GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 32
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 3)
VII. CÁC LỜI NGUYỆN THỨ 18, 19 và 20 của ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Khi còn tu hạnh Bồ-tát, đức Phật A Di Đà đã từng phát 48 đại nguyện, trong đó, lời nguyện thứ 18 nói: “Giả sử tôi thành Phật, chúng sinh trong mười phương hết lòng tin tưởng, ưa thích, muốn sinh về cõi nước tôi, cho đến 10 niệm1, nếu không được sinh thì tôi không giữ ngôi Chánh-giác2.” Ý câu ấy nói rằng: Xưng danh hiệu Ngài, tuy chỉ 10 niệm cũng có thể được vãng sinh. Lời nguyện thứ 19 nói: “Giả sử tôi thành Phật, chúng sinh mười phương phát tâm bồ đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sinh về cõi nước tôi, trong giờ phút lâm chung, nếu tôi không cùng với đại chúng không hiện ra trước mặt, vây vòng chung quanh họ, tôi sẽ không giữ ngôi Chánh-giác.” Ý câu này nói: Hễ người nào phát nguyện muốn sinh về nước của Ngài, người ấy trong lúc lâm chung chắc chắn sẽ được Ngài đến tiếp dẫn vãng sinh. Lời nguyện thứ 20 nói: “Giả sử tôi thành Phật, chúng sinh mười phương nghe danh hiệu tôi, nghĩ nhớ đến cõi nước tôi, trồng nhiều cội đức(1), hết lòng hồi hướng3 muốn sinh về cõi nước tôi, nếu kết quả không toại nguyện thì tôi sẽ không giữ ngôi Chánh-giác.” Ý câu này nói: Người nào sau khi làm việc thiện, nếu đem công đức ấy hồi hướng cầu sinh về nước Cực-lạc, chắc chắn được vãng sinh. Mỗi lời nguyện trong 48 đại nguyện đều quan hệ trọng đại đến người niệm Phật, mà 3 lời nguyện nêu trên lại càng vô cùng khẩn yếu, chẳng những thế, chúng lại còn là những ân huệ chân thật của Ngài. Thế mới biết: phàm niệm danh hiệu Phật, hoặc phát nguyện vãng sinh, hoặc tu tạo công đức rồi đem hồi hướng, thì vạn người tu vạn người đều vãng sinh, chắc chắn không uổng công. Cho nên, pháp môn tu Tịnh Độ thật là vừa nhanh vừa chắc chắn. Tất cả các lời nguyện khác, xin xem trong kinh Vô Lượng Thọ sẽ biết rõ ràng.
VIII. BA THỨ TƯ LƯƠNG của NGƯỜI TU TỊNH ĐỘ
Người lữ hành đi xa phải chuẩn bị tư lương. “Tư” là vật tư, hoặc tư trợ.
“Lương” là lương thực. Pháp tu Tịnh Độ cốt yếu phải chuẩn bị đầy đủ ba món tư lương là tín, nguyện và hạnh. Phải có lòng tin thì sau đó mới phát nguyện, phát nguyện rồi thì mới bắt đầu thực hành; cho nên ba sự việc đó có mối quan hệ liên đới với nhau, – nhưng hơn hết là đức TIN, nó ở địa vị đứng đầu, trọng yếu nhất, có tin tưởng rồi mới có phát nguyện và hành trì. Tin thế nào? Hãy tin ở 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà; tin có nước Cực-lạc phương Tây; tin rằng niệm Phật chắc chắn được vãng sinh; tin rằng tự lực kiêm cả tha lực thì vạn điều tu vạn điều thành tựu; tin chắc trong lúc lâm chung đức Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn. Phải tin thật sâu sắc những điều trên, cho đến những điều nói về sự tích của thế giới Cực-lạc được ghi chép trong các kinh luận cũng vậy. Lòng tin càng vững chắc thì công hiệu càng lớn lao, nếu sinh tâm nghi ngờ thì tức là tự mình phá hủy pháp môn Tịnh Độ. Đã có lòng tin vững chắc thì tất nhiên muốn sinh về nước ấy, tất nhiên có ý nguyện niệm Phật, tất nhiên phát nguyện vãng sinh về nước kia, tất nhiên sẽ tu tạo các công đức để đem hồi hướng; những điều này đều thuộc về nguyện và hạnh, cho nên tín, nguyện, hạnh rất là nhất quán. Có tín thì tự nhiên có nguyện và hạnh.
IX. BA PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT
Tu pháp môn Tịnh Độ lấy việc niệm Phật làm cơ bản. Chư Phật mười phương nghĩ thương chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu mẹ nhớ con mà con không nhớ mẹ, thì mẹ con có gặp nhau không, điều đó không biết chắc được. Nhưng nếu hai bên đều nhớ nhau thì mẹ con đời đời kiếp kiếp được ở bên nhau. Cho nên chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện tại vị lai nhất định được thấy Phật4. Niệm có ba cách: 1) Xưng danh niệm Phật, tức là miệng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. 2) Quán tưởng niệm Phật, có hai cách: – quán tưởng tượng Phật đắp, tượng Phật vẽ, gọi là quán tượng niệm; – quán tưởng 32 tướng cùng các công đức của Phật, gọi là quán tướng niệm. 3) Thật tướng niệm Phật, tức là quán chiếu thấy rõ thật tướng các pháp; thật tướng đó tức là pháp thân Phật. Trong ba cách niệm Phật vừa thuật trên, cách quán tưởng thật là quá vi tế, nếu không có phương tiện thiện xảo thì không thể thành tựu, cho nên không phải ai ai cũng có khả năng hành trì. Thật tướng cực kì sâu xa huyền diệu, nếu không phải bậc lợi căn thượng trí thì không có biện pháp gì, cho nên cũng không phải mọi người đều hành trì được. Vì vậy, xưa nay ít có người cổ động cho hai cách trên, số người tu tập cũng ít; chỉ có cách xưng danh niệm Phật là dễ dàng hành trì nhất, lại thích hợp cho cả ba loại căn cơ, vạn người tu vạn người thành, cho nên được phổ cập hơn hết.
X. NĂM CHÁNH HẠNH, NĂM MÔN NIỆM và BỐN PHÉP TU
Ở trong pháp môn tu Tịnh Độ, có các pháp được gọi là năm chánh hạnh, năm môn niệm và bốn phép tu; xin được trình bày như sau:
– Năm chánh hạnh. Phàm tu gồm cả các pháp môn khác, gọi là “tạp hạnh”; nếu chỉ chuyên tu trì năm phép sau đây thì gọi là “chánh hạnh”: 1) Chuyên đọc tụng ba kinh Tịnh Độ, gọi là “chánh hạnh đọc tụng”; 2) Chuyên quán tưởng cảnh trang nghiêm của nước Cực-lạc, gọi là “chánh hạnh quán sát”; 3) Chuyên lễ bái đức Phật A Di Đà, gọi là “chánh hạnh lễ bái”; 4) Chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, gọi là “chánh hạnh xưng danh”; 5) Chuyên tán thán cúng dường Phật A Di Đà, gọi là “chánh hạnh tán thán cúng dường”.
– Năm môn niệm. Trong Vãng Sinh Luận(2) có lập năm môn niệm. 1) Thân nghiệp lễ bái đức Phật A Di Đà, thuộc “môn lễ bái”; 2) Khẩu nghiệp chấp trì danh hiệu, tán thán tướng tốt và công đức của Phật A Di Đà, thuộc “môn tán thán”; 3) Nhất tâm phát nguyện sinh về nước Cực-lạc, thuộc “môn tác nguyện”; 4) Quán sát chư vị Bồ-tát ở nước Cực-lạc cùng y chánh5 của Phật A Di Đà đầy đủ công đức trang nghiêm, thuộc “môn quán sát”; 5) Hồi hướng cho tất cả chúng sinh khổ đau đều được giải thoát rốt ráo, gọi là “môn hồi hướng”.
– Bốn phép tu. Bốn phép tu là: 1) Chí tâm cung kính lễ bái, ức niệm đức Phật A Di Đà cùng chư thánh chúng, không hề lười biếng, thối lui, gọi là “phép tu cung kính”, cũng gọi là “phép tu tôn trọng”; 2) Luôn luôn tu tập đầy đủ hai thứ tư lương phước đức và trí tuệ, không lúc nào thiếu sót, gọi là “phép tu vô dư”(3); 3) Luôn luôn dũng mãnh tinh tấn, không lúc nào gián đoạn, gọi là “phép tu vô gián”(4); 4) Bắt đầu từ lúc mới phát tâm, liên tục mãi cho đến hết cuộc đời, lấy đó làm thời kì tu tập, gọi là “phép tu trường thời”(5).
CHÚ THÍCH
1. Có hai cách giải thích: 1)Xưng niệm 10 lần câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, gọi là “mười niệm”. 2) Niệm hết 10 hơi thở miệng gọi là “mười niệm”, tức là, niệm Phật không cần đếm số câu, chỉ lấy một hơi thở miệng làm chừng mực. Miệng vừa niệm vừa hít hơi vô, rồi vừa niệm vừa thở hơi ra, gọi là một “hơi thở miệng”; niệm 10 hơi như thế gọi là “mười hơi thở miệng”.
2. Phật chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhiên hậu mới thành Phật, gọi tắt là “Chánhgiác”. Như vậy, không giữ ngôi Chánh-giác có nghĩa là không thành Phật.
3. Nguyện đem các công đức tu tạo được, cúng dường đức Phật A Di Đà, trang nghiêm nước Phật, khiến cho đến khi mạng chung thì được sinh về nước Cực-lạc, không nguyện sinh về bất cứ nơi nào trong ba cõi để hưởng thọ các phước báo hữu lậu, gọi là “hồi hướng”.
4. Ý nghĩa của đoạn văn này, xin xem đoạn văn “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” trong kinh Hoa Nghiêm.
5. Tâm và thân gọi là chánh báo; hoàn cảnh và khí vật để cho tâm và thân nương gửi, sinh sống, gọi là y báo; nói tắt là “y chánh”.
PHỤ CHÚ
1) Đức bản: nghĩa là cội gốc của công đức. Chữ “bản” nghĩa là nguyên nhân; những nghiệp nhân tạo nên quả công đức thù thắng, gọi là “đức bản”. Chữ “bản” cũng có nghĩa là căn bản; lấy công đức làm căn bản để tiến tu đạo nghiệp, gọi là “đức bản”.
2) Vãng Sinh Luận: là tác phẩm của Bồ-tát Thế Thân, ngài Bồ Đề Lưu Chi (?-?) dịch vào thời Bắc-Ngụy (386-534). Tên đầy đủ của sách này là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh Kệ; cũng được gọi bằng các tên khác là: Nguyện Sinh Kệ, Tịnh Độ Luận, Vãng Sinh Tịnh Độ Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận, Vô Lượng Thọ Ưu Ba Đề Xá, Vô Lượng Thọ Ưu Ba Đề Xá Kinh Luận; được thu vào Tạng Đại Chánh, tập 26. Đây là bộ luận duy nhất nói về cõi Tịnh-độ được soạn tại Ấn-độ, được tông Tịnh Độ Trung-quốc đặc biệt chú trọng, lấy làm chỗ y cứ căn bản để lập tông, cùng với ba kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ, gọi là “ba Kinh một Luận” của tông Tịnh Độ.
3) Phép tu vô dư: Theo cách giải thích của tác giả ở trong bài học về phép tu này, thì đó là cách tu nhân chung cho tất cả hành giả tu hành Phật đạo, để cầu thành Phật (như trong Câu Xá Luận có đề cập tới). Theo ý người dịch, cách giải thích ấy không áp dụng ở đây, mà phải dùng cách giải thích khác cho phù hợp với các hành giả chuyên tu Tịnh Độ. Trong sách Vãng Sinh Lễ Tán Kệ, đại sư Thiện Đạo (613681, vị tổ thứ ba của tông Tịnh Độ) đã đứng trên giáo nghĩa của pháp môn tu Tịnh Độ mà giải thích “phép tu vô dư” là: Chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chuyên niệm tưởng đến các thánh chúng, không xen lẫn phép tu nào khác.
4) Phép tu vô gián: Cũng như phép tu vô dư vừa trình bày trên, đại sư Thiện Đạo, trong sách Vãng Sinh Lễ Tán Kệ của ngài, đã giải thích “phép tu vô gián” là: Cung kính lễ bái, xưng danh tán thán, ức niệm quán sát, hồi hướng phát nguyện v.v…, niệm niệm tiếp nối, không để cho việc gì khác làm cho gián đoạn, không để cho các phiền não tham sân v.v… xen vào làm cho gián cách.
5) Phép tu trường thời: Cũng vậy, ngài Thiện Đạo đã nói về phép tu này rằng: Hành trì ba phép tu trên cho đến hết đời, thề không bỏ dở nửa chừng.
BÀI TẬP
1) Mười niệm tất sinh về nước Cực-lạc, đó là lời nguyện thứ mấy của đức Phật A Dia Đà? Hãy viết lại toàn văn lời nguyện ấy.
2) Ba món tư lương của người tu Tịnh Độ là gì?
3) Niệm Phật có ba cách, là những cách gì? Ngoài cách xưng danh niệm Phật, hai cách kia không phải ai ai cũng có khả năng hành trì, vì sao?
4) Thế nào là năm chánh hạnh?
5) Hãy viết ra danh mục của năm môn niệm.
6) Sao gọi là phép tu cung kính? Phép tu vô dư? Phép tu vô gián? Phép tu trường thời?
7) Hãy dùng cả hai cách giải thích để giải thích từ “mười niệm”.
8) Ý nghĩa của từ “hồi hướng” như thế nào?