GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 31
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 2)
V. DUYÊN KHỞI và KHÁI QUÁT về NƯỚC CỰC LẠC
Thuở quá khứ có đức Phật hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Bấy giờ có vị quốc vương nghe pháp, liền phát tâm1 từ bỏ vương vị mà làm tì kheo, tên là Pháp Tạng. Tì kheo Pháp Tạng xin Phật nói cho biết về các cõi tịnh độ cùng đức hạnh thù diệu trang nghiêm của chư Phật. Đức Phật đã vì ngài mà vừa nói vừa hiện bày ra đến hai trăm mười ức quốc độ của chư Phật để cho ngài được thấy. Ngài Pháp Tạng sau khi nghe thấy xong, đã lấy các cõi tịnh độ của chư Phật làm khuôn mẫu, dùng ý thức nhiếp thủ2 một thế giới thanh tịnh, trải qua năm đại kiếp mới được thành tựu. Được thành tựu rồi, ngài lại đến trước Phật, phát 48 đại nguyện độ sinh; sau mỗi một lời nguyện đều nói: “Nếu không thực hiện được thì thề không thành Phật”. Tì kheo Pháp Tạng thành Phật cho đến nay, hiện đã được 10 kiếp, danh hiệu là A Di Đà3, quốc độ tên là Cực-lạc, ở về phía Tây của chúng ta. Đó là duyên khởi của nước Cực-lạc, và cũng là đối tượng cầu vãng sinh của những người niệm Phật tu Tịnh Độ.
Nước Cực-lạc cũng có tên là An-dưỡng, nơi đó không có người nữ và ba đường dữ. Người đều sắc vàng, hóa sinh từ hoa sen, đủ 32 tướng4, có 6 thần thông5, đạo đức cao xa, trí tuệ sáng tỏ, sống lâu vô lượng kiếp, thẳng mãi cho đến khi thành Phật. Người ở đó, hễ nghĩ đến y phục thì liền được y phục, nghĩ đến ăn uống thì liền có cơm nước, không có mọi điều đau khổ, chỉ hưởng thọ các điều vui. Lại nữa, nước ấy bằng phẳng, đất làm bằng bảy báu6; các hàng cây, lan can, cung thất, lầu gác, đường sá, tràng phan, màn trướng, mạng lưới, ao hồ, v.v… đều do các loại châu báu làm thành. Nước ao có đủ tám công đức7, trong ao có hoa sen đủ màu, lớn như bánh xe, tỏa mùi thơm ngát, làm chỗ ngồi cho các hành giả. Nhân dân trong cõi ấy, sau khi xuống nước tắm rửa, lên ngồi trên hoa sen, có hoa trời dăng dăng rơi xuống, gió thổi nhẹ làm lay động các mạng lưới báu và các hàng cây báu, phát ra âm nhạc, tuyên nói giáo pháp vi diệu; người nghe tiếng ấy tâm liền mở sáng, ý hiểu rõ ràng, được đại tự tại.
Trong nước ấy, chỗ nào cũng có đài hoa, đức Phật A Di Đà ngồi trên đó, cùng với hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, vì các người tu hành mà tuyên nói giáo pháp vi diệu. Lại có các loài chim đủ màu kì diệu do Phật hóa hiện ra, hót lên những âm thanh hòa nhã, diễn nói Phật pháp, khiến cho người nghe sinh tâm kính niệm Tam Bảo.
Trên đây chẳng qua là tạm trích thuật vài điều khái quát từ trong 3 kinh(1), mà 3 kinh ấy cũng chẳng qua chỉ là một phần trong ức vạn; nếu nói cho thật rộng rãi thì mãn kiếp cũng không hết được!
VI. NGUYÊN NHÂN SINH LÊN 3 CẤP 9 BẬC
Hành giả muốn sinh về nước Cực-lạc, ngoài công phu niệm Phật ra, còn phải tùy duyên tu tập các nghiệp lành, hồi hướng cầu vãng sinh, để phụ giúp thêm cho việc niệm Phật. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói: “Muốn sinh về nước Cựclạc, cần phải tu tập ba loại phước đức: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tâm luôn từ bi, không có ý niệm giết hại, làm mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba sự quay về nương tựa, giữ gìn trọn vẹn giới luật, không phạm oai nghi. Ba là phát tâm bồ đề, tin sâu sắc luật nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến khích người khác tu hành. Ba việc trên đây gọi là tịnh nghiệp. Chính ba loại tịnh nghiệp này mới là những nghiệp nhân chính của chư Phật khắp ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.” Hành giả đối với các pháp như vừa nêu trên, nên tùy duyên tu tập, để cho cả sự là lí đều được phù hợp.
Trong kinh lại nói: Người sinh về nước Cực-lạc, tùy theo trí tuệ và công đức sâu cạn mà chia làm 3 cấp thượng, trung và hạ. Trong 3 cấp ấy, mỗi cấp lại chia làm 3 bậc; cộng cả thảy là 9 bậc (thường gọi là “9 phẩm”).
1) Bậc Thượng phẩm thượng sinh: người trong lúc sinh tiền phải phát tâm chí thành, tâm sâu8, tâm phát nguyện hồi hướng; lại phải có tâm từ bi không giết hại, đầy đủ giới hạnh, đọc tụng kinh điển đại thừa, tu tập 6 niệm9, hồi hướng nguyện sinh về nước ấy, sau khi mạng chung liền được vãng sinh.
2) Bậc Thượng phẩm trung sinh: không cần phải thọ trì đọc tụng kinh điển đại thừa, hiểu rõ nghĩa lí, mà chỉ cần tâm không kinh sợ đối với giáo pháp đệ nhất nghĩa10, tin sâu sắc luật nhân quả, không hủy báng đại thừa, đem công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sinh về nước kia, sau khi mạng chung liền được vãng sinh.
3) Bậc Thượng phẩm hạ sinh: cũng tin nhân quả, không hủy báng đại thừa, phát đạo tâm vô thượng, đem công đức này hồi hướng nguyện cầu sinh về nước kia, sau khi mạng chung liền được vãng sinh.
4) Bậc Trung phẩm thượng sinh: người thọ trì 5 giới, giữ 8 giới trai11, tu hành các giới, không tạo tội ngũ nghịch12, không gây các lầm lỗi, đem thiện căn này hồi hướng nguyện cầu sinh về nước kia, sau khi mạng chung liền được vãng sinh.
5) Bậc Trung phẩm trung sinh: một ngày một đêm trì 8 giới trai, hoặc một ngày một đêm trì giới sa di, hoặc một ngày một đêm trì giới cụ túc, oai nghi nghiêm chỉnh, đem công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sinh về nước kia, sau khi mạng chung liền được vãng sinh.
6) Bậc Trung phẩm hạ sinh: hiếu dưỡng cha mẹ, đối xử với đời bằng tâm nhân từ, trong lúc lâm chung, gặp được thiện tri thức nói cho nghe những điều an vui ở nước Cực-lạc, cùng 48 lời nguyện của tì kheo Pháp Tạng, nghe xong thì mạng chung, liền được vãng sinh.
7) Bậc Hạ phẩm thượng sinh: trong lúc sinh tiền tuy không hủy báng kinh điển đại thừa, nhưng tạo nhiều ác nghiệp mà không biết xấu hổ, đến giờ lâm chung, gặp được thiện tri thức nói cho nghe 12 bộ kinh đại thừa, tên kinh rõ ràng, nghe xong thì tội nặng ngàn kiếp liền được tiêu trừ; người trí lại dạy cho cách chắp tay, niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, vì xưng niệm danh hiệu Phật mà lại được tiêu trừ tội cấu trong năm mươi ức kiếp sinh tử; mạng chung liền được vãng sinh.
8) Bậc Hạ phẩm trung sinh: trong lúc sinh tiền hủy phạm 5 giới, 8 giới và cụ túc giới, ăn cắp vật dụng tăng kì13, ăn trộm vật dụng của hiện tiền tăng14, nói pháp bất tịnh15. Phạm những lỗi lầm như vậy mà không biết tàm quí, sau khi chết phải đoạ địa ngục; nhưng trong giờ phút lâm chung, lửa ngục đang bức bách bên mình, mà gặp được thiện tri thức tán thán về oai đức của 10 sức mạnh16 cùng sức thần ánh sáng của đức Phật A Di Đà, cũng tán thán cả giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến17. Người ấy nghe xong liền tiêu trừ tội nặng của tám mươi ức kiếp, lửa ngục biến thành gió mát thổi các hoa trời, trên hoa có đức hóa Phật đến tiếp dẫn, mạng chung liền được vãng sinh.
9) Bậc Hạ phẩm hạ sinh: trong lúc sinh tiền làm 10 nghiệp ác, phạm tội ngũ nghịch, tạo đủ các điều bất thiện, tội phải đọa địa ngục; nhưng đến giờ phút lâm chung, gặp được thiện tri thức nói pháp và dạy cho niệm Phật, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đủ 10 niệm, mỗi niệm tiêu trừ được tội chướng trong tám mươi ức kiếp sinh tử, mạng chung liền được vãng sinh.
Xin xem các kinh để biết tường tận về trạng huống vãng sinh liên quan đến 3 cấp 9 bậc vừa trình bày trên.
CHÚ THÍCH
1. Phát tâm nguyện cầu đạo bồ đề vô thượng, gọi tắt là “phát tâm”.
2. Thu nhiếp vật mà giữ lấy, gọi là “nhiếp thủ”; ở đây chỉ cho việc dùng ý thức suy nghĩ để sáng tạo.
3. Chữ “a” nghĩa là không, chữ “di-đà” nghĩa là lượng. Đức Phật này ánh sáng vô lượng, thọ mạng vô lượng, đức từ bi, vẻ tôn nghiêm, thần thông, tướng tốt v.v… đều vô lượng, cho nên hiệu là Vô Lượng; hoặc chỉ lấy một ý nghĩa “thọ mạng vô lượng” để xưng Ngài là Vô Lượng Thọ Phật.
4. Cũng gọi là 32 tướng của bậc đại nhân, gồm có: 1) bàn chân bằng phẳng, 2) bàn chân có ngàn chỉ hình căm bánh xe, 3) ngón tay thon dài, 4) tay chân mềm mại, 5) tay chân có màng, 6) gót chân tròn đầy, 7) mu bàn chân cao đẹp, 8) đùi như nai chúa, 9) tay dài quá gối, 10) mã âm ẩn kín, 11) thân thể cao rộng, 12) lỗ chân lông màu xanh, 13) lông trên thân thể đều hướng lên trên, 14) thân thể sắc vàng, 15) thân thường tỏa ánh sáng xa một trượng, 16) da bóng mịn, 17) bảy chỗ đều bằng phẳng đầy đặn, 18) hai nách đầy đặn, 19) thân như sư tử, 20) thân ngay thẳng, 21) vai tròn đầy, 22) miệng có 40 cái răng, 23) răng trắng, đều và kín, 24) bốn răng nanh trắng sạch, 25) má như sư tử, 26) nước miếng có hương vị thượng diệu, 27) lưỡi rộng dài, 28) phạm âm trong trẻo vang xa, 29) mắt màu thiên thanh, 30) lông mi đẹp như lông trâu chúa, 31) có sợi lông trắng giữa hai chân mày, 32) trên đỉnh đầu có nhục kế.
5. Các bậc thánh ở ba thừa đều chứng 6 thần thông, tức: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, và lậu tận thông.
6. Kinh Bát Nhã gọi vàng, bạc, lưu li, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não là bảy món báu; kinh Pháp Hoa thì gọi vàng, bạc, lưu li, xa cừ, mã não, chân châu, và trí côi là bảy món báu; kinh A Di Đà lại gọi vàng, bạc, lưu li, pha lê, xa cừ, xích châu, và mã não là bảy món báu.
7. Xin xem lại chú thích số 4, bài 38, sách Trung Cấp
8. Tâm cầu pháp thâm trọng, gọi là “thâm tâm”; lại nữa, tin tưởng sâu sắc bản nguyện của Phật, không chút nào hoài nghi, gọi là “thâm tâm”.
9. Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thiên, niệm thí xả, gọi là “sáu niệm”. Xin xem lại bài học số 2, sách Trung Cấp Giáo Bản.
10. Chân lí rốt ráo, ở hàng tối thượng, gọi là “đệ nhất nghĩa”.
11. Tức bát quan trai giới. Xin xem lại bài học số 10, sách Trung Cấp Giáo Bản.
12. Xin xem lại chú thích số 15, bài 7, sách Trung Cấp Giáo Bản.
13. Tăng kì dịch là chúng, tức đại chúng tì kheo, tì kheo ni. Các vật dụng chung của đại chúng gọi là “tăng kì vật”.
14. Thuộc trong một kết giới. Các vật dụng của chúng tăng hiện tại, tức các vật dụng cúng dường cho tăng chúng hiện tiền như áo, cơm v.v…, gọi là “hiện tiền tăng vật”.
15. Cũng gọi là tà mạng thuyết pháp, tức là, bất luận giảng diễn chánh pháp hay tà pháp, mà với tâm niệm bất chánh thì gọi là nói pháp bất tịnh. Ví dụ: 1) Giảng thuyết với mưu đồ riêng, nói lời hư vọng nhằm quyến rũ người ta tin tưởng mình; 2) Không nói Phật pháp mà chỉ nói chuyện thế sự; 3) Uống rượu, ăn năm vị hôi, hành dâm (hoặc chánh hoặc tà) xong liền mặc pháp y vào Phật đường thuyết pháp, làm ô uế Tam Bảo; 4) Phỉ báng người có đức hạnh để đề cao cá nhân mình; 5) Không tỏ ngộ pháp chân thật nhất thừa, khiến phải bị mắc lầy trong pháp phương tiện trước tướng; 6) Thuyết pháp với tâm tham cầu lợi dưỡng; 7) Thuyết pháp vì muốn tranh hơn với người khác; 8) Nói toàn những điều trái ngược với ý nghĩa kinh điển; tất cả những trường hợp như thế đều gọi là nói pháp bất tịnh.
16. Xin xem lại chú thích số 11, bài 14, sách Sơ Cấp Giáo Bản.
17. Xin xem lại chú thích số 31, bài 35, sách Trung Cấp Giáo Bản.
PHỤ CHÚ
(01) Ba kinh: tức là ba kinh làm nơi y cứ căn bản của tông Tịnh Độ, là Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
BÀI TẬP
1) Tì kheo Pháp Tạng sau khi thành Phật có danh hiệu là gì? Từ ngày thành Phật cho tới nay đã được bao nhiêu kiếp? Quốc độ tên gì? Ở phương nào đối với thế giới chúng ta?
2) Hãy nói khái quát về màu da, tướng mạo, trí năng, thọ mạng, cùng sinh hoạt của nhân dân ở nước Cực-lạc.
3) Hãy nói sơ lược về sự trang nghiêm của nước Cực-lạc và sự an vui của nhân dân nước ấy.
4) Ba phước và sáu thần thông là những gì?
5) Căn cứ vào đâu để phân ra ba cấp thượng, trung và hạ? Chín phẩm hoa sen tên gọi thế nào?