GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 36
BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO (phần 3)

Tám con đường thánh, cũng gọi là tám con đường chánh. Tu tập theo tám con đường này thì sẽ chuyển sự ngu si của phàm phu thành trí tuệ của bậc thánh, cho nên gọi là “thánh”; xa lìa tính thiên lệch, cho nên gọi là “chánh”; đó là con đường thông tới niết bàn, cho nên gọi là “đạo”. Sau khi tu tập sáu nhóm pháp môn đã kể trước, công phu quán chiếu đã thành, tâm thiện đã khởi sinh, tâm ác đã dứt trừ, định tuệ đã điều hòa, từ đây hành giả phải tu tập tám con đường thánh, cứ an ổn mà đi, tiến thẳng tới quả Phật.

Tám con đường thánh là: 1) Thấy biết chân chính: Mắt tuệ sáng tỏ, thấy biết chân lí một cách chính xác, gọi là “thấy biết chân chính”. Khi đã có được sự thấy biết chân chính, sẽ không có cái nhìn điên đảo đối với mọi pháp thế cũng như xuất thế gian; vĩnh viễn không còn những cái thấy sai lạc như “duy thần”1(1), “duy vật”2(2), v.v…; có sự nhận thức rõ ràng rành mạch đối với chân lí “bốn sự thật”; thường xa lánh hai bờ cực đoan3 mà chỉ đi theo con đường trung đạo, khiến cho các con đường thánh còn lại đều thành đạt trọn vẹn; cho nên nó được liệt vào hàng đầu của tám con đường thánh, làm cốt lõi cho sự tu hành(3). 2) Lời nói chân chính: Xa lìa bốn lỗi của miệng4, lỗi đại vọng ngữ5, lỗi hí luận6 và lỗi phỉ báng chánh pháp, gọi là “lời nói chân chính”. Khi đã có được lời nói chân chính thì khẩu nghiệp tự nhiên trong sạch. 3) Suy nghĩ chân chính: Những điều mình suy nghĩ đến, đều không quanh co, xuyên tạc, gọi là “suy nghĩ chân chính”. Khi đã có được nếp suy nghĩ chân chính thì ý nghiệp tự nhiên trong sạch. 4) Hành động chân chính: Phạm hạnh trong sạch, không bị ba độc7 làm cho ô nhiễm, gọi là “hành động chân chính”. Khi mọi hành động đã chân chính thì thân nghiệp tự nhiên trong sạch. 5) Sinh kế chân chính: Chữ “mạng” là chỉ cho các thứ sinh kế mà ta nhờ vào đó để nuôi sống thân mạng. Hàng tì kheo phải lấy việc khất thực và hoằng pháp làm sinh kế chân chính; hàng cư sĩ phải lấy những chức nghiệp chính đáng làm sinh kế chân chính. Vì duy trì mạng sống bằng các sinh kế hợp lí, cho nên gọi là “sinh kế chân chính”. Khi đã thực hành các sinh kế chân chính thì cả nhân và quả đều an lạc; cho nên hàng tì kheo phải vĩnh viễn từ bỏ bốn loại sinh kế bất chính8, và cả bốn chúng nhà Phật cũng phải từ bỏ hẳn năm loại sinh kế bất chính9. 6) Tinh tấn chân chính: Nhắm theo cái hướng xuất thế, con đường niết bàn, mà nỗ lực tiến tới, gọi là “tinh tấn chân chính”. Khi đã có được sự tinh tấn chân chính thì sẽ không học theo cái lối tu khổ hạnh chỉ làm khổ thân tâm, hoặc các thói mê tín của thế tục, cùng những pháp môn không rốt ráo của ngoại đạo. 7) Niệm tưởng chân chính: Chỉ niệm tưởng đến thật tướng chân như, hay những tướng tốt và các thứ công đức của Phật, hoặc cảnh trang nghiêm của các Phật độ, gọi là “niệm tưởng chân chính”. Khi đã có được chánh niệm thì ứng hợp với trí giác, tâm không còn thất niệm, vọng động. 8) Thiền định chân chính: Xa lìa được cái tâm không ổn định, các loại tà định(4), cùng các loại thiền định hữu lậu10(5), gọi là “thiền định chân chính”. Có được chánh định thì có thể đứng vững nơi chân lí, không sao dời đổi được.

Hành giả trụ ở trí vô lậu thì có pháp nhãn thanh tịnh, những công phu tu học đều hoàn toàn chân chính; cứ thế mà gắng sức không ngừng, tự làm cho vô minh ngày một mỏng dần, phiền não ngày một nhẹ dần, cho đến cuối cùng, chính mình chứng nhập cảnh giới tịch tĩnh.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là điều kiện tối trọng yếu của người tu hành. Chư Phật trong quá khứ, từ bước đầu học đạo, đều tu tập theo các điều kiện đó mà thành bậc chánh giác. Kẻ hậu học, nếu muốn tự cất mình ra khỏi hàng phàm phu để tiến thẳng lên địa vị cao siêu của thánh hiền, ngoại trừ phải tuân thủ cái nếp cũ của chư Phật mà dũng mãnh tiến tới, thật không có con đường nào khác để theo.

 

CHÚ THÍCH

1. Ngoại đạo gọi thượng đế là thần, cho rằng thần là chúa tể của tất cả.

2. Duy vật luận là một trong các phái triết học về bản thể luận, tương phản với duy tâm luận. Nó cho rằng, bản thể của vũ trụ chỉ là vật chất; các hiện tượng tinh thần chẳng qua chỉ là những tác dụng của vật chất.

3. Kiến chấp có hai loại: Cố chấp cho rằng, con người sau khi chết là đoạn diệt hẳn, không có đời sau, gọi là “đoạn kiến” hay “vô kiến”. Cố chấp cho rằng, thân tâm của con người thường còn vĩnh viễn, người chết rồi lại làm người, không có gián đoạn, gọi là “thường kiến” hay “hữu kiến”. Hai loại kiến chấp thường và đoạn hay hữu và vô này luôn luôn là hai cực đoan, thường đứng ở hai bên bờ, không hợp với trung đạo, cho nên gọi là “biên kiến”.

4. Trong mười nghiệp ác thì nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, và nói ác độc, là bốn lỗi của miệng.

5. Nói không thành thật, lường gạt người, gọi là “vọng ngữ”. Ở trong thánh đạo, chưa chứng đắc mà bảo là đã chứng đắc, hoặc bảo rằng ta nhận được sự cúng dường của trời rồng quỉ thần v.v…, mục đích là gạt gẫm người ngu để thu lợi dưỡng, gọi là “đại vọng ngữ”. Lỗi này rất nặng, sau khi chết phải đọa vào địa ngục.

6. Ngôn luận chỉ có tính du hí mà không thực tế, gọi là “hí luận”.

7. Tham, sân và si là cội rễ của tất cả phiền não, được gọi là “ba độc”.

8. Thầy tì kheo không khất thực, cũng không hoằng pháp, chỉ làm những việc không đúng chánh pháp để duy trì mạng sống, gọi là “tà mạng”. Bốn loại sinh kế sau đây bị cho là “tà mạng”: 1) Gieo ruộng trồng vườn, hòa chế thuốc thang, gọi là “hạ khẩu thực” 2) Ngước lên xem tinh tú, suy đoán đầy vơi, gọi là “ngưỡng khẩu thực”. 3) Dua nịnh kẻ giàu sang, đi du thuyết bốn phương, gọi là “phương(6) khẩu thực”. 4) Dùng chú thuật hô hoán quỉ thần, hoặc dùng các cách bói quẻ, đoán mạng, coi tướng để làm nghề sinh sống, gọi là “duy(7) khẩu thực”.

9. Năm loại sinh kế bất chính là: 1) Bày ra các trò trá ngụy như tịch cốc, đắc đạo, thần thông v.v… để được nhiều người tín ngưỡng. 2) Tự khoe học vấn và công đức. 3) Xem tướng tốt xấu. 4) Lớn tiếng ra oai, nói năng khoác lác. 5) Nói mình được nhiều người cúng dường để khích động lòng người. Mục đích của năm sự việc trên đây đều vì thủ lợi để nuôi sống mình, cho nên gọi là năm loại sinh kế bất chính. Xin xem luận Trí Độ, quyển 19.

10. Không nương theo bốn chân đế, chỉ y theo phép quán sáu hành(8), vui trên chán dưới(8), mà tu tập thiền định, gọi là “thiền hữu lậu”, tức bốn phạm hạnh(9), bốn thiền(10) và bốn định Vô-sắc(11) vậy.

 

PHỤ CHÚ

1. Duy thần: Các phái triết học và tôn giáo chủ trương vũ trụ vạn hữu là do thần linh sáng tạo, cai quản và điều khiển; tất cả tai họa hay hạnh phúc của con người đều do thần linh giáng phạt hay ban phát. Trong số này, các tôn giáo tôn thờ một vị thần duy nhất –thường được gọi là thượng đế– gọi là “nhất thần giáo”, hay “độc thần giáo”; các tôn giáo tôn thờ nhiều vị thần cùng một lúc, gọi là “đa thần giáo”. Ông Đào Duy Anh, trong quyển Hán Việt Từ Điển (nhà xuất bản Trường Thi in lần thứ ba tại Saìgòn), giải thích từ “Đa thần giáo” (trang 231, cột một) như sau: “Tôn giáo sùng bái nhiều thần, như Đạo giáo, Phật giáo.” Câu giải thích này chứng tỏ nhà học giả Đào Duy Anh, hoặc là không hiểu gì về Phật giáo, hoặc cố ý xuyên tạc Phật giáo. –Vì Phật giáo tuyệt đối không chủ trương “duy thần”, cho nên chẳng phải là nhất thần giáo hay đa thần giáo gì cả.

2. Duy vật: Các phái triết học chủ trương bản thể của vũ trụ vạn hữu là vật chất, tinh thần chỉ là sản phẩm của vật chất mà thôi. Vật chất là chính yếu, tinh thần là thứ yếu; không có vật chất thì sẽ không có gì hết.

3. Chánh kiến là cốt lõi cho sự tu hành (?): Thật ra, Bát Chánh Đạo là một pháp môn toàn bộ, mà yếu tố nào cũng là cốt lõi cho sự tu tập trên tiến trình giác ngộ. Không phải khi có chánh kiến rồi thì bảy yếu tố còn lại sẽ thành đạt trọn vẹn; cũng không phải nó được xếp đứng đầu bát chánh đạo vì nó là cốt lõi cho sự tu hành. Trong tám nguyên tắc hành động chân chính ấy, nguyên tắc nào xếp đứng đầu cũng được. Nếu nói giác ngộ là thấy rõ chân lí, tức là phải có CHÁNH KIẾN, thì chánh kiến quả nhiên là quan trọng bậc nhất, nhưng nếu không có chánh tư duy, chánh niệm, chánh định, v.v… thì chánh kiến làm sao mà có được! Vì vậy, cả tám nguyên tắc hành động chân chính phải được tu tập trọn vẹn, không coi cái nào nặng, cái nào nhẹ. Cả tám yếu tố ấy đều trưởng dưỡng cho nhau, cho đến khi thành tựu viên mãn. Nếu có thể nói được rằng, trong tám nguyên tắc hành động chân chính ấy, có một nguyên tắc được coi là cốt lõi cho sự tu tập, thì nguyên tắc ấy, theo chúng tôi, phải là “CHÁNH NIỆM”, chứ không phải là chánh kiến. Người nào có chánh niệm một cách thường xuyên và thường trực thì người đó là Phật; nếu có giây phút THẤT NIỆM nào thì liền sa vào luân hồi sinh tử.

4. Tà định (hay tà thiền): là loại thiền định sai lạc, không đúng chánh pháp. Thiền định để xuất hồn đi đây đi đó; thiền định để được gặp vị Bồ-tát này, vị thánh kia; v.v… chỉ toàn là ma mị, là tà định.

5. Thiền định hữu lậu (hữu lậu thiền – hữu lậu định): Các loại thiền định còn ở trong vòng ba cõi như Tứ-thiền, Tứ-vô-sắc, vì chưa giải thoát khỏi ba cõi nên gọi là thiền định hữu lậu. Trái lại, thiền định của các bậc A-la-hán trở lên, đã giải thoát khỏi ba cõi, gọi là thiền định vô lậu.

6. Phương: Chữ “phương” ở đây chỉ cho bốn phương chính: Đông, Tây, Nam, Bắc.

7. Duy: Chữ “duy” ở đây chỉ cho bốn phương xéo: Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc.

8. Phép quán sáu hành: Sáu hành là sáu tính chất, gồm: thô trọng (thô – cõi Dục chẳng hạn, năm dục làm cho tâm tham đắm, thân thể chúng sinh chứa đầy các chất dơ bẩn); khổ đau (khổ – tâm chúng sinh dẫy đầy tham dục, thân phải chịu bao nhiêu khổ đau như đói khát, bệnh tật, bạo động, v.v…); chướng ngại (chướng – phiền não che lấp chân tính, thân bị chất ngại, không được tự tại); tịch tĩnh (tĩnh – cõi Sơ-thiền chẳng hạn, đã xa lìa năm dục của cõi Dục, bỏ được cái thân dơ dáy, tâm không còn loạn động, mà được định tĩnh trong thiền định); vi diệu (diệu – đã xa lìa tâm tham dục và các thứ phiền não, thoát khỏi các cảnh khổ đau của cõi Dục, hưởng niềm vui vi diệu); và xuất li (li – phiền não bớt che lấp, thoát khỏi cái thân bị chất ngại ở cõi Dục, thân được tự tại, có được năm phép thần thông). Phép quán sáu hành là: quán thô, quán khổ, quán chướng, quán tĩnh, quán diệu, và quán li. Ý nghĩa của phép quán như sau: Ba cõi, nếu chia nhỏ ra thì có chín địa. Nếu đem so sánh giữa hai địa với nhau, thì tính chất của địa ở dưới là thô, khổ và chướng; còn địa ở trên là tĩnh, diệu và li. Người phàm phu tu tập, dùng trí tuệ hữu lậu quán sát thấy được ba tính chất thô, khổ và chướng của địa dưới, rồi sinh tâm nhàm chán (gọi là “chán dưới”); lại quán sát thấy được ba tính chất tĩnh, diệu và li của địa trên, rồi sinh tâm vui thích (gọi là “vui trên”); cứ như thế, tuần tự quán sát, tu tập, chán dưới vui trên, diệt trừ phiền não của địa dưới mà tiến lên từng địa một, đó là “phép quán sáu hành”.

9. Bốn phạm hạnh: tức bốn tấm lòng rộng lớn (tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả).

10. Bốn thiền (tứ thiền): tức bốn loại thiền định căn bản có công năng đoạn trừ phiền não để phát sinh các công đức lành. Đó cũng là bốn bậc thiền định của chư thiên cõi Sắc, tức các tầng trời Sơ-thiền, Nhịthiền, Tam-thiền và Tứ-thiền. “Thiền” là âm tiếng Phạn, dịch ra tiếng Hán là “tịnh lự”, tức là suy nghĩ, quán chiếu trong cảnh giới vắng lặng. Đặc tính của “bốn thiền” là hoàn toàn xuất li những cảm thọ của Dục giới, chỉ tương ưng với những cảm thọ và quán tưởng của Sắc giới. Từ Sơ-thiền cho đến Tứ-thiền, các hoạt động tâm lí phát triển một cách tuần tự, hình thành các thế giới tinh thần không giống nhau; trong đó, ba bậc Thiền ở trước được coi là ba nấc thang phương tiện để tiến lên nấc thang thứ tư, Tứthiền, mới là bậc thiền chân thật. Ở bậc Sơ-thiền, tuy có cảm thọ hỉ lạc do đã xa lìa hẳn các pháp bất thiện ở Dục giới (gọi là “li sinh hỉ lạc”), nhưng hai tâm sở “tầm” (phân biệt thô trọng) và “từ” (phân biệt vi tế) vẫn còn hoạt động, cho nên vẫn còn phải đối trị. Ở bâc Nhị-thiền, hai tâm sở “tầm” và “từ” đã dứt hẳn, tâm ý thanh tịnh, do định lực mà sinh các cảm thọ hỉ lạc; gọi là “định sinh hỉ lạc”. Ở bậc Tam-thiền, hành giả xả bỏ hai cảm thọ hỉ và lạc của bậc Nhị-thiền, trụ nơi cảnh giới “phi khổ phi lạc” (gọi là “hành xả”), vận dụng “chánh niệm” và “chánh tri” để tiếp tục tu tập mà đạt được niềm vui mầu nhiệm; gọi là “li hỉ diệu lạc”. Ở bậc Tứ-thiền, niềm vui mầu nhiệm ở bâc Tam-thiền cũng được xả bỏ luôn, gọi là “xả thanh tịnh”; chỉ còn niệm tu dưỡng công đức, gọi là “niệm thanh tịnh” (gọi chung là “xả niệm thanh tịnh”, tức là cả “xả” và “niệm” đều thanh tịnh); từ đó có được cảm thọ “phi khổ phi lạc.” Bốn loại thiền định này vẫn còn trong vòng ba cõi, chưa giúp hành giả giải thoát trọn vẹn sinh tử luân hồi, cho nên chúng thuộc về loại “hữu lậu thiền”. Tuy nhiên, bốn loại thiền định đó có công năng đoạn trừ phiền não, sinh các thiện pháp, làm chỗ y cứ cho mọi thứ công đức, cho nên chúng được gọi là “căn bản thiền”. Nếu hành giả không dừng lại ở Tứ-thiền, mà tiếp tục tu tập theo “chánh định”, thì bốn loại thiền trên chính là bàn đạp vững chắc để hành giả đạt đến quả vị A-la-hán, Bích-chi Phật, v.v…, giải thoát khỏi ba cõi. Chính đức Thế Tôn cũng đã hành trì bốn loại thiền này trong thời khắc thành đạo và nhập niết bàn. (Xin xem thêm phụ chú số 6, bài 23 ở trước.)

11. Bốn định Vô-sắc: (Xin xem lại phụ chú số 7, bài 23 ở trước.)

 

BÀI TẬP

1) Hãy giải thích hai từ “thánh đạo” và “chánh đạo”.

“Thánh đạo” là con đường tu tập có công năng chuyển tâm tính ngu si của kẻ phàm phu thành trí tuệ sáng suốt của các bậc thánh. “Chánh đạo” là con đường tu tập chân chính, không thiên lệch, không tà ngụy.

2) Tám con đường thánh là tám cái gì?

Tám con đường thánh là: 1) Thấy biết chân chính; 2) Suy nghĩ chân chính; 3) Lời nói chân chính; 4) Hành động chân chính; 5) Sinh kế chân chính; 6) Tinh tấn chân chính; 7) Niệm tưởng chân chính; 8) Thiền định chân chính.

3) Hãy giải thích ý nghĩa của các từ “duy vật”, “nhị biên” và “đại vọng ngữ”.

“Duy vật” là một triết thuyết chủ trương vật chất mới chính là bản thể của vũ trụ; hiện tượng tinh thần chỉ là sản phẩm của vật chất mà thôi. “Nhị biên” tức là những kiến chấp thiên lệch, cực đoan; hoặc bên này hoặc bên kia; hoặc thế này hoặc thế nọ; như chấp rằng vạn vật là thường còn vĩnh viễn (chấp thường), hoặc vạn vật tiêu hủy là hoàn toàn mất hẳn (chấp đoạn); vạn vật là thật có (chấp có), hoặc bản chất của vạn vật là không có gì hết (chấp không); v.v… “Đại vọng ngữ” là tội nói dối trầm trọng, lừa phỉnh người để thu lợi dưỡng cho mình; như những người tu tập, chưa chứng đạo mà tuyên bố với mọi người là mình đã chứng quả này, quả nọ; v.v…

4) Hãy nêu lí do vì sao “chánh kiến” được đem đặt đứng đầu tám con đường thánh.

Có chánh kiến là có được trí tuệ của bậc giác ngộ, sẽ không còn bị sai lầm, không còn mê đắm, thoát khỏi mọi ràng buộc, vướng mắc. Vì vậy, nó được đặt đứng đầu tám con đường thánh để người tu tập chú ý mà tinh tấn tiến tới trước. Nhưng nói thế cũng chỉ có tính cách tương đối mà thôi.

5) Thế nào là sinh kế chân chính. Bốn loại sinh kế bất chính và năm loại sinh kế bất chính là những gì?

Sinh kế chân chính là làm những nghề chính đáng, hợp đạo lí, hợp pháp để nuôi mạng sống. Quí vị tì kheo làm bốn việc không đúng chánh pháp sau đây thì gọi là “sinh kế bất chánh”, hay “tà mạng”: 1) Gieo ruộng trồng vườn, hòa chế thuốc thang (hạ khẩu thực); 2) Xem thiên văn, tinh tú, suy đoán cát hung, hưng phế (ngưỡng khẩu thực); 3) Đi bốn phương du thuyết, xu nịnh kẻ giàu sang (phương khẩu thực); 4) Dùng chú thuật hô hoán quỉ thần, hoặc bói quẻ, coi tướng, đoán điềm giải mộng (duy khẩu thực).

Cả bốn chúng đệ tử Phật làm năm việc không đúng chánh pháp sau đây thì gọi là “sinh kế bất chánh”, hay “tà mạng”: 1) Bày ra các trò trá ngụy như tịch cốc, thần thông, v.v… để được nhiều người tín ngưỡng; 2) Tự khoe mình có học vấn và nhiều công đức; 3) Xem tướng, bói toán; 4) Lớn tiếng thị oai, nói năng khoác lác; 5) Nói rằng mình được nhiều người ngưỡng mộ, cúng dường, để khích động lòng người.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36

1. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là những pháp môn chủ yếu trong sự tu học Phật pháp. Người tu tập “bốn lãnh vực quán niệm”, đối với bốn lãnh vực là thân thể, cảm thọ, tâm ý, và đối tượng của tâm ý, sẽ có được những nhận thức chính xác về những tính chất bất tịnh, khổ, vô thường, và vô ngã; đặt định cái quan niệm cơ bản về sự thoát li thế gian. Tu tập “bốn sự cần mẫn”, đạo quả sẽ tăng tiến về cả hai phương diện ngăn ngừa các việc ác và thực hiện các việc lành. Tu tập “bốn phép như ý” có thể làm mạnh thêm sự mong cầu, niệm lực, mức độ tinh tấn, và trí quán chiếu của người tu tập. Tu đến ba pháp môn trên cũng đã đủ công hiệu rồi, nhưng nếu tu tập thêm “năm khả năng” để tăng trưởng “năm sức mạnh”, thì bấy giờ cũng giống như trồng cây, gốc rễ đã vững chắc, có thể nẩy sinh cành lá hoa quả. Do đó, nếu tiến thêm nữa, tu tập “bảy yếu tố giác ngộ” và “tám nguyên tắc hành động chân chính”, thì cũng giống như chèo thuyền xuôi theo dòng nước, không phải phí nhiều sức lực. Dù những vị hành giả có căn cơ nhạy bén, một khi được nghe kinh pháp, tức khắc có thể siêu sinh cõi Phật, nhưng cũng phải do ở những kiếp trước đã từng tu tập đạo pháp này, cho nên ngày nay mới có phước báo; nghe một mà ngộ ngàn, tiến thẳng lên địa vị thánh nhân vậy.

2. Có nghi vấn rằng, niết bàn là đem tâm ý trụ vào cảnh giới không sinh không diệt, tức là vĩnh viễn nhập định, không còn chao động, như thế thì có gì vui? Đâu biết rằng, tất cả người đời đều lấy động làm vui vẻ, lấy tĩnh làm khó chịu, đó mới là chỗ điên đảo của họ. Xét kĩ sự thật, hễ cái gì động, đều là nguồn gốc của khổ đau; niềm vui lớn nhất của con người là ở trong chỗ yên tĩnh. Ở tất cả các cảnh giới thiền định đều có niềm vui khó tả, kẻ phàm phu tự mình không thể hiểu được. Há chẳng thấy, cõi trời Sơ-thiền được gọi là cõi Li-sinh-hỉ-lạc, cõi Nhị-thiền đuợc gọi là Định-sinh-hỉ-lạc, và trời Tam-thiền được gọi là cõi Li-hỉ-diệu-lạc, đó sao? Các cảnh giới thiền định đó còn thuộc trong phạm vi ba cõi, đều chưa phải là cứu cánh, – vì chưa lìa được hoại khổ và hành khổ – mà niềm hỉ lạc đã được như vậy, huống gì là cảnh giới thiền định ở ngoài ba cõi của nhà Phật! Huống gì là cảnh giới niết bàn của các bậc thánh ở ba thừa! Huống gì là cảnh giới đại bát niết bàn(1) của Như Lai! Thánh chúng ở thế giới Cực-lạc, niềm vui mà các ngài có được, đã là không thể tưởng tượng, thế mà trong kinh Vô Lượng Thọ còn nói: “Quốc độ của đức Phật kia thật là thanh tịnh, yên ổn, an vui mầu nhiệm, chỉ đứng sau cảnh giới niết bàn vô vi mà thôi.” Thế mới biết, niềm vui sâu xa của niết bàn còn vượt quá cõi Cựclạc, huống chi từ dưới cõi Cực-lạc trở xuống, niềm vui của tất cả trời người đều không rốt ráo, thì có gì đáng nói!

3. Công việc người đời làm trong xã hội, có nhiều việc mà người đệ tử Phật không nên làm, như đánh cá, săn thú, chăn nuôi, nuôi tằm, nấu rượu, nhà hàng, tiệm nhuộm, mại dâm, tiệm thịt, tiệm bán đồ thủy sản, những nghề liên quan đến vũ khí, dụng cụ dùng cho các sòng bài bạc, xa xỉ phẩm, xem sao, coi tướng, nghề vàng mã, lưỡi câu, lưới cá, dụng cụ săn bắn, lồng chim, ca vũ trường, buôn bán heo dê gà vịt, những nghề liên quan đến lông chim, lông thú, xương thú, da thú, v.v…, không thể nêu ra hết được. Phàm là đệ tử Phật, nên xa lánh các loại sinh kế trên, để tránh tạo nghiệp ác. Nếu đã lỡ làm, nên đổi làm nghề khác, để phù hợp với nguyên tắc “sinh kế chân chính” trong “tám nguyên tắc hành động chân chính”. Mong rằng, chớ nên vì cơm áo trong một đời mà phải chuốc lấy quả báo khổ đau cho cả vạn đời.

4. Sở dĩ cả tám nguyên tắc hành động chân chánh đều được nêu lên chữ “chánh”, là cốt để phân biệt với những điều “bất chánh”. Nhân vì tất cả những kiến giải, ngữ ngôn, tạo tác, sinh hoạt, tinh tấn, niệm, định của thế gian đều chưa chắc là chính đáng, trong khi đó, người Phật tử tu học đạo xuất thế thì không nên giữ theo nếp sống của thế gian, cho nên phải đi ngược lại thế gian mà tu tập tám nguyên tắc hành động chân chính. Trong tám nguyên tắc đó, nguyên tắc thứ ba, “suy nghĩ”, và nguyên tắc thứ bảy, “niệm tưởng”, không giống nhau. “Suy nghĩ chân chính” là chỉ cho những tư tưởng hợp lí; còn “niệm tưởng chân chính” là trụ tâm vào một cảnh giới và quán niệm về thật tánh của vạn pháp. Khác nhau là ở chỗ đó.

5. Ba mươi bảy đạo phẩm là nền móng của sự tu học, là những pháp môn mà kẻ sơ học chắc chắn phải tu tập; trong đó, bốn lãnh vực quán niệm, bốn sự cần mẫn, và tám nguyên tắc hành động chân chính, phải được đặc biệt chú ý. Bởi vì tư tưởng và hành vi của kẻ sơ cơ chưa được thuần chánh, cho nên phải ứng bịnh mà cho thuốc, không lúc nào xao lãng việc đối trị, để bào mòn ba nghiệp. Hành giả không tu tập ba mươi bảy đạo phẩm mà có thể chuyển phàm thành thánh, đó là việc không thể có. Thế mới biết, các pháp môn ấy quả thật quan trọng biết chừng nào! Ngoài ra, các pháp quán tưởng như “năm pháp quán dừng tâm” (xin xem chú thích số 2 của bài 34), “quán ngã pháp hai không” (xin xem chú thích số 5 của bài 35), v.v… cũng nên thực hành; chờ cho đến khi bịnh thuyên giảm, tâm được giải thoát, thì tự nhiên phiền não tiêu trừ, đạo nghiệp tăng tiến vậy.

6. Chữ “chánh” trong danh số “bát chánh đạo” phải được đặc biệt chú ý; lại phải thực hành thật triệt để chữ “chánh” ấy. Một là “thấy biết chân chánh”. Sự thấy biết nếu không chân chánh, việc tu tập chắc chắn sẽ bị lạc vào con đường nguy hiểm; nói pháp chắc chắn sẽ làm cho thính chúng mê lầm; thế là hại cả cho người lẫn cho mình. Hai là “lời nói chân chánh”. Lời nói nếu không chân chánh, chắc chắn sẽ gây nên bốn lỗi lầm về miệng, mắc vào ngôn luận của thế gian, khiến cho tâm ý không an ổn. Ba là “suy nghĩ chân chánh”. Suy nghĩ nếu không chân chánh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hai nghiệp thân và miệng, gieo những chủng tử tà ác, để rồi chiêu lấy quả báo đau khổ cho đời sau, không thể lìa thoát ba cõi. Bốn là “hành động chân chánh”. Hành động nếu không chân chánh, thì cả thân, miệng và ý đều không thanh tịnh, chắc chắn mọi thứ cấu nhiễm sẽ nổi dậy tràn đầy, ảnh hưởng đến công phu tu học. Năm là “sinh kế chân chánh”. Sinh kế nếu không chân chánh, sẽ vừa tu hành lại cũng vừa tạo nghiệp; như vậy là phần đạo quả thì quá ít oi, mà phần nhân xấu ác thì quá nặng nề, chắc chắn sẽ đọa vào ba đường dữ mà thôi. Sáu là “tinh tấn chân chánh”. Tinh tấn nếu không chân chánh, càng ra sức sẽ càng lìa xa đường đạo, kết quả chắc chắn sẽ đi đến chỗ: càng muốn giải thoát, càng bị chìm đắm. Bảy là “niệm tưởng chân chánh”. Niệm tưởng nếu không chân chánh thì không thể trụ tâm ý vào một chỗ; không thể chứng nhập thật tướng của vạn pháp; không thể tương ưng với trí tuệ giác ngộ. Tám là “thiền định chân chánh”. Thiền định nếu không chân chánh, chắc chắn sẽ mê đắm vào các loại thiền định hữu lậu, hoặc định không tưởng, quen theo thói tà ma ngoại đạo mà không tự biết. Tám nguyên tắc vừa thuật ở trên, nếu thực hành đến chỗ thuần chính, không một chút nào lỗi lầm, thì dù phải trải qua ba a-tăng-kì kiếp, cũng không bao giờ lạc vào cảnh giới hiểm nguy.

7. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo thuộc về giáo lí tiểu thừa hay đại thừa? Vấn đề này, thật khó mà có một giải đáp dứt khoát; lí do là, giáo pháp thì không có đại hay tiểu, mà đại hay tiểu là chính ở nơi tâm lượng của con người. Hành giả trong lúc tu học, nếu để tâm cầu sự giải thoát cho chính mình, thì bất luận tu học pháp môn gì, dù đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định v…, cũng đều là tiểu thừa. Nếu để tâm vừa cầu giải thoát cho chính mình, lại còn phát nguyện cứu độ người khác, thì bất luận tu học pháp môn gì, dù đó là bốn sự thật, mười hai nhân duyên v.v…, cũng đều là đại thừa. Cho nên, hành giả khi tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chỉ cần phát tâm bồ đề – tức phát tâm rằng: “Nay tôi tu học pháp môn này, nguyện chứng được quả vô thượng giác, cứu độ rộng khắp các loài hữu tình, đều thành tựu đạo quả giác ngộ.” Có như thế thì mỗi một phẩm trong ba mươi bảy phẩm, đều trở thành cốt tủy của đại thừa.

8. Trong bảy yếu tố giác ngộ, yếu tố “trạch pháp” thật vô cùng trọng yếu trên đường tu hành. “Trạch” là chọn lựa pháp môn nào chân chính, dễ thực hành, sâu kín, rốt ráo, và phù hợp với căn cơ của chúng ta. Nhưng, việc lựa chọn pháp môn cũng có chỗ khó khăn; đó là: bản thân của hành giả đã có được “chánh kiến” hay chưa. Nếu có rồi thì sự lựa chọn đương nhiên là thích đáng; còn nếu chưa có thì dù có chọn lựa gì cũng hoàn toàn không đúng. Vậy thì làm sao đây? Nên biết rằng, đức Thế Tôn đại từ bi, đã vì chúng sinh đời sau mà khai mở một pháp môn vĩnh viễn vừa chân chính, vừa dễ dàng, lại vừa sâu kín, rốt ráo, hợp cơ; bất luận là người có căn tánh như thế nào, đều thích nghi tu tập. Đó là pháp môn “xưng niệm danh hiệu Phật”, đã được nói trong kinh A Di Đà. Pháp môn này do đức Phật Thích Ca khởi xướng; và hoằng dương rộng rãi thì có các bậc thánh hiền như Văn Thù(2), Phổ Hiền(3), Quán Âm(4), Thế Chí(5), Mã Minh(6), Long Thọ(7), Tuệ Viễn, Đàm Loan(8), Trí Khải, Đạo Xước(9), Thiện Đạo(10), Thanh Lương(11), Vĩnh Minh(12), Trường Lô(13), Thiên Y(14), Viên Chiếu(15), Đại Thông(16), Trung Phong(17), Thiên Như(18), Sở Thạch(19), Không Cốc(20), Liên Trì, Ngẫu Ích(21), Triệt Lưu(22), Tỉnh Am(23), Mộng Đông(24), Ấn Quang(25)-(26), v.v… Giả sử chúng ta là những kẻ mù lòa, nhưng nếu mau mau níu tay áo của quí vị trên đây mà đi theo, cuối cùng cũng có thể bước vào được cõi Tịnh-độ. Vì vậy, việc chọn lựa pháp môn tu học, cho đến bây giờ thật đã không còn thành vấn đề; nguyên nhân rõ ràng nhất, là rất nhiều các bậc đại thiện tri thức, từ xưa đến nay, đã thay thế cho kẻ hậu học chúng ta, chọn lựa pháp môn “niệm Phật” này, vừa phù hợp cho cả ba loại căn tánh(27), vừa bao quát khắp cả chín cõi(28); chúng ta chỉ cần tin tưởng và hành trì thì tất cả mọi vấn đề đều không có gì khó khăn cả. Như thế là chúng ta không còn phải nhọc lòng chọn lựa gì nữa.

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Đại bát niết bàn: Cấu thức của từ này khá đặc biệt. Nguyên tiếng Phạn là maha-parinirvana; chữ “maha” được dịch nghĩa là “đại”, còn chữ “parinirvana” lại được dịch âm là “bát niết bàn”, để thành “đại bát niết bàn”, một từ gồm cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Chữ “đại” có nghĩa là thù thắng, rộng lớn, trùm khắp; chữ “bát” được dịch là “viên”, có nghĩa là hoàn toàn; chữ “niết bàn” được dịch là “tịch”, nghĩa là giải thoát. Vậy, “đại bát niết bàn” tức là “đại viên tịch”, là cảnh giới giải thoát trọn vẹn của chư Phật. Đại bát niết bàn cũng được dịch là “đại diệt độ”. Trong từ này, chữ “đại” có nghĩa là pháp thân; chữ “diệt” có nghĩa là giải thoát; và chữ “độ” có nghĩa là bát nhã (trí tuệ) – pháp thân, bát nhã và giải thoát là ba đức của chư Phật. Như vậy, từ “đại bát niết bàn” chỉ để dùng cho chư Phật; còn các bậc A-la-hán và Bích-chi Phật thì dùng từ “niết bàn”.

2. Văn Thù: Tiếng Phạn là Manjusri, dịch âm ra Hán ngữ là Văn Thù Sư Lị, hoặc Mạn Thù Thất Lị, dịch nghĩa là diệu đức, diệu cát tường, hay pháp vương tử. Đó là tên của một vị Bồ-tát lớn, rất thường xuất hiện trong các kinh điển đại thừa. Kinh Văn Thù Sư Lị Bát Niết Bàn nói rằng, vào thời đức Phật Thích Ca tại thế, ngài Văn Thù sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở thôn Đa-la, thành Xá-vệ, sau theo Phật xuất gia học đạo, trở thành vị thượng thủ trong chúng Bồ-tát. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội thì nói rằng, Bồ-tát Văn Thù nguyên là một vị cổ Phật, có tên là Long Chủng Thượng Như Lai. Kinh Ương Quật Ma La thì nói, ngài cũng chính là Phật Hoan Hỉ Tạng Ma Ni Bảo Tích, hiện tại ở thế giới Thườnghỉ, phương Bắc. Nói chung, trong các kinh điển thường nói, Bồ-tát Văn Thù cùng Bồ-tát Phổ Hiền là hai vị luôn luôn hầu cận bên cạnh và là hai vị trợ giáo đắc lực nhất của Phật Thích Ca trong việc xiển dương giáo pháp đại thừa. Đức Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ cao tột mà hàng Bồ-tát phải đạt được để tiến đến quả vị giác ngộ hoàn toàn. Tông Tịnh Độ cho rằng, đức Văn Thù có liên hệ mật thiết với tông này, và tôn kính ngài như một vị Bồ-tát đã xiển dương pháp môn niệm Phật. Kinh Quán Phật Tam Muội Hải có thuật lời của ngài rằng: “Đồng tử Giới Hộ đầu tiên nhờ thọ pháp tam qui, chí thành lạy Phật, chiêm ngưỡng Phật, tâm không mệt mỏi, nên được gặp vô số chư Phật; huống chi là người chuyên tâm luôn tưởng đến Phật.” Trong kinh Văn Thù Phát Nguyện cũng có ghi lời nguyện của đức Văn Thù rằng: “Tôi nguyện khi mạng chung, diệt trừ mọi chướng ngại, vãng sinh về Cực-lạc, diện kiến Phật A Di Đà…”

3. Phổ Hiền: Tiếng Phạn là Samantabhadra, dịch âm ra Hán ngữ là Tam Mạn Đa Bạt Đà La, là tên vị Bồ-tát lớn thường xuất hiện chung với Bồ-tát Văn Thù (như vừa nói trên) trong các kinh điển đại thừa. Vì thân tướng cùng công đức của ngài thuần thiện, biến khắp, cho nên gọi là Phổ Hiền. Trong khi ngài Văn Thù được tôn xưng là vị Bồ-tát “đại trí” thì ngài Phổ Hiền được tôn xưng là vị Bồ-tát “đại hạnh”. TRÍ là để giác ngộ thành Phật; HẠNH là để giáo hóa độ sinh. Vì tâm đại bi, ngài nguyện luôn luôn dùng mọi phương tiện để tuyên dương Phật pháp, hóa hiện mọi thân tướng để cứu độ chúng sinh, ủng hộ tất cả những ai hành trì và hoằng dương Phật pháp. Trong kinh Hoa Nghiêm có ghi mười điều nguyện lớn của ngài, như: Nguyện thường cung kính lễ bái chư Phật; nguyện thường khen ngợi công đức của chư Phật; v.v… Và ngài có nói: “Nếu có người tin tưởng sâu xa vào mười điều nguyện lớn này, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép, giảng nói cho mọi người, người đó sẽ được vãng sinh về nước Cực-lạc…” Bởi vậy, tông Tịnh Độ tôn kính ngài, cũng như Bồ-tát Văn Thù, là vị Bồ-tát đã góp công đức vào việc xiển dương pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ.

4. Quán Âm: tức Bồ-tát Quán Thế Âm, cũng gọi là Quán Tự Tại; tiếng Phạn là Avalokitesvara, dịch âm ra Hán ngữ là A Phược Lô Chỉ Đê Thấp Phạt La. Với tâm đại bi, ngài dùng tính nghe viên thông để nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh đau khổ mà thị hiện cứu độ, cho nên gọi là Quán Thế Âm. Ngài có phát 12 lời nguyện lớn trong việc độ sinh, như: Tôi nguyện có mặt thường xuyên tại biển khơi và một lòng thương nghĩ đến chúng sinh đang đau khổ, không có một trở ngại nào ngăn cản tôi được; Tôi nguyện có mặt ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh đen tối trong thế giới khổ đau, tức khắc tìm đến chỗ nào có tiếng kêu cứu để giúp đỡ; Tôi nguyện chèo con thuyên Phật pháp dạo cùng khắp vùng biển khổ đau để cứu độ chúng sinh, cho đến khi kẻ đau khổ cuối cùng được an lạc, giải thoát; v.v… Trong kinh Đại Bi có ghi lời Phật dạy rằng: “Bồ-tát Quán Thế Âm vốn đã thành Phật từ kiếp xa xưa, có danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì lòng đại bi, muốn thành tựu đạo nghiệp cho tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh được an vui, ngài đã thị hiện làm thân Bồ-tát…” Trong kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Đắc Đại Thế Bồ Tát Thọ Kí có nói: Trong vô lượng kiếp sau, đức Phật A Di Đà sẽ nhập niết bàn. Sau đó, đức Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, thay thế Phật A Di Đà nhiếp hóa chúng sinh. Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát lớn, cùng với Bồ-tát Đại Thế Chí, là hai vị hầu cận và trợ thủ đắc lực nhất của đức Phật A Di Đà trong việc tiếp dẫn chúng sinh về cõi Cực-lạc. Bởi vậy, tông Tịnh Độ đã tôn xưng đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí là “Tây Phương Tam Thánh”.

5. Thế Chí: Tiếng Phạn là Maha-sthama-prapta, dịch âm ra Hán ngữ là Ma Ha Ta Thái Ma Bát La Bát Đa, dịch ý là “đắc đại thế”, hay “đại tinh tấn”, tức là Bồ-tát Đại Thế Chí. Ngài cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm (như vừa nói trên) là hai vị cận sự luôn luôn ở hai bên tả hữu của đức Phật A Di Đà – cả ba Ngài được gọi chung là “Tây Phương Tam Thánh”. Bồ-tát Đại Thế Chí dùng trí tuệ chiếu soi cùng khắp, khiến cho chúng sinh xa lìa ba dường dữ, được sức vô thượng. Trong lúc ngài thực hiện hạnh nguyện ấy, cõi đất ở khắp thế giới mười phương đều chấn động, cho nên gọi ngài là Đại Thế Chí. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Khi còn tu nhân, Bồ-tát Đại Thế Chí đã dùng tâm niệm Phật mà nhập vào vô sinh nhẫn; cho nên, hôm nay ngài có thể giúp cho những người niệm Phật ở thế giới Ta-bà được về cõi Tịnhđộ. Kinh Bi Hoa còn nói: Sau khi đức Phật A Di Đà nhập diệt, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật và thay thế vào địa vị của Phật A Di Đà; sau khi đức Quán Thế Âm nhập diệt, Bồ-tát Đại Thế Chí sẽ thành Phật, hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, thay thế đức Quán Thế Âm mà nhiếp hóa chúng sinh.

6. Mã Minh (Asvaghosa – khoảng 100-160): Ngài là người Ấn-độ, sinh trong một gia đình Bà-la-môn, thôn Ta-chỉ-đa, thành Xá-vệ. Gia tộc ngài có quan hệ sâu đậm với vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska – khoảng thế kỉ đầu TL, vua đời thứ ba của vương triều Quí Sương – Kusana, nước Nhục-chi –cũng đọc là Nguyệtthị– kế thế vua A Dục, cai trị toàn vùng Bắc Ấn-độ). Lúc nhỏ ngài theo học ngoại đạo, sau được cơ hội đàm luận với Hiếp tôn giả (Parsva), bị tôn giả thuyết phục, bèn cảm kích mà xin qui y, thọ cụ túc giới, và được tôn giả phú cho pháp tạng, trở thành vị tổ thứ 12 kế thừa pháp tạng. Ngài tinh tường cả nội ngoại điển, thông suốt ba tạng, được coi là thế hệ tiền phong của nền văn học Phạn ngữ thời kì cổ điển, để lại tiếng tăm lớn trong văn học sử Phạn ngữ. Ngài đem cuộc đời đức Phật viết thành tác phẩm tự sự Phật Sở Hành Tán (Buddhacarita) bằng thể thơ; lại lấy sự tích tôn giả Nan Đà (Nanda) dứt bỏ tình yêu với người vợ đẹp, viết thành thi phẩm lừng danh Tôn Đà La Nan Đà (Saundara-nanda). Bởi vậy ngài cũng được coi là một nhà thơ Phật giáo. Luận Đại Thừa Khởi Tín là một tác phẩm nổi danh của ngài, rất được mọi người biết đến; trong đó ngài nêu lên các giáo lí trọng yếu, cũng như chỉ bày đường lối tu tập theo giáo pháp đại thừa, mà phần cuối có đoạn khuyên người tu nên chuyên tâm niệm Phật và cầu vãng sinh về cõi Tịnh-độ.

7. Long Thọ (Nagarjuna – khoảng thế kỉ thứ 2-3): là vị sáng tổ của học phái Trung Quán của Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ, và là vị tổ thứ 14 kế thừa pháp tạng. Ngài người Nam Ấn-độ, xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn. Từ nhỏ đã tỏ ra là người dĩnh ngộ, học thông bốn kinh Phệ Đà, cả thiên văn, địa lí, thuật số. Ngài luyện được thuật tàng hình. Một ngày nọ, ngài cùng với ba người bạn thân (cũng biết thuật tàng hình) lẻn vào cung vua, xâm phạm các cung nữ. Việc bị bại lộ, ba người bạn bị xử chém, riêng ngài thoát thân được. Nhân sự việc này mà ngài tỉnh ngộ, thấy rõ tâm ái dục là gốc của tội lỗi, bèn vào núi, được gặp tháp Phật, rồi xuất gia thọ giới. Ngài học khắp ba tạng, nhưng chưa thông đạt kinh pháp đại thừa. Một lần cùng ngoại đạo tranh luận, ngài đánh đổ được học thuyết của họ; nhân đó mà sinh tâm kiêu mạn, muốn tự sáng lập giáo phái riêng để độ chúng. Có vị Đại Long Bồ-tát, thấy thế thì thương xót, bèn dắt ngài xuống long cung, cho xem các kinh điển đại thừa. Nhờ đó mà ngài thông đạt giáo pháp đại thừa, trước tác nhiều kinh luận đại thừa (như Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Thừa Phá Hữu Luận, Thập Trụ Tì Bà Sa Luận, Đại Trí Độ Luận,v…), được người đời xưng tụng là “Thiên Bộ Luận Chủ”; lại được nhiều tông phái cùng tôn xưng là sáng tổ. Trong luận Tì Bà Sa và luận Đại Trí Độ, ngài có tán dương đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh-độ, cùng khai thị cho mọi người thấy rõ sự công hiệu của pháp môn tu “niệm Phật tam muội”.

Chư vị Bồ-tát trên đây (Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí, Mã Minh, Long Thọ) đều có liên hệ đến pháp môn tu Tịnh Độ. Bởi vậy, tông Tịnh Độ đã tôn đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tịnh-độ; và tôn chư vị Bồ-tát ấy là “thánh chúng xiển giáo” của tông Tịnh Độ.

8. Đàm Loan (476-?): là vị cao tăng Trung-quốc ở thời Bắc-Ngụy (386-534), chuyên tu pháp môn niệm Phật của tông Tịnh Độ; được Phât giáo Nhật-bản tôn xưng là tổ thứ nhất của tông Tịnh Độ, và là tổ thứ ba của Chân tông nước Nhật. Ngài quê ở Nhạn-sơn, huyện Đại, tỉnh Sơn-tây, Trung-quốc, không rõ tên họ là gì. Nhà ở gần núi Ngũ-đài, thường được nghe các việc thần tích linh dị, nên vừa hơn mười tuổi thì ngài lên núi xuất gia, chuyên cần tu học. Về sau, khi đọc kinh Đại Tập, thấy văn nghĩa sâu xa, bèn phát nguyện chú giải. Nhưng việc chưa xong thì phát bịnh nặng, nhiều thầy thuốc trị không khỏi. Bỗng một hôm ngài thấy cửa trời mở rộng, rồi tự nhiên khỏi bịnh, nhân đó mà nảy ý cầu phép trường sinh bất tử. Nghe đồn học tiên thuật có thể trường sinh bất lão, ngài bèn đi Giang-nam, lên núi Cú-dung yết kiến đạo nhân Đào Hoằng Cảnh, được trao cho mười quyển kinh Tiên. Trên đường về, lúc đi ngang qua Lạcdương, ngài gặp tam tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chi, và được trao cho kinh Quán Vô Lượng Thọ. Được cuốn kinh này, sau khi đọc và đối chiếu, ngài bèn bỏ hết mười quyển kinh Tiên, chuyên tu Tịnh Độ. Từ đó ngài ra sức xiển dương pháp môn Niệm Phật. Ngài tinh thông cả nội ngoại điển, rất được bốn chúng khâm ngưỡng. Ngài cũng là vị học giả nổi tiếng đương thời về bốn bộ luận (Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Bách Luận, Đại Trí Độ Luận), nên người sau cũng tôn ngài là tổ của Tứ Luận tông. Trước tác của ngài có: Vãng Sinh Luận Chú (chú thích sách Tịnh Độ Luận của Bồ-tát Thế Thân), Tán A Di Đà Phật Kệ, Lễ Tịnh Độ Thập Nhị Kệ, Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩav… Ngài viên tịch khoảng thập niên đầu nhà Bắc-Tề (550-577).

9. Đạo Xước (562-645): là vị tổ thứ hai của tông Tịnh Độ (theo Phật Quang Đại Từ Điển), Trung-quốc. Ngài họ Vệ, còn được gọi là Tây Hà thiền sư, quê ở Vấn-thủy, Tinh-châu (tức huyện Thái-nguyên, tỉnh Sơn-tây). Ngài phụng thừa tư tưởng của ngài Đàm Loan, mở mang Tịnh Độ giáo ở thời kì đầu của triều đại nhà Đường (618-907). Phật giáo Nhật-bản tôn ngài là tổ thứ tư của Chân tông nước Nhật. Ngài xuất gia hồi 14 tuổi, học rộng các kinh luận, nhưng tinh chuyên về kinh Niết Bàn. Về sau, ngài đến ở chùa Huyền-trung (ở Vấn-thủy), vốn do ngài Đàm Loan kiến tạo. Khi đọc văn bia về ngài Đàm Loan, ngài hết sức cảm kích, bèn chuyển sang tín ngưỡng Tịnh Độ. Bấy giờ ngài 48 tuổi, mỗi ngày niệm danh hiệu Phật bảy vạn biến, cho đến năm 83 tuổi mới ngưng. Ngài thọ 84 tuổi. Trước tác của ngài có: Tịnh Độ Luận, An Lạc Tập, đều nhằm truyền bá giáo chỉ tông Tịnh Độ.

10. Thiện Đạo (613-681): là vị cao đồ của ngài Đạo Xước, và là tổ thứ ba tông Tịnh Độ (theo Phật Quang Đại Từ Điển), Trung-quốc. Ngài họ Châu, hiệu là Chung Nam đại sư, quê ở huyện Lâm-truy, tỉnh Sơn-đông (có thuyết nói là huyện Hu-di, tỉnh An-huy). Lúc nhỏ, ngài xuất gia với Minh Thắng pháp sư ở Mật-châu, chuyên trì tụng các kinh Pháp Hoa, Duy Ma,v… Về sau, nhân được đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ, ngài liền tu tập 16 phép quán (quán mặt trời, quán nước, quán đất, quán cây báu, quán ao báu, v.v…). Năm 28 tuổi, ngài đến chùa Huyền- trung ở Tây-hà, yết kiến đại sư Đạo Xước, nghe giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ; từ đó, dốc lòng chuyên tu pháp môn niệm Phật, chuyên cần tinh tấn, chứng được “niệm Phật tam muội”. Về sau, ngài đến chùa Quang-minh ở Trường-an, truyền bá pháp môn Tịnh Độ cho bốn chúng đệ tử. Mỗi ngày ngài quì niệm Phật, đến khi nào kiệt sức mới nghỉ. Sau khi niệm Phật lại diễn giảng pháp môn Tịnh Độ và khuyến khích đại chúng niệm Phật. Ròng rã như vậy đến hơn 30 năm. Trước tác của ngài có Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, Tịnh Độ Pháp Sự Tán, Quán Niệm Pháp Môn, Vãng Sinh Lễ Tán Kệ, v.v…

11. Thanh Lương: tức Trừng Quán (738-839), một vị danh tăng đời Đường, Trung-quốc. Ngài quê huyện Thiệu-hưng, tỉnh Triết-giang, họ Hạ-hầu, tự Đại Hưu, hiệu Thanh Lương. Năm 11 tuổi, ngài xin xuất gia với Bái thiền sư ở chùa Bảo-lâm; đến 14 tuổi được thế độ. Từ năm 758 (20 tuổi) trở đi, ngài theo học Luật với luật sư Lễ, chùa Thê-hà, và luật sư Đàm Nhất ở Nhuận-châu; rồi lại theo học Tam Luận với ngài Huyền Bích ở Kim-lăng. Sau đó ngài lại đi các nơi để tham học về luận Đại Thừa Khởi Tín, Tam Luận, kinh Niết Bàn, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma, thiền pháp Nam-tông, thiền pháp Bắc-tông, v.v… Ngoài ra, ngài còn nghiên cứu các kinh điển Phệ Đà, ngũ minh của Ấn-độ, và cả các bộ Kinh, Sử, Tử, Truyện của Trung-hoa. Năm 776, ngài chu du các núi Ngũ-đài, Nga-mi; rồi về trú tại chùa Đại-hoa-nghiêm ở núi Ngũ-đài, chuyên tu Phương Đẳng sám pháp. Tại đây, ngài thường giảng dạy về tông chỉ của kinh Hoa Nghiêm, tiếng tăm lừng lẫy, vang động đến tận triều đình, được vua Đường Đứctông (780-805) thỉnh về Trường-an dịch kinh. Nhân ngày sinh nhật của vua, ngài được triệu vào cung giảng về tông chỉ kinh Hoa Nghiêm. Nhà vua nhờ đó mà tỏ ngộ, bèn ban tặng cho ngài danh hiệu “Thanh Lương quốc sư”. Các vua kế tiếp là Thuận-tông (805) và Hiến-tông (806-820), cũng đều nhờ ngài mà tỏ ngộ đạo lí, cho nên ngài đã được tôn lên tước vị tăng thống quốc sư. Ngài viên tịch năm 839, dưới triều vua Đường Văn-tông (827-840), thọ thế 102 tuổi. Ngài sống trải qua 9 đời vua (Đường Huyền-tông, Túctông, Đại-tông, Đức- tông, Thuận-tông, Hiến-tông, Mục-tông, Kính-tông, Văn-tông), trong số đó, tới 7 vị (từ vua Đại-tông đến vua Văn-tông) được ngài giáo hóa. Đệ tử đắc pháp của ngài có hơn trăm vị. Trước tác của ngài rất nhiều: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sớ, Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao, Hoa Nghiêm Kinh Cương Yếu, Ngũ Uẩn Quán, Tam Thánh Viên Dung Quán Môn,v… Ngài chuyên về Hoa Nghiêm, nên được tông Hoa Nghiêm Trung-quốc tôn xưng là vị Tổ thứ tư; đồng thời ngài cũng xiển dương pháp môn niệm Phật (như trong bộ Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh Sớ, quyển 56, ngài có nêu ra 5 phương pháp niệm Phật), nên cũng được coi là một trong các vị tôn sư của tông Tịnh Độ.

12. Vĩnh Minh: tức Diên Thọ (904-975), vị Tổ thứ 6 của tông Tịnh Độ, và là vị Tổ thứ 3 của tông Pháp Nhãn, Trung-quốc. Ngài họ Vương, tự Trọng Huyền, vốn quê ở huyện Giang-ninh, tỉnh Giang-tô, sau dời qua huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang. Thời niên thiếu, ngài làm quan trông coi về thuế vụ dưới thời vua Tiền Lưu của nước Ngô-việt (một trong 10 nước thời Ngũ-đại, 907-978, Trung-quốc). Năm 30 tuổi, ngài vào núi Tứ-minh (Triết-giang), xin xuất gia với thiền sư Thúy Nham ở chùa Long-sách. Sau đó ngài đến núi Thiên-thai, tham yết quốc sư Đức Thiều, tu tập thiền quán, được truyền pháp, trở thành người thừa kế đời thứ ba của tông Pháp Nhãn. Ngài lại đến chùa Quốc-thanh, chuyên đọc tụng kinh Pháp Hoa, và hành trì Pháp Hoa Sám Pháp. Sau đó ngài đến trú tại núi Tuyết-đậu ở Minh-châu. Tại đây ngài ra công hoằng pháp, đồ chúng theo học rất đông. Từ năm 961 (năm thứ nhì của nhà Tống, 960-1279), ngài trú tại chùa Vĩnh-minh (Tây-hồ, Hàng-châu) cho đến cuối đời, nhiếp hóa đồ chúng đông đúc, khiến nơi đây trở thành một đạo tràng quan trọng. Ngài mỗi ngày hành trì 108 điều (hai điều quan trọng nhất là tụng một bộ kinh Pháp Hoa và niệm Phật mười vạn biến), buổi tối lại ra một hang đá riêng để niệm Phật. Ngài thường trao truyền giới Bồ-tát cho tăng chúng; mỗi ngày đều phóng sinh chim cá, cúng thí quỉ thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh-độ; được tôn hiệu là Vĩnh Minh đại sư, lại còn được xưng tụng là “Từ Thị hạ sinh”. Ngài viên tịch năm 975, thọ thế 72 tuổi, được vua ban hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài chủ xướng con đường “Thiền Tịnh song tu”. Những trước tác quan trọng của ngài có bộ Tông Cảnh Lục (trình bày và dung hòa những dị đồng giữa ba tông Pháp Hoa, Hoa Nghiêm và Duy Thức, làm nổi bật thiền phong của tông Pháp Nhãn), Vạn Thiện Đồng Qui (trình bày những yếu chỉ của tông Tịnh Độ); ngoài ra còn có Thần Thê An Dưỡng Phú, Duy Tâm Quyết, v.v…

13. Trường Lô: tức Tông Trách (? – ?), vị cao tăng đời Tống, thuộc thiền phái Vân Môn, mà cũng thuộc tông Tịnh Độ. Ngài họ Tôn, người huyện Tương-dương, tỉnh Hồ-bắc, không rõ năm sinh cũng như năm viên tịch. Ngài mồ côi cha từ thuở nhỏ, được mẹ đem về nhà người cậu nương náu, nuôi nấng cho tới ngày lớn khôn. Lúc đầu ngài theo Nho học, mọi kinh sách thế tục đều làu thông. Năm 29 tuổi, ngài xin xuất gia với thiền sư Viên Thông Pháp Tú ở chùa Trường-lô (tỉnh Giang-tô), chẳng bao lâu thì thiền cơ tỏ ngộ, được thầy ấn khả. Khoảng đầu niên hiệu Nguyên-hựu (1086-1094) đời vua Tống Triết-tông (10861100), ngài được kế thế trú trì chùa Trường-lô. Nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục của mẹ, ngài xây một căn nhà nhỏ ở phía Đông phương trượng, mời bà về ở, rồi vân tập đại chúng đến hộ niệm để làm lễ xuống tóc cho bà. Từ đó ngài khuyên bà chuyên tâm niệm Phật. Sau bảy năm, một hôm, không đau ốm gì, bà an nhiên giã từ cõi thế. Ngài cho rằng mình đã làm tròn đạo hiếu đối với mẹ, bèn soạn bài “Khuyến Hiếu Văn” để khuyên người đời thực hành đạo hiếu. Năm 1089, ngài noi theo qui củ của Bạch Liên Xã ở Lô-sơn, lập ra Liên Hoa Thắng Hội tại Trường-lô, khuyến khích tứ chúng trì danh niệm Phật, cầu vãng sinh Tịnh-độ. Trước tác của ngài có: Thiền Uyển Thanh Qui, Vi Giang Tập, Tọa Thiền Châm, Niệm Phật Tham Thiền Cầu Tông Chỉ Thuyết,v…

14. Thiên Y: tức Nghĩa Hoài (989-1060), một vị cao tăng đời Tống, Trung-quốc. Ngài họ Trần, quê huyện Vĩnh-gia, tỉnh Triết-giang. Tuổi niên thiếu, ngài vào chùa Cảnh-đức ở kinh thành xin làm chú tiểu để chuẩn bị xuất gia. Khoảng niên hiệu Thiên-thánh (1023-1032) đời vua Tống Nhân-tông (1023-1063), sau khi đỗ các kì khảo hạch kinh điển, ngài được thế độ. Sau đó ngài chu du các nơi cầu học, cuối cùng, ngài đến chùa Thúy-phong ở Cô-tô, y chỉ thiền sư Minh Giác (tức Tuyết Đậu Trọng Hiển, thiền phái Vân Môn), ngày ngày kiếm củi gánh nước, nhưng tâm chí chuyên cần tu học. Một hôm đang gánh nước, bỗng nhiên cây đòn gánh bị gẫy, ngài liền tỏ ngộ, bèn viết bài kệ kiến giải trình lên, được thầy ấn chứng. Sau đó, trước sau ngài đã chủ trì năm ngôi đạo tràng; đầu tiên là chùa Thiết-Phật, sau cùng là chùa Thiên-y, giáo hóa đồ chúng vô cùng đông đảo. Ngài vừa ra sức xiển dương tông chỉ của thiền phái Vân Môn, lại vừa khuyến khích mọi người thực hành pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ.

15. Viên Chiếu: tức Tông Bản (1020-1099), một vị cao tăng đời Tống, Trung-quốc. Ngài họ Quản, tự Vô Triết, quê huyện Vô-tích, tỉnh Giang-tô. Năm 19 tuổi, ngài xin xuất gia với thiền sư Đạo Thăng ở chùa Vĩnh-an (Tô-châu), khổ tu ròng rã 10 năm mới được thọ đại giới. Sau đó 3 năm, ngài xin phép du phương tham học. Ngài đến tham yết thiền sư Nghĩa Hoài, được tỏ ngộ. Thiền sư bèn cử ngài đến mở đạo tràng hoằng pháp tại chùa Thụy-quang ở Tô-châu, đồ chúng theo học ngày càng đông. Sau đó ngài đến trú tại chùa Tịnh-từ ở Hàng-châu, dù vậy, chư tăng và Phật tử các chùa Vạn-thọ và Long-hoa ở Tô-châu vẫn thường mời ngài về hoằng pháp, số người được giáo hóa có đến cả ngàn. Danh đức của ngài ngày càng đồn xa. Năm 1082, vua Tống Thần-tông (1068-1085) xuống chiếu thỉnh ngài về Đông-kinh, trú trì thiền viện Tuệ-lâm, thuộc chùa Tướng-quốc. Trải qua nhiều buổi pháp đàm tại điện Diên-hòa, vua rất lấy làm toại ý. Vua Tống Triết-tông (1086-1100) vẫn giữ lòng cung kính đối với ngài, đã ban hiệu cho ngài là Viên Chiếu thiền sư. Năm 1086, lấy cớ tuổi già, ngài xin vua được rời kinh thành, về trú tại chùa Linhnham ở Tô-châu. Từ đó ngài bế môn tu thiền, vừa tu tịnh nghiệp (Tịnh-độ). Ngài viên tịch năm 80 tuổi. Trước tác của ngài có Qui Nguyên Trực Chỉ Tập và Tuệ Biện Lục.

16. Đại Thông: tức Thiện Bản (?-1109), đệ tử đắc pháp của thiền sư Tông Bản Viên Chiếu (vừa trình bày trên). Ngài họ Đổng, quê huyện Khai-phong, tỉnh Hà-nam. Khi tuổi đã lớn, nhân dự kì khảo hạch về kinh Hoa Nghiêm mà được độ cho xuất gia, làm đệ tử của thiền sư Viên Chiếu. Do sự việc này, người đời đã gọi hai thầy trò ngài là Đại Bản và Tiểu Bản. Ngài được vua xuống chiếu mời về trú trì chùa Phápvân ở kinh thành, và được ban hiệu là Đại Thông. Về sau, ngài xin về ẩn cư tại chùa Tượng-ổ ở Hàngchâu. Từ đó ngài đóng cửa ẩn tu, xa cách hẳn thế giới bên ngoài, chuyên hành trì pháp môn niệm Phật. Ngài viên tịch năm Đại-quan thứ ba (1109) đời vua Tống Huy-tông (1101-1125).

17. Trung Phong: tức Minh Bản (1263-1323), một vị cao tăng thuộc thiền phái Lâm Tế đời Nguyên (1260-1368), Trung-quốc. Ngài họ Tôn, hiệu Trung Phong, quê Tiền-đường, tỉnh Triết-giang. Năm 15 tuổi ngài phát tâm xuất gia, nghiêm trì năm giới, ban ngày thường trì tụng các kinh Pháp Hoa, Viên Giác, Kim Cang, ban đêm thường kinh hành, không chịu nằm nghỉ. Năm 23 tuổi, ngài đến Sư-tử viện ở núi Thiên-mục, tham yết thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295). Một hôm, trong lúc đang tụng kinh Kim Cang thì ngài bỗng nhiên khai ngộ. Năm 24 tuổi ngài được thiền sư Cao Phong thế độ; và qua năm sau thì thọ đại giới, trở thành vị thừa kế của thiền sư. Sau khi thiền sư Cao Phong viên tịch (1295), ngài vân du hành hóa bốn phương, không cư trú chỗ nào nhất định, tự hiệu là Huyễn Trú đạo nhân. Chẳng bao lâu, ngài đáp ứng lời thỉnh cầu của đồ chúng, trở về núi Thiên-mục, cất một am tranh dưới ngôi tháp của thiền sư Cao Phong để cư trú, cả tăng tục vua quan đều qui kính, ngưỡng vọng, tôn xưng ngài là vị cổ Phật ở Giang-nam. Năm 1306, ngài đứng ra chủ trì Sư-tử viện, được mọi người xưng là Trung Phong hòa thượng, nhưng chẳng bao lâu, ngài lại từ bỏ mọi việc. Các vị quan lại, hào phú đều muốn thỉnh ngài về trú trì các ngôi chùa cổ ở các danh sơn trong vùng Triết-giang, ngài đều khước từ. Vua Nguyên Nhântông (1312-1320) tôn ngài làm thầy, muốn thỉnh ngài về kinh, ngài cũng từ chối. Vua bèn sai sứ giả đến cúng dường pháp y, ban hiệu cho ngài là Phật Từ Viên Chiếu Quảng Tuệ thiền sư, đổi Sư-tử viện thành “Sư-tử Chánh-tông thiền tự”. Từ đó, mọi người đều gọi ngài là Trung Phong quốc sư. Ngài viên tịch năm Chí-trị thứ 3 (1323) đời vua Nguyên Anh- tông (1321-1323), thọ thế 61 tuổi; năm Thiên-lịch thứ 2 (1329) đời vua Nguyên Văn-tông (1328-1332) lại được thụy hiệu là Trí Giác thiền sư; năm Nguyên-thống thứ 2 (1334) đời vua Nguyên Thuận-đế (1333-1368), lại được truy tặng thụy hiệu là Phổ Ứng thiền sư. Ngài vừa đề cao tông chỉ “trực chỉ nhân tâm” của Thiền tông, lại vừa xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Trước tác của ngài có Hoài Tịnh Độ Thi (108 bài thơ), Quảng Lục, Tạp Lục, Tam Thời Hệ Niệm Nghi Phạm.

18. Thiên Như: tức Duy Tắc (1286-1354), một vị thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế đời Nguyên, Trungquốc, đệ tử đắc pháp của thiền sư Trung Phong Minh Bản (vừa ghi trên). Ngài họ Đàm, tự Thiên Như, quê huyện Vĩnh-tân, tỉnh Giang-tây. Lúc nhỏ, ngài xuống tóc ở núi Hòa, sau đến núi Thiên-mục, theo học với thiền sư Nguyên Bản, đắc pháp và trở thành người thừa kế của thiền sư. Năm đầu niên hiệu Chíchánh (1341) đời vua Nguyên Thuận- đế (1333-1368), ngài trú tại rừng Sư-tử ở Tô-châu. Tại đây, năm sau, chư đồ chúng góp sức, xây cất chùa Bồ-đề-chánh-tông, thỉnh ngài trú trì hoằng hóa, trở thành ngôi đạo tràng lớn của thiền phái Lâm Tế. Ngài được vua cúng dường pháp y và ban tặng hiệu Phật Tâm Phổ Tế Văn Tuệ Đại Biện thiền sư. Dù vậy, vua nhiều lần thỉnh ngài vào cung, ngài đều cáo bệnh không đi. Cùng lúc hoằng dương tông phong của thiền phái Lâm Tế, ngài cũng nghiên cứu kĩ càng giáo chỉ của chư tổ tông Thiên Thai; lại xiển dương giáo pháp Tịnh Độ. Ngài viên tịch năm 69 tuổi. Trước tác của Ngài có: Thiền Tông Ngữ Lục, Thập Phương Giới Đồ Thuyết, Lăng Nghiêm Kinh Hội Giải (phụ chú), Lăng Nghiêm Kinh Viên Thông Sớ, Tịnh Độ Hoặc Vấn (phá trừ những nghi hoặc về giáo pháp Tịnh Độ).

19. Sở Thạch: tức thiền sư Phạm Kì (1296-1370), họ Châu, tự Sở Thạch, quê huyện Ninh-ba, tỉnh Triếtgiang, Trung-quốc. Tương truyền, thân mẫu của ngài, họ Trương, nằm mộng thấy mặt trời rớt xuống bụng mình, liền thụ thai và sinh ra ngài. Lại tương truyền, một hôm nọ lúc còn bé, thân mẫu mang ngài trong cái địu, có vị thần tăng đi ngang, rờ đầu ngài nói rằng: Đứa bé này sẽ là mặt trời của Phật pháp đây. Nhân đó mà còn có tiểu tự là Đàm Diệu. Từ tuổi ấu thơ, ngài đã biết danh hiệu đức Phật A Di Đà, mỗi buổi sáng sớm đều niệm mười biến, không bao giờ xao lãng. Lên 9 tuổi, ngài xuất gia; 16 tuổi thọ đại giới và tu học ở chùa Chiêu-khánh, Hàng-châu. Một hôm, nhân đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm mà có chút ít tỉnh ngộ. Sau đó, ngài đến Kính-sơn tham yết thiền sư Nguyên Tẩu Hạnh Đoan (1254-1341), nhưng nhân duyên chưa hợp. Gặp lúc vua Nguyên Anh-tông (1321- 1323) xuống chiếu tuyển người vào kinh chép Đại Tạng Kinh, ngài ứng tuyển. Một buổi chiều nọ, nhân nghe tiếng trống nổi lên ở tháp canh trên thành phía Tây, ngài bỗng nhiên đạt ngộ; liền trở về Kính-sơn, trình bài kệ kiến giải lên thiền sư Nguyên Tẩu, được ấn chứng, và trở thành đệ tử kế thừa của thiền sư –lúc đó ngài được 29 tuổi (1325). Sau đó, ngài lần lượt trú trì tại các chùa Phúc-trăn (Hải-diêm), Vĩnh-tộ (Thiên-ninh), Báo-quốc (Hàng-châu), Bản-giác (Giahưng). Năm 1347, vua Nguyên Thuận-đế ban hiệu cho ngài là Phật Nhật Phổ Chiếu Tuệ Biện thiền sư. Năm 1357 ngài đổi về trú trì chùa Báo-ân. Hai năm sau, ngài về lại chùa Vĩnh-tộ, cất một ngôi nhà nhỏ ở mé Tây chùa, ẩn cư chuyên tu Tịnh Độ; tự hiệu là Tây Trai lão nhân. Năm đầu niên hiệu Hồng-võ (1368) đời vua Minh Thái-tổ (1368-1398), ngài vâng chiếu, ba lần thuyết pháp cho vua nghe. Năm 1370, nhân vua hỏi về việc quỉ thần, ngài đến chùa Thiên-giới, tham khảo kinh luận, viết thành sách, dự tính vào triều trình lên vua, thình lình cảm bịnh nhẹ, rồi viên tịch, thọ thế 75 tuổi. Trước tác của ngài có: Sở Thạch Phạm Kì Ngữ Lục, Tây Trai Tịnh Độ Thi, Thượng Sinh Kệ, Bắc Du Phụng Sơn Tây Trai, Thiên Thai Tam Thánh, v…

20. Không Cốc: tức thiền sư Cảnh Long (?-?), sống dưới triều đại nhà Minh. Ngài họ Trần, tự Tổ Đình, hiệu Không Cốc, quê Tô-châu, tỉnh Giang-tô, Trung-quốc. Từ tuổi ấu thơ, ngài đã không ăn cá thịt, thích ngồi xếp bằng trong tư thế giống như ngồi thiền. Khi tuổi vừa lớn, ngài theo học tâm pháp của Thiền tông với hòa thượng Lại Vân ở Biện-sơn. Năm 28 tuổi, ngài xuất gia ở núi Hổ-khâu (huyện Ngô, tỉnh Giangtô). Trong niên hiệu Hồng-hi đời vua Nhân-tông (1425) nhà Minh, ngài được cấp “độ điệp” làm tăng, bèn đến xin y chỉ với hòa thượng Thạch Am ở chùa Linh-ẩn, Hàng-châu. Không bao lâu, ngài lên núi Thiên-mục, khắc khổ tinh cần tu học. Một hôm bỗng nhiên tỏ ngộ, ngài lập tức trở về Biện-sơn, trình kệ kiến giải lên hòa thượng Lại Vân; được hòa thượng ấn chứng. Ngài vừa hành trì yếu chỉ “trực chỉ nhân tâm” của Thiền tông, lại vừa hoằng dương pháp môn niệm Phật của tông Tịnh Độ. Ngài có dạy: “… Bậc chân thật ngộ thiền cơ thì ứng dụng không ngại; như trái bầu nổi trên mặt nước, hễ đụng đến thì lăn tròn, chẳng dính cứng vào đâu cả. Hành thiền như thế thì không coi thường pháp môn niệm Phật vãng sinh, cũng không loại bỏ hai thời khóa tụng sáng tối. Xoay qua xoay lại, chỗ nào cũng là ĐẠO; đó gọi là “có Thiền có Tịnh Độ” vậy.”

21. Ngẫu Ích: tức đại sư Trí Húc (1599-1655), sống vào khoảng cuối Minh đầu Thanh. Ngài họ Chung, tên Tế Minh, tự Ngẫu Ích, hiệu Bát Bất đạo nhân, quê ở huyện Ngô, tỉnh Giang-tô. Thuở nhỏ ngài theo Nho học, quyết hộ vệ đạo Thánh và thề diệt Thích, Lão, bèn viết vài chục thiên “Tịch Phật Luận” để bài xích Phật pháp, trừ khử dị đoan. Năm 17 tuổi, nhân đọc Trúc Song Tùy Bút và Tự Tri Lục của đại sư Liên Trì (1532-1612), mới thấy rõ hành động của mình trước kia là sai quấy; bèn ăn năn sám hối, đem đốt bỏ hết các thiên “Tịch Phật Luận” đã viết. Năm 20 tuổi, trong thời kì tang cha, ngài luôn đọc tụng kinh Địa Tạng, do đó mà phát chí nguyện xuất thế, chuyên tâm niệm Phật. Năm 23 tuổi, một hôm nghe giảng kinh Lăng Nghiêm, vì không hiểu do đâu có “đại giác”, tại sao sinh khởi “hư không và thế giới” v.v…, nên ngài quyết chí xuất gia để tham cứu tận tường những vấn đề “đại sự” này. Năm 24 tuổi, ngài xin xuất gia với đệ tử của ngài Hám Sơn (1546-1623) là pháp sư Tuyết Lãnh, được đặt cho pháp danh là Trí Húc. Năm đó ngài được nghe pháp sư Cổ Đức giảng Duy Thức Luận tại chùa Vân-thê (Hàng- châu), nhân đó mà hiểu rõ tông chỉ của tông Pháp Tướng; nhưng lòng còn nghi hoặc về sự mâu thuẫn giữa Tánh và Tướng. Ngài liền về Kính-sơn (huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang) dốc lực tham thiền, rồi một hôm bỗng nhiên tỏ ngộ, thấy rõ hai tông Tánh và Tướng vốn không có gì mâu thuẫn. Ngay sau đó ngài thọ giới cụ túc ở trước tháp của ngài Châu Hoằng (Liên Trì). Năm 26 tuổi, sau khi thọ giới Bồ-tát, ngài phát tâm duyệt lại tạng Luật. Năm 28 tuổi có tang mẹ, ngài muốn ẩn cư trong chốn rừng núi, nhưng pháp hữu mời ngài trú tại Tùng-giang ở Giang-tô. Tại đây ngài bế quan và bị bịnh nặng, bèn chuyên tham thiền và niệm Phật cầu vãng sinh. Từ năm 30 tuổi, ngài đến các nơi giảng Luật. Vừa nhận rõ sự trọng yếu của giới luật, vừa xét thấy tình hình suy thoái trong các tông môn do sự coi thường giới luật, ngài liền phát tâm xiển dương Luật học, nhưng nhất quyết không bao giờ làm hòa thượng truyền giới. Năm 33 tuổi, ngài trú tại chùa Linh-phong ở núi Thiên-mục (huyện Lâm-an, tỉnh Triêt-giang); 35 tuổi, xây cất chùa Tây-hồ. Năm 37 tuổi trở đi, ngài chu du khắp các vùng Võ-thủy, Cửu-hoa, Hồ-châu, Thạch-thành, v.v…, tham cứu, chú thích kinh luận, và xiển dương giáo nghĩa các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Pháp Tướng và Tịnh Độ; đến 51 tuổi trở về lại Linh-phong, tiếp tục trước thuật. Năm 55 tuổi ngài đi Tân-an (Truếtgiang); 56 tuổi lại trở về Linh-phong. Ngài bị bịnh, nhưng hễ lúc nào được khỏe là ngài lại viết sách. Người đời xưng ngài là Linh Phong Ngẫu Ích đại sư. Ngài viên tịch vào năm Thuận-trị thứ 12 (1655) đời vua Thanh Thế-tổ (1644-1661), thọ thế 57 tuổi. Ngài suốt đời không ham danh vị, nghiêm trì giới phẩm, hoằng dương Luật tạng; trong thì dung hội giáo nghĩa các tông Pháp Tướng, Hoa Nghiêm, Thiền, Luật, tuy có thiên trọng về Thiên Thai và Tịnh Độ – lại chủ trương Thiền, Giáo, Luật đều qui về Tịnh Độ; ngoài thì chủ xướng tinh thần dung hợp Phật, Đạo, Nho. Người đời sau tôn ngài là tổ thứ 9 của tông Tịnh Độ; đồng thời, ngài cũng được liệt vào một trong “tứ đại cao tăng” đời Minh, gồm: Hám Sơn, Tử Bách (1543-1603), Liên Trì, Ngẫu Ích. Trước tác của ngài rất nhiều và đa dạng: Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải, Tịnh Độ Thập Yếu, Duy Thức Tâm Yếu, Viên Giác Kinh Tân Sớ, Lăng Già Nghĩa Sớ, Phạm Võng Hợp Chú, Đại Thừa Chỉ Quán Thích Yếu, Đại Niết Bàn Hợp Luận, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, A Di Đà Kinh Yếu Giải, Kim Cang Kinh Phá Không Luận, Chu Dịch Thiền Giải, Tứ Thư Ngẫu Ích Giải, v.v…

22. Triệt Lưu: tức đại sư Hành Sách (1626-1682), vị tổ thứ 10 của tông Tịnh Độ, Trung-quốc. Ngài họ Tưởng, tự Triệt Lưu, quê ở huyện Nghi-hưng, tỉnh Giang-tô. Phụ thân ngài là Tưởng Toàn Xương, tinh thông cả Nho lẫn Phật, vốn là bạn thân của đại sư Hám Sơn. Sau khi Hám Sơn viên tịch được ba năm (1626), một đêm kia Toàn Xương nằm mộng thấy Hám Sơn chống gậy vào nhà, ngay lúc đó Hành Sách được sinh ra; do đó, Hành Sách còn được đặt cho ngoại hiệu là Mộng Hám. Đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ đều lần lượt qua đời, ngài bèn lập chí xuất gia. Năm 23 tuổi, ngài xin xuất gia với hòa thượng Nhược Am Thông Vấn (1604-1655) ở chùa Lí-an (huyện Hàng, tỉnh Triết-giang). Suốt 5 năm tu hành tinh tấn, lưng không hề đặt xuống giường, rốt cuộc, ngài tỏ ngộ thật tướng của vạn pháp. Sau khi hòa thượng Nhược Am viên tịch, ngài đến trú chùa Báo-ân. Tại đây, ngài được bạn đồng tu là Tức Am khuyên tu Tịnh Độ. Sau đó ngài lại đến Tiền-đường, gặp pháp sư Tiều Thạch, học tập giáo nghĩa tông Thiên Thai, lại cùng nhau nhập thất để tu tập Pháp Hoa tam muội. Nhân đó mà túc huệ sáng tỏ, ngài thấu triệt giáo nghĩa cốt tủy của tông Thiên Thai. Năm thứ hai đời vua Khang Hi (1663) nhà Thanh, ngài cất am Liênphu bên bờ sông Tây-khê ở núi Pháp-hoa (Hàng-châu), chuyên tu Tịnh Độ. Năm 1672, ngài đến huyện Thường-thục, tỉnh Giang-tô, trú trì viện Phổ-nhân ở núi Ngu. Tại đây ngài thành lập hội tu Tịnh Độ, bốn chúng từ bốn phương tụ tập về tu học rất đông. Đến năm 1682, ngài viên tịch, thọ thế 56 tuổi. Trước tác của ngài có: Kim Cang Kinh Kí Sớ Hội Biên, Khuyến Phát Chân Tín Văn, Khởi Nhất Tâm Tinh Tấn Niệm Phật Thất Kì Qui Thức, Bảo Cảnh Tam Muội Bản Nghĩa,v…

23. Tỉnh Am: tức đại sư Thật Hiền (1686-1734), vị tổ thứ 11 của tông Tịnh Độ, Trung-hoa. Ngài họ Thì, tự Tư Tề, hiệu Tỉnh Am, quê huyện Thường-thục, tỉnh Giang-tô. Gia tộc ngài đời đời theo đạo Nho, nhưng ngài từ tấm bé đã không ăn cá thịt. Cha mất sớm, 7 tuổi, mẫu thân đưa ngài lên am Thanh-lương, xin lạy hòa thượng Dung Tuyển làm thầy. Đến 15 tuổi ngài được chính thức xuất gia làm sa di. Năm 24 tuổi, ngài thọ đại giới tại chùa Chiêu-khánh ở Hàng-châu. Ngài bản tính thông tuệ, kinh điển chỉ xem qua là nhớ hết, kiêm thông cả ngoại điển, làm thơ hay, viết chữ đẹp. Ngài rất có hiếu, khi mẹ mất, ngài tụng kinh Báo Ân suốt 49 ngày, hàng năm đều cúng giỗ. Ngài nghiêm trì giới luật, y bát luôn luôn bên mình, ngày chỉ ăn một bữa trưa, ban đêm chỉ ngồi, không bao giờ nằm. Một ngày nọ, ngài lên chùa Phổ-nhân ở núi Ngu (huyện Thường-thục), thấy một vị sư bỗng dưng ngã ra đất mà chết, liền tỉnh ngộ thế gian vô thường, cho nên càng thêm dốc lòng tinh tấn. Sau đó ngài theo tu học với pháp sư Thiệu Đàm, chưa đầy ba năm, ngài quán thông giáo nghĩa của cả hai tông Thiên Thai và Pháp Tướng, được pháp sư ấn chứng làm đệ tử truyền pháp đời thứ tư của phái Linh Phong, tông Thiên Thai. Kế đó, ngài đến tham yết hòa thượng Linh Thứu ở chùa Sùng-phước, trải qua bốn tháng, bỗng nhiên đại ngộ, liền thốt: “Ta đã tỉnh mộng rồi!” Rồi ngài đến chùa Chân-tịch cấm túc 3 năm, ngày thì duyệt đọc Tam Tạng, đêm thì trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Sau đó ngài đến trú trì chùa Long-hưng ở Hàng-châu, thường thay pháp sư Thiệu Đàm giảng dạy kinh luật, tăng tục ở vùng Giang, Triết theo qui y tu học rất đông, được pháp sư Thiệu Đàm hết lòng tán thán. Sau ngài đến chùa A-dục-vương ở núi Mậu (huyện Ngân, tỉnh Triết-giang), chiêm lễ xá lợi Phật, trước sau đốt cả năm ngón tay để cúng dường Phật; rồi về ẩn cư ở chùa Tiên-lâm (Hàng-châu), chân không bước ra khỏi cửa, chuyên tu Tịnh Độ. Năm 1730, ngài trú ở chùa Phạm-thiên (núi Phụng, Hàng-châu), dứt tuyệt ngoại duyên, lập hội niệm Phật, thuần tu Tịnh Độ, ngày đêm hướng dẫn đại chúng hành trì, mọi người đều xưng ngài là “Vĩnh Minh tái thế”. Năm 1734 ngài viên tịch, thọ thế 48 tuổi. Trước tác của ngài có: Tịnh Độ Thi (108 bài thơ), Tây Phương Phát Nguyện Văn Chú, Tục Vãng Sinh Truyện, Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn,v…

24. Mộng Đông: tức đại sư Tế Tỉnh (1741-1810), vị tổ thứ 12 của tông Tịnh Độ. Ngài họ Mã, tự Triệt Ngộ, hiệu Mộng Đông, lại có hiệu là Nạp Đường, quê huyện Phong-nhuận, tỉnh Hà-bắc. Ngài từ nhỏ đã thông minh hiếu học, năm 22 tuổi bị bịnh nặng, nhân đó mà thấy rõ thân huyễn hóa vô thường. Sau khi khỏi bịnh, ngài đến am Tam-thánh (huyện Phòng-sơn, tỉnh Hà-bắc), lạy hòa thượng Vinh Trì xin xuất gia. Năm sau ngài thọ cụ túc giới với luật sư Hằng Thật ở chùa Tụ-vân. Từ năm 21 tuổi, ngài học kinh Viên Giác với pháp sư Long Nhất ở chùa Hương-giới, học Duy Thức với pháp sư Tuệ Ngạn ở chùa Tăng-thọ, học Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang với pháp sư Biến Không ở chùa Tâm-hoa, nhờ đó mà thông suốt yếu chỉ của cả hai tông Tánh, Tướng. Năm 28 tuổi, ngài đến chùa Quảng-thông, tham yết thiền sư Túy Như, tỏ ngộ thiền cơ, được truyền tâm ấn, trở thành đệ tử đời 36 của tông Lâm Tế. Năm ngài 38 tuổi, thiền sư Túy Như về an dưỡng tại chùa Vạn-thọ, ngài kế nhiệm trú trì chùa Quảng-thông, hướng dẫn đồ chúng vừa tham thiền vừa tu pháp môn niệm Phật, đề xướng “Thiền Tịnh song tu”, ròng rã 14 năm, tông phong sáng rỡ, danh tiếng vang dội Bắc Nam. Năm 52 tuổi, ngài dời về chùa Giác-sinh, lãnh đạo đồ chúng tu Tịnh Độ. Ngoài Niệm-Phật đường, ngài còn lập Niết-bàn đường để lo việc tống táng, An-dưỡng đường để nuôi dưỡng người già, và Học-sĩ đường để đào tạo chư tăng. Do công đức đó mà tiếng tăm ngài càng thạnh, tăng tục các nơi đều qui về y thác. Năm 60 tuổi, ngài lui về ở chùa Tư-phúc (trên núi Hồng-loa, huyện Hoài-nhu, tỉnh Hà-bắc – vùng phụ cận thành phố Bắc-kinh), đồ chúng ngưỡng vọng, lại kéo nhau theo về. Ngài không nỡ bỏ, lại tiếp tục giảng diễn và khuyên tu Tịnh Độ, khiến nơi này trở thành một ngôi đại tòng lâm của tông Tịnh Độ. Năm 70 tuổi, đầu năm ngài về chùa Vạn-thọ, quét tháp tổ Túy Như, khuyên tăng chúng niệm Phật, rồi từ biệt mọi người, trở về núi Hồng-loa. Đến cuối năm, ngài viên tịch. Trước tác của ngài có: Niệm Phật Di Đà, Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục.

25. Ấn Quang: Đại sư Ấn Quang (1862-1940) là vị tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ, Trung-quốc. Ngài họ Triệu, húy Thánh Lượng, tự Ấn Quang, biệt hiệu là Thường Tàm Quí Tăng, quê ở thôn Triệu-trần, huyện Hợp-dương, tỉnh Thiểm-tây. Thuở nhỏ học Nho, thích đọc các sách của Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Trình Tử, Chu Tử, rồi theo gương những vị này mà thường bài xích Phật giáo; sau bị đau mắt, sắp bị mù, bèn tỉnh ngộ, biết lỗi lầm cũ, ăn năn sám hối. Một thời gian thì bịnh lành, mắt sáng lại, từ đó chuyên đọc Phật điển. Năm 21 tuổi, ngài xin xuất gia với hòa thượng Đạo Thuần ở chùa Liên-hoa-động, núi Chung-nam (huyện Tây-an, tỉnh Thiểm-tây). Không bao lâu, ngài được cử làm tri khách ở chùa Liên-hoa, tỉnh Hồbắc. Một hôm, nhân đọc được tác phẩm Long Thư Tịnh Độ Văn, ngài đã đặt hết lòng tin vào pháp môn Tịnh Độ, rồi chuyên tâm niệm Phật. Năm 22 tuổi, ngài thọ giới cụ túc tại chùa Song-khê (huyện Hưng-an, tỉnh Thiểm-tây), rồi trở về núi Chung-nam, trú tại ngọn Thái-ất, chuyên tâm đọc kinh niệm Phật. Năm 26 tuổi, ngài đến chùa Tư-phúc (đạo tràng Tịnh Độ) ở vùng phụ cận thành phố Bắc-kinh, chuyên tâm niệm Phật, tự lấy hiệu là “Kế Lô Hành Giả”. Năm 33 tuổi, ngài trú tại chùa Pháp-vũ ở núi Phổ-đà (Triếtgiang), suốt hơn 20 năm, chỉ chuyên niệm Phật và đọc Tam Tạng, ít khi xuống núi, không màng danh vị, lìa mọi sắc tướng. Năm ngài 52 tuổi (buổi đầu Dân-quốc), một vị cư sĩ họ Cao, hành hương đến chùa Pháp-vũ, lúc về có mang theo mấy bài văn của ngài, bèn đem đăng trên tập san Phật Học Tùng Báo ở Thượng-hải. Độc giả bốn phương lấy làm kinh ngạc, bèn đua nhau lên núi tìm cho ra tung tích của ngài. Rồi năm ngài 58 tuổi, có vị cư sĩ họ Từ, tìm được hơn hai chục bài văn của ngài, bèn đem in thành sách Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, tái bản và tăng đính nhiều lần, phổ biến rộng rãi trong lẫn ngoài nước, danh tiếng của ngài vang xa bốn phương. Ở Phổ-đà hơn 30 năm, vì nhân duyên hoằng pháp, ngài rời Phổ-đà, đến Thượng-hải, trú tại chùa Thái-bình; hai năm sau (70 tuổi), ngài lại dời về chùa Báo-quốc ở Tô-châu. Tại đây ngài thiết lập cơ sở hoằng hóa, bao nhiêu tiền bạc thí chủ cúng dường, ngài đều đem in kinh sách để phổ biến trong quần chúng. Năm 77 tuổi, ngài về trú ở chùa Linh-nham (Tô-châu), an cư niệm Phật 3 năm; đến năm 79 tuổi (năm Dân-quốc 29), ngài viên tịch. Tác phẩm của ngài có Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ấn Quang Đại Sư Toàn Tập,v…

26. Nhân đây cũng xin nói qua về thứ tự các vị Tổ của tông Tịnh Độ ở Trung-quốc. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, mục “Tịnh Độ Tông”, đại sư Đàm Loan, đời Bắc-Ngụy (386-534), là người đầu tiên đặt cơ sở và xiển dương giáo nghĩa Tịnh Độ, rồi được bốn vị đại sư Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm (?-?) và Thiếu Khang (?- 805) ở đời Đường kế thừa truyền bá; đó là “năm vị tổ buổi đầu” (chấn đán ngũ tổ) của tông Tịnh Độ.

***

Cũng trong bộ đại từ điển này, ở hai mục “Liên Tông” và “Liên Tông Cửu Tổ” lại nói: Liên tông tức Tịnh Độ tông. Đại sư Tuệ Viễn đời Đông-Tấn (317-420) sáng lập Bạch Liên Xã ở chùa Đông-lâm (núi Lô-sơn, tỉnh Giang-tây), phát nguyện niệm Phật cầu vãng sinh Cực-lạc, khởi xướng phong trào tu Tịnh Độ. Danh xưng “Liên tông” bắt đầu có từ đó; và ngài Tuệ Viễn được tôn xưng là Sơ-tổ của Liên tông. Từ đó cho đến nhà Thanh, Liên tông có cả thảy 9 vị tổ (gọi là “Liên tông cửu tổ”) kế tiếp nhau hoằng dương giáo nghĩa Tịnh Độ; đó là:

– Sơ tổ: Tuệ Viễn (đời Đông-Tấn)
– Nhị tổ: Thiện Đạo (đời Đường)
– Tam tổ: Thừa Viễn (đời Đường)
– Tứ tổ: Pháp Chiếu (đời Đường)
– Ngũ tổ: Thiếu Khang (đời Đường)
– Lục tổ: Diên Thọ (đời Tống)
– Thất tổ: Tỉnh Thường (đời Tống)
– Bát tổ: Châu Hoằng (đời Minh)
– Cửu tổ: Tỉnh Am (đời Thanh).

***

Theo Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Liên tông trước sau có 13 vị tổ:

– Sơ tổ: Tuệ Viễn (đời Đông-Tấn)
– Nhị tổ: Thiện Đạo (đời Đường)
– Tam tổ: Thừa Viễn (đời Đường)
– Tứ tổ: Pháp Chiếu (đời Đường)
– Ngũ tổ: Thiếu Khang (đời Đường)
– Lục tổ: Diên Thọ (đời Tống)
– Thất tổ: Tỉnh Thường (đời Tống)
– Bát tổ: Châu Hoằng (đời Minh)
– Cửu tổ: Trí Húc (đời Thanh)
– Thập tổ: Hành Sách (đời Thanh)
– Thập nhất tổ: Tỉnh Am (đời Thanh)
– Thập nhị tổ: Tế Tỉnh (đời Thanh)
– Thập tam tổ: Ấn Quang (đời Dân-quốc)

27. Ba loại căn tánh: Phật pháp chia căn tánh của chúng sinh có ba bậc: cao, vừa và thấp; gọi là “tam căn”. Căn tánh bậc cao (thượng căn) là bản tính linh lợi, trí tuệ hơn người, hiểu biết mau lẹ, giác ngộ nhanh chóng; thấp hơn, trì trệ hơn, là căn tánh bậc trung (trung căn); và thấp kém nhất là căn tánh bậc thấp (hạ căn).

28. Chín cõi (cửu giới): tức chín cảnh giới: Địa-ngục, Ngạ- quỉ, Súc-sinh, A-tu-la, Nhân, Thiên, Thanhvăn, Duyên- giác, và Bồ-tát. Nếu kể luôn cảnh giới của chư Phật thì có mười cõi (thập giới, hay thập pháp giới).