GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 33
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 4)

XI. QUÁN TƯỞNG để GIỮ ẤN TƯỢNG

Trong pháp môn Tịnh Độ, cách quán tưởng niệm Phật cực kì trọng yếu. Nó giúp cho hành giả lưu giữ được các ấn tượng rất sâu nơi ruộng thức, để khơi dậy cảnh giới trang nghiêm của nước Cực-lạc. Pháp quán tưởng tuy rộng lớn sâu nhiệm, nhưng nếu chỉ quán tưởng phần ít ỏi, phần đại lược thôi, cũng rất hữu ích. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói rõ ràng cụ thể về cách quán tưởng như thế nào; theo phương pháp đó, đối tượng để quán tưởng được phân làm 16 loại(1), tức là: quán tướng mặt trời, quán tưởng nước, quán tưởng đất, quán tưởng cây, quán tưởng nước có tám công đức, quán tưởng tổng quát, quán tưởng tòa hoa, quán tưởng hình tượng, quán tưởng khắp tất cả sắc thân, quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ-tát Quán Thế Âm, quán tưởng sắc thân của Bồ-tát Đại Thế Chí, quán tưởng mình được vãng sinh, quán tưởng xen lộn, quán tưởng vãng sinh cấp thượng phẩm, quán tưởng vãng sinh cấp trung phẩm, quán tưởng vãng sinh cấp hạ phẩm.

XII. PHÁT NGUYỆN VÃNG SINH NƯỚC CỰC LẠC

 Đại lược, lời nguyện thứ 19 của đức Phật A Di Đà nói rằng: Người nào phát nguyện muốn sinh về nước Cực-lạc, đến khi lâm chung Ngài chắc chắn sẽ đến tiếp dẫn vãng sinh1. Cho nên việc phát nguyện, ở trong pháp môn Tịnh Độ, thật cực kì hữu hiệu và thiết thật, hành giả ít nhất cũng phải thực hiện một lần trong đời, hoặc một mình, hoặc với tập thể, đều được. Trong các bài văn phát nguyện của cổ nhân, thì bài “Liên Trì Đại Sư Phát Nguyện Văn” là có ý nghĩa tường tận nhất, thứ đến là bài “Từ Vân Sám Chủ Phát Nguyện Văn”, bài “Đại Từ Bồ Tát Phát Nguyện Kệ”; đều có thể cho thêm vào trong khóa tụng. Ngay cả hành giả tự sáng tác một bài văn phát nguyện cũng vẫn được, chỉ cần trong đó mình tỏ bày rõ ràng ý nguyện rằng: “Con nguyện khi xả bỏ thân mạng này, liền được vãng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà. Đến lúc đó, con thành khẩn xin đức Phật thùy từ đến tiếp dẫn cho con được vãng sinh.”

XII. CÁC CÁCH TRÌ DANH NIỆM PHẬT

Hành giả ngưỡng mộ nước Cực-lạc, muốn sinh về nước ấy, phải thường xuyên chí tâm xưng niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc “A Di Đà Phật”. Đó tức là “trì danh niệm Phật”, chắc chắn được vãng sinh. Trì danh cũng có nhiều cách khác nhau, mỗi cách đều có hiệu quả đặc biệt của nó, cho nên cách nào cũng sử dụng được, tùy theo hoàn cảnh thích nghi mà thay đổi cách dùng; xin trình bày như sau:

– Niệm lớn tiếng. Khi niệm, âm thanh sang sảng, tinh thần mạnh mẽ, làm cho phấn chấn tâm não, trừ khử tạp niệm, tiêu tan lười biếng, xua đuổi con ma buồn ngủ; nhưng nếu niệm như thế lâu quá thì nguyên khí sẽ bị tổn thương, lại bất tiện, cho nên không nên dùng thường.

– Niệm thầm. Khi niệm, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy môi mấp máy, không nghe tiếng phát ra; kì thật, tuy không ra tiếng, mà sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” một mực rõ ràng rành mạch, cho nên công hiệu không kém gì lúc niệm lớn tiếng. Cách này, trong những lúc như nằm, bệnh hoạn, ở nơi công cộng v.v…, hành trì rất thích hợp.

-Niệm kim cang. Khi niệm, âm thanh vừa phải, không lớn cũng không thầm, không chậm cũng không nhanh, miệng niệm tai nghe, mỗi tiếng đều nghe được rõ ràng, không lấp mất, tự nhiên tâm được định.

-Niệm giác chiếu. Khi niệm, thu ngắn tầm nhìn lại, chiếu soi ngược vào tự tánh. Lúc bấy giờ, trong tâm chỉ biết rõ một tấm hư linh siêu bạt, sáng tỏ rộng lớn, mình tức là Phật, Phật tức là mình, niệm Phật tức là niệm tự tâm, Tịnh-độ không rời gang tấc. Đây là cảnh giới tu Thiền Tịnh phối hợp, rất dễ giúp người thấy tánh.

-Niệm quán tưởng. Khi niệm, vừa niệm vừa quán tưởng thân Phật, hoặc thân hai vị Bồ-tát2, hoặc tay Phật xoa đầu mình, hoặc áo Phật phủ thân mình; hoặc quán tưởng cảnh vật ở thế giới Cực-lạc, như hoa sen, hàng cây, mạng lưới, lầu gác, đất vàng, ao báu v.v…, khiến cho những ấn tượng ấy lưu giữ sâu sắc, một ngày nào đó khi báo thân này tàn tạ, trần duyên ở thế giới này không lôi kéo được, thì cảnh giới thù thắng của nước Cực-lạc liền hiện ngay trước mắt.

-Niệm truy đảnh. Khi niệm, mỗi chữ mỗi câu thật nhanh, chữ này đuổi chữ kia, câu sau dính liền câu trước, không có kẽ hở, cho nên gọi là “truy đảnh”. Vì đuổi dính quá khít khao, cho nên tạp niệm không có cách gì khởi lên được; bởi vậy phần nhiều người tu tịnh nghiệp thích áp dụng cách này.

-Niệm lễ bái. Khi niệm, vừa niệm vừa lạy Phật. Miệng niệm, thân lạy, ý suy nghĩ, thành ra ba nghiệp đều tập trung, cho nên công hiệu rất lớn; nhưng lạy lâu thì mỏi mệt, cho nên không thích hợp cho khóa tu dài hạn.

-Niệm nhớ mười. Khi niệm, tay cầm xâu chuỗi, vừa niệm vừa ghi nhớ số câu. Mỗi khi niệm được 10 câu thì lần một hạt chuỗi. Như thế thì trong tâm vừa phải niệm Phật, lại vừa phải ghi nhớ con số, không rảnh để cho tạp niệm có thể xen vào. Cũng có thể không dùng chuỗi cũng được, nhưng trong tâm phải thầm ghi nhớ, cứ niệm mỗi 10 câu là hết một chặng.

-Niệm 10 hơi miệng. Đức Phật Di Đà có lời nguyện: Phàm 10 niệm xưng danh hiệu Ngài thì chắc chắn được vãng sinh. Cho nên, dù người quá bận rộn, không có thì giờ niệm Phật, nhưng cứ mỗi sáng sớm hay mỗi buổi tối, hãy niệm Phật 10 hơỉ miệng3, thì khi mạng chung cũng được vãng sinh.

-Niệm định khóa. Niệm Phật thì hãy giữ mực thường xuyên, nếu một nóng mười lạnh4, hoặc lúc đầu chuyên cần mà về sau giải đãi, thì không thành công. Cho nên cần phải có thời khóa nhất định. Cổ nhân có người mỗi ngày niệm mười vạn hay vài vạn biến. Ngày nay nếu nhiều việc bận rộn thì năm, ba ngàn cũng được. Tóm lại là hãy coi việc niệm Phật đồng như mặc áo ăn cơm, ngày nào cũng như ngày nấy, thì chuyện vãng sinh chắc chắn hiện thực được.

Bất luận là đi, đứng, ngồi, nằm5, trong cả bốn oai nghi đều niệm; đi trên đường, ngồi trong xe, làm việc, vui chơi, trong tâm đều thầm niệm danh hiệu Phật, huân thành tập quán, thì khi lâm chung chắc chắn được chánh niệm, được Phật tiếp dẫn vậy.

 

CHÚ THÍCH

1. Văn phát nguyện, xin xem lại đoạn đầu của bài 32.

2. Tức là Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí. Đó là hai vị Bồ-tát hầu cận hai bên đức Phật A Di Đà, thường cư trú ở nước Cực-lạc, trợ giúp đức Phật Di Đà tiếp dẫn chúng sinh.

3. Xin xem lại chú thích số 1, bài 32.

4. Chữ đọc là bộc, nghĩa là phơi nắng, nóng. Sách Mạnh Tử nói: “Một ngày nóng mười ngày lạnh, thì chẳng có gì sinh sản được.” Người đời sau dùng nó để ví dụ cho người tu dưỡng thì ít mà bỏ phí thời giờ thì nhiều.

5. Đi, đứng, ngồi, nằm, gọi là bốn oai nghi.

 

PHỤ CHÚ

(01) 16 đối tượng quán tưởng của người tu Tịnh Độ thường được gọi là “16 phép quán”, được Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, xin trình bày tóm lược như sau:

1. Quán tưởng mặt trời. Ngồi ngay ngắn, mặt quay về hướng Tây, quán tưởng thấy rõ mặt trời để cho tâm được an định, vững vàng, chuyên chú quán tưởng như thế, không dời đổi; rồi thấy mặt trời sắp lặn, hình trạng giống như cái trống treo trên không. Đã thấy mặt trời như thế rồi, dù mở mắt hay nhắm mắt vẫn thấy rõ ràng như thế.

2. Quán tưởng nước. Ban đầu quán tưởng thấy cả một vùng phương Tây toàn là nước mênh mông; rồi thấy nước đó đóng thành băng, băng ấy sáng chói trong suốt; rồi từ đó mà quán tưởng tới ngọc lưu li.

3. Quán tưởng đất. Quán tưởng xuống thấy đất toàn bằng lưu li, mặt đất toàn là bảy món báu, có trụ cờ bằng ngọc kim cương. Trên đất lại có dây bằng vàng ròng giăng hàng qua lại, mỗi mỗi món báu đều có năm trăm sắc hào quang.

4. Quán tưởng cây báu. Quán tưởng nước Cực-lạc có bảy hàng cây báu, tất cả cây, cành, lá, hoa đều bằng bảy báu, màu sắc khác nhau, trên mỗi cây đều có bảy lớp mạng lưới, trong mỗi lớp lưới đều có năm trăm ức cung điện đẹp đẽ trang nghiêm.

5. Quán tưởng ao báu. Quán tưởng ở nước Cực-lạc có ao nước bằng bảy báu, cát dưới đáy ao toàn bằng vàng, trong ao chứa nước có tám thứ công đức, trong nước có ức triệu hoa sen toàn bằng bảy báu, có nước ma-ni rót vào từng hoa sen, phát ra âm thanh kì diệu, diễn nói diệu pháp. Lại có nhiều giống chim với hàng trăm màu sắc quí báu, thường tán thán niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.

6. Quán tưởng lầu gác báu. Quán tưởng nước Cực-lạc có nhiều khu vực, ở mỗi khu vực có năm trăm ức lầu gác báu, trong đó có vô lượng chư thiên tấu lên những khúc nhạc vi diệu. Lại có nhiều thứ nhạc khí treo khắp hư không, tự chúng phát ra những điệu nhạc kì diệu, vang ra tiếng niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.

7. Quán tưởng tòa hoa sen. Quán tưởng các tòa sen, là chỗ ngồi của đức Phật A Di Đà và hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Tòa sen do bảy báu làm thành, các hoa sen, cọng sen, lá sen v.v… toàn bằng ngọc ma ni, kim cương v.v…, chiếu ánh sáng muôn màu rực rỡ.

8. Quán tưởng hình tượng. Quán tưởng hình tượng đức Phật A Di Đà toàn bằng châu báu, sáng chói sắc vàng, ngồi trên tòa hoa sen; lại quán tưởng hình tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm thân vàng sáng chói, ngồi trên tòa sen bên trái để hầu Phật; đức Bồ-tát Đại Thế Chí cũn g vậy, ngồi tòa sen bên phải để hầu Phật; cả hình tượng Phật và hai vị Bồ-tát đều phóng ra hào quang sắc vàng sáng chói.

9. Quán tưởng chân thân Phật. Quán tưởng chân thân của đức Phật A Di Đà. Tướng quan trọng nhất của Phật là tướng lông trắng ở giữa đôi chân mày. Thấy rõ được tướng này thì tám vạn bốn nghìn tướng tốt khác của Phật cũng đồng thời hiện ra. Thấy rõ được chân thân của Phật A Di Đà thì cũng thấy được chân thân chư Phật trong mười phương.

10. Quán tưởng Quán Thế Âm. Quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ-tát Quán Thế Âm, cao lớn, sắc vàng, vòm hào quang trên đầu có đức hóa Phật. Ngài dùng bàn tay quí báu trợ lực đức Phật A Di Đà để tiếp dẫn chúng sinh.

11. Quán tưởng Đại Thế Chí. Quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ-tát Đại Thế Chí, cùng với Bồtát Quán Thế Âm, là hai vị hầu cận trợ lực đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh

12. Quán tưởng mình được vãng sinh. Quán tưởng mình được vãng sinh về nước Cực-lạc. Bấy giờ mình ngồi kiết già trong hoa sen búp, khi hoa nở có năm trăm sắc hào quang chiếu soi thân mình, được thấy Phật A Di Đà, chư vị hóa Phật và Bồ-tát khắp cả hư không.

13. Quán tưởng xen lộn. Quán tưởng thân Phật cao một trượng sáu ngự trên ao nước đầy đủ tám công đức, hoặc thân Phật cao lớn đầy khắp hư không; tức quán tưởng chân thân của Phật, hoặc hóa thân Phật, hoặc thân to lớn, hoặc thân thấp nhỏ, thân nào cũng toàn sắc vàng ròng, hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cũng vậy.

14. Quán tưởng vãng sinh cấp Thượng phẩm. Người vãng sinh Tịnh-độ, y theo lúc tu nhân mà sẽ sinh vể một trong 3 cấp Thượng, Trung, Hạ; mỗi cấp lại chia ra có 3 phẩm thượng, trung, hạ; cả thảy là 9 phẩm. Quán tưởng các hành giả vãng sinh cấp Thượng phẩm, tự mình phát ba loại tâm, tu từ tâm, không giết hại, đọc tụng kinh điển đại thừa v.v…, khi lâm chung được Phật và thánh chúng tiếp dẫn vãng sinh về cõi Tịnh-độ, được mọi lợi ích thù thắng.

15. Quán tưởng vãng sinh cấp Trung phẩm. Quán tưởng các hành giả hành trì 5 giới, 8 giới, tu hạnh hiếu dưỡng phụ mẫu v.v…, khi lâm chung sẽ được Phật và thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sinh.

16. Quán tưởng vãng sinh cấp Hạ phẩm. Quán tưởng những người tuy tạo nhiều nghiệp ác, nhưng trong giờ phút lâm chung, may mắn gặp được bậc thiện tri thức dạy bảo mà biết xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhờ đó mà được vãng sinh.

 

BÀI TẬP

1) Hãy viết ra 16 phép quán ở trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

2) Hãy tìm và chép ra toàn văn lời nguyện thứ 19 ở trong kinh Vô Lượng Thọ.

3) Cách niệm Phật lớn tiếng, có điểm nào tốt, điểm nào không tốt?

4) Hai vị Bồ-tát hầu cận hai bên đức Phật A Di Đà là những vị nào? Công việc của hai vị Bồ-tát ấy là gì?

5) Niệm “truy đảnh” là niệm như thế nào? Nó có công hiệu đặc biệt gì?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 31, 32 và 33

1. Người đời đều không có thiên nhãn, không từng trông thấy nước Cực-lạc; cũng không có thần thông, không từng đến được nước Cực-lạc; cho nên không nên chấp nhất định nước Cực-lạc là có, nếu chấp nhất định là có, tức là võ đoán! Lời nói này rất đúng. Nhưng, nếu người không có thiên nhãn, không có thần thông, mà chấp nhất định nước Cực-lạc là không, thì có phải là võ đoán hay không? Đã không từng trông thấy, không từng đến nơi, thì làm sao có thể nói chắc là không? Trong không trung kia có một thế giới như thế đó, có hay không có? Tại vì người đời đều là phàm phu, cho nên chẳng ai có tư cách để nói có nói không. Như thế thì chỉ cần tuân theo “thánh ngôn lượng”(1), lấy lời Phật dạy làm chỗ quay về nương tựa vậy. Tự mình đã không thông tuệ, lời Phật dạy lại không tin, thì quả là kẻ ngoan cố nhất thiên hạ!

2. Nói niệm Phật là tu tập công phu “không sinh”, là lời nói sai lầm. Thực sự, niệm Phật là tu tập công phu “có sinh”. Mục đích của công phu niệm Phật là xa lìa thế giới Ta-bà này để sinh về nước Cực-lạc. Cho nên người niệm Phật, mỗi niệm mỗi niệm cần phải nghĩ đến chuyện xa lìa đời uế trược mà sinh về cõi Tịnh-độ. Nếu ngộ nhận cho rằng niệm Phật là cầu không sinh, thì đó là tự mình phá hủy pháp môn Tịnh Độ, đem hiệu dụng của pháp tu tịnh mà đào bới cả gốc rễ bỏ đi! Thế mới biết, cái lầm lẫn này tai hại không gì so sánh được, cần phải sửa đổi ngay! Chúng ta chỉ cần đọc vài đoạn văn Phật dạy trong kinh A Di Đà, như: “Này thầy Xá Lợi Phất! Chúng sinh nghe rồi, nên phải phát nguyện cầu sinh về nước kia……”; hoặc: “Này thầy Xá Lợi Phất! Không thể chỉ có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh về nước kia……”; hoặc: “Người ấy trong lúc mạng chung tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà……”; v.v…, đâu có đoạn nào mà không nói “sinh”? Những điều trên đây chứng minh rằng: Cái mà người niệm Phật tu tập là công phu có sinh, không phải là không sinh. Nếu nói đến không sinh, thì cả tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng thông đạt cảnh giới không sinh, nếu không thông đạt thì không phải là rốt ráo; pháp môn niệm Phật Tịnh-độ cũng không ngoại lệ. Nếu quả thực không thông đạt không sinh, thì ngay cả cảnh giới niết bàn của tiểu thừa cũng không chứng nhập được, huống nữa là cảnh giới đại niết bàn của đại thừa! Chẳng qua, tông Tịnh Độ thực hành công phu không sinh, là sau khi đã sinh về nước Cực-lạc, lúc chứng được quả A-la-hán liền chứng nhập cảnh giới không sinh, chấm dứt phần đoạn sinh tử; lúc chứng quả Phật liền chứng nhập cảnh giới không sinh, chấm dứt biến dịch sinh tử. Cho nên, từ thế giới Ta-bà đến thế giới Cực-lạc vẫn còn có một lần tử sinh, tức là chết ở Ta-bà rồi sinh ở Cực-lạc. Giai đoạn tu hành sơ bộ này xác thực là tu tập công phu có sinh – chứ không phải là không sinh. Vì đây là vấn đề quan hệ trọng đại, cho nên không thể không bàn đến.

3. Có nhiều chứng cứ để xác minh rằng tu Tịnh Độ là pháp môn đại thừa, mà không phải là tiểu thừa: 1) Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: Người muốn sinh về nước Cực-lạc cần phải tu ba phước, trong đó, phước thứ ba là: “Phát tâm bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến khích người tinh tấn tu hành.” Phát tâm bồ đề, đọc tụng đại thừa, và khuyến khích người tinh tấn tu hành, đúng là hành vi của đại thừa. 2) Trong Vãng Sinh Luận có câu kệ tán thán nước Cực-lạc rằng: “Trong lĩnh vực thiện căn của đại thừa, hạt giống nhị thừa không thể sinh được.” Câu ấy có ý nói, những người sinh về nước Cực-lạc đều có căn khí đại thừa, hoàn toàn không phải là chủng tánh nhị thừa. 3) Trong bài văn phát nguyện của đại sư Liên Trì, ngay câu mở đầu đã nói: “Đệ tử khắp vì bốn ơn, ba cõi, pháp giới chúng sinh, mà cầu đạo bồ đề vô thượng nhất thừa nơi chư Phật, chuyên niệm danh hiệu lớn lao muôn đức của Phật A Di Đà, để mong được sinh về cõi Tịnhđộ.” Ý câu đó nói, vì khắp cả chúng sinh mà cầu đạo bồ đề vô thượng, cho nên mới niệm Phật cầu vãng sinh. Chứng tỏ, niệm Phật mới là pháp môn rốt ráo của đại thừa. 4) Kinh A Di Đà nói: “Chúng sinh sinh về nước Cực-lạc đều là bậc bất thối chuyển, trong đó rất nhiều là bậc một đời thành Phật.” Người vãng sinh đều là bậc bất thối chuyển, thẳng đến khi thành Phật, thì làm sao nói được đó là tiểu thừa? 5) Phẩm “Hạnh Nguyện Phổ Hiền” trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Người đó tự thấy mình sinh trong hoa sen, được Phật thọ kí. Được thọ kí rồi thì ở trong vô lượng trăm ngàn vạn na do tha kiếp, ở khắp vô lượng vô số thế giới trong mười phương, dùng sức trí tuệ, tùy tâm niệm của chúng sinh mà làm việc lợi ích; trong một thời gian không lâu, sẽ ngồi ở bồ đề đạo tràng, hàng phục ma quân, thành bậc Đẳng Chánh Giác.” Từ vãng sinh đến độ chúng sinh, từ độ chúng sinh đến thành Phật, nếu đó không phải là đại thừa thì thế nào mới là đại thừa? Hay nhỉ! Trong kinh luận, những lời chỉ rõ pháp tu Tịnh Độ là đại thừa, có rất nhiều, không ghi nhớ hết được; vài đoạn vừa nêu trên cũng đủ tiêu biểu để chứng minh, bất tất phải tốn nhiều giấy mực làm gì!

4. Tâm thể rỗng lặng vô niệm thì tất cả đều bình đẳng, hoàn toàn không có điểm thiên trọng, cho nên không có chỗ sinh. Nếu ở trong chỗ rỗng lặng vô niệm đó mà khởi lên một niệm, thì cái chỗ một niệm ấy dính vào liền thành điểm thiên trọng, mà cũng là cái nơi thọ sinh. Pháp môn Tịnh Độ thiên trọng sự niệm Phật mà được sinh về nước Phật, đó là căn cứ trên nguyên lí này để kiến lập. Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ nước Cực-lạc, phát nguyện ai xưng niệm danh hiệu Ngài, hồi hướng công đức, và phát nguyện muốn vãng sinh, chắc chắn Ngài sẽ tiếp dẫn, thì cũng căn cứ trên nguyên lí này mà Ngài phát nguyện. Thế mới biết, pháp môn Tịnh Độ là niệm mà có nghĩa lí sâu xa ở bên trong.

5. Thiền và Tịnh có thể song tu. Đoạn 9 trong bài 32 có nói về “thật tướng niệm Phật” trong 3 phương pháp niệm Phật, và đoạn 13 trong bài 33 có nói về “niệm giác chiếu”, đều là trong Tịnh có Thiền, trong Thiền có Tịnh. Đó tức là song tu vậy. Chẳng qua, chỉ sợ người học tuệ giải không đủ, phương tiện thiện xảo không có, khiến cho việc tu tập không thông suốt; chứ Thiền và Tịnh hoàn toàn không phải là hai pháp môn không thể dung hợp, thông suốt nhau.

6. Nếu hỏi trong các cách niệm Phật thì cách nào tốt nhất, thì đó là câu hỏi sai lầm. Giáo pháp vốn bình đẳng, hoàn toàn không có cao thấp. Đáp án của vấn đề này là: Ngay trong khi quí vị sử dụng một phương pháp niệm Phật nào đó, mà thấy được trong tâm mình chánh niệm rõ ràng nhất, hoàn toàn không có tạp niệm, thì chính phương pháp đó, ở ngay lúc đó, là phương pháp tốt nhất. Cho nên có khi, mới ở giờ phút trước thì dùng phương pháp A thấy rất tốt, nhưng sang giờ phút sau thì phương pháp ấy không còn giúp ích nữa; mà đổi sang dùng phương pháp B hay phương pháp C thì lại tốt hơn. Sự ứng dụng và biến đổi phương pháp, chỉ có chính người niệm Phật tự biết, tự điều hòa; ngoài ra, bất cứ người nào khác cũng không nên cưỡng ép bảo phải theo phương pháp nào là tối hảo. Ví như có người hỏi y sĩ thuốc nào là tốt nhất, thì vị y sĩ cũng chỉ có thể trả lời: “Thứ thuốc nào trị lành chứng bệnh hiện thời của ông thì đó là thuốc tốt nhất.” Hoàn toàn không thể khi không mà chỉ ra một thứ thuốc tốt nhất!

7. Cách niệm trì danh trong pháp môn niệm Phật, nếu luận về hành sự, từ người già cho tới trẻ con đều có thể thực hành tốt; nếu luận đến cùng lí thì đến như bậc Bồ-tát Đẳng-giác vẫn có chỗ chưa thấu suốt rõ ràng, có thể tưởng tượng sự cao sâu của nó như thế nào! Cho nên mới nói: “Chỉ có Phật với Phật mới có thể biết đến rốt ráo mà thôi.” Thỉnh thoảng cũng có người khinh chê pháp môn niệm Phật, điều đó chỉ nói lên rằng, đối với pháp môn niệm Phật, họ chỉ là kẻ ngoại đạo! Mà thôi bỏ đi, có ích gì mà cãi qua cãi lại với hạng người ấy, chỉ nghĩ tới đã muốn khóc!

8. Tu Thiền cốt yếu là không tâm không cảnh, cho nên ở trong thiền định, bất luận là thấy cảnh giới gì cũng đều là ma cảnh. Tu Tịnh cốt yếu là có tâm có cảnh, cho nên ở trong lúc niệm Phật, nếu thấy có cảnh giới phù hợp với sự niệm Phật, đó là cảnh giới chân chánh; nếu không phù hợp với sự niệm Phật thì đó cũng là ma cảnh. Nhưng cũng phải biết rằng: giả sử cảnh giới hiện ra xác thực là cảnh giới Phật, nhưng nếu chấp trước quá đáng thì cũng thành ma cảnh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Không cố làm ra tâm thánh thì đó là cảnh giới thiện; nếu cố làm ra kiến giải của thánh nhân thì chỉ nhận được mọi điều tà.” Đó là ý này. Cho nên trong đời ngài Tuệ Viễn, có ba lần được thấy hình tướng Phật, nhưng ngài đã không lấy đó làm quan trọng, cũng không nói tới chuyện ấy. Cử chỉ đó chính là để dạy người sau, chớ vì tham luyến, vui mừng, phân biệt, chấp trước mà bị thất niệm, rồi phải dính vào ma cảnh. Cái thấy và cái niệm phù hợp nhau mà còn thận trọng đến như thế, huống gì là không phù hợp!

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Thánh ngôn lượng: tức là tin chắc chắn lời dạy của Phật là hoàn toàn chân thật, tuyệt đối không sai lầm, nương vào lời dạy ấy làm tiêu chuẩn để nhận thức mọi nghĩa lí ở thế gian.