Bồ Tát Quán Thế Âm Cõng Đá Lui Quân Giặc

 

Ở Đại Lý, tỉnh Vân Nam, dân tộc Bạch Tộc sống quây quần với nhau trong một sơn trại. Trong sơn trại có một ngôi miếu thờ một bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lưng cõng một tảng đá lớn. Nghe nói rằng ngôi miếu này đã được dân Bạch Tộc xây lên từ thời nhà Hán để tạ ơn Bồ Tát Quan Thế Âm.

Đại Lý ở Vân Nam đất đai phì nhiêu, non xanh nước biếc. Người Bạch Tộc đã định cư ở đây từ không biết bao nhiêu thế hệ rồi. Đó là một sắc dân hiền lành chất phác, siêng năng cần mẫn và còn hát hay múa đẹp. Họ sống một đời sống thanh bình, đủ ăn đủ mặc. Nhưng những năm cuối của triều đại nhà Hán, thiên hạ loạn lạc, dân Bạch Tộc bị nạn đao binh đe dọa.

Số là có một vị tri phủ ở Quế Lâm, Quảng Tây, đã dấy binh làm loạn và muốn kiếm tiền mua binh khí và lương thực nên nhắm sơn trại Đại Lý của dân Bạch Tộc, quyết định kéo binh đến xâm chiếm sơn trại. Vị tri phủ nọ thừa biết dân Bạch Tộc hiền lành, không có phòng vệ, cho rằng xâm chiếm sơn trại cướp đoạt tiền tài của cải của dân Bạch Tộc là một việc dễ dàng như trở bàn tay, nên dẫn đầu một toán binh sĩ hăm hở rầm rộ lên núi.

Nghe tin này, dân Bạch Tộc kinh hoàng, không ai là không lo sợ bất an. Ngay đúng cái thời điểm nguy hiểm đó, Bồ Tát Quan Thế Âm đặt chân lên sơn trại.

Đầu tiên, Ngài hóa thành một vị du tăng hành cước, tìm đến nhà trại chủ xin tá túc qua đêm. Trại chủ đang ưu sầu ủ ê, không biết sao đối phó với đám loạn binh đang kéo đến, nên nói với vị tăng hành cước:

– Sư phụ ơi, sư phụ đừng nghỉ chân đêm nay ở chỗ này thì hơn. Sư phụ không thấy đám loạn binh đang muốn xâm chiếm sơn trại của chúng tôi đó sao? Chúng tôi đang bàn tính với nhau tìm cách chống cự, nhưng ở đây binh lính không đông, tướng tá cũng không nhiều, làm sao chống cự lại họ! Dân chúng trong làng đang kiếm đường chạy giặc tứ tán, sư phụ nên chạy trốn đi để khỏi mất mạng.

Ai ngờ vị tăng hành cước điềm nhiên trả lời:

– Xin trại chủ bớt lo phiền, bần tăng có cách làm cho họ lui binh.

Trại chủ nhìn vị tăng một cách kinh dị:

– Làm cho họ lui binh? Sư phụ chỉ có một mình, làm cách nào để đẩy lùi họ được?

Vị tăng đáp:

– Bần tăng có cách. Chỉ xin trại chủ y theo lời của bần tăng mà bố trí là được. Một là tứ bề xung quanh thôn trại, phải cắm cờ xí cho nhiều vào. Hai là đặt chừng một trăm người lính đứng thủ vệ cửa trại một cách chỉnh tề để cho địch tưởng rằng bên trong sơn trại có một số đông quân lính đang mai phục và phòng vệ cẩn mật. Một chút nữa khi địch quân tới, một mình bần tăng sẽ đi chận họ lại.

Nói xong vị tăng rời sơn trại. Trại chủ bán tín bán nghi nhưng cũng cho sắp đặt bố trí y như lời vị tăng dặn dò.

Lúc ấy, một toán quân do vị tri phủ lãnh đạo hùng hổ xông lên sơn trại. Ở một chỗ cách sơn trại chừng vài trăm thước, tri phủ thấy một một người đang chận lối đi, thì ra đó là một bà già đầu tóc bạc phơ, lưng cõng một khối đá to tướng. Khối đá này vuông vức mỗi bề chừng hai xích, nặng ước chừng một trăm mấy chục cân là ít. Thế mà hơi thở bà cụ vẫn đều đặn, chân bước thoăn thoắt, nhẹ nhàng ném khối đá lên mặt đất. Nhìn trên mặt đường thì đã có rất nhiều khối đá lớn như thế chồng thành một núi cao, ngăn trở không có đội quân nào tiến vào được. Những tên lính tiên phong cảm thấy kỳ dị bèn hỏi bà cụ rằng:

– Bà cụ kia, đang làm gì đó? Già cả như vậy làm sao khiêng nổi một tảng đá lớn như thế?

Bà cụ cười đáp:

– Mấy ông không thấy sao? Tôi chồng đá để chận đường quân địch đó mà! Tôi thì già rồi, mấy viên đá nhỏ này ăn thua gì, chứ mấy anh chàng thanh niên trẻ tuổi trong trại thì khác, họ khiêng đá tảng nào tảng nấy to hơn thế này nhiều!

Người binh sĩ tiên phong nghe bà cụ nói thế bèn nói riêng với tên lính bên cạnh:

– Nếu bà già này mà sung sức như vậy thì bọn trai trẻ trong trại chắc là sức mạnh vô địch! Thật là đáng sợ.

Nói xong vội vàng trình tự sự lên vị tri phủ. Tri phủ tiến đến gần đội quân tiên phong, nhìn thấy tường đá rồi thì sợ hãi vô cùng. Ngước lên nhìn lần nữa thì thấy xung quanh trại cờ xí phần phật trong gió, đội quân thủ vệ thì tề chỉnh nghiêm mật, uy phong lẫm lẫm, bỗng đâm ra rụt rè, thầm nghĩ:

– Dân trên núi này sức mạnh vô song, ta không phải là đối thủ của họ, tự nhiên tiến vào chiếm đất thế nào cũng bị thua to!

Nghĩ thế xong bèn lập tức hạ lệnh lui binh. Bọn lính rút về Quảng Tây, thầm lặng như những con rùa rụt đầu.

Dân chúng từ sơn trại nhìn xuống, thấy rõ ràng mọi sự đã xảy ra. Trước tiên, họ ngạc nhiên thấy có một bà lão không biết từ đâu xuất hiện, nhưng lại không thấy vị tăng hành cước đâu nữa. Sau đó họ thấy bà lão ung dung thư thái từ eo núi bước ra với những tảng đá lớn trên lưng, rồi lại thấy đoàn quân giặc lên núi, không đánh mà lui thì vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Đợi quân địch rút lui xong, dân làng mới chạy túa ra đi tìm bà lão, nhưng bà đã biến đâu mất từ lâu!

Về sau, có một ông lão Phật tử duy nhất trong sơn trại bỗng nhiên đại ngộ, nghĩ ra rằng vị tăng hành cước và bà lão kia đều là Bồ Tát Quan Thế Âm hiển thánh, và nói lên sự khám phá của mình cho mọi người nghe.

Dân làng ùn ùn quỳ xuống khấu đầu lễ tạ, tạ ơn Bồ Tát đã cứu họ khỏi nạn đạo binh, người mất nhà tan. Sau đó họ còn cùng nhau lập miếu thờ bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cõng đá để đời đời ghi nhớ công ơn hóa độ của Ngài.