GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 28
TÔNG THIỀN (phần 2)

IV. KIẾN TÁNH

Điều trọng yếu của Thiền tông là ở sự KIẾN TÁNH. “Kiến tánh” tức là dứt tuyệt sự suy nghĩ, trực tiếp thấy rõ chân tâm. Các hành giả có căn tánh nhạy bén, ở trong khoảng sát na sáu căn tiếp xúc với sáu trần, do một niệm tương ưng với trí tuệ, cắt đứt dòng nghiệp thức đang trôi chảy, tuệ giác  bừng sáng, liền thấy rõ tự thân vốn sẵn đủ tự tánh chân như rộng lớn biến khắp, ánh sáng linh diệu thấu suốt, trên thì đồng với chư Phật, dưới thì bình đẳng với chúng sinh. Sau khi đã thấy tánh thì đối với giáo nghĩa, những danh từ thường gọi như pháp thân1, pháp tánh2, chân như3, như lai tạng4, pháp giới tánh5, phật tâm6, chân đế, niết bàn, thật tướng7, tâm ấn8, v.v… thảy đều lí hội. Bởi vậy, chỉ bằng cách thông suốt được TÔNG, thì mới có thể thông hiểu được GIÁO.

V. SUỐT THẲNG BA ẢI

Tông này không chú trọng ngồi thiền, không cần phải học kinh giáo, chỉ cần đi suốt được ba cửa ải thì liền có thể vào thẳng chỗ thâm áo. Người học nếu ngưng hẳn hết mọi phàm tình, chân cảnh hiện ra trước mắt, tỏ ngộ được “bản địa phong quang”9 không sinh không diệt, liền được gọi là phá được cửa ải đầu tiên, tức là “sơ quan”, hoặc cũng gọi là phá “bản tham”10. Tất cả tư tưởng, không luận là phải trái tốt xấu, thế gian hay xuất thế gian, đều coi là vọng tâm, không nên có. Nếu xa lìa tất cả tư tưởng, lấy vô tưởng làm tưởng, đó tức là tâm Phật. Người học sau khi thấy tánh, nếu thoát li được căn trần năng sở, bảo trì tâm Phật bền vững không mất, tức là qua được cửa ải thứ nhì, gọi là “trùng quan”. Cửa ải thứ nhì tuy đã vượt qua, giả sử vẫn sợ còn bị xao động mà cứ ngốc nghếch như tượng gỗ, không dám tùy vận mà ứng sự tiếp vật, đó vẫn không phải là cảnh giới lí tưởng, mà nhất định phải đạt đến chỗ: nếu ngũ dục đang hiện ở trước mắt, trong chỗ ngàn quân sát phạt mà vẫn có thể vận dụng tự nhiên, sát na không rời, đó mới là thông suốt cửa ải cuối cùng, gọi là “lao quan”.

VI. THAM THOẠI ĐẦU

Ba cửa ải như vừa thuật trên, phải là bậc có căn khí thượng thượng mới có thể thành tựu được. Điều quan yếu của cửa ải đầu tiên là sự khai ngộ; vừa ngộ tức thì liễu đạt, không phải nhờ đến “công huân”11. Nhưng đến hai cửa ải giữa và cuối thì vẫn phải nhờ vào sức tu trì. Hơn nữa, cửa ải đầu là cơ bản của hai cửa ải giữa và cuối, nếu nó mà không phá được thì hai cửa ải sau cũng đành bó tay. Cho nên từ xưa đến nay, các hành giả thiền môn đều không tiếc tánh mạng để chỉ cầu sự khai ngộ, mục đích là phá cái cửa ải đầu tiên; cửa ải này bị phá, tức thì thấy được tự tánh. Trong thời đại Tùy-Đường, các hành giả căn khí còn nhạy bén, phần nhiều, chỉ sau một lần chỉ điểm là liễu ngộ ngay. Về sau, tuy có nghe cũng không thể khai ngộ, do đó mới có pháp “tham thoại đầu”; tức do thiền sư nói ra một hai câu, mà lời nói không có ý nghĩa gì cả, khiến hành giả tập trung tinh thần để tham cứu. Do tâm lực được tập trung đó mà khởi sinh mối đại “nghi tình”(1), từ sáng đến tối, năm tháng chất chồng, lúc đi lúc ngồi đều không rời, nóng lạnh cũng không để ý tới. Cuối cùng, khi đã bị dồn nén đến chỗ sơn cùng thủy tận, thật không có biện pháp nào nữa, hốt nhiên máy động linh cơ, chỉ trong tích tắc mà trăm ngàn tạp niệm vỡ tan, cảnh giới chân thật hiện bày trước mắt; liền đó thì biết được mười phương ba đời12 vốn không từng có sự việc gì. Đến lúc này mới thấy được cái thân bất tử, mới chứng được cái thể vô sinh, trên thì cùng với chư Phật đồng hành, dưới thì cùng với hàm linh13 ở chung; đó là tác dụng lớn lao của pháp tham thoại đầu.

Pháp tham thoại đầu được khởi xướng, phải nói là đã manh nha từ buổi vấn đáp giữa vua Lương Vũ đế và tổ Bồ Đề Đạt Ma; sau đó, như đức Lục-tổ hỏi thiền sư Hoài Nhượng: “Vật gì thế? Tại sao đến?”, và câu ngài hỏi các đệ tử trước khi thị tịch: “Tôi có một vật không đầu không đuôi, không tên không tuổi, không lưng không mặt, các thầy biết nó chăng?”; cho đến thiền sư Mã Tổ nói với Bàng Uẩn: “Đợi lúc ông uống một hơi hết sạch nước sông Tây-giang, tôi sẽ nói cho ông nghe.”; v.v… đều là những câu nói mở đầu cho pháp tham thoại đầu này. Về sau, đến thời đại thiền sư Qui Sơn14 thì tính cách tham thoại đầu càng thêm rõ ràng, như khi ngài bảo sư Trí Nhàn(2): “Những gì thầy đã học đã ghi, nhất loạt không nói tới! Thế nào là bản lai diện mục của thầy khi cha mẹ chưa sinh ra thầy?” Đó tức là “thoại đầu”; truyền nối cho đến thiền sư Đại Tuệ Cảo15(3) mới được cực lực đề xướng. Ban đầu, các câu nói của các vị thiền sư đều không giống nhau, nhưng về sau thì dần dần nhất trí, như trong khoảng hai triều đại Nguyên, Minh, phần nhiều tham khán câu “Vạn pháp qui về một, một qui về đâu?”, trong khoảng từ nhà Minh sang nhà Thanh, phần nhiều người ta niệm Phật, cho nên lại đổi sang câu “Người niệm Phật là ai?” Đó đều là những ví dụ về pháp tham thoại đầu.

VII. RÈN LUYỆN TRONG NẾP SỐNG BÌNH THƯỜNG HẰNG NGÀY

Phương pháp thiền của tông này, chỉ có dùng tâm ấn tâm, không lập văn tự, cho nên không có lời để nói, không giống với phương pháp thiền của “giáo nội”16; hơn nữa, vì tông chỉ của nó là “thấy tánh thành Phật”, không nhờ đến công huân, cho nên cũng không có 42 giai vị(4) khác nhau; thậm chí cũng không chủ trương tĩnh tọa. Đức Lục-tổ bảo Tiết Giản(5): “Đạo do tâm ngộ, đâu phải do ngồi!”; cho nên ngài thấy người ngồi im lặng, từng lấy gậy đánh cho đứng dậy. Đệ tử của ngài là Hoài Nhượng, từng bảo thiền sư Đạo Nhất: “Mài gạch đã không thể thành gương, thì tọa thiền cũng đâu có thể thành Phật!” Do đó có thể biết, thiền pháp của tông môn không chú trọng đơn thuần vào lúc tĩnh tọa, mà phải rèn luyện ngay ở những sự việc bình thường, đối người tiếp vật trong sinh hoạt hằng ngày; thật phù hợp với cái cảnh giới mà Lão Tử đã từng nói: “Hòa với ánh sáng, đồng với bụi trần, mà vẫn giữ được sự trong trẻo.”17 

 

CHÚ THÍCH

1. Là một trong ba thân của Phật. Đó là chân thân, cái thân do pháp tánh làm thành, cho nên gọi là “pháp thân”; là nơi y chỉ của tất cả mọi công đức.

2. Bản thể, nơi sở y của các pháp, đó là “pháp tánh”, cũng là tên gọi khác của thật tướng, chân như, pháp giới, niết bàn v.v…; ở nơi các loài hữu tình thì gọi là “phật tánh”, ở nơi các loài vô tình thì gọi là “pháp tánh”.

3. Thể tánh của các pháp là chân thật, không hư vọng, gọi là “chân”; như thường, không biến đổi, gọi là “như”; hợp hai nghĩa chân thật và như thường lại, gọi là “chân như”, cũng gọi là tự tánh thanh tịnh tâm, phật tánh, pháp thân, như lai tạng, thật tướng, pháp giới, pháp tánh, viên thành thật tánh.

4. Chân như, nếu ở trong phiền não thì thu nhiếp và chứa giữ tất cả công đức trên quả địa của Như Lai, gọi là “như lai tạng”; nếu ra khỏi phiền não, gọi là “pháp thân”.

5. Nghĩa của từ “pháp giới” đã nói rõ trong chú thích số 5, bài 10 ở trước; hợp pháp giới và pháp tánh, gọi là “pháp giới tánh”.

6. Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn nói: “Tâm vô trụ là tâm Phật.”

7. Tức là thật tướng chân như. Xin xem lại chú thích số 11, bài 15, sách Trung Cấp Phật Học Giáo Bản.

8. “Tâm” là tâm Phật, “ấn” là ấn khả, hoặc ấn định. Thiền tông không lập văn tự, không y ngôn ngữ, chỉ lấy tâm truyền tâm, lấy tâm Phật ấn định tâm chúng sinh, chứng tướng không hai, cho nên gọi là “tâm ấn”.

9. Cũng gọi là “bản lai diện mục”, là thiền ngữ hình dung thân phận và tâm tánh của chính mình.

10. “Bản tham” là ý nói sự tham cứu của chính mình.

11. Hai chữ “công huân” là mượn để dùng, cũng như nói công phu, hay công hiệu.

12. “Hoành biến thụ cùng” là nói “hoành biến thập phương, trực cùng tam giới” (ngang thì bao khắp mười phương, dọc thì trải suốt ba đời) vậy.

13. Xin xem lại chú thích số 3, bài 19 ở trước.

14. Đời Đường, thiền sư Qui Sơn ở Đàm-châu tên là Linh Hựu, tham học với tổ Bách Trượng, xét rõ tâm pháp. Gặp lúc vua Đường Vũ-tông hủy diệt Phật pháp, ngài sống ẩn lánh trong dân làng. Đầu niên hiệu Đại-trung, ngài trở về núi Qui-sơn, hoằng pháp hơn 40 năm thì thị tịch, thế thọ 83 tuổi.

15. Đời vua Tống Triết-tông, thiền sư Đại Tuệ thuộc tông Kính Sơn, 37 tuổi ngộ đạo, pháp tịch rất thịnh, tháng 8 năm đầu niên hiệu Long-hưng thị tịch, thế thọ 75 tuổi, có sách Ngữ Lục 80 quyển.

16. Thiền tông lấy tâm truyền tâm, không lập giáo pháp bằng văn tự, gọi là “giáo ngoại”; còn tất cả lời dạy của Phật, được chép bằng văn tự để có thể y chiếu, đều gọi là “giáo nội”.

17. Nguyên câu là: “Hòa với ánh sáng kia, đồng với bụi trần kia, trong trẻo hề, giống như còn.”; có nghĩa là, tuy hợp cùng với trần tục, mà tính trong trẻo thanh tĩnh vẫn giữ được, không mất. Đó là hình dung cái cảnh giới quên hình tướng mà khế hợp với đạo.

 

PHỤ CHÚ

1) Nghi tình: là tâm trạng nghi hoặc, dụ dự, không quyết định. “Nghi” là lí trí suy xét nhưng không nhận rõ được lẽ thật hư, là trạng thái tâm lí không biết chắc rõ ràng, không thể xác quyết là phải hay quấy. Khi có điều nghi ngờ, người ta thường có khuynh hướng dùng triết lí để phân tích vấn đề, hoặc quán sát trực tiếp vấn đề, để mong thấy rõ cái lí lẽ chân thật. Như vậy, đặc tính của “nghi”, khởi đầu là nghi một hiện tượng ngoại giới, rồi dần dần chuyển hướng vào nội giới, hình thành một “khối nghi” – tức là “nghi tình”, làm điều kiện dễ dàng cho trí quán chiếu trực tiếp phát sinh. Bởi vậy, Thiền tông thường nhấn mạnh rằng, cái nghi lớn (đại nghi) chính là cái tuyệt đối cần thiết cho sự tham thiền ngộ đạo. Ví như có vị sư làm mất chiếc áo cà sa duy nhất, tìm không thấy, cứ nhớ mãi trong lòng, niệm niệm không quên, để rồi lại đi tìm, cho đến khi nào tìm thấy mới thôi. Cho nên, “nghi” là điều tối quan trọng của hành giả tập thiền, có nghi mới có chứng ngộ; và cái nghi đó được gọi là “nghi tình”, cũng tức là “chân nghi” (cái nghi chính đáng). Không có cái nghi tình này thì sẽ không hi vọng có ngày chứng ngộ.

2) Trí Nhàn (?-898): tức thiền sư Hương Nghiêm, đời Đường. Ngài người huyện Ích-đô, tỉnh Sơnđông, ban đầu xuất gia với thiền sư Bách Trượng, sau theo tham học với thiền sư Qui Sơn, không khai ngộ, bèn khóc lạy mà từ biệt. Một hôm đang dẫy cỏ ở trong núi, bỗng một miếng gạch vỡ văng vào bụi trúc, phát ra tiếng động, ngài nghe mà chợt tỉnh, liền tỏ ngộ ý chỉ áo bí của thiền sư Qui Sơn, bèn kế thừa pháp hệ của ngài Qui Sơn, hoằng hóa ở núi Hương-nghiêm, đồ chúng theo học có hơn ngàn người, được người đời xưng hiệu là Hương Nghiêm thiền sư; sau khi viên tịch, được ban thụy hiệu là Tập Đăng đại sư.

3) Đại Tuệ Cảo: tức Đại Tuệ Tông Cảo (1089-1163), vị thiền sư thuộc phái Dương Kì, tông Lâm Tế. Ngài họ Hề, quê ở huyện Ninh-quốc, tỉnh An-huy, 17 tuổi xuất gia, 18 tuổi thọ giới cụ túc; rồi đi tham phỏng nhiều nơi, cuối cùng, trong khoảng niên hiệu Tuyên-hòa (1119-1125), theo tu học với thiền sư Viên Ngộ (1063-1135, tổ đời thứ ba của phái Dương-kì) tại Đông-kinh (phủ Khai-phong). Sau khi ngộ đạo, ngài được kế thừa pháp hệ của thiền sư Viên Ngộ, rồi được thiền sư phó chúc cho tác phẩm Lâm Tế Chánh Tông Kí, lại được thiền sư cho ngồi chung tòa thuyết pháp, từ đó mà nổi tiếng thiên hạ, tăng tục đều qui ngưỡng. Năm 1126, ngài được vua Tống Khâm-tông (1126-1127) ban cho áo tía, và được ban hiệu là Phật Nhật đại sư. Năm 1137, do lời thỉnh cầu của quan thừa tướng, ngài đến trú trì chùa Năngnhân ở Kính-sơn, đại chấn thiền pháp, tăng tục vân tập tu học đông đúc. Mấy năm sau, ngài bị gian thần Tần Cối (1090-1155) hãm hại, bị tước đoạt áo mão, độ điệp, lưu đày đến Hành-dương (tỉnh Hồ-nam).

Trong đời sống lưu đày, ngài vẫn cùng với môn đồ giữ nếp tu học thường nhật. Ngài giảng dạy, và cùng môn đồ sưu tập, thảo luận các công án của chư vị tôn túc xưa, làm thành bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng gồm 6 quyển. Năm 1156 ngài được ân xá, sang năm sau được mặc lại tăng phục; rồi hai năm sau nữa, ngài vâng sắc về trú tại Kính-sơn như cũ, tăng tục lại qui về tu học như trước, được người đời xưng là Kính Sơn Tông Cảo. Từ đây ngài cực lực cổ xúy, xiển dương phương pháp “công án thiền”, được gọi là “thoại đầu thiền” (tức loại thiền pháp chuyên khảo sát công án, thoại đầu để cầu khai ngộ). Tăng tục bốn phương nghe đạo phong của ngài, vân tập về đây tham học, số đồ chúng dưới tòa thường đông đến vài ngàn người. Vua Tống Hiếu-tông (1163-1189) ban hiệu cho ngài là Đại Tuệ thiền sư, và xin qui y làm đệ tử của ngài. Mùa thu năm 1163 ngài nhuốm bệnh nhẹ, liền tự tay viết tờ tấu trình vua, rồi viết kệ để lại cho đệ tử; viết xong ngài đặt bút xuống, an nhiên thị tịch, thế thọ 75 tuổi, thụy hiệu là Phổ Giác thiền sư.

4) 42 giai v: tức 42 bậc trong quá trình tu tập của hàng Bồ-tát, từ thấp lên cao gồm có: 10 bậc Trụ, 10 bậc Hạnh, 10 bậc Hồi-hướng, 10 bậc Địa, bậc Đẳng-giác, và bậc Diệu-giác (tức Phật quả).

5) Tiết Giản: là tên quan nội thị trong cung nữ hoàng Vũ Tắc Thiên (684-705), được vua sai đi thỉnh Lục-tổ Tuệ Năng vào cung. Kinh Pháp Bảo Đàn chép: “Ngày Thượng-nguyên năm đầu niên hiệu Thầnlong, Nữ hoàng Vũ Tắc Thiên và vua sắp kế vị là Đường Trung-tông hạ chiếu rằng: Trẫm đã thỉnh hai ngài An đại sư và Tú đại sư vào ở trong cung để cúng dường. Mỗi khi mọi việc rảnh rang, trẫm học giáo lí nhất thừa với hai ngài. Hai ngài kính nhường nói rằng, Nam phương có thiền sư Tuệ Năng, là người đã được Tổ Hoằng Nhẫn mật trao y pháp, truyền cho tâm ấn của Phật. Hoàng thượng nên thỉnh ngài vào cung mà hỏi pháp. Nay trẫm sai nội thị Tiết Giản đem chiếu này đến cung thỉnh đại sư, xin đại sư từ bi, nhanh chóng đến kinh đô…”

 

BÀI TẬP

1) Thế nào là thấy tánh?

2) Vì sao chỉ có thấu rõ Tông mới có thể thông hiểu Giáo?

3) Cách qua suốt ba cửa ải như thế nào?

4) Thế nào là tham thoại đầu? Tác dụng lớn lao của thoại đầu như thế nào?

5) Ai là người đã cực lực đề xướng pháp tham thoại đầu?

6) Người tham thiền, trong khoảng hai triều Nguyên, Minh, phần nhiều họ tham cứu câu nói gì? Trong khoảng hai triều Minh, Thanh, họ tham cứu câu nói gì?

7) Đức Lục-tổ và thiền sư Hoài Nhượng đều phản đối việc ngồi thiền; có câu nói gì để chứng minh cho điều đó?