BẢN NGUYỆN DƯỢC SƯ KINH CỔ TÍCH

QUYỂN THƯỢNG

Sa-môn Thái Hiền ở Thanh Khâu soạn.

 

Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức, được chia ra làm ba môn để phân biệt giải thích đó là:

– Đề danh (giải thích đề)

– Giáo nhiếp (thuộc về giáo nào)

– Bản văn (giải thích chánh văn).

A – GIẢI THÍCH TÊN KINH:

Kinh có ba tên là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức, Thập Nhị Thần Tướng Nhiêu Ích Hữu Tình Kết Nguyện Thần Chú, Bạt Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng. Trong đó, bản dịch vào niên hiệu Đại Minh thứ nhất (457) đời Lý Vũ Đế, triều Lưu Tống thuộc Nam Bắc triều có tên là Bạt Trừ Quá Tội Sinh Tử Đắc Độ Kinh; bản dịch tại Phiên kinh quán ở Thượng lâm lang phía Nam Lạc thủy Đông đô, vào niên hiệu Đại Nghiệp thứ mười một (615) đời Tùy Dạng Đế, có tên là Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Kinh. Nay bản do Tam tạng Pháp sư là ngài Huyền Trang dịch vào niên hiệu Trinh Quán đời Đường lấy tên Kinh là: Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai Bản Nguyện Công Đức. Về văn nghĩa rộng hẹp thì hai bản sau giống nhau.

“Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai” là người Sở quy, “Bản Nguyện Công Đức” là đức sở cảm, năng bạt chúng khổ là dụ cho Dược sư; không duyên nào chẳng thấu suốt cho nên gọi Lưu ly quang, diệu hạnh được tu tập gọi là bản nguyện, quả vị thù thắng chứng được gọi là công đức, tức dùng nhân quả của Như Lai làm tông, khuyến hóa chúng sinh quy y, lìa khổ làm ý thú; vì thế tên thứ nhất lấy tông làm hiệu, hai tên sau dùng ý thú làm danh xưng. Kinh tức Khế kinh, là tên năng thuyên; tương ứng với nghĩa. Giữ khắp các pháp khí không cho thất lạc cho nên gọi là Khế kinh. Bản nguyện công đức của Dược Sư Như Lai là Khế kinh về công đức bản nguyện, cho nên trong lục hợp thích, thuộc về y chủ thích.

B. THUỘC VỀ GIÁO NÀO (giáo nhiếp):

Các sư Nam địa luận rằng: “Phật giáo có ba tông là đốn, tiệm, thiên phương bất định giáo; Đốn tiệm như đã biết, còn nay kinh Dược Sư thuộc về giáo thứ ba; vì tùy duyên mà hạn cuộc thuyết giáo, khác với Đốn tiệm.” Thuyết này chẳng đúng lý, vì ngoài đốn và tiệm thì không có chứng ngộ, chẳng thể lìa Đại Tiểu mà có giáo khác. Trong kinh, Như Lai đã nói đức nhân quả của Đại thừa cho Bồ-tát Văn-thù nghe, cho nên thuộc Đốn giáo, lại nói Tịnh độ không có tướng ngăn che, cho nên kinh thuộc về Đại thừa liễu nghĩa.

C. GIẢI THÍCH VĂN BẢN:

Chánh văn: Chính tôi được nghe như vậy, một thuở nọ khi Đức Bạt-già-phạm đi du hóa các nước; một hôm ngài đến thành Quảng nghiêm, ngồi dưới cây Nhạc âm, thuyết pháp cho tám ngàn vị Tỳ-kheo, ba mươi sáu ngàn vị Bồ-tát Ma-ha-tát, cùng với vô lượng quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, trời, rồng, Dạ-xoa, người và hàng phi nhân, đang cung kính vây quanh nghe.

Giải thích:

Bản văn được chia làm ba phần:

  • Thuyết kinh nhân khởi phần.
  • Đối vấn quảng thuyết phần.
  • Văn danh hỷ hành phần.

I. Đoạn này thuộc phần thứ nhất

Tôi nghe như thế này… cũng giống như điều đã từng biết, không cần phải giải thích, Bạt-già-phạm, gồm sáu nghĩa đó là:

  1. Tự tại, vĩnh viễn không bị phiền não trói buộc.
  2. Mãnh liệt, được lửa trí tuệ hừng hực tôi luyện.
  3. Đoan nghiêm, vì được các tướng vi diệu trang nghiêm.
  4. Vang danh, vì công đức viên mãn, không điều gì chẳng biết.
  5. Cát tường, nếu thân cận cúng dường sẽ đạt được lợi ích lớn.
  6. Tôn quý, đầy đủ công đức, làm lợi lạc loài hữu tình mà không bao giờ mỏi mệt.

Vì thế Luận Phật Địa, tụng rằng:

Tự tại, mãnh liệt và đoan nghiêm,

Vang danh, cát tường cùng tôn quý.

Đầy đủ tất cả sáu nghĩa này.

Được xưng là bậc Bạc-già-phạm.

Từ Quảng nghiêm, phiên âm theo tiếng Phạm là Tỳ-xá-ly hoặc là Tỳ-da-ly, biểu thị các đức đã đầy đủ; đến thành Quảng nghiêm, biểu thị các loài chúng sinh ưa thích trụ ở; cây Nhạc âm, vì khi có gió nhẹ lay động thì từ cây phát ra các âm thanh cung thương cho nên gọi là cây Nhạc âm . Chúng hội có ba bậc là Thanh văn, Bồ-tát và thế gian như văn đã ghi: Trong đó cư sĩ tức là những Phật tử tại gia. Dạ-xoa nghĩa là khá sợ hoặc oai thế.

Chánh văn: Lúc bấy giờ, Pháp vương tử Mạn-thù-thất-lợi nương oai thần của Phật, từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo lộ bày vai hữu, quỳ gối phải chấm đất, hướng về bậc Bạc-già-phạm, khom mình chắp tay bạch rằng: “Thưa Đức Thế Tôn! Cầu xin Ngài diễn bày các tướng loại về danh hiệu và công đức bản nguyện thù thắng của Như Lai, để cho chúng hội hiện tiền tiêu trừ nghiệp chướng và chúng sinh thời tượng pháp chuyển được lợi ích lớn.”

II. Giải thích:

Từ đây là phần đối vấn quảng thuyết, gồm năm nghĩa đó là: Bồtát thỉnh vấn thành tựu, Pháp vương tán hứa thành tựu, đại chúng nhạo văn thành tựu, Như Lai thuyết pháp thành tựu và Dạ-xoa báo ân thành tựu.

1) Đoạn này thuộc về Bồ-tát thỉnh vấn thành tựu, gồm ba nghĩa:

– Thích nhân duyên môn: Như kinh ghi: Mạn-thù-thất-lợi nương oai thần của Phật. Mạn-thù-thất-lợi, Hán dịch là Diệu cát tường, từ pháp hóa sinh, được phần Phật pháp nên gọi là Pháp vương tử.

– Thỉnh oai nghi môn: tức là đoạn từ “ngồi đứng dậy… chắp tay”: Từ tòa ngồi đứng dậy, biểu thị ý nghĩa từ chân đế phát khởi, trịch áo bày vai hữu biểu thị ý nghĩa làm lợi lạc chúng sinh, đầu gối phải chấm đất, biểu thị ý nghĩa trụ thế gian hướng về Bạc-già-phạm là thú hướng đến việc xuất thế, khom mình nghĩa là xa lìa ngã mạn, chắp tay tức chuyên tâm.

– Chánh khai thỉnh môn: Từ câu “bạch Phật rằng… được lợi ích lớn”: Đoạn này lược hỏi ba việc, đó là hỏi danh hiệu Phật, hỏi nhân đại nguyện, hỏi quả công đức, và nêu lên lợi ích. Thời tượng pháp chuyển, kinh Đại Tập ghi: “có sáu kiên cố, đó là pháp thân đắc trụ kiên cố, giải thoát đắc trụ kiên cố, thiền định đắc trụ kiên cố, đa văn đắc trụ kiên cố, phước đức đắc trụ kiên cố và đấu tranh đắc trụ kiên cố. Trong đó kiên cố thứ nhất là thời kỳ Phật còn trụ thế, năm kiên cố sau là thời kỳ sau khi Phật nhập diệt. Nếu theo thứ tự năm trăm năm một kiên cố để phối hợp với ba thời kỳ thì, thời chánh pháp gồm hai kiên cố đầu tiên, thời tượng pháp gồm hai kiên cố tiếp theo và thời mạt pháp gồm một kiên cố sau cùng; nếu phối hợp với giáo, hạnh, quả thì thời chánh pháp gồm đủ cả ba, tượng pháp có giáo và hạnh, mạt pháp chỉ có giáo mà thôi. Nay vì lợi ích những chuyển sinh thời tượng pháp mà lập câu hỏi này.

Chánh văn: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Đồng tử Mạnthù-thất-lợi rằng: “Hay thay! Hay thay! Mạn-thù-thất-lợi, ông đã có lòng đại bi khuyến thỉnh ta chỉ bày danh hiệu và công đức bản nguyện của chư Phật để dứt trừ nghiệp chướng trói buộc hữu tình, để các loài chúng sinh thời mạt pháp được lợi ích an lạc, vậy ông hãy lắng nghe và suy xét kỷ, ta sẽ nói cho ông biết.” Mạn-thù-thất-lợi đáp rằng: “Xin vâng chúng con đang muốn nghe, cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.” Giải thích:

Đoạn này gồm hai nghĩa.

– Pháp vương tán thán và hứa khả thành tựu: “Lúc bấy giờ,… ta sẽ nói cho ông biết.” Vì những điều nghe được đã có thể ghi nhận cho nên nói: Lành thay! Vì ứng hợp thời nghi cho nên lập lại Lành thay! Muốn khiến cho người hỏi nhận rỏ được văn cho nên bảo lắng nghe; vì muốn khiến cho hiểu được nên bảo suy xét kỹ.

– Đại chúng nhạo văn thành tựu: “Mạn-thù-thất-lợi… . chỉ dạy.”

Chánh văn: [Đức Phật bảo ngài Mạn-thù-thất-lợi rằng: “Cách nơi đây hơn mười Căng-già-sa Phật độ về phương Đông, có một thế giới tên là Tịnh lưu ly, Đức Phật trụ ở cõi này hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc-già-phạm.

Giải thích:

2. Như Lai thuyết pháp thành tựu, gồm hai mônChánh đáp sở thỉnh môn.

Khuyến vật lợi ích môn.

a. Chánh đáp: Có ba, vì trả lời ba câu hỏi. Còn giải thích đầy đủ mười hiệu của Như Lai thì như luận Du-già đã ghi rõ. Đoạn văn kinh trên là câu trả lời thứ nhất.

Chánh văn: Này Mạn-thù-thất-lợi! Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, Khi còn tu hạnh Bồ-tát đã lập mười hai lời nguyện sâu rộng, khiến cho sự cầu mong của loài hữu tình đều thành tựu.

Giải thích:

Trả lời câu thứ hai: Lại gồm ba ý là lược nêu, quảng thuyết và tổng kết. Đoạn này thuộc về ý thứ nhất. Kinh A-tu-la nói rằng: “Bồ-tát Lưu Ly Quang, lúc gặp Phật Trí Thắng liền lập nguyện chung, đến khi gặp Phật Bảo Đảnh mới lập nguyện riêng.” Kinh Thập Phương Chư Phật Hiện Tiền ghi: “Phật Thanh Long Quang lập mười hai thệ nguyện.”

Chánh văn:

Nguyện thứ nhất: Nguyện đời sau, nếu ta chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì tự thân sẽ phóng ánh sáng rực rỡ, chiếu soi khắp vô lượng, vô biên thế giới, dùng ba mươi tướng của bậc Đại trượng phu và tám mươi vẽ đẹp trang nghiêm thân, khiến cho tất cả hữu tình thấy nghe đều được như ta không khác.

Nguyện thứ hai: Nguyện đời sau, nếu ta chứng Bồ-đề thì tự thân như lưu ly trong ngoài thấu suốt, thanh tịnh không chút tỳ vết, thân cao lớn sáng chói có công đức rộng lớn này, an trụ ở lưới ánh sáng rực rỡ, trang nghiêm hơn cả mặt trời, mặt trăng, khiến cho loài chúng sinh ở cõi u minh đều được trí tuệ tùy ý chuyển sinh, mà thực hiện các thiện nghiệp.

Nguyện thứ ba: Nguyện đời sau, nếu chứng Bồ-đề, thì sẽ dùng vô lượng, vô biên trí tuệ phương tiện, làm cho chúng sinh có được vô lượng thọ dụng không bao giờ bị thiếu thốn.

Nguyện lớn thứ tư: Nguyện đời sau, nếu ta chứng Bồ-đề, thì sẽ khiến cho những chúng hữu tình hành tà đạo, được an trụ trong đạo Bồ-đề, khiến cho hàng Nhị thừa Thanh văn, Độc giác trụ trong Đại thừa.

Nguyện thứ năm: Nguyện đời sau, nếu ta thành Bồ-đề thì sẽ khiến cho vô lượng, vô biên hữu tình tu hành phạm hạnh trong giáo pháp của ta, không thiếu khuyết giới, đầy đủ tam tụ tịnh giới, nếu có người hủy phạm, nghe tên của ta liền được thanh tịnh, không bị đọa vào đường ác.

Nguyện thứ sáu: Nguyện đời sau, khi ta chứng đắc Bồ-đề, nếu có chúng sinh nào có các bệnh khổ như thân thể hạ liệt, các căn thiếu khuyết, xấu xí ngu si, điếc đui câm ngọng, lưng gù chân thọt, cùi hủi điên cuồng mà nghe danh hiệu của ta, thì tất cả đều được đoan chánh, trí tuệ sáng tỏ, các căn đầy đủ, không còn những bệnh khổ.

Nguyện thứ bảy: Nguyện đời sau, khi ta thành Bồ-đề, nếu có những

chúng sinh nào bị bệnh nặng bức bách không phương cứu chữa, không chỗ nương tựa, không gặp thầy, chẳng có thuốc, không người nương tựa, chẳng có gia đình, nghèo cùng khốn khổ, mà nghe danh hiệu của ta thì các bệnh đều dứt, thân tâm an ổn, gia quyến vật dụng đầy đủ, cho đến chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Nguyện thứ tám: Nguyện đời sau, khi ta chứng Bồ-đề, nếu người nữ nào vì thân nữ có trăm điều xấu khổ bức bách sinh tâm nhàm chán, muốn bỏ nữ thân nghe danh hiệu ta rồi thì tất cả sẽ chuyển thành thân nam đầy đủ tướng trượng phu cho đến chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Nguyện thứ chín: Nguyện đời sau, nếu chứng đắc Bồ-đề thì ta có thể làm cho tất cả loài hữu tình lìa khỏi lưới ma, thoát khỏi sự trói buộc của ngoại đạo, nếu có người bị đọa vào rừng ác kiến, ta sẽ dẫn dắt họ vào con đường chánh kiến, khiến họ dần dần tu tập Bồ-tát hạnh, chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.

Nguyện thứ mười: Nguyện đời sau, khi ta chứng Bồ-đề, nếu có người sa vào vương pháp bị trói buộc, gông cùm, đánh đập, tù tội hoặc bị gia đình cho dến bị vô lượng các tai nạn khác lăng nhục sầu bi, thiêu đốt thân tâm, chịu nhiều đau khổ, những người như thế nếu nghe danh hiệu ta, vì sức oai thần phước đức mà đều được giải thoát tất cả sầu khổ.

Nguyện thứ mười một: Nguyện đời sau, khi ta chứng Bồ-đề, nếu có người vì sự đói khát bức bách mà tạo các ác nghiệp, như được nghe danh hiệu ta, rồi chuyên tâm thọ trì nhớ nghĩ, thì trước tiên ta ban cho thức ăn ngon nuôi sống sắc thân, sau đó dùng pháp vị rốt ráo an lạc mà kiến lập cho họ.

Nguyện thứ mười hai: Nguyện đời sau, khi ta chứng được Bồ-đề, nếu có người nghèo cùng, khốn khổ, không có y phục che thân, bị muỗi mòng chích đốt, nóng lạnh đêm ngày bức thân, mà nghe được danh hiệu ta rồi chuyên tâm thọ trì, thì những điều ưa thích liền đạt được, tất cả y phục tốt đẹp, tất cả vật báu trang nghiêm như vòng hoa, hương bột, hương xoa, trống nhạc, ca kỷ đều tùy tâm mong cầu mà được đầy đủ.

Giải thích: Trong môn nói rộng có sáu đối môn đó là:

– Nhiêu ích tịnh uế môn, gồm hai nguyện đầu tiên; tất cả chúng sinh ở tịnh độ đều như thân ta, cho đến chúng sinh ở thế gian và cõi u minh đều được toại ý.

– Thế xuất thế gian môn: Hai nguyện kế tiếp; vì làm cho nhân thiên thừa không có điều gì thiếu thốn, cho đến người hành tà đạo, tùy theo chủng tánh mà được an trụ ở Trung đạo Bồ-đề của Tam thừa, cũng như kiến lập Đại thừa cho hàng Nhị thừa bất định tánh.

– Tồn giới tồn thân môn: Gồm hai nguyện năm, sáu: không thiếu khuyết các giới trọng, và đầy đủ tam tụ, sáu căn thân đều an tịnh. Trong đó nói hạ liệt bất cụ túc là các căn tuy đầy đủ nhưng không hoàn hảo, và có chổ thiếu khuyết; nói xấu xí tức là thân hạ liệt; ngu si tức là ý hạ liệt; mù điếc ngọng câm tức mắt tai miệng lưỡi không hoàn toàn; điên cuồng thì ý căn bị bệnh; các loài bệnh khổ thì gồm nhiếp vào sáu căn như tai mũi…, bốn lợi ích như đoan chánh… như thứ tự đã phiên dịch.

– Trừ nội ngoại khổ môn: Gồm hai nguyện bảy, tám: có thể trừ khổ hoạn do ngoại duyên bức bách; không phương cứu tức không có thuốc men; không người nương tựa tức không thân thích. Nay gặp được thầy thuốc là Phật, thuốc là Pháp, tài (tài bảo) là Thánh, nên trừ được bệnh khổ cho đến được sung mãn.

– Chuyển được thân nữ do ngoại duyên bức bách: Như kinh Niếtbàn ghi: “Tất cả thân của người nữ đều là nơi tụ hội của các điều dơ xấu.

Nội ngoại giải phược môn: Hai nguyện chín, mười; an lập chánh kiến, trừ bỏ ác kiến, chứng đạo Vô thượng, ra khỏi lưới ma, dùng sức oai thần lìa khỏi sự trói buộc.

– Chí thực dữ y môn: Hai nguyện cuối cùng; dùng vị pháp thực mà kiến lập; dùng diệu y phục mà ban bố đầy đủ.

Chánh văn: [Này Mạn-thù-thất-lợi! Đây là mười hai hạnh nguyện vi diệu của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác khi ngài còn hành Bồ-tát hạnh.

Giải thích:

Đây là lời tổng kết.

Chánh văn: Mạn-thù-thất-lợi! Mười hai nguyện lớn mà Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang đã lập khi còn tu Bồ-tát hạnh, và công đức trang nghiêm của cõi Phật kia cho dù ta nói trong một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nào hết được. Nhưng ở cõi Phật kia không có người nữ, không có đường ác và các tiếng khổ, đất toàn bằng lưu ly, dây vàng giăng làm đường, cung điện lầu gác, thành quách, màng lưới đều do bảy báu tạo nên, tất cả đều giống như công đức trang nghiêm ở thế giới Cực lạc Tây phương. Ngoài ra trong cõi nước này có hai vị Bồ-tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu luôn giữ gìn kho báu chánh pháp của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và cũng là bậc thượng thủ của vô lượng vô số Bồ-tát. Vì thế Mạn-thù-thất-lợi và các thiện nam, thiện nữ tín tâm, nên phát nguyện vãng sinh về cõi Phật ấy.

Giải thích: Đáp câu hỏi sau cùng: Gồm hai phần là bản xứ trang nghiêm công đức thành tựu và ngoại phương văn danh công đức thành tựu.

Đoạn trên thuộc về phần thứ nhất của câu trả lời; nói: “Đại nguyện được lập” và “Sự trang nghiêm của cõi Phật nói chẳng cùng tận”, là hiển bày nguyện rộng lớn thì quả cũng vô biên và thân cũng phải ứng hợp với nguyện. Theo kinh thì cõi Phật kia có tám công đức thành tựu.

– Vô sở trước uế thành tựu (không có điều nhơ uế) Kinh ghi: “Không có hàng nữ nhân.”

– Ly sở bố ác thành tựu (xa lìa sự sợ hãi xấu ác). Kinh ghi: “Không có đường ác và tiếng khổ.”

– Sở y thanh tịnh thành tựu (chỗ nương thanh tịnh) Kinh ghi: “Đất toàn bằng lưu ly.”

– Đạo lộ thành văn thành tựu (đường xá đẹp đẽ) Kinh ghi: “Dây vàng giăng làm ranh giới đường.”

– Cung điện trang nghiêm thành tựu: Kinh ghi: “Cũng giống như cõi cực lạc phương Tây.”

– Đại Thánh vô tuyệt thành tựu (luôn luôn có bậc Đại Thánh) kinh ghi: “có hai vị Bồ-tát làm bổ xứ.”

– Lợi lạc bất đoạn thành tựu: Kinh ghi: “Giữ gìn kho báu chánh pháp của Đức Phật ở cõi kia.”

– Nguyện sinh vô ngại thành tựu (tự tại nguyện sinh) Kinh ghi: “Phải nên nguyện sinh về thế giới của Đức Phật kia.”

Chánh văn: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đồng tử Mạn-thù-thất-lợi rằng: “Này Mạn-thù-thất-lợi! Có những chúng sinh chẳng biết thiện ác, ôm lòng tham lam bỏn sẻn, không biết bố thí và quả báo của bố thí, ngu si vô trí, thiếu tín căn, chỉ biết gom chứa, cất giữ tiền tài báu vật, thấy người đến xin tâm sinh phiền não, ví như bất đắc dĩ phải cho, thì lòng cảm thấy đau đớn như cắt thịt, lại có những chúng sinh tham lam keo kiệt chỉ biết gom chứa cất gữi tiền tài vật báu, đối với thân mình còn không dám thọ dụng, huống gì lại cung dưỡng cho cha mẹ, giúp đỡ cho vợ con nô tỳ người làm công và kẻ ăn xin. Những chúng sinh này sau khi mạng chung sinh vào ngạ quỷ hoặc bàng sinh. Nhưng do xưa khi còn sống đã có nghe qua danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho nên nay đọa vào ác thú, bỗng nhớ nghĩ lại danh hiệu Đức Phật ấy, trong một niệm liền thác sinh vào cõi người, được túc mạng thông, sợ hãi đường ác, không thích dục lạc, muốn thực hành tuệ thí, khen ngợi người bố thí, đối với tất cả các vật sở hửu không có lòng tham tiếc cho đến còn có thể bố thí cả đầu mắt tay chân máu thịt của mình, hà huống gì là tài vật khác.

Giải thích:

Ngoại phương văn danh công đức thành tựu: Gồm có năm ý, tức khiến người nghe trừ được năm chướng ngại của năm việc là thí, giới, tu, thập thiện vàvãng sinh cõi an lạc.

Đoạn kinh này hiển bày ý thứ nhất là:Trừ thí tánh phước nghiệp chướng: Gồm ba môn:

– Hiển chướng tự tánh môn (chỉ rõ chướng tự tánh) Kinh ghi: “Chẳng biết thiện ác… người đến xin.” Không biết điều ác vì tham tiếc, không biết điều thiện vì không biết bố thí, cho nên gọi là không biết thiện ác. Ngu si vô trí cũng vì ôm lòng bỏn sẻn tham lam, thiếu tín căn cũng vì không biết bố thí; chỉ biết gom chứa không chịu ban phát.

– Thị chướng quá hoạn môn (chỉ bày chướng này là tội lỗi sai lầm) Kinh ghi: “Loài hữu tình kia sẽ bị sinh vào ngạ quỷ, súc sinh.” Vì tham lam bỏn sẻn nên sinh vào ngạ quỷ, vì ngu si nên sinh vào bàng sinh.

– Văn Phật thắng lợi môn (nghe danh hiệu Phật được lợi lạc) như kinh đã ghi:“ Do xưa còn sống… huống gì là các tài vật khác.”

Chánh văn: Mạn-thù-thất-lợi! Nếu có chúng sinh nào thọ trì các học xứ của Như Lai mà lại phá Thi-la, hoặc có người không phá Thi-la mà phá quy tắc, hoặc có người không phá quy tắc và Thi-la nhưng lại phá hủy chánh kiến, hoặc có người không phá hủy chánh kiến mà bỏ đa văn, không thể hiểu được thâm nghĩa các khế kinh của Phật, hoặc có người tuy đa văn mà lại tăng thượng mạn, do tăng thượng mà tâm bị che lấp, rồi cho mình là đúng người khác là sai, khinh báng chánh pháp, làm bạn kết bè với ma, những người ngu như thế đi vào đường tà kiến, lại khiến cho vô lượng câu thi chúng sinh đọa vào hầm lớn nguy hiểm. Những người này sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, lưu chuyển không dừng, nhưng nếu nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, liền xả bỏ ác hạnh, tu tập thiện hạnh, chẳng bị đọa vào đường dữ. Dẫu không thể bỏ được ác hạnh, tu các pháp lành mà bị đọa vào đường ác, thì nhờ vào oai lực bản nguyện của Đức Như Lai kia, khiến chúng sinh ấy hiện tiền tạm nghe danh hiệu, đến khi mạng chung lại sinh về cõi người, đạt được chánh kiến, tinh tấn, khéo léo điều phục tâm ý an lạc, liền có thể xuất gia ở trong pháp của Như Lai, thọ trì học xứ, không còn hủy phạm, chánh kiến đa văn, hiểu được nghĩa sâu xa của kinh, xa lìa tăng thượng mạn, chẳng hủy báng chánh pháp, chẳng còn làm bạn với ma, dần dần tu hành Bồ-tát hạnh, mau được viên mãn.

Giải thích: Đoạn kinh này hiển bày ý thứ hai: Năng trừ giới tánh phước nghiệp chướng cũng gồm ba môn như đoạn trước.

Hiển chướng tự tánh môn gồm ba môn:

Nhiếp luật nghi giới; kinh ghi: “Phá Thi-la và quy tắc.” Thi-la nghĩa là biệt giải thoát, quy tắc nghĩa là đối với việc đến đi… thì trụ trong chánh tri kiến.

Nhiếp thiện pháp giới; như kinh ghi: “Phá hủy chánh kiến, bỏ đa văn, tăng thượng mạn.”

Nhiếp hữu tình giới; như kinh ghi: “khiến cho vô lượng câu thi… đọa vào hầm lớn, nguy hiểm.”

– Chướng quá hoạn môn; kinh ghi: “rơi địa ngục… lưu chuyển vô cùng.”

– Văn Phật thắng lợi môn; kinh ghi: “Cho đến tam tụ đầy đủ, chóng thành Bồ-đề viên mãn.”

Chánh văn: Này Mạn-thù-thất-lợi! Nếu có người tham lam bỏn sẻn, ganh ghét tỵ hiềm, khen mình chê người, thì sẽ bị đọa vào ba đường ác, chịu vô cùng thống khổ trong vô lượng ngàn năm chịu sự thống khổ này rồi, lại sinh làm trâu ngựa, lạc đà, lừa, luôn luôn bị đánh đập, đói khát bức hại thân tâm, lại thường bị mang kéo nặng nhọc trên đường hoặc nếu được sinh làm người thì cũng là loài hà tiện, làm công, nô tỳ, bị người sai khiến không bao giờ được tự do. Nếu những người này khi xưa đã nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhờ thiện nhân này nay lại nhớ nghĩ đến chuyên tâm quy y trì niệm, thì do sức thần của Phật mà các khổ không còn, các căn hoàn hảo, được trí tuệ đa văn, luôn luôn tìm cầu pháp thù thắng, thường gặp được bạn tốt, vĩnh viễn dứt trừ lưới ma, phá bỏ vô minh, cạn sông phiền não, xa lìa tất cả ưu, bi, khổ, não sinh già bệnh chết.

Giải thích: Đoạn kinh này hiển bày ý thứ ba là: Năng trừ tu tánh phước nghiệp chướng cũng gồm ba môn như trên:

– Hiển chướng tự tánh môn; kinh ghi: “Tham lam bỏn sẻn… khen mình chê người.” Tham lam bỏn sẻn thì chướng ngại việc thực hành tâm từ, vì chẳng ban vui cho kẻ khác; ganh ghét tỵ hiềm chướng ngại tâm hoan hỷ, vì chẳng tùy hỷ theo người; khen mình chê người thì chướng ngại tâm bi, vì hay sinh lòng não hại người. Cả ba chướng ngại tánh xả, đều thuộc ô nhiễm. Luận biện có thứ tự nên không mâu thuẩn.

– Chướng quá hoạn môn; kinh ghi: “Đọa vào ba đường ác chịu nhiều thống khổ.”

Văn Phật thắng lợi môn; kinh ghi: “Vĩnh viễn phá bốn loại ma” như văn kinh đã giải thích.

Chánh văn: Nếu có chúng sinh tâm thường sân hận ưa thích chống trái, xa lìa mọi người, cùng nhau đấu tranh, kiện tụng, não loạn mình và kẻ khác. Thân miệng ý gây thêm nhiều ác nghiệp, luôn luôn làm những việc không có ích lợi, mưu hại lẫn nhau, cầu khẩn thần núi, thần rừng, thần cây, thần mả… giết hại chúng sinh, lấy máu thịt của chúng sinh để cúng tế Dược-xoa, La-sát… hoặc tạo hình tượng viết lên đó tên của kẻ thù oán, rồi dùng ác thú thuật gia trì, hoặc nuôi các loài trùng độc, hoặc khiến quỷ nhập vào thây chết sai đi hại người làm họ phải chết, thi thể phải bị hủy hoại. Các người này nếu được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì các việc ác kia sẽ không thể làm hại được, tất cả đều xoay chuyển, mà khởi từ tâm, lợi ích an lạc, không còn ý làm não hại, không có tâm tỵ hiềm sân hận, mỗi mỗi đều vui thích, đối với nơi được thọ sinh đều cảm thấy đầy đủ, không còn xâm đoạt mà luôn luôn làm lợi ích lẫn nhau.

Giải thích: Đoạn kinh này hiển bày ý thứ tư là: Năng trừ thập thiện nghiệp đạo chướng: cũng gồm ba môn như trên.

– Chướng tự tánh môn: Như kinh ghi: “Thích chống trái.. tăng tướng ác nghiệp.” Thích chống trái thì xa lìa, tức là ba nghiệp của ý đều có thể khiến cho người xa lìa sự tham muốn; cùng nhau đấu tranh kiện tụng, tức bốn nghiệp của miệng, không tương ứng ắt sẽ xảy ra sự tranh chấp; não loạn mình và người, tức ba nghiệp của thân, nếu ba nghiệp này thật thỏa mãn thì não loạn người, nếu chẳng thỏa mãn thì sẽ não hại chính mình.

– Chướng quá hoạn: Do tự mình có ác tâm mà mời gọi người khác lập mưu gây hại; như kinh: “Luôn luôn làm những việc… thi thể bị hủy hoại.”

– Thắng lợi môn: Hiện tiền còn xa lìa sự bức hại, huống gì là sự khổ não mai sau, như văn kinh đã ghi, có thể biết được.

Chánh văn: Này Mạn-thù-thất-lợi! Nếu có bốn chúng là Bí-sô, Bísô-ni, Ô-bà-tố-ca, Ô-bà-tư-ca và các thiện nam, thiện nữ tịnh tín khác, giữ gìn tám phần trai giới trong một năm, hoặc ba tháng rồi thọ trì các học xứ, dùng công đức thiện căn này phát nguyện vãng sinh Tây phương của Đức Phật Vô Lượng Thọ, nhưng đã nghe chánh pháp mà chưa được thọ sinh, nếu nghe danh hiệu của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì khi mạng chung sẽ có tám vị Bồ-tát nương sức thần thông hiện đến tiếp dẫn, người này sẽ tự nhiên hóa sinh từ các hoa báu nhiều màu sắc ở cõi kia, hoặc nhờ nhân duyên này mà được sinh lên cõi trời, tuy sinh về cõi trời mà thiện căn chưa tận, nên không thọ sinh vào các đường ác, khi thọ mạng cõi trời đã hết thì sinh xuống nhân gian, hoặc làm Chuyển luân vương, thống trị bốn châu oai đức tự tại, chỉ dạy cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh tu tập thập thiện nghiệp đạo, hoặc sinh làm Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ có nhiều tài bảo, kho đụn tràn đầy, hình tướng đoan nghiêm, quyến thuộc vô số, thông minh trí tuệ, dõng mảnh uy thế như đại lực sĩ. Nếu là người nữ mà được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chú tâm thọ trì, thì đời sau sẽ không còn nữ thân nữa.

Giải thích: Đoạn này hiển bày ý thứ năm là: Năng trừ vãng sinh lạc xứ chướng có hai phần: *; Trừ tịnh xứ lạc sinh chướng; kinh ghi: “Sinh về thế giới Cực lạc.” Trong đó nói thọ trì tám phần trai giới trải qua năm tháng; ngài Ngẫu Ích nói: “Trải qua một năm, là mỗi tháng trong một năm đều tu sáu ngày trai giới, tức là các ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi. Hoặc nói rằng ba tháng, tức là nếu không thể tu tập sáu ngày trai giới mỗi tháng trong một năm, thì có thể trường trai, vào các tháng giêng, tháng năm, tháng chín; mỗi một tháng trường trai biểu thị trong một năm thường tu thiện nghiệp như trong bản dịch đời Tống ghi: “Thường tu sáu ngày trai trong một tháng, hoặc ba tháng trường trai.” Luận Trí Độ mười ba ghi: “Ngày trai nên thọ trì năm giới, vì những ngày này các ác quỷ thường muốn đoạt thân mạng của con người.” Vào thời kiếp sơ bậc Thánh dạy người trì trai, nhưng chưa chế định tám giới, cho rằng một ngày không ăn là trai. Sau khi Đức Phật xuất thế, ngài mới lập tám giới.

Hỏi: Năm giới và tám giới loại nào lợi ích hơn?

Đáp: Vì có nhân duyên cho nên cả hai đều như nhau, nhưng do thời gian và số chi giới có ích nhiều cho nên khác.

Hỏi: Mười niệm xưng danh hiệu còn được vãng sinh, vì sao tu trai giới một năm mà chưa định chắc vãng sinh?.

Đáp: Vì tinh tấn dũng mãnh và do dự nên có khác nhau. Như Luận Trí Độ ghi: “Lúc sắp mệnh chung tâm niệm rất mãnh liệt, hơn cả công phu trong một trăm năm.”

Tự nhiên hóa sinh, kinh Niết-bàn ghi: “Người con gái Am-la Thọ do hoa của cây sinh ra thì cho thấp sinh, vì sao ở cõi tịnh kia con người cũng từ hoa sanh gọi là hóa sinh? Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Vì trước khi thác sinh cây kia đã có khí thấp, (ẩm ướt) còn hoa sen ở Tịnh độ là dùng cho người hóa sinh.

– Trừ uế độ lạc sinh chướng; như kinh ghi: “Hoặc nhân đây mà được sinh lên cõi trời…”: Gồm bốn nghĩa là sinh Thiên, làm Luân vương, tôn quý thù thắng, biến thành thân nam, như kinh đã ghi rõ.

 

Trang: 1 2