BẢY TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN SÁT SANH
ĐẠI SƯ LIÊN TRÌ

 

1. Ngày sinh không được sát sanh:

Cha mẹ đau đớn, sinh ta ra vất vả. Ngày sinh ra ta chính là ngày mẹ ta chết dần đi. Vì vậy, nên phải cấm tuyệt việc sát sanh, nên ăn chay, làm nhiều điều thiện, cầu cho cha mẹ tăng thêm phước thọ. Cớ sao lại quên nỗi vất vả của cha mẹ mà nỡ lòng sát hại sinh linh?

2. Sinh con không được sát sanh:

Không có con ắt phải buồn lo, sinh được con thì rất vui. Sao không nghĩ xem: loài cầm thú cũng biết yêu thương con, cớ sao mình sinh con ra lại khiến cho con của loài khác phải chết? Như vậy có thể yên tâm được sao? Than ôi, đứa trẻ vừa mới sinh ra đã không vì nó tích đức thì thôi, nay lại còn sát sanh hại vật để gây thêm tội lỗi, thế chẳng phải là mê muội lắm sao?

3. Cúng giỗ không được sát sanh:

Khi cúng giỗ người đã khuất hoặc tảo mộ vào tiết xuân thu, nên đều cấm việc sát sanh, để tạo phước đức. Trong tự nhiên sẵn có tám loại thực phẩm quý để dâng cúng, đâu thể bới xương cốt dưới cửu tuyền lên mà ăn sao? Sát sanh để dâng cúng chính là đại bất hiếu!

4. Hôn lễ không được sát sanh:

Việc cưới hỏi ở thế gian, có đủ nghi lễ thì thành chồng vợ, nào có phụ thuộc vào việc sát sanh? Khi lập gia đình là đã bắt đầu nghĩ đến việc sinh con. Trước lúc sinh con mà làm việc giết hại, quả là nghịch lý. Như vậy ngày lễ tốt lành mà lại làm việc hung dữ, giết hại chúng sanh, chẳng phải là mê muội lắm sao?

5. Đãi khách không được sát sanh:

Ngày lành cảnh đẹp, chủ hiền đãi bạn: rau, gạo, quả, trà không ngại chi đến cảnh trí nhà Phật. Cớ sao lại giết hại mạng sống, cùng cực béo ngọt, vui ca say sưa với cốc chén, giết hại oan uổng bao nhiêu sanh vật ngay trên mâm ăn? Than ôi! Người có tấm lòng, nhìn thấy như vậy chẳng buồn lắm sao?

6. Cầu an không được sát sanh:

Người đời có thói quen sát sanh để tế thần, mong thần phù hộ. Không nghĩ rằng: mình tế thần là muốn tránh cái chết, cầu sự sống, nhưng lại giết hại mạng khác để mong cho mạng mình được sống lâu, quả thật là nghịch lý, tàn độc hung ác.

7. Buôn bán sinh sống không được sát sanh:

Phàm là con người ai cũng phải vì cơm ăn áo mặc. Hoặc phải đi săn bắn, hoặc phải bắt cá, mò tôm, hoặc phải giết trâu, bò, heo, chó… cũng chỉ vì kế sinh nhai. Nhưng xét lại, những người không làm nghề này cũng vẫn có cơm ăn áo mặc, đâu vì thế mà phải chết đói chết rét? Làm nghề sát sinh ắt phải chịu quả báo bị giết hại sau này. Sao không chịu chuyển đổi nghề nghiệp, chọn những cách sinh nhai hiền lành chẳng phải tốt hơn sao?

Người Phật tử phải luôn tâm niệm bảy điều này để làm kim chỉ nam trong đời sống hằng ngày ! …

Người giữ giới không sát sanh được thiện thần bảo hộ, tai ách tiêu trừ, tuổi thọ dài lâu, con cháu hiếu thảo hiền lương, mọi chuyện đều may mắn tốt đẹp. Nếu dốc sức làm việc phóng sanh, lại thêm chuyên tâm niệm Phật, nhất định sẽ được tùy nguyện vãng sanh, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, tiến lên địa vị không thối chuyển.


VUN BỒI ĐẠO ĐỨC
Ấn Quang Đại Sư

1. Hiếu thảo với cha mẹ

Thân thể, tóc, da, nhận từ cha mẹ. Cha mẹ và ta, thật là một thể. Ta thương thân ta, hãy hiếu cha mẹ, chẳng nhục thân ta, mới là làm cho cha mẹ vinh hiển.

2. Hòa thuận, yêu thương anh em

Anh em, chị em, chân tay, cốt nhục, liên quan mật thiết, sướng – khổ cùng nhau, anh thương, em kính, hòa thuận, vui vẻ, nâng đỡ, thương yêu, gia đình có phước!

3. Kính thầy

Thầy nghiêm, đạo trọng, nêu gương luân thường, đạo đức, học vấn, ắt phải noi theo, lấy đó làm gương. Thầy nuôi dạy ta, vỡ lòng cho ta, dạy ta mẫu mực, chẳng kính trọng thầy, làm sao được ích?

4. Chọn bạn

Gần son thì đỏ, gần mực ắt đen. Chơi với bạn bè, có kẻ tổn hại, có kẻ tạo ích. Ích thì thân cận, tổn thì lánh xa. Khuyên lành, răn lỗi, toàn nhờ vào đấy!

5. Áo vải

Áo cốt che thân, và để chống lạnh. Mặc áo vải thô, tiếc phước, dưỡng khiêm. Đừng ham lượt là, gấm thêu, hoa mỹ. Phước thọ hao tổn, tự rẫy, tự ruồng.

6. Ăn chay

Ăn chay hợp dinh dưỡng. Ăn thịt hại sinh vật. Tâm hận lúc bị giết, khiến thịt độc chẳng vừa. Hãy đừng tham ăn thịt, hễ ăn phải trả đền, cho tới lúc phải trả, thật đáng thương xót sao!

7. Tiếc chữ

Chữ là quý báu nhất, vàng, ngọc vẫn thua xa. Người do chữ trí sáng; nếu không, sẽ ngu si. Nếu cõi đời không chữ, chẳng việc nào thành được, con người và cầm thú, chỉ khác nhau cái tên!

8. Tiếc ngũ cốc

Ngũ cốc nơi ruộng rẫy, dùng để nuôi nhân dân. Biết quý tiếc ngũ cốc, đấy chính là thiện tâm. Người tu thiện thì còn, kẻ chẳng lành ắt mất. Tiếc ngũ cốc được phước, phung phí gặp tai ương.

9. Tiếc thời gian

Bảy mươi xưa nay hiếm, khảy ngón tay liền qua. Hễ qua chẳng còn nữa, nào dám biếng nhác sao? Nỗ lực chăm học tập, lập đức lẫn lập nghiệp, tự lợi và lợi tha, nêu gương mẫu cho đời.

10. Trượng nghĩa (coi trọng điều nghĩa)

Trong nhất cử, nhất động, chỉ chú trọng điều nghĩa, hễ điều nghĩa tồn tại, không gì chẳng lợi ích. Tiểu nhân thấy điều lợi, liền quên bẵng nghĩa ngay. Tuy được lợi nhỏ nhặt, rốt cuộc chịu thiệt thòi!

11. Thanh liêm

Phước trạch trong đời người, do đời trước tu tập. Vật phi nghĩa vẫn lấy, là ăn nuốt món độc. Trong sạch chẳng ô nhiễm, liêm khiết chẳng tham lam, sẽ được đời sùng kính, vinh hiển không chi hơn!

12. Biết thẹn

Một chữ hổ thẹn, lợi lạc vô cùng, hễ có lòng thẹn, gần gũi thánh nhân. Còn nếu không có, khác gì loài thú! Giữ lòng hổ thẹn, không gì mà chẳng, tạm chế ngự được. Đức Phật giáo huấn, trang nghiêm đệ nhất.

13. Tận trung

Một mực giữ chân thành, chẳng hề dối trá, thờ cha mẹ, tiếp vật, trọn chẳng sanh hai lòng. Chỉ mong trọn bổn phận, chẳng bận tâm người khác, có biết tới hay không. Con người được như thế, gương mẫu của thế gian.

14. Thủ tín (giữ chữ tín)

Người biết giữ chữ tín, chẳng nói năng bừa bãi, nói được liền làm được, chẳng khoe khoang, phô trương. Con người thiếu chữ tín, chuyện gì cũng giả tạo, bị người khác chán bỏ, chẳng bằng trâu, ngựa đâu!

15. Nhân từ

Nhân ái từ bi, mối thiện của tâm. Tâm càng chân thật, phước trạch càng sâu. Nếu thiếu tâm ấy, tàn nhẫn, hà khắc. Dẫu có túc phước, khi hao tổn sạch, sẽ bị nguy hiểm.

16. Không sát sanh

Phàm là động vật đều có tri giác, tham sống, sợ chết, chỉ tiếc mạng sống. Nếu đùa bỡn giết và giết để ăn, đời này, đời sau, quyết định báo đền.

17. Không trộm cắp

Phàm vật có chủ, chớ nên lấy trộm. Ăn cắp món nhỏ, chôn vùi phẩm đức, ăn cắp món lớn, sẽ mắc họa to. Trộm vật của người, phước mình hao tổn, mình, muốn được tiện nghi, đâm ra lỗ lớn!

18. Không tà dâm

Dâm dục có hại, tổn thân, vùi chí. Dẫu là chồng vợ, cũng nên tiết chế. Nếu cứ tà dâm, rất không hợp lẽ. Từ xưa đến nay, bậc có chí hướng, không một ai phạm!

19. Không nói dối

Lời nói tỏ hạnh, thuật bày bổn tâm. Tâm đã không thật, hạnh sao chánh được? Mong lũ trẻ ngươi, đừng nên nói dối. Miệng đúng, tâm sai, trọn chẳng ra gì!

20. Không hút thuốc

Thuốc nào cũng đừng hút, bởi trái phép vệ sinh. Miệng thường có mùi hôi, xông sực phiền trời người. Nha phiến, thuốc lá thơm, chất độc mạnh mẽ nhất. Tốn tiền mua lấy hại, kẻ si thật đáng thương!

21. Không uống rượu

Rượu là thuốc gây cuồng, uống vào ắt loạn tánh, say sưa trái lẽ thường, vượt lễ lẫn phạm phận, tốt nhất đừng nên uống, để khỏi uống quá đà! Người thông minh trí huệ, thường giữ thân trong sạch.

22. Không cờ bạc

Cờ bạc lẫn cờ tướng. Hèn chí, mất thời gian. Nếu chuyên tâm vào đó, vứt bỏ chuyện chánh đáng. Đem quang âm hữu hạn, phí vào trò trẻ con. Tan nhà hao tài sản, tội chẳng có lúc ngơi!

23. Đừng xa xỉ

Xa xỉ khoe giàu có, mua họa, chuốc nghèo hèn. Quân tử chẳng nhìn tới, đạo tặc đến cướp giựt. Mặc áo vải, cơm rau, là cung cách thánh hiền. Đời này lẫn đời sau, ai nấy đều noi gương.

24. Đừng ngạo mạn

Kẻ ngạo mạn khinh người, thực sự phô khuyết điểm, người sáng suốt biết rõ, học vấn lẫn hàm dưỡng của kẻ đó ít ỏi. Dẫu đã là thánh nhân, vẫn chẳng hề khinh người. Thường luôn tâm niệm rằng: “Trọn chẳng có thánh – phàm”.

25. Đừng ghen ghét

Người có tài đức, ta nên khen ngợi. Người ấy ắt sẽ cống hiến xã hội. Nếu sanh ghen ghét, chê là ngu si, nghiệp báo đoạt mất huệ căn đời trước.

26. Đừng thiên kiến

Người mang trí nhỏ, chưa nghe đại đạo, thường chấp ý mình là hay tuyệt nhất. Đáy giếng nhìn trời, sở kiến bé tí. Nếu lên núi cao, sẽ hiểu rõ ràng cái thấy trước kia.

27. Đừng nóng giận

Có kẻ phú quý lòng dạ hẹp hòi, thường do trái ý, phẫn nộ đùng đùng. Nóng giận vô ích, phiền não ta người, rộng lượng, khoan dung, của báu vô giá.

28. Hỏi han đừng thẹn

Hỏi được những điều vốn không thể hỏi, hỏi nhiều về điều mình vốn kém thiếu, mong người chiều mình, phải nhún mình trước. Nếu là vô tri, càng nên hỏi người, học rộng, hỏi kỹ, bản lãnh chân thật.


VĂN SÁM VỀ MƯỜI ÁC NGHIỆP
 Pháp sư Đàm Thiên

 

Đệ tử chúng con, vì tất cả chúng sanh khắp pháp giới, phát lộ tội lỗi nghiệp chướng đã gây ra từ vô thỉ đến nay. Hoặc là sát hại quân thần họ hàng và Thánh nhân La Hán, dấy động chiến tranh gươm chúa tàn ác hình phạt sai lầm quá mức, thậm chí hàm linh bẩm tánh bò bay máy cựa, tất cả các loài chúng sanh đều bị tàn hại sát thương, cho đến thú dữ diều hâu dần bị chính mình ăn thịt.

Hoặc trộm cắp đồ vật của Phật-Pháp-Tăng và tiền bạc châu báu của người, làm quan chức dựa vào công việc mà nhận tiền của tham ô. Hoặc không phải vợ chồng mình mà hành dâm làm xấu vợ-chồng của người, không kể thân thuộc chẳng tránh Tăng-Ni, ngang ngược dấy lên yêu-ghét ngông cuồng đố kỵ lẫn nhau. Hoặc gian trá không thật nói năng xằng bậy lừa dối mê hoặc quân thần họ hàng, không biết không thấy nói biết nói thấy, dựa theo quỷ thần lừa gạt thế gian. Hoặc gièm pha nịnh hót hai lưỡi làm cho hai bên đấu đá hỗn loạn, đem lời ác nơi này đến chỗ kia bày tỏ, mang lời ác chỗ kia trở lại bàn tán nơi này, ngăn cách quân thần chia lìa ruột thịt, tất cả hòa hợp vì vậy mà bị tổn hai điêu tàn. Hoặc phát ra lời nói thô lỗ chê bai người khác, mặc sức quát mắng nhục mạ xấu xa tràn miệng. Hoặc không dùng lời ngay thẳng, mà làm thành lời thêu dệt, nói thiện thành ác, lấy thối thành thơm, gọi dài thành ngắn, nói trắng thành đen, lời lẽ sai trái nói năng của xảo trá xúi giục mọi người. Hoặc chí hướng còn ham hưởng thụ, cầu mong đạt được không biết hạn chế, tánh nhiều sân giận, bừng bừng oán hận tự trói buộc mình. Hoặc không nhận biết lý lẽ chính đáng làm cho tà kiến mê hoặc, phỉ báng Phật-Pháp-Tăng nói không có nhân quả, không tin tu thiện được báo vui sướng trời người, không tin làm ác chịu báo khổ đau địa ngục. Hoặc cho rằng thân này không có nhân duyên mà được. Hoặc nói là vị lai đoạn dứt không có nhân quả, hủy hoại chùa tháp đốt phá kinh điển, nấu chảy tượng Phật để lấy vàng-đồng, làm ô uế chốn già lam vượt bỏ mọi giới cấm. Hoặc uống rượu ăn thịt và ăn các thứ tanh hôi, ngu si tà kiến không điều ác nào không tạo.

Tất cả mười loại ác nghiệp đã kể ra như vậy, tự mình gây ra-bày cho người khác, thấy người khác làm mình cùng vui theo, từ vô thỉ cho đến ngày nay chắc chắn có tội lỗi này. Bởi vì nhân duyên tội lỗi luôn luôn làm cho chúng sanh đọa vào địa ngục-súc sanh-ngạ quỷ. Nếu sanh trong loài người thì nhiều bệnh tật mạng sống ngắn ngủi, thường ở vào nơi hèn hạ thấp kém, và nghèo khó khốn khổ vô cùng, cùng với người có tiền của không được tự nhiên thoải mái. Vợ không hiền lành cẩn thận, hai vợ tranh chấp lẫn nhau, gặp phải nhiều phỉ báng, bị người lừa gạt mê hoặc. Tất cả quyến thuộc phản bội tệ hại xấu xa, không nghe lời nói tốt lành thường gặp tai tiếng dữ dằn. Hễ có trình bày điều gì luôn luôn xảy ra tranh cãi, nếu có nói lời chân thật thì người cũng không tin nhận. Âm thanh từ ngữ phát ra lại không phân rõ phải trái. Tham lam tiền của không chán mà mong cầu thì không được, thường bị người khác xoi mói tốt xấu của mình. Không có hiểu biết tốt lành thường làm não hại lẫn nhau, luôn luôn sanh vào gia đình tà kiến, thường ôm ấp tâm địa nịnh hót quanh co.

Từ vô thỉ cho đến ngày nay, mười nghiệp bất thiện đều từ phiền não tà kiến mà sinh ra, nay dựa vào sức mạnh chánh kiến của Phật tánh, cho nên phát lộ sám hối, đều được trừ diệt. Ví như viên ngọc quý đặt vào nước đục, nhờ uy đức của ngọc quý nên nước đục lập tức trong veo; uy đức của Phật tánh cũng lại như vậy, đặt vào nước đục phiền não ngũ nghịch-tứ trọng của các chúng sanh, thì đều làm cho lập tức trong sạch. Đệ tử chúng con cùng tất cả pháp giới chúng sanh, bắt đầu từ thân này cho đến lúc thành Phật, nguyện không gây ra thêm các tội lỗi như vậy.

Nguyện cho con ở đời vị lai,
Được thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ,
Thân công đức vô lượng vô biên,
Con cùng với những ai tin tưởng,
Đã được trông thấy Đức Phật rồi,
Nguyện đạt được ánh mắt trong sáng,
Thành tựu quả Bồ đề Vô thượng,
Cứu độ hàm thức khắp mọi nơi.


BÀI KỆ KHÔNG ĐƯỢC
Thiền sư Chí Công

Trời đất che chở ta
Thân này tan không được.

Cha mẹ nuôi dạy ta
Tình thân báo không được.

Ai cũng muốn trăm tuổi
Có định cũng không được.

Nhà nhà thèm sang giàu
Muốn cầu, cầu không được.

Năm tháng khổ ê chề
Muốn nhàn nhàn không được.

Râu tóc tới lúc bạc
Muốn đen đen không được.

Đạo lý biết rành rẽ
Nói được làm không được.

Châu báo chất như núi
Chết đi mang không được.

Áo quần hàng ngàn rương
Mệnh tận mặc không được.

Kinh nhiều hàng vạn quyển
Vô duyên đọc không được.

Phép nước bén như gươm
Phạm phải không tha được.

Hung ác không hiếu thuận
Trời phạt tha không được.

Một khi kết oán thù
Cả đời gở không được.

Mình làm mình phải chịu
Kẻ khác thế không được.

Oan gia lỡ gặp nhau
Muốn tránh, tránh không được.

Khi quỷ vô thường tới
Trăm kế thoát không được.

Ruột thịt cũng chia lìa
Muốn lưu, lưu không được.

Thân quyến khóc om sòm
Nghe được nói không được.

Trong bụng rối tơ vò
Có miệng nói không được.

Bốn bề lạnh như băng
Cứng ngắc cựa không được.

Tắt thở chưa bao lâu
Mặt mày nhìn không được.

Tiền giấy hóa ra tro
Vô dụng mua không được.

Mới quá có mấy ngày
Hôi thúi ngửi không được.

Bàn thờ đồ ăn đầy
Hồn ma ăn không được.

Điện tiền gặp Diêm vương
Chửi bới chịu không được.

Diêm Vương da mặt sắt
Phạt tội không tha được.

Hối hận thì đã trễ
Muốn về, về không được.

Quỷ sứ tống vào ngục
Hình phạt trốn không được.

Hận mình không sớm tu
Lại hối, hối không được.

Làm thiện chẳng có chi
Chịu tội miễn không được.

Tài sản tuy có nhiều
Chuộc tội chuộc không được.

Khi sống mãi khoe hay
Lúc chết trốn không được.

Nếu biết niệm Di Đà
Địa ngục xuống không được

Tai nạn tức thời tiêu
Vãng sanh sao không được.

Một khi gặp Di Đà
Thỏa nguyện nào không được.