Bài Học Ngàn Vàng
Sa Môn Thích Thiện Hoa
TẬP VI
CHƯƠNG XXIX
QUAN ÐỀ ÐỐC LÊ BẢO ÐI THANH TRA
Trời đã về chiều. Các đám mây trên đỉnh núi cuối chân trời đỏ rực lên như những tấm lụa đào. Những tia nắng cuối xòe ra như những nan quạt lớn rồi chìm dần xuống bên kia rặng núi. Ðàn quạ bay nhanh về phía chân trời. Xa xa từ trên các nóc nhà tranh của xóm nhỏ, những làn khói thổi cơm chiều vươn cao trên nền trời xám.
Ðoàn người dưới sự hướng dẫn của quan Ðề Ðốc Lê Bảo chăm chú bước nhanh. Ðoàn bộ hành gồm 7 người: quan Ðề Ðốc, cô con gái con ngài, ông chánh quản và 4 người lính hộ vê. Chuyến đi thật vất vả thiếu thốn mọi tiện nghi. Nhưng đó là ý muốn của quan Ðề Ðốc. Nguyên ở vùng biên cương thuộc ranh giới hai nước Nhục Chi và Sơn Ðiền này, từ mấy năm nay thường xảy ra những cuộc khởi loạn của dân địa phương. Triều đình đã sai quan lãnh binh Trần Sơn thống lĩnh 500 quân đến đây để dẹp loạn.Nhưng từ đó đến nay đã ba năm, quan lãnh binh vẫn không làm sao trấn an được vùng này. Mà trái lại, có tin mật báo về triều là tình hình ở đây mỗi ngày mỗi đen tối. Do đó triều đình vua Ðột Quyết mới truyền lịnh quan Ðề Ðốc Lê Bảo, một viên võ tướng thanh liêm và có nhiều mưu chước, lãnh nhiệm vụ đi điều tra và cải thiện tình hình nội loạn ở vùng này.
Quan Ðề Ðốc Lê Bảo lãnh mệnh lệnh của triều đình, trở về tư thất hội ý với vị phụ tá thân tín của mình là chánh quản Lành để vạch kế hoạch. Theo hai người, thì vụ đi điều tra này phải có tánh cách mật, chứ không thể rần rộ kéo theo nhiều binh mã được. Họ dự đinh chỉ đem theo độ 4, 5 người thân tín, giả làm một đoàn người lái buôn, đem hàng lụa từ Kinh đô Nhục Chi vượt biên cương sang bán ở nước Sơn Ðiền. Sau khi chuẩn bị xong hành lý định khởi hành vào sáng sớm hôm sau, thì một việc bất ngờ xảy ra làm quan Ðề Ðốc Lê Bảo bối rối khó xử.
Nguyên quan Ðề Ðốc góa vợ từ lâu, nhưng vì thương cô gái độc nhất của người vợ quá cố nên chưa lập vợ kế. Cô gái bây giờ đã 18 tuổi, có nhan sắc, nhưng vì luôn luôn ở bên cạnh cha là võ tướng, nên cô không thích học nghề kim chỉ vá may, cầm kỳ thi họa như các cô tiểu thư khác, mà lại thích luyện tập võ nghê cung kiếm. Quan Ðề Ðốc vì nuông chìu con gái, nên cũng không cản ngăn mà lại ra chiều khuyến khích sở nguyện của người con yêu quý độc nhất của mình. Cô Lệ Thanh, – vâng chính tên cô là Lệ Thanh, – từ trước đến nay không rời cha một bước, nay nghe tin cha mình sắp sửa đi xa trong một thời gian vô hạn định, thì rất đỗi đau buồn. Cô khóc lóc đòi xin đi theo cha. Nhưng quan Ðề Ðốc thấy trước cuộc ra đi của mình rất mạo hiểm, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nguy, nên không muốn cho con đi theo. Nhưng Lệ Thanh một mực cương quyết đòi đi cho được; nàng bảo nếu không được đi thì nàng sẽ tuyệt thực cho đến chết. Rõ biết tánh bướng bỉnh của con gái, hễ nói là làm, quan Ðề Ðốc đành buộc lòng cho Lệ Thanh đi theo, nhưng bảo nàng phải cải trang thành một thiếu niên. Lệ Thanh được cha bằng lòng cho đi, lại còn ăn mặc giả trai, thì vô cùng sung sướng.
Hôm ấy, nàng thức đến canh ba sửa soạn hành lý, để sáng hôm sau lên đường sớm.
Thế là đoàn lữ hành gồm 7 người cải trang thành lái buôn, âm thầm rời kinh đô lên đường trong khi gà chưa gáy sáng.
Họ dùng mọi phương tiện di chuyển, khi bằng ngựa, khi bằng thuyền, tùy theo địa thế; nhưng càng gần đến biên cương; đường đi càng hiểm trở, và không còn phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Ngày đi đêm nghỉ, họ phải mất gần 15 ngày mới đến địa đầu vùng biên cương, là nơi mà quan Ðề Ðốc có nhiệm vụ điều tra.
Từ đây, họ phải vô cùng cẩn thận, cảnh giác đề phòng mọi mưu mô đen tối của địch thủ cũng như bọn gian phi có thể làm hỏng kế hoạch của quan Ðề Ðốc và làm nguy đến tánh mạng của họ nữa.
Hôm nay họ phải đi hết đoạn đường dài trên một bãi cát mênh mông, dưới một sức nóng kinh khủng. Họ vừa đói vừa khát, nên sức đi càng lúc càng chậm, nhưng họ còn phải đi gần 5 dặm nữa mới đến một thị trấn nhỏ, trong khi ấy thì trời sụp tối rất nhanh, như muốn chụp bọn họ trong một cái lồng đêm hắc ám. Họ phải tranh thủ với thời gian để vào thị trấn trước khi gà gáy đầu. Mặc dù mệt nhọc, họ cố gắng vừa đi chạy, để khỏi phải nằm ngủ ở giữa đường, làm mồi cho ác thú hay bọn gian phi.
Sự cố gắng của họ đã có kết quả: Họ vào thị trấn trước canh hai. Nhưng có điều lạ là họ nhận thấy, mặc dù mới canh hai, thị trấn đã chìm lặng trong một bầu không khí ngột ngạt bất thường. Họ đi tìm một quán trọ để nghỉ, nhưng không thấy đâu cả. Các nhà tư gia thì mười nhà chỉ còn vài nhà còn thắp đèn. Nhưng khi họ đến gõ cửa xin vào thì đèn trong nhà vụt tắt, và im lặng bao trùm tất cả. Ðoàn người vừa đói vừa khát, vừa mệt, đâm ra bực tức và mất hết thiện cảm với dân chúng trong thị trấn. Cuối cùng, họ chỉ còn một cách là dùng vũ lực, xông đại vào một nhà nào đó để nghỉ đêm. Họ lựa một nhà có vẻ khá giả ở ngã ba đường mà bên trong đèn đóm vẫn còn sáng. Họ gọi cửa. Liền sau đó, đèn đóm trong nhà lại vụt tắt. Quan Ðề Ðốc ra lịnh cho mấy người tùy tùng xô cửa mà vào, vì ngoài sự cung cấp chỗ ăn nghỉ, ngài còn muốn khám phá vì sao có sự sợ hãi vô lý như vậy.
Ðoàn người vào được trong nhà, lấy đá đánh lửa thắp đèn, nhìn khắp trong ngoài không thấy một ai. Họ càng thêm nghi hoặc, vì trước đó, trong nhà vẫn còn nghe có tiếng nói lao xao. Quan Ðề Ðốc thân hành nắm đèn đi soi tìm tất cả mọi nơi, cả trong các phòng ngủ. Cuối cùng ngài bắt gặp hai ông bà già đầu bạc phơ, một thiếu phụ và ba đứa bé ngồi run cầm cập trong một xó buồng. Quan Ðề Ðốc bảo họ đứng dậy, nhưng tất cả đều sụp xuống lạy lia lịa xin tha mạng. Quan Ðề Ðốc trấn an họ, bảo cho biết mình là một bọn lái buôn muốn đến xin ở trọ một đêm, nhưng vì đi đến đâu cũng bị từ chối, nên phải đường đột phá cửa mà vào. Nghe xong hai ông bà già và người thiếu phục mới hoàn hồn, đứng dậy niềm nở tiếp rước đoàn lữ hành.
Họ đi múc nước cho đoàn người tắm rửa, nấu cơm, làm gà vịt và sắp đặt chỗ ngủ cho mọi người.
Sau khi ăn uống xong, quan Ðề Ðốc muốn tìm hiểu vì sao họ sợ hãi khi nghe có người đến nhà như vậy, ông già bèn tâm sự:
– Chẳng giấu gì các ông, vùng này từ mấy năm nay không được yên ổn, giặc cướp mổi lên như trấu; quan quân thì bất lực, còn phụ họa thêm vào sự tham nhũng, cướp bóc, ức hiếp. Dân chúng không còn biết tin vào ai, mạng ai nấy giữ. Của cải dân chúng bị vơ vét hết sạch, nhiều khi còn bị đánh đập giết chóc kinh hồn. Cho nên, mỗi khi đêm hôm, nghe có người lạ đến là dân chúng hồn xiêu phách lạc, tìm cách lẫn tránh để khỏi mang họa vào thân.
Nghe ông lão nói, quan Ðề Ðốc chau mày than thở:
– Chúng tôi không ngờ tình hình ở đây lại đen tối như vậy. À hình như triều đình có phái đến đây một vị lãnh binh và 500 quân lính để lập an ninh trật tự kia mà?
Ông lão mỉm cười một cách chua chát:
– Lập lại an ninh trật tự! Phá thêm cho tan nát thì có! Các ông là người ở xa không biết rõ, chứ trước kia đâu đến nỗi như vầy? Nhưng từ ngày có binh lính của triều đình tới thì lại càng thêm đại loạn. Họ ỷ thế quân của triều đình, hống hách, ngạo mạn, xem mạng gnười như cỏ rác, muốn bắt ai thì bắt, giết ai thì giết. Có khi họ còn gây thêm rối loạn, để dễ bề đục nước buông câu. Chính thằng con trai độc nhất của vợ chồng tôi cũng bị họ bắt đi đâu mất từ hai năm nay, viện cớ là nó theo phiến loạn. Họ thấy nhà cửa vợ chồng tôi có bề ngoài khá giả, tưởng là có tiền của nhiều, họ cho người đến gạ là nếu có 300 lượng bạc thì được tha ra, nhưng với một số tiền như vậy làm sao chúng tôi có được, nên đành mất đứa con!
Ông lão vừa nói vừa đưa tay áo lên quẹt nước mắt.
Quan Ðề Ðốc vô cùng tức giận bọn quan quân triều đình, nhất là quan lãnh binh Trần Sơn, người có sứ mệnh đi dẹp loạn lại gây thêm đại loạn. Nhưng quan Ðề Ðốc hiện đang đóng vai một lái buôn nên phải nén sự tức giận, mà chỉ biết chau mày than thở với hai vợ chồng chủ nhà mà thôi.
Ông già lại nói, nét mặt tỏ vẻ lo ngại:
– Các ông ở lại đây thì chúng tôi không tiếc gì, nhưng chỉ sợ bọn gian phi hay bọn quan quân mà biết các ông là những kẻ lái buôn thì chắc các ông khó thoát được tay họ quá. Nhưng đêm khuya khoắc như thế này mà đi ra đường lại còn nguy hiểm! Vậy các ông cứ ở lại đây, nhưng phải cẩn thận cất giấu hành lý cho kỹ, nếu họ có vào thì liệu đường mà nói cho xuôi, còn không thì khó mà toàn tánh mạng.
– Ông già nói rất phải, chúng tôi xin cảm ơn ông đã nghĩ đến chúng tôi, chúng tôi may nhờ có học được đôi chút võ nghệ để phòng thân, nên cũng chẳng lo lắm. Thôi ông già đi nghỉ đi. Chúng tôi cũng cần tĩnh dưỡng để sáng mai lên đường.
Nói xong, chủ khách chia tay mỗi người về phòng riêng của mình.
CHƯƠNG XXX
QUAN ÐỀ ÐỐC LẬP KẾ BẮT GIAN PHI
Sáng hôm sau, đáng lẽ quan Ðề Ðốc và bọn tùy tùng từ giã hai vợ chồng chủ nhà lên đường, nhưng đến phút cuối cùng quan đổi ý ở lại thêm vài hôm nữa.
Quan thấy đây là một cơ hội quý báu cho cuộc điều tra của mình. Quan hội các người tùy tùng và con gái mình lại, rồi bàn kế hoạch lập bẫy bắt bọn gian phi. Kế hoạch rất giản dị, là: Chia đoàn người ra làm hai nhóm, mỗi nhóm mang hàng hóa đi rao bán khắp mọi nơi trong thị trấn để làm mồi bắt bọn bất lương, nhưng có điều đặc biệt là quan ra lịnh cho Lệ Thanh, con gái mình, trở lại phục sức như trước, nghĩa là không cải trang thanh nam tử, mà trái lại còn ăn mặc loè loẹt, đeo vòng vàng chuỗi hột như một cô con gái nhà phú hộ và cùng đi theo một trong hai nhóm lái buôn.
Họ đi ra chợ, phô trương tất cả hàng lụa, gấm vóc của mình, và ân cần mời mọc kẻ đi chợ mua hàng cho họ. Thiên hạ đứng chật vòng trong vòng ngoài nhìn ngắm hàng hóa, trầm trồ khen ngợi. Nhất là Lệ Thanh rất được nhiều người chú ý, bọn con trai thì tán thưởng về nhan sắc của nàng, còn bọn con gái thì lại lác mắt vì sự phục sức và vàng ngọc của nàng. Hết chỗ này, đến chỗ khác, đi đâu họ cũng giục giã người mua hãy gấp rút mua ngay, vì ngày mai họ phải rời thị trấn đi nơi khác rồi. Tất nhiên là hàng của họ được chú ý nhiều, nhưng không một ai trong cái thị trấn nhỏ bé này có đủ khả năng về tài chính để mua sắm những thứ hàng đắt giá như vậy. Mua hay không, đối với quan Ðề Ðốc không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là phô trương sự giàu có của những người lái buôn và sắc đẹp của Lệ Thanh. Về điểm này, thì có thể nói chắc là quan Ðề Ðốc đã thành công mỹ mãn.
Tối hôm ấy, khi trở về nhà trọ, sau khi ăn uống xong, quan Ðề Ðốc gấp rút tập họp những người tùy tùng để chuẩn bị đối phó với bọn bất lương mà quan chắc thế nào cũng đến viếng thăm tại ngôi nhà của hai vợ chồng ông già.
Quan truyền cho viên chánh quản và các ngưòi tùy tùng nai nịt gọn gàng, mai phục ở chung quanh nhà. Lệ Thanh cũng phục sức như một võ sĩ đi theo sát cha để hộ vệ. Hai ông bà già và người thiếu phụ cùng ba đứa con đã được di tản sang một ngôi nhà khác để tránh sự động chạm có thể xảy ra. Ngôi nhà bây giờ trở thành vắng vẻ, đèn đóm tắt hết. Nhưng ở giữa nhà, quan Ðề Ðốc sai khiêng mấy rương hành lý ra, lấy hết hàng hóa và bỏ gạch đá vào, khóa lại cẩn thận.
Vào khoảng canh ba, có bóng người lai vãng trước cửa ngõ và có tiếng người thầm thì to nhỏ. Rồi một tốp độ 10 người, ăn mặc đồ đen, giáo mác cầm tay, chia nhau mỗi người mỗi ngã lặng lẽ tiến vào nhà. Họ chận hết các cửa lớn, và một người kêu mở cửa.
Ðợi một hồi lâu không nghe có tiếng đáp lại, họ tông cửa xông vào; họ thắp đuốc lên, tìm khắp nhà không thây có ai, nhưng khi thấy bốn rương hành lý để giữa nhà thì họ ùa đến, cứ hai người khiêng một rương đi ra cửa. Hai người còn lại trong số 10 người, chia nhau một người đi trước một người đi sau hộ vệ. Họ không ngờ cuộc cướp bóc hôm nay lại xảy ra một cách êm ru, dễ dàng như vậy. Nhưng bọn chúng chưa kịp mừng, thì đã bị quan Ðề Ðốc và các người tùy tùng đánh gục một cách dễ dàng; vì bọn chúng không ngờ đã bị gài bẫy trước, nên không đề phòng. Bọn chúng bị bắt trọn ổ, không một tên nào trốn thoát được. Quan Ðề Ðốc truyền trói gô chúng lại, nhét khăn vào miệng, không cho chúng kêu là và khiêng chúng bỏ vào một chỗ kín đáo.
Với kinh nghiệm già dặn và trí xét đoán sáng suốt, quan Ðề Ðốc tin chắc rằng trong đêm nay sẽ còn những tên gian phi khác đến thăm viếng nữa. Vì vậy quan truyền khiêng mấy rương hành lý để vào chỗ cũ và tiếp tục mai phục. Quả nhiên đến canh tư, một bọn người đông đảo hơn, ngang tàng hơn, tiến vào ngõ. Bọn này không lén lút rình mò như bọn trước, mà ngang nhiên ăn to nói lớn, có đèn có đóm xông vào trước hiên nhà! bọn chúng gọi lớn:
– Chủ nhà mau ra mở cửa, có quan quân đến xét nhà.
Ðợi một chút không nghe có tiếng động, chúng xông đến đập phá cửa và quát tháo:
– Mẹ kiếp! Bọn này cả gan không tuân lệnh quan quân. Chúng bây muốn bêu đầu giữa chợ hay sao chứ!
Một tên khác nói:
– Chúng bây có ba đầu sáu tay cũng không trốn thoát được. Chúng bây chứa chấp bọn gian phi, trộm đồ của triều đình ngang nhiên đem đến đây bán, chúng bây tưởng ở đây không có luật pháp của triều đình hay sao?
Chúng phá được cửa và vào nhà, chia nhau lục soát. Thấy mấy cái rương để giữa nhà, chúng mừng rỡ vây quanh, lấy búa bổ nắp ra, hy vọng sẽ hốt được nhiều vàng bạc, gấm vóc. Nhưng khi nhìn rõ, chỉ thấy đá gạch trong rương, chúng giận lắm, biết đã bị mắc lừa. Chúng đập phá đồ đạc, bàn ghế, chén bát, và quyết đi tìm cho ra chủ nhà và bọn lái buôn để tàn sát cho hả giận. Chúng tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng một ai, nên tức giận nổi lửa đốt nhà, rồi kéo nhau đi ra.
Vừa ra chưa khỏi ngõ, chúng bị quan Ðề Ðốc và mấy người tùy tùng nhảy ra vung kiếm chận lại. Bất ngờ bị tấn công, bọn chúng hoảng sợ, chạy tán loạn. Nhưng sau khi hoàn hồn, một số 5, 6 tên trong bọn quay trở lại định tâm trừng trị bọn người dám cản chống lại chúng. Kẻ búa người dao xông vào đánh quan Ðề Ðốc và mấy người tùy tùng. Nhưng bọn chúng là những tên quân quen nghề cướp bóc, chứ võ nghệ thì tầm thường; nên không làm sao địch nổi với quan Ðề Ðốc và những người thân tín của ngài. Sau một hồi giao đấu, bọn chúng bị bao vây nên không làm sao thoát được. Cuối cùng chúng bị đoàn người của quan Ðề Ðốc bắt trói cặp cánh lại cả và cột thành một chùm.
Trời bắt đầu hừng sáng. Quan Ðề Ðốc truyền cho bọn tùy tùng và con gái mình giải giới đi nghỉ. Quan Ðề Ðốc gọi hai vợ chồng già trốn ở sau hè ra. Những người này vừa run sợ, vừa đau buồn vì căn nhà đã bị cháy rụi. Quan Ðề Ðốc nhận thấy không thể che giấu tung tích của mình nữa, nên đã cho hai vợ chồng chủ nhân biết rõ lai lịch và nhiệm vụ của mình. Quan hứa sẽ bồi hoàn một số tiền lớn để hai vợ chồng cất lại căn nhà. Khi biết rõ lai lịch của đoàn lái buôn trá hình, hai vợ chồng già liền sụp quỳ lạy quan Ðề Ðốc và xin tha tội đã thất lễ vì không nhận ra được những sứ giả của triều đình. Nhưng hai vợ chồng vẫn tỏ vẻ e ngại về những chuyện vừa xảy ra. Họ sợ một khi quan Ðề Ðốc rời khỏi nơi đây, thì họ sẽ bị bọn gian phi và bọn quan quân trả thù, và trả thù một cách ghê rợn!
Quan Ðề Ðốc trấn an hai vợ chồng ông lão và hứa sẽ bảo hộ cho đến cùng.
Quan Ðề Ðốc, sau khi khi phủ dụ hai vợ chồng chủ nhà, vẫn ngồi trầm ngâm uống trà chứ không đi nghỉ. Lệ Thanh đến bên cha thỏ thẻ:
– Sao cha không đi nằm nghỉ một chút cho đỡ mệt?
– Cha không thể đi nghỉ được, vì còn nhiều việc phải giải quyết gấp rút trong ngày mai.
– Cha muốn nói đến vụ bọn gian phi và bọn quan quân hiện đang bị chúng ta bắt chăng?
– Chính thế?
– Cha đã có giải pháp nào chưa?
Quan Ðề Ðốc hớp một ngụm nước trà rồi chậm rãi nói:
– Cha định ngày mai dẫn bọn chúng đến gặp quan lãnh binh Trần Sơn.
– Rồi cha sẽ làm gì nữa, để đem lại an ninh trật tự cho vùng này?
– Công chuyện còn dài, chưa thể nói hết cho con nghe được. Rồi con sẽ biết sau. Thôi con hãy đi nghỉ một chút kẻo mệt.
CHƯƠNG XXXI
QUAN LÃNH BINH BỊ CÁCH CHỨC
Sáng hôm ấy, quan Ðề Ðốc mang áo mão đại trào, cùng bọn tùy tùng và Lệ Thanh áp giải bọn gian phi và quan quân đi đến tư dinh của quan lãnh binh Trần Sơn. Quan Ðề Ðốc đường bệ oai nghi đã dẫn đầu, tiếp theo sau là ông Chánh quản, Lệ Thanh (phục sức theo kiểu tiểu thư) và hai viên tùy tùng. Rồi đến bọn gian phi và bọn lính, tay trói giật ra đàng sau và nối liền với nhau thành hai hàng dài. Cuối cùng là hai viên tùy tùng gươm tuốt sáng ngời đi tập hậu để đề phòng bọn tù nhân trốn thoát.
Dân chúng ở hai bên đường ùa chạy ra xem và vô cùng ngạc nhiên vì sự xuất hiện, đột ngột, không kèn trống của quan Ðề Ðốc, sứ giả triều đình ở một thị trấn nhỏ bé, heo hút này. Họ ngạc nhiên nhất là thấy đám tù nhân đông đảo bị dẫn đi, trong ấy một số là những bộ mặt quen biết tại địa phương, thường ngày đã đến tác oai tác quái ở nhà họ, bắt bớ đánh đập, hiếp đáp họ. Tánh tò mò bị khích động đến cực điểm, họ rủ nhau đi theo đoàn người xem coi việc gì sẽ xảy ra sau đó. Một đồn mười, mười đồn trăm, có thể nói gần hết dân chúng ở thị trấn này đều đổ xô đi theo quan Ðề Ðốc như một đám biểu tình.
Quan Ðề Ðốc tiến vào tư dinh quan lãnh binh, ở ngay giữa đồn binh ngoài thị trấn.
Quan lãnh binh Trần Sơn đang ngồi rung đùi uống trà bên sập gụ, nhìn ra thấy quan Ðề Ðốc cùng đoàn người đông đảo tiến vào, thì kinh ngạc chẳng khác gì đất bằng sóng dậy. Quan càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhận thấy đoàn tù nhân bị dẫn theo, trong đó có vài tên thân tín của mình. Quan hoàn toàn không hiểu một tí nào cả, tưởng như mình đang chiêm bao.
Quan Ðề Ðốc tiến vào đến sân, truyền bọn tù nhân đứng lại, còn mình và đoàn tùy tùng thì tiến thẳng vào nhà. Quan lãnh binh lật đật vái chào quan Ðề Ðốc, lắp bắp nói mấy lời xin lỗi là mình không biết trước nên đã thất lễ không kịp đi nghinh đón. Dân chúng lợi dụng sự bối rối của quan lãnh binh và bọn lính canh cửa, nên đã ùa vào đứng chật ních cả sân đồn.
Sau khi chào hỏi xong, quan Ðề Ðốc hỏi quan lãnh binh:
– Quan lãnh có biết những tên gian phi đạo tặc này ở đâu không?
– Bẩm quan lớn, con thật hoàn toàn không rõ!
Quan Ðề Ðốc mỉa mai:
– Quan lãnh ra trấn giữ vùng này đã ba bốn năm trời mà không biết được bọn này cũng lạ thật: Vậy quan có hiểu vì sao chúng bị bắt không?
– Bẩm, hoàn toàn không biết
– Cái gì quan cũng không biết, hèn gì vùng này mỗi ngày mỗi mất an ninh, trộm cướp mỗi ngày mỗi lộng hành và nẩy nở nhiều như rạ! Vậy quan có biết bọn tù nhân đứng ở phía sau đó ở đâu ra không?
Quan lãnh binh nhận ra một số là quan quân dưới quyền của mình, nhưng cố làm ra vẻ xa lạ:
– Bẩm quan lớn, hoàn toàn không rõ!
Quan Ðề Ðốc cười mỉa mai:
– Quan lãnh hãy nhìn lại xem; có lý nào những người thuộc hạ dưới quyền của quan, mà quan cũng không biết nữa sao? Nếu vậy thì thật hoàn toàn bất lực!
Nói xong, quan truyền bọn tù nhân, mỗi toán đứng ra một chỗ, toan gian phi đứng bên trái, toán quan quân đứng bên phải. Ðoạn ngài dõng dạc tuyên bố với dân chúng:
– Hỡi đồng bào! Ðồng bào có biết vì sao bọn này đã bị triều đình bắt không? Vì chúng đã đến cướp phá, đốt nhà dân chúng. Bọn chúng thừa dịp chính quyền địa phương bất lực, đã ngang nhiên lộng hành, làm nhiều điều phi pháp, không còn đếm xiả đến luật pháp. Chính bọn chúng đã làm cho đồng bào ở địa phương này phải điêu đứng, nhà tan cửa nát, khốn khổ trăm bề. Hôm nay, bản chức vâng lịnh triều đình đến đây tảo trừ bọn chúng để cho đồng bào được an cư lạc nghiệp. Vậy đồng bào muốn xử trị bọn gian phi này như thế nào, thì hãy nói cho bản chức biết.
Trong đám dân chúng có tiếng nhao nhao:
– Chém đầu! Xin chém đầu tất cả.
Quan Ðề Ðốc trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Bọn cướp này sở dĩ lộng hành vì luật pháp không nghiêm minh. Nếu đem xử tử tất cả thì có phần nghiêm khắc, mà tha chết cho tất cả thì có phần bất công. Vậy ta sẽ truyền xử tên đầu đảng, con những tên khác thì truyền đánh 30 hèo rồi thả cho về nhà, cải tà quy chánh, nếu sau này chúng tái phạm thì sẽ không tha tội chết chém. Ðồng bào có bằng lòng như vậy không?
Trong đám đông dân chúng lại có tiếng nhao nhao:
– Xin tán thành! Xin tán thành! Thế là quan Ðề Ðốc truyền lịnh thi hành ngay bản án; tên đầu đảng bị dẫn ra chém đầu, còn bọn lâu la bị đem ra đánh 30 hèo rồi tha cho về nguyên quán.
Sau đó, quan lại quay sang phía 5 tên quan quân đang đứng đợi số phận của mình ở phía hữu. Quan tuyên bố:
– Còn bọn này là nhân viên của triều đình, có nhiệm vụ giữ gìn phép nước, bảo vệ đồng bào, nhưng đã không làm tròn phận sự lại còn kết bè lập đảng ngang nhiên đi cướp của đốt nhà của dân chúng, gây thêm bao cảnh điêu linh tang tóc, thì đồng bào nghĩ sao?
– Xin chém đầu tất cả để làm gương! Chính bọn ấy là nguyên nhân gây ra mọi sự loạn lạc ở vùng này. Hể bọn ấy còn, là chúng tôi còn điêu đứng, khổ cực.
Lại có tiếng khác cất lên:
– Xin thượng quan hãy thương con dân chúng tôi mà trừ cho hết hậu hoạn. Nếu thượng quan mà khoan dung cho bọn chúng thì chẳng khác thả cọp về rừng, chắc chúng tôi rồi đây sẽ bị sát hại hết cả.
Quan Ðề Ðốc dõng dạc tuyên bố:
– Lời các ngươi nói rất phải! Dân chúng ngu dốt, lầm lỡ còn có thể tha thứ được, chứ người ăn cơm vua, lãnh lộc nước có trách nhiệm bảo vệ đồng bào mà trở lại cướp giựt của đồng bào thì không thể tha thứ được. Vậy ta tuyên bố xử tử cả năm tên phạm pháp này, và án lệnh sẽ được thi hành trong nay mai.
Dân chúng nghe quan Ðề Ðốc nói, nhiệt liệt hoan hô, tỏ ra vô cùng thỏa mãn.
Quan chờ cho đám đông bớt reo hò, mới xoay lại phía quan lãnh binh nói:
– Quan lãnh binh nghĩ thế nào về cái án xử tử 5 tên quan quân can tội cướp của đốt nhà ấy?
Quan lãnh, tỏ vẻ lo sợ, thưa:
– Bẩm xử tử như vậy là công minh lắm!
– Nhưng quan lãnh có thấy mình có trách nhiệm gì về cái chết của 5 người ấy không?
– Bẩm vì tôi không giữ được quân kỷ nghiêm minh nên họ mới sinh ra cướp bóc, để đến nỗi phải mất mạng. Tôi có lỗi trong vụ này.
– Quan lãnh đã biết nhận lỗi lầm của mình như vậy là phải lắm. Vậy bắt đầu từ bây giờ, tôi phải thay mặt triều đình cất chức quan lãnh và gởi trả về kinh đô để triều đình xét xử.
Quan Ðề Ðốc quay lại phía dân chúng, nói lớn:
– Cùng đồng bào! Bản chức vâng lịnh triều đình đến đây điều tra tình hình và tìm phương pháp cải thiện cái vùng biên cương rối loạn này. Từ 4 năm nay, quan lãnh binh Trần Sơn trấn giữ vùng này, nhưng không đem lại được an ninh, trật tự, mà giặc cướp lại thêm nhiều, đồng bào lại thêm cơ cực. Bởi vậy, bắt đầu từ hôm nay, bản chức sẽ tạm đảm nhiệm việc cai trị vùng này, và trả quan lãnh binh Trần Sơn lại cho triều đình tùy nghi xét xử. Bản chức hứa sẽ đem hết tâm lực để cải thiện vùng này, đem lại an cư lạc nghiệp cho đồng bào. Ðể bản chức có thể làm tròn nhiệm vụ, bản chức chỉ yêu cầu đồng bào ghi tâm khắc cốt cho một điều này mà Hoàng thượng cũng như triều đình đã xem như khuôn vàng thước ngọc trong đời sống và đã cho phổ biến khắp nơi trong nước là:
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”
Rồi xoay lại phía quân lính đang tụ tập ở đàng sau lưng mình, quan nghiêm nét mặt, tuyên bố một cách đanh thép:
– “Bài học ngàn vàng” ấy, không phải chỉ dành riêng cho dân chúng, mà các ngươi cũng phải nhớ lấy làm lòng. Ta biết trong số các người, có người hồi hôm đã đi theo đám quân đến cướp của đốt nhà của dân chúng nhưng may đã chạy thoát được. Lần đầu, ta làm ngơ không truy cứu, nhưng nếu các ngươi còn quen thói làm càn không nghĩ đến hậu quả đen tối của công việc mình làm, thì chắc sẽ bị nghiêm trị.
Nói xong, quan truyền cho giải tán tất cả. Dân chúng trở về bàn tán xôn xao và ai ai cũng tin tưởng rằng từ đây cuộc đời của họ sẽ hết đen tối.
CHƯƠNG XXXII
BỌN LÍNH TAY CHÂN CỦA QUAN LÃNH BINH TRẦN SƠN NỔI LOẠN
Quan lãnh binh Trần Sơn sau khi bị cất chức, liền bị giải ngay về triều. Quan Ðề Ðốc Lê Bảo tạm thời thay thế, trong khi chờ đợi triều đình bổ nhiệm một vị lãnh binh khác. Quan Ðề Ðốc cùng con gái dọn vào ở trong tư dinh của quan lãnh binh, ngày ngày điều binh khiển tướng, chỉnh đốn lại cơ ngủ. Hễ nghe ở đâu có giặp cướp hoành hành thì bất quản đêm ngày, quan đều thân hành đem quân đến tảo trừ. Dân chúng rất tán thán tài năng và lòng tận tâm của quan Ðề Ðốc, danh tiếng của ngài chẳng mấy chốc vang khắp cùng nơi.
“Bài học ngàn vàng” do quan truyền ra được viết lại treo khắp mọi nhà. Dân chúng vừa sợ oai đức của quan Ðề Ðốc vừa chiêm nghiệm sự thâm thúy của bài học dần dần cải tà quy chính, trộm cướp bớt hoành hành.
Nhưng bọn quân lính tay chân của quan lãnh binh Trần Sơn vẫn tỏ vẻ ngấm ngầm bất mãn và đêm ngày âm mưu tìm cách trả thù cho chủ cũ và năm tên đồng bọn đã bị xử tử.
Thế rồi một hôm thừa lúc quan Ðề Ðốc đi tảo trừ bọn thảo khấu ở miền sơn cước, bọn chúng ở nhà nổi dậy làm phản, dưới quyền chỉ huy của tên quân cơ, một tên tay chân thân tín của quan lãnh binh Trần Sơn. Chúng tịch thu tất cả binh khí, bắt buộc toán quân sanh gác tại đồn phải theo chúng, mở cửa nhà lao thả bọn tù nhân can tội trộm cướp ra, và bắt luôn cả Lệ Thanh, con gái quan Ðề Ðốc, làm con tin.
Khi quan Ðề Ðốc đi tảo thanh trở về thì thấy cửa đồn đã đóng chặt, bốn phía thành đều có bọn phản loạn canh gác rất nghiêm nhặt. Bọn chúng lại đem Lệ Thanh lên cửa thành, trói vào cột và kêu gọi quan Ðề Ðốc đầu hàng, nếu không, chúng sẽ giết chết Lệ Thanh.
Quan Ðề Ðốc bị đặt trong một tình thế ngặt nghèo: Số quân ngài đem theo để tảo thanh chỉ bằng nửa số quân còn lại ở đồn, hơn nữa, nếu quan hành động một cách thiếu thận trọng thì Lệ Thanh có thể bị giết chết. Dù sao cũng không nghĩ đến chuyện đầu hàng. Quan truyền cho bọn quân lính của mình dàn thành thế trận rồi ngài đứng lên kêu gọi sự hồi tâm của bọn phản loạn. Ngài nói:
– Hỡi các người! Ta thương các người như con cái trong nhà, nên ta không khởi buồn đau khi thấy các người trở lòng làm phản. Các người đã quên “Bài học ngàn vàng” rồi! Các người không cân nhắc kỹ lưỡng hậu quả của công việc các người làm rồi. Các người đang làm chuyện phi nghĩa lừa thầy phản bạn. Các người đừng tưởng các người đang ở cái thế mạnh. Không đâu! Chỉ trong khoảng một tuần là quân triều đình nghe cấp báo sẽ đến đây thanh toánh các người. Nếu các người không mau mau hồi tỉnh, thì đến khi đó, ăn năn hối cải cũng không kịp!
Các người đừng tưởng đem con gái ta ra mà đổi được sự đầu hàng của ta. Khi ta đem con gái theo ta, là ta đã đo lường mọi sự bất trắc có thể xảy ra. Ta không thể đặt tình nhà trên nghĩa nước. Nhưng nếu các người giết con ta, thì tánh mạng các người cũng không toàn vẹn được. Các người sẽ phải đổi rất nhiều mạng của các người, một khi quân triều đến đây.
Nhưng tên quản cơ cầm đầu bọn phản loạn đứng trên thành nghe lời phủ dụ của quan Ðề Ðốc đã không tỏ vẻ hối cải, mà còn lên mặt ngạo mạn hống hách. Hắn nắm cái roi da lớn, đến bên cạnh Lệ Thanh, nói xuống dưới thành:
– Này tên Ðề Ðốc chó má kia! Ngươi đừng lẻo mép nhiều lời vô ích. Ðừng hy vọng làm xiêu lòng sắt đá của ta, bằng lời lẽ đạo đức lẫn hăm dọa của người. Chúng ta không cần nghĩ đến hậu quả ngày mai. Chúng ta chỉ biết có hôm nay. Mà hôm nay chúng ta đang ở trong cái thế mạnh. Và để chứng tỏ cái thế mạnh ấy, ngươi hãy xem đây.
Nói xong, tên quản cơ dang chiếc roi da quất mạnh vào đầu, vào mặt, vào lưng Lệ Thanh. Máu me chảy lai láng trên mặt nàng, nhưng nàng cắn răng chịu đựng, không hề rên xiết, van xin.
Tất cả quân lính ở dưới thành và đồng bào tụ tập chung quanh đều phẫn nộ trước hành động dã man của tên quản cơ. Họ la thét, chưởi mắng thậm tệ tên vũ phu ấy. Ngay chính trong hàng ngũ bọn phản loạn đứng trên thành cũng tỏ vẻ bất mãn trước hành động của tên quản cơ.
Quan Ðề Ðốc không thể không đau lòng khi thấy con gái thương yêu của mình bị hành hạ như vậy. Nhưng ngài dằn sự xúc cảm xuống, và lợi dụng lòng bất mãn nổi lên giữa quân lính và dân chúng, ngài hô hào:
– Hỡi anh em binh sĩ ở trên thành! Tôi biết anh em bị bọn phản loạn bắt buộc phải theo chúng, chứ trong thâm tâm các anh em không muốn thế! Nhưng tôi khuyên anh em hãy nghĩ cho kỹ. Anh em đừng vì sự sợ hãi, hăm dọa mà để cho bọn bất lương dắt dẫn vào con đường tội lỗi. Anh em thấy đó, đối với một tiểu thư chân yếu tay mềm vô tội, mà chúng còn hành hạ như vậy, thì sau này một khi chúng nắm được vận mệnh anh em rồi thì anh em làm sao sống yên ổn được? Vậy anh em hãy gấp rút tìm mọi cách để xa rời bọn ác độc ấy, để khỏi mang họa lớn về sau.
Lời nói của quan Ðề Ðốc được dân chúng dưới thành hoan hô nhiệt liệt.
Trong số ấy, có những cha mẹ, vợ con những gnười lính đang ở phía phản loạn. Họ nhao lên kêu gọi chồng con tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của bọn cầm đầu. Tên quản cơ thấy tình hình bất lợi cho mình, nên hô quân lính trên thành trở về đội ngũ, sẵn sàng đề phòng mọi sự bất trắc và mở trói, đem Lệ Thanh vào phòng giam trở lại.
Ðêm ấy quan Ðề Ðốc ở ngoài thành kêu gọi dân chúng hãy cất giấu vật thực để quân phản loạn khỏi ra cướp bóc, truyền cho đàn bà con nít hãy tản cư ra xa đồn quân phản loạn đóng và huy động những trai tráng trong thị trấn sẵn sàng giáo mác, lập thành đội ngũ để chiến dấu cùng quân phản loạn. Lúc đầu quan Ðề Ðốc định cấp báo về triều để xin viện binh, nhưng quan thấy đường sá xa xôi cách trở, cả đi lẫn về ít ra cũng phải trên 20 ngày, quân triều đình đến thì cũng đã quá muộn. Quan bèn bỏ ý định xin viện binh, và lập hế hoạch huy động dân chúng địa phương tham gia chiến đấu dẹp loạn. Lời kêu gọi của quan Ðề Ðốc được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt, vì họ thấy rõ quan là người tận tâm bảo vệ quyền lợi thiết thực của họ. Vả lại nếu không đoàn kết để tự vệ, thì bọn phản loạn trong đồn sẽ vơ vét hết tài sản của họ, hành hạ họ và hãm hiếp vợ con họ nữa.
Trong khi ấy thì trong đồn, tên quản cơ và bọn cầm đầu nhận thấy đa số quân lính không có vẻ quyết tâm chiến đấu, mà có vẻ miễn cưỡng thi hành mệnh lệnh của bọn chúng, nên chúng triệu tập tất cả lính tráng lại, đem hai tên mà chúng cho là có ý bất phục tùng và bất tuân mệnh lệnh ra xử tử ngay trước mặt mọi người, và bêu đầu trên cửa thành để thị uy.
Hành động tàn bạo ấy lại làm cho quân lính trong đồn thêm chán ngán. Phần sợ quân triều sắp đến, phần sợ bọn cầm đầu phản loạn có thể đem mình ra xử bất cứ lúc nào, phần nhớ vợ, nhớ con, họ thấy ngày mai không còn gì là sáng sủa. Do đó, một số đã lợi dụng đêm khuya tăm tối, lẻn trốn khỏi đồn, trở về đầu thú vớí quan Ðề Ðốc.
Bọn phản loạn trong đồn lúng túng không biết xử trí ra làm sao: Nếu đem giết Lệ Thanh thì không còn gì để trả giá với quan Ðề Ðốc, mà để vậy thì sợ quân triều sẽ đến giải cứu. Ðiều lo lắng nhứt của chúng là lương thực trong đồn không đủ nuôi quân được 5 ngày. Nhưng mỗi lần chúng đem quân ra kiếm lương thực, thì chỉ thấy vườn không nhà trống, và lại còn bị phục kích liên miên.
Bọn phản loạn đã bắt đầu nao núng. Chúng đã cạn lương thực; một số bị chết và một số bị thương. Ðã thế, hằng ngày chúng lại nghe phao tin quân triều sắp đến. Cứ tối đến chúng lại nghe tiếng loa kêu gọi đầu hàng ở ngoài đồn, và kết thúc bằng một câu:
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“.
Nhận thấy không thể kéo dài tình thế bất lợi như thế mãi được, bọn cầm đầu phản loạn, một hôm lợi dụng đêm tối, đã lặng lẽ rút ra khỏi đồn đem Lệ Thanh theo làm con tin.
CHƯƠNG XXXIII
LỆ THANH TRỞ VỀ
Bọn phản loạn gồm độ 100 tên do quản cơ dẫn đầu, sau khi lẫn trốn ra khỏi đồn, lặng lẽ tiến sâu vào rừng. Chúng đi suốt đêm lợi dụng trời tối để lẩn tránh sự dòm ngó của dân chúng. Ðến sáng thì chúng đã vào được nơi an toàn, giữa rừng rậm.
Chúng đem theo số lương thực còn lại trong đồn, số này thực ra không nhiều, chỉ may lắm là nuôi quân được vài ba hôm. Chúng bị đặt trong một tình thế lưỡng nan: Ði cướp giựt lương thực của dân chúng thì bị lộ tung tích mà không làm thế thì sẽ chết đói. Trong bọn phản loạn đã có sự hoang mang lớn: Một số muốn quay trở về đầu hàng quan Ðề Ðốc, một số cương quyết chiến đấu cho đến cùng. Chúng mở ngay một cuộc họp ở giữa rừng để thảo luận xem có nên trở về hay tiếp tục chiến đấu. Bọn chủ mưu phản loạn đa số không muốn trở về, vì chúng biết trở về tất nhiên phải đền tội. Cón bọn em út hùa theo thì lại muốn trở về, vì chúng bắt đầu nhận thấy hậu quả đen tối của công việc chúng làm. Chúng thấy càng đi sâu vào con đường tội lỗi, lại càng khó thoát ra. Nhưng trong hội nghị, chỉ có bọn cầm đầu là mạnh miệng dám ăn dám nói, còn bọn muốn quay về lại sợ không dám phát biểu ý kiến, vì chúng đã thấy cái gương bị bêu đầu ở cửa đồn mà tên quản cơ đã thi hành để cảnh cáo bọn thay lòng đổi dạ.
Lệ Thanh là người tinh ý, đã nhận thấy điều ấy. Mặc dù không nghe họ nói ra, nhưng nhìn vẻ mặt của họ nàng cũng biết đa số muốn quay về. Nàng nghĩ mình phải lợi dụng mâu thuẫn ấy để thanh toán bọn chủ mưu.
Từ ngày bị đem theo vào rừng Lệ Thanh không bị giam giữa một cách cẩn mật như khi còn ở trong đồn vì bọn cầm đầu thấy nàng không thể nào trốn thoát ra khỏi khu rừng hoang vắng này được. Vả lại, là một thiếu nữ có nhan sắc, nên bọn chúng muốn gây cảm tình riêng tư. Trong bọn thì tên quản cơ, mặc dù ngoài mặt tỏ ra nghiêm khắc, nhưng trong lòng lại mong được nàng chiếu cố, được nàng để lọt vào mắt xanh. Do đó, lựa khi thanh vắng, nó đến bên nàng để gây cảm tình. Lệ Thanh làm ra vẻ đặc biệt chú ý đến nó, cũng cười duyên, cũng liếc mắt đưa tình, làm cho tên quản cơ háo sắc lại càng thêm mê mệt. Thế là nó để cho nàng tự do đi đi lại lại trong rừng. Lợi dụng sự dễ dãi của nó đối với mình. Lệ Thanh tìm cách lân la với những người mà nàng đoán biết là đã chán ngán cuộc phiêu lưu nguy hiểm của họ. Nàng gợi lên sự mong nhớ những người thân ở nhà, đời sống kham khổ ở trong rừng sâu nước độc, sự tàn ác của bọn cầm đầu, nguy cơ bị quân triều đình vây đánh, tóm lại nàng vạch rõ hậu quả đen tối của ngày mai. Thấy được nổi lo lắng của họ, nàng trấn an họ bằng cách hứa nếu triều đình đến vây bắt, nàng sẽ binh vực, bảo bọc cho họ. Dần dần nàng lôi kéo được một số đông bọn phản loạn đứng về phía nàng, ngấm ngầm chống lại bọn cầm đầu.
Trong khi ấy tên quản cơ háo sắc vẫn mê mệt vì nàng, không hay biết gì hết. Một hôm, bọn bộ hạ của hắn đi săn được một con heo rừng. Bọn chúng reo mừng mở tiệc ăn uống một bữa thật no say rồi nằm lăn ra ngủ. Nhưng tên quản cơ vì có tình ý riêng với Lệ Thanh nên thân hành đem đến biếu nàng một miếng thịt lớn và một chai rượu đầy tại căn lều nàng ở. Lệ Thanh cám ơn và mời hắn ở lại để nàng nấu một món ăn đặc biệt thết hắn. Mặc dù là đã ăn uống no say, nhưng được nàng mời mọc ân cần, hắn không sao từ chối được. Vả lại hắn cũng cần lợi dụng thời cơ thuận tiện này để nói vói nàng một câu chuyện từ lâu hắn mang canh cánh bên lòng.
Sau một hồi ấp úng, nó mới nói được nên lời:
– Cô Thanh ạ! Tôi muốn nói với cô một việc quan trọng, không biết cô có cho phép không?
– Thưa, tôi là tù nhân của ông, ông muốn nói gì thì cứ tự tiện nói ra, chứ tôi đâu dám cho phép hay không cho phép.
– Không, bây giờ cô không phải là tù nhân nữa, cô đối với tôi như một người bạn, thân hơn một người bạn. Nếu nói tù nhân, thì chính tôi là tù nhân của cô mới đúng!
Nàng làm ra bộ ngạc nhiên, hỏi lại:
– Chết! Ông là tù nhân của tôi? Ông nói gì tôi không hiểu …
– Có gì đâu mà không hiểu? Tôi bị giam giữ trong lưới tình của cô.
– Nào tôi có chăng lưới gì đâu?
– Cô không chăng lưới, nhưng tôi cũng cứ bị mắc. Và tôi muốn được mắc lưới như vậy suốt đời.
Hắn dừng một lúc, rồi tiếp tục, vẻ nghiêm trọng:
– Cô Thanh ạ! Tôi nói thật đấy! Tôi muốn suốt đời ở bên cạnh cô, bảo vệ cho cô.
Nàng nói nửa đùa, nửa thật:
– Ông muốn bảo vệ cho tôi bằng cách trói tôi trên cửa thành, lấy roi da đánh vào người tôi cho tươm máu phải không?
Tên quản cơ tỏ vẻ buồn bã:
– Thật tôi vô cùng hối hận, khổ sở về việc làm ấy. Nhưng lúc ấy vì việc lớn, tôi buộc lòng làm như vậy để ông già cô mềm lòng mà đầu hàng tôi. Không ngờ lòng dạ ông thật sắt đá, không nghĩ đến tình phu tử, để cho cô phải chịu làm vật hy sinh. Thực ra nếu không vì cảm tình sâu nặng của tôi đối với cô, thì tôi đã xử tử cô từ lâu rồi.
– Vậy thì xin đội ơn ông. Và xin ông vui lòng uống cạn chén rượu này của một kẻ đã mang ơn cứu tử hoàn sinh.
Tên quản cơ nghe nói vô cùng đắc ý, liền nắm chén rượu nốc một hơi hết ngay. Trước khi đến đây, hắn đã ăn uống no say với đồng bọn, nhưng trước những lời mời mọc khéo léo của Lệ Thanh, hắn không cầm lòng được, lại uống nữa. Ðầu hắn vì thế đã bắt đầu choáng váng, ăn nói thiếu giữ gìn. Hắn nói, nửa say nửa tỉnh:
– Rượu đã ngon mà tay người rót lại càng làm cho ngon thêm. Ước gì suốt đời ta được người ở luôn bên cạnh để rót rượu cho ta uống như thế này, thì thật là diễm phúc.
– Ðìều ấy có gì là khó? Nhưng chỉ sợ mỗi khi ông nóng giận, lại đem tôi ra trói và đánh đập như lần trước, thì thật khổ cho thân tôi.
Nghe nhắc chuyện cũ, hắn lại xua tay ngăn lại:
– Chuyện cũ lỡ lầm, đừng nhắc lại làm gì nữa cho tôi thêm buồn. Tôi đã xin lỗi cô rồi mà! Cô không tha lỗi cho tôi sao? Từ đây tôi sẽ đối xử với cô thật … thật đặc biệt.
– Có thật không đó?
– Thật lắm chứ! Cô không thấy tôi đã thân hành đem rượu thịt đến biếu cô đó sao?
– Nếu vậy thì xin cám ơn ông, và xin ông uống cạn chén này nữa của người đang mang ơn ông.
Tên quản cơ lại nốc thêm một chén nữa, không biết là chén thứ mấy. Nhưng đầu hắn đã bắt đầu nặng trĩu, người hắn lảo đảo như sắp ngã Cuối cùng hắn say quá, nằm vật xuống đất, mê man.
Thấy cơ hội đã đến. Lệ Thanh đến bên mình hắn, rút cây gươm hắn đeo bên mình ra, rồi lấy dây trói gô hắn lại. Lúc ấy vào khoảng canh ba. Trong trại, bọn lính sau một buổi chè chén say sưa, đã nằm lăn ra ngủ như chết. Nàng vội vã đi thức những tên mà nàng đã tổ chức trước và sẵn sàng nghe theo mệnh lệnh của nàng. Số này không nhiều, chỉ độ 20 tên. Nhưng chừng ấy cũng thừa để thi hành kế hoạch của nàng. Nàng bảo chúng đi thu nhặt tất cả khí giới và tìm bọn đầu nào của nhóm phản loạn, trói lại. Bọn này đang ngủ say không đề phòng, nên đã bị bát trói một cách dễ dàng.
Rồi nàng truyền đốt đuốc lên, châm lửa vào các trại, và hô hoán lên rằng quân triều đã đến bao vây khu rừng chúng ở. Bọn phản loạn sực thức dậy thấy lửa cháy khắp nơi, lại nghe tin quân triều đến, nên hốt hoảng xô nhau chạy trốn. Nhưng Lệ Thanh nhảy lên một cành cây cao, thét lên:
– Tất cả hãy đứng lại nghe lệnh của ta! Các ngươi không thể chạy đi đâu được, quân triều đã bao vây các ngã rồi. Tên quản cơ và bọn cầm đầu cũng đã bị ta bắt trói tất cả. Bây giờ các ngươi như rắn không đầu, không thể làm gì được nữa. Vậy các ngươi hãy nghe ta đây! Những ai biết ăn năn hối cải muốn trở về đầu hàng quân triều thì hãy đứng về phía tay phải của ta. Còn những ai muốn tiếp tục làm phản chống lại quân triều thì phải đứng về phía tay trái của ta. Nhưng trước khi dứt khoát lựa chọn thì phải cân nhắc cho kỷ. Các người hãy nhớ lại bài học mà quan Ðề Ðốc đã nói với các người:
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“.
Nếu các người thật tình ăn năn hối cải, muốn về đầu hàng thì ta sẽ đứng thưa với quan Ðề Ðốc ân xá cho các ngươi để các người trở về vui sống với vợ con. Ta cam đoan sẽ giữ đúng lời hứa. Trái lại nếu các người không muốn trở về thì ta sẽ để cho các người tự do trốn thoát vào rừng sâu, quân triều sẽ không theo đuổi các người, nhưng các người sẽ thiếu lương thực, chết đói, chết khát hay bị thú dữ hãm hại. Ðó, các người hãy chọn lựa một trong hai đường ấy.
Lệ Thanh vừa nói xong đã có một số người không ngần ngại đứng về phía tay phải của nàng. Số người này mỗi lúc một đông thêm. Cuối cùng tất cả bọn lính phản loạn đều đứng cả về phía tay phải của nàng.
Lệ Thanh vô cùng sung sướng vì nàng không ngờ lời nói của nàng đã có kết quả tốt đẹp như thế. Nàng sung sướng hơn nữa là không làm đổ một giọt máu mà vẫn thành công mỹ mãn. Nàng truyền cho bọn tay chân thân tín thu lượm khí giới bỏ lại, dẫn tên quản cơ và bọn cầm đầu bị trói ra trình diện cho mọi người thấy, thu dọn lương thực, vật dụng và sắp thành hành ngũ chỉnh tề về thị trấn.
Sáng hôm sau, hai bên lộ thị trấn dân chúng đổ xô ra xem đoàn người phản loạn cúi đầu im lặng bước đi dưới sự hướng dẫn của Lệ Thanh. Dân chúng sau một hồi ngạc nhiên đứng nhìn, đều vỗ tay hoan nghênh cô gái con quan Ðề Ðốc đầy tài ba và mưu lược.