GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 27
TÔNG THIỀN (phần 1)
I. KHỞI NGUYÊN và ĐẶC ĐIỂM của THIỀN TÔNG MÔN
Trong kinh Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi1(1) có chép: “Phạm Vương2 đến Linh-sơn3, dâng hoa ba-la4 màu vàng kim lên cúng dường Phật, dùng thân mình làm tòa, thỉnh Phật ngồi thuyết pháp. Đức Thế Tôn lên ngồi trên pháp tòa, cầm cành hoa đưa lên trước đại chúng, mặc nhiên không nói. Lúc bấy giờ, cả trăm vạn trời, người đều không hiểu5 ý gì, riêng tôn giả Kim Sắc Đầu Đà6 tươi nét mặt mỉm cười. Đức Thế Tôn dạy: Ta có chánh pháp nhãn tạng7, diệu tâm niết bàn, thật tướng không tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền riêng ở ngoài ngôn giáo8; nay đem phó chúc cho Đại Ca Diếp.” Đó là khởi đầu của thiền tông môn9. Nhưng, nếu lại đi dò tìm nguồn gốc xa hơn nữa, thì ngay trong đêm đức Thích Tôn ngồi ở cội cây bồ đề, buổi sáng sớm khi sao mai vừa mọc, Ngài thành bậc Tối Chánh Giác; đầu mối đã khởi sinh từ lúc đó. Cho nên, loại thiền pháp này không liên quan đến ngôn ngữ văn tự, tâm duyên động tác; truyền thừa cho nhau trải qua các thời đại, chỉ là dùng tâm ấn tâm, xiển minh tông chỉ “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”10. Đó là đặc điểm của thiền tông môn.
II. SỰ TRUYỀN THỪA của TÔNG THIỀN và TÌNH HÌNH NĂM NHÀ PHÂN PHÁI
Sau khi thọ pháp, tôn giả Đại Ca Diếp đã trở thành sơ tổ tông Thiền; sau đó truyền cho tôn giả A Nan là tổ thứ nhì; dần dà truyền đến ngài Bồ Đề Đạt Ma(2) là tổ thứ 28. 28 vị tổ này đều là “đơn truyền”(3), địa điểm truyền pháp đều tại Ấn-độ, đó là “28 vị tổ ở Tây-thiên(4)”.
Vào đời Lương11, tháng 9 năm thứ 7 niên hiệu Phổ-thông12, Sơ-tổ13 Đạt Ma theo đường biển đến Quảng-đông, Trung-quốc. Vua Lương Vũ đế sai người nghinh thỉnh ngài đến Kim-lăng. Trong lúc hỏi đáp, nhà vua không lĩnh ngộ, sư bèn qua sông sang nước Ngụy(5), dừng chân tại chùa Thiếu-lâm(6) ở núi Tung, ngồi xoay mặt vào vách. Sau đó ngài truyền pháp cho Nhị-tổ Tuệ Khả; ngài Tuệ Khả truyền cho Tam-tổ Tăng Xán(7); ngài Tăng Xán truyền cho Tứ-tổ Đạo Tín(8); ngài Đạo Tín truyền cho Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn; ngài Hoằng Nhẫn truyền cho Lục-tổ Tuệ Năng(9). Đó là 6 vị tổ ở Đông-độ; cộng tất cả là 33 vị tổ.
Sau ngài Lục-tổ, chế độ truyền thừa của tông Thiền có hai biến đổi lớn: Một, nhân vì có sự tranh đoạt y bát rất kịch liệt, cho nên chỉ truyền pháp mà không truyền y bát; và xưng là “sư” chứ không xưng là “tổ”. Hai, nhân vì bị hạn chế bởi chế độ đơn truyền quá ư hẹp hòi, làm cho pháp vũ không thể ban bố rộng rãi, cho nên truyền thống đơn truyền bị hủy bỏ, mà đổi thành “quảng truyền”. Đệ tử đắc pháp của ngài Lục-tổ, theo như danh sách còn ghi chép lại, có 43 vị; trong đó, hai ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng(10) và Thanh Nguyên Hành Tư(11) là trứ danh nhất. Môn hạ trứ danh của ngài Hoài Nhượng có thiền sư Đạo Nhất, đệ tử truyền pháp của ngài có đến hơn 80 vị. Về sau, từ hai nhánh Nam Nhạc và Thanh Nguyên đã phân ra các tông phái gồm có Qui Ngưỡng(12), Lâm Tế(13), Tào Động(14), Vân Môn(15), Pháp Nhãn(16), gọi là “năm nhà”. Dưới Lâm Tế lại có hai phái Hoàng Long(17) và Dương Kì(18); cộng lại là “bảy nhà”; cho thấy sự truyền thừa rất thịnh.
Nay xin đem sự phân phái làm bảy nhà, theo thứ tự trình bày như sau:
III. CHÂN ĐẾ và ĐỐN GIÁO
Ngài Đạt Ma, Sơ-tổ Thiền tông Đông-độ, thấy Trung-quốc có khí tượng đại thừa, bèn theo đường biển mà đến, chuyên tiếp người lợi căn thượng trí, làm cho họ thoát khỏi tập khí danh ngôn, biết bản tâm của chính mình, thấy bản tánh của chính mình, ngay lúc đó đã cùng với chư Phật không khác.
Khi ngài đến Kim-lăng(28), vua Lương Vũ đế hỏi rằng: Trẫm xây chùa, chép kinh, độ tăng, nhiều không kể xiết, vậy có công đức gì? Ngài đáp: Chẳng có chút công đức nào! Chỉ có cái quả báo nhỏ nhoi của người, trời; chỉ là cái nhân hữu lậu, như ảnh theo hình, tuy có mà không chân thật. Nhà vua lại hỏi: Như thế nào mới là công đức chân thật? Ngài đáp: Trí tuệ thanh tịnh tròn đầy vi diệu, tự thể không tịch; công đức như thế không phải do nơi thế gian mà cầu được! Nhà vua hỏi: Như thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa? Ngài đáp: Hoàn toàn không có thánh! Nhà vua lại hỏi: Người ngồi đối diện với trẫm là ai? Ngài đáp: Không biết!
Nhà vua không thể liễu ngộ. Ngài bèn qua sông đi đến núi Tung, dừng lại nơi chùa Thiếu-lâm, quay mặt vào vách mà ngồi. Về sau truyền pháp cho Nhị-tổ Tuệ Khả.
Những câu hỏi của vua Vũ đế trên đây đều là tục đế; mà những câu trả lời của tổ Đạt Ma thì đều là chân đế. Và chân đế mới là cảnh giới của tông Thiền.
Thiền sư Thần Tú(29) là vị thượng tọa14 trong số 500 môn hạ của Ngũ-tổ. Lúc bấy giờ, Lục-tổ Tuệ Năng, nguyên là người tiều phu ở đất Lĩnh-nam(30), cũng đến tham học với Ngũ-tổ, được cho ở nơi nhà giã gạo để giã gạo. Một hôm, Ngũ-tổ bảo các môn nhân, mỗi người làm một bài kệ để bày tỏ điều tâm đắc. Sư Thần Tú viết bài kệ lên vách rằng:
Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau chùi
Đừng để bị dính bụi!
Tuệ Năng vốn không biết chữ, nghe đọc bài kệ ấy, cũng miệng đọc một bài kệ, nhờ ông Trương biệt giá15 chép giùm bên cạnh bài kệ của sư Thần Tú; kệ rằng:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Bụi dính vào chỗ nào?
Ngũ-tổ bèn truyền y pháp cho ngài Tuệ Năng, làm tổ đời thứ sáu của tông Thiền Đông-độ(31).
Bài kệ của ngài Thần Tú ghi trên là thuộc về tiệm giáo16, còn bài kệ của ngài Tuệ Năng thì thuộc về đốn giáo17; và đốn giáo mới là giáo pháp của Thiền tông.
CHÚ THÍCH
1. Kinh này có 3 quyển, không thu vào trong Đại Tạng, ông Vương Kinh từng thấy nó ở Hàn-uyển. Nội dung kinh này phần nhiều nói về các đế vương phụng sự Phật và những sự việc họ thỉnh vấn Phật, cho nên thuộc bí tạng, đời không thể biết được. Việc này được thấy trong “Tông Môn Tạp Lục”.
2. Đó là tên gọi tắt của Đại Phạm Thiên Vương, ở tầng trời Sơ-thiền, cõi Sắc.
3. Lối dịch cũ gọi là Kì-xà-quật sơn; lối dịch mới gọi là Linh-thứu sơn, hoặc Linh-sơn. Nhân vì núi hình giống như chim thứu (kên-kên), trên núi lại có nhiều chim thứu ở, cho nên có tên như vậy. Núi ấy ở tại phía Đông-Bắc thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà. Đức Thích Tôn thường thuyết pháp ở núi ấy.
4. Hoa ba-la tức hoa ưu-bát-la, là một loại hoa sen. Loại hoa màu vàng kim này là loại tôn quí nhất, không có ở nhân gian mà chỉ có ở cõi Trời. Trời Phạm Thiên Vương đem hoa ấy cúng dường Phật và thỉnh Phật thuyết pháp.
5. Chữ “võng” nghĩa là không; “võng thố” nghĩa là không chủ trương, hoặc không hiểu biết.
6.“Đầu đà” tức tu 12 hạnh đầu đà (xin xem lại chú thích số 3, bài 2, sách Trung Cấp Phật Học Giáo Bản). Tôn giả Đại Ca Diếp, thân thể có màu vàng kim, có ánh sáng. Trong các đệ tử Phật, ngài tu hạnh đầu đà bậc nhất, được xưng là Kim Sắc Đầu Đà, hoặc Ẩm Quang.
7. Con mắt tâm của Phật thấy suốt chánh pháp, cho nên gọi là “chánh pháp nhãn”; sâu rộng mà hàm tàng muôn đức, cho nên gọi là “tạng”. Đây là chỉ cho trí tuệ thấy biết thật tướng của Phật.
8. Cách tu tiến trong Thiền tông là lìa ngôn ngữ văn tự, truyền thẳng tâm ấn của Phật và Tổ, gọi là “truyền riêng ở ngoài ngôn giáo”; ý nói là truyền riêng ở ngoài ngôn giáo của đức Như Lai.
9. Thiền pháp do Thiền tông truyền, gọi là “thiền tông môn”.
10. “Thấy tánh” tức là thấy tất cả chúng sinh vốn có đầy đủ Phật tánh; tánh đó tức là Phật, cho nên gọi là “Phật tánh”. Người thấy được Phật tánh nơi chính mình thì ngay tức khắc cùng với chư Phật không khác; nhà thiền gọi đó là “thấy tánh thành Phật”.
11. Vào thời đại Nam-triều, Tiêu Diễn được vua nhà Tề nhường ngôi, xưng đế, đặt quốc hiệu là Lương, đó là vua Lương Vũ đế, đóng đô tại Kiến-nghiệp, tức nay là Nam-kinh, truyền nối được 4 đời vua, tổng cộng 56 năm thì bị diệt vong.
12. Phổ-thông là niên hiệu của vua Lương Vũ đế.
13. Ở Ấn-độ, ngài Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của Thiền tông; sau khi sang Trung-quốc truyền pháp, trở thành vị tổ đầu tiên của Thiền-tông Đông-độ.
14. Vị tăng ở địa vị tối cao, gọi là “thượng tọa”. Kinh Tì Ni Mẫu nói: Từ không hạ đến 9 hạ, gọi là hạ tọa; từ 10 hạ đến 19 hạ, gọi là trung tọa; từ 20 hạ đến 49 hạ, gọi là thượng tọa.
15. “Biệt giá” là tên chức quan, tức là vị phụ tá của quan thứ sử ở một châu.
16. Khác với đốn giáo thì nói là tiệm giáo. Phàm lúc ban đầu nói giáo pháp tiểu thừa, về sau nói giáo pháp đại thừa; từ cạn đến sâu, gọi là “tiệm giáo”.
17. Khác với tiệm giáo thì nói là đốn giáo. Phàm đối với căn cơ đốn ngộ, nói thẳng diệu lí rốt ráo, giáo pháp không trải qua thứ tự thấp cao, gọi là “đốn giáo”.
PHỤ CHÚ
(01) Kinh Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi: Theo Phật Quang Đại Từ Điển, tên kinh này là Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi, gọi tắt là Kinh Vấn Phật Quyết Nghi, 1 quyển, được thu vào bộ Tục Tạng (tức bộ Đại Tạng Chữ Vạn), tập 87.
(02) Bồ Đề Đạt Ma ( Bodhidharma, ?-535): thông thường xưng là Đạt Ma, vốn là hoàng tử thứ ba, con của vua nước Hương-chí, miền Nam Thiên-trúc. Ngài vốn tên là Bồ Đề Đa La, sau khi theo học đạo với tôn giả Bát Nhã Đa La, vị tổ thứ 27 của Thiền tông Ấn-độ, được đổi tên là Bồ Đề Đạt Ma; hơn 40 năm ngài mới được truyền y bát, trở thành vị tổ thứ 28. Sau khi tôn giả viên tịch, ngài vâng lời di huấn của thầy, sang Đông-độ hành đạo. Về thời gian ngài đến Trung-quốc, nhiều thuyết nói khác nhau: Theo tác giả Phương Luân, trong bài học trên, ngài sang Trung quốc vào tháng 9 năm thứ 7 niên hiệu Phổ-thông (tức năm 526 TL) đời vua Lương Vũ đế; sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (q. 3) nói là tháng 9 năm thứ 8 niên hiệu Phổ-thông (tức năm 527); sách Truyền Pháp Chánh Tông Kí (q.5) thì nói tháng 9 năm đầu niên hiệu Phổ-thông (tức năm 520); sách Tục Cao Tăng Truyện (q.16) lại nói là vào năm cuối của nhà Tống (tức năm 479). Trước tiên ngài tới Quảng-châu (tỉnh Quảng-đông), quan viên địa phương tâu về triều (Nam-triều), vua Lương Vũ đế (502-549) cho sứ giả đến Quảng-châu thỉnh ngài về kinh đô Kim-lăng (Kiến-nghiệp). Qua cuộc đàm đạo đầu tiên, nhà vua không hiểu được pháp ngữ của ngài, nên tỏ ý không bằng lòng. Thấy vậy, ngài từ giã vua Lương, xuống đò sang sông sang đất Bắc-Ngụy (Bắc-triều), lên chùa Thiếu-lâm trên núi Tung, vào trong một hang đá, ngồi xoay mặt vào vách nhập định 9 năm, người ta không hiểu ý tứ gì, chỉ gọi là “Bích Quán bà la môn”. Lúc đó có ngài Thần Quang, nghe tiếng thì biết đây là người mình có thể nương tựa, bèn tìm tới, tự chặt cánh tay, quì ngoài tuyết lạnh suốt đêm để xin cầu pháp. Cảm nhận tâm tinh thành, ngài bèn thu nhận làm đệ tử, trao cho pháp “an tâm”, truyền tâm ấn, đổi tên cho là Tuệ Khả. Dần dần danh tiếng vang xa, nhiều người qui tụ xin theo tu học, khiến cho chùa Thiếu-lâm, từ trước vốn không được ai biết đến, bây giờ trở thành một đạo tràng hưng thịnh. Trải qua 9 năm, xét thấy các môn hạ đạo phong đã vững chắc, ngài bèn chọn Tuệ Khả là vị đệ tử kiệt xuất nhất, truyền cho y bát, kế thừa làm vị tổ thứ 29 Thiền tông nói chung, và là vị tổ đời thứ hai của Thiền tông Trung-hoa nói riêng. Sau đó ngài viên tịch, an táng ở chùa Thượng-lâm trên núi Hùng-nhĩ. Nhưng 3 năm sau, sứ giả của vua Bắc-Ngụy là Tống Vân, khi đi qua núi Thông-lĩnh thì thấy ngài quảy một chiếc giày đi về hướng Tây.
(03) Đơn truyền: chỉ cho sự truyền tâm ấn trong Thiền tông, chỉ có một thầy truyền pháp cho một đệ tử xứng cơ đắc pháp, không y vào kinh giáo, không chú trọng ngôn ngữ văn tự.
(04) Tây-thiên: Chữ “thiên” tức Thiên-trúc, là nước Ấn-độ. Phật giáo từ Ấn-độ truyền sang Trung-quốc, đối với Trung-quốc thì Ấn-độ nằm ở phía Tây, nên người Trung-quốc đã gọi Ấn-độ là Tây-thiên, hay Tâytrúc. Ngược lại, đối với Ấn-độ thì Trung-quốc nằm ở phía Đông, nên người Trung-quốc tự gọi nước mình là “Đông-độ”.
(05) Nước Ngụy: tức nước Bắc-Ngụy trong thời đại Nam-Bắc-triều (xin xem lại phụ chú số 12, bài 23, sách GKPH II, quyển Hạ).
(06) Chùa Thiếu-lâm: Có hai ngôi chùa cùng tên Thiếu-lâm, và cùng nổi tiếng: một ngôi tọa lạc tại Bàng-sơn, tỉnh Hà-bắc, được xây vào giữa thế kỉ 13, dưới triều đại nhà Nguyên; một ngôi tọa lạc tại Tung-sơn, tỉnh Hà-nam, được xây sớm hơn, vào cuối thế kỉ thứ 5, dưới triều đại nhà Bắc-Ngụy. Ngôi chùa Thiếu-lâm nói tới ở đây là ngôi ở Tung-sơn, tỉnh Hà-nam. Chùa này tọa lạc tại ngọn Thiếu-thất, là một ngọn ở đầu phía Tây của rặng núi Tung-sơn, do vua Hiếu Văn đế (471-499) của nhà Bắc-Ngụy kiến tạo vào năm 496, mời Phật Đà thiền sư (người Thiên-trúc) trụ trì. Năm 527, ngài Bồ Đề Đạt Ma đến đây, ngồi trong hang đá “diện bích” nhập định 9 năm, rồi truyền pháp cho sư Tuệ Khả, sáng lập Thiền tông; sử gọi ngài Bồ Đề Đạt Ma là Sơ-tổ, chùa Thiếu-lâm là tổ đình, tăng tục vân tập tu học đông đảo, Thiền pháp từ đó thịnh hành. Đến triều đại Bắc-Chu, vua Vũ đế (561-578) bài trừ đạo Phật, tất cả tự viện đều bị phá hủy, chùa này cũng cùng chung số phận; nhưng đến đời vua Tĩnh đế (579-581) thì chùa lại được phục hưng, và được đổi tên là Trắc-hộ. Đến thời đại nhà Tùy, vua Tùy Văn đế (581-604) ban sắc, chùa lấy lại tên cũ là Thiếu-lâm. Năm 617 (năm cuối cùng của vua Tùy Dạng đế) chùa bị sơn tặc phá hủy, chỉ còn lại một ngôi tháp. Vào đầu thời đại nhà Đường (sáng lập năm 618), vì tăng chúng chùa Thiếu-lâm từng giúp vua Đường Thái-tông (627-649) dựng nước có công, chùa Thiếu-lâm lại được trùng hưng, và môn võ nghệ Thiếu-lâm cũng được nổi danh, thịnh truyền từ đó. Từ cuối đời Đường sang đời Ngũ-đại tức nửa đầu thế kỉ thứ 10), chùa Thiếu-lâm là đạo tràng lớn của tông Lâm Tế; từ thế kỉ 13 đến nay, nó là đạo tràng trung tâm của tông Tào Động.
(07) Tăng Xán (?-606): vị tổ đời thứ ba của Thiền tông Trung-quốc, sống vào thời đại nhà Tùy, không rõ quê quán ở đâu. Từ trước khi xuất gia, ngài đã bị bệnh phong, chữa trị không khỏi, đầu rụng sạch tóc, cho nên người địa phương đã gọi ngài là Xích Đầu Xán (Xán đầu hói). Khi còn mang thân cư sĩ, ngài đã đến xin tham yết Nhị-tổ Tuệ Khả, đắc pháp, được truyền y bát; bấy giờ đã hơn 40 tuổi. Vào triều đại BắcChu (559-581), khi vua Vũ đế diệt Phật, ngài phải đổi chỗ ở nhiều nơi để lánh nạn, cuối cùng thì ở ẩn tại núi Hoãn-công (tỉnh An-huy), người đời không ai biết. Đến nhà Tùy (581-619), Phật giáo được phục hưng, ngài mới mở đạo tràng độ chúng. Năm 592 (đời vua Tùy Văn đế), ngài Đạo Tín đến xin qui y, bấy giờ mới 13 tuổi; sau 9 năm dạy dỗ, thấy cơ trí đã xứng hợp, ngài bèn truyền tâm ấn cho ngài Đạo Tín. Vào năm 606 (đời vua Tùy Dạng đế), một hôm, khi thấy nhân duyên đã thuần thục, ngài đứng trước tịnh thất, chắp tay trước ngực mà viên tịch.
(08) Đạo Tín (580-651): là vị tổ đời thứ tư của Thiền tông Trung-quốc, là đệ tử đắc pháp của tổ thứ ba Tăng Xán (?-606), và là thầy của tổ thứ năm Hoằng Nhẫn (602-675). Ngài họ Tư-mã, quê ở huyện Quảng-tế, tỉnh Hồ-bắc. Lúc nhỏ ngài nhân hâm mộ Không tông mà xuất gia. Năm 13 tuổi ngài vào núi Hoãn-công ở Thư-châu (nay là thành phố An-khánh, tỉnh An-huy), tham yết thiền sư Tăng Xán, chỉ do một lời nói mà đại ngộ; hầu cận 9 năm thì được truyền y bát. Năm 38 tuổi ngài dẫn đồ chúng đến thành Lư-lăng (nay là huyện Cát-an, tỉnh Giang-tây), gặp lúc thành này bị đạo tặc bao vây đến 7 tuần (một tuần ngày xưa ở Trung-quốc là 10 ngày), giếng, suối đều khô nước, dân chúng lo lắng sợ sệt. Ngài bèn khuyên mọi người tăng tục trong thành tụng tâm kinh Ma Ha Bát Nhã. Đạo tặc từ ngoài nhìn vào thành, trông thấy như có binh thần canh giữ bảo vệ, liền bảo nhau: “Trong thành tất có dị nhân, không dễ gì tấn công.” Rồi chúng kéo nhau bỏ đi. Sau đó ngài đến chùa Đại-lâm ở Lô-sơn (tỉnh Giang-tây) mở đạo tràng hoằng hóa. Năm 45 tuổi ngài về lại Hồ-bắc, trú ở núi Phá-đầu đến hơn 30 năm, truyền pháp cho thiền sư Hoằng Nhẫn. Một vị đệ tử khác của ngài là thiền sư Pháp Dung (594-657) ở núi Ngưu-đầu (Nam-kinh) biệt lập một phái thiền gọi là “Ngưu Đầu Thiền”. Năm 64 tuổi ngài ba lần được vua Đường Thái-tông (627-649) triệu vào cung, ngài đều từ khước. Vua cho sứ giả đến truyền lệnh: Nếu ngài không chịu vào cung thì sẽ bị chém đầu. Ngài lập tức đưa cổ cho sứ giả chém. Sứ giả kinh dị, về triều tâu lại, vua rất sùng kính. Năm 72 tuổi ngài thị tịch.
(09) Tuệ Năng: tức Huệ Năng (xin xem chú thích số 18, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 4, 5 và 6”, sách GKPH I).
(10) Nam Nhạc Hoài Nhượng (667-744): Ngài họ Đỗ, quê huyện Hán-âm, tỉnh Thiểm-tây, xuất gia từ năm 15 tuổi. Ban đầu học Luật, sau vào Tào-khê tham học với tổ Tuệ Năng, trở thành một môn nhân xuất sắc của Lục-tổ. Sau khi Lục-tổ viên tịch, năm 713 (đời vua Đường Huyền-tông) ngài đến trú tại đài Quán Âm thuộc chùa Bát-nhã ở núi Nam-nhạc (tỉnh Hồ-nam), xiển dương học thuyết của tổ Tuệ Năng, khai sáng pháp hệ Nam Nhạc (là một trong hai pháp hệ lớn của Thiền Nam-tông), được người đời gọi tên là Nam Nhạc Hoài Nhượng; và dòng phái của ngài được gọi là “Nam Nhạc Hạ”. Dòng phái này về sau đã sản xuất ra hai pháp phái nổi tiếng là tông Qui Ngưỡng và tông Lâm Tế. Ngài viên tịch năm 744, thế thọ 68 tuổi, thụy hiệu là Đại Tuệ thiền sư.
(11) Thanh Nguyên Hành Tư (?-740): Ngài họ Lưu, quê ở huyện An-phước, tỉnh Giang-tây, xuất gia từ thuở nhỏ, theo học với Lục-tổ Tuệ Năng, cùng với ngài Hoài Nhượng, được coi là hai vị đệ tử thượng thủ và cùng kế thừa đạo nghiệp của Lục-tổ. Về sau ngài đến trụ tích tại chùa Tĩnh-cư ở núi Thanh-nguyên (tỉnh Giang-tây), nên được xưng là Thanh Nguyên Hành Tư. Tại đây ngài xiển dương thiền pháp của Lụctổ, môn đồ vân tập tu học đông đảo, lập thành dòng phái gọi là “Thanh Nguyên Hạ”. Dòng phái này về sau đã sản xuất ra ba pháp phái nổi tiếng khác là các tông Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Ngài viên tịch năm 740, không rõ tuổi thọ, thụy hiệu là Hồng Tế thiền sư.
(12) Qui Ngưỡng tông: là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, thuộc pháp hệ của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng. Tông này do hai ngài Qui Sơn Linh Hựu (771-853) và Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch (807-883) làm tổ, và lấy hai chữ “Qui” và “Ngưỡng” ghép lại làm tên. Ngài Linh Hựu (đệ tử đắc pháp của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải) hoằng dương thiền pháp ở núi Qui-sơn (huyện Trường-sa, tỉnh Hồ-nam); đệ tử của ngài là Tuệ Tịch kế thừa tông phong, hoằng dương thiền pháp tại núi Ngưỡng-sơn (huyện Nghi-xuân, tỉnh Giang-tây). Tông này rất hưng thịnh trong khoảng cuối thời Đường sang thời Ngũ-đại, tính ra chừng 150 năm, đến đời Tống thì dần dần mai một; cuối cùng thì nhập vào tông Lâm Tế.
(13) Lâm Tế tông: là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) làm tổ khai sáng, thuộc pháp hệ của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng. Ngài Nghĩa Huyền trước tham học với ngài Hoàng Bá Hi Vận (?-850), nhưng không ngộ được gì; sau xin tham yết hai ngài Cao An Đại Ngu (?-?) và Qui Sơn Linh Hựu mới được đại ngộ; rồi trở về lại với ngài Hoàng Bá để được ấn chứng. Năm 854, ngài đến trú tích tại Lâm-tế viện ở Trấn-châu (tỉnh Hà-bắc), mở đạo tràng xiển dương thiền pháp, tiếp hóa đồ chúng, lập nên tông Lâm Tế, rất đưuợc thịnh hành, trở thành một tông phái lớn, danh tiếng lừng lẫy, thu hút cả các giới võ sĩ, tướng sĩ, chính khách. Đến thời đại nhà Thanh, tông này đã nghiễm nhiên trở thành dòng thiền chủ lực của Thiền tông Trung-quốc. Cuối thế kỉ 12, hai vị tăng Nhật-bản là Vinh Tây (Yosai, 1141-1215) và Tuấn Tú (Shunjo, 1166-1227), trước sau đã sang Trung-quốc học thiền pháp của tông Lâm Tế; sau khi về nước, họ đã mở đạo tràng xiển dương thiền pháp, lập nên tông Lâm Tế tại Nhật-bản, trở thành một trong 13 tông phái của Nhật-bản, có tầm ảnh hưởng lớn lao trong nền Phật giáo nước Nhật. Vào giữa thế kỉ 17, phái thiền Lâm Tế cũng đã được các vị thiền sư Trung-quốc đem truyền sang Việt-nam, và vẫn được thịnh hành cho đến ngày nay.
(14) Tào Động tông: là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do ngài Động Sơn Lương Giới (807-869) làm tổ khai sáng, thuộc pháp hệ của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng. Có hai thuyết khác nhau nói về nguyên do đặt tên cho tông này. Một thuyết nói rằng, ngài Lương Giới ở Động-sơn, đệ tử của ngài là Bản Tịch (840-901) ở Tào-sơn (cả hai núi đều thuộc địa phận tỉnh Giang-tây), nhân đó đã ghép chỗ ở của hai thầy trò là “Động” và “Tào” mà làm thành tên tông; lẽ ra thì phải gọi là “Động Tào tông” mới đúng, nhưng gọi “Tào Động tông” là vì do thói quen. Một thuyết khác nói, chữ “Tào” là biểu thị cho trú xứ “Tào-khê” của tổ Tuệ Năng; chữ “Động” chính là Động-sơn của ngài Lương Giới. Ghép hai chữ “Tào” và “Động” để đặt tên tông là biểu thị rằng, tông này vốn thuộc dòng truyền thừa chính thức từ Tổ Tuệ Năng. Môn hạ của ngài Lương Giới có hai người xuất sắc, lập thành hai đạo tràng lớn, đó là thiền sư Bản Tịch ở Tào-sơn và thiền sư Đạo Ưng (?-902) ở núi Vân-cư (tỉnh Giang-tây). Pháp hệ Tào Sơn sau đó chẳng bao lâu thì bị thất truyền; chỉ còn pháp hệ Vân Cư đại biểu cho tông Tào Động còn truyền thừa cho tới ngày nay. Năm 1223, một thiền sư Nhật-bản là Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) sang Trung-quốc học thiền pháp với ngài Như Tịnh (1163-1228) ở núi Thiên-đồng (một đạo tràng lớn của tông Tào Động thuở đó), sau đó trở về khai sáng tông Tào Động ở Nhật. Vào giữa thế kỉ 17, một vị tăng Việtnam là ngài Thủy Nguyệt (1636-1704) sang Trung-quốc theo học phái thiền Tào Động, rồi đem về nước truyền bá. Sau đó, các thiền sư thuộc thiền phái Tào Động Trung-quốc cũng sang Việt-nam truyền pháp. Tuy vậy, so ra, ảnh hưởng của thiền phái này ở Việt-nam không lớn lao bằng thiền phái Lâm Tế.
(15) Vân Môn tông: là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do thiền sư Vân Môn Văn Yển (864-949) làm khai tổ, thuộc pháp hệ của ngài Thanh Nguyên Hành Tư. Ngài Văn Yển trú tại thiền viện Quang-thái ở núi Vân-môn (tỉnh Quảng-đông), mở đạo tràng độ chúng, nên lấy tên núi đặt tên cho tông phái. Tông Vân Môn hưng khởi vào thời Ngũ-đại-thập quốc (907-979), cực thịnh vào thời BắcTống (960-1127), sang thời Nam-Tống (1127-1279) thì suy yếu dần, rồi trầm một luôn; trước sau truyền thừa được khoảng hơn 200 năm.
(16) Pháp Nhãn tông: là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do thiền sư Văn Ích (885-958) làm tổ khai sáng, thuộc pháp hệ của ngài Thanh Nguyên Hành Tư. Ngài Văn Ích, sau khi đắc pháp với ngài Quế Trác (867-928) ở Chương-châu (tỉnh Phúc-kiến), đã cực lực xiển dương thiền học, trú tích tại đạo tràng Thanh-lương (núi Thạch-đầu, gần Nam-kinh), khai sáng thiền phái, thiền phong chấn thạnh, ảnh hưởng lớn khắp các vùng từ Triết-giang đến Phúc-kiến. Tông này cực thịnh vào đầu đời Tống, sau đó thì suy vi dần, rồi tuyệt tích tại Trung-quốc; trước sau hành hoạt trong khoảng trăm năm. Trong khi đó, thiền phong tông Pháp Nhãn lại được quảng bá ở Triều-tiên, đến nay vẫn còn.
(17) Hoàng Long phái: là một chi phái thuộc tông Lâm Tế, và cũng là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do thiền sư Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069) khai sáng. Ngài Tuệ Nam là đệ tử đắc pháp của vị tổ đời thứ 7 của tông Lâm Tế là thiền sư Thạch Sương Sở Viên (986-1039); từ năm 1036 (dưới đời vua Nhân-tông của vương triều Bắc-Tống) ngài trú tích hoằng hóa tại núi Hoàng-long (tỉnh Giang-tây), sáng lập ra phái Hoàng Long. Chi phái này thịnh hành cho đến thời đại Nam-Tống (1127-1279) thì bắt đầu suy vi. Năm 1186, vị tăng Nhật-bản là Vinh Tây đã sang Trung-quốc thọ học thiền pháp của phái Hoàng Long này, sau khi về nước đã thành lập tông Lâm Tế tại Nhật-bản.
(18) Dương Kì phái: là một chi phái của tông Lâm Tế, và cũng là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc, do thiền sư Dương Kì Phương Hội (996-1049) khai sáng. Ngài Phương Hội, ban đầu tham học với ngài Sở Viên (986-1039) ở thiền viện Sùng-thắng, núi Thạch-sương (tỉnh Hồ-nam), được cử giữ chức giám viện. Ngài cùng với ngài Tuệ Nam, là hai vị đệ tử đắc pháp kiệt xuất nhất của thiền sư Sở Viên. Trong khi Tuệ Nam lập thiền phái Hoàng Long ở núi Hoàng-long (tỉnh Giang-tây) thì ngài cũng lập thiền phái Dương Kì ở núi Dương-kì (tỉnh Giang-tây). Cả hai chi phái đều thuộc dòng thiền Lâm Tế. Phái Dương Kì phát dương mạnh mẽ, tiếp hóa người học đông đảo, môn nhân truyền thừa rất nhiều. Từ đời Tống trở về sau, trong khi phái Hoàng Long suy yếu dần thì phái này coi như bao trùm toàn bộ các đạo tràng thuộc tông Lâm Tế. Cuối thế kỉ 12, vị tăng Nhật-bản là Tuấn Tú (Shunjo, 11661227), đã sang Trung-quốc theo học thiền pháp với phái Dương Kì này, rồi trở về nước sáng lập thiền phái Dương Kì ở Nhật-bản.
(19) Nam-tông: tức là “Nam-tông thiền”, đối lại với “Bắc-tông thiền”. Thiền phái của Sơ-tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến đời thứ năm là Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn; ngài Hoằng Nhẫn truyền sang đời thứ sáu thì chia thành hai chi phái, đặt địa bàn hoạt động tại hai miền khác nhau: Ngài Thần Tú (605-706) hoằng hóa ở Hoa-bắc, gọi là Bắc-tông thiền, hay Bắc-tông; ngài Tuệ Năng (638-713) hoằng hóa ở Hoa-nam, gọi là Nam-tông thiền, hay Nam-tông; do đó có một tên gọi chung là “Nam Năng Bắc Tú”. Vì ngài Tuệ Năng được Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, cho nên đã chính thức trở thành vị tổ thứ sáu của Thiền tông Trung-quốc; và dòng thiền Nam-tông cũng được đương nhiên công nhận là dòng thiền chánh tông của Thiền tông Trung-quốc. Dòng thiền này về sau đã phát triển ra nhiều chi phái, được gọi là “năm nhà bảy tông” (ngũ gia thất tông – như vừa trình bày ở các phụ chú ngay bên trên).
(20) Qui Sơn Linh Hựu (771-853): là vị Sơ-tổ của tông Qui Ngưỡng, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Triệu, pháp danh Linh Hựu, quê ở huyện Hà-phố, tỉnh Phúc-kiến; xuất gia từ lúc15 tuổi. Sau khi thọ đại giới, ngài đi các nơi cầu học với nhiều bậc cao đức, đến năm 23 tuổi thì đến Giang-tây tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, trở thành vị đệ tử thượng thủ và kế thừa pháp hệ của Bách Trượng. Khoảng năm 50 tuổi, ngài lên ở núi Qui-sơn tại Đàm-châu (tỉnh Hồ-nam), dân chúng trong vùng cảm mộ cao đức của ngài, bèn cùng nhau đóng góp xây chùa, được vua ban sắc đặt tên là chùa Đồng-khánh. Từ đó chùa trở thành một đạo tràng nổi tiếng, tứ chúng vân tập tu học đông đảo, cả các quan trong triều đình cũng thường đến hỏi đạo. Trong thời gian xảy ra pháp nạn Hội-xương (841846), ngài ẩn lánh trong đám dân thương buôn. Khi Phật giáo được phục hoạt (từ năm 847), đồ chúng lại thỉnh ngài trở về chùa cũ. Ngài cư trú ở núi Qui-sơn cả thảy 40 năm, được người đời xưng là Qui Sơn Linh Hựu. Ngài thị tịch vào năm 853 (dưới triều vua Đường Tuyên-tông), thế thọ 83 tuổi, thụy hiệu là Đại Viên thiền sư.
(21) Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch (807-883): Ngài họ Diệp, quê ở huyện Phiên-ngung, tỉnh Quảng-đông. Năm 9 tuổi, ngài vào ở chùa Hòa-an, hầu thiền sư Thông; đến 17 tuổi, tự chặt hai ngón tay, lập nguyện xuất gia. Sau đó ngài xin tham học với thiền sư Đam Nguyên Ứng Chân (?-?), ngộ được yếu chỉ của thiền học.
Tiếp đó ngài lại đến tham yết thiền sư Qui Sơn Linh Hựu, được truyền tâm ấn. Ngài hầu hạ thiền sư Linh Hựu đến 15 năm, phụ giúp thầy trong việc hoằng hóa, làm vững mạnh tông môn. Sau đó ngài dời sang Ngưỡng-sơn, đại chấn thiền pháp Qui Sơn, tập thành tông Qui Ngưỡng, là một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Năm 883 (triều vua Đường Hi-tông) ngài thị tịch, thế thọ 77 tuổi, thụy hiệu là Trí Thông thiền sư.
(22) Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867): là Sơ-tổ của tông Lâm Tế, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Hình, quê ở huyện Nam-hoa, tỉnh Hà-nam; từ thuở nhỏ đã có chí xuất trần. Sau khi thế phát xuất gia, thọ giới cụ túc, đã rất ngưỡng mộ Thiền tông, bèn đến Giang-tây xin tham học với thiền sư Hoàng Bá Hi Vận, sau lại tham yết với hai ngài Đại Ngu và Linh Hựu, rồi lại trở về chỗ ngài Hi Vận. Sau khi được truyền tâm ấn, ngài đến Trấn-châu (tỉnh Hà-bắc), trú tại Lâm-tế viện, mở đạo tràng lớn, giáo hóa đồ chúng, khai sáng tông Lâm Tế, danh tiếng lừng lẫy bốn phương. Ngài thị tịch năm 867, không rõ tuổi thọ, thụy hiệu là Tuệ Chiếu thiền sư.
(23) Động Sơn Lương Giới (807-869): là vị sáng tổ của tông Tào Động, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Du, quê ở huyện Cối-kê, tỉnh Triết-giang; lúc nhỏ theo một vị sư tụng Bát Nhã Tâm Kinh, đem ý nghĩa “không căn, không trần” hỏi vị sư. Vị sư lấy làm ngạc nhiên, liền giới thiệu ngài sang thiền sư Linh Mặc (747-818) ở núi Ngũ-tiết (tỉnh Triết-giang) để thọ lễ xuống tóc xuất gia. Năm 21 tuổi, ngài sang Tung-sơn thọ giới cụ túc, sau đó đã theo tham học với nhiều thiền sư cao đức, sau cùng được thiền sư Đàm Thịnh (782-814) ở chùa Vân-nham (tỉnh Hồ-nam) truyền cho tâm ấn, và kế thừa pháp phái này, mở đạo tràng hoằng dương Phật pháp ở Động-sơn (tỉnh Giang-tây), khai sáng tông Tào Động, người học bốn phương qui tụ đông đúc. Ngài thị tịch năm 869 (triều vua Đường Ýtông), thế thọ 63 tuổi, thụy hiệu là Ngộ Bản thiền sư.
(24) Vân Môn Văn Yển (864-949): tức thiền sư Văn Yển, là vị khai tổ của tông Vân Môn, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. (Xin xem lại chú thích số 9, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)
(25) Thanh Lương Văn Ích (885-958): là vị khai tổ của tông Pháp Nhãn, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Lỗ, người huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang. Ngài xuất gia khi lên 7 tuổi, chuyên học Luật; về sau theo học thiền pháp với thiền sư Tuệ Lăng (854-932) ở Trường-khánh viện (Phúc-châu), trải thời gian lâu mà không khế ngộ. Tình cờ ngài gặp thiền sư La Hán Quế Sâm (867-928) ở Đàm-châu, bèn tỏ ngộ đắc pháp; từ đó ngài ra sức xiển dương thiền pháp. Về sau, vua nước NamĐường (937-9580 – một trong 10 nước thời Ngũ-đại-thập-quốc) kính mộ, thờ ngài làm thầy, thỉnh về Kim-lăng, trú tại thiền viện Báo-ân, ban hiệu là Tịnh Tuệ đại sư. Sau đó, nhà vua lại xin thọ giới với ngài, và xây dựng Thanh-lương già lam để ngài mở đạo tràng giáo hóa đồ chúng; chính nơi đây ngài đã khai sáng thiền phái Pháp Nhãn. Môn nhân của ngài rất đông, trong đó có cả các sư tới từ Nhật-bản và Caoli. Năm 74 tuổi ngài thị tịch, thụy hiệu là Đại Pháp Nhãn.
(26) Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069): là vị khai tổ của thiền phái Hoàng Long, một chi phái của tông Lâm Tế ở thời đại Bắc-Tống. Ngài họ Chương, quê ở huyện Thượng-nhiêu, tỉnh Giang-tây. Thuở nhỏ ngài theo Nho học, làu thông kinh sử, nhưng đến 11 tuổi thì xin xuất gia với ngài Trí Loan ở viện Địnhthủy. Năm 19 tuổi ngài thọ giới cụ túc, rồi theo tham học với nhiều thiền sư cao đức, và được đắc pháp với thiền sư Sở Viên. Ngài từng trú tại nhiều thiền viện, giáo hóa tứ chúng rất đông; cuối cùng ngài được thỉnh về trú trì Sùng-ân viện ở núi Hoàng-long (tỉnh Giang-tây), khai sáng thiền phái Hoàng Long (là một chi phái của tông Lâm Tế), tứ chúng qui tụ đông đúc, thiền phong hưng thịnh khắp các vùng Hồ-nam, Hồ-bắc, Giang-tây v.v… Năm 1069 ngài thị tịch, thế thọ 68 tuổi, thụy hiệu là Phổ Giác thiền sư.
(27) Dương Kì Phương Hội (992-1049): là vị khai tổ của chi phái Dương Kì thuộc tông Lâm Tế ở thời đại Bắc-Tống. Ngài họ Lãnh, pháp danh Phương Hội, quê ở huyện Nghi-xuân, tỉnh Giang-tây. Ban đầu theo học với ngài Sở Viên, được cử giữ chức giám viện, sau về trú trì thiền viện Phổ-thông ở núi Dươngkì ở Viên-châu (tức huyện Nghi-xuân, tỉnh Giang-tây, quê hương của ngài), đại chấn thiền phong, lập thành phái Dương Kì, song hành với phái Hoàng Long của vị đồng môn là ngài Tuệ Nam, là hai chi phái nổi tiếng của tông Lâm Tế.
(28) Kim-lăng: tức Nam-kinh, một thành phố lớn của tỉnh Giang-tô, nằm ở hạ lưu sông Trường-giang. Vào thời Chiến-quốc (475-221 tr. TL), nó thuộc địa phận nước Sở, được đặt tên là Kim-lăng. Thời Tần (221-206) đổi tên là Mạt-lăng. Thời Tam-quốc (220-280), nó có tên là Kiến-nghiệp, được vua Tôn Quyền (222-252) chọn đặt làm kinh đô của nước Đông-Ngô (222-280). Kế đó, các vương triều Đông-Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (317-589) cũng đều đặt kinh đô tại đó, và gọi tên là Kiến-khang. Thời Ngũ-đại-thậpquốc (907-979) lại gọi là Kim-lăng. Từ thời Minh (1368-1644) nó được gọi là Nam-kinh, cho đến ngày nay. Nó từng được coi là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của miền Nam Trung-quốc; và cũng là một địa bàn hoạt động quan trọng đối với lịch sử Phật giáo Trung-quốc. Từ thời đại Tam-quốc, khi nước Ngô mới vừa được kiến lập (năm 222), đặt thủ đô tại thành Kiến-nghiệp, thì cư sĩ Chi Khiêm đã tới đây cư trú để phiên dịch và chú thích kinh điển; Phật giáo bắt đầu có mặt tại vùng Hoa-nam từ lúc đó. Sau đó, vào năm 247, thiền sư Khương Tăng Hội từ Giao-chỉ (Việt-nam) cũng sang đó hoằng hóa, được vua Tôn Quyền thờ làm thầy, xây dựng chùa Kiến-sơ ngay tại kinh thành thỉnh ngài mở đạo tràng hóa đạo; đó là vị tăng sĩ Phật giáo đầu tiên với ngôi chùa Phật đầu tiên xuất hiện ở vùng Hoa-nam. Vào thời đại Nam-triều (420-589), Phật giáo ở nơi đây thật là cực thịnh.
(29) Thần Tú (605-706): Ngài họ Lí, người ở huyện Khai-phong, tỉnh Hà-nam. Ngài có thân hình cao lớn, mày rậm mắt sáng, uy đức nguy nguy. Thuở nhỏ đã đọc khắp kinh sử, nổi tiếng là bác học đa văn, nhưng sớm cạo tóc xuất gia, tìm thầy học đạo. Về sau ngài tìm đến chùa Đông-sơn ở núi Song-phong (huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc), xin tham yết Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn, được Tổ tin cẩn, cử làm thầy giáo thọ, trở thành người đệ tử số một của Tổ, cho nên thường được gọi là thượng tọa Thần Tú. Sau khi Ngũtổ truyền y bát cho Lục-tổ Tuệ Năng và bảo đi về phương Nam hoằng hóa, thì ngài Thần Tú vẫn ở tại chùa Đông-sơn để hầu cận Ngũ-tổ. Sau khi tổ Hoằng Nhẫn viên tịch (năm 675), ngài dời sang núi Đương-dương (huyện Giang-lăng, tỉnh Hồ-bắc) để truyền pháp, tăng chúng cảm phục cao đức của ngài, qui tụ về tham học đông đúc. Ảnh hưởng của ngài tỏa trùm khắp vùng Trường-an, Lạc-dương; nữ hoàng Võ Tắc Thiên (684-705) nghe danh đức, liền thỉnh ngài vào đạo tràng cung nội để kính lễ, lại ban sắc xây chùa Độ-môn ở núi Đương-dương để nêu rõ đức phong của ngài. Ngài từng tâu xin Võ hậu cung thỉnh ngài Tuệ Năng vào cung, và chính ngài cũng viết thư cung thỉnh, nhưng Lục-tổ cố từ, lấy cớ bị bệnh, xin được ở yên xứ Lĩnh-nam để hoằng hóa; từ đó mà có tên gọi “Nam Năng Bắc Tú”. Vua Đường Trungtông tức vị, cũng kính lễ ngài. Ngài viên tịch năm 706, thế thọ 102 tuổi, thụy hiệu là Đại Thông thiền sư. Đó là lần đầu tiên trong thiền môn được vua ban thụy hiệu. Ngài Thần Tú xiển dương thiền pháp, chú trọng thuyết “tiệm ngộ”, trong khi đó, ngài Tuệ Năng chú trọng thuyết “đốn ngộ”; cho nên trong thiền sử Trung-quốc đã có tên gọi “Nam Đốn Bắc Tiệm”. Vì pháp hệ của ngài thịnh hành ở phương Bắc, nên ngài được xưng là Thiền tổ Bắc-tông; nhưng dòng thiền của ngài chỉ thịnh hành được vài đời thì bị suy vi, rồi mai một.
(30) Lĩnh-nam: chỉ cho vùng đất phía Nam núi Ngũ-lĩnh, tức địa phận bao gồm hai tỉnh Quảng-đông và Quảng-tây và một phần tỉnh Vân-nam ngày nay. Có thuyết đáng tin cậy nói rằng, từ thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Lĩnh-nam này đã thuộc lãnh thổ nước Việt-nam, đến đời vua Trưng (thế kỉ đầu kỉ nguyên TL) mới bị người Tàu chiếm đoạt, sáp nhập vào nước Tàu. Do thuyết này mà người ta đã đưa ra kết luận: Đức Lục-tổ Tuệ Năng chính là người Việt-nam, không phải người Hoa.
(31) Lúc ngài Tuệ Năng được truyền y bát làm tổ thứ sáu Thiền tông, ngài vẫn còn là một vị cư sĩ, chưa xuất gia. Theo kinh Pháp Bảo Đàn, 15 năm sau ngày được truyền y bát, ngài đã đến chùa Pháp-tánh ở Quảng-châu; và đã được pháp sư Ấn Tông làm lễ thế phát cho, rồi tổ chức đại giới đàn truyền thọ cụ túc giới cho ngài. Từ đó ngài chính thức mở đạo tràng hoằng dương thiền pháp do Ngũ-tổ truyền thọ.
BÀI TẬP
1) Đức Thế Tôn cầm cành hoa đưa lên, tôn giả Ca Diếp mỉm cười; việc này được ghi ở kinh nào?
2) Đặc điểm của thiền tông môn là gì?
3) Sáu vị tổ của Thiền-tông Đông-độ là sáu vị nào?
4) Từ ngài Lục-tổ về sau, chế độ truyền thừa của Thiền tông đã có hai sự cải cách nào? Vì sao?
5) Danh xưng của 7 tông phái trong thiền môn là gì?
6) Hãy chép lại hai bài kệ của ngài Thần Tú và ngài Tuệ Năng.
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 25, 26 và 27
1. Sự thực, có thể nói được một câu rằng, chú đà-la-ni hoàn toàn không phải là bí mật, mà cái tối bí mật, đó là tánh diệu chân như của chư Phật và tất cả chúng sinh. Tất cả mật chú do các đức Như Lai khắp ba đời nói ra, vẫn là từ cái này, tức là từ trong cái biển tánh diệu chân như ấy mà diễn dịch ra. Nếu đem chú ví dụ cho em bé, thì, không còn nghi ngờ gì nữa, tánh diệu chân như chính là mẹ của em bé ấy. Trong các tông phái đại thừa, đối với mục tiêu thấy tánh và chứng tánh, đã làm triệt để nhất, chỉ có Thiền tông. Tuy các tông kia, ở trên phương diện lí luận, cũng từng nói đến các danh từ phật tánh, như lai tạng, niết bàn, chân như, nhất chân pháp giới, bản thể, thật tướng v.v…, cùng ý nghĩa của chúng, mà trình độ sau cùng đương nhiên cũng đều sẽ qui về nơi cảnh giới ấy; nhưng, nếu luận về phương diện “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, thì không dứt khoát như Thiền tông, xong một lần là xong hết. Bởi vậy, nếu nói một cách đích đáng về cái “bí mật”, thì cái được gọi là “chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm” hoàn toàn dứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành, đó mới là cái bí mật tối thượng. Ngài Lục-tổ dạy sư Huệ Minh(1): “Đã nói được với thầy thì không phải là mật ý. Nếu thầy tự phản chiếu thì mật ý chính ở nơi thầy.” Lời nói đó là nhằm vào ý tứ này. Cho nên, nếu bảo Thiền tông chính là Mật tông, thì rất là phù hợp với thực tế; thật xứng đáng được gọi như thế!
2. Mật tông nói đến “lí cụ thành Phật”, cùng với giáo nghĩa trong Hiển giáo, dù là tông môn hay giáo hạ, cũng không khác gì nhau. Như Mật tông nói: “Lí trí của chư Phật vốn có đầy đủ trong thân phàm phu.”, thì trong Thiền môn, thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất cũng từng khai thị đại chúng rằng: “Này quí vị! Hãy tự tin chính tâm mình là Phật, đó là chánh tín.” Lại nữa, trong kinh Như Lai Tạng, đức Phật dạy ngài Kim Cang Tuệ rằng: “Như Lai dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sinh, trong các phiền não tham sân si đã có sẵn trí Như Lai, mắt Như Lai, thân Như Lai, ngồi trong tư thế hoa sen, nghiễm nhiên không xao động. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh trong các cảnh giới, tuy đều đang ở trong cái thân phiền não, nhưng vẫn có tánh như lai tạng, thường hằng không ô nhiễm, vẫn có đầy đủ đức tướng, không khác gì Như Lai.” Như thế có thể biết, tất cả các tông, dù là Mật, Thiền, hay Giáo, đối với kiến giải “chúng sinh tức Phật”, hoàn toàn tương đồng. Đích thực là như thế, rõ ràng chúng sinh là Phật, không thể nói một cách ương ngạnh là không phải; và đó là đứng trên lí thể mà nói, còn nếu đứng trên sự tướng mà nói thì lại có khoảng cách rất lớn.
3. Câu chuyện ở pháp hội Linh-sơn, đức Phật đưa cành hoa lên trước đại chúng, rồi truyền pháp cho tôn giả Đại Ca Diếp, có xuất xứ từ kinh Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi. Từ trước đều cho rằng, kinh này chưa được nhập Đại Tạng. Thiên “Tông Môn Tạp Lục”(2) ghi rằng: Vương An Thạch tại Hàn-uyển đã từng thấy kinh này, có chép việc đức Thích Tôn cầm cành hoa đưa lên, và nói rằng kinh này là bí tạng, ở thế gian chưa từng nghe. Sách Phật Tổ Thống Kỉ cũng có dẫn thuyết này. Gần đây tôi có đọc tác phẩm Thiền Học Chỉ Nam của thiền sư Huệ Quang, trong đó, ở trang 274 có ghi như sau: “Kinh này nằm trong bộ Tục Tạng, tức Đại Tạng Kinh Chữ Vạn, số 998 của hòm 87, tên là Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, 2 quyển; và số 999 cũng trong hòm 87, 1 quyển; cộng lại là 3 quyển. Lại nữa, trong bộ Trung Hoa Đại Tạng Kinh, bộ số 3777, số 998 trong mục 2, Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, 2 quyển; bộ số 3778, số 999 trong mục 2, 1 quyển; cộng lại là 3 quyển; giống như kinh trên.” Như thế có thể biết rằng, kinh này đã được nhập Tạng vậy. Đã có kinh này, lại đã nhập Tạng, thì cái công án “cầm cành hoa đưa lên” ở trong thiền môn, không phải là lời nói vô căn cứ.
4. Pháp thân đồng như hư không, lìa cả hình tướng và tác dụng; cũng lìa cả tâm tưởng, ngôn ngữ, văn tự; nguồn cội không thể nói được. Nói có năm loại pháp thân, thì cũng giống như trong “một trăm pháp” nói có sáu loại vô vi vậy; đều là thuận theo cái tâm duyên lự phân biệt của thế tục mà nói, mà cũng là đứng trên cái tác dụng sai biệt của nó mà nói. Nếu luận về bản thể thì cao diệu như đỉnh núi, xưa nay không thể bàn bạc; bởi có pháp thân chư Phật, chân tánh chúng sinh, mà có bao nhiêu là chủng, bao nhiêu là loại. Quí vị học giả học Phật khảo lí, nên biết chân như có hai nghĩa bất biến và tùy duyên. Nếu nói rằng không có nói năng, không có tạo tác, không phải xanh, không phải vàng, lìa bốn câu dứt trăm quấy, đó là cái nghĩa “bất biến”. Nếu nói rằng có tự thọ dụng, tha thọ dụng, có ứng thân, hóa thân, có tướng tốt trang nghiêm, đó là cái nghĩa “tùy duyên”. Một cây đã có thể sinh ra muôn thứ khác nhau, thì pháp thân sao lại chỉ có năm loại? Phàm tất cả những gì mà sáu căn tiếp xúc, cho đến phân, nước tiểu, gỗ, đá, hạt cải, bụi bặm, nước chảy, hoa nở v.v…, đều chính là phần việc của pháp thân vậy.
5. Những chỗ Mật thừa nói về lí, đều phù hợp với Hiển giáo. Như trong mười trụ tâm, thì “duy uẩn vô ngã tâm” và “bạt nghiệp nhân chủng tâm” tương đương với hai tông tiểu thừa; “tha duyên đại thừa tâm” tương đương với tông Pháp Tướng; “giác tâm bất sinh tâm” tương đương với tông Tam Luận; “nhất đạo vô vi tâm” tương đương với tông Thiên Thai; “cực vô tự tánh tâm” tương đương với tông Hoa Nghiêm. Như thế có thể thấy, các dòng sông giáo lí chảy hợp lại mà thành biển Mật giáo; diễn dịch cái biển Mật giáo mà phân bố thành các dòng sông giáo lí. Tâm miệng đã là nhất như, thì Hiển Mật sao lại không là một gốc!
6. Chỗ rốt ráo nhất của nhà Phật, mà cũng lại là đơn giản, dễ hành trì nhất, không gì hơn pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tây-phương của Tịnh Độ tông. Nếu không hành trì pháp môn này mà lại muốn chuyển sang học Mật, thật quả là điên đảo! Tôi có thể bảo chứng rằng, cái công hiệu gặp Phật được độ, Tịnh Độ tông quyết không thua kém Mật tông; mà cái phiền phức của Mật pháp thì nhiều gấp mười gấp trăm lần so với pháp môn niệm Phật! Nếu pháp môn niệm Phật mà lại phiền phức, thì cả tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng đều không thể tu trì được, chứ không phải chỉ có Mật pháp mà thôi! Nếu học Tịnh Độ không thành công, mà học Mật lại thành công, thì đó là do mối quan hệ giữa căn khí và cái nhân đời trước; chứ hoàn toàn không phải là mối quan hệ giữa sự phiền phức và sự đơn giản. Nói tắt một lời: Học Tịnh Độ không thành công thì học Mật lại càng không thành công. Tu học cũng giống như làm ruộng, dùng một phần sức sẽ được một phần thu hoạch; không dùng sức thì tất nhiên sẽ không thu hoạch được gì. Nếu có tâm cầu may, nghĩ rằng học Mật có khi đạt đến chỗ không dùng sức cũng có thu hoạch, thì hóa ra trong thiên hạ lại có sự rẻ mạt như thế! Thời đại ngày nay người ta rất ham học Mật, lại có rất nhiều người còn tin theo những lời nói hư vọng của ngoại đạo, mà quay lưng lại với Tịnh Độ, bỏ câu niệm Phật, cũng đều là hạng người mà quan niệm bị ám ảnh này, tưởng rằng không cần khó nhọc mà được lợi; chỉ nhân vì cái tâm lười biếng mà khiến cho bao nhiêu công phu trước kia đều bị mất hết, nói ra thật quá đau lòng!
7. “Sau ngài Lục-tổ thì đạo chỉ truyền cho người tại gia, chứ không truyền cho người xuất gia.”, đó là lời nói dối trá của kẻ ngoại đạo, tự hợm mình mà vu khống tông môn. Luận về pháp tự: Đương thời đức Lục-tổ, môn hạ của ngài, những vị đạt ngộ yếu chỉ, được chính thức kế thừa pháp hệ của ngài có các thiền sư Hoài Nhượng, Hành Tư, Thần Hội(3), Pháp Hải(4), Chí Thành, Pháp Đạt, Trí Thường, Trí Thông, Trí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như, v.v… cả thảy 43 vị, đều là chúng xuất gia. Điều này được thấy trong kinh Pháp Bảo Đàn, đó là chứng cứ thứ nhất. Luận về tông phái: Sau đức Lục-tổ thì Thiền môn truyền xuống 5 tông Qui Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, và 2 phái Hoàng Long, Dương Kì. Từ vị Tổ khai sơn của các tông phái này cho đến thầy trò truyền thừa nhau trải qua các đời, đều là chúng xuất gia. Điều này được thấy trong Phật Học Từ Điển (mục “ngũ gia thất tông”), đó là chứng cứ thứ hai. Luận về nhân vật: Có các thiền sư Hoài Nhượng, Đạo Nhất, Hoài Hải, Linh Hựu, Tuệ Tịch, Hi Vận, Nghĩa Huyền, Hành Tư, Hi Thiên, Duy Nghiễm, Đàm Thịnh, Lương Giới, Đạo Ngộ, Sùng Tín, Tuyên Giám, Nghĩa Tồn, Văn Yển, Sư Bị, Quế Sâm, Văn Ích v.v…, sống trải qua các đời Đường, Ngũ-đại, Tống, Minh, không sao đếm xuể, đều là chúng xuất gia. Tên của các ngài thấy ghi trong các sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Bích Nham Tập, Cao Tăng Truyệnv… Đó là chứng cứ thứ ba. Tất cả đều có chứng cứ rõ ràng, ai cũng thấy cả, sao lại nhất loạt xóa bỏ, nói xằng bậy vô căn cứ như thế? Những kẻ nói xằng bậy kia chắc chắn là có dụng ý riêng, thì không có gì lạ, mà lạ nhất là có nhiều người không tin vào những điều lịch sử ghi chép, lại tin theo những lời không thể chứng thật do người ta bịa đặt! Thứ người này không những là chưa có đủ đầu óc, mà thậm chí mắt tai cũng không có, thơm hôi không biết, đó mới thật là lạ! Bọn chúng mình đệ tử trong cửa Phật, phải lấy Đại Tạng Kinh làm chuẩn mực, lấy thiện tri thức làm chỗ nương tựa; hễ cái gì Đại Tạng Kinh không nói tới, thiện tri thức bài xích, thì không nghe theo, hơi sơ ý một chút là liền mất huệ mạng. Người học Thiền, đối với Tông-môn Tổ Sư thiền mà không thể khai ngộ, thì nên học Như Lai thiền, bắt đầu bằng các phép chỉ quán, sổ tức v.v… Nếu cũng lại không lĩnh hội được thì nên niệm Phật cầu sinh về Tây-phương. Làm như thế mà đời này nếu không thoát khỏi ba cõi, dứt sinh tử, thì mười phương chư Phật phạm tội vọng ngữ, lừa dối chúng sinh. Những lời bộc bạch trên thật hết sức rõ ràng, xin độc giả lưu ý và nói lại cho nhiều người cùng nghe, để báo đáp ân sâu của Phật.
8. Đức Lục-tổ là một người tiều phu không biết chữ, còn ngài Thần Tú là vị thượng tọa thông đạt giáo nghĩa, đứng đầu 500 người; mà vì cớ gì đức Lục-tổ có khả năng thấy tánh, còn ngài Thần Tú thì không? Nên biết rằng, tất cả pháp thông cả ba đời; đứng về đời này mà nói, đức Lục-tổ học hành không bằng ngài Thần Tú, nhưng nếu nhìn suốt về đời trước mà nói thì đức Lục-tổ đã từng tu hành bao nhiêu kiếp ở cấp Bồ-tát Địa-thượng, mà ngài Thần Tú thì sợ không phải như vậy. Cho nên sự hơn kém chính yếu giữa hai ngài không phải là ở đời này, mà ở đời trước. Trong đời có những người không học hành mà thông minh, không buôn bán mà giàu có, không tu hành mà có định tuệ, không tư duy mà được lĩnh ngộ; cho đến ông Nhan Hồi đã nghèo khổ lại chết yểu, ông Đạo Chích(5) giàu có lại sống lâu, đều là do trồng nhân từ đời trước; những gì thọ nhận ở đời này, chính là kết quả sản sinh từ nhân ở đời trước. Phàm phán đoán lí sự, nếu không nhìn đến quá khứ và vị lai, thực quả là, trước thì không có mở đầu, sau thì không có kết cục; cứ cái kiểu đó thì có đến 8, 9 phần 10 là nói không thông. Điều đó cho thấy, thuyết “nhân quả ba đời” trong giáo lí nhà Phật là môn lí luận phù hợp với sự thật nhất.
CHÚ THÍCH (của người dịch)
1) Huệ Minh (?-?): Ngài họ Trần, quê ở huyện Bà-dương, tỉnh Giang-tây, vốn là cháu của vua Trần Tuyên đế (569-582), từng được ban tước Tứ-phẩm tướng quân. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, đời vua Đường Cao-tông (650-683) ngài đến núi Hoàng-mai xin tham học với Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn. Ban đầu không tỏ ngộ, sau nghe ngài Tuệ Năng đã được Ngũ-tổ truyền y bát và đã đi về phương Nam, ngài liền dẫn vài trăm người gấp rút đuổi theo, có ý giành lại y bát. Chạy tới núi Đại-dũ (một trong Ngũ-lãnh, nằm ở ranh giới hai tỉnh Giang-tây và Quảng-đông) thì gặp Lục-tổ Tuệ Năng, được Tổ khai thị, ngài liền liễu ngộ bản tánh, bèn thờ Lục-tổ làm thầy, tự đổi tên là Đạo Minh, xin theo hầu Tổ ba năm, rồi về núi Mông-sơn ở Viên-châu (thuộc tỉnh Giang-tây) mở đạo tràng xiển dương thiền pháp của Lục-tổ. Năm sinh và năm tịch của ngài đều không rõ.
2) “Tông Môn Tạp Lục”: là một thiên trong bộ sách Nhân Thiên Nhãn Mục, gồm 6 quyển, do ngài Trí Chiêu soạn vào đời Tống, trong đó ghi lại tất cả những sự kiện quan trọng, những kệ văn khai thị, cương yếu của 5 tông phái thuộc Thiền tông Trung-quốc.
3) Thần Hội (668-760): là một trong những vị đệ tử lớn của Lục-tổ Tuệ Năng. Ngài họ Cao, quê ở huyện Tương-dương, tỉnh Hồ-bắc. Thuở nhỏ học Nho, Đạo, thông suốt Ngũ Kinh, Lão Trang và các sách sử, nhưng rồi bỏ hết, vào chùa xin xuất gia, đọc tụng kinh điển cũng dễ dàng như đọc sách Nho Lão. Năm 13 tuổi, ngài đến xin tham yết Lục-tổ Tuệ Năng, trở thành người đệ tử nhỏ tuổi nhất, nhưng đắc pháp ngang hàng với các vị lớn tuổi khác. Khi Lục-tổ thông báo ngày giờ nhập tịch sắp đến, trong chúng ai cũng xúc động khóc thương, chỉ có Thần Hội là bất động, nên Tổ nói: “Thì ra chỉ có Thần Hội, người nhỏ nhất mà được cái tâm vui buồn bất động…” Sau khi đức Lục-tổ thị tịch (năm 713), ngài đi tham phỏng bốn phương. Năm 720, ngài phụng sắc vua, về trú trì chùa Long-hưng ở Nam-dương, xiển dương thiền pháp. Trong thời gian 20 năm sau khi Lục-tổ viên tịch, dòng thiền Tào Khê có vẻ như chìm lắng; trong khi đó, dòng thiền Thần Tú thì vẫn thịnh hành ở hai kinh đô Lạc-dương và Trường-an. Thấy thế, vào năm 732, ngài đến Lạc-dương thiết lập đại hội Vô-già, cực lực hiển dương tông phong của Lục-tổ, xác lập hệ thống thiền Nam-tông Tuệ Năng là dòng truyền thừa chính thống, phân rõ Nam Bắc, đốn tiệm, làm cho dòng thiền Nam-tông từ đó ngày càng lớn mạnh, đặt được địa vị vững vàng ở phương Bắc, còn dòng thiền Bắc-tông thì bị suy yếu dần. Trong thời gian An Lộc Sơn nổi loạn (755-757), ngài lập đàn tràng gây quĩ ủng hộ quân lính triều đình. Sau khi dẹp yên giặc loạn, vua Đường Túc-tông (756-762) thỉnh ngài nhập cung để cúng dường. Nhà vua cũng lập thiền viện ở chùa Hà-trạch (trong kinh thành Lạc-dương), mời ngài trú trì để giáo hóa đồ chúng. Tại đây ngài tiếp tục phát dương thiền phong của Lục-tổ Tuệ Năng, sáng lập tông Hà Trạch, được người đời gọi là Hà Trạch đại sư. Ngài thị tịch năm 760, thế thọ 93 tuổi, thụy hiệu là Chân Tông đại sư. Năm 796, vua Đường Đức-tông (780-805) triệu tập các thiền sư khắp nước để xác lập tông chỉ thiền môn, và lập thiền sư Thần Hội làm vị tổ thứ bảy của Thiền tông Trung-quốc, nhưng vị trí ấy của ngài đã không được đời sau thừa nhận; rốt cuộc, Thiền tông Trungquốc chỉ có 6 vị tổ mà thôi. Tông Hà Trạch của ngài kéo dài khoảng 150 năm thì trầm một.
4) Pháp Hải: Tên họ và tuổi tác của ngài đều không rõ, chỉ biết ngài là người tỉnh Quảng-đông, lần đầu gặp tổ Tuệ Năng thì hỏi ngay ý nghĩa “tức tâm tức Phật”, Tổ chỉ dạy một lời thì liền liễu ngộ. Từ đó chuyên theo hầu Tổ để ghi chép lại tất cả những lời giảng dạy của Tổ. Kinh Pháp Bảo Đàn là một trong các tác phẩm thuộc loại này, và cũng được coi là tác phẩm cương yếu của Thiền tông Trung-quốc.
5) Đạo Chích: Tương truyền Chích là tên một kẻ trộm lừng danh ở thời vua Hoàng Đế. Vào cuối thời đại Xuân-thu, ông Liễu Hạ Huệ (quan đại phu nước Lỗ) có người em cũng tên Chích, làm thủ lãnh một nhóm 90 người, chuyên trộm cướp, hiếp dâm, khiến các nước chư hầu đều không yên ổn, nhân đó mà người đời gọi ông ta là Đạo Chích.