Bài Học Ngàn Vàng
Sa Môn Thích Thiện Hoa

TẬP III

CHƯƠNG XII

BÀ HUYỆN ÐEM BIẾU BÀ ÁN BỐN HỘP TRÀ

Bà Án Quý đang ngồi gọt bí làm mứt thì một tên lính lệ vào báo tin có bà huyện Minh đến thăm. Bà Án lật đật rửa tay rồi đi lên nhà trên. Bà huyện Minh khép nép vái chào, rồi quay lùi bảo tên lính đặt khay trà lên án. Bà huyện bảo tên lính lui ra rồi trịnh trọng nói với bà Án:

– Bẩm bà lớn, hôm nay nhân ra tỉnh có việc cần, con xin đến hầu thăm ông bà lớn. Nhà con vì bận công việc không ra hầu thăm ông bà được, có bảo con hỏi thăm xem vụ án chánh tổng Hàm đã được quan lớn xét xử ra sao chưa?

Bà Án chậm rãi bảo bà huyện ngồi xuống chiếc xập gỗ bên cạnh mình, gọi bảo con bé hầu pha trà, nhưng không đả động gì về vụ của chánh tổng Hàm cả. Bà Án nhìn chiếc khay có 4 lon trà tàu mới nguyên, nói như trách:

– Bà huyện có lòng đến thăm vợ chồng tôi là quý rồi, đem theo quà cáp làm gì; ông nhà tôi đã dặn nhiều lần là không được nhận quà cáp của một ai.

Bà huyện xoa hai bàn tay vào nhau, rụt rè định nói gì rồi lại ngồi yên. Không khí bỗng trở thành ngột ngạt. Thương hại cho sự lúng túng ngượng ngịu của bà huyện, Bà Án đẩy khay trầu đến gần gần bà huyện, mời:

– Bà dùng một miếng trầu cho ấm bụng … Chắc bà cũng biết tính ông nhà tôi nghiêm lắm, không bao giờ chịu nhận lễ vật của ai đem cho.

Bà huyện chống chế:

– Bà lớn thương cho vợ chồng chúng con mà xem như con cháu trong nhà. Chúng con cũng biết tánh liêm của quan lớn, nêm không dám đem gì nhiều, chỉ có 4 lon trà tàu thôi. Vật mọn, xin bà lớn nhận cho để vợ chồng con mừng.

Bà Án nhượng bộ:

– Thôi thì đường sá xa xôi, bà đã có lòng đem đến cho vợ chồng tôi, thì tôi cũng xin giữ lại đó. Nhưng lần sau bà có đến chơi, xin bà đừng bày vẽ như thế này nữa; nếu không, chúng tôi sẽ buộc lòng từ chối.

Bà huyện thấy bà Án đã hoan hỷ nhận lễ vật, vui vẻ hẳn lên.

– Dạ, vợ chồng chúng con xin đa tạ quan lớn, bà lớn đã rũ lòng thương chúng con, không nỡ từ chối món quà mọn …

Câu chuyện quà cáp chấm dứt ở đó. Hai bà vui vẻ hàn huyên về chuyên gia đình, hỏi thăm nhau về sức khỏe của chồng con, trao đổi ý kiến về thời tiết ấm lạnh. Nhưng rồi bà huyện lại quay trở lại câu chuyện vụ án chánh tổng Hàm:

– Thưa bà lớn, không biết bà lớn có nghe quan lớn dạy như thế nào về vụ án lão tổng Hàm chưa? Vụ án nhà con đã trình lên với quan lớn hơn một tháng rồi, chắc cũng đã đến ngày đem ra xử. Nhà con thường bảo con là lão chánh Hàm ấy mắc hàm oan, thật đáng thương. Nếu quan lớn lấy đèn trời soi xét mà tha bỗng cho lão ta, thì thật là phúc đức vô cùng.

Bà Án phân trần:

– Việc  xử kiện là việc của ông nhà tôi, tôi là phận đàn bà, coi việc bếp nước, cũng ít khi được biết đến.

– Bẩm con cũng biết vậy. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt; bà lớn là người phúc đức thấy việc oan ức không thể dửng dưng được. Dạ, tục ngữ có câu: “dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Nếu bà lớn thương tình gia cảnh của lão ta, nói giúp vào một tiếng, thì chắc quan lớn cũng nể bà lớn mà châm chước cho lão ta được nhờ. Lão chánh Hàm mà thoát khỏi nạn lao tù, thì chắc chắn muôn đời lão không quên ơn ông bà lớn.

Không biết chối từ làm sao được, bà Án đành hứa qua loa:

– Tôi được, bà cứ yên tâm, tôi chẳng biết vụ án tiết ấy ra làm sao, nhưng tôi cứ thử thưa lại với ông tôi một tiếng, còn được hay không thì tôi chưa dám hứa.

Bà huyện vội vã đỡ lời:

– Dạ dạ, bà lớn đoái thương lão ta mà cho một tiếng là qúy lắm rồi, vợ chồng con không dám mong gì hơn.

Nói xong, bà huyện đứng dậy cáo từ. Bà nhìn mấy lon trà tàu để trên án, định nói gì, rồi lại thôi. Nhưng cử chỉ ấy không qua mắt bà Án được. Cho nên khi đưa tiễn bà huyện ra cửa, bà liền quay vào, đến nắm mấy lon trà ngắm nghía. Bà lấy làm lạ khi nhắc bốn lon trà thấy nằng nặng. Bà vội vã nhìn sau nhìn trước, rồi mở nắp lon trà ra xem. Bà thọc ngón tay sâu xuống dưới, cảm thấy có vật gì cưng cứng. Bà đổ hết trà trong lon ra và thấy một thoi vàng. Bà mở ba lon trà còn lại và thấy lon nào cũng có một thoi vàng ở phía dưới. Bà đứng tần ngần một lúc, rồi vội vã ôm hết cả 4 lon trà vào trong phòng riêng của mình. Cảm tưởng của bà thực là phức tạp khó phân tách. Bà vừa choáng ngợp, vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ, vừa lo lắng vì số vàng quá nhiều mà suốt đời làm vợ của một ông quan lớn chưa bao giờ bà được thấy. Có lẽ đối với một bà quan khác, thì số vàng ấy không đáng kể vào đâu. Nhưng đối với bà, thì đó là cả gia tài lớn lao mà chưa bao giờ bà dám mơ tưởng đến.

Quan Án Qúy, chồng bà là một quan thanh liêm nổi tiếng. Từ ngày thi đỗ ra làm quan, và lần hồi lên đến chức Án sát ở một tỉnh thuộc miền sơn cước nước Nhục Chi cho đến nay, đã hơn hai mươi năm, quan Án vẫn giữ đạo thanh bần, Những bạn đồng song của quan Án hết thảy đều là những bực giàu sang chức trọng, có nhà cao cửa lớn, tiền kho, thóc đụn, trong khi ấy thì quan Án vẫn nghèo xác, nghèo xơ, quanh năm suốt tháng chỉ nhờ vào đồng lương để sanh sống. Nhiều lúc bà Án không khỏi thở vắn than dài, vì cái tánh thanh liêm của chồng đã làm cho bà thua sút bạn bè, bà con xa lánh. Người ta thì ” một người làm quan, cả họ được nhờ”, còn quan Án thì mặc dù làm đến chức Án sát, vợ con vẫn thiếu trước hụt sau, như một kẻ hàn nho! Nhiều khi bà nghĩ đến tương lai mà không khỏi sốt ruột: con cái mỗi ngày mỗi lớn, lấy gì để dựng vợ gã chồng cho chúng? Và ông Án cũng sắp hồi hưu, lấy gì để đắp đổi tuổi già? Hơn nữa, tiếng là có con lấy chồng quan, mà song thân bà chưa một lần nào nếm được của ngon vật lạ, hưởng được cái cảnh sung túc, nhàn hạ như những người khác. Nghĩ đến đó, nhiều khi bà ứa nước mắt, thấy tủi hổ vì trên thì chưa báo đáp được ơn sinh thành, dưới thì chưa tròn bổn phận đối với con cái. Có chăng, bà chỉ an ủi được khi cảm thấy cái vẻ kính cẩn mến phục của dân chúng khắp nơi, mỗi khi bà có dịp tiếp xúc với họ.

Thế rồi hôm nay, bà bị đặt trước một việc vô cùng bất ngờ, chưa bao giờ bà nghĩ tới. Bà phải xử trí làm sao đây? Trả số vàng lại cho bà huyện chăng? – Thật quá uổng! Cả một đời làm quan của chồng, vẫn không làm sao có được một số vàng như thế! – Nhưng giữ lấy được chăng? – Làm sao để thuyết phục cho chồng bà chấp thuận? Và lấy của phi nghĩa chắc phải trả bằng việc làm phi nghĩa! Bà chưa rõ vụ án của chánh Hàm ra làm sao, nhưng khi bà huyện đem đến cho bà chừng ấy thoi vàng, chắc chắn trong ấy có điều ám muội! Không lẽ viên chánh tổng ấy vô tội, mà lại phải đem nạp cho bà đến chừng ấy thoi vàng. Bà nắm 4 thoi vàng trong tay, ngắm nghía lật qua trở lại, nâng lên để xuống ra chiều quyến luyến. Khi chưa có số vàng ấy ở trong tay, thì bà không bao giờ tưởng đến nó. Nhưng bây giờ nắm được nó trong tay, thì bà bỗng quý chuộng nó nâng niu nó. Bà nghĩ đến bao nhiêu chuyện đáng làm phải làm khi có nó: Nào may thêm một ít áo quần cho con cái; sắm cho đứa con gái đầu lòng một ít tư trang để nó đi về nhà chồng, để dành cho hai thằng con trai một ít lộ phí cho chúng về kinh dự thi; nào mua một vài mẫu ruộng, một sở vườn để dưỡng già, đem một ít tiền về quê xây lăng cho song thân quan Án; cúng một số tiền để xây nhà thờ họ ngoại của bà … nào và nào … toàn là những việc đáng làm, phải làm cả …

Cuối cùng, không biết quyết định ra sao, bà tạm giấu thoi vàng trong bao gối của bà, rồi sẽ liệu sau.

 

 CHƯƠNG XIII

BÀ ÁN THUYẾT PHỤC ÔNG ÁN

Như thường lệ, bữa cơm chiều hôm nay đã dọn ra trên bộ phản ở căn nhà lớn. Quan Án một mình ngồi đối diện với mâm cơm, bà Án ngồi bên cạnh để tiếp chồng. Không phải vì kiểu cách mà bà dọn cho quan Án dùng cơm riêng một mình, nhưng là vì bà muốn hạn chế sự ăn uống cho đỡ tốn kém: bà và các con có thể ăn thế nào cũng được, nhưng quan Án thì phải được tẩm bổ để đủ sức làm việc. Chiều hôm nay, mâm cơm có vẻ thịnh soạn hơn mọi ngày, có rượu và đồ nhấm. Bà Án vui vẻ ngồi bên cạnh chồng kể lể hết chuyện này đến chuyện khác, trong ấy có chuyện viếng thăm của bà huyện Minh, nhưng tất nhiên là bà giấu chuyện bốn lon trà. Ðột nhiên bà đề cập đến vụ án chánh tổng Hàm:

– À, bà huyện có hỏi thăm vụ án chánh Hàm đã đi đến đâu. Tôi cũng không biết sao mà trả lời.

– Vụ ấy còn nhiều bí ẩn lắm. tôi đang cho người điều tra lại. Theo tờ trình của quan huyện Minh thì đứa tớ gái của lão chánh Hàm vì buồn chuyện gia đình nên đêm khuya trốn đi mất. Nhưng theo tôi thì thấy có nhiều điểm mập mờ, phi lý.

Quan Án dừng lại một lúc, rồi nói như tự hỏi:

– Nhưng vụ này đã đệ trình lên tỉnh rồi, không dính dấp gì đến quan huyện Minh nữa, thì bà ta hỏi thăm làm gì?

Bà Án thấy cần binh vực cho bà huyện Minh:

– Có lẽ đây là vụ án quan trọng xảy ra trong hạt bà, và do ông huyện Minh xét xử sơ thẩm, nên bà cũng muốn biết ra sao …

Bà thêm:

– … Và nghe nói hình như ông chánh Hàm là bà con bên ngoại của bà huyên. Nếu ông chánh Hàm mà có chuyện gì, thì cũng xấu lây cho họ hàng nhà bà huyện, cho nên, bà ta có vẻ lo ngại … Ông xem nếu có thể được, thì cũng nên châm chước cho lão chánh Hàm nhờ.

Quan Án nể vợ trả lời nước đôi:

– Vụ này cũng chưa biết thiệt hư ra làm sao, tôi còn phải xem lại rồi mới quyết định được.

Câu chuyện giữa ông bà Án chấm dứt ngang đó. Nhưng ngay tối hôm đó quan Án lật hồ sơ vụ án chánh tổng Hàm ra xem lại, cho đến một giờ khuya mới đi nghỉ.

Theo tờ trình của quan huyện Minh thì nội vụ xảy ra như sau:

Chánh Tổng Hàm là một đại điền chủ ở tổng Hàm Long. Nhà lão ta có nuôi rất nhiều tôi tớ, cả trai lẫn gái. Trong số tôi tớ này có một đứa tớ gái là Thị Nguyệt, con một nông phu nghèo ở làng bên cạnh. Thị Nguyệt được cha mẹ cầm cho tổng Hàm một thời hạn là 5 năm, lấy một số tiền 200 quan. Nhưng mới ở được ba năm thì cha mẹ Thị Nguyệt muốn chuộc con gái về để gã làm thiếp cho một phú nông già trong làng. Thị Nguyệt là một cô gái có chút ít nhan sắc, được trai tráng trong làng ngấp nghé, trong số ấy, hình như Thị Nguyệt cũng đã nặng lời thề ước, trao thân gởi phận cho một lực điền mồ côi cha mẹ, hiện đang ở làm tại nhà chánh Hàm. Khi được biết cha mẹ muuốn bán mình làm thiếp cho một lão già, Thị Nguyệt buồn phiền, bỏ ăn bỏ ngủ, rồi một đêm khuya, đã lẻn trốn khỏi nhà tổng Hàm đi mất. Nhưng trong khi ấy thì gia đình Thị Nguyệt cũng đầu đơn lên tỉnh, kêu oan là con mình dã bị mất tích một cách ám muội.

Theo đơn kiện của gia đình Thị Nguyệt thì thấy có nhiều điều khác hẳn với lời khai của chánh Hàm:

Nguyên gia đình Thị Nguyệt làm ăn lỗ lã, nên đến cầm mấy thửa ruộng cho tổng Hàm là đại địa chủ gian ác. Hắn ta đã làm giàu trên xương máu của đám nông dân nghèo khó trong tổng. Hắn đã cho vay nặng lãi, cầm lúa non, làm nhiều điều thất nhân ác đức nên bao nhiêu ruộng đất của cải của đám dân chúng trong vùng đều lần hồi vào trong tay hắn hết. Hắn có cả thảy năm bà vợ chính và hầu. Nhưng hễ thấy ở đâu có con gái mặt mày dễ coi thì hắn tìm cách này cách khác gạt gẫm đem về làm thê, thiếp. Thị Nguyệt cũng ở trong trường hợp như vậy. Tổng Hàm âm mưu cho cha mẹ Thị Nguyệt vay, chồng chất mỗi khi một ít và gia tăng tiền lãi mỗi ngày mỗi nhiều. Thế rồi một ngày, biết cha mẹ Thị Nguyệt không trả nổi món mợ, hắn cho người đòi ráo riết và hăm dọa đi kiện nếu cha mẹ Thị Nguyệt không trả. Cuối cùng không còn cách nào hơn, cha mẹ Thị Nguyệt đành phải nuốt nước mắt cho Thị Nguyệt đi ở đợ cho gia đình tổng Hàm. Thị Nguyệt một ngày một lớn và trở thành một cô gái duyên dáng mặn mà. Trong nhà tổng Hàm có nhiều trai tráng nông phu đến giúp việc. Nhưng hễ anh chàng nào có tình ý muốn làm thân với Thị Nguyệt thì đều bị tổng Hàm tìm cớ hăm doạ và đuổi đi. Trong số trai tráng ấy có một anh lực điền được lọt vào mắt xanh của Thị Nguyệt. Hai người cùng lén tính chuyện se tơ kết tóc trăm năm. Nhưng rồi tổng Hàm cũng khám phá ra được dự tính thầm lén của họ. Hắn âm mưu xúi dục bọn tôi tớ tay chân của hắn gây sự đánh cho anh lực điền ấy một trận và hăm nếu còn lai vãng đến trò chuyện với Thị Nguyệt thì sẽ bị chúng đánh chết bỏ mạng. Nhưng anh lực điền kia đã lỡ thề nguyền gắn bó vói Thị Nguyệt, đến thú thật với cha mẹ thị nổi lòng của mình và xin hỏi Nguyệt về làm vợ. Tất nhiên là hắn hứa sẽ đem đủ số tiền dành dụm bấy lâu để chuộc Thị Nguyệt về. Cha mẹ Thị Nguyệt vô cùng mừng rỡ ưng thuận ngay lời đề nghị của anh chàng kia. Nhưng khi cha mẹ Thị Nguyệt đem tiền chuộc con về thì tổng Hàm làm khó dễ, bảo số tiền chưa đủ, giấy tờ chưa xong, và hẹn một ngày khác. Nhưng mấy hôm sau, cha mẹ Thị Nguyệt trở lại nhất định đem con về thì được tổng Hàm cho biết rằng Thị Nguyệt đêm khuya đã lẻn trốn đi đâu mất. Cha mẹ Thị Nguyệt không tin được lời giải thích ấy mà đinh ninh con mình đang bị tổng Hàm giam giữ đâu đó, hay có thể đã bị thủ tiêu rồi cũng nên. Sau mấy lần đòi con không có hiệu quả, họ bèn làm đơn lên huyện kiện tổng Hàm. Nhưng quan Huyện lại bênh tổng Hàm không xét xử. Cha mẹ Thị Nguyệt lại đầu đớn lên tỉnh, hy vọng quan Án Qúy, ông quan thanh liêm nổi tiếng trong vùng, sẽ đem vụ này ra ánh sáng công lý.

Qua Án Quý, đọc đi đọc lại nhiều lần tập hồ sơ, thấy vụ án có nhiều điều bí ẩn, biết chắc cha mẹ Thị Nguyệt có điều oan ức và đoán chắc quan huyện Minh đã được chánh tổng hàm hối lộ nên ém nhẹm vụ án. Nhưng vì chưa tìm ra được bằng chứng xác thực, nên quan tạm gác vụ án, chờ đợi cuộc điều tra mật hoàn thành.

 

CHƯƠNG XIV

BÀ HUYỆN THĂM DÒ VỤ ÁN TỔNG HÀM

Ðộ nửa tháng sau bà huyện Minh lại đến thăm bà Án Qúy. Nhưng lần này bà không đem quà cáp gì. Có lẽ bà nghĩ bốn thoi vàng lần trước cũng đã quá đủ. Bà Án tiếp bà Huyện không được tự nhiên như lần trước, bà thấy lúng túng khó ăn khó nói, trong khi ấy thì bà huyện có vẻ hoạt bát tự tin hơn.

Thấy bà Án không đã động gì đến món quà hôm trước, bà huyện nhắc khéo:

– Bẩm bà lớn, hôm nay vợ chồng chúng tôi cũng định đem đến biếu bà lớn ít lon trà, thứ hảo hạng như lần trước, nhưng sợ bà lớn quở trách nên không dám. Dạ, thứ trà ấy chúng tôi gởi mua từ kinh đô, chứ ở đây không có bán. Không biết quan lớn, bà lớn, dùng có thấy … mùi vị đặc biệt không?

Bà Án hơi đỏ mặt, ngượng ngịu khó trả lời cho xuôi. Bà thấy xấu hổ, tủi nhục để cho con mẹ dưới tay mình khinh rẻ. Nếu trong trường hợp khác thì bà đem bốn lon trà và số vàng còn nguyên vẹn trả lại cho hắn, mắng cho một trận và còn dọa bỏ tù cả vợ chồng hắn vì tội hối lộ nữa. Bà bực tức cho hoàn cảnh oái ăm của mình: số vàng ấy bà đã lỡ tiêu mất một thoi. Nguyên mấy ngày trước đây, bà được tin quê nhà mình bị trận bão lớn. Ðứa cháu trai gọi bà bằng cô từ quê ra cho hay nhà cửa của cha mẹ bà bị sập cả, tình cảnh thực là nguy ngập; nếu bà không giúp đỡ được thì chắc song thân cũng như bà con họ hàng khó tránh được nạn đói khó. Bà suy tới tính lui không biết tìm đâu ra tiền để giúp đỡ mẹ cha trong cơn túng thiếu. Cuối cùng bà buộc lòng mượn đỡ một trong bốn thoi vàng mà bà huyện đem biếu, gởi về cho song thân. Bà tự bảo gặp biến thì phải tòng quyền, mượn để rồi rồi sẽ tính sau. Bà hoàn toàn giấu kín việc làm của mình, không cho quan Án biết. Bà hy vọng, nếu vụ án không có gì gay cấn, khó khăn, có thể châm chước một đôi chút thì bà sẽ dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục chồng và giữ luôn mấy thoi vàng làm của. Nếu sự việc quá khó khăn , thì bà sẽ đi vay mượn chỗ khác trả lại đủ số vàng cho bà huyện. Nhưng ở đời, sự việc xảy đến không phải như ý mình muốn. Có những điều khi nhúng tay vào, mới thấy phức tạp khó khăn. Như trường hợp hôm nay chẳng hạn: Bà có ngờ đâu rằng khi thấy mình có những triệu chứng đồng lõa trong vụ hối lộ này, thì con mẹ huyện lại tỏ ra vẻ ngang bạc, khinh dể, xấc xược với mình. Nếu mình trả ngay vàng lại cho nó, thì bây giờ nó đã như chó cụp tai, đau dám bô bô ăn nói ra vẻ trịch thượng như vậy? Nhất là bà vẫn phải làm sao trả lời cho xuôi câu hỏi bóng gió của bà huyện: “Quan lớn, bà lớn dùng trà có thấy mùi vị đặc biệt không”? Bà nghĩ mà thương cho chồng mình, vì quan Án đâu có biết ất giáp gì trong vụ này mà cũng bị mụ huyện lôi vào? Bà trả lời nửa úp nửa mở:

– Vâng, trà có mùi vị đặc biệt lắm, nhưng chỉ chỉ có mình tôi thưởng thức, còn ông nhà tôi chỉ dùng thứ trà quen thuộc thường ngày thôi.

Câu trả lời làm cho bà huyện giật mình, tư lự, chứ không có vẻ tự đắc như trước nữa. Bà Án đoán được tâm lý lo lắng của bà huyện, bồi thêm:

– Vì ông nhà tôi không quen dùng thứ trà ấy, nên tôi định khi bà trở lại đây sẽ gởi trả lại bà. Còn tôi thì dùng trà gì cũng được, có thì dùng, không thì thôi.

Bà nói rồi, làm ra vẻ như sắp đứng dậy đi lấy trà trả lại cho bà huyện. Tuy làm ra vẻ cứng nhưng bà Án vẫn nơm nớp lo sợ, nếu bà huyện không có phản ứng, cứ để cho mình đi lấy bốn lon trà ra trả, thì thật là nguy, vì làm gì còn đủ cả 4 thoi vàng mà trả? May cho bà, là bà huyện tỏ vẻ hốt hoảng khi thấy bà đứng lên. Bà huyện nắm tay bà Án, như van nài bà ngồi xuống và nói:

– Xin bà lớn cứ để đó mà dùng. Bà lớn làm như vậy phụ lòng vợ chồng chúng con lắm. Bà lớn đừng ngại gì cả. Xin bà lớn cứ xem vợ chồng chúng con như người nhà. Vợ chồng chúng con còn nhờ ơn quan bà lớn nhiều.

Bà Án thở ra, nghe nhẹ nhõm trong người và ngồi xuống. Nhưng rồi bà vẫn thấy lấn cấn khó nói năng. Một lát sau bà mới nói được một câu:

– Vụ án chánh tổng Hàm, tôi đã có hỏi ông nhà tôi, ông dạy đang điều tra lại, vì còn nhiều điều ám muội ở trong.

– Dạ thưa, vợ chồng chúng tôi vẫn biết thế, nên mới … cầu cứu đến quan lớn. Nếu bà lớn thương tình vợ chồng con mà nói vào một tiếng với quan lớn, chắc quan lớn cũng không nỡ hành động một cách … nghiêm khắc.

Nghĩ một lát, bà huyện lại tiếp:

– Nhà con bảo trong vụ án này chỉ là nghi vấn, chứ không có bằng cớ gì xác thực là chánh Hàm đã bắt giữ hay thủ tiêu Thị Nguyệt. Nếu quan lớn phê cho một câu: “Xếp vụ án lại, vì không đủ bằng cớ buộc tôi bị can, là yên”. Con nghĩ quan lớn, bà lớn không có gì đáng e ngại, vì vụ này nhà con cũng đã trình với cụ Tổng Trấn và cụ cũng đã thông cảm rồi. Nhà con với cụ Tổng Trấn cũng là người nhà, đã từng quen biết nhau từ thuở nhỏ.

Bà huyện cố ngầm cho bà Án biết là vợ chồng hắn có thế lực, được quan tổng Trấn bảo bọc và cũng đã vận động lo lót về vụ án này rồi.

Bà Án nghe bà huyện nói trong lòng đỡ được nhiều phần lo lắng. Bà thấy công việc bà huyện nhờ mình làm không đến nổi khó khăn như bà tưởng lúc đầu. Nói một tiếng với chồng mà được bốn thoi vàng, đáng giá bằng cả một gia tài, thì là một việc không nên bỏ qua. Thời vận đến mà không nắm lấy thì thật là khờ dại. Những ý nghĩ lạc quan ấy làm bà Án vui vẻ tự nhiên trở lại. Bà mời bà huyện ăn trầu, uống nước và trước khi đưa khách ra cửa, bà còn hứa sẽ cố gắng thuyết phục chồng để cho vụ án được trót lọt.

 

CHƯƠNG XV

BÀ ÁN THUYẾT PHỤC ÔNG ÁN LẦN THỨ HAI

Mấy hôm nay bà Án có vẻ lo lắng không yên. Bà đã hứa với bà huyện là sẽ nói với chồng bỏ qua vụ án chánh Hàm, nhưng bà chưa tìm được dịp thuận tiện để nói. Trong khi ấy thì quan Án có vẻ gấp rút xúc tiến việc điều tra tìm bằng chứng cho vụ án nói trên. Bà sợ, nếu không kịp cản trở, quan Án sẽ đi quá trớn và mọi việc sẽ vỡ lỡ thì bà sẽ không biết xử trí làm sao đối với bà huyện và bốn thoi vàng của bà. Lúc đầu mới nhận được số vàng ấy, bà còn phân vân lưỡng lự, nửa muốn lấy nửa muốn trả lại, chưa nhứt quyết. Nhưng số vàng càng ở lâu thêm trong nhà bà, bà lại thấy thân cận, quý mến nó và muốn giữ lấy luôn. Bây giờ, bà không nghĩ đến chuyện trả lại chủ nó, mà chỉ suy nghĩ làm cách nào để giữ được nó một cách êm thắm, không bị phiền hà lôi thôi về sau.

Bà nhứt quyết chiều nay, trong bữa cơm, bà sẽ gợi câu chuyện ấy với chồng, Bà biết tánh ông rất thanh  liêm, nhưng cũng rất nể vợ, thương con. Nếu bà khéo nói thì chắc quan Án cũng không nỡ để ngoài tai. Nhưng điều bà suy nghĩ là không biết có nên nói thật với ông về vụ bốn thoi vàng hay không? Sau một hồi suy nghĩ, bà tự bảo là chưa nên nói ra, vì lỡ nếu ông không bằng lòng, thì chắc chắn là mọi sự sẽ đổ vỡ hết.

Trong khi chờ quan Án bãi chầu trở về, bà đi lui đi tới ở trước hiên nhà, sắp đặt trong trí những điều cần nói. Bỗng bà nhìn lên, và mấy chữ sơn son thếp vàng trong bức hoành phi treo trên trần nhà đập vào mắt bà: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“. Ðây là “Bài học ngàn vàng” mà vua Ðột Quyết đã truyền lịnh cho bá quan văn võ trong nước phải treo lên ở trước mắt.

Bà Án đã thuộc làu câu ấy, chỉ nhìn lên là bà nhớ chứ không cần phải đọc. Nhưng chỉ cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm cho bà suy nghĩ và mất hết sự tự tin lúc đầu. Bà có mặc cảm là mình sắp làm một điều bất chính. Nhưng rồi bà tự bảo rằng cũng chưa hẳn là như vậy. Bà biện bạch: Thứ nhất vụ án ấy chỉ mới là nghi vấn. lão chánh Hàm ấy có thể làm bậy, nhưng cũng có thể bị vu oan. Nếu lão ta bị oan, mình cứu được lão ta, thì đó là một điều đáng làm. Thứ hai, số vàng ấy đối với gia đình bà là cả một gia tài nhưng đối với lão chánh Hàm, thì đâu có giá trị gì? Thứ ba, nếu mình không giúp đỡ lão ta, thì rồi cũng có người khác giúp đỡ lão, cuối cùng chỉ thiệt cho mình mà thôi. Vả lại, đã có quan Tổng Trấn bảo bọc rồi, thì còn sợ gì nữa. Thứ tư số vàng mình lấy được, đâu phải để phụng dưỡng riêng cho mình, mà là để lo cho chồng cho con, phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ bà con, làm vẻ vang cho làng cho họ … và cuối cùng, bà kết luận: Nếu xét về hậu quả của việc làm này, thì thấy lợi nhiều mà hại không đáng kể.

Bà nghĩ đến đó thì quan Án cũng vừa về đến nhà. Bà đon đã chào hỏi chồng rồi lanh lẹ xuống nhà dưới bảo người nhà soạn đồ nhấm bưng lên.

Rửa ráy xong, quan Án ngồi vào mâm cơm. Nhưng hôm nay quan Án có vẻ không vui vẻ như mọi ngày. Bà Án nhìn chồng lo ngại, nếu ông không vui, thì bà chưa tiện nói ra câu chuyện chánh Hàm. Nhưng bà cần biết vì sao chồng mình có vẻ bực tức. Bà hỏi:

– Hình như hôm nay ông có điều gì không vui thì phải?

Quan Án thở ra rồi nói:

– Bọn thư lại mỗi ngày mỗi bê bối, chỉ có một việc sai đi điều tra vụ án chánh Hàm, mà gần tháng nay, bây giờ trở về trình rằng chẳng tìm được bằng cớ gì về vụ mất tích con ở gái hết! Tôi chắc là chúng được chánh Hàm hối lộ, nên ém nhẹm vụ này.

Bà Án nghe chồng nói, chột dạ, nhưng thấy cần phải binh vực bọn nha lại:

– Ông cũng nên nghĩ lại cho họ. Họ đã đi điều tra mà không có gì khả nghi thì bảo làm sao họ có bằng cớ để buộc tội cho lão chánh Hàm ấy được? Có thì họ nói có, không thì họ bảo không, chứ không lẽ, không mà dựng đứng là có. Biết đâu nguyên cáo không vu cáo cho lão chánh Hàm vì tư oán tư thù?

Quan Án càng bực tức, cắt ngang:

– Bà là đàn bà chỉ giỏi việc bếp nước; bà đâu biết được những bí ẩn trong các vụ án tiết mà cũng xăm lo vào? Tôi coi việc xử kiện đã gần ba mươi năm nay, tôi đã có nhiều kinh nghiệm, nên khó mà ai qua mắt tôi được. Bà thử suy nghĩ xem, một đứa con gái yếu đuối, nghèo khổ, không có ai che chở mà trốn đi đâu được trong khi chung quanh nó, bọn tay chân của chánh Hàm ngày đêm bủa vây canh gác? Tôi chắc dù nó có cánh cũng không thể thoát khỏi nhà chánh Hàm được, mà dù có thoát được, thì vài ngày hôm sau cũng bị bắt lại. thế mà đã hơn một tháng nay, không ai tìm ra được manh mối của nó là tại sao?

– Thế theo ông thì sao?

– Thì vì chánh Hàm đã giam giữ nó một nơi kín đáo, hay đã thủ tiêu nó rồi, chứ còn tại sao nữa?

– Nếu chánh Hàm làm như vậy, làm sao giấu được thiên hạ, tai mắt chung quanh?

– Thì vì nó giàu, nhà to cửa lớn tay chân đông đảo, nó bỏ tiền của ra bịt mắt bịt miệng thiên hạ, nên có mắt cũng như mù, có miệng cũng như câm.

Quan Án chậm rãi hớp một ly rượu rồi tiếp:

– Tôi chắc trong vụ này, lão huyện Minh cũng được chánh Hàm nhét vào túi một số tiền to.

– Mình không biết chắc, đừng nghi oan cho người ta mà nang tội. Tôi thấy vợ chồng ông huyện Minh cũng chất phác, phúc hậu.

– Bà cứ tin bề ngoài, mà chết! Họ ăn hối lộ, không lẽ họ nói với bà sao? Không ăn hối lộ thì làm sao có cửa cao nhà lớn như vậy? Mà trong vụ này tôi chắc cụ Tổng Trấn cũng không khỏi chấm mút …

Bà Án có vẻ lo ngại:

– Ông đừng nói bậy, lỡ đến tai cụ Tổng Trấn thì nguy to.

Quan Án cãi:

– Mình thanh liêm trong sạch thì ai làm gì mình được? Chính họ không sợ mình thì thôi, chứ sao mình lại sợ họ? Tôi biết chắc cụ Tổng có nhúng tay vào, nên đã hai ba lần giục tôi làm gấp vụ án, trình lên ngài xem. Cụ còn bảo nếu thấy không có gì nghi ngại thì xếp, chứ đừng kéo dài mất thì giờ. Cái cách nói như vậy là đủ rõ cụ thiếu vô tư.

Bà Án như mở cờ trong bụng nói ngay:

– Nếu cụ Tổng đã dạy như vậy thì ông cứ làm theo, trách nhiệm gì đâu mà ông ngại. Dẹp được thì dẹp cho yên, chứ moi ra làm gì cho mệt xác, mà sanh thù sanh oán với kẻ dưới người trên?

Quan Án ngồi trầm ngâm, không muốn trả lời vợ, để khỏi mất hòa khí trong gia đình. Nhưng ông không khỏi buồn khi nhận thấy vợ mình đến nay vẫn không hiểu mình. Nhưng bà Án thấy chồng không trả lời, lại tưởng ông đã xiêu lòng nghe theo mình. Bà tấn công thêm:

– Ông thấy không, Suốt đời mình liêm khiết mà có đi đến đâu đâu? Lương tháng không đủ ăn. Con cái đã lớn mà chưa thành gia thất, mẹ cha đã già mà chưa chút đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục. Mỗi khi tôi nghĩ đến tình cảnh của gia đình mình mà ứa nước mắt. Mình thủ phận không dám đua đòi với ai, nhưng người ta đâu có để cho mình yên, mà còn khinh rẻ mỉa mai! Không những kẻ đồng liêu với mình cao ngạo với mình, mà người dưới, ỷ có tiền của cũng lên mặt với mình. Thật chán! Thời buổi này ai cũng chạy theo danh theo lợi, chẳng ai thèm đếm xỉa đến cái cần kiệm liêm khiết của mình. Một đời làm quan, cuối cùng khi về hưu, tay trắng lại hoàn tay trắng!

Bà Án vừa nói vừa lấy khăn chậm nước mắt. Quan Án không nói gì, nhưng vẻ buồn bã hiện rõ trên nét mặt; không phải quan buồn vì hoàn cảnh đen tối mà bà Án vừa phác họa, nhưng buồn vì vợ mình vẫn không hiểu mình, không nâng đỡ mình trong nhiệm vụ nặng nề của một nhà xử kiện thanh liêm giữa một xã hội lấy tiền bạc để mua chuộc chân lý, công bình.

 

 CHƯƠNG XVI

HỒN MA THỊ NGUYỆT VỀ KÊU OAN

Mấy hôm sau, bà Án để ý thấy vẻ mặt chồng thường đăm chiêu suy nghĩ, ít ăn ít nói. Bà đoán rằng có lẽ lời nói của mình hôm trước bắt đầu có tác dụng trong tâm trạng chồng. Bà hy vọng thời gian sẽ làm cho ông biến đổi dần, và sẽ nghe theo lời đề nghị của bà. Bà đợi khi ông đã xiêu lòng, sẽ tấn công mạnh một lần nữa, thì thế nào cũng thành công. Bà bắt đầu lạc quan, tin chắc rằng thế nào bốn thoi vàng cũng không còn phải trao trả lại cho bà huyện Minh nữa. Có mấy thoi vàng làm vốn, bà cảm thấy vững dạ, tự tin hơn.

Ðêm nay trước khi đi nghỉ, bà thắp mấy cây hương ra đứng giữa sân khấn vái tứ phương, cầu trời khấn Phật cho công việc dự tính của bà được trôi tròn. Bà khấn vái trời Phật nếu linh thiêng thì sẽ phò hộ cho gia đình bà thoát khỏi cơn túng thiếu bằng cách xui khiến cho bà thuyết phục được chồng bà thay đổi tánh thanh liêm vô bổ, lòng cương trực gàn dở của ông.

Bà khấn vái xong, định quay lưng bước vào nhà, thì nghe tiếng rên nho nhỏ ở ngoài ngõ. Bà vùa sợ hãi vừa ngạc nhiên đứng dừng lại lắng tai nghe: rõ ràng có tiếng rên và kêu cửa của một người đàn ông. Bà gọi lính lệ ra xem.

Hồi lâu, người lính đi vào dẫn theo một người đàn ông máu me đầy mình, chống gậy, lê một chân vào sân nhà. Bà Án chưa hịp hỏi thì quan Án ở trong nhà đã bước ra sân. Người đàn ông sụp quỳ xuống lạy quan Án và sụt sùi khóc. Quan Án hỏi tự sự và được biết: Anh chàng này chính là chồng chưa cưới của Thị Nguyệt. Anh ta sau khi bị đánh đuổi ra khỏi nhà chánh Hàm đã tìm đến nhà cha mẹ Thị Nguyệt, xin bỏ tiền chuộc Thị Nguyệt về làm vợ. Cha mẹ Thị Nguyệt bằng lòng nhận tiền đến nhà chánh Hàm chuộc con gái về, nhưng chánh Hàm làm khó dễ không cho chuộc và sau đó ít hôm phao tin là Thị Nguyệt đã bỏ nhà lão lẫn trốn. Cha mẹ Thị Nguyệt đầu đơn kiện chánh Hàm với quan huyện Minh, nhưng bị quan huyện tuyên bố vô bàng cớ và miễn tố chánh Hàm. Vụ án được đưa lên tỉnh, và trong khi cha mẹ Thị Nguyệt ngày đêm vẫn đi lùng kiếm tung tích của con gái. Nhưng sự tìm kiếm này luôn luôn bị tay chân của chánh Hàm tìm cách cản trở và hăm dọa.

Nhân gần đây, nghe tin triều đình có cử một phái đoàn giám sát về các miền quê hẻo lánh dể điều tra dân tình và thâu nhận những điều thỉnh nguyện cùng những khiếu nại của dân chúng, anh chàng lực điền, hôn phu của Thị Nguyệt này, đã ngầm đệ đơn tố cáo vụ án trên với phái đoàn giám sát. Nhưng sau khi trở về nhà, anh ta bị một nhóm người thừa cơ đêm tối núp ở trong bụi, nhảy ra chận đánh đập anh đến bất tỉnh. Bọn chúng tưởng anh đã chết, bỏ đi. Khi anh tỉnh dậy, biết chắc là bọn tay chân chánh Hàm đã âm mưu sát hại anh, anh không dám trở về nhà mà lê lết đến đây để nhờ quan Án rũ lòng thương xót bảo vệ cho anh thoát khỏi tay chân bọn chánh Hàm sát hại.

Quan Án nghe xong, tỏ ra phẫn nộ bọn chánh Hàm ỷ mạnh hiếp cô đã coi thường luật pháp. Ngài dạy viên lính lệ đem anh lực điền xuống nhà dưới rửa ráy băng bó các vết thương và cho anh ta ngủ trọ lại một đêm, đợi sáng mai sẽ liệu.

Bà Án không khỏi bực mình vì sự việc mới xảy ra. Bà đinh ninh mọi sự sắp trôi tròn, thì bất ngờ vụ án lại thêm rắc rối. Bà đi vào phòng, đặt mình lên giưòng, cố ngủ nhưng không sao nhắm mắt được. Bà trằn trọc đến canh ba mới thiu thiu nhắm mắt.

Bốn bề im lặng, thỉnh thoảng một làn gió nhẹ thoảng qua. Vài ngọn lá vàng rơi rụng ở sau hè nhà. Những tàn lá chuối xào xạc chạm vào nhau như thì thầm tâm sự. Có tiếng chó sủa ở đàng xa, rồi nghe mỗi lúc mỗi gần. Hình như có tiếng chân bước rất khẽ trên những chiếc lá khô ở ngoài vườn, rồi có tiếng thở dài não nuột. Bà Án choàng thức dậy, lo lắng nghe ngóng, rồi lại nằm xuống, mỏi mệt trăn qua trở lại, ngủ thiếp đi trong một giấc ngủ chập chờn …

Tiếng thở dài não nuột lại bắt đầu. Hình như có cả tiếng gõ rất khẽ vào cửa sổ, hay đó chỉ là tiếng cành cây chạm vào cửa? Mọi bề lại im lặng, một thứ im lặng chờ đợi một biến cố sắp xảy ra trong phút chốc …

Bỗng một luồng gió lạnh thổi tạt vào phòng. Chiếc màn treo ở cửa ra vào bay cao lên như có người vén lên để bước vào. Một cô gái xõa tóc, che hết cả mặt mày, áo quần trắng, nhuộm đầy máu khô, đứng sừng sững ở một góc phòng. Cô gái rụt rè nhìn quanh phòng, rồi bước từng bước một rất nhẹ, khẽ như không đụng đất, đi lần về phía dưới chân giường bà Án. Cô gái từ từ quỳ xuống bên chân giường, nhẹ nhàng như một cái bóng, rụt rè, từ từ đưa tay nắm chéo áo bà Án, như để lay gọi bà thức dậy. Bà Án sợ quá, cố sức thét lên, nhưng không thành tiếng. Cô gái cũng có vẻ sợ bà kêu cứu, nên giơ tay lên khoát qua khoát lại trước mặt bà Án như có ý bảo bà đừng sợ. Rồi cô gái sụp xuống lạy bà hai lạy, mỗi lần cô ta cúi rạp xuống, bà thấy thấp thoáng ở cổ cô  ta có một sợi dây buộc quanh dính đầy máu. Lạy xong cô gái ngồi xếp bằng phía dưới chân bà, đưa tay lên vén những sợi tóc phủ trước trán. Bà thoáng thấy nét mặt cô gái trắng trẻo hiền từ nhưng đầy vẻ khổ đau. Một bên mép, một tia máu ứa ra, chảy từ từ xuống cổ áo. Cô gái nói lí nhí ở trong miệng những gì bà Án không nghe rõ. hồi lâu, bà cố gắng đánh bạo, cất tiếng dõng dạc hỏi:

– Ngươi muốn gì? Tại sao đương đêm lẻn vào nhà người ta làm gì?

– Bẩm lạy bà lớn, bà lớn tha lỗi cho con. Con bị oan ức quá, nên tìm đến đây để nhờ quan lớn, rũ lòng thương xót, xét xử công minh cho con nhờ. Con định tìm đến đến phòng quan lớn nghỉ, nhưng không biết chỗ, nên đi lạc vào phòng bà lớn, xin bà lớn tha tội cho.

– Ngươi ở đâu, tên họ là gì, oan ức ra làm sao?

Cô gái nghe hỏi, sụt sùi vừa khóc vừa kể:

– Bẩm bà lớn, con tên là Thị Nguyệt ở thôn Xuân Ðài, cha tên Sơn, mẹ tên là Tí. Gia đình con nghèo khó, làm ruộng mất mùa luôn mấy năm, vay nợ chánh Hàm, vốn lời chồng chất không có tiền trả, nên phải cho con đến ở đợ tại nhà chánh Hàm để trừ nợ. Con ở được hai năm, thì được một trai tráng trong làng tên là Thiệp để ý, muốn cưới con về làm vợ. Con đã ưng thuận nhưng chánh Hàm biết được, tìm cách ngăn cản. Nó sai tôi tới trong nhà tìm các gây sự với anh Thiệp, đánh anh có thương tích rồi bảo anh phải bỏ làng đi nơi khác làm ăn, nếu không sẽ bị giết. Anh Thiệp sức yếu thế cô, đành phải bỏ làng ra đi làm ăn xa. Nhưng vì đã nặng lời thề ước với con, anh dành dụm được một số tiền đến xin cha mẹ con cưới con và đem tiền trả nợ chánh Hàm, chuộc con về. Chánh Hàm làm khó dễ, không chịu cho con về, một mặt nó cấm tuyệt cha mẹ con đến nhà nó, một mặt nó đem giam con lại trong phòng riêng của nó. Ban đầu nó dùng lời ngon ngọt ép con phải làm vợ lẽ nó, con từ chối; nó trở mặt, dọa nạt đánh đập con, con cũng một mực đòi trở về với cha mẹ.

Khuya hôm sau, trong khi mọi người trong nhà ngủ hết, nó lại trở vào phòng, đem theo một hộp gỗ đựng đầy vòng vàng chuỗi ngọc và một con dao. Nó bảo con phải chọn lựa một trong hai thứ ấy. Con nhất quyết im lặng, không lựa chọn thứ nào hết. Nó bảo nếu lấy nó thì sẽ có nhà cao cửa đẹp; nếu từ chối nó, thì nó sẽ cho đi đầu thai kiếp khác. Con chỉ một mực đòi về nhà.

Thấy không lay chuyển được lòng con, nó liền giở trò cưỡng hiếp con. Sau đó, vì xấu hổ và uất ức, con đã treo cổ tự tử trong phòng hắn.

Bà Án nghe đến đây giựt mình kinh hãi, hỏi lại:

– Vậy ra ngươi đã chết rồi sao?

Cô gái gật đầu, và khóc nức nở. Một hồi nàng kể tiếp:

– Con bây giờ là một oan hồn vất vưởng trên dương thế. Nếu vụ án này mà không được xử công minh thì con không làm sao rửa hận mà về âm cảnh được. Con biết chồng chưa cưới của con hôm nay có ở đây, vì con luôn luôn ở bên chàng, để phò hộ cho chàng. Con sợ nếu vụ án này mà chưa ra manh mối, tên chánh Hàm chưa đền tội, thì rồi đây chồng con, cha mẹ con thế nào cũng bị nó hãm hại. Con đến đây van lạy quan lớn, bà lớn, vì lòng nhân đạo, đem vụ án này ra ánh sáng để rửa oan con và cứu cha mẹ và chồng con ra khỏi sự hãm hại của bọn chánh Hàm.

– Quan Án đang điều tra, nhưng chưa ra manh mối, chưa tìm ra được bằng có rõ ràng nên chưa thể xét xử được.

– Bởi vậy cho nên hôm nay con hiện về đây, mách cho bà lớn biết đầu đuôi câu chuyện và nếu muốn có bằng cớ thì xin quan lớn cho người về đào bên cây gốc dừa ở sau nhà tên tổng Hàm thì sẽ thấy xác con.

Cô gái nói xong, cúi xuống lạy bà Án hai lạy, rồi đứng dậy, đi ra phía cửa phòng, biến mất.

Bà Án hốt hoảng giựt mình thức dậy. thì ra bà vừa nằm mộng. Nhưng giấc mộng đầy đủ chi tiết, rõ ràng như thật, làm bà hoang mang không hiểu là chuyện thật hay mơ. Bà ngồi dậy, lắng nghe động tịnh. Trong nhà vẫn vắng vẻ im lặng; ngoài vườn lá cây xào xạc như thì thầm, và xa xa có tiếng chó sủa. Bà đứng dậy thắp đèn lên, đi ra phòng ngoài. Phòng ngoài vẫn yên lặng. Bà nhìn lên trần nhà, bức hoành phi sơn son thếp vàng phản chiếu vào mắt bà bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“.

 

CHƯƠNG XVII

BÀ ÁN NHỚ LẠI BÀI HỌC NGÀN VÀNG

Sáng hôm sau, quan Án dậy sớm khăn áo chỉnh tề rồi đi sang tòa hình làm việc. Quan cho đòi tên nông phu bị đánh hôm qua ra lấy khẩu cung. Quan giận lắm, cả đêm không ngủ được, quyết tìm cho ra manh mối để trị bọn chánh Hàm. Nhưng tên nông phu chỉ khai mình bị đánh, chứ không nhận ra được mặt mày bọn hành hung. Do đó, vụ án vẫn bế tắc ngang đấy.

Trong khi ấy, ở tư dinh, bà Án vẫn còn nằm nghỉ trong phòng chưa dậy. Sau một đêm mất ngủ, mộng mị và lo sợ, bà Án nghe trong mình mệt nhọc lạ thường. Nhưng điều bà phân vân nhất là không biết mình đã nằm mộng hay thấy cô gái thật trong đêm qua. Nhưng dù mộng hay thực, câu chuyện hôm qua đã làm cho bà lo phiền nhiều. Bà không ngờ vụ án tưởng đã êm xuôi, lại trở thành phức tạp. Bốn thoi vàng của bà huyện Minh không dễ nuốt như bà tưởng. Nếu câu chuyện hồi hôm mà thật có như vậy, thì bà cần phải suy xét lại dự mưu của mình. Nhưng bà nghĩ: có lẽ vì mình suy nghĩ nhiều đến vụ án và nhất là vụ tên nông phu bị đánh hồi hôm đến kêu cứu làm cho mình mộng mị như vậy, chứ không chắc có thật. Nhưng dù sao đi nữa, thì bà cũng cần xét lại việc làm của mình. Nhất là khuya hôm qua, khi bà thắp đèn nhìn ra ngoài, bà đã giựt mình khi nhìn lên bức hoành phi ghi khắc “bài học ngàn vàng”.

Mặc dù chưa biết thực hư ra sao, ba vẫn đoán biết là chắc chắn có sự mờ ám trong vụ án. Không mờ ám thì ai dại gì đem hối lộ đến bốn thoi vàng? Mà đã bỏ ra một số vàng nhiều như vậy, chắc chắn là tội ác của lão chánh Hàm không phải nhỏ. Chừng ấy mà suy ra, vụ án chắc còn nhiều điều ám muội khác. Nếu không kịp khám phá, thì chắc chắn tên chánh Hàm sẽ còn làm tới để che giấu tội ác. Nó bắt đầu mưu sát tên nông phu, chồng chưa cưới của thị Nguyệt rồi đây nó sẽ tiếp tục mưu sát cha mẹ Thị Nguyệt để không còn ai dám tố cáo nó nữa. Án mạng sẽ chồng chất thêm án mạng, oan báo sẽ chồng chất thêm oan báo. Tên chánh Hàm mà không sớm bị trừng tri, thì làng nước sẽ không thể sống yên ổn với hắn được.

Về phần gia đình ông bà Án, nếu nhận bốn thoi vàng hối lộ thì từ đây thanh danh gia đình bà hơn hai mươi năm được tiếng tốt sẽ bị mai một. Và nếu vụ án vỡ lỡ ra, triều đình biết được thì sự nghiệp của quan Án sẽ tiêu tan, chưa chắc còn bị tù tội nữa. Mà dù vụ án có ém nhẹm được, thì oan hồn Thị Nguyệt cũng không thể cho ông bà sống yên ổn. Bà thường nghe âm báo, làm cho cả dòng họ bị điêu đứng, cất đầu lên không nổi, con cái bị tàn mạt, chắc là do những vụ án như thế này. Bà lo sợ nhất là cứ mỗi đêm những cảnh tượng oan hồn trở về khuấy rầy bà như hồi hôm, thì chắc là bà không thể sống lâu được, và nếu có sống thì cũng trở thành khùng điên mất.

Trong khi bà đang suy tính như vậy thì bà huyện Minh đến thăm, đang đợi ở nhà ngoài. Lần này bà huyện đem theo một khay trà 6 lon, có lẽ mỗi lon đều có một thoi vàng.

Sỡ dĩ bà huyện gấp rút đến thăm bà Án và đem 6 hộp trà nữa là vì được tin đoàn giám sát đang đi điều tra ở huyện bà. Và có lẽ vì vụ tên nông phu, chồng chưa cưới của Thị Nguyệt bị ám hại hồi hôm.

Bà Án bối rối không biết phải xử trí như thế nào. Bà muốn trả lại 4 lon trà thì không có đủ 4 thoi vàng để trả; mà nín luôn thì phải làm thỏa mãn lời yêu cầu của bà huyện, nhưng lời yêu cầu ấy, bây giờ bà chắc chắn không làm thỏa mãn được. Thực là tấn thối lưỡng nan. Cuối cùng bà tìm kế hoãn binh bằng cách cho người ra nói với bà huyện là bà đi vắng.

Bà huyện buồn bã ra về, có chiều thất vọng. Bà đoán biết là bà Án có ở trong phòng, nhưng không muốn tiếp mình. Sự kiện ấy làm bà huyện càng lo sợ công việc không thành. Bà huyện sang thăm bà Tổng trấn để cầu cứu bà này giúp sức.

Khoảng một giờ sau, bà Tổng trấn sang thăm bà Án. Bà Án không thể lẫn tránh được, buộc lòng phải ra tiếp. Sau một hồi hàn huyên, bà Tổng trấn đột ngột khen:

– Trà ngon quá! Trà này bà mua ở đâu chứ ở đây làm gì có bán? Chắc là bà mua ở Kinh về.

Bà Án bình tĩnh trả lời:

– Dạ trà này ở đây vẫn có bán. Ông tôi chỉ quen uống thứ trà này đã mấy năm.

Bà Tổng trấn châm chọc:

– Thế mà tôi cứ tưởng là của bà huyện mua ở Kinh về biếu.

Bà Án không phải tay vừa, trả lời ngay:

– Dạ, trà của bà huyện cho; ông tôi uống không quen, nên tôi vẫn còn để đó, đợi bà huyện đến sẽ trả lại.

Bà Tổng trrấn thấy bà Án có vẻ găng, sợ lỡ việc, nên đấu dịu:

– Quan Án không quen dùng thì để đó, bà dùng, chứ trả đi trả lại làm gì cho mất lòng.

– Dạ thưa, trước tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng suy đi tính lại thấy trà quý quá, uống sợ lỡ quen, sau này thành nghiện không có đủ tiền mua.

Bà tổng trấn giả lả:

– Bà Án mà không đủ tiền mua trà thì hãng trà bán cho ai?

– Dạ thưa quả thật như vậy đó.

Bà Tổng trấn nửa đùa nửa thật:

– Thật không? Nếu thật, thì để tôi biếu cho.

– Dạ không dám!

– Có gì mà không dám! Chị em mình giúp nhau chút đỉnh, chứ ai vào đó mà ngại?

Bà Án nói bóng gió:

– Dạ tôi không dám phụ lòng tốt cụ bà, nhưng chỉ sợ chúng ta uống trà ngon quá, thì dân nghèo thêm khổ.

Bà Tổng trấn giận đỏ mặt, rũ áo đứng dậy ra về. Ra đến cửa, bà đãi giọng mỉa mai bà Án:

– Thôi xin kiếu về. Bà Án đức hạnh, trong trắng quá, chúng tôi không theo kịp.

– Cụ lớn khen tặng quá lời, làm tôi xấu hổ quá.

Hai người chia tay ở đó. Bà Tổng trấn ra về, có vẻ hậm hực. Bà Án trở vào lòng dạ rối bời. Bà thấy câu chuyện này không nên kéo dài thêm nữa. Từ khi bà nhận 4 lon trà hối lộ, hết bà huyện đến bà Tổng trấn đâm ra khinh dể mình, chứ không còn kính nể như trước. Và cũng từ khi bà nhận 4 lon trà, tâm trí bà không phút nào được yên tĩnh. Nếu không kịp dừng lại thì bà sẽ rơi xuống dốc mất, và lôi cuốn theo cả ông Án, cả gia đình, thanh danh nhà bà xuống bùn đen. Bà phải gấp rút cho ông Án biết giấc mộng hồi hôm, giúp chồng một tray, khám phá vụ án, đưa nó ra ánh sáng sự thật. Còn thoi vàng bà đã tiêu lỡ, thì bà sẽ đi vay mượn thế nào cho đủ số 4 thoi, đem trả cho bà huyện. Bà Án vào phòng, mặc áo chỉnh tề, tất tả đi vào sang Tòa hình nơi quan Án đang làm việc. Quan Án đang bận hỏi cung anh chàng nông phu, chồng Thị Nguyệt. Quan Án không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà đến. Bà thấy anh nông phu đang còn ngồi đó, vội vã hỏi một câu mà không ai ngờ đến.

– Anh thường vô ra làm công tại nhà Tổng Hàm, có biết sau hè ông ta có một cây dừa không?

– Dạ thưa có!

Bà Án vô cùng mừng rỡ! Bà xây lại phía quan Án nói:

– Như vậy là có đủ bằng chứng để buộc tội bọn chánh Hàm rồi. Ông cứ cho người về nhà lão ta đào đám đất ở gốc cây dừa sau hè, tất sẽ ra manh mối.

Quan Án ngạc nhiên hỏi lại:

– Tìm ra cái gì? Sao bà biết?

Bà trả lời, vẻ bí mật:

– Ông cứ cho lính về đào đi, sẽ rõ, câu chuyện còn dài, chưa tiện nói ra. Nếu chậm trễ, bọn chúng sẽ phi tang.

Ông Án chưa rõ là chuyện gì, nhưng nhìn thấy vẻ cả quyết của vợ, ông đoán biết có điều quan trọng nên truyền lính đi theo mình, đến nhà chánh Hàm. Khi đào đám đất cạnh gốc dừa, quả nhiên tìm được thây Thị Nguyệt. Vụ án nhờ đó, đã ra ánh sáng. Tên Tổng Hàm và đồng lõa đều bị bắt giam để chờ ngày đền tội.

Quan Án Qúy được triều đình tưởng thưởng một số vàng bạc lớn và thăng chức. Bà Án có đủ số vàng để bỏ vào 4 lon trà, trả lại cho bà huyện Minh.

Từ đấy, gia đình ông bà Án sống trong giàu sang và được mọi người càng thêm kính mến.