GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 29
TÔNG THIỀN (phần 3)
– trích yếu ngữ lục của Phật và chư Tổ –
PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Có ông phạm chí, hai tay cầm hai cây hoa đến dâng lên Phật. Phật bảo bỏ xuống. Ông phạm chí bỏ cây hoa bên tay phải xuống. Phật lại bảo bỏ xuống. Ông phạm chí bèn bỏ cây hoa bên tay trái xuống. Phật lại bảo bỏ xuống. Ông phạm chí bạch: Cả hai tay con bây giờ đều trống không, vậy con bỏ cái gì xuống? Phật dạy: Ông hãy buông bỏ cả sáu trần bên ngoài, sáu căn bên trong, và sáu thức ở giữa; đến khi không còn chỗ để buông bỏ, thì ông buông bỏ cái chỗ thân mạng. Ngay khi nghe lời dạy ấy, ông phạm chí liền chứng ngộ pháp vô sinh nhẫn.
Người niệm Phật hãy xa lìa các tư tưởng. Tư tưởng không sinh khởi thì tâm không phân biệt, không tên gọi, không chướng ngại, không muốn, không được, không khởi giác quán1. Vì sao vậy? Này thầy Xá Lợi Phất! Theo cái mình niệm mà khởi lên các tư tưởng thì đều là tà kiến. Thầy Xá Lợi Phất! Hãy thông đạt cái không sở hữu, không giác không quán, không sinh không diệt, như thế mới gọi là “niệm Phật”. Bởi vì chỉ ở trong cái niệm như vậy thì mới không tham không chấp, không thuận không nghịch, không tên gọi không tư tưởng. Này thầy Xá Lợi Phất! Không tư tưởng, không ngôn từ, mới gọi là “niệm Phật”.2
TỨ TỔ ĐẠO TÍN
Tứ-tổ dạy thiền sư Pháp Dung3 (1): “Trăm ngàn pháp môn đồng về nơi tâm, hà sa diệu đức cũng tại nơi tâm; ba môn giới định tuệ và thần thông biến hóa, tất cả đều tự có đầy đủ, không hề xa rời cái tâm của thầy. Tất cả phiền não nghiệp chướng xưa nay vốn trống vắng, tất cả nhân quả đều như mộng ảo. Không có ba cõi để thoát ra, không có bồ đề để mong cầu. Người và không phải người, tánh tướng đều bình đẳng. Con đường lớn rộng rãi thênh thang, dứt suy dứt nghĩ, nếu nay đã lãnh ngộ được cái pháp như thế, không có chỗ nào khiếm khuyết, thì cùng với Phật có khác gì đâu! Vả lại, cũng không có pháp nào khác, thầy chỉ cần để cho tâm được tự tại, đừng tu quán hạnh, cũng đừng lắng tâm, đừng khởi tham sân, đừng ôm sầu lo, rỗng không vô ngại, mặc ý tung hoành. Không làm lành, không làm ác; đi đứng ngồi nằm, chạm mắt gặp duyên, tất cả đều là diệu dụng của Phật.
Vui vẻ không lo, gọi là Phật.
THIỀN SƯ MÃ TỔ ĐẠO NHẤT4
Người đi cầu pháp phải là người không có gì để cầu, ngoài tâm không có Phật nào khác, ngoài Phật không có tâm nào khác; không làm thiện, không bỏ ác, không nương tựa cả hai bên dơ sạch, thông đạt tánh tội là không, niệm niệm không dính mắc, vì không gì có tự tánh. Cho nên ba cõi chỉ ở tâm, vạn tượng sum la chỉ in nơi một pháp.
Đạo không cần phải tu, nhưng chớ ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm? Nếu có tâm sinh tử, tạo tác các nẻo đi đến, đó gọi là ô nhiễm. Nếu muốn thể nhập thẳng vào đạo, thì tâm bình thường chính là đạo. Sao gọi là tâm bình thường? Không tạo tác, không phải không quấy, không giữ không bỏ, không đoạn không thường, không phàm không thánh. Cho nên kinh dạy: Không phải hạnh phàm phu, không phải hạnh thánh hiền, đó là hạnh Bồ-tát. Chỉ như nay đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật, tất cả đều là đạo. Đạo tức là pháp giới, cho đến hà sa diệu dụng đều không ra ngoài pháp giới. Nếu không như thế thì làm sao nói được là pháp môn tâm địa(2)? Làm sao nói được là ngọn đèn vô tận? Tất cả pháp đều là pháp tâm, tất cả tên đều là tên tâm; vạn pháp đều từ tâm sinh, tâm là gốc rễ của vạn pháp.
THIỀN SƯ THẠCH ĐẦU HI THIÊN5(3)
Pháp môn của tôi trước là do Phật trao truyền, bất luận là thiền định hay tinh tấn, chỉ nhằm đạt đến tri kiến Phật. Tức nơi tâm là Phật. Tâm, Phật và chúng sinh, bồ đề và phiền não, tên gọi tuy khác mà thể tánh chỉ là một. Nên biết, tâm linh của chính mình, thể thì lìa cả đoạn và thường, tánh thì không dơ không sạch, trong sáng tròn đầy, phàm thánh bình đẳng, chỗ ứng dụng không kể phương sở, xa rời cả tâm, ý, thức. Ba cõi sáu đường chỉ do tâm hiện. Bóng trăng dưới nước, cảnh tượng trong gương, nào có sinh diệt! Nếu biết được như vậy thì không có gì là không đầy đủ.
THIỀN SƯ HOÀNG BÁ HI VẬN6
Chỉ có một tâm này tức là Phật. Phật và chúng sinh thật không sai khác. Người đời chấp tướng cầu bên ngoài; cầu thì trở thành mất, khiến Phật tìm Phật, đem tâm bắt tâm, dù cùng kiếp tận hình, chắc chắn không thể được. Nhưng chỉ cần dứt niệm, không tư lự, thì Phật liền hiện tiền.
Phần nhiều người ta bị cảnh làm chướng ngại tâm, sự làm chướng ngại lí; thường muốn trốn cảnh để yên tâm, bỏ sự để giữ lí, nhưng không biết rằng tâm mới làm chướng ngại cảnh, lí mới làm chướng ngại sự. Nay chỉ cần để tâm trống không thì cảnh cũng tự trống không, lí vắng lặng thì sự cũng tự vắng lặng; chớ nên dụng tâm điên đảo.
Tất cả các pháp cho đến sáu đường, đều do tâm tạo. Nay chỉ cần học pháp vô tâm, dứt bặt các duyên, đừng khởi vọng tưởng phân biệt, không khởi niệm nhân ngã, không tham sân yêu ghét; chỉ cần trừ tuyệt các vọng tưởng như thế, bản tánh vốn thanh tịnh xưa nay tự hiện bày. Đó mới là tu hành đạo bồ đề. Nếu không hiểu ý nghĩa ấy, không biết tâm mình, thì dù có học rộng, tu hành cần khổ, ăn lá cây mặc áo cỏ, đều chỉ là tà hạnh, tất cả chỉ là thiên ma ngoại đạo, các vị thần đất thần nước; tu hành như thế thì có ích gì!
Nay chỉ cần trong tất cả thời khắc, trong mọi lúc đi đứng ngồi nằm, đều học pháp vô tâm, cũng không phân biệt, cũng không nương dựa, cũng không dính mắc; trọn ngày chân tâm hiện tiền, tùy thuận vạn pháp vận hành, trông giống như kẻ ngây ngô, người đời đều không ai biết mình, mà cũng chẳng cần phải bảo người biết hay không biết. Tâm như cục đá cứng rắn, không có một lỗ hở nào, tất cả pháp đều không thể xuyên thủng vào tâm, tự tại không có gì dính mắc. Như thế mới có chút ít tương ưng, chọc thủng được biên cương ba cõi, đó gọi là Phật ra đời.
CHÚ THÍCH
1. Xin xem lại chú thích số 4, bài 21 ở trước.
2. Xin xem trong Phật Tạng Kinh(4).
3. Thiền sư Pháp Dung họ Vi, quê ở Nhuận-châu, 19 tuổi lên núi Mao xuống tóc, sau lại vào núi Ngưuđầu, trú nơi một căn thạch thất, được gặp Tứ-tổ Đạo Tín, khai tỏ tâm yếu, được trao cho pháp môn đốn giáo, bèn thành một hệ phái phụ, truyền thừa vài đời thì dứt.
4. Thiền sư Đạo Nhất ở Giang-tây, họ Mã, tục gọi là Mã Tổ, xuất gia ở chùa La-hán, tu tập thiền định ở Hành-sơn, gặp được tổ Hoài Nhượng, tỏ ngộ việc lớn, được mật truyền tâm ấn, người học bốn phương vân tập theo học, viên tịch năm 80 tuổi.
5. Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên ở Nam-nhạc, họ Trần, quê ở Thụy-châu, đắc pháp với thiền sư Thanh Nguyên. Năm đầu niên hiệu Thiên-bảo đời Đường, ngài đến ngôi chùa ở phía Nam Hành-sơn, ở phía Đông ngôi chùa có một tảng đá giống như cái nhà, bèn kết am ở đó, đương thời đặt hiệu cho ngài là Thạch Đầu hòa thượng.
6. Sư quê ở Phúc-kiến, xuất gia ở núi Hoàng-bá, sau đến tham học với tổ Bách Trượng mà được ngộ đạo, về ở chùa Đại-an ở Hồng-châu, pháp tịch rất thịnh. Ngài tịch, có thụy hiệu là Tế thiền sư.
*. Tùy vật tùy sự, thuận theo sự vận động tự nhiên của các pháp, không thêm vào sự tạo tác của con người, gọi là “nhậm vận”. “Đằng đằng” là tuệ chiếu phân minh, ý nói là tâm không rối loạn. Hành giả tuy trọn ngày tiếp người xử việc mà chân tâm vẫn luôn hiện tại, không trôi chảy đổi dời theo ngoại cảnh, gọi là “nhậm vận đằng đằng”, hay “đằng đằng nhậm vận”.
PHỤ CHÚ
1) Pháp Dung (594-657): là vị thiền sư đời Đường, khai tổ của tông Ngưu Đầu, người đời xưng là Ngưu Đầu Pháp Dung. Ngài họ Vi, quê ở Nhuận-châu (huyện Trấn-giang, tỉnh Giang-tô), 19 tuổi đã bác thông kinh sử, tình cờ được xem kinh Bát Nhã, bèn kính tin Phật pháp; liền vào núi Mao xin xuất gia với pháp sư Quế. Trải 20 năm tinh cần tu tập không giải đãi, được thể nhập pháp môn đại diệu. Năm 643 ngài lập riêng thiền thất ở núi Ngưu-đầu, chuyên tu thiền quán, học lữ các nơi qui tụ theo học có đến hơn trăm người. Tổ Đạo Tín nghe tiếng, thân hành đến nơi trao cho pháp môn đốn giáo đã từng được tổ Tăng Xán truyền cho. Từ đó, núi này trở thành trung tâm của một pháp hệ Thiền tông, gọi là tông Ngưu-đầu, truyền thừa được sáu đời thì suy vi. Ngài thị tịch năm 657, thế thọ 64 tuổi.
2) Tâm địa: Thuật ngữ này có 3 ý nghĩa: 1) Tâm địa tức là GIỚI, đó là từ được dùng trong kinh Phạm Võng. Giới lấy Tâm làm gốc, giống như ở thế gian lấy đại địa làm chỗ nương tựa căn bản; cho nên giới được gọi là “tâm địa”. 2) Hàng Bồ-tát căn cứ nơi Tâm mà tu hành, giống như mọi cây cỏ đều mọc lên từ đất, nhân loại và động vật đều sống trên đất; cho nên 50 giai vị tu hành của Bồ-tát (gồm trong 5 cấp Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập-hồi-hướng và Thập-địa) được gọi là “tâm địa”. 3) Thiền tông Trung-quốc gọi đạo bồ đề do tổ Đạt Ma truyền dạy là TÂM ĐỊA. Từ “tâm địa” được nói tới trong bài học trên đây là mang ý nghĩa thứ ba này.
3) Thạch Đầu Hi Thiên (700-790): cũng gọi là đại sư Vô Tế. Ngài họ Trần, quê huyện Cao-yếu, tỉnh Quảng-đông, bẩm sinh đã thông minh. Dân làng vì sợ quỉ thần, thường giết trâu nấu rượu cúng tế. Ngài thấy việc ấy rất là tệ hại, bèn phá hủy miếu thờ quỉ thần. Ngài kính lễ Lục-tổ Tuệ Năng và thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư làm thầy, sau được Thanh Nguyên Hành Tư ấn khả. Năm 742 ngài vào núi Hành-sơn, kết am trên một tảng đá lớn, chuyên tu thiền quán, hiển dương tông phong, người đời xưng là Thạch Đầu hòa thượng. Thời bấy giờ, ở vùng Giang-tây thì ngài Mã Tổ được coi là chủ yếu, còn ở vùng Hồ-nam thì ngài Thạch Đầu được coi là chủ yếu; người học bốn phương đều qui tụ về hai đạo tràng của hai vị thiền sư này. Ngài tịch lúc được 91 tuổi đời.
4) Phật Tạng Kinh: Đây là một dịch phẩm của pháp sư Cưu Ma La Thập đời Diêu-Tần, gồm 3 quyển, được thu vào tập 15, Tạng Đại Chánh, là loại kinh điển có nội dung thuộc về luật đại thừa; được chia làm 10 phẩm, như: Chư pháp thật tướng, Niệm Phật, Niệm pháp, Niệm tăng, Tịnh giới, Liễu giới, v.v… Yếu chỉ kinh này nhấn mạnh rằng, nếu không thể hội được thật tướng các pháp, không hiểu rõ lí bất sinh bất diệt, thì tuy có thọ 250 giới cũng đồng như phá giới; lại chủ trương xa lìa mọi hí luận phân biệt, mới xứng đáng gọi là trì giới.
BÀI TẬP
1) Phật bảo ông phạm chí hãy buông bỏ những gì?
2) Phật dạy tôn giả Xá Lợi Phất cái gì là tà kiến? Thông đạt pháp gì thì gọi là niệm Phật?
3) Tứ-tổ đã nói những lời gì với thiền sư Pháp Dung?
4) Ngài Mã Tổ đã khai thị như thế nào về “ô nhiễm” và “tâm bình thường”?
5) Cứ theo cái thấy của thiền sư Hoàng Bá thì như thế nào mới có chút ít tương ưng? Như thế nào gọi là “Phật ra đời”?
6) Hãy giải thích thuật ngữ “nhậm vận đằng đằng”.