GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 33
ĐỊA NGỤC VÔ GIÁN và VUA DIÊM LA

Địa ngục, ý nói là lao ngục ở dưới đất, chia làm ba loại: căn bản, cận biên và cô độc. Trong bài học số 24 –và cả trong phần chú thích của nó– đã nói sơ lược về tình trạng của địa ngục; chỉ vì nghiệp ác của chúng sinh quá lớn lao nặng nề, nhân đó mà các hình cụ của địa ngục cũng có quá nhiều loại và rất thảm khốc, không phải chỉ vài lời mà có thể nói hết được; cho nên, có bài này để bổ khuyết là điều cần thiết. Nếu muốn biết tường tận thêm về vấn đế này, xin xem kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, hoặc kinh Trường A Hàm (quyển 19, phẩm “Địa Ngục”).

Tại phía Đông của Diêm-phù-đề, ở bên dưới núi Thiết-vi hoàn toàn tối tăm, không có mặt trời lẫn mặt trăng, có địa ngục lớn gồm mười tám sở, các địa ngục nhỏ phụ thuộc của nó thì có hàng ngàn, hàng trăm, tên gọi đều khác nhau. Thành ngục không có kẽ hở, toàn bằng sắt, chu vi rộng hơn tám ngàn dặm, cao một vạn dặm, trong đó, các ngục nối liền nhau; chỉ riêng có một ngục tên là Vô-gián, cũng gọi là A-tì. Lửa ở trên cháy xuyên suốt xuống dưới; lửa ở dưới cháy xuyên suốt lên trên, không có chỗ trống; rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi người. Trong ngục có giường, lớn một vạn dặm. Một người chịu tội, tự thấy thân thể của mình nằm đầy khắp chiếc giường đó; mà ngàn vạn người chịu tội, cũng đều tự thấy thân mình nằm đầy trên giường. Quỉ dữ Dạ Xoa, răng miệng như gươm, quăng ném tội nhân, nấu đồng cho chảy ra rồi rót vào miệng, lấy sắt nóng trói người, trải hàng ức kiếp, không có hạn kì nào để mong ra khỏi. Khi thế giới này hủy hoại thì sinh sang ở nhờ thế giới khác; thế giới đó nếu hủy hoại thì lại sinh sang ở nhờ thế giới khác nữa; đến khi thế giới này hình thành thì trở về chịu khổ!

Gọi là “Vô-gián”, vì có năm nguyên do: 1) Ngày đêm thọ tội, không có giờ phút nào gián đoạn; 2) Nhiều người cũng đầy, mà một người cũng đầy; 3) Hình cụ gồm rất nhiều loại, tất cả đều là đồng, sắt, lửa, đá; 4) Không phân biệt nam hay nữ, người văn minh hay kẻ man rợ, trời, rồng, thần, quỉ, thảy đều chịu tội; 5) Từ lúc mới vào ngục cho đến trải qua nhiều kiếp dài lâu, mỗi một ngày đêm, muôn lần chết muôn lần sống, mong có một giây lát tạm dừng cũng không có được.

Chỉ cần phạm bất cứ một tội nào trong “năm tội nghịch”(1) (cũng gọi là “năm nghiệp vô gián”), liền bị đọa vào ngục A-tì; đó là: 1) giết cha; 2) giết mẹ; 3) giết bậc A-la-hán; 4) làm cho thân thể của Phật bị chảy máu; 5) phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn1 – trong đó, tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn” bị coi là nặng nhất.

Người quản lí mọi việc về tội báo ở địa ngục là vua Diêm La (hoặc dịch là “Diễm Ma”), dịch nghĩa là “song thế”, nghĩa là, cả hai hoàn cảnh khổ và vui, đều nhận chịu hết; lại dịch là “song vương”, nghĩa là cả hai người, anh và em gái, đều làm vua –anh thì quán xuyến các việc bên nam, em gái thì quán xuyến các việc bên nữ. Vua Diêm La, ngày xưa, nhân một phút sân hận, muốn trị tội người2, khi mạng chung bèn làm vua. Ngày đêm ba lần, có cái vạc đồng lớn3, từ trong cung vua hiện ra, vua trông thấy thì sợ lắm. Các viên ngục tốt liền bắt vua nằm trên giường sắt nóng, rồi dùng móc sắt móc miệng vua cho mở ra, lấy nước đồng sôi rót vào, từ miệng cho đến bụng đều phỏng chín. Chịu tội xong, vua lại cùng với các thể nữ chung hưởng thú vui. Tất cả các vị đại thần của vua cũng vậy. Xem thế có thể biết: Trong lúc lòng đang giận dữ mà phát nguyện thì cũng có thể thành tựu, chỉ có điều sau đó, khi đã làm Diêm vương, dù có phán xét công bình, không hề có trường hợp oan uổng, nhưng tự thân cũng phải chịu trọng hình ngày đêm. Người đời mỗi khi khởi tâm, động niệm, há không cẩn thận ư!

 

CHÚ THÍCH

1. Chúng tăng hòa hợp để tu tập và thực hiện các Phật sự. Nếu dùng thủ đoạn để li gián, khiến cho họ phải phân tán, rối loạn mà bỏ phế Phật sự; hoặc cưỡng chiếm chùa miếu, áp bức họ phải hoàn tục, đều là phá sự hòa hợp của tăng đoàn. Vì cắt đứt tuệ mạng của người, dứt tuyệt duyên lành giải thoát của người, cho nên tội rất nặng, và quả báo cũng cực kì thảm khốc.

2. Ngày xưa có một nước kia, đánh nhau với nước láng giềng và bị bại trận. Vị quốc vương quá giận dữ, đã cùng với các đại thần và binh lính, đều phát nguyện rằng: “Nguyện sau khi chết sẽ làm vua địa ngục, đem bọn người ác của nước láng giềng kia bỏ hết vào địa ngục mới hả giận.” Về sau, vị quốc vương kia, sau khi chết thì làm vua Diêm La, các đại thần và binh lính của ông cũng đều làm quan, binh ở địa ngục.

3. Cái vạc là một thứ đồ dùng để nấu nướng. Trong vạc này chứa đầy nước đồng sôi, chuẩn bị rót vào miệng vua.

 

PHỤ CHÚ

1. Năm tội nghịch (ngũ nghịch tội) – Năm nghiệp vô gián (ngũ vô gián nghiệp): Đây là năm hành động xấu xa nhất, độc ác nhất, tội lỗi nặng nề nhất mà con người có thể làm. Chỉ cần gây một trong năm loại tội lỗi này cũng đủ để đọa vào địa ngục Vô-gián. Có hai loại “năm tội nghịch”:

a. Theo tiểu thừa giáo, năm tội nghịch gồm có: giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, có ác ý làm cho thân Phật chảy máu, và phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn. – Cần chú ý đến tội thứ tư, “có ác ý làm cho thân Phật chảy máu”. Trong tiểu sử của đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy có hai trường hợp thân Phật bị làm cho chảy máu được ghi lại: Trường hợp thứ nhất, đại đức Đề Bà Đạt Đa khởi ác tâm hại Phật, đã xô đá từ trên đỉnh núi Linh-thứu cho lăn xuống chân núi, một mảnh đá bể văng trúng, làm chân Phật chảy máu. Trường hợp thứ hai, y sĩ Kì Bà, vì chữa trị vết thương cho Phật, phải mổ vết thương làm thân Phật chảy máu. Trong hai trường hợp ấy, Đề Bà Đạt Đa làm thân Phật chảy máu do ác tâm, phạm một trong năm tội nghịch; Kì Bà làm thân Phật chảy máu do thiện tâm, đã không phạm tội còn được phước báo. Lại nữa, đời nay không có Phật tại thế thì không có trường hợp phạm tội này sao? Chúng tôi nghĩ, dù không có Phật tại thế, nhưng những biểu tượng về Phật (tức tất cả các loại tượng, hình Phật) cũng tức là thân Phật. Nếu có ác ý phỉ báng, chà đạp, đập phá, hủy hoại các biểu tượng ấy, đều được coi là phạm tội “có ác ý làm cho thân Phật chảy máu”. Trong Thiền tông, câu “Xuất Phật thân huyết” chuyên được dùng để chỉ cho ý niệm chấp trước vào thân thanh tịnh của Phật; bởi vì, Phật tánh vốn thanh tịnh, nhưng kẻ phàm phu lại mê muội vọng chấp, bám dính vào đó, cuồng si không sáng suốt, bị coi như làm thân Phật bị chảy máu.

Về tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn” có hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, tách khỏi tăng đoàn mà mình đang sinh hoạt để thành lập tăng đoàn mới, thực hành các pháp bố-tát, yết-ma v.v… riêng, gọi là phá “yết-ma-tăng”. Trường hợp thứ hai, tách khỏi tăng đoàn để lập tăng đoàn mới, tự mình xưng làm giáo chủ (hoặc thờ một nhân vật tà đạo khác làm giáo chủ), đề xướng học thuyết mới sai trái với chánh pháp, gọi là phá “pháp-luân-tăng”. Ngoài ra, những trường hợp khác như dùng thủ đoạn để li gián những người trong tăng đoàn, làm cho họ lập phe phái chống đối nhau; làm cho người này nghi kị, hiềm khích người kia; làm cho một hay nhiều người chán nản, thối chí trên bước đường tu học, thậm chí phải hoàn tục; v.v…, nói chung, tất cả những trường hợp làm mất cái không khí thanh tịnh, hòa hợp, gây rối loạn, bất an trong tăng đoàn, đêu được coi là phạm tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn”.

Có người cân phân tính nặng nhẹ của năm tội nghịch trên, và cho rằng, tội “phá hòa hiệp tăng” là nặng nhất, thứ đến là “xuất Phật thân huyết”, nhẹ hơn là “sát A-la-hán”, kế đó là “sát mẫu”, nhẹ nhất là “sát phụ”. Nhưng sự cân phân này xét ra vô ích; bởi vì, phạm bất cứ tội nào trong năm tội trên cũng đều sa vào địa ngục vô gián, thì cân phân làm gì!

b. Năm tội nghịch theo đại thừa gồm có: – phá hoại chùa tháp, thiêu hủy kinh tượng, cưỡng đoạt của cải của thường trụ; – hủy báng giáo pháp cùng các bậc thánh đức; – làm trở ngại sự tu hành của người xuất gia, hoặc sát hại những người xuất gia; – phạm một trong năm tội nghịch của tiểu thừa (nói trên); – chủ trương không có nhân quả nghiệp báo rồi mặc tình gây tội ác, và sai sử người khác gây tội ác.

 

BÀI TẬP

1) Hãy nói về tình trạng của địa ngục Vô-gián.

Địa ngục Vô-gián có quá nhiều hình phạt cực kì thảm khốc, như lửa ở trên cháy xuyên suốt xuống dưới, lửa ở dưới cháy xuyên suốt lên trên, không có chỗ nào trống; rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi người; trong ngục có giường, lớn một vạn dặm, một người chịu tội, tự thấy thân thể của mình nằm đầy khắp chiếc giường đó, mà ngàn vạn người chịu tội, cũng đều tự thấy mình nằm đầy trên giường; quỉ Dạ Xoa răng miệng như gươm, quăng ném tội nhân, nấu đồng cho chảy ra rồi rót vào miệng, lấy dây sắt nóng trói người; v.v…, trải hàng ức kiếp không mong ra khỏi. Khi thế giới này hủy hoại thì sinh sang ở nhờ thế giới khác; nếu thế giới đó hủy hoại thì lại sinh sang ở nhờ thế giới khác nữa; đến khi thế giới này hình thành lại thì trở về chịu khổ tiếp.

2) Gọi là “Vô-gián” vì năm nguyên do; đó là những nguyên do gì?

Gọi là địa ngục “Vô-gián”, vì có năm nguyên do: 1) Ngày đêm chịu hình phạt, không có giây phút nào gián đoạn; 2) Nhiều người cũng đầy ngục, mà một người cũng đầy ngục; 3) Có rất nhiều loại hình cụ ghê rợn, và toàn bằng đồng, sắt, lửa, đá; 4) Không phân biệt nam hay nữ, người văn minh hay kẻ man rợ, tất cả chúng sinh trong sáu đường đều có lúc chịu tội; 5) Từ lúc vào ngục cho đến trải qua nhiều kiếp dài lâu, mỗi một ngày đêm muôn lần chết muôn lần sống, mong có một giây lát tạm dừng cũng không có được!

3) Năm nghiệp vô-gián là những gì?

Năm nghiệp vô-gián cũng gọi là năm tội nghịch, gồm có: giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, làm cho thân Phật bị chảy máu, và phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn.

4) Diễm Ma vương được dịch thành hai nghĩa. Hãy giải thích hai nghĩa ấy.

Diễm Ma vương được dịch làm hai nghĩa: – Song thế: cả hai hoàn cảnh khổ và vui đều nhận chịu hết. – Song vương: cả hai người, anh và em gái, đều làm vua Diêm La; anh thì quán xuyến các việc bên nam, em thì quán xuyến các việc bên nữ.

5) Vua Diêm La vừa chịu tội khổ lại vừa hưởng thú vui. Hãy diễn tả sự việc ấy.

Vua Diêm La vừa chịu tội khổ lại vừa hưởng thú vui. Ngày đêm ba lần, có cái vạc đồng lớn, đựng đầy nước đồng sôi, hiện ra trong cung, vua trông thấy thì sợ lắm. Các viên ngục tốt liền bắt vua nằm trên giường sắt nóng, dùng móc sắt móc miệng vua cho mở ra, lấy nước đồng sôi rót vào, từ miệng đến bụng đều phỏng chín. Chịu tội xong, vua lại cùng với các thể nữ chung hưởng thú vui.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 31, 32 và 33

1. Tâm dơ bẩn chính là nguyên nhân sinh khởi đời ác với năm thứ dơ bẩn; do một thứ dơ bẩn dẫn tới năm thứ dơ bẩn. Cho nên hành giả chỉ cần gạn lọc tâm cho trong sạch, giảm thiểu dục vọng, thì tự nhiên tâm không còn dính mắc vào trược cảnh; sau khi mạng chung liền thoát khỏi cõi đời dơ bẩn, sinh về các cõi an vui thanh tịnh; nếu trong đời sống thường nhật có công phu niệm Phật, liền được sinh về cõi Phật. Thế mói biết, tất cả các quốc độ đều do tâm tạo; cứ xem quốc độ mình đang ở, tất biết trong tâm mình hàm chứa những gì. Đó chính là chỗ căn cứ của pháp môn niệm Phật tu Tịnh Độ. Đó cũng là cái nguyên lí mà kinh điển đã nói: “Tùy theo tâm mình trong sạch thì Phật độ trong sạch.”, hoặc: “Hãy an bình đất tâm thì mọi nơi trên thế giới đều được an bình.” Đã thấy rõ điều đó, thì ngày nay chúng ta sống ở cái thế giới đầy xấu xa, dơ bẩn, rối loạn và khổ não này, đều bởi vì đời trước đã tạo bao nghiệp xấu mà ngày nay phải chịu quả báo, đâu còn oán trách ai được nữa! Điều khẩn yếu là: Trước đã lầm lỡ thì sau đừng lầm lỡ nữa! Từ nay về sau phải trừ bỏ vọng niệm, một lòng niệm Phật, mong có ngày được sinh về cõi Phật.

2. Nếu hỏi ba tai nạn nhỏ từ đâu mà đến, xin đọc thật kĩ bài học số 31 sẽ tự rõ biết. Đoạn 3 trong bài đó nói: “… con người quá tà kiến, điên đảo, mười nghiệp bất thiện đều làm đủ, …”, và: “… con người làm nhiều điều theo thói buông lung, chỉ tiếp xúc với điều ác, …”, và: “… con người đều là loại bất hiếu bất kính, làm nhiều điều bất thiện, thù oán giết hại lẫn nhau, …”; đó chính là nguyên nhân. Nguyên nhân đầy ắp thì quả phải rộng lớn như biển; cho nên mới sinh khởi ba tai nạn nhỏ. Hành giả nếu muốn tránh khỏi các tai ách này, chỉ cần những suy nghĩ và hành động hằng ngày không liên hệ gì đến các nguyên nhân đã nói ở trên. Đến lúc đó, tự nhiên được sinh về cõi thiện, không phải mắc vào các tai nạn trên. Đó gọi là, trong 36 kế, bỏ chạy là kế hay nhất(1). Nếu đã từng niệm Phật cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc, hoặc đã từng phát nguyện vãng sinh về thế giới ấy, sau khi kiếp sống này chấm dứt, liền được vãng sinh. Thân đã được sinh về Tịnh-độ thì còn có tai nạn nào mà không xa lìa? Đó là phương pháp hữu hiệu nhất, triệt để nhất để tránh khỏi các tai nạn.

3. Trong ba thứ tai nạn nhỏ, những người chết vì nạn đói khát là nhân vì đời trước giành ăn, keo kiệt; và sau khi mạng chung sẽ phải đọa vào cảnh giới ngạ quỉ. Những người chết vì nạn binh đao là do vì đời trước nhiều sân hận, hay giết hại; và sau khi mạng chung sẽ phải đọa vào cảnh giới địa ngục. Chỉ có những người chết vì nạn tật dịch, nhân vì đời trước biết khởi lòng thương cảm đối với mọi người, quan tâm đến những người đau yếu, cho nên sau khi mạng chung, sẽ được sinh về cõi trời. Quí vị hành giả nên đặc biệt chú ý đến sự thật này: Khi mạng sống sắp hết, bất luận là đang nhận chịu những oan khiên thống khổ gì, cũng nhất định không sinh tâm sân hận. Tốt nhất là hãy niệm Phật, bởi vì, một niệm khi lâm chung có quan hệ trọng đại đến sự thọ sinh ở kiếp sau.

4. Vua Diêm La cai trị chốn địa ngục, xử tội công bằng thỏa đáng, không một người nào bị oan uổng; so sánh với dương thế, đó là một quan viên tư pháp vô tư chính trực, đáng lẽ không phải chịu sự đau khổ của giường sắt, nước đồng sôi ba lần trong một ngày đêm! Nhưng, nói như thế là chỉ luận về kết quả, mà chưa xét đến nguyên nhân; chỉ đánh giá cái dấu vết trước mắt mà chưa thấy được cái xấu tệ ở tâm niệm. Diêm vương tuy trị lí địa ngục một cách cương trực, nhưng cái động cơ để làm được Diêm vương là do sự phát nguyện: muốn trị tội những người ác ở nước láng giềng! Đó là cái nhân không nhân từ vậy. Bám lấy cái nhân đó để được làm Diêm vương, thì đang khi xét án định tội, tất có tâm hớn hở đắc ý thực tình, hoàn toàn không có một niệm thương xót. Đó là cái quả không nhân từ vậy. Cả nhân và quả đều không nhân từ, mà tâm sân hận lại nổi lên hừng hực, thì tự nhiên vô minh sinh khởi ra cảnh giới, lửa trong dẫn động lửa ngoài, do vậy mà tự mình không thể không nhận chịu các hình phạt giường sắt, nước đồng sôi! Nếu hỏi: Phải làm thế nào mới có thể thoát li cảnh khổ đau đó? Xin trả lời: Chỉ cần trong khi định tội, hãy phát khởi lòng từ mẫn xót thương, thì giường sắt nước đồng đều tiêu mất; mà cái kiếp “Diêm vương” cũng kết liễu vậy. Đó tức là cái lí lẽ mà đại sư Liên Trì nói với con rết: “Con hãy trừ bỏ cái tâm độc dữ thì có thể thoát khỏi cái thân hình này.” Người học đạo cẩn thận nhất là việc giữ gìn tâm niệm. Xin quí vị học giả lưu ý sự việc này. Xin hãy lấy trường hợp của Diêm vương mà phản tỉnh, cảnh giác! Nếu tự thân hành nghề tư pháp, nắm quyền phán quyết, thì nên giữ sự cân bằng, xét sự việc cả về lí lẫn về tình, làm sao cho cả tình lẫn lí đều không có gì làm cho mình ân hận. Ngoài ra, còn nên giữ cho tâm thần định tĩnh, luôn luôn nuôi niệm từ bi; được như vậy thì có thể tránh khỏi mọi hậu quả khổ đau.

5. Tất cả mọi vật, có hình tướng ắt có sinh diệt. Chánh báo có sinh già bệnh chết; y báo có thành trụ hoại không. Đã có sinh thì không thể không có tử; đã có thành thì không thể không có không. Sở dĩ “niết bàn” mà được dịch là “diệt độ”, bởi vì, chỉ có “diệt” mới có thể “độ”(2) vậy. Trời, đất, mặt trời, mặt trăng còn chịu luật vô thường, không thể tồn tại vĩnh viễn, huống gì là cái thân tứ đại giả hợp yếu đuối này. Những ai học đòi có được một đời sống trường cửu, xin hãy giác ngộ!

6. Trong kinh Phật nói tới địa ngục, thường quan hệ tới địa điểm mà địa ngục tọa lạc; thậm chí, những điều thuộc nội bộ địa ngục như danh mục, tình trạng, v.v… cũng được đề cập hết sức rõ ràng. Điều đó cho thấy, mỗi mỗi địa ngục đều nhất định là có, hoàn toàn không phải vì hăm dọa kẻ khờ khạo mà nói không thành có; cũng giống như thế giới Cực-lạc, nhất định là có, hoàn toàn không phải vì cổ lệ mọi người niệm Phật mà nói không thành có. Trong năm tội vô-gián, sở dĩ “phá hòa hiệp tăng” được xem là tội nặng nhất, bởi vì, đó là hành động phá hoại đạo tràng chánh pháp, khiến cho hàng ngàn hàng vạn người không thể giải thoát nỗi đau khổ trong vòng luân hồi – đó gọi là giết chết huệ mạng của người, tội lỗi còn trên cả việc giết chết tính mạng của người. Bởi vậy mà nó được coi là nặng nhất trong năm tội vô-gián. Do đó có thể biết: Ba vua Võ và một vua Tông(3) đều là các tội phạm hàng đầu trong địa ngục Vô-gián. Chính ngày nay cũng có rất nhiều người đang làm công tác phá hoại Phật giáo. Họ tự lấy làm đắc ý, nhưng có biết đâu, chỉ trong một cái nháy mắt, họ đều trở thành những tội quỉ của địa ngục Vôgián! Đó không phải là chư Phật và Bồ-tát trừng phạt họ; cũng không phải là chư vị Hộ-pháp hay quỉ thần trừng phạt họ; thậm chí cũng không phải vua Diêm La trừng phạt họ; mà đó chỉ là, gieo nhân như vậy thì được quả như vậy, chơi với lửa thì tự chết cháy, chơi với nước thì tự chết chìm, tự mình tạo ác nghiệp thì không thể trốn tránh đi đâu được!

7. Hành giả tụng kinh, đọc luận, nghe giảng, vì mục đích muốn hiểu rõ tường tận, phá trừ tà kiến chấp trước. Tà kiến đã phá trừ thì liền có được chánh kiến. Khi đã có được chánh kiến, tất cả mọi sự lí, dù thuộc các pháp thế hay xuất thế gian, không có gì mà không thông đạt; tác dụng của nó rất lớn. Chưa cần nói tới những điểm vi diệu khác, chỉ cần nói tới việc phá trừ kiến hoặc là tức khắc chứng được quả Tu-đà-hoàn, tiếp theo là trải qua bảy lần sinh bảy lần tử, bèn chứng được quả vị A-la-hán, xuất li ba cõi (sáu nẻo luân hồi). Thế mới biết, trong công trình tu tập, không bao giờ kém trọng yếu hơn sự; xin đừng chấp sự mà bỏ lí. Sa vào chỗ cực đoan là tự mình làm mất đi lợi ích rất nhiều.

8. Xây dựng cõi tịnh độ ở nhân gian, không phải là việc không thể làm. Nhưng, muốn làm việc đó, trước tiên là phải xây dựng cho được cái tâm thanh tịnh ở nhân gian. Tất cả những tâm niệm ác và hành động ác như giết hại chúng sinh, hại người lợi mình, tự tư tự lợi, khinh khi kẻ yếu kém, tham tài, hiếu sắc, kiêu ngạo, v.v… đều dứt trừ tuyệt sạch, sau đó mới nói đến việc xây dựng cõi tịnh độ ở nhân gian. Chúng ta hãy mở lớn mắt ra mà nhìn tình hình giữa quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác, người này với người khác, người với thú vật, rồi thú vật và thú vật với nhau…, toàn là một thế giới trộm cướp hung bạo, làm sao nói đến “nhân gian tịnh độ” được! Lại hãy nhìn vào những công binh xưởng, những cơ sở điều chế hóa chất, và những cơ quan quân sự của quốc tế; những nơi đó nhằm làm việc gì thế? Vậy nên biết, không những việc xây dựng nhân gian tịnh độ hoàn toàn không thể thực hiện được, mà trái lại còn sợ rằng, cõi địa ngục ở nhân gian lại đang bày ra trước mắt!

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. 36 kế, bỏ chạy là kế hay nhất: Nguyên văn chữ Hán của câu này là: “Tam thập lục trước, tẩu vi thượng trước.” Câu này, nguyên trong cổ văn Trung-quốc nói là “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế.”, nghĩa là: trong 36 kế, bỏ chạy là kế hay nhất. Trong Tục Truyền Đăng Lục (quyển 12, truyện “Tử Thắng Thiền Sư”) lại viết câu này thành: “Tam thập lục trước, tẩu vi thượng trước.”; thay chữ “kế” bằng chữ “trước”, nhưng ý nghĩa cũng vậy. Buổi đầu, con số “36” (tam thập lục) vốn chỉ là một hư số, ý nói là rất nhiều; điểm quan trọng là ở chữ “bỏ chạy” (tẩu). Về sau, khi câu này trở thành một câu tục ngữ dùng thường trong dân gian, những người hiếu sự bèn cố ý tìm tòi, góp nhặt đủ 36 mưu kế (như: kế dương Đông đánh Tây; kế khua cỏ đuổi rắn; kế mượn tay người khác giết người; kế trong cái không làm ra cái có; kế nhử cọp ra khỏi núi; kế muốn bắt trước phải thả; kế biến khách thành chủ; kế liên hoàn; kế mĩ nhân; kế khổ nhục; v.v… và kế bỏ chạy), làm cho con số “36” trở thành một thật số.

2. “Diệt” – “độ”: Chữ “độ” nghĩa là qua đến bờ giải thoát. Câu này có ý nói: Phải tận diệt vô minh phiền não thì mới đạt được thành quả giác ngộ giải thoát trọn vẹn.

3. Ba vua Võ và một vua Tông: Thuật ngữ Phật học là “tam Võ nhất Tông”, hay nói cho đủ là “tam Võ nhất Tông pháp nạn”. Thuật ngữ này được dùng để chỉ cho bốn vị hoàng đế Trung-quốc đã bách hại Phật giáo một cách nghiêm trọng, gây ra bốn thời kì pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc ở thời đại quân chủ: 1) Vua Thái- đế (424-452) nhà Bắc-Ngụy (386-534), vì tin lời gièm pha của đạo sĩ Khấu Khiêm Chi và quan tư đồ Thôi Hạo mà bách hại Phật giáo. Năm 446, nhà vua hạ lệnh giết hại tất cả quí vị sa môn ở khắp nước, phá hủy hết kinh điển và đồ tượng, khiến cho Phật giáo Bắc-Ngụy bị tiêu diệt. Phải đến đời vua sau là Văn-thành đế (452-465), Phật giáo mới được khôi phục. 2) Vua đế (561-578) nhà Bắc-Chu (559-581), tin dùng luận thuyết của hai đạo sĩ Trương Tân và Vệ Nguyên Tung, có ý phế bỏ Phật giáo. Nhờ có quí vị tôn đức nổi danh đương thời như Chân Loan, Đạo An, Tăng Miễn, Tĩnh Ái, v.v… ra sức biện hộ, mà Phật giáo tạm thời được yên. Bỗng dưng, năm 573, nhà vua hạ lệnh phế bỏ cả Phật giáo và Đạo giáo, hủy hoại kinh tượng, bắt tất cả quí vị sa môn và đạo sĩ đều phải hoàn tục; tuyển lựa 120 vị danh đức an trí tại Thông-đạo quán. Năm 577, vua Võ đế diệt nhà Bắc-Tề (550-577), tuy có ngài Tuệ Viễn hết sức chống đối, nhà vua vẫn cương quyết thi hành chính sách tiêu diệt Phật giáo trên khắp lãnh thổ Bắc-Tề. Năm sau nhà vua băng, hai tôn giáo Phật và Đạo mới được khôi phục. 3) Vua -tông (841-846) nhà Đường (618-907), từ nhỏ đã không thích Phật giáo, sau khi lên ngôi (năm 840) liền thờ đạo sĩ Triệu Qui Chân làm thầy, sùng tín Đạo giáo. Qui Chân cậy thế được vua sủng ái, lại được tể tướng Lí Đức Dụ hậu thuẫn, mỗi lời nói ra đều bài xích Phật giáo, cho Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, làm hại sinh linh, phải nên tận diệt. Năm 845, nhà vua hạ lệnh phế bỏ Phật giáo, cho phá hủy hơn 4.600 ngôi chùa và hơn 40.000 tăng xá vãng lai trong toàn quốc, bắt 260.500 tăng ni phải hoàn tục, tịch thu hàng ngàn vạn đám ruộng của các chùa, đốt kinh, hủy tượng, lấy hết các tượng đồng và chuông khánh đem nấu để đúc tiền, tượng bằng sắt thì đem nấu làm nông cụ, các tư gia có các tượng bằng vàng, bạc, v.v… đều phải đem nộp cho chính quyền. Qua năm sau, nhân uống kim đan của đạo sĩ, nhà vua bị trúng độc mà băng. 4) Vua Thế- tông (954-959) nhà Hậu-Chu (951-960), năm 955 bắt đầu thi hành chính sách tiêu diệt Phật giáo. Nhà vua hạ lệnh phá bỏ 30.336 tự viện, hủy hết tượng Phật, đem nấu tất cả các pháp khí bằng kim loại để đúc tiền. Lúc bấy giờ ở Trấn-châu có một tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng đồng, tiếng đồn rất linh ứng, dù có lệnh vua, không ai dám đến gần. Nhà vua nghe thế, liền tự mình đến nơi, lấy búa đập nát mặt và ngực của tượng, những người chứng kiến đều run sợ. Bốn năm sau, một hôm, đang trên đường Bắc chinh, trên ngực nhà vua bỗng nổi một mụn nhọt, rồi băng.