GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 36
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 1)

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA1(1)

1. Chư vị Đại Bồ-tát nên dùng phương tiện vô trụ(2) mà an trụ nơi tuệ giác siêu việt(3), cả người an trụ và nơi an trụ đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô xả, làm cho toàn vẹn công đức bố thí siêu việt, cả người bố thí, người nhận của bố thí và vật được bố thí đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô hộ, làm cho toàn vẹn công đức trì giới siêu việt, cả tướng phạm giới và tướng không phạm giới đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô thủ, làm cho toàn vẹn công đức nhẫn nhục siêu việt, cả tướng động và tướng bất động đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô cần, làm cho toàn vẹn công đức tinh tấn siêu việt, thân tâm siêng năng hay biếng nhác đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô tư, làm cho toàn vẹn công đức thiền định siêu việt, có thiền vị hay không có thiền vị đều không vướng mắc; nên dùng phương tiện vô trước(4), làm cho toàn vẹn tuệ giác siêu việt, tánh hay tướng của các pháp đều không vướng mắc.2

2. Bồ-tát tu tập tuệ giác siêu việt, đối với tất cả các pháp, không chấp trước vào có hay không phải có, thường hay không phải thường, khổ hay vui, ngã hay vô ngã, tịch tịnh hay không tịch tịnh, không hay chẳng không, có tướng hay không tướng, có nguyện hay không nguyện; tương ưng với các pháp như thế thì mới nói được là tương ưng với tuệ giác siêu việt.

3. Các vị Đại Bồ-tát đã thấu đáo bản tánh của tất cả các pháp đều không, thì không có những kiến chấp như chê bai hay khen ngợi, tổn giảm hay ích lợi, kiêu mạn hay khiêm cung, siêng năng hay biếng nhác, trí tuệ hay ngu si, từ bi hay hung bạo, phải hay quấy, tịch tĩnh hay loạn động, sinh khởi hay tiêu diệt, v.v… Ở nơi chấp trước mà không chấp trước, cũng không có gì để chấp trước; vì sao? Vì bản tánh là không, cho nên vĩnh viễn đoạn trừ tất cả chấp trước hay không chấp trước.

4. Ngài Xá Lợi Tử3 hỏi ngài Thiện Hiện4 rằng: Tự tánh của tuệ giác siêu việt là gì? Tự tánh của các pháp là gì? Ngài Thiện Hiện trả lời: Vô tánh chính là tự tánh của tuệ giác siêu việt; vô tánh chính là tự tánh của các pháp. Do đó mà biết rằng, tuệ giác xa lìa tự tánh của tuệ giác, các pháp xa lìa tự tánh của các pháp; tuệ giác xa lìa tướng của tuệ giác, các pháp xa lìa tướng của các pháp; tánh cũng xa lìa tướng, tướng cũng xa lìa tánh; tánh cũng xa lìa tánh, tướng cũng xa lìa tướng. Nếu tu pháp mà không xa lìa tu tướng, không xa lìa cả pháp lẫn tướng, thì không phải là thật hành tuệ giác siêu việt.

5. Ngài Xá Lợi Tử hỏi ngài Thiện Hiện: Khi Bồ-tát tu tập tuệ giác, ở nơi tuệ giác đó không có gì để nắm bắt, ý nghĩa ấy thế nào? Ngài Thiện Hiện trả lời: Tuệ giác lấy vô tánh làm tự tánh, thì tự tánh không thể nắm bắt; tự tánh đã không thể nắm bắt thì chẳng có gì nữa để nắm bắt, chẳng có gì để chấp trước.

6. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Khi Bồ-tát tu tập tuệ giác, nên dùng cái tâm tương ưng với nhất thiết trí trí5(5) để quán chiếu các tướng trạng của các pháp như thường và vô thường, vui và khổ, ngã và vô ngã, tịnh và bất tịnh, không và chẳng không, có tướng và không tướng, có nguyện và không nguyện, xa lìa và không xa lìa, tịch tịnh và không tịch tịnh v.v…, tất cả những tướng trạng như thế đều không thể nắm bắt.

7. Ngài Thiện Hiện nói: Hàng Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đã không thấy các pháp có sinh có diệt, có đến có đi, có thêm có bớt, có dơ có sạch; cũng không thấy có tâm Thanh-văn, tâm Độc-giác, tâm Bồ-tát, hay tâm Như-lai; như thế gọi là tâm bình đẳng tuyệt đối của Bồ-tát.

8. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Bồ-tát nên dùng cái tâm nhất thiết trí trí cùng tâm đại bi làm thượng thủ, lấy cái không nắm bắt làm phương tiện, để an lập vô lượng hữu tình nơi pháp xuất thế, từ sáu pháp qua bờ cho đến tuệ giác vô thượng. Tuy là có những việc để làm nhưng không có một việc gì là chân thật; vì sao vậy? Vì tánh của các pháp vốn là không, tất cả đều như huyễn hóa.

9. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Khi Bồ-tát tu tập tuệ giác, tuy quán chiếu tất cả pháp đều không có sở hữu, không thể nắm bắt, rốt ráo thanh tịnh, cho nên không cưỡi xe lớn để ra nơi này vào nơi kia; nhưng cũng lấy cái không nắm bắt làm phương tiện để cưỡi xe lớn mà vượt thoát biển sinh tử ba cõi, đạt đến nhất thiết trí trí, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, cho đến suốt cùng vị lai, mãi mãi không bao giờ chấm dứt.

 

CHÚ THÍCH

1. Gọi tắt là Đại Bát Nhã Kinh, do pháp sư Huyền Trang (đời Đường) dịch, gồm có 600 quyển, là kinh điển chủ yếu trong toàn bộ kinh Bát Nhã.

2. Xin xem lại hai bài 11 và 12 ở sách Sơ Cấp.

3. Xin xem lại chú thích số 1, bài 15 ở trước.

4. Tu Bồ Đề dịch là Thiện Hiện, cũng dịch là Không Sinh, là một trong 10 vị đệ tử lớn của Phật, được xưng tụng là người hiểu rõ về tánh không bậc nhất; cho nên, nhờ uy lực gia hộ của Phật, ngài đã từng thuyết giảng về ý nghĩa thâm sâu của kinh Bát Nhã.

5. Đức Phật biết rõ tất cả các pháp, cho nên trí tuệ của Phật được gọi là “nhất thiết trí”. Nhất thiết trí cũng là một trong ba trí, nhưng nó thường dùng để chỉ cho trí tuệ của Thanh-văn, Duyên-giác; cho nên, để phận biệt, nhất thiết trí của Phật được gọi là “nhất thiết trí trí”, ý nói, đó là thứ trí tuệ thù thắng hơn hết trong các thứ trí tuệ.

 

PHỤ CHÚ

1) Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Maha-prajnaparamita-sutra), gọi tắt là Đại Bát Nhã, là bộ kinh do pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán văn vào đời nhà Đường, gồm 600 quyển, được coi là bộ kinh đồ sộ nhất trong kho thánh điển Phật giáo. Giáo lí Bát Nhã chỉ rõ, mọi hiện tượng trong thế gian đều do nhân duyên hòa hợp làm thành, bản chất chỉ là hư huyễn, trống rỗng, không chân thật; phải dùng trí tuệ quán chiếu mới thấy rõ cái chân tướng ấy, mới phá bỏ được những nhận thức sai lầm trước đó về sự vật, dứt trừ mọi ái chấp đối với thế gian, chứng nhập chân lí, đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát (tức thành Phật). Với nội dung như thế, giáo lí Bát Nhã được coi là loại lí luận cơ sở của Phật giáo đại thừa.

Bộ kinh Đại Bát Nhã (600 quyển) do ngài Huyền Trang dịch vốn không phải là một toàn bộ thuần nhất (có thuận tự mạch lạc xuyên suốt từ đầu đến cuối) từ nguyên thỉ, mà đó là một tập đại thành của nhiều bản kinh rời rạc nhưng cùng chứa đựng tư tưởng Bát Nhã. Nguyên vì, các kinh thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã vốn đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nói trong một thời gian dài, nhưng không phải liên tục một lần là xong, mà đã chia làm nhiều pháp hội, tại nhiều đạo tràng khác nhau (như Linh-thứu, Kì-viên, cung trời Tha-hóa-tự-tại, v.v…). Sau khi Phật nhập diệt, đến khoảng cuối thế kỉ thứ 1 đầu thế kỉ thứ 2 TL, các kinh thuộc hệ Bát Nhã mới bắt đầu được kết tập; nhưng cũng không phải kết tập đầy đủ một lần, tại một nơi và do một tập thể chư tăng nhất định nào, mà chúng đã được kết tập rải rác, trải qua thời gian lâu dài, tại nhiều địa phương khác nhau từ Nam-Ấn cho đến Bắc-Ấn.

Theo các nhà nghiên cứu Phật học, kinh Đạo Hạnh Bát Nhã (cũng có tên là Tiểu Phẩm Bát Nhã) là bản kinh xuất hiện đầu tiên trong các kinh thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã, vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2 TL. Bản Phạn ngữ của kinh này đã được ngài Trúc Phật Sóc (người Ấn) mang truyền vào Trung-quốc vào cuối đời vua Hán Hoàn đế (147-167), và được ngài Chi Lâu Ca Sấm (người nước Nhục-chi, đến Trungquốc vào năm 167) dịch ra Hán văn vào năm 169. Đó là bản kinh đầu tiên bằng Hán ngữ trong hệ Bát Nhã tại Trung-quốc. Sau đó, bản kinh này còn được nhiều vị khác nữa dịch lại, cho nên đã có nhiều bản dịch khác nhau, trong đó có bản dịch của pháp sư Huyền Trang. Ngài Huyền Trang đã dịch lại bản kinh này, và đặt thành “Hội Thứ Bốn” (Đệ Tứ Hội) trong bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sau Tiểu Phẩm Bát Nhã, các kinh khác như Đại Phẩm Bát Nhã, Thắng Thiên Vương Bát Nhã, Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã, v.v… tiếp tục xuất hiện và đều được phiên dịch ra Hán văn.

Như vậy, trước ngài Huyền Trang đã có nhiều bản kinh thuộc hệ Bát Nhã được phiên dịch, nhưng chúng chỉ là những bản kinh lẻ tẻ, chưa được hệ thống hóa cho hoàn bị; hơn nữa, chúng cũng còn thiếu sót nhiều, chưa được truyền đầy đủ vào Trung-quốc. Khi từ Ấn-độ trở về nước (năm 649) sau 17 năm du học, ngài Huyền Trang đã mang theo về rất nhiều kinh điển, trong đó có các bản kinh thuộc hệ Bát Nhã mà trước đó chưa được truyền vào Trung-quốc. Từ đầu năm 660, tại chùa Ngọc-hoa (trong kinh thành Trường-an), ngài Huyền Trang bắt đầu cho thâu thập tất cả những bản kinh Phạn ngữ thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã (gồm các bản do chính ngài mang từ Ấn-độ về và các bản vốn đã được truyền vào Trung-quốc từ trước), tổ chức một đàn tràng dịch kinh với qui mô rộng lớn (không phải với vài mươi vị mà tới hàng trăm vị), để chuyên dịch bộ kinh Đại Bát Nhã. Những kinh nào chưa dịch thì ngài dịch mới, những kinh nào đã được dịch từ trước thì ngài dịch lại, ròng rã trong 4 năm (từ đầu năm 660 đến cuối năm 663) thì hoàn tất, gồm cả thảy 600 quyển, đặt tên là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Từ bản dịch này của ngài Huyền Trang, ở Việt-nam, đại lão hòa thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch ra Việt văn, trải dài đến 8 năm (1972-1980) mới hoàn thành.

2) Vô trụ: “Trụ” nghĩa là ở yên một chỗ, trong Phật học nó còn được hiểu nghĩa bóng là bám giữ, chấp trước. “Vô trụ” là một thuật ngữ Phật học, có nghĩa là tâm không chấp trước vào một đối tượng nhất định. Tâm không bám giữ vào bất cứ một đối tượng nào thì tâm được tự tại vô ngại; đó là tâm giác ngộ giải thoát. Nếu “trụ” tức là vướng mắc, rồi phát sinh tham ái, đó là đầu mối của sinh tử luân hồi.

3) Tuệ giác siêu việt: Tiếng Phạn “bát-nhã” (prajna) được dịch nghĩa là “trí tuệ”, nhưng không phải là thứ trí tuệ thông thường ở thế gian, mà là thứ trí tuệ cao siêu, rốt ráo của các bậc giác ngộ. Tiếng

Phạn “ba-la-mật-đa” (paramita) được dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, tức là vượt khỏi ba cõi, đến bờ giải thoát. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi xin dịch chữ “bát nhã” là tuệ giác, chữ “ba la mật đa” là siêu việt; và gom hai chữ ấy lại là “tuệ giác siêu việt”.

4) Các từ “vô xả, vô hộ, vô thủ, vô cần, vô tư, vô trước”, xin xem lại phần chú thích ở bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I, do Hạnh Cơ dịch và chú thích bổ túc.

5) Nhất thiết trí trí: Từ này được dùng để chỉ cho tuệ giác siêu việt của Phật, là thứ trí tuệ thù thắng hơn hết trong các thứ trí tuệ. Trí tuệ của hàng Thanh-văn, Duyên-giác biết rõ tổng tướng của vạn pháp là tướng không, gọi là “nhất thiết trí”. Trí tuệ của các vị Đại Bồ-tát biết rõ biệt tướng (mọi tướng sai biệt) của các pháp (nhờ thế mà dùng nhiều phương tiện khác nhau để độ sinh), gọi là “đạo chủng trí”. Trí tuệ của chư Phật thì biết rõ cả tổng tướng và biệt tướng của vạn pháp, gọi là “nhất thiết chủng trí”, hay cũng gọi là “nhất thiết trí trí”. Sở dĩ gọi trí tuệ của Phật là nhất thiết trí trí, vì để phân biệt với “nhất thiết trí” của hàng Thanh-văn Duyên-giác.

 

BÀI TẬP

1) Bồ-tát tu tập tuệ giác siêu việt, cần tương ưng với những pháp nào mới có thể tương ưng với tuệ giác siêu việt?

2) Tự tánh của tuệ giác siêu việt là gì? Tự tánh của các pháp là gì?

3) Khi Bồ-tát tu tập tuệ giác, ở nơi tuệ giác đó không có gì để nắm bắt, không có gì để chấp trước; vì sao?

4) Sao gọi là tâm bình đẳng tuyệt đối của Bồ-tát?

5) Bồ-tát an lập vô lượng hữu tình nơi pháp xuất thế, tuy có những việc để làm mà không có việc nào là chân thật; vì sao?

6) Bồ-tát lấy gì làm phương tiện để có thể cưỡi xe lớn mà vượt thoát ba cõi, đạt đến nhất thiết trí trí, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36

1. Chỉ tiêu của tông Thành Thật chỉ đến quả A-la-hán mà thôi, không tiến thêm nữa để lấy quả Phật làm mục đích, cho nên không thể được liệt vào hàng các tông phái đại thừa. Tuy nhiên, những giáo nghĩa chính yếu mà tông này nêu lên, như quán chiếu ngã và pháp đều không, để đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng; như quán chiếu hai pháp sắc và tâm rốt cuộc là trống không v.v…, đều hàm chứa cái chất vị đại thừa. Tiếc thay, mức thành tựu tối hậu của nó lại chỉ hạn hẹp ở chỗ thân lạnh trí diệt để giải thoát sinh tử! Như thế có thể biết, đối với tông này, việc đoạn trừ kiến tư hoặc là chỉ cốt để chứng nhập vô dư niết bàn, đó là sự thực; còn như thành tựu sự nghiệp giác ngộ trọn vẹn, đạt được năm phần pháp thân của Như Lai, thì hoàn toàn không có khả năng!

2. Sắc tức là không, có nghĩa rằng, sắc là do duyên sinh cho nên không có tự tánh; đó chính là “đương thể tức không”. Điều đó nói lên rằng: Tự thể của sắc chỉ là sự giả hợp của rất nhiều điều kiện; nhưng nếu xét rõ từ đơn vị gốc của từng điều kiện ấy thì chẳng tìm thấy được cái gì là tự thể của sắc; cho nên nói sắc là không.

Đến như tông Thành Thật nói cực vi là không, thì có hai điểm không đúng: Điểm thứ nhất, không có “cực vi”. Ví dụ, đem hai phân tử cực vi chồng lên nhau tại một chỗ, khi hai thể cực vi ấy tiếp xúc nhau thì cũng giống như hai hạt bụi chạm nhau; vậy thì, cái chỗ mà chúng chạm nhau ấy chỉ là một điểm ư? Hay là toàn bộ? Nếu là toàn bộ thì biến thành một thể mà không thành hai thể; nếu chỉ là một điểm thì chỗ chúng chưa chạm nhau còn nhiều, vẫn còn có thể chia chẻ nữa, thế thì đâu có phải là cực vi?! Như vậy là cái nghĩa “cực vi” không thể thành lập được. Điểm thứ nhì, cực vi không phải là không. Bất luận là vật gì, dù đem chia chẻ cho đến cực vi thì nó cũng có một thể tích, chứ không thể nào là trống rỗng. Nói rằng đem cực vi chia chẻ đến vô hạn thì sẽ thành trống rỗng, thì lời nói này không phù hợp với sự thực. Đó chỉ là tư tưởng “biến kế sở chấp” của phái Thắng Luận ngoại đạo(1), không phù hợp với giáo pháp của Phật.

3. Nhà Phật nói: Sắc pháp là do nghiệp lực phát sinh, nếu nghiệp tiêu diệt thì sắc tự hủy hoại; đó là sắc pháp có sinh có diệt. Lại nói: Một người đắc đạo viên tịch thì cả mười phương hư không thảy đều tiêu mất. Đó là chánh báo diệt độ thì y báo cũng diệt độ. Nhưng các nhà vật lí học trước đây từng nêu lên thuyết “vật chất không mất”. Họ đã dùng phương pháp phân tích và tổng hợp trong hóa học mà chứng minh rằng, vật chất giảm ở chỗ này thì tăng ở chỗ kia, diệt ở nơi này thì sinh ở nơi khác; như thế là trái ngược với thuyết “vật chất có sinh tất có diệt” của nhà Phật. Nhưng từ sau khi nguyên tử năng được phát hiện, chứng minh rằng, vật chất có thể biến hóa thành ánh sáng và sức mạnh mà tiêu mất. Sự kiện đó đã phủ định thuyết “vật chất bất diệt” ở trước, lại chứng minh cho tính chính xác của học thuyết nhà Phật. Thế mới biết, khoa học càng phát triển, càng làm sáng tỏ giá trị của Phật học. Trong các tôn giáo, chỉ có Phật giáo là có thể cùng với khoa học soi sáng cho nhau.

4. Nhìn trong “Biểu Đồ 1”, thấy người đạt quả Bất-hoàn, cách thức chứng nhập niết bàn của họ có nhiều thứ, thì biết rằng, tất cả những người tu hành, căn khí của mỗi người đều khác nhau, mà các phiền não kiến tư của họ dầy mỏng cũng không giống nhau; bởi vậy, việc tu nhân và chứng quả của họ cũng muôn vàn sai khác. Đó đều là do tập khí của nhiều đời trước và công phu tu tập sâu cạn mà kết quả theo đó được hình thành. Đó là một việc. Đoạn trừ sạch hết kiến tư hoặc trong ba cõi mới chứng được quả A-la-hán. Đoạn hoặc cũng giống như chặt đứt tay chân, đã chặt rồi thì không chặt lại nữa, vì tay chân không sinh trở lại; nếu có thể sinh trở lại và phải chặt lại, thì không thể nói là đoạn trừ. Như vậy, cứ coi theo sự việc này, bậc A-la-hán đã đoạn trừ kiến tư hoặc trong ba cõi, đã đoạn hoặc chứng quả thì hoặc nhất định sẽ không nẩy mầm trở lại, và quả cũng nhất định sẽ không rơi mất nữa. Thế mới biết, các tiết nói rằng “Những vị A-la-hán căn cơ trì độn, nếu gặp ác duyên sẽ bị lùi trở lại quả Bất-hoàn, gọi là Thối pháp tướng…”, cho đến “… vì sợ rơi mất công quả nên thường muốn tự sát để nhập vô dư niết bàn, gọi là Tử tướng”, đó đều là phương tiện thiện xảo với mục đích giúp cho hành giả thấy được sự nguy hiểm của tâm biếng trễ, nhân đó mà luôn mãi tinh tấn dũng mãnh, không dám buông lung. Nếu xét một cách thực tế, đã đạt đến địa vị A-la-hán thì nhất định sẽ không đọa lạc trở lại vào ba cõi, mà công quả cũng không bao giờ rơi mất. Đó lại là một việc.

5. Đối với “Bát Nhã”, đừng có tư tưởng cho đó là ngoan không! Nếu không có gì hết thì hà tất đức Phật phải lập ra cái giả danh từ trong cái không đó?! Và sau khi lập xong rồi, lại phải dùng bao nhiêu là phương pháp, ngôn từ, tiêu phí thời gian mất 22 năm, để phá trừ nó, há chẳng là tự mình chuốc lấy phiền phức ư?! Giả sử bát nhã chỉ là hư vô, thì tại sao nó được khen ngợi là ngọn đèn sáng của năm pháp qua bờ(2), và là mẹ của chư Phật ba đời? Đức Lục Tổ từng tán dương kinh Bát Nhã rằng: “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là tôn quí hơn hết, là cao siêu tuyệt đỉnh; không ở, không đi, cũng không đến; chư Phật ba đời đều từ đó mà sinh ra.” Thế mới biết, trong quá trình tu đạo, giáo lí Bát Nhã chiếm một địa vị trọng yếu biết chừng nào! Nếu không có nó, một bước bình thường thôi, cũng không bước tới được! Nhưng ngược lại, cũng đừng nên bảo Bát Nhã là có! Nếu nó là có, thì tất nhiên có tánh có tướng, có thể dùng sáu căn sáu thức để biết nó. Và như vậy thì trong kinh không nên nói “Bát nhã lấy vô tánh làm tự tánh cho nên tự tánh không thể nắm bắt; tự tánh không thể nắm bắt cho nên không có gì để bám giữ, không có gì để chấp trước.”! Nói một cách tổng quát, tu tập Bát Nhã thì ở trong tâm hành giả, dạy cũng dạy không được, nói cũng nói không ra, bất luận ở nơi lí hay nơi sự, người trí thì nơi nào cũng khế hợp được với lí Bát Nhã, người ngu thì nơi nào cũng trái ngược với lí Bát Nhã. Hành giả nếu muốn hiểu rõ tường tận lí Bát Nhã, chỉ trông cậy vào sự lĩnh ngộ mà thôi. Nhưng có thể lĩnh ngộ hay không thể lĩnh ngộ, còn quan hệ tới chuyện có tu hành hay không tu hành; ngoài ra, thật không có biện pháp nào khác!

6. Kinh Đại Bát Nhã tổng cộng có 600 quyển. Đó là bộ kinh có số quyển nhiều nhất, mà cũng là dịch phẩm kiệt xuất nhất trong sự nghiệp phiên dịch kinh điển của pháp sư Huyền Trang; ngòi bút đã linh động, mà một chữ cũng không khinh suất, làm cho người đọc lòng dạ thư thái, lo phiền sạch không. Trên pháp hội Bát Nhã có một hiện tượng kì đặc đáng nên chú ý: Đó là tôn giả Thiện Hiện với thân Thanhvăn mà diễn nói ý nghĩa sâu xa của giáo lí Bát Nhã. Chiếu theo lí mà nói, loại giáo lí vi diệu cỡ ấy thì đến hàng đại Bồ-tát cũng còn không biết, huống chi là hàng Thanh-văn, mà lại còn diễn nói! Nguyên lai của sự việc này, chỉ là nhờ vào oai thần gia hộ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà khiến nên có kết quả như thế; tức là khiến cho kẻ tiểu cơ cũng tuyên nói được đại pháp. Như vậy, ở đây tôn giả Thiện Hiện nói giáo lí Bát Nhã, cũng tức là Phật nói. Trên pháp hội Hoa Nghiêm, tình hình cũng giống như vậy: Các vị Bồ-tát nói nghĩa lí vi diệu của Phật pháp cũng chính là nương vào oai thần gia hộ của đức Thích Tôn vậy.

7. Người tu hành đoạn hoặc tới đâu thì lìa khỏi được nơi nào? Người chỉ đoạn trừ các hoặc ở cõi Dục mà chưa đoạn trừ các hoặc ở cõi Sắc, chỉ có thể thoát ra khỏi cõi Dục mà thôi, chứ không thể thoát khỏi hai cõi Sắc và Vô-sắc; người chỉ đoạn trừ các hoặc ở cõi Dục và cõi Sắc mà chưa đoạn trừ các hoặc ở cõi Vô-sắc, chỉ có thể thoát khỏi cõi Dục và cõi Sắc, chứ không thể thoát khỏi cõi Vô-sắc.

Cũng giống như người thích kĩ nữ, cờ bạc và coi hát mà không thích uống rượu, thì chỉ có thể xa lánh quán rượu chứ không thể xa lánh vũ trường, sòng bạc và rạp hát. Cho nên, hành giả bằng vào chính sức mình để vượt thoát ba cõi, trước hết tất nhiên là bằng vào chính sức mình, phá trừ hết kiến tư hoặc trong ba cõi, chứng đạt quả vị A-la-hán, rồi mới vượt thoát ba cõi. Nếu còn sót một hào li nào chưa phá trừ, kiếp sau sẽ phải trở lại cõi này, đừng tưởng là rời khỏi được, khó lắm! Vì vậy cho nên, tu Tịnh-độ với pháp môn Niệm Phật, nhờ vào nguyện lực của Phật, trước là được sinh về nước Phật, thoát khỏi ba cõi, dứt sinh tử, sau đó sẽ dần dà đoạn trừ kiến tư hoặc; đó mới thật là một tính toán sáng suốt trong thời đại mạt pháp này. Ngoại trừ pháp môn này ra, đối với các pháp môn khác, với con người phàm phu nghiệp chướng sâu dầy trí tuệ yếu kém như chúng ta đây, sợ rằng trong một đời này không làm sao thành tựu được. Thảng hoặc không thể thoát khỏi ba cõi ngay trong đời này, mà những chủng tử ác nghiệp của ba đường dữ trong thức a-lại-da lại thành thục trước, thì trong kiếp sau không chắc gì còn giữ được thân người! Như vậy thì chẳng biết đến đời kiếp nào mới xa lìa được ba đường dữ, nói chi đến việc đoạn hoặc vượt thoát ba cõi. Đó là tự tin thái quá mà thành ra bị thiệt thòi vậy.

8. Tuy biết các pháp đều không, nhưng không bao giờ làm pháp ác, bỏ pháp lành; đã vậy, trong quá trình tu tập, tất cả những việc đáng làm đều nên làm, nhưng làm mà không chấp trước ở tướng pháp, tướng công đức, vĩnh viễn xa lìa hai bên, đứng vững ở trung đạo; đó là điểm tối trọng yếu của việc tu tập Bát Nhã, và có thế thì mới tương ưng với tuệ giác siêu việt.

9. Đoạn hoặc chứng quả đều chỉ do tâm thức, mà hoặc thì không có thực chất, tâm thì không có hình tướng; nếu một niệm giác ngộ thì các hoặc đều tiêu trừ, không nhất thiết phải y chiếu một thời gian hạn định nào. Trong giáo pháp tiểu thừa, như Quán Kinh có chép, vua Tần Bà Ta La ở trong ngục tối, vừa thấy được đức Thế Tôn ở ngoài xa, liền cúi đầu đảnh lễ, tức khắc chứng quả A-na-hàm! Lại như ngài A Nan, sau khi Phật diệt độ, khi khởi sự kết tập Ba Tạng, ngài vẫn chưa đoạn trừ sạch hết phiền não; bị tôn giả Đại Ca Diếp quở trách, không cho dự kết tập, ngài liền về phòng riêng nằm nghỉ, nhưng đầu chưa đụng gối thì hoát nhiên khai ngộ, chứng quả A-la-hán! Đó là những trường hợp chỉ một niệm mà siêu thoát ba cõi, đâu có án chiếu vào thứ tự thời gian là bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp! Không những tiểu thừa như thế, mà đại thừa thành Phật có lúc cũng như vậy: Như thái tử Tất Đạt Đa ngồi ở cội cây bồ đề;(3) nàng Long Nữ ở pháp hội Pháp Hoa;(4) ông đồ tể Quảng Ngạch ở pháp hội Niết Bàn;(5)v.v… đều là chỉ trong một niệm mà siêu thoát ba cõi, đâu có án chiếu theo thứ tự thời gian ba đại a tăng kì kiếp! Đại để, những vị đốn siêu tam giới như vậy, dĩ nhiên đều đã tu nhân từ bao kiếp trước cho nên mới chứng quả ở đời này; và trong khoảng trung gian đó, các ngài cũng từng thị hiện nhiều thân Phật hay Bồtát để thuyết pháp độ sinh. Nói một cách tổng quát, trong thời gian tu nhân thì gọi là “tiệm”, mà lúc chứng quả thì gọi là “đốn”; nếu không có thời gian tiệm trước kia thì cũng không có lúc đốn bây giờ. Người học Phật trong lúc đọc tụng kinh luận, nếu phát hiện có điều gì ghi chép không giống với bình thường, thì chắc chắn phải có lí do đặc biệt nào đó. Nếu muốn hiểu biết rạch ròi lí do đó, thứ nhất là tự mình phải có trí tuệ, thứ nhì là phải học rộng biết nhiều, thứ ba là phải tham khảo với các bậc thiện tri thức; không có ba điều đó thì không có cách gì khác để hiểu được.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Thắng Luận: tức học phái Thắng Luận (Vaisesika), một trong 6 phái triết học ở Ấn-độ. Học phái này được sáng lập trong khoảng từ thế kỉ 3 tr. TL đến thế kỉ đầu TL; trước khi Bồ-tát Long Thọ ra đời, nó đã được thịnh hành. Tương truyền, trong khoảng thời gian đó, một vị luận sư ngoại đạo tên ưu Lâu Kha (Ulaka), đã trước tác bộ Thắng Luận Kinh (Vaisesika-sutra), là thánh điển của học phái Thắng Luận. Bên cạnh phái Thắng Luận còn có phái Số Luận (Samkhya), là hai học phái ngoại đạo đương thời rất hay gây tranh luận với Phật giáo.

(02) Năm pháp qua bờ (ngũ độ): là năm hạnh tu tập lớn lao của hành giả thuộc Bồ-tát thừa, gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, và thiền định. Nếu kể thêm trí tuệ thì gọi là “sáu pháp qua bờ” (lục độ), nhưng vì nhờ trí tuệ soi sáng mà công phu tu tập năm pháp kia được thành tựu viên mãn – đó là ý nghĩa của thành ngữ “ngũ độ minh đăng”; – nên ở đây chỉ kể có “năm pháp qua bờ”, còn trí tuệ thì được coi là bao trùm cả năm pháp đó.

(03) Thái tử Tất Đạt Đa, sau 6 năm tinh tấn tu học theo các giáo thuyết ngoại đạo, đã không đạt được thành quả giác ngộ như ý Ngài mong muốn; bèn tự tìm một phương pháp tu cho riêng mình. Ngài tĩnh tọa dưới cội cây tất-bát-la, quyết tâm hạ thủ công phu thiền quán. Sau 49 ngày đêm suy niệm chân lí, quán chiếu thực tại, vào buổi khuya hôm ấy, khi sao mai vừa xuất hiện thì tâm trí Ngài cũng chợt bừng sáng, màn vô minh che lấp tâm trí Ngài từ vô số kiếp, trong phút chốc đã bị quét sạch; mọi tham ái, ô nhiễm hoàn toàn bị tiêu trừ, Ngài đã chứng nhập thật tướng của vạn pháp, trở thành bậc Tối-chánh-giác, tức thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

(04) Long nữ là con gái của long vương Ta-kiệt-la, mới 8 tuổi đã tức thân thành Phật. Phẩm “Đề Bà Đạt Đa” trong kinh Pháp Hoa có chép: Nàng Long nữ mới 8 tuổi mà thông tuệ kiệt xuất, có thể thọ trì pháp tạng sâu kín của chư Phật, phát tâm bồ đề vô thượng, được bậc bất thối chuyển. Ngay trong pháp hội Pháp Hoa, nàng hiện ra trước Phật; sau khi chí thành đảnh lễ Phật, nàng đem viên ngọc quí trị giá bằng cả ba ngàn đại thiên thế giới, dâng cúng Phật. Do công đức đó, nàng liền chuyển thân nữ thành thân nam, đầy đủ hạnh Bồ-tát; và chỉ trong phút chốc, liền sang thế giới Vô-cấu ở phương Nam, ngồi trên tòa sen báu, thành bậc Chánh-đẳng-giác.

(05) Phẩm “Phạm Hạnh” trong kinh Đại Bát Niết Bàn có ghi: Nước Ba-la-nại có người đồ tể tên Quảng Ngạch, mỗi ngày giết cả trăm, cả ngàn con dê. Một hôm ông gặp tôn giả Xá Lợi Phất, được tôn giả giáo hóa, thọ giới bát quan trai một ngày đêm; sau khi chết được sinh lên cõi trời, làm con trai của thiên vương Tì Sa Môn. Sách Tục Truyền Đăng Lục, q. 28, mục “Đông Sơn Giác Thiền Sư” cũng chép: Quảng Ngạch chính là một tên giết người không gớm tay; nhưng khi đã ném con dao đồ tể xuống thì lập tức thành Phật.