GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 34
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 5)

XIV. TỔ CHỨC ĐOÀN NIỆM PHẬT SỨC CHUNG

Một niệm của hành giả lúc lâm chung có quan hệ rất lớn đối với nơi sẽ đi đến của kiếp sau. Ngày thường niệm Phật là chuẩn bị để dùng cho lúc lâm chung. Đại để, tham thì chìm vào ngạ quỉ, sân thì rơi xuống địa ngục, si thì đi làm súc sinh, tình cảm thế tục quấn quanh thì trở lại cõi này, chánh niệm rõ ràng mới sinh về nước Phật. Cho nên hội Phật học hay liên xã, vì sợ bạn đồng tu khi bệnh nặng bị đau đớn, hay thần trí hôn mê, hoặc thân quyến thương tiếc khóc lóc, làm trở ngại cho chánh niệm, ảnh hưởng đến sự vãng sinh, cho nên các đoàn Niệm Phật Sức Chung hay Liên Hữu Trợ Niệm đã được tổ chức. Người đã gia nhập vào đoàn liên hữu, đến lúc bị bệnh nặng, muốn được “sức chung”(1), thân nhân trong gia đình phải thông báo cho vị ủy viên trong đoàn biết. Vị này liền đến ngay nhà bệnh nhân để xem xét. Nếu nhận thấy là tình trạng người bệnh đã đến lúc nghiêm trọng, xác thật cần sự trợ niệm, thì tức tốc mời hết các liên hữu đến nhà bệnh nhân để chia phiên niệm Phật, giúp cho người bệnh trừ bỏ vọng tâm, khởi tâm niệm Phật, cho đến khi tắt thở, thân lạnh mới thôi.

XV. VIỆC CẦN YẾU TRONG LÚC LÂM CHUNG

Nghi thức qui định cho đoàn niệm Phật sức chung được ghi trong sách Sức Chung Tân Lương1 khá rõ ràng, đủ để tham khảo; xin trình bày tóm tắt những yếu điểm của nó sau đây – và đó cũng là những điều thường thức mà người học Phật niệm Phật nên biết:

1. Trần thiết. Trong phòng đặt tượng Tây phương Tam Thánh (hoặc chỉ một tượng Phật A Di Đà cũng được). Tượng vẽ trên giấy, khắc trên gỗ, hay đắp bằng đất đều được. Đặt một cái bàn, trên đó đặt một lư hương, một cặp chân đèn cầy, một bình hoa, một đĩa trái cây, một cái chuông nhỏ, một chiếc khánh, thế là được.

2. Dặn dò gia quyến. Khuyên những người khách đứng chung quanh chớ nên cười đùa, không nói chuyện lớn tiếng, đi đứng v.v… mọi động tác đều chậm rãi nhẹ nhàng; chớ nói chuyện thế sự hoặc những chuyện mà người bệnh có thể quan tâm đến. Khuyên gia quyến không nên khóc lóc, không kể lể những điều buồn phiền oán hận, không hỏi người bệnh về hậu sự của gia đình, không nói bất cứ điều gì có thể khêu dậy tình cảm thế tục trong tâm người bệnh. Dù người bệnh vừa chết, thì cũng chỉ mới chấm dứt hơi thở, chứ thức thứ tám vẫn chưa lìa thân xác, cho nên lúc ấy vẫn kế tục niệm Phật. Những việc như lau xác thân, thay áo, nhập liệm, nhập quan, khóc lóc, tấn quan v.v…, phải đợi đến khi toàn thân người chết đều lạnh như băng mới làm được. Nếu không cẩn thận như vậy thì người chết sẽ sinh phiền não, và sẽ vào ba ác đạo.

3. Dặn dò người bệnh. Những người trợ niệm nên khuyên người bệnh đừng khởi tạp niệm, phải buông bỏ hết mọi sự, chỉ nhất tâm niệm Phật mà thôi. Dùng lời hòa ái an ủi người bệnh, nói cho người ấy nghe về cảnh trang nghiêm an vui của thế giới Cực-lạc ở phương Tây, được sinh về cõi ấy thì thật là sung sướng. Nếu người bệnh vẫn chưa hiểu rõ, tâm niệm hoang mang, phải tận lực khéo léo bày giải đúng mức, làm cho người ấy hiểu biết được, cho tâm yên ổn.

4. Cứu độ thân trung ấm. Người sau khi chết, trong thời gian thần thức của họ chưa đi đầu thai vào thân sau, đó là thời kì của thân trung ấm. Người chết tuy khí dứt thân lạnh, nhưng cái thân trung ấm của họ vẫn còn lưu luyến thân xác mà ở gần đâu đó. Thân nhân rửa ráy, mặc áo, khóc lóc v.v…, họ đều trông thấy, trong tâm thê thảm, kinh ngạc, ngờ vực, chẳng biết ra sao! Lúc bấy giờ người sống vẫn nên nói pháp, khuyên họ dứt bỏ tham ái, nhất tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh-độ. Hoặc đứng một bên lớn tiếng niệm danh hiệu Phật, khiến cho họ nghe được, nhờ một niệm thanh tịnh mà vãng sinh cõi Phật. Đó là cách thức cứu độ thân trung ấm có thể thực hành.

XVI. TƯỚNG LÀNH BÁO HIỆU SINH TÂY

Lúc người sắp chết, hơi nóng từ dưới đi dần lên trên, đó là tướng siêu sinh; từ trên xuống dần phía dưới, đó là tướng đọa lạc. Cho nên, khám nghiệm trên thân người chết, thấy hơi nóng sau cùng dừng lại ở chỗ nào (tức nơi vị trí lâu lạnh nhất), thì có thể biết được người ấy trong kiếp tới sẽ đi về đâu. Có bài kệ rằng: “Thánh trên đỉnh mắt sinh lên trời, tim làm người bụng làm ngạ quỉ, xuất ra đầu gối vào súc sinh, xuất ra bàn chân sa địa ngục.”2 Nhưng nếu đại chúng chí thành trợ niệm, thì người chết có thể tự sinh về Tây-phương, xin chớ nên dùng tay nghiệm xét nhiều lần, tại vì người chết nếu thức thứ tám chưa lìa thì vẫn còn cảm giác, tất sinh phiền não, bị rơi vào ba đường dữ, thì tội mình rất lớn. Cho nên đừng lấy sự sờ mó nghiệm xét cho là tốt, mà lúc bấy giờ chỉ liên tục niệm Phật, thì người chết tự có được lợi ích lớn.

Hành giả trong lúc đang còn khỏe mạnh, nếu tinh tấn tu tịnh nghiệp, niệm Phật không gián đoạn, thì đến khi lâm chung, tướng lành tự hiện; đã có tướng lành thì chắc chắn vãng sinh Tây-phương. Ở trong Vãng Sinh Truyện, cổ nhân thường tự hiện các tướng lành như: biết trước ngày chết, đến ngày đó, tắm rửa thay áo, từ biệt thân hữu, rồi đến giờ, an tường mà hóa; hoặc ngồi kiết già3, niệm Phật mà đi; hoặc không bệnh hoạn gì cả mà an tường xả bỏ báo thân; hoặc thung dung nói kệ xong thì đi; hoặc tiếng nhạc trời ở trên không, mùi hương thơm lạ tỏa đầy phòng; hoặc thân thấy dung nhan Tam Thánh và cảnh giới Cực-lạc; hoặc tay chân mềm mại, dung mạo như vẫn còn sống, hoàn toàn không dơ dáy; hoặc toàn thân đều lạnh, chỉ có đỉnh đầu còn ấm; hoặc niệm Phật không dứt cho đến khi mạng chung; v.v…, tướng lành là như thế đó. Hành giả lúc sinh thời có một phần tu niệm, trong lúc lâm chung sẽ có một phần lực lượng; người trong lúc còn sống thì việc gì cũng có thể làm được, chỉ có trong phút lâm chung là dối trá không được!

 

CHÚ THÍCH

1. Đó là tên sách, 1 quyển, do cư sĩ Lí Viên Tịnh biên soạn, pháp sư Ấn Quang giám định, trong đó ghi nội qui của đoàn trợ niệm, cùng những việc cần thiết phải làm khi có người lâm chung, là cuốn sách trọng yếu cho người tu Tịnh Độ dùng tham khảo.

2. “Đỉnh thánh nhãn sinh thiên” nghĩa là: toàn thân lạnh hết, chỉ có trên đỉnh đầu còn nóng thì chắc chắn sinh vào bốn cảnh giới thánh nhân; nếu nóng tại con mắt (không tới đỉnh đầu) thì sinh lên các cõi trời. “Nhân tâm ngạ quỉ phúc” nghĩa là: hơi nóng ở chỗ trái tim thì sinh vào loài người; hơi nóng ở phần bụng thì sinh vào đường ngạ quỉ. “Súc sinh tất cái li, địa ngục cước bản xuất” nghĩa là: nếu nóng ở đầu gối thì sinh vào đường súc sinh; nếu nóng ở bàn chân thì sinh vào đường địa ngục.

3. Xin xem lại chú thích số 7, bài 30, sách Trung Cấp.

 

PHỤ CHÚ

(01) Sức chung: nghĩa là chuẩn bị tốt đẹp cho giờ phút lâm chung, tức là niệm Phật hộ niệm để trợ giúp cho người hấp hối có chánh niệm rõ ràng, chờ Phật tiếp dẫn vãng sinh. Đoàn niệm Phật sức chung ở Đài-loan, ở Việt-nam gọi là ban hộ niệm.

 

BÀI TẬP

1) Trong lúc lâm chung, nếu sinh niệm tham, niệm sân, niệm si, tình cảm thế tục, hoặc có chánh niệm, kiếp sau sẽ đi về đâu?

2) Người mới chết thức thứ tám còn chưa rời thân xác, nếu làm các việc như lau chùi, thay áo v.v… cho người ấy thì hậu quả sẽ như thế nào?

3) Nếu người bệnh chưa hiểu rõ, tâm niệm hoang mang, người trợ niệm nên làm thế nào?

4) Người chết, chỗ cuối cùng hơi nóng xuất ra, có quan hệ đến sự thọ sinh ở kiếp sau, bài kệ nói về việc ấy như thế nào?

5) Hãy nêu vài tướng lành của cổ nhân trong giờ phút lâm chung.