GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 30
KIẾP và SỰ THÀNH HOẠI của THẾ GIỚI

“Kiếp” là tiếng nói tắt của Phạn ngữ “kiếp- bả”; dịch là “thời phần” hay “đại thời”, nghĩa là một khoảng thời gian rất dài, không thể nào dùng số ngày, tháng, năm thông thường mà đếm được. Kiếp có đại, trung và tiểu khác nhau. Các kiếp đại, trung hay tiểu này đều y nơi mạng sống tăng và giảm của con người mà tính toán. Theo như luận Đại Trí Độ1 nói, thọ mạng của con người từ mười tuổi, cứ mỗi một trăm năm tăng một tuổi, tăng cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì ngưng; rồi lại cứ một trăm năm giảm một tuổi, giảm cho đến còn mười tuổi thì ngưng; một lần tăng và một lần giảm như vậy là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Trải qua bốn trung kiếp Thành, Trụ, Hoại và Không là một đại kiếp. Đó là thời gian của một thế giới từ lúc hình thành cho đến lúc hủy diệt.

Mỗi một đại kiếp đều gồm bốn trung kiếp Thành, Trụ, Hoại và Không – hoặc tám mươi tiểu kiếp. Sau một thời gian trống không là hai mươi tiểu kiếp từ một thế giới trước, do nghiệp lực của chúng sinh tác động thúc đẩy, một thế giới sau lại sẽ thành lập. Ban đầu là mây đen giăng trải khắp không trung, một cột mưa có vầng to trông giống như trục xe, trải ngàn vạn năm, nước đầy cả không trung, dần dần dâng cao đến cõi trời Đại-phạm2. Sau đó thì mưa ngưng, nước giựt, rồi có gió lớn thổi bọt nước, biến thành cung điện bảy báu của trời Phạm-thiên3. Sau đó nước lại rút thêm nữa, lại có gió lớn thổi bọt nước, biến thành sáu cõi trời Dục giới; đến như núi Tu-di, bảy núi vàng, núi Thiết-vi, bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, đều do bọt nước ấy mà thành. Trải qua hai mươi tiểu kiếp như vậy, đó là trung kiếp Thành.

Thế giới đã thành, chúng sinh an trụ, có động vật và thực vật, có biên giới quốc gia, có lịch sử. Trải qua hai mươi tiểu kiếp như vậy, đó là trung kiếp Trụ. Sau đó thì thế giới bắt đầu hủy hoại. Các loài hữu tình bị hủy hoại trong suốt mười chín tiểu kiếp đầu; các loài vô tình bị hủy hoại trong tiểu kiếp chót. Lúc bấy giờ có bảy mặt trời cùng xuất hiện trên không trung, sinh ra hỏa tai lớn, từ cõi Phạm-thiên trở xuống đều thành tro bụi; đó là trung kiếp Hoại. Sau khi đã hoại diệt hết rồi, khởi từ cõi trời Sơ-thiền đều trở thành hư không. Trải qua hai mươi tiểu kiếp như vậy, đó là trung kiếp Không.

Thế giới trải qua Thành, Trụ, Hoại, Không, giáp vòng rồi bắt đầu trở lại. Thế giới bị hủy hoại, bảy kiếp đầu là hỏa tai thiêu hủy cho đến cõi trời Sơ-thiền; kiếp thứ tám thì nước dâng ngập cho đến cõi trời Nhị-thiền. Đó là bảy lần lửa, một lần nước. Thẳng đến kiếp thứ sáu mươi bốn (tám lần tám), bèn đổi thủy tai thành phong tai, hủy hoại đến cõi trời Tam-thiền. Cho nên ở trong sáu mươi bốn đại kiếp, những thứ làm hủy hoại thế giới, hỏa tai được

kể có năm mươi sáu lần, thủy tai có bảy lần, phong tai có một lần; tuần hoàn vô tận, đều là do hoặc nghiệp của chúng sinh chiêu cảm. Nếu vọng tâm không khởi thì căn thân(1) không sinh, và khí giới(2) cũng không xuất hiện vậy.

Một tiểu kiếp = (84000 – 10) x 100 x 2 = 16.798.000 năm.

Một trung kiếp = 20 tiểu kiếp = 16798000 x 20 = 960.000 năm.

Một đại kiếp = 4 trung kiếp = 335960000 x 4 = 343.840.000 năm.

 

CHÚ THÍCH

1. Tức là bộ luận Đại Trí Độ, gồm 100 quyển, do Bồ-tát Long Thọ soạn (để giải thích kinh Đại Phẩm Bát Nhã), đại sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán ngữ vào thời Diêu-Tần.

2. Chỉ cho tầng trời thứ ba của cõi Sơ-thiền.

3. Chỉ cho ba tầng trời Sơ-thiền của cõi Sắc. “Phạm” nghĩa là sạch. Ba tầng trời này đã dứt hết sự ái dục của cõi Dục, thanh tịnh tịch tĩnh, cho nên gọi là “Phạm-thiên”. Theo thứ tự từ dưới lên trên là trời Phạm-chúng, trời Phạm-phụ, trời Đại-phạm.

 

PHỤ CHÚ

1. Căn thân: tức là “chánh báo” (một trong hai quả báo), chỉ cho chính tự thân của chúng sinh. (Xin xem thêm phụ chú số 1, bài 25.)

2. Khí giới: hay “khí thế giới”, tức là “y báo”, chỉ cho môi trường, hoàn cảnh v.v…, trong đó chúng sinh sinh sống. (Xin xem thêm phụ chú số 1, bài 25.)

 

BÀI TẬP

1) Tính thế nào để có số năm của một tiểu kiếp?

Từ khi thọ mạng của con người chỉ có mười tuổi, cứ mỗi một trăm năm tăng lên một tuổi, tăng cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì dừng; từ đó, cứ mỗi một trăm năm lại giảm đi một tuổi, giảm cho đến chỉ còn mười tuổi thì dừng; cứ một lần tăng và một lần giảm như vậy là một tiểu kiếp.

2) Mỗi một trong bốn trung kiếp có tên là gì?

Bốn trung kiếp có tên là Thành, Trụ, Hoại và Không.

3) Một đại kiếp bằng bao nhiêu trung kiếp? Một trung kiếp bằng bao nhiêu tiểu kiếp?

Một đại kiếp có bốn trung kiếp (Thành, Trụ, Hoại, Không). Một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp.

4) Hỏa tai đốt đến đâu thì ngưng? Thủy tai ngập đến đâu thì ngưng? Phong tai hủy hoại đến đâu thì ngưng?

Khi thế giới đến thời kì hủy hoại thì có ba tai nạn lớn hiện ra: hỏa tai sẽ thiêu đốt cho đến cõi trời Sơ-thiền; thủy tai sẽ dâng ngập đến cõi trời Nhị-thiền; phong tai sẽ hủy hoại đến cõi trời Tam-thiền.

5) Hãy dùng phương thức số học viết ra bài toán cùng số năm của tiểu kiếp.

Một tiểu kiếp bằng: (84000 – 10) x 100 x 2 = 16.798.000 năm.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 28, 29 và 30

1. Uống rượu, nếu không uống cho đến say, chắc chắn không phải là điều đáng quan ngại lắm; bởi vì, tính chất của rượu vốn không nghiêm trọng như giết hại, trộm cắp, dâm dục và nói dối. Cho nên, giới rượu mới được liệt vào “già giới”(1), mà không phải là “tánh giới”(2). Có điều, khi uống đến lúc sắp say, người ta có chắc chắn tự kềm chế được hay không, điều đó e rằng không ai dám tự tin; lỡ ra bị say rồi, những hành động tội lỗi có xảy ra hay không, cũng không ai dám quyết chắc. Bởi vì, đến lúc đó, lí trí không còn ức chế được tình cảm, cho nên đức Phật mới ngăn cấm, không cho uống; có ý nói rằng: So sánh giữa uống rượu và không uống rượu, thì không uống rượu vẫn an toàn hơn. Ví như, khi trẻ con chơi lửa, không nhất định là sẽ gây ra hỏa hoạn, nhưng tất cả các bậc làm cha mẹ ở trên đời, từ xưa tới nay, hễ thấy trẻ con chơi lửa, đều ngăn cấm. Dụng ý ấy cũng giống như sự ngăn cấm uống rượu. Nếu nhìn sâu hơn, có thể nói: Uống rượu tuy không nghiêm trọng bằng sát sinh, trộm cắp, dâm dục và nói dối, nhưng tình trạng say sưa có thể đưa đến các hành động sát sinh, trộm cắp, dâm dục và nói dối. Nó giúp cho các hành động ấy sinh khởi và phát triển. Nó làm cho người ta mờ lí trí mà lớn gan dạ. Như vậy thì đâu có thể không ngăn cấm! Luật Tứ Phần ghi rằng, uống rượu có mười lỗi nặng và ba mươi sáu lỗi nhẹ; luận Trí Độ thì liệt kê có ba mươi lăm lỗi, trong đó có các lỗi như nhan sắc bệ rạc, không có oai nghi, mất danh dự, mất trí tuệ, đọa vào ác đạo, bị bệnh hoạn, hao của cải, không hổ thẹn, không cung kính, kết bạn với kẻ xấu, xa cách người hiền lương, buông lung, té xe, rơi xuống nước, v.v… Xem thế thì cái hại của rượu cũng lớn lắm đấy chứ! Xưa có một vị cư sĩ nam, sau khi phá giới rượu, cả bốn giới kia cũng phá luôn(3). Cho nên, nói “không đáng quan ngại lắm” là vẫn chưa thấy rõ sự tai hại của rượu.

2. Rồng nhất định là có. Trong kinh Khởi Thế, đức Thích Tôn có nói nhiều sự việc liên quan đến rồng. Ngài cũng đã từng nói kinh Thập Thiện Nghiệp tại long cung Ta-kiệt-la cho long vương nghe. Theo kinh Pháp Hoa, đức Bồ-tát Văn Thù cũng đã từng đến long cung, thuyết pháp độ cho long nữ thành Phật. Trong các vị thần hộ trì Phật pháp, rồng là một trong tám bộ chúng. Những dữ kiện đó đều có thể chứng minh có rồng. Nhà Nho cũng thừa nhận có rồng. Kinh Dịch nói: “Rồng bay trên trời”, “Rồng ẩn chớ dùng”(4). Sách Trung Dung nói: “…… các loài như dải (ba-ba lớn), cá sấu, giao-long, cá, ba-ba, đều sinh trưởng ở trong đó.”(5) Khổng Tử gọi Lão Tử(6) là Do Long(7). Trong lịch sử, những ghi chép liên quan tới rồng cũng nhiều, như Hoàng Đế tại Đảnh-hồ(8), cưỡi rồng lên tiên, có hơn bảy mươi người cùng đi theo; như vua nhà Hạ cất nước miếng rồng trong chiếc hộp, đến nhà Châu, một cung nữ trông thấy mà mang thai, sinh ra Bao Tự(9); như Diệp Công thích rồng(10), cảm được thiên long vào phòng, nhưng lại sợ hãi muốn bỏ chạy; như bà lão, giữa ban ngày, gặp rồng nơi đồng ruộng, bèn sinh vua Cao-tổ nhà Hán là Lưu Bang(11); v.v… Các nhà khảo cổ cận đại, đã từng đào được xương rồng hóa đá, càng chứng minh rằng, thời thượng cổ xác thật là có rồng; chỉ có điều họ cho rằng, đó là một loại động vật bò sát khổng lồ, hoàn toàn không có gì là thần quái. Nhưng trong kinh Phật thì không phải vậy. Kinh điển thường nói có năm việc không thể nghĩ bàn(12), trong đó, thần lực của rồng là một. Rồng có thể biến hóa ra thân người, cung điện; có thể thỉnh Phật thuyết pháp; v.v…, là những việc mà các loài động vật bò sát không thể làm. Trong vũ trụ bao la, cái gì mà không thể có! Trong tám bộ chúng như A-tu-la, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, v.v…, chúng ta không có thần thông, đều không thể trông thấy, nào phải chỉ có rồng ư! Tự thân đã không có sức thần, chỉ việc lấy lời của thánh nhân làm tiêu chuẩn và tin tưởng theo, mới là phải. Trong tương lai, đến lúc tu tập thành công, đạt được các sức thần thông như thiên nhãn thông, thần túc thông v.v…, đối với những vấn đề tương tự như vầy, thật không có gì là khó hiểu.

3. Trong khoảng không gian rộng lớn, quả địa cầu của chúng ta chỉ như một hạt bụi nhỏ. Với cái thân phàm phu (nằm bó rọ trong hạt bụi nhỏ) này, mà muốn chứng thật cả muôn hình vạn trạng của đại thiên thế giới, thì quả là không thể được. Nhưng người xưa thì không phải vậy. Ví dụ như, khi đức Thích Tôn thuyết pháp tại cung trời Đao-lợi, tôn giả Mục Kiền Liên đã từng mang một số thợ lên đó để quan sát đức Phật, rồi quay trở về đắp tượng Ngài; và phải đi đi về về mấy bận như thế, tượng đức Phật mới hoàn thành. Như vậy, đối với núi Tu-di, trời Đao-lợi, thật quả có thể như nhà lữ hành, tự mình trải xem cảnh trí, đi về tự tại. Trong kinh Phật thường nói đến đại thiên thế giới, tôi tin rằng, điều đó hoàn toàn không phải là lời nói năng tùy tiện, càng không phải là sự bịa đặt, ảo tưởng; bởi vì, trong số thính chúng đương thời, phần nhiều là các vị Bồ-tát lớn trong mười phương và các vị Ala-hán, có đầy đủ sáu phép thần thông, có thể chính mình trông thấy, chính mình đến nơi, nếu không có mà nói có, nhất định không lừa dối được quí vị ấy; huống chi, đức Phật đã có được tướng lưỡi rộng dài thì không bao giờ nói dối.

4. Núi Tu-di tức là núi Hi-mã-lạp? Thuyết này không thể tin cậy được; bởi vì, các nhà thám hiểm cận đại đã trải bước khắp dãy núi này, đã từng trèo đến đỉnh ngọn Everest cao nhất thế giới (hai vạn chín ngàn thước), nhưng không ai thấy cung trời Tứ-vương ở lưng chừng núi, cũng không thấy cung trời Đao-lợi ở trên đỉnh núi. Các cung trời Tứ-vương và Đao-lợi mĩ lệ và trang nghiêm như vậy, nhân vật phong túc như vậy, thì nhất định miền hoang vắng, hiểm ác với đầy những tảng đá quái dị, những hố thẳm, sông băng, ngõ tuyết kia, không thể nào so sánh được. Cho nên toàn cả tiểu thế giới, ở trong tâm chúng ta, vẫn là một cái gì rất mịt mờ, thật quả không thể chứng thật một cách gắng gượng; bởi vì, kết quả của sự mò tìm quờ quạng, chắp vá gượng gạo, tất nhiên là, càng cố chứng minh thì càng sai lạc. Cho nên, tốt nhất là đừng nên chứng thật; hiện tại, cứ để cho nó vẫn là một cái gì mờ mịt, chắc chắn rằng trong tương lai, khi đạt được thần thông, tự nhiên sẽ rõ ràng tất cả. Nay xin sao lục một lời vấn đáp của lão cư sĩ Phạm Cổ Nông(13) ở Thượng-hải để dùng tham khảo: (Lược bỏ câu hỏi.) Đáp: “Quả địa cầu này của chúng ta tức là châu Nam Thiệm-bộ. Ba châu kia đều không ở trên quả đất, không phải cảnh giới của chúng ta, cho nên không thể chỉ rõ được. Núi Tu-di ở vị trí trung ương đối với bốn châu, phía bên ngoài Bắc-hải, mặt trời mặt trăng hãy còn ở lưng chừng núi; chúng ta ngửa mặt lên nhìn trời xanh, có thể đó là sườn núi kia đột ngột đổ ra chăng?” (Xin xem lời vấn đáp đầy đủ trong sách Cổ Nông Phật Học Vấn Đáp, quyển 1, trang 47.)

5. Bọt nước làm sao biến thành cung điện bảy báu của chư thiên? Sự kiện này hoàn toàn là do sức chiêu cảm của nghiệp lực. Nghiệp lực thì không thể nghĩ bàn, cho nên, sự sinh khởi của thế giới cũng không thể nghĩ bàn. Mà đâu phải chỉ có chư thiên là như thế, tất cả những núi dao, rừng kiếm, vạc dầu, cưa, chặt, v.v… ở trong địa ngục; tất cả những ao, đài, hoa, cây, y phục, màn trướng, v.v… ở các Phật độ, cũng không phải do một người kiến tạo, cắt may cho, vậy mà luôn luôn cung ứng đầy đủ, trật tự ngăn nắp; đó cũng đều là do nghiệp lực mà nên vậy. Nếu cần nêu một thí dụ, thì đây, dễ lắm: Ban đêm chúng ta nằm mộng. Tất cả những cảnh giới trong mộng, cái gì phải có là có hết, những cảm giác khổ vui cũng nương vào các cảnh giới ấy mà phát sinh, giống như chúng ta thấy các cảnh giới ấy ngay trước mắt lúc ban ngày, không khác nhau chút nào. Những cảnh giới nhiệm mầu, hoàn hảo đó, rốt cuộc do ai tạo ra? Nếu không phải chỉ là tâm, là thức, là nghiệp, thì do cái gì khác đây? Không có gì khác nữa! Trăm năm của đời người chỉ là một giấc mộng! Ngàn năm của trời Đao-lợi chỉ là một giấc mộng! Tám vạn kiếp ở trời Phitưởng chỉ là một giấc mộng! Ức triệu kiếp trong địa ngục cũng chỉ là một giấc mộng! Trong một trăm năm, những gì chúng ta thấy được trong thiên nhiên như một bông hoa, một chiếc lá, một ngọn núi, một dòng sông, sự vận hành của ngày tháng, sự thay đổi của thời tiết nóng lạnh, v.v…, những tuyệt tác kia đâu kém gì cung điện của chư thiên; tất cả cũng không do ai sáng tạo, mà đều là sự chiêu cảm do cộng nghiệp của chúng sinh, sự biểu hiện của thức; đó chính là điều mà kinh điển gọi là “đồng phần vọng kiến”(14) vậy. Cái này phát sinh thì cái kia cũng phát sinh; nói là “do bọt nước làm thành”, chẳng qua là nhờ bọt nước làm một cái “duyên” mà thôi.

6. Chỉ có cảnh giới niết bàn của chư Phật là không sinh không diệt, ngoài ra, tất cả đều không thoát khỏi sự sinh; mà đã không thoát khỏi sự sinh thì cũng không thoát khỏi sự diệt. Điều đó, về mặt căn thân của tất cả các loài hữu tình, mặt hành tướng của tất cả các pháp, thì gọi là sinh, trụ, dị, diệt; về mặt khí giới của tất cả các loài vô tình, thì gọi là thành, trụ, hoại, không; tên gọi tuy khác nhau, nhưng lí lẽ chỉ là một. Đến như ba tai ách nước, lửa, và gió hủy hoại thế giới, mới trông thì dường như do từ ngoài mà đến, kì thật là do từ trong mà sinh khởi. Kinh Đại Niết Bàn nói: “Cõi Sơ-thiền, trong thì có giác quán(15), ngoài thì có hỏa tai; cõi Nhị-thiền, trong thì có hoan hỉ, ngoài thì có thủy tai; cõi Tam-thiền, trong thì có hơi thở, ngoài thì có phong tai; chỉ có cõi Tứ-thiền, trong ngoài đều không có vọng động gì cả, cho nên các tai ách cũng không thể tới được.” Thế mới biết, ba tai ách cũng chỉ là những biểu hiện của bệnh thiền(16), của tâm thức.

7. Thọ mạng của con người, lúc đầu là tám vạn bốn ngàn tuổi; về sau, lòng người ngày càng xấu đi, tuổi thọ bèn mỗi trăm năm giảm đi một tuổi, cho đến khi chỉ còn mười tuổi thì ngưng; lúc đó lòng người trở lại dần dần thuần hậu, tuổi thọ bèn mỗi trăm năm tăng lên một tuổi, cho đến khi được tám vạn bốn ngàn tuổi như lúc đầu thì ngưng. Như thế đó, sự xấu ác và thuần hậu của lòng người, cùng sự tăng và giảm của tuổi thọ, cứ tuần hoàn mãi mãi không thôi. Nếu hỏi vì sao như vậy, thì các quẻ Bác, Phục, Bĩ, Thái(17) trong kinh Dịch nói rất rõ, tất cả không ngoài cái lí lẽ “tiêu trưởng” (tiêu mòn rồi tất lớn dần lên) của âm dương, bởi vì, thịnh đến chỗ cùng cực thì phải suy, suy đến chỗ cùng cực thì phải thịnh; đó là cái nguyên lí luân hồi vậy.

8. Thần thông là do định lực phát sinh; duy trì định lực này là tâm. Kinh Di Giáo nói: “Chế ngự tâm ở một chỗ thì mọi việc đều xong.”; có nghĩa là, các thần thông từ đó mà sinh. Trưởng lão Sa Già Đà, lúc đầu có thể nhập định hỏa quang tam muội, hiện các thứ thần thông, hóa làm thân nhỏ, hoàn toàn là công hiệu của việc chế ngự tâm ở một chỗ. Sau khi đã uống rượu say mèm thì tâm tán loạn, không còn chút định lực nào, đến nỗi một con ễnh ương cũng không bắt được, nói gì đến rồng dữ! Không chỉ bậc A-la-hán là như vậy, mà tất cả các bậc thánh, khi đã say rượu loạn tâm rồi, trí thông tuệ đều tiêu mất. Cho nên, rượu là vật đáng sợ vô cùng. Trong giới luật, tuy rượu thuộc loại già giới, nhưng việc ác nhỏ mà gặp thuận duyên, cũng có thể trở nên việc ác lớn. Trong xã hội, những tai họa như đánh lộn, giết người, hiếp dâm, hỏa hoạn, tai nạn xe cộ, chết đột ngột, v.v… xảy ra rất nhiều, đều do say rượu gây nên. Sự tổn thất do rượu gây ra mỗi năm trên toàn thế giới, thật không có cách gì thống kê được. Cái hại của rượu thật to lớn vậy!

9. Phật giáo chú trọng thực tế, không cường điệu. Nếu có cách tránh được sát sinh thì hết sức tránh; nếu không có cách nào thì cứ hành xử tự nhiên, không gò bó thái quá. Ví dụ như trong không khí, trong nước, bệnh da, bệnh phổi v.v…, đều có rất nhiều vi trùng, nhưng khi dùng nước hay không khí, chúng ta không có ý tưởng về sự “có vi trùng”; khi chữa bệnh thì chỉ có ý tưởng về sự chữa bệnh, mà không có ý tưởng về sự “có vi trùng”; vậy cũng có thể không coi là sát sinh – vì mắt không thấy có sinh mạng. Việc dùng đãy lọc nước, chẳng qua là để hành xử cho hết lòng, cho tròn trách nhiệm, càng tránh được giết hại nhiều càng hay; chứ nói cho triệt để, dù có lọc đi chăng nữa, trong nưóc vẫn còn vi trùng, làm sao mà hoàn toàn tinh khiết được!

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Già giới: các giới cấm đối với tội nhẹ. Chữ “già” có ý nghĩa là cấm chỉ. Sau khi có người làm một việc sai quấy, đức Phật nhân đó mà chế ra điều giới để ngăn cấm về sau. Có những điều mà ngoài xã hội không cho là sai quấy (hoặc địa phương này cho là sai mà địa phương khác không cho là sai), nhưng vì đức Phật thấy nó có tác hại đến nếp sống trong sạch của tăng đoàn, hoặc có thể dẫn đến gây nên những hành vi sai trái khác, làm cho tăng đoàn mất vẻ uy nghiêm, bị quần chúng dị nghị, nên Ngài phải chế các điều giới ngăn cấm. Như uống rượu chẳng hạn, đó là việc rất thông thường của người đời, không có tội lỗi gì cả. Nhưng vì rượu có thể làm cho người ta say; và sự say rượu thường dẫn đến những hành động nguy hiểm khác, cho nên đức Phật đã phải chế ra điều giới cấm uống rượu. Đó gọi là “già giới”. Phạm “già giới” thì gọi là “già tội” – tức tội nhẹ.

2. Tánh giới: giới bản chất, giới bản tánh, giới nặng. Đối ngược lại với “già giới” (như vừa chú thích ở trên). Có những hành động mà tự nó đã sai quấy từ bản chất. Bốn hành động giết hại, trộm cắp, tà dâm và gian dối, đối với bất cứ ai, dù ở địa phương, hoàn cảnh nào, vẫn là những hành động tội lỗi. Dù đức Phật có chế luật hay không chế luật, chúng vẫn là những hành động tội lỗi. Bất cứ ở xã hội nào, những hành động đó đều bị lên án. Dù có bị trừng phạt ở thế gian hay không, chúng vẫn là nguyên nhân chính để đem tới những quả báo đau khổ (ở đời này và cả ở đời sau). Trong luật gọi bốn giới sát, đạo, dâm, vọng là bốn giới “ba-la-di”, tức giới nặng, hay “tánh giới”; tất cả những giới khác đều thuộc “già giới”. Vi phạm “tánh giới” thì bị “tánh tội”, tức là những hành vi mang tính tội ác từ bản chất, là nguyên nhân chính đưa chúng sinh đọa lạc vào ba đường dữ.

3. Bốn giới kia là sát, đạo, dâm, vọng. Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một người đàn ông nọ, vào một buổi tối, đi theo bạn bè uống rượu, đến lúc say mèm mới tìm đường trở về nhà. Trên đường về, ông lẻn vào một nhà hàng xóm, ra sau chuồng gà, và bắt trộm một con gà. Nghe tiếng gà kêu bất thường, bà chủ nhà choàng dậy, chạy ra chuồng gà xem thử có việc gì, liền bị ông ta vật xuống cưỡng hiếp. Sau đó ông ôm gà về nhà cắt cổ làm thịt ngay để ăn nhậu tiếp. Hôm sau, bà hàng xóm đem sự việc lên trình quan xin xét xử. Ông ta bị dẫn ra trước công đường tra hỏi, nhưng mọi việc ông đều chối hết. Thế là, chỉ do phạm một tội nhẹ là uống rượu, mà ông ta đã phạm luôn bốn tội nặng: trộm cắp, cưỡng dâm, sát sinh và nói dối.

4. “Phi long tại thiên”; “Tiềm long vật dụng”: Hai câu này trích từ hai hào thuộc quẻ Kiền trong kinh Dịch. Dịch là một trong năm bộ kinh (ngũ kinh: Dịch, Thư, Thi, Lễ và Xuân Thu) của đạo Nho. Chủ ý của kinh Dịch là nói về sự vận hành biến đổi của trời đất. Trọn bộ kinh Dịch có sáu mươi bốn “quẻ”; mỗi quẻ chia làm sáu “hào”. Quẻ Kiền, hào “cửu ngũ” (tức hào thứ năm) nói: “Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân.”; nghĩa là: rồng bay lên trời, có lợi được gặp người lớn. Tùy từng trường hợp mà hiểu ý nghĩa của hào này; chẳng hạn, một người khi vận khí đã hanh thông, được lên ngôi vua thống trị muôn dân, gặp được nhiều bậc hiền tài giúp sức, làm cho nước mạnh dân giàu, nơi nơi an cư lạc nghiệp. Cũng quẻ Kiền, hào “sơ cửu” (tức hào thứ nhất) nói: “Tiềm long vật dụng.”; nghĩa là: rồng ẩn chớ dùng; ý nói, một người tuy có chí lớn, nhưng tài đức chưa đủ, thời cơ chưa thuận tiện, thì nên ẩn nhẫn tu nhân tích đức chờ thời, không nên vọng động khinh suất mà chuốc lấy thất bại đắng cay.

5. Trung Dung là một trong bốn bộ sách (tứ thư) chứa đựng những tư tưởng căn bản của đạo Nho. Bốn bộ sách ấy là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Câu tác giả trích trong bài này là từ sách Trung Dung, chương 26. Câu ấy trích đầy đủ như sau: “…… Kim phù thủy, nhất chước chi đa, cập kì bất trắc, ngoan đà giao long ngư miết (biết) sinh yên, hóa tài thực yên.”; nghĩa là: …… Bây giờ nói đến nước. Chỉ một gáo nước, nhưng nói đến chỗ sâu rộng của nó thì thật không thể lượng định được; các loài như dải (ba-ba lớn), cá sấu, giao-long, cá, ba-ba, đều sinh trưởng ở trong đó; mọi thứ của cải đều sinh sôi nẩy nở dồi dào từ trong đó.

6. Lão Tử: giáo chủ của Đạo giáo (tức Lão giáo), Trung- quốc. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về nhân vật Lão Tử; và thuyết sau đây được nhiều người nói đến: “Lão Tử” có nghĩa là ông thầy già, là danh hiệu của Lí Nhĩ, tự là Bá Dương, tên thụy là Đam; cho nên cũng gọi là Lão Đam. Ông là người huyện Khổ, nước Sở (nay là tỉnh Hồ-nam), sống vào khoảng từ năm 570 đến năm 400 trước TL – cùng thời với Khổng Tử (551-479 tr. TL), và lớn hơn Khổng Tử mấy chục tuổi. Ông từng làm sử quan, trông coi kho sách của nhà Chu. Ông chuyên tu bồi đạo đức, lấy sự “ẩn tích mai danh” làm gốc; vì vậy, khi thấy nhà Chu suy yếu, ông bèn bỏ đi. Đến cửa ải Hàm-cốc, được quan huyện ở đó mời ở lại viết sách truyền đời. Ông ở lại, và đã soạn bộ Đạo Đức Kinh; xong rồi bèn bỏ đi. Từ đó không ai còn biết gì về tông tích của ông nữa.

7. Do Long: “Do long” nghĩa là giống như rồng. Tương truyền, vào khoảng năm 522 tr. TL, có một lần Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về “lễ”. Khi ra về, Khổng Tử bảo các đệ tử: “Loài chim, ta biết chúng có thể bay; loài cá, ta biết chúng có thể bơi; loài thú, ta biết chúng có thể chạy. Thú chạy, ta có thể dùng lưới để bắt; cá bơi, ta có thể dùng câu để bắt; chim bay, ta có thể dùng tên để bắn. Đến như con rồng thì ta không thể biết nó cỡi gió theo mây như thế nào mà bay lên trời xanh. Hôm nay ta trông thấy Lão Tử. Ông ấy quả thật giống như rồng!” (Điểu, ngô tri kì năng phi; ngư, ngô tri kì năng du; thú, ngô tri kì năng tẩu. Tẩu giả khả dĩ võng, du giả khả dĩ luân, phi giả khả dĩ tăng; chí ư long, ngô bất tri kì thừa phong vân nhi thượng thiên. Ngô kim nhật kiến Lão Tử, kì do long da?) Nhân câu chuyện này, về sau người ta dùng hai chữ “Do Long” để gọi thay tên cho Lão Tử; và “do long” cũng được dùng rộng ra để chỉ cho những người đạo cao đức trọng.

8. Đảnh-hồ: Truyền thuyết từ thời thượng cổ Trung-quốc nói: Vua Hoàng Đế đúc một chiếc đỉnh ở chân núi Kinh. Khi đỉnh đúc xong, có con rồng bay xuống chở nhà vua lên trời. Có hơn bảy mươi người nắm râu rồng bay theo nhà vua, nhưng râu rồng đứt, họ đều bị bỏ lại, đành nhìn râu rồng mà khóc. Do việc này, người đời sau bèn gọi nơi đây là “Đảnh-hồ”.

9. Long li: nước miếng rồng – Bao Tự: nàng cung phi sắc nước hương trời, được sủng ái nhất của vua U vương (?-771 tr. TL), nhà Chu. Tương truyền, thời thượng cổ Trung-quốc, vào đời vua Kiệt, cuối nhà Hạ (2205?-1784? tr. TL), có thần nhân hóa ra hai con rồng, sa xuống giữa điện, nhả ra một bãi nước miếng. Vua sai lấy nước miếng ấy bỏ vào một chiếc hộp son, cất kĩ trong kho. Trải gần ngàn năm sau, vua Lệ vương (?-828 tr. TL) nhà Chu cho mở chiếc hộp ấy ra xem. Nhà vua sơ ý làm rơi chiếc hộp xuống đất, nước miếng rồng chảy ra lênh láng. Vừa lúc đó, một cung nữ mới mười hai tuổi, bước vào điện, đạp nhằm nước miếng ấy mà thọ thai. Vua lấy làm lạ, bèn giam cung nữ ấy vào lãnh cung. Đến đời vua kế là Tuyên vương (?-782 tr. TL), người cung nữ ấy đã hơn năm mươi tuổi, và mang thai đã hơn bốn mươi năm, bấy giờ mới sinh ra một bé gái. Hoàng hậu cho đó là quái thai, sai người đem vất đứa bé xuống sông để thủ tiêu. Ngờ đâu, một người đàn ông đi đến bờ sông, thấy đứa bé trôi trên sông, liền vớt đem sang Bao thành nuôi nấng. Nhưng vì nhà nghèo, nuôi không nổi, ông ta lại đem đứa bé cho một nhà phú hộ nuôi, đặt tên là Bao Tự. Bao Tự lớn lên có sắc đẹp tuyệt trần, được chọn vào cung làm phi tần cho vua U vương (con của Tuyên vương, được nối ngôi sau khi Tuyên vương băng). Vì quá mê say Bao Tự mà U vương mất nghiệp.

10. Diệp công thích rồng (Diệp Công hiếu long): Lưu Hướng (?-6 tr. TL) đời Hán có viết trong sách Tân Tự (thiên “Tạp Sự”) rằng: Diệp công là Tử Cao rất yêu thích rồng. Làm gì cũng để mong thấy được rồng. Có vị thiên long biết việc ấy, nên hiện thân rồng vào nhà. Diệp Công thấy rồng thật thì sợ hãi bỏ chạy, hồn phi phách tán. Như vậy, Diệp Công đâu phải thật tâm yêu thích rồng, mà chỉ là làm bộ thế thôi. Người đời sau nhân câu chuyện này, lấy câu “Diệp Công hiếu long” làm thành câu thành ngữ, ý nói, ngoài mặt thì tỏ ra yêu thích cái gì đó, nhưng thật sự trong lòng thì không thích.

11. Lưu Bang (Hán Cao-tổ, 256-195 tr. TL): tên tự là Quí, quê ở đất Bái, lớn lên làm chức đình trưởng ở Tứ-thượng. Tương truyền, khi xưa bà mẹ của Lưu Bang thường nằm nghỉ ngơi ở bờ ruộng. Bỗng một hôm bà thấy thần nhân hình rồng cùng với bà giao hoan. Tỉnh dậy bà cảm thấy trong mình khác thường, rồi thọ thai, sinh ra Lưu Bang. Nhà Tần (221-206 tr. TL) bạo ngược, cho nên, sau khi Tần Thỉ-hoàng (259-210 tr. TL) băng, hào kiệt khắp nơi nổi dậy đánh đổ nhà Tần; trong số đó, Lưu Bang khởi binh ở đất Bái, được gọi là Bái Công, cùng với Hạng Vũ (232-202 tr. TL) phò Sở Hoài vương để diệt Tần. Năm 206 tr. TL, Lưu Bang đánh chiếm Hàm-dương, diệt nhà Tần; nhưng Hạng Vũ ỷ thế mạnh tranh quyền, phong ông làm Hán vương, và đày vào Ba-thục. Tại đây, ông chiêu tập binh mã, tìm hiền tài giúp sức, khởi binh đánh nhau với Hạng Vũ để tranh thiên hạ. Cuối cùng, năm 202 tr. TL, ông diệt được Hạng Vũ, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Hán, tức là Hán Cao-tổ, đóng đô tại Trường-an (nay là tỉnh Thiểm-tây).

12. Năm việc không thể nghĩ bàn (ngũ bất khả tư nghị): Có năm sự việc không thể dùng lời nói để trình bày, cũng không thể dùng tâm trí để suy lường được: 1) Các loài chúng sinh luôn luôn tăng giảm không gián đoạn, số lượng nhiều ít bao nhiêu, là điều không thể nghĩ bàn. 2) Vạn vật nương nơi nghiệp lực mà biến hiện; quả báo của nghiệp là điều không thể nghĩ bàn. 3) Thần thông nương nơi định lực mà xuất hiện; sức mạnh của người thiền định là điều không thể nghĩ bàn. 4) Chỉ một giọt nước của con rồng mà gây nên trận mưa lớn; thần lực của loài rồng là điều không thể nghĩ bàn. 5) Nương vào Phật pháp mà chứng đắc đạo quả niết bàn; sức oai thần của chư Phật là điều không thể nghĩ bàn.

13. Phạm Cổ Nông (1881-1952): hiệu là Kí Đông, biệt hiệu là Huyễn Am, bút hiệu là Hải Thi đạo nhân, quê huyện Gia-hưng, tỉnh Triết-giang. Thuở nhỏ từng du học ở Nhật, sau khi về nước, đem hết tâm lực hoằng dương Phật pháp. Năm 1931, ông được cử làm tổng biên tập cho Phật Học Thư Cục ở Thượnghải, viết Hải Triều Âm Văn Khố, Phật Học Bách Khoa Tòng Thư, cùng phát hành Kinh Tạng bản đời Tống, chỉnh lí nền văn hiến Phật giáo. Năm 1935, ông làm chủ bút Nhật Báo Phật Giáo. Năm 1951, ông làm hội trưởng hội Cư Sĩ Lâm của Phật giáo thế giới. Trước tác của ông có Huyễn Am Văn Tập, Cổ Nông Phật Học Vấn Đáp, và Phát Thú Luận (dịch).

14. Đồng phần vọng kiến: sự thấy biết sai lầm chung của tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh bị vô minh che lấp chân tánh, do nghiệp lực chung chiêu cảm mà cùng thấy biết các cảnh giới hư vọng giống nhau, cùng chịu đau khổ giống nhau. Nhưng trong cái nghiệp chung ấy, mỗi chúng sinh lại còn có nghiệp riêng, trong cái vọng kiến chung còn có cái vọng kiến riêng; nếu những chúng sinh nào biết tu tập theo chánh đạo, thì vọng kiến có thể nhẹ hơn đối với những chúng sinh vẫn còn mê muội; đó gọi là “biệt nghiệp vọng kiến”.

15. Giác quán: “Giác” là suy cứu sự lí một cách sơ lược (danh từ Duy Thức Học gọi là “tầm”, một trong bốn tâm sở bất định); “quán” là suy cứu sự lí một cách kĩ càng, sâu sắc (danh từ Duy Thức Học gọi là “từ”, một trong bốn tâm sở bất định). Giác và quán nếu dược duy trì liên tục, có thể làm mất chánh niệm, thân tâm lao tổn, cho nên chúng có thể làm chướng ngại cho thiền định.

16. Bệnh thiền: Người tu thiền, nếu không nắm vững và hành trì những phương pháp đúng đắn, chân chính, chắc chắn sẽ mắc phải nhiều loại bệnh tật về thân (cơ thể suy yếu, đau đầu, hoa mắt, v.v…) cũng như về tâm (tinh thần rối loạn, nhiều ảo ảnh, ma cảnh, v.v…)

17. Bác, Phục, Bĩ, Thái: Đây là bốn quẻ trong kinh Dịch, nói về lẽ tuần hoàn của âm dương, sự thịnh suy, tụ tán của vũ trụ vạn vật. – Quẻ “Bác” nói về lúc “âm thịnh dương suy”, kẻ tiểu nhân được thời cơ hoành hành, người quân tử bị lấn át, vùi dập, không làm nên được gì. Đó cũng là thời kì mà phần đông con người ham mê vật chất, điên cuồng với dục vọng, đạo đức suy đồi, tâm linh thấp kém. – Quẻ “Phục” nói về sự phục hồi của khí dương. Khi âm thịnh đến chỗ cùng cực thì dương bắt đầu trở lại. Người quân tử biết thời cơ của mình đã đến, bắt đầu phác họa chương trình hành động, tìm kiếm bạn đồng chí để cùng lo toan việc lớn. Đó cũng là lúc con người bắt đầu nhìn lại tâm mình, biết quí trọng đạo đức, hướng về con đường thiện để thăng tiến tâm linh. – Quẻ “Thái” nói về sự hanh thông của con người và muôn vật. Khi âm và dương quân bình, hòa hợp thì gió hòa mưa thuận, muôn vật nẩy nở tốt tươi. Bậc tài đức lãnh đạo ở trên, được bao nhiêu người ở dưới cùng đồng tâm hỗ trợ, vì vậy mà đạo đức sáng rỡ, tinh thần thanh cao, nơi nơi thái bình, thịnh vượng. – Quẻ “Bĩ” tương phản với quẻ “Thái”, âm dương cách trở, bất hòa, khiến nên vạn vật lâm vào cảnh bế tắc. Đó là lúc kẻ tiểu nhân đắc thắng, nắm lấy quyền làm chủ, còn bậc quân tử tài đức lại bị giam hãm ở những nơi bùn lầy nước đọng. Con người trở nên giả nhân giả nghĩa, đối xử với nhau bằng tâm ác độc, điều thiện chỉ có ở đầu môi chót lưỡi.