GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 37
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 2)

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

10. Ngài Thiện Hiện nói: Sáu pháp qua bờ(1), mỗi pháp đều có hai phương diện: thế gian và xuất thế gian. Nếu khi thực hành pháp bố thí mà lấy cái sở đắc làm phương tiện, vướng mắc vào ba vầng(2) mà bố thí: tức khởi ý niệm có mình bố thí, có người nhận bố thí, và có vật được dùng để bố thí; đó là thế gian. Nếu ba vầng thanh tịnh(3), tuy có hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề mà không thấy có một tướng nhỏ mảy may nào; đó là xuất thế gian. Các pháp trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cũng đều như vậy.

11. Ngài Thiện Hiện bảo các vị thiên tử rằng: Về vấn đề này tôi chưa hề nói một chữ nào, quí vị cũng chưa từng nghe, thì lấy gì để hiểu! Vì sao? Tuệ giác siêu việt rất sâu xa, vượt lên trên tất cả văn tự và ngôn thuyết. Từ trong tuệ giác siêu việt đó, người nói, người nghe và cái để có thể hiểu, đều không thể nắm bắt được. Cái chân tướng của quả vị giác ngộ cao tột mà tất cả các đức Như Lai chứng đắc, cũng sâu xa như vậy.

12. Lúc bấy giờ ở trong pháp hội, có một vị tì kheo thầm nghĩ rằng, ta nên kính lễ pháp tuệ giác siêu việt. Trong đó tuy không có các pháp sinh diệt, nhưng có thể hiện bày giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn;(4) cũng có thể hiện bày quả Dự-lưu, quả Nhất-lai, quả Bất-hoàn, quả La-hán; cũng có thể hiện bày quả Độc-giác; cũng có thể hiện bày quả Bồ-đề Vô-thượng; cũng có thể hiện bày Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo; cũng có thể hiện bày chuyển bánh xe diệu pháp1 để hóa độ các loài hữu tình. Đức Phật biết được ý nghĩ ấy, liền bảo vị tì kheo: Đúng vậy! Đúng vậy! Tuệ giác thật cao sâu vi diệu, rất khó lường!

13. Phật bảo ngài Xá Lợi Tử: Các pháp không thể nắm bắt; thực tướng chân như của các pháp2 cũng không thể nắm bắt; vì sao? Các pháp trong thế gian còn không thể nắm bắt được, huống chi là thực tướng chân như của các pháp, thì làm sao mà nắm bắt được! Khi đức Phật nói về tướng chân như này thì một vạn ba ngàn vị tì kheo dứt hết lậu hoặc, tâm trí bừng sáng, chứng quả A-la- hán; năm ngàn vị Bồ-tát lớn chứng vô sinh nhẫn; sáu vạn vị Bồ-tát dứt hết lậu hoặc, tâm trí rỗng sáng, chứng quả A-la-hán. Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Tử: Sáu vạn vị Bồ-tát này, trong quá khứ đã từng cúng dường năm trăm đức Phật. Ở nơi mỗi đức Phật, quí vị ấy đều phát nguyện lớn, xuất gia tu hành, nhưng chỉ tu tập năm pháp qua bờ mà không phát nguyện tu pháp trí tuệ, mà cũng không có phương tiện thiện xảo, khởi tư tưởng dị biệt, và thực hành những hạnh dị biệt. Trong khi tu tập các pháp qua bờ thì ba vầng không thanh tịnh, còn vướng mắc vào các tướng, không chứng nhập được quả vị chánh tín li sinh(5) của Bồ-tát. Tuy có hạnh nguyện Bồ-tát, có tu tập ba cửa giải thoát(6), nhưng vì xa lìa trí tuệ và sức phương tiện thiện xảo, cho nên thực tế chứng đắc chỉ là quả vị Thanh-văn mà thôi!

14. Phật bảo ngài Thiện Hiện: Nếu một vị Bồ-tát nghe Phật nói pháp mà phát sinh lòng tin hiểu sau xa, hoàn toàn không nghi ngờ, không mắc vào giới cấm thủ, không rơi vào ác kiến, không bám vào những việc tốt đẹp thuộc thế tục, đó là thanh tịnh. Vị Bồ-tát ấy trọn đời không kính lễ các vị thiên thần nào khác (như các ngoại đạo ở thế gian từng thờ kính), cũng không dùng các vật dụng trang nghiêm để cúng dường thiên thần và ngoại đạo; nếu thành tựu các hành trạng như thế, phải biết rằng, đó là vị Bồ-tát bất thối.

15. Phật bảo ngài Thiện Hiện: Tất cả các bậc Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, Lahán, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật, đều từ vô vi mà hiển thị. Thực ra trong pháp vô vi không có sai biệt, ta chỉ y theo thế tục mà nói hiển thị, chứ không y theo thắng nghĩa(7), vì ở trong thắng nghĩa không có ngôn thuyết cũng như trí tuệ phân biệt, cho nên không thể có hiển thị. Các pháp quá khứ còn không có, huống hồ là vị lai, nhưng vì các loài hữu tình đều không hiểu biết tự tướng của các pháp đều không, cho nên, vì làm lợi ích cho họ, ta phương tiện nói đến quá khứ, vị lai; kì thật, trong cái tính không của tự tướng các pháp đó, cả quá khứ và vị lai đều không thể nắm bắt.

16. Phật bảo ngài Thiện Hiện: Ba cửa giải thoát thu nhiếp tất cả các pháp. Một, cánh cửa giải thoát KHÔNG, là quán chiếu thấy rõ tất cả các pháp đều không; hai, cánh cửa giải thoát VÔ TƯỚNG, là quán chiếu thấy rõ tất cả các pháp đều xa lìa hình tướng; ba, cánh cửa giải thoát VÔ NGUYỆN, là quán chiếu thấy rõ tất cả các pháp đều xa lìa niệm mong cầu; không thông qua ba cánh cửa giải thoát này, thì dù có tu tập pháp môn gì cũng không thể tiến triển được.

 

CHÚ THÍCH

1. Giáo pháp của Phật như bánh xe xoay vòng, có thể chuyển phàm thành thánh, có thể phá sạch tất cả phiền não, gọi là pháp luân; nói giáo pháp, độ chúng sinh, gọi là chuyển pháp luân.

2. Do phép quán pháp không mà thấy rõ pháp là không, thì thấy được chân như, gọi đó là pháp không chân như. Nếu quán chiếu thấy các pháp đều không tức là thấy được thật tướng chân như của các pháp. Trên thực tế, các pháp đều không có tự tánh, tức là đương thể tức không, cho nên chân như của các pháp là chính ngay nơi sự hiện hữu của các pháp.

 

PHỤ CHÚ

1) Sáu pháp qua bờ (lục độ): Người Trung-hoa dịch âm tiếng Phạn “paramita” thành “ba-la-mậtđa”, hay gọn hơn là “ba-la-mật”, và dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, hay “độ”. Nghĩa tiếng Việt của từ “đáo bỉ ngạn” là bờ bên kia, và của từ “độ” là qua, vượt qua, đưa qua (sông). Đạo Phật thường ví vô minh, mê muội như là dòng sông (sông mê), và sinh tử luân hồi như là biển cả (biển sinh tử). Vậy, “qua bờ” (sông, biển) là vượt qua sông mê để đến được bờ giác ngộ, vượt qua biển sinh tử để đến được bến giải thoát. Sáu pháp qua bờ là sáu hạnh tu tập lớn lao của người phát tâm Bồ-tát. Nhờ thực hành sáu đại hạnh này mà Bồ-tát có thể tự mình vượt thoát (tự độ) và đưa bao nhiêu người khác vượt thoát (độ tha) ba cõi, đến được bờ bến giác ngộ giải thoát. Sáu pháp qua bờ gồm có:

1) Bố thí: Trong tất cả mọi trường hợp, hành giả biết đem khả năng (tài vật, hiểu biết, thương yêu v.v…), thì giờ và tâm lực để phục vụ giúp đời.

2) Trì giới: Giữ gìn giới hạnh để ngăn ngừa tội lỗi, tạo cho mình cái phong cách đoan trang, hành vi chính đáng, nói năng chân thật, hòa ái, gây niềm tin tưởng cho mọi người, giúp cho sự hóa độ được thành tựu viên mãn.

3) Nhẫn nhục: Luôn luôn có thái độ hòa nhã, an nhiên, tự tại trong mọi trường hợp, nghịch cảnh cũng như thuận cảnh, thất bại cũng như thành công, chưa chứng đắc cũng như đã chứng đắc.

4) Tinh tấn: Ý chí kiên trì, dũng mãnh, luôn luôn thăng tiến trong sự nghiệp giác ngộ giải thoát.

5) Thiền định: Tâm ý hoàn toàn lắng đọng, không còn vọng tưởng, an trú vững chắc trong chánh niệm.

6) Trí tuệ: Tuệ giác sáng tỏ sau khi đã diệt trừ sạch hết mọi kiến chấp, phiền não và vô minh, thấy rõ thực tướng của vạn pháp.

(Xin xem thêm sách Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản do Hạnh Cơ biên soạn, Làng Cây Phong xuất bản, tại Montreal, năm 1996.)

2) Ba vầng (tam luân): là ba thành phần làm nên một toàn bộ của một hạnh tu. Từ này được đặc biệt dùng cho sáu pháp qua bờ. Ba vầng của pháp bố thí là người cho, người thọ nhận, và vật đem cho; của pháp trì giới là người giữ giới, giới được giữ, và sự phạm hay không phạm giới; của pháp nhẫn nhục là người chịu nhẫn, đối tượng phải chịu nhẫn, và sự động hay không động tâm; của pháp tinh tấn là người tinh tấn, đối tượng cần tinh tấn để đạt đến, và tính siêng năng hay lười biếng; của pháp thiền định là người thiền định, cảnh giới của thiền định, và sự có hoặc không có thiền vị; của pháp trí tuệ là người có trí tuệ, bản tánh của vạn pháp, và tướng trạng của vạn pháp.

3) Ba vầng thanh tịnh (tam luân thanh tịnh): Khi tu tập sáu pháp qua bờ, dù ở bất cứ pháp nào, hành giả chỉ biết một mực tu tập mà không để tâm chấp trước vào ba vầng, không mong cầu phước báo hữu lậu, gọi là ba vầng thanh tịnh. Ví dụ, khi tu hạnh bố thí, hành giả nên bố thí một cách vô tâm, không để ý rằng mình chính là người bố thí, người kia là người thọ nhận vật bố thí của mình, và của cải (nhiều ít, tốt xấu v.v…) này chính là do mình đem cho người. Nếu để ý tới mình là người đem cho thì sinh lòng tự đắc, để ý tới người thọ nhận thì sinh lòng thương hại hoặc khinh mạn, để ý đến của cải đem cho thì sinh tâm phân biệt, so đo, đôi khi còn hối tiếc, và như thế tức là tâm đã bị nhiễm ô; ngay cả khi bố thí một cách vô tâm mà lại mong cầu mai sau sẽ được phước, được đền ơn, được gặp quả báo tốt, v.v… thì tâm vẫn bị nhiễm ô, gọi là “ba vầng không thanh tịnh” (tam luân bất tịnh), chẳng được phước báo gì, hoặc chỉ được chút ít phước báo hữu lậu ở thế gian mà thôi. Hành giả thực hiện hạnh bố thí với tâm hoàn toàn vô tư như trên, thể hội tánh tướng của ba vầng đều không, không vướng mắc cũng không mong cầu, gọi là ba vầng thanh tịnh; đó chính là bố thí ba la mật (hay bố thí độ).

4) Năm uẩn vô lậu (vô lậu ngũ uẩn): Giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, và giải thoát tri kiến uẩn, là năm thứ công đức vô lậu tập hợp thành cảnh giới giác ngộ cao tột của bậc Vô-học (tức là quả vị A-la-hán của tiểu thừa và quả vị Phật-đà của đại thừa), cho nên chúng được gọi là “năm uẩn vô lậu”. Theo sự giải thích của Phật giáo tiểu thừa, giới uẩn tức là hai nghiệp thân và ngữ vô lậu; định uẩn tức là ba thứ tam muội không, vô tướng và vô nguyện; tuệ uẩn tức là chánh tri, chánh kiến của bậc Vô-học; giải thoát uẩn tức là sự thắng giải tương ưng với chánh kiến; và giải thoát tri kiến uẩn tức là tận trí (đoạn tận phiền não mà chứng nhập trí tuệ vô lậu của bậc Vô-học) và vô sinh trí (trí tuệ biết rõ là trí tuệ của mình không bị thối thất). Đối lại với năm uẩn vô lậu là năm uẩn hữu lậu, tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là năm yếu tố làm thành hữu tình chúng sinh.

“Năm uẩn vô lậu” là cách gọi khác của “năm phần pháp thân” (ngũ phần pháp thân), là năm thứ công đức vốn có đầy đủ trong tự thể của Phật. Theo sự giải thích của Phật giáo đại thừa, tự thể của Phật vốn đầy đủ năm thứ công đức, đó là: 1) Giới thân tức là giới pháp thân, là thân ngữ ý của Phật đều thanh tịnh, không bao giờ có lầm lỗi nhỏ nhặt nào; 2) Định thân tức là định pháp thân, là chân tâm tịch tịnh của Phật, tự tánh bất động, hoàn toàn xa lìa mọi vọng niệm; 3) Tuệ thân tức là tuệ pháp thân, cũng là căn bản trí, là chân tâm rỗng sáng của Phật, tự thể không hôn ám, thấu suốt pháp tánh; 4) Giải thoát thân tức là giải thoát pháp thân, là tự thể không hệ lụy của Phật, giải thoát tất cả mọi ràng buộc; 5) Giải thoát tri kiến thân tức là giải thoát tri kiến pháp thân, là tuệ giác của Phật chứng biết tự thể xưa nay vốn không nhiễm ô, đã thật sự giải thoát.

Năm phần pháp thân ở trên, xét theo thứ tự nhân quả, thì do giới mà sinh định, do định mà phát tuệ, do tuệ mà được giải thoát, do giải thoát mà có giải thoát tri kiến. Nếu xét tổng quát hơn thì cả ba phần trước là giới, định và tuệ là nhân, còn hai phần sau là giải thoát và giải thoát tri kiến là quả. Nhưng dù nhân hay quả thì cũng phải đầy đủ cả năm thứ công đức trên mới làm nên thân Phật. Và nếu quán sát mối liên quan giữa năm uẩn hữu lậu với năm uẩn vô lậu (hay năm phần pháp thân), ta sẽ thấy, năm uẩn vô lậu (hay năm phần pháp thân) chính là năm uẩn hữu lậu đã được chuyển hóa; theo đó:

– sắc uẩn chuyển thành giới uẩn, hay giới thân;

– thọ uẩn chuyển thành định uẩn, hay định thân;

tưởng uẩn chuyển thành tuệ uẩn, hay tuệ thân;

– hành uẩn chuyển thành giải thoát uẩn, hay giải thoát thân;

– thức uẩn chuyển thành giải thoát tri kiến uẩn, hay giải thoát tri kiến thân.

Có khi HưƠNG được đem dùng để ví dụ cho pháp thân, cho nên năm phần pháp thân được gọi là “năm phần hương” (ngũ phần hương), tức giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, và giải thoát tri kiến hương.

5) Li sinh: Chữ “sinh” có nghĩa là sinh làm phàm phu, sinh vào ba cõi, do đó, sinh cũng là một tên khác của phiền não; “li sinh” nghĩa là vĩnh viễn xa lìa sự sinh vào ba cõi, tức là thoát li ba cõi. Hành giả tu tập đến khi dứt hết kiến hoặc, bước vào địa vị Kiến-đạo, thoát khỏi dòng phàm phu mà nhập vào dòng thánh (ở đây là chỉ cho bậc Sơ-địa của mười địa Bồ-tát), được gọi là “li sinh”. Vậy “Li-sinh” là một tên gọi khác của bậc Kiến-đạo.

6) Ba cửa giải thoát (tam giải thoát môn): tức là ba cánh cửa đưa hành giả đi vào cảnh giới giải thoát, chứng đạt niết bàn; đó là: 1) Không: Quán sát thấy rõ tất cả các pháp đều hiện hữu theo nguyên lí duyên sinh, không có tự ngã. Khi đã thông qua được cánh cửa “không” này thì tâm an nhiên tự tại, không còn vướng mắc vào bất cứ một pháp gì. 2) Vô tướng: Đã thấy rõ vạn pháp là không, hành giả sẽ nhìn vạn pháp bằng trí bình đẳng, không có các tướng trạng sai khác để có thể nắm bắt, không có nhận thức phân biệt đối với các pháp như tốt xấu, ít nhiều, hơn thua, phải quấy, nam nữ, v.v… Khi đã thông qua được cánh cửa “vô tướng” này thì tâm an nhiên tự tại, không còn vướng mắc vào bất cứ một hình tướng nào. 3) Vô nguyện (hay vô tác): Khi đã thấy rõ các pháp là vô tướng thì khắp trong ba cõi sẽ không có gì để mong cầu; không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp trong vòng sinh tử luân hồi, dứt trừ đau khổ, vượt thoát ba cõi, đạt đến cảnh giới giải thoát, chứng nhập niết bàn tịch tịnh.

7) Thắng nghĩa: cũng tức là “đệ nhất nghĩa”, là một thuật ngữ Phật học, dùng chỉ cho cái đạo lí chân thật, thù thắng hơn hết, không có thứ đạo lí nào của thế tục sánh bằng. Đó là cái cảnh giới vô tướng, siêu việt lên trên mọi khái niệm, không thể dùng ý thức để suy tư, không thể dùng văn tự để biểu thị, không thể dùng ngôn thuyết để diễn đạt, dứt tuyệt mọi tranh luận. Ví dụ, khi nói đến Chân Như, Niết Bàn, Như Lai v.v…, đó là nói đến thắng nghĩa. Những sự thật tương đối trong phạm vi thế gian, gọi là “tục đế”; những sự thật tuyệt đối thuộc xuất thế gian, gọi là “thắng nghĩa đế” (hay chân đế, hoặc đệ nhất nghĩa đế).

 

BÀI TẬP

1) Sáu pháp qua bờ, mỗi pháp đều có hai phương diện; hai phương diện đó là gì? Thử lấy pháp bố thí làm điển hình để nói về hai phương diện đó.

2) Hãy giải thích từ “chuyển pháp luân”.

3) Bồ-tát xuất gia, tu tập năm pháp qua bờ, tại sao lại thành đạt quả vị Thanh-văn?

4) Thành tựu được những hành trạng như thế nào mới được kể là hàng Bồ-tát bất thối?

5) Ba cửa giải thoát là gì? Ở mỗi cửa phải quán chiếu như thế nào? Nếu tu tập bất cứ pháp môn gì mà không thông qua ba cửa này thì kết quả sẽ thế nào?