GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 25
TÔNG CHÂN NGÔN (phần 3)
VIII. SÁU ĐẠI DUYÊN KHỞI
Sáu nguyên tố đất, nước, lửa, gió, hư không và thức, thể tánh của chúng thật rộng lớn, biến khắp cùng pháp giới, cho nên gọi là “sáu đại”. Từ thân tâm của các loài hữu tình, cho đến núi sông khí vật vô tình, hễ có tính cứng chắc đều thuộc địa đại; có tính ẩm ướt lưu nhuận đều thuộc thủy đại; có tính nóng sáng đều thuộc hỏa đại; có tính chuyển động đều thuộc phong đại; có tính gián cách đều thuộc không đại; có tính tri giác đều thuộc thức đại. Năm đại trước là sắc pháp; một đại sau là tâm pháp. Sáu đại này là bản thể của tất cả pháp, có công năng tạo ra tất cả chư Phật, cho đến căn thân và khí giới của tất cả chúng sinh; cho nên tông Chân Ngôn đối với vũ trụ vạn hữu, đã thành lập giáo nghĩa “sáu đại duyên khởi”. Sáu đại vốn có đầy đủ trong bản tánh của chúng sinh, vắng lặng thì qui về thể chân thường, khởi động thì làm nguồn cội của các tướng; cho nên tất cả pháp đều không rời sáu đại.
IX. BA LOẠI THÀNH PHẬT
Ba loại thành Phật, đó là: một, lí cụ thành Phật; hai, gia trì thành Phật; ba, hiển đắc thành Phật. Tông này khai thị giáo nghĩa “tức thân thành Phật”, nghĩa là tất cả chúng sinh, thân hay động tác, thuộc về 5 đại trước, là lí thể của Thai-tạng-giới; tâm hay suy nghĩ, thuộc về thức đại, là trí đức của Kim-cang-giới. Ngoài hai bộ thân tâm này thì không có thể tánh bản giác, cho nên lí trí chư Phật vốn có đầy đủ trọn vẹn trong thân phàm phu, cùng với Đại Nhật Như Lai tương đồng, đó gọi là “lí cụ thành Phật”. Chúng sinh vốn đã có đủ công đức bản giác, lại tu tập hạnh ba mật gia trì, khiến cho cái thân do cha mẹ sinh này, cùng với Phật không khác, đó gọi là “gia trì thành Phật”. Y theo ba mật tu hành, chứng nhập tất địa1 vô thượng, hiển hiện muôn đức của pháp tánh, đó gọi là “hiển đắc thành Phật”.
Ba loại thành Phật ấy có thể chia thành hai môn bản hữu và tu sinh2. Như trên vừa nói, lí cụ thành Phật, nghĩa là cái lí thể vốn có đầy đủ nơi chúng sinh, nguyên cùng với chư Phật tương đồng, đây là thuộc về “bản hữu môn”. Còn gia trì thành Phật và hiển đắc thành Phật thì có nghĩa, chúng sinh vốn có đủ lí thể, nhưng phải nhờ vào công gia trì của ba mật mới có thể phát lộ rõ ràng cái bí tạng ngay nơi thân vốn có đủ, mà đạt được trí đức của Như Lai, đây là thuộc về “tu sinh môn”. Bản hữu môn được chân đế hàm nhiếp, hễ phát tâm tức thì đạt đến, không phải trải qua các giai vị; tu sinh môn được tục đế hàm nhiếp, phải giả lập các giai vị, theo thứ tự mà tu chứng.
X. MƯỜI TRỤ TÂM
Cách phán giáo của tông này, phân làm 10 trụ tâm(1) để phân biệt. Danh mục của chúng được ghi trong phẩm “Thập Tâm” của kinh Đại Nhật.
1. Dị sinh3 đê dương tâm. “Đê dương” tức là con dê đực, tính thấp kém, trừ việc ăn uống và dâm dục ra thì không còn biết việc gì khác. Đây là ví dụ cho người ác tạo các nghiệp sát đạo dâm, và kẻ phàm phu ngu si ám muội, mọi suy nghĩ và hành vi cứ như mơ mơ màng màng, giống như con dê đực vậy.
2. Ngu đồng trì trai tâm. Đây là dụ cho người thiện ở thế gian, tuy không làm ác, cũng biết ăn chay làm lành, tu 5 giới, 8 đức4v.V…, nhưng chỉ là những việc thiện thuộc thế gian, chỉ hưởng được phước báo của trời, người, không thể thoát khỏi ba cõi, giống như đứa trẻ ngô nghê trì trai mà thôi.
3. Anh đồng vô úy tâm. Em bé ở trong lòng mẹ thì được yên ổn, không sợ sệt. Đây là ví dụ các tiên nhân ngoại đạo, cầu sinh lên các cõi trời, mà không lo lắng vào một lúc nào đó phước đức hết lại bị đọa lạc; giống như đứa bé được mẹ bế trong lòng, chỉ được an vui tạm thời mà không sợ sệt gì, cho đó là đầy đủ. Ba trụ tâm ở trên là trụ tâm phàm phu thế gian.
4. Duy uẩn vô ngã tâm. Các hành giả Thanh-văn thừa cho rằng pháp 5 uẩn là thường hằng khắp ba đời, mà ngã thì không. Như thế là họ công nhận thuyết “nhân không pháp hữu”, cho nên gọi là “duy uẩn vô ngã”.
5. Bạt nghiệp nhân chủng tâm. Các hành động thiện ác gọi là “nghiệp”; 12 nhân duyên gọi là “nhân”; vô minh là gốc rễ của tất cả phiền não, như hoa, cây do hạt giống mà nẩy sinh, gọi là “chủng”. Các hành giả Duyên-giác thừa nhổ bỏ cả 3 pháp là các nghiệp thiện ác, 12 nhân duyên và vô minh, nhập niết bàn, cho nên gọi là “bạt nghiệp nhân chủng”.
Hai trụ tâm trên là trụ tâm Nhị-thừa xuất thế gian.
6. Tha duyên đại thừa tâm. “Tha duyên” tức là không duyên5. Hàng Bồ-tát đại thừa hiểu rõ ba cõi chỉ là tâm, ngoài tâm không có pháp, ở ngoại cảnh hoàn toàn không có cái sở duyên, gọi là “không duyên”. Theo cái tâm không duyên này mà cứu độ chúng sinh, khiến cho họ ngay nơi tính “y tha khởi” mà chứng nhập tính “viên thành thật”, cho nên gọi là “tha duyên đại thừa”; tương đương với giáo pháp của tông Pháp Tướng.
7. Giác tâm bất sinh tâm. Bồ-tát đại thừa, cái tánh của tâm giác ngộ là không sinh không diệt, không mê không giác, xưa nay không tịch, tương ưng với thật tướng các pháp, cho nên gọi là “giác tâm bất sinh”; tương đương với giáo pháp của tông Tam Luận.
8. Nhất đạo vô vi tâm. Trụ tâm này cũng được gọi là “như thật nhất đạo tâm”, tức là đạo lí xưa nay vốn thanh tịnh. Đạo lí này không có hai, không có ba, cho nên gọi là “nhất đạo”. Bồ-tát đại thừa chứng cái tâm tự biết, tự nó vốn vô vi, tự nó vốn thanh tịnh, khế hợp với thật tướng chân như, liễu ngộ ba đế viên dung, đều qui về một lối, cho nên gọi là “nhất đạo vô vi”; tương đương với giáo pháp của tông Thiên Thai.
9. Cực vô tự tánh tâm. Đạo lí đạt đến chỗ thật triệt để, cùng cực rốt ráo, gọi là “cực”. Bồ-tát đại thừa biết rõ chân như duyên khởi ra vạn pháp; vạn pháp được sinh khởi ấy cũng đồng với chân như, không có tự tánh, cho nên tức là nhau, ở trong nhau, sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận; dài ngắn xen nhau thông suốt, mỗi mỗi đều duyên khởi cái duyên khởi của nó, cho nên gọi là “cực vô tự tánh”; tương đương với giáo pháp tông Hoa Nghiêm. Bốn trụ tâm trên là trụ tâm đại thừa xuất thế gian.
10. Bí mật trang nghiêm tâm. Đó là quả vị chứng đắc của Như Lai, là cảnh giới trang nghiêm mà bí mật, chúng sinh trong 9 pháp giới(2) không thể biết được, chỉ có Phật với Phật mới có thể rõ suốt rốt ráo, cho nên gọi là “bí mật trang nghiêm”. Đây chính là trụ tâm của Phật.
CHÚ THÍCH
1. Do ba mật tương ưng mà thành tựu diệu quả, tiếng Phạn gọi đó là “tất địa”. Vậy, “tất địa” có nghĩa là thành tựu.
2. Do tu hành mà sinh ra, không phải tự nhiên có, cho nên gọi là “tu sinh”.
3. Dị sinh là tên gọi khác của phàm phu. Phàm phu luân hồi trong 6 đường, thọ rất nhiều quả báo khác biệt mà sinh, cho nên gọi là “dị sinh”.
4. 8 đức là: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. 05. Không có quan hệ ràng buộc, không có tâm thức phan duyên, gọi là “không duyên”.
PHỤ CHÚ
1. Mười trụ tâm (thập trụ tâm): Từ “trụ tâm” ở đây có nghĩa là trạng thái của tâm. Tông Chân Ngôn Nhật-bản đối với quá trình phát bồ đề tâm của chúng sinh, đã đem sự phát triển của ý thức tôn giáo phân loại có 10 trạng thái, gọi là “10 trụ tâm”; do đại sư Không Hải căn cứ vào kinh Đại Nhật và Bồ Đề Tâm Luận khởi sáng.
2. 9 pháp giới: tức 9 cảnh giới Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Bàng-sinh, A-tu-la, Nhân, Thiên, Thanh-văn, Duyên-giác, và Bồ-tát.
BÀI TẬP
1) Sáu đại là gì? Tông Chân Ngôn thành lập pháp duyên khởi gì? 2) Ba loại thành Phật là gì?
2) Trong ba loại thành Phật, loại nào thuộc bản hữu môn? Loại nào thuộc tu sinh môn?
3) Hãy giải thích: dị sinh đê dương tâm; bạt nghiệp nhân chủng tâm.
4) Trong 10 trụ tâm, trụ tâm nào tương đương với giáo pháp tông Pháp Tướng? Trụ tâm nào tương đương với giáo pháp tông Tam Luận? Trụ tâm nào tương đương với giáo pháp tông Thiên Thai? Trụ tâm nào tương đương với giáo pháp tông Hoa Nghiêm?
5) “Bí mật trang nghiêm” là cảnh giới chứng đắc của loại người nào? Hãy giải thích danh xưng ấy.