GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 36
LỜI KẾT
Đức Thích Tôn ứng nhiều căn cơ mà nói nhiều pháp môn, cho nên mới có đại tiểu, quyền thật, tiệm đốn, chân tục, thiên viên, không hữu, v.v… khác nhau; đó đều là tùy bệnh mà cho thuốc. Hành giả chỉ cần lựa chọn trong các pháp môn ấy, pháp nào thích hợp với căn cơ cá tánh của mình, siêng năng hành trì nó, thì tự mình sẽ thu được hiệu quả. Nếu không hiểu ý này, mà cứ đại tiểu khinh nhau, quyền thật chối bỏ nhau, đốn tiệm phỉ báng nhau, chân tục e dè nhau, thiên viên chấp nhất nhau, không hữu tranh cãi nhau, thì đề hồ1 biến thành độc dược vậy.
Ở trong Kinh Luận, nhân vì chúng sinh phần nhiều chấp có, cho nên kinh Bát Nhã và Ba Bộ Luận đã đặc biệt nhấn mạnh cái nghĩa không, để phá trừ tâm mê chấp kia. Người học Phật về sau, vì chịu ảnh hưởng của thuyết Không ấy, cho nên đã lấy Không làm giáo nghĩa cứu cánh, thành ra rơi vào chỗ “thiên Không”. Do đó, phái Du Già Duy Thức phải đem thuyết “Diệu Hữu” để bổ cứu. Ở trong tông phái, Thiền tông một pháp cũng không lập, cả Phật cũng không có chỗ đứng, nói chi cái gì khác! Nhưng trong ba kinh Tịnh Độ thì lại nói về hạnh nguyện của Phật A Di Đà cùng cảnh giới trang nghiêm của nước Cực-lạc thật là tường tận. Hai tông Thiền và Tịnh, vì lập trường không giống nhau nên giáo pháp tiêu biểu cũng không giống nhau. Người tu tập có trí tuệ, có thể tự mình bơi lội ung dung giữa hai tông ấy, dung hội để quán thông, mà đạt lợi ích lớn; chỉ có hạng người kiến thức thiển cận mới chấp cứng vào một thứ giáo nghĩa để kích bác người khác.
Người học nếu không hiểu rõ thâm ý của Thiền môn là quét sạch dấu tích, làm hiển lộ thẳng chân tâm, mà học theo Đan Hà đốt Phật2, rồi Đức Sơn Vân Môn3, vẫn phải bị quả báo đau khổ trong địa ngục Vô-gián. Đó là vì không tỏ ngộ tông chỉ của cổ nhân mà lại bắt chước những hành động quá khích của các ngài (nhằm giải cứu cái tâm thiên chấp tệ hại), cho nên phải chiêu cảm quả báo xấu ác như thế.
Nói đến Luật, đó là nhân tố trọng yếu trên đường tu hành. Trong Luật Thiện Kiến4 có nói: “Tạng Tì-ni5 là thọ mạng của Phật pháp. Tì-ni còn ở đời thì Phật pháp còn ở đời.” Cho nên bất luận là tông phái nào, xuất gia hay tại gia, đối với giới luật đều phải tôn trọng như nhau. Nếu trong Phật pháp mà không có giới luật, thì tất cả mọi người tu hành, không những thân phận không rõ ràng, mà còn không biết nương vào đâu để duy trì trật tự. Hơn nữa, nếu muốn làm lành bỏ dữ, cũng phải nương nhờ giới luật thì mới có hiệu quả. Bởi vậy, tất cả các tông phái đều phải tuân giữ giới luật, chứ không riêng gì Luật tông.
Còn Giáo thì sao? Đó là pháp bảo có công năng chuyển phàm thành thánh. Tất cả tông chỉ, phép tắc trong cửa Phật đều chứa đựng trong đó. Vì có ba tạng Kinh Luật Luận ấy mà trong hai ngàn mấy trăm năm qua không biết đã có bao nhiêu người được độ! Nói một cách nghiêm chỉnh, đức tin do hiểu được giáo nghĩa mới là chánh tín, không phải là mê tín. Hiểu được giáo nghĩa mà tu hành thì mới là chân tu, không phải là tu mù. Hành giả trong ba a tăng kì kiếp, trải qua ba hiền mười thánh, mỗi bước mỗi bước đều phải vận dụng cả giải (hiểu) và hành (thực hành); lấy giải mà dẫn đạo cho hành, lấy hành mà chứng thực cho giải, nhờ đó mới không đi lạc vào con đường hiểm ác. Phải tư duy nhiều để nhận chân được tính trọng yếu của giáo nghĩa.
Nếu là tự độ, thì phải chọn lựa pháp môn dễ thực hành mà công hiệu cao. Đã có được tự lực mà lại có cả pháp tha lực, xin hãy siêng năng hành trì, thì ngay trong đời này có thể thành tựu. Nếu kiêm cả độ tha thì chắc chắn cần phải thâm nhập giáo lí mới được! Cổ nhân nói pháp, chỉ nói sai có một chữ mà còn phải đọa làm thân con chồn trong 500 đời6; giả như nói năng tùy tiện7, xa rời kinh điển, trái ngược giáo nghĩa, chắc chắn phải đọa vào địa ngục cắt lưỡi8! Đã là đệ tử cửa Phật, ít nhiều gì thì cũng sẽ có cơ hội nói pháp cho người ta nghe; cho nên đối với giáo lí không thể không học tập9, để khỏi mở miệng là nói sai, làm đứt huệ mạng của người!
Xin nêu lên đây những điều cốt yếu nhất: cung kính Tam Bảo, tuân thủ giới luật, học hỏi kinh luận, trì niệm Phật hiệu; đó đều là những điều cơ bản vô cùng trọng yếu của người học đạo, dù cho vội vàng, khốn đốn10 như thế nào, cũng không phóng túng được. Nếu hành trì trọn vẹn rồi mà còn có sức thừa, thì bấy giờ học Thiền học Mật gì cũng được. Nên biết, bất cứ pháp môn nào cũng chảy ra từ biển tâm nguồn giác của đức Như Lai, mà cũng vốn có sẵn trong tự tánh của tất cả chúng sinh. Điều ta làm chưa chắc người khác có thể làm; điều người khác làm chưa chắc ta có thể làm, cho nên đức Như Lai mới phải nói nhiều loại giáo pháp để tiếp độ nhiều loại căn cơ. Nếu chỉ chấp vào một pháp mà chê bai các pháp khác thì tội lỗi vô lượng!
Pháp chư Phật cao sâu mầu nhiệm,
Con nay tùy thuận tuần tự nói,
Nguyện cùng tất cả người thấy nghe,
Mạng chung liền sinh nước Cực-lạc.
CHÚ THÍCH
1. Tên thực phẩm, do sữa bò chế luyện làm thành, vị ngon bậc nhất, cũng dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh. Trong kinh Niết Bàn, nó được dùng để dụ cho Phật tánh.
2. Thiền sư Thiên Nhiên ở núi Đan-hà tại Đặng-châu, có lần đến chùa Tuệ-lâm ở Lạc-đông, gặp lúc trời lạnh, bèn lấy tượng Phật gỗ trên chánh điện xuống đốt cho ấm. Ngài viện chủ thấy thế vội la lớn: “Tại sao Thầy đốt tượng Phật của tôi?” Sư bèn cầm cây gậy bươi tro nói: “Tôi đốt để lấy xá lợi.” Viện chủ hỏi: “Tượng Phật bằng gỗ thì làm sao có xá lợi?” Sư nói: “Đã không có xá lợi thì phải đốt một tượng nữa!” Ngài viện chủ nghe thế liền tỏ ngộ tự tánh. Hành động đó nhằm phá trừ cái tệ hại của người đời là cố chấp vào các ngẫu tượng bằng gỗ, đất v.v… ở bên ngoài là Phật, mà không thấy Phật tự tánh.
3. Đời Đường, thiền sư Tuyên Giám ở thiền viện Đức-sơn, Lãng-châu, một hôm lên giảng đường nói: “Ta ở nơi đây, Phật cũng không, pháp cũng không, Đạt Ma là lão mọi hôi hám, Bồ-tát Mười-địa là kẻ gánh phân, Đẳng-giác và Diệu-giác là phàm phu phá giới, bồ đề niết bàn là cây cột buộc lừa, mười hai phần giáo là sổ ghi tên người chết, là giấy lau ghẻ, Phật là lão mọi chùi nhà xí. Mặt khác, có vị tăng hỏi thiền sư Văn Yển ở núi Vân-môn, Thiều-châu rằng: “Phật là thế nào?” Sư đáp: “Que cứt khô.” Sư cũng từng nói: “Thích Ca lúc mới sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, đi quanh bảy bước, mắt ngó bốn phương, nói rằng trên trời dưới trời chỉ riêng ta là tôn quí nhất, lão tăng này lúc đó nếu thấy, một bổng đánh chết đem cho chó ăn, may ra thiên hạ thái bình.” Những lời trên đều nhằm thức tỉnh người đời: phàm hễ có hình tướng thì đều là hư vọng; dù là kinh điển, tượng Phật, hoặc thánh, hoặc hiền, đã rơi vào hình tích thì đều thuộc trong vòng sinh diệt, hoàn toàn không phải là đạo như thật chân thường.
4. Thiện Kiến Luật là tên gọi tắt của bộ Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa, là một trong năm bộ luật tiểu thừa, giải thích rộng bộ Luật Tứ Phần, gồm 18 quyển, do ngài Tăng Già Bạt Đà La dịch vào thời Tiêu-Tề.
5. Cựu dịch là Tì-ni, tân dịch là Tì-nại-da, là tên tiếng Phạn của tạng Luật, dịch nghĩa Hán ngữ là thiện trị, hay giới luật.
6. Có một ông lão đến chỗ thiền sư Bách Trượng nghe pháp, nói với ngài Bách Trượng rằng: Ngày xưa con ở tại núi này, có người hỏi: “Bậc tu hành cao cả có còn rơi vào vòng nhân quả hay không?” Con trả lời: “Không rơi vào vòng nhân quả.” Do sự sai lầm đó mà 500 đời con phải đọa làm thân chồn, nay xin Hòa Thượng dạy cho một lời. Ngài Bách Trượng bảo: Ông cứ hỏi! Ông lão liền hỏi câu hỏi như trên. Sư dạy: “Nhân quả phải phân minh!” Ông lão nghe xong thì tỉnh ngộ, nói: Nay con đã thoát khỏi thân chồn! Bèn ra sau núi, xin y áo của những vị tăng đã viên tịch, tự thiêu mà hóa.
7. “Tín khẩu khai hợp” (信口開合) tức là mặc ý mở hay ngậm miệng, tùy tiện nói năng. Người sau bèn nói trại ra là “tín khẩu khai hà” (信口開河), nhân vì hai chữ “合” (hợp) và “河” (hà) phát âm giống nhau.
8. Nê-lê dịch là địa ngục. Tạo khẩu nghiệp xấu ác phải đọa vào loại địa ngục bị rút lưỡi, lưỡi trong miệng bị kéo ra rồi dùng đinh sắt căng ra như căng da trâu.
9. Chỉ học sơ sài, không tinh chuyên, gọi là “thiệp liệp” (涉獵).
10. “Tháo thứ” là lúc gấp gáp vội vàng; “điên bái” là lúc ngửa nghiêng khốn đốn. Sách Luận Ngữ nói: “Người quân tử, trong thời gian một bữa ăn cũng không làm trái đạo nhân; vội vàng cách mấy cũng nhất định như thế, khốn đốn cách mấy cũng nhất định như thế.”
BÀI TẬP
1) Vì sao kinh Bát Nhã và Ba Bộ Luận nói tính Không? Du Già Duy Thức vì sao nói có?
2) Thiền sư Đan Hà đốt tượng Phật có tác dụng gì? Hai thiền sư Đức Sơn và Vân Môn mắng Phật chưởi Tổ có tác dụng gì?
3) Vì sao đối với giới luật, khắp cả các tông phái đều phải tuân thủ?
4) Hành giả trong suốt ba a tăng kì kiếp, vì sao cần phải tinh tấn tu tập gồm đủ cả giải và hành?
5) Những điều nào được coi là cơ bản trọng yếu của người học đạo?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36
1. Niệm Phật rõ ràng là tâm trụ nơi Phật, vậy tại sao nói là “vô trụ sinh tâm”? Nên biết rằng, Tịnh là Tịnh, Thiền là Thiền, mỗi pháp môn đều có cảnh giới riêng của nó, không nên lẫn lộn. Phàm có chỗ trụ sinh tâm thì sẽ có nơi sinh. Phàm phu trụ nơi sáu trần mà sinh tâm, trụ nơi phiền não tham sân si mà sinh tâm, cho nên chỗ sinh sẽ là ba cõi sáu đường. Người niệm Phật thì trụ nơi Phật mà sinh tâm, cho nên chỗ sinh sẽ là quốc độ thanh tịnh của Phật, cảnh tuy không giống nhau nhưng chỗ sinh thì giống nhau. Sinh về nước Phật, đến cuối cùng vẫn phải đem cái niệm ấy – tức cái tâm niệm Phật – vất bỏ đi, mới gọi là niết bàn vô tướng vô vi, không sinh không diệt. Đó không những là việc sau khi vãng sinh, mà còn là việc sau khi đã vượt khỏi ba hiền mười thánh. Xưa kia, Tứ-tổ Thiền tông là ngài Đạo Tín, thừa lúc thiền sư Pháp Dung không có mặt, đã viết một chữ “Phật” ngay trên chiếc ghế dựa của sư. Khi sư về đến, lòng nghi sợ, không dám ngồi. Tổ mói: “Nguyên lai thầy vẫn có cái đó mà!” Đó là Tổ chê sư vẫn còn một niệm dính mắc là “có Phật”, chưa dứt bỏ đế đạt được cái tâm thanh tịnh tinh thuần, cho nên vừa nghe thì thiền sư Pháp Dung đại ngộ, bèn trở thành khai tổ một hệ phái Thiền tông. Xem thế thì biết, nếu trong tâm có tồn tại một đức Phật, đó là cảnh giới của tông Tịnh Độ, hoàn toàn không phải là cảnh giới của Thiền tông.
2. Nếu cần tu kiêm Thiền Tịnh, cũng tốt! Nhưng tôi xin phép được nhắc nhở: có được tuệ giải ấy thì thu được lợi ích của cả hai, còn không có tuệ giải ấy thì cả hai tông đều hỏng; có được tuệ giải ấy thì Thiền Tịnh thành tựu cho nhau, còn không có tuệ giải ấy thì Thiền Tịnh lại đối địch nhau. Cho nên không thể không thận trọng suy xét. Ngoài ra, còn có vài câu khẩn yếu cần được nói ra: Nếu không thể tu tập song hành cả hai pháp môn, thì nên thành thật biết bỏ đi cái khó, tùy thuận căn cơ của chính mình mà chọn một trong hai môn Thiền Tịnh, rồi cứ một môn ấy mà tu tập cho thâm nhập, đó cũng là biện pháp tốt. Nếu lại hỏi kĩ thêm: chọn môn nào thì ổn, thì xin hãy lấy điều này mà suy: vạn người tu vạn người đều đi theo môn NIỆM PHẬT.
3. Đốt tượng Phật, mắng Phật chưởi Tổ, đó là tạo tội làm thân Phật chảy máu và hủy báng Tam Bảo, phải đọa địa ngục Vô-gián; nếu thế thì các thiền sư Đan Hà, Đức Sơn, Vân Môn có phải đọa địa ngục không? Phàm việc gì muốn luận đến kết quả của nó, trước phải tìm hiểu nguyên nhân, không nên chỉ y vào việc mà luận việc. Các thiền sư Đan Hà v.v… đốt Phật, mắng Phật, là khai thị cho hành giả thấy rằng, nếu ngộ nhận cho rằng ứng thân cũng như ngẫu tượng là chân Phật thật Tổ, thì không thể biết được có Phật pháp thân, Phật tự tánh; cho nên mới đốt ngẫu tượng, mắng chưởi ứng thân để phá trừ mê chấp. Tuy là đốt mắng, nhưng trong tâm thì đầy ắp niệm từ bi độ người. Trong phút hiện tại ấy đã gieo vào ruộng thức thứ tám các chủng tử có tính chất từ bi độ người như thế, thì trong tương lai, khi quả báo phát sinh, đương nhiên, không những là không đọa địa ngục, mà còn thành Phật, thành Bồ-tát. Ngày nay, các thế lực ngoại giáo, ngoại đạo, cho đến các tập đoàn hung bạo, vô thức, cùng nhau phá hoại Phật pháp, hủy chùa đuổi tăng, hủy báng kinh luật. Ngay trong khi phát động, trong tâm họ đầy ắp niệm sân hận, ác độc, tàn bạo, tự tư, phẫn nộ, ngu si v.v… Những chủng tử mang tính chất như thế được gieo vào trong ruộng thức thứ tám, thì trong tương lai, khi quả báo phát sinh, làm sao tránh khỏi đọa địa ngục! Cả hai đàng, vì tâm miệm không giống nhau, khiến nên, sai một hào li mà xa cách nhau ngàn dặm!
4. Người học đã đọc qua ngữ lục của các ngài thuộc hai tông Thiền và Tịnh. Chúng tôi xin làm một cuộc so sánh, với sự dè dặt, đại thể như sau: Thiền là quay trở về cái buổi ban sơ, Tịnh là định tâm vào một chỗ; huyền chỉ của hai tông đều là pháp yếu trị tâm, là luận cứ ngàn đời không phai mờ. Trong ngữ lục của chư Thiền đức như: buông bỏ; xa lìa các tư tưởng; không có điều mong cầu; đạo không cần tu, nhưng chớ ô nhiễm; tức tâm tức Phật; hà sa diệu đức đều ở tại nguồn tâm; dứt niệm diệt suy nghĩ; tâm không thì cảnh liền không; v.v… đều dạy người đời hãy dứt trừ vọng tưởng nhiều đời, quay về chỗ “vô tâm”. Trong ngữ lục của chư Tịnh đức như: niệm Phật đến chỗ thuần thục thì tất cả giáo lí đều nằm trong đó; dùng tín nguyện sâu sắc để trì danh hiệu Phật; trong một niệm đã đầy đủ cả chỉ và quán; một niệm phấn khởi như trường kiếm ỷ-thiên, khiến cho ma quân phiền não không nơi trốn tránh; niệm đến chỗ cùng thì thế tình tan biến, tâm trống không thì Phật hiện tiền; v.v… đều dạy người đời hãy mượn một câu hồng danh để đánh tan muôn vọng niệm. Hai pháp môn như thế bày trước mặt người học, như hoa cúc mùa thu và hoa lan mùa xuân, thảy đều xinh đẹp; nếu đi vào núi châu báu mà trở về tay không thì thật đáng đau xót vậy!
5. Bậc tu hành cao đức, dù không làm ác mà chỉ làm thiện, vẫn không nằm ngoài vòng nhân quả. Ví dụ như bố thí thì được giàu to, trì giới được sinh về cõi thiện, không sát hại sẽ được sống lâu, khiêm cung thì có uy đức lớn, cúng đèn thì được thiên nhãn, dùng âm nhạc cúng dường Phật thì được thiên nhĩ, dùng lời hòa ái an ủi chúng sinh thì có được âm thanh của chim ca-lăng-tần-già v.v…, đó đều là trồng nhân như thế thì nhận được quả như thế. Lại cũng như Sơ-trụ là nhân của Nhị-trụ, Nhị-trụ là quả của Sơ-trụ; Nhị-trụ lại là nhân của Tam-trụ, Tam-trụ là quả của Nhị-trụ; từ đó mà suy thì 42 giai vị của Bồ-tát hạnh, không có giai vị nào là không nằm trong vòng nhân quả. Nói cho đến cùng thì tu hành cũng là nhân mà thành Phật cũng là quả; rồi thành Phật cũng là nhân mà chuyển pháp luân, nhập niết bàn cũng là quả! Xem như thế thì ở trong Phật môn đâu có sự việc gì rời khỏi nhân quả! Như thế có thể biết: nói rằng bậc tu hành cao đức không rơi vào vòng nhân quả, là lời nói làm đui mù tuệ nhãn của người, chịu quả báo năm trăm đời làm thân chồn đâu có gì là oan uổng!
6. Lúc không niệm Phật thì hoàn toàn không thấy có ý niệm gì cả, nhưng đến lúc niệm Phật thì có quá nhiều ý niệm hiện ra. Những ý niệm này không phải sau khi niệm Phật mới phát sinh, nhưng chúng vốn đã có sẵn rồi, nay nhân việc niệm Phật mà phát giác ra vậy. Tất cả chúng sinh, ngày thường, trong lòng lúc nào cũng có vô số vọng tưởng, nghĩ tưởng đến đi, làm nguồn gốc cho sinh tử, làm cội rễ cho ba ác đạo, mà kẻ chủ nhân xưa nay vẫn mê đắm nơi trần cảnh thì hoàn toàn không biết được. Rồi một ngày nào đó, gặp lúc đường đời trắc trở, hoặc được bạn lành cảnh giác, bèn lập tức tỉnh ngộ, tinh cần niệm Phật; bấy giờ mới phát giác ra là mình vọng tưởng quá nhiều, làm nhiễu loạn tâm trí. Từ sau đó, nếu tiếp tục niệm Phật, tinh cần không bỏ dở, thì vọng tưởng sẽ tự tiêu mất dần; cuối cùng thì chứng nhập cảnh giới chân thường, thành tựu Phật đạo. Ví như một vị hôn quân, đắm say tửu sắc, không quan tâm đến công việc triều chính, đến nỗi quyền thần thao túng, cừu địch ngấm ngầm gầy dựng thế lực. Nhưng đến một hôm, bỗng nhiên được kích thích, vị hôn quân kia tức thì giác tỉnh, mạnh mẽ tu sửa triều chính, mới phát hiện ra hai bên tả hữu toàn là kẻ gian nịnh và gián điệp, liền ra sức thanh trừng, nhờ đó mà quốc gia được an định. Cho nên, nếu nói lúc niệm Phật vọng tưởng càng nhiều, thì đó là lời nói điên đảo. Giờ phút này chính là lúc đức vua sáng suốt, phát hiện gian nịnh, là tin tức tốt lành, mà dụng công cũng hiệu quả.
7. Hành giả vì muốn xa lìa ba đường dữ, giải thoát biển sinh tử, cho nên mới niệm Phật. Nói cách khác, vì một đại sự nhân duyên là cùng tận đời vị lai được ra khỏi căn nhà lửa, được mát mẻ tự tại, cho nên hành giả niệm Phật. Người đời chê cười người niệm Phật, vì họ hồ đồ vô tri thức, như đứa con nít đang ở trong căn nhà lửa mà không biết, vẫn vui chơi, rồi trở lại chê người lớn sao lại hoảng sợ trốn chạy, đáng cười! Người niệm Phật chúng ta, đối với những người ngu muội kia, phải có lòng xót thương, quyết không sợ họ chê cười mà không dám ngang nhiên niệm Phật. Nếu niệm Phật mà sợ người cười, tức là nhận thức mình không trong sáng, tâm sinh tử không tha thiết. Hãy thử suy nghĩ đó là những việc gì, mà phải lén lén lút lút, tự thấy hổ thẹn? Chư vị Phật tử hãy nên học theo các ngài Thiện Đạo, Thiếu Khang, để cải biến phong tục, khiến cho người đời ai ai cũng biết niệm Phật. Nếu tự mình không dám lộ mặt ra trước thì làm sao khiến cho người cùng đồng hóa với mình!
8. Nói rằng, niệm Phật tu thiền không cần thiết phải xem kinh giáo, đó là lời nói không phải trung đạo. Người niệm Phật nghiên cứu kinh giáo thì làm cho đức tin thêm mạnh, không bị tà sư ngoại đạo mê hoặc, không bị những lời bình luận lao xao làm cho rối loạn, không bị thị dục làm cho nhiễm ô, không bị tâm biếng nhác lung lạc; mà lại được cả hai mặt sự và lí đều không phế bỏ, đó là điều tốt. Người tu thiền nghiên cứu kinh giáo, đó là lấy lời Phật dạy để ấn chứng cho tâm, không tập theo tà định, không đi lạc vào con đường nguy hiểm; mà lại được cả tông và giáo đều thông đạt, đây cũng là điều tốt. Sự thật, xem kinh giáo hay không, ở đây không thể đưa ra một lời nói khẳng định được. Việc này cũng giống như khát thì uống nước, lạnh thì mặc áo, hành giả phải tự mình biết rõ ràng điều cần làm để tự điều chỉnh lấy; cho nên chỉ cần hỏi một câu: “Cần hay không cần?” Nếu cần thì làm; không cần thì không nhất định phải làm. Hễ có lời phán đoán khẳng định, không tránh khỏi lệch về một bên.
9. Hành giả trong cửa Phật nên mở rộng tâm trí để dung nạp các pháp. Từ cửa này vào cửa kia, ra cửa kia vào cửa khác, sống sinh động, vui phơi phới, thõng tay du hành, đường không chướng ngại; trong đó, có thể đi thì đi, không thể đi thì hỏi thăm này nọ, để kiến văn thêm rộng, tùy hỉ công đức, đó gọi là “du học” vậy. Lúc bình thường tuy giữ một pháp nhất định, thâm nhập tông chỉ, nhưng đó là phương tiện, mà không phải là chí nguyện; nếu nói đến chí nguyện thì “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” mới là hoài bão của bậc đại Bồ-tát.
10. Khi không thể dụng tâm một lần cả sáu chữ, chỉ tập chú vào một chữ thôi, thì đồng thời cũng đầy đủ cả sáu chữ. Đại khái: lúc niệm gấp, chỉ tập chú vào chữ “A”; lúc niệm huỡn, chỉ tập chú vào chữ “ĐÀ”, thì tâm tự định tĩnh. Xin hãy thử!
11. Nước Cực-lạc đương nhiên cũng là do thức biến hiện, cũng là hư giả không chân thật. Nó là một biến hiện tổng hợp gồm thức của đức Phật A Di Đà, thức cá biệt của từng hành giả tu tịnh nghiệp, và thức chung của mọi chúng sinh vãng sinh, của cả hải hội liên trì. Mười phương thế giới, tất cả chúng sinh trong sáu đường và thánh giả trong ba thừa, nếu thân tự kinh lịch trong cảnh giới ấy, đều không biết được nó là hư giả. Phải đến khi thành Phật mới biết được tất cả y chánh, tất cả động tác của nước Cực-lạc, đều chỉ là một cảnh mộng lớn, một trò ảo thuật vĩ đại; trên thực tế không có một cái gì là sở hữu, trống rỗng như thái không!
Dịch xong ngày 7 tháng 12 năm 2006
Miền Tây Gia-nã-đại
Hạnh Cơ
PHỤ LỤC
Vài Nét về Cư Sĩ PHƯƠNG LUÂN, tác giả của bộ sách Phật Học Giáo Bản
Chúng tôi không được biết nhiều về cư sĩ Phương Luân, cũng không có duyên may đọc được các tài liệu nói về cuộc đời của tiên sinh. Vài nét đơn sơ về tiên sinh được trình bày sau đây là hoàn toàn dựa theo bộ Phật Quang Đại Từ Điển mà thôi.
Cư sĩ Phương Luân sinh năm 1896, quê Phúc-châu (tỉnh Phúc-kiến), tốt nghiệp trường Hảiquân Mã-vĩ ở Phúc-kiến, từng giữ các chức vụ cơ khí trưởng Quân-hạm, khoa trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Hải-quân, v.v… Ông là một Phật tử thuần thành, phục vụ lâu năm trong ngành giáo dục Phật giáo, từng làm giáo sư ở các Phật học viện Đài-loan như Đông Phương Phật Giáo Học Viện, cùng diễn giảng Phật pháp ở các đạo tràng và đài phát thanh miền Nam Đài-loan. Khi tuổi đã cao, ông chuyên hành trì và cực lực đề xướng pháp môn Tịnh Độ. Tác phẩm của ông có Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Kí, Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng Kí, Thiền Thoại Dữ Tịnh Thoại, Tịnh Pháp Khái Thuật, bộ Phật Học Giáo Bản (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp), v.v…
Bộ Phật Quang Đại Từ Điển ấn hành lần đầu vào năm 1988. Năm đó tác giả được 92 tuổi, và còn tại thế (vì bộ từ điển ấy đã không nói gì tới ngày vãng sinh của cụ). Giờ đây, cuối năm 2006, tính từ năm sinh (1896) thì nay cụ đã 111 tuổi, có thể cụ còn tại thế, cũng có thể cụ đã vãng sinh rồi, chúng tôi không biết rõ! Dù sao, chúng tôi vẫn thấy như cụ vẫn đang sống ở thế gian, vẫn đang đứng lớp để giảng dạy Phật Pháp ở một trường Phật học nào đó. Người phật tử chân chánh ấy không thể nào mất ở thế gian. Đại đạo tâm của cụ vĩnh viễn tồn tại như tấm gương sáng tròn đầy, chiếu soi hai hàng tăng tục. Chỉ cần đọc bộ sách Phật Học Giáo Bản, cũng đủ thấy rõ cụ là một hành giả chân tu thực học, thấu rõ ba tạng, luận bàn thông suốt sắc bén, lòng tin Tam Bảo cứng chắc như kim cương, thâm sâu như đáy biển; luôn luôn quan tâm cho Phật Pháp trường tồn, nẻo chánh ngày càng lan rộng, đường tà càng lúc tiêu ma.
Suốt trong thời gian dịch sách, cứ mỗi lần dịch xong một bài cụ viết, chúng tôi lại thấy xúc động, lại cảm nhận được suối nguồn Phật Pháp tuôn chảy tràn trề, tưới tẩm bao hạt giống bồ đề nẩy mầm tươi tốt. Có nhiều bè bạn, sau khi đọc suốt các tập Cấp Một và Cấp Hai, đã điện thoại nói với chúng tôi rằng, chỉ cần học hết bộ sách này cũng đủ để tu trọn một đời! Công đức của cụ thật là vô lượng!
Thành kính tri ân cư sĩ tại gia Bồ-tát giới PHƯƠNG LUÂN, một Phật tử hiếm có ở thời đại này.
Thành kính giới thiệu,
Miền Tây Gia-nã-đại, tuần lễ cuối cùng năm 2006 kẻ hậu học Hạnh Cơ – Tịnh Kiên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
VIỆT VĂN
Hạnh Cơ. Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản. Montréal: Làng Cây Phong, 1996.
Kim Cương Tử (chủ biên). Từ Điển Phật Học Hán Việt. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004.
Lê Văn Đức. Việt Nam Tự Điển. Sài-gòn: Khai Trí, 1970. Nguyễn Hiến Lê (dịch). Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ. California: T&T, 1989. Nguyễn Hiến Lê. Sử Trung Quốc. California: Văn Nghệ, 2003. Nguyễn Kim Thản chủ biên. Từ Điển Hán Việt Hiện Đại. Nhà xuất bản Thế Giới, 1996.
Nguyễn Tôn Nhan. Bách Khoa Thư Văn Hóa Cổ Điển Trung Quốc. Hà-nội: Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2002.
Thích Đỗng Minh (dịch). Luật Ngũ Phần. Nha-trang, 1997. Lưu hành nội bộ.
Thích Đỗng Minh (dịch). Luật Tứ Phần. Nha-trang, 1996. Lưu hành nội bộ.
Thích Minh Thành (dịch). Lược Sử Phật Giáo Nhật Bản. Sài-gòn: Nhà xuất bản TP.HCM, 2002. Thích Thanh Kiểm. Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc. Littleton (Colorado): Phú Lâu Na tái bản, 1991.
Thích Thiện Siêu (dịch). Luận Đại Trí Độ. Việt-nam: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997.
Thích Trí Tịnh (dịch). Kinh Đại Bảo Tích. Sài-gòn: Nhà xuất bản TPHCM, 1999.
Thích Trí Tịnh (dịch). Kinh Đại Bát Niết Bàn. Montreal: Hội Phật Giáo Chánh Pháp, 1987. Thiều Chửu. Hán Việt Tự Điển. Hà-nội: Đuốc Tuệ xuất bản, 1942.
Thu Giang Nguyễn Duy Cần (dịch và bình chú). Trang Tử Nam Hoa Kinh. California: Đại Nam in lại, năm ?
Trần Trọng San và Trần Trọng Tuyên. Hán Việt Tự Điển. Canada: Bắc Đẩu, 1997.
Trịnh Vân Thanh. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển. California: Nhà xuất bản Đại Nam in lại bản in năm 1966 ở Sài-gòn.
Vĩnh Cao – Nguyễn Phố. Từ Lâm Hán Việt Từ Điển. Việt-nam: NXB Thuận Hóa, 2001.
HÁN VĂN
Bản Thơ Biên Ủy Hội. Hán Ngữ Đại Từ Điển Giản Biên. Thượng-hải: Hán Ngữ Đại Từ Điển Xuất Bản Xã, 1999.
Chu Hi. Tứ Thư Bạch Thoại Cú Giải. Phong Hoa Xuất Bản Sự Nghiệp Công Ti, 1993.(X) Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, các quyển 24, 27, 30, 49, 50, 51, 55.
Đạo Phái. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sớ Luận Toản Yếu. Đài-bắc: Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, 1999.
Hà Dung chủ biên. Quốc Ngữ Nhật Báo Từ Điển. Bài-bắc: Quốc Ngữ Nhật Báo Xã, Trung-hoa Dân-quốc 63 (1974).
Lục Sư Thành chủ biên. Từ Vựng. Đài-bắc: Văn Hóa Đồ Thư Công Ti, Trung-hoa Dân-quốc 60 (1971).
Lục Tổ Đàn Kinh. Bản in của Nhật Quang Phật Học Đồ Thư Quán, Hương-cảng, 1985.
Thích Viên Anh pháp sư. Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa. Chương-hóa (Đài-loan): Tam Tuệ Học Xứ, 1999.
Thương Vụ Ấn Thư Quán Biên Tập Bộ. Từ Nguyên. Hương-cảng: Thương Vụ Ấn Thư Quán Hữu Hạn Công Ti, 1994.
Từ Di chủ biên. Phật Quang Đại Từ Điển. Đài-bắc: Phật Quang Văn Hóa Sự Nghiệp Hữu Hạn Công Ti, 1997.
BẠT
(Lời cuối sách của người dịch)
Thừa lệnh Chư Tôn Đức có trách nhiệm về giáo dục trong Giáo Hội, chúng tôi đã dịch bộ sách Phật Học Giáo Bản (nguyên tác Hán ngữ của cư sĩ Phương Luân – Đài-loan), và biên soạn, chú thích bổ túc, làm thành bộ sách GIÁO KHOA PHẬT HỌC bằng Việt ngữ, dùng làm tài liệu học tập Phật pháp cho người Việt. Bộ sách Giáo Khoa Phật Học này được chia làm 3 tập Cấp Một, Cấp Hai và Cấp Ba, tương ứng với 3 quyển Sơ Cấp, Trung Cấp và Cao Cấp của nguyên tác. Riêng tập GKPH Cấp Một thì được biên soạn làm 3 bản: bản Giáo Thọ, bản Học Chúng và bản Cư Sĩ; còn hai tập Cấp Hai (gồm hai quyển Thượng và Hạ) và Cấp Ba thì chỉ có một bản (như bản Cư Sĩ của Cấp Một) mà thôi.
Công tác biên dịch bộ sách GKPH này do cố Hòa Thượng THÍCH ĐỖNG MINH chỉ đạo. Hòa Thượng đã giao phó trách nhiệm cho dịch giả từ giữa năm 1997, đến giữa năm 1998, sau khi đã nhận được các tài liệu căn bản cần yếu, dịch giả mới bắt tay vào việc. Hòa Thượng và dịch giả ở cách nhau trọn nửa vòng trái đất, việc liên lạc thư từ qua lại buổi đầu (lúc chưa dùng được điện thư) rất chậm chạp, khiến nên hoàn cảnh có khó khăn, bất tiện. Do đó, mãi đến năm 2001, tập GKPH Cấp Một (cả 3 bản Giáo Thọ, Học Chúng và Cư Sĩ) mới làm xong; sang năm 2002 thì ra mắt độc giả ở cả trong lẫn ngoài nước (ở hải ngoại chỉ phát hành bản Cư Sĩ mà thôi). Theo ý chỉ của Hòa Thượng, hai quyển Cấp Hai và Cấp Ba, chúng tôi chỉ làm một bản giống như bản Cư Sĩ mà thôi. Sở dĩ cần biên soạn bản Giáo Thọ và bản Học Chúng là vì phải soạn thêm phần Hán văn (kể cả văn phạm Hoa ngữ), để học chúng vừa học giáo lí vừa học Hán văn. Khi lên Cấp Hai, học chúng có giờ học Hán văn riêng, nên việc soạn thêm phần Hán văn cho tập sách GKPH có thể bỏ đi được.
Như vậy, công việc tuy có nhẹ bớt đi, nhưng phần chú thích bổ túc cũng vẫn chiếm rất nhiều thì giờ và công sức. Cho nên, mãi đến giữa năm 2004 chúng tôi mới làm xong nửa phần đầu của tập Cấp Hai (tức tập GKPH Cấp Hai, quyển Thượng). Đến tháng 6 năm 2005, khi quyển Hạ của Tập GKPH Cấp Hai đang còn làm dang dở, thì Hòa Thượng viên tịch! Chúng tôi thật ân hận đã không hoàn tất kịp bộ sách khi Ngài còn tại thế! Hòa Thượng viên tịch là một mất mát lớn lao đối với chúng tôi. Nhưng trong lúc phải chịu đựng nỗi đau đớn ấy, chúng tôi tự nhủ lòng, phải cố gắng hơn nữa để đền đáp phần nào ân đức của Ngài. Từ đó, chúng tôi gần như tự cấm túc để làm việc. Và đến tháng 10 thì chúng tôi làm xong quyển Hạ của tập Cấp Hai.
Bây giờ là ngày cuối năm 2006, chúng tôi vừa xong mọi chuyện để làm thành xấp bản thảo của tập GKPH Cấp Ba, hoàn thành toàn bộ sách Giáo Khoa Phật Học! Mặc dù vẫn còn nhiều việc khác phải làm tiếp tục trong những tháng ngày sắp tới, hôm nay chúng tôi vẫn cảm thấy thân tâm được nhẹ nhàng. Chỉ có một điều đáng tiếc: Hoài bão của Hòa Thượng THÍCH ĐỖNG MINH là công việc biên dịch bộ sách Giáo Khoa Phật Học (xin xem lại bức thư của Hòa Thượng gửi cho dịch giả, được in kèm ở phần đầu tập Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai, quyển hạ). Hòa Thượng đã đem hoài bão ấy phó chúc cho dịch giả. Nay bộ sách đã hoàn thành như ý mà Hòa Thượng đã Tây qui, không nhìn thấy cái thành quả mà mình từng bao nhiêu năm ấp ủ!
Giờ đây chúng tôi muốn dành những lời sau cùng để chân thành kính cẩn ghi ơn toàn thể các vị ân nhân đã trợ giúp chúng tôi trong công tác Phật sự này.
Trước hết, chúng con thành kính tưởng niệm ân đức cố Hòa Thượng THÍCH ĐỖNG MINH, đã tín nhiệm mà giao phó cho công việc; đã theo sát để hướng dẫn cho từng giai đoạn của công việc; đã giới thiệu và phổ biến bộ sách đến đại chúng.
Chúng con thành kính ghi ân Đại Lão Hòa Thượng THÍCH TÂM CHÂU, đã tuỳ hỉ, nhiều lần sách tấn, khích lệ, khiến cho chúng con luôn luôn tinh tấn trong công việc.
Chúng con thành kính ghi ân Hòa Thượng THÍCH TỊNH HẠNH (Đài-loan), đã cung cấp cho bộ sách Phật Học Giáo Bản (Sơ-cấp, Trung-cấp và Cao-cấp – nguyên tác Hán văn của cư sĩ Phương Luân), bộ Phật Quang Đại Từ Điển (8 tập, ngót 9.000 trang), sách văn phạm Hoa ngữ, là những tài liệu căn bản, cần yếu nhất trong việc biên dịch bộ sách này.
Chúng con thành kính ghi ân Thượng Tọa THÍCH MINH THÔNG cùng quí Đại Đức THÍCH TÂM NHÃN, THÍCH NGUYÊN AN, v.v… trong Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam, Đại Đức THÍCH NGUYÊN TẠNG (Tu viện Quảng Đức, Úc-châu), đã khích lệ tinh thần, gửi cho các sách vở cần thiết, cùng với nhu liệu viết chữ Hán, giúp thêm nhiều thuận lợi cho công việc.
Chúng con thành kính ghi ân Thượng Tọa THÍCH THIỆN TÂM và Đại Đức THÍCH PHÁP HÒA (Tu viện Trúc Lâm, Edmonton, Canada), đã cho phép sử dụng bộ Đại Tạng Đại Chánh, cùng các sách vở liên hệ khác trong thư viện của chùa cũng như trong tủ sách riêng, thêm vào số tài liệu tham khảo quan trọng cho công việc.
Chúng tôi chân thành ghi ân Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam, đã khích lệ tinh thần, hết lòng hỗ trợ cho công việc, tự nguyện nhận trách nhiệm xuất bản và phát hành bộ sách, giới thiệu và phổ biến bộ sách đến các tự viện và Phật tử hải ngoại.
Chúng tôi chân thành ghi ân tất cả thiện hữu tri thức gần xa, đã khuyến khích, ủng hộ tinh thần cũng như vật chất, làm cho chúng tôi cảm thấy được niềm an ủi lớn lao, nhờ đó mà làm việc không biết mệt mỏi.
Và trong sự việc gì cũng có cái đặc biệt, chúng tôi muốn nói lên lòng biết ơn đặc biệt ở đây đối với đạo hữu Trung Nguyệt VÕ TRUNG TÍN (Calgary, Canada), người đã thường xuyên giúp sửa chữa máy vi tính, hướng dẫn chúng tôi về kĩ thuật vi tính, một cách tận tâm và hoàn toàn vô vị lợi, chỉ vì thương mến chúng tôi làm việc Phật!
Dù cố gắng hết sức mình, dù đem cả tấm lòng chí thành để làm việc, nhưng tâm trí vẫn còn là phàm phu ngu muội, chúng tôi không thể tránh khỏi còn nhiều sai sót, tự mình khó thấy hết được; rất trông mong được chư vị thiện tri thức chỉ giáo cho.
Kính lạy mười phương Tam Bảo chứng minh gia hộ tất cả Quí Vị thời thời thường an lạc .
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
Hạnh Cơ – Tịnh Kiên
Miền Tây Gia-nã-đại,
Ngày cuối năm 2006 (PL 2550)