Bài Học Ngàn Vàng
Sa Môn Thích Thiện Hoa
TẬP II
CHƯƠNG VII
THỨ PHI HOÀNG HOA TƯ THÔNG VỚI ÐẠI THẦN LÝ BÁ
Trống trên vọng gác hoàng thành đã sang canh ba. Vạn vật chìm dần trong yên tĩnh. Ðèn đuốc trong các cung điện đã tắt bớt. Tiếng đàn địch im dần, nhường lại tiếng dế, tiếng côn trùng dưới nội cỏ, lùm cây.
Cung điện của Thứ phi Hoàng Hoa cũng được ấp ủ trong bóng đêm mờ ảo và giấc ngủ êm lành. Nhưng đó nhìn ở bên ngoài. Chứ bên trong, sau những cánh cửa lim đen bóng, sau những lớp màn gấm, rèm châu, ánh đèn bạch lạp vẫn còn rực sáng, các vò rượu cúc vẫn còn đầy nguyên, và các dĩa cao lương mỹ bị vẫn còn chưa ai động đũa đến.
Thứ phi Hoàng Hoa trong phục sức lộng lẫy, đi lui đi tới trong phòng, có vẻ sốt ruột trông chờ! … Nàng gõ chiếc quạt the vào miệng bình thủy tinh mấy cái, liền có một cung nữ vòng tay hiện ra sau bức màn. Nàng cất tiếng hỏi:
– Sao đến giờ này, mà quan đại thần Lý Bá vẫn chưa đến? Ngươi có thưa rõ với đại thần là ta cần gặp ngài gấp lắm không?
– Thưa lệnh bà, con đã thưa rõ, nhưng quan đại thần bảo thế nào cũng phải đầu canh ba mới đến được.
– Ngươi có nghe trống đã sang canh ba lâu rồi chăng?
Thứ phi Hoàng Hoa dịu giọng bảo:
– Thôi cho ngươi lui ra.
Cung nữ lặng lẽ cúi mình lùi lại sau màn gấm.
Liền khi ấy, có ba tiếng gõ nhẹ nhưng rất rõ sau bức đố. Thứ phi Hoàng Hoa vội vã đến nhận một cái chốt gỗ trong góc phòng, và giữa tấm đố, một cánh cửa từ từ mở ra. Hoàng Hoa bước ra ngóng trông …Thấy quan đại thần Lý Bá vừa đến. Hai ngươi bước vào và khép cửa lại. Thứ phi ngước mắt nhìn Lý Bá và nói:
– Sao bắt thiếp phải chờ sốt cả ruột thế?
Lý Bá nói:
– Phải đợi sang canh ba mới dám ra đi.
– Vì sao?
– Vì sợ có người rình ngó.
Hoàng Hoa vội vã hỏi có vẻ lo sợ:
– Sao, ai rình ngó? Có gì bại lộ chăng?
Lý Bá ngồi xuống ghế, trước bàn đầy rượu và thức ăn, chậm rãi trả lời:
– Chưa có gì rõ ràng, nhưng phải đề phòng lão Hoàng Cái, hình như lão đang cho người rình mò đấy.
Hoàng Hoa có vẻ hốt hoảng, mấp máy đôi môi:
– Sao, Hoàng Cái biết à!
Lý Bá nói để trấn an Hoàng Hoa:
– Chưa có gì rõ ràng. Có lẽ nó chỉ nghi ngờ mà thôi.
– Nghi cũng đủ nguy rồi! làm sao bây giờ?
Lý Bá trấn an:
– Chúng ta phải đề phòng thôi, nhưng không có gì phải sợ cuống lên như thế!
Nàng ngước mắt nhìn Lý Bá và nói:
– Chàng làm thế nào để bảo vệ thiếp?
Thiếp bị giam hãm trong cung cấm này. Và một ngày tánh mạng thiếp như bị treo trên đầu sợi chỉ. Thiếp như đang ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên. Mỗi khi nghe dộng tĩnh là thiếp phát hoảng lên …
Nàng ngập ngừng, rồi yên lặng, và nước mắt chảy dài trên gò má nhợt nhạt.
Lý Bá giục:
– Nói tiếp đi! Nàng muốn cho ta biết chuyện gì nữa?
Nàng mấp máy đôi môi, nói qua tiếng thở:
– Thiếp … thiếp đã có thai!
Thực là một tiếng sét ngang tai! Lý Bá thấy đầu mình choáng váng. Chàng tự nói thầm:
Thật là đại nguy biến!
Chàng đã dự tính, nhưng không ngờ các dự tính đều bị thực tế vượt quá xa. Chàng tưởng mình có thể sắp đặt được mọi việc, không ngờ mọi việc cứ theo cái đà tiến triển tự nhiên của nó với tốc độ gia tăng và chàng cứ phải chạy theo mà vẫn không kịp. Chàng bắt đầu nhận rõ cái nguy hiểm của sự liều lĩnh của mình. Chàng cứ tưởng rằng việc của chàng làm sẽ không có thể bị bại lộ được, vì chàng đã sắp đặt và che giấu một cách vô cùng kín đáo. Trước tiên, chàng đã vận động để vua Ðột Quyết tin cậy mình và bổ nhiệm chàng vào chức Tổng quản đại thần là chức vụ giám sát tất cả cung điện và được quyền tự do ra vào các nơi cung cấm. Nhưng để hoàn toàn bí mật sự tiếp xúc thường xuyên giữa mình và Thứ phi Hoàng Hoa, chàng đã truyền lệnh cho người thân tín làm một đường hầm riêng để đi thẳng vào Tây cung là nơi Hoàng Hoa đang ở, mà quan quân canh gác không thể thấy được.
Thấy Lý Bá trầm ngâm suy nghĩ, Hoàng Hoa lại càng thêm sốt ruột. Nàng gịuc:
– Sao chàng lại ngồi thừ ngưòi ra thế? Không lẽ đành bó tay ngồi chờ chết hay sao?
– Tất nhiên là phải tìm cách đối phó và phải gấp rút thoát ra khỏi ngõ bí này.
– Làm sao thoát được? Chàng thì may ra có thể thoát được, chứ còn thiếp thì một khi đã vào đây, là chẳng khác gì đi vào nhà mồ, một nhà mồ cao sang, lộng lẫy hơn những nhà mồ khác, nhưng dù sao cũng vẫn là nhà mồ, không trông gì thoát ra được.
Hoàng Hoa nói xong, gục đầu xuống ghé sụt sùi rơi lệ … Lý Bá ngồi nhìn Hoàng Hoa khóc, ruột rối như tơ vò, nhưng không biết phải làm gì, nói gì để an ủi Hoàng Hoa. Bỗng có tiếng gõ cửa ở ngoài hiên.
Hoàng Hoa vụt đứng dậy. Lý Bá cũng đứng dậy theo. Hai người hốt hoảng nhìn nhau. Nàng vội chỉ tay về phía cửa sau, bảo Lý Bá thoát ra ngã ấy, và tắt bớt những ngọn bạch lạp ở trên bàn ăn. Sau khi chờ Lý Bá đã biến dạng qua cửa sau, nàng mới gõ chiết quạt vào miệng bình thủy tinh. Một cung nử hiện ra trước màn gấm, cúi đầu đợi lệnh. Hoàng Hoa hỏi:
– Ngươi có nghe tiếng ai gõ ngoài cửa không?
– Thưa lệnh bà có, nhưng con còn đợi lệnh bà có cho phép mở cửa hay không.
– Ngươi ra hỏi xem ai, và tại sao đang đêm khuya lại dám đến gõ cửa làm huyên náo như vậy?
Nàng cung nữ lui ra, một chốc trở vào, mặt biến sắc, tay chân luống cuống. Hoàng Hoa mất bình tĩnh, hỏi gấp:
– Ai vậy?
– Thưa … thưa quan Thái giám và một đội lính tuần phòng gươm giáo sáng ngời. Ngài bảo mở cửa cho ngài vào và đang đợi lệnh bà ở ngoài phòng.
Hoàng Hoa ra dấu cho cung nữ dẹp gấp chén bát trên bàn và tiến ra phòng ngoài.
Quan Thái giám đứng dậy vái chào Thứ phi và nói ngay lý do sự viếng thăm khuya khoắc của mình:
– Thưa lệnh bà, xin lệnh bà thứ lỗi, hạ thần đã đến khuấy phá sự yên nghỉ của lệnh bà trong đêm hôm. Nhưng thần vừa được mật tin cho biết …
Hoàng Hoa giật mình, vội hỏi:
– Mật tin gì?
– Thưa, mật tin cho biết một kẻ gian phi đêm đêm thường lãng vãng ở Hoàng cung. Bởi vậy, Thừa tướng Hoàng Cái truyền lệnh canh phòng cẩn mật và cho phép chúng tôi được quyền lục soát nơi nào khả nghi có quân gian ẩn núp.
Thứ phi cười gượng gạo:
– Vi thế đêm nay quan Thái giám đến lục soát Tây cung chăng?
– Thưa lệnh bà không hẳn như vậy. Nhưng thần nhơn đi ngang qua đây, lắng nghe như có tiếng thì thầm từ trong cung đưa ra, nên dừng lại và muốn biết xem tiếng thì thầm ấy do đâu mà có.
– Nếu thật có tiếng thì thầm, thì chắc đó là của bọn cung phi, chứ còn của ai nữa.
Quan Thái giám tỏ vẻ do dự, định giải thích thêm, nhưng rồi chỉ trả lời:
– Lệnh bà dạy đúng: có lẽ đó là tiếng thì thầm của bọn cung phi!
Nói xong quan Thái giám vái chào và quay ra.
Thứ phi Hoàng Hoa truyền cung nữ đóng cửa và vào phòng trong.
Nàng thay xiêm y và đặt mình xuống giường loan, nhưng trằn trọc suốt đêm không sao nhắm mắt được.
Mặc dù nằm trên nệm gấm, thứ phi có cảm tưởng như nằm trên chông gai và đầu óc nàng quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ ngổn ngang. Nàng không ngờ sự thế xoay chiều nhanh chóng đến thế. Mới ngày nào! … Ừ, mới ngày nào là một thiếu nữ tuyệt thế giai nhân, được tuyển vào cung làm thứ phi và được vua sủng ái. Chao ôi, những ngày vàng và đêm ngọc, những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm, những yến ẩm ca xang, những tiền hô hậu ủng … Thế rồi chẳng mấy chốc vua theo duyên mới, bỏ quên nàng trong cung lạnh một mình.
Những ngày dài trơ trọi, cô đơn và chờ đợi nối tiếp theo nhau … Năm này sang năm khác, nàng sống vò võ một mình giữa đám cung nữ thờ ơ, lặng lẽ. Vua như quên lãng sự hiện diện của nàng trong Tây cung. Một đôi khi, để làm cho quân vương nhớ lại, nàng truyền cho bọn cung nữ tổ chức linh đình một hội hoa đăng, và rước vua đến dự. Vua nể lòng nàng ngự đến, nhưng buổi yến chưa mãn, vua đã viện cớ mỏi mệt đứng dậy ra về. Sau những cuộc yến ẩm thất bại như vậy, Hoàng Hoa lại càng chán ngán, buồn tủi hơn bao giờ hết, từ đó, nàng biếng nói, biếng cười, biếng trang điểm, và thêm oán tức quân vương.
Nhưng một biến cố quan trọng xảy đến. Ðó là sự nổi loạn của Thạnh Bảo. vua Ðột Quyết phải bỏ cung điện ra đi. Hoàng Hoa tháp tùng theo và sống qua những ngày trôi nổi, lưu vong. Nhưng chính trong biến cố nguy nan ấy, nàng lại thấy cuộc đời bớt lạnh lẽo, cô quạnh. Cũng chính trong tai biến ấy mà nàng để ý đến một viên tướng tài, diện mạo khôi ngô, đó là Lý Bá.
Lý Bá lúc bấy giờ được vua giao phó nhiệm vụ phò giá hoàng gia. Do đó, chàng có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Hoàng Hoa … và mối tình vụng trộm nguy hiểm giũa hai người nẩy sanh từ đó.
Thế rồi Hoàng Cái khôi phục được ngôi vua, đuổi quân ngoại xâm ra khỏi nước, sắp đặt lại triều đình, nêu cao “Bài học ngàn vàng ” làm kim chỉ nam cho mọi hành động trong cung điện.
Từ ngày bài học ngàn vàng được ghi khắc trên các đồ đạc ở Tây cung, thứ phi Hoàng Hoa không khỏi thấy thắc mắc, do dự trong lòng. Nhưng vì lửa dục vọng quá mãnh liệt, nàng bất chấp tất cả, và lờ đi như không tháy mấy chữ: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“.
Nàng muốn nhắm mắt để khỏi thấy mấy chữ ấy; nhưng hậu quả việc làm bất chính của nàng mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ ràng và lớn dần với cái bào thai trong bụng nàng.
CHƯƠNG VIII
THỨ PHI HOÀNG HOA NỔI ÐIÊN ÐẬP PHÁ TẤT CẢ NHỮNG ÐỒ ÐẠC CÓ GHI KHẮC BÀI HỌC NGÀN VÀNG
Thứ phi Hoàng Hoa nhuốm bịnh vì đã quá lo lắng, sợ hãi. Sau hôm quan Thái giám đến gõ cửa ở Tây cung, nàng đã thao thức suốt đêm và lên cơn sốt nặng. Nàng mê sảng, nhìn đâu cũng thấy mấy chữ “hậu quả, hậu quả” nhảy múa, reo hò trước mặt mình, chung quanh mình. Những tiếng reo hò ấy làm cho vua Ðột Quyết nghe đưọc, khám phá ra tội lỗi của nàng và thiết trào ngay tại Tây cung để xử tội nàng. Nàng bị xử treo cổ trong chợ Kinh đô và Lý Bá bị xử trảm trước võ trường. Khi sợi dây thòng lọng bắt đầu siết cổ nàng, nàng kinh hoàng thét lên và tỉnh dậy.
Từ hôm đó, nàng sốt liên miên và nói mê sảng: “Xin đừng giết tôi! Xin đừng giết tôi!”.
Cung nữ tín cẩn không dám tâu cho vua Ðột Quyết biết, nhưng mật báo cho Lý Bá hay. Hai hôm sau Lý Bá theo đường hầm đến thăm nàng trong đêm khuya. Nhìn thấy Lý Bá, nàng tỉnh lại, sùi sụt khóc và van xin người cứu thoát mình ra khỏi đường cùng.
Lý Bá an ủi nàng và hứa sẽ tìm phương cứu nàng. Chàng nghĩ nếu không còn cách nào, thì sẽ đem nàng cùng tẩu thoát qua ngã hầm bí mật. Nhưng giải pháp ấy là một giải pháp hạ sách, bất đắc dĩ mới phải dùng đến.
Là một người nhiều tham vọng, đầu óc chàng đang dự tính một kế hoạch lớn lao thâm độc hơn. Chàng tự bảo: “Có nhiều khi rủi mà thành may. Chuyện đời không biết đâu mà lường trước được. Miễn là khôn khéo và dám làm”. Sau hôm được Hoàng Hoa cho biết nàng đã thụ thai hai tháng, Lý Bá ban đầu không khỏi giựt mình kinh hãi, nhưng sau đó, khi về tư thất, chàng nghĩ đến một âm mưu rất táo bạo. Nguyên là biết vua Ðột Quyết đang sủng ái một bà phi, mới được tuyển vào cung và nàng này cũng đang có thai vài tháng. Lý Bá dự tính sẽ mượn người thân tín trong cung chờ lúc này sinh nở thì sẽ đem con của Hoàng Hoa sang tráo và thủ tiêu hài nhi của nàng phi kia. Như thế vừa phi tang sự gian dối giữa chàng và Hoàng Hoa, vừa gây dựng cơ nghiệp cho con của chính mình sau này. Chàng mong ước nếu đó là một đứa con trai, thì chàng sẽ vận động cho nó kế nghiệp đế vương sau này. Chàng lại tự bảo: “Miễn là khôn khéo và dám làm thì mọi việc rồi sẽ chiều theo ý muốn của mình”.
Nhưng mặc dù khôn khéo và thông minh, chàng không nghĩ đến sự lâm bệnh của Hoàng Hoa. Bệnh mê sảng của nàng có thể làm hỏng âm mưu của chàng. Cho nên chàng lại phải trù nghĩ thế nào để cho các quan ngự y đừng đến chữa bệnh cho nàng, vì nếu họ đến khám bệnh, thì sẽ biết ngay là nàng có thai, và mọi sự sẽ bại lộ.
Cũng may là lúc Lý Bá đến thăm thì Hoàng Hoa lại hết mê sảng. Có lẽ bệnh của nàng là một thứ bệnh thần kinh, vì lo sợ quá mà phát ra. Và nếu đã là một bệnh tinh thần, thì phải dùng tinh thần mà chữa. Nghĩ vậy, nên chàng dùng lời lẽ hết sức cả quyết để trấn an nàng, cam đoan với nàng thế nào nàng cũng sẽ được chàng bảo vệ, và đưa nàng ra khỏi ngõ bí hiện tại. Hoàng Hoa không rõ Lý Bá sẽ làm thế nào để cứu mình, nhưng nghe những lời khẳng khái của Lý Bá, nàng cũng đỡ lo một đôi phần.
Nhưng sau khi Lý Bá ra về, bệnh mê sảng của nàng lại trở lại. Những chữ “hậu quả, hậu quả” lại nhảy múa, reo hò chạy tung tăng khắp nhà. Rồi không phải những chữ ấy, mà chính đồ đạc, chén bát ly tách có ghi khắc bài học ngàn vàng đều động đậy, lắc lư, nhảy múa. Chúng như một bầy con nít mặc áo đỏ, áo xanh, áo vàng, áo trắng … mang trước ngực một tấm bảng có ghi khắc bài học ngàn vàng, và nắm tay nhau làm thành nhiều vòng tròn chạy quanh nàng, vòng chạy ngược, vòng chạy xuôi làm nàng chóng mặt. Nàng tức giận đứng dậy thét bảo chúng đứng lại, nhưng chúng không để ý đến sự giận dữ của nàng, vẫn cứ vừa chạy nhảy reo hò. Nàng tức giận quá, trở đầu chiếc quạt đập mạnh vào đầu chúng, mỗi đứa mỗi cái. Thế là chén bát, ly tách vỡ tan tành, rơi loảng choảng xuống nền đá hoa. Tiếng ly tách chén bát vỡ làm nàng hồi tỉnh, giương đôi mắt kinh hãi nhìn! … Bọn cung nữ cũng chạy vào, và rất đỗi lo sợ trước quang cảnh đổ nát của đồ đạc, chén bát trong phòng. Chúng tự bảo, nếu Hoàng Thượng biết được, thứ phi đã dám cả gan đập vỡ tất cả đồ đạc có ghi khắc bài học, thì chắc chắn ngài sẽ không tha thứ được tội phạm thượng của thứ phi, đã dám chống lại quyết nghị của vua, được xem như là một quốc sách. Cung nữ đang lúng túng chưa biết phải làm gì, thì quan Thái giám đã đứng sừng sững trước mặt. Ông nhìn quanh, quan sát một hồi rồi lặng lẽ đi ra. Thứ phi và cung nữ nhìn theo, rồi nhìn nhau lo lắng …
Sáng hôm sau, vua Ðột Quyết và một số đình thần, trong đó có thừa tướng Hoàng Cái và đại thần Lý Bá, đi vào Tây cung. Mọi người đều im lặng, mỗi người theo đuổi một ý ghĩ riêng và không ai buồn nhìn đến bọn cung nữ đang phủ phục hai bên lối vào phòng thứ phi Hoàng Hoa.
Khi vua và đình thần vào phòng, Hoàng Hoa vẫn ngồi yên trên ghế tràng kỷ và phe phẩy chiếc quạt hoa. Nàng cười mai mỉa:
– Các ngươi hôm nay đến thăm ta đó chăng? Ta cám ơn nhé! Hãy kiếm ghế mà ngồi chơi.
Thừa tướng Hoàng Cái nói giọng gay gắt:
– Tội khi quân đến thế là cùng tột!
Lý bá chống chế:
– Ai lại chấp trách một người loạn trí?
Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:
– Có loạn trí thật không?
– Tâu, cứ nhìn cử chỉ và nhất là đôi mắt thất thần là biết ngay.
Trong khi vua quan đang bàn tán, thì Hoàng Hoa lại cất tiếng dõng dạc như phán bảo:
– Ta đã đập bể tất cả đồ đạc, chén bát có ghi khắc bài học tồi tệ kia hết rồi. Các ngươi hãy bảo đem các thứ đồ đạc khác cho ta dùng, nhưng nhớ đừng ghi khắc bài học kia vào nữa, ta không thích đâu nhé!
Vài ba tiếng cười khúc khích không kiềm chế nổi phía sau vua. Hoàng Cái lại gay gắt phê bình:
– Ðiên mà ăn nói không ngoan bằng mười tỉnh táo.
Lý Bá lại nói, nửa đùa nửa thực:
– Người điên có thể là rất khờ dại, mà cũng có thể rất khôn ngoan.
Vua phán:
– Ðiên mà khờ khạo thì đáng tha thứ, nhưng điên mà khôn ngoan hơn người thường thật nguy hiểm, phải trị …
Lý Bá vội vã tiếp lời vua:
– Tâu, phải chữa trị thì đúng hơn.
Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:
– Khanh bảo chữa trị như thế nào?
Lý Bá như mở cờ trong bụng, tâu:
– Tâu, thần nghe đồn ở núi Bảo Trúc có đạo sĩ chữa bệnh điên hay lắm. Nếu bệ hạ muốn thử tài đạo sĩ ấy thì thần xin phụng mạng đi rước về.
Vua Ðột Quyết quay lại hỏi các triều thần:
– Các khanh nghĩ thế nào? Có nên mời đạo sĩ ấy không?
Hoàng Cái ngăn:
– Tâu Hoàng Thượng, nếu quả thật mắc bệnh dù là bệnh điên, thì nên chữa bằng y dược, và triều đình ta không thiếu gì lương y có tài. Còn đạo sĩ hay phù thủy thì chỉ chữa tà ma, thần tưởng không nên rước về đây làm gì.
Nhưng các đại thần khác, có khuynh hướng mê tín dị đoan, khi nghe có một đạo sĩ có tài xuất hiện thì rất mong muốn được biết tài năng ra sao, nên đều phụ họa theo với Lý Bá. Họ tâu:
– Bệnh điên có thể do nhiều nguyên nhân, có thứ điên do hỏa bốc trong tạng phủ lên đầu óc; nhưng cũng có thứ điên do ma qủy nhập vào. Lệnh bà là người bình thường khỏea mạnh, nay bỗng nhiên mất trí, thì đó có lẽ do ma quỷ khuấy rầy. Nếu có đạo sĩ có tài chữa trị, thì cũng không nên câu nệ.
Thế là vua đồng ý giao phó cho Lý Bá đi mời đạo sĩ ở núi Bảo Trúc về trào.
CHƯƠNG IX:
ÐẠO SĨ LÝ MẬU CHỮA BỆNH ÐIÊN CHO THỨ PHI HOÀNG HOA
Trong khi Lý Bá đi triệu thỉnh vị đạo sĩ ở núi Trúc Bảo chưa về, thì kinh đô dân chúng đều nhôn nhao bàn tán về tin đồn một vị thánh nhân vừa xuất thế. Nhiều điềm lạ làm cho mọi người đều chú ý: trên vỏ nhiều trái cây như ổi, xoài, bầu bí, đều hiện rõ mấy chữ: “Mừng thánh nhân ra đời”. Ngay đầu những con cá lóc người ta mua ở chợ mang về làm thịt, cũng có thấy hiện mấy chữ ấy. Trong triều, từ vua đến quan lớn quan nhỏ, đều chăm chú theo dõi những hiện tượng trên với một tâm trạng khắc khoải chờ mong.
Trong khi ấy bà thứ phi Hoàng Hoa trong Tây cung càng điên thêm và đập phá thêm đồ đạc.
Một tuần sau, có tin Lý Bá đã triệu thỉnh được đạo sĩ ấy về đến triều đình. Từ sáng sớm hôm ấy, chợ không nhóm, dân chúng nghỉ việc để đứng hai bên đường đợi xem đám rước đạo sĩ mà ai cũng nghĩ rằng đó là thánh nhân. Trong triều vua quan cũng sốt ruột ngồi chờ đón đạo sĩ.
Ðến gần trưa, đám rước mới xuất hiện ở cửa Tây cung hoàng thành. Thực là một quang cảnh kỳ lạ mà dân chúng kinh đô chưa từng thấy trong các đám rước.
Ði đầu là một đàn khỉ mặc áo xanh quần đỏ, bịt khăn chữ nhất, mỗi con dẫn một người, hai tay bị trói và cổ bị xiềng trong một cái gông lớn; một sợi dây xích một đầu buộc vào gông và đầu kia bọn khỉ nắm, dẫn đi.
Tiếp theo là một bọn đàn bà mặc đồ võ, nai nịt gọn ghẽ, gươm giáo sáng ngời, lông mày vẽ lưỡi mác xếch ngược lên thấu đỉnh trán và có râu mép. Mỗi người cỡi một con thú dữ, như cọp, beo, sư tử, gấu, nhiều nhất là gấu, và tuyệt nhiên không có một con hươu nai, trâu ngựa … Nhưng con thú dữ nào cũng trông vẻ mặt hiền lành, ngoan ngoãn hơn ngựa trâu.
Rồi đến những chàng thư sinh gầy ốm, đầu chít khăn vành, mặc yếm trên ngực mỗi người đều mang nhiều huy chương và một cái bảng lớn với hai chữ “võ tướng” mạ vàng.
Sau cùng là kiệu của đạo sĩ Lý Mậu do tám bà gánh; những người theo hầu hai bên kiệu, người đội khay trầu, kẻ đội tráp thuốc, kẻ phất quạt lông, kẻ che lọng, đều là phái nữ. Lẫn trong đám nữ tỳ ấy, chỉ có độc một mình đại thần Lý Bá là đàn ông. Ngài đi thụt lùi trước kiệu, cứ mỗi bước lại vái một cái. Ðạo sĩ ngồi trên kiệu hoa, dáng điệu rất uy nghi, đầu chít khăn điều, mặc áo trắng sọc xanh, mang một chiếc hia vàng, một chiếc hia đen, một chân đạp lên hình mặt trăng, một chân đạo lên hình mặt trời, ở giữa hai bàn chân là hình âm dương. Ngài nhắm lim dim đôi mắt, miệng lâm râm niệm chú, một tay bắt ấn, một tay nắm một vòng tròn mà người ta thì thầm bảo nhau đó là “tấm kính chiếu nguyên hình”, mặc dù không trông thấy kính gì cả. Ngài đang lim dim bỗng mở to đôi mắt nhìn hai bên đường, thấy dân chúng há miệng ngơ ngác nhìn mình, liền tỏ vẻ khó chịu, vẫy tay gọi một bà đến thì thầm mấy tiếng. Bà này hốt hoảng chạy đến bên Lý Bá, cũng thì thầm mấy tiếng. Lý Bá như sực nhớ điều gì, nhìn dân chúng hai bên đường, nói có vẻ gắt:
– Thánh nhân xuất hiện, sao không hoan hô mà đứng ngây ra nhìn thế?
Thế là những tiếng hoan hô “Chào mừng thánh nhân ra đời” vang dội hai bên đường và dân chúng sắp thành hàng ngũ đi hộ tống theo sau kiệu.
Ðám rước đi thẳng vào hoàng cung, dừng lại trước sân rồng và sắp thành hai hàng trước đền vua. Ðạo sĩ xuống kiệu, bước lên điện và cúi mình vái chào vua Ðột Quyết. Ngài ra hiệu cho đạo sĩ ngồi xuống ghế bên phía hữu mình. Sau những lời chào hỏi thường lệ, vua chỉ vào đám người tháp tùng, hỏi đạo sĩ:
– Trẫm cũng đã chứng kiến nhiều đám rước, nhưng chưa thấy đám rước nào lạ lùng như đám rước của đạo sĩ. Chẳng hay những hình thức và phục sức của những người trong đám rước có một ý nghĩa gì chăng?
Ðạo sĩ trả lời rất tinh:
– Tâu Hoàng Thượng, bần đạo chẳng thấy gì là lạ lùng cả. Có lẽ Hoàng Thượng chỉ quen nhìn bề ngoài của cuộc đời, của sự vật, nên thấy cái lối sắp đặt và trang phục đoàn tùy tùng của bần đạo có vẻ khác thường. Nhưng nếu Hoàng Thượng có dịp nhìn được bản chất bên trong của cuộc đời, của sự sống hiện tại thì Hoàng Thượng sẽ thấy hiện tượng của đoàn tùy tùng là phản ảnh trung thực bề trong của sự vật, và khi ấy Hoàng Thượng sẽ không cho là lạ lùng lỳ dị nữa.
Vua Ðột Quyết tò mò hỏi tiếp:
– Làm sao có thể thấy được bề trong của cuộc đời và sự vật.
– Tâu, đó là kết quả của công phu tu luyện của bần đạo trên ba mươi năm trời tại núi Bảo Trúc.
Vua tỏ vẻ nghi ngờ:
– Nhưng thấy như vậy có đúng không?
Chỉ một mình khanh thấy thì làm sao có thể bảo đảm được đó là sự thật?
Ðạo sĩ Lý Mậu nhìn vua, mỉm cười có vẻ bí mật và nói:
– Tâu, nếu Hoàng Thượng muốn thì bần đạo sẽ làm cho Hoàng Thượng thấy rõ sự thật ấy.
Vua vội vã hỏi:
– Làm sao thấy được? Khanh làm thế nào cho trẫm thấy đi.
– Hoàng Thượng sẽ được toại nguyện.
– Nói xong, đạo sĩ bắt ấn, niệm chú, rồi nâng tấm “kính chiếu nguyên hình” lên. Ðạo sĩ đưa trước mặt vua Ðột Quyết rồi nói nhỏ bên tai vua:
Hoàng Thượng hãy nhìn một lượt tất cả bá quan văn võ trong triều qua tấm kính này rồi sẽ hiểu ngay ý nghĩa của đoàn khỉ dẫn người trong đám rước của bần đạo.
Vua nhìn vào tấm kính và đạo sĩ Lý Mậu từ từ đưa tấm kính từ phía hữu sang phía tả, trước mặt triều thần. Vua nhìn xong, ngẩn ngơ một lúc rồi hỏi đạo sĩ:
– Thế ra họ có ít nhân tánh đến thế sao?
– Tâu, họ có xu hướng trở về với thủy tổ loài người.
Vua lại hỏi:
– Còn đàn bà lại có râu và cỡi thú dữ thế là nghĩa làm sao?
– Tâu, Hoàng Thượng hãy soi tấm kính này vào các cung phi mỹ nữ đứng hầu sau lưng Hoàng Thượng thì sẽ hiểu ngay.
Vua lại xây lưng nhìn ra phía sau, qua tấm kính. Nhìn xong, ngài thất sắc, hỏi đạo sĩ:
– Âm thịnh đến thế sao?
Ðạo sĩ trả lời, có vẻ hóm hỉnh:
– Bần đạo tưởng rằng Hoàng Thượng cũng đã nhận thấy điều ấy từ lâu …
Vua có vẻ áy náy khó chịu về câu trả lời có vẻ phạm thượng của đạo sĩ. Ngài trả tấm kính lại cho Lý Mậu. Ðạo sĩ hỏi:
– Hoàng Thượng không muốn nhìn thêm sự thật nữa chăng?
– Không! Nhìn thêm trẫm sẽ không còn thấy hứng thú làm vua, trị vì thiên hạ nữa.
Ðạo sĩ lấy tấm kính bỏ vào đãy rồi tâu:
– Tâu Hoàng Thượng, chẳng hay Hoàng Thượng cho vời bần đạo đến đây có dụng ý gì, xin cho bần đạo được tường.
– Trẫm muốn đạo sĩ dùng phép thuật của mình để chữa trị cho thứ phi đang mắc bịnh loạn trí, có lẽ thứ phi bị ma quỷ hành.
Lý Bá nãy giờ đứng im lặng bên cạnh đạo sĩ, tiến ra tâu:
– Tâu Hoàng Thượng, đạo sĩ từ núi Bảo Trúc về đây, đường sá xa xôi cách trở, đã đi liên tiếp trong mấy ngày, thật là vất vả. Nay về đến triều, xin để đạo sĩ được ngơi nghỉ vài hôm cho khỏe khoắn trong người, rồi hãy chữa trị. Thần sẽ xin cán đáng mọi việc ăn ở, nghỉ ngơi của đạo sĩ và đoàn tùy tùng cho được chu đáo.
Vua bằng lòng giao phó mọi việc tiếp đãi đạo sĩ cho Lý Bá đảm trách và truyền cho đạo sĩ được nghỉ ngơi vài hôm trước khi vào cung chữa bịnh cho thứ phi Hoàng Hoa.
Không hiểu nhờ pháp thuật cao cường như thế nào, mà hai hôm sau, khi đạo sĩ và nhà vua đi đến Tây cung, thì thứ phi Hoàng Hoa tỏ ra vô cùng ngoan ngoãn và lễ độ. Nàng đã cúi xuống lạy vua và đạo sĩ, và xin ăn năn hối cải lỗi lầm đã xúc phạm đến mình rồng.
Nhất là nàng tỏ ra vô cùng sợ hãi trước những lời phán bảo của đạo sĩ. Ðạo sĩ nói với thứ phi, nhưng nghe như nói với một người nào khác:
– Từ nay ngươi không đưọc làm loạn ở trong Tây cung, cũng như ở các cung điện khác nữa, nghe chưa!
Thứ phi ngoan ngoãn vâng dạ.Ðạo sĩ lại tiếp:
– Ta biết ngươi oan ức; nộ khí xung thiên, ngươi có thể đốt cháy tất cả hoàng thành cung điện này được. Nhưng từ nay đã có ta. Ta cấm ngươi hoành hành như vậy. Ngươi hãy bỏ ngay ý định ám hại Hoàng Thượng, khuấy phá các cung phi, nghe chưa?
Thứ phi vái lạy xin chừa.
– Ta sẽ tâu với Hoàng Thượng làm cho ngươi môt cái miếu ở sau hoàng cung, đêm ngày sẽ có người hương khói. Nhưng ngươi không được rời khỏi nơi ấy đi khuấy phá hoàng cung nữa, nghe chưa?
Thứ phi lại ngoan ngoãn vâng vâng dạ dạ.
Vua Ðột Quyết ngạc nhiên hỏi đạo sĩ:
– Khanh nói chuyện với ai vậy? Sao lại bảo là sẽ làm miếu thờ Thứ phi? Thứ phi còn sống sờ sờ đấy mà.
Ðại sĩ nói có vẻ bí mật:
– Hoàng Thượng hãy nhìn vào tấm kính chiếu nguyên hình này, tức sẽ biết bần đạo đang nói chuyện với ai. Người này chắc không xa lạ đối với Hoàng Thượng.
Vua nhìn vào tấm kính, bỗng giựt mình kinh hãi, sắc mặt tái xanh. Cũng trong lúc ấy, Thứ phi quằn quại than khóc. Vua nói giọng xúc động:
– Trẫm xin lỗi khanh. Trẫm ăn năn hối hận từ ngày ấy đến nay. Nhưng trẫm không biết làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm. Người một khi đã chết rồi thì biết làm sao cho sống lại được? Nhưng chắc khanh cũng đã hiểu cho lòng trẫm, khi trẫm đã ra lệnh tha tội chết cho con khanh là Thạnh Bảo, và cho trở về làm dân dã. Một ngày kia, sau khi tội dấy loạn của Thạnh Bảo được nguôi quên trong lòng người, trẫm sẽ phục hồi chức tước cho nó. Từ nay, trẫm sẽ theo lời đạo sĩ truyền dựng cho ngươi một ngôi miếu thật lớn tại hoàng cung, và khắc một tấm bia, với những chữ vàng: “Thanh Phong Ðề Ðốc Ðại Thần”.
Thứ phi Hoàng Hoa gục đầu lạy tạ vua.
Ðạo sĩ rút giải lụa đỏ trong đãy ra bắt ấn, niệm chú, rồi vừa rũ giải luạ nghe một tiếng “đét”, vừa giậm chân nạt lớn: xuất”! Thứ phi bỗng té xuống, bất tỉnh và được bọn cung nữa dìu đặt lên giường. Trong khi ấy các bà đệ tử của đạo sĩ đốt đuốc chạy ra cửa, như đang đuổi theo một bóng ma qủy, vừa chạy vừa hò reo inh ỏi … Họ đuổi bóng ma qủy ra đến tận bờ thành hoàng cung, và đóng xuống đấy một cái đinh sắt lớn.
Vua và đạo sĩ rời Tây cung trở về chánh điện. Trong khi đi giữa đường, vua đột ngột hỏi đạo sĩ:
– Ðạo sĩ có biết vì sao thứ phi Hoàng Hoa lại đập phá tất cả những đồ đạc, chén bát có khắc bài học ngàn vàng chăng?
– Tâu, Thứ phi đâu có đập phá? Ðó là quan Ðề Ðốc Thanh Phong đấy chứ!
– Tại sao Ðề Ðốc lại làm như vậy!
– Tâu, quan Ðề Ðốc oán bài học ngàn vàng. Chính vì bài học ấy mà ông ta chết.
Ðạo sĩ yên lặng một phút, rồi lại cất tiếng nói tiếp:
– … Vả lại, bài học đâu có đáng giá gì mà trọng vọng quá thế?
Vua ngạc nhiên nhìn đạo sĩ, hỏi lại như không tin hai lỗ tai mình:
– Ðạo sĩ nói gì? Bài học không đáng giá gì cả à?
– Tâu, Hoàng Thượng tha tội cho tánh thẳng thắn của bần đạo, bần đạo mới dám nói hết ý nghĩ của bần đạo.
– Ðạo sĩ cứ nói đi!
Ðạo sĩ Lý Mậu do dự một chốc rồi chậm rãi nói:
– Tâu Hoàng Thượng, bài học mà Hoàng Thượng đã mua của Ông già với một giá quá đắt như vậy, thực ra chỉ để răn dạy kẻ thường dân vô học, bọn con nít thì được, chứ không xứng đáng để cho một vị đại vương như Hoàng Thượng dùng làm khuôn vàng thước ngọc, lại càng không xứng đáng được đem ra làm một quốc sách, được ghi khắc trên các đồ đạc vật dụng trong triều.
Vua Ðột Quyết bị chạm tự ái, hỏi gắt:
– Ðạo sĩ tu luyện theo môn phái nào? Ðạo sĩ có tin ở “luật nhân quả không?
– Tâu, bần đạo tu luyện theo phép tắc riêng của bần đạo, chứ không theo một môn phái sẵn có nào. Ðối với sức tu luyện của bần đạo, thì “luật nhân quả không có tác dụng gì nữa. Bần đạo có thể gieo giống này mà gặt quả khác. Bần đạo có thể biến nước thành lửa, hóa đá thành cơm, hô phong hoán vũ theo ý muốn.
– Trẫm có thể tin lời đạo sĩ được chăng?
– Tâu, Hoàng Thượng sẽ có dịp được thấy tận mắt những điều ấy.
Nói xong, Lý Mậu vái chào vua và trở về công quán cùng đoàn tùy tùng.
CHƯƠNG X:
VUA ÐỘT QUYẾT BỊ LÝ MẬU MÊ HOẶC
Lý Mậu ở lại Kinh đô đã hơn sáu tháng nay rồi, và mỗi ngày thêm được vua Ðột Quyết tin dùng. Nghe theo lời xúi dục của Lý Mậu, vua quyết định sẽ truyền lịnh đập phá, chùi rửa tất cả những vật dụng có ghi khắc bài học ngàn vàng trong các cung điện. Quyết định ấy đã làm cho triều đình chia làm hai phía chống đối nhau rõ rệt: một phái đứng về phía đại thần Lý Bá, và đạo sĩ Lý Mậu, và một phái đứng sau lưng Thừa tướng Hoàng Cái. Thừa tướng đã cực lực phản đối quyết định thủ tiêu bài học ngàn vàng của vua. Nhưng vua đã nổi giận đòi cất chức Thừa tướng, nếu Hoàng Cái cứ một mực chống đối lịnh của Ngài. Hoàng Cái buồn rầu,mất ăn bỏ ngủ và không thiết vào triều nữa. Nhưng vua có vẻ không thiết đến sự hiện diện của quan Thừa tướng ở trong các buổi chầu. Bên cạnh ngài đã có Lý Bá và Lý Mậu làm quân sư. Tất cả những việc lớn nhỏ trong hoàng cung, vua đều làm theo ý kiến của hai người họ Lý ấy cả. Vua hoàn toàn bị Lý Mậu thu hút, sai sử không còn tự chủ được nữa. Phe Hoàng Cái cho rằng vua bị Lý Mậu mê hoặc vì bùa phép; trái lại phe Lý Mậu thì lại bảo rằng Hoàng Cái vì bất lực không được vua tin dùng nữa, nên bất mãn, ganh ghét, gièm pha bọn Lý Mậu.
Từ ngày bị Lý Mậu mê hoặc, vua không còn nghĩ nhớ đến “Bài học ngàn vàng” nữa. Tất cả mọi việc đều ỷ lại có Lý Mậu giải quyết, sắp xếp dùm, khỏi phải mệt trí suy nghĩ đến hậu quả của mọi việc mình làm. Mỗi ngày vua cứ say mê theo bùa phép, phù chú của Lý Mậu, không thiết gì đến việc nước việc dân.
Vua hy vọng một ngày kia, khi sự tu luyên của mình thành công, mình có thể trị vì đất nước mình bằng phép thuật, thần thông biến hóa, lấy đậu xanh đậu đỏ làm âm binh, sai sử loài ác thú như cọp beo, rắn rít đi đánh giặc; nếu trời làm đại hạn, thì mình làm mưa cho dân cày bừa, nếu trời làm lụt thì mình gọi rồng đến hút nước; mình có thể xử kiện bằng cách dùng “kính chiếu nguyên hình” để xem ai gian ai ngay, ai phải ai trái …
Ðó là những hy vọng, những ước nguyện mà Lý Mậu mớm cho vua trong những cuộc đàm đạo; chàng ta thường khoe khoang rằng mình có thể làm được những điều đó, nhưng vua chưa bao giờ được thấy tận mắt những phép thuật ấy. Một đôi khi vua giục Lý Mậu thực hiện cho ngài xem một vài phép thuật. Lý Mậu chối từ, bảo rằng phép mầu chỉ nên dùng khi cần thiết, chứ không thể đem ra để khoe khoang hay để xem cho vui mắt được. Tuy thế, chiều lòng vua, thỉnh thoảng Lý Mậu cũng trổ tài tu luyện của mình bằng cách sai sử các con thú dữ trong đoàn thú của mình. Một hôm vua đi dạo sớm một mình ngang qua chuồng thú của Lý Mậu, bỗng hai con sư tử lớn nhảy xổ ra, vua hoảng hốt vừa chạy vừa kêu cầu cứu, hai con sư tử hầm hừ đuổi theo, Lý Mậu nghe thấy tiếng kêu, chạy đến, rút cái giải lụa điều trong đãy ra, đánh “đét” một cái, hai con sư tử bỗng dừng lại, đứng ngoe nguẩy đuôi rồi quỳ xuống trước mặt Lý Mậu. Chàng ta bảo hai con sư tử đến xin lỗi vua. Chúng đến bên vua, nằm ngửa ra, chắp hai chân trước vái vái mấy cái. Vua được thoát hiểm, lại thấy oai lực của Lý Mậu đối với con thú dữ, càng thêm khâm phục tài năng tu luyện của chàng. Ðiều mà Lý Mậu ít khi chối từ mỗi khi vua yêu cầu là cho soi “kính hiện nguyên hình”. Vua thiết tha mong muốn có được một tấm kính như vậy, nhưng Lý Mậu bảo rằng cần phải tu luyện, dày công mới có thể tạo được cái loại kính ấy. Trong khi vua chưa có thể tự mình chế ra được vì sự tu luyện còn non, thì tạm thời Lý Mậu cho ngài mượn cái kính của mình; nhưng mỗi khi vua muốn soi vào người nào, vật gì thì phải có Lý Mậu đứng ở bên cạnh, bắt ấn và niệm chú trước; nếu không thi vua không thấy gì khác lạ cả. Các quan triều thần, nhất là các quan thuộc phe của Thừa tướng Hoàng Cái đều bị vua soi cả; và mỗi lần soi như thế, vua ngao ngán thấy hiện lên trong kính hình một con khỉ, một con heo, một con dê hay môt con ngựa …
Có một hôm vua không thể giữ được bí mật, nói thật sự trần truồng ấy cho Thừa tướng Hoàng Cái rõ. Hoàng Cái giận lắm, nhất định không tin, đòi cho mình được xem tận mắt sự thật ấy. Vua nài nỉ mãi, Lý Mậu mới chịu để cho Hoàng Cái nhìn vào kính. Hoàng Cái chăm chú nhìn qua cái vòng tròn bằng sắt có những cái giải lụa ngũ sắc vấn ở chung quanh nhưng không thấy gì khác hơn là bộ mặt quen thuộc hằng ngày của các đình thần, mặc dù bên tai mình tiếng Lý Mậu niệm chú mỗi lúc mỗi nghe rõ. Hoàng Cái bỗng phát cười, cười ngất, cười rũ rượi. Vua và Lý Mậu ngạc nhiên nhìn sững Thừa tướng, e ngại … Vua hỏi:
– Thừa tướng nhìn thấy gì mà khoái trá dữ vậy?
– Tâu Hoàng Thượng, thần không thể nói ra được.
– Vì sao?
– Tâu, vì sợ lậu thiên cơ.
Vua xây lại phía Lý Mậu, hỏi:
– Có thể nói ra mà không lậu thiên cơ không?
Lý Mậu suy nghĩ một hồi, rồi trả lời:
– Nếu nói cho thần nghe một mình thì không lậu thiên cơ.
Hoàng Cái cãi:
– Nói cho đạo sĩ, thì tưởng không cần thiết, vì đạo sĩ có thiên nhãn thông, chắc đã thấy rồi. Nếu có cần nói thì nói cho Hoàng Thượng biết mà thôi. Thần tưởng nếu Hoàng Thượng không nói lại cho ai biết thì chắc cũng không lậu thiên cơ.
Vua Ðột Quyết hứa sẽ hoàn toàn giữ bí mật, và nghiêng tai về phía Hoàng Cái. Hoàng Cái nói nhỏ vào tai vua, nhưng Lý Mậu cũng lắng nghe được:
– Tâu Hoàng Thượng, thần nhìn qua tấm kính, soi tất cả đình thần nhưng nhìn ở đâu cũng chỉ thấy một con khỉ đột, mà mặt mày lại giống in hệt đạo sĩ.
Lý Mậu tức giận xám mặt, bỏ cái kính hiện nguyên hình vào đãy, xô ghế đứng dậy. Vua vừa tức giận Hoàng Cái, vừa lo sợ Lý Mậu giận bỏ về núi, truyền lịnh bãi chầu.
Quả nhiên Lý Mậu truyền đệ tử sắp đặt trở về núi Bảo Trúc thật! Vua được tin vô cùng bối rối, sang tư dinh Lý Mậu, năn nỉ đạo sĩ ở lại. Lý Mậu bảo rằng: trước một sự nhục mạ như vậy, mình không thể hành đạo được nữa. Vua hứa sẽ cất chức Thừa tướng Hoàng Cái và giao phó chức ấy cho Lý Bá, đạo sĩ Lý Mậu mới chịu ở lại.
Vua thực hành theo đúng lời hứa của mình. Từ đấy Hoàng Cái chỉ giữ chức Binh Bộ đại thần, còn chức Thừa tướng thì Lý Bá đảm nhiệm. Và cũng từ ngày ấy, sự hiềm khích giữa hai nhóm Lý Mậu và Hoàng Cái lại càng quyết liệt và chờ ngày bùng nổ.
CHƯƠNG XI:
LỘ NGUYÊN HÌNH
Từ ngày thứ phi Hoàng Hoa được Lý Mậu chữa khỏi bệnh điên, Tây cung vẫn sống trong cảnh im lìm, không người lai vãng. Lý Mậu dã tâu với vua để cho thứ phi được tịnh dưỡng, không một ai, kể cả vua, được lui tới khuấy phá sự yên tĩnh của nàng, sợ bệnh điên lại tái phát.
Thứ phi nhờ thế, được sống một mình thư thả trong cung, và không sợ một ai bên ngoài dòm ngó. Tuy thế, Tây cung chỉ yên tĩnh ở bên ngoài, chứ bên trong, qua đường hầm bí mật, Lý Bá và Lý Mậu vẫn lui tới thăm viếng, yến ẩm vui vầy. Chính Tây cung là nơi hội hợp, bàn mưu sắp kế của họ. Cứ năm bảy hôm, họ lại họp mặt nhau ở đây một lần. Mỗi người đều theo đuổi một mục đích riêng, một tham vọng riêng, nhưng họ đã hợp lực với nhau trong một công tác chung: thứ phi Hoàng Hoa thì mong sao cho việc của mình được giữ kín và sự sanh nở của mình được vuông tròn mà không ai hay; Lý Bá thì hy vọng sẽ nắm hết quyền hành trong tay, hất Hoàng Cái khỏi chức Thừa tướng để chờ cơ hội thuận tiện chiếm đoạt ngôi vua; còn Lý Mậu thì đêm ngày nuôi mộng bành trướng cái đạo phù thủy của mình thành một quốc giáo và mình trở thành quốc sư. Ba người ba chí hướng, nhưng họ rất hợp ý với nhau, và vui mừng nhận thấy âm mưu của họ dần dần được thực hiện đúng theo kế hoạch và đã thành công gần chín phần mười.
Hôm nay, sau khi Hoàng Cái bị giáng chức và Lý Bá được vua giao phó chức Thừa tướng, bộ ba ấy lại họp mặt nhau tại Tây cung vào lúc đầu canh ba.
Hoàng Hoa, mẵc dù đã gần ngày sanh nở nhưng cũng đứng ra tự tay mình chúc rượu mừng đạo sĩ và quan Thừa tướng mới. Họ mừng rỡ vì không ngờ đoạt được chức Thừa tướng của Hoàng Cái một cách dễ dàng giản dị như vậy. Theo họ, từ đấy, địa vị cũng như thế lực của Hoàng Cái sẽ lu mờ dần trước khi vào bóng tối, và giai đoạn chót của âm mưu của họ sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Nhưng Hoàng Hoa không khỏi thắc mắc lo ngại về sự sắp sanh nở của mình. Nàng nói:
– Xin đạo sĩ và tân Thừa tướng hãy trù nghĩ gấp kế hoạch bảo toàn sự sinh nở cho thiếp. Thiếp không khỏi lo ngại mỗi khi nghĩ đến vấn đề này.
Lý Bá để chén rượu xuống bàn, cười ha hả, nói vẻ trêu cợt:
– Lo làm gì cho mệt xác! Một vị Thừa tướng nắm trọn quyền sinh sát trong tay mà không bảo đảm được cho một đứa hài nhi sắp ra đời hay sao?
Lý Mậu tiếp lời:
– Hãy gác chuyện ấy lại! Chúng ta hãy say sưa một đêm cho thỏa thích để mừng quan Thừa tướng mới. Chuyện sinh nở sẽ bàn sau.
Hoàng Hoa, mặc dù trong lòng không yên, nhất là từ chiều hôm nay, đứa nữ tỳ thân tín bỗng nhiên biệt tích, nhưng thấy vẻ tự tin của hai người đàn ông, nên nàng cũng không buồn khẩn khoản thêm nữa để khỏi mất vui trong bữa dạ yến. Nàng định bụng để đến cuối buổi tiệc sẽ gợi lại chuyện ấy.
Trong khi ba người đang yến ẩm vui vầy như vậy, thì tại tư thất quan Binh Bộ đại thần Hoàng Cái, các võ quan thân tín đang hỏi cung con nữ tỳ của thứ phi Hoàng Hoa. Nó bị bọn tình báo của Hoàng Cái bắt cóc từ chiều trong khi đi ra chợ mua một ít thức ăn cho buổi dạ tiệc. Nó bịt bịt mắt và đem vào tư dinh quan đại thần Hoàng Cái. Khi được mở mắt ra, nó kinh hãi nhận thấy hai hàng lính hộ vệ gươmg giáo sáng ngời, đứng hai bên và phía trong cùng, đại thần Hoàng Cái và các võ quan cao cấp đang ngồi nghiêm chỉnh trên những chiếc ghế tràng kỷ và đang nghiêm khắc nhìn nó. Ở chính giữa, các dụng cụ tra tấn như roi sắt, kềm kẹp, đinh ba, hỏa lò, chảo dầu … được bày quanh nó.
Hoàng Cái dõng dạc hỏi:
– Nữ tỳ kia! Mi biết vì sao? Vì mi bị bắt dẫn đến đây không?
Nữ tỳ run cầm cập trả lời:
– Bẩm … bẩm đại thần, con không hiểu gì cả. Con đang mua thức ăn bỗng bị bốn người đến bịt mắt, bắt dẫn đi.
– Mi mua thức ăn để làm gì?
Nữ tỳ ấp úng không trả lời được.
Hoàng Cái nạt:
– Ta hỏi mi mua thức ăn để làm gì, sao mi không trả lời? Quân bay, căng nọc nó ra đánh một trăm hèo!
Có tiếng dạ rân tứ phía. Nữ tỳ hốt hoảng thưa:
– Dạ, dạ, dạ, con xin trả lời. Con mua thức ăn vì hôm nay thứ phi có thiết tiệc đãi …
– Ðãi ai?
– Dạ, dạ! Ðãi Thừa tướng Lý Bá và đạo sĩ Lý Mậu.
Hoàng Cái làm ra vẻ không tin:
– Con này to gan thật! Mi dám đặt điều nói dối cho thứ phi và quan Thừa tướng mới. Quân bay! căng nọc nó ra …
– Da … dạ, con đâu dám đặt điều nói dối. Chính đại thần Lý Bá và đạo sĩ Lý Mậu thường đến họp mặt nhiều làn tại Tây cung, chứ không phải một lần này.
– Tây cung là nơi Hoàng Thượng đã truyền lịnh không ai được lui tới, đêm ngày cửa đóng then gài, sao ngươi lại bảo các người ấy thường họp mặt tại đấy? Họ đi ngã nào vào đấy được?
– Da, họ đi theo một đường hầm từ ngoài thành vào thẳng Tây cung.
Quan đại thần Hoàng Cái bỗng truyền lệnh dẫn một tên tù vào. Tên này tay chân đều bị xiềng xích, mình mẩy đầy những vết phỏng. Ðại thần Hoàng Cái chỉ vào tên tù nói với con nữ tỳ :
– Mi có biết tên tù này vì sao mà bị phỏng cả mình mẩy như vậy chăng? Nó bị tra bằng kềm nóng, nghĩa là kềm đốt nóng và kẹp vào thịt. Nó bị như vậy vì đã khai gian dối. Mi là tay chân thân tín của thứ phi, mi biết tất cả công việc bí mật trong Tây cung. Vậy nếu mi biết ăn năn hối cải, cứ sự thật mà khai ra thì ta tha tội mà còn trọng thưởng. Nếu mi khai gian dối thì sẽ bị tra tấn như thế đó, mà tánh mạng cũng không thể nào bảo toàn được.
Nữ tỳ giương đôi mắt kinh hãi nhìn tên tù, mình mẩy lở lói và cháy nám từng đám lớn, nó run cầm cập xin cam đoan khai tất cả sự thật tại Tây cung.
Do lời khai ấy, đại thần Hoàng Cái biết được thứ phi Hoàng Hoa tư thông với Lý Bá đã có thai gần ngày sanh; để đánh lừa vua và triều đình, nàng đã giả điên, đập phá đồ đạc trong Tây cung. Lý Bá bàn mưu với nàng mời tên phù thủy Lý Mậu là bà con chú bác với Lý Bá về chữa cho nàng. Trước khi ra đi mời, Lý Bá đã cho người thân tín đi phao đồn có thánh nhân ra đời, bằng cách bắt cá lóc khắc chữ trên đầu rồi đem ra chợ bán, lấy mật viết lên trái cây và lá cây để kiến gặm thành chữ … Lý Bá lại còn gây uy tín cho Lý Mậu bằng cách đi bộ theo đám rước và mỗi bước là mỗi lạy, và bày đặt ra vụ hồn ma của quan đề đốc Thanh Phong nhập vào thứ phi Hoàng Hoa để chữa trị cho nàng khỏi bệnh điên … Tất cả mọi chi tiết nhỏ nhặt, tên nữ tỳ đều rành mạch khai ra không sót.
Ðại thần Hoàng Cái lại bảo:
– Ngươi đã thành thật khai ra nhiều sự việc quan trọng, ta sẽ tâu với hoàng thượng tha tội cho ngươi. Nhưng còn một điều ta muốn biết là “tấm kính hiện nguyên hình” của tên phù thủy Lý Mậu. Ngươi có nghe thứ phi nói gì về tấm kính ấy không?
Tên nữ tỳ im lặng một lúc, như để nhớ lại chuyện gì, rồi thưa:
– Thưa Ðại thần, một hôm Lý Bá và Lý Mậu đăng ăn uống say sưa trong cung, thì thứ phi lén lấy tấm kính ấy ra chiếu vào hai người. Lý Bá nhìn thấy, hốt hoảng đứng dậy, định giựt tấm kính trên tay thứ phi. Nhưng Lý Mậu trong cơn say, không kiểm soát được lời nói và cử chỉ của mình, đã điềm nhiên ngồi cười “ha hả”, như không quan tâm đến việc bửu bối của mình đã bị người lấy. Lý Mậu để cho thứ phi soi một hồi rồi hỏi:
– Có thấy gì không?
Thứ phi lắc đầu. Lý Mậu cười ngất rồi đưa cái đãy cho thứ phi và bảo:
– Muốn thấy ma quỷ, thú vật thì hãy lắp thêm những tấm kính có vẽ sẵn hình ảnh này vào. Nhưng phải tập làm cho lẹ tay để đừng bị bắt quả tang đấy.
Sau khi tỉnh rượu, Lý Mậu tỏ vẻ hối tiếc vì đã cho thứ phi biết trò lừa bịp của mình, nhưng đã muộn.
Ðại thần Hoàng Cái lại hỏi:
– Buổi họp mặt hôm nay tại Tây cung sẽ bắt đầu vào lúc mấy giờ?
– Thưa đại thần, thường thường các buổi họp đều bắt đầu vào lúc canh ba.
Hoàng Cái vội vàng truyền lệnh cho các võ tướng sẵn sàng chuẩn bị đi vào Hoàng cung, bố trí mai phục tại các ngã đường và bảo con nữ tỳ cùng ba vệ sĩ đợi sẵn mình tại đầu miệng hầm. Hoàng Cái nai nịt gọn gàng và mang theo thanh bảo kiếm đi vào điện vua Ðột Quyết.
Vua đang ngồi học niệm phù chú nghe quan ngự lâm tâu có quan đại thần Hoàng Cái xin vào yết kiến, ngài rất ngạc nhiên và truyền cho vào. Hoàng Cái vái chào vua và tâu ngay:
– Tâu Hoàng Thượng, thần được mật báo có âm mưu cướp đoạt ngai vàng. Xin Hoàng Thượng hãy mau mau đi theo đại thần để chứng kiến tậm mắt những hành động bội phản của một nhóm đình thần.
Vua hỏi vẻ lo lắng:
– Mật báo có chắc đúng không?
– Xin Hoàng Thượng hãy kíp theo hạ thần để thấy đúng hay sai.
Vua vội vã choàng áo bào vào, rồi đi theo Hoàng Cái. Hoàng Cái dẫn vua đến miệng hầm là nơi đang có nữ tỳ và ba vệ sĩ đợi sẵn. Nữ tỳ hướng dẫn đoàn người đi xuống hầm. Ðường hầm tối om, dài độ năm trăm thước, nhưng để giữ bí mật. Hoàng Cái không cho thắp đèn đuốc và truyền lệnh tuyệt đối giữ im lặng, ai bất tuân sẽ chém đầu ngay. Khi đi gần đến cuối hầm, thấy lờ mờ có ánh sáng từ bên kia cửa hầm lọt vào và nghe có tiếng cười nói. Hoàng Cái ra hiệu cho mọi người dừng lại, đứng nghe ngóng.
Tiếng ba người ở trong phòng nghe rõ mồn một. Hình như buổi tiệc đã gần tàn và họ sắp sửa giải tán. Có tiếng xô ghế đứng dậy và tiếng chào từ giã. Nhưng thứ phi Hoàng Hoa cầm Lý Bá ở lại để bàn vấn đề giữ bí mật cho sự sinh nở của nàng, và kế hoạch tráo đổi hài nhi như Lý Bá đã có nói cho nàng biết trước kia. Lý Bá bỗng cười chế riễu thứ phi, chàng nói:
– Kế hoạch tráo đổi hài nhi xưa rồi! Trưóc kia, khi ta chưa nắm được thế lực trong tay thì còn phải che giấu, tráo đổi hài nhi, chứ bây giờ tất cả quyền hành đã vào trong tay ta rồi, thì cần gì phải làm như vậy? Trong một ngày không xa nữa, ta sẽ buộc lão Ðột Quyết nhường ngôi lại cho ta, khi ấy nàng sẽ là chánh hậu, con nàng sẽ là Ðông cung thái từ, còn ai vào đó nữa mà phải bày trò tráo đổi hài nhi cho mệt xác?
Câu nói của Lý Bá vừa dứt, thì Hoàng Cái và bọn vệ sĩ cũng vừa phá cửa hàm nhảy vào phòng. Ba người bất ngờ không kịp đề phòng đã bị bắt quả tang trước sự chứng kiến của vua Ðột Quyết. Họ bị ba vệ sĩ bắt trói lại dẫn vào ngục thất để chờ ngày ra pháp trường đền tội.
Ngồi trong ngục thất, ca ba người đều rất hối hận: vì không tin “Bài học ngàn vàng” (hay luật nhơn quả” nên mới đưa đến “hậu quả rất tai hại” thế này!! …