GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 35
BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO (phần 2)

Năm khả năng: khả năng tin, khả năng tinh tấn, khả năng chánh niệm, khả năng định, và khả năng trí tuệ. Gọi là “khả năng” vì có đủ hai nghĩa: Một, có thể giữ gìn, như cây có rễ, rồi sau mới có thể giữ gìn cành lá. Hai, có thể sinh sản, như cây có rễ, rồi sau mới có thể sinh sản ra hoa trái. Cũng giống như vậy, năm khả năng này có thể giữ gìn các pháp lành, có thể sinh ra các pháp lành. Khả năng TIN(1) là tin vào cái đức tánh(2), nhân đó mà phát nguyện thành Phật; tin vào cái đức tu(2), nhân đó mà sinh tâm phụng sự đạo. Khả năng TINH TẤN là tu tập đạo pháp của hai đức tánhtu, siêng năng cầu tiến, không thối lui. Khả năng CHÁNH NIỆM là nghĩ nhớ đạo pháp của hai đức tánh tu, không nghĩ nhớ cái gì khác. Khả năng ĐỊNH là nhiếp tâm vào các đạo pháp tánhtu, tương ứng, không tán loạn. Khả năng TRÍ TUỆ là đối với các đạo pháp tánhtu, sáng suốt chiếu soi thật rõ ràng.

Năm sức mạnh là: sức tin, sức tinh tấn, sức chánh niệm, sức định, và sức trí tuệ. Gọi là “sức  mạnh”, ý chỉ rằng, khi năm khả năng tăng trưởng thì sẽ có đủ sức mạnh để ứng dụng, mà không bị các pháp khác làm cho dao động. Trong đó, khả năng TIN tăng trưởng, có thể phá tiêu các nghi hoặc và tà ma ngoại đạo1, gọi đó là sức TIN; khả năng TINH TẤN tăng trưởng, có thể tiêu trừ tính biếng nhác, giúp cho đạo nghiệp thành tựu, gọi là sức TINH TẤN; khả năng CHÁNH NIỆM tăng trưởng, có thể quét sạch mọi niệm thế tục, bất chính, luôn trụ ở chánh niệm(3) của bậc xuất thế gian, gọi là sức CHÁNH NIỆM; khả năng ĐỊNH tăng trưởng thì tâm trở nên chuyên nhất, không tán loạn, nhập vào thiền định, gọi là sức ĐỊNH; khả năng TRÍ TUỆ tăng trưởng, có thể phá tiêu các thứ hoặc kiến, tư và trần sa2, đoạn trừ các kiến chấp của phàm phu3 và tiểu thừa, gọi là sức TRÍ TUỆ.

Bảy phần bồ đề: “bồ đề” dịch là giác, “phần” cũng gọi là “yếu tố”, cho nên lại gọi là “bảy yếu tố giác ngộ”. 1) Yếu tố giác ngộ TRẠCH PHÁP, tức là chọn lựa chân lí “hai không”5 tương ưng(4) với trí vô lậu4(5), không chọn lựa các pháp như “năm uẩn” vì không tương ưng với trí vô lậu; chọn lựa các pháp môn liễu nghĩa6(6), rốt ráo, không chọn lựa các pháp môn không liễu nghĩa, không rốt ráo. 2) Yếu tố giác ngộ TINH TẤN, tức là một lòng tinh tấn hướng tới đạo quả giác ngộ, mà không tinh tấn vì con đường tu khổ hạnh một cách vô ích của ngoại đạo. 3) Yếu tố giác ngộ HỈ, tức là tâm sinh niềm hoan hỉ đối với chánh đạo, chứ không hoan hỉ đối với các pháp điên đảo như chấp có, chấp không, kể đoạn, kể thường. 4) Yếu tố giác ngộ KHINH AN(7), tức là đoạn trừ được tà kiến thô trọng7 mà niềm khinh an phát sinh; cũng gọi là yếu tố giác ngộ ĐOẠN TRỪ, tức là đoạn trừ các kiến chấp8 và phiền não9 vậy. 5) Yếu tố giác ngộ ĐỊNH, tức là, nếu phát khởi các pháp môn thiền định thì thường hay thấy rõ các thứ định của Tứ-thiền và Tứ-không đều là không rốt ráo, cho nên không sinh tâm ưa thích, đắm trước. 6) Yếu tố giác ngộ XẢ, tức là buông bỏ các cảnh không thật10, các niệm hư vọng, vĩnh viễn không nhớ tới nữa; lại gọi là HÀNH XẢ11, là một trong các tâm sở thiện12, tức là trong tâm luôn luôn bình đẳng, không chấp trước sự gì cả. 7) Yếu tố giác ngộ NIỆM, tức là luôn luôn không quên rằng, hai yếu tố định và tuệ phải quân bình, như thế gọi là “niệm”; nếu thiên về tuệ, tâm sẽ không ổn định, thì phải dùng ba yếu tố giác ngộ trừ, xả và định mà nhiếp phục, làm cho cân bằng; nếu thiên về định, tâm sẽ chìm đắm, thì phải dùng ba yếu tố giác ngộ trạch, tấn và hỉ để xét thấy rõ, làm cho khởi lên.

 

CHÚ THÍCH

1. “Tà ngoại” tức là tà ma và ngoại đạo.

2. “Hoặc” cũng gọi là phiền não, lậu, cấu, hay kết. Những “hoặc” do mê muội về chân lí, gọi là “kiến hoặc”, như năm lợi sử chẳng hạn. Những “hoặc” khởi lên do mê muội trước sự vật trong thế gian, gọi là “tư hoặc”, như tham, sân, si, v.v… Hai loại hoặc này (gọi tắt là “kiến tư”) thuộc trong vòng ba cõi, mà hành giả của cả ba thừa đều phải đoạn trừ. Đoạn dứt hai loại hoặc này rồi liền vượt thoát ba cõi. (Xin xem lại chú thích số 4 của bài 1.) “Trần sa hoặc” là những chướng ngại mà hàng Bồ-tát gặp phải trong lúc giáo hóa chúng sinh, tức là tâm tánh mờ tối trước vô số pháp môn nhiều như cát bụi, không thể thông hiểu hết. Ngoài ra còn có “vô minh hoặc”, là mê muội đối với lí thể. Nó chính là căn bản vô minh, làm chướng ngại cho thật tướng trung đạo. Đoạn dứt được thứ hoặc này thì tức khắc thành Phật.

3. Chỉ cho phàm phu chấp có và tiểu thừa chấp không.

4. “Vô lậu trí” là trí tuệ thanh tịnh sau khi đã dứt trừ mọi phiền não, không còn ô nhiễm. Hành giả ba thừa dùng loại trí này để đoạn trừ các loại hoặc và thật chứng chân lí.

5. “Ngã không” cũng gọi là “nhân không”, hay “sinh không”, là chân lí về ngã nhân trống không. Kẻ phàm phu cố chấp cho năm uẩn là ngã chủ tể, do đó mà tạo các nghiệp, phát sinh phiền não. Phật vì họ mà nói lên cái lí lẽ năm uẩn là vô ngã. Hàng nhị thừa nhân đó mà chứng nhập chân lí vô ngã, gọi là “ngã không”. “Pháp không” tức là chân lí về vạn pháp trống không. Hàng nhị thừa tuy chứng đạt ngã không, nhưng vẫn cố chấp cho năm uẩn là những pháp có thật. Phật vì họ mà dạy rằng, tự tánh của năm uẩn đều không. Hàng Bồ-tát chứng ngộ được chân lí đó, gọi là “pháp không”. Ngã không và pháp không, thường được gọi tắt là “hai không”.

6. Nói lên cái ý nghĩa chân thật rốt ráo, rạch ròi, dứt khoát, gọi là “liễu nghĩa”; trái lại là “không liễu nghĩa”.

7. Vọng chấp có ngã và sở hữu của ngã, gọi là pháp thô trọng.

8. Các thứ kiến hoặc tức là năm lợi sử. Xin xem lại bài 32 và chú thích số 2 của bài ấy.

9. Phiền não tức là năm độn sử. Xin xem lại đoạn nói về “phiền não trược” trong bài 32.

10. Những cảnh đã từng trông thấy, vốn là không có, chỉ là do thức biến hiện, rồi nhân đó mà ghi nhớ như cảnh hiện ở trước mặt, cho nên gọi là hư vọng không chân thật.

11. Làm cho tâm trụ nơi tính bình đẳng, dứt bỏ cái lỗi trạo cử, do đó, không phải là xả thọ của uẩn thọ, mà thuộc vào phạm vi của uẩn hành, cho nên gọi là “hành xả”.

12. Trong một trăm pháp có các pháp gọi là “tâm sở hữu pháp”, gọi tắt là “tâm sở”. Bộ luận Câu Xa của tiểu thừa lập ra 46 pháp; Duy Thức Học của đại thừa lập ra 51 pháp, trong đó, 11 pháp như tín v.v…, gọi là tâm sở thiện.

 

PHỤ CHÚ

1. Tín: “Tín” là lòng tin. Trong Phật pháp, khi nói đến TÍN thì luôn luôn có nghĩa là chánh tín; vì trong đạo Phật không hề có mê tín. Tin Phật mà tin một cách mê muội, mù quáng, sai lạc, là không phải lòng tin trong đạo Phật. Vì vậy, các kinh luận đều giải thích chữ “tín” rằng: TÍN là một trong 11 tâm sở THIỆN (trong 51 tâm sở – theo tông Duy Thức). Tín là lòng tin tưởng sâu sắc vào thật thể của vạn pháp, tịnh đức của Tam Bảo và căn lành của tất cả các pháp thế và xuất thế gian, làm cho tâm được lắng đọng và trong sạch. Phật pháp sâu rộng như biển cả, muốn vào được, phải có đức tin làm bước khởi đầu. Đức tin có khả năng tiêu trừ mọi mối nghi hoặc, làm phát triển các pháp lành, là mẹ của mọi thứ công đức. Xem thế thì đức tin thật là vô cùng quan trọng đối với người tu học Phật. Bởi vậy, trong 52 nấc thang tu tập hạnh Bồ-tát, TÍN được liệt vào 10 nấc thang đầu tiên; trong “năm khả năng” (ngũ căn) và “năm sức mạnh” (ngũ lực), TÍN cũng được sắp hàng đầu; ngoài ra, trong kinh luận, những lời dạy nhằm khuyến khích phát khởi, gìn giữ và tăng trưởng lòng tin, cũng có rất nhiều. Có ba đối tượng quan trọng để tin tưởng: 1) Tin tưởng ở sự thật và lí thật của vạn pháp (như các pháp tứ đế, duyên sinh, nhân quả, nghiệp báo v.v…); 2) Tin tưởng ở đức tính chân thường và thanh tịnh của Tam Bảo; 3) Tin tưởng vào năng lực thành tựu các pháp lành thuộc thế và xuất thế gian (tức tin tưởng vào Phật tánh và khả năng thành Phật) nơi chính mình.

2. Tánh và tu: Cái năng lực chúng sinh vốn có sẵn từ vô thỉ kiếp thì gọi là đức “TÁNH”, thuật ngữ Phật học gọi là “tánh đức”, hay “tánh đắc”; nói rõ ra, những tính chất như thiện, ác, mê, ngộ, v.v… đều đã vốn có đầy đủ trong bản tính của chúng sinh từ vô thỉ đến nay, đó là “tánh đức”. Trong khi đó, cái năng lực có được do công phu tu hành ở đời này thì gọi là đức “TU”, thuật ngữ Phật học gọi là “tu đức”, hay “tu đắc”. Đức TÁNH bao hàm ý nghĩa “lí tính bất biến”; đức TU bao hàm ý nghĩa “ứng dụng tùy duyên”. Từ ý nghĩa căn bản này mà các ý niệm đối đãi sau đây được lập nên: tánh và tập (hai tánh); tánh tịnh và phương tiện tịnh (hai thứ niết bàn); bổn giác và thỉ giác; chân tu và duyên tu; bổn hữu và tân huân; v.v… Về Phật tánh cũng vậy: Có loại Phật tánh nhờ công phu tu hành ở đời này mà phát huy ra được, gọi là “tu đức Phật tánh”; còn loại Phật tánh chúng sinh vốn có sẵn từ vô thỉ kiếp, gọi là “tánh đức Phật tánh”. Tông Thiên Thai chủ trương rằng, đức TÁNH vốn có đầy đủ xưa nay nơi chúng sinh, chỉ vì vọng tình, mê chấp, mà không thấy được; nay nhờ TU tập mà trừ khử vọng tình, trí sáng làm cho đức TÁNH ấy hiện rõ ra. Vậy TÁNH và TU không phải là hai (bất nhị), mà chỉ là một thể (nhất thể); giống như nước và sóng, hình tướng tuy khác nhau, nhưng sự thật chỉ là một thể.

3. Chánh niệm: Chữ “niệm” trong giáo lí đạo Phật có ba ý nghĩa: thời gian ngắn nhất (một sát-na chẳng hạn); một ý nghĩ khởi lên (như vọng niệm); ghi nhớ không quên (như niệm Phật). Trong ba ý nghĩa đó, ý nghĩa thứ ba rất quan trọng trong giáo lí đạo Phật. Theo tông Duy Thức, NIỆM là một trong 51 loại tâm sở; đối tượng của nó có thể xấu hay tốt. Trong 7 nhóm (khoa) của 37 phẩm trợ đạo thì 6 nhóm (tứ niệm xứ, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo) đều có yếu tố “niệm”; và khác với tâm sở niệm (không phân biệt chánh tà) ở trên, các yếu tố “niệm” ở đây đều có nghĩa là CHÁNH NIỆM. “Chánh niệm” là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp người tu học Phật đạt được trí tuệ cao tột. Tu tập mà không có chánh niệm thì chỉ uổng phí công phu và thì giờ, vì sẽ không bao giờ thu thập được kết quả gì cả. Chánh niệm có hai ý nghĩa:

a. Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chính; trái lại là “tà niệm”, là sự nhớ nghĩ đến những đối tượng xấu ác, không ngay thẳng, không đúng với đạo lí. Một cách cụ thể, có mười đối tượng của chánh niệm: 1. Nhớ nghĩ đến đức tướng trang nghiêm của Phật (niệm Phật); 2. Nhớ nghĩ đến giáo lí và các pháp môn tu tập do Phật dạy (niệm pháp); 3. Nhớ nghĩ đến đức hòa hợp của mười phương tăng chúng (niệm tăng); 4. Nhớ nghĩ đến giới luật có công năng ngăn ngừa tội ác để thành tựu đạo nghiệp (niệm giới); 5. Nhớ nghĩ đến công đức buông bỏ và bố thí có công năng tiêu trừ lòng tham lam keo kiệt, làm lợi ích cho mọi người mà lòng không mong cầu đền ơn (niệm thí); 6. Nhớ nghĩ đến những phúc lạc mà chư thiên hưởng được nhờ tu tập thiện nghiệp để tự khích lệ cho chính mình cũng siêng năng tu tập mọi hạnh lành (niệm thiên); 7. Nhớ nghĩ đến những nơi vắng lặng, yên tĩnh, nhờ cư trú ở những nơi đó mà xa lìa được các duyên lăng xăng phiền lụy, dứt được các sự lo âu, dễ dàng hơn cho việc tu tập (niệm hưu tức); 8. Nhớ nghĩ đến hơi thở, đếm số hơi thở ra, hơi thở vào, biết rõ hơi thở dài, hơi thở ngắn, hơi thở nặng, hơi thở nhẹ, nhờ đó mà diệt trừ các vọng tưởng, tâm được định tĩnh, không tán loạn (niệm an bang); 9. Nhớ nghĩ đến thân thể là do các duyên giả hợp cấu thành, tất cả các bộ phận lớn, nhỏ, trong, ngoài, đều không chắc thật, thường hằng (niệm thân); 10. Nhớ nghĩ đến đời người chỉ là mộng huyễn, không bao lâu nữa sẽ tàn hoại, tử vông (niệm tử).

b. Chánh niệm cũng có nghĩa là sự tỉnh thức thường xuyên của tâm ý. Lúc không có chánh niệm thì gọi là “thất niệm” (tức là sự lãng quên, mê đắm, mất chánh niệm). Có chánh niệm tức là tâm ý tỉnh thức, luôn luôn cảnh giác, biết rõ mình đang làm gì, đang suy nghĩ gì, đang nói năng gì, đang ở chỗ nào, sự việc gì đang xảy ra chung quanh mình, v.v… Người tu học Phật nên giữ cho mình có chánh niệm như vậy; vì nhờ đó mà tâm ý trở nên định tĩnh, sáng suốt, biết điều gì trái, điều gì phải, điều gì nên nói, điều gì không nên nói, ý tưởng nào có tính xây dựng, ý tưởng nào có tính phá hoại, v.v… Có càng nhiều những giờ phút chánh niệm thì càng tiến bộ trên đường tu tập. Nếu giữ chánh niệm cho được thường xuyên thì tránh được tất cả những điều bất thiện.

Ngoài ra, theo pháp môn tu Tịnh Độ, “chánh niệm” còn có nghĩa là “nhất tâm niệm Phật”, tức là tâm chuyên nhất (không tán loạn) niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sinh về thế giới Cựclạc. Chánh niệm ở đây phải gồm đủ ba phương diện: quán niệm (quán tưởng đức Phật A Di Đà và thế giới Cực-lạc); khẩu niệm (niệm ra tiếng danh hiệu Phật A Di Đà); tâm niệm (niệm danh hiệu Phật trong tâm, không ra tiếng).

4. Tương ưng: Thông thường chúng ta có từ “tương ứng”, nghĩa là phù hợp nhau, đáp ứng nhau. Trong Phật học, nhất là Duy Thức Học, có từ “tuơng ưng”, ý nghĩa cũng tương tự, nhưng đặc biệt hơn từ “tương ứng”. “TƯƠNG ƯNG” là chỉ cho mối quan hệ hòa hợp không thể tách rời được giữa một pháp này và một pháp nọ, hoặc có thể nói, cái này là thuộc tánh của cái kia. Ví dụ: “Nước đục” tức là thứ nước mà trong đó các phần tử cực nhỏ của đất và nước hòa hợp nhau, đến độ không thể tách rời nhau được; nếu lấy đất ra khỏi nước thì sẽ không còn cái gọi là “nước đục”. Duy Thức Học có nói đến từ “tâm sở”, là chỉ cho những thuộc tánh của “tâm vương”. Khi nói ý thức tương ưng với cả 51 tâm sở, có nghĩa rằng, ý thức tâm vương có cả thảy 51 thuộc tánh. Khi nói “tâm giận”, có nghĩa rằng, giận là thuộc tánh của tâm; nếu không có tâm, hoặc không có giận, thì cái gọi là “tâm giận” sẽ không có. Như trong bài học tác giả nói: “… chân lí hai không tương ưng với trí vô lậu, …”, có nghĩa rằng, tính chất của trí vô lậu là chứng nhập chân lí nhị không; nếu không thể nhập chân lí nhị không thì không phải là “trí vô lậu”.

5. Trí vô lậu: trí tuệ của các bậc A-la-hán trở lên, đã thể nhập chân lí tứ đế, đoạn trừ tất cả phiền não trong ba cõi, không còn lỗi lầm. Trái lại là trí hữu lậu, tức là trí của phàm phu, dẫy đầy phiền não vô minh che lấp, không thấy được chân lí.

6. Liễu nghĩa: nói thẳng để chỉ rõ nghĩa lí thâm diệu. Giáo pháp nói thẳng, nói thật rõ ràng, nói một cách rốt ráo về lẽ thật của vạn pháp, gọi là “giáo pháp liễu nghĩa”. Từ này được dùng để nói lên cái đặc tính của giáo pháp đại thừa. Ví dụ, Phật dạy: “Sinh tử tức là niết bàn.” Đây là một lời dạy hết sức thẳng thắn, thật rõ ràng, rốt ráo, mà ý nghĩa thì cực kì thâm diệu, phải có trí tuệ đại thừa mới hiểu nổi. Các kinh điển đại thừa có tuyên thuyết loại giáo lí như thế, đều được gọi là “kinh liễu nghĩa”. Trái lại, các loại giáo pháp phương tiện, tùy theo căn cơ của từng loại chúng sinh mà hướng dẫn dần dần theo thứ bậc, gọi là “giáo pháp bất liễu nghĩa”, hoặc “kinh bất liễu nghĩa”. Ví dụ Phật dạy: “Hãy nhàm chán sinh tử mà ưa thích niết bàn.” Đó là lời dạy phương tiện của Phật dành cho hạng sơ cơ.

7. Khinh an: là một trong 11 tâm sở thiện, tức cái trạng thái nhẹ nhàng, thư thái, nhàn hạ của một người không còn tiếc nuối, sợ sệt, lo âu, phiền muộn, hay vướng mắc trước bất cứ một đối tượng hay hoàn cảnh nào.

 

BÀI TẬP

1) Năm khả năng là gì? Năm sức mạnh là gì?

a. Năm khả năng là: khả năng tin (tín căn); khả năng tinh tấn (tấn căn); khả năng chánh niệm (niệm căn); khả năng định (định căn); khả năng trí tuệ (tuệ căn).

b. Năm sức mạnh là: sức tin (tín lực); sức tinh tấn (tấn lực); sức chánh niệm (niệm lực); sức định (định lực); sức trí tuệ (tuệ lực).

2) Gọi là “khả năng”, có ý nghĩa gì?

Gọi là “khả năng” (căn) vì có hai ý nghĩa: 1) Giữ gìn, như cây có gốc rễ để giữ gìn cành lá; 2) Sản sinh, như cây có gốc rễ để sản sinh ra hoa trái.

3) Hãy giải thích hai yếu tố giác ngộ trừ và định.

a.  Yếu tố giác ngộ TRỪ, cũng gọi là KHINH AN, tức là trạng thái an nhiên, nhẹ nhàng, thư thái của người đã đoạn trừ được kiến chấp và phiền não.

b. Yếu tố giác ngộ ĐỊNH là thấy rõ các thứ định của Tứ-thiền hay Tứ-không vẫn là các thứ định hữu lậu, không giải thoát rốt ráo, cho nên không đắm trước vào chúng, mà chỉ chuyên chú tu tập các loại thiền định vô lậu để đi đến thành quả giác ngộ giải thoát trọn vẹn.

4) Trong khi tu tập, nếu thiên về tuệ, tâm sẽ không ổn định, thì phải làm như thế nào để bổ cứu? Nếu thiên về định, tâm sẽ chìm đắm, thì làm như thế nào để bổ cứu?

Trong khi tu tập, nếu thiên về TUỆ thì tâm sẽ không ổn định. Vậy phải dùng ba yếu tố giác ngộ TRỪ, XẢ và ĐỊNH để nhiếp phục, làm cho tâm cân bằng, yên ổn. Nếu thiên về ĐỊNH thì tâm sẽ chìm đắm, phải dùng ba yếu tố giác ngộ TRẠCH PHÁP, TẤN và HỈ để bổ cứu.

5) Thế nào là ngã không và pháp không?

Con người là do năm uẩn kết hợp mà thành, không có chủ tể, không thật có, tức là không có cái “ngã”, cho nên gọi là “ngã không”. Năm uẩn, hay tất cả vạn pháp, đều là duyên sinh, không có tự tánh, không trường tồn bất biến, cho nên gọi là “pháp không”.