GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 26
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 2)

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

9. Phật bảo Bồ Tát Vô Cấu Bảo Nguyệt Vương Quang: Như Lai vì thương xót chúng sinh mà nói rằng Như Lai bị đau lưng1, là có ý để cho những ai bị bệnh hãy tâm niệm rằng, “thân thể của Phật cứng chắc như kim cương2 mà còn bị đau lưng, huống chi là bọn phàm phu như chúng ta!” Nhưng những người không hiểu biết đã cho đó là chuyện thật, bèn nói rằng Phật có bệnh!

10. Phật dạy: Đề Bà Đạt Đa3 là thiện tri thức. Ông ấy tranh giành hơn thua với Như Lai, hiện làm kẻ oan gia4 của Như Lai, là cốt làm tỏ rõ công đức vô lượng của Như Lai. Ông ấy bảo vua A Xà Thế cho thả voi dữ để hại Như Lai5. Như Lai trông thấy voi dữ liền điều phục ngay. Mọi người lúc đó thấy voi bị điều phục thì cho là việc kì diệu, liền phát sinh lòng tin chân chính, xin quay về nương tựa nơi Tam Bảo. Vậy nên biết rằng, Đề Bà Đạt Đa là bậc thiện tri thức đã thị hiện làm kẻ oan gia. Nhưng những người không hiểu biết đã cho ông ấy là kẻ oan gia thật!

11. Nếu pháp phát sinh từ cảnh giới, từ tác ý(1), từ phân biệt, từ chấp thủ, từ sáu căn bốn đại, và tồn tại trong năm uẩn, trong hữu vi, trong sinh diệt, đều gọi là THỨC. Nếu bên trong vắng lặng, không chấp thủ, không có gì để duyên, không liễu biệt, không phân biệt, không có chỗ trụ, không sinh không diệt, đều gọi là TRÍ.(2)

12. Thánh tài6 là gì? Các pháp tín, giới, văn, tàm, quí, xả, tuệ, được gọi là “thánh tài”(3). Những ai không tu tập được các pháp ấy thì gọi là “kẻ nghèo nàn”. Những gì được coi là thánh tài của hàng Bồ-tát? Đó là tất cả các pháp môn khác nhau của những người tu hạnh Bồ-tát.7

13. Người vui với đời sống xuất gia sẽ có được mười thứ công đức: 1) không bị dính mắc vào các loại dục vọng; 2) vui thích chốn a-lan-nhã8; 3) làm các hạnh Phật đã làm; 4) xa hẳn các hạnh phàm phu; 5) không vướng bận vợ con, tài sản; 6) dứt các nguyên nhân dẫn đến ác đạo; 7) tu tập thiện pháp một cách hiệu quả; 8) các căn lành đời trước đều không hao mất; 9) chư thiên luôn hoan hỉ ngưỡng mộ; 10) tất cả quỉ thần đều cung kính bảo vệ.

14. Văn Thù Sư Lợi về sau sẽ thành Phật hiệu là Phổ Kiến Như Lai, quốc độ tên là Tùy-nguyện-tích-tập-thanh-tịnh-viên-mãn. Quốc độ đó rất trang nghiêm. Các vị Bồ-tát ở quốc độ đó, nếu muốn thấy vàng thì liền thấy vàng, muốn thấy các thứ châu báu khác cũng vậy; và tất cả các thứ ấy đều không chướng ngại nhau. Nếu có người thọ trì trăm ngàn ức danh hiệu các đức Phật, nếu lại có người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, thì phước đức của người sau nhiều hơn người trước. Nếu lại thọ trì danh hiệu đức Phổ Kiến Như Lai thì phước đức còn nhiều hơn nữa.

15. Phật bảo tôn giả Phú Lâu Na: Các đệ tử chỉ biết Như Lai nói pháp tại nơi này mà thôi; thực ra, ở vô số thế giới khác trong khắp mười phương, Như Lai cũng nói pháp như thế này, và thường làm Phật sự không hề nghỉ ngơi.

16. Nếu dùng hương quí, hoa đẹp, phướn lọng, anh lạc9, y phục, kĩ nhạc10, để tán thán cúng dường Như Lai, điều đó không được coi là cúng dường thù thắng nhất; nếu người được nghe kinh pháp, thọ trì đọc tụng, phát nguyện thực hành đúng như những gì kinh giáo dạy, điều này được coi là cúng dường thù thắng nhất.

17. Nếu có vị Bồ-tát dùng đèn đuốc hương hoa trong cả đại thiên thế giới để cúng dường Như Lai, lại có vị Bồ-tát luôn giữ tâm thanh tịnh, hành trì giới luật, chỉ cần ở chỗ bậc sư tôn thọ trì đọc tụng một bài kệ bốn câu, lắng lòng tu tập, thì dù chỉ tiến tới trong vòng bảy bước, công đức của vị Bồ-tát này cũng đã vượt xa vị Bồ-tát trước rất nhiều, không kể xiết. Nếu có vị Bồ-tát dùng hoa, hương, hương bột11 trong cả đại thiên thế giới, trải trăm ngàn năm, ngày đêm sáu thời cúng dường Như Lai; lại nếu có vị Bồ-tát từ bỏ nơi náo nhiệt12, rất sợ ba cõi, vì lợi ích chúng sinh mà phát tâm tìm nơi an tịnh để ở, thì dù chỉ tiến tới bảy bước, công đức của vị Bồ-tát này cũng đã vượt xa vị Bồ-tát trước rất nhiều, không kể xiết.

18. Tu tập đạo giác ngộ mà tâm không chỗ trụ, gọi đó là Bồ-tát; đã tu tập hoàn tất mọi công hạnh, đạt được trí tuệ viên mãn, gọi đó là Đại Bồ-tát.

 

CHÚ THÍCH

1. Kinh Tạp A Hàm ghi chép: Đức Thế Tôn từng thị hiện bệnh đau lưng. Chư thiên đã hóa làm một người bà-la-môn, dùng sữa, dầu, mật, nước ấm, sai người đem đến chỗ đức Thế Tôn ngự. Tôn giả ưu Bà Ma đã lấy dầu xoa cho đức Thế Tôn, nước ấm thì lau người, còn sữa và mật thì uống, bệnh đau lưng của Ngài liền dứt.

2. Kim cương tức là đá kim cương, là loại khoáng vật kết tinh có 8 hoặc 12 mặt, có độ cứng tối cao trong muôn vật. Thân kim cương là ví dụ cho sự kiên cố của thân Phật, không gì có thể hủy hoại được.

3. Đề Bà Đạt Đa cũng dịch là Điều Đạt, con của Hộc Phạn vương, anh của tôn giả A Nan, em họ của đức Phật. Ông có đến 30 tướng tốt, sau khi xuất gia chuyên học thần thông, tụng đến sáu vạn pháp tạng. Bản địa của ông vốn là một vị Bồ-tát ở địa vị cao. Trong pháp hội Pháp Hoa đức Thế Tôn từng thuật rằng, ở một tiền kiếp, Ngài là một vị quốc vương từ bỏ ngôi vua, còn Đề Bà Đạt Đa lúc đó là một tiên nhân, đã giúp Ngài có đầy đủ tất cả Phật pháp để tu hành cho đến ngày thành Phật.

4. Vì Đề Bà Đạt Đa đã nhiều lần âm mưu hại Phật, cho nên nói là hiện làm kẻ oan gia.

5. Hồi đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa đã từng xúi giục vua A Xà Thế giả vờ thỉnh Phật vào thành, rồi cho thả 500 con voi say ra để giết Phật và chư tăng, để tự mình thuyết pháp. Khi bầy voi say vừa lao đến thì đức Phật liền đưa 5 ngón tay lên, hóa ra 5 con sư tử, hét lớn làm chấn động cả mặt đất. Bầy voi say phải nằm phục, không dám động đậy. Nhà vua và cả thần dân thấy thế rất xúc động, đều xin qui y Tam Bảo. Trong kinh Tạp Bảo Tạng cũng có ghi chép rằng: Có lần đức Phật ở thành Vương-xá, Đề Bà Đạt Đa đã thuê 500 xạ thủ bà-la-môn, núp trong rừng, đợi đức Phật đi ngang qua, liền bắn tên ra để giết Phật; nhưng khi các mũi tên vừa đến người đức Phật thì đều hóa thành hoa sen năm màu. Tất cả xạ thủ bà-la-môn trông thấy thế đều xin xuất gia theo Phật; về sau họ đều chứng quả A-la-hán.

6. Thánh tài tức là tài sản của thánh nhân.

7. Kinh điển đại thừa hàm chứa các pháp môn từ lúc tu nhân cho đến khi chứng quả của hàng Bồ-tát, nên được gọi là “Bồ-tát tạng”. Trong đó có rất nhiều pháp môn, mỗi mỗi đều không giống nhau, cho nên nói là “pháp môn sai biệt”.

8. Nơi a lan nhã tức là nơi lánh xa, nơi nhàn tịnh. Vui thích nơi a lan nhã tức là thích sống nơi tịch tĩnh, xa hẳn những nơi ồn ào náo nhiệt.

9. Xâu các hạt ngọc lại làm vật trang sức để đeo trên người, gọi là “anh lạc”.

10. Kĩ nhạc tức là âm nhạc.

11. “Mạt hương” tức là hương bột.

12. “Hối” nghĩa là tâm bị loạn động. Sự náo nhiệt làm cho tâm bị loạn động, gọi là “hối náo”.

 

PHỤ CHÚ

(01) Tác ý: tên của một loại tâm sở (trong 51 tâm sở). Khi tâm đối cảnh thì nảy sinh sự chú ý, đó là tác dụng của tâm sở “tác ý”.

(02) THỨC và TRÍ đều là cái BIẾT, nhưng có sự khác nhau rất xa giữa hai cái biết ấy. THỨC là cái biết phân biệt, do duyên sinh, có phát sinh và có chấm dứt, có đúng (một cách tương đối) và có sai; cái biết ấy có chừng mực, có phạm vi, nếu vượt quá phạm vi, chừng mực thì không thể biết được. Đó là cái biết của phàm phu. Cái biết ấy không thể thấy rõ được chân tướng như thật của thực tại vạn hữu. TRÍ thì hoàn toàn trái ngược. Đó là cái biết của bậc thánh giác ngộ, vượt khỏi các ý niệm phân biệt, không nằm trong các phạm trù của ý thức, không do duyên sinh nên không có khởi đầu cũng không có chấm dứt; đó là trí tuệ thấy rõ chân tướng như thật của thực tại vạn hữu. Những điều vừa diễn tả về TRÍ chỉ là ngôn từ tạm dùng, thực ra thì không có thứ ngôn thuyết nào của con người có thể diễn đạt về TRÍ, cũng không thể dùng ý thức để suy nghĩ về TRÍ. Kẻ phàm phu, nếu phát tâm tu tập đạo giác ngộ, thì dần dà, với sự cần mẫn tinh tấn, sẽ chuyển được THỨC trở thành TRÍ; tức là chuyển từ thân phận phàm phu sang thân phận thánh nhân.

(03) “Thánh tài” là tài sản của bậc thánh nhân. Hoàn toàn khác với loại tài sản của kẻ phàm phu (như nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn v.v…), các thứ tài sản này có khả năng làm cho người tu hành thành tựu được Phật đạo, cho nên gọi là thánh tài. Tài sản này gồm có 7 thứ: 1) Tín: lòng tin tưởng vững chắc vào chánh pháp; 2) Giới: hành trì giới luật; 3) Văn: chuyên cần học hiểu giáo pháp; 4) Tàm: luôn luôn tự thấy xấu hổ về mình mà không tạo các hành vi xấu ác; 5) Quí: thấy các việc bất thiện tâm liền sinh niệm xấu hổ, xa lánh, không a dua theo, không để bị mê hoặc; 6) Xả: không mê đắm, giữ chặt các của cải vật chất, thường phát tâm bố thí làm lợi ích cho người; 7) Tuệ: thường giữ chánh niệm để thấy rõ chân tướng các pháp.

 

BÀI TẬP

1) Vì sao đức Phật đã thị hiện bệnh đau lưng?

2) a/ Đề Bà Đạt Đa còn được dịch ra tên gì khác? b/ Vì sao thấy được ông ấy là một vị thiện tri thức? c/ Ông ấy thả voi hại Phật, đã có tác dụng như thế nào?

3) Hãy phân biệt tính chất khác nhau giữa thức và trí.

4) Những thứ gì được gọi là thánh tài? Thánh tài của hàng Bồ-tát là những gì?

5) Xuất gia có 10 thứ công đức gì?

6) Đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi về sau thành Phật sẽ có danh hiệu là gì? Thế giới của Ngài tên là gì? Xưng niệm danh hiệu Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Phổ Kiến Phật, niệm danh hiệu nào được phước đức nhiều hơn?

7) Phải như thế nào mới được gọi là sự cúng dường thù thắng nhất?