phật giáo được thiết lập trên nền tảng của Luật tạng.
Nói đến tổ chức là nói đến luật. Không có tổ chức nào mà không có luật của nó. Luật là quy định trách nhiệm và bổn phận cần thiết mà một thành viên trong tổ chức phải tuân thủ.
Tổ chức Phật giáo bao gồm cả hàng xuất gia và tại gia. Hàng xuất gia gồm có Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỷ khưu và Tỷ khưu ni, Bồ tát tăng. Trong các giới xuất gia này mỗi giới đều có giới luật riêng để hành trì. Hàng tại gia, gồm có Ưu bà tắc, Ưu bà di và Bồ tát giới tại gia.
Giới luật Phật giáo quy định khá rõ ràng và minh bạch, thế nào là giữ gìn giới luật và thế nào là vi phạm giới luật và những phương pháp xử trị những thành viên vi phạm giới luật tùy theo mức độ phạm tội qua các chủng loại danh, chủng, tính, tướng và qua các loại khai, già, trì, phạm.
Luật học Phật giáo gồm có: Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luật, Ma Ha Tăng Kỳ Luật, Thập Tụng Luật, Thiện Kiến Luật, Giải Thoát Giới Kinh, Tỳ Ni Mẫu,… Phạm Võng Kinh, Bồ Tát Anh Lạc Nghiệp Kinh, Ưu Bà Tắc Giới Kinh,… Tất cả những giới luật này hiện có ở trong Đại Chính 22, 23, 24.
Cho nên, Phật giáo là một tổ chức mang tính khoa học sớm nhất của xã hội con người. Tổ chức Phật giáo quy định đầy đủ các điều khoản cần phải thi hành cho cả hai giới xuất gia và tại gia, cho cả hai giới tính nam và nữ, từ đời sống tại gia đến đời sống xuất thế, từ đời sống phàm tục đến đời sống của một bậc Thánh giải thoát.
Nên, về mặt tổ chức chưa có một Tôn giáo nào, một tổ chức xã hội nào vượt qua tổ chức luật học của Phật giáo từ mặt phàm tục đến mặt xuất thế.
IV/ Phật giáo thực nghiệm:
Đức Phật đã từng dạy ở trong kinh A-hàm: “Những gì Như lai nói là Như lai đã làm và những gì Như lai đã làm thì Như lai mới nói”.
Nên, toàn bộ giáo pháp do đức Phật dạy đều là giáo pháp do Ngài đã thực nghiệm và có kết quả nhất định, trước khi công bố cho đại chúng, bao gồm cả thế giới trời, người.
Trong kinh A-hàm đức Phật dạy: “Giáo pháp của Ngài dạy là đến để mà thấy, thiết thực ngay trong đời sống, dập tắt phiền não, đoạn tận khổ đau, được bậc trí giả nội chứng…”.
Phật giáo thực nghiệm là Phật giáo công bố kết quả đã thực nghiệm thành công, qua các trải nghiệm từ thân thể, cảm thọ, tâm hành, nội pháp và ngoại pháp, chứ không phải công bố lý thuyết.
Đức Phật dạy, pháp do Ngài giảng dạy: “buổi sáng thực hành, buổi chiều có kết quả, đêm nay thực hành, sáng mai có kết quả, hay phút trước thực hành là vài phút sau có kết quả…”.
Tác dụng giáo pháp Phật dạy là đoạn tận khổ đau. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo ở trong Đạo đế của Tứ thánh đế đều là những pháp hành để đoạn tận khổ đau. Đạo đế là con đường đoạn tận Tập đế, chấm dứt Khổ đế và hiện chứng Diệt đế hay Niết bàn.
Vì vậy, Phật giáo thực nghiệm là rất quan trọng, thiếu thực nghiệm là chưa phải hay không phải Phật giáo.
V/ Phật giáo chứng ngộ:
Nhờ có thực nghiệm mà dẫn tới chứng nghiệm. Thực nghiệm phần nào thì chứng nghiệm phần ấy.
Trong năm giới, có người thọ trì toàn phần, có người thọ trì đa phần, có người thọ trì bán phần, có người thọ trì thiểu phần, có người thọ trì nhất phần. Ai thọ trì ngang đâu thì kết quả của các thiện nghiệp đạo sẽ xảy ra cho họ ngang đó và họ thành tựu phước báo đúng với mức độ mà họ đã hành trì.
Đối với hàng Thánh giả Thanh văn, sự chứng ngộ cao nhất của họ là A-la-hán quả, chấm dứt sinh tử ở trong ba cõi và thấp nhất là Thánh quả Thất lai, nghĩa là họ còn phải trở lại cõi Dục giới tối thiểu là bảy lần để tiếp tục tu tập, đoạn trừ các lậu hoặc phiền não, trước khi chấm dứt sinh tử hoàn toàn.
Đối với hàng Duyên giác là do giác ngộ sự và lý của mười hai chi phần duyên khởi, khiến các phiền não ái, thủ, hữu, vô minh và hành đoạn tận, tự mình giác ngộ, chấm dứt sinh tử khổ đau.
Sự chứng ngộ của hàng Bồ tát có nhiều cấp bậc sâu cạn, cao thấp khác nhau, tùy theo sự phân định và giải thích của các kinh điển thuộc văn hệ Đại thừa.
Có bốn mươi hai địa vị tu chứng hay năm mươi hai địa vị tu chứng hoặc năm mươi sáu địa vị tu chứng, kể từ khi phát khởi tâm Bồ đề tu tập Bồ tát đạo.
Nhưng, sự chứng ngộ cao nhất của Bồ tát là tự nhận biết tự thân có Phật tính hay Như lai tạng tính và thường an trú ở nơi tự tính thanh tịnh ấy để đạt đến sự toàn giác, chánh biến giác và thường sống ở nơi tự tính chánh biến giác ấy mà giáo hóa hết thảy chúng sinh.
Tuy giáo hóa hết thảy chúng sinh mà không hề xa rời tự tính giác ngộ. Tuy ở trong cõi phiền não của chúng sinh để giáo hóa muôn loài, mà không bị các loại phiền não khởi sinh làm chướng ngại tự tính thanh tịnh.
Như vậy, sự chứng ngộ cao nhất trong Phật giáo là Phật.
Phật thường trú Niết bàn mà không rời bản nguyện độ sinh. Tuy hóa độ hết thảy chúng sinh mà đương xứ thanh tịnh. Ấy là sự chứng ngộ và giác ngộ của Phật.
Do đó, những nhà làm giáo dục ở trong Phật giáo không thể không biết và không nghiên cứu các phân khoa Phật giáo này một cách tường tận để hoạch định đường hướng giáo dục Phật giáo cho Tăng Ni và Phật tử có tính xuyên suốt giáo pháp của Phật và ứng dụng giáo pháp ấy của Ngài vào mọi thời đại.