GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP HAI
Bài 25
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 1)
KINH ĐẠI BẢO TÍCH1(1)
1. Phật bảo Bồ Tát Ca Diếp: Khi cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu thấy mình có chỗ sở đắc thì đó là chấp trước vào tư tưởng. Nếu chấp trước vào tư tưởng, tức là ở ngoài Phật pháp mà khởi lên tư tưởng hữu vi, rồi ở ngoài tư tưởng hữu vi lại khởi lên tư tưởng vô vi; như thế cũng tức là, ở nơi Phật pháp mà mình đã phát sinh chấp trước về tư tưởng, đồng thời cũng khởi lên chấp trước về kiến giải2. Khi đã khởi lên chấp trước về kiến giải, thì ở trong Phật pháp cứ bám chặt không buông bỏ; nên biết rằng, hạng người như thế không thể gọi được là đang hướng đến Phật đạo Vô thượng. Vì sao thế? Vì hạng người ấy đối với Phật pháp đã khởi niệm chấp ngã mà tu tập; mà đã như thế thì cứ mãi mãi dính cứng với ngã chấp, không bao giờ buông bỏ được!
2. Tất cả mọi tư tưởng đều không nên sinh khởi, bởi vì mọi tư tưởng đều không thể nắm bắt được.
3. Tất cả các pháp không có phân biệt, biết rõ phân biệt là tánh như thật. Tất cả các pháp đều không có chỗ trụ, cũng không thể thấy, không có tánh dị biệt; cho nên tất cả các pháp đều không trụ, cũng không nương dựa, chỉ do cái tên tạm đặt ra mà gọi là có vậy thôi. Tất cả các pháp đều là không tịch, không có tự tánh riêng biệt, không trụ mà trụ; vì vậy mà chúng không có trụ xứ. Trụ xứ đã không có thì cũng không cùng tận, không diệt mất, không biến đổi; Như Lai chỉ dùng những tên khác nhau để diễn đạt, đó là mật ý, hãy nên hiểu rõ, chẳng nên chấp trước vào những gì được gọi là thiện hay bất thiện.
4. Như Lai nói tất cả các pháp, bản tánh của chúng không phải một, không phải khác; vì các pháp không có tánh một, không có tánh khác, cho nên các pháp ấy tuy sinh mà không phải thật sinh, tuy hiện hữu mà không phải thật hiện hữu. Nói như vậy thì bản tánh các pháp cũng là không; các pháp đã là không thì cũng tức là không có tướng; đã không có tướng thì cũng tức là không có gì để mong cầu. Nếu các pháp đã là không có tự tánh, không có tướng trạng, không có mong cầu thì tức là không thể hiểu biết, lại không thể hiểu biết cùng khắp; vậy không thể nói các pháp là có hay không có. Nếu phải nói có nói không, đó chỉ là ngôn từ giả tạm, không nên để bị dính mắc vào thứ ngôn từ giả tạm ấy. Vì sao vậy? Như Lai thường nói: Người không chấp trước vào các pháp là người chân chính hơn cả mọi người trong thế gian3. Nếu người có chấp trước, thì những chấp trước như thế cũng tất cả đều không, là pháp hư hoại, chỉ là hư vọng, phân biệt chấp trước cũng chỉ là hí luận mà thôi.
5. Nếu nhờ vào ngôn thuyết mà thấy được bản tánh tự tánh của các pháp, đó chỉ là điều không tưởng. Ở trong các pháp không có một pháp mảy may nào là bản tánh tự tánh của các pháp. Tất cả các pháp, bản tánh là không, tự tánh chính là vô tánh; đã là không và vô tánh thì tất cả các pháp chỉ có cùng chung một tướng, đó là tướng không. Vì là tướng không cho nên các pháp vốn thanh tịnh, không phải do nhiễm hoặc tịnh cấu thành, không hề sinh khởi, không có trụ xứ. Nhưng mọi người ở thế gian, vì mê muội cho nên không thể thấy rõ các pháp vốn là thanh tịnh.
6. Nên biết rằng, cái tướng chân thật của các pháp là không đến, không đi, không phân chia, không đoạn dứt, không phải tánh một, không phải tánh khác; nó đạt đến cảnh giới tịch tịnh thường nhiên4 của tất cả các pháp. Không có bất cứ một pháp mảy may nào mà không tịch tịnh thường nhiên; đạt đến cảnh giới tịch tịnh thường nhiên, đó là niết bàn. Tất cả các pháp đều là thật tướng niết bàn, cho nên không thể tuyên thuyết, chỉ vì tùy thuận thế tục mà nói là trung đạo; như vậy, trung đạo chính là con đường hướng đến đại niết bàn. Nhưng rốt ráo thì cũng không có niết bàn là nơi hướng đến. Nếu có niết bàn là nơi hướng đến thì ở nơi các pháp tất cũng có đến có đi. Tất cả các pháp, tánh đều bình đẳng, cho nên niết bàn gọi là không có nơi đến.
7. Phật bảo Bồ-tát Vô Biên Thắng: Các vị Bồ-tát không có một pháp mảy may nào có thể nắm bắt, có thể an trú; hoặc ra, hoặc vào, các vị ấy khéo léo biết an trú nơi lí thú(2) của các pháp mà không bao giờ dao động. An trú nơi lí thú của các pháp tức là thấy tất cả các pháp mà không khởi niệm phân biệt, cũng không bị dao động; như thế tức là các vị ấy đã tương ưng với điều gọi là “như chân lí mà an trú”, tương ưng với sự không dao động, tương ưng với sự không chấp thủ.
8. Phật bảo đồng tử Tinh Tấn Hạnh: Lòng TỪ chính là kẻ hướng đạo trọng yếu nhất trong giáo pháp đại thừa, hàm nhiếp hết tất cả các thừa, tích tụ vô lượng phước đức. Công lực của tâm từ thiện, tất cả các phước nghiệp “hữu y”5 đều không thể sánh kịp.
CHÚ THÍCH
1. “Đại” nghĩa là tuyên thuyết giáo lí đại thừa; “Bảo” nghĩa là thánh tài sung mãn; “Tích” nghĩa là hàm nhiếp tất cả các pháp môn. Toàn bộ kinh gồm có 49 hội, do Tam Tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường.
2. “Khởi giải chấp” nghĩa là sinh khởi tâm chấp trước về kiến giải.
3. “Thắng nghĩa” tức là hơn hết mọi người thế tục.
4. Tiếng Phạn “ba-la”, dịch là “bỉ ngạn”; “thử ngạn” là chỉ cho cảnh giới sinh diệt, “bỉ ngạn” là chỉ cảnh giới niết bàn bất sinh bất diệt. Tất cả pháp và pháp tướng đều có sinh có diệt, pháp tánh thì không sinh không diệt, tịch nhiên thường trụ; đó là cảnh giới rốt ráo, tối thượng, tương ưng với niết bàn, cho nên gọi là “nhất thiết pháp đệ nhất bỉ ngạn”.
5. “Hữu y” là chỉ cho các pháp nương nơi nhân duyên mà sinh khởi.
PHỤ CHÚ
(01) Kinh Đại Bảo Tích (hay Bảo Tích) gồm có 49 hội, 120 quyển, do ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, bộ kinh Đại Bảo Tích gồm có hai phần, một phần gọi là “tân dịch” (gồm 26 hội, 39 quyển) là do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường; còn phần kia gọi là “cựu dịch” (gồm 23 hội, 81 quyển), do nhiều vị dịch sư khác đã dịch từ trước trong các đời Ngụy, Tấn, Nam-Bắc-triều v.v… Như vậy, bộ kinh này là một tập hợp của 49 kinh; tuy nhiên, về hình thức, hai phần tân và cựu dịch ấy không phải đã được sắp xếp riêng biệt, mà các hội ấy xen kẽ nhau. Cũng theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, nguyên bản Phạn văn của toàn bộ kinh Đại Bảo Tích gồm 49 hội (tức 49 kinh) đã được pháp sư Huyền Trang mang về từ Ấn-độ. Tháng Giêng năm Trinh-quán thứ 19 (năm 645 TL), ngài đã từ Ấn-độ về đến Trường-an, được vua Đường Thái-tông mời cư trú tại chùa Hoằng-phúc. Tại đây ngài đã lập đạo tràng phiên dịch đầu tiên. Tháng Năm năm ấy thì công việc dịch kinh bắt đầu, và bộ kinh đầu tiên đã được ngài Huyền Trang dịch chính là kinh Đại Bồ Tát Tạng (tức hội 12 của bộ kinh Đại Bảo Tích này), gồm có 20 quyển. Rồi 19 năm sau (năm 663), ở chùa Ngọc-hoa (vốn là cung Ngọchoa), sau khi phiên dịch hoàn tất bộ kinh Đại Bát Nhã, chư tăng đã thành khẩn xin ngài dịch tiếp bộ kinh Đại Bảo Tích; vì thương xót tâm thành của đại chúng, ngài đã mở bộ kinh nguyên bản Phạn văn ra, nhưng lúc đó đã sức cùng lực kiệt, ngài chỉ gắng gượng dịch được một ít, rồi thì buông bút, không thể tiếp tục công việc được nữa. Ngài đành cho đem bộ kinh cất lại vào kho, từ đó dứt tuyệt việc cầm bút, chỉ chuyên việc tu trì, cho đến ngày viên tịch.
Năm 706, ngài Bồ Đề Lưu Chí (người Nam Ấn-độ, đến Trung-quốc từ năm 693 đời nữ hoàng Võ Tắc Thiên, được mời ở chùa Phật-thọ-kí tại Đông đô Lạc-dương để tùng sự dịch kinh) theo vua Đường Trungtông (705-710) từ Đông-đô (Lạc-dương) trở về Tây-đô (Trường-an), cư trú tại chùa Sùng-phúc. Tại đây, nhà vua đã thỉnh cầu ngài tiếp tục công việc bỏ dở của pháp sư Huyền Trang, phiên dịch bộ kinh Đại Bảo Tích. Vâng mệnh vua, ngài Bồ Đề Lưu Chí cho đem bộ kinh nguyên bản Phạn văn từ chùa Ngọc-hoa sang chùa Sùng-phúc. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, trước khi ngài Huyền Trang mang toàn bộ nguyên bản Phạn văn của bộ kinh Đại Bảo Tích từ Ấn-độ đem về, thì ở Trung-quốc đã có các bản kinh lẻ tẻ (thuộc bộ kinh ấy) được truyền nhập và đã được dịch rải rác qua các thời đại Hậu-Hán, Tam-quốc, Tấn, Nam-Bắc-triều v.v… Bởi vậy, công việc đầu tiên là ngài cho sưu tập các bản kinh đã dịch ấy (cựu dịch), lựa riêng ra các bản “đơn dịch” (chỉ có một bản dịch cho một nguyên bản) rồi xem xét, đánh giá, sau đó chọn lấy các bản dịch hoàn hảo để làm thành một phần của bộ kinh Đại Bửu Tích, ví dụ: Hội 4, Tịnh Cư Thiên Tử, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch; Hội 8, Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt, ngài Mạn Đà La Tiên đời Lương dịch; Hội 17, Phú Lâu Na, ngài Cưu Ma La Thập đời Hậu-Tần dịch; v.v…, loại này gồm có 8 hội (tức các hội 4, 8, 14, 17, 23, 26, 41, và 44).
Thứ đến ngài xem xét, đánh giá các bản “trùng dịch” (nhiều bản dịch khác nhau của cùng một nguyên bản) trong nhóm cựu dịch, chọn lấy bản hoàn hảo nhất của mỗi hội để làm thành một phần khác của bộ kinh Đại Bảo Tích, ví dụ: Hội 3, Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ, do ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch, được chọn (sau đó, ngài Pháp Hộ đời Bắc-Tống cũng dịch kinh này với tên “Như Lai Bất Tư Nghị Bí Mật Đại Thừa Kinh”, nhưng không được chọn); Hội 9, Đại Thừa Thập Pháp, do ngài Phật Đà Phiến
Đa đời Bắc-Ngụy dịch, được chọn (sau đó, ngài Tăng Già Bà La đời Lương cũng dịch kinh này với tên “Đại Thừa Thập Pháp Kinh”, nhưng không được chọn); Hội 38, Đại Thừa Phương Tiện, do ngài Trúc Nan Đề đời Đông-Tấn dịch, được chọn (trước đó, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn đã dịch kinh này với tên “Tuệ Thượng ồ Tát Vấn Đại Thiện Quyền Kinh”, và sau đó, ngài Thi Hộ đời Bắc-Tống cũng dịch kinh này với tên “Đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện Kinh”, đều không được chọn); v.v…, loại này gồm có 15 hội (tức các hội 3, 9, 12, 15, 16, 18, 19, 32, 33, 36, 38, 39, 43, 46, và 47). Cả hai loại trên gồm có 23 hội, làm thành phần “cựu dịch” của bộ kinh Đại Bảo Tích.
Kế tiếp, cũng từ trong số các bản kinh đã dịch cũ ấy, bản nào thấy không hài lòng thì chính ngài dịch mới lại, ví dụ: Hội 1, Tam Luật Nghi, trước đây ngài Đàm Vô Sấm đời Bắc-Lương đã dịch với tên “Đại Phương Quảng Tam Giới Kinh”, nay ngài dịch mới lại; Hội 5, Vô Lượng Thọ Như Lai, trước đây ngài Chi Lâu Ca Sấm đời Hậu-Hán đã dịch với tên “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, rồi ngài Khương Tăng Khải đời Tào- Ngụy cũng đã dịch với tên “Vô Lượng Thọ Kinh”, đồng thời ngài Chi Khiêm ở đời Ngô cũng dịch với tên “A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh”, tiếp đó ngài Pháp Hiền đời Bắc-Tống cũng lại dịch với tên “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh”, nay ngài dịch mới lại; Hội 42, Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn, trước kia ngài An Thế Cao đời Hậu-Hán đã dịch với tên “Đại Thừa Phương Quảng Yếu Tuệ Kinh”, tiếp đó ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn cũng đã dịch với tên “Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Bản Nguyện Kinh”, nay ngài dịch mới lại; v.v…. loại này gồm có 18 hội (tức các Hội 1, 5, 6, 10, 13, 21, 24, 25, 27, 28, 29, 30, 35, 37, 42, 45, 48, và 49). Thực ra, 18 hội này cũng thuộc về loại “trùng dịch”, nhưng vì do chính ngài dịch lại, hơn nữa, để phân biệt với nhóm “cựu dịch” trên kia, những hội này đã được xếp chung vào nhóm “tân dịch” (tức là do chính ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch).
Sau hết, 8 hội còn lại (tức các hội 2, 7, 11, 20, 22, 31, 34, và 40) là do ngài mới dịch lần đầu tiên. Cả hai loại sau (do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch lại và mới dịch lần đầu) gồm có 23 hội, làm thành phần “tân dịch” của bộ kinh Đại Bảo Tích.
Công việc này đã được khởi sự từ năm 706 (đời vua Trung-tông), đến năm 713 (đời vua Huyền-tông) thì hoàn mãn. Từ sau khi dịch xong bộ kinh Đại Bảo Tích này, ngài Bồ Đề Lưu Chí cũng chấm dứt sự nghiệp phiên dịch của mình, chuyên tập thiền quán, sớm tối trì tụng, kinh hành, trưởng dưỡng bồ đề tâm; cho đến năm 727 thì ngài viên tịch, thế thọ 156 tuổi.
Bộ kinh Đại Bảo Tích được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 11, mang số 310; có ghi rõ tên vị dịch sư của từng kinh (hội), như: Hội 1, Tam Luật Nghi (quyển 1-3), Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch; Hội 4, Tịnh Cư Thiên Tử (tức Bồ Tát Thuyết Mộng Kinh, 2 quyển, 15-16), Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch; Hội 12, Bồ Tát Tạng (tức Đại Bồ Tát Tạng Kinh, 20 quyển, 35-54), Huyền Trang đời Đường dịch; Hội 19, Úc Già Trưởng Giả (tức Úc Già Trưởng Giả Sở Vấn Kinh, quyển 82), Khương Tăng Khải đời Tào-Ngụy dịch; v.v…
Về nội dung, kinh Đại Bảo Tích chứa đựng đủ các pháp môn chủ yếu của giáo pháp đại thừa, phạm vi thật là rộng rãi. Kinh gồm 49 hội, mà mỗi hội là một bộ kinh, với một chủ đề riêng. Ví dụ: Hội 3, Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ (tức Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Kinh, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch), xiển dương giáo nghĩa Mật giáo; Hội 5, Vô Lượng Thọ Như Lai (ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch), tuyên thuyết về tín ngưỡng Di Đà Tịnh Độ; Hội 46, Văn Thù Thuyết Bát Nhã (tức Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, ngài Mạn Đà La Tiên đời Lương dịch), nêu lên tư tưởng bát nhã tánh không; v.v… Mặt khác, cả 49 hội đó cũng thuộc nhiều bộ loại khác nhau, như: Hội 1 (Tam Luật Nghi) và Hội 23 (Ma Ha Ca Diếp) thuộc về Luật bộ; Hội 14 (Phật Thuyết Nhập Thai Tạng) thuộc Tiểu Thừa bộ; Hội 46 (Văn Thù Thuyết Bát Nhã) thuộc Bát Nhã bộ; Hội 47 (Bảo Kết Bồ Tát) thuộc Đại Tập bộ; v.v… Bởi vậy, nếu xét về toàn thể thì kinh Đại Bảo Tích không có một nội dung nhất quán.
Bộ kinh này đã được hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt văn với tên “Kinh Đại Bảo Tích”, gồm có 9 tập, in lần đầu tiên từ năm 1987, đến năm 1989 thì xong; và in lần thứ nhì từ năm 1993, đến năm 1999 thì xong. Đặc biệt, bản dịch Việt ngữ này, ngoài 49 hội của bộ kinh Đại Bảo Tích Hán văn, hòa thượng dịch giả còn sưu tầm trong Đại Tạng để dịch thêm 13 hội nữa, thành ra, bộ kinh Đại Bảo Tích, bản Việt dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh có đến 62 hội. Về điều này, chính hòa thượng dịch giả đã cho biết: “Nội dung bộ Đại Bửu Tích Hán văn đến pháp hội Quảng Bác Tiên Nhơn là hết, nhưng hết với nửa chừng. Trong bộ Việt văn nầy, tôi sưu tầm trong Đại tạng, bổ sung phần cuối trọn vẹn cho pháp hội nầy. Và cũng từ Đại tạng tôi dịch thêm pháp hội Diệu Cát Tường Bồ Tát. Tiếp theo đó, nếu các pháp hữu thấy pháp hội nào có câu đức Phật ngự tại giữa khoảng cõi Dục và cõi Sắc trong Đại Bửu Phường Đình thì đó chính là kinh Đại Tập. Cũng từ trong Đại Tạng, tôi phiên dịch thêm pháp hội Vô Tận Ý Bồ Tát nối sau bộ kinh Đại Tập Hán văn đã lưu hành và để kết thúc toàn bộ kinh Đại Bửu Tích Việt văn, tôi đặt pháp hội Quán Vô Lượng Thọ Phật.” (Kinh Đại Bảo Tích, tập 9, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, bản in năm 1999, trang 809.)
(02) Lí thú: Chữ “lí” tức là chân lí, diệu lí; chữ “thú” nghĩa là đến nơi. Từ “lí thú” ở đây có nghĩa là đạt đến tận cùng diệu lí; hơi khác ý nghĩa của từ “lí thú” (tức là thú vị) thường dùng.
BÀI TẬP
1) Khi khởi niệm chấp trước về kiến giải thì không gọi là hướng tới Phật đạo vô thượng, vì sao vậy?
2) “Thắng nghĩa” nghĩa là gì?
3) Các pháp là không, là không có tự tánh, tức là thành một tướng; một tướng đó là tướng gì?
4) Cái tướng chân thật của các pháp, hình trạng của nó như thế nào?
5) Hãy giải thích thế nào là “nhất thiết pháp đệ nhất bỉ ngạn”. 6) Cái gì được coi là kẻ hướng đạo trọng yếu nhất trong giáo pháp đại thừa?