GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 30
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 1)

 

I. NGUYÊN DO CÓ TÊN TÔNG TỊNH ĐỘ

“Tịnh độ” là cõi thanh tịnh. Thế giới của chúng ta đầy khổ đau dơ bẩn, phiền não sâu nặng, gọi là “uế độ”. Quốc độ của chư Phật thì trang nghiêm an lạc, xa lìa mọi phiền não, gọi là “tịnh độ”. Ở nơi uế độ này, tu tập một loại pháp môn, trong tương lai có thể vãng sinh về tịnh độ nước Phật, gọi là tu pháp môn Tịnh Độ; tông môn đề xướng tu tập pháp môn này, được gọi là tông TỊNH ĐỘ. Lại nữa, tại vì nhân dân ở nước Phật đều hóa sinh từ hoa sen, không có cha mẹ, cho nên cũng gọi là Liên tông.

Nước Phật trong mười phương đều là tịnh độ(1). Nếu tu pháp môn Tịnh Độ thì bất cứ nước Phật nào cũng được vãng sinh về. Nhưng cách ngoài chúng ta mười vạn ức Phật độ1 về phương Tây, có nước Phật tên là Cực-lạc; đức Phật ấy hiệu là A Di Đà, khi chưa thành Phật, Ngài đã từng phát 48 lời nguyện(2), trong đó có lời nguyện rằng, hễ ai xưng niệm danh hiệu Ngài, thì Ngài sẽ tiếp dẫn vãng sinh. Đời sau, người tu trì pháp môn Tịnh Độ, nhân lời nguyện đó lớn lao, mà pháp môn trì danh2 lại dễ thực hành, vả lại, nước Cực-lạc rộng rãi trang nghiêm bậc nhất trong các Phật độ, cho nên nhiều người phát nguyện sinh về nước đó, và lấy việc xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà làm đại biểu cho pháp môn Tịnh Độ. Đó là nguyên do đã có từ lâu.

II. LÍ DO CHUYÊN TU MỘT PHẬT ĐỘ

Kinh luận mà tông này y cứ, gồm có ba Kinh một Luận. Ba kinh là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Kinh A Di Đà; một luận là Luận Vãng Sinh3. Ba kinh một luận này đều giới thiệu hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà cùng cảnh giới trang nghiêm của nước Cực-lạc, nhằm khuyến hóa khắp người tu hành nên phát tâm hướng về đó.

Ở trong các kinh, tuy đức Thích Tôn cũng từng nói tới các cõi tịnh độ ở các phương khác, nhưng riêng đối với thế giới Cực-lạc và đức Phật A Di Đà thì Ngài nói thật tường tận. Ý của Ngài hiển nhiên là muốn cho người đời sau đem hết ý chí tập trung vào chỉ một quốc độ, để tâm lực khỏi bị phân tán; vì nếu tâm lực bị phân tán, thì dù là một quốc độ cũng không thể thành tựu được. Trong Kinh Phật Thuyết Quán Đảnh, đức Phật nói, các cõi tịnh độ trong mười phương đều có thể vãng sinh, đức Bồ-tát Phổ Quảng bạch Phật: “Đã là các cõi tịnh độ trong mười phương đều có thể vãng sinh, vì cớ gì trong kinh lại đặc biệt tán thán quốc độ của đức Phật A Dia Đà nhiều nhất?” Phật dạy: “Phổ Quảng! Ông không hiểu ý Như Lai. Phần nhiều người ở thế giới Ta-bà tính tình tham lam dơ bẩn; người tin và hướng về nước Phật rất ít. Tâm  rối loạn thì không có Phật độ nào hết. Nay muốn cho chúng sinh thú hướng về một cõi, nên Như Lai tán thán riêng một Phật độ vậy.” Đó là duyên cớ chuyên nói một tịnh độ và chuyên tu một tịnh độ vậy. Hơn nữa, nước Cực-lạc rộng lớn như hư không, khiến cho khắp cả chúng sinh ở bất cứ một phương nào, dù sinh hết về đó cũng vẫn thấy rộng rãi, mà tất cả vật dụng cung cấp cũng không sợ bị thiếu thốn.

III. ĐỦ KHẮP BA CĂN, NHIẾP CẢ LỢI ĐỘN

Pháp Thiền chỉ nói cho người thượng căn, còn trung căn và hạ căn thì rõ ràng là không thể lĩnh hội được. Pháp môn Niệm Phật thì suốt cả thượng hạ đều thích hợp. Người lợi căn thượng trí, học rộng biết nhiều, đối với giáo lí trong Ba Tạng đều có thể đọc và hiểu rõ, nhưng cũng không thể vượt ngoài phạm vi của nó. Người tầm thường kém cỏi, ngoài vợ con cơm áo ra thì cái gì cũng chẳng hiểu biết, thế mà đối với pháp môn này cũng có thể thành tựu được. Thế mới biết, nguyện lực của đức Phật A Di Đà thật không thể nghĩ bàn. Nếu tự lực mà còn gồm thêm tha lực4, thì đó là phương pháp hữu hiệu bậc nhất. Ngày xưa đức Thích Tôn từng khuyên phụ vương Ngài thực hành pháp niệm Phật tam muội. Nhờ công đức đó mà nhà vua có được cảnh giới thâm diệu vô lượng, không thể nghĩ bàn, là vua trong tất cả pháp tam muội. Cho nên mới thấy, trong pháp Niệm Phật có bao hàm diệu lí sâu xa, người tầm thường không thể biết được. Người khai thị pháp môn niệm Phật tu Tịnh Độ tuy là đức Phật Thích Ca5, nhưng các đức Bồ-tát Đại Thế Chí6, Phổ Hiền7, Thiện Tài8, Long Thọ9, Mã Minh10, Thế Thân11 v.v… cũng đều là những người từng thực hành, dắt dẫn. Sau khi nền giáo lí ấy truyền sang Đông-độ, người tu hành tăng tục trải qua các đời, phát nguyện niệm Phật cầu sinh Tịnh-độ, nơi nào cũng có, đông đảo không có cách gì đếm biết được; cho nên tục ngữ có câu: “Nhà nhà Di Đà, cửa cửa Quán Âm.” Như thế đủ thấy, Niệm Phật thật là pháp môn khế cơ bậc nhất, đủ cả ba hạng căn tánh, thu nhiếp cả người lợi căn lẫn độn căn12. Người học không nên vì nó dễ thực hành mà đem tâm coi thường!

IV. CHƯ TỔ TÔNG TỊNH ĐỘ

Tông này chú trọng việc niệm Phật cầu vãng sinh về Phật độ thanh tịnh.

Phương pháp của nó bình dị ngay thẳng, giả sử không có sự truyền thừa, mọi người đều có thể thực hành được; cho nên đã không có điều gọi là trao truyền và thọ nhận, cũng không có cái gì gọi là hệ thống. Chỉ là người sau vì kính ngưỡng các bậc tiền hiền, bèn ở trong những vị cao tăng xưa, chọn ra những vị đức hạnh lừng danh, chuyên hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, được 13 vị, tôn làm 13 vị tổ của Liên tông, kể ra như sau: Sơ-tổ Tuệ Viễn13 ở Lô-sơn, đời Tấn; Nhị-tổ Thiện Đạo14 ở Trường-an, đời Đường; Tam-tổ Thừa Viễn15(3) ở Nam-nhạc, đời Đường; Tứ-tổ Pháp Chiếu16 ở Ngũ-đài, đời Đường; Ngũ-tổ Thiếu Khang17(4) ở Tân-định, đời Đường; Lục-tổ Diên Thọ18(5) ở Hàng-châu, đời Tống; Thất-tổ Tỉnh Thường19(6) ở Hàng-châu, đời Tống; Bát-tổ Châu Hoằng20(7) ở Hàng-châu, đời Minh; Cửu-tổ Trí Húc21(8) ở Linh-phong, đời Thanh; Thập-tổ Hành Sách22(9) ở Ngu-sơn, đời Thanh; Thập-nhất-tổ Thật Hiền23(10) ở Hàng-châu, đời Thanh; Thậpnhị-tổ Tế Tỉnh24(11) ở Hồng-loa, đời Thanh; Thập-tam-tổ Thánh Lượng25(12) ở Tôchâu, đời Dân-quốc. Đó chẳng qua là tạm nêu những vị vượt trội lên trên hết thảy để làm khuôn mẫu cho người học đời sau; kì thật ở trên núi hay trong rừng, ở trước cửa hay trong góc nhà, số người tu tập pháp môn Tịnh Độ một cách tinh tấn, nhiều không thể tính số được!

 

CHÚ THÍCH

1. Mỗi một ba ngàn đại thiên thế giới là cõi hóa độ của một đức Phật, gọi là một Phật độ. Xin xem lại bài học 29, sách Sơ Cấp Phật Học Giáo Bản.

2. Chấp trì danh hiệu, gọi tắt là trì danh, tức là tụng niệm danh hiệu Phật.

3. Bồ-tát Thế Thân trước tác Vãng Sinh Tịnh Độ Luận, cũng gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh Kệ, nội dung phần nhiều nói về cảnh giới trang nghiêm và đầy công đức của nước Cực-lạc.

4. Tu tập ba pháp học vô lậu giới định tuệ cho đến niệm Phật, quán tưởng v.v…, thuộc về tự lực. Nguyện lực gia bị của Phật A Di Đà thuộc về tha lực. Pháp môn Tịnh Độ gồm đủ cả tự lực và tha lực, lại là pháp môn dễ thực hành; không giống như pháp môn khác chỉ có tự lực, là pháp môn khó thực hành.

5. Đức Thích Tôn nói kinh A Dia Đà, khuyên chấp trì danh hiệu, thuộc về loại kinh “không hỏi mà tự nói”, cho nên nói đó là pháp môn do đức Thích Tôn khai thị.

6. Ở pháp hội Lăng Nghiêm, Bồ-tát Đại Thế Chí tự thuật rằng, ngài đã do tâm niệm Phật mà chứng nhập cảnh giới vô sinh nhẫn; nay ở thế giới này, ngài giúp những người niệm Phật được về cõi Tịnh-độ.

07 và 08. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Bồ-tát Phổ Hiền đã vì Thiện Tài đồng tử mà nói 10 hạnh nguyện lớn, khiến cho Thiện Tài và khắp cả hải chúng trong thế giới Hoa-tạng đều hồi hướng vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Ngài nói kệ rằng: Nguyện tôi ở giờ phút lâm chung, trừ sạch tất cả các chướng ngại, mắt thấy đức Phật A Di Đà, liền được vãng sinh nước Cực-lạc.

9. Bồ-tát Long Thọ, trong tác phẩm Thập Trụ Tì Bà Sa Luận, có nói pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ thuộc về con đường dễ đi; còn y theo kinh giáo mà đoạn trừ phiền não chứng nhập chân như, thuộc về con đường khó đi.

10. Bồ-tát Mã Minh trước tác Đại Thừa Khởi Tín Luận, ở phần cuối nói rằng, chuyên ý niệm Phật là phương tiện rất tốt; lại đặc biệt giới thiệu thế giới Cực-lạc để khuyên mọi người hồi hướng căn lành cầu vãng sinh về đó.

11. Bồ-tát Thế Thân viết Vãng Sinh Luận, nói nhiều về công đức trang nghiêm của nước Cực-lạc; ngay bài kệ mở đầu đã có câu “Nguyện sinh về nước An-lạc”.

12. Pháp môn Tịnh Độ, mọi người thuộc ba căn tánh thượng trung hạ, hay cả hai căn tánh lợi và độn, đều có thể tu tập thành tựu, cho nên nói là “đủ khắp ba căn, nhiếp cả lợi độn”.

13. Đời Đông-Tấn, đại sư Tuệ Viễn ở Lô-sơn là người đầu tiên đề xướng pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc; và cũng là người đã khai sáng Liên Xã.

14. Đời Đường, hòa thượng Thiện Đạo ở chùa Quang-minh, đã dốc lực tu trì pháp môn Tịnh Độ, sớ giải 3 quyển kinh thuộc về Tịnh Độ, chép hơn mười vạn quyển kinh A Di Đà. Ngài niệm một tiếng Phật liền có một luồng ánh sáng từ miệng bay ra. Trước tác của ngài có Quán Kinh Sớ, Vãng Sinh Lễ Tán, Pháp Sự Tán, Quán Nim Pháp Môn, Bát Chu Tán.

15. Đại sư Thừa Viễn có đức lớn, dốc chí tu Tịnh Độ, từng trú tại Hành-sơn, lập Bát đạo tràng để hoằng hóa, số người qui tụ về tu tập với ngài kể có hàng vạn. Ngài tịch năm 91 tuổi.

16. Đại sư Pháp Chiếu, năm thứ ba niên hiệu Đại-lịch đời Đường, dừng chân trú tại chùa Linh-phong ở Hành-châu, năm sau mở năm pháp hội Niệm Phật, qui định pháp thức; sau đó sang núi Ngũ-đài xây chùa Trúc-lâm, được vua Đường Đại-tông tôn làm quốc sư.

17. Đại sư Thiếu Khang quyết tâm chuyên tu Niệm Phật, từng mở đạo tràng Niệm Phật ở Mục-châu, ra chợ phát tiền cho những trẻ em nào chịu theo ngài niệm Phật. Năm 21 niên hiệu Trinh-nguyên ngài viên tịch.

18. Thiền sư Trí Giác, tên Diên Thọ, ở chùa Vĩnh-minh trên núi Tuệ-nhật thuộc địa phận Hàng-châu, vốn là vị thiền sư đời thứ ba của tông Pháp Nhãn thuộc Thiền tông, nhưng đối với pháp môn Niệm Phật của tông Tịnh Độ cũng tu trì rất tinh tấn, mỗi ngày niệm đến vài vạn Phật hiệu. Ngài soạn bốn điều yếu chỉ nhằm đề xướng chủ trương “Thiền Tịnh song tu”. Trước tác của ngài có các bộ Tông Cảnh Lục gồm 100 quyển, Vạn Thiện Đồng Qui Tập gồm 6 quyển. Năm thứ 8 niên hiệu Khai-bảo đời vua Tống Thái-tổ, ngài viên tịch, thế thọ 72 tuổi.

19. Trong khoảng niên hiệu Thuần-hóa đời Tống, ngài Tỉnh Thường trú tại chùa Nam-chiêu, lập Tịnh Hạnh Xã để hướng dẫn niệm Phật, số người theo về tu trì có 1.000 vị tì kheo và 120 cư sĩ. Năm thứ 4 niên hiệu Thiên-hi ngài thị tịch, thế thọ 62 tuổi.

20. Đời Minh, ngài Châu Hoằng trú tại chùa Vân-thê ở Hàng-châu, cho nên cũng gọi là Vân Thê đại sư, chủ trương dung hợp hai tông Thiền và Tịnh. Ngài lấy lí lẽ của Thiền để sớ giải kinh A Di Đà. Ngài cũng rất tinh nghiêm giới luật, từng trước tác Sa Di Yếu Lược, Cụ Giới Tiện Mông, Phạm Võng Kinh Sớ v.v… Năm 43 niên hiệu Vạn-lịch ngài viên tịch, thế thọ 81 tuổi, tăng lạp 50.

21. Ngài Trí Húc tự là Ngẫu Ích, tự hiệu là Bát Bất đạo nhân. Ngài ban đầu học Nho, viết mấy mươi thiên “Tịch Phật Luận” để bài xích Phật giáo. Năm 17 tuổi, nhân được đọc trước tác của đại sư Liên Trì, bèn đem mấy mươi thiên luận ấy đốt bỏ hết. Sau đó thì xuất gia, vào Kính-sơn tham thiền, thông hiểu cả hai môn tánh tướng, hành trì giới luật, tu Tịnh Độ, soạn Tịnh Độ Thập Yếu, Nguyện Văn, và Cầu Sinh Tịnh Độ Kệ. Ngài viên tịch năm 57 tuổi.

22. Đại sư Hành Sách hiệu là Triệt Lưu, sống vào đời vua Khang Hi, nhà Thanh. Ngài trú tại chùa Phổnhân ở núi Ngu-sơn, huyện Thường-thục, chuyên tu Tịnh Độ; trước tác có Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Khuyến Phát Chân Tín.

23. Ngài Thật Hiền húy là Tỉnh Am, tự là Tư Tề, nhân tham khán câu “Người niệm Phật là ai?” mà tỏ ngộ. Về sau ngài trú tại chùa Phạm-thiên-giảng, chuyên tu Tịnh Độ, trường kì niệm Phật, hàng ngày niệm Phật hiệu đến mười vạn biến. Ngài thị tịch năm 74 tuổi, có tác phẩm Tục Vãng Sinh Truyện lưu hành ở đời.

24. Ngài Tế Tỉnh tự là Triệt Ngộ, hiệu là Mộng Đông, sống vào đời vua Càn Long, nhà Thanh. Ban đầu ngài tu Thiền, sau tu Tịnh Độ, đạo phong truyền xa, tăng tục qui hướng tu học đông đúc. Ngài viên tịch năm thứ 15 niên hiệu Gia-khánh, thế thọ 70 tuổi.

25. Ngài Thánh Lượng tự là Ấn Quang, hiệu là Thường Tàm Quí Tăng, bác thông Kinh Tạng, dốc lực hành trì và xiển dương pháp môn Niệm Phật. Các vị đệ tử sưu tập các bài văn của ngài, in thành sách Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, lưu hành ở đời. Ngài sinh vào năm thứ 11 niên hiệu Hàm-phong nhà Thanh, viên tịch vào năm Dân-quốc 29, thế thọ 80 tuổi, tăng lạp 60 năm.

 

PHỤ CHÚ

(01) Tịnh độ: “Tịnh độ” là cõi nước trong sạch, là từ dùng để chỉ chung cho tất cả các Phật độ, hoặc các xứ sở không có khổ đau, không có phiền não, hoàn toàn an vui thanh tịnh. Thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà là một trong các cõi tịnh độ ấy, nhưng từ khi pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh Cực-lạc được thịnh hành ở Trung-quốc, trở thành một trong các tông phái lớn của Phật giáo Trung-quốc, thì từ này được quen dùng như một tên riêng, cõi Cực-lạc được gọi là cõi Tịnh-độ; pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh về Cực-lạc được gọi là pháp môn Tịnh Độ; và tông phái của giới chuyên tu pháp môn Niệm Phật ấy cũng được gọi là tông Tịnh Độ.

(02) 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà : tức là 48 lời thệ nguyện của đức Phật A Di Đà đã được phát ra từ khi Ngài còn tu tập hạnh Bồ-tát. Trong các kinh có nội dung liên quan đến các lời nguyện này, sự ghi chép không giống nhau, như Bình Đẳng Giác Kinh (Chi Lâu Ca Sấm dịch vào đời Hậu-Hán) và Đại A Di Đà Kinh (Chi Khiêm dịch vào đời Ngô), kê ra có 24 lời nguyện; các kinh Vô Lượng Thọ (Khương Tăng Khải dịch vào đời Tào-Ngụy), Bi Hoa (Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc-Lương), Đại Bảo Tích (Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch) v.v… kê ra có 48 lời nguyện; ngoài ra còn một vài kinh khác, hoặc nói có 36 nguyện, hoặc 46 nguyện, hoặc 49 nguyện; trong số đó, hai bản kinh Vô Lượng Thọ (Khương Tăng Khải dịch) và Đại Bảo Tích so ra nhất trí và hoàn chỉnh nhất. Nay xin theo kinh Đại Bảo Tích, lược kể 48 lời nguyện của tì kheo Pháp Tạng (tiền thân của đức Phật A Di Đà hồi còn tu hạnh Bồtát) như sau: 1) Quốc độ của Ngài tuyệt không có ba dường dữ (Địa-ngục, Ngạ-quỉ và Súc-sinh); 2) Chúng sinh (trời người) ở nước Ngài sau khi mạng chung sẽ vĩnh viễn không sinh về ba đường dữ; 3) Thân thể của tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài đều có sắc vàng; 4) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều bình đẳng, không có xấu đẹp khác nhau; 5) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có túc mạng thông, biết rõ nhân duyên quá khứ; 6) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thiên nhãn thông, thấy suốt vô lượng Phật độ trong mười phương không bị chướng ngại; 7) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thiên nhĩ thông, nghe được pháp âm của chư Phật khắp mười phương; 8) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có tha tâm thông, biết được tâm niệm của khắp cả chúng sinh; 9) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thần túc thông, trong một sát na có thể đi đến khắp các Phật độ trong mười phương; 10) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều không còn khởi niệm tham ái đối với thân thể; 11) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều thường xuyên sống trong chánh định, cho đến khi diệt độ; 12) Ánh sáng của Ngài sáng soi vô lượng, chiếu khắp mười phương Phật độ không bị chướng ngại; 13) Thọ mạng của ngài dài lâu vô lượng, làm lợi ích cho chúng sinh vô tận; 14) Chúng Thanh-văn ở trong nước Ngài nhiều vô lượng vô số; 15) Thọ mạng của chúng sinh trong nước Ngài, ngoại trừ nguyện lực riêng, đều dài lâu không có hạn lượng; 16) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều không nghe một lời bất thiện; 17) Nguyện chư Phật khắp mười phương đều xưng tán danh hiệu (A Di Đà) của Ngài; 18) Nguyện tất cả chúng sinh trong mười phương, nếu hết lòng tin tưởng, muốn vãng sinh về nước Ngài, chí thành niệm danh hiệu Ngài 10 niệm, đều được Ngài tiếp dẫn về; đây là lời nguyện trọng yếu nhất trong 48 lời nguyn ca Ngài; 19) Chúng sinh trong mười phương phát tâm bồ đề, tu các công đức, thành tâm phát nguyện vãng sinh về nước Ngài, đến phút lâm chung, Ngài cùng thánh chúng sẽ hiện ngay trước mặt để tiếp dẫn; 20) Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu của Ngài, nghĩ nhớ đến nước Ngài, chí thành đem mọi công đức hồi hướng muốn sinh về nước Ngài, chắc chắn sẽ được toại nguyện; 21) Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều đầy đủ 32 tướng tốt; 22) Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ khác, sau khi sinh về nước Ngài, ngoại trừ có bản nguyện giáo hóa riêng, tất cả đều đạt đến địa vị “nhất sinh bổ xứ”; 23) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều nương Phật lực, chỉ trong khoảng bữa ăn có thể đến cúng dường chư Phật ở các Phật độ trong khắp mười phương; 24) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài, trong khi cúng dường chư Phật, muốn có bao nhiêu vật phẩm để cúng dường cũng đều có đầy đủ như ý; 25) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có khả năng diễn nói nhất thiết trí; 26) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có thân cứng chắc như kim cương, mạnh mẽ như thần Na La Diên; 27) Tất cả chúng sinh và vạn vật trong nước Ngài đều nghiêm tịnh vi diệu, hình sắc đặc thù, dù người có thiên nhãn thông cũng không biết rõ ràng danh số; 28) Chư Bồ-tát cho đến những người chỉ có chút ít công đức ở trong nước Ngài đều có khả năng thấy biết sự cao rộng và sắc sáng vô lượng của cây đạo tràng; 29) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều thọ trì phúng tụng kinh pháp mà được trí tuệ biện tài; 30) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có trí tuệ biện tài vô hạn lượng; 31) Đất ở trong nước Ngài trong sạch như gương, có thể soi thấy các Phật độ ở mười phương; 32) Vạn vật ở trong nước Ngài đều do vô lượng châu báu và trăm ngàn thứ hương vi diệu làm thành, khiến cho người nghe mùi hương đều tu Phật hạnh; 33) Ánh sáng của Ngài chiếu soi khắp các thế giới trong mười phương, các chúng sinh chạm được ánh sáng ấy đều cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng. 34) Chúng sinh khắp thế giới mười phương nghe được danh hiệu Ngài đều chứng được vô sinh pháp nhẫn và các pháp môn tổng trì sâu xa; 35) Những người nữ trong mười phương thế giới, nghe được danh hiệu Ngài liền phát tâm bồ đề, thì sau khi mạng chung sẽ không trở lại thọ thân nữ nữa; 36) Chư Bồ-tát ở mười phương thế giới, nghe được danh hiệu Ngài, sau khi mạng chung sẽ luôn tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật; 37) Hàng trời người trong khắp mười phương thế giới, khi nghe danh hiệu Ngài liền vui mừng tin tưởng, kính lễ và tu tập hạnh Bồ-tát, thì sẽ được tất cả trời người đều kính trọng; 38) Tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài, muốn có y phục thì liền có như ý; 39) Tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài đều hưởng được niềm vui giống như các vị tì kheo đã hoàn toàn dứt trừ hết lậu hoặc; 40) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài, nếu muốn thấy vô lượng Phật độ nghiêm tịnh trong khắp mười phương, cứ nhìn vào cây báu thì liền thấy rõ ràng như thấy mặt mình trong gương; 41) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu Ngài thì được các căn đầy đủ, không bị khiếm khuyết, cho đến khi thành Phật; 42) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu Ngài liền được an trú nơi định thanh tịnh giải thoát, trong khoảng một niệm có thể cúng dường vô lượng chư Phật mà không bị mất chánh định; 43) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe danh hiệu Ngài, sau khi mạng chung sẽ được sinh vào gia đình tôn quí; 44) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu Ngài, liền hoan hỉ tu hạnh Bồ-tát, cội gốc công đức đầy đủ; 45) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu Ngài liền được an trú trong định phổ đẳng (thường thấy chư Phật đồng hiện tiền), cho đến khi thành Phật; 46) Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều tùy chí nguyện mà nghe pháp một cách tự tại; 47) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu Ngài liền tiến đến bậc bất thối chuyển; 48) Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu Ngài liền chứng được đệ nhất, đệ nhị và đệ tam pháp nhẫn, và các pháp bất thối chuyển. 

(03) Thừa Viễn (712-802): Ngài họ Tạ, quê huyện Quảng-hán, tỉnh Tứ-xuyên. Lúc đầu ngài cư trú trong một túp lều tranh ở Hành-sơn, gọi là đài Di-Đà, chuyên tu Niệm Phật, khi có đồ ăn thừa của người thì ngài ăn, không có thì ăn bùn, hình vóc khô gầy, lưng còng tiều tụy. Lâu dần đức độ vang xa, người ta qui tụ về theo tu học với ngài, đông đến hàng vạn. Quốc sư Pháp Chiếu (?-?) dưới triều vua Đường Đại-tông (762-779) chính là môn nhân của ngài. Vua Đại-tông cũng thường đến kính lễ ngài, từng ban danh hiệu cho đạo tràng của ngài là “Bát-chu đạo tràng”, và một tấm biển tên chùa là “Di Đà Tự”. Năm 802 ngài thị tịch, thế thọ 91 tuổi.

(04) Thiếu Khang (?-805): Ngài họ Châu, ở núi Tiên-đô, tỉnh Triết-giang, năm sinh năm tịch đều không rõ. Ngài xuất gia lúc mới lên 7 tuổi, 15 tuổi thọ đại giới tại chùa Gia-tường ở Việt-châu, học rộng kinh luận. Về sau ngài đến chùa Bạch-mã ở Lạc-dương, nhân đọc được bài văn “Tây Phương Hóa Đạo” của đại sư Thiện Đạo (613-681), bèn quyết tâm chuyên tu Niệm Phật. Ngài đem số tiền khất thực được, bảo các trẻ con, cứ niệm một câu A Di Đà Phật thì cho một tiền. Một năm sau, tất cả số con trai con gái ấy, hễ trông thấy ngài thì liền niệm A Di Đà Phật. Về sau ngài đến núi Ô-long ở Mục-châu mở đạo tràng Tịnh Độ, qui tụ đồ chúng chuyên niệm Phật. Cứ một câu niệm Phật, một đức Phật xuất ra từ miệng ngài, niệm 10 câu thì xuất ra 10 đức Phật; người đương thời gọi ngài là hậu thân của đại sư Thiện Đạo. Năm 805 ngài thị tịch.

(05) Diên Thọ: tức đại sư Vĩnh Minh (xin xem lại chú thích số 12, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

(06) Tỉnh Thường (959-1020): Ngài họ Nhan, tự là Tạo Vi, quê ở huyện Tiền-đường, tỉnh Triết-giang, 7 tuổi xuất gia, 17 tuổi thọ đại giới, giới hạnh nghiêm cẩn. Về sau ngài đến trú tại chùa Chiêu-khánh ở Tây-hồ, Hàng-châu. Vì ngưỡng mộ đạo phong của Bạch Liên Xã ở Lô-sơn ngày xưa, ngài đã lập Bạch Liên Xã ngay bên bờ Tây-hồ, chuyên tu tịnh nghiệp. Sau đó, ngài lại theo ý chỉ của phẩm “Tịnh Hạnh” trong kinh Hoa Nghiêm mà đổi tên Bạch Liên Xã thành Tịnh Hạnh Xã, số xã viên tăng tục hơn ngàn người, làm sống lại cái không khí tu niệm hưng thịnh của Bạch Liên Xã Lô-sơn ngày xưa. Năm 1020 ngài thị tịch, thế thọ 62 tuổi.

(07) Châu Hoằng: tức đại sư Liên Trì (xin xem lại phụ chú số 2, bài 10, sách GKPH I).

(08) Trí Húc: tức đại sư Ngẫu Ích (xin xem lại chú thích số 21, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

(09) Hành Sách: tức đại sư Triệt Lưu (xin xem lại chú thích số 22, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

(10) Thật Hiền: tức đại sư Tỉnh Am (xin xem lại chú thích số 23, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

(11) Tế Tỉnh: tức đại sư Mộng Đông (xin xem lại chú thích số 24, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

(12) Thánh Lượng: tức đại sư Ấn Quang (xin xem lại chú thích số 25, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I).

 

BÀI TẬP

1) Uế độ và tịnh độ khác nhau chỗ nào? Nhân dân ở nước Phật sinh ra bằng cách nào?

2) Tông Tịnh Độ y cứ vào ba Kinh và một Luận nào?

3) Tịnh độ trong mười phương đều có thể vãng sinh, vậy mà vì sao trong kinh chỉ riêng tán thán nhiều về quốc độ của đức Phật A Di Dà?

4) Cứ theo luận Thập Trụ Tì Bà Sa nói, thì pháp môn nào thuộc về con đường dễ đi? Pháp môn nào thuộc về con đường khó đi?

5) Vì sao biết được rằng: tự lực gồm cả tha lực là phương pháp hữu hiệu bậc nhất? Và, niệm Phật là pháp môn khế cơ bậc nhất?

6) 13 vị tổ sư của tông Tịnh Độ là những vị nào?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 28, 29 và 30

1. Kiến tánh(1) đương nhiên là điều rất tốt, nói vắn tắt như sau: 1) Lí lẽ thông suốt, xem kinh hiểu nghĩa, không chỗ nào bị ngăn lấp; 2) Tự biết mình là Phật, không chút lòng nghi, do đó, đối với quả vị giác ngộ cao tột, tâm không thối chuyển; 3) Chưa trải qua ba a tăng kì kiếp mà đã thể nhập pháp thân; 4) Tâm trí cao rộng, mười phương không chướng ngại; 5) Thuyết pháp lí luận biết nắm lấy chỗ căn bản, ý tứ xuất hiện không cùng; 6) Tâm địa rỗng suốt, linh quang sáng rỡ, không bị ô nhiễm bởi các ác nghiệp; 7) Tất cả vọng tưởng điên đảo từ vô thỉ đến nay đều bị quét sạch; 8) Người căn tánh nhậm lẹ liền chứng quả ngay, không đợi thời gian tu trì; 9) Vượt khỏi địa vị phàm phu, nhập vào dòng hiền thánh; 10) Một cách tự nhiên không qui ngưỡng quỉ thần, lại có khả năng hàng phục tà ma ngoại đạo; 11) Dù chưa chứng quả cũng vượt khỏi địa vị trời người và Nhị-thừa; 12) Được gọi là đắc đạo, có chánh kiến, thành bậc thiện tri thức; 13) Từ đây bất cứ tu tập pháp môn gì cũng tương ưng với thể tánh, hiệu quả so với trước hơn gấp mưới lần. Chỗ kì diệu của sự kiến tánh nói không cùng tận, trên đây chẳng qua nêu những đức quan trọng mà thôi.

2. Tác dụng của phép tham thoại đầu(2) không ở trong câu thoại đầu. Nếu ngộ nhận cho rằng, có diệu nghĩa ở trong câu thoại đầu, đó là một sai lầm vô cùng to lớn! Cái cốt yếu của phép tham thoại đầu là ở lúc con đường tư duy đã đến chỗ tận cùng, không đi thông suốt được nữa, vọng tâm chết hết, tác dụng phân biệt của thức hoàn toàn đình chỉ, hốt nhiên một niệm sáng tỏ, chiếu rọi đến cái chỗ xưa nay vắng lặng, không có người tham cũng không có câu thoại đầu; đó là lúc “đại sự” viên thành! Ở trong đó, nếu có một mảy may suy nghĩ, lường tính, tức thì đi vào con đường sai lầm; muôn vàn lần xin người học lưu ý! Nếu không thể tỏ ngộ được thì thôi, cứ chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ; chịu chậm vài mươi năm, đến khi diện kiến đức Phật A Di Đà cũng chắc chắn được khai ngộ, hà tất cứ phải nhất định ở lúc ấy!

3. Phá bản tham(3) chỉ cần ngộ là được, không phải dụng công; đó hoàn toàn là vấn đề tuệ. Phá hai cửa giữa và sau(3) thì phải tùy lúc dụng công; đó hoàn toàn là vấn đề định. Cho nên thông thường, phá bản tham chỉ phải đoạn kiến hoặc, đến lúc phá lao quan sau cùng mới phải đoạn tư hoặc, ra khỏi ba cõi, chấm dứt sinh tử. Nếu hỏi, sau khi phá bản tham thì phải dụng công như thế nào? Đến lúc ấy tự nhiên sẽ biết, bây giờ nói cũng vô ích.

4. Thiền và Tịnh Độ quan hệ rất mật thiết. Hành giả của hai tông này, nếu người công phu còn thô thiển thì sẽ thấy Thiền Tịnh không giống nhau, vì chỉ thấy một bên nói không, một bên nói có; người có công phu tinh diệu thì thấy Thiền Tịnh tương đồng, vì biết rõ rằng, cõi Thường-tịch-quang (một trong bốn cõi tịnh độ ở nước Cực-lạc) tức là cảnh giới tối cao của nhà Thiền, mà cảnh giới niết bàn diệu tâm trong Thiền môn cũng tức là cõi Tịnh-độ chân chánh. Không giống nhau là do cái thấy ở nửa đường, giống nhau là do cái thấy ở điểm cuối; trình độ đã khác nhau thì kiến giải phải khác nhau. Đến như người trong Thiền môn không chấp nhận niệm Phật là tại vì họ niệm niệm dính mắc vào cảnh. Chính họ đã phá hủy cái tâm vô trụ, chẳng khác nào mỗi niệm đều đào bới gốc rễ của pháp thiền. Vả lại, cái phong cách ấy mà lớn mạnh thì Thiền môn sẽ biến thành đạo tràng niệm Phật, mất đi cái “bản lai diện mục”. Xem kìa, ngài Vĩnh Minh đã đem thân phận thiền sư để đề xướng niệm Phật, khiến cho tông Pháp Nhãn bị tuyệt tự! Thế mới biết, đem Thiền để bài Tịnh là bất đắc dĩ, bởi vì, không bài bác thì tông phái của họ sẽ bị che lấp.

5. Niệm Phật mà có tư tưởng, có lời nói, đó là niệm ứng thân Phật. Niệm Phật mà không tư tưởng, không lời nói, đó là niệm pháp thân Phật. Phật ứng thân là Phật có hình tướng giả hợp, cho nên niệm Phật ứng thân là phương pháp dành cho phàm phu. Phật pháp thân là Phật vô tướng, chân thật, cho nên niệm Phật pháp thân mới là phương pháp của thánh hiền. Trong kinh nói: “Ngồi ngay ngắn niệm thật tướng.” Thật tướng ở đây tức là tự tánh của chúng sinh, là pháp thân Phật; cái tướng vô tướng gọi là “thật tướng”. Ngoài cái tướng vô tướng đó ra, tất cả tướng hữu tướng, dù có trang nghiêm đến thế nào, cũng đều là hư vọng, vì vẫn còn sinh diệt. Thế mới biết, dạy người niệm ứng thân Phật, chỉ là phương tiện; dạy người niệm pháp thân Phật mới là cứu cánh. Tuy nhiên, người học nếu không những được thật tướng niệm pháp thân Phật, mà còn theo phép cũ niệm ứng thân Phật, thì sự hữu ích trước mắt là được vãng sinh về nước Cực-lạc, rồi sao nữa sẽ nói sau.

6. Đứng trên ý nghĩa “ngược dòng sinh tử trở về niết bàn” mà nói, thì nghĩ tới vật là mê, nghĩ tới Phật là giác; nhưng nếu đứng trên “lí thể chân như” mà nói, hễ có “niệm” thì đều là mê, mà “vô niệm” mới là giác, tại vì tất cả niệm đều không phải là cái tâm vốn có xưa nay. Bởi vậy, nói “niệm Phật là giác” là đối với phàm phu mê mà nói. Nếu đứng ở chân như mà nói, thì niệm Phật cũng là “bất giác”; chẳng qua là mượn tâm niệm Phật để phá trừ cái tâm niệm vật, nhờ tâm trong sạch để xây dựng cõi nước trong sạch, rồi sau đó sẽ tiến thêm một bước, tu “vô tâm vô sinh” để về cảnh giới niết bàn Thường-tịch-quang. Đó cũng là biện pháp tốt của con đường liễu nghĩa rốt ráo vậy.

7. Thiền tông, sau khi đã minh tâm kiến tánh, gìn giữ được một niệm không sinh, đó tức là chân như tam muội; đối với niệm Phật tam muội của Tịnh Độ tông có điểm tương đồng. Nay xin tạm dùng phim ảnh để ví dụ. Cảnh giới chân như tam muội là ánh sáng trên khắp màn ảnh mà không có một vật gì trên đó. Cảnh giới niệm Phật tam muội là ánh sáng trên khắp màn ảnh mà trên đó có hiện một đức Phật. Đó là chỗ khác nhau của hai cảnh giới. Trong tương lai phải buông bỏ cái niệm ấy đi, cho đến một đức Phật cũng không có, đó mới là lúc hư không vỡ nát, đại địa chìm lắng. Nhưng đó là vấn đề sau khi đã vãng sinh, lúc đó hãy còn xa, bây giờ không cần thiết phải nghiên cứu sâu rộng, tại vì càng nghiên cứu thì càng hỏng việc; chi bằng buông bỏ hết vạn niệm, chỉ nhất mực chân thành niệm Phật.

8. Sau khi đọc xong bài văn “Thiền Tông Tam Khóa”, pháp thiền của tổ Đạt Ma cũng hiểu rõ, ngữ lục của chư tổ cũng hiểu rõ, ở bên trong cái gì cũng trình bày rõ ràng, chẳng giấu giếm điều gì, từ ngàn năm nay, mặc tình mọi người tham cứu tu tập. Chúng ta có thể đem điều sau đây để làm bằng chứng: Phàm là phương pháp và kiến giải của tu thiền, những cái gì tương đồng với bài văn trên, đều là thiền tông môn. Nếu người nào đó nói dối rằng, mình được chân truyền từ đức Lục-tổ, lại bảo rằng thiền pháp của ngài có điều bí mật không thể tự tiện nói ra, cần phải phát lời thề nặng mới trao truyền cho; đó là loại thiền chợ đen của ngoại đạo, đối với Thiền tông chẳng có liên quan gì, rõ ràng quá đấy chứ! Nếu y như thế mà ù ù cạc cạc đi theo ngoại đạo, không tỉnh ngộ, thì đó là tự mình sai lầm, đâu phải đức Lục-tổ đã làm cho mình sai lầm!

9. Thiền pháp của ngoại đạo, theo lời họ nói, tu tập thì có thể sinh lên trời. Giả sử đúng như vậy, chân thật không dối, thì điểm thứ nhất: Thiền pháp trên các cõi trời không ra ngoài bốn thiền tám định. Những loại thiền định đó đều có tính thời gian của chúng, thời hạn đến thì mất, cho nên không rốt ráo. Điểm thứ hai: Dù có sinh lên trời thì vẫn chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi, huống gì chưa chắc chắn đã được sinh! Cho nên các hành giả đạo Phật không tu theo các thứ định ngoại đạo. Ngày xưa đức Thích Tôn đã từng tu tập theo ngoại đạo, nhưng sau đó thì bỏ hết mà đi; đó là tấm gương cho người sau chiêm nghiệm. Đến như cái gọi là “Vô Sinh Lão Mẫu”(4) hay “Vô Cực Thiên Tôn”(5), trong kinh Phật không hề nói tới, cho nên không nên tin.

10. Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Không tư tưởng, không ngôn ngữ, mới gọi là niệm Phật.” Đó là thiền môn dùng tâm, chứ không dùng miệng để niệm; niệm pháp thân Phật vô tướng, chứ không phải niệm ứng thân Phật hữu tướng; niệm tất cả chư Phật chứ không niệm riêng một đức Phật nào; niệm Phật tự tánh chứ không phải niệm Phật ở bên ngoài; cho nên không giống với phương pháp niệm Phật ra tiếng của tông Tịnh Độ. Nếu hỏi người niệm Phật thành tựu theo phương pháp này sẽ sinh về đâu, thì theo lí mà nói, người ấy sẽ sinh về trong tự tánh, nghĩa là, sinh tức là không sinh; còn theo sự mà nói, sẽ không đến cảnh giới Thường-tịch-quang, mà vẫn có hình tướng, tùy theo nhân duyên mà gửi thọ mạng ở các cõi tịnh độ trong mười phương, không nhất định phải là nước Cực-lạc.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Kiến tánh: thấy rõ suốt Phật tánh của tự tâm. Tư tưởng cơ bản của Thiền tông là “kiến tánh thành Phật”, đề xướng phương pháp tu tập, dù muốn thành Phật, thành Tổ, hay cầu sinh Tịnh-độ, phải không chấp trước hình tướng, không cầu bên ngoài, mà chỉ dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu, phá trừ đám mây mờ phiền não sinh tử, thấy rõ chân tánh nơi tự tâm, tỏ lộ bản lai diện mục, chứng ngộ bản nguyên của thể tánh giác ngộ sáng rỡ tròn đầy nơi tự thân, là đạt được mục đích. Tự tánh xưa nay không hình tướng, không gốc rễ, không nơi chốn, chứng ngộ được lí lẽ này tức là tri kiến chân chánh; lúc bấy giờ mình và Phật tương đồng, cho nên gọi là “kiến tánh thành Phật”. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có ghi lời dạy của đức Lục-tổ Tuệ Năng rằng: “Bản tánh của quí vị giống như hư không, không có vật gì có thể thấy, gọi là chánh kiến; không có vật gì có thể biết, gọi là chân như. Không có xanh vàng dài ngắn, chỉ thấy bản nguyên thanh tịnh, giác thể viên minh, đó gọi là kiến tánh thành Phật.”

(02) Tham thoại đầu: Chữ “tham” hay chữ “khán” là một thuật ngữ Thiền học, có nghĩa là chỉ nhìn đối tượng một cách chăm chú mà không phát ra tiếng nói. Đối tượng nổi hiện thường trực trên ý thức, và hành giả dùng trí tuệ để chiếu soi nó, cho tới khi thấy được chân tướng của nó tức là được khai ngộ. “Thoại đầu” cũng là một thuật ngữ Thiền học, chỉ cho một câu nói được dùng làm đề tài tham cứu cho hành giả trong lúc thực tập thiền quán. Những lời dạy của Phật trong kinh điển, những lời huấn thị của các vị tổ sư ngộ đạo, những lời đối đáp giữa các vị thiền sư, đều là những pháp tắc, mô phạm mà các hành giả trong thiền môn phải lấy đó để chiêm nghiệm, tu tập, nhờ đó mà được khai ngộ. “Khán thoại đầu” (hay tham thoại đầu) tức là dùng trí tuệ để chiêm nghiệm, quán chiếu một lời dạy của Phật, một câu nói của bậc tổ sư ngộ đạo, cho đến khi toàn vẹn yếu nghĩa của nó bùng vỡ, đó là lúc hành giả được khai ngộ.

(03) Phá bản tham: là cái cửa ải đầu tiên mà các thiền giả phải vượt qua. Theo Thiền tông, có ba loại cảnh giới tham thiền từ thấp lên cao, mà hành giả Thiền môn phải thấu suốt, thuật ngữ Thiền học gọi là “tam quan” (ba của ải). 1) Cửa ải đầu tiên, hành giả phải diệt trừ hết mọi phàm tình, thấy rõ các pháp là hư vọng không chân thật, tỏ ngộ được tâm tính bản nguyên của mình (tức là bản lai diện mục). Đạt được cảnh giới này, gọi là “phá sơ quan”(tức vượt được cửa ải đầu tiên), hoặc cũng gọi là “phá bản tham” (tức vượt được cảnh giới tham thiền căn bản), và đó cũng tức là giai đoạn “kiến tánh”. 2) Cửa ải kế tiếp, sau khi đã kiến tánh, tiếp tục dụng công tu trì, không những không bị cái “hữu” làm cho chướng ngại, mà cả cái “ không” cũng không bị vướng mắc. Đạt được cảnh giới này, gọi là “thấu trùng quan” (đã vượt suốt hai lớp cửa). 3) Cửa ải sau cùng, hành giả tiếp tục dụng công mài luyện, cho đến khi đạt được cảnh giới tịch chiếu (vắng lặng và sáng soi) không hai, không có vô ngại, ngũ dục lục trần đầy dẫy trước mắt mà không nhiễm ô, cứ sử dụng tự tại mà không mất bản tánh thanh tịnh; đó là giai đoạn “mạt hậu lao quan” (cửa ải khó khăn sau cùng), cùng với chư Phật không khác.

(04) Vô Sinh lão mẫu: là vị nữ thần tối cao vô thượng trong tín ngưỡng dân gian Trung-quốc ở khoảng hai triều đại Minh, Thanh. Theo tín ngưỡng đó, vị nữ thần này được coi là đấng sáng thế, mà cũng là đấng cứu thế có quyền uy vô thượng. Trong triều đại nhà Thanh, tín ngưỡng này được kết hợp trở thành tinh thần chủ lực cho các phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Thanh, như các tổ chức Thanh-thủy giáo ở Sơn-đông đời vua Càn Long, Thiên-lí giáo ở Lâm-thanh đời vua Gia Khánh, Thanh-liên giáo ở Tứ-xuyên đời vua Đạo Quang, v.v…

(05) Vô Cực thiên tôn: Đạo Lão cho rằng, Vô Cực chính là nguyên lí sinh thành của vũ trụ. Tín đồ Lão giáo đã tôn thờ vị tiên tối cao của họ gọi là Vô Cực thiên tôn.